Repsol nhượng cổ phần vì bị Trung Quốc ép, Việt Nam càng quyết tâm kiện ?
VOA, 23/06/2020
Công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol vừa quyết định chuyển nhượng lại cổ phần ba lô dầu khí vốn không hoạt động được trong những năm qua cho PetroVietnam do sức ép của Trung Quốc và các chuyên gia cho rằng động thái này là hệ quả tất yếu nhưng có thể làm Hà Nội quyết tâm hơn trong việc kiện Bắc Kinh ra toà quốc tế vì những tranh chấp trên Biển Đông.
Repsol được cho là đã chuyển nhượng lại cổ phần của ba lô thăm dò dầu khí trên Biển Đông cho tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam trước sức ép của Trung Quốc.
Theo ghi nhận của trang Archyde hôm 13/6, Repsol đã ký một thoả thuận với tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam để chuyển nhượng các cổ phần của công ty này tại Châu Á. Trong số ba lô dầu khí mà công ty Tây Ban Nha nhượng lại cổ phần cho PetroVietnam có mỏ Cá Rồng Đỏ, một dự án mà chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Repsol ngừng khai thác từ năm 2017 vì sức ép của Trung Quốc.
Công ty dầu khí Tây Ban Nha sẽ chuyển nhượng 51,57% số cổ phần ở lô 07/03 PSC và 40% số cổ phần ở lô 135-136/03 PSC cho công ty dầu khí Việt Nam, theo Archyde.
Repsol không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin trên.
Hồi tháng 5/2018, Reuters cho biết rằng Repsol đã tiến hành thương lượng với PetroVietnam và các quan chức chính phủ về việc đền bù cho những tác động từ việc ngừng hoạt động dự án Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính mà Trung Quốc nhiều lần đưa tàu vào nhằm gây sức ép đối với hoạt động khai thác gần đường "lưỡi bò" 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố.
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, người thường bình luận về các vấn đề Biển Đông, cho rằng quyết định của Repsol trả lại ba lô thăm dò dầu khí là hệ quả bởi vì trong hai năm qua công ty này đã không thể tiến hành các hoạt động thương mại liên quan.
"Có thể lập luận rằng Trung Quốc đã doạ nạt Việt Nam một cách thành công từ ba năm trước", Giáo sư Thayer nói khi trích dẫn thông tin chuyển nhượng của Repsol từ Archyde trong phần đăng tải về việc Repsol trả lại cổ phần cho PetroVietnam trên Thayer Consultancy Brackground Brief hôm 18/6.
Theo bình luận của Archyde, động thái này của Repsol được cho là đã hóa giải được cuộc xung đột với PetroVietnam liên quan đến tình trạng của các lô thăm dò dầu khí này cũng như làm giảm sự hiện diện của họ ở Việt Nam, "một quốc gia được coi là rủi ro, bởi trong những năm gần đây, các hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi xung đột lãnh thổ trên Biển Đông".
Chính quyền Việt Nam hồi tháng 7/2017 đã phải yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam nói thuộc "vùng chủ quyền không tranh cãi" của mình. Chưa đầy một năm sau đó, Repsol lại một lần nữa phải dừng hoạt động tại mỏ dầu khí này, mà theo các nguồn tin của Reuters và các chuyên gia quốc tế về Biển Đông, vẫn do sức ép từ Trung Quốc.
Sau vụ Cá Rồng Đỏ bị ép ngừng khai thác lần 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức vào tháng 4/2018 để đề xuất "cùng hợp tác để khai thác" trong vùng Biển Đông tranh chấp.
Nhận định về quyết định mới nhất của Repsol, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore cho rằng Repsol bị Trung Quốc ép phải rời khỏi Việt Nam nhờ có quyền ảnh hưởng thông qua việc nắm giữ cổ phần ở Repsol Brazil. Theo Reuters, tập đoàn Sinopec của Trung Quốc chi 7,1 tỷ USD mua 40% cổ phần của Repsol chi nhánh Brazil hồi năm 2010.
Hồi tháng 5/2018, Repsol được cho là đã bắt đầu các cuộc thương thảo với PetroVienam về việc đền bù sau khi chính phủ Hà Nội yêu cầu công ty Tây Ban Nha ngừng thăm dò dầu khí do sức ép của Bắc Kinh. Có thông tin từ giới chuyên gia dầu khí lúc đó cho rằng PetroVietnam phải bồi thường khoảng 400 triệu USD cho Repsol.
Theo Giáo sư Thayer, bất cứ việc ngừng thăm dò dầu khí nào cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam và sẽ thêm gánh nặng do tách động của đại dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế nói riêng của Việt Nam và trên toàn cầu nói chung.
Theo cả Giáo sư Thayer và Tiến sĩ Hợp, PetroVietnam sẽ không có đủ nguồn lực để tự mình phát triển các lô dầu khí mà Repsol vừa trả lại và sẽ phải tìm các đối tác nước ngoài để cùng hợp tác và khai thác.
Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển Đông đặc biệt tăng cao trong những năm gần đây đã khiến Hà Nội lần đầu tiên gửi công hàm phản đối Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 3 vừa qua để phản bác các lập luận của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Theo Tiến sĩ Hợp, Việt Nam đang chuẩn bị kiện Trung Quốc về Biển Đông và sẽ càng quyết tâm làm việc này sau động thái rút lui của Repsol.
"Nó sẽ thúc đẩy việc Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra toà quốc tế vì hiện hay Trung Quốc đang gây hấn ở Biển Đông chứ không phải Việt Nam. Nó có ảnh hưởng tốt vì thúc đẩy Việt Nam sớm đưa Trung Quốc ra một toà án nào đó", Tiến sĩ Hợp nói.
Thạc sỹ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu luật biển và hải đảo ở Việt Nam, trước đó trong tháng này cũng nhận định với VOA rằng "sớm muộn gì Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc" vì "Trung Quốc sẽ không dừng các tham vọng của họ trên khu vực Biển Đông" và "tới một mức nào đó thì Việt Nam không chịu nổi, buộc phải đưa Trung Quốc ra toà".
Hồi đầu tháng này, cố vấn cấp cao về Châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, Bonnie Glaser, nói với VOA rằng Việt Nam đã trong "tư thế sẵng sàng" và chỉ cần "một quyết tâm chính trị" là sẽ kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông.
Nguồn : VOA, 23/06/2020
******************
Repsol nhượng cổ phần ba lô dầu : Trung Quốc đe dọa thành công Việt Nam trên Biển Đông ?
Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ba Nha đã ký thỏa thuận với PetroVietnam để chuyển nhượng cổ phần tại ba lô thăm dò dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam - vốn không hoạt động được từ ba năm nay do sức ép từ Trung Quốc, trong đó có dự án Cá Rồng Đỏ.
Lô 07/03 nằm cạnh Lô 136-03 mà Việt Nam phải ngưng khai thác hồi 7/2017
Cụ thể, Repsol sẽ chuyển nhượng cho Petro Vietnam 51,75% cổ phần ở lô 07/03 PSC và 40% cổ phần ở lô 135-136/03 PSC.
Bằng cách này, Repsol được cho là đã hóa giải được cuộc xung đột với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan đến tình trạng của các lô này và làm giảm sự hiện diện của họ ở Việt Nam, "một quốc gia được coi là rủi ro, bởi trong những năm gần đây, các hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột lãnh thổ trên Biển Đông", theo bình luận trên trang Archyde.
Năm 2018, Repsol từng nhận được yêu cầu của PetroVietnam về việc ngưng dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 07/03, nơi Repsol có 52% cổ phần, do sức ép từ Trung Quốc.
BBC News tiếng Việt có cuộc trao đổi với Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á từ Úc, quanh động thái mới của Repsol và các tác động tới Việt Nam.
BBC : Ông có cho rằng động thái này đã chứng minh rằng Trung Quốc đã thành công trong việc dọa nạt Việt Nam và các đối tác kinh doanh, khi Việt Nam và các đối tác đã phải từ bỏ các quyền lợi trên Biển Đông vốn được luật pháp quốc tế công nhận ?
Carl Thayer : Có thể lập luận rằng Trung Quốc đã thành công trong việc dọa nạt Việt Nam từ ba năm trước.
Việc Repsol quyết định trả lại ba lô thăm dò (135-136 / 03 và 07/03) chỉ là hệ quả vì trong hai năm qua, Repsol đã không thể tiến hành các hoạt động thương mại liên quan đến các dự án này.
