Nhưng nếu nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi ràng buộc với Moscow, một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ sẽ xuất hiện.
Các học giả đã thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ bỏ nhà lãnh đạo Nga Putin, nhưng Tập vẫn chưa làm (Nikkei / Reuters)
Tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại kiên trì giữ lập trường thân thiện với Nga, bất chấp các hành động tàn sát ở Ukraine ?
Chìa khóa để hóa giải bí ẩn này có thể nằm trong nhận xét của ông từ 10 năm trước.
Tháng 12/2012, chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, tân Tổng bí thư Tập nói rằng Trung Quốc cần phải rút ra bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô.
"Cuối cùng, Gorbachev chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng là có thể tuyên bố giải thể Đảng cộng sản Liên Xô, và một đảng vĩ đại đã không còn", ông nói khi nhắc đến nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev. "Không ai dám làm một người đàn ông đích thực. Không ai dám đứng ra phản kháng", ông than thở.
Sự đồng cảm của Tập đối với hệ thống Xô Viết đã gây bất ngờ cho nhiều thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là cánh cải cách, mà khi đó vẫn còn hoạt động tích cực.
Nhìn lại, nhận xét của Tập cũng tương đồng với triết lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine : mong muốn hồi sinh vinh quang thời Liên Xô, và sự mất lòng tin mạnh mẽ đối với phương Tây.
Phát biểu của Tập vào tháng 12/2012 đã được đưa ra tại tỉnh Quảng Đông, trước nhiều quan chức địa phương.
Việc ông chọn Quảng Đông làm điểm đến thị sát đầu tiên của mình đã làm dấy lên hy vọng rằng nhà lãnh đạo mới có thể là một nhà cải cách theo đúng nghĩa. Người ta đã so sánh chuyến đi đó với chuyến "Nam tuần" năm 1992 của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, thứ đã tạo động lực mới cho chính sách "cải cách và mở cửa" vốn là dấu ấn riêng của Đặng.
Thế nhưng, mọi hy vọng đã tan biến cùng với những lời lẽ của Tập về Liên Xô. Hồ Đức Hoa, con trai thứ ba của cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Hồ Diệu Bang, một nhà cải cách, ngay lập tức chỉ trích tư tưởng thiên tả của Tập.
Hồ Đức Hoa nói trong một cuộc họp riêng, "Chính người dân Liên Xô đã đánh bật chế độ Cộng sản thối nát ra khỏi quyền lực. Quân nhân Liên Xô từ chối bắn đạn của mình. Vậy mà họ lại bị chỉ trích vì không phải là đàn ông ư ?", ông hỏi một cách thẳng thừng. Ngày nay, những lời nói và hành động tự do như vậy ở Trung Quốc là điều không thể tưởng tượng nổi.
Một đảng viên kỳ cựu của Trung Quốc đã chia sẻ một điều thú vị về gốc rễ tình cảm của Tập đối với hệ thống Liên Xô.
"Khi còn nhỏ, ông ấy được dạy rằng Liên Xô thật tuyệt vời, rằng đó là một đất nước vĩ đại và mạnh mẽ. Những đặc điểm tương tự có thể được nhìn thấy trong sự hoài niệm của ông ấy đối với Cách mạng Văn hóa và phong trào Thanh niên Trí thức", người này nói, nhắc đến các chính sách khét tiếng của Mao Trạch Đông, nhằm thanh trừng các nhà tư bản và đưa "thanh niên trí thức" ở thành thị về nông thôn sinh sống và làm việc.
Bản thân Tập cũng từng trải qua những tháng ngày lao động ở nông thôn tại Lương Gia Hà, một ngôi làng nông nghiệp gần thành phố Diên An, tỉnh Thiểm Tây, từ năm 1969 đến năm 1975.
Tình cảm bài Mỹ của Tập dường như đang ảnh hưởng đến chính sách Ukraine của Trung Quốc.
Tập đáng lẽ không cần phải hứa với Putin về một tình bạn hữu nghị và hợp tác "không giới hạn" khi họ gặp nhau ở Bắc Kinh vào ngày 04/02. Trung Quốc cũng không cần phải đi xa đến mức phản đối việc NATO mở rộng về phía đông trong tuyên bố chung sau buổi gặp, theo đó chính thức đứng về phía Nga. Nhưng Tập đã làm vậy, và điều đó rõ ràng đã ràng buộc các lựa chọn của Bắc Kinh.
Trong khi đó, hôm Thứ Sáu, Tập cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một cuộc gặp trực tuyến và nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Nga. Nhưng Tập lại không hề đưa ra cam kết. Lập trường rõ ràng duy nhất mà ông lựa chọn là phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Tập chưa sẵn sàng nhượng bộ, nhưng dù sao thì ông cũng đồng ý với lời kêu gọi. Trung Quốc được cho là đã từ chối một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến suốt nhiều tháng. Tại sao bây giờ họ lại đồng ý tham gia ?
Mục đích của Tập là thống nhất giới lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề Ukraine, và ông đã sử dụng Biden cho mục đích đó. Đảng cộng sản gần như bối rối, không thể thống nhất một phản ứng có phối hợp. Nhưng nhờ hội nghị thượng đỉnh với Biden, có vẻ như Tập đã giữ được ban lãnh đạo trong vòng kiểm soát, tiếp tục duy trì lập trường "trung lập" có phần mơ hồ, nghiêng về phía Nga.
Lý do chính cho những bất đồng trong nội bộ đảng là tác hại mà cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc trong hai ngày 14 và 15/03, Shanghai Composite Index gần như đã giảm xuống dưới mức 3.000 điểm. Thị trường chỉ ổn định trở lại sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một phụ tá thân cận của ông Tập, cho biết chính phủ sẵn sàng lắng nghe các nhà đầu tư và đưa ra các thỏa hiệp trong cuộc họp khẩn ngày 16/03.
Các chính sách kinh tế của Tập – gây áp lực buộc khu vực tư nhân tuân theo đường lối của đảng với danh nghĩa ngăn chặn "bành trướng tư bản vô trật tự" – đã đi đến một bước ngoặt.
Trong cuộc điện đàm ngày 14/03 với người đồng cấp Tây Ban Nha, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra một trong những tuyên bố thẳng thừng nhất từ trước đến nay, đề cập đến cuộc xung đột Ukraine.
Ông nói : "Trung Quốc không phải là một bên liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng và chúng tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt".
Cùng ngày hôm đó, Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện chính sách của Bắc Kinh vốn tuyên bố là cơ quan tư vấn cho chính phủ Trung Quốc, đã có một bài báo đăng trên New York Times, với quan điểm hơi khác so với đường lối chính thức của chính phủ.
Ông viết : "Đã đến lúc cần phải cho Nga một lối thoát".
Vị học giả nói tiếp, Bắc Kinh có thể giúp trung gian một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời tìm kiếm "một giải pháp mang lại cho Putin sự đảm bảo an ninh đủ để có thể được coi là chiến thắng đối với người dân trong nước của ông ấy, đồng thời bảo vệ chủ quyền cốt lõi của Ukraine".
"Bắc Kinh không nên chỉ dựa vào một liên minh chống phương Tây với Moscow. Nga có thể sở hữu một quân đội hùng mạnh, nhưng nền kinh tế của nước này đã suy giảm cơ cấu trong thời gian dài, với GDP không lớn hơn là bao so với Tây Ban Nha", ông lưu ý.
Đây là một kiểu "ngoại giao công chúng" mới của Trung Quốc, sử dụng một học giả đóng vai trò người phát ngôn về một chủ đề mà chính phủ khó có thể bình luận. Thông điệp được gửi đi như một biện pháp để tránh các lệnh trừng phạt.
