Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đầu giờ chiều ngày 9/11, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã đến trung tâm báo chí của Quốc hội, nói rằng "Kể từ giờ phút này, không phỏng vấn và đưa tin tất cả những vấn đề liên quan đến vấn đề này, liên quan đến tôi. Những vấn đề mà tôi có thể "tâm sự" ngoài lề thì không coi đó là cuộc phỏng vấn và đề nghị các bạn không đăng tải những vấn đề này nữa để chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn Quốc hội" [*].

quyen0

Ảnh minh họa

Theo vị đại biểu tỉnh Bến Tre, Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có bất cứ chỉ thị hay cho phép nào đối với ông để trả lời phỏng vấn báo chí. "Có nghĩa là tôi phải chấp hành nghiêm túc, các vấn đề đang chờ ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội. Nếu đăng tải bài viết trong ngày hôm nay mong các bạn gỡ chờ các quyết định chung. Tôi sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền". Ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tiếng là thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng không phải là người dân tỉnh Bến Tre. Công việc làm của ông cũng không liên quan gì đến tỉnh Bến Tre. Ông Lưu Bình Nhưỡng có học vị tiến sĩ luật kinh tế, có 20 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ông hiện còn là phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.

Mặc dù với bề dày lý lịch chuyên môn về luật như vậy, song đáng buồn thay với "quyền được nói", ông Lưu Bình Nhưỡng phải thừa nhận rằng ở Việt Nam các quy định của đảng cộng sản đứng trên pháp luật nhà nước, trên cả Quốc hội, trên cả Hiến pháp.

Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng là Đại biểu quốc hội ủng hộ thông qua dự luật an ninh mạng, với lý do "Việc các đối tượng xâm nhập và đưa lên các trang mạng xã hội những nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng đã gây bức xúc trong dư luận, nên các đại biểu như tôi suy nghĩ cần phải ủng hộ để Luật ra đời" (1).

Sở dĩ dài dòng như vậy để khẳng định một điều là rất nhiều tình tiết ở nghị trường, nếu tỉnh táo nhìn thấu đáo sẽ nhận ra dường như đó chỉ là vở diễn ; mà nhiều khi diễn rất lộ liễu.

Người viết nghĩ rằng ông Lưu Bình Nhưỡng vừa vào vai diễn cho vở tuồng dân chủ ở Quốc hội. Bởi ít nhất với vị trí là phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ, và ông cũng đang là phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, ông phải hiểu rất rõ rằng chốn nghị trường được mặc định không phải là cá nhân ông ấy, mà là cử tri nơi ông ấy đại diện. Tư cách này chính là luận lý để luật pháp dành cho nghị sĩ quyền miễn trừ.

Chỉ có cử tri nơi bầu cho ông Lưu Bình Nhưỡng mới có thể kỷ luật ông ấy. Khi đó Mặt trận chủ trì hiệp thương và tiến hành trình tự thủ tục phế truất tư cách Đại biểu quốc hội của ông Lưu Bình Nhưỡng. Logic vận hành quyền lực của Quốc hội là như thế. Đảng đoàn Quốc hội không phải là một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp xác định nội dung phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng là đúng hay sai. Luật Tổ chức Quốc hội xác lập rõ điều đó.

Tuy nhiên ở đây cũng có thể là một kịch bản đẩy đưa cố tình của vị Đại biểu quốc hội của tỉnh Bến Tre, khi ông muốn tái khẳng định rằng ở Việt Nam cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp (2).

Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Khi bấm nút thông qua dự luật An ninh mạng, với trải nghiệm của người 20 năm dạy luật kinh tế, người viết tin rằng ông Lưu Bình Nhưỡng quá biết rằng luật này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các cam kết về thương mại và dịch vụ ở các lĩnh vực liên quan, được quy định trong Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (GATS), một văn kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cũng cần lưu ý, vào tháng 10 năm 2017, tại Hội đồng về Thương mại – Dịch vụ của WTO, nhiều thành viên WTO đã phê phán dự luật An ninh mạng của Việt Nam. Đại diện Việt Nam đã từ chối bình luận vì không muốn ảnh hưởng tới công tác thảo luận của Quốc hội, nhưng hứa sẽ xem xét lợi ích của các bên. Nhìn chung, trong lịch sử GATT/WTO, các thành viên đều rất hạn chế viện dẫn ngoại lệ về an ninh vì nguy cơ xói mòn hệ thống thương mại đa biên (3).

Từ vụ việc của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho thấy mai này khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP], riêng trường hợp hình thành các tổ chức công đoàn độc lập, e rằng lại vấp vết đổ của chuyện "chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn".

Trước mắt, từ câu chuyện đang xảy ra với Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đòi hỏi nền tảng để thành lập các công đoàn độc lập là phải dứt khoát chấm dứt phân biệt về "quyền lợi chính trị" giữa "công dân – đảng viên" và "công dân – không đảng viên" trong tất cả mọi hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật ; bao gồm cả "quyền được nói".

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 11/11/2018

Chú thích :

[*] Trong buổi chất vấn chiều 31/10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra các con số từ Bộ Công an : Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%.

Ngày 5/11/2018, Thượng tướng Lê Quý Vương thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, đã ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đính chính lại những nhận định, đánh giá liên quan đến số liệu trên và không có các lời nói, hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ; đồng thời có hình thức xử lý vi phạm có liên quan đến việc phát ngôn và đánh giá, nhận định tình hình gây dư luận xấu. 

(1) http://bit.ly/2PMjjyM

(2) http://bit.ly/2yKMx7y

(3) http://bit.ly/2OxHcW8

Published in Diễn đàn

Người viết bài này trước khi bước vào nghề báo, có một năm làm thầy giáo cấp 2 dạy các em học trò khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn. Xin được luận bàn về hai vị bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện quanh chủ đề ‘giáo dục – tiền’.

bo1

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ - Ảnh minh họa

Quan chức nào thì giáo dục nấy !

Tháng 6/018, trả lời chất vấn của Đại biểu quốc hội về chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng "đồng tiền đi liền chất lượng", chất lượng thấp vì mức học phí người học bỏ ra còn thấp so với thế giới.

Tháng 10/2018, trả lời chất vấn của Đại biểu quốc hội về trách nhiệm trước tình trạng đạo đức xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định : "Sự xuống cấp đạo đức xã hội xuất phát từ các ngành kinh tế !".

Ý chung của cả hai vị bộ trưởng là sở dĩ giáo dục bết bát, đạo đức suy đồi là vì nền kinh tế còn nghèo nàn, eo hẹp tiền bạc.

Thế nhưng khi xem xét lại các Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII năm 1993 của Đảng cộng sản Việt Nam, thì thấy có những câu văn khẳng định : "Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu ; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển". Nghị quyết Trung ương 8, (khóa XI) một lần nữa khẳng định : "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân" (1).

Trong các báo cáo thống kê công khai trước Quốc hội, lãnh vực giáo dục được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là mức được ghi nhận là rất cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều (2).

Từ những số liệu nêu trên cho thấy tiền không phải là nguyên cớ cho sự tuột dốc của giáo dục và đạo đức. Lỗi chính ở đây là thuộc về Bộ Chính trị, nơi đưa ra các quyết định về nhân sự cho bộ máy điều hành của chính phủ. Nói một cách khác, thì ‘quan chức nào – giáo dục nấy’ !

Thử nhìn lại một nền giáo dục đã qua

Miền Nam trước tháng 4/1975, nói theo ngôn ngữ của tuyên giáo Hà Nội xã hội chủ nghĩa, là phải sống trong sự kềm kẹp của Mỹ - Ngụy. Tuy nhiên nếu mang so sánh giáo dục thời gian đó với hiện nay, cho thấy có những ưu điểm vượt trội không hề mang màu sắc của đồng tiền như cách nhìn của hai vị bộ trưởng nói trên.

