RFA, 11/03/2022
Vào ngày 9 tháng 3 năm 2022, Tổng Lãnh sự Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh- Bà Josefine Wallat đã có cuộc gặp với một số nhà hoạt động cho nhân quyền, tự do tôn giáo và gia đình các tù nhân lương tâm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Courtesy MS Phạm Ngọc Thạch
Có mặt tại buổi gặp gỡ, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn - thân phụ của nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, hôm 11/3 cho RFA biết về cuộc gặp với bà Josefine Wallat :
"Hôm 9/3, lúc 6 giờ chiều tôi được bà Tổng Lãnh sự Đức mời đến dự bữa cơm tại một nhà hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tôi đi cùng anh Võ Ngọc Lục, Mục sư Phạm Ngọc Thạch, MS Khánh và cô Huỳnh Thị Kim Nga (vợ của tù nhân lương tâm Ngô Dũng)... Mục đích của cuộc gặp là bà Tổng Lãnh sự muốn biết về tình hình của Thục Vy hiện nay đang bị giam giữ ở đâu ? Có được gặp gia đình chưa ? Tôi có nói Vy đang bị giam ở trại Gia Trung, có gọi và gởi thư về nhà 3 lần. Chúng tôi không được gặp nhưng được gởi quà, gởi thư... thì bà nói như vậy cũng tạm ổn".
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn cho biết, khi ông kể về những cuộc nói chuyện giữa Huỳnh Thục Vy và các con... thì bà Tổng lãnh sự Josefine Wallat cho biết rất buồn và xin chia sẻ cùng gia đình ông. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn cho biết thêm về những kiến nghị ông gởi đến Tổng lãnh sự Đức :
"Bà có hỏi tôi có đưa ra yêu cầu gì không vì sắp tới bà sẽ gặp một số giới chức Việt Nam. Tôi có xin bà nói dùm cho gia đình chúng tôi một tiếng... là với những người lớn trong gia đình chúng tôi thì chịu khổ, chịu đau thương và vất vả quen rồi... nhưng với hai đứa nhỏ con Thục Vy thì đúng là một sự tổn thương tình cảm và tinh thần rất lớn... Nên tôi mong bà nói với họ để cho Thục Vy được gặp hai cháu. Tôi chỉ yêu cầu chừng đó thôi".
Bà Huỳnh Thục Vy, 36 tuổi, là một blogger nổi tiếng và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ nữ Nhân quyền. Bà bị tòa án tại Buôn Hồ vào ngày 30/11/2018 tuyên án hai năm chín tháng tù giam với cáo buộc "Xúc phạm Quốc kỳ" theo Điều 276 Bộ Luật Hình sự.
Bà Vy sau đó được tạm hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên bà đã bị công an bắt giữ lại vào ngày 1/12/2021 tại Đắk Lắk mà không rõ lý do, dù chưa hết thời gian hoãn thi hành án.
Năm 2012, bà Vy cùng cha mình là cựu tù nhân lương tâm - nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett để "ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị".
Mục sư Phạm Ngọc Thạch, người cũng được mời gặp gỡ Tổng Lãnh sự Đức hôm 9/3, nói với RFA :
"Tôi được mời dùng cơm với Tổng Lãnh sự Đức, sau đó tôi mời bà về nhà để dùng bát cơm rau thắm mối tình quê trong sự thân ái. Không có sự cản trở nào từ phía chính quyền, tuy nhiên họ vẫn theo dõi sát sao. Sáng hôm nay họ vẫn còn gác nhà tôi đến 2 giờ chiều họ mới về. Tôi cũng nói với Lãnh sự về những tù nhân tôi giáo, đặc biệt những người án nặng, khi bà gặp chính quyền thì nói một tiếng để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giúp cho những tù nhân tôn giáo sớm được trả tự do. Tôi thấy mọi chuyện cũng dễ, quan trọng là chính quyền có thương người dân Việt không thôi ? Chứ tôi thấy họ không làm gì sai, họ rất tốt, chỉ biết Chúa... Hôm đó tôi thấy họ (an ninh) rất dè chừng, tôi gặp bà Lãnh sự về rồi mà không hiểu sao họ còn gác tôi từ sáng đến 2 giờ chiều, đến lúc bà lên máy bay thì họ mới về. Tôi thấy vậy là không cần thiết, không hay, tôi đi đâu cũng đi theo, mất đi sự tự do của tôi".
Mục sư Tin Lành Mennonite Phạm Ngọc Thạch, một cựu tù nhân lương tâm từng bị án tù hai năm và liên tục bị sách nhiễu, hành hung về những hoạt động tôn giáo cũng như đấu tranh cho quyền con người tại Việt Nam.
Được biết, tại buổi gặp các nhà hoạt động, bà Tổng Lãnh sự Josefine Wallat cũng tìm hiểu thông tin về một số tù nhân lương tâm đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Cùng được mời tham dự cuộc gặp, bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng nói với RFA về cuộc gặp :
"Chị cũng nói với bà Lãnh sự là anh Dũng không được khỏe. Ăn tối xong rồi về. Cô có hẹn thăm nhà chị, thì hôm đó chị bị hai an ninh kèm sát luôn, không đi đâu được. Họ (an ninh) nói vô nhà Mục sư Thạch ăn cơm thôi, khỏi vô nhà chị... Chị mới nói việc của Lãnh sự sắp xếp muốn thăm nhà tôi thì họ về thôi, chứ làm sao mà tôi nói ‘không’ được... Bà Lãnh sự thăm nhà chị một chập cũng vui vẻ. Tôi có kể ngày 7/3 có Trần Thanh Phương, trong nhóm Hiến pháp là thành viên thứ 2 được về. Thì Phương có nói thần kinh anh Dũng giờ không bình thường, la hét... chị mới nói lâu nay anh Dũng bình thường, hay là do trận đánh năm 2019 ở số 4 Phan Đăng Lưu... nên ảnh mới bị vậy. Ý kiến từng người bà Lãnh sự ghi vào sổ hết".
Bà Huỳnh Thị Kim Nga cho biết thêm, bà cũng bị an ninh canh gác, theo dõi cho đến khi bà Josefine Wallat lên máy bay vào lúc 2 giờ chiều.
Ông Ngô Văn Dũng cùng bảy người khác cùng bị kết tội âm mưu ‘phá rối an ninh’ do kêu gọi biểu tình. Trong thực tế, họ đều là thành viên nhóm có tên Hiến Pháp. Đây là một mạng lưới các phóng viên và những nhà hoạt động kêu gọi việc thực thi Điều 25 trong Hiến Pháp Việt Nam về quyền tự do báo chí.
Tổ Chức Phóng viên Không Biên Giới - RSF vào tháng 8 năm 2020 đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Ngô Văn Dũng.
