Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là hai thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam dĩ nhiên là có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng là tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Cho nên các chuyên gia kinh tế đang kêu gọi chính phủ Hà Nội phải có những biện pháp để đối phó với những tác động này, từ việc phá giá đồng bạc Việt Nam đến ngăn chận hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa.
Tại một cảng ở Hải Phòng. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Reuters
Do lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI, nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tác động từ cuộc đụng độ giữa Mỹ với hai đối tác thương mại Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Gần đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia đã đệ trình lên bộ Kế hoạch và Đầu tư một báo cáo về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đưa ra những đề xuất để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg ngày 18/07/2018 đã trích lời ông Lương Văn Khôi, phó tổng giám đốc trung tâm này : "Nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc làm căng thẳng gia tăng qua việc "ăn miếng trả miếng", điều này sẽ khiến xuất khẩu và đầu tư ngoại quốc suy giảm, gây tác hại cho sản xuất nội địa".
Bloomberg cũng trích lời kinh tế gia Eugenia Victorino, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Úc-New Zealand ở Singapore : "Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng gì từ cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ cần phải cẩn trọng điều chỉnh các chính sách để đối phó với những nguy cơ đó".
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 20/07/2018 từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định :
"Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra toàn diện thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Hiện nay chưa có một nghiên cứu định lượng cụ thể về những tác động đó, nhưng có thể dự báo sơ bộ những kịch bản khác nhau.
Thứ nhất là các hàng hóa mà Mỹ đánh vào Trung Quốc thì rất có thể là Mỹ cũng sẽ đánh vào Việt Nam, như trường hợp của thép và nhôm. Thứ hai, rất có thể là hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ khi gặp khó thì sẽ tìm cách vào thị trường Việt Nam, rồi lấy nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, khiến các cơ quan giám sát của Mỹ sẽ tăng cường kiểm tra và cũng sẽ gây khó khăn về chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam".
Có nên phá giá đồng bạc ?
Theo Bloomberg, trong tháng này Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã đề nghị là Ngân hàng Nhà nước (ngân hàng trung ương) Việt Nam nên xem xét việc phá giá tiền đồng đối với đô la Mỹ để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Cũng được Bloomberg trích dẫn, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, tuy vậy cảnh báo rằng : "Phá giá tiền đồng có thể giúp cho xuất khẩu, nhưng nó cũng khiến cho lạm phát tăng cao và làm tăng giá các nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất nội địa. Phá giá tiền đồng khoảng 2% cho cả năm 2018 là một giải pháp hợp lý".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng không đồng ý với giải pháp phá giá đồng bạc :
"Tôi không ủng hộ phương án này, vì trong lịch sử Việt Nam, việc phá giá đồng bạc đã dẫn đến lạm phát và làm mất cân đối vĩ mô quan trọng. Để tăng cường xuất khẩu thì phải thực hiện cải cách thể chế như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, tức là giảm các thời gian về hải quan, thuế quan, xuất khẩu qua cảng..., tất cả những thủ tục mà hiện nay chiếm chi phí và thời gian rất lớn. Đồng thời phải nâng cao năng suất lao động và vận dụng khoa học công nghệ. Chứ còn phá giá đồng bạc theo tôi là một giải pháp cần phải hết sức thận trọng".
Với việc Hoa Kỳ dọa đánh thêm thuế vào hàng Trung Quốc, Việt Nam đang lo ngại là hàng Trung Quốc như dệt may, da giày sẽ tràn ngập thị trường nội địa. Cho nên các chuyên gia kinh tế đề nghị là các bộ phải phối hợp với nhau đưa ra những biện pháp phi thuế quan để hạn chế lượng hàng hóa Trung Quốc đổ vào Việt Nam, chẳng hạn như tăng cường kiểm tra chất lượng ở các cửa khẩu và nâng cao yêu cầu về chất lượng hàng nhập khẩu.
Đây cũng là ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh :
"Việt Nam phải có các biện pháp như tăng cường công tác của hải quan, lập rào cản thương mại, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ. Cho đến nay, việc kiểm soát nhập khẩu từ Trung Quốc qua biên giới Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch hoặc buôn lậu rất kém hiệu quả, nếu không muốn nói là chưa đem lại kết quả gì".
Trước mắt, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã được thấy rõ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo hãng tin Reuters ngày 18/07/2018, sau khi đã tăng đến 48% trong năm 2017, đứng đầu Châu Á về mức tăng, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt 25% so với mức tăng kỷ lục trong tháng 4. Đó là hậu quả của việc các nhà đầu tư lo về những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại lên nền kinh tế Việt Nam, khiến giới đầu tư ngoại quốc rút khỏi Việt Nam.
Khu vực thương mại xuyên biên giới : Mối nguy tiềm tàng
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mới đây các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất thành lập 7 khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam, để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn "Made in Vietnam",theo tin của tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 09/07/2018. Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, Sùng Tả, Trung Quốc.
Phó thị trưởng của thành phố này nói với South China Morning Post rằng rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam, một quốc gia có "nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do". Theo lời ông, các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn "xuất xứ từ Việt Nam" hay "xuất xứ từ Trung Quốc".
Bí thư thị xã Bằng Tường dự báo là các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc "sẽ gặp khó khăn khi gửi trực tiếp hàng "made in China" tới Mỹ và một số sẽ được vận chuyển qua ngõ các nước thành viên ASEAN".
Các quan chức của những địa phương sát biên giới Việt Nam đang nỗ lực chào hàng kế hoạch này cho các nhà xuất khẩu ở tỉnh Quảng Đông và vùng đồng bằng sông Dương Tử. Họ cho biết những nhà xuất khẩu đó sẽ tiếp cận nguồn lao động rẻ từ Việt Nam, và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của cả hai bên biên giới. Những chính sách này, theo các tài liệu quảng bá, sẽ làm giảm chi phí hậu cần, nhân sự và thuế cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, Trung Quốc không dễ gì mà thuyết phục được chính quyền Việt Nam chấp nhận. Là một thành viên của ASEAN và là một trong những quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam rất thận trọng trên vấn đề này.
Tuy Hà Nội đồng ý với kế hoạch thành lập các khu vực thương mại xuyên biên giới, nhưng công trình xây dựng các khu này cũng như các cơ sở hạ tầng cần thiết lại đang chậm trễ. South China Morning Post trích lời một nhà báo Việt Nam cho biết là dư luận Việt Nam chống lại việc lập các khu vực thương mại xuyên biên giới bên phía Việt Nam, vì rất nhiều người lo ngại khi thấy đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng, kéo theo những hậu quả nghiệm trọng về ô nhiễm, và những vấn đề về đất đai.
Tờ Financial Times ngày 20/07 vừa qua cũng đã loan tin là các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang xem xét việc dời việc sản xuất sang Việt Nam và các nước có chi phí thấp khác ở Đông Nam Á.
Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung buộc họ phải đẩy nhanh các kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi mà lương công nhân đã tăng rất nhanh trong thập kỷ qua. Nhưng các nhà sản xuất được Financial Times trích dẫn lưu ý rằng việc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài sẽ mất nhiều năm, và có nguy cơ, một là từ đây đến đó tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đã được giải quyết, hai là chính quyền Trump sẽ mở rộng việc áp thuế sang những nước như Việt Nam để ngăn chận các nhà sản xuất Trung Quốc né thuế.
Trả lời hãng tin Reuters này 12/04/2018, cựu đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius tố cáo Hoa Kỳ muốn trục xuất về nước hàng ngàn người Việt, mặc dù trên nguyên tắc đa số những người này được bảo vệ, không thể bị trục xuất, chiếu theo một hiệp định song phương giữa hai nước. Ông Osius khẳng định là một số nhỏ những người theo lẻ được hiệp định đó bảo vệ đã bị đưa về Việt Nam.
Phạm Chí Cường, một người Việt lai Mỹ 47 tuổi, bị trục xuất về Việt Nam. Ảnh chụp tại Sài Gòn ngày 20/04/2018. Reuters
Những lời tố cáo trên của cựu đại sứ Mỹ khiến vấn đề trục xuất người Việt tại Mỹ bổng trở thành một đề tài nóng, vào lúc chính quyền Donald Trump thi hành chính sách ngày càng cứng rắn hơn với người nhập cư.
Theo lời nhà báo Hà Ngọc Cư ở Texas, không chỉ riêng đối với cộng đồng người Việt, vấn đề trục xuất về quốc gia nguyên quán những người phạm tội tại Hoa Kỳ đang gặp rất nhiều rắc rối về pháp lý, vì không có quy định cụ thể, rõ ràng là phạm những tội hình sự gì thì có thể bị trục xuất.
Một quan chức Mỹ được Reuters trích dẫn ngày 12/04 cho biết, tính đến tháng 12 năm ngoái, có 8.600 người Việt ở Mỹ nằm trong diện bị trục xuất, đa số là do phạm tội hình sự.
Theo các số liệu của cơ quan hải quan và xuất nhập cảnh, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến 2017, 71 người Việt đã bị trục xuất, cao gấp đôi so với một năm trước đó. Nhịp độ trục xuất hiện đang tăng nhanh : từ tháng 1 đến giữa tháng 4 năm nay, chưa gì đã có 76 người bị Mỹ trả về Việt Nam.
