Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine liệu có thể kết thúc như chiến tranh Việt Nam ?

nixon1

Các tân binh Nga ở vùng Donetsk, Ukraine, tháng 10/2022 - Alexander Ermochenko / Reuters

Đứng trước những thất bại quân sự gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản ứng lại bằng thái độ thách thức. Sau những thành công của quân đội Ukraine vào mùa thu này, Putin đã ra lệnh động viên khẩn cấp vài trăm nghìn quân, tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả ở những khu vực bị chiếm đóng để chính thức sáp nhập chúng vào Nga, liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và phát động một đợt tấn công tên lửa trên khắp Ukraine. Nhiều người cho rằng hành vi này là do đặc điểm đáng sợ chỉ có ở Putin và chế độ của ông ta, đồng thời cho rằng phương Tây nên buộc Ukraine nhượng bộ, kẻo cuộc chiến sẽ leo thang đến những cấp độ chết chóc và hủy diệt mới.

Quyết định đó sẽ là một sai lầm. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nỗ lực của Moscow đã bị cản trở bởi sự thiếu hiểu biết, tự tin thái quá, và khả năng lập kế hoạch kém cỏi. Những vấn đề đó chắc chắn không chỉ có ở Nga, chúng đã xuất hiện trong nhiều chiến dịch can thiệp của Mỹ. Giờ đây Moscow đã rơi vào khó khăn, và sự tức giận của Điện Kremlin khi phải đối mặt với thất bại đã gợi nhớ về cách chính quyền Nixon tiếp cận Chiến tranh Việt Nam nửa thế kỷ trước. Lúc ấy, các vụ ném bom, bắn phá, và luận điệu hạt nhân đều không hiệu quả. Cuối cùng, Washington buộc phải chấp nhận thực tế và rút khỏi xung đột. Ngày nay, Moscow cũng có thể làm vậy.

Bất chấp những vấn đề mà ông ta đang phải đối mặt, dường như Putin vẫn nghĩ rằng nếu mình có thể cầm cự đến mùa đông thì mọi chuyện sẽ ổn. Những tân binh của ông sẽ có thể giành lại thế thượng phong, tốc độ của các hoạt động quân sự sẽ chậm lại, những lời đe dọa leo thang của ông sẽ khiến mọi người sợ hãi, và sự phản đối của phương Tây đối với cuộc chiến sẽ gia tăng khi giá năng lượng và lạm phát lên cao. Ông hy vọng tất cả những điều này sẽ tạo tiền đề cho một xung đột ‘đóng băng vĩnh viễn,’ hoặc một thỏa thuận đủ tốt để cho phép ông tuyên bố giành chiến thắng.

Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ thất bại, miễn là Washington và Châu Âu kiên trì chống lại hành động bắt nạt của Nga, và duy trì lợi thế quân sự của Ukraine trên chiến trường. Các chiến dịch tấn công dồn dập có thể đẩy lùi lực lượng phòng thủ của Nga và buộc Moscow phải chấp nhận phương án ít tệ nhất đối với họ – một thỏa thuận thương lượng nhằm khôi phục nguyên trạng lãnh thổ vào ngày 24/02. Một khi người Nga chấp nhận thực tế đó và chịu ngồi xuống đàm phán, Washington nên làm việc với Kyiv và Châu Âu để đạt được thỏa thuận và kết thúc giao tranh.

Trở lại mùa hè 1969

Giống như một ván cờ vua, chiến tranh cũng có ba giai đoạn : khai cuộc, trung cuộc, và tàn cuộc. Trong giai đoạn đầu tiên, các bên bắt đầu giao chiến và triển khai lực lượng. Trong giai đoạn thứ hai, họ tích cực chiến đấu. Và trong giai đoạn thứ ba, họ thỏa thuận các chi tiết của kết quả sau cùng. Sự chuyển giao sang giai đoạn cuối của một cuộc chiến không phải là một sự kiện quân sự hay chính trị, mà là một sự kiện tâm lý. Đó là khi các bên tham chiến nhận ra rằng xung đột đã rơi vào bế tắc, hoặc đi theo một hướng nào đó không thể đảo ngược. Sự thừa nhận này luôn là điều khó khăn đối với kẻ thua cuộc. Họ phải từ bỏ hy vọng chiến thắng, và trải qua "năm giai đoạn đau buồn" nổi tiếng của bác sĩ tâm lý Elisabeth Kübler-Ross : chối bỏ, phẫn nộ, thỏa thuận, chán nản, và chấp nhận.

Chúng ta đang chứng kiến Điện Kremlin trải qua điều này trong thời gian thực, khi những thành công quân sự của Ukraine đưa cuộc chiến đi gần đến hồi kết. Ví dụ, luận điệu hạt nhân của Moscow vừa là một hình thức phẫn nộ dữ dội, vừa là một hình thức thỏa thuận, mặc cả ngầm. Tuy nhiên, dù chính sách bên miệng hố chiến tranh này có tàn bạo đến mức nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không nhất thiết phải gán nó với một cá nhân có tâm lý bất ổn, hoặc với một quốc gia cụ thể. Người Mỹ đã hành xử tương tự khi đứng trước nguy cơ thất bại ở Việt Nam, cho đến khi họ tự thoát khỏi vũng lầy của mình – nhiều khả năng Nga cũng sẽ như vậy, nếu họ chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn.

Năm 1965, chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson đã tăng cường sự can dự của Mỹ vào Việt Nam để cứu đồng minh Việt Nam Cộng hòa khỏi thất bại. Họ tin rằng việc dần dần tăng cường không kích và tấn công trên bộ sẽ thuyết phục Bắc Việt từ bỏ nỗ lực thống nhất đất nước, và cho phép chế độ Sài Gòn tiếp tục tồn tại. Nhưng những người Cộng sản đã từ chối nhượng bộ, chứng minh rằng họ kiên cường và tài năng hơn nhiều so với mong đợi, trong khi đó, Washington lại chẳng có Kế hoạch B nào. Năm 1968, dù không muốn rút lui nhưng nhận ra rằng người Mỹ không muốn leo thang hơn nữa, Johnson thất vọng tuyên bố sẽ không tái tranh cử, giới hạn việc triển khai lực lượng Mỹ, hạn chế ném bom ở miền Bắc, và chuyển vấn đề cho người kế nhiệm.

Richard Nixon đến Phòng Bầu dục vào tháng 01/1969, cam kết thực hiện cùng một mục tiêu như người tiền nhiệm của ông – một thỏa thuận thương lượng đảm bảo rằng Nam Việt Nam sẽ nguyên vẹn và an toàn – nhưng biết rằng người Mỹ đang dần mất kiên nhẫn với cuộc chiến. Vì vậy, ông và cố vấn an ninh quốc gia của mình, Henry Kissinger, quyết định tìm cách đưa Hà Nội vào bàn đàm phán bằng cách dùng "cây gậy và củ cà rốt". Như lời Chánh văn phòng Nhà Trắng H.R. Haldeman, Nixon muốn kết hợp lời đe dọa sử dụng vũ lực tàn bạo với lời hứa viện trợ mạnh tay :

Với sự kết hợp giữa một lời cảnh báo mạnh mẽ cộng với sự hào phóng chưa từng có, ông chắc chắn rằng mình có thể buộc Bắc Việt cuối cùng chịu tham gia các cuộc đàm phán hòa bình chính thức.

Sự đe dọa chính là chìa khóa, và Nixon đã đặt một cái tên cho lý thuyết của mình… Ông nói, "Tôi gọi nó là Thuyết Gã Điên. Tôi muốn Bắc Việt tin rằng tôi đã đến mức có thể làm bất cứ điều gì để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta nói với họ rằng, các ông biết là Nixon bị ám ảnh bởi Chủ nghĩa Cộng sản. Chúng tôi không thể kiềm chế ông ta khi ông ta tức giận – và ông ta đã đặt tay vào nút bấm hạt nhân – và đích thân Hồ Chí Minh sẽ đến Paris trong hai ngày nữa để cầu xin hòa bình".

Lập luận này cho rằng những nỗ lực ép buộc trước đây của Mỹ không có kết quả bởi vì chúng đã không được coi trọng. Nhưng đội ngũ mới của Nhà Trắng có thể khiến đối thủ phải khuất phục bằng cách thể hiện sự cứng rắn của mình. Kissinger yêu cầu các nhân viên lên kế hoạch cho một "đòn trừng phạt dã man" chống lại kẻ thù, nói rằng, "Tôi không tin rằng một đất nước hạng tư như Bắc Việt lại không có ngưỡng chịu đựng". Mùa xuân năm 1969, Nhà Trắng cho phép các chiến dịch ném bom chưa từng có tiền lệ nhắm vào các khu vực do Cộng sản kiểm soát ở Lào và Campuchia. Sang mùa hè, họ đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công lớn trong tương lai. Đến mùa thu, họ cho máy bay ném bom B-52 trang bị vũ khí nhiệt áp bay tuần tra phía trên chỏm băng Bắc Cực, hướng về phía Liên Xô, để khiến Moscow phải lên tiếng ép buộc Hà Nội.

Tuy nhiên, chiến lược đầu tiên này của Nixon đã thất bại vì những người Cộng sản đơn giản chấp nhận chịu đựng tấn công và biết rằng Washington chỉ dọa suông. Nhận ra rằng việc hiện thực hóa lời đe dọa của mình sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn, Tổng thống Mỹ đã chuyển hướng. Đến tháng 11, ông áp dụng chiến lược thứ hai để thoát khỏi vũng lầy, giảm dần sự can dự của quân đội Mỹ, trong khi duy trì cam kết với chế độ lúc đó ở Sài Gòn. Sau ba năm chiến tranh, một thỏa thuận đã xuất hiện, cho phép người Mỹ ra đi, nhận lại các tù nhân của mình, và không chính thức phản bội một đồng minh. Tuy nhiên, chính thỏa thuận này đã mở đường cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa hai năm sau đó.

