1. Từ những năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những công trình khảo sát, nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa trong đó tập trung vào các công trình kiến trúc thời Pháp như công sở, nhà thờ, dinh thự, biệt thự... Tuy nhiên kết quả nghiên cứu chỉ thể hiện trong các cuộc hội thảo khoa học, một số cuốn sách... Vấn đề "bảo tồn di sản đô thị" hầu như chưa được xã hội quan tâm, thông tin ít ỏi trên báo chí ảnh hưởng đến cộng đồng do đó cũng không đáng kể.
Khu vực công xưởng đóng tàu Ba Son trên sông Sài Gòn - Ảnh minh họa
Cũng cần nhận thấy, trước năm 2010 cảnh quan khu vực trung tâm Sài Gòn còn khá nguyên vẹn. Có một vài thay đổi như xây dựng khách sạn Caravell, tháo dỡ các kiot ở đường Nguyễn Huệ... nhưng nhìn chung đường Đồng Khởi và khu trung tâm vẫn còn mang đậm dấu ấn của một đô thị có tuổi trên dưới trăm năm, có sự kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên miền Nam Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc kiểu Pháp.
Nhưng từ sau năm 2010 thì đây là nơi bị tác động trực tiếp và rất nhanh của quá trình "hiện đại hóa". Đó là sự biến mất của hàng loạt kiến trúc cũ, tiêu biểu cho cảnh quan, sinh hoạt, lối sống của Sài Gòn như khu Eden với rạp phim, cửa tiệm, dịch vụ... đặc biệt là hiệu sách Xuân Thu và quán cà phê Givral nổi tiếng ; công viên Chi Lăng nhỏ xinh như một khoảng lặng thân thiện trên con đường Đồng Khởi sang trọng và tấp nập ngày đêm... Hàng cây sao cao vút trước Nhà hát lớn bị chặt bỏ, và đỉnh điểm là bùng binh cây liễu nơi giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và thương xá Tax "biến mất" nhanh chóng và triệt để !
Bắt đầu từ đó báo chí phản ánh tiếng nói của cộng đồng và các nhà nghiên cứu kiến trúc, lịch sử, di sản... tin tức và bài viết về "bảo tồn di sản Sài Gòn" xuất hiện nhiều hơn. Những năm sau đó, công xưởng Ba Son, hàng cây đường Tôn Đức Thắng và Dinh Thượng Thơ luôn được báo chí quan tâm từ góc độ "di sản đô thị". Có thể nhận thấy, nếu năm 2013, 2014 phổ biến là những bài viết tỏ lòng thương tiếc như "Givral – C’est fini" hay "người Sài Gòn lưu luyến vĩnh biệt Tax"... thì sau đó tiếng nói của báo chí ngày càng thẳng thắn đặt vấn đề và đòi hỏi việc bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn. Đó là một sự thay đổi lớn về nhận thức và ý thức của cộng đồng nói chung và vai trò của báo chí nói riêng trong "hành trình" bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn.
2. Gõ từ khóa "bảo tồn di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, báo chí" tìm kiếm trên Google thì được khoảng 22.200 kết quả trong 0,88 giây ! Với các từ khóa khác như "thương xá Tax" có 165.000 kết quả trong 0,60 giây, "di tích lịch sử Ba Son" có tới 106.000.000 kết quả trong 0,78 giây, "hàng cây cổ thụ đường Tôn Đức Thắng" có 2.640.000 kết quả trong 0,64 giây, "Dinh thượng Thơ" có 98.500.000 kết quả trong 0,43 giây... (*) Đây chỉ là vài ví dụ về sự "nổi tiếng" trên báo chí của các di tích tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh trong vài năm gần đây.
Những trang đầu Google của kết quả tìm kiếm về các di tích trên là tin tức của cơ quan truyền thống "chính thống" gồm những tờ báo lớn, các trang báo điện tử có nhiều người đọc, một số tạp chí chuyên ngành về kiến trúc... hầu hết trong khoảng thời gian các di tích trên bị xâm phạm và phá hủy. Hình thức của thông tin khá đa dạng : từ nguồn tin của các cơ quan quản lý (UBND Thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Giao thông và vận tải, Sở Văn hóa thể thao và du lịch...), bài viết từ quá trình thu thập, điều tra của nhà báo, phỏng vấn ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến của cộng đồng, những hình ảnh, video clip thực tế và cập nhật từng giờ... Thông tin liên tục, dồn dập và "đúng điểm rơi" của sự kiện nên thu hút sự chú ý, theo dõi của đông đảo công chúng, tạo nên những "sự kiện nóng" thực sự. Đặc biệt, báo chí đã kịp thời đưa tin các nhà ngoại giao lên tiếng về di sản thành phố như trường hợp Thương xá Tax, Dòng tu và nhà thờ Thủ Thiêm và Dinh Thượng Thơ. Đây là những thông tin rất quan trọng để chính quyền cân nhắc quyết định "số phận" các công trình này.