Theo luật quốc tế, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với các mỏ khí trong các lô này vì chúng nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc đã thành công trong việc đe dọa Việt Nam vào tháng 7/2017 và một lần nữa vào tháng 3/2018 khi Việt Nam đình chỉ và sau đó tạm dừng hoạt động khai thác lô dầu đang được Repsol tiến hành trong các khối 07/03 và 136/03.
Việt Nam đã không tiến hành bất kỳ hoạt động thăm dò dầu thương mại nào trong các lô này kể từ đó.
BBC : Hành động này sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư của các công ty dầu khí quốc tế khác vào thị trường khai thác dầu ở Việt Nam do lo sợ áp lực của Trung Quốc ?
Carl Thayer : Các công ty dầu khí quốc tế hiện đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam bao gồm ONGC Videsh của Ấn Độ, Exxon Mobil của Mỹ, và Roseft của Nga - từ lâu đã nhận thức được những rủi ro mà họ đang gặp phải.
Trong quá khứ, chính phủ Ấn Độ đã thúc giục ONGC Videsh tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Năm 2018 đã có tin đồn rằng Exxon Mobil sẽ rời khỏi Việt Nam vì lý do tài chính. Tuy nhiên, đầu tháng này, một quan chức cấp cao của ExxonMobil đã điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bày tỏ mối quan tâm của công ty mình trong việc phát triển các nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) trên đất liền.
Bất kỳ áp lực nào của Trung Quốc đối với Exxon Mobil tại thời điểm này có thể sẽ khiến Hoa Kỳ nhảy vào can thiệp.
Rosneft đã giữ vững quan điểm của mình vào năm ngoái. Có báo cáo rằng các hoạt động thăm dò dầu khí có thể tiếp tục trong các lô đã được cấp phép cho Rosneft. Giàn khoan dầu Clyde Boudreaux gần đây đã được kéo đến Vũng Tàu.
BBC : Việt Nam được cho là sẽ phải chịu thiệt hại tài chính lớn do động thái mới đây của Repsol. Thiệt hại này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng ngành dầu khí Việt Nam như thế nào ?
Carl Thayer : Các lô dầu khí mà Repsol vận hành được ước tính chứa 172 tỷ feet khối khí tự nhiên có thể phục hồi, 45 triệu thùng dầu thô và 2,3 triệu thùng nước ngưng (dầu thô nhẹ).
Nếu các lô này có thể bơm dầu và khí đốt lên bờ để sản xuất điện, chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Vào tháng 5/2018, có thông tin rằng Respol đã tham gia các cuộc đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để được bồi thường khi chính phủ Việt Nam ra lệnh cho họ ngừng hoạt động. Ước tính vào thời điểm đó, nếu Repsol bị đình chỉ hoạt động hoàn toàn, các nhà đầu tư sẽ mất trắng gần 200 triệu đô la đã bỏ ra.
Bất kỳ việc đình chỉ khai thác dầu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam và đè nặng lên các tác động do dịch Covid-19 gây ra đối với tăng trưởng kinh tế nói riêng tại Việt Nam và trên toàn cầu nói chung.
BBC : Liệu động thái này có nói lên rằng chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ dám kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông ?
Carl Thayer : Có ý kiến cho rằng Việt Nam bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế liên quan đến cách thức chọn hành động pháp lý mà Việt Nam có thể khởi xướng.
Ví dụ, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) chỉ bao gồm "các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc ứng dụng" Công ước.
UNCLOS không thể giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, phân định ranh giới trên biển và các hoạt động quân sự.
Tòa trọng tài quốc tế cần có sự đồng ý của cả hai bên. Và như chúng ta đã chứng kiến từ vụ Philippines kiệnTrung Quốc, UNCLOS không có bất kỳ biện pháp thực thi nào.
Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ không bao giờ kiện, nhưng họ sẽ phải lựa chọn các vấn đề của mình một cách cẩn thận. Cách tiếp cận của Philippines là yêu cầu Tòa Trọng tài - được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS - để xác định các quyền lợi của họ theo Luật Biển.
Quyết định chuyển nhượng hợp đồng sản xuất chung của mình trong lô 07/03 và 135-136 / 03 cho Tập đoàn Dầu khí được thực hiện trên cơ sở thương mại.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có lẽ không có đủ nguồn lực để tự phát triển các khối này. Tập đoàn này sẽ phải tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Điều này sẽ khó khăn vào thời điểm sự hiếu chiến của Trung Quốc gia tăng và căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 20/06/2020
Khoan dầu trên Biển Đông : Việt Nam nói hoạt động theo luật quốc tế (VOA, 18/05/2018)
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một thông cáo gửi cho Reuters hôm 17/5 rằng các hoạt động dầu khí hàng hải của mình là phù hợp với luật phát quốc tế và được tiến hành trong vùng biển mà Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền.
Bộ ngoại giao Việt Nam đưa ra tuyên bố phản ứng về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông qua Twitter (@PressDept_MoFA)
Thông cáo này được đưa ra một ngày sau khi hai nguồn tin riêng của Reuters cho biết Rosneft Việt Nam BV, thuộc công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft, lo ngại rằng công việc khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
"Như chúng tôi đã luôn khẳng định, tất cả các hoạt động kinh tế hàng hải của Việt Nam, bao gồm các hoạt động dầu khí, đã được cấp phép và được tiến hành trong các khu hàng hải hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của Việt Nam và thuộc quyền tài phán (của Việt Nam)", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo gửi cho Reuters.
Công ty Rosneft của Nga lo sợ việc khoan thăm dò dầu khí của họ với Việt Nam trên Biển Đông cũng sẽ bị Trung Quốc chèn ép như họ đã làm với công ty năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol.
Ngày 15/5, Rosneft cho biết chi nhánh của họ tại Việt Nam đã bắt đầu khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách bờ biển phía đông nam Việt Nam 370km. Lô này "nằm trong khu vực đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra", theo công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Wood Mckenzie.
Tòa trọng tài quốc tế La Haye đã bác bỏ đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn của Trung Quốc trong một phán quyết ra vào ngày 12/7/2016. Nhưng Trung Quốc phủ nhận phán quyết này.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/5, khi được hỏi về tường trình của Reuters về vụ khoan dầu của công ty Nga, nói : "Không có quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được phép thực hiện các hoạt động thăm dò hoặc khai thác dầu khi trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc khi không được phép của chính phủ Trung Quốc".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc "kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương hoặc hòa bình và ổn định trong khu vực".
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong tuyên bố gửi đến Reuters rằng "các hoạt động dầu khí của Việt Nam được thực hiện theo Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc".
Đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc đánh dấu một khu vực rộng lớn trên Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các bản đồ khu vực cho thấy lô 06.1 nằm vào khoảng 85 km bên trong khu vực tranh chấp.
Trong chưa đầy 1 năm qua, Repsol, một công ty năng lượng của Tây Ban Nha đã bị Việt Nam 2 lần yêu cầu dừng các dự án khoan dầu trên vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc. Theo Reuters và BBC, Repsol phải dừng khai thác khí đốt vì sức ép của Bắc Kinh lên Hà Nội. Repsol đã yêu cầu Việt Nam phải bồi thường cho những thiệt hại từ việc dừng dự án.
Sau 2 lần Repsol bị yêu cầu ngừng các dự án của "Cá Rồng Đỏ", các chuyên gia cảnh báo "sẽ không có công ty nước ngoài nào còn muốn đầu tư vào Việt Nam nữa".
Trong một lần phỏng vấn vào tháng trước với VOA, hai chuyên gia về Biển Đông của Mỹ, Gregory Poling của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) và Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniels K. Inouye cho rằng Việt Nam đang bị Trung Quốc lấn át trên Biển Đông, "rơi vào thế kẹt" và "không biết phải tiến lên phía trước như thế nào".
Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam đầu tháng 4 đã lên tiếng thừa nhận rằng tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí của họ trong năm nay. Theo bài viết đăng tải trên trang web của PetroVietnam hôm 3/4, tập đoàn dầu khí này nói "những diễn biến phức tạp (trên Biển Đông) sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn".