Miền Nam trước tháng 4/1975, học trò thi vào trường công từ lớp Đệ Thất và đi thẳng luôn lên Đệ Nhất, không phải tốn công, tốn tiền thi chuyển cấp với đủ thứ nguyện vọng 1, 2, 3 cũng như ‘chạy’ trường. Đậu vào trường công thì hầu như không tốn tiền gì cả, ngoài một số tiền nhỏ làm thẻ học sinh và học bạ đầu năm chỉ tương đương với 1 tô phở bình dân.

Đồng phục nam là quần ka ki xanh và áo sơ mi trắng. Không chấp nhận loại vải nào khác. Nữ sinh thì áo dài trắng. Sách học thì hầu như không thay đổi nhiều trong thời gian dài, nên em thì tiếp tục dùng sách của anh chị, đỡ hao tiền phụ huynh.

Thật ra cũng khó so sánh, vì bây giờ có nhiều tiến bộ về khoa học. Trước 1975, học trò chỉ có cây viết và tập, sách chứ không gõ máy tính như bây giờ. Học trò những niên khóa 1975 trở về trước, nghĩ hè là đi chơi ‘mút mùa Lệ Thủy’ cả 3 tháng, khỏi họp hành, học thêm. Khi nghĩ hè thì được thông báo trước ngày tựu trường cho niên khóa mới. Cứ tới ngày đó là ôm cặp tới trường là đúng y chang.

Mặt bằng kiến thức của học sinh thì đồng đều. Không có điểm ưu tiên, diện ưu tiên gì hết ráo.

Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (3) nhưng theo giáo sư Việt văn Nguyễn Thanh Liêm [1933 – 2016], cựu hiệu trưởng trường Petrus Trương Vĩnh Ký - Sài Gòn, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, thì nền giáo dục khi ấy đã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được nhóm trí thức có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp ngay cả ở các quốc gia phát triển.

"Kết quả này là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và dành nhiều tâm huyết đóng góp cho nghề nghiệp, cũng như nhiều bậc phụ huynh đã sắn sàng đóng góp tài chính cho việc xây dựng nền giáo dục, cùng những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam" (4).

Như vậy, tuy vẫn là chuyện tiền, nhưng ở đây với các quan chức trong ngành giáo dục, đó không phải điều kiện tiên quyết như cách nghĩ của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Nếu không phải vì tiền, thì vì cái gì ?

Xin trả lời luôn : vì thiếu lá phiếu thực sự của cử tri công chúng. Với thể chế bầu cử tính từ mốc tổng tuyển cử ngày 25 tháng 4 năm 1976 (5) cho đến nay, lá phiếu cử tri chỉ mang tính ước lệ dân chủ, vì mọi đặt để nhân sự Quốc hội cho đến Chính phủ đều thuộc cơ quan có tên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, gọi vắn tắt là Bộ Chính trị, với người đứng đầu là Tổng Bí thư.

Lá phiếu ở cử tri trong một nền giáo dục với ba nguyên tắc là "nhân bản - dân tộc - khai phóng" như miền Nam trước đây vì sao lại có tầm quan trọng trong lựa chọn những ông, bà nghị sĩ đại diện cho dân chúng ?

Nhà báo Lê Văn Nghĩa của báo Tuổi Trẻ, kể lại thời thanh niên của ông ở Sài Gòn khi xong tú tài, nếu chọn các trường đại học như Văn Khoa, Luật, Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn, chỉ cần thủ tục ghi danh. Vì vậy cũng có nhiều sinh viên Luật cũng là sinh viên Văn Khoa, và ngược lại.

"Có lẽ vì Bộ Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa đánh giá Văn khoa là một phân khoa có tầm quan trọng đặc biệt. Chính phân khoa này thể hiện được các sắc thái thuần túy dân tộc, soi sáng được truyền thống dân tộc, mới duy trì và tiếp tục vun xới bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc được vững bền và ngày thêm phong phú. Chỉ ở văn khoa mới tìm thấy được những gì thuần túy Việt Nam. Giúp bạn sống một cách nhân bản hơn, gắn bó với quê hương nhiều hơn", nhà báo Lê Văn Nghĩa nhận xét.

Khi những lá phiếu cử tri dân chúng từng là sinh viên Văn Khoa, sinh viên trường Luật thì ắt hẳn họ sẽ không đời nào chấp nhận làm những con cừu ngoan ngoãn bầu chọn cho những ông bà nghị kiểu như Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Ngọc Thiện, hay Nguyễn Thị Quyết Tâm, hoặc Lê Thanh Hải...

Tinh thần quốc gia phải là trên hết

"Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý nhấn như vậy tại trao đổi với cử tri hai quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm ngày 28/09/2013 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (6).

Với cách nghĩ ‘phi pháp luật’ của người đứng đầu Bộ Chính trị, tất yếu lúc ‘cơ cấu nhân sự’, thì yếu tố ‘trung thành tuyệt đối’, ‘trung thành mù quáng’ với Đảng cộng sản luôn mang tính mặc định. Điều này còn thể hiện trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước đây, và trên cả nước từ sau tháng 4/1975. "Đảng và Nhà nước lo" từng là câu cửa miệng quen thuộc.

Giáo dục ở miền Nam những niên học 1975 trở về trước, như lời ca khúc "Học sinh hành khúc" của nhạc sĩ Lê Thương : "Học sinh là mầm sống của ngày mai - Nung đúc tâm hồn để noi chí lớn - Theo các thanh niên sống vì giống nòi - Liều thân vì nước, vì dân mà thôi", thì rõ ràng việc phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh được chú trọng hàng đầu.

Điều này thực hiện bằng cách chỉ dạy học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân ; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc ; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả ; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc ; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia ; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 03/11/2018

(1) http://bit.ly/2AGAbP1

(2) Singapore 3,2%/GDP năm 2010, Malaysia 5,1%, Thái Lan 3,8%, Hàn Quốc 5,2% năm 2011, Hồng Kông 3,5%.

(3) Trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7–7,5% cho giáo dục.

(4) Trích Nguyễn Thanh Liêm, "Giáo Dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975" Đồng Nai Cửu Long xuất bản, Santa Ana 2006.

(5) Tham khảo thêm tại http://bit.ly/2qp58Bl

(6) http://bit.ly/2yKMx7y

Published in Diễn đàn

Những từ khóa liên quan chủ đề ‘từ bỏ Đảng cộng sản’ trên bộ máy tìm kiếm Google ở trưa ngày 31/10/2018, bình quân có khoảng 24.500.000 kết quả trong vòng chỉ có 0,51 giây [một phút có 3.600 giây].

phe1

Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII - Ảnh minh họa.

Phê và tự phê : nói vậy mà không phải vậy (!?)

Hai năm về trước. vào ngày 30/10/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 04-NQ/TW (1).

Nghị quyết 04-NQ/TW, có đoạn viết : "Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức ; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm ; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao".

Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, nghị quyết cũng nêu : "Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm ; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng".

Thế nhưng trên thực tế thì khi những đảng viên cấp trên nhận sự phê bình của đảng viên cấp dưới, lại dễ chạm tự ái và quy chụp ‘tự diễn biến’.

Theo tuyên bố được công khai hôm sáng 29/10, thì giáo sư Chu Hảo gọi việc thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng hôm 25/10 (2) là "thiếu dân chủ, đi ngược lại hoàn toàn với ý kiến của các đảng viên và các cấp ủy đảng của Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam sau cả bốn lần thanh-kiểm tra vào các năm 2009, 2016 và 2018".

Nói một cách khác, cụm từ "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa" dễ dàng chụp mũ cho bất kỳ đảng viên nào dám ý kiến trái với nghị quyết đảng. Đơn cử, bất kỳ đảng viên nào dám đòi 'tam quyền phân lập', 'xã hội dân sự' là sẽ bị kỷ luật khai trừ Đảng (3). 

Tôn trọng pháp luật, cần… rời bỏ đảng ?

Không quá lời khi nói rằng nếu đảng viên nào am tường pháp luật, đặc biệt là các vấn đề hiệp ước quốc tế, thỏa thuận thương mại song phương, có lẽ nếu không chọn im lặng, thì lựa chọn tốt nhất là rời khỏi hàng ngũ đảng viên Đảng cộng sản.