Nội dung trên các báo cũng rất phong phú : từ việc tổ chức tuyến bài hồ sơ (như loạt bài về Ba Son của báo Tuổi Trẻ, về Thương xá Tax của báo Pháp luật Thành phố, về Dinh Thượng Thơ của báo Thanh Niên, chuyên đề về các "điểm nóng" di sản đô thị có mặt đều đặn trên báo Người Đô Thị... và tin bài của nhiều báo khác), đến phỏng vấn các chuyên gia về giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa, kiến trúc của các công trình, từ những bài tập hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân đến những "giải pháp" bảo tồn của giới nghiên cứu chuyên sâu... Không chỉ phản ánh ý kiến trực tiếp mà báo chí còn phản ánh những hoạt động gián tiếp mang ý nghĩa "bảo tồn" như các trang web thu thập ý kiến của công chúng, việc sưu tầm di vật của Ba Son để xây dựng quán cà phê, biệt thự, một số nhóm thanh niên đặt hoa trên gốc cây và các nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật mang ý nghĩa "tưởng niệm" hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng - một ký ức đẹp của thành phố...
Ngoài tin bài chính trên các tờ báo điện tử còn có hàng ngàn lượt ý kiến (comments) của độc giả bàn luận về vấn đề, có các cuộc thăm dò do báo tổ chức về phương án đối với di tích (bảo tồn/không bảo tồn/ý kiến khác) có đến hàng trăm ngàn bình chọn... Những số liệu thống kê nhanh chóng và công khai đã phản ánh khá toàn diện ý kiến các tầng lớp dân chúng mà đại đa số đồng thuận việc bảo tồn. Có lẽ sau những đợt "dư luận xã hội" mạnh mẽ về việc bảo tồn di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long hồi những năm 2000 thì sự phá hủy di sản đô thị ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng cả nước. Điều đó không thể không có vai trò tích cực của báo chí và truyền thông.
Những cuộc "vận động" này ngày càng có kết quả rõ rệt. Từ việc Thương xá Tax bị phá bỏ để xây công trình mới nhưng phải bảo tồn toàn bộ sảnh, trang trí gạch mosaic, cầu thang... để tích hợp vào công trình mới, đồng thời phục dựng mặt tiền xây dựng năm 1924 của Thương xá Tax... đến việc dừng đập bỏ Dinh Thượng Thơ, cùng lúc ngành quản lý là Sở Quy hoạch kiến trúc đã tổ chức hội thảo khoa học về Giá trị lịch sử - kiến trúc cần được bảo tồn của công trình này. Đây là những hành xử hợp lý, kịp thời và thiện ý của chính quyền sau khi tiếp nhận ý kiến của cộng đồng thông qua nhiều kênh, trong đó rất quan trọng là từ truyền thông, báo chí.
Ngoài ra, có thể kể đến vài trường hợp khác như : nhà cổ đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) bị đập bỏ do nhu cầu bức thiết của gia chủ, qua phản ánh của báo chí cơ quan chuyên ngành cũng đã kịp thời điều chỉnh và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phân loại các biệt thự, nhà cổ trên địa bàn thành phố, nhằm bảo tồn các công trình có giá trị và cảnh quan biệt thự - một đặc trưng của đô thị. Qua đó giá trị nhiều mặt của biệt thự cũng được cộng đồng ý thức hơn.
Hay trường hợp nhỏ là màu sơn của Bưu điện thành phố. Sau khi thực hiện sơn một phần công trình, nhận được sự phản ứng của cộng đồng qua báo chí, cơ quan chủ quản đã tích cực tham vấn các nhà nghiên cứu và đã chỉnh sửa ngay màu sơn, phù hợp với tư liệu lịch sử và "ký ức cộng đồng". Công trình trở nên "quen thuộc" hơn, được người dân và du khách hài lòng.
Một trường hợp "cực kỳ nhạy cảm" là Tu viện Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm đã thuộc diện "giải tỏa" trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ báo chí - khởi đầu là báo Người Đô Thị - với sự bày tỏ thẳng thắn của các nhà nghiên cứu về lịch sử, tôn giáo, giáo dục... về giá trị và việc cần thiết phải bảo tồn những công trình này, đến nay "dường như" đã được chính quyền chấp thuận (**).
Ngoài phản ánh sự kiện, sự việc thì báo chí còn là kênh thông tin quan trọng "điểm sách" và giới thiệu các tác phẩm văn học về "ký ức đô thị", các công trình nghiên cứu, khảo cứu về lịch sử, văn hóa, di sản đô thị Sài Gòn. Sức lan tỏa của các tác phẩm, công trình này nhờ đó ngày càng sâu rộng trong cộng đồng, nhất là với giới trẻ.
3. Từ thực tế của Thành phố Hồ Chí Minh, trong công trình nghiên cứu của mình (***), tôi đã nhận thấy có bốn nhân tố liên quan chặt chẽ đến "bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn" là nhà quản lý, nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư và nhà đầu tư. Trong đó, giữ vai trò quan trọng là cộng đồng và nhà chuyên môn, nhưng vai trò quyết định là nhà quản lý và nhà đầu tư. Tuy nhiên theo dõi khá đầy đủ thông tin về bảo tồn di sản không thể không nhận thấy, trên báo chí hầu như rất ít ý kiến hay sự phản hồi của nhà đầu tư (những tập đoàn đầu tư vào địa ốc, xây dựng hạ tầng đô thị) – nhân tố tác động trực tiếp vào công trình di sản, hoặc vùng, khu vực, cảnh quan di sản. Thay vào đó là ý kiến của nhà quản lý (Sở ngành, UBND Thành phố) "giải thích" sự cần thiết phải "giải tỏa" các di tích để xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng hiện đại và "đô thị mới". Thậm chí thông tin chính xác về nhà đầu tư vào khu vực, công trình di tích nào đó cũng ít khi xuất hiện trên báo chí cho đến khi di tích đã bị "xóa sổ" và ở đó mọc lên công trình mới.