*******************
Rosneft cũng sẽ bỏ chạy như Repsol ? (CaliToday, 18/05/2018)
Sau vụ Repsol và nỗi nhục Cá Rồng Đỏ, chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018 của Reuters/Maxim Shemetov
Nhưng ‘cái khó lại ló cái ngu’. Ngay cả Rosneft của người Nga cũng đang rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.
Theo Reuters, ngày 17/5/2018 Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Tuy thông cáo của Rosneft, mà chi nhánh tại Việt Nam là Rosneft Việt Nam BV, đã nói rõ : "Khu vực thuộc Biển Đông mà Rosneft được giấy phép khai thác nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam…", và tập đoàn Nga này khẳng định là chỉ tiến hành các hoạt động "trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp hoàn toàn với nghĩa vụ quy định trong giấy phép hoạt động và trên tinh thần tôn trọng luật lệ của Việt Nam"., nhưng một công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng là Wood Mackenzie cho biết lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra.
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Trung Quốc đã tuyên bố như trên khi được hỏi về sự kiện chi nhánh tại Việt Nam của tập đoàn Nhà Nước Nga Rosneft đã bắt đầu hoạt động khoan dầu khí tại một khu vực trên Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào tháng Tư, 2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trung Quốc.
Đến lúc đó, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn : không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba, 2018 – theo lời "cầu viện" chính thức của Bộ Quốc phòng Việt Nam – cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Và thay vì tiếp tục "can đảm bám biển", "bản lĩnh Việt Nam" lại thể hiện bằng cơ chế "tự xử" : nếu ở "nỗi nhục Bãi Tư Chính" lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Tư năm 2018, con số bồi thường đã lên đến 200 triệu USD.
Trong khi đó, Tập Cận Bình lại cử Vương Nghị – Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc – đến Việt Nam ngay sau vụ Bãi Tư Chính lần hai, với một "tối hậu thư" : Việt Nam phải "cùng hợp tác khai thác" mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, "bản lĩnh Việt Nam" sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Còn bây giờ là người Nga…
Nhưng người bạn được xem là truyền thống ấy của Việt Nam lại đã không hề làm giới chóp bu Việt Nam an tâm, đơn giản là trong toàn bộ vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Moscow đã giữ im lặng, cho dù quốc gia này vẫn chiếm đến 90% lượng vũ khí cung cấp cho Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Sự im lặng đầy chủ ý của người Nga có thể được lý giải phần nào : Putin đã và đang trở thành một đồng minh thân cận của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh lạnh đang được khởi động với người Mỹ.
Và nếu Putin và Tập Cận Bình thỏa thuận được với nhau một lợi ích nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ mà Rosneft dự định hợp tác với Việt Nam cùng khai thác, tương lai chắc chắn là Rosneft cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế.
Thiền Lâm
******************
Trung Quốc, Nga và Việt Nam nói gì về dự án khí của Rosneft ? (BBC, 17/05/2018)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không đối tượng nào được tiến hành khai thác dầu khí hoặc các tài nguyên khác "ở vùng biển của Trung Quốc" khi chưa được sự đồng ý của Bắc Kinh.
Giàn khoan Lan Tây được vận hành bởi Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu
Cụ thể, Bắc Kinh nhắc tới hoạt động mới đây của công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft tại khu vực ngoài khơi Vũng Tàu.
"Tôi đã xem các báo cáo có liên quan. Tôi muốn nhắc lại rằng không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được tiến hành khai thác hoặc phát triển hoạt động dầu khí tại vùng biển của Trung Quốc khi chưa được phép từ phía chính phủ Trung Quốc", phát ngôn viên Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Năm, 17/5.
"Do đó, chúng tôi thúc giục các bên liên quan hãy nghiêm chỉnh tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, chớ làm gì gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định trong khu vực".
Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, cũng trong ngày 17/5, Rosneft nói hoạt động khoan thăm dò của hãng diễn ra trong vùng lãnh hải của Việt Nam, hai ngày sau khi công ty con của hãng bắt đầu tiến hành việc khoan thăm dò ở vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng ngày ra tuyên bố nói các hoạt động dầu khí trên biển được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế và trong vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Toàn bộ các hoạt động kinh tế trên biển của Việt Nam, gồm cả các hoạt động dầu khí, đều được cấp phép và tiến hành trên các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng được Reuters dẫn lời.
Vị trí hoạt động mới nhất của Rosneft là trong Lô 06.01, thuộc dự án mỏ khí Lan Đỏ và nằm trong Bể Nam Côn Sơn.
Theo bản đồ khai thác dầu khí chính thức của PetroVietnam, thì Lô 06.1 nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn so với các lô 07.03 và 136.03, những nơi đối tác khác của PetroVietnam đã phải dừng hoạt động thăm dò, khai thác hồi tháng 3/2018 và 7/2017 do sức ép từ phía Bắc Kinh.
Chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam trước đó đã tỏ ý quan ngại về việc hoạt động mới nhất của hãng có thể khiến Bắc Kinh tức giận, Reuters dẫn hai nguồn tin có liên hệ trực tiếp tới hãng, cho biết hôm thứ Tư.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Năm nói rằng hãng đã không hề tham vấn với chính phủ về hoạt động của hãng tại Biển Đông.
Theo trang tin euro-petrole.com chuyên về dầu khí, thì hiện Rosneft đang có một số dự án ở ngoài khơi Việt Nam.
Trong Lô 06.1, nằm cách bờ biển Việt Nam 370 km, chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam là Rosneft Vietnam BV sở hữu 35% cổ phần các dự án, và đóng vai trò nhà điều hành dự án. Tại lô này có ba mỏ khí là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.
Trong số các dự án khác, Rosneft thông qua công ty con trên nắm 100% cổ phần và là nhà điều hành của các dự án dầu khí nằm trong Lô 05.3/11, ngay cạnh Lô 06.1. Tại lô này, Rosneft đã tiến hành khoan lần đầu tiên hồi 6/2016 và lần thứ hai trong 3/2018.
Một công ty con khác của Rosneft là Rosneft Pipeline BV nắm 32,67% cổ phần trong dự án Đường ống khí Nam Côn Sơn.
Quan điểm cho đến ngày 14/04/2016 của chính quyền Nga về Biển Đông được Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov nói tại một cuộc họp báo quốc tế rằng Kremlin tôn trọng Công ước Luật biển (UNCLOS) và DOC.
Nhưng điểm đáng chú ý là ông Lavrov nhấn mạnh Nga "muốn các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông giải quyết 'trực tiếp' với nhau, và phê phán cách ông gọi là "quốc tế hóa" vấn đề, theo nhà nghiên cứu Anton Tsvetov.
Ông Tsvetov khi đó có bài trên trang The Diplomat (21/04/2016) nói báo chí Trung Quốc hoan nghênh lời ông Lavrov, còn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi ấy đã đáp lại bằng cách kêu gọi "tranh chấp cần được giải quyết bởi tất cả các bên liên quan".
Hồi tháng Ba, PetroVietnam yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng dự án Cá Rồng Đỏ nằm trong Lô 07/03, khiến Repsol và các đối tác thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh Lô 136/03, nơi mà cũng Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng Bảy năm ngoái.
Lô 136-03 là nơi PetroVietnam cho Talisman-Việt Nam, công ty con của Repsol thuê.
********************
Khoan dầu trên Biển Đông : Tập đoàn Nga bác bỏ phản đối của Bắc Kinh (RFI, 17/05/2018)
Không đầy hai hôm sau khi loan báo việc bắt đầu khoan dầu khí tại một khu vực ở Biển Đông, ngoài khơi miền Nam Việt Nam, tập đoàn dầu khí Nga Rosneft hôm nay, 17/05/2018 đã lên tiếng khẳng định rằng nơi họ được phép khai thác hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018. Thegioibantin.com
Lời khẳng định này được công bố ít lâu sau khi Bắc Kinh lên tiếng cảnh cáo những ai dám thăm dò và khai thác dầu khí trên các vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo công bố tại Mátxcơva, tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, mà chi nhánh tại Việt Nam vừa bắt đầu công việc khoan dầu ở Biển Đông, đã nói rõ : "Khu vực thuộc Biển Đông mà Rosneft được giấy phép khai thác nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam…".
Tập đoàn Nga khẳng định là chỉ tiến hành các hoạt động "trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp hoàn toàn với nghĩa vụ quy định trong giấy phép hoạt động và trên tinh thần tôn trọng luật lệ của Việt Nam".