Nó tiếp nối một bài báo gây tranh cãi của học giả Hồ Vỹ (Hu Wei) một tuần trước đó, kêu gọi chính phủ cắt đứt quan hệ với Putin ngay lập tức.
Cả hai học giả đã thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ kinh tế với phương Tây, điều mà Tập không thể làm ngơ. Nếu Trung Quốc gắn bó với Nga quá lâu, dẫn đến một cuộc đụng độ quyết định với phương Tây, thì thiệt hại về kinh tế có thể sẽ rất lớn.
Một kịch bản như vậy có thể khơi mào cho một cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, bất kể Tập đã tích lũy được bao nhiêu quyền lực trong thập niên vừa qua.
Mức độ nhạy cảm trong những tháng sắp tới ở Trung Quốc là rất lớn. Chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến Đại hội Toàn quốc năm năm một lần của Đảng cộng sản, nơi Tập sẽ tìm cách kéo dài thời gian cầm quyền của mình.
Nếu lịch sử là một bài học, thì tháng 3 này đặc biệt quan trọng, đối với các cuộc tranh giành quyền lực của Trung Quốc. Tháng 03/2012, những diễn biến lớn đã làm rung chuyển chính trường Trung Quốc mỗi ngày.
Đầu tiên, quan chức cấp cao ở Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, đã bị cách chức vào ngày 15/03/2012, ngay sau khi kết thúc kỳ họp quốc hội thường niên. Tiếp đến, rạng sáng ngày 18/03, con trai của Lệnh Kế Hoạch, một phụ tá thân cận của Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào, đã chết một cách bí ẩn khi chiếc Ferrari mà anh ta đang lái bị đâm với tốc độ cao trên đường Vành đai 4 ở Bắc Kinh.
Vụ tai nạn sau đó mở ra loạt bê bối dẫn đến sự sụp đổ của Lệnh, người khi ấy đang giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Âm mưu của Lệnh hòng che đậy vụ tai nạn đầy tai tiếng liên quan đến con trai mình sau đó đã bị cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân vạch trần, và điều này đã ảnh hưởng đến đội hình các nhà lãnh đạo mới được lựa chọn tại Đại hội Đảng Toàn quốc năm 2012. Hồ Cẩm Đào đã không thể giữ cho những người thân tín với mình ở lại nắm quyền, bởi khi đó ông đã vào thế yếu.
Đêm ngày 19/03, tiếng súng đã vang lên ở trung tâm Bắc Kinh, khiến Trung Nam Hải phải rùng mình. Tiếng súng làm dấy lên tin đồn về một cuộc đảo chính. Bản chất thực sự của tiếng súng đến nay vẫn chưa được xác định.
Một thập niên sau, Trung Quốc phải đối mặt với một giai đoạn chính trị nhạy cảm khác. Rủi ro lớn nhất đối với Tập là về kinh tế. Ngoài sự bất định của cuộc chiến ở Ukraine, một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc, mà theo sau là việc phong tỏa các thành phố, đã gây áp lực đè nặng lên nền kinh tế. Tập không thể mất cảnh giác.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : Xi’s pro-Russia stance rooted in fear of Gorbachev model, Nikkei Asia, 24/03/2022.
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 31/03/2022
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Thanh Phương, RFI, 18/03/2022
Hôm 18/03/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vài giờ trước cuộc điện đàm, Washington đã cảnh cáo là Bắc Kinh sẽ bị các biện pháp trả đũa nếu "yểm trợ cuộc xâm lăng Ukraine của Nga".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và thứ trưởng quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks tại Nhà Trắng ở Washington DC, Hoa Kỳ ngày 16/03/2022. Reuters – Tom Brenner
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin gởi về bài tường trình :
Theo Nhà Trắng, đây chính là nhằm duy trì một kênh liên lạc với Trung Quốc. Nhưng cuộc nói chuyện sẽ không diễn ra trong bầu khí nồng ấm. Hoa Kỳ đã công khai bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc yểm trợ nước Nga nhằm làm giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không ngần ngại cảnh cáo chính quyền Bắc Kinh là họ sẽ chịu trách nhiệm về mọi hành động nhằm hỗ trợ cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Và nhất là ông nói thêm rằng Washington sẽ không ngần ngại ban hành các trừng phạt nếu Bắc Kinh yểm trợ quân sự trực tiếp cho Moskva.
Đó là cảnh cáo rõ ràng nhất của chính quyền Biden đối với Trung Quốc kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lăng của Nga. Giọng điệu của Mỹ đã trở nên cứng rắn hơn trong những ngày gần đây.
Sau cuộc gặp rất căng thẳng giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với ủy viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì, Hoa Kỳ đã tuyên bố đặc biệt lo ngại về khả năng Bắc Kinh ngả theo Moskva.
Khi gọi điện cho Tập Cận Bình, Joe Biden sẽ cố chứng minh rằng các lợi ích của lãnh đạo Trung Quốc không giống với lợi ích của Vladimir Putin và không nên để cho cạnh tranh Mỹ-Trung, mà hiện ngày càng trở thành cuộc đối đầu thù địch, đưa thế giới đi đến hỗn loạn".
Bãi bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga
Hôm qua, Hạ Viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua quyết định bãi bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga và Belarus nhằm đáp trả cuộc xâm lăng Ukraine. Quyết định này đã được tổng thống Biden thông báo từ thứ Sáu tuần trước nhằm "cô lập hơn nữa nước Nga trên trường quốc tế", nhưng biện pháp còn phải được hai viện của Quốc hội thông qua. Sau Hạ Viện, chắc chắc Thượng Viện Mỹ cũng sẽ thông qua quyết định này, mở đường cho việc áp đặt các mức thuế quan mang tính trừng phạt đối với hàng hóa nhập từ Nga.
Thanh Phương
*********************
Anh Vũ, RFI, 18/03/2022
Đợt lây nhiễm Covid-19 mới đang bùng lên dữ dội ở Trung Quốc trong những ngày qua. Liên tiếp nhiều thành phố lớn bị phong tỏa trở lại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ duy trì chiến lược Zero Covid, cho dù đất nước này đã quá mệt mỏi với chiến lược phòng chống dịch ngặt nghèo này suốt 2 năm nay.
Một trạm xét nghiệm Covid-19 di động tại Bắc Kinh ngày 18/03/2022. Reuters - TINGSHU WANG
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde tường trình :
Nhấc chân phải, sang chân trái, nhảy lên trước, lùi lại sau, đó là hình ảnh trong video chiếu cảnh một đơn vị chống dịch trong bộ đồ đồng phục bảo hộ từ đầu tới chân đang nhảy vũ điệu của thỏ để lên tinh thần trước tình trạng Covid trỗi dậy trở lại dữ dội ở Trung Quốc. Số ca nhiễm bùng phát đã kéo theo hàng đoàn người dài trở lại mặt trùm kín bằng các tấm chắn nhựa và khẩu trang trước các lều xét nghiệm di động đặt trên đường phố ở những thành phố lớn Trung Quốc.
Những người tình nguyện đã quá mệt mỏi, cần phải huy động họ trở lại. Trong một phát biểu trong hội nghị các lãnh đạo chủ chốt, được truyền hình Nhà nước dẫn lại, ông Tập Cận Bình khẳng định : "Đất nước vẫn tiếp tục đặt cuộc sống người dân lên hàng đầu", được ngầm hiểu là dù khó khăn về kinh tế do các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Bất kể thế nào cũng phải vì sức khỏe người Trung Quốc, dù chiến lược Zero Covid có phải thích ứng, lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận. Ông cũng kêu gọi tăng cường tiêm chủng, tự xét nghiệm và nghiên cứu sản xuất thuốc chữa.