Từ Việt Nam đến Ukraine

Đối với những ai mong muốn đẩy lùi một cường quốc hạt nhân ra khỏi đất nước của mình, có thể rút ra ba bài học từ câu chuyện này. Bài học thứ nhất liên quan đến tầm quan trọng của thành công trên chiến trường. Người Mỹ thường cố gắng giành chiến thắng trong chiến tranh thông qua các biện pháp gián tiếp như trừng phạt, ném bom, hoặc đe dọa sử dụng các hành động tàn phá trong tương lai. Nhưng sau cùng thì, kết cục của chiến tranh vẫn được định đoạt nơi chiến trường. Kỹ năng quân sự và sự nhiệt huyết của những người Cộng sản Việt Nam đã giúp họ đứng vững trong cuộc chiến chống lại kẻ thù mạnh hơn, và cuối cùng đưa họ đến chiến thắng. Điều tương tự đang xảy ra ở Ukraine hiện nay, khi lực lượng Ukraine tinh nhuệ và nhiệt huyết đang đẩy lùi quân Nga từ vùng này đến vùng khác. Nếu lợi thế đó được duy trì trên chiến trường, sẽ chẳng còn gì quan trọng nữa, và cuộc chiến rồi sẽ kết thúc. Vì vậy, việc tạo điều kiện để duy trì lợi thế đó nên là ưu tiên hàng đầu của Washington.

Bài học thứ hai là chống lại kẻ bắt nạt. Các cường quốc thất bại sẽ không sẵn sàng chấp nhận kết cục của mình, đặc biệt là những cường quốc hàng đầu mà thất bại đến với họ như một bất ngờ khó chịu. Do đó, Moscow sẽ chống lại số phận của mình, giống như Washington đã làm nửa thế kỷ trước. Những lời đe dọa leo thang là một dấu hiệu của sự yếu kém, chứ không phải sức mạnh. Nếu Nga có những lựa chọn tốt hơn để xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình, thì nước này hẳn đã sử dụng chúng rồi. Vì thế, Mỹ và Châu Âu hãy cứ phớt lờ những lời đe dọa và khiêu khích của Nga, đồng thời đừng nên phân tâm khỏi nhiệm vụ chính của họ : giúp Ukraine giành chiến thắng trên chiến trường.

Bài học thứ ba là hợp nhất vũ lực và ngoại giao. Mỹ đã phải chật vật để làm được điều này ở Bán đảo Triều Tiên, như Kissinger viết vào năm 1957 : "Quyết định của chúng tôi – ngừng các chiến dịch quân sự, ngoại trừ những hoạt động mang tính chất phòng thủ thuần túy, ngay từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán đình chiến – phản ánh niềm tin rằng quá trình đàm phán hoạt động theo logic vốn có của riêng nó, độc lập với những áp lực quân sự phải gánh chịu". "Nhưng bằng cách ngừng các chiến dịch quân sự, chúng tôi đã loại bỏ động cơ thương lượng duy nhất của Trung Quốc ; chúng tôi đã tạo ra nỗi thất vọng sau hai năm đàm phán không có kết quả".

Trong các giai đoạn sau của Chiến tranh Việt Nam, cả hai bên đều tránh được sai lầm này và đã không ngừng giao tranh trong lúc đàm phán. Điều tương tự có thể sẽ xảy ra ở Ukraine, và vì vậy chúng ta nên mong đợi cường độ của cuộc chiến sẽ tăng lên, chứ không giảm đi, khi gần đạt được thỏa thuận. Nga sẽ muốn che đậy quyết định rút lui của mình bằng một đợt bùng nổ bạo lực, để giải phóng cơn thịnh nộ sau khi thua cuộc, và công khai chứng minh mình vẫn còn rất mạnh. Điều này có thể được nhìn thấy trong phản ứng của Putin khi Ukraine phá hủy Cầu Crimea, và các hành động tương tự sẽ tiếp nối những thành công trong tương lai của Ukraine. Nhưng một lần nữa, đây chẳng phải chuyện gì mới. Mỹ thậm chí còn phản ứng tệ hơn, trong cái gọi là chiến dịch "Đánh bom Giáng Sinh" nhắm vào Hà Nội và Hải Phòng vào tháng 12/1972, đợt không kích có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong toàn bộ cuộc chiến ở Việt Nam. (Trợ lý của Kissinger, John Negroponte, từng châm biếm, "Chúng ta ném bom để khiến Bắc Việt chấp nhận nhượng bộ của chúng ta".) Khi đó, những người Cộng sản đã không để hành động của Mỹ làm chệch hướng các nỗ lực quân sự hoặc ngoại giao của họ, và giờ đây, phương Tây cũng không nên để những hành động của Nga làm mình phân tâm.

Putin đang hành xử như Nga hoàng, chứ không phải Hitler. Bất chấp những luận điệu chống thực dân của mình, Tổng thống Nga đang chiến đấu để giành lại các tỉnh trong đế chế đã mất của đất nước ông. Khi cuộc chiến tranh giành thuộc địa chuyển biến xấu, các cường quốc thường tìm cách cắt giảm tổn thất và rút lui về nước. Giới tinh hoa đô thị hiểu rõ sự khác biệt giữa vùng lõi và vùng ngoại vi. Các cuộc bỏ phiếu được dàn xếp ở những vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng vào tháng 9 là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tô vẽ vẻ ngoài đẹp đẽ để che giấu bản chất xấu xí bên trong. Nhưng ngay cả việc chính thức sáp nhập một thuộc địa vào lãnh thổ của một cường quốc cũng không đảm bảo khả năng giữ được vĩnh viễn. Cứ hỏi những người Pied-Noir ở Algeria thì biết. Nếu Ukraine có thể duy trì đủ áp lực quân sự, thì đến một lúc nào đó, Nga sẽ bắt đầu tìm kiếm lối thoát và cuộc chiến này sẽ thực sự kết thúc. Sau đó, chứ không phải trước đó, những thỏa hiệp cần thiết không thể tránh khỏi đối với tất cả các bên sẽ xuất hiện và người ta sẽ phải chấp nhận những đánh đổi khó khăn.

Nga sẽ bầm dập nhưng không bị đánh gục, sẽ hạ mình nhưng không bị sỉ nhục. Giống như Nhà Trắng vào đầu thập niên 1970, Điện Kremlin sẽ bị ám ảnh bởi việc duy trì ảnh hưởng và uy tín của mình ở trong và ngoài nước. Bất kỳ thỏa thuận nào xuất hiện cũng không phải là một hành động đầu hàng bắt nguồn từ nguy cơ sụp đổ, mà là một quyết định rút lui có chủ ý, để ngăn không mất thêm nhân mạng, của cải, và vốn liếng chính trị. Xét đến những sức mạnh còn lại của Nga, một số mục tiêu của Ukraine, thậm chí là những mục tiêu lớn, sẽ phải bị hoãn lại. Mục tiêu tối thiểu là quay trở lại những ranh giới của ngày 24/02, qua đó cho thấy rõ ràng rằng Moscow đã không giành được lợi ích lãnh thổ nào từ hành động gây hấn của mình. Các mục tiêu tiếp theo có thể được xây dựng dựa trên tình hình của những khu vực khác, chẳng hạn như số phận của các khu vực bị chiếm đóng khác tại vùng Donbas, tình trạng cuối cùng của Crimea, tội ác chiến tranh của Nga, và các dàn xếp an ninh khu vực rộng lớn hơn.

Putin có đang dọa suông ?

Chúng ta có đủ lý do để tin rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là việc làm có thể hiểu được. Nó khiến mọi người hoảng sợ, khiến những nước ủng hộ Ukraine phải lo lắng và thận trọng hơn, đồng thời thúc đẩy tổ chức đàm phán sớm hơn để loại bỏ mọi nguy cơ – đe dọa hạt nhân có thể đạt được tất cả những điều ấy với chi phí bằng không. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong thực tế sẽ đảo ngược mọi tính toán, mang lại rất ít lợi ích nhưng phải trả rất nhiều chi phí bổ sung, bao gồm bị trả đũa, bị chỉ trích, và mất sự hỗ trợ quốc tế. Đây là lý do tại sao tất cả những luận điệu hạt nhân kể từ năm 1945 đến nay đã không được hiện thực hóa. Tuy nhiên, ngay cả khi vũ khí hạt nhân được sử dụng, chúng cũng không thể cải thiện vị thế của Nga hoặc thay đổi kết quả cuộc chiến.

Việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô lớn – ví dụ, tiêu diệt một thành phố lớn bằng một quả bom khổng lồ – hiện vẫn đang được răn đe ngăn chặn hiệu quả, nhờ vào loạt hậu quả thảm khốc sẽ nhanh chóng được áp dụng lên Moscow. Do đó, nếu thực sự xảy ra, vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng ở quy mô nhỏ, chỉ gồm các đầu đạn ở phần cuối của phổ hạt nhân chiến thuật, hoặc thử nghiệm ở các khu vực hoang vắng, hoặc chống lại các lực lượng Ukraine trong khi chiến đấu.

Mục đích của một vụ sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm thể hiện quyết tâm và ý định. Về bản chất, nó yêu cầu "Tất cả hãy đứng yên, nếu không, lần sau sẽ là ngày tận thế". Những động thái như vậy đã được các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước xem xét nhiều lần và luôn bị bác bỏ, vì lý do chính đáng. Chính những hạn chế được đặt ra cho cuộc thử nghiệm, chẳng hạn như phải diễn ra ở các vị trí xa xôi và gây thương vong thấp, sẽ khiến nó trở thành thông điệp không hiệu quả, vừa thể hiện quyết tâm, vừa thể hiện sự do dự. Nếu lần này anh sợ không dám đi đến cùng, thì tại sao lần sau anh lại ‘ít’ sợ hơn ?

Sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trong chiến đấu có thể hữu ích trong một số bối cảnh quân sự, chẳng hạn như tiêu diệt một tàu sân bay trên biển, tiêu diệt một đội hình xe tăng lớn trên sa mạc, hoặc chặn một lối đi quan trọng qua núi. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine không thuộc về bất kỳ kịch bản nào trong số này. Người Ukraine đang chiến đấu trong các đơn vị tương đối nhỏ, tại các khu vực gần lãnh thổ mà Nga hiện tuyên bố là của riêng mình. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trong những trường hợp như vậy sẽ không ảnh hưởng đến bức tranh chiến lược lớn hơn, nhưng hủy hoại chính những nơi mà Moscow nói rằng mình đang cố gắng giải cứu.