Điều này tạo nên cảm giác tất cả sự lên tiếng của cộng đồng nói chung, của báo chí nói riêng đều chưa tác động đúng chỗ, thậm chí báo chí còn né tránh vì "tế nhị, nhạy cảm"... Và tất nhiên vì thế những cố gắng đó đã không có kết quả mà trường hợp di tích Ba Son là một điển hình.
Một điều hạn chế nữa là, thông tin quy hoạch đô thị hiện nay mới chỉ có ở website của cơ quan quản lý mà chưa được phổ biến rộng rãi qua truyền thông, báo chí, nhất là khu vực cảnh quan di sản đô thị. Mặt khác, việc xếp hạng các công trình di sản đô thị còn khá chậm và chưa toàn diện. Vì vậy, việc xâm phạm, hủy hoại các công trình mang giá trị di sản vẫn tiếp diễn. Thực trạng này làm cho thông tin trên báo chí có phần nặng về phản ánh những "việc đã rồi" tiêu cực trong bảo tồn di sản. Nếu những thông tin của các cơ quan quản lý kịp thời được công khai, minh bạch trên báo chí thì các nhà chuyên môn và cộng đồng sẽ có tiếng nói sớm hơn, tham gia cứu vãn và bảo vệ các di tích một cách tích cực hơn.
Có một điều tôi thấy tiếc, đó là các giải thưởng báo chí hàng năm chưa có giải nào cho tác phẩm về bảo tồn di sản. Điều này cho thấy lĩnh vực Di sản văn hóa chưa thực sự được coi trọng, công lao và tâm huyết các tờ báo, nhà báo "đeo bám" mảng đề tài khó khăn này chưa được đánh giá xứng đáng.
Là người thường xuyên cộng tác với báo chí về lĩnh vực bảo tồn di sản đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy trong khoảng 5 năm gần đây đã có một sự "đồng hành" khá mật thiết của báo chí với việc bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Ở những thời điểm "nóng bỏng" tiếng nói của báo chí có tác dụng rất lớn, vì với chức năng "thông tin" báo chí đã giúp những ý kiến phản biện kịp thời đến với chính quyền, đồng thời phản hồi của cơ quan chức năng cũng giúp cộng đồng nắm thông tin tốt hơn. "Dư luận xã hội" qua báo chí và nhờ báo chí, không chỉ là "cảm xúc" cộng đồng mà còn cả những lý trí bình tĩnh và khoa học.
Qua quá trình này, quan điểm của báo chí và các nhà nghiên cứu, học giả ngày càng gần nhau hơn, nói cách khác, thực tiễn đa dạng phức tạp của xã hội và tri thức "hàn lâm" của giới khoa học ngày càng tìm được tiếng nói chung trong hành trình bảo tồn di sản. Đấy cũng là kinh nghiệm và bài học từ nhiều nước đã thành công trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Nguyễn Thị Hậu
Nguồn : viet-studies,09/03/2019
Chú thích.
(*) Truy cập ngày 15/01/2018
(**) Gần đây đã có thông tin chính thức trên báo chí.
(***) "Khảo cổ học đô thị và bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh" hoàn thành 2017
Hết Chủ tịch tới Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh rên như bọng vì thiếu cán bộ chủ chốt. Không chỉ thiếu Phó Chủ tịch (1), Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn thiếu một mớ lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh và giám đốc một số Sở (2).
Thành phố Hồ Chí Minh lấy phiếu tín nhiệm 30 cán bộ chủ chốt - Ảnh minh họa (Bizlive, 04/12/2018)
Chuyện một đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh thiếu người đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quản trị, điều hành không những khó tin mà còn là sự xúc phạm đến cư dân của thành phố này. Tuy nhiên cả Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh đều khẳng định đó là sự thật !
Sự thật kỳ quái ấy phát xuất từ… quy hoạch - quy trình tuyển chọn, sắp đặt cán bộ chủ chốt. Cho dù thực tế đã chứng minh chính quy hoạch – quy trình mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đặt định đối với tuyển chọn, sắp đặt cán bộ chủ chốt là nguyên nhân chính khiến "quốc phá, gia vong", cán bộ chủ chốt được tuyển chọn, sắp đặt theo quy hoạch – quy trình này chỉ có khả năng hoạch định những chính sách, kế hoạch, dự án thiển cận, vô bổ, phung phí các nguồn lực quốc gia, không ít chính sách, kế hoạch, dự án còn phi nhân, tàn bạo, chưa kể đó cũng là nguyên nhân khiến mức độ nhũng lạm càng ngày càng cao nhưng cán bộ chủ chốt từ trung ương đến địa phương vẫn tiếp tục được quy hoạch, được tuyển chọn, sắp đặt đúng y như thế.