Trong báo cáo công bố hôm 15/03, Ủy ban Y tế Quốc gia đã cấp phép sử dụng thuốc trị Covid của Pfizer và xét nghiệm kháng nguyên. Hiện chỉ còn thiếu vac-xin ARN của Trung Quốc. Trong khi chờ đợi, các video của những nhân viên áo choàng trắng trên nền nhạc vui nhộn vẫn tiếp tục gây chú ý trên mạng xã hội.
Anh Vũ
*********************
Thụy My, RFI, 16/03/2022
Trước số lượng ca nhiễm tăng vọt, gần 100 triệu người Trung Quốc được yêu cầu ở yên trong nhà hoặc hạn chế di chuyển. Chính quyền Thượng Hải cho ngưng các chuyến bay từ nước ngoài từ hôm nay 16/03/2022 cho đến ngày 01/05.
Thượng Hải, Trung Quốc bị cách ly vì phát hiện ca nhiễm Covid-19, ngày 15/03/2022. AP
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình chi tiết :
"Chúng tôi nhận được chỉ thị vào nửa đêm hôm qua, nên không có thì giờ báo cho quý vị biết". Sáng nay một trong những người bảo vệ cổng vào khu nhà giờ đây đã đóng kín, nói với chúng tôi. Đội chiếc nón kết, vẻ tươi cười qua chiếc khẩu trang, người gác cổng quan sát không để cho ai có thể vượt rào.
Từ trung tâm công kỹ nghệ Thâm Quyến và Đông Hoản ở đông nam Trung Quốc cho đến tỉnh Cát Lâm ở miền đông bắc, hay từ Trùng Khánh ở tây nam đến tận Tây An ở tây bắc, những thành phố như Thượng Hải và Lang Phường, tổng cộng có đến gần 100 triệu người Trung Quốc được yêu cầu ở yên trong nhà, trừ phi phải đi mua các mặt hàng thiết yếu.
Nếu làn sóng Omicron nổi lên trở lại đã làm những chiếc máy bay nằm im trên phi đạo ở Thượng Hải, nếu các ca nhiễm tăng cao khiến những hình ảnh ấn tượng về những con đường không có bóng người tại những đại đô thị lại tái xuất hiện trên chương trình thời sự truyền hình, sự trỗi dậy của Covid được nhận thấy hàng ngày trong những biện pháp vi mô nhằm hạn chế di chuyển và tụ tập.
Để tránh dịch chuyển, cơ quan y tế khuyến cáo không rời khỏi các thành phố, nếu không khi quay về sẽ bị cách ly 14 ngày tại nhà. Cũng trong tinh thần này, kể từ hôm qua vé xe lửa được hoàn tiền không mất phí trên toàn quốc. Phong tỏa, bán phong tỏa, các biện pháp được thích ứng theo tiến triển các ca Covid. Tại Thâm Quyến, métro và các tuyến xe buýt ngưng chạy. Ở Thượng Hải, nhà trẻ và trường mẫu giáo đóng cửa, việc giảng dạy qua mạng được tiến hành với học sinh tiểu học. Tại Bắc Kinh, những hoạt động ngoại khóa bị hạn chế kể từ thứ Hai.
Một giáo viên dạy piano ở khu phố Hàn Quốc của thủ đô Trung Quốc nói : "Chúng tôi đã xem lại chỉ thị tối qua, các hoạt động thể thao văn hóa ngoài giờ bị tạm ngưng để ngăn virus lây lan". Trên WeChat và Vi Bác, câu "lưỡng điểm nhất tuyến", đi từ điểm này đến điểm kia mà không dừng lại, được nhắc đến nhiều trong những cuộc trao đổi. Một người cha trẻ phàn nàn với đồng nghiệp trong một tiệm mì ở khu kinh doanh : "Ngày nào cũng vậy, cuộc đời tôi được đúc kết bằng "lưỡng điểm nhất tuyến". Tại trường học sáng nay, thầy giáo của con trai tôi nói rằng chúng tôi không còn được rời khỏi thành phố, nếu không sẽ phải cách ly 14 ngày khi về nhà".
Tránh đi đây đi đó, về thẳng nhà sau khi làm việc, chiến lược zero Covid được cho là năng động, nhắm tránh việc phong tỏa toàn bộ như hồi khởi đầu đại dịch. Nhưng được bao lâu ? Báo chí nhà nước dẫn lời một nhà dịch tễ học của đại học Lan Châu : "Trung Quốc phải duy trì chiến lược zero Covid năng động, và kiểm soát được làn sóng lây nhiễm mới, từ nay đến đầu tháng Tư". Một chiến lược "zero ca nhiễm" bị thách thức bởi tốc độ lan tràn của Omicron".
Hồng Kông phong tỏa các bãi biển
Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm nay 16/03/2022 thông báo sẽ đóng cửa hầu hết các bãi biển, sau khi những hình ảnh cư dân Hồng Kông không đeo khẩu trang nằm sưởi nắng gây phẫn nộ tại Hoa lục. Bà không nói cụ thể ngày nào, nhưng báo chí địa phương cho biết chính quyền bắt đầu phong tỏa từ ngày mai.
Cư dân mạng Trung Quốc cáo buộc chủ yếu do Hồng Kông quá chậm chạp nên Covid mới lan tràn tại Hoa lục. Đặc khu ghi nhận gần 750.000 ca trong vòng chưa đầy ba tháng, nhưng không phong tỏa toàn bộ, trong khi tại lục địa cả trăm triệu người bị buộc ở nhà trong tuần này do mỗi ngày hơn 3.000 ca.
Thụy My
********************
Phan Minh, RFI, 14/03/2022
Hôm 13/03/2022, trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, hàng triệu người đã được yêu cầu ở nhà trong bối cảnh nước này có số ca nhiễm Covid-19 thường nhật cao nhất kể từ hai năm qua.
Cách ly phòng chống Covid-19 tại khu Hoa Cường Bắc, thị trường đồ điện tử lớn nhất thế giới, Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 14/03/2022. AP
Tại Thượng Hải, các trường học, cơ quan, nhà hàng và trung tâm thương mại đều bị đóng cửa. Người dân không thể ra vào thành phố mà không có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ.
Tình hình tại Thẩm Quyến dường như cũng không khả quan hơn. Nơi đây chưa bị phong tỏa, nhưng chính quyền địa phương khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :
66 ca nhiễm Covid mới đã được ghi nhận ở Thẩm Quyến, nhưng trên thực tế là từ hai tuần qua, thủ đô công nghệ của Trung Quốc đã phải đối mặt với sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm do biến thể Omicron gây ra, trong khi các bệnh viện ở Hồng Kông, cách đó 30 km đang bị quá tải.
Trong một thông cáo công bố hôm Chủ nhật, sở y tế đã thông báo là tàu điện ngầm và xe buýt ngừng hoạt động. Cũng chính cơ quan y tế này đã khuyến cáo người dân làm việc tại nhà và không ra khỏi nhà, trừ phi đi mua các nhu yếu phẩm cơ bản.
Do vậy, Thẩm Quyến vẫn chưa hoàn toàn bị phong tỏa theo mô hình Vũ Hán lúc đại dịch mới bùng phát, tức là người dân bị cấm ra khỏi nhà. Nhưng điều này đang dần trở thành hiện thực do virus lây lan mạnh. Ba chiến dịch xét nghiệm Covid sẽ diễn ra vào tuần tới tại khắp thành phố.