Nếu một trong hai kịch bản này xảy ra, sau vụ nổ hạt nhân, Ukraine sẽ vẫn tiếp tục đánh bại Nga trên chiến trường, và những người ủng hộ phương Tây sẽ càng quyết tâm tiếp tục sự ủng hộ của mình, đồng thời phủ nhận bất kỳ thứ gì Moscow xem là chiến thắng, và sự ủng hộ của nước ngoài dành cho Nga cũng sẽ biến mất. Sử dụng vũ khí hạt nhân là hành động tự chuốc lấy thất bại – không phải là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến lớn, cũng không phải một công thức cần tuân theo, mà là một câu chuyện cảnh giác về sự thiếu thận trọng trong chiến lược.

Thực tế quan trọng nhất của cuộc chiến này là một bên đang vượt trội hơn bên kia trên chiến trường sử dụng vũ khí thông thường. Bên thua có vũ khí hạt nhân, và giống như những xung đột tương tự trước đó, xung đột lần này nhiều khả năng sẽ kết thúc với vũ khí hạt nhân chỉ nằm bên lề trong khi kết quả của cuộc xung đột được định đoạt. Do đó, trong số rất nhiều nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine, sẽ có những đánh giá liên quan đến giá trị và tính khả dụng của kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà các cường quốc đang duy trì với chi phí, nỗ lực và rủi ro cực lớn.

Gideon Rose

Nguyên tác : "What Nixon’s Endgame Reveals About Putin’s", Foreign Affairs, 14/10/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/102022

Gideon Rose là nghiên cứu viên xuất sắc về Chính sách Đối ngoại của Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn "How Wars End".

Published in Diễn đàn

Nước Nga là một nước giàu có, từ tài nguyên khoáng sản, một đất nước bao la, rộng lớn đến các nhà khoa học tài ba nhưng chỉ một thứ mà nước Nga không có đó là lòng tự trọng. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng, nước Nga có truyền thống quy phục bạo lực. Có vẻ như điều đó vẫn đúng đến tận ngày hôm nay. Tất cả các đảng trưởng từ Đảng nước Nga thống nhất, Đảng cộng sản, Đảng dân chủ tự do… tất cả đều ủng hộ Putin và cuộc chiến xâm lược Ukraine. Ngày hôm nay tôi có dịp được nhìn thẳng vào đất nước Nga. Thật khó có thể tin vào con mắt mình, gần như cả ngàn  người thuộc giới cầm quyền và tinh hoa của nước Nga vỗ tay cho việc ăn cướp nhơ bẩn và tội lỗi này khi Putin tuyên bố sát nhập 4 tỉnh của Ukraine vào nước Nga.

Putin chỉ đơn giản là kẻ hèn nhát không chấp nhận chiến bại. Tất cả những gì Putin tuyên bố đều là sự giả dối. Putin thực sự là một tên lừa gạt thế giới và nước Nga. Làm gì trên thế giới có việc tổng động viên ngầm. Làm gì trên thế giới có tổng động viên giới hạn. Làm gì có chuyện bắt lính giữa đường và chỉ mấy ngày sau là họ đã có mặt trên chiến trường. Ai có thể tưởng tượng ra một nước Nga điên rồ như ngày hôm nay.

nga1

Lệnh tổng động viên của Putin là một hành động khủng bố người dân Nga.

Hôm 29/09/2008, Putin nói Ukraine có toàn quyền quyết định về đất nước mình, nhưng năm 2014 ông ta đã tấn công và chiếm đóng các vùng đất thuộc Ukraine như Sevastopol (Crimea), Lugansk, Donesk. Trước ngày 24/02/2022, Putin nhiều lần tuyên bố không tấn công Ukraine nhưng rồi chiến tranh đã kéo dài 8 tháng và ông ta đã chiếm thêm hai tỉnh của Ukraine là Zaporozia, Kherson và cấm nước Nga không được dùng từ "chiến tranh". Cuộc chiến mà Putin tạo ra đã giết hại hơn trăm ngàn người vô tội từ phía Ukraine và chính nước Nga, hàng chục triệu người phải ly tán tha hương… Không lẽ nhân loại phải tiếp tục chờ tên giết người này ngừng tay sao ?

Hãy nhìn vào cuộc chiến tại Kyiv, đây cũng là trận cam go ác liệt nhất, nước Nga đã mất đi rất nhiều quân lực và rất nhiều vũ khí khí tài. Trận chiến đó cho thấy khâu hậu cần của Nga hoàn toàn bế tắc. Nước Nga để lại trên chiến trường một cảnh không thể nào tưởng tượng được. Nơi đâu cũng thấy vũ khí của quân đội Nga bị vứt bỏ lại.

Phải hiểu Putin là một tên độc tài với đầy đủ bản năng của nghề nghiệp. Hàng thì sống, chống thì chết. Ông đưa chỉ huy bên cơ quan an ninh Nga (FСB) là Ivanov (Иванов Сергей Борисович) qua nắm Bộ Quốc Phòng vì ông ta muốn nắm đầu các tướng lãnh, bởi đó chính là nỗi lo ngại của ông. Đương kim Bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu (Сергей Кужугетович Шойгу) cũng không phải là một người được đào tạo về chính trị cũng như quân sự, lúc đầu Putin dựng lên một ghế để ông ta có chỗ ngồi, đó là Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Liên bang Nga. Ông ta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Nga năm 2012 chỉ vì chứng tỏ được lòng trung thành với Putin.

Rất nhiều những người tài năng từng phục vụ Putin đã phải bỏ chạy ra nước ngoài. Những người còn lại là những người cố đấm ăn xôi. Người duy nhất còn lại là Chubaiev cũng đã ra đi khi cuộc chiến xảy ra. Putin có nhiều tướng nhưng bản thân ông ta lại là người điều hành và trực tiếp chỉ huy quân đội Nga. Kirill Stremousov, một chuyên gia quân sự Nga nói Shoigu nên chết đi vì thực ra ông ta đâu có cầm quân. Thực tế cho đến nay, dù đã có bao nhiêu tướng Nga chết trận hoặc mất chức và Putin đã thay rất nhiều tướng nhưng cũng không thể nào chuyển bại thành thắng. Các cuộc hành quân của Putin từ ngày ông ta nhậm chức cho đến tận ngày hôm nay chưa một cuộc tấn công nào được gọi là thành công. Các cuộc chiến đó chiếm ưu thế là vì luôn luôn lấy thịt đè người.

nga2

Putin đã đặt cược rất nhiều vào những kẻ phản bội như Medvedchuk.

Kịch bản mong đợi của Putin là cuộc chiến sẽ chấm dứt nhanh chóng. Putin đã chi rất nhiều tiền cho cựu tổng thống Ukraine đang lưu vong Yanukovich hay cho cựu đại biểu quốc hội Ukraine vừa được trao đổi với Nga để lấy hơn 200 người lính Azov, Medvedchuk và hàng trăm tên phản bội khác. Chúng chính là những kẻ đưa đường dẫn lối cho quân xâm lược Nga. Putin hy vọng thành công trong việc xâm chiếm Ukraine, quá lắm là ba ngày và sẽ được đón tiếp bằng bánh mỳ với muối. Tuy nhiên kết quả thế nào thì chúng ta đều rõ. Đây mới là quả đắng mà Putin không bao giờ chịu công nhận. Cũng như chưa bao giờ Putin nhìn nhận thất bại vì chỉ mới cướp được Crimea, Lugansk và Donetsk. Kể hoạch của Putin là chiếm luôn các thành phố lớn như Odessa, Mikolaiev, nói chung là toàn bộ miền Nam của Ukraine, để cắt đường ra biển của Ukraine.

Thay cho việc bỏ chạy trong hoảng loạn, tổng thống Ukraine, Zelensky đã chọn ở lại chiến đấu cùng người dân của mình. Người dân Ukraine đã đoàn kết bên ông và trở thành một khối thống nhất chống lại cuộc chiến xâm lược tàn bạo của đế quốc Nga. Nước Nga đã thua từ khi bắt đầu phải rút quân khỏi Kyiv hôm 7/4/2002, đáng lý ra Putin nên kết thúc cuộc chiến từ lúc này. Đáng tiếc Putin thuộc loại ngoan cố cho đến tận hôm nay khi vẫn cho rằng "cuộc chiến vẫn theo đúng kịch bản". Chính sự thất bại không có cách nào bào chữa được nên Putin vẫn tiếp tục phóng theo lao. Đến ngày nay Putin đã trở thành con quỷ của thời đại. Đối với Putin, uy tín của nước Nga vfviệc truyền thông với thế giới trở thành vô nghĩa. Mục tiêu của Putin giờ chỉ còn là đối nội. Khi vẫn còn có hàng ngàn người thuộc giới cầm quyền và tinh hoa của nước Nga vỗ tay khi Putin sát nhập 4 tỉnh của Ukraine vào nước Nga thì… nước Nga vẫn thuộc về Putin.

Tôi thấy khá nhiều người trên mạng xã hội cho rằng Putin có những giá trị đạo đức riêng của ông ta. Tôi nghĩ Putin thừa sức hiểu được mọi vấn đề của thế giới. Ông ta hoàn toàn không có sự phân biệt giữa phải trái với đúng sai. Ông ta thừa biết tất cả những gì mình làm là sai trái. Putin không phải là kẻ làm liều. Khác với Yeltsin khi bế tắc thì lao vào với rượu, Putin vẫn đủ bản năng luồn lách. Khi ông ta tuyên bố tổng động viên có giới hạn đó chính là cách để né tránh giới hạn cuối cùng. Thực ra cái mà Putin đe dọa, không phải đây là lần đầu mà là lần thứ N về thảm họa hạt nhân. Nước Nga không còn gì để hù dọa. Tôi vẫn tin là Putin không dám sử dụng hạt nhân. Ông ta chỉ là một tên lưu manh, tham sống sợ chết, không bản lĩnh.

Nước Nga chỉ có tương lai khi Ukraine chiến thắng.