Nhưng theo lời cựu đại sứ Ted Osius, phần lớn những người Việt trong diện bị trục xuất đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995, tức là trước khi Hà Nội và Washhington tái lập bang giao. Một hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký vào năm 2008 có quy định rằng những công dân Việt Nam nào đến Mỹ trước ngày 12/07/1995, tức là trước ngày hai nước chính thức bình thường hóa bang giao, thì không thể bị trục xuất về Việt Nam.
Nhà báo Hà Ngọc Cư ở Texas cũng cho rằng, trong số hơn 8.000 người nói trên, không phải ai cũng có thể bị trục xuất về Việt Nam.
Theo hãng tin Reuters, vào tháng 9 năm ngoái, cựu đại sứ Osius đã viết thư cho ông Rex Tillerson, lúc đó còn là Ngoại trưởng, kêu gọi ông xét lại chính sách đối với người Việt ở Mỹ. Đến tháng 11, sau khi đại sứ Osius từ chức để phản đối việc chính quyền Trump trục xuất người Việt về nước, ông Tillerson đã gởi bức trả lời rằng "không thể tiếp tục giữ nguyên trạng trên vấn đề trục xuất" và Việt Nam cần phải nhận thêm nhiều người bị trả về.
Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, muốn như thế thì Hoa Kỳ và Việt Nam phải đàm phán lại hiệp định, nhưng điều đó không phải là đơn giản.
Theo hãng tin Công giáo Catholic News Agency CAN, chính sách trục xuất người Việt về Việt Nam đã bị giới bảo vệ người nhập cư tại Hoa Kỳ chỉ trích kịch liệt. CNA trích lời ông Greg Walgenbach, giám đốc Hòa bình, Công lý và Đời sống, giáo phận Orange County, cho rằng, " vì quá vội vã muốn thể hiện chính sách cứng rắn về nhập cư, chính phủ Mỹ đã không quan tâm đến khía cạnh nhân đạo và nhân phẩm của những người có liên quan".
Trong bản tin đề ngày 21/04/2018, hãng tin AFP đã mô tả cuộc sống khó khăn của những người tị nạn Việt Nam bị Mỹ trục xuất về nước, qua trường hợp của một người vừa bị trục xuất về Việt Nam. Ông này chỉ cho biết họ là Nguyễn, chứ không dám nêu tên đầy đủ, đã vượt biên khi chỉ mới 9 tuổi và sau 40 năm sống tại Mỹ, nay bị trục xuất về một đất nước là ông chẳng biết gì nhiều.
Ông Nguyễn đã bị kết án tù về tội lừa đảo và sau khi mãn hạn tù vào năm ngoái, ông đã nhận được lệnh trục xuất. Tháng 12 vừa qua, ông bị đưa về Việt Nam, để lại những người con nay đã trưởng thành, và người vợ thứ hai ở Boston. Trên cùng chuyến bay về Sài Gòn, ngoài ông Nguyễn còn có khoảng 30 người Việt Nam khác cũng bị Mỹ trục xuất. Theo AFP, kể từ khi ông Nguyễn bị đưa về Việt Nam, ngay cả đời sống của mẹ ông, năm nay 80 tuổi, cũng bị xáo trộn, vì rất nhiều lần công an thường phục đến nhà bà.
Những người khác thì đang lâm vào thế kẹt, như trường hợp của Vu Ha ( Vũ Hà ? ). Người đàn ông 37 tuổi này sau khi mãn hạn tù ở Hoa Kỳ cũng đã nhận lệnh trục xuất, nhưng Việt Nam vẫn chưa đồng ý nhận về. Từ năm 9 tuổi, ông chưa hề đặt chân lên Việt Nam và cho biết rất lo sợ về việc trở về nước, nơi mà "công dân không có quyền tự do ngôn luận".
Theo AFP, những người bị trục xuất hiện không có phương cách nào để kháng án, nhưng họ vẫn hy vọng sẽ có thể trở lại Mỹ sau khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Trước mắt, ông Nguyễn dự tính tập lái xe gắn máy, phương tiện di chuyển trong cuộc sống mới của ông ở Việt Nam. Vừa về Việt Nam thăm ông Nguyễn, vợ ông vừa khóc vừa nói : " Ông ấy đã rời Việt Nam khi còn là trẻ con. Bây giờ ông ấy chẳng biết phải làm gì".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 23/04/2018
Cơ quan Pháp về hợp tác truyền thông (CFI), một cơ quan trực thuộc Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp, từ nhiều năm qua vẫn tích cực hỗ trợ cho truyền thông của các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó dĩ nhiên có cả Việt Nam, đặc biệt là trong khuôn khổ dự án có tên là 4M ASIA. Đây là một dự án nhằm hỗ trợ cho những người làm truyền thông độc lập tại các quốc gia Đông Nam Á, nơi mà quyền tự do báo chí ít được tôn trọng hoặc hoàn toàn không có.
Từ trái sang phải : Ông Abdul Manan, Chủ tịch Liên hiệp các nhà báo độc lập, Indonesia, Đại sứ Pháp tại Jakarta Jean-Charles Berthonnet, ông David Hivet, Giám đốc Châu Á, CFI, tại Diễn đàn 4M ASIA, Jakarta, 07/04/2018. Ảnh : RFI
Trong khuôn khổ dự án 4M ASIA, trong hai ngày 7 và 8/04/2018, CFI đã tổ chức một diễn đàn để các nhà báo Đông Nam Á và các nhà báo Châu Âu có dịp trao đổi kinh nghiệm với nhau về làm truyền thông độc lập, truyền thông cộng đồng.
Nhân dịp tham dự diễn đàn ở Jakarta, Indonesia, RFI Việt ngữ đã tìm hiểu về những dự án của CFI hỗ trợ cho truyền thông độc lập của Việt Nam. Là người đã làm việc lâu năm với Việt Nam, ông David Hivet, giám đốc đặc trách Địa Trung Hải - Châu Á của CFI, nhận định về nền báo chí Việt Nam hiện nay :
"Theo tôi biết thì những người làm truyền thông độc lập hiện giờ chủ yếu là những người hoạt động bên ngoài Việt Nam, vì tôi nghĩ là rất khó cho báo chí độc lập hoạt động trong nước. Dĩ nhiên là các phương tiện truyền thông độc lập đó chủ yếu dựa vào những người trong nước và dù ở bên ngoài, họ cũng làm được truyền thông với chất lượng tốt.
Nhưng ngay trong truyền thông Nhà nước của Việt Nam, chúng ta cũng thấy nổi lên những nhà báo đang nỗ lực làm công việc của họ một cách tốt nhất có thể được, trong một khuôn khổ còn nhiều hạn chế. Không phải là cứ thuộc báo chí Nhà nước thì sản phẩm báo chí của họ có chất lượng kém hơn. Các nhà báo ở bên ngoài không có những bó buộc đó. Đúng hơn là công việc của hai nhóm nhà báo này bổ túc cho nhau.
Có thể là một ngày nào đó các nhà báo độc lập đó sẽ được phép làm việc ở Việt Nam, vì tôi nghĩ là Việt Nam cũng đang trên đường chuyển biến tích cực, nhất là với các mạng xã hội, mà hiện nay có tác động ngày càng lớn lên báo chí thông thường, nhất là báo chí Nhà nước. Tôi nghĩ là Việt Nam đang trên đường tiến tới một môi trường truyền thông mới".
Từ nhiều năm qua, cơ quan CFI đã thực hiện một số dự án hỗ trợ cho truyền thông của Việt Nam, đầu tiên là với đài truyền hình Việt Nam VTV. Ông Hivet cho biết :
"Với VTV, từ lâu chúng tôi đã làm việc với các trung tâm đào tạo, nhất là ở Hà Nội, để đào tạo nhân viên cho nhiều kênh truyền hình. Gần đây, chúng tôi đã thỏa thuận hợp tác với VTV về một dự án lớn mang tên VTV 24, một kênh truyền hình thông tin liên tục, một loại đài CNN Việt Nam. Đây là một dự án táo bạo đối với một quốc gia như Việt Nam, bởi vì kênh thông tin liên tục có nghĩa là phải có rất nhiều tường thuật trực tiếp, có nghĩa là sẽ có ít kiểm soát hơn. Tôi thấy dự án kênh thông tin liên tục này rất là thú vị. Hiện dự án đang tạm ngưng thực hiện, nhưng tôi nghĩ rằng, sớm hay muộn nó cũng sẽ được khởi động trở lại.
Điều mà tôi phát hiện qua dự án này đó là một thế hệ phóng viên trẻ của Việt Nam, đang khát khao làm báo chí theo cách khác. Họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế, đến đời sống thường nhật của người dân Việt Nam hơn là chính trị. Họ chú ý đến những gì đang vận hành tốt ở Việt Nam, nhưng cũng đề cập đến những gì chưa được tốt trong các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.
Hàng trăm phóng viên trẻ đã được tuyển mộ cho "kênh truyền hình CNN Việt Nam" này và những phóng viên này rất mong muốn làm báo chí theo cách khác".