Phan Minh
Khi quyết định xâm lược Ukraine, rõ ràng Vladimir Putin đã đánh giá sai mọi thứ. Ông đã phóng đại sức mạnh quân sự của quốc gia mình ; điều mà tôi từng viết vào tuần trước, rằng Nga là một "siêu cường giả", có sức mạnh kém hơn nhiều so với những gì chúng ta quan sát thấy, bây giờ lại càng đúng hơn nữa. Putin đánh giá thấp tinh thần và sức mạnh quân sự của Ukraine, cũng không lường trước được quyết tâm của các chính phủ dân chủ, nhất là chính quyền Biden, vốn đã làm được nhiều việc đáng chú ý trên tất cả mọi lĩnh vực, từ trang bị vũ khí cho Ukraine, đến tập hợp phương Tây ủng hộ các biện pháp trừng phạt tài chính.
Vladimir Putin và Tập Cận Bình duyệt đội bảo vệ danh dự trong lễ đón Tổng thống Nga – Ảnh Greg Baker EFE
Tôi không thể thêm bất cứ điều gì vào thảo luận về bản thân cuộc chiến, nhưng tôi muốn lưu ý rằng nhiều bài bình luận tôi đọc đều nói rằng các lực lượng Nga sẽ tái tập hợp, và sẽ tiếp tục các bước tiến quy mô lớn trong một hoặc hai ngày tới – nhưng người ta đã nhắc đi nhắc lại điều ấy, ngày này qua ngày khác, suốt hơn một tuần.
Tuy nhiên, điều tôi có thể bổ sung là một phân tích về tác động của các lệnh trừng phạt, và đặc biệt là câu trả lời cho một câu hỏi mà tôi vẫn luôn nhận được : Liệu Trung Quốc, bằng cách trở thành đối tác thương mại thay thế của Nga, có thể cứu vớt nền kinh tế của Putin không ?
Câu trả lời là : Không, không thể.
Trước hết hãy nói về tác động của các lệnh trừng phạt đó.
Một điều mà phương Tây chưa làm là cố gắng chặn Nga bán dầu và khí đốt – những mặt hàng xuất khẩu chính của nước này (Lưu ý : ngày 8/3, Mỹ và Anh đã cấm vận dầu khí Nga – NBT). Vâng, Mỹ có thể cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng đó chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng : Dầu được giao dịch trên thị trường toàn cầu, vì vậy hành động này sẽ chỉ làm xáo trộn các trao đổi thương mại chút ít, và hơn nữa, xuất khẩu dầu sang Mỹ của Nga chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng của nước này.
Tuy nhiên, phương Tây đã cắt phần lớn quyền tiếp cận của Nga với hệ thống ngân hàng thế giới, đây là một vấn đề rất lớn. Các nhà xuất khẩu của Nga vẫn có thể đưa hàng hóa của họ ra khỏi đất nước, nhưng giờ rất khó để nhận được tiền. Quan trọng hơn, rất khó để Nga thanh toán tiền hàng nhập khẩu – xin lỗi, nhưng anh không thể tiến hành các giao dịch thương mại quốc tế hiện đại với những chiếc ca táp chứa đầy những tờ 100 đô la. Trên thực tế, ngay cả các hoạt động thương mại còn được cho phép của Nga dường như cũng đang yếu dần, khi các công ty phương Tây – lo sợ việc tăng cường các hạn chế và một làn sóng phản đối chính trị – đã tham gia vào việc "tự trừng phạt" Nga.
Điều này quan trọng đến mức nào ? Giới tinh hoa Nga có thể sống thiếu túi xách Prada, nhưng dược phẩm phương Tây lại là một vấn đề khác. Trong mọi trường hợp, hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng một phần ba hàng nhập khẩu của Nga. Phần còn lại là tư liệu sản xuất, hàng hóa trung gian – các thành phần được sử dụng để sản xuất các hàng hóa khác – và nguyên liệu thô. Đây là những thứ mà Nga cần để duy trì nền kinh tế, và thiếu chúng có thể khiến các lĩnh vực quan trọng phải ngừng hoạt động. Chẳng hạn, đã có những ý kiến cho rằng việc cắt giảm phụ tùng thay thế và dịch vụ bảo dưỡng có thể nhanh chóng làm tê liệt hàng không nội địa của Nga, một vấn đề nghiêm trọng ở một quốc gia rộng lớn.
Nhưng liệu Trung Quốc có thể trở thành giải pháp kinh tế cho Putin ? Tôi sẽ nói là không, vì bốn lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc, mặc dù là một cường quốc kinh tế, nhưng không có khả năng cung cấp một số thứ mà Nga cần, ví dụ như phụ tùng cho máy bay và chip bán dẫn cao cấp do phương Tây sản xuất.
Thứ hai, mặc dù bản thân Trung Quốc không tham gia vào các lệnh trừng phạt, nhưng nước này đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc và các doanh nghiệp khác, tương tự như các tập đoàn phương Tây, có thể tham gia vào việc tự trừng phạt Nga – nghĩa là họ sẽ không dám giao dịch với Nga, vì sợ phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng và cơ quan quản lý ở các thị trường quan trọng hơn.
Thứ ba, Trung Quốc và Nga thực ra xa cách nhau về mặt địa lý. Đúng, họ có chung đường biên giới. Nhưng phần lớn nền kinh tế Nga nằm ở phía tây dãy Ural, trong khi phần lớn nền kinh tế Trung Quốc nằm gần bờ biển phía đông của nước này. Bắc Kinh cách Moscow tận 3.500 dặm, và cách duy nhất để vận chuyển mọi thứ đi qua khoảng cách rộng lớn đó là bằng những tuyến tàu hỏa vốn đã quá tải.
Cuối cùng, một điểm mà tôi nghĩ đã nhiều người chưa nói tới nhiều, là sự khác biệt lớn về sức mạnh kinh tế giữa Nga và Trung Quốc.
Một số chính trị gia đang cảnh báo về một "vòng cung chuyên chế" (arc of autocracy) có thể gợi nhớ đến phe Trục trong Thế chiến 2 – và với những hành động tàn bạo đang diễn ra, đó không phải là một sự so sánh vô căn cứ. Tuy nhiên, quan hệ đối tác trong bất kỳ một vòng cung nào như vậy cũng sẽ rất bất bình đẳng.
Putin có thể mơ ước khôi phục lại sự vĩ đại thời Liên Xô, nhưng nền kinh tế Trung Quốc, vốn có quy mô gần bằng nền kinh tế Nga cách đây 30 năm, giờ đã lớn gấp 10 lần. Để so sánh, tổng sản phẩm quốc nội của Đức chỉ gấp hai lần rưỡi của Ý khi phe Trục ban đầu được hình thành.
Vì vậy, nếu chúng ta thử tưởng tượng sự ra đời của một liên minh tân phát xít nào đó – và một lần nữa, xin nhắc lại điều đó giờ có vẻ như không còn là ngôn ngữ cực đoan – thì đó sẽ là một liên minh nơi Nga là đối tác cấp dưới, gần như là một quốc gia phụ thuộc (client state) của Trung Quốc. Có lẽ đó không phải là điều mà Putin, với những giấc mơ đế quốc của mình, muốn nghĩ đến.
