Virus corona : Tại sao Việt Nam thiếu ngân sách để hỗ trợ người dân ?
Ngô Trường Anh Vũ, BBC, 02/04/2020
"Anh ơi, em chết đói thì có được tính là chết vì dịch không ?" Người thợ hớt tóc quen cười buồn hỏi tôi.
Nhiều dự án ở Việt Nam còn đang dang dở
Ngày 1 tháng 4, Việt Nam bắt đầu thực thi cách ly toàn xã hội, mọi hoạt động kinh tế sẽ bị đình trệ.
Những người bị ảnh hưởng đầu tiên là tầng lớp lao động, trung lưu và kinh doanh nhỏ lẻ, vốn đóng vai trò xương sống của nền kinh tế.
Câu hỏi của người thợ hớt tóc chưa học hết phổ thông cũng là trăn trở chung của hàng chục triệu người Việt Nam hiện tại.
Để trả lời câu hỏi ấy một cách đầy đủ là điều không hề dễ dàng. Dĩ nhiên nếu tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh trong 1-2 tuần thì chưa đến mức người dân phải chết đói, nhưng dịch bệnh có khả năng sẽ còn kéo dài và cả nền kinh tế đang chịu chung một số phận bấp bênh.
Khi chưa biết đến khi nào khủng hoảng mới chấm dứt, vấn đề chính sách công một lần nữa lại được quan tâm và đem ra mổ xẻ so sánh.
Chính phủ Việt Nam có chính sách gì ?
Đối với nhiều người Việt, họ chỉ biết một cách rất mơ hồ những khái niệm kinh tế vĩ mô và bàn luận về chính sách chính phủ thậm chí còn bị coi là vùng cấm.
Thế nhưng một cách mộc mạc giản đơn thì câu hỏi của người thợ hớt tóc làm bật lên vấn đề cấp bách là :
Chính phủ Việt Nam có chính sách gì để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh ?
Nhìn vào những khoản trợ cấp xã hội và cứu nguy kinh tế mà các nước tiên tiến tung ra để hỗ trợ người dân nước mình đặc biệt là người thất nghiệp, người Việt có suy nghĩ gì ?
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã quyết định tăng gấp đôi trợ cấp thất nghiệp cho công dân Úc trong 6 tháng, những người mà theo ông sẽ chịu những hậu quả kinh tế đầu tiên vì Coronavirus.
Ông tuyên bố : "Chúng tôi sẽ hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của khủng hoảng". Chỉ tính riêng gói hỗ trợ này đã có giá trị lên đến 14 tỷ đô la.
Chính phủ Pháp huy động hơn 300 tỷ Euro hỗ trợ thanh khoản cho các công ty bị ảnh hưởng bởi các tác động kinh tế từ sự bùng phát của Coronavirus.
Pháp cứu nguy cho các doanh nghiệp và người lao động bằng ba chương trình tài chính riêng biệt, trong đó hai chương trình cho phép ngân hàng đầu tư công Bpi France cung cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay thương mại và tín dụng.
Chương trình còn lại là viện trợ trực tiếp cho các công ty khi cho phép ngân hàng nhanh chóng cung cấp nguồn tiền cho bất kỳ đơn vị nào cần.
Chính phủ Anh tung ra 330 tỷ Bảng Anh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và người thu nhập dưới trung bình. Theo đó, khoản tiền gần 400 tỷ USD, bằng 15% GDP của Anh sẽ bao gồm nhiều khoản cho vay để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ không suy sụp vì mất khách và nợ ngân hàng. Bất kỳ doanh nghiệp nào cần tiếp cận với số tiền này sẽ có thể nhận được khoản vay được chính phủ hỗ trợ theo các điều khoản ưu đãi thông qua Ngân hàng Anh Quốc.
Ở khu vực Châu Á, Nhật Bản bơm 14,2 tỷ USD vào thị trường trong một động thái được đánh giá là "táo bạo và chưa có tiền lệ" nhằm kích thích tài chính quy mô lớn.
Singapore cũng tung ra những gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp với tổng giá trị khoảng 38 tỷ USD, chiếm đến 11% GDP nước này.
Gần sát Việt Nam thôi, đất nước mà trong tâm thức nhiều người Việt vẫn ở một trình độ phát triển tương đồng hoặc không quá vượt trội so với Việt Nam là Indonesia cũng đã công bố gói kích thích đầu tiên trị giá 120 nghìn tỷ Rupiah, tức 8,1 tỷ USD.
Những công nhân sản xuất với thu nhập ít hơn 13 nghìn USD một năm cũng sẽ được hưởng chính sách giảm thuế mới.
Dĩ nhiên, việc so sánh chính sách của các nước phát triển với Việt Nam là khập khiễng vì quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển khác nhau.
Sài Gòn : Bùng binh Phù Đổng Thiên Vương, quạnh quẽ.
Nhưng tại sao người Việt phải đói nghèo ?
Nguyên nhân đầu tiên đến từ sự độc quyền và thua lỗ của các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, dẫn đến kềm hãm sự phát triển tư nhân và gây tổn thất cho xã hội.
Từ lúc mở cửa thị trường năm 1992, các số liệu về phát triển của Việt Nam chủ yếu được tô hồng thông qua tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, GDP không phản ánh được chất lượng tài sản và dịch vụ được tạo ra, cũng không nói lên được sự hiệu quả của việc gia tăng phúc lợi toàn dân. Sự công nghiệp hoá và mở cửa của nước nhà đáng buồn thay lại là cơ hội để một bộ phận lãnh đạo biến chất, thông qua các tập đoàn nhà nước, làm giàu cho bản thân bằng cách bán tài nguyên và khoáng sản của Việt Nam đến các nước phát triển hơn.
Theo Kiểm toán Nhà nước năm 2018, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí là 3.377 tỉ đồng ; Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm vốn 1.780 tỉ đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất âm vốn 1.159 tỉ đồng. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế 315 tỉ đồng. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cũng đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng. Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) nợ 547 tỷ đồng. Khi quy về công ty mẹ, có những tập đoàn ôm khoản nợ khó đòi hàng chục nghìn tỷ đồng như của PVN, lên đến 11.368 tỷ đồng. Tập đoàn này còn "mất không" 773 triệu USD cho 24 dự án ở nước ngoài.