Bà Josefine Wallat là Tổng lãnh sự tại Tổng Lãnh Sự Quán Đức thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 8 năm 2019. Bà từng đích thân đến tham dự, quan sát phiên tòa xét xử ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn hồi tháng 1 năm 2021. Bà cũng thường thăm hỏi thân nhân các tù nhân lương tâm đang bị cầm tù.
*************************
Tổng Lãnh sự Đức gặp gỡ giới tranh đấu tại Tây Nguyên
VOA, 10/03/2022
Bà Josefine Wallat, Tổng Lãnh sự Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, vừa có cuộc gặp với giới tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.
Tổng Lãnh sự Đức Josefine Wallat gặp gỡ các nhà tranh đấu hôm 9/3/2022. Photo courtesy of Vo Ngoc Luc.
Cuộc gặp giữa bà Wallat và đại diện giới tranh đấu và gia đình diễn ra vào tối ngày 9/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, hôm 10/3, nhà ngoại giao Đức cũng đến thăm gia đình của một tù nhân lương tâm và một mục sư tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam, theo các nhà hoạt động.
Nhà hoạt động Võ Ngọc Lục, người tham dự các cuộc gặp này, nói với VOA :
"Họ có quan tâm. Trong buổi gặp ngoài hai mục sư còn có đại diện của hai gia đình tù nhân lương tâm. Họ quan tâm đến tình hình giam giữ của hệ thống trại giam, họ tìm hiểu xem gia đình có được thăm gặp hay không và có khó khăn gì và có vấn đề về sức khỏe hay không".
Hôm 10/3, bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của tù nhân Ngô Văn Dũng, chia sẻ với VOA về cuộc gặp với nhà ngoại giao Đức :
"Ngày hôm qua, được tin Tổng Lãnh sự Đức lên Buôn Ma Thuột và được cô ấy mời ăn tối. Cô có hỏi thăm tôi về anh Dũng".
"Cha của Huỳnh Thục Vy cũng có dự và nêu trường hợp của Vy", bà Nga nói.
Ngoài ra có hai mục sư cũng trình bày về vấn đề tự do tôn giáo, theo các nhà hoạt động.
"Tôi rất vui vì chúng tôi ở vùng sâu vùng xa mà được họ quan tâm đến", bà Nga cho biết thêm.
Bà Josefine Wallat thăm nhà riêng bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của ông Ngô Văn Dũng, ngày 10/3/2022. Photo Huynh Thi Kim Nga.
Các nhà hoạt động và gia đình cho biết chính quyền địa phương không ngăn cản hay phá rối cuộc gặp chiều ngày 9/3, cũng như không gây cản trở chuyến thăm của nhà ngoại giao Đức đến tư gia của ông bà Ngô Văn Dũng và của mục sư Phạm Ngọc Thạch, thuộc Hội Thánh Tin lành Mennonite Việt Nam vào tối ngày 10/3.
Tuy nhiên, giới hoạt động cho biết các cuộc gặp có sự "giám sát từ xa" của những người lạ mặt mà họ cho là thuộc lực lượng an ninh của chính quyền.
VOA đã liên lạc chính quyền Đăk Lăk để tìm hiểu về sự "giám sát" này, nhưng chưa được phản hồi.
Mục sư Phạm Ngọc Thạch từng bị chính quyền giam cầm, sách nhiễu, ngăn cấm đi lại và tịch thu hộ chiếu, theo báo cáo nhân quyền và báo cáo tự do tôn giáo của Bộ ngoại giao Hoa kỳ năm 2016.
Nhà báo tự do Ngô Văn Dũng đang thụ án tù 5 năm sau khi bị chính quyền bắt giam cùng với các thành viên của nhóm Hiến pháp vào tháng 09/2018 với cáo buộc "Phá rối an ninh" theo điều 118 Bộ Luật Hình sự, do tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị chính quyền thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắk, bắt giam vào ngày đầu tháng 12/2021 để thi hành án tù đã tuyên năm 2018 về tội "xúc phạm Quốc kỳ", khi ấy bà bị tuyên 2 năm 9 tháng tù, nhưng được tạm hoãn thi hành án vì đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Cũng như các quốc gia phương Tây khác, chính phủ và giới lập pháp Đức gần đây quan tâm đến tình hình vi phạm nhân quyền Việt Nam, cho rằng "các vụ bắt giữ tùy tiện những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo là một điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế".
Trong khi đó chính quyền Việt Nam cho rằng họ luôn "đảm bảo" quyền con người và chỉ bắt giam, xét xử những ai "vi phạm pháp luật".
Mai Lan, VNTB, 09/02/2022
Các "hiện tượng tôn giáo mới" có mặt ở Tây Nguyên trong những năm gần đây với cả hai chiều kích, đã làm cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng vốn đã đa dạng, lại càng trở nên đa dạng hơn.
Tôn giáo qua lăng kính thống kê
Một tham luận tại hội thảo "Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên : Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách", cho biết về số liệu như sau :
Đạo Tin Lành được du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20 thế kỷ XX. Từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển mới với tốc độ rất nhanh trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Đến tháng 12/2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 529.410 người, trong đó tín đồ người dân tộc thiểu số khoảng 511.450 người (Đăk Lăk : 186.000 ; Gia Lai : 152.690 ; Lâm Đồng : 88.000 ; Đăk Nông : 76.050 ; Kon Tum : 17.710) chiếm 96,6% tổng số tín đồ đạo Tin Lành ở khu vực này.
Phật giáo ở Tây Nguyên phát triển tín đồ Phật tử chủ yếu trong đồng bào Kinh (khoảng trên 600.000 Phật tử), tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Phật rất ít so với sự phát triển và hoằng pháp chung của Phật giáo ở các vùng miền cả nước.
Đạo Cao Đài bắt đầu được truyền bá lên Tây Nguyên từ năm 1938 cùng với chính sách khai thác Tây Nguyên của thực dân Pháp. Tiếp đó, giáo hội Cao Đài các hệ phái Tây Ninh, Ban Chỉnh đạo đã cử chức sắc lên Tây Nguyên truyền đạo và xây dựng cơ sở.
Đến những năm 50 – 60 của thế kỷ XX, nhiều hộ gia đình từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng được đưa lên Tây Nguyên sinh sống và mang theo tín ngưỡng của đạo Cao Đài. Từ đó, ở Tây Nguyên có thêm các hệ phái Cao Đài Chơn lý, Cao Đài Cầu Kho và hệ phái Truyền giáo Cao Đài.