Do đó, Trung Quốc không thể bảo vệ Nga trước hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine. Đúng là sức ép kinh tế đối với Nga sẽ còn mạnh hơn, nếu Trung Quốc gia nhập cùng thế giới dân chủ trừng phạt hành vi xâm lược. Nhưng sức ép có lẽ đã rất lớn rồi ngay cả khi không có sự tham gia của Trung Quốc. Nga sẽ phải trả một cái giá rất đắt, bằng tiền và bằng máu, cho ảo tưởng quyền lực của Putin.
Paul Krugman
Nguyên tác : Why China Can’t Bail Out Putin’s Economy, New York Times, 07/03/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nghiên cứu quốc tế, 14/03/2022
Paul Krugman là chuyên gia bình luận của New York Times từ năm 2000, đồng thời là giáo sư tại Viện Cao học Đại học Thành phố New York. Ông giành Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 cho công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.
Tình hình chiến sự nóng bỏng tại Ukraine dĩ nhiên vẫn là chủ đề thu hút báo chí Pháp ra ngày 15/03/2022, từ những hành động bị đánh giá là vô nhân đạo của Nga khi tấn công các khu dân cư tại các thành phố lớn của Ukraine, cho đến động thái "dằn mặt" NATO trong vụ không kích một căn cứ quân sự sát biên giới Ba Lan. Nhưng được bình luận nhiều nhất lại là vụ Mỹ tiết lộ Putin đã cầu cứu Tập Cận Bình và nguy cơ Trung Quốc ra tay giúp Nga.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan họp báo ngày 11/02/2022 tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ. AP - Manuel Balce Ceneta
Vấn đề này đã được cả Libération lẫn Le Figaro đưa lên trang nhất, và được các báo còn lại phân tích trong nhiều bài viết trang trong.
Trên nền một bức ảnh chụp hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình đứng sát cạnh nhau với vẻ mặt đăm chiêu, Libération chạy hàng tựa lớn: "Chiến tranh Ukraine : Trò chơi mập mờ của Bắc Kinh". Tờ báo ghi nhận : "Hỗ trợ kinh tế hay thiết bị quân sự, sự giúp đỡ mà Putin có thể nhận được từ nước láng giềng Trung Quốc hùng mạnh đang khiến phương Tây lo lắng".
Trong bài phân tích mang tựa đề : "Ukraine : Liên minh Nga-Trung bước vào giai đoạn thử lửa", Libération nhắc lại rằng theo các thông tin được rò rỉ tại Hoa Kỳ, tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã yêu cầu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viện trợ kinh tế và quân sự (trong đó có các loại máy bay không người lái).
Tờ báo thiên tả Pháp cho rằng, cần phải hết sức thận trọng trước thông tin đó, mà cả Moskva lẫn Bắc Kinh đều phủ nhận, nhưng nếu quả thực là như vậy, thì "sự xin xỏ" đó vừa khẳng định những khó khăn mà Nga đang gặp phải, vừa buộc Trung Quốc phải từ bỏ thái độ trung lập giả tạo của mình.
Đối với Libération, chính quyền Biden đã cố tình cho rò rỉ thông tin này trên một loạt phương tiện truyền thông, để buộc đối thủ lớn của Mỹ phải gánh trách nhiệm, vào lúc Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công Ukraine, với cái giá vốn đã đáng kể về người và của.
Câu hỏi mà Libération đặt ra là liệu tình hữu nghị "vô bờ bến" mà hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc phô trương hôm 04/02 vừa qua tại Bắc Kinh có thực sự là như vậy hay không ?
Trong bài "Đối với Trung Quốc, can dự sâu hơn sẽ là tự sát", Libération đã nêu bật ý kiến của ông Marc Julienne, một chuyên gia Pháp về Trung Quốc, đánh giá rằng có rất ít khả năng Bắc Kinh giúp đỡ Nga về mặt quân sự, vì sợ bị cộng đồng quốc tế trừng phạt về kinh tế, cho dù cho đến nay, họ vẫn ngoài mặt thì bày tỏ lập trường trung lập, nhưng trong thực tế thì vẫn ngấm ngầm ủng hộ Moskva về mặt chính trị, và giúp đỡ Nga về mặt kinh tế.
Trong bài xã luận "Vladimir Putin bị buộc phải nhờ vả một kẻ chuyên chế hơn mình", Libération không ngần ngại phê phán nặng nề tổng thống Nga Putin vì đã hạ mình để xin xỏ Tập Cận Bình.
Bài xã luận nêu bật ba giả thuyết không tưởng : "Bạn có thể tưởng tượng Sa hoàng Peter Đại đế yêu cầu sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Vua Thụy Điển không ? Bạn có thể tưởng tượng Hoàng đế Alexander Đệ Nhất cầu xin vũ khí từ người Thổ Nhĩ Kỳ để có thể vào Paris hay không ? Stalin có cần sự chứng thực của Trung Quốc để đánh bại Hitler không ?".
Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là không, và theo Libération : "Vladimir Putin rõ ràng là kém so với ba nhân vật lịch sử Nga mà ông đã lấy làm hình mẫu".
Nhật báo Le Figaro cũng chú ý đến thông tin Putin cầu cứu Tập Cận Bình, nhưng lại thấy rằng "Mỹ đòi Trung Quốc bỏ rơi Putin" - tựa lớn trên trang nhất. Theo tờ báo, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn duy trì thái độ trung lập bề mặt, Washington đã lên tiếng đe dọa là sẽ trả đũa nếu Trung Quốc giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo Le Figaro, dù cả Nga lẫn Trung Quốc đều lên tiếng phủ nhận việc Vladimir Putin xin Tập Cận Bình viện trợ kinh tế và quân sự để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây và những khó khăn của quân đội Nga ở Ukraine, chính quyền của tổng thống Joe Biden vẫn cảnh báo Trung Quốc là không nên tìm cách lách các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.
Trong bài "Trung Quốc bị kẹt giữa Moskva và Washington", tờ báo Pháp cho là Washington đang thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ lập trường trung lập ngoài mặt của họ để xa rời Putin, tác giả của một cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc không hề lên án.
Le Figaro cho rằng đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, giữa liên minh của ông với "người bạn cũ" ở Điện Kremlin và mong muốn ổn định địa chính trị của Trung Quốc.
Đối với Le Figaro, khi gây sức ép trên Trung Quốc, "Hoa Kỳ đang cố gắng cô lập Vladimir Putin về mặt ngoại giao". Mục tiêu là làm sao tránh được liên minh giữa các đối thủ, đồng thời tập hợp các đồng minh mà một số vẫn còn rất miễn cưỡng.
Một cách cụ thể, Washington sợ rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ củng cố liên minh giữa Bắc Kinh và Moskva, góp phần phân chia thế giới thành hai khối đối nghịch nhau.
Cùng một cái nhìn như hai đồng nghiệp Le Figaro và Libération, nhật báo Le Monde cũng thấy "Trung Quốc đang bước vào thời điểm phải dứt khoát lựa chọn" trên vấn đề Ukraine, sau khi chính quyền Biden quyết định là phải thuyết phục Bắc Kinh là không nên lao vào việc công khai giúp đỡ Nga trên vấn đề Ukraine, vì cái giá phải trả sẽ rất cao, đặc biệt với các biện pháp trừng phạt kinh tế gián tiếp.
Tờ báo Pháp nhắc lại lời cảnh cáo hôm Chủ nhật vừa qua của cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trên kênh truyền hình Mỹ CNN, theo đó thì Washington sẽ "đảm bảo sao cho cả Trung Quốc lẫn bất kỳ nước nào khác không thể giúp Nga bù đắp các thiệt hại".