Trong hai thập niên vừa qua, tuy mật độ của những "tìm kiếm", "thu hút", "đãi ngộ", "trọng dụng"… được đính kèm với "nhân tài" càng ngày càng dày hơn trên môi, miệng của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam nhưng đến giờ này, "nhân tài" hoặc không có đất dụng võ, hoặc chỉ có thể làm tôi mọi cho những cá nhân đã được… quy hoạch, tuyển chọn, sắp đặt đúng… quy trình nhằm bảo đảm cho Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam ! Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" tiếp tục nhìn cam kết "tự chỉnh đốn" cười sằng sặc (3).
***
Chẳng riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam đang rối như canh hẹ về nhân sự giữ vai trò chủ chốt, đặc biệt là cán bộ "cấp chiến lược" (cấp do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quản lý). Tác dụng duy nhất mà Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" được Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 thông qua hồi trung tuần tháng 5 năm ngoái là… khởi động một cuộc đua mới. Đầu tuần này, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khuyến cáo, cán bộ, công chức đừng tìm người này, người kia để… chạy. Hệ thống chính trị, hệ thông công quyền sẽ không dùng những cá nhân chạy chức (4) !
Có một sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết là nếu giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không đặt định quy hoạch – qui trình tuyển chọn, sắp đặt cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt thì mua quan, bán tước đã không trở thành vấn nạn nan giải tới mức Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam phải thảo luận tới lui để tìm cách thực hiện "bốn không" : Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy ! Làm sao có thể thực hiện được "bốn không" khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay vẫn là những cá nhân từng tham gia quy hoạch – thực hiện qui trình lựa chọn, sắp đặt những Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tất Thành Cang… làm cán bộ cấp chiến lược ?
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong ba năm từ 2015 đến 2018, có khoảng 60 cán bộ cấp chiến lược bị kỷ luật (5). Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục lặp đi, lặp lại con số đó để quảng cáo cho cái gọi là nỗ lực "chỉnh đốn". Ai cũng biết hậu quả do số cán bộ cấp chiến lược gây ra đối với kinh tế - xã hội nghiêm trọng đến mức nào. Khoan bàn đến hình thức xử lý kỷ luật (chủ yếu là khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ các chức vụ đã… từng mang, chỉ có 2/5 cán bộ cấp chiến lược đương nhiệm đã bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự là Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn), làm sao có thể "chỉnh đốn" khi tiếp tục phớt lờ căn nguyên dẫn tới vấn nạn (quy hoạch, lựa chọn, sắp đặt theo qui trình riêng do Đảng cộng sản Việt Nam đặt định) ?
Rõ ràng là ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cố tình bỡn cợt với hai chữ nghiêm minh khi bảo với công chúng rằng hệ thống chính trị, hệ thông công quyền sẽ không dùng những cá nhân chạy chức ! Nếu chạy chức là phi pháp, tại sao không "chặt đầu, lột da" những kẻ hối mại quyền thế để có chức, những kẻ nhận hối lộ để bán chức mà chỉ… không dùng ? Đã nhận thức được "cán bộ là then chốt của then chốt, quyết định của mọi quyết định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân" (6) mà vẫn duy trì quy hoạch, lựa chọn, sắp đặt cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt theo kiểu cũ thì "trăn trở" là vô ích. Kết cục của vô số hội nghị, hội thảo để tìm giải pháp thực hiện "bốn không" chắc chắn sẽ là... không có gì mới !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/03/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/tp-hcm-chua-bao-gio-thieu-nhan-su-lanh-dao-nhu-hien-nay-20190306153333489.htm
(2) https://tuoitre.vn/chu-tich-tp-hcm-co-gang-dau-thang-4-co-day-du-giam-doc-so-2019030509494443.htm
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/ong-pham-minh-chinh-anh-nao-chay-chuc-thi-khong-dung-3889473.html
(5) http ://soha.vn/5-uy-vien-trung-uong-dang-duong-nhiem-bi-ky-luat-20181227152216963.htm
Một kiến trúc sư bình luận với BBC rằng nếu lấy lý do Dinh Thượng Thơ "không nằm trong danh sách di tích" để phá bỏ thì cách quản lý di sản của Thành phố Hồ Chí Minh" đang có vấn đề khá nghiêm trọng".
Phần mái ngói từ hướng chính diện Nhà thờ Đức Bà nhìn ra thuộc về Dinh Thượng Thơ cũ
Bình luận này được đưa ra khi có sự tranh cãi và so sánh cách ứng xử với di sản giữa chính quyền Sài Gòn và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, trước đề xuất phá tòa nhà từng là Dinh Thượng Thơ để mở rộng và nâng cấp trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố.
Tòa nhà hơn 150 năm tuổi này nằm ở địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, mà người Sài Gòn vẫn quen gọi là Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông và Sở Công thương.
Ông Võ Văn Hoan, người phát ngôn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được truyền thông Việt Nam hôm 2/5 dẫn lời phát biểu tại cuộc họp báo : "Tòa nhà [Dinh Thượng Thơ] trông bên ngoài bề thế như vậy nhưng đã cũ kỹ lắm rồi, nhiều chỗ phải chống dột, cần phải nâng cấp, cải tạo lại để phục vụ tốt cho công việc. Có phương án nói rằng tòa nhà Sở Thông tin và truyền thông phải di dời kiểu thần đèn vào khu vực trung tâm đường Lý Tự Trọng, rồi từ đó xây dựng thêm. Nhưng khi lục lại mọi hồ sơ thì thấy tòa nhà đó không nằm trong danh mục di tích".