Cũng như Phật giáo, đạo Cao Đài truyền lên Tây Nguyên chủ yếu phát triển trong đồng bào dân tộc Kinh với khoảng 22.000 tín đồ, số tín hữu Cao Đài là người dân tộc thiểu số rất ít.
Tây Nguyên là nơi tập trung đông tín đồ Công giáo ; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30,9% tổng số người theo Công giáo của toàn vùng.
Công giáo truyền lên Tây Nguyên sớm, với mốc khởi điểm từ những năm 1765 và mốc chính thức đầu từ năm 1850 với khu vực truyền giáo đầu tiên ở Kon Tum, sau đến Lâm Đồng và Đắc Lắc. Trong quá trình phát triển, Công giáo ở Tây Nguyên hình thành 3 giáo phận : Kon Tum (1932), Đà Lạt (1960) và Buôn Ma Thuột (1967) với khoảng 1.126.474 tín đồ, 5 giám mục, hơn 630 linh mục (396 linh mục triều, 234 linh mục dòng), hơn 2.714 tu sĩ nam nữ.
Tôn giáo – Sắc tộc – Chính trị
Trình bày tham luận tại hội thảo, phó giáo sư – tiến sĩ Lê Văn Lợi, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng với vị trí, vai trò chiến lược đối với đất nước, giải quyết quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên không chỉ liên quan đến sự ổn định, phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên và với cả nước.
Theo ông Lợi, sự phát triển mạnh mẽ của đạo Tin Lành trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành những cộng đồng dân tộc – tôn giáo. Ông Lợi đã dùng cụm từ "hiện tượng tôn giáo mới" khi bàn luận về trục tôn giáo – sắc tộc và thể chế chính trị đơn nguyên.
Dự báo về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên, ông Lợi cho rằng, các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài… sẽ vẫn tiếp tục đường hướng hành đạo để thích ứng, nhập cuộc sâu rộng hơn, toàn diện hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với các tộc người trên địa bàn Tây Nguyên, tiếp tục gắn bó chặt chẽ và đồng hành với dân tộc – quốc gia Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Lợi cho rằng sự phát triển của tôn giáo tiếp tục làm rạn nứt, giải thể các thiết chế cộng đồng truyền thống và hình thành, phát triển các cộng đồng tôn giáo – tộc người và tộc nhóm – tôn giáo ở Tây Nguyên, kể cả tính chất liên vùng, liên xuyên quốc gia và liên khu vực.
Sự thay đổi, phân hóa, liên kết, xung đột về tín ngưỡng, đức tin, về sinh hoạt văn hóa, lối sống diễn ra với nhiều cấp độ, không chỉ trong các địa bàn hành chính, trong các cộng đồng tộc người mà cả trong từng buôn làng, giữa các thế hệ, trong mỗi gia đình của các tộc người ở Tây Nguyên.
"Điều này có những khía cạnh tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không tránh khỏi sự đứt gãy, hụt hẫng về văn hóa, làm mai một các giá trị văn hóa đặc sắc quý báu của các tộc người Tây Nguyên. Hơn nữa, cùng với sự nổi trội vai trò của tôn giáo và chức sắc tôn giáo trong đời sống cộng đồng các tộc người là sự giảm sút vai trò của già làng, trưởng họ và nhất là sự mờ nhạt vai trò của hệ thống chính trị cơ sở. Điều đó đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển bền vững Tây Nguyên" – ông Lợi cảnh báo.
Như vậy, với nhìn nhận của ông Lê Văn Lợi trên cương vị chủ trì hội thảo, cho thấy đang có yêu cầu của nhận diện lại mối quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên. Bởi đang diễn ra sự giao thoa tiếp biến văn hóa, tác động qua lại giữa quan hệ dân tộc và tôn giáo. Tôn giáo làm biến đổi quan hệ dân tộc đồng thời quan hệ dân tộc có những tác động tới yếu tố địa phương hóa của tôn giáo khi vào Tây Nguyên. Điều đó đưa đến yêu cầu cần xác định một số vấn đề liên quan tới quan hệ dân tộc – tôn giáo khi hình thành cộng đồng tôn giáo – dân tộc ở Tây Nguyên để có những tu chỉnh thích hợp của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 09/02/2022
*********************
Nguyễn Nam, VNTB, 07/02/2022
Tây Nguyên – một thuở Hoàng Triều Cương Thổ
Sử sách ghi hầu hết người Nùng ở Việt Nam di cư từ các thổ ty người Tráng tại Quảng Tây, Trung Quốc bắt đầu vào khoảng 300 năm trước. Một bộ phận người Việt Nam gồm thầy đồ và quan lại di cư lên khu vực biên giới Việt – Trung sinh sống, sau vài thế hệ họ bị Thổ hóa, và ngày nay được chính phủ Việt Nam phân loại là người Tày.
Những người này thường sống ở tỉnh lỵ, huyện lỵ hoặc các ngôi làng/bản ven những trung tâm dân cư này. Họ thường sở hữu nhiều đất đai và tương đối giàu có hơn các cư dân bản địa xung quanh. Một vài trong số nhiều dòng họ này gồm : họ Giáp, họ Thân, hiện nay cư trú ở vùng ải Chi Lăng (Lạng Sơn) vốn là họ Võ (ở Võ Giàng, Hà Bắc). Họ Nguyễn Công, Nguyễn Khắc ở vùng Thất Khê là những người quê ở Nghệ An được cử lên Lạng Sơn làm quan vào thời Trần Hiến Tông (1328-1341).
Tây Nguyên sớm trở thành khu tái định cư chính yếu cho khoảng 850.000 người di cư vào miền Nam sau Hiệp định Geneva, đa số là người Công giáo.
Mặc dù vấn đề xóa bỏ Hoàng Triều Cương Thổ của ông Ngô Đình Diệm còn gây nhiều tranh luận trái chiều, song cần nhìn nhận rằng trước năm 1975, dân số Tây Nguyên chưa đến 1 triệu người, sống khá yên bình, so với hiện nay đã hơn 5 triệu, tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua.
Cuộc di dân vào Tây Nguyên của người miền Bắc xã hội chủ nghĩa
Trong cuộc di dân đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50.000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên. Điều đáng chú ý, đa số người Hmông di cư là tín đồ theo đạo Tin Lành. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 40.000 người Hmông là tín đồ Tin Lành di chuyển vào Tây Nguyên, chiếm 87% số người Hmông trong khu vực.
Những dòng người di cư từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, trong đó có việc đốt rừng lấy đất canh tác sản xuất. Đồng thời họ cũng mang đến những lối sống và văn hóa khác nhau. Điều dễ thấy nhất của cuộc di cư tác động đến văn hóa – xã hội là tính thuần nhất của một nền văn hóa đặc trưng bao trùm toàn vùng đất này đã không còn như trong quá khứ, mà nó là bức tranh đa dạng sinh động như chính các thành phần cư dân hiện tại ở Tây Nguyên hiện nay.