Bởi nếu không chấp nhận ‘xã hội dân sự’, thì CPTPP [Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP] mà tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội nếu có thông qua, cũng khó thực hiện đầy đủ tại Việt Nam.

Ở CPTPP, tự do hóa đầu tư yêu cầu các nước phải mở cửa cho các công ty và nhà đầu tư thuộc các nước thành viên CPTPP. Các đối tượng này có thể hoạt động tương tự các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ nội địa. Nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện chính phủ nước chủ nhà lên tòa án quốc tế vì thiệt hại quyền lợi, lợi nhuận cùng giá trị tài sản ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai, nếu chính phủ đó đưa ra các chính sách về kinh tế, xã hội và môi trường ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, hay thậm chí là kế hoạch kinh doanh của họ.

Điều này có nghĩa với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ có thể có tự do hóa thương mại, tự do hóa làm ăn khi mà xã hội dân sự ở quốc gia đó được coi là đối tác độc lập, đối trọng với nhà nước, chứ không phải là đối kháng, đối lập chống lại nhà nước…

Thế nhưng theo Quy định số 102-QĐ/TW (quy định này được viện dẫn làm căn cứ để đưa ra mức kỷ luật giáo sư Chu Hảo, nguồn đã dẫn) của Đảng cộng sản, thì ‘xã hội dân sự’ là chỉ nhằm chống lại đảng và nhà nước, tức là phản động, cần "cảnh giác" tiêu diệt là phương hướng ứng xử cơ bản với xã hội dân sự.

Trong bối cảnh đó của CPTPP, dễ thấy rằng nếu vẫn tiếp tục cách nghĩ như Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị, xem ra chuyện chính phủ Việt Nam tương lai phải bận rộn hầu tòa nước ngoài là không gì phải bàn cãi.

Mặt khác, việc cấm cổ súy 'xã hội dân sự' của Quy định số 102-QĐ/TW cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang mâu thuẫn với chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khi ông vừa trình CPTPP để Quốc hội phê chuẩn.

Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục có quan niệm "sợ hãi" trước xã hội dân sự, coi xã hội dân sự là "sân sau" của diễn biến hòa bình, sẽ dẫn đến cách mạng sắc màu lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Như vậy để bước vào sân chơi chung của CPTPP, xem ra Việt Nam đã xuất phát yếm thế, nhất là với việc bắt đầu có nhiều trí thức như giáo sư Chu Hảo, từ lẳng lặng bỏ đảng, chuyển sang công khai với những tuyên bố rời Đảng cộng sản do đảng này không còn trung thành với quyền lợi tổ quốc và nhân dân tối thượng.

Nên biết mình đang đứng ở đâu…

Lý thuyết kinh điển mác–xít trên giảng đường đại học lâu nay vẫn nói rằng nhànước nào thực mạnh sẽ là nhà nước giảm dần vai trò can thiệp và để cộng đồng xã hội dân sự có được vị thế cao hơn, chủ động hơn trong tự quản.

Tiếc là người được gọi là nhà nghiên cứu lý luận với học hàm giáo sư chuyên ngành xây dựng đảng như ông Nguyễn Phú Trọng lại quên mất những tiết học vỡ lòng ấy của môn kinh tế chính trị Mác – Lê nin ; và quên cả lời di huấn của người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo : "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (4).

Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 30/10 có bài tường thuật với tựa đề khá sốc : Con trai Đặng Tiểu Bình : ‘Trung Quốc nên biết mình đang đứng ở đâu’ (5). "Chúng ta phải nhìn ra lẽ phải từ thực tế, giữ một cái đầu tỉnh táo và biết được vị trí của mình. Chúng ta không nên hống hách cũng như xem thường" - ông Đặng, 74 tuổi đã có lời như vậy, theo bài báo cho biết.

Nhắc nhở này cũng đúng cho Đảng cộng sản Việt Nam, rằng ‘nên biết mình đang đứng ở đâu’ trong đời sống xã hội và chính trị hiện nay.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 01/11/2018

(1) http://bit.ly/2DaGgG7

(2) http://bit.ly/2ArEygV

(3) [Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị http://bit.ly/2Q6fod4

(4) http://bit.ly/2RsF5F7

(5) http://bit.ly/2EujjZk

Published in Diễn đàn

'Chống luận điệu xuyên tạc' của viên tướng quân khu 7 và thói bưng bít thông tin

"Ví dụ gần đây, chúng đưa tin rằng kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đất đai Thủ Thiêm là chưa rõ ràng, thiếu minh bạch. Đặc biệt chúng tấn công Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu, đẩy cao chiến dịch kêu gọi người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, bạo loạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành phố trong thời gian qua".

xuyentac1

Thiếu tướng, Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hoàng - Ảnh minh họa (VietnamNet)

Đoạn trên là trích bài phát biểu của Thiếu tướng, Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hoàng, trước Quốc hội sáng 27/10 về các hoạt động chống phá, xuyên tạc chủ trương chính sách trên không gian mạng. Clip này được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia VTV.

Muốn chia phần chiếc bánh quyền lực ?

Kết luận của Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng là trong thực thi Luật An ninh mạng ở sắp tới, cần những văn bản điều chỉnh bổ sung cơ chế hợp đồng tác chiến giữa công an và quân đội, lực lượng chức năng khác, bảo đảm cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thống nhất, xử lý kịp thời các tình huống. Hiện tại, trong dự thảo về nghị định thực hiện Luật An ninh mạng, thì chức trách hoàn toàn thuộc quyền của Bộ Công an.

Đến nay, Việt Nam chưa có Luật Tự do thông tin ; mà chỉ có Luật Tiếp cận thông tin. Đã vậy, bên cạnh Luật An ninh mạng sắp hiệu lực, lại có Luật An toàn thông tin mạng. Trước đó nữa, là Luật Công nghệ thông tin.

Đó là chưa kể tới dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được dự báo nếu Quốc hội Việt Nam ở kỳ họp thứ 6 - khóa XIV hiện tại lại bấm nút thông qua, thì mai này nhà chức trách sẽ đóng dấu mật cả vào chất vấn của Đại biểu quốc hội, làm cho Đại biểu quốc hội không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn. Nếu dự luật này cho phép luôn chuyện lãnh đạo bí mật về thân thế sự nghiệp – như vụ năm sinh, bệnh tình của cố chủ tịch nước Trần Đại Quang chẳng hạn, tất yếu thế lực thù địch sẽ mặc sức mà xuyên tạc…

Tự do thông tin : Nền tảng cho một xã hội minh bạch

Trong thời đại bùng nổ của Internet và mạng xã hội, dòng chảy của thông tin là vô cùng lớn. Vì thế, thay vì ngăn chặn dòng chảy của thông tin – một việc bất khả thi và phản tác dụng, sẽ tốt hơn nếu người dân có thể tiếp cận thông tin chính thống và chính xác.

Thế nhưng đây lại là điều mà tất cả các luật liên quan về thông tin vừa kể ở trên đều đi ngược lại, tìm mọi cách để hạn chế quyền tự do thông tin. Kể cả việc sẳn sàng dùng các điều luật hình sự để ‘chụp chiếc mũ phản động’, kiểu như ‘lợi dụng quyền tự do ngôn luận’ để ‘xuyên tạc chính sách Đảng và Nhà nước’ ; thậm chí cả đao to búa lớn ‘lật đổ chế độ’, dù chỉ bằng… ‘nước bọt’ của những tiếng nói kêu gọi quyền tự do ngôn luận như Hội Anh em dân chủ gần đây, hoặc vụ án ‘Anh Ba Sàm’ vài năm trước.

xuyentac2

Ảnh minh họa.

Theo website FOIA, năm 1966, Đạo luật Tự do thông tin của Hoa Kỳ (The Freedom of Information Act) được thông qua. Đạo luật này đã cung cấp cho công chúng quyền yêu cầu truy cập hồ sơ từ bất kỳ cơ quan liên bang nào. Nó thường được mô tả như là luật giữ công dân biết về chính phủ của họ. Các cơ quan liên bang phải tiết lộ bất kỳ thông tin nào được yêu cầu theo FOIA, trừ khi nó thuộc một trong chín loại miễn giảm nhằm bảo vệ các quyền lợi như quyền riêng tư cá nhân, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật.