"Chúng tôi nhận thức rằng việc nâng cấp sửa chữa trụ sở này rất nhạy cảm. Nên chúng tôi rất tôn trọng các ý kiến khác nhau để xử lý cho hài hòa".
'Vấn đề khá nghiêm trọng'
Hôm 3/5, Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chủ tịch Công ty Tư vấn thiết kế Ngô Viết, nói với BBC : "Nếu như việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của Thành phố Hồ Chí Minh là lý do chính để phá bỏ tòa nhà lịch sử này như giải trình, thì có lẽ cách quản lý di sản hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, và có thể cũng là của nhiều đô thị có di sản trên cả nước nữa, đang có vấn đề khá nghiêm trọng".
"Vì hiện nay nhiều công trình di sản quan trọng khác như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… và nhiều công trình lịch sử có giá trị khác của Sài Gòn 300 năm đều không có tên trong danh sách này, và do đó có thể cũng sẽ là lý do để bị phá bỏ một ngày nào đó".
Cũng trong hôm 3/5, ông Cù Mai Công, một người dân sinh ra ở Sài Gòn và là tác giả sáu tập sách Saigon By Night, nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt : "Vì Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến của người dân về đề xuất với Dinh Thượng Thơ nên tôi quyết định lên tiếng".
"Về chuyện Dinh Thượng Thơ 'không là di tích', theo tôi được biết, năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh lập một danh sách 108 di tích cần bảo tồn. Cần nói rõ : Đây là danh sách không hoàn chỉnh và 1996 thành phố đã yêu cầu làm hoàn chỉnh nhưng đến nay 22 năm sau vẫn chưa có".
"Và đây là là khoảng trống, khoảng hở "chết người" khi hàng loạt nhà, dinh thự xưa bị phá bỏ mà "không phạm luật".
"Dinh Thượng Thơ là một trường hợp mới nhất, là tòa nhà xưa thứ ba của Sài Gòn : xây dựng 1864 (tức đã 154 năm chứ không phải như một số thông tin cho nó 130 năm, 128 năm tuổi) sau Tu viện Thánh Phaolô (góc Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng) và Bến Nhà Rồng xây trước đó 2-4 năm".
"Xin nói thêm : Ngay Tu viện Thánh Phaolô cũng không nằm trong danh sách này vì nó thuộc quản lý của Tòa Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh".
Nhà thờ Đức Bà cũng "không có tên trong danh sách di tích bảo tồn của Thành phố Hồ Chí Minh"
'Mâu thuẫn'
So sánh cách chính quyền thời Sài Gòn và thời nay ứng xử với những ngôi nhà trên trăm tuổi, ông Công nói : "Khu Sài Gòn ban đầu chỉ là khu vực quận 1 trước 1975, rộng 3km2. Sau 1975 thì nhập thêm khu Cầu Muối, Nguyễn Cư Trinh... vô. Và hầu như 100% các tòa nhà xưa nhất của Sài Gòn nằm ở khu vực này".
"Chính quyền Pháp lúc đó đã coi đây là khu vực trung tâm hành chính và các tòa nhà chức năng ; tạo thành khối liên kết hoàn chỉnh, không chỉ liên kết các tòa nhà, dinh thự chức năng (Dinh Thượng Thơ, Tòa Đô sảnh (Hotel de ville), Thị sảnh, trước 1975 gọi là tòa Đô chánh - Tòa án, Bệnh viện...) mà còn liên kết kiến trúc toàn khu vực quận 1, khá hoàn chỉnh".
"Và đó là lý do trước 1975, theo như tôi biết, Chính quyền Sài Gòn quan niệm : việc xây các công trình, đường phố mới không được đụng tới dinh thự, đường phố Sài Gòn thời Pháp thuộc".
"Mục đích của họ là không chỉ bảo tồn di tích, công trình lịch sử - văn hóa mà còn bảo đảm kinh thành Sài Gòn không trở nên chen chúc".
Theo ông Công, thực tế họ [Chính quyền Sài Gòn] đã thực hiện đúng điều này : Cả khu vực quận 1 chỉ phá hủy và xây dựng mới hai công trình : Khám lớn để xây Thư viện quốc gia (Nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp) và Dinh Norodom - Dinh Độc Lập.
Ngoài Dinh Độc Lập buộc phải xây mới vì bị ném bom không thể phục hồi trong cuộc đảo chính 1962 thì nhà tù Khám Lớn ngay giữa Sài Gòn, lại là một hình ảnh đàn áp của Thực dân Pháp rõ ràng không nên để tồn tại.
Thư viện mới xây này, nhìn ở góc một tòa nhà rõ ràng rất đẹp, vừa dân tộc vừa hiện đại. Nhưng rõ ràng nó vẫn chưa hài hòa lắm với cảnh quan xung quanh. Và đó là cũng là lý do chính quyền Sài Gòn không đụng tới cảnh quan xưa ; hài hòa với các con đường chỉ 6-8-10m.