Những tập đoàn nhà nước được ví như tay chân của nền kinh tế, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và tiếp cận được nguồn tín dụng lớn. Tuy nhiên nhóm này liên tục làm ăn thất thoát, khai báo lỗ và phí phạm nguồn lực của xã hội. Như vậy ngay đầu vào của ngân sách đã không đảm bảo.
Nguyên nhân thứ hai khiến ngân sách cạn kiệt là do để xảy ra tình trạng bòn rút ngân sách và đầu tư công không hiệu quả.
Giai đoạn 2013 đến 2019, nếu như thu ngân sách tăng thêm 572 nghìn tỷ đồng thì chi ngân sách tăng hơn 600 nghìn tỷ đồng, tổng cộng đạt hơn 1,66 triệu tỷ đồng.
Điều này có nghĩa là tuy tăng thu nhưng tốc độ tăng chi còn cao hơn. Nếu tính riêng năm 2019 thì thu không đủ bù chi, thâm hụt ngân sách quốc gia 222.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% GDP.
Năm 2018 cũng đã thâm hụt ngân sách 204.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% GDP và dự kiến năm 2020 vẫn tiếp tục thâm hụt 234.000 tỷ đồng, tuy nhiên với tình hình khủng hoảng hiện tại thì thâm hụt sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Trong khi đó, các đại dự án có giá trị hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng liên tục thất bại, không tạo được phúc lợi cho xã hội mà còn gây ra nhiều hệ luỵ cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ở ngành Giao thông và vận tải, Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đang đắp chiếu, chưa biết chính xác khi nào mới đưa vào hoạt động.
Nếu như tuyến Metro số 1 dời ngày hoạt động dự kiến đến cuối năm 2021, thì tuyến Metro số 2 phải dời đến tận 2026 mà đại diện ban quản lý dự án vẫn phải thừa nhận rằng "tiến độ của dự án rất khó đảm bảo". Cát Linh - Hà Đông còn thê thảm hơn khi chưa đi vào sử dụng đã xuống cấp.
Ở ngành công thương, các đại dự án thua lỗ nổi bật là Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc, từ năm 2016 đến 2019 lỗ khoảng 2700 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình chỉ tính đến hết 2018 lỗ lũy kế gần 5000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước âm hơn 2600 tỷ đồng. Hàng loạt dự án khác phải đình trệ, tranh chấp hợp đồng và ngưng sản xuất.
Cả 2 nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt ngân sách ở Việt Nam đều có mẫu số chung là cơ chế quản lý yếu kém.
Bởi chính vì cơ chế quản lý lỏng lẻo, ở Việt Nam xuất hiện sự vun vén của cải bằng các tổn thất xã hội qua các nhóm lợi ích vốn chiếm độc quyền và hưởng nhiều đặc lợi trong mọi lãnh vực mà họ tham gia. Hệ thống tiền tệ của Việt Nam lại được vận hành thông qua các ngân hàng trực thuộc trung ương, nguồn vốn vay vì thế cũng chỉ có thể được tiếp cận một cách sâu rộng nhất bởi những nhóm quyền lực chứ không phải tầng lớp lao động.
Những nhóm có đặc quyền đã sử dụng khả năng tiếp cận tín dụng lớn của họ mà kiểm soát các nền kinh tế thông qua những ngành nghề khác nhau. Tổ chức xã hội Việt Nam như được tạo ra để phục vụ riêng cho các nhóm lợi ích này và điều đó cần phải được thay đổi. Trong khung pháp lý hiện tại, cho dù chính phủ Việt Nam có muốn tung ra gói trợ cấp cho người nghèo thì cũng khó mà đến tay họ, điều này đã xảy ra vào năm 2015 ở gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ.
Nợ công dự kiến năm 2020 sẽ chiếm đến 23% so với ngân sách, cao nhất trong 6 năm gần đây. Cũng trong giai đoạn này, nhà nước Việt Nam phải liên tục vay nợ mới để trả nợ cũ và điều này là cực kì nguy hiểm do Việt Nam sẽ không còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về lãi vay trong thời gian tới. Dịch bệnh lần này đã làm phơi bày những mặt tối trong mô hình vận hành xã hội cũng như làm nổi bật một sự thật rằng đất nước đang rất thiếu nội lực.
Cho dù Bộ y tế đã có những nỗ lực lớn trong công tác chống dịch, sự cố gắng đó là không đủ để bù lại những hạn chế về tiềm lực quốc gia, điều chỉ được vun vén một cách bài bản qua hàng chục năm phát triển.
Thực tế cho thấy rằng sự phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua đi kèm với việc nới lỏng những định chế cho kinh tế tư nhân và áp dụng nhiều quy luật vận hành căn bản của nền kinh tế thị trường, tức là thay đổi cơ chế quản lý. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, cải cách chính trị đã đi sau cải cách kinh tế.
30 năm mở cửa, những người lãnh đạo Việt Nam lại đứng trước bài toán đặt ra ở thời bao cấp : đổi mới hay là chết. Dịch bệnh rồi sẽ qua, điều quan trọng là Việt Nam có đủ dũng cảm để nhìn nhận và khắc phục những điểm yếu của nước nhà. Để có thể đương đầu với những thử thách và khủng hoảng tất yếu trên con đường phát triển, một mô hình nhà nước tiến bộ hơn qua đó tích luỹ và phát huy được sức mạnh quốc gia vẫn là lời giải vẹn toàn nhất.
Việt Nam rồi vẫn tiếp tục đói nghèo hay sẽ biết trở mình để thịnh vượng hơn ?