Quá trình suy giảm diện tích rừng ồ ạt và chuyển đổi sở hữu đất đai đã làm nền tảng văn hóa của cộng đồng cư dân tại chỗ thay đổi và biến động. Điều này dẫn đến một hiện trạng văn hóa ở Tây Nguyên là hòa nhập với cộng đồng quốc gia muộn, nhưng lại sớm phải đối diện với sự phát triển chóng mặt của kinh tế thị trường.
Còn các tộc người khác đến với Tây Nguyên, nhất là với người Kinh, dường như họ lại có cảm giác chứng kiến một tình trạng kéo dài của cấu trúc buôn làng, vốn rất xa xưa và lạ lẫm với họ. Như vậy, hai luồng văn hóa bản địa, đậm dấu ấn xưa cũ và nền văn hóa mới, hiện đại của nhóm người di cư đã có dịp giao lưu với nhau trên vùng đất này, tạo ra một sắc màu văn hóa vừa đa dạng, vừa muốn học hỏi cái mới nhưng lại muốn giữ lại nguyên trạng những nguyên sơ của vùng này.
Suy cho cùng, việc lựa chọn văn hóa, lối sống là do người dân, chủ thể nơi đây quyết định. Do đó, việc đa dạng văn hóa, lối sống, tộc người và các thành phần kinh tế chính nó đã tạo ra một sự tự do phát triển. Việc tìm kiếm tính đơn nhất những nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên không quan trọng bằng việc cần "phát triển bền vững" cho vùng này.
Đừng định hướng chính trị cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
Như vậy nếu giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, thay cho "phát triển nóng", "tăng trưởng nóng" thì thiết nghĩ cái gì là nguyên dạng của Tây Nguyên có lẽ vẫn còn đó.
Từ phác họa ở trên còn cho thấy trong cơ chế chính sách của nhà nước Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay, không thể không tính đến yếu tố tôn giáo. Quá trình phát triển của Công giáo, Tin Lành đối với đồng bào dân tộc tại vùng này đã làm hoán cải họ từ sinh hoạt văn hóa buôn làng cổ truyền sang một văn hóa mới gắn với sinh hoạt tôn giáo, tạm gọi là "văn hóa tôn giáo".
Đặc trưng của "văn hóa tôn giáo" là nó đã kích đẩy những chủ nhân ở chính vùng đất của họ nhiều yếu tố tích cực như củng cố các giá trị đạo đức, thực hành tiết kiệm, giúp họ làm ăn kinh tế, đoàn kết, tiếp cận được những cái mới. Thực tế cho thấy những cải tổ về các thủ tục cưới xin mà chay do các tôn giáo mang lại có vẻ ưu trội hơn so với các tập tục rườm rà tốn kém của văn hóa buôn làng.
Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra xu hướng rằng : "Văn hóa tôn giáo" đã tạo ra sự liên kết xã hội mạnh mẽ qua niềm tin, thờ phượng. Nó vượt trên sự liên kết bằng huyết tộc, để có một liên kết rộng hơn, tạo điều kiện cho cư dân tại chỗ thích nghi hội nhập và lĩnh hội tri thức.
Tính tích cực ấy của tôn giáo cần phải được nhìn nhận.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 07/02/2022
**********************
Vân Khánh, VNTB, 07/02/2022
Tôn giáo là quyền dân sự hiến định
Hiện nay, bên cạnh các loại hình tín ngưỡng đa thần truyền thống, ở Tây Nguyên còn có sự hiện diện của các tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài và một số tạm gọi tôn giáo mới tương tự như ở miền Nam có "tôn giáo nội sinh". Các tôn giáo mới này có thể kể đến như : Hà Mòn, Pơ khắp Brâu, Amí Sara, Canh tân Đặc sủng, Cây Thập giá Chúa Jêsu Krist, Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam…
Khi tôn giáo phát triển trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo, những điều khuyên răn trong cách ứng xử của con người với đấng siêu nhiên, với tự nhiên, giữa con người với con người, và con người với chính bản thân mình trong giáo thuyết của các tôn giáo vừa có những nét tương đồng, vừa có những điểm khác biệt, mới mẻ so với hệ giá trị tín ngưỡng truyền thống, tạo nên sức hút, góp phần thay đổi một số quan niệm, chuẩn mực đạo đức và lối sống của đồng bào.
Đồng bào theo các tôn giáo sẽ tự giác tuân thủ những lời răn dạy, tích cực tu dưỡng đạo đức, sống hướng thiện, yêu thương gia đình, yêu thương đồng loại, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Thực tế cho thấy, trong các cộng đồng dân tộc theo tôn giáo ở Tây Nguyên không có tình trạng bỏ vợ, bỏ chồng không chính đáng, không có tình trạng ngược đãi, bạo hành trong gia đình, các loại tệ nạn xã hội ít xảy ra.
Văn minh hơn nhờ tôn giáo
Khi du nhập, phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, một số tôn giáo với những nghi lễ giản đơn, tiết kiệm đã góp phần thay đổi những quan niệm, tập tục lạc hậu, những nghi lễ rườm rà, tốn kém trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, góp phần thay đổi nếp sống văn hóa của đồng bào theo hướng tiến bộ hơn, văn minh hơn.
Trẻ em được quan tâm, khuyến khích học hành nâng cao trình độ học vấn, các gia đình, buôn làng, cộng đồng được hướng dẫn tổ chức cuộc sống văn minh hơn.
Tham gia tôn giáo, đồng bào thay đổi lối sống, phù hợp với điều kiện mới, đặc biệt trong bộ phận đồng bào theo Công giáo và đạo Tin Lành.
Đồng bào theo Công giáo và đạo Tin Lành khi ốm đau không còn mời thày mo, thày cúng về đuổi ma, trừ tà mà đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh ; cưới hỏi, tang ma được thực hiện theo các nghi lễ tôn giáo, tiết kiệm hơn và từ bỏ nhiều nghi lễ, tập quán lạc hậu.