Đề xuất phá bỏ Dinh Thượng Thơ là để xây dựng trụ sở mới của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Công nhấn mạnh : "Phá vỡ cảnh quan này, không chỉ là di tích văn hóa, mà còn là phá vỡ tổng thể kiến trúc khu vực. Tệ hơn, khiến giao thông rối loạn thêm vì thực tế, khu vực này hiện đã kẹt xe liên tục. Bây giờ, bảy đơn vị hành chính cấp thành phố với 1.700 người làm việc, chưa kể thường xuyên có hàng ngàn người dân, công chức các quận huyện, ban ngành các quận huyện liên hệ công việc thì dù có phân luồng theo dự tính của Thành phố Hồ Chí Minh thì tình hình như thế nào chắc ai cũng rõ".
Ông cũng nói thêm : "Việc phá tòa nhà Dinh Thượng Thơ để xây trung tâm hành chính gom các ban ngành lại không chỉ mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử mà còn mâu thuẫn với việc giải quyết vấn nạn kẹt xe với thực trạng tạo nên kẹt xe ; mâu thuẫn với bảo tồn bảo tàng di tích".
Đề cập về chuyện bảo tồn Dinh Thượng Thơ có phải là việc tốn kém nên chính quyền phải tìm cách khác, ông Công nói : "Tôi thấy như trong chuyện trùng tu Nhà thờ Đức Bà, khả năng hạn chế của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn phải quyên góp trong giáo dân còn làm được, với vật tư chọn lọc, sang tới nơi sản xuất là Pháp để mua nguyên vật liệu thì lẽ nào Thành phố Hồ Chí Minh lại không có tiền. Vấn đề là cái nhìn của thành phố với di tích thôi".
Tuy vậy, trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông bày tỏ hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh "lắng nghe thật sự với tinh thần cầu thị những ý kiến về việc có nên phá bỏ Dinh Thượng Thơ".
Theo truyền thông Việt Nam, ý tưởng xây dựng trụ sở mới của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh "được công ty Gensler, Mỹ, thiết kế". Toàn bộ ý tưởng về trụ sở mới này đã được trưng bày ở Trung tâm Triển lãm Thành phố nhằm "lấy ý kiến của người dân" trong tháng 4/2018.
Nguồn : BBC, 03/05/2018
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, xếp thứ 6 trong số 10 đô thị nguy hiểm nhất thế giới, theo một báo cáo của tạp chí The Economist công bố hồi cuối tuần qua.
Thành phố Hồ Chí Minh bị The Economist xếp hạng 56 trên 60 đại đô thị trên thế giới về an toàn
Báo cáo do bộ phận nghiên cứu và phân tích mang tên Đơn vị Tình báo (Intelligence Unit) của The Economist lập.
Với tên chính thức "Chỉ số các thành phố an toàn 2017", báo cáo đánh giá 49 tiêu chí khác nhau về an ninh trong các lĩnh vực kỹ thuật số, sức khỏe, hạ tầng và cá nhân để xếp hạng 60 đại đô thị. Hà Nội, thủ đô Việt Nam, không nằm trong bảng đánh giá.
Trong 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới, Châu Á và Trung Đông có tới 7 cái tên. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thấp hơn Tehran của Iran và Manila ở Philippines, trên 4 thành phố đội sổ là Jakarta (Indonesia), Dhaka (Bangladesh), Yangon (Myanmar) và Karachi (Pakistan).
So với bảng xếp hạng đầu tiên được công bố cách đây 2 năm, Thành phố Hồ Chí Minh năm nay bị tụt hạng 10 bậc, Jakarta tụt 13 bậc.
Ngược lại, trong 10 thành phố an toàn nhất thế giới, có 6 cái tên của Châu Á-Thái Bình Dương, đứng đầu là Tokyo, Singapore và Osaka.
Các thành phố thuộc nhóm an toàn nhất là nơi có chăm sóc sức khỏe tốt nhất, hạ tầng vận tải công cộng thuận tiện và giá bất động sản cực kỳ cao. Đối lập lại, những đô thị chót bảng, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết nằm ở các nước đang phát triển và quá tải về dân số.
Những người lập báo cáo đã nghiên cứu rộng khắp và phỏng vấn sâu nhiều chuyên gia. Bản báo cáo có đoạn viết rằng kết quả của cuộc nghiên cứu "một lần nữa cho thấy hố sâu ngăn cách về đẳng cấp an toàn giữa thế giới đang phát triển có mức đô thị hóa nhanh chóng và thế giới đã phát triển giờ đây đang trì trệ".
Không bị xếp vào 10 nước tồi tệ nhất về an ninh sức khỏe lẫn an ninh hạ tầng, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh bị xếp hạng gần đội sổ về tiêu chí an ninh kỹ thuật số và an ninh cá nhân. Ở cả hai mặt này, đầu tàu kinh tế của Việt Nam đều đứng lần lượt ở vị trí thứ 6 và thứ 8 trong nhóm 10 tồi nhất.
An ninh kỹ thuật số liên quan đến các công nghệ "thành phố thông minh" và việc bảo vệ các công nghệ đó.
Theo báo cáo, 4 trong 5 thành phố trong nhóm kém nhất, kể cả Thành phố Hồ Chí Minh, là những nơi có thu nhập thấp. Các thành phố này thường còn yếu kém về công nghệ. Bên cạnh đó, do còn phải đối phó với các thách thức khác như bệnh truyền nhiễm và nghèo đói, các thành phố này càng coi an ninh kỹ thuật số là hạng mục ít ưu tiên.