Ngô Trường Anh Vũ là doanh nhân, blogger ở Thành phố Hồ Chí Minh
Tiểu thương hoang mang trong đại dịch Covid-19
Nguyễn Lại, VOA, 02/04/2020
Từ đầu tháng Tư này, Việt Nam chính thức ban hành lệnh cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc, hạn chế người dân ra đường đề phòng sự lây lan của dịch bệnh trong vòng 15 ngày. Cuộc sống ở khắp thành thị cho tới thôn quê có thể nói gần như đình trệ trong cơn đại dịch. Nhưng từ trước đó, việc tụ tập, kinh doanh, buôn bán ở những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã được yêu cầu tạm ngừng ; hàng quán và những nhà mặt đường có hoạt động kinh doanh đều bị lực lượng công an địa phương và tổ trưởng tổ dân phố tuần tra, yêu cầu đóng cửa, không tiếp khách.
Ảnh tư liệu - Nhân viên Y tế phun độc khử trùng khu xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội, ngày 31/03/2020.
Giải pháp quyết liệt này được đa phần các hộ kinh doanh, tiểu thương đồng tình trước nguy cơ lây lan cao của dịch bệnh, dù cuộc sống và thu nhập của nhiều gia đình phải trông vào công việc kinh doanh mỗi ngày.
"Thật ra nó không cấm đoán hoàn toàn đâu nhưng mà mình cũng nên nghỉ thật vì cũng sợ. Bán cho khách vào cũng thấy ghê ghê, cũng sợ lây nhiễm, cũng sợ, thôi thà đóng cửa cho yên tâm, không bán được một tí rồi lại suốt ngày xịt khuẩn nọ kia thì cũng mệt. Thật ra tâm lý mọi người thì bây giờ chưa nghĩ tới cái đói đâu mà chủ yếu là sợ bệnh. Đang nghĩ làm sao để hết được dịch đã, chưa nghĩ đến cái đói. Nhưng sau đó mới là đói đấy", cô Trần Thị Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh điện gia dụng trên mặt tiền đường Phùng Hưng, chia sẻ.
Mỗi nhà mỗi cách, hộ kinh doanh nhỏ thì đóng cửa, có bao nhiêu tiền tiết kiệm được trước đó thì đem ra chi tiêu vào lúc này. Cô Thảo cho biết thêm : " Lấy ra mà tiêu chứ còn biết làm thế nào. Bây giờ đại gia đình nhà mình nếu mà qua được hết không làm sao thì cũng đã là yên tâm 2/3 rồi. Rồi sau đó, chuyện kinh tế thì người nọ lo cho người kia thôi, rồi cũng như các cụ sẽ đâu vào đấy hết thôi ý mà. Các cụ nhà mình ngày xưa ăn nước mắm chan cũng có làm sao đâu, thì bây giờ mình trong hoàn cảnh này cũng phải vậy. Lúc đó mới thật sự thấy giá trị của cuộc sống".
Tuy vậy, trường hợp của cô Thảo là khá may mắn khi cửa tiệm kinh doanh cũng chính là nhà ở thuộc sở hữu của gia đình. Còn đối với những chủ tiệm phải trả tiền thuê mặt bằng nếu không được miễn tiền thuê trong 3 tháng trở lại đây và vài tháng tới thì tìm cách đóng cửa, trả cửa hàng.
Những hộ kinh doanh lớn hơn có nhân viên thì cho nhân viên tạm nghỉ việc về quê, chờ hết dịch mới quay lại.
Chị Tô Nga, một chủ khách sạn tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ ngay trước khi có thông báo tạm ngừng hoạt động, khách sạn của chị đã đóng cửa vì không có khách, doanh thu không đủ trang trải cho chi phí vận hành nên việc đóng cửa, tạm ngừng hoạt động cũng là một cách giảm lỗ vào thời điểm này.
" Mình đóng cửa lâu rồi, có ai đâu mà không đóng. Việt Nam mình nó giới nghiêm ngay từ ban đầu rồi thành ra người ta cũng đi lại ít ý, cho nên tôi phải đóng cửa lâu rồi. Nhân viên thì mình phải duy trì một ít ví dụ như là những người bảo vệ hay house keeping thì mình phải giữ để trông coi và chăm sóc khách sạn, còn các nhân viên khác thì mình hỗ trợ cho một ít về quê. Khi nào hết dịch thì quay lại thì nhận lại sau. Nói chung là chết, dân khách sạn chết hết", chị nói.
Nhìn chung, đối với những chủ tiệm hay hộ kinh doanh lâu năm, có tiền tích luỹ và mặt bằng kinh doanh thuộc sở hữu của gia đình như trường hợp của cô Thảo và chị Nga thì có thể yên tâm chờ đợi trong một vài tháng, chờ hết dịch mới quay lại hoạt động. Còn đối với những tiểu thương mà cuộc sống trông cả vào thu nhập hàng ngày từ hoạt động buôn bán, kinh doanh thì đây quả là khoảng thời gian khó khăn chưa từng thấy. Có người e rằng nhiều khi chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì không còn gì ăn trong gia đình. Đấy là lý do vì sao tại nhiều khu phố, mặc dù đã có lệnh đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh nhưng nhiều chủ cửa tiệm ăn uống, kinh doanh bánh ngọt, nước giải khát vẫn tìm cách âm thầm bán hàng cho những người khách có nhu cầu. Thậm chí trong nhiều trường hợp, khách được mời vào qua cửa ngách, và phía bên trong cửa tiệm đóng cửa là hàng chục người ngồi ăn uống với nhau dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Chị Trần Hương, một chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, đã tạm đóng cửa gần 2 tuần nay, thuật lại với VOA Việt ngữ : " Hôm qua chị đi mua bánh. Chị thấy sập cửa chị mới định quay xe máy về và nghĩ là thôi chết rồi hàng này cũng đóng cửa, thì nghe thấy bà ý gọi nhỏ nhỏ bên trong. Em ơi, em ơi, gọi như buôn bạc giả. Chị thấy tiếng thì thầm, chị mới nhòm qua khe cửa thì thấy bà ý nói em ơi em đi vào cửa ngách đằng sau nhé. Dựng xe máy ở đấy, em đi vào rồi chị nói chuyện…"
Đấy cũng là lý do vì sao hiện tại các tổ nhân phố và trật tự phường tại hầu khắp các quận nội thành tại Hà Nội thường xuyên phải đi tuần và yêu cầu các chủ cửa hàng phải đóng chặt cửa, không được hé mở, đề phòng việc lén lút buôn bán, kinh doanh. Đóng cửa hoàn toàn, không có bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào trong vòng ít nhất nửa tháng tới đây và còn có thể kéo dài hơn nữa, dù là để phòng bệnh cũng khiến cuộc sống của những gia đình như vậy lâm vào thế bí. Nhiều người thực sự hoang mang không biết rồi gia đình sẽ sống ra sao nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Hiện tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn có sự lây nhiễm trong cộng đồng ; có nghĩa là không còn xác định được bệnh nhân lây nhiễm đầu tiên hay còn gọi là F0. Một người có thể lây nhiễm mà không xác định được ai là người lây nhiễm cho mình. Vì thế, việc ban bố cách ly xã hội trên toàn quốc là một hành động cần thiết. Tuy nhiên, nếu không tính tới những giải pháp trợ giúp cho những tiểu thương mà cuộc sống trông vào hoạt động buôn bán thường ngày, thì họ khó có thể chấp hành một cách nghiêm túc yêu cầu ngừng hoạt động để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 02/04/2020
Doanh nghiệp không nên nuôi 'âm binh' trên mạng xã hội (Một Thế Giới, 15/12/2019)
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) nhận định việc các doanh nghiệp sử dụng KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) để bảo vệ mình giống như dùng con dao hai lưỡi, giống như sử dụng "âm binh" nên rất nguy hiểm.