Ngoài VTV, CFI còn đang hợp tác với Vietnamplus, tức Thông tấn xã Việt Nam, trong một dự án về một dạng báo chí mới, báo chí dữ liệu (data journalism). Ông Hivet đánh giá rất cao tiềm năng của Vietnamplus :
"Vietnamplus là một truyền thông mà chúng tôi biết rất rõ từ nhiều năm qua và có thể được xem như là biểu tượng của sự đổi mới trong hệ thống báo chí Việt Nam. Chúng ta có thể có cảm tưởng là báo chí Việt Nam hơi bị lạc hậu, nhưng thật ra Vietnamplus đưa ra một hình ảnh hiện đại, đầy sáng tạo. Chúng tôi đã mời họ nhiều lần, nhất là sang Pháp, và có lần đã để họ tiếp xúc với các nhà báo Sénégal vốn là biên tập viên một bản tin thời sự bằng nhạc ráp. Vietnamplus sau đó cũng đã tung ra một bản tin thời sự tiếng Việt bằng nhạc ráp. Điều này cho thấy là Vietnamplus rất sẵn sàng đi theo xu hướng của xã hội Việt Nam hiện nay.
Về dự án báo chí dữ liệu trong khuôn khổ 4M Asia, Vietnamplus cũng đã rất nhiệt tình tham gia và họ có đủ nguồn nhân lực để làm việc đó. Đây là dự án báo chí dữ liệu về an toàn giao thông ở Việt Nam, một vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân Việt Nam. Họ đã làm rất tốt dự án về an toàn giao thông này".
Bài báo dữ liệu "Tai nạn giao thông - Bao giờ mới hết nỗi đau" của Vietnamplus vừa được đăng trên mạng vài ngày trước khi được nhà báo Võ Hoàng Long, tác giả của bài này giới thiệu với các đồng nghiệp Đông Nam Á và Pháp tại diễn đàn Jakarta.
Nhưng không chỉ hỗ trợ cho báo chí chính thức, cơ quan CFI còn trợ giúp về mặt kỹ thuật cho các nhà báo độc lập Việt Nam ở nước ngoài như blogger trẻ Effy Nguyễn, tức Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, hiện sống tại Philippines. Anh là con trai của mục sư Nguyễn Trung Tôn, vừa bị tuyên án 12 năm tù trong phiên xử cùng với nhiều nhà hoạt động khác ở Việt Nam ngày 05/04/2018.
Là một trong những diễn giả tham gia diễn đàn Jakarta, anh Effy Nguyễn cho biết trang blog video (vlog) của anh đã được CFI trợ giúp như thế nào :
"Chúng tôi đã được CFI hỗ trợ về mặt hậu cần để đi đến các cơ sở ở Bangkok và nay là đến Jakarta. Tại đây, CFI tạo ra cho chúng tôi một diễn đàn để chúng tôi có thể kết nối với những người có cùng ý tưởng về làm truyền thông cộng đồng trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài cơ hội tiếp xúc và học hỏi lẫn nhau, CFI cũng đưa những chuyên gia, những nhà báo Pháp từng làm việc ở Châu Á đến để chia sẻ kinh nghiệm về việc tác nghiệp báo chí cho chúng tôi để chúng tôi nâng cao kỹ năng của mình về vấn đề xin tài trợ, kỹ năng truyền thông đến khán giả trong Việt Nam, kỹ năng xây dựng nội dung trang blog.
Dự án của tôi là dự án video blog mang tên Effi vlog, nơi tôi làm các bài không phải là bài viết mà là bài video, nói về Nhà nước pháp quyền, nhân quyền, về nạn công an lạm dụng quyền lực ở Việt Nam, về tự do dân chủ, theo một cách trẻ trung, năng động của tuổi thanh niên. Trong vlog của tôi nhắm tới đối tượng khán giả là những bạn trẻ, vì giới trẻ sẽ là những người lãnh đạo trong tương lai, hy vọng hướng các bạn quan tâm đến xã hội, đến vấn đề dân chủ và tự do hơn.
Qua những kinh nghiệm mà chúng tôi học hỏi được từ CFI, tôi cũng đã có những thay đổi về nội dung của mình, để làm những video có tính chất trưởng thành hơn, nhân bản hơn một chút, con người hơn một chút, để đánh động lương tâm con người, hơn chỉ là những nụ cười đơn giản".
Một truyền thông độc lập khác được CFI hỗ trợ đó là trang phát thanh tiếng Anh trên mạng chuyên về tình hình Việt Nam mang tên LOA. Cũng có mặt tại Jakarta nhân diễn đàn 4M ASIA, cô Nguyễn Quốc Trinh, tổng biên tập của trang LOA, cho biết trang phát thanh của cô đã được CFI hỗ trợ cho dự án của họ về báo chí dữ liệu liên quan đến thảm nạn môi trường biển do công ty Formosa gây ra :
"CFI hỗ trợ cho LOA và các tổ chức truyền thông khác của Đông Nam Á để phát triển các bài viết sử dụng dữ liệu (data) điều tra về những công trình mà không thể được nêu lên nếu không có các dữ liệu đó.
Trên Facebook có rất nhiều người viết về Formosa, trong khi chúng tôi thấy báo chí ở Việt Nam không có nói nhiều về đề tài này. Cho nên LOA đang theo dõi để làm sao những người trên Facebook và các mạng xã hội khác viết nhiều về Formosa, để tác động lên báo chí trong nước.
CFI hỗ trợ cho LOA từ tháng 3 năm ngoái. Lúc đó, chúng tôi chưa chọn đề tài của dự án này. Nhưng sau khi dự các buổi huấn luyện của CFI, LOA đã chọn đề tài Formosa. Mỗi buổi huấn luyện của CFI chủ yếu tập trung về kỹ năng kiếm các dữ liệu trên mạng, rồi cách viết bài, làm các biểu đồ, làm website dựa trên các dữ liệu đó để cho bài viết hay hơn".
Thật ra, như lời ông Davif Hivet, mục tiêu của CFI khi trợ giúp cả báo chí chính thức lẫn truyền thông độc lập chính là nhằm thúc đẩy đối thoại giữa hai bên :
"Chúng tôi không đứng về bên nào. Tại đa số các nước, chúng tôi làm việc với cả báo chí chính thống lẫn báo chí độc lập. Chúng tôi cố gắng nối nhịp cầu đối thoại hoặc trao đổi (giữa các truyền thông), vì chúng tôi nghĩ rằng sự thật thường nằm ở giữa các bên, và dẫu sao, vì có sự phát triển, vì hòa bình, vì sự gắn kết của quốc gia, cần phải có một sự đối thoại giữa những nhóm không có cùng chung quan điểm, trao đổi với nhau không có nghĩa là cuối cùng phải đồng ý với nhau.
Chúng tôi không có cùng logic với những tổ chức khác, những tổ chức vẫn huy động xã hội công dân để đối lại với chính quyền hoặc ngược lại. Chúng tôi cố tìm ra một con đường trung dung, không phải là nhằm tạo thuận lợi cho phe này hay phe kia, mà chỉ nhằm thúc đẩy đối thoại.
Sự hỗ trợ của chúng tôi thuần túy là về mặt kỹ thuật, như đào tạo về báo chí dữ liệu, huấn luyện sử dụng các công cụ để thu thập dữ liệu, sàng lọc dữ liệu, lập các cơ sở dữ liệu, các biểu đồ. Nói chung là chúng tôi giúp tăng cường năng lực về mặt kỹ thuật, chứ không có hậu ý chính trị nào".
Thực ra, bên cạnh truyền thông độc lập mang tính chính trị và báo chí chính thống, còn có mảng truyền thông mang tính cộng đồng, mang tính xã hội hơn. Là cán bộ truyền thông của Trung tâm Kiến thức Bản địa và Phát triển, Quảng Bình, Việt Nam anh Lương Tiến Mạnh cũng đã được bầu chọn là thành viên hội đồng điều hành của Liên minh Truyền thông Cộng đồng Đông Nam Á. Trả lời RFI Việt ngữ tại Jakarta, anh Lương Tiến Mạnh, nêu lên tầm quan trọng của truyền thông cộng đồng đối với người dân sắc tộc thiểu số ở Quảng Bình :
"Quan tâm lớn nhất của tôi khi đến đây là học hỏi từ các community media (truyền thông cộng đồng) khác cũng có quan tâm đến các hệ thống dân tộc bản địa ở các quốc gia khác nhau, học hỏi kinh nghiệm của họ về thu thập dữ liệu, về tiếp xúc với người dân, xem có thể áp dụng những kinh nghiệm đó vào việc hỗ trợ cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực của mình hay không.
Mục đích của Liên minh các tổ chức truyền thông độc lập là kết nối các tổ chức cũng như là cá nhân từ các quốc gia khác nhau để tạo thuận lợi cho việc chia sẽ dữ liệu độc lập với nhau về thông tin, truyền thông giữa các quốc gia".
Lạc quan về tương lai của nền báo chí Việt Nam, ông David Hivet cho biết CFI rất muốn thực hiện các dự án khác, đặc biệt là trong lĩnh vực khí hậu, môi trường :
"Chúng tôi rất muốn phát triển dự án khu vực, với cơ sở đặt ở Việt Nam, về báo chí khoa học hướng về môi trường. Như ông đã biết, Pháp và Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn hợp tác về đào tạo phóng viên. Tại Việt Nam có những nhà báo được đào tạo rất tốt từ các trường của Pháp, đã quen làm việc với các đồng nghiệp Pháp, cho nên Việt Nam là một mảnh đất rất mầu mỡ để phát triển một dự án Pháp - Việt mới.