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Trung Quốc đã tuyên bố như trên khi được hỏi về sự kiện chi nhánh tại Việt Nam của tập đoàn Nhà Nước Nga Rosneft đã bắt đầu hoạt động khoan dầu khí tại một khu vực trên Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Ngày 15/05, tập đoàn dầu khí Nga loan báo là chi nhánh của họ tại Việt Nam đã bắt đầu việc khoan dò ở mỏ Lan Đỏ, thuộc lô 6.1 trên Biển Đông, ngoài khơi Vũng Tàu, cách bờ biển 230 hải lý. Giàn khoan Hakyryu-5 của Rosneft đã đến khu vực khoan hôm từ ngày 06/05 và cho đến hôm qua 16/05, vẫn ở trong lô khai thác.
Vào hôm qua, trích dẫn hai nguồn tin thông thạo, hãng Reuters tiết lộ rằng Rosneft đang lo ngại là hoạt động của họ ở Biển Đông sẽ chọc giận Trung Quốc. Điều khiến Rosneft lo ngại, theo Reuters, là việc công ty tư vấn và nghiên cứu năng lương Wood Mackenzie cho rằng lô dầu khí này nằm bên trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông. Bản đồ khu vực cho thấy là nơi khai thác nằm sâu 53 hải lý (85km) bên trong vùng tranh chấp.
Chính vì vậy, theo Reuters, phía Rosneft đã rất kín đáo trong việc thông tin về hoạt động tại mỏ Lan Đỏ.
Tháng Ba vừa qua, Việt Nam đã phải ngưng dự án khoan dầu của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol tại mỏ Cá Rồng Đỏ, gần khu vực Lan Đỏ, sau khi bị Bắc Kinh gây sức ép. Hiện Repsol đang yêu cầu phía chính quyền Việt Nam bồi thường thiệt hại.
Bước qua tháng Tư, đến lượt tập đoàn dầu khí Nhà Nước PetroVietnam thừa nhận rằng tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi của Việt Nam.
********************
Tới lượt công ty dầu khí Nga tại Việt Nam lo bị Bắc Kinh ‘bắt chẹt’ (VOA, 17/05/2018)
Rosneft Việt Nam BV, thuộc công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft, vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng công việc khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận, Reuters dẫn hai nguồn tin trực tiếp am hiểu về tình hình cho biết ngày 17/5.
Logo của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft tại văn phòng ở Moscow, Nga.
Trước đó vào ngày 15/5, Rosneft cho biết đơn vị tại Việt Nam đã bắt đầu khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km. Lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra, theo công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.
Khi được hỏi về tường thuật của Reuters trước đó về vụ khoan dầu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói : "Không có quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được phép thực hiện các hoạt động thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc, khi không được phép của chính phủ Trung Quốc".
Phát ngôn viên của Trung Quốc nói thêm trong cuộc họp báo ngày 17/5 rằng : "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương hoặc hòa bình và ổn định trong khu vực".
Đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc đánh dấu một khu vực rộng lớn ở Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả những khu vực rộng lớn là khu độc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo Reuters, đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc làm cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trở nên "mơ hồ". Mặc dù vậy, những năm gần đây Trung Quốc gia tăng tuần tra và thực thi công lực trong khu vực, tuyên bố có các quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên và mọi thứ tại đây.
Các bản đồ khu vực cho thấy lô 06.1 nằm vào khoảng 85 km bên trong khu vực tranh chấp.
Hồi tháng 3, Việt Nam đã dừng một dự án khoan dầu ở lô "Cá Rồng Đỏ" gần đó, sau khi bị áp lực từ phía Trung Quốc, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.
Lô này được cấp phép cho tập đoàn năng lượng Tây Ban Nha Repsol.
Vẫn theo Reuters, Repsol đã yêu cầu Việt Nam phải bồi thường cho những thiệt hại từ việc dừng dự án.
Lo ngại sự việc tái diễn và áp lực từ phía Trung Quốc, công ty Nga Rosneft Việt Nam muốn việc khoan dầu ít gây chú ý nhất có thể, bất chấp tuyên bố của công ty mẹ, các nguồn tin cho Reuters biết.
Hôm 17/5, công ty mẹ của Rosneft Việt Nam nói việc khoan dầu của mình tại lô 06.1 nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam, và phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Cả Bộ Ngoại giao Việt Nam lẫn Bộ Ngoại giao Nga đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
PetroVietnam cảnh báo khó khăn
Cả hai công ty Rosneft và Gazprom của Nga đều có các dự án phát triển quan trọng trong vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Reuters dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết.
"Mặc dù các nhà ngoại giao Nga đã kín đáo bày tỏ quan ngại với các đối tác Mỹ rằng Trung Quốc có thể gây áp lực lên Moscow để chấm dứt các dự án này, nhưng cho đến nay Bắc Kinh đã kiềm chế chưa làm việc này vì quan hệ đối tác chiến lược ngày càng gần gũi hơn giữa hai nước", ông Storey nói.
"Đây sẽ là một đòn nghiêm trọng đối với mối quan hệ đồng minh Trung-Nga đang phát triển nhanh chóng, nếu Bắc Kinh yêu cầu Moscow chấm dứt các dự án năng lượng ở Việt Nam", chuyên gia của Viện ISEAS-Yusof Ishak nói thêm.
Trung Quốc đã trở thành điểm đến hàng đầu của Nga về xuất khẩu, phần lớn bởi vì Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất cho Trung Quốc, chủ yếu thông qua các đường ống dẫn dầu.
Nhân viên Rosneft tại Việt Nam đang làm việc ở giàn khai thác khí Lan Tây trên Biển Đông, ngoài khơi Vũng Tàu.
Việc khoan dầu ở mỏ khí Lan Đỏ trong lô 06.1 sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị "Hakuryu-5" của công ty Khoan dầu Nhật Bản, Reuters dẫn tuyên bố của Rosneft cho biết.
Hakuryu-5 đã được đưa đến khu vực tranh chấp vào ngày 6/5, theo dữ liệu công cụ theo dõi tàu Eikon của Thomson Reuters. Dữ liệu này vẫn ghi nhận thiết bị đang nằm ở lô 06.1 vào cuối ngày 16/5.
Việc khoan dầu có tầm quan trọng lớn đối với Việt Nam, vốn đang phải vật lộn để duy trì sản lượng dầu thô và khí đốt trong bối cảnh sản lượng từ các mỏ trọng điểm giảm và áp lực liên tục từ phía Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.
Hồi tháng Tư, tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, PetroVietnam, cho biết căng thẳng hàng hải với Trung Quốc gây tổn hại cho các hoạt động thăm dò và khai thác ngoài khơi của tập đoàn trong năm nay.
Hà Nội và Bắc Kinh lâu nay vẫn tranh chấp về ranh giới hàng hải, một vấn đề được xem là "nhạy cảm" về chính trị ở Việt Nam.
Sự việc Trung Quốc hăm họa vũ lực ở lô dầu khí 136-03 hồi trung tuần tháng sáu 2017 đã khiến cho Việt Nam "xoay trục" về hướng Hoa Kỳ.
Vị trí lô dầu khí 136-03 nằm trong thềm lục địa Việt Nam
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã bỏ phí một khoảng thời gian 8 năm quí giá, hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, để có thể "kết thân" với Hoa Kỳ với tư thế "khá hơn hiện nay" trong chính sách "chuyển trục" của đại cường. Thời gian 8 năm đã có thể gắn bó, Việt Nam đã có thể trở thành "cường quốc trung bình" trong khu vực, theo lời hứa của các lãnh đạo Hoa Kỳ.
Những "hứa hẹn" gọi là "cam kết bảo vệ Biển Đông" hôm kia giữa ông Bộ trưởng bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và đồng nhiệm Hoa Kỳ Jim Mattis, cho ta một chút lạc quan. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng địa chiến lược khu vực Đông bắc Á, Bắc Hàn lên tiếng đe dọa Mỹ bằng hỏa tiễn "liên lục địa" với đầu đạn hạt nhân. Việt Nam đi "cầu viện" Mỹ trong hoàn cảnh như thế chưa chắc là đem lại hữu ích thực sự cho quốc gia. Nhưng dầu thế nào, khi Việt Nam đứng dưới "cây dù" của Mỹ, vẫn "an toàn" hơn là "đứng một mình", nói là "mở cửa cho tất cả các nước", mà chịu sự đe dọa thường xuyên của Trung Quốc.