Về tiêu chí an ninh cá nhân xét đến tội phạm đô thị, án mạng và tấn công khủng bố, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thấp hơn Moscow và Yangon, chỉ trên Caracas của Venezuela và Karachi của Pakistan.
Anh Hoàng Dũng, một cư dân Thành phố Hồ Chí Minh lâu nay tích cực vận động cho tiến bộ xã hội, nói với VOA :
"Tôi cảm thấy đây là một thành phố đúng là nguy hiểm. Thứ nhất là về tỉ lệ tai nạn giao thông. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn thấy tai nạn giao thông. An ninh về mặt con người hay về mặt tài sản cũng không được đảm bảo bởi vì thường xuyên xảy ra cướp trên đường hay trộm trong nhà, mà thường xuyên là tôi chứng kiến thấy".
Trang web của thành phố lớn nhất Việt Nam cho hay trong năm 2016 gần 4.000 vụ tai nạn giao thông đã làm chết 805 người, bị thương hơn 3.200 người. Thành phố Hồ Chí Minh tính đến năm ngoái có hơn 8,1 triêu người, theo con số chính thức.
Trong cùng năm, công an thành phố nói đã xảy ra hơn 5.200 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có gần 900 vụ cướp giật và 93 vụ giết người. Theo công an, số các vụ đã giảm hơn 14% so với năm trước. Đây là con số được ghi nhận qua các vụ được trình báo, nhiều người cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Chưa có con số của năm 2017, nhưng ở thành phố này chỉ trong hơn 1 tháng trở lại đây đã xảy ra 2 vụ gây chú ý ở mức độ quốc tế. Đó là đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt, đại sứ du lịch của Việt Nam, bị đánh chảy máu đầu tại một quán bar hồi đầu tháng 9, và một nhà ngoại giao thuộc lãnh sự quán Mỹ bị cướp đồ trên taxi hồi cuối tháng 9.
Giao thông quá tải, ô nhiễm không khí làm Thành phố Hồ Chí Minh kém an toàn
Ngoài an toàn thân thể và tài sản, những người sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh còn lo lắng về các mối nguy do hạ tầng thiếu thốn hoặc xuống cấp. Anh Hoàng Dũng, 38 tuổi, cho biết :
"Những công trình xây dựng không được đảm bảo thỉnh thoảng lại có sắt rơi xuống đường. Hay các hố ga, thỉnh thoảng lại có bé bị chui vào trong hố ga khi trời mưa đến ngập. Đặc biệt là việc ngập nước ở đường phố cùng là một nguồn nguy hiểm. Và một cái nữa cần kể đến là ô nhiễm không khí. Tôi ở đây hơn 10 năm rồi và tôi thấy cái độ đục của bầu trời càng ngày càng trở nên nặng nề".
Anh cho rằng các yếu tố kể trên làm cho nơi này không còn là "thành phố đáng sống" như trước đây. Trách nhiệm vì đã để thành phố rơi vào tình trạng hiện nay, theo anh Dũng, trước hết thuộc về chính quyền cả ở cấp thành phố lẫn cấp nhà nước.
Nam cư dân của Thành phố Hồ Chí Minh này đưa ra nhận định là nếu tạo ra mức sống tốt và công ăn việc làm ở các tỉnh, người dân sẽ không đổ dồn về trung tâm kinh tế số 1 của Việt Nam, tránh cho thành phố ngày càng chật chội, ngột ngạt, kém an toàn.
Trùng với ngày The Economist công bố báo cáo nêu tên Thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm những đô thị nguy hiểm nhất thế giới, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy, đã tiếp xúc cử tri và tuyên bố trong quý 4 năm nay, bộ máy dưới sự chỉ đạo của ông sẽ lập các đoàn đi tới các quận, huyện để ghi nhận ý kiến hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp.
Liệu động thái này sẽ giúp cải thiện thành phố đến mức nào, nam cư dân Hoàng Dũng đưa ra ý kiến :
"Những chính sách ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra tôi nghĩ sẽ không có hiệu quả. Trước khi ông trở thành bí thư của Thành phố Hồ Chí Minh ông đã kinh qua nhiều chức vụ nhưng không để lại dấu ấn gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân tôi không đánh giá cao. Do vậy, tôi cho rằng chính sách này của ông ấy cũng sẽ chẳng đi đến đâu".
Xếp hạng về an toàn của The Economist được đưa ra gần 10 tháng sau một báo cáo khác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1 năm nay, theo đó Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 trong số 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh tư liệu)
Mới đây mạng xã hội lại một phen nhốn nháo khi vào dịp cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không biết vô tình hay cố ý, đã nhấn mạnh cụm từ "vai trò đầu tàu" của thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội cùng nhiều địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, thậm chí là Long An, với kỳ vọng các địa phương này "trở thành đầu tàu kinh tế cho cả nước". Điểm tương đồng đáng lưu ý này trong các bài phát biểu nhanh chóng được phát hiện và được nhiều người mổ xẻ, có người cho rằng đó là chuyện bình thường vì chúng chỉ là những phát biểu mang tính khích lệ. Tuy nhiên, đã có người phản đối vì cho rằng khái niệm "đầu tàu kinh tế" này nghe như một trò hề.