Buổi tọa đàm Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội do Báo Người Lao động tổ chức sáng 14/12
Việt Nam là nước có độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội nhanh. Ước tính đến nay tại Việt Nam có khoảng 62 triệu người dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, rồi tiếp đến Youtube, Instagram, Zalo...
Những cái lợi, những mặt tích cực của mạng xã hội đem lại trong việc kết nối cộng đồng là rất rõ ràng. Với doanh nghiệp, mạng xã hội cũng đã tạo những thuận lợi lớn để đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, để có thể truyền thông, tiếp thị, PR cho thương hiệu và sản phẩm của mình. Bên cạnh đó có nhiều mặt trái mà nổi cộm là nạn vu khống trục lợi trên mạng xã hội đang lan tràn gây ra nhiều tác hại, tổn thất cho các cá nhân và tổ chức. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp, đối tượng mà khi bị vu khống, trục lợi trên mạng xã hội hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu cũng như công việc kinh doanh.
Trong buổi tọa đàm Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội do Báo Người Lao động tổ chức sáng 14/12, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Từ Lương nhận định KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội hay hiểu nôm na là hot facebooker, hot blogger) trở thành một kênh thông tin song song với báo chí, thậm chí còn quyền lực hơn cả tổng biên tập một số tờ báo. Ông Từ Lương đề nghị các doanh nghiệp không bắt tay, thỏa hiệp, thương lượng với KOLs, bởi các sai phạm đã có pháp luật và các cơ quan nhà nước xử lý.
Doanh nghiệp không bắt tay, thỏa hiệp, thương lượng với KOLs, bởi các sai phạm đã có pháp luật và các cơ quan nhà nước xử lý.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) nhận định việc các doanh nghiệp sử dụng KOLs để bảo vệ mình giống như dùng con dao hai lưỡi, giống như sử dụng "âm binh" nên rất nguy hiểm. Thay vào đó, doanh nghiệp nên đồng hành cùng các cơ quan báo chí có uy tín, hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi nếu họ làm sai, cơ quan nhà nước có thể xử lý được, nhưng KOLs thì trách nhiệm về pháp lý của họ thấp hơn nhiều, theo Thanh Niên.
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, pháp luật chúng ta có quy định đầy đủ, từ phạt hành chính, đưa ra tòa án hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Trương Thị Hòa.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vu khống doanh nghiệp trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp có thể khởi kiện cá nhân hay tổ chức cố tình nói xấu lên tòa án, đề nghị bên nói xấu cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có).
A.T
*****************
Người đàn ông giàu nhất Việt Nam ‘mơ giấc mơ Mỹ’ (VOA, 14/12/2019)
Tỷ phú giàu nhất Việt Nam, người đang làm nhiều người Việt tự hào với thương hiệu ô tô ‘Made-in-Vietnam’ đầu tiên, đang nhắm tới cái mà nhiều công ty của Trung Quốc chưa thể làm được : bán ô tô vào thị trường Mỹ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tham vọng bán xe ô tô 'Made-in-Vietnam' vào thị trường Mỹ.
Kế hoạch đầy tham vọng của ông Vượng, người tung ra dòng xe sản xuất trong nước đầu tiên ở Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua, là làm cho VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu với việc mở rộng bán hàng ra các thị trường thế giới trong đó có Mỹ.
Theo Bloomberg, hãng xe ô tô VinFast của ông Vượng sẽ bắt đầu bán ô tô ‘Made-in-Vietnam’ vào thị trường Mỹ vào năm 2021.
Không chỉ đơn thuần đưa xe ô tô Việt vào thị trường Mỹ, ông Vượng thậm chí nhắm mục tiêu bán xe ô tô chạy bằng điện – một dòng xe hoàn toàn mới đối với hãng xe Vinfast, hiện có giám đốc điều hành là cựu phó chủ tịch sản xuất toàn cầu của General Motors Co.
Giữa tháng 6 vừa qua, hãng ô tô 100% vốn Việt Nam Vinfast bắt đầu bàn giao những chiếc ô tô đầu tiên của họ cho khách hàng với kỳ vọng những sản phẩm ‘Made-in-Vietnam’ này sẽ có thể cạnh tranh với ô tô của Mỹ và Nhật.
Các dòng xe được Vinfast tung ra hồi tháng 6 là dòng xe đa dụng (crossover) Fadil, xe nhỏ sedan và xe gầm cao SUV.
Tuy nhiên sản phẩm ô tô chạy bằng điện mà ông Vượng sẽ đưa vào Mỹ là một dòng xe hoàn toàn riêng biệt, theo Bloomberg.