Đạo luật Tự do thông tin của Hoa Kỳ được sửa đổi năm 1974 - sau vụ bê bối Watergate - buộc cơ quan phải tuân thủ nhiều hơn ; sửa đổi năm 1986 nhằm hướng tới việc cung cấp sự bảo vệ rộng rãi hơn cho các thông tin thực thi pháp luật và sửa đổi năm 1996 nhằm cho phép truy cập nhiều hơn vào thông tin điện tử.

Nếu thực lòng dân chủ…

Ở Việt Nam thì thông tin, đặc biệt là tin tức liên quan về chính trị, về các quan chức trong bộ máy cầm quyền vẫn là thứ hàng hóa độc quyền của Đảng và Nhà nước, nên dân chúng phải tự tìm kiếm bằng nhiều nguồn khác nhau tràn ngập trên mạng internet. Chính điều này lý giải cho số liệu mà Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng đã nêu nhưng lại không dẫn nguồn điều tra : "Liên quan đến việc cố chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, trong một số ngày cuối tháng 9/2018 trên mạng xã hội đã có 36.000 bài viết, 174.921 bàn luận, 198.384 lượt chia sẻ và hàng triệu lượt like với những thông tin, hình ảnh xuyên tạc ác ý nhằm nói xấu chế độ". [Nguồn đã dẫn]

Với việc Đảng Cộng sản Việt Nam đang hô hào quyết tâm chỉnh đốn việc kiểm soát tài sản cán bộ, thì sự hợp tác giữa một nền tảng thông tin tự do, cộng một nền báo chí tích cực, có thể thúc đẩy hành xử minh bạch trong giới quan chức. Để làm được điều đó, có lẽ không nên có những phát biểu kiểu hằn học kể tội mà không nêu chứng cứ như bài phát biểu của Thiếu tướng, Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hoàng, trước Quốc hội sáng 27/10 vừa rồi.

3xuyentac3

Ảnh minh họa

Các nguyên tắc về minh bạch phải trở thành nguyên tắc thực sự trong hoạt động của bộ máy công quyền. Đó là một quá trình dài, nhưng đáng để theo đuổi nếu như các quan chức của Đảng cầm quyền thực lòng muốn Việt Nam dân chủ.

Không có tự do thông tin, thì thông tin được quyền tiếp cận (Luật Tiếp cận thông tin) sẽ nằm trong định hướng mà bên cung cấp thông tin muốn đặt để. Chuyện quy hoạch Thủ Thiêm suốt 20 năm qua và cho tận hôm nay là đơn cử.

Thêm việc bóp nghẹt thông tin khi thực thi Luật An ninh mạng vào tháng 1/2019 tới đây, coi như ở Việt Nam, ‘thông tin’ vẫn là món hàng bao cấp, Đảng và Nhà nước cho thông tin thế nào thì cứ vậy mà người dân biết. Lá phiếu bầu chủ tịch nước vừa qua là minh họa dễ thấy nhứt.

Một cộng đồng hiểu biết thông tin tường tận hơn thì có thể tham gia hữu hiệu hơn trong các tiến trình dân chủ của quốc gia.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 29/10/2018

Published in Diễn đàn

Là người đứng đầu đảng cộng sản ở thành phố được đánh giá là có những hoạt động tài chính lớn nhất nước, song vài ngày gần đây dường như ông Nguyễn Thiện Nhân đã có những phát ngôn khiến người ta nghi ngờ trình độ văn hóa thật sự của ông.

nhan2

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã có những phát ngôn khiến người ta nghi ngờ trình độ văn hóa thật sự của ông.

Từ câu chuyện dự án nhà hát giao hưởng…

Ông Nguyễn Thiện Nhân đăng đàn để khẳng định dự án nhà hát giao hưởng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm là đúng quy hoạch, là phải làm và số tiền đã có sẳn từ bán đấu giá trụ sở của công ty xổ số kiến thiết.

Thế nhưng trong chiều ngược lại, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, nói với báo chí rằng khi thông tin về nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm được công bố tại phiên họp bất thường của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông vẫn chưa thấy được hình hài nhà hát và cũng không biết con số 1.500 tỷ đầu tư xây dựng đó dựa trên cơ sở nào ?.

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIII, XIV, thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, cũng yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản về nhà hát cho đoàn Đại biểu quốc hội, bởi – ông Lộc nói : "khi đoàn khác hỏi chúng ta phải có chính kiến, phải phân công đại biểu giải trình về vấn đề này".

Ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thật sự biết đến và đọc qua bản vẽ thuyết minh dự án nhà hát này hay chưa mà dám tuyên bố dự án nhà hát giao hưởng đặt ở Thủ Thiêm là lựa chọn hợp lý nhất ?

Mãi cho đến sáng hôm 19/10, ông Phan Nguyễn Như Khuê mới nhận được báo cáo gửi Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về các nội dung liên quan dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm từ Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh sau yêu cầu của Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (như đã nói ở trên !).

…đến độ tỉnh không ở bến Bạch Đằng

"Dự kiến xây dựng 2 cầu đi bộ nối quận 1 và Thủ Thiêm. Đó là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4 chiều 18/10". Báo Người Lao Động có bài viết với nội dung như vậy trong số phát hành lúc 17g30 ngày 18/10 (1).

Nối quận 1 với Thủ Thiêm bằng 2 cây cầu dành cho khách bộ hành, xem ra chỉ có thể nằm trong giới hạn khúc bờ tây sông Sài Gòn từ đoạn gần Ba Son cũ, kéo dài đến cột cờ Thủ Ngữ, cùng trên đường Tôn Đức Thắng. Nơi đây lâu nay xà lan container và tàu tải đường sông vẫn thường xuyên ra vào các cảng. Độ tỉnh không an toàn cho tàu bè qua lại đối với cầu bộ hành sẽ có chiều cao bao nhiêu, độ dốc bao nhiêu độ để người đi bộ không phải quá gắng sức ? (2).

"Sau này từ phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể đi chuyển sang Thủ Thiêm bằng cầu đi bộ". Báo Người Lao Động đã dẫn lời của ông Nguyễn Thiện Nhân. Như vậy, hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng đã bị đốn sạch với lý do là để xây cầu nối quận 1 với Thủ Thiêm, sẽ phải như thế nào, khi ông Bí thư tính đấu thầu thêm cây cầu băng sông tính từ cuối đường Nguyễn Huệ sang Thủ Thiêm chỉ dành cho khách đi bộ ? (3).

Tầm nhìn của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ?

Hàng loạt câu hỏi xin gửi đến ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : Một, trên thế giới có quốc gia nào làm cầu đi bộ để bắc qua sông lớn như Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ mục đích thong dong thưởng ngoạn ?

Hai, các cầu bộ hành hiện tại ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ dài tối đa khoảng vài chục mét, cao tầm 2 - 3 m mà đa phần người đi bộ đã lười sử dụng. Trong khi đó, với cầu vượt bộ hành băng sông dự kiến tĩnh không 10m, bằng với độ cao cầu Thủ Thiêm, chiều dài ít nhất cũng khoảng 400m ; bởi chỉ riêng khoảng cách giữa hai bờ đông - tây sông Sài Gòn đoạn ngang quá bán đảo Thủ Thiêm đã là 350m.

Như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu người chịu khó trèo lên độ cao này, rồi đi bộ hơn nửa cây số (bao gồm đường dẫn trên bộ ở hai đầu cầu) để qua sông Sài Gòn, nhất là ở Sài Gòn tiết trời chỉ dịu mát khi tắt nắng ?

Ba, khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi của quận 1 hiện không có nơi giữ xe đủ đáp ứng nhu cầu khách đến làm việc. Để đi bộ qua cầu sang Thủ Thiêm, người dân phải gửi xe ở đâu ? Lý thuyết đô thị học cho biết việc xây cầu đi bộ chỉ thu hút được người dân khi khoảng cách và thời gian đi bộ là ngắn nhất.