Việt Nam đã mua được của Mỹ một số vũ khí "hữu dụng", với giá bạn bè "bớt 50%". "Nghĩa cử" của Mỹ đã "vả" vào những cái miệng tham lam đòi lại quả 25% của đám "hạm tướng" ăn của dân không từ một thứ gì.
Những chiếc trục thăng đời mới Mỹ đặc biệt sản xuất cho "chiến tranh biển đảo", được bán cho Việt Nam. Với giàn "thủy quân lục chiến" tinh nhuệ (nghe nói Việt Nam nhờ Mỹ huấn luyện), ta có thể hy vọng sắp tới Việt Nam có thể "chơi tay ngang" với Trung Quốc trong cuộc chiến giành chủ quyền ở các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chính sách "đi dây" của cộng sản Việt Nam hy vọng chấm dứt. Biết bao lần tôi đã cảnh báo, "Việt Nam không đi với nước này chống nước kia", nhưng không ai cấm Việt Nam đi tìm "đồng minh" để ký kết một "liên minh phòng thủ".
Nhưng nếu "tự vệ" thôi thì vẫn chưa đủ. Tự vệ là nhằm bảo vệ lãnh thổ không để bị "mất thêm". Chiến tranh là giải pháp "tệ hại" cuối cùng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Trong khi giải pháp "tối ưu" vẫn là pháp lý.
Bài viết dưới đây tóm lược những ý kiến chủ đạo của cá nhân tôi trong "hồ sơ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa" viết từ nhiều năm trước, đăng hồi đầu năm 2017. Mục đích cảnh báo chính sách "quốc tế hóa Biển Đông" của nhà nước cộng sản Việt Nam đang thất bại.
Thử xét vấn đề "kế thừa" và sự "liên tục quốc gia" về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa Trên nền tảng các công ước Vienne 1969, 1978 và Hiệp định Paris 1973.
"Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở Hoàng Sa và Trường Sa" là câu nói mà ta thường nghe nơi cửa miệng của các phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Việt Nam. Mỗi khi phía Trung Quốc có một hành vi nào đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông, lập tức điệp khúc này lại thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của nhà nước.
Mặc dầu lời phát biểu trên là cần thiết để phản đối những hành vi của Trung Quốc (đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở các vùng lãnh thổ này), nhưng ngày qua ngày nếu chỉ lặp đi lặp lại một lời nói, một luận điệu, thì ý nghĩa của câu nói tự nhiên sẽ giảm đi.
Trong khi trên thực tế, các hành vi mạnh mẽ thể hiện quyền chủ quyền (Droit de souvraineté - Right of sovereignty) của Trung Quốc tại biển Đông, toàn bộ khu vực biển chung quanh Hoàng Sa đã trở thành việc "nội bộ" của Trung Quốc. Còn thái độ của "quốc tế", nếu Việt Nam không có phản ứng gì khác, thì nó trở thành "việc đã rồi".
Cái gọi là "thành phố Tam Sa" được thành lập từ tháng 7 năm 2012, thủ phủ đặt ở đảo Phú Lâm (thuộc HS). Như cái tên gọi, Tam Sa được đặt ra để "quản lý" ba nhóm đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và Trung sa (gồm bãi chìm Macclesfield và Scarborough). Trong khoảng thời gian không dài lắm Trung Quốc đã hoàn tất việc "quân sự hóa" Hoàng Sa. Đảo Phú Lâm được mở rộng, trở thành một "pháo đài" với độ qui mô không kém các căn cứ của Mỹ ở Guam (Thái Bình dương) hay Diego Garcia (Ấn Độ dương). Đảo Quang Hòa, thuộc nhóm Nguyệt Thiềm, chiếm của Việt Nam bằng vũ lực ngày 19/1/1974, cũng được bồi đắp mở rộng. Một phi trường được xây dựng đồng thời các giàn cao xạ, hỏa tiễn phòng không cũng được bố trí trên đảo này.
Trung Quốc cũng cho phép tổ chức du lịch các đảo HS, cùng lúc đuổi, bắn các tàu đánh cá của Việt Nam không cho phép đến gần khu vực. Trung Quốc cũng ra lệnh "cấm đánh cá" trong một vùng biển rộng lớn, từ 12 vĩ độ về phía bắc, tức bao gồm các ngư trường truyền thống của Việt Nam, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Vấn đề là Trung Quốc không ngừng ở Hoàng Sa. Họ tiếp tục chiến thuật "tằm ăn dâu" ở khu vực Trường Sa.
Trung Quốc đã xây dựng trong một thời gian nhanh kỷ lục một hoặc hai năm (2013-2015) các bãi san hô (trong đó 6 bãi chiếm của Việt Nam bằng vũ lực 14 tháng 3 năm 1988, gồm các bãi Chữ Thập, Gạc Ma, Huy Gơ, Ga Ven, Rubi và Châu Viên) thành những đảo nhân tạo có bề rộng vượt trội bất kỳ căn cứ quân sự của Mỹ ở ngoài nước Mỹ. Trung Quốc cũng hoàn tất việc "quân sự hóa" tại các đảo nhân tạo này với những phi trường, công sự cũng như hệ thống cao xạ, hỏa tiễn phòng không.
Những phản kháng "chiếu lệ" của Việt Nam trong suốt thời gian qua cho thấy hoàn toàn không hiệu quả. Điều này kéo dài, dư luận quốc tế nhìn nhận "sự việc đã rồi" của Trung Quốc. Tính hợp pháp các hành vi "effectivité" của Trung Quốc trên vùng biển này sẽ được khẳng định.
Việt Nam cần chấm dứt "điệp khúc" nhàm chán của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao.
Mỗi ngày một ít, nếu tính từ năm 2012 đến nay, cái mà quốc tế gọi là "xắt lát xúc xích" (Việt Nam gọi là tằm ăn dâu), mỗi ngày Trung Quốc "cắn một chút", kết quả trở thành to lớn kinh khủng. Đe dọa Trung Quốc thành lập vùng Nhận dạng phòng không - ADIZ" bao gồm cả vùng biển Trường Sa là có thật.
1. Vấn đề "quốc tế hóa tranh chấp"
Để biện hộ cho sự bất lực của mình, bộ Ngoại giao Việt Nam thường vịn vào lý lẽ "quốc tế hóa việc tranh chấp" và "tranh đấu với Trung Quốc bằng biện pháp ngoại giao" .
Thế nào "quốc tế hóa" một "tranh chấp" về chủ quyền lãnh thổ giữa hai hay nhiều quốc gia ?
Ý nghĩa của việc "quốc tế hóa" một tranh chấp về lãnh thổ thường được hiểu như là việc "giới hạn chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia vì lợi ích của một số nước hay các tổ chức quốc tế".
Việc "giới hạn chủ quyền lãnh thổ" ở đây có thể hiểu là quyền tài phán của quốc gia ở vùng lãnh thổ liên hệ bị giới hạn, hay bị thay thể bằng quyền tài phán do quốc tế công pháp qui định.
"Quốc tế" ở đây có thể là Liên Hiệp Quốc, là các cơ quan trọng tài hay phán quyết của tòa án quốc tế…
"Lợi ích" này có thể là sự hòa bình, các quyền (của các quốc gia, tổ chức khác…) đã được qui định bởi luật pháp quốc tế v.v...
Nhưng nhân danh "bảo vệ lợi ích" các nước có thể can thiệp vào nội bộ một nước khác.
Mỹ và một số nước đồng minh, vì quyền lợi và an ninh quốc gia, nên đã can thiệp vào nội bộ các nước Afghanistan, Irak... Bây giờ, giả sử quyền lợi của Mỹ (và các nước khác) ở Biển Đông bị đe dọa (như bị giới hạn quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông do vùng ADIZ của Trung Quốc), các nước này có thể sẽ "can thiệp" vào khu vực (để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ).
Theo thời gian Việt Nam cũng thay đổi lập trường yêu sách về biển đảo, để vừa phù hợp với luật quốc tế, vừa ép mình do hệ quả của việc "quốc tế hóa", điển hình qua hồ sơ "Thềm lục địa mở rộng" nộp LHQ hay các việc ủng hộ Tòa CPA trong vụ xử Phi-Trung Quốc cũng như hoan nghênh sự có mặt của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực.