Tham gia tôn giáo, đồng bào cũng tham dự các hoạt động cộng đồng cầu nguyện, tu học, có thời gian thư giãn, mở rộng quan hệ xã hội, có thêm sự động viên, tương trợ nhau khi khó khăn, có thêm kiến thức mới…
Từ những ghi nhận trên cho thấy trongvụ án một linh mục bị sát hại dã man ở Kon Tum, lẽ ra nhà chức trách địa phương phải nhanh chóng truyền thông rộng rãi để tránh hoang mang. Bởi có một thực tế là cùng với quá trình mở rộng ảnh hưởng, các tổ chức tôn giáo đã có những cách thức, biện pháp để từng bước hội nhập, tiếp nhận trở lại những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Thay lời kết
Với đường hướng hội nhập văn hóa, Công giáo đang từng bước nỗ lực đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên bằng cách đào tạo các chức sắc, chức việc người dân tộc ; dịch kinh sách ra tiếng dân tộc, dạy tiếng dân tộc cho đồng bào ; tổ chức trưng bày hiện vật văn hóa các dân tộc ; cho phép tín đồ thực hành một số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống ; sử dụng cồng chiêng và mặc trang phục truyền thống trong các lễ hội tôn giáo hay các buổi lễ ở nhà thờ,…
Nhiều nhà thờ Công giáo hòa trộn kiến trúc phương Tây và nét kiến trúc nhà rông, hoa văn truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được xây dựng ở Tây Nguyên.
Cùng với quá trình truyền giáo, mở rộng ảnh hưởng, thời gian qua, các tôn giáo đã đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ở một số nơi, tổ chức tôn giáo đã xây dựng được cơ sở giáo dục trường mầm non, dạy nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở lưu trú cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ; tổ chức phòng khám và phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Như vậy, cần thiết ở đây là Quốc hội Việt Nam cần có những tu chỉnh luật thích hợp về tín ngưỡng, tôn giáo để các giá trị nhân sinh mà tôn giáo mang lại không còn bị nghi kỵ qua lăng kính méo mó của chính trị hóa ở thể chế đơn nguyên.
Vân Khánh
Nguồn : VNTB, 07/02/2022
************************
Phạm Lê Đoan, VNTB, 09/02/2022
Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo đã được công nhận về mặt thủ tục hành chính, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số 1.753.761 tín đồ, chiếm 34,7% dân số, gần 3.500 nhà tu hành, khoảng 840 cơ sở thờ tự.
Mức sống chênh lệch nhau dẫn đến mâu thuẫn sắc tộc ?
Tại khu vực Tây Nguyên hiện nay có 49 dân tộc cùng chung sống, gồm 12 dân tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc thiểu số có 375.825 người, chiếm tỷ lệ 7,48% ; có 8 dân tộc ít người chiếm tỷ lệ 0,01% dân số.
Đặc điểm của cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên là rất đa dạng về ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán và sự phát triển không đều nhau về kinh tế – xã hội. Tổ chức xã hội duy nhất ở đây là làng. Đó là cơ sở tập hợp những người đồng tộc cùng cư trú, với một lãnh thổ nhất định.
Có một thực tế là từ việc quản lý thủ tục hành chính theo hướng hạn chế quyền độc lập của tôn giáo dẫn đến chuyện người dân sử dụng quyền tự do tôn giáo được hiến định để tham gia một số loại hình sinh hoạt tôn giáo mà chính quyền nhiều địa phương vì tránh đụng chạm, nên dùng từ "đạo lạ" với cách hiểu đây là biến tướng từ tôn giáo truyền thống.
Kịch bản tuyên truyền định hướng dư luận kế tiếp của chính quyền rằng "đạo lạ" đã tác động, ảnh hưởng đến tín lý và tổ chức của tôn giáo truyền thống, do "đạo lạ" phê phán chính tôn giáo gốc của mình, dẫn đến mâu thuẫn giữa "cốt cán" của "đạo lạ" với các chức sắc, chức việc của tôn giáo truyền thống, giữa người theo "đạo lạ" với người theo tôn giáo truyền thống.
Tuy nhiên có một thực tế mà nhà chức trách địa phương tránh né, đó là quần chúng tham gia các "đạo lạ" tại Tây Nguyên phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có nhóm Canh Tân Đặc Sủng có số người tin theo là dân tộc Kinh.
Họ là những người có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thí dụ, làng H’Ra và Lơ Pang thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có khoảng 100 người tin theo "đạo lạ" của bà Y Gyin, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây chiếm trên 60% ; phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, nhà rông tại các làng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân.
"Lạ" không có nghĩa là "tà"
Một báo cáo ghi nhận từ cơ quan an ninh tôn giáo, viết :
"Việc xuất hiện các "đạo lạ" chỉ riêng cho người dân tộc thiểu số còn ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với dân tộc Kinh, có xu hướng hình thành nên những cộng đồng dân tộc – "tôn giáo mới" cho người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Thí dụ", đạo lạ" của bà Y Gyin tuyên truyền "Người Kinh có Đức mẹ La Vang thì người dân tộc thiểu số có Đức Mẹ Hà Mòn".
Với trường hợp Ban Cầu nguyện Phong trào Phục hưng Tin Lành xuất hiện ở tỉnh Đăk Lăk vào khoảng giữa năm 2009 trong bối cảnh Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đang có dấu hiệu phân hóa, mâu thuẫn, một số chi hội, điểm nhóm Tin Lành của người dân tộc thiểu số tại chỗ kêu gọi bầu Ban Chấp sự vùng, lập "Hội thánh Tin Lành người dân tộc thiểu số Tây Nguyên" tách ra khỏi các Hội thánh của người Kinh.
Mục sư Y Nham Niê Trei người dân tộc Ê Đê, quản nhiệm Chi hội Tin Lành Buôn Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pach, tỉnh Đăk Lăk nhân đó tuyên truyền vận động thành lập "Ban cầu nguyện Phục hưng Tin Lành" để tách ra sinh hoạt riêng.
Nhiều nơi, các "cốt cán" của "đạo lạ" lôi kéo, kích động những người tin theo thực hiện "5 không", bất hợp tác với chính quyền : không biết, không nghe, không nói, không làm theo chính quyền, không nhận tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương.
(…) "Đạo lạ" của bà Y Gyin lúc đầu xuất hiện chỉ ý đồ chống lại chủ trương di dân làm công trình thủy điện Plei Krông, về sau là "Theo Đức Mẹ Pluk ở Hà Mòn để đấu tranh đòi Nhà nước Việt Nam công nhận là tôn giáo riêng của người dân tộc, nhờ quốc tế can thiệp thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên do Ksor Kơk đứng đầu".
Có nơi "đạo lạ"này hình thành khung tổ chức, vô hiệu hóa chính quyền ở buôn làng, khống chế quần chúng ; khi cơ quan chức năng tổ chức đấu tranh, nhiều đối tượng có hành vi chống trả quyết liệt.
Cây Thập giá Chúa Giêsu Christ tuyên truyền người dân tộc thiểu số phải thường xuyên cầu nguyện cho "Nhà nước Đêga", cho những người bị "Nhà nước Kinh" bắt ở tù ; phải luôn yêu Chúa và chỉ có tin theo "Tin Lành Đêga" mới giải phóng được cho người Đêga ; cầu nguyện để được quốc tế can thiệp cho người dân tộc thiểu số…" (dừng trích).