"Mục đích cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế", tỷ phú 51 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại trụ sở của tập đoàn Vingroup JSC ở Hà Nội. "Nó sẽ là một chặng đường rất khó khăn và chúng tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều. Nhưng chỉ có một con đường ở phía trước".
Tham vọng lớn
Xe ô tô của ông Vượng sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh khốc liệt để có thể thành công ở một thị trường khó tính như Mỹ.
Các hãng xe như Automobile Quảng Đông của Trung Quốc, Tata Motors Ltd của Ấn Độ, hay Proton Holdings Bhd của Malaysia đã phải bỏ cuộc hoặc hoãn các kế hoạch bước vào thị trường Mỹ. Thậm chí một số hãng xe hơi tên tuổi của Châu Âu như Citroen, Opel, Peugeot và Renault, từng có mặt ở thị trường Mỹ, đã phải trầy trật để đưa ô tô của họ trở lại thị trường này.
Đối với một thị trường khó tính như Mỹ, những công ty đó đã thất bại vì nhiều lý do, như các vấn đề về chất lượng, rào cản về quy định, kế hoạch không tốt, các điều kiện thị trường không thuận lợi và không được nhiều người Mỹ biết tới.
Dù có một buổi ra mắt ở Paris Motor Show với sự hiện diện của ngôi sao bóng đá Anh David Beckham hồi tháng 10 năm 2018, Vinfast vẫn là một hãng xe hoàn toàn mới trên thế giới.
Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, của tập đoàn Vingroup do ông Vượng sáng lập và làm chủ tịch, chỉ mới được khánh thành tại Hải Phòng hồi tháng 6 vừa qua, sau chỉ ‘vỏn vẹn’ 21 tháng xây dựng và hoàn thiện. Những chiếc xe đầu tiên của Vinfast được lăn bánh chỉ vài ngày sau đó.
2 tỷ USD
Tuy nhiên, để bù đắp vào sự thiếu hụt về kinh nghiệm và ít danh tiếng, ông Vượng, người được Bloomberg đánh giá là tỷ phú giàu nhất Việt Nam với 9,1 tỷ USD, sẽ sẵn sàng chi 2 tỷ USD từ tiền túi của ông vào Vinfast để sản xuất dòng xe mà ông sẽ bán vào thị trường Mỹ, Châu Âu và Nga. Theo Bloomberg, các nguồn tiền khác sẽ đến từ các khoản vay, phát hành cổ phiếu và bán bớt cổ phần của Vingroup.
Ông Vượng sở hữu 49% cổ phần của Vinfast trong khi công ty mẹ, Vingroup, nắm giữ 51% cổ phần.
Ngoài ô tô, tập đoàn Vingroup còn sản xuất điện thọai thông minh. Các điện thoại "made in Vietnam" VinSmart được tung ra thị trường từ tháng 12 năm ngoái. Theo Reuters, VinGroup sẽ không dừng lại ở điện thoại thông minh mà sẽ lần lượt cho ra mắt các sản phẩm thông minh khác.
Vinfast phải vượt qua những rào cản lớn để có thể cạnh tranh bên ngoài Việt Nam, theo giám đốc điều hành của công ty tư vấn ô tô ZoZo Go LLC, Michael Dunne, nói với Bloomberg.
"Sẽ mất một thời gian để công ty này có thể cạnh tranh ở Mỹ - hiện vẫn là thị trường khốc liệt nhất thế giới", ông Dunne nói. "Bạn cần phải có được một thương hiệu vững chắc".
Nhiều người tiêu dùng thích các xe cũ của Honda hay Toyota hơn là một chiếc xe mới của một thương hiệu không tên tuổi, theo CEO của ZoZo Go LLC. Ông Dunne nói rằng nhà sản xuất xe hơi của Việt Nam, tức VinFast, sẽ cần phải sản xuất ít nhất 100.000 xe mỗi năm để có thể cạnh tranh về giá, phát triển một thương hiệu toàn cầu và thiết lập một mạng lưới dịch vụ và bảo trì.
Ngoài những sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các nhà cung cấp chính như AVL, Bosch, Magna, Siemens và Pininfarina, VinFast đã thuê ông James DeLuca, người từng có "37 năm kinh nghiệm về ô tô tại tập đoàn General Motors của Mỹ" cũng như "từng quản lý hoạt động sản xuất trên khắp thế giới" làm tổng giám đốc.
Nói với VOA hồi tháng 2 năm ngoái, ông DeLuca cho biết ông tin vào khả năng thành công của xe hơi mang thương hiệu quốc gia Việt Nam.
VinFast cho biết rằng mục tiêu của công ty này là "trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, với sản phẩm chủ lực là ôtô động cơ đốt trong, ôtô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường".
******************
Quảng Nam : Tiểu thương bức xúc khi bị chính quyền xã "ép" dời chợ… (RFA, 12/12/2019)
Trao đổi với chúng tôi, tiểu thương tên T (không muốn nêu danh tánh thật vì sợ chính quyền xã) nói :
"Nguyện vọng của bà con là 100% ai cũng muốn ở lại hết, chỉ có xã là dùng mọi thủ đoạn để ép buộc chúng tôi".
"Quyền tự do dân chủ của dân, tôi hỏi chính quyền lo cho dân được những gì ? Trong lúc hàng hóa của chúng tôi chờ buôn bán Tết nhưng dời chợ ở dạng mời nhưng mà không thể gọi là mời, không phải là mời như ép buộc rồi".-Chị tiểu thương hàng vải bức xúc.
Chính quyền nói không ép dân di dời nhưng thực tế lại "khủng bố" tinh thần họ mỗi ngày - Photo : RFA
Tiểu thương N. và H. cũng cho rằng chính quyền xã những ngày gần đây liên tục thúc ép, khiến họ lo sợ, nhất là trong những tháng cuối năm hàng hóa đang chất đầy kho để bán Tết.
"Mấy ảnh cứ điện nói đi nói lại, rồi gửi giấy mời miết, dọa nếu không đi sau này lỡ có chuyện gì đừng có kiện thưa nên trong lòng bà con sợ"
"Nhất là trong những dịp tết gần tới đây, bà con chuẩn bị hàng hóa về buôn bán mà cũng không dám. Tôi thấy chính quyền hù dọa miết, làm cho dân khá đâu không biết mà dân nghèo, đổ bệnh thêm".