Praha, 20/10/2022

Đỗ Xuân Cang

Published in Quan điểm

Mikhail Gorbachev, tổng thống đầu tiên và cũng là vị tổng thống duy nhất thời Liên Xô qua đời là dịp làm dấy lên những so sánh giữa tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin và các lãnh đạo thời Liên Xô. "Putin phạm cùng những sai lầm như các nhà lãnh đạo Liên Xô" là nhận định của chuyên gia về Liên Xô, nhà nghiên cứu Anne de Tinguy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (Ceri) của Pháp, trong bài phỏng vấn đăng trên tuần báo Le Point đăng ngày 06/09/2021. 

putin1

Tổng thống Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Vladivostok, miền Viễn Đông Nga, ngày 07/09/2022. © AP - Sergei Bobylev

Nhà nghiên cứu về Liên Xô đặc biệt nhận định, nước Nga thời Putin đang có "bước đại tụt hậu". Theo bà Anne de Tinguy, tác giả cuốn sách tư liệu về nước Nga thời Putin, được công bố vào ngày 15/09/2022, ông chủ điện Kremlin có những tham vọng khác hẳn tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, thậm chí là hoàn toàn trái ngược với Gorbachev. RFI tiếng Việt giới thiệu bài viết.

Le Point : Di sản mà Mikhail Gorbachev để lại là gì ?

Anne de Tinguy : Gorbachev để lại một di sản đáng kể. Nhờ ông ấy mà Đông Âu được giải phóng, nước Đức được thống nhất và chiến tranh lạnh kết thúc. Vào năm 1989, chỉ trong vài tháng, tất cả các nước Châu Âu trong khối xã hội chủ nghĩa đã thoát ra khỏi ách Liên Xô. Các quốc gia này khi đó đã từng lo sợ vấp phải một phản ứng tàn bạo giống như những phản ứng mà Hungary từng phải gánh chịu vào năm 1956 và Tiệp Khắc hồi năm 1968. Thế nhưng, Gorbachev không hề động binh. Ông ấy coi việc không can thiệp làm nguyên tắc của các mối quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa và từ chối sử dụng vũ lực. Chính vì thế, nỗi sợ hãi ở Đông Âu biến mất. Kết quả là vào tháng 07/1990, các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương long trọng tuyên bố Liên Xô không còn là đối thủ của NATO.

Gorbachev là người trái ngược với Putin. Trong khi có một thứ tư tưởng bài phương Tây bám rễ trong Putin, thì Gorbachev lại không hề có suy nghĩ thù địch với Tây phương. Chẳng hạn, Liên Xô thời đó đã tham gia vào 5 trong tổng số 9 chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Cũng chính nhờ Gorbachev mà chúng ta có quá trình giải trừ quân bị dẫn đến nhiều thỏa thuận lịch sử về cắt giảm vũ khí hạt nhân. Gorbachev cũng cho mở cửa biên giới : người Liên Xô tìm lại những quyền họ đã đánh mất vào năm 1917, có thể rời khỏi đất nước và di cư. Và cuối cùng, Gorbachev đã hòa giải với Trung Quốc, đặt dấu chấm hết cho một cuộc xung đột kéo dài 30 năm giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Le Point : Thế còn trong nước ?

Anne de Tinguy : Ông ấy chỉ trích không nhân nhượng tình hình kinh tế-xã hội và chính trị trong nước, đồng thời cảnh báo Liên Xô có nguy cơ biến thành cường quốc hạng ba. Gorbachev là nhà lãnh đạo duy nhất của Liên Xô đã tìm cách cải tổ hệ thống Liên Xô. Đặc biệt, công cuộc cải tổ của ông hướng tới việc bỏ phiếu kín, tính đa dạng về ứng viên, sự hạn chế các chức vụ dân cử. Đó là một bài diễn văn mang tính sự thật, đối nghịch với sự tuyên truyền khủng khiếp của Putin. Gorbachev tin rằng Liên Xô cần một môi trường bên ngoài hòa dịu và Liên Xô phải từ bỏ việc ưu tiên phát triển sức mạnh quân sự và công nghiệp nặng để dốc toàn lực cho công cuộc hiện đại hóa. Đây chính là điểm mà Putin tụt hậu, có nguy cơ khiến nước Nga phải trả một cái giá rất đắt. 

Le Point : Vậy đâu là những sai lầm của Gorbachev ?

Anne de Tinguy : Ông ấy gây lỗi lầm do quá lạc quan. Gorbachev tin tưởng chắc chắn rằng hệ thống Lien Xô có thể cải tổ được và lịch sử đang đi theo hướng có lợi cho Liên Xô. Ông tin rằng việc giải thích thực trạng đất nước cho người dân Liên Xô là sẽ kích hoạt được họ. Gorbachev không hiểu rằng hệ thống Liên Xô đã hỏng và chỉ tra dầu vào bánh xe là không thể đủ. Thêm nữa, ông còn thiếu sáng suốt về vấn đề quốc gia. Các nước Cộng hòa cũ thuộc Liên Xô nhanh chóng giữ khoảng cách với Moskva và khi ông đề xuất một hiệp ước Liên minh mới vào tháng 11/1990 thì đã quá muộn. Sự tan rã của Liên Xô đã diễn ra rất nhanh chóng. Vâng, đúng là Gorbachev đã mắc sai lầm. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô không phải là do ông ấy. Liên Xô sụp đổ vì chế độ đã kiệt sức, không thể trụ thêm được nữa.

Le Point : Vậy phải giải thích thế nào về việc người Nga đổ trách nhiệm đó cho Gorbachev ? 

Anne de Tinguy : Ở Nga, Gorbachev bị xem là kẻ đào mồ chôn đế chế và cường quốc Liên Xô. Hình ảnh này gắn với nỗi hoài niệm về Liên bang Xô viết vốn dĩ vẫn còn rất mạnh mẽ trong dân chúng. Các cuộc khảo sát cho thấy 2/3 dân Nga vẫn nuối tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô và tin rằng điều đó lẽ ra đã có thể tránh được. Đó chính là lý do khiến họ có suy nghĩ cực kỳ tiêu cực về Gorbachev. Đó là chưa kể đến chiến dịch chống nghiện rượu mà ông phát động, một chiến dịch vốn cũng chẳng giúp thay đổi điều gì.

Le Point : Tại sao ông ấy lại ủng hộ việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 ?

Anne de Tinguy : Ông ấy đã chỉ trích Putin, nhưng về điểm này, thì đúng là Gorbachev ngả về phía Putin. Gorbachev cho rằng người dân đã bày tỏ ý kiến trong cái được gọi là cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 03/2014 và việc sáp nhập Crimea vào Nga là "sửa sai lịch sử", sai lầm trong lịch sử mà ông muốn nói đến là món quà của Khrushchev tặng Crimea cho Ukraine vào năm 1954. Việc Gorbachev ủng hộ quan điểm đó góp phần khiến rất nhiều người Nga thấy khó hiểu, thậm chí là không thể hiểu và chấp nhận rằng Ukraine là một quốc gia độc lập và cần tôn trọng chủ quyền của Ukraine.

Le Point : Vladimir Putin có phải là hiện thân cho sự trở lại của Liên Xô ?

Anne de Tinguy : Putin đã lên án chế độ Xô Viết và khẳng định rằng "những ai muốn khôi phục lại Liên bang Xô viết đều là những kẻ thiếu đầu óc". Nhưng nhiều phát biểu của ông ta lại phản ánh tâm trạng bối rối trong thời hậu Liên Xô : Trong mắt ông, những ai không tiếc nuối sự sụp đổ của Liên Xô là những người "không có trái tim". Và chính sách của Putin đối với Ukraine thể hiện tầm nhìn đế quốc của Putin đối với thế giới. Trong thế giới tinh thần của người dân Nga, Ukraine, viên ngọc đẹp nhất của đế chế Nga, chiếm một vị trí trung tâm. Tuy nhiên, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991, Ukraine đã có những lựa chọn rất khác so với lựa chọn của nước Nga. Mong muốn của Ukraine là gắn với Châu Âu, quá trình dân chủ hóa, cho dù là không hoàn hảo với những thay đổi về chính sách, đã dần dần tách Ukraine xa rời khỏi Nga.

Nếu Kiev thành công trong việc cải tổ, Ukraine sẽ trở thành một hình mẫu khác và một đối thủ rất đáng gờm của Moskva. Có một điều chắc chắn là khi sáp nhập bán đảo Crimea, can thiệp vào Donbass vào năm 2014 và xâm lược Ukraine vào năm 2022, Nga đã vĩnh viễn mất đi điều mà họ gọi là "tiểu Nga" và làm giảm đáng kể phạm vi ảnh hưởng của Moskva. 

Le Point : Putin có các phương tiện để thực hiện các tham vọng cường quốc của Nga ?

Anne de Tinguy : Nga đã chứng tỏ họ không có khả năng tạo ra một cường quốc có khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Putin đã mắc phải sai lầm tương tự như các nhà lãnh đạo Liên Xô khi ưu tiên phát triển phương tiện quân sự. Ông ta rất ít lưu tâm đến việc đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư vào sáng chế, phát minh, đổi mới. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Nga so với GDP chỉ bằng một nửa so với Mỹ, Trung Quốc hoặc Pháp. Putin gây dựng một nền kinh tế mà lợi nhuận dựa vào các loại nhiên liệu hóa thạch. Đương nhiên là có một lý do chính trị : giới tinh hoa Nga có được của cải và quyền lực chính từ nền kinh tế này. Nga là một Nhà nước độc tài, tham nhũng và hoạt động giống kiểu mafia.

Nếu tiến hành cải tổ thì các đặc quyền của Putin và của những người thân cận với ông ta sẽ mất đi. Hơn nữa, những gì đã xảy ra với Liên Xô thời Gorbachev cũng không khiến Điện Kremlin mặn mà tiến hành cải cách. Do chiến tranh và các lệnh trừng phạt của quốc tế, hố ngăn cách về công nghệ giữa Nga với phương Tây ngày càng được đào sâu. Thêm vào đó là những vấn đề căng thẳng về dân số, tỷ lệ giới trẻ trong dân số giảm, giới tinh hoa có trình độ cao bỏ đất nước sang nước ngoài, cũng như các vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Putin đã dẫn dắt nước Nga vào một ngõ cụt.

Le Point : Chế độ Putin có thể sụp đổ giống Liên Xô không ?

Anne de Tinguy : Lịch sử cho chúng ta thấy rằng nước Nga không tránh khỏi những sự kiện khác thường. Không ai từng dự báo chế độ Liên Xô sụp đổ, và nhất là lại sụp đổ với tốc độ nhanh đến như vậy. 