Nhưng hiệu quả vẫn là "không có gì". Việc "quốc tế hóa" không hề ngăn chặn được bước tiến của Trung Quốc. Còn việc gọi là "đấu tranh với Trung Quốc", kết cuộc Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Các bản "Tuyên bố chung" của hai bên luôn nhấn mạnh ở việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo "theo nhận thức chung đạt được của lãnh đạo cấp cao trong quá khứ". Bản "Tuyên bố chung" năm nay (2017) "lãnh đạo hai nước" khẳng định thêm một điều là Việt Nam và Trung Quốc "cùng chia sẻ một tương lai chung". Nếu suy diễn ra Biển Đông, những gì của Việt Nam cũng là của Trung Quốc.
Theo tôi, lãnh đạo Việt Nam phải thấy, và nhìn nhận, sự thất bại ngày càng sâu sắc trong các chính sách của mình. Nếu cứ tiếp tục như vậy, khu vực biển TS không bao lâu sẽ cùng số phận với vùng biển HS.
Việc Mỹ vừa thay đổi lãnh đạo. Nhận thức về quyền lợi và cách "tiếp cận" để bảo vệ quyền lợi của họ ở Biển Đông có thể sẽ thay đổi. Việc này sẽ tạo cho Việt Nam một "thời cơ" để phá vỡ cái "hiện trạng tù mù" hiện nay.
Kỹ niệm 44 năm ngày Hiệp định Paris 27 tháng giêng 1973 được ký kết cũng là cơ hội để nhắc lại một điều cơ bản của Hiệp định này về việc "bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ" của Việt Nam của các đại cường. Yếu tố này có thể đem lại cho các học giả trong nước một quan niệm khác về luật học, cũng như cho giàn lãnh đạo mới của Việt Nam một cái nhìn khác (hơn lãnh đạo cũ) và một phương cách mới nhằm giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
2. Sự "liên tục" và "thừa kế" quốc gia về vấn đề lãnh thổ
"Kế thừa quốc gia" và "liên tục quốc gia" là những khái niệm thuộc Quốc tế công pháp, thể hiện qua các điều ước thuộc các công ước Vienne, điển hình là các công ước 1969 và 1978 về sự kế thừa lãnh thổ và hiệu lực các kết ước quốc tế.
Việc kế thừa quốc gia được (công ước Vienne 1978) đặt ra trong những tình huống : 1/ một vùng lãnh thổ của quốc gia này trở thành lãnh thổ của quốc gia khác. 2/ Quốc gia vừa dành được độc lập (Phần IV, điều 16 đến điều 30 Công ước Vienne) 3/ sự thống nhứt giữa hai quốc gia và 4/ một quốc gia bị phân rã thành nhiều quốc gia
"Kế thừa" quốc gia được định nghĩa là việc thay thế một quốc gia bởi một quốc gia khác ở các quan hệ quốc tế, về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ.
Việc kế thừa quốc gia thể hiện qua các thủ tục pháp lý nhằm tái xác định (hay phủ định), trách nhiệm của quốc gia thừa kế đối với vùng lãnh thổ mới cũng như hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố của nhà nước tiền nhiệm đã thể hiện trước các định chế quốc tế, hay đối với các quốc gia khác.
Trường hợp hai miền Việt Nam sau 30-4-1975 :
Câu hỏi đặt ra là các sử gia và học giả Việt Nam sẽ phải dựa vào trường hợp nào (trong 4 trường hợp dẫn trên) để khẳng định danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa ?
Trường hợp nào sẽ chứng minh cho sự "liên tục" của "quốc gia" Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa ? tức chứng minh được tính pháp nhân của "quốc gia" Việt Nam luôn tồn tại, cũng như danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn "liên tục", từ thời xa xưa các vua chúa Việt Nam khám phá, khai thác và quản lý (không gián đoạn) đến nay, bất chấp những biến cố đã làm thay đổi về lãnh thổ, dân số, chính trị, hay tên nước… ?
Đồng thời trường hợp nào sẽ xóa bỏ hiệu lực các kết ước, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, các tài liệu lịch sử... phát xuất từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mà phía Trung Quốc sử dụng lâu nay như là những bằng chứng pháp lý ?
3. Thế bí về các lập luận chủ quyền của các học giả Việt Nam
a) Về lập luận "có hai quốc gia Việt Nam"
Hầu hết các học giả Việt Nam đều quan niệm rằng có hai "quốc gia Việt Nam" độc lập, có chủ quyền trong khoảng thời gian từ 1954 đến 30-4-1975. Quan điểm này có (rất) nhiều điều không ổn, về pháp lý cũng như trên thực tế. Hệ quả là không thuyết phục được dư luận quốc tế.
Quan điểm này cho rằng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa được thụ đắc từ sự "kế thừa" : Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam Cộng Hòa chuyển sang Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó thực thể này thống nhứt với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trở thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày hôm nay.
Về pháp lý, nếu Việt Nam Cộng Hòa là một "quốc gia độc lập, có chủ quyền", thì việc Trung Quốc chiếm HS là việc "nội bộ" giữa hai "quốc gia độc lập, có chủ quyền" là Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "quốc gia" thứ ba, không có liên can.
Tức là, khi quan niệm có "hai quốc gia" Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì sẽ không còn tranh cãi nào về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc chiếm HS là chiếm trên tay Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lấy tư cách gì để phản đối ?
Ngoài ra, Tuyên bố đơn phương của "quốc gia" Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn gọi là công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, nội dung nhìn nhận yêu sách về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc. Mặc dầu một số học giả Việt Nam cho rằng đó là "vũ khí tuyên truyền của Trung Quốc", nhưng thực tế cho thấy đây là một bằng chứng quan trọng của Trung Quốc nhằm chứng minh chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo tập quán quốc tế, việc im lặng trong trường hợp (bắt buộc một quốc gia phải lên tiếng) đã là sự "đồng thuận ám thị". Huống chi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa còn ra tuyên bố công khai "nhìn nhận" yêu sách của Trung Quốc.
Tức là, khi quan niệm "có hai quốc gia Việt Nam", thì mọi vận động, mọi chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ là điều vô ích.
Trong trường hợp này Việt Nam Cộng Hòa đơn giản là một "quốc gia" bị "giải thể", không có thừa kế. Lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa được "sáp nhập" đơn thuần vào lãnh thổ một nước khác. Mọi kết ước của Việt Nam Cộng Hòa ký kết với các tổ chức quốc tế hay các quốc gia khác, trở thành "vô hiệu lực - caduc".
b) Về lập luận "quốc gia vừa dành được độc lập"
Đây (có lẽ) là quan điểm chính thức của Việt Nam hiện nay, vì nó thể hiện đúng trên lý thuyết "trình tự lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa".
Nguyên tắc (pháp lý) áp dụng trong trường hợp này là "table rase". Có nghĩa là quốc gia (vừa mới độc lập) không bị chi phối bởi các kết ước do quốc gia tiền nhiệm ký kết.
Nhưng điều này không còn thuyết phục.
Trên thực tế, Mỹ không hề có tham vọng về lãnh thổ ở miền Nam. Sự có mặt của Mỹ ở miền Nam không khác với việc quân Mỹ có mặt ở Tây Đức (trước khi thống nhứt với Đông Đức đầu thâp niên 90), hay ở Nam Hàn, Nhật hoặc ở các nước đồng minh hiện nay.
Mặt trận giải phóng miền Nam "trương cờ giải phóng" dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm. Vấn đề là không ai trưng ra được bằng chứng cho thấy chính quyền ông Diệm bị chi phối, hay bị khuynh loát bởi bất kỳ thế lực ngoại bang nào, kể cả Mỹ. Ngược lại, ông Diệm bị chết vì lý do chống Mỹ đổ quân vào Việt Nam.
Ngay cả dưới thời chính phủ ông Kỳ, Thiệu… Không có chính phủ nào của Việt Nam Cộng Hòa bị lệ thuộc và Mỹ, theo kiểu thực dân hết cả.
Việt Nam Cộng Hòa không hề lệ thuộc vào Mỹ như một chính phủ "bù nhìn" với "đế quốc thực dân" là Mỹ. Mặt trận giải phóng miền Nam lấy lý do gì để trương cờ "giải phóng" ?