Lý do từ đâu ?
Cách đây khoảng 2 năm, Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển đường cao tốc Việt Nam hỗ trợ cho chính quyền xã Điện Thọ xây dựng chợ nông thôn mới Phong Thử cách chợ Phong Thử truyền thống một đoạn đường khoảng 400m, trên diện tích đất gần 2ha, với tổng số vốn xây dựng là 15 tỷ đồng. Chợ hoàn thành vào giữa năm 2018 nhưng đến nay rất ít tiểu thương dời sang chợ mới. Họ lý giải không muốn sang chợ mới vì chợ mới xây trên nền đất thấp nên rất dễ ngập lụt ; hơn nữa giá thuê sạp (ki ốt) và các chi phí khác tại chợ mới cao gấp 4 lần so với hiện tại. Tiểu thương tên N. cho biết :
"Cách đây hai năm lụt ở đây lên tới đây (gối chân) thì ở đó (chợ nông thôn mới) ngập đầu rồi, lút đầu rồi, những chiếc xe con của những nhà ở gần đó đều ngập hết. Tôi muốn mua đất chỗ đó mà xuống thấy ngập quá nên không mua nữa".
Tháng 11/2018, tiểu thương ở chợ Phong Thử truyền thống đã phản đối việc UBND xã Điện Thọ yêu cầu các tiểu thương tiến hành đăng ký thuê mặt bằng tại Chợ nông thôn mới. Trước sự phản đối của các tiểu thương, UBND xã đã phải tạm ngừng việc đăng ký. Cứ tưởng chính quyền lắng nghe nguyện vọng của bà con, tuy nhiên đến tháng 11/2019, UBND xã Điện Thọ tiếp tục ra thông báo, yêu cầu các tiểu thương đăng ký, thuê mặt bằng tại chợ mới. Quá bức xúc, nhiều tiểu thương đã phản ứng dữ dội, họ còn thuê ô tô kéo đi gặp lãnh đạo Hội đồng nhân dân và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để gửi đơn khiếu nại.
Bà con tiểu thương khẳng định chính quyền xã Điện Thọ xây dựng chợ mới là để cho một doanh nghiệp nào đó thuê nhưng sau này do doanh nghiệp này thấy địa hình mới xây trên nền đất thấp, ngập lụt nên từ chối thuê, do đó giờ họ ép bà con tiểu thương thuê.
Tiểu thương M chia sẻ :
"Làm chợ mới đâu có họp dân gì đâu có. Đâu có họp dân, mình đâu có cái gì đâu có. Chừ ép dân xuống thôi".
"Trước đây tỉnh, huyện đã quy hoạch chợ này thành khu phố chợ, bà con vào đây mong muốn để có cuộc sống ổn định lâu dài chứ không lẽ vào đây chưa ổn định đã xáo trộn lại".- Tiểu thương H chia sẻ.
Chi phí quá cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi. Chi phí mà bà con tiểu thương phải đóng để có một chổ bán tại chợ nông thôn mới Phong Thử cao hơn rất nhiều so với khi buôn bán ở chợ Phong Thử truyền thống. Cụ thể : mỗi ki-ốt ở Chợ nông thôn mới Phong Thử có diện tích khoảng 24m2, mỗi m2 có giá thuê 40.000 VND cộng thêm các khoản phí môi trường, bảo vệ …trung bình mỗi tháng 1 hộ tiểu thương phải đóng từ 500- 1.000.000VND. Đây là số phí cao hơn rất nhiều lần so với hiện tại ở chợ truyền thống khi một năm một hộ kinh doanh chỉ đó 6 đến 7 trăm ngàn.
Dời vào chợ mới kinh doanh họ phải đóng đủ loại phí, cao hơn gấp 4 lần hiện tại Photo : RFA
Tiểu thương M cho biết :
"Bán kilogam bún không lời bao nhiêu hết mà xuống dưới ấy tiền ni tiền kia đủ thứ hết, cao quá nên không có đáp ứng được"…
Trả lời đài RFA, ông Nguyễn Đạt -Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn cho biết theo phân hạng chợ thì chợ Phong Thử truyền thống là chợ loại III do cấp xã quản lý. Trước tình hình căng thẳng giữa hàng trăm hộ tiểu thương với UBND xã Điện Thọ xung quanh việc di dời địa điểm buôn bán, ông Đạt nói cơ quan đã giải quyết vụ việc bằng văn bản.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi hàng trăm tiểu thương chợ Phong Thử truyền thống cho biết giải quyết của lãnh đạo UBND Thị xã Điện Bàn là không ép buộc tiểu thương di dời nhưng ở cấp dưới là cấp xã, UBND xã Điện Thọ đã làm những việc trái ngược hoàn toàn như : cắt điện, cắt nước, lấp cống thoát nước gây ngập, ô nhiễm môi trường, mở loa thông báo liên tục việc di dời chợ hoặc nửa đêm gửi giấy mời để mời bà con đi làm việc…gây áp lực, ép bà con tiểu thương phải di dời việc buôn bán xuống chợ nông thôn mới, khiến việc sinh hoạt buôn bán của bà con gặp rất nhiều khó khăn, tâm lý lúc nào cũng lo lắng. Tiểu thương tên M. cho biết :
"Họ dọa đủ thứ. Họ nói năm ngày nữa là họ dỡ nhà vòm".
"Về nhà ngủ không được. Ngủ không được, làm ở nhà chứ trông lên chợ coi thử họ có dỡ đồ của mình đi không ?"
Chị tiểu thương T nói UBND xã Điện Thọ đã không từ thủ đoạn nào.
"Dọa thì không dám dọa nhưng nói chung là đem giấy tới nhà, đem đồ nửa đêm nửa hôm. Rồi còn cho người tung tin làm cái này cái nọ, nói chung là không từ thủ đoạn gì hết. Mà bà con chúng tôi 100% là ưng ở đây, không có đi đâu hết, buôn bán mấy chục năm khổ cực cũng nhờ cái chợ này chừ không có đi đâu hết".