Marc Nexon thực hiện

Nguyên tác : "Poutine fait la même erreur que les dirigeants soviétiques", Le Point, 06/09/2022

Thùy Dương tóm lược

Nguồn : RFI, 14/09/2022

Published in Diễn đàn

Gần 78% cử tri Nga đồng ý thông qua các điều sửa đổi cho bản hiến pháp mà có thể tạo điều kiện để Vladimir Putin cầm quyền tới tuổi 84.

nga1

Một phụ nữ bỏ phiếu hồi tháng 6/2020

Ủy ban bầu cử nói đã kiểm xong phiếu và thấy 77,9% bỏ phiếu ủng hộ, chỉ có 21,3% phản đối.

Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sớm tại Nga đem lại các kết quả ban đầu tối thứ Tư, 01/07/2020 cho thấy đa số cử tri Nga ủng hộ thay đổi hiến pháp mà Tổng thống Vladimir Putin đề xuất.

Ngoài các ý niệm bảo thủ như đem Chúa Trời của Chính Thống giáo trở lại Hiến pháp, và đảm bảo chế độ hưu trí, các điều sửa đổi cho phép ông Putin bắt đầu "như mới" nhiệm kỳ 5 và 6 sau khi ông hết nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2024.

Phần sửa đổi Hiến pháp mà Nga vừa thông qua nêu rõ rằng người Nga "theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời". Ý tưởng này được cả Đảng cộng sản Nga trong Viện Duma ủng hộ.

Tuy thế, đảng này vẫn tôn thời các biểu tượng của Liên Xô cũ và Lenin, nhà lãnh đạo cho xóa sổ các hoạt động tôn giáo ở Nga từ sau 1917.

nga2

Một vài người tụ họp ở Moscow phản đối cuộc bỏ phiếu

Cầm quyền tới năm 84 tuổi ?

Cho đến nay, Hiến pháp Liên bang Nga quy định tổng thống chỉ được cầm quyền liên tục hai nhiệm kỳ và không ai được tái tranh cử sau bốn lần cầm quyền.

Nhưng nhờ sửa đổi mới, ông Putin có thể làm thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa, tới tận năm 2036, khi ông 84 tuổi.

Với gần 30% phòng phiếu được kiểm sau bảy ngày bầu cử, 74% cử tri Nga đồng ý thông qua cải cách hiến pháp, theo báo Nga hôm 02/07.

Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng để ông Putin nắm quyền trọn đời được nêu ra.

nga3

30% phòng phiếu được kiểm sau bảy ngày bầu cử - AFP/GETTY IMAGES

Ngay từ 2018, Điệm Kremlin đã gợi ý là không có ai hơn ông Putin để cầm quyền, đảm bảo ổn định chính trị Nga.

Giải thích hiện tượng này, nhà báo Andrei Koleshnikov viết trên trang Moscow Times (07/2018) rằng sau khi lên cầm quyền từ 1999-2000, ông Putin đã "trở thành nước Nga".

Với nhiều người dân, họ chỉ có một bản sắc "tôi là người Nga thì tôi ủng hộ Putin".

"Tổng thống Putin trở thành lá cờ, thành biểu tượng của đa số và bầu cử chỉ là phương tiện để họ thể hiện bản sắc đó", ông Koleshnikov bình luận.

Ông cũng nói truyền thống tư duy Nga về Sa hoàng luôn nhìn thấy hai phần : thân xác vị vua, và hình ảnh, biểu tượng của nền chính trị.

Ngày nay, ông Putin hay dở ra sao thì đã là "biểu tượng tinh thần" đó của nước Nga.

Một số bình luận khác nói sự ủng hộ của ông Putin giảm đi so với hai năm trước và có thể còn giảm nữa khi các vấn đề kinh tế, xã hội do dịch Covid-19 bộc lộ thêm.

Đây là lý do ông Putin muốn có cuộc trưng cầu dân ý hiện nay chứ không đợi muộn hơn.

Đầu tuần này, số người mắc Covid-19 tại Nga vượt 660 ngàn, nhưng nhiều tờ báo và cả quan chức chính quyền nói con số thực còn cao hơn.

Có trên 9,6 nghìn người tử vong ở trên toàn Liên bang Nga vì virus corona, gồm cả con số ở những vùng xa, dù rằng Moscow có số người chết cao nhất, tính đến 01/07/2020.

Published in Quốc tế

Vladimir Putin đang toan tính gì ? Vào ngày 15 tháng 1, vị tổng thống Nga đã khiến những người theo dõi Điện Kremlin bất ngờ. Trong Thông điệp Liên bang, ông đã tuyên bố sửa đổi triệt để hiến pháp Nga và tiến hành trưng cầu dân ý về một số điều khoản được đề xuất (vẫn chưa có chi tiết rõ ràng). Một sự kiện gây sốc khác diễn ra ngay sau đó. Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng toàn bộ nội các đã từ chức. Khi tờ The Economist chuẩn bị lên khuôn, những lý do khiến ông Medvedev từ chức và được thay thế bởi một nhà kỹ trị ít tên tuổi vẫn là một điều bí ẩn.

putin1

Ngày 15/01/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sửa đổi triệt để hiến pháp Nga và tiến hành trưng cầu dân ý về một số điều khoản được đề xuất

Để hiểu những gì có thể xảy ra, hãy bắt đầu với một thực tế rất đơn giản. Trong 20 năm qua, chế độ của ông Putin đã giết quá nhiều người và chiếm đoạt quá nhiều tỷ rúp, khiến khả năng ông tự nguyện từ bỏ quyền lực là rất thấp. Theo hiến pháp hiện tại, ông không thể tranh cử tổng thống khi hết nhiệm kỳ năm 2024 vì không ai được phép nắm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Vì vậy, người ta luôn cho rằng bằng cách này hay cách khác, Putin sẽ thao túng các quy tắc để giữ quyền lực.

Ông đã có kinh nghiệm về chuyện này. Hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông với tư cách là tổng thống kéo dài từ năm 2000 đến năm 2008, thời điểm ông lần đầu tiên rời ghế tổng thống vì quy định giới hạn nhiệm kỳ. Ông trở thành thủ tướng trong bốn năm, trong thời gian đó ông Medvedev giữ vị trí tổng thống mà không có nhiều quyền lực. Vào năm 2012, ông Putin đã trở lại nắm ghế tổng thống đột nhiên nhiều quyền lực hơn và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018. Câu hỏi duy nhất lúc này là ông sẽ nắm vị trí gì vào năm 2024.

Chúng ta vẫn chưa biết chắc về điều đó. Rõ ràng, một lựa chọn là để ông Putin trở lại làm thủ tướng ; một chỉ dấu cho điều này là tuyên bố của Putin nói rằng các dàn xếp mới mà ông đang tìm kiếm sẽ khiến vị trí thủ tướng trở nên quan trọng hơn, được toàn quyền bổ nhiệm nội các (trước khi được phê chuẩn bởi quốc hội, vốn do Đảng nước Nga Thống nhất của ông kiểm soát), thay vì để Tổng thống lựa chọn các vị trí này. Một khả năng khác cao hơn là ông Putin sẽ tìm cách duy trì quyền lực của mình bằng cách tiếp tục đứng đầu một cơ quan quyền lực được định nghĩa mơ hồ gọi là Hội đồng Nhà nước, cơ quan mà ông Putin cũng nói trong bài phát biểu của mình là nên được trao thêm nhiều quyền lực trong lần cải tố lần này.

Trong thực tế, các chi tiết không quan trọng. Nga đã là một chế độ độc tài cải trang dưới hình thức một nền dân chủ. Thành công trong các cuộc bầu cử của Putin có được là nhờ thành tích tăng trưởng kinh tế (nhưng hiện đã chấm dứt bởi nạn tham nhũng, tình trạng thiếu cạnh tranh, giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014) và việc ông được lòng dân vì tìm cách làm sống lại sự huy hoàng của thời kỳ Xô-viết . Nhưng các thành công đó cũng có lẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sự kiểm soát của nhà nước đối với truyền hình, việc cấm các ứng cử viên đối lập nổi tiếng, mua chuộc các đảng đối lập yếu và bắt giữ, đe dọa các đảng cứng đầu hơn. Việc giết các đối thủ chính trị không thể nào giúp thúc đẩy cạnh tranh quyền lực thực sự.

Cho dù Putin có là tổng thống, thủ tướng, người đứng đầu Hội đồng Nhà nước hay chủ tịch danh dự của Hiệp hội bài Bridge Quốc gia (vị trí mà Đặng Tiểu Bình từng nắm trong thời gian nhiếp chính kéo dài ở Trung Quốc sau khi từ bỏ các vị trí chính thức), sẽ không tạo nhiều khác biệt so với khi điều đó diễn ra trong một nền dân chủ thực sự. Cũng không ai biết hình dạng cuối cùng của hiến pháp mới sẽ như thế nào. Putin có thể quyết định học theo các nhà độc tài đi trước, để hiến pháp mới sửa đổi lại các giới hạn nhiệm kỳ hiện có. Hoặc, như Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc vào năm 2018, ông chỉ đơn giản là loại bỏ hoàn toàn các giới hạn nhiệm kỳ (Putin nói rằng ông không muốn làm như vậy). Ông Tập thậm chí còn chẳng bận tâm đến một cuộc trưng cầu dân ý mà thay vào đó tiến hành sự thay đổi sẽ cho phép ông cai trị vô thời hạn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội – ND) với 2.959 trên 2.964 phiếu ủng hộ. Một mô hình khác được cung cấp bởi Kazakhstan, nơi Nurultan Nazarbayev, người trở thành tổng thống đầu tiên của nước này sau khi giành độc lập vào năm 1990, chỉ mới từ chức năm ngoái để giữ vai trò lãnh đạo đảng cầm quyền và danh hiệu "Lãnh đạo Quốc gia".

Nước Mỹ từng lên tiếng phản đối sự thao túng các quy tắc. Dưới thời Donald Trump, Mỹ không còn làm như vậy nữa ; Tổng thống Mỹ công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các lãnh đạo chuyên chế. EU cũng không thể làm gì hơn việc âm thầm lẩm bẩm trước cảnh Putin dính chặt vào ngai vàng. Họ sợ hãi trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và phụ thuộc vào Nga về cung cấp khí đốt. Những lãnh đạo chuyên chế trên thế giới sẽ chú ý theo dõi các sự kiện ở Moskva để xem liệu Putin có thể cung cấp cho họ những lời khuyên hữu ích nhằm kéo dài sự cai trị của mình hay không. Đối với những người ủng hộ dân chủ ở khắp mọi nơi, điều an ủi duy nhất là ngay cả những nhà lãnh đạo trọn đời cũng không thể sống mãi.