Hiện nay, đạo Tin Lành là tôn giáo có tỷ lệ tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất trong các tôn giáo ở Tây Nguyên. Theo số liệu, các tỉnh Tây Nguyên có tới 47 hệ phái Tin Lành, trong số đó nhiều hệ phái chưa được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo theo quy định về thủ tục hành chính.
Đừng chính trị hóa tôn giáo nữa
Cũng theo tài liệu trên, một khuyến cáo được đưa ra cho thấy không rõ vì sao đến nay vẫn chưa được thực thi (trích) :
"Vấn đề nhận thức của hệ thống chính trị ở Tây Nguyên về hiện tượng "đạo lạ" còn nhiều bất cập.
Không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền còn đánh đồng giữa "đạo lạ", "hiện tượng tôn giáo mới" với tà giáo dẫn đến nặng về xử lý, đấu tranh loại bỏ,làm cho những người tin theo lo sợ, càng lén lút hoạt động, hoặc quay lại phản ứng với chính quyền khiến cho tình hình càng thêm phức tạp.
Do đó, cần nhận thức đúng đắn về "đạo lạ"",hiện tượng tôn giáo mới".
Việc tin theo các "đạo lạ" từ nơi khác đến hoặc xuất hiện ngay tại địa phương cho thấy nhu cầu tôn giáo của người dân, là một trạng thái chung về chuyển biến niềm tin tôn giáo đang diễn ra không chỉ ở Tây Nguyên hay ở Việt Nam mà trên phạm vi thế giới.
Nó đã là một thực thể xã hội nên cần phải nhìn nhận và ứng xử đúng đắn đối với từng trường hợp cụ thể, bởi "lạ" chỉ là chưa "quen"chứ không có nghĩa là "tà", vì "tà" là không "chính", là mờ ám, mang nghĩa tiêu cực, và "mới" là để phân biệt với cũ chứ mới không phải là tà, là xấu.
Đơn cử, những người Công giáo gọi là "đạo Hà Mòn" vì phát sinh tại xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum, còn chính quyền gọi là "Tà đạo Hà Mòn". Chúng tôi đề xuất nên gọi là "đạo lạ" của bà Y Gyin – gắn với tên người tự tung tin Đức Mẹ hiện hình" (dừng trích).
Theo ghi nhận của cơ quan an ninh tôn giáo, tại làng Kon Mar Hah và Kon Nát thuộc xã Hà Đông,huyện Đăk Đoa có đến 90% hộ theo "đạo lạ" của bà Y Gyin thuộc diện đói nghèo, sống khép kín, trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đi học hoặc phải bỏ học để theo cha mẹ đi làm rẫy.
Cấp ủy, chính quyền địa phương không nắm chắc tình hình "đạo lạ", không có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh phức tạp ngay từ đầu. Thậm chí còn có cả đảng viên tham gia "đạo lạ", như trường hợp hai xã H’Ra và Pơ Lang có tới 22 cán bộ, đảng viên liên quan đến hoạt động "đạo lạ" của bà Y Gyin, hoặc có thân nhân liên quan đến "đạo lạ" này.
"Điều đó cho thấy, trong công tác đối với "đạo lạ", phải nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở gắn với phát triển kinh tế – xã hội và quan tâm giải quyết nhu cầu tinh thần cho nhân dân ; bảo đảm vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, vừa hướng hoạt động tôn giáo của người dân theo hướng lành mạnh, đúng pháp luật, kịp thời ngănchặn những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của tôn giáo và "đạo lạ" gây ra" – báo cáo có đoạn đề xuất như vậy.
Đề xuất ở trên dường như cũng là ý kiến được đặt ra từ tháng 6/2015 trước chuyến công cán Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với nhận định, "Báo chí chính thống của Việt Nam thể hiện rõ rằng việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số là chính sách nhà nước", ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói : "Chính quyền Việt Nam cần vứt bỏ não trạng thời Chiến tranh lạnh khi coi những người theo tôn giáo khác là ‘thù trong’ và tôn trọng các quyền tự do tôn giáo cơ bản của họ".
Phạm Lê Đoan
Nguồn : VNTB, 06/02/2022
Tham khảo :
Việt Nam : Chấm dứt đàn áp kiểu “Tà đạo” đối với các tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng
Kể từ thế hệ giáo sĩ tiên khởi, Alexandre de Rhodes và Joseph Tissanier – những người Pháp đến Đại Việt thế kỷ XVII, đến nay đã hơn bốn thế kỷ mối lương duyên Pháp-Việt chưa bao giờ đứt đoạn.
Một số công trình nghiên cứu về Tây Nguyên của các học giả người Pháp đã được xuất bản tại Việt Nam.
Cùng với những thương nhân, thừa sai, nho sĩ người Ý, Anh, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, các giáo sĩ người Pháp đã để lại nhiều ghi chép quan trọng về văn hóa – lịch sử nước Việt xưa qua từng thời kỳ. Ban đầu là ghi chép mắt thấy tai nghe, đến những nghiên cứu bước đầu nhằm cung cấp cho người Châu Âu những hiểu biết cơ bản về con người và xứ sở Việt Nam cũng như phục vụ cho công cuộc thực dân của người Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đã áp đặt được sự thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, việc nghiên cứu về một Việt Nam đa diện được thực hiện rộng khắp, từ văn hóa, lịch sử đến luật pháp, thể chế, tang ma, căn tính, phù thuật, tín ngưỡng… Không chỉ ở vùng đồng bằng, người Pháp còn chú trọng đến vấn đề giáo dục và truyền giáo nơi vùng cao, vùng sâu, Tây Nguyên là vùng đất mà họ nhắm tới.