Nhật báo kinh tế Les Echos đã nêu bật các mối lo ngại của Mỹ về ý đồ Bắc Kinh trong hồ sơ Ukraine, từ việc Trung Quốc không chịu lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, thậm chí còn tố cáo NATO "bành trướng về phía đông" và "tâm lý Chiến Tranh Lạnh" của Washington, và mới đây là ủng hộ luận điểm của Nga cho rằng các phòng thí nghiệm Ukraine, đối tác của một chương trình của Mỹ nhằm "chống lại các nguy cơ sinh học", là nơi sản xuất vũ khí sinh học.
Trung Quốc, cho đến nay đã không tham gia vào các biện pháp trừng phạt Nga, và đã mặc nhiện trở thành người hưởng lợi gián tiếp chính. Ngay từ khi bắt đầu xung đột, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga, trong khi một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai nối hai quốc gia đã được ký kết. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang cung cấp đồng nhân dân tệ cho Nga, bị cấm cấp vốn bằng euro hoặc đô la. Thương mại giữa hai nước lên tới 147 tỷ đô la.
Tình hình chiến sự tại Ukraine đã được Le Monde nêu bật trong hàng tít lớn trang nhất : "Ukraine : Nga mở rộng không kích và cảnh cáo NATO". Tờ báo nhắc lại rằng đã có ít nhất 35 người thiệt mạng hôm Chủ nhật trong vụ không kích một căn cứ Ukraine gần Ba Lan, từng liên liên kết chặt chẽ với NATO cho đến trước lúc nổ ra chiến tranh và từ đó đóng vai trò là cơ sở trung chuyển vũ khí.
Trong bài "Một miệng hố khổng lồ tại căn cứ Yavoriv", nơi bị Nga oanh kích, Le Monde nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên một căn cứ ở miền tây Ukraine, chỉ cách biên giới Ba Lan 20 km, bị Nga không kích. Căn cứ này, theo ghi nhận của đặc phái viên Le Monde còn là nơi tạm trú của các đơn vị tình nguyện nước ngoài.
Trong bài phân tích "Moskva đưa ra lời cảnh báo đối với phương Tây", Le Monde khẳng định rằng vụ bắn phá căn cứ quân sự Ukraine ở Yavoriv có dấu hiệu là một lời cảnh báo nghiêm khắc nhắm vào các nước phương Tây, không muốn lâm chiến chống Nga, nhưng lại hết sức hỗ trợ Ukraine.
Đối với tờ báo Pháp, thời điểm và mục tiêu được chọn không hề ngẫu nhiên, và vụ không kích diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ và Châu Âu cho biết đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới và muốn tăng cường giao vũ khí cho lực lượng Ukraine để đối đầu với quân đội Nga.
Về tình hình chiến sự nói chung, Le Monde cho biết là các nhà báo Pháp đều ghi nhận là tại hai vùng chiến sự Mariupol hay Mykolaiv, quân đội Nga đều cố tình bắn vào thường dân, trong lúc tại Kiev, họ siết chặt vòng vây để chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
Cũng dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ Ukraine, nhưng nhật báo La Croix tập trung trên thảm cảnh nhân đạo mà bom đạn Nga đang gây ra cho người dân nước láng giềng.
Ngay trang nhất tờ báo chạy tựa "Với những người Ukraine được tiếp nhận tại Pháp" và giới thiệu câu chuyện của ba gia đình người Ukraine vừa mới đến được Pháp. Những nhân chứng cho biết là họ đã phải chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc và sự tàn khốc của chiến tranh, bằng tàu hỏa, máy bay hoặc đi nhờ xe. Thường đó là những phụ nữ không có chồng đi cùng, nhưng lại mang theo con nhỏ.
Trong bài "Ở Ba Lan, mọi tầng lớp đều đoàn kết để tiếp nhận người tị nạn Ukraine", La Croix đã khen ngợi tinh thần tương thân tương trợ của người Ba Lan đã tiếp đón hơn 1,5 triệu người tị nạn Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu và nỗ lực giúp đỡ họ.
Vào lúc các đồng nghiệp đặt trọng tâm vào vai trò mà Bắc Kinh có thể đóng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nhật báo kinh tế Les Echos lại chú ý đến một hiểm họa khác xuất hiện tại Trung Quốc và có nguy cơ đe dọa thế giới. Trên trang nhất tờ báo chạy hàng tựa lớn : "Báo động ngay tại trung tâm nền công nghiệp Trung Quốc".
Ngay dưới một bức ảnh lớn chiếm một phần tư trang báo, cho thấy một cô gái trùm kín người trong một bộ quần áo bảo hộ y tế đang đứng ngoài đường và nói trong một chiếc loa phóng thanh cầm tay, Les Echos ghi nhận nhiều sự kiện đáng ngại đang diễn ra tại Trung Quốc : "Trước đà bùng lên trở lại của dịch Covid, thành phố Thâm Quyến đã phải chịu phong tỏa trong ít nhất một tuần, nhiều trung tâm kinh tế khác cũng bị tác hại".
Tờ báo Pháp nêu bật một ví dụ điển hình : "Hãng Foxconn đình chỉ sản xuất tại cơ xưởng làm IPhone của họ ở Thâm Quyến, toàn bộ ngành công nghệ được đặt trong tình trạng báo động".
Đối với Les Echos, tình hình này có nguy cơ trở thành "một mối đe dọa mới nhắm vào thương mại thế giới, cộng thêm vào những khó khăn đang đánh vào ngành xuất khẩu Nga và Ukraine".
Trong bài viết chính bên trong mang tựa đề : "Sự bùng phát trở lại của Covid làm cho các động cơ kinh tế của Trung Quốc bị hỏng hóc", thông tín viên báo Les Echos tại Thượng Hải nhấn mạnh đến các diễn biến đáng ngại do việc Bắc Kinh áp dụng chính sách "zero Covid" tại Thâm Quyến, Thượng Hải và Cát Lâm, các trung tâm công nghiệp hàng đầu của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ và là thành phố xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, khoảng 17 triệu dân đã được yêu cầu ở yên trong nhà trong ít nhất một tuần kể từ Chủ nhật 13/03, các phương tiện giao thông công cộng đều bị đình chỉ hoạt động. Thâm Quyến là nơi có nhiều công ty hàng đầu về công nghệ như Foxconn, Hoa Vi, DJI, Tencent và nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Đông, vốn chiếm 11% GDP của Trung Quốc. Hệ quả của việc thành phố này bị phong tỏa được thấy ngay lập tức : Cổ phiếu ngành công nghệ tại thị trường chứng khoán Hồng Kông đã tuột dốc ngay vào hôm qua.
Các trung tâm kinh tế lớn khác ở Trung Quốc cũng đang phải chống chọi với sự bùng phát trở lại của đại dịch. Trước Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm - 24 triệu dân - ở phía đông bắc của Trung Quốc cũng bị phong tỏa, tác hại đến hoạt động của Trường Xuân, một trung tâm công nghiệp với khoảng 9 triệu dân, chiếm khoảng 11% sản lượng ô tô của Trung Quốc. Nhà máy của hãng xe Nhật Bản Toyota chẳng hạn đã bị buộc phải đình chỉ hoạt động.
Tại Thượng Hải, không có phong tỏa đại trà, nhưng nhiều khu dân cư hay văn phòng đã bị phong tỏa cục bộ.
Trong một bản phân tích công bố hôm qua, các chuyên gia kinh tế thuộc công ty tham vấn Gavekal Dragonomics nhận định : "Dù tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất còn rất nhẹ ở Trung Quốc, nhưng nhiều vấn đề khác dường như không thể tránh khỏi, do tầm quan trọng của Thượng Hải và Thâm Quyến trong tư cách hải cảng và trung tâm sản xuất".