Đó là một điều rất quan trọng với CFI, vì chúng tôi không làm một mình, mà trong các dự án của chúng tôi bao giờ cũng có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà đào tạo của quốc gia hay của vùng mà chúng tôi làm việc. Chẳng hạn như trong dự án về báo chí dữ liệu ở Việt Nam, chúng tôi đã mời các chuyên gia Cam Bốt và Malaysia tham gia đào tạo vì chúng tôi cho rằng rất cần những người nắm rõ về bối cảnh khu vực".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 16/04/2018
Ngày 08/03/2018, 11 nước hai bờ Thái Bình Dương đã ký tại Chile hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mới, một năm sau khi tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết.
Đại diện 11 nước tham gia CPTPP sau lễ ký kết hiệp định tại Chile ngày 08/03/2018. Reuters
Hiệp định mới, mà kể từ nay mang tên là Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quy tụ các nước Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Không có sự tham gia của Hoa Kỳ, hiệp định CPTPP có tầm mức hạn chế hơn nhiều, vì chỉ bao gồm 18% GDP toàn cầu, thay vì 40% GDP nếu bao gồm cả Mỹ. Hiệp định TPP mới cũng không có những điều khoản riêng về sở hữu trí tuệ mà Washhington trước đây đã đòi phải đưa" vào hiệp định.
Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội, hiệp định CPTPP sẽ vẫn có tác động thúc đẩy Việt Nam thực hiện những cải cách cần thiết để thực sự chuyển sang nền kinh tế thị trường :
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hà Nội 09/03/2018 Nghe
(Trích phỏng vấn chuyên gia Phạm Chi Lan)
"Dầu không bằng được như khi có Hoa Kỳ, thị trường mà Việt Nam kỳ vọng nhiều nhất vào những lợi ích của TPP khi quyết định tham gia đàm phán từ cách đây mấy năm, nhưng hiệp định vẫn giữ được một số tác động lớn, tích cực cho Việt Nam, mà Việt Nam trông đợi từ trước.
Trước hết là về mặt cải cách thể chế. Việt Nam trong thời gian một vài năm trở lại đây, nhất là với chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, có vẻ quyết tâm cải cách thể chế nhiều hơn. Riêng trong năm 2017 đã có nhiều văn bản, nghị quyết mới mang tính cải cách, của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến của Quốc hội, chính phủ. Thế nhưng, cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế nói chung ở Việt Nam cũng vẫn cần có sự hợp tác với bên ngoài, hoặc là thông qua quá trình hội nhập với bên ngoài, với những chuẩn mực cao, hơn để giúp cho Việt Nam định hình rõ hơn và tăng cường quyết tâm cải cách theo hướng thị trường.
Tôi thích nhất TPP là ở chổ các chuẩn mực, các yêu cầu của hiệp định này rất là rõ và cao hơn, để Việt Nam trong quá trình cải cách của mình phải vươn tới những chuẩn mực đó, chứ không thể lúc nào cũng nhấn mạnh đến đặc thù Việt Nam để trì hoãn một số cải cách hoặc cải cách không đồng bộ. Những cải cách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán của Việt Nam đôi khi làm cho cải cách kém hiệu quả hơn nhiều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Bây giờ, nếu không có một chuyển đổi thật mạnh mẽ, thật nhất quán, để làm cho Việt Nam vượt lên, thì Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh với thế giới ngày nay. Tôi cho rằng, thúc đẩy cải cách thể chế và cải cách bộ máy hành chính của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết, mà hiệp định này có thể mang lại. Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với các nước Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ có tác động tương tự.
Thứ hai, hiệp định này sẽ cho Việt Nam cơ hội để thay đổi lại mối quan hệ quốc tế của mình trong tương tác với các nền kinh tế khác. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu thu hút đầu tư nước ngoài từ những nước chung quanh Việt Nam.
Ở trong khu vực này thì cũng đã có những kết quả ban đầu tốt, nhưng cho tới nay, nói chung đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam chưa mang lại hiệu quả tích cực về những mặt mà Việt Nam rất trông đợi, ví dụ như chuyển giao công nghệ để nâng tầm của nền kinh tế Việt Nam lên một mức cao hơn, vẫn chưa tác động vào nền kinh tế Việt Nam, vào các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phát triển trên một nền tảng tốt hơn.
Vẫn có sự cách biệt, sự khác nhau rất rõ và sự không liên kết giữa khối đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, với nội lực của Việt Nam. Chừng nào không nâng được nội lực lên, thì Việt Nam không thể phát triển được. Tôi cho rằng liên kết với các nền kinh tế tiên tiến hơn sẽ giúp nhiều hơn cho Việt Nam về mặt đó.
Thứ ba là về mở rộng thị trường ở các mặt, các thị trường trong TPP hiện nay đều có thể tham gia và mở rộng với Việt Nam và Việt Nam tập trung phát triển quan hệ với họ, cũng như là với Liên Hiệp Châu Âu. Tôi cũng kỳ vọng là hiệp định EVFTA có thể được triển khai sớm hơn, giúp cho Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu và nhập khẩu, cải thiện hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu, cũng như gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Tôi hy vọng là sẽ có sự tham gia tốt hơn (của các nhà đầu tư ngoại quốc) vào Việt Nam, thay vì thu hút rất nhiều nhà đầu tư, nhưng là của những nước không thật sự có chất lượng cao, mà nhất là của những nền kinh tế thậm chí mang lại nhiều yếu tố rủi ro cho Việt Nam".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 12/03/2018
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Ít nhất 15% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng vùng có 18 triệu dân này cũng là một trong những khu vực bị biến đổi khí hậu tác động nhiều nhất và chính điều này đang làm gia tăng áp lực về di cư tại đồng bằng sông Cửu Long.
Do tác động của biến đổi khí hậu, ngày càng có nhiều nông dân di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long.Reuters
Tác động của biến đổi khí hậu lên kinh tế
Trong một báo cáo được công bố ngày 09/01/2018, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, bởi vì nước này có bờ biển dài đến gần 3.500 km và phần chủ yếu của tài sản kinh tế quốc gia là nằm ở những vùng đất thấp ven biển. Tính từ năm 1990 đến nay, trung bình hàng năm, thiên tai đã khiến 500 người chết và khiến Việt Nam mất đi 1% GDP.
Theo thẩm định của IMF, những tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, di cư do khí hậu) có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm đi 10% và ảnh hưởng đến 12% dân số nước này vào năm 2021.
Trong báo cáo nói trên, IMF cảnh báo : "Biến đổi khí hậu rất có thể sẽ làm gia tăng áp lực lên môi trường : các cơn bão thường xuyên hơn và dữ dội hơn có thể sẽ gây tác hại cho mùa màng, làm giảm thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và xuất khẩu hàng hóa". Định chế này dự báo thêm : " Những nguy cơ đó sẽ tác động nhiều nhất lên người nghèo, buộc họ phải di cư đến những vùng trong nội địa và đến những thành phố lớn hơn".
Đồng bằng Cửu Long mất 1 triệu dân
Theo một nghiên cứu mới đây của giáo sư Alex Chapman, Đại Học Southampton, Anh Quốc và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì, Đại Học Cần Thơ, làn sóng di cư hiện đang gia tăng trong một thập niên qua đã khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long mất đi 1 triệu dân trên tổng dân số 18 triệu người. Cụ thể là đã có 1,7 triệu dân di cư khỏi vùng này, trong khi chỉ có khoảng 700 ngàn dân đến định cư ở đây. Tỷ lệ di cư này là cao gấp đôi mức trung bình của cả nước.
Theo nghiên cứu của hai vị giáo sư nói trên, có nhiều yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu thúc đẩy di dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số người đã phải di cư do nhà của họ bị sập vì nước biển xói mòn vùng bờ biển. Hàng trăm hộ đã phải đi nơi khác kiếm sống do tình trạng ngập mặn. Số khác thì không thể tiếp tục sống ở đây do nạn hạn hán, một hiện tượng khí hậu vừa là do tác động của biến đổi khí hậu, vừa do các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Một nghiên cứu khác do trường Đại Học Văn Lang ở Sài Gòn thực hiện cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến 14,5% di dân đi tìm nơi cư trú khác, tức là tương đương với 24 ngàn người mỗi năm. Con số thực tế rất có thể là cao hơn, vì tình trạng di dân còn có quan hệ chặt chẽ với nạn nghèo khó.
Phần lớn di dân là từ các cánh đồng vùng thấp do tình trạng ngập mặn ngày càng nặng, vì nước biển dâng cao khiến nước mặn tràn sâu hơn vào trong. Tình trạng này càng thêm trầm trọng do việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn, chủ yếu là của Trung Quốc và Lào, cản trở các dòng nước ngọt chảy xuống hạ nguồn, tức là xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặn đã vào sâu đến hơn 80 km trong đất liền khi xảy ra trận hạn hán 2015-2016, trận hạn hán nặng nề nhất trong vòng thế kỷ, phá hủy ít nhất 160 ngàn hectare đất canh tác.