Bốn, vốn để xây dựng ? Các hình thức BOT hay BT không thể gọi là xã hội hóa được, mà thực chất là huy động nguồn vốn khác ngoài vốn nhà nước. Đây thực chất là một dạng đổi đất lấy công trình. Chủ đầu tư sẽ tính đến cách này, cách nọ để thu hồi vốn ; đó là chưa kể các khoản ‘lợi quả’ khi ký kết làm ăn, nghiệm thu công trình.

Lưu ý, đồng hồ nợ công của Việt Nam, tính đến lúc 11g ngày 19/10/2018, bình quân là 55.994.554 đồng/người (4).

Một đồng nghiệp đã cảm thán với người viết về băn khoăn chuyện tầm nhìn Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rằng hãy mời ông Nguyễn Thiện Nhân chịu khó đi thang máy lên tầng cao của Landmark ngó xuống, sông Sài Gòn như chỉ tay lọt thỏm giữa các gò đồi của bàn tay thành phố, mà đường mạng đạo bị lấn xén từng ngày. Không giữ, không khơi nó bằng tâm sạch, khí trong, chất tốt, thì trường mạng sẽ biến thành đoản mạng, lúc đó có Hoa Đà, Biển Thước cũng không cứu nổi…

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 20/10/2018

(1) http://bit.ly/2pYhpwk

(2) Độ tỉnh không cầu Thủ Thiêm hiện nay là 10 mét

(3) Nguồn đã dẫn

(4) https://countrymeters.info/en/Vietnam/economy

Published in Diễn đàn

Đảng đang tiếp tục khoét sâu sự bất bình đẳng chính trị trong xã hội ?

Những bất bình đẳng ấy, với người dân miền Nam, có lẽ bắt đầu từ sau tháng tư năm 1975.

quoctang1

Gia đình ông Trần Đại Quang đã lựa chọn nghi thức Phật giáo để đưa tiễn người thân của mình về nơi an nghĩ

Trong lễ Quốc tang Trần Đại Quang có một tình tiết mà dường như các quốc tang trong thời gian vừa qua đều không có : gia đình người mất xin miễn nhận phúng điếu. Ngoài ra bàn thờ hương linh được đặt bày theo nghi thức Phật giáo, điều mà ở quốc tang gần nhất của cố thủ tướng Phan Văn Khải cũng không có những hình ảnh này, mặc dù khi ấy báo chí nhận tin là gia đình ông Khải mong muốn lễ tang của ông được tiến hành trong khuôn viên đất đai gia đình, và theo nghi thức Phật giáo.

Xem ra sự bất bình đẳng về chính trị mà Đảng đặt để ra đã bắt đầu được chính những gia đình đảng viên dần phá vỡ.

Ở Việt Nam, chính trị phải đồng nghĩa với Đảng cộng sản

Thế nhưng dường chừng Đảng vẫn chưa chấp nhận điều đó, khi trong một phát biểu vào sáng ngày 25/9 tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lặp lại điệp khúc quen thuộc mang đậm màu sắc kiểu chủ nghĩa ‘a-pac-thai’ (1), khi yêu cầu người sẽ đứng đầu nhiệm kỳ mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải "có bản lĩnh chính trị vững vàng".

quoctang2

Thẻ đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

"Bản lĩnh chính trị vững vàng", theo huấn thị của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, là "phải đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/05/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ ; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp" (2).

Ông Tổng bí thư cũng ra đề bài cho người sẽ ngồi vào ghế chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là cần giải quyết thực trạng "một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân... ; một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội". (Nguồn đã dẫn).

Ông Tổng bí thư tiếp tục khoét sâu về sự bất bình đẳng về quyền tự do chính trị được Hiến định (3), khi đưa ra mệnh lệnh cho vị tân chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ mới : "Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc". (Nguồn đã dẫn)

Trình độ chính trị : ‘A-pac-thai’ lý lịch

Sự độc quyền chính trị ấy còn hiện diện trong tất cả thủ tục hành chánh có liên quan tới phần lý lịch cá nhân, với việc luôn có đề mục khai bắt buộc mang tên "Trình độ chính trị". Mặc định có các lựa chọn để tự ghi : đảng viên, đoàn viên, quần chúng. Chi tiết hơn thì "Cao cấp chính trị", "Trung cấp chính trị", "Sơ cấp chính trị". Chính trị trong phân chia 3 cấp bậc này đều cùng đồng nghĩa với "Đảng cộng sản".

Sự bất bình đẳng chính trị suốt hơn 40 năm qua còn được thể hiện trong điều mà ai cũng tưởng rất nhỏ nhoi, đó là ở tấm thẻ Chứng minh Nhân dân, (hay gần đây dùng lại tên gọi như ở miền Nam trước năm 1975 là Thẻ Căn cước), có mục "Dân tộc". Người Việt, ai cũng được mặc định ghi trên tấm thẻ đó là dân tộc ‘Kinh’.

Với người miền Nam, họ rất lạ lùng khi sau tháng 4/1975, gần như đụng tới thủ tục hành chánh gì cũng buộc phải khai lý lịch. Chuyện "ngụy", xin không bàn ở đây. Tự dưng ai cũng phải khai là dân tộc Kinh. Phải chăng "Kinh" để phân biệt với "người Thượng" mà dân miền Nam vẫn hay dùng trong khẩu ngữ ?

"Người Kinh" trong khẩu ngữ miền Nam được hiểu là cách nói gọn của "người Kinh đô", khác với cách hiểu về người Kinh của miền Bắc dễ nhầm lẫn đây là một sắc tộc đến từ Trung Hoa (4).

Tương truyền, sau khi lên ngôi, Gia Long đã cho tuyển chọn và bổ nhiệm người thân thích, họ hàng tỏa đi khắp nới nắm giữ các chức vụ từ làng xã cho đến huyện, phủ… Hết bà con thì lấy người đồng hương Phú Xuân, kinh đô nhà Nguyễn, đất tổ của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Kim. Người Kinh có nghĩa là người Kinh đô. Dần dà, khái niệm "người Kinh" được mở rộng thành người miền xuôi, bao gồm cả người Hoa, người Chăm…

Ngược lại, theo cách hiểu giản lược ở miền Nam là "người Thượng" nghĩa là người miền núi, người vùng cao. Bởi đơn giản khi gọi là dân tộc Thái, Hoa, Chăm, H’ Mông, Tày, Nùng, Ê Đê…, thì phải dùng từ dân tộc Việt. Phải chăng đây cũng là một thứ ‘apartheid’ chính trị mà Hà Nội đã áp đặt trên toàn quốc từ sau tháng tư, 1975 ?

Người viết bài này không những chỉ muốn mình là dân tộc Việt, mà còn muốn bất kỳ ai là dân tộc Việt cũng được thực hiện quyền tự do chính trị, một thứ chính trị không phải là độc quyền của những người nhân danh đảng viên cộng sản như ông Nguyễn Phú Trọng.

Điều đó cũng giống như gia đình ông Trần Đại Quang đã lựa chọn nghi thức Phật giáo để đưa tiễn người thân của mình về nơi an nghĩ, chứ không phải bằng những bài phát biểu giáo điều tuyên giáo đảng mà sinh thời người mất đã nghe nhàm tai (!?).

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 28/09/2018

Chú thích :

(1) Trong khái niệm ‘apartheid’ (phân biệt chủng tộc) hay ‘apartness’ (phân lập). Chính sách phân lập đã loại tất cả những người không phải là da trắng ra khỏi các cơ quan quyền lực, trừ một số rất ít người da màu. Các cá nhân trong xã hội bị phân loại theo chủng tộc. Sự phân loại đó được thừa nhận về mặt pháp lý và được xây dựng thành luật để quản lý các nhóm người trong xã hội. Quyền công dân của người da màu và da đen bị siết chặt, kể cả quyền bầu cử.

(2) Trích diễn văn của ông Trọng, sáng ngày 25/9, bài diễn văn có tại http://bit.ly/2xFiNbE.