Đồng thời sự thật lịch sử cho thấy thực thể chính trị Mặt trận giải phóng miền Nam chỉ là "cánh tay nối dài" của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do đảng cộng sản Việt Nam lập nên, nhân Đại hội đảng toàn quốc lần thứ ba.
Vì vậy làm gì có thể vịn vào lý do "quốc gia vừa dành được độc lập" để "xù" tất cả những kết ước trong quá khứ ?
Ngay cả khi chấp nhận lập luận này, thì quốc gia gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay vịn vào cái gì để chối bỏ di sản của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ? Không có lý do nào thuyết phục cả. Đơn giản vì Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia "tiếp nối" quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lãnh đạo luôn Mặt trận giải phóng miền Nam (do Trung ương cục miền Nam lãnh đạo).
Làm cách nào để hiện hữu hai lập trường đối nghịch, theo kiểu Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam (kế thừa Mặt trận giải phóng miền Nam) và Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc (tiếp nối Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với công hàm 1958) ?, Lịch sử đã bạch hóa, không lẽ cứ tiếp tục ngụy biện bằng "bịa sử" ?
Trước sự lấn lướt của Trung Quốc, trước đây ở HS, bây giờ áp lực mạnh mẽ ở TS, Việt Nam hoàn toàn không có phản ứng nào khác, ngoài luận điệu cũ mòn đã nói ở phần dẫn nhập. Các học giả Việt Nam đã tự "đào mồ" chôn mình, vì đã đưa trường hợp thống nhứt Việt Nam vào dưới ánh sáng của "luật quốc tế".
Các lập luận sai lầm của các học giả Việt Nam cần phải chấm dứt.
4. Hiệp định Paris 27/1/1973
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973. Trên nhiều phương diện nó giống như một "bản sao" của Hiệp định Genève 27/3/1954. Bởi vì, thứ nhứt, cả hai hiệp định không nhằm giải quyết dứt khoát cuộc "chiến tranh" mà chỉ tạo một "khoảng trống cơ hội" gọi là "đình chiến". Cơ hội này giúp cho Hoa Kỳ "tháo chạy trong danh dự". Nhưng phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhân cơ hội (đồng minh đã tháo chạy) dồn quân đánh bại Việt Nam Cộng Hòa, thâu tóm lãnh thổ chỉ hai năm sau.
Thứ hai, Hiệp định Paris 1973 và Hiệp định Genève 1954 cùng khẳng định nguyên tắc "một quốc gia Việt Nam duy nhứt".
Điều 1, chương I Hiệp định Paris 1973 qui định "Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, như hiệp định Genève 1954 đã xác nhận".
Cả hai Hiệp định đều được "quốc tế" bảo trợ, bao gồm Trung Quốc. Riêng hiệp định Paris 1973, đại diện phía Trung Quốc là Bộ trưởng bộ ngoại giao Cơ Bằng Phi (Chi Peng Fei).
Tức là, trong khoản thời gian 1954 đến 1975, hai thực thể chính trị có tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, đều thuộc về một "quốc gia Việt Nam duy nhứt".
Từ điểm này ta thấy quan điểm "hai quốc gia Việt Nam" của các học giả Việt Nam đã sai. Tư cách pháp nhân của hai thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa trước quốc tế cần phải được xác định. Nhưng dứt khoát Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa không phải là "hai quốc gia độc lập, có chủ quyền".
Trên quan điểm công pháp quốc tế, "quốc gia", là thực thể pháp nhân duy nhứt, bất khả phân. Tư cách pháp nhân của hai thực thể chính trị Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai "quốc gia chưa hoàn tất" (Etat partiel). Cả hai miền đều thuộc về một quốc gia duy nhứt gọi là Việt Nam. Trường hợp tương tự Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Hàn hay Trung Quốc lục địa và Đài Loan cho ta thấy điều này.
Và nếu hai thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đều thuộc về một "quốc gia duy nhứt là Việt Nam", thì việc "thống nhứt" hai miền là việc "nội bộ" của quốc gia Việt Nam. Việc "thống nhứt đất nước" đã thể hiện theo "cái cách" của Việt Nam.
Vấn đề "liên tục quốc gia" hay "kế thừa quốc gia", như các công ước Vienne đòi hỏi, cũng không đặt ra. Đơn giản vì chỉ có một "quốc gia Việt Nam duy nhứt". Việt Nam trước sau vẫn là Việt Nam, luôn là Việt Nam, thì tự nó đã "liên tục", tự nó đã "truyền tục" trong nội bộ.
Trong khi, nếu quan niệm Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai "quốc gia", vấn đề "thừa kế quốc gia" phải xét theo các qui định của luật quốc tế. Các tuyên bố đơn phương, các tài liệu lịch sử… từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xuất phát cũng được xét dưới ánh sáng của luật quốc tế.
5. Trở lại Lá thư mở ngày 29/5/2014 gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tháng 5 năm 2014 tôi có viết thư mở gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhằm thuyết phục ông này kiện Trung Quốc sau vụ giàn khoan HY 981. Nội dung phản đối quan điểm của quan chức cũng như học giả Việt Nam cho rằng "có hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước 1975".
Lá thư viết :
"Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam được xác định theo Hiệp định Paris năm 1973 : "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận".
Tinh thần hai hiệp định, cũng là một chân lý làm nên chất keo gắn bó nhân dân và đất nước Việt Nam : đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa là đại diện của nước Việt Nam duy nhứt. Khối XHCN công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là đại diện nước Việt Nam duy nhứt. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.
Trên tinh thần tôn trọng "độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam" của các hiệp ước quốc tế này (mà các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… đồng bảo trợ chúng), bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.
Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết nhằm ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, cho rằng nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa (và Trường Sa).
Điều này hiển nhiên không đúng.
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc".
6. Vấn đề hòa giải quốc gia
Như vậy lối thoát pháp lý của Việt Nam hiện nay để khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là phải dựa vào nội dung các hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 đồng thời tiếp nhận di sản của Việt Nam Cộng Hòa.
Nước Việt Nam hôm nay không thể "ôm" mãi mối mâu thuẫn do lịch sử để lại là sự xung đột giữa hai miền. Phe chiến thắng, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã áp đặt lý lẽ của mình trong toàn xã hội Việt Nam từ 1975 đến nay. Vì vậy làm sao thuyết phục được dư luận quốc tế, khi lập luận về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa là lập luận của phe chiến bại Việt Nam Cộng Hòa ?
Sau một cuộc nội chiến, một nhà nước bình thường, mong muốn đất nước phát triển lành mạnh, luôn áp dụng một chính sách "hòa giải quốc gia" để hóa giải mọi oán thù gây ra do cuộc chiến. Các bài học như cuộc nội chiến nước Mỹ, hay các xung đột quốc tế như Thế chiến thứ II… cho thấy các nước giàu mạnh nhứt thế giới đều là các nước có chính sách "hòa giải" được áp dụng hữu hiệu.
Việt Nam hôm nay vẫn luôn đứng sau các nước phát triển Châu Á, mặc dầu Việt Nam có dư tiềm năng để qua mặt các nước Thái Lan, Đài Loan, Nam Hàn… Thậm chí Việt Nam đang bị Campuchia qua mặt trên một số lãnh vực. Trong khi trên phương diện chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc ngày càng lấn tới.
Nguyên nhân là mâu thuẫn nội bộ của Việt Nam quá lớn, trở thành một sức trì, Việt Nam không nỗ lực tiến tới là sẽ thụt lùi.
Hòa giải quốc gia không phải là vấn đề "sỉ diện" của đảng cộng sản Việt Nam mà là mệnh lệnh của tương lai dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 10/08/2017
Vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 đã khiến lộ ra một sự thật quá cay đắng : trên trường quốc tế, chính thể Việt Nam chưa bao giờ cô độc đến thế. Một lần nữa, cần nhìn lại toàn cục khung cảnh “đối tác chiến lược” của Việt Nam và liệu chính thể này có tiếp tục kiếm được tiền ở Biển Đông hay không…
Tây Ban Nha đâu rồi ?
Nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính mà vẫn được Bộ Ngoại giao chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Tâm thế “giương cờ trắng” quá dễ và quá nhanh vào lúc Trung Quốc mới chỉ tung một đòn phủ đầu tâm lý là một bằng chứng không thể rõ hơn : Bộ Chính trị Hà Nội đã trở nên yếu ớt đến mức bị “người đồng chí 4 tốt” o ép theo cách có muốn kiếm tiền ngay trong vùng hải phận của mình cũng không còn được.