Chị tiểu thương hàng vải nói, hiện tình hình giữa chính quyền và tiểu thương sống với nhau như xã hội đen.
"Bảy giờ sáng thì loa Ủy ban phóng vào chúng tôi giao dịch không được. Dân với lại tiểu thương dùng loa phóng lại, sống mà giữa dân với chính quyền tôi thấy giống như xã hội đen vậy đó".
Trong khi đó, ông Nguyễn Đạt- Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn khẳng định với RFA thông qua cuộc gọi rằng không có chuyện ép buộc bà con tiểu thương vào chợ nông thôn mới Phong Thử buôn bán, mọi việc vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện.
"Không. Không có văn bản nào ? Không có chủ trương của ai là bắt buộc người dân hết. Nói gọn là vậy thôi".
"Chuyện đó là chuyện tự nguyện của người dân thôi".
Trước đây, cũng vì căng thẳng giữa tiểu thương với chính quyền trong việc ép họ di dời việc buôn bán từ chợ truyền thống sang chợ mới mà vào tháng 2/2015, một nữ tiểu thương ở chợ Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tên Nguyễn Minh Tân đã dùng dầu hỏa đổ lên người rồi châm lửa "tự thiêu"./.
Tiểu thương chợ An Đông bãi thị, đòi ‘nói chuyện’ với lãnh đạo thành phố (VOA, 19/09/2017)
Sáng ngày 19/9 hàng ngàn người xuống đường trong trang phục màu đỏ phản đối ban quản lý chợ An Đông ở thành phố Hồ Chí Minh do chậm nâng cấp chợ, nhưng chính quyền địa phương đã "không đối thoại" mà dùng loa phóng thanh giải tán đám đông biểu tình.
Biểu tình trước chợ An Đông, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh, sáng ngày 19/9/2017. (Ảnh chụp từ Báo Tuổi trẻ)
Một người kinh doanh yêu cầu không nêu tên tại chợ An Đông nói với VOA :
"Người ta rất là đông. Hầu như tất cả các tiểu thương đều đóng cửa hết, họ bãi thị, biểu tình. Họ yêu cầu quyền lợi cho tiểu thương, trong đó yêu cầu cho kinh doanh dài hạn. Các tiểu thương đứng hai hàng trước chợ, giương băng – rôn và có thấy những người áo xanh của phường, và công an".
Chị này cho biết thêm hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi. Điều này khiến tiểu thương cảm thấy bức xúc.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin rằng các tiểu thương chợ An Đông, ở quận 5 đồng loạt đóng cửa sạp, ngưng kinh doanh, và họ đến thẳng Uỷ ban Nhân dân Thành phố yêu cầu lãnh đạo giải quyết.
Báo Người Lao Động cho biết có đến 2,000 người tham gia cuộc biểu tình này, bắt đầu từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, và chủ tịch quận phải đích thân đến trước chợ, cầm loa kêu gọi giải tán và "hứa sẽ giải quyết sau".
Một người khác tại chợ cho biết thêm tiểu thương biểu bình do chi phí thuê sạp quá cao :
"Tại chợ An Đông 1 mọi người biểu tình do chi phí cao. Và năm ngoái cũng đã xảy ra biểu tình".
Theo các tiểu thương chợ An Đông, từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương đã được vận động đóng góp hàng trăm tỉ đồng để chính quyền quận 5 nâng cấp chợ An Đông, nhưng cam kết nâng cấp chợ của UBND Quận 5 vẫn chưa được thực hiện.
Các tiểu thương cho biết một trong những yêu cầu của họ là ngay lập tức chính quyền phải bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp đối với tiểu thương vì đây là chợ truyền thống do họ góp tiền xây dựng nên chính quyền không được thu tiền thuê quầy sạp.
Báo Tuổi trẻ nói hơn 3.000 tiểu thương tại chợ này đã đóng góp số tiền 217 tỉ đồng để sửa chợ nhưng chờ đợi suốt 4 năm vẫn chưa nâng cấp.
Báo Thanh Niên trích lời Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến trưa ngày 19/9 nói rằng "mong bà con bình tĩnh, đừng để bị kích động gây mất an ninh trật tự".
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook rằng "một khi bị chạm đến quyền lợi thì người dân tự khắc đi biểu tình….Biểu tình dần dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam khi họ đã vượt qua sợ hãi".
Nhiều năm qua chính phủ Việt Nam liên tục trì hoãn trình quốc hội thông qua luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi từ lâu mà theo giới luật sư và các nhà vận động, lý do là chính quyền lo sợ về sự an nguy của chế độ.
VOA tiếng Việt
*****************
Theo báo Thanh Niên, hôm 19/9 có hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông, hay còn gọi là chợ An Đông ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng sạp.
Cuộc tuần hành dường như liên quan đến kiến nghị của các tiểu thương trong một thời gian qua về việc ban quản lý chợ thu phí bất hợp lý và không tiến hành sửa chữa như đã cam kết.
Một vấn đề khác mà nhiều tiểu thương cũng đang bức xúc đó là việc đóng thêm phí "thuê sạp" hằng năm, dù đã trả tiền "sở hữu sạp" dài hạn.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, năm 1989 thành phố và lãnh đạo quận 5 kêu gọi tiểu thương góp vốn xây dựng lại chợ. Tiểu thương được quyền kinh doanh ổn định trong thời gian 20 năm. Và tiểu thương là đồng sở hữu chợ An Đông được xây dựng lại, không đơn thuần là thuê sạp.
Hơn 2.000 chủ sạp đã đóng tiền xây dựng và "sở hữu quầy sạp" từ 1991-2011 trong hợp đồng giữa đơn vị đầu tư và tiểu thương. Tuy nhiên, 25 năm qua, ban quản lý vẫn thu phí thuê sạp hằng năm.