(3) Hiến pháp 2013, Điều 14.1 "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật" ; Điều 16 "1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội" ; Điều 25 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" ; Điều 28 "1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội ; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân".

(4) Người Việt hay người Kinh là một dân tộc hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Đây là dân tộc chính, chiếm khoảng 86,2% dân số Việt Nam và được gọi chính thức là dân tộc Kinh để phân biệt với những dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Ngôn ngữ chính sử dụng là tiếng Việt theo nhóm Việt-Mường. Người Kinh sinh sống trên khắp toàn thể nước Việt Nam và một số nước khác nhưng đông nhất vẫn là các vùng đồng bằng và thành thị trong nước.

Published in Diễn đàn

Ở Hà Nội, Ninh Bình và Sài Gòn, một số chùa đã tiến hành tụng niệm cầu siêu cho hương linh cố chủ tịch Trần Đại Quang. Đây là nghi thức Phật giáo mà lễ Quốc tang không chấp nhận. Dưới góc nhìn của một Phật tử, xin được chia sẻ đôi điều.

doc1

Trong những lần được lắng nghe Thượng tọa Thích Thiện Minh – người tù nhân lương tâm từng chịu mức án 26 năm tù của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giảng giải, tôi hiểu rằng việc tụng niệm cho hương linh là cần thiết, vì hương linh đó sẽ trải qua 3 giai đoạn : lúc lâm chung, lúc tiếp dẫn, và lúc tái sinh.

Giai đoạn đầu tiên là ba ngày đầu sau lâm chung. Theo quan niệm Phật giáo, đối với những người đã tạo nghiệp đặc biệt, đều chuyển ngay sau khi qua đời, có 2 loại người :

1) Người tu hành. Trường hợp các vị Thiền sư đạt đạo, các vị tu Tịnh Độ, biết trước ngày giờ lâm chung. Các vị này nhập vào đại định hòa hợp cùng Pháp thân Phật thoát khỏi vòng sinh tử, hoặc được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Còn trường hợp người phạm tội Ngũ nghịch, đại ác. Những người này đọa sinh ngay tức khắc xuống địa ngục sau khi chết.

2) Thứ hai là đối với những người bình thường. Giai đoạn lâm chung kéo dài từ lúc tim ngừng đập cho đến hết 3 ngày. Sau khi chết, thần thức :

1) Thấy thân thể nặng nề, lạnh lẽo : Vì do đất, nước, gió, lửa bắt đầu tan rã do thân thể phân hóa.

2) Thấy ánh sáng chói lòa. Ánh sáng này là Pháp Thân Phật, hiện ra trong chớp mắt hoặc lâu tới một giờ tùy theo phúc duyên của người chết. Nếu thần thức tỉnh táo nhận ra Pháp Thân Phật, thần thức sẽ nhập ánh sáng chói lòa và thoát vòng sinh tử. Nhưng đối với người không tu, không dễ nhìn ra Pháp Thân Phật, hoặc có thấy được cũng vì vô minh mà sinh tâm sợ hãi, né tránh.

Nếu cơ hội qua mất, tiếp theo là :

3) thấy tối tăm. Khi ánh sáng chói lòa biến mất, thì mù mịt tối đen, thần thức (hay hương linh) của người chết lúc này như trong đêm tối u mê ; sau đó thần thức tỉnh lại, thấy thân nhân tụ tập nói chuyện, buồn rầu, khóc than..., lúc này thần thức chưa biết là đã chết. Thần thức liền nói chuyện hỏi han, nhưng như chẳng ai để ý và nói chuyện cùng thần thức, có khi thần thức cảm thấy bực bội vì sự việc như thế ; trải qua thời gian khá lâu như thế, thần thức mới hiểu ra là đã chết rồi.

Giai đoạn thứ hai là tiếp dẫn, được tính từ ngày thứ 4 đến hết ngày 17. Sau khi tim ngừng đập hết 3 ngày, thần thức bắt đầu Thân Trung Ấm, nghĩa là "ấm" trước đã hết, "ấm" sau chưa sinh có thân chuyển hóa nơi khoảng giữa gọi là Thân Trung Ấm, thân này có thể kéo dài tới ngày thứ 49 sau khi chết. Giai đoạn hai ở vào thời gian tiếp dẫn của chư Phật, kéo dài 14 ngày, tùy theo phúc duyên, nghiệp cảm đã tạo ra trong suốt đời người quá cố, Thần thức có thể rời Thân Trung ấm.

Các việc cần làm thời gian này là :

1) Niệm Phật : Hộ niệm cho Thần thức nương theo lời niệm Phật để khi Phật tới dễ dàng hòa nhập tiếp dẫn.

2) Tụng Kinh A-Di-Đà : Để nhắc nhở thần thức chú tâm nhận sự tiếp dẫn của Phật A-Di-Đà về cõi An Lạc.

3) Tụng Kinh Cầu Siêu : Trợ duyên cho thần thức, lời Kinh nhắc nhở về vô thường, để thần thức dễ siêu thoát.

4) Nhắc nhở thần thức : Những lúc không niệm Phật tụng Kinh, chúng ta thường xuyên nên nhắc nhở thần thức về các hiện tượng xảy ra trong giai đoạn 14 ngày này để cho thần thức biết, hiểu và hành động theo lời chúng ta nhắc nhở là : Thần thức không nên thích ánh sáng mờ nhạt, vì đó là các cảnh xấu, nơi không tốt ; Thần thức không nên sợ hãi ánh sáng chói lòa, vì đó là hào quang Phật, nên hòa nhập.

Giai đoạn 3 gọi là thụ sinh (tái sinh), được tính từ ngày 18 đến ngày 49 (trong 32 ngày). Thời gian thọ sinh vào 6 cõi (trời, thần, người, ngạ qủy, súc sinh, và địa ngục) lâu mau tùy theo nghiệp của mỗi người đã tạo trong khi còn sống. Thần thức không biết là mình đang tiến gần đến chỗ phải thọ sinh. Tùy theo nghiệp duyên của mỗi người, thần thức sẽ thấy một trong những cảnh tướng khác nhau mà phải thọ sinh chậm nhất là ngày thứ 49.

Như vậy, với góc nhìn của một Phật tử, tôi nghĩ rằng việc một số chùa tổ chức nghi thức hộ niệm cho cố chủ tịch Trần Đại Quang là việc làm hoan hỉ.

Theo giáo lý đạo Phật thì tụng kinh là để cầu an và cầu siêu. Do đó, tụng bộ kinh nào cũng được, vì kinh Phật nào cũng có tác dụng phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sinh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng.

Nếu sinh tiền, ông Trần Đại Quang có những việc làm sai trái, thậm chí cả việc gây tội ác, thì lúc hộ niệm, chính bản thân những Phật tử cũng sẽ tự soi lại mình, để hiểu cần làm lành, tránh ác để có thể mau chóng thọ sinh khi từ giã cõi trần.

Bàn luận mở rộng về ý nghĩa chính trị, về một quyền tự do tôn giáo được Hiến định [*], khi những đảng viên cùng chia sẻ những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật, họ sẽ thấu cảm những lời sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật nói ra. Khi ấy, chắc chắn dẫu là đảng viên hay Phật tử đã chí tâm trì tụng, sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người xung quanh. Đồng thời, ôn lại những lời Phật dạy làm phương châm đời sống hàng ngày để cho chúng ta có thể sống hạnh phúc và an lạc hơn.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 24/09/2018

[*] Hiến pháp 2013, Điều 24 :1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Published in Diễn đàn

Dường chừng các nội dung mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đưa ra cho báo chí hôm 13/9, là nguyên cớ cho tiếp nối đợt ‘truyền thông bẩn’ tràn ngập các báo điện tử quốc doanh.

Hai ông cựu bộ trưởng sẽ ăn tết Trung thu ở đâu ?