Từ thập niên 1840 đến đầu thập niên 1970, người Pháp đã đến truyền giáo, lưu trú dài hạn, khảo sát và nghiên cứu Tây Nguyên của chúng ta một cách liên tục, đầy đủ và khoa học. Họ thuộc đủ thành phần : nhà truyền giáo, nhà thám hiểm, tiếp sau đó là nhà cai trị, nhà khoa học. Họ bản địa hóa chính họ, mang đến những công trình nghiên cứu về vùng đất và người nơi đây vừa tổng quát vừa cơ bản, thực tiễn, sâu sắc và đôi khi mộng mơ. Để rồi giờ đây muốn tìm hiểu về mảnh đất Tây Nguyên, chúng ta không thể không đọc những hồi ký hay nghiên cứu dân tộc học của Pierre Dourisboure (1825-1890), Henri Maître (1883-1914), Georges Condominas (1921-2011), Jacques Dournes (1922-1993), Anne de Hautecloque-Howe, Jean Boulbet (1926-2007)…
Bước chân khai phá của Cố Ân
Linh mục Pierre Dourisboure thuộc thế hệ thừa sai đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên, được gọi trìu mến với tên Việt là Cố Ân. Trong 41 năm linh mục và tông đồ, ông dành 35 năm mục vụ truyền giáo cho người dân tộc ở Tây Nguyên. Sống giữa rừng thiên nước độc và thú dữ, sống với người bản xứ bất đồng ngôn ngữ, thiếu thốn vật chất, bệnh tật, cô đơn… nhiều đồng nghiệp của ông không thể trụ lại quá lâu, có thừa sai qua đời chỉ vài tháng khi đặt chân đến Tây Nguyên, có thừa sai chịu được mười năm rồi cũng về với Chúa, Dourisboure là trường hợp đặc biệt, có lẽ là lâu nhất trong lịch sử truyền giáo nơi vùng đất này.
Cha Dourisboure bắt đầu viết hồi ký tại Kon Kơ Xâm (Kon Tum) vào năm 1865 và hoàn tất vào ngày 28/1/1870 tại Chủng viện Hội Thừa sai Paris, tập hồi ký được xuất bản lần đầu năm 1873 tại Paris (Nhà xuất bản de Soye). Sống thực địa, ngủ thực địa, hy sinh thân mình trước các cuộc truy bắt đạo lúc bấy giờ… Cha Dourisboure có đủ thời gian để quan sát và trải nghiệm những gian khổ vì công cuộc truyền bá đức tin, tất cả những điều đó được ông ghi chép lại trong tập hồi ký có nhan đề Les sauvages Bahnars đã được dịch sang Việt ngữ là Dân Làng Hồ [1].
Qua tập hồi ký được gửi gắm nhiều cảm xúc, Cha Dourisboure kể lại hành trình truyền giáo gian khổ của các vị thừa sai tiên khởi và công cuộc khai phá miền đất Tây Nguyên Kontum, khởi đầu cho việc thành lập giáo phận Kontum sau này. Không chỉ là tài liệu quý về lịch sử truyền giáo, tập hồi ký còn dành một dung lượng khiêm tốn để miêu tả phong tục, tập quán, lối sống của người Ba Na nửa cuối thế kỷ XIX.
Nhà nhân học chân trần Jacques Dournes
Gần 100 năm sau khi Cha Dourisboure đặt chân đến truyền giáo ở Đông Đàng Trong năm 1849, có vị linh mục trẻ tên là Jacques Dournes, học triết học và thần học ở Đại chủng viện Versailles, được phái sang tòa Khâm mạng Sài Gòn năm 1946. Một năm sau ông về vùng Kala, gần Djiring (Di Linh – Lâm Đồng) truyền đạo và chuyên tâm học ngôn ngữ của người bản địa. Dournes gắn bó với người Srê gần chín năm thì bị triệu hồi về Pháp vào năm 1954 vì tội "xao lãng mục vụ". Năm 1955, Giám mục Paul Seitz ở Kontum mời Dournes trở lại Tây Nguyên, nơi có tộc người Jörai cư trú. Ông sống ở đó 11 năm trước khi bị buộc phải rời khỏi Việt Nam năm 1970 vì một số lý do khách quan khiến ông vô cùng đau đớn.
Dournes cắm mình ở Tây Nguyên gần ¼ thế kỷ vậy mà ông cho là còn quá ít, rằng mình đến vùng Jörai quá muộn. Ông chú tâm học tiếng bản xứ, không dùng phiên dịch, vì ông hiểu rằng chiều sâu nhất của truyền thống văn hóa Jörai là văn hóa truyền khẩu. Ông phải nói như người bản địa thay vì dùng phiên dịch, điều tối kị đối với một nhà dân tộc học như ông.
Vì người Tây Nguyên, vì say mê con người, tập quán và văn hóa vùng đất này, Dournes muốn bỏ lại tất cả những gì ông có, rời bỏ cội rễ, kể cả quê hương. Dournes dường như "bắt rễ" với người Thượng và giữ thế đứng ngoài xã hội chính thống để tự do quan sát. Chính vì vậy, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Andrew Hardy bảo rằng "Tôi hiểu cặn kẽ, từ mọi phía : phía Pháp, phía Việt Nam, và phía những người dân tộc thiểu số" [2]. Dournes từng nói, "nếu người ta không dầm chân trần trong ruộng, thì sẽ không biết gì hết, bởi vì mọi sự diễn ra trong đầu con người" [3]. Suy nghĩ, phản ứng, tư duy, mơ mộng đủ cả, khi bùn lên đến gối. Nghiên cứu thực địa, nghe-nói và sống như người bản địa là một phần của dân tộc học. Vì tất cả lẽ đó nên Dournes được gọi là nhà nhân học chân trần. Khi về Pháp, cũng là lúc không còn được đi chân trần trong bùn, ông tìm được nơi trú ẩn trong giới khoa học nhưng sợi dây gắn kết ông với nơi gọi là nhà đã không còn. Tuy vậy, ông không thôi mộng mơ, không thôi mơ tưởng về miền Jörai.
Dournes đến Việt Nam với tư cách là nhà truyền giáo tập sự người Pháp, rời Việt Nam – cũng là rời bỏ ngôi nhà trên vùng cao của mình – trong vài trò nhà dân tộc học chịu khó điền dã gần 25 năm nơi thực địa. Là nhà truyền giáo Cơ Đốc nhưng Dournes không cải đạo cho một ai ở Tây Nguyên, vì ông không muốn phá hủy nền văn hóa, tôn giáo nguyên thủy nơi này. Là người thích phiêu lưu cho nên Dournes xiêu lòng trước nền văn hóa sơ khai lãng mạn và con người Tây Nguyên. Lịch sử, văn hóa, kinh tế và nền văn minh người Thượng vì thế là những chủ đề Dournes đặc biệt quan tâm, tìm hiểu và thể hiện qua các nghiên cứu của mình.
Theo thống kê, Dournes đã xuất bản khoảng 250 công trình/sách/báo nghiên cứu về Tây Nguyên, ông là tác giả có nhiều sách được dịch sang Việt ngữ nhất trong chủ đề này.