The Economist

Nguyên tác : How Vladimir Putin is preparing to rule for ever, The Economist, 15/01/2020

Phan Nguyên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/01/2020

Published in Diễn đàn

Putin không cải cách nổi Nhà nước Nga

Đòn phản công "giới hạn" của Anh chống Nga trong nghi án đầu độc cựu gián điệp, tổng thống Trump nhắm tăng thuế với 60 tỉ hàng hóa Trung Quốc, chủ trương "xóa bỏ" quy chế đặc biệt dành cho nhân viên hỏa xa của chính phủ Pháp vấp phải phản ứng quyết liệt từ các nghiệp đoàn là một số tít lớn.

putin1

Trang bìa một cuốn sách mới về tổng thống Nga : "Vivre avec Putin/Sống với Putin" của Claude Blanchemaison.© Editions Temporis

Nước Nga, trước cuộc bầu cử tổng thống Chủ Nhật tới 18/03/2018, với phần thắng được xem như chắc chắn thuộc về ông Putin, là chủ đề thu hút hầu hết các báo. Les Echos có bài phân tích về "những thất vọng", "bất an" tràn ngập xã hội Nga, trái ngược với các tuyên truyền của Moskva.

"Putin hay sự thất bại của hiện đại hóa" của Les Echos mở đầu với một cuộc trò chuyện thân mật giữa một nhóm đồng nghiệp xung quanh tách cà phê. Tất cả đều chắc chắn là Putin sẽ lại tái đắc cử, nhưng mặt khác tất cả cũng đều phẫn nộ về tình trạng "kinh tế bế tắc", "chính trị tù đọng", và "mong mỏi xã hội được tự do hơn", họ lo ngại thế đối đầu giữa Nga với phương Tây không biết đến khi nào mới dứt.

Những nhân vật trong câu chuyện mà Les Echos thuật lại không phải là các nhà ly khai, họ làm việc cho một tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước Nga, có lương bổng hậu hĩnh. Tất cả đều được hưởng lợi nhờ hai thập niên "ổn định" dưới thời Putin, sau thập niên "hỗn loạn" những năm 1990 hậu Xô Viết. Tuy nhiên, tất cả đều quyết định sẽ không bầu cho ông Putin ngày Chủ Nhật tới. Một người trong số họ giải thích : "ổn định mà điện Kremlin bảo đảm nay không còn đủ nữa".

Theo Les Echos, thái độ bất mãn nói trên là rất phổ biến trong xã hội Nga, trước thềm bầu cử, đặc biệt trong "tầng lớp trung lưu mới". Thái độ này có xu hướng ngày càng gia tăng. Lý do chính là vì hệ thống chính trị hiện hành tại Nga "bất lực trong việc tự thay đổi", tiến hành các cải cách khẩn cấp để xây dựng một Nhà nước pháp quyền và giải phóng nền kinh tế.

Về kinh tế, Les Echos ghi nhận một phát biểu rất lạ thường mới đây của thủ tướng Medvedev, chống lại việc "tư nhân hóa", tại một diễn đàn kinh tế. Thủ tướng Nga từng một thời được coi là đại diện cho xu thế cải cách. Trên thực tế, hiện tại 70% kinh tế Nga phụ thuộc vào chính quyền, so với 50% cách đây ít năm.

Theo Les Echos, ông Putin chắc chắn sẽ tiếp tục tại vị, nhưng ông sẽ không thể trả lời được ba câu hỏi lớn. Thứ nhất là nước Nga hình dung thế nào về vị trí của mình trong thế giới, ngoài các khiêu khích chống phương Tây ? Thứ hai là dự án kinh tế nào cho nước Nga, ngoài nguồn lợi chủ yếu từ dầu mỏ lâu nay ? Và thứ ba là tổng thống Putin sẽ chuẩn bị thế nào cho việc chuyển tiếp quyền lực sau hơn 20 năm cai trị ?

Giới tinh hoa Nga co lại

Les Echos nhận xét : Tổng thống Nga là một "nhà chiến thuật giỏi hơn là một nhà chiến lược tài ba", nước Nga Putin thành thạo trong các ứng xử tùy thời trong hiện tại, nhưng không táo bạo trong các dự phóng hướng đến tương lai. Nước Nga chắc chắn có rất nhiều tiềm năng gây bất ngờ, nhưng vấn đề là kể từ thời điểm Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, giới tinh hoa Nga "dường như đang sống co lại", tách rời khỏi thực tại, cự tuyệt cải cách.

Trái ngược với nỗi bất an, thất vọng phổ biến trong xã hội, cuộc tranh cử tổng thống Nga, theo Les Echos, thực chất chỉ là một màn trình diễn hoành tráng, với nhiều ứng cử viên do chính điện Kremlin dựng lên cho vở tuồng thêm màu mè.

Thứ nhất là nữ ứng cử viên Ksenia Sobtchak, với lập trường có vẻ tự do, thân phương Tây, nhưng mục tiêu chính điện Kremlin đưa nhân vật này ra là để che khuất nhà đối lập thực sự, ông Alexei Navalny thân Châu Âu, người bị tước quyền ứng cử.

Nhân vật thứ hai Pavel Grudinin, nổi tiếng là một "nhà cộng sản triệu phú", được dựng lên nhằm quyến rũ nhóm cử tri cánh tả có quan điểm thân phương Tây. Tuy nhiên, để hãm bớt ảnh hưởng đang ngày càng mạnh của "nhà cộng sản triệu phú", truyền thông Nhà nước Nga không ngừng đưa ra các chiêu trò bôi nhọ ông.

Thế hệ trẻ thờ ơ với Putin

Về cuộc bầu cử tổng thống Nga, Le Figaro có bài giới thiệu một số gương mặt chính, trong cuộc bỏ phiếu ngày mai. Trong khi đó, La Croix có hai bài phóng sự thú vị. Bài thứ nhất nói về những suy nghĩ của giới trẻ Nga, từ 18 đến 25 tuổi. Phóng sự cho thấy đa số những người lớn lên dưới thời Putin có thái độ rất dè dặt với chính trị, đặc biệt là cảnh giác với các tuyên truyền của điện Kremlin.

Lôi kéo cử tri : Muôn hình muôn vẻ

Phóng sự thứ hai cho biết, trước sự thờ ơ của xã hội Nga, Moskva đã sử dụng hàng loạt thủ đoạn để huy động cử tri đi bỏ phiếu. La Croix thuật lại, kể từ tháng Hai đến nay, nhiều đoạn video rất lạ đời, không rõ xuất xứ, được các diễn viên chuyên nghiệp đóng vai, rất phổ biến trên các mạng xã hội Nga.

Trong số đó, có một đoạn phim mô tả cơn ác mộng của một người không đi bỏ phiếu ngày 18/03. Nhiều quân nhân mang trang phục như thời cộng sản đến gõ cửa bắt ông đi lính, ắt hẳn theo lệnh của một tân tổng thống theo cộng sản. Hoảng sợ, chạy vào bếp, ông bất ngờ gặp phải một người đồng tính đã chiếm hữu vị trí này không biết từ lúc nào, ắt hẳn là theo luật mới do một lãnh đạo thân phương Tây ban bố. Tỉnh dậy, thoát cơn ác mộng, cử tri này vội vã chạy đi bỏ phiếu.

Có khoảng một chục đoạn video tương tự được tung ra để đánh đòn cân não.

Bà Clémentine Fauconnier, chuyên gia về Nga của Trường EHESS, nhận xét : Sau thất bại thảm hại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử 2016 (với kết quả dưới 50% lần đầu tiên kể từ khi Putin lên nắm quyền), Kremlin tìm mọi cách để chống nạn vắng mặt, với các biện pháp muôn hình, muôn vẻ.

Từ tổ chức thi chụp ảnh selfie trong phòng bỏ phiếu, để tranh giải điện thoại di động Iphone 10, hay tặng vé đi xem buổi hòa nhạc thời thượng của Egor Kreed, một nhân vật rất được giới trẻ hâm mộ, hay tổ chức các buổi trưng cầu dân ý địa phương về xây dựng các công trình phúc lợi, như công viên, nhà hát, trùng với ngày bầu cử…

Trump đe kiện Trung Quốc ra WHO

Sau khi tấn công Liên Hiệp Châu Âu với đe dọa tăng thuế thép-nhôm, đến lượt Trung Quốc là đích nhắm của chính quyền Donald Trump.

Theo Les Echos, Washington sẽ tăng thuế đối với khoảng 30 đến 60 tỉ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Chính quyền Trump tố cáo Bắc Kinh gây thiệt hại cho Mỹ đến 30 tỉ đô la/năm, do xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bắt buộc các doanh nghiệp Mỹ nào muốn kinh doanh tại Trung Quốc phải "chuyển giao công nghệ".

Washington dự định đưa vụ việc ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nhằm thu hút sự tham gia của một số quốc gia khác, cũng là nạn nhân của Trung Quốc (điều trớ trêu là theo nhiều nhà quan sát, chính cơ quan trọng tài của WTO có nguy cơ bị tê liệt trong những tháng tới, do thiếu thẩm phán, mà Mỹ lại chính là quốc gia cản đường việc bổ nhiệm - người viết).

Hai câu hỏi mà Les Echos đặt ra là : Liệu chủ trương mới của Donald Trump có được "các đồng minh" - như Châu Âu hay Hàn Quốc - ủng hộ hay không, đúng vào lúc họ vừa bị Washington tấn công trong lĩnh vực nhôm - thép ?

Thứ hai là các nghiệp đoàn thuộc các ngành công nghiệp của Mỹ, tuy bất mãn với Trung Quốc, nhưng cũng rất lo ngại về các biện pháp tăng thuế có thể dẫn đến các trả đũa từ Bắc Kinh.

Trung Quốc : Mở rộng "chống tham nhũng" theo kiểu Tập Cận Bình

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro tiếp tục theo dõi các diễn biến của Quốc hội Trung Quốc, sẽ kết thúc vào tuần tới, với bài "Bắc Kinh mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng". Luật xử "công chức tham nhũng" sẽ được thông qua đầu tuần tới.