Các biên tập viên ở nhiều tòa soạn báo điện tử tại Sài Gòn đang chuẩn bị tư liệu cho loạt bài về khả năng hai ông cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn sẽ ‘không qua được mùa trăng tháng tám’, khi trong 2 ngày 10 đến 12/9, Ủy ban Kiểm tra trung ương của Đảng cộng sản đã bước vào kỳ họp thứ 29 để xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Không rõ có phải vì liên quan đến hai ông trùm truyền thông – tuyên giáo một thời hay không, mà báo chí hiện đang vào đợt truyền thông ‘câu like bẩn bựa’ đầy khó hiểu.

ban1

Báo chí Việt Nam nóng vì chuyện... showbiz. Ảnh : chụp lại từ màn hình

Trên tờ VietnamNet của Bộ Thông tin và truyền thông hiện có một clip phỏng vấn ghi là "độc quyền", với lời giới thiệu đầy ngôn tình như sau : "Trong clip mới nhất, cả hai cũng không ngần ngại trả lời những câu hỏi 'nhạy cảm'. An Nguy sẽ nói gì khi được hỏi thích điểm gì nhất trên cơ thể Kiều Minh Tuấn ? Cô thích hôn Trấn Thành hay Kiều Minh Tuấn hơn khi đóng chung phim ? Còn Kiều Minh Tuấn sẽ phản ứng ra sao khi bất ngờ được hỏi thích An Nguy ngực to hay ngực nhỏ và anh lưu tên An Nguy trong danh bạ điện thoại là gì ?".

Theo một xác nhận của phóng viên Thùy Trang - báo Người Lao Động, thì chiếm tiêu điểm trên mặt truyền thông ở báo chí nhà nước hôm 14/9 là chuyện tình Kiều Minh Tuấn - An Nguy. Tuyến bài về hai nhân vật này được chuẩn bị từ mấy hôm trước đó, và vào chiều ngày 13/9, các báo bắt đầu lên lịch đăng tải đồng loạt vào hôm 14/9.

Kịch bản từ Tuyên giáo Đảng ?

Có lẽ ‘truyền thông bẩn’ như nói trên còn nhằm che đậy những kết quả mà Hà Nội không muốn được bộ máy Google ‘search’ dễ dàng trong những trang tìm kiếm đầu tiên về VBS.

Trái ngược báo chí Việt Nam, phía hãng tin nước ngoài như Reuters trong phần nội dung thời sự liên quan Việt Nam, lại tập trung về Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS-Vietnam Business Summit) 2018 ; trong đó có những nội dung chi tiết về các ông trùm Facebook, Google khi gặp gỡ với quan chức cấp cao ở Hà Nội đã đặt vấn đề ra sao về Luật An ninh mạng của Việt Nam sắp hiệu lực (1), mà báo chí Việt Nam không thấy đăng tải các nội dung này.

Ngay cả câu chuyện về đòi hỏi nhân quyền nêu tại VBS 2018 được CNN tường thuật (2), cũng không thấy báo chí Việt Nam đăng tải.

Đâu chỉ vậy. Tuyến bài về VBS 2018 ở các báo Việt Nam phiên bản điện tử, hiện đã được xử lý ‘chìm’ ; kể cả trang điện tử của Thông Tấn Xã Việt Nam. Trong khi đó thì "Kiều Minh Tuấn sẽ phản ứng ra sao khi bất ngờ được hỏi thích An Nguy ngực to hay ngực nhỏ" lại đang được đẩy lên làm tuyến bài nóng (breaking news).

Tiếp theo sau những dậy sóng truyền thông có lớp lang của công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại, của các nhan sắc có danh hiệu đã tham gia đường dây mãi dâm vài chục ngàn Mỹ kim…, liệu vài hôm nữa sẽ là vụ việc ‘bẩn bựa’ nào đây ? Bởi trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về "báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ" hôm 14/9, có đoạn viết rằng (đại ý) Chính phủ đừng báo cáo suông, mà cần xử lý tham nhũng dưới hình thức "nhóm lợi ích", "sân sau"… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế ở các vụ như MobiFone mua AVG, Thủ Thiêm.

Liệu ngoài 2 vị cựu bộ trưởng như nói ở trên, thì cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và đương kiêm phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang có phải là "nhóm lợi ích", "sân sau" cần phải xử lý đến nơi đến chốn như yêu cầu ở báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ?

Xin nhớ rằng pha loãng dư luận là ngón nghề của báo chí, đặc biệt là truyền thông tuyên giáo Đảng.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 16/09/2018

(1) https://www.reuters.com/article/us-facebook-vietnam/vietnam-urges-facebook-to-open-office-ahead-of-controversial-cyber-law-idUSKCN1LU13O

(2) https://edition.cnn.com/2018/09/13/asia/aung-san-suu-kyi-rohingya-reuters-intl/index.html

Published in Diễn đàn

Chiều 4/9, một nhà báo tự do ở quận 9, Sài Gòn đã bị đám đông tấn công. Sáng 5/9, tại quận Gò Vấp, Sài Gòn, cửa rào của một nhà báo quốc doanh bị ai đó treo một đầu của con chó bị cắt nham nhỡ, kèm tin nhắn qua điện thoại yêu cầu phải gỡ hết các bài viết tố cáo lãnh đạo tham nhũng…

den1

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã bị đe dọa tính mạng khi từ chối gỡ bài liên quan đến "lãnh đạo tỉnh Quảng Trị".

Chứng cứ ghi nhận ban đầu từ đồng nghiệp của cả hai vị nhà báo nói trên, cho thấy ở đây vụ hành hung và đe dọa từ ‘nhóm người lạ’ đều có bóng dáng bảo kê của thế lực thuộc công quyền. Điều này cho thấy dường như sức mạnh của cơ bắp đang được cả chính những người trong bộ máy chính quyền, hoặc từng giữ vị trí trong bộ máy này, sử dụng để trừng trị bất kỳ nhà báo nào dám học đòi cụ Đồ Chiểu "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà".

"Chúng tôi chờ cả 20 phút không thấy Công an đến, tôi gọi Cảnh sát 113 lần nữa, Cảnh sát 113 bảo tôi đọc số nhà gần đó, số 14D đường 990. Sau đó nhiều người xúm lại hỏi thăm và chờ Công an đến, mãi đến gần 18g30 Công an phường mới đến cùng một dân phòng…". Ông nhà báo tự do kể, và nói thêm rằng chuyện bị hành hung như vầy với ông không mới mẻ, bởi có lần ông còn bị đánh tét đầu, phải nằm ở bệnh viện Sài Gòn đến 7 ngày. Mặc dù ông đã trình báo và làm các thủ tục hành chánh cho yêu cầu tố tụng của một vụ án, song mọi chuyện vẫn không được giải quyết rốt ráo, mà cứ dằn dai.

Ông nói mình tôn trọng pháp luật, sẳn sàng kiên nhẫn theo từng bước thủ tục để yêu cầu làm rõ ‘nhóm người lạ’ là ai, và pháp luật phải được thực thi đúng như tuyên bố "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" (Điều 2, Hiến pháp 2013) ; và "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm ; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" (Điều 20, Hiến pháp 2013).

Ngay cả việc ông có những ý kiến mang tính phản biện về các chính sách, thì đây cũng là quyền tự do chính trị của công dân đã Hiến pháp bảo hộ tại Điều 14, Hiến pháp 2013. Không phải vì lên tiếng như thế mà ‘nhóm người lạ’ có quyền hành hung ông.

den2

Blogger, nhà báo Huỳnh Công Thuận bị côn đồ hành hung vào chiều ngày 4/9. Ảnh : Facebook

Còn ở vụ việc của nhà báo quốc doanh, theo quy trình thì sự lên tiếng ngoài đương sự, còn có ở chính cơ quan báo chí nơi người ấy làm việc ; ngoài ra còn thêm cơ quan chủ quản và Hội Nhà báo nơi nhà báo ấy đang sinh hoạt. Nói như vậy để thấy rằng mặc dù có hàng loạt cơ quan chức năng ít nhiều quyền lực, song dường như các ‘nhóm người lạ’ không hề e dè, không hề kiêng nể.