Chính sách tái định cư còn bất cập
Chính phủ Việt Nam đã có chính sách tái định cư, ưu tiên cho những hộ nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, bằng cách cho vay với lãi suất thấp để họ có kinh phí di dời nhà ở và xây nhà mới. Nhưng Viện Brookings của Mỹ, sau khi xem xét việc thực hiện chính sách ở hai tỉnh Đồng Tháp và Long An, đã nhận thấy rằng chương trình này còn thiếu minh bạch. Phần lớn các hộ nói trên cho biết thu nhập của họ đã bị giảm sau khi di dời, vì nơi ở mới không thích hợp, khiến họ không thể trả các khoản vay và thế là lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Hai giáo sư Alex Chapman và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì trong công trình nghiên cứu nói trên cũng đã lên tiếng cảnh báo về cách thức đối phó với biến đổi khí hậu. Đã có những người đã buộc phải di cư do chính những biện pháp được thực hiện nhằm bảo vệ họ trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Hàng ngàn km đê đã được xây dựng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để ngăn lũ. Nhưng một số con đê này lại phá hủy hệ sinh thái của vùng. Người nghèo và những người không có đất canh tác không còn kiếm được nguồn thủy sản để mưu sinh. Mặt khác, những con đê này ngăn những chất bổ dưỡng tự nhiên do các nước lũ dẫn về các cánh đồng lúa.
Trong một bác cáo thực hiện cho Tổ chức Di cư Quốc tế IOM vào tháng 6/2016, hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten, thuộc đại học Eramus, Rotterdam, Hà Lan, cũng đã từng cảnh báo :" Dường như biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các hình thái di cư quan trọng ở miền Nam Việt Nam (chủ yếu là di cư trong nước). Một hành lang di cư đã được hình thành, nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố như Cần Thơ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh".
Phân tích của hai nhà nghiên cứu này cho thấy phần lớn hộ gia đình di dân không xem biến đổi khí hậu là lý do chính cho quyết định di dời. Có thể họ không nhìn nhận việc di cư là để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà để thích ứng với các yếu tố khác, ví dụ như điều kiện kinh tế. Phần lớn những hộ gia đình xem biến đổi khí hậu là một lý do dẫn đến di cư thường đề cập đến các hiện tượng như xói lở đất đau, bão và lũ lụt (hơn là các hiện tượng như hạn hán và xâm nhập mặn).
Hơn nữa, các hộ gia đình di cư thường có thu nhập thấp và điều kiện nhà ở kém. Dường như các gia đình dễ tổn thương nhất thì mới phải di cư, trong khi các hộ có điều kiện nhà ở và kinh tế tốt hơn có đủ khả năng bám trụ.
Hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten dự báo rằng, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng di cư quy mô lớn từ nông thôn lên thành thị, một phần do hệ quả của suy thoái môi trường tác động lên các vùng nông thôn, và một phần do hiệu ứng thu hút của đời sống và kinh tế thành thị.
Họ cho rằng, phần nào nhu cầu di cư này có thể được giảm thiểu bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực chống suy thoái môi trường, giải quyết hiệu quả các hệ lụy, giảm thiểu rủi ro thảm họa và tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa. Tuy nhiên, giải pháp này đôi khi lại không khả thi, và vì vậy di cư sẽ tiếp diễn. Do đó, theo khuyến cáo của hai nhà nghiên cứu Hà Lan, điều quan trọng nhất là phải gỡ bỏ các rào cản hiện hữu đối với di cư trong nước một cách triệt để.
Ngoài ra, theo họ, các chương trình tái định cư mà Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai nên được tiếp tục và cải thiện nếu phù hợp, đồng thời cũng cần đặc biệt chú ý đến việc tạo ra đầy đủ và đa dạng cơ hội nghề nghiệp lẫn cơ sở vật chất cho học tập, cho các cộng đồng phải tái định cư do suy thoái môi trường.
Các giải pháp cho Việt Nam theo IMF
Trong báo cáo ngày 09/01/2018, IMF đã kêu gọi chính phủ Việt Nam nên có chính sách sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nước và rừng, và kiểm soát tốt hơn các phương thức trồng trọt dùng quá nhiều phân bón gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Mặt khác, theo IMF, Việt Nam còn là một trong 10 quốc gia bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, không thua gì tại các thành phố lớn và khu công nghiệp ở Trung Quốc. IMF dự báo là lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020 và đến 2030 sẽ tăng gấp ba, một phần vì Việt Nam còn dựa nhiều vào các năng lượng hóa thạch. Cụ thể, 35% nguồn năng lượng của Việt Nam hiện nay là đến từ than, tăng so với mức 15% của năm 2000.
Với nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2035 và do chưa có giải pháp nào thay thế, Việt Nam sẽ lại càng phụ thuộc vào than, cho nên sẽ rất khó mà đạt được mục tiêu cắt giảm 8% lượng khí phát thải vào năm 2030.
Trong báo cáo nói trên, IMF đã đề nghị Việt Nam một số chính sách để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu :
* Giảm bớt nguồn năng lượng hóa thạch và gia tăng nguồn năng lượng tái tạo để phá vỡ mối liên kết giữa sản lượng và khí phát thải.
* Cung cấp cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp và chính phủ những công cụ mạnh hơn để tiếp tục tăng trưởng xanh : đánh thuế mạnh trên các loại nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy nhu cầu về năng lượng sạch.
* Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng liên quan đến khí hậu để giúp các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng phó với bão lụt. Thiệt hại do các thiên tai nên được tính trong các phân tích về tính bền vững của nợ công.
* Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để gia tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và cải tiến các công nghệ sạch.
* Chuyển dần sang việc sử dụng các xe hơi tự động, xe hơi chạy điện và chia sẻ dùng chung xe hơi để giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm không khí ở các thành phố.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 19/02/2018
Sự kiện một hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3 tới là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù đang được thắt chặt thêm, hơn 4 thập niên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Tàu sân bay USS Carl Vinson trên đường đến tham dự cuộc tập trận song phương với Nhật Bản. Ảnh chụp tại biển Philippines ngày 23/04/2017. US Navy/Mass Communication Specialist 2nd Class Z.A. Landers/H
Thông tin chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẳng vào tháng 3 đã được đưa ra ngày 25/01/2018, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis.
Đây sẽ là một chuyến viếng thăm lịch sử vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ hoạt động ở ngoài khơi, chứ không ghé vào các cảng của Việt Nam.
Được đặt theo tên của một dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ và được đưa vào sử dụng từ năm 1982, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có chiều dài hơn 300 mét là một trong những hàng không mẫu hạm đa năng lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là một trong 10 hàng không mẫu hạm khổng lồ của hải quân Mỹ và là một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới. Trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có một phi đội khoảng 70 chiến đấu cơ các loại, phần lớn là chiến đấu cơ F-18 có khả năng hoạt động ngày đêm, bất kể thời tiết, với tốc độ siêu thanh.
Bình thường hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có hơn 3.000 quân nhân điều khiển và bảo trì tàu. Khi triển khai hoạt động ở nước ngoài, tàu nhận thêm hơn 2.000 nhân sự đi cùng của không đoàn số 2.
USS Carl Vinson đã từng tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ cho chiến dịch Enduring Freedom ở Afghganistan vào năm 2001 nhằm đáp trả các vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ 11/09 năm đó. Vào tháng 4 năm ngoái, USS Carl Vinson đã được điều động đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Hoa Kỳ và quốc tế nói chung ngày càng quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Hiện nay, đội tàu sân bay USS Carl Vinson đang được triển khai ở vùng tay Thái Bình Dương trong khuôn khổ các hoạt động bình thường. Và chính là trong khuôn khổ hoạt động ở khu vực này mà USS Carl Vinson sẽ ghé thăm cảng Đà Nẳng vào tháng 3 tới.
Theo nhận định của hãng tin Reuters ngày 25/01, chuyến viếng thăm của một hàng không mẫu hạm Mỹ chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước đang lo ngại trước đà bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông.
Reuters trích lời các nhà ngoại giao cho biết là thông tin về chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến Đà Nẳng được xác nhận sau nhiều tháng thương thuyết quân sự trong hậu trường giữa Hà Nội và Washington.
Khả năng một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam đã được nêu lên khi tổng thống Donald Trump tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Đàm phán về vấn đề này đã tiếp diễn khi bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch gặp đồng nhiệm Mỹ Jim Mattis ở Washington vào tháng 8 năm ngoái.
Reurters cũng nhắc lại rằng vào tháng 10 năm ngoái, thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vinh đã dẫn đầu một phái đoàn 11 quan chức Việt Nam đến quan sát các phi cơ hoạt động trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson ngoài khơi California. Ông Nguyễn Chí Vịnh như vậy đã là quan chức cao cấp nhất của chế độ Hà Nội lên thăm một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Cho nên, khi tiếp thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, đô đốc John Fuller, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 (CSG-1) đã xem đây là "một ngày có tính chất lịch sử".
Cho tới nay, nhiều chiến hạm của Mỹ đã mở các chuyến viếng thăm Việt Nam cùng với đà cải thiện quan hệ giữa hai nước. Mang tính biểu tượng nhất trong số đó là chuyến viếng thăm của tàu ngầm USS Frank Cable và tàu tên lửa dẫn đường USS John S. Mc Cain đến Vịnh Cam Ranh, từng là căn cứ quân sự của Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Nhưng rõ ràng chuyến ghé thăm sắp tới của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson là mang tính biểu tượng cao hơn cả.
Trong những năm gần đây, các đơn vị của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập huấn với hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia vào cuộc thao dượt quân sự RIMPAC, vẫn được tổ chức 2 năm một lần, quy tụ hải quân của 26 quốc gia, dưới sự chỉ huy của Mỹ.
Việt Nam cũng đã mua nhiều thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, trong đó có tàu tuần duyên lớp Hamilton. Năm ngoái, Washington đã tiến thêm một bước trong việc thắt chặt quan hệ quân sự với Hà Nội qua việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được hãng tin Reuters trích dẫn, chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson "có ý nghĩa rất lớn" và là "một biểu tượng hiển nhiên của quan hệ quốc phòng đang được thúc đẩy trước đà lớn mạnh của Trung Quốc".