Các nhà kinh tế tại Ngân Hàng ANZ cũng lo lắng : "Nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể". Theo các chuyên gia này, việc phong tỏa cục bộ các tỉnh giàu có về kinh tế rất đáng lo : "Một nửa GDP và dân số của Trung Quốc lần này sẽ bị ảnh hưởng. Việc phong tỏa các khu vực bị Covid trong một tuần có thể làm mất đến 0,8 điểm tăng trưởng GDP của Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
Dù Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trình diễn màn thắm tình đoàn kết trong dịp khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh đứng về phía Moskva một cách mù quáng trong hồ sơ Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc duyệt hàng quân danh dự tại Bắc Kinh ngày 08/06/2018. AP - Greg Baker
Ukraine vẫn là mối quan tâm chính của báo chí Pháp hôm nay. Le Figaro và Libérationcùng dành trang nhất, bài xã luận và hồ sơ ở các trang trong cho chủ đề này.Le Figarochạy tựa "Ukraine : Thử thách Nga của Macron", cònLibérationđăng hình ảnh hai vị tổng thống ngồi ở hai đầu mút bàn, với tựa đề "Macron-Putin, đối thoại kiểu Nga".
Le Figaro nhận định, Emmanuel Macron là một tổng thống thích chấp nhận rủi ro, và chưa bao giờ lùi bước trước những chướng ngại, ngay cả khi được cho là không thể vượt qua. Đây là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa tổng thống Nga với một nguyên thủ phương Tây hàng đầu từ khi căng thẳng gia tăng cuối năm ngoái. Trên lãnh địa của Putin, cuộc gặp lần thứ bảy sau 16 cuộc gọi mang tầm vóc quan trọng đối với tương lại Ukraine và Châu Âu, và bảng thành tích quốc tế của Macron, vài tuần lễ trước khi chiến dịch bầu cử tổng thống bắt đầu.
Sáng kiến của Emmanuel Macron nhằm giúp xuống thang qua việc đề nghị một lối thoát cho Vladimir Putin, và cuộc đối thoại giúp "trắc nghiệm các giả thiết, đưa ra những chọn lựa". Bài toán không đơn giản. Hôm qua, chuyên gia địa chính trị Pháp François Heisbourd nhận định, "Putin đã leo tuốt lên ngọn dừa và không biết làm cách nào tuột xuống". TheoLe Figaro, hướng thứ nhất là "công thức Normandie" (Pháp, Đức, Ukraine, Nga), và hướng thứ hai là một thỏa hiệp với các biện pháp an ninh chung cho cả Châu Âu. Trái banh đang ở trên phần sân Nga, con đường còn rất dài, và còn tùy thuộc vào "những dấu hiệu xuống thang" mà Emmanuel Macron đến Moskva để tìm kiếm.
Trong bài "Điệu nhảy của con gấu", Le Figarođặt câu hỏi, gà trống Gô-loa có trọng lượng như thế nào trước gấu Nga, nhắc lại câu thành ngữ "Nếu mời một con gấu khiêu vũ, thì không phải bạn quyết định được khi nào điệu nhảy kết thúc mà là con gấu". Bài xã luận "Song đấu" của Libération ghi nhận tính biểu tượng của việc tổng thống Pháp thay vì họp qua video, đã lên máy bay đến tận "căn cứ địa" của Putin, - điện Kremlin đầy ắp bóng dáng lịch sử. Không chỉ là nguyên thủ Pháp, Macron còn là đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, ông chọn đến Moskva trước tiên rồi mới sang Kiev. Trong cuộc so găng về truyền thông, mỗi chi tiết đều được tính đến.
Le Figaronhận thấy "Chống lại Moskva, Joe Biden chọn thách thức bi kịch hóa". Không một ngày nào mà không có một viên chức chính quyền Mỹ thượng đài để cảnh báo khả năng Nga tiến chiếm Ukraine. Trước Quốc hội và ống kính truyền hình, họ nêu ra những nước cờ mà Moskva có thể sử dụng : đảo chánh tổng thống Volodymyr Zelensky, tạo video giả cảnh Ukraine sát hại thường dân để lấy cớ, xâm lăng một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ Ukraine, với con số ước tính thiệt hại cụ thể.
Hoa Kỳ chọn chiến thuật công khai tố cáo đến từng chi tiết những thủ đoạn của Nga, dựa vào thông tin tình báo. Nếu Nga đổ quân sang xâm lược, chính quyền Biden có thể đổ cho Châu Âu quá ngây thơ, đồng thời tăng thêm áp lực để Châu Âu tham gia chính sách trừng phạt Nga. Biden muốn tập hợp các nước NATO chống lại những chế độ độc tài trên thế giới. Dưới mắt Washington, Ukraine là biểu tượng kháng chiến chống lại bóng ma toàn trị, như Phần Lan nhỏ bé trước "quái thú" Nga năm 1939.
Năm 2013, quan sát thấy Obama từ chối không kích Syria dù chế độ Damascus dùng đến vũ khí hóa học giết dân, sáu tháng sau Putin tung quân chiếm Crimea, và ông ta đã tính toán đúng : phương Tây không đứng ra bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Năm 2021, vụ rút quân khỏi Afghanistan, bị so sánh với cuộc di tản khỏi Sài Gòn năm 1975, cũng khiến Putin tin rằng Mỹ đang yếu đi, cần tranh thủ để vẽ lại bàn cờ Châu Âu. Nhà phân tích Stephen Collinson cho là điều này không thể chấp nhận được đối với Washington.
Libérationđánh giá những tiết lộ từ phía Mỹ là nhằm thống trị cuộc chiến truyền thông, và trong hậu trường thì tiếp tục hoạt động ngoại giao cổ điển : điện đàm Biden-Putin, trao đổi liên tục với các đồng minh… Tờ báo nhấn mạnh, "Trong hồ sơ Ukraine, có nhu cầu sống còn về ngoại giao". Nhà nghiên cứu Rajan Menon nhận thấy "các động thái quân sự của Nga dẫn đến hệ quả làm ngoại giao thêm năng động". Ông tin rằng "vào phút cuối, ngoại giao có thể làm chú thỏ nhảy ra khỏi chiếc nón". Đây cũng là hy vọng của tổng thống Pháp.
Trong khi đó tại Nhà Trắng, thủ tướng Đức Olaf Scholz cố làm ông Biden an lòng. Chẳng lẽ đối với người Đức khí đốt Nga không quan trọng bằng tự do của Ukraine, tại sao Berlin từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev ? Nhiều câu hỏi có thể được đặt ra, và người kế nhiệm bà Merkel chấp nhận đặt Nord Stream 2 lên bàn cân để buộc Nga phải "trả giá thật đắt về kinh tế". Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley nhận định, cuộc so găng giữa Châu Âu với Nga làm loãng đi thách thức địa chính trị lớn nhất : sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Theo ông, trừng phạt đường ống Nord Stream 2 là đủ để buộc "thần đèn" Nga chui trở vào cây đèn huyền thoại.
Một số người khác thấy rằng thái độ cứng rắn đã mang lại kết quả. Cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine, William Taylor nhận định rằng Putin đã đi quá xa, và có thể cần chấp nhận thương lượng một loạt chủ đề về tương quan lực lượng vũ khí nguyên tử, đạn đạo và quy ước tại Châu Âu. Theo Richard Haas, giám đốc Council on Foreign Relation : "Putin đã sản xuất ra cuộc khủng hoảng Ukraine do nghĩ rằng đang ở thế mạnh so với phương Tây, nhưng ông ta đã phạm một sai lầm : đánh giá thấp đối thủ. Chính Putin đã tự đặt mình vào cái thế phải chọn lựa leo thang, hoặc phải tìm cách rút lui mà không bị mất mặt".