Một vụ việc gần nhất có lẽ đang đi vào ngõ cụt là vụ phóng viên Hải Đường, tức Đặng Thị Tuyền, phóng viên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng đại diện tại Hà Nội). Ngày 10 tháng sáu, 2018 Tuyền mất liên lạc với gia đình. Khoảng 17 giờ ngày 12 tháng sáu, thi thể Tuyền được phát hiện trôi xa hơn 2 cây số mắc vào bãi giữa sông Hồng, ở khu bến đò Vạn Phúc.

Theo nhiều đồng nghiệp vào cuộc vụ này, thì rất có thể đây là đòn răn đe khi nữ ký giả này tiếp tục lăn xả điều tra và thực hiện loạt bài viết về thu hồi đất trái quy định của chính quyền Hà Nội.

"Nhóm người lạ’ công khai đánh người dân đang thực hiện quyền biểu tình. ‘Nhóm người lạ’ sẳn sàng ra đòn trực diện một nhà báo lớn tuổi, cô thế. ‘Nhóm người lạ’ cũng chẳng ngại gì các nhà báo quốc doanh, không những hăm he, mà còn có thể lấy luôn cả tính mạng.

Những ‘nhóm người lạ’ ấy là ai ?

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 07/09/2018

Published in Diễn đàn

Câu hỏi được đặt ra với luật sư Trần Thành, nhân việc ông có bài viết đặt nghi vấn dường như đã có đảng phái đối lập tại Việt Nam, đăng trên Việt Nam Thời Báo hôm 18/8 (1).

luong1

 

Thông cáo báo chí về việc bắt ông Lê Đình Lượng

Giành chính quyền, cướp chính quyền hay lật đổ chính quyền ?

"Tôi nghĩ rằng có thể mượn sự kiện lịch sử 19/08/1945 để bàn luận về chuyện làm sao để có thể giành chính quyền, hay cướp chính quyền, qua đó sẽ hiểu ngay việc lật đổ chính quyền là điều không dễ dàng, nhất là khi không có quân đội, hoặc được sự ủng hộ của quân đội". Luật sư Trần Thành nói.

Theo ông, Điều 79 của Bộ Luật hình sự 1999, và được thay thế bằng Điều 109 của Bộ Luật hình sự 2015, có cùng cách hiểu về tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân", thế nhưng ở Điều 109 có khoản 3 ghi rằng ai chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm tù.

"Ông Lê Đình Lượng, nếu đúng như cáo buộc, thì bản án tuyên xử phải căn cứ vào khoản 3 của Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015, vì 2 lẽ : thứ nhất, trong phiên xét xử hình sự sơ thẩm, qua các bài tường thuật trên hệ thống báo chí nhà nước, cho thấy cả thẩm phán là kiểm sát viên đều không yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ ai là những đồng chí của ông Lượng.

Hai nhân chứng Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng được cơ quan điều tra cho là những đồng chí của ông Lượng, thì lại không được quyền tham gia xét hỏi của luật sư bào chữa tại phiên tòa.

Tại phiên xét xử vẫn không có câu trả lời, rằng ông Lê Đình Lượng đã tổ chức lực lượng như thế nào để có thể lật đổ chính quyền ? Vì sao tổ chức Việt Tân không được triệu tập ra tòa với tư cách là "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan", hoặc nhân vật cụ thể nào đó của Việt Tân trong vai trò "chủ mưu" ?

Như vậy, nếu đảng Việt Tân đã tổ chức tại Việt Nam là có thật, thì ông Lượng chỉ là đồng phạm. Mức án của ông sẽ từ 5 đến 15 năm theo quy định tại khoản 2 của Điều 79.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3, Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015, thì mức án của ông Lượng sẽ có khung từ 1 đến 5 năm. Căn cứ pháp lý cho vận dụng điều luật này là Công văn số 04/TANDTC-PC, do phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Trí Tuệ ký ngày 09 tháng 01 năm 2018. Theo đó, "Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành), khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm và thi hành án hình sự cần áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau :

(…) b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng ; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới ; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích".

[trích]

Ai cầm đầu, ai chủ mưu ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ ?

Luật sư Trần Thành biện luận :

"Vấn đề là liệu phiên xét xử hình sự phúc thẩm tới đây (nếu ông Lượng ‘chống án’) có xác lập việc tồn tại một đảng phái khác ngoài đảng cộng sản đang hoạt động tại Việt Nam hay không ? Nếu không, thì liệu phiên phúc thẩm này có chọn tuyên theo hướng trả hồ sơ lại để điều tra làm rõ vai trò chủ mưu của tổ chức Việt Tân ?

Bởi trong các tài liệu tập huấn xét xử về nhóm tội danh liên quan an ninh quốc gia, tôi tin rằng các vị thẩm phán, các vị kiểm sát viên hiểu tường tận về mặt chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào đủ tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự, có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch".

Liên quan Điều 79, hay Điều 109, xét mặt chủ quan là do lỗi, tội phạm thực hiện hành vi phạm tội với hình thực lỗi cố ý trực tiếp, và mục đích là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Còn về mặt khách quan của tội phạm được thực hiện ở một trong hai hành vi sau : Thứ nhất là hành vi thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đối với loại hành vi này tội phạm được coi là hoàn thành. khi chủ thể đề ra chủ trương, điều lệ, kế hoạch hành động. Như vậy, cần công bố nội dung ‘điều lệ’, ‘chủ trương’ và ‘kế hoạch hành động’ cụ thể nhằm mục đích ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ mà ông Lê Đình Lượng đã chấp bút soạn thảo.

Thứ hai, hành vi tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, chủ thể biết rõ hoạt động của tổ chức ấy là lật đổ chính quyền nhân dân. Tội phạm được coi là hoàn thành khi ghi tên tham gia vào tổ chức, hoặc có biểu hiện tham gia vào tổ chức. Như vậy, theo cáo trạng thì ‘tổ chức’ trong vụ buộc tội ông Lê Đình Lượng là Việt Tân. Buộc tội này sẽ không thuyết phục nếu như không công bố bút lục nào kèm theo từ lấy lời khai của cá nhân nào đó thuộc tổ chức này tại Mỹ, hoặc một nước thứ ba ?

Diễn biến tại phiên hình sự sơ thẩm, theo tường thuật của một nhà báo quốc doanh, "Lê Đình Lượng đã rủ rê Nguyễn Văn Hóa (trú tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vượt biên sang Lào, Campuchia tham gia tập huấn các lớp đào tạo của Việt Tân về "vai trò người lãnh đạo" và "truyền thông báo chí", do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam. Từ năm 2010 đến 2017, tại các địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Lê Đình Lượng còn rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ Nguyễn Văn Oai, Đinh Hữu Toàn, Ngô Văn Mai, Nguyễn Viết Dũng... tham gia vào tổ chức Việt Tân, nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lê Đình Lượng nhiều lần kích động người dân và tham gia các hoạt động chống đối xảy ra trên địa bàn Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An). Lợi dụng cái gọi là "bảo vệ môi trường", Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã kích động tuần hành, biểu tình gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm ; cung cấp kinh phí, phương tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…" (2).

"Liệu với chủ trương bất bạo động do "các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh", thì ông Lê Đình Lượng đã có thể đủ sức mạnh lật đổ chính quyền nhân dân - một chính quyền có quân đội và công an luôn tư thế sẳn sàng trấn áp bằng sức mạnh cơ bắp bất kỳ cuộc biểu tình, hoặc manh nha biểu tình nào ?

Tôi tin rằng ngay cả đảng Việt Tân nếu được quyền hoạt động công khai tại Việt Nam, cũng không làm được chuyện lật đổ chính quyền nhân dân. Chỉ có dân mới lật được thuyền", Luật sư Trần Thành nhận định.

Theo Luật sư Trần Thành, nếu vẫn giữ nguyên cáo buộc về tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân", thì chỉ có thể tuyên ông Lê Đình Lượng mức án tại khoản 3, Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 22/08/2018

(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/8794-vi-t-nam-da-co-d-ng-d-i-l-p

(2) http://bit.ly/2wgDwAU

Published in Diễn đàn