Với luật mới, "cuộc chiến chống tham nhũng" theo kiểu Tập Cận Bình giờ đây sẽ nhắm vào toàn bộ giới công chức, viên chức, thay vì chỉ là 90 triệu đảng viên Đảng cộng sản như trong 5 năm vừa qua.

Luật chống tham nhũng mới dự kiến sẽ chỉ cho phép tạm giữ nghi phạm tối đa là 6 tháng. Quy định "song quy" (shuangui) của Ủy ban Kiểm tra trung ương, hoàn toàn nằm ngoài hệ thống pháp lý, đã dẫn đến rất nhiều trường hợp giam giữ vô thời hạn, và tra tấn nhằm ép cung. So với cách xử lý nội bộ nói trên, tuy luật mới có vẻ như minh bạch hơn, nhưng nhiều luật sư, nhà bảo vệ nhân quyền lo ngại luật sẽ không cản được các lạm quyền phổ biến.

Luật chống tham nhũng mới sẽ tăng gấp đôi số đối tượng bị theo dõi. Kể từ giờ các các công chức có thể bị bắt bất cứ lúc nào, trong các điều kiện mờ ám. Theo một chuyên gia Trung Quốc, hệ quả chính của nỗ lực chống tham nhũng theo kiểu Tập Cận Bình là "hủy bỏ thực sự ranh giới vốn đã rất mỏng manh giữa Đảng cộng sản và Nhà nước tại Trung Quốc".

Đàm phán Trump - Kim : "Phi hạt nhân hóa" mỗi bên hiểu một khác

Vẫn về thời sự Châu Á, Le Monde có phân tích đáng chú ý của nhà báo Alain Frachon về các khả năng đàm phán giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, với cuộc gặp dự kiến vào tháng 5.

Nhà báo Le Monde nhấn mạnh đến những cách hiểu rất khác nhau giữa hai bên xoay quanh thuật ngữ chung "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên, mà hai bên tạm thời đồng ý.

Nếu như đối với Donald Trump, phi hạt nhân hóa có nghĩa là Bình Nhưỡng phải từ từ dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân, trong khi đó, với Bắc Triều Tiên, việc phi hạt nhân hóa rất có thể sẽ phải đi kèm với việc Hoa Kỳ triệt thoái 30.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, cũng có nghĩa là "giải trừ quân bị" song phương. Le Monde hoài nghi khả năng lèo lái của Donald Trump.

Nghi án cựu điệp viên Nga trúng độc : Khủng hoảng còn dài

Trở lại thời sự Châu Âu, nghi án cựu điệp viên Nga bị đầu độc tiếp tục ám ảnh quan hệ phương Tây - Nga. Theo Le Monde, chính quyền Anh đã có phản ứng chừng mực với Moskva, với việc trục xuất 23 nhà ngoại giao. Hành động được đánh giá là một cuộc phản công, nhưng Luân Đôn vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Xã luận Le Monde nhấn mạnh là phương Tây đoàn kết trong một mặt trận chung, đối mặt với Moskva, qua các phản ứng tức thời của lãnh đạo khối NATO, của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng dự đoán đây sẽ là "một cuộc khủng hoảng kéo dài và sâu rộng, vượt xa khỏi mối quan hệ song phương giữa Luân Đôn và Moskva".

Văn học Nga : Kremlin triển khai "quyền lực mềm", gạt bỏ tác phẩm phản kháng ?

Le Monde dành phụ trương đặc biệt cho văn học Nga, nhân dịp bầu cử tổng thống, nhưng cũng là dịp nước Nga là "khách mời danh dự" của Triển lãm Sách Paris 2018, vừa khai mạc hôm 16/03 (sẽ diễn ra đến 19/03).

Bài "Phổ biến văn học Nga như một quyền lực mềm" giới thiệu chiến lược đưa văn học cổ điển Nga ra nước ngoài, được khởi sự từ năm 2012. Theo đó Cơ quan xuất bản Nga tài trợ toàn bộ cho việc dịch và ấn hành của hơn một trăm đầu sách, do nhà xuất bản các nước lựa chọn trong số 150 cuốn mà phía Nga đề xuất. Dự án đã được khởi sự tại Trung Quốc, Mỹ và Anh, và giờ đến lượt Pháp.

Việc dịch thuật các tác phẩm văn học cổ điển hiển nhiên là chuyện đáng được khuyến khích, có lợi cho hình ảnh nước Nga - quốc gia có một nền văn học cổ điển đáng ngưỡng mộ, thế nhưng nhiều người cảnh giác trước việc Kremlin gạt các tác giả có quan điểm "chống độc tài" ra ngoài.

Tương tự trong cuộc Triển lãm Sách Paris, mà Nga là khách mời danh dự, Le Monde nhận thấy rất nhiều tên tuổi lớn của văn học Nga vắng mặt trong đoàn khách mời chính thức. Nhà văn nổi tiếng Boris Akunin cũng nhận lời mời, nhưng là khách mời riêng của một nhà xuất bản Pháp.

Cũng trong phụ trương này, Le Monde chọn giới thiệu một tác giả lớn của nền văn học Nga. Nhà thơ Ossip Madenstam, với toàn bộ tác phẩm như một lời thách thức trực diện nhắm vào lãnh đạo độc tài Stalin. Ông chết năm 1938, trong một trại tập trung. Ossip Madenstam đã dành những vần thơ tha thiết nhất để ngợi ca cuộc sống ngay cả trong cảnh khốn cùng.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Hòn đá cuội trong giày của Putin

Báo Le Monde hôm nay dành bài xã luận để nói về phong trào phản kháng chính quyền Nga với một tiêu đề giàu hình ảnh : "Hòn đá cuội trong giày của Putin".

putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, ngày 15/06/2017.REUTERS

Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhận xét Vladimir Putin có thể an tâm mà ngủ ngon giấc vì sắp tới cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018 và mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho ông : tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Nga vẫn ở mức trên 80% và không chính trị gia nào có khả năng cạnh tranh với Putin trong kỳ bầu cử sắp tới.

Le Monde ví von hoàn cảnh trên như một "bầu trời quang đãng, không một gợn mây". Người duy nhất "bướng bỉnh khuấy động bầu trời trong xanh" là luật gia Alexei Navalny, 41 tuổi, từng ra tranh cử chức thị trưởng Moskva và đang chịu án tù giam 30 ngày, sau đợt biểu tình ngày 12/06/2017 do ông phát động.

Theo nhận định của báo Le Monde, cho dù Alexei Navalny "chưa đủ tầm" để trở thành đối thủ của Putin trong kỳ bầu cử tổng thống Nga 2018, nhưng ông đang là người duy nhất có khả năng gây ra những cuộc phản kháng nhắm vào chế độ Putin thông qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Chính phủ Nga không có lựa chọn nào khác ngoài biện pháp trấn áp. Trong đợt biểu tình vừa qua tại ít nhất 187 thành phố trên khắp đất nước, chỉ tính riêng tại Moskva và Saint Petersburg, đã có 1400 người bị an ninh bắt giữ. Bộ máy tuyên truyền của điện Kremlin tỏ ra bất lực trước công cụ mà Alexei Navalny và những người ủng hộ ông sử dụng : đó là Internet và mạng xã hội. Theo Le Monde, Moskva không kiểm duyệt Internet và mạng xã hội gắt gao như Bắc Kinh.

Các phương tiện Internet và mạng xã hội rất hiệu quả trong việc thu hút đông đảo giới trẻ với khẩu hiệu "Nạn tham nhũng đang cướp mất tương lai của các bạn". Họ được gọi là "thế hệ người biểu tình mới". Đó mới là khó khăn mà tổng thống phải đương đầu. Một điều khác có thể khiến điện Kremlin lo ngại là phong trào phản kháng ngày càng quyết liệt và lan rộng ra cả nước chứ không chỉ tập trung ở Moskva như năm 2011.

Le Monde kết luận là Alexei Navalny tạm thời không đe dọa trực tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng cũng giống như phong trào phản kháng chế độ, cuộc đối đầu giữa Alexei Navalny và Vladimir Putin còn lâu mới chấm dứt.

Bạo lực và cái giá cho nhân loại

Trong bài viết "Cái giá nhân loại phải trả vì bạo lực", nhật báo kinh tế Les Echos cho biết theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Hòa Bình, bạo lực (chưa tính bạo lực gia đình) gây thiệt hại cho nhân loại đến 13% tổng thu nhập (14.300 tỉ đô la). Tính bình quân, mỗi người mất 4,6 euro/ngày. Con số này dựa trên 22 chỉ số tính chi phí mà mỗi quốc gia phải chi ra để "đề phòng và giải quyết hậu quả các vụ bạo lực", chẳng hạn chi tiêu cho quân đội và cảnh sát, chi phí chăm sóc sức khỏe nạn nhân … Đó là chưa kể các chi phí gián tiếp, thiệt hại gián tiếp gây ra cho các hoạt động kinh tế.

May mắn là tình hình năm 2016 đã được cải thiện so với năm 2008 : tổng thiệt hại giảm 2,9%. Bạo lực giảm ở 93 quốc gia nhưng tăng tại 63 nước khác. Quốc gia ít bạo lực nhất là Iceland, mỗi năm chỉ có 1 vụ giết người. Tiếp theo là các nước Châu Âu. Pháp đứng thứ 51. Đứng cuối bảng xếp hạng là 7 nước đang có chiến tranh : Syria, Iraq, Afghanistan, Colombia, Soudan, Somalia và Yemen. Bắc Triều Tiên là nước duy nhất không có chiến tranh nhưng lại có tỉ lệ ngân sách dành cho quốc phòng thuộc hàng cao nhất thế giới.

20% trẻ em các nước phát triển thiếu thốn về vật chất

"Tại các nước giàu có, cứ 5 trẻ thì có một em chịu cảnh nghèo khó về vật chất" là kết quả nghiên cứu của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc Unicef. Les Echos cho biết, trẻ em Thụy Điển và Đức được hưởng điều kiện vật chất tốt nhất. Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, "tổng thu nhập quốc gia cao không đủ để đảm bảo điều kiện vật chất cho trẻ em". Trong bảng xếp hạng 41 quốc gia, Mỹ chỉ xếp thứ 37, trước Mexico, Romania, Bulgaria và Chile. Pháp đứng thứ 19/41. Mặc dù số vụ thanh-thiếu niên tự sát đã giảm, nhưng lượng rượu mạnh mà các em ở độ tuổi 15-24 uống và số thanh-thiếu niên rối loạn về tinh thần lại ngày càng tăng.