Tôi chợt nhớ có bài hát rằng "một đoàn tàu có mấy sân ga, xin em xem anh như một ga nhỏ dọc đường". Như vậy một đoàn tàu có thể có nhiều sân ga, nhưng một con tàu không thể có quá hai đầu (đầu thuận và đầu ngược lại). Thậm chí ngay cả các ga tàu, tuy có nhiều, nhưng chính yếu cũng thường chỉ là một, hai chứ không phải ở đâu cũng là ga chính. Nói như thế để thấy quan điểm muốn nơi nào cũng trở thành đầu tàu kinh tế, nghe thì vui tai, nhưng thực ra ẩn chứa nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.
Sài Gòn năm xưa
Hà Nội mộng mơ
Thứ nhất, chính là sự phân bố nguồn lực kinh tế. Tất nhiên, không vì lời nói của Thủ tướng rằng chỗ nào cũng cần trở thành đầu tàu mà phán xét chính sách của ông ấy. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu "đầu tàu kinh tế" mọc khắp nơi thì sẽ dẫn đến tình trạng phân bố nguồn lực dàn trải và thiếu hiệu quả. Để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, hay các ngành dịch vụ mũi nhọn mang về GDP và môi trường sống tốt cho quốc gia, một số thành phố nhất định (không nhiều) cần phải được tập trung nguồn lực. Mới đây, dư luận rất bức xúc khi nguồn tiền từ thu thuế và GDP của thành Phố Hồ Chí Minh cao ngất ngưỡng, nhưng lượng tiền trả ngược đầu tư cho địa phương này lại giảm mạnh, trong khi các thành phố kém phát triển, nguồn thu thấp thì lại được phân bố rất đậm. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng làm như vậy sẽ khiến Sài Gòn trở nên kiệt sức trước nhu cầu đầu tư. Người ta ví von, một đứa trẻ đang ăn, đang lớn, làm ra tiền của lại bị cắt giảm chén cơm của nó một cách mạnh bạo, về lâu dài ai sẽ gánh vác đại cục ? Nguyên tắc căn bản của đầu tư chính là nguồn lực luôn có hạn, nhu cầu thì vô hạn, vậy nên phải biết chọn điểm phân bố đầu tư hợp thời, hợp thế, từ đó kích thích tăng trưởng của địa phương đó trong khi tìm cách khai thác thế mạnh của các địa phương khác để tạo ra liên kết vùng. Hiểu một cách nôm na, với các đặc tính tự nhiên và xã hội của Việt Nam hiện nay, sẽ có một hoặc hai, hay cùng lắm là 3 khu vực cần được tập trung đầu tư để trở thành đầu tàu, mở rộng chân rết cùng kéo các vùng lân cận phát triển dựa theo kế hoạch liên kết vùng.
Sài Gòn ngày nay
Hà Nội bây giờ
Thứ hai, việc phát biểu "muôn nơi như một" cho thấy phía Chính phủ dường như vẫn loay hoay trong việc đặt trọng tâm, hay nói chính xác hơn là xác định trọng tâm phát triển kinh tế của từng vùng. Ví dụ, khu vực Cần Thơ, Long An hay Đồng bằng sông Cửu Long lẽ ra nên đặt trọng tâm vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao ; Bình Dương là khu công nghiệp mới giảm tải yêu cầu hạ tầng cho Sài Gòn, Đồng Nai ; còn Sài Gòn là khu dịch vụ tài chính - kinh tế trọng điểm, là điểm mấu chốt để mở đường ra cho các vùng lân cận (nông nghiệp, công nghiệp lẫn dịch vụ). Điều này tương tự với Đà Nẵng với hệ thống cầu cảng, du lịch là ưu thế ; khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng cũng cần được xác định các thế mạnh tương tự (ví dụ công nghiệp khai khoáng, du lịch) ; trong khi Hà Nội là thủ đô văn hóa, trung tâm đầu não chính trị. Nói như thế chỉ là những ví dụ mang tính gợi mở, còn nhiệm vụ xác định trọng tâm của từng vùng của chính phủ phải rõ ràng, cụ thể mới mong có chiến lược liên kết vùng và phát triển toàn diện đất nước.
Về mặt hình thức, để xảy ra sự trùng lắp khái niệm "đầu tàu" trong các bài phát biểu của Thủ tướng Phúc trước hết phải trách ông Phúc chủ quan và thiếu cẩn trọng trong khâu xử lý bài phát biểu. Nếu ông Phúc biết sự chồng chéo này mà vẫn cố ý không điều chỉnh, tức tầm nhìn và triết lý quản trị đất nước của ông, như đã trình bày, chưa kỹ càng. Trong khi đó, bộ phận soạn thảo phát biểu của Thủ tướng Phúc dường như cũng mơ hồ và cẩu thả về nội dung mà họ soạn thảo. Một quốc gia muốn phát triển, trước hết triết lý quản trị đất nước phải rõ ràng và có tầm nhìn, sau đó việc thực hiện phải nghiêm túc và bài bản, ngay cả trong việc soạn thảo một bài phát biểu để thủ tướng vực dậy lòng dân.
Cao Huy Huân
Nguồn : VOA tiếng Việt, 17/01/2017