Theo Reuters, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, đa số người dân Việt Nam ủng hộ việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam hôm qua cũng đã ra thông cáo nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh khuôn khổ "Đối tác toàn diện" giữa hai nước "không ngừng được củng cố, phát triển, đặc biệt sau các chuyến thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước năm 2017".
Cũng theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Việt Nam, về phương hướng thời gian tới, hai nước sẽ "thúc đẩy hợp tác theo các nội dung trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng (MOU) ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung vế quan hệ quốc phòng (JVS) ký năm 2015, Kế hoạch hành động 3 năm giai đoạn 2018 - 2020 và thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước". Những hợp tác đó sẽ giành ưu tiên cho "việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, quân y, đào tạo tiếng Anh...
Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để sớm khởi công Dự án xử lý môi trường nhiễm dioxine tại sân bay Biên Hòa và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Chuyến đi của bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis diễn ra ngay sau khi Lầu Năm Góc vào tuần trước vừa công bố chiến lược an ninh mới của Mỹ. Chiến lược này tập trung vào việc xây dựng các đối tác và thắt chặt các liên minh để đối phó với hai quốc gia bị xem là mối đe dọa chủ yếu đối với Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam có một vị trí chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ đang cố thúc đẩy thành một vùng tự do và rộng mở, tức là một vùng mà quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế được tôn trọng nghiêm chỉnh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. Khi gặp các lãnh đạo Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải ở vùng Biển Đông. Theo ông Mattis, đây là một vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã tăng mạnh trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều nhược điểm : tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài, năng suất lao động còn rất thấp, kinh tế tư nhân còn yếu...
Một xưởng may ở Hải Dương. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Reuters
Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam đã tăng 6,8%, mức cao nhất từ một thập kỷ qua, nhờ mức tăng mạnh của các khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông ngư nghiệp và du lịch. Đây là mức tăng GDP cao nhất kể từ mức tăng 8,5% của năm 2007.
Riêng về du lịch, trong năm 2017, Việt Nam đã phá kỷ lục về số du khách, đón tiếp tổng cộng gần 13 triệu người. Tuy vậy, nếu tính về tỷ lệ trên dân số thì Việt Nam vẫn còn thua xa Thái Lan. Việt Nam hiện có dân số gần 93 triệu người, trong khi Thái Lan chưa tới 70 triệu dân, thế mà trong năm 2017, nước này đã đón tiếp tổng cộng 35 triệu du khách, một con số kỷ lục.
Còn theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong năm 2017, đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI cũng đã tăng 10,8% so với năm 2016, đạt đến 17,5 tỷ đôla. Tính về tổng số vốn đầu tư, con số này vượt hơn 35 tỷ euro, tăng đến hơn 44% so với năm 2016. Ba nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Đầu tư ngoại quốc trực tiếp vẫn là một động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Trong năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh, mặc dù tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dọa sẽ thi hành những biện pháp trừng phạt thương mại đối với những nước có thâm thủng mậu dịch nhiều đối với Mỹ như Trung Quốc và Việt Nam.
Thế nhưng, ngay cả trước khi Tổng cục Thống kê công bố các số liệu có vẻ khả quan nói trên, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước là tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đã chỉ ra những bất thường trong nền kinh tế Việt Nam, nhân một cuộc hội thảo vào đầu tháng 12/2017.
Theo ông Trần Đình Thiên, tăng trưởng của năm 2017 đã vượt chỉ tiêu, nhưng "trong bốn động cơ tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI), chỉ có khu vực FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách trong nước".
Trong cuộc hội thảo nói trên, tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam hiện nay, khu vực tư nhân rất yếu, trong đó doanh nghiệp tư nhân hầu như không thay đổi gì về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp khá yếu (dưới 10%). Mấy năm qua, động lực, động cơ tăng trưởng tập trung chủ yếu ở khu vực FDI. Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI tăng nhanh, sau 2017 sẽ càng tăng mạnh mẽ hơn, còn khu vực nội địa tăng trưởng rất chậm.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 03/01/2018, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nêu lên nguy cơ của việc tăng trưởng dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài :
"Trong mức tăng trưởng ấy, các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp một phần lớn, đến hơn 70% giá trị xuất khẩu và hơn 50% giá trị công nghiệp. Đó là một đóng góp tích cực, tạo thêm công ăn việc làm, đóng góp cho ngoại tệ và xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng về lâu dài, Việt Nam, với 100 triệu dân, không thể nào công nghiệp hóa mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài.
Việt Nam rất cần những doanh nghiệp dân tộc, những doanh nghiệp có thương hiệu Việt Nam, bởi vì những doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển vốn về nước họ, cho nên khoảng cách giữa GDP và GNI, Gross National Income, tức là thu nhập ròng của Việt Nam, rất lớn. GNI có lẽ chỉ bằng 70% của GDP mà thôi.
Đến một lúc nào đó, khi mà lợi thế của Việt Nam về lao động trẻ, giá nhân công rẻ không còn cạnh tranh được với người máy, trí thông minh nhân tạo, thì lúc đó rất có thể là các nhà đầu tư sẽ rút đi nơi khác, mà Việt Nam lại chưa có những doanh nghiệp với thương hiệu cho bản thân mình và như vậy sẽ không thể tiếp tục duy trì tỷ lệ xuất khẩu cao như hiện nay. Đấy là điều mà chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc, kịp thời, đừng để cho nó quá chậm".
Mặt khác, một trong những thách đố đối với nền kinh tế Việt Nam đó là phải thu ngắn khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước. Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2017, diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cũng đã cảnh báo rằng mặc dù trong 5 năm qua, Việt Nam đã có sự phục hồi "đáng khích lệ" về tăng trưởng, nhưng điều đáng quan ngại là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn tăng với tốc độ quá thấp và như vậy là Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore.
Tuy nhiên, về điểm này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh có ý kiến hơi khác. Theo ông, chính khu vực nông nghiệp kéo năng suất lao động của Việt Nam xuống thấp.
"Công bố vừa rồi của Tổng cục Thống kê gây tranh cãi, bởi vì tỷ lệ lao động nông nghiệp của Việt Nam chiếm đến 50%, mà lao động nông nghiệp của Việt Nam thì mỗi hộ gia đình bình quân có đến 9 thửa ruộng và các thửa ruộng thì rất là manh mún và trang thiết bị thì rất thấp, vì vậy nó kéo toàn thể năng suất lao động của người Việt Nam xuống. Còn không thể so sánh với những nước khác như Singapore, quốc gia chẳng có tí nông nghiệp nào !
Tổng giám đốc Samsung đã nói rằng năng suất lao động của người Việt Nam làm việc cho Samsung không hề kém người Hàn Quốc và nếu tính trên chi phí tiền lương thì còn cao hơn.
Cho nên, tôi nghĩ về con số đó nên có một sự phân tích kỹ càng, có một nhận thức đầy đủ, thỏa đáng và có các biện pháp để nâng cao năng suất lao động. Rõ ràng là với những hộ gia đình như vậy, không có trang thiết bị gì, không vận dụng khoa học, công nghệ gì, thì khó mà có năng suất lao động cao hơn".
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2017, giám đốc quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã đề nghị là để nền kinh tế phát triển một cách vững chắc, Việt Nam cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường "hiệu quả" nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Cụ thể, theo giám đốc quốc gia Ngân Hàng Thế Giới, phải "tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế".
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tuy Đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam trong năm 2017 đã đề ra những chính sách mới để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản đối với khu vực kinh tế này.
"Qua từng ấy năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân mà có đăng ký theo đúng luật doanh nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 9% GDP, còn khu vực kinh tế hộ gia đình, kinh tế phi chính thức thì chiếm đến 31,5% và chiếm phần lớn lực lượng lao động.
Với doanh nghiệp hộ gia đình, cá thể, không có đăng ký thương hiệu, không có đăng ký sở hữu trí tuệ, quy mô quá nhỏ, họ có thể tạo công ăn việc làm cho một số người lao động, nhưng không thể nào có năng lực để cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, đang tràn vào thị trường Việt Nam. Đấy là một nhược điểm rất lớn. Những doanh nghiệp này sẽ không sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không sẵn sàng vận dụng khoa học công nghệ, không sẵn sàng để có một thương hiệu dân tộc, một thương hiệu quốc gia trên thế giới.
Chính sách hiện nay lại khuyến khích hộ kinh tế gia đình. Họ chỉ nộp thuế có 2% và lại nộp thuế khoán trên cơ sở thương lượng giữa người thu thuế và người nộp thuế. Theo kinh nghiệm của Việt Nam và của quốc tế thì trong cuộc thương lượng đó hai bên đều có lợi, chỉ có ngân sách nhà nước là chịu thiệt.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân đăng ký hợp pháp thì phải nộp thuế đến 20% và phải theo đúng các thủ tục về kế toán, về thống kê, về tài chính, và phải chịu sự giám sát rất chặt chẽ. Theo Luật doanh nghiệp của Việt Nam, hộ kinh tế gia đình nào có trên 10 người lao động thì phải đăng ký thành doanh nghiệp. Nhưng có những hộ kinh tế gia đình sử dụng đến cả trăm người, mà vẫn nói rằng họ là hộ kinh tế gia đình rất nhỏ bé và không đăng ký thành doanh nghiệp, vì họ muốn tiếp tục kinh doanh theo cách đó. Điều ấy về lâu về dài sẽ là một yếu tố rất bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 08/01/2017
Có thể nói là chưa bao giờ chiến dịch chống tham nhũng trong giới lãnh đạo Việt Nam diễn ác liệt như trong năm 2017 này, trong bối cảnh đấu đá nộ bộ vẫn rất gay gắt. Chưa hết rúng động về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đem về Việt Nam vào tháng 7, chính trường Việt Nam lại nóng thêm với vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, một đương kim ủy viên trung ương Đảng, ngày 08/12/2017. Ông Thăng bị bắt với tội danh "Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và một số tội danh khác.