Repsol đã phải bỏ ra 300 triệu USD ban đầu để chuẩn bị khoan thăm dò. Nhưng nếu hoạt động khai thác khí đốt này bị “đối tác chiến lược toàn diện” lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc quyết liệt phá bĩnh, số tiền 300 triệu USD đó sẽ mọc cánh bay lên trời, thậm chí chính phủ Việt Nam còn phải mang công mắc nợ mà bồi thường toàn bộ số tiền này.
Nhưng cho tới nay, vẫn không có lấy bất kỳ phản ứng nào từ phía Tây Ban Nha - một quóc gia mà Việt Nam đã ký kết “đối tác chiến lược” vào năm 2009.
Tây Ban Nha đâu rồi ?
Nhưng đây không phải lần đầu tiên các “đối tác chiến lược” biến mất.
Tất cả đều quay lưng
2017 không phải là lần đầu tiên chính thể Việt Nam đổ bể về cách cư xử của “đối tác chiến lược”.
Vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Trong vụ Hải Dương 981, thậm chí trên kênh CNN toàn là những đại diện ngoại giao của Trung Quốc phát biểu chứ không phải là đại diện ngoại giao của Việt Nam.
Ba năm sau, tháng Bảy năm 2017, tiếp sau vụ viên thượng tướng Phạm Trường Long - Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc - bất thần bỏ về nửa chừng trong chuyến công du Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu quân sự là giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Australia, đã tiết lộ việc Bắc Kinh nổi giận đến mức triệu hồi đại sứ của mình và đe dọa sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò khí đốt tại Bãi Tư Chính.
Sau đó là hình ảnh 200 tàu Trung Quốc ồ ạt vây chặt Bãi Tư Chính, cùng 4 ngư dân Việt bị “tàu lạ” bắn trọng thương…
Nhưng đã không hề xuất hiệt bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tây Ban Nha, Nga, Mỹ hay những “đối tác chiến lược toàn diện” khác của Việt Nam tỏ ra quan tâm và chia sẻ với Hà Nội trong cơn hoạn nạn mới nhất này. Tất cả cứ như thể để cho “đối tác chiến lược toàn diện” duy nhất là Bắc Kinh muốn làm gì thì làm.
Chính thể Việt Nam đã ăn ở ra sao để sinh ra nông nỗi ấy ?
Chính thức phá sản chính sách “đu dây”
Hãy quay ngược kim đồng hồ. Từ năm 2001 đến năm 2013, Việt Nam đã ồ ạt tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Australia (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011) và Ý (2013). Tổng cộng có đến chẵn một chục quan hệ đối tác chiến lược. Trong số này, một số mối quan hệ như với Trung Quốc và LB Nga còn được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”.
Vài năm trước khi xảy ra làn sóng đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước, đã có nhiều ý kiến cho rằng quá nhiều đối tác chiến lược thì khi xảy ra tình trạng khó khăn với Việt Nam, như khi Việt Nam bị gây áp lực quân sự từ Trung Quốc, thì các đối tác chiến lược khác sẽ không có trách nhiệm gì cả, bởi họ xem đó là vấn đề riêng tư của Việt Nam, tức sẽ không có một nguồn lực tập trung để giải quyết vấn đề Việt Nam khi mà nguồn lực đó bị dàn trải quá nhiều.
Quả thực, khi có quá nhiều các mối quan hệ đối tác chiến lược thì bản thân các mối quan hệ đó không còn thực sự là “chiến lược” nữa. Việc đưa ra khái niệm “đối tác chiến lược” như là một từ khóa quan trọng trong tư duy đối ngoại Việt Nam hiện nay cũng vì vậy chẳng còn ý nghĩa gì.
Tây Ban Nha lại là một “đối tác chiến lược” khá vô nghĩa, bởi quốc gia này hầu như không có ảnh hưởng gì tới an ninh, quốc phòng của Việt Nam, trừ chủ nghĩa thành tích đối ngoại còn nước còn tát của giới chóp bu Hà Nội.
Cho tới lúc này, có thể không quá hồ đồ để sơ kết rằng giới chóp bu Hà Nội còn chưa thật sự hiểu họ muốn gì trong phong trào thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Rốt cuộc, chính động cơ “bắt cá đa phương” vô cùng tận đã chẳng mang lại một người bạn thực sự nào.
Một trong những dẫn chứng cho triết lý “lắm mối tối nằm không” là vào năm 2014 khi đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã như mỉa mai : “Việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an ninh”.
Tới nay, kết quả hơn 16 năm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” cùng hàng chục đối tác chiến lược của chính thể này đã chỉ được đúc rút thành lời giễu cợt không thèm che đậy của chính giới quốc tế.
Tới nay và đặc biệt bằng vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017, chính sách cùng chiến thuật “đu dây” của Việt Nam với Trung Quốc lẫn phương Tây đã chính thức phá sản. Sẽ chỉ còn lại một chút may mắn nếu Trung Quốc không tấn công Việt Nam trên Biển Đông trong tương lai gần.
Vì nếu xung đột quân sự nổ ra, không hiểu quân đội Việt Nam sẽ đánh chác ra sao…
Tiền, tiền, tiền, tiền, tiền !
Trong khi quẫn cực trong nỗi cô đơn vô cùng tận trên trường quốc tế, chính thể Việt Nam lại đang cần tiền hơn bao giờ hết.
Cứ như lời thoại trong vở “Tất cả đều là con tôi” của Arthur Miller - một kịch tác gia của Mỹ - thì “Tiền, tiền, tiền, tiền, tiền ! Cứ nói mãi rồi tất cả cũng thế mà thôi !”.
Giới chính khách và các nhóm lợi ích Việt chưa bao giờ chán tiền theo triết lý “tiền là tiên là phật”.
Và tiền để duy trì chế độ.
Nhưng tình hình ngân sách chính phủ (bao gồm cả ngân sách đảng cầm quyền) lại chưa bao giờ quay quắt như giờ đây. Sau tiết lộ chấn động “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” của Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015, đến đầu năm 2017 chính tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra lời cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Tình trạng ngân sách cho đến lúc đó là “khó khăn gấp bội năm 2016” - như tiết lộ của vài chuyên gia tài chính của chính quyền.
Một trong những “khó khăn gấp bội” như thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Làm thế nào để “bù đắp khó khăn ngân sách” và kiếm lại được 60.000 tỷ đồng bị hụt thu trên ?
Nếu chiến dịch tăng thuế “bảo vệ môi trường” từ 3.000 đồng/lít vọt lên đến 8.000 đồng/lít được chính quyền và nhóm lợi ích xăng dầu tiến hành trót lọt, ngân sách trung ương sẽ đạt được số thu 100.000 tỷ đồng hàng năm, so với hiện tại chỉ có khoảng 40.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có một phương kế khác để tăng thu. Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, Chính phủ đã nêu ra một đề xuất đặc biệt : gia tăng sản lượng khai thác dầu thô. Tuy nhiên, phía Ủy ban kinh tế quốc hội lại “lăn tăn” trước đề xuất này. Lý do đơn giản là trữ lượng dầu thô của Việt Nam chẳng còn bao nhiêu, do đó “cứ đào lên mà ăn” như tốc độ hiện nay thì chẳng mấy lúc sẽ hết sạch.
Cần cấp tốc tìm ra những nguồn trữ lượng cùng doanh số mới. Một trong những tiềm năng có thể cứu vãn ngân sách là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính. Nếu Công ty Repsol của Tây Ban Nha khoan thăm dò thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng giờ đây lại là hoàn cảnh “khó chồng khó”. Trong lúc hầu hết nguồn ngoại viện như tài trợ ODA, kiều hối đều giảm sút trầm trọng, nguồn thu ngoại tệ từ khí đốt của ngân sách Việt Nam lại bị “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt.
“Bản lĩnh Việt Nam” đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ quyền của mình !
Năm 2017, “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc đã thêm một lần nữa khiến giới chính trị “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng” trắng mắt. Trong nhiều nỗi nhục trên đời, có lẽ nỗi nhục thuộc loại tận cùng nhất là bị kẻ thù cầm tù ngay trong nhà mình.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/07/2017