Bài phóng sự dài "Cuộc chiến phức hợp đã hoành hành tại Kiev" của Libération ghi nhận tuy ý đồ quân sự của Kremlin vẫn chưa rõ, nhưng đối với người Ukraine, cuộc chiến đã bắt đầu. Tấn công bằng tin tặc, truyền thông, kinh tế... một kiểu xung đột mới nhằm buộc đối thủ phải quy hàng mà không nhất thiết phải dùng đến các phương tiện quy ước.
Cách đây một năm, tổng thống Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh cấm NewsOne, 112 và Zik, ba kênh truyền hình của Viktor Medvedchuk, thủ lãnh đảng thân Nga ở Ukraine, và là cha của cô bé Daria - con đỡ đầu của Vladimir Putin. Một sự đối đầu trực diện ! Ngày 19/02/2021, tài sản của nhà tài phiệt bị phong tỏa và chỉ hai ngày sau, Kremlin huy động 3.000 lính nhảy dù đến biên giới Ukraine. Ba kênh trên đây là những chiếc loa tuyên truyền Nga dành cho khán giả khá lớn tuổi, nhằm hạ uy tín nguyên thủ trẻ tuổi của Ukraine. Từ khi bị đóng, ý định bầu cho các chính khách thân Nga rơi xuống còn không đầy 10%.
Thời gian càng trôi, Kremlin càng dễ bị bật rễ tại Ukraine, vì những người ở lứa tuổi 30 chưa bao giờ biết đến Liên Xô. Thất bại về quyền lực mềm văn hóa, Nga quay sang quấy nhiễu, dọa nạt. Những tuần lễ gần đây, một loạt những hiện tượng xảy ra. Ngày 14/01, tin tặc đánh vào 70 trang web chính phủ Ukraine ; và nhất là một đợt cảnh báo bom chưa từng thấy : chỉ trong ba tuần lễ đầu của năm 2022 đã có 3.000 vụ báo động bom giả. Ngày 24/01, tất cả trường học ở Zaporijjia, thành phố lớn thứ sáu của Ukraine phải sơ tán. Thành phố Tcherkassy quyết định cho học qua mạng vì không thể kiểm tra nổi những vụ báo động giả nhằm tạo tâm lý hoảng loạn.
Xe điện ngầm, trung tâm thương mại, cơ quan chính quyền đều trở thành mục tiêu ; hầu hết các vụ báo động bom giả đều xuất phát từ Belarus, Donetsk, Luhansk, Transnistria và Nam Ossetia. Chiến tranh phức hợp không chỉ giới hạn ở tung tin giả và tấn công tin học, mà còn can thiệp vào kinh tế, lôi kéo chính khách tham nhũng, kể cả hoạt động Chính thống giáo. Một hiện tượng khác là những thông tin thù địch tràn ngập các ứng dụng tin nhắn, chẳng hạn tin Nga sắp xua quân sang đầy dẫy trên Viber, ứng dụng phổ biến nhất ở Ukraine. Người sử dụng bị đưa vào các nhóm thảo luận gieo rắc sợ hãi nhưng không thể thoát ra được.
Đáng ngại là một số trong giới tinh hoa hàng ngày vẫn theo dõi những kênh bóp méo thông tin trên Telegram, trong đó một số do tình báo quân đội Nga GRU kiểm soát. Ukraine đã tuyển mộ một số hacker mũ trắng để đối phó. Kiev lo ngại các cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống nước, điện, nguyên tử dân sự trở thành mục tiêu bị tin tặc đánh phá. Tất cả khiến xã hội Ukraine sống trong lo sợ, mệt mỏi. Cuộc chiến không binh lính, không tuyên bố đang xóa nhòa dần biên giới giữa chiến tranh và hòa bình.
Le Mondecũng có một phóng sự dài "Ukraine trước cuộc chiến tranh phức hợp của Moskva", cho biết hoạt động của các tài khoản Twitter tuyên truyền cho Nga đã tăng 300% từ tháng 11 đến tháng 12/2021. Dù chưa bị tấn công quân sự, tăng trưởng của Ukraine từ 3,8% có thể giảm xuống 3,4% trong năm 2022, và đồng tiền quốc gia hryvnia mất giá.
Trong hồ sơ Ukraine, Le Figaro nhận thấy Trung Quốc tuy ủng hộ Putin nhưng không hoàn toàn tin cậy, dù Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trình diễn màn thắm tình đoàn kết trong dịp khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh mùa đông.
Cả hai tố cáo ý thức hệ thời chiến tranh lạnh của NATO. Trung Quốc ủng hộ yêu sách bảo đảm an ninh của Nga, không mở rộng NATO sang phía Đông. Nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh đứng về phía Moskva một cách mù quáng, vào lúc tiếng giày đinh rầm rập tại cửa ngõ Ukraine. Tập từ chối hỗ trợ một cuộc xâm lăng quân sự, thông cáo chung không hề nhắc đến Ukraine.
Eurasia Group cho rằng Trung Quốc chủ trương một giải pháp ngoại giao thay vì quân sự, không muốn một cuộc xung đột xảy ra trong thời gian Thế vận của mình. Năm 2022 là năm quan trọng cho tương lai Tập Cận Bình, vốn đã đầy bất định về kinh tế và địa chính trị. Trong khi đó tuyết sắp tan, thu hẹp lại khả năng tấn công của Nga vào Ukraine.
Nga và Trung Quốc loan báo tăng cường hợp tác năng lượng, giúp sức cho Gazprom và Rosfnet trong lúc Washington đe dọa trừng phạt. Tuy nhiên Trung Quốc với GDP cao gấp 10 lần Nga, không muốn bảo kê cho một dự án xây dựng hệ thống tài chính ngoài khu vực đồng đô la mà một số nhà chiến lược Nga vẫn mơ, trong trường hợp Moskva bị Mỹ trừng phạt kinh tế.
Sự thận trọng này có nguồn gốc từ sự nghi kỵ xưa nay giữa hai láng giềng suýt xảy ra chiến tranh năm 1969. Dù xích lại gần nhau chưa từng thấy, Bắc Kinh không muốn gắn vận mệnh của mình với ông chủ điện Kremlin vốn khó đoán.
Chuyên gia Triệu Thông (Zhao Tong) khẳng định tuy hợp tác trong những lãnh vực quân sự nhạy cảm, Trung Quốc không có ý định vượt qua ngưỡng một liên minh chính thức, có thể dẫn dắt vào những cuộc xung đột trong khi đang phải so găng với Washington.
Bắc Kinh hoan nghênh Putin gây áp lực, trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ và sự đoàn kết của Châu Âu, giúp đánh lạc hướng mặt trận Châu Á-Thái Bình Dương, đưa một vận động viên Tân Cương ra cầm cờ Thế vận để chọc tức Mỹ. Nhưng trên thực địa, Bắc Kinh đi dây để duy trì quan hệ chặt chẽ với Kiev, nơi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất, sau khi hất cẳng... Moskva.
Ukraine cung cấp 80% lượng bắp nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2019, bên cạnh đó là công nghệ quân sự mũi nhọn, chẳng hạn hỏa tiễn trang bị cho J-11. Ngay cả Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc cũng mua lại của Ukraine. Giữa Moskva và Kiev, Trung Quốc hy vọng không phải chọn lựa.
Thụy My