Ảnh chụp cảnh ông Trịnh Xuân Thanh phát biểu trên TV Việt Nam, phát hình ngày 03/08/2017, cho biết là ông "đã ra đầu thú". Reuters/Kham
Cả hai nhân vật này đều là những cựu lãnh đạo của ngành dầu khí. Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), còn ông Đinh La Thăng, trước khi làm bí thư thành ủy Sài Gòn đã từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam. Cả hai đều liên quan đến vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PetroVietnam vào Ngân Hàng Đại Dương Ocean Bank. Riêng ông Trịnh Xuân Thanh sẽ bị đưa ra xử vào đầu năm 2018.
Cùng với ông Thanh và ông Thăng, hàng loạt quan chức cao cấp khác trong ngành dầu khí và ngân hàng cũng đã bị bắt vì tội tham nhũng trong năm 2017.
Vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng đã được báo chí quốc tế đặc biệt chú ý.
Hãng tin Reuters ngày 11/12 đã có bài viết tựa đề "What's behind Vietnam's corruption crackdown ?" (Đằng sau chiến dịch chống tham nhũng là gì ?)
Theo nhận định của Reuters, những vụ bắt giữ này cho thấy đang có một nỗ lực phối hợp nhằm bài trừ nạn tham nhũng khiến đảng ngày càng mất uy tín. Nhưng chiến dịch chống tham nhũng này cũng giúp cho tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng củng cố thêm vị thế, sau khi đã giành chiến thắng trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm ngoái. Cho dù có nhân vật nào cao cấp hơn bị bắt giữ hay không, ông Trọng đã nắm chắc thế thượng phong từ đây cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Ngay cả sau thời điểm đó, phe Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ tiếp tục duy trì thế áp đảo trên chính trường Việt Nam.
Nhân đây, hãng tin Reuters nhắc lại rằng, mặc dù bề ngoài có vẻ đoàn kết nhất trí, nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều bất đồng về đủ mọi vấn đề, từ nhịp độ cải tổ cho đến chính sách đối ngoại nhằm giữ thế cân bằng của Việt Nam giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc khác.
Theo Reuters, điểm đặc trưng nhất của ban lãnh đạo hiện nay là họ bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng bằng việc gắn chặt với bộ máy an ninh. Đó là một sự thay đổi về phong cách lãnh đạo so với thời Nguyễn Tấn Dũng, khi mà một số nhân vật đã tự thân nổi bật lên và tỏ những dấu hiệu sẳn sàng mở cửa chính trị.
Chiến dịch bắt bớ các quan chức tham nhũng có ảnh hưởng gì đến tiến trình cải tổ và tư nhân hóa ở Việt Nam hay không ?
Theo Reuters, cho dù chiến dịch trấn áp tham nhũng sẽ củng cố quyền lực chính trị của đảng, nhưng ban lãnh đạo hiện nay sẽ vẫn giữ nguyên tốc độ cải tổ như chính phủ trước. Tuy vậy, do ngân sách Nhà nước ngày càng bị thâm thủng, chính phủ Hà Nội đang buộc phải đẩy nhanh tiến trình "thoái vốn", tức là bán cổ phần các tập đoàn Nhà nước "hấp dẫn" nhất như Sabeco hay Vinamilk.
Trang mạng Asia Times ngày 13/12/2017 cũng đã có một bài nhận định về vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, tựa đề "What the arrest of a top official says about Vietnamese politics" (Vụ bắt giữ một quan chức cao cấp nói lên điều gì về chính trị Việt Nam). Tác giả bài viết là ông Đoàn Xuân Lộc, một nhà nghiên cứu hiện làm việc tại Anh Quốc.
Theo ông Đoàn Xuân Lộc, sau khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 5/2017 khai trừ ông Đinh La Thăng ra khỏi Bộ chính trị, đồng thời cách chức bí thư thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh, sự nghiệp chính trị của ngôi sao đang lên này coi như tiêu tan và vụ bắt giữ ông Thăng phần nào chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, vụ này vẫn thu hút nhiều chú ý và gây ra nhiều lời đồn đoán, bởi vì đây là lần đầu tiên một thành viên của cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng (và của Việt Nam) bị truy tố công khai vì sai phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng.
Giống như vụ Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài ở Trung Quốc, cũng là hai ủy viên Bộ chính trị, người ta cho rằng cuộc điều tra hình sự nhắm ông Đinh La Thăng là có động cơ chính trị. Hai cựu bí thư Trùng Khánh bị coi là đối thủ chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi cựu bí thư Thành phố Hồ Chí Minh là đồng minh thân thiết của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được coi như một đối thủ của ông Trọng.
Một trong những tội mà ông Thăng bị cáo buộc là "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại" khoảng 40 triệu đô la Mỹ trong thời gian làm chủ tịch Hội đồng Quản trị PetroVietnam, công ty, trong giai đoạn 2009-11.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ, tại sao một vi phạm nghiêm trọng như vậy lại không được phát hiện sớm và những cáo buộc đã được đưa ra trước đó ? Tại sao một quan chức có những sai phạm như vậy được đề bạt lên lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải năm 2011, lên tới Bộ chính trị quan trọng và sau đó nắm chức bí thư thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, vào năm 2016 ?
Trong một quốc gia minh bạch và dân chủ hơn, ông Thăng lẽ ra đã không thể có những vi phạm như vậy và nếu có, thì ông đã bị ngăn chận hoặc bị truy tố sớm hơn nhiều.
Theo cái nhìn của ông Đoàn Xuân Lộc, nạn tham nhũng quy mô lớn, sâu rộng và các vấn đề liên quan khác, chẳng hạn như nạn gia đình trị và quản lý yếu kém về kinh tế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp Nhà nước, sẽ không thể bị hạn chế đáng kể, chưa nói đến chuyện bị ngăn chận, trừ phi Việt Nam thực hiện các cải cách triệt để về chính trị và thể chế.
Nhưng nạn tham nhũng ở Việt Nam sâu rộng như thế nào ? Trong bài viết tựa đề "How deep is Vietnam’s rot ?" (Sự thối nát sâu rộng đến mức nào ?), đăng trên trang Asia Times ngày 05/12, tức là trước vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, nhà báo Davit Hutt nhắc lại vụ Trịnh Xuân Thanh và trích lời giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc đại học New South Wales của Úc, cho rằng các vụ xét xử những quan chức cao cấp và những bản án nặng nề chính là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng trước nạn tham nhũng.
Nhưng các nhà phân tích cũng nghi ngờ động cơ chính trị của vụ này, một phần là do sự thất sủng của ông Đinh La Thăng, một đồng minh thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một số người nghĩ rằng ông Trọng nay tiến hành thanh trừng những tay chân thân tín của ông Dũng.
Cũng theo Davit Hutt, một lý do khác giải thích cho chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt của ông Nguyễn Phú Trọng đó là tương lai của đảng Cộng sản Việt Nam. Nạn tham nhũng, quản lý kém cõi và biển thủ trong các tập đoàn Nhà nước đã gây rất nhiều tổn hại cho ngân sách nhà nước. Theo một báo cáo của Uỷ ban Pháp luật Quốc Hội đệ trình vào tháng trước, trong một thập niên qua, ít nhất 2,6 tỷ đôla đã bị thất thoát, một con số có lẽ thấp hơn thực tế, nếu chỉ dựa trên những số liệu được tiết lộ qua những vụ án gần đây.
Hiện giờ, Hà Nội đang cố huy động nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, rất cần thiết để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao. Tính chính đáng của đảng Cộng Sản Việt Nam, vốn không phải là từ lá phiếu của người dân, phụ thuộc phần lớn vào mức tăng trưởng tiếp tục cao.
Vấn đề là theo David Hutt, cho tới nay, nỗ lực của chính phủ nhằm chống tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước và khu vực nhà nước vẫn rất hạn chế, nhất là trong việc thu hồi số tiền thất thoát do tham nhũng. Trong số 2,6 tỷ đôla thất thoát trong một thập niên qua, chỉ có 8% được thu hồi, theo báo các của Uỷ Ban Pháp Luật Quốc Hội.
Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của chính quyền Việt Nam cũng chính là nhằm khôi phục thanh danh của khu vực kinh tế nhà nước, một điều rất cần thiết để tiến trình "thoái vốn" các tập đoàn nhà nước thành công và các doanh nghiệp nhà nước thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
Nhưng theo giáo sư Carl Thayer, các bản án có tác động rất ít đến nạn tham nhũng ở Việt Nam, bởi vì nguyên nhân sâu xa của nó là sự quản lý kém cõi : thiếu hệ thống kiểm toán độc lập, thiếu một nền tư pháp không bị ảnh hưởng chính trị. Theo giáo sư Thayer : "Cú sốc của các bản án sẽ phai dần theo thời gian".