Bà Trần Thị Thu Thùy, đại diện hội tiểu thương chợ An Đông, nói với báo Thanh Niên hôm 12/8 :
"Chúng tôi đã đóng lố 20 năm, nay sao thu nữa... Tuy nhiên, sau đó BQL mang tờ giấy có chữ ký "điểm danh" các tiểu thương tham dự cuộc họp này và đi nói với các tiểu thương khác là trưởng các ngành hàng đã đồng ý rồi. Đây có phải là cách làm việc gian trá không ?"
Sau khi hết hợp đồng với công ty xây dựng chợ năm 2011, tiểu thương lại đóng góp thêm hơn 217 tỷ để chỉnh trang, sửa chữa chợ từ năm 2013, nhưng gần 5 năm qua lại không tiến hành việc sửa chữa nâng cấp chợ theo yêu cầu của các tiểu thương.
Tháng 5/2017, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Quận 5 nói sẽ khởi công xây dựng bốn mặt tiền chợ An Đông vào ngày 12/6, mở thầu hệ thống phòng cháy chữa cháy trong tháng 7 và gắn máy điều hòa, xử lý nước thải, sửa chữa thang nâng hàng vào tháng 8, theo báo Thanh Niên.
Cũng theo báo này, tiểu thương sau đó lại nhận được thông báo việc nâng cấp sửa mặt tiền sẽ chậm thêm một năm, sẽ không khởi công cho đến 15/5/2018,
Theo báo Thanh Niên, từ 5 giờ sáng, tiểu thương đã tập trung trước cổng chợ An Đông. Đến tầm 9 giờ thì Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy xuất hiện và nói : "Chúng tôi ghi nhận những yêu cầu của tiểu thương và sẽ về báo cáo giải quyết sau chứ không phải ngay bây giờ".
Không đồng tình với câu trả lời của đại diện chính quyền, tiểu thương vẫn tiếp tục đi biểu tình tuần hành từ cổng chợ An Đông đến trụ sở UBND thành phố.
Theo ông Trần Trung Hiếu, một người có gia đình sở hữu một sạp hàng tại chợ An Đông cho biết, đoàn biểu tình đã tuần hành đến UBND thành phố và sau khi làm việc, chính quyền gọi xe buýt đưa đoàn biểu tình về.
"Tình hình chợ xuống cấp quá, mọi người chỉ mong muốn được xây sửa cho khang trang như Bến Thành. Chợ An Đông cũng lớn như Bến Thành và là biểu trưng của Chợ Lớn", ông Hiếu nói với BBC.
Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, chánh văn phòng Quận 5 xác nhận sáng 19/9 chủ tịch Phạm Quốc Huy có tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với người dân, nhưng không "rõ hai bên đã trao đổi những gì, có thể có vấn đề nảy sinh".
Về các kiến nghị của tiểu thương, ông Kỳ cho BBC biết "Ủy ban Quận 5 vẫn đang chấp hành sửa chữa theo ý kiến của thương nhân, báo cáo theo tổ sửa chữa hàng tuần.
"Trong các cuộc họp với tiểu thương, Quận 5 đã thống nhất sẽ hoàn thành sửa chữa chợ trong năm 2017. Tuy nhiên việc sửa chữa ban ngày sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho nên tiến hành sửa chữa vào xế chiều, ban đêm chứ không có chuyện dời thời gian sửa chữa sang 2018".
********************
Tiểu thương chợ An Đông biểu tình (RFA, 19/09/2017)
Tiểu thương Chợ An Đông tại thành phố Hồ Chí Minh bãi thị để phản đối chính sách của Ban Quản Lý chợ.
Tiểu thương, một thành phần quan trọng tại các thành phố Việt Nam. AFP
Tin tức ghi nhận được từ trong nước cho hay thì sáng nay hàng trăm người trong đồng phục áo đỏ với phù hiệu chợ An Đông đã tập trung trước cổng chợ phản đối chuyện trong thời gian qua họ đã đóng tiền sửa chợ, mà chợ vẫn hư hỏng, làm cho việc buôn bán của họ bị ế ẩm.
Theo các tiểu thương thì bốn năm qua họ đã đóng tổng số tiền là 217 tỉ đồng, trong khi đó doanh thu của họ giảm đến 50-60%.
Một người cho biết về cuộc biểu tình của tiểu thương Chợ An Đông vào sáng ngày 19 tháng 9 như sau :
"Từ thời hạn bắt đóng tiền để sửa chữa chợ cách đây 5 năm về trước thì tiểu thương Chợ An Đông đóng góp 217 tỷ đồng ; đến nay không có hình thức sửa chữa nào theo đúng nghĩa mà mỗi mùa mưa bão tới, tại tầng hầm nơi đa số bán vàng, bị ngập nước nhiều cản trở mua bán và mất vệ sinh.
Sau 5 năm, Ban Quản Lý chợ yêu cầu đóng tiền để thuê nên người ta phản kháng. Họ phản kháng nhiều lần rồi mà không được giải quyết nên mới bùng nổ, người ta biểu tình".
Các tiểu thương biểu tình có ba yêu cầu : thứ nhất chấm dứt hợp đồng thuê sạp có thời hạn, với lý do chợ An Đông là chợ truyền thống, không có chuyện đóng tiền thuê quầy sạp.
Thứ hai là công nhận quyền sở hữu của các tiểu thương đối với những sạp bán hàng của họ.
Thứ ba là đưa số tiền 217 tỉ đồng vào ngân hàng để dùng vào việc sửa chữa chợ, và việc này phải được quản lý bởi người đại diện của các tiểu thương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Năm, nơi có chợ An Đông tọa lạc, đã đến nói chuyện với các tiểu thương. Ông nói rằng ông ghi nhận các ý kiến của tiểu thương, và chờ sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên sau một giờ nói chuyện với nhau, các tiểu thương đã không đồng ý và kéo đến Ủy ban nhân dân thành phố để tiếp tục kháng nghị.
Tuy nhiên theo người dân mà RFA tiếp xúc thì hy vọng được giải quyết không cao :
"Lên Ủy Ban hiện người ta cũng nói để người ta xem xét lại thôi ; chứ người ta chưa dám hứa hẹn gì hết. Chính sách của Nhà Nước này thì người ta chỉ nói cho qua chuyện thôi, chứ không hy vọng người ta giải quyết được cái gì".