Hỏa hoạn ở Luân Đôn và ngọn lửa giận dữ trong dân chúng

Vụ hỏa hoạn thiêu rụi gần như hoàn toàn một chung cư 27 tầng ở Luân Đôn đã làm bùng lên ngọn lửa giận dữ trong công luận Anh Quốc. Trong bài viết "Ở Luân Đôn, cơn giận sau vụ hỏa hoạn", Le Monde cho biết dân chúng đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền Luân Đôn và doanh nghiệp quản lý chung cư.

Grenfell là một khu nhà xã hội được xây từ những năm 1970, ở quận Kensington và Chelsea, một trong những quận giàu có nhất hành tinh. Quận trưởng giao quyền quản lý chung cư cho công ty Kensington and Chelsea Tenant Management Organisation (KTCMO). Tuy nhiên, công ty này thường xuyên bị chỉ trích vì không tham khảo ý kiến người dân khi đưa ra các quyết định, chậm trễ khi tiến hành những cải tạo cần thiết.

Từ năm 2003, hiệp hội cư dân Grenfell Action Group đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn và chỉ trích KTCMO về cách thức phòng chống cháy : các cửa thoát hiểm bị chặn, thiếu biển báo chỉ dẫn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, sự cố quá tải điện năng … Công ty quản lý chung cư KTCMO thừa nhận mối lo của người dân Grenfell nhưng hiện tại từ chối trả lời cáo buộc để tập trung thu xếp nhà ở tạm thời cho người dân.

Chuyên gia phòng chống hỏa hoạn Sam Webb phẫn nộ : "Kensington và Chelsea, một trong những quận giàu có nhất, dường như đã không làm gì để giải tỏa nỗi lo của người dân".

Năm 2015-2016, tòa nhà được cải tạo với số tiền đầu tư lên tới 11 triệu euro. Theo Le Monde, nghịch lý là vụ hỏa hoạn xảy ra không lâu sau khi chung cư được nâng cấp. Tại sao điều đó lại xảy ra ? Giám đốc hiệp hội phòng chống hỏa hoạn cho biết chính lớp vật liệu cách nhiệt mới dễ bắt lửa đã khiến hỏa hoạn lan rộng và nhanh.

Thanh niên Hy Lạp : thất nghiệp và rời bỏ đất nước

Vẫn liên quan tới Châu Âu, Le Figaro nói về lựa chọn khó khăn của giới trẻ Hy Lạp, hoặc thất nghiệp, hoặc phải rời xa đất nước. Tỉ lệ thất nghiệp của Hy Lạp là 23%. Gần 50% số thanh niên không có việc làm. Nhiều người có bằng cấp, trình độ, giỏi ngoại ngữ phải chấp nhận làm phục vụ, bồi bàn, nhưng kiếm được việc làm thường xuyên cũng không đơn giản vì các quán cà phê, nhà hàng vắng khách.

Nhiều thanh niên phải từ bỏ đất nước, sang Pháp, Đức, Úc kiếm sống, kể cả làm bồi bàn. Một người chua chát nói Hy Lạp xuất khẩu cả bồi bàn ra khắp thế giới, cho dù thanh niên Hy Lạp là những người có trình độ học vấn nằm trong tốp cao nhất Châu Âu. Theo số liệu chính thức, từ đầu cuộc khủng hoảng 2009, 350.000 người Hy Lạp đã ra nước ngoài kiếm sống. Nạn chảy máu chất xám ngày càng nghiêm trọng trong những tháng qua, dù chính phủ đã hứa có các biện pháp thay đổi tình hình.

Cuộc sống của người dân Caracas : thiếu thốn và mất an toàn 

Vẫn trong lĩnh vực xã hội, Le Monde có bài viết "Cuộc sống thiếu thốn và mất an toàn ở Caracas" cho thấy sự đối lập giữa thực tế cuộc sống của người dân và những lời tuyên truyền của chính phủ Venezuela. Theo kênh truyền hình Nhà Nước VTV, "mọi chuyện vẫn ổn, tình hình đất nước ngày càng tốt lên, hàng hóa phong phú hơn".

Nhưng trong thực tế, cuộc sống của người dân Venezuela gói gọn trong vài từ : lạm phát, xếp hàng chờ mua thực phẩm, thiếu thốn, mất an ninh, biểu tình, bạo lực, trấn áp và sợ hãi. Bới thùng rác để kiếm thức ăn thừa là một cách để duy trì sự sống. Đường và cà phê là những món hàng xa xỉ. Trong khi lương tối thiểu là 65.000 bolivare/tháng, một cân thịt có giá tới 13.000 bolivare. Giá thịt đã tăng gấp đôi chỉ sau 1 tuần. Các cửa hàng bánh mỳ đều có lính canh gác để đề phòng tấn công trộm cướp.

Cảnh sát hiện diện khắp nơi, các vụ trấn áp ngày càng bạo lực và khiến người dân sợ hãi. Le Monde nhận xét : Thủ đô Caracas giống "ngọn núi lửa sắp phun trào".

Trang nhất các báo Pháp

Chỉ còn hai ngày nữa là tới vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp, nhật báo La Croix dành trang nhất cho chủ đề này với hàng tựa lớn "Những người nghiệp dư ở ngưỡng cửa Quốc hội" và dự báo đảng Cộng Hòa Tiến Bước sẽ được đa số tuyệt đối ở Quốc hội.

Nhân dịp triển lãm quốc tế về công nghệ mới Viva Tech khai mạc hôm qua ở trung tâm triển lãm Porte de Versailles, Paris với dự tham dự của tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron, báo kinh tế Les Echos quan tâm tới chiến lược của nguyên thủ Pháp để thu hút, phát triển các công ty khởi nghiệp qua hàng tít "Công ty khởi nghiệp : cam kết của Macron".

Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro quan tâm tới số phận đau đớn của những phụ nữ Hồi Giáo Yazidi thiểu số bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bắt làm nô lệ tình dục và chạy tựa "Các câu chuyện kể đáng sợ của những nô lệ của Daesh", kèm theo đó là bức ảnh hai phụ nữ trùm khăn với ánh mắt đau đáu một nỗi buồn.

Libération lại dành tít lớn cho hồ sơ vụ án Grégory đã từng gây chấn động nước Pháp cách đây 32 năm liên quan tới vụ sát hại cậu bé Grégory Villemin (4 tuổi). Các chuyên gia về chiết tự lên án nhiều người trong gia đình Villemin vì trong vụ án này, có rất nhiều lá thư đe dọa và thư nặc danh. Libération cũng dành nhiều trang bài bên trong cũng như bài xã luận cho hồ sơ Grégory.

Thùy Dương

********************

Đối thoại trực tuyến : Tổng thống Nga lảng tránh các vấn đề đối nội (RFI, 16/06/2017)

Hôm 15/06/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc đối thoại thường niên với dân chúng, kéo dài gần bốn giờ và được ba kênh truyền thông lớn trong nước truyền hình trực tiếp.

putin2

Tổng thống Nga Vladimir Putin 'đối thoại' trực tuyến với dân chúng ngày 15/06/2017. REUTERS/Sergei Karpukhin

Cuộc đối thoại lần thứ 15 này diễn ra trong bối cảnh Nga tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kinh tế nặng nề, biểu tình bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước, chính quyền đáp lại bằng đàn áp. Tổng thống Nga tảng lờ tình cảm phẫn nộ của dân chúng về tình trạng tham nhũng trầm trọng và không để ngỏ cánh cửa cho thay đổi chính trị.

Thông tín viên Muriel Pompone tường trình từ Moskva :

"Làm như không có chuyện gì xẩy ra, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng giải thích là đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng, cho dù người dân vẫn chưa cảm nhận thấy kết quả trên thực tế.

Ông Putin không hề nhắc đến các cuộc biểu tình mới đây, với sự tham gia của hàng ngàn người Nga tại hơn một trăm thành phố. Tổng thống Nga cũng không đưa ra bất cứ một câu trả lời nào về các mối quan tâm của người dân về tình trạng giới tinh hoa tham nhũng, và ông lại càng không đề cập đến mong muốn thay đổi người lãnh đạo Nhà nước.

Ông Putin không nói gì về cuộc bầu cử tổng thống sắp đến. Và tên của nhà đối lập Alexei Navalny không được nhắc đến nhưng bị tổng thống Nga gián tiếp chỉ trích. Ông Putin nói : "Tôi sẵn sàng nói chuyện với tất cả những ai mong muốn cải thiện đời sống của dân chúng, giải quyết các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt, chứ không nói chuyện với những người lợi dụng các khó khăn này để gia tăng ảnh hưởng chính trị của họ".

Tổng thống Nga không để ngỏ cánh cửa cho thay đổi chính trị. Vả lại, ông cũng không đưa ra thông báo nào trong lĩnh vực xã hội hay kinh tế. Rõ ràng, ông Putin không có ý định đáp ứng các mong đợi của những người biểu tình, nhất là giới trẻ, ngoài việc tiến hành đàn áp".

Thông tín viên RFI cũng ghi nhận không khí căng thẳng tại nước Nga thể hiện rõ qua các dòng tin nhắn SMS của khán thính giả, được đưa lên truyền hình hôm qua, trước khi bị xóa bỏ : "Ba nhiệm kỳ tổng thống là quá đủ !", "Putin, ông có thực sự nghĩ rằng dân chúng còn tin vào trò hề này", "Giã từ Putin"…

Trong cuộc đối thoại hôm qua, tổng thống Nga Putin cũng thừa nhận số người sống dưới ngưỡng nghèo khổ tại Nga tăng lên ở mức "đáng ngại". Năm ngoái 2016, nước Nga có tổng cộng 20 triệu người sống dưới mức nghèo, tức nhiều hơn ba triệu rưỡi người so với năm 2014. Mức sống của người Nga được đánh giá là thụt lùi về 10 năm trước đây.

Trọng Thành

Published in Quốc tế