Trong năm 2017, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam với Đức lại trở nên căng thẳng như thế kể từ khi chính phủ Berlin tố cáo mật vụ của Hà Nội, với sự trợ giúp của sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đem về nước.
Đây là một vụ bắt cóc mà báo chí Đức mô tả là không khác hgì vào thời Chiến tranh lạnh. Berlin đã đòi Hà Nội xin lỗi, nhưng phía Việt Nam vẫn bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định ông Thanh đã "tự nguyện" trở về đầu thú nhà chức trách.
Theo hãng tin Đức PDA ngày 04/12, các luật sư của Trịnh Xuân Thanh xem thân chủ của họ là "nạn nhân của đấu đá quyền lực trong đảng Cộng sản Việt Nam". Khi còn ở Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tị nạn chính trị, cho nên các luật sư của ông tin chắc là ông không hề tự nguyện trở về nước. DPA cũng bày tỏ mối quan ngại về khả năng ông Trịnh Xuân Thanh lãnh án tử hình.
Có nên cấm sử dụng các robot sát thủ (killer robots) hay không ? Đó là vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi trên thế giới hiện nay.
Thủy quân lục chiến Mỹ giải thích cách sử dụng robot gỡ mìn cho lính Afghanistan tại Helmand, ngày 05/07/2017. Reuters/Omar Sobhani
Vào cuối tháng 8 vừa qua, hàng trăm chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã công bố một bức thư ngỏ, sau khi một hội nghị đầu tiên về loại vũ khí tự động sát thương, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, bị hủy bỏ. Trong bức thư ngỏ, họ báo động về nguy cơ của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mới và yêu cầu là Liên Hiệp Quốc đừng bỏ quên vấn đề cấp thiết này.
Mãi đến tuần trước (13 đến 17/11/2017), tại Genève, một cuộc họp đầu tiên, với sự tham gia đại diện 86 quốc gia, về các robot sát thủ mới được tổ chức dưới sự chủ trì của đại sứ về giải trừ vũ khí bên cạnh Liên Hiệp Quốc Amandeep Singh Gill. Sau cuộc họp này, ông Amandeep Singh Gill đã tuyên bố rằng : "Thưa quý ông quý bà, tôi xin báo cho quý vị yên tâm : Robot chưa có kiểm soát thế giới đâu. Con người vẫn nắm quyền điều khiển chúng". Vị đại sứ này còn nói thêm là mọi người đừng nên làm trầm trọng hóa vấn đề này một cách quá mức.
Nhưng đó lại không phải là ý kiến của nhiều tổ chức phi chính phủ. Như tuyên bố của bà Mary Wareham, người đặc trách về vũ khí của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch : "Các quốc gia không nên bỏ thời gian chỉ để nói về vấn đề này, bởi vì các công ty quốc phòng và quân đội trên toàn thế giới đang chi rất nhiều tiền để chế tạo những vũ khí tự động sát thương mà không có sự kiểm soát của con người".
Để chứng minh nguy cơ của loại vũ khí đáng sợ đó, tại hội nghị tuần qua, các nhà hoạt động đã cho trình chiếu một đoạn phim ngắn giới thiệu một loại drone (thiết bị bay tự lái) thu nhỏ, có thể tự động nhận dạng và sát thương một người cách đó vài mét mà không cần ai điều khiển. Hãy thử tưởng tượng là hàng trăm chiếc drone như thế, giống như là một đàn ong, được tung ra để tiêu diệt hàng trăm, hàng ngàn người cùng một lúc !
Tác giả của đoạn phim này là giáo sư Stuart Russel, đại học Berkeley, người được coi là bậc thầy trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Giải thích với tờ Le Monde, giáo sư Russel nói : "Chúng tôi muốn báo động công luận về những gì có thể xảy ra trong một tương lai không xa nếu chúng ta cứ để mặc như thế".
Để vận động cho việc cấm robot sát thủ, hơn 60 tổ chức phi chính phủ đã tập hợp lại trong một liên minh mang tên "Stop Killer Robots". Liên minh này được sự hổ trợ của những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo như Google, Tencent hay Alibaba, tức là những tập đoàn đang tranh đua nhau chế tạo những kiểu xe tự lái. Trong tháng 8 vừa qua, hơn 100 nhà doanh nghiệp trong ngành công nghệ số, trong đó có Elon Musk, người sáng lập công ty không gian SpaceX, cũng đã một lần nữa cảnh báo Liên Hiệp Quốc về nguy cơ của các robot sát thủ.
Nhưng theo Le Monde, số đề ngày 22/11/2017, đối với các công ty trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, không nên cấm vũ khí tự động sát thương, vì như lời ông Marko Erman, giám đốc nghiên cứu và công nghệ của công ty Thales (Pháp) : "Bất cứ sự đột phá về công nghệ nào cũng tạo ra những cơ hội và những nguy cơ. Chúng ta không thể cấm cây gậy, trong khi chúng ta cần có nó để dựa vào".
Đối với các công ty này, vũ khí tự động sát thương là một tiến bộ trong lĩnh vực quân sự, vì nó bảo toàn sinh mạng và sức lực của các binh lính, mặt khác nó "tác chiến" hiệu quả hơn vì không bị mệt mõi, căng thẳng như binh lính.
Về phía chính phủ Pháp, nhà toán học Cédric Villani, dân biểu Quốc hội thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, được giao đặc trách về trí thông minh nhân tạo, cũng cho rằng nên đề cập đến vấn đề này một cách tỉnh táo, đừng để tình cảm lấn át lý trí.
Thật ra, khó khăn là nằm ở chổ là chính những thành phần có liên quan đến vấn đề này (giới quân sự, học giả, nhà ngoại giao, nhà hoạt động) vẫn chưa đồng nhất ý kiến về định nghĩa thế nào là một vũ khí hoàn toàn tự động. Họ đồng ý với nhau là phải duy trì một sự kiểm soát đáng kể của con người trên các loại vũ khí đó. Nhưng kiểm soát "đáng kể" là kiểm soát như thế nào ? Chỉ lập trình cho máy là đủ ? Phải có người ra lệnh cho robot dùng hỏa lực hay chỉ cần dự trù khả năng ngăn chận robot khi cần ?
Killer robot không chỉ là những máy bay không người lái được điều khiển từ xa, mà thật sự là những máy có thể nhận dạng, truy tìm và tấn công mục tiêu mà không cần có sự can thiệp của con người. Theo lời ông Vincent Boulanin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình Stockholm, được tờ Le Monde trích dẫn, hiện giờ chưa có những bobot sát thủ nào biết "tuân thủ" các công ước quốc tế. Cụ thể là những killer robot hiện nay chưa đủ khả năng để phân biệt mục tiêu là binh lính hay dân thường, cũng như không biết đo lường việc dùng hỏa lực có tương xứng với yêu cầu đề ra hay không. Để các robot đạt đến trình độ đó, còn phải mất hàng chục năm, theo nhà nghiên cứu Boulamin.
Uỷ ban Hồng thập tự quốc tế thì cho rằng quyết định hạ sát và tiêu diệt phải là thuộc trách nhiệm của con người, chứ không thể để cho máy móc quyết định. Các tổ chức phi chính phủ cũng sợ rằng với việc sử dụng các robot sát thủ, nguy cơ thiệt hại nhân mạng sẽ gia tăng, kéo theo nguy cơ gia tăng xung đột khắp nơi trên thế giới.
Cũng giống như đối với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoàn toàn có nguy cơ là các vũ khí tự động sát thương rơi vào tay những quốc gia "bất hảo" hoặc những tay khủng bố. Hơn nữa, cùng với đà tiến bộ của công nghệ, các robot sát thủ sẽ ngày càng được thu nhỏ, và như vậy chi phí sản xuất sẽ càng rẻ hơn. Cho nên có nguy cơ là một cường quốc nào đó sẽ đề ra kế hoạch phát triển và sản xuất ồ ạt loại vũ khí này, giống như Mỹ đã từng phát triển bom nguyên tử trong một thời gian ngắn kỷ lục vào thời đệ nhị thế chiến.
Liên minh "Stop Killer Robots" hy vọng là từ đây đến cuối năm 2019, cộng đồng quốc tế sẽ thông qua một hiệp định cấm việc phát triển, sản xuất và sử dụng những loại vũ khí hoàn toàn tự động
Sau cuộc họp tuần trước, đại diện 86 quốc gia tham dự đã quyết định sẽ họp lại vào đầu năm tới trong hai tuần. Nhưng, như ta đã thấy ở trên, hiện giờ vẫn hoàn toàn chưa có đồng thuận về vấn đề cấm robot sát thủ. Tuy vậy, theo Le Monde, liên minh "Stop Killer Robots" hy vọng là từ đây đến cuối năm 2019, cộng đồng quốc tế sẽ thông qua một hiệp định cấm việc phát triển, sản xuất và sử dụng những loại vũ khí hoàn toàn tự động, giống như thế giới đã từng thông qua những hiệp định cấm vũ khí sinh học (1972), cấm mìn chống cá nhân (1997) và cấm bom chùm (2008). Hiện giờ đã có 22 quốc gia ủng hộ việc cấm robot sát thủ, theo thống kê của liên minh "Stop Killer Robots".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 22/11/2017