Chưa đầy năm năm đến Tây Nguyên, Dournes xuất bản công trình dân tộc học đầu tiên có nhan đề Les populations montagnardes du Sud Indochinois (Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương) [4] ký bút danh Dam Bo – cái tên này do nhóm người K’Ho Srê đặt. Từ đó cho đến khi bị trục xuất hẳn khỏi Việt Nam, Dournes đã xuất bản rất nhiều nghiên cứu về Tây Nguyên trên các tạp chí uy tín, trong số đó có thể kể đến Bois-bambou : Aspect végétal de l’univers Jorai (Gỗ-Tre : Phương diện thực vật của thế giới Jörai) [5]. Giai đoạn 1972-1978 ông làm việc say mê, những công trình quan trọng nhất của ông về người K’Ho, Srê, Mạ, Jörai cũng ra đời trong khoảng thời gian này. Năm 1972, ông xuất bản cuốn sách Coordonnées : Structures Jörai familiales et sociales (Tọa độ : Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai) [6], vừa được Omega dịch sang Việt ngữ lần đầu. Từ lựa chọn định đô, lắng nghe người bản xứ đến nhu cầu tìm hiểu bản nguyên hay không gian sống và tinh thần của người Jörai, Dournes đã định nên cấu trúc quan trọng, gia đình và xã hội, của họ. Năm 1973, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Sorbonne với đề tài Pötao, les maîtres des états, étude d’anthropologie politique chez les Jörai (Pötao : Những bậc thầy lãnh thổ, nghiên cứu nhân học chính trị ở người Jörai). Đến năm 1977, ông cho xuất bản luận án dưới nhan đề Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai (Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương) [7], ông đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp dân tộc học ở công trình này và qua đó xác lập được vị thế trong giới khoa học lúc bấy giờ. Qua Pötao, Dournes định ra một hệ thống nghi lễ, chính trị của vua Pötao, xác lập "một hệ thống chính trị mà không có thể chế chính trị, không có nhà nước, quân đội hay những giáo điều chính trị, tôn giáo" [8]. Ông giễu cợt tất thảy những người lâu nay nhầm hiểu về người Pötao và Jörai, gọi họ là những kẻ ngoại lai, bao gồm nhà cai trị thực dân, triều đình ở miền dưới, nhà dân tộc học và cả nhà truyền giáo, trong đó có ông.
Ở trang 76 nguyên bản tiếng Pháp cuốn Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương ông viết, "Yo Sar Luk [tên Mnông Gar của Georges Condominas], và Dam Böt [tên Mạ của Jean Boulbet], người tình của các cô gái thuộc dòng họ lớn người Mạ, và chính tôi nữa, lúc bấy giờ là Dam Bo, chúng tôi chưng cái tên ‘man di’ của chúng tôi lên như là cái bích chương phơi bày giấc mơ của chúng tôi : hòa nhập vào một dân tộc khác biệt hẳn với cộng đồng gốc của chúng tôi, trong khi biết rõ rằng chúng tôi vẫn cứ là người da trắng, trong con mắt của những người mà chúng tôi cho rằng chúng tôi đã được người ta chấp nhận vào xã hội của họ – kỳ thực là chúng tôi được áp đặt vào đó – và đối với họ, vì là người lạ nên chúng tôi được miễn thứ cho cuộc sống bên lề và các ưu tiên của mình, bất chấp tất cả, trong một bối cảnh thuộc địa" [9]. Với Dournes, những người tự nhận là người bản xứ ấy vẫn đại diện cho quyền lực và đặc quyền thực dân, trong nhãn quan riêng biệt của ông việc tự nhận đó, nhằm thể hiện uy tín, là điều lố bịch.
Một năm sau, Dournes xuất bản công trình tuyệt vời khác, có lẽ là đỉnh cao cuối cùng của ông, Forêt, femme, folie : Une traversée de l’imaginaire Jörai (Rừng, đàn bà, điên loạn : Đi qua miền mơ tưởng Jörai) [10]. Đàn ông-ngoại giới ngoài kia, đàn bà-nội giới đến bìa rừng thiêng, đàn bà-"ký ức", "tự nhiên", đàn ông-"lời nói", phát điên vì nàng, đàn bà là chúa của làng, là niềm quyến rũ các chàng thế thôi… Trong hệ thống thuật ngữ của Dournes, ngoại giới là : cái ngoài kia, trong rừng, cái bất trắc ; nội giới là cái ở đây, tức là làng, cái yên bình ; tự nhiên vốn mang tính nữ, làng là phần tự nhiên đã được thuần hóa, đã thành của con người và mang tính người…
Đó là một Jörai nguyên bản ở mãi trong Dournes và khiến ông hoài mơ tưởng, cũng là một Jörai thực tế lúc đó đã cải đạo, đã biến đổi từ tác động bên ngoài và cả bên trong đời sống xã hội của họ. Một Jörai mà ông chua xót mỗi khi nghĩ về.
Đó là một Jörai với hàng trăm huyền thoại – "những huyền thoại về cái hiện tại, những mộng mị của con người đang sống hôm nay", một Jörai nguyên bản ở mãi trong ông và khiến ông hoài mơ tưởng. Cũng là một Jörai, thực tế lúc đó bên kia địa cầu, đã cải đạo, đã biến đổi từ tác động bên ngoài và cả bên trong đời sống xã hội của họ, một Jörai mà ông chua xót mỗi khi nghĩ về. Rừng, đàn bà, điên loạn là "một chứng nhân cho cách nghĩ, lối sống và quan niệm luyến ái của người Jörai từ góc nhìn của một người trong cuộc [J. Dournes]".
Ngoài ra, còn tập sách ảnh về Tây Nguyên do Dournes chụp được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Xứ Jörai, và một cuốn sách viết về ông cùng các nội dung ông trả lời phỏng vấn năm 1992 có nhan đề Nhà nhân học chân trần : Nghe và đọc Jacques Dournes.
Từ năm 1950, Dournes đã viết, và trở thành trích dẫn kinh điển, rằng "nếu phải hiểu để mà có thể yêu [Tây Nguyên], thì lại phải yêu để mà có thể hiểu". Dournes yêu Tây Nguyên hơn tất thảy, hiểu tư duy Jörai và có lẽ Jörai hơn bất kỳ người Jörai thực thụ nào.
Condominas nằm mơ bằng tiếng Mnông Gar
Georges Condominas từng bảo ‘tôi nằm mơ bằng tiếng Mnông Gar’, cũng chính mảnh đất miền Trung Việt Nam này khơi cho Condominas ý tưởng về khái niệm ‘Không gian xã hội’ nay đã quá nổi tiếng, và cũng nhờ những ghi chép của Condominas mà lần đầu tiên thế giới biết đến sự tồn tại của người Mnông Gar cùng với cách ăn mặc, sinh hoạt, hoạt động kinh tế, đời sống tinh thần và những phong tục tập quán đặc sắc của họ qua công trình Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo – Chronique de Sar Luk, village mnong gar (tribu proto-indochinoise des hauts plateaux du Viet-Nam central) – (dịch) Chúng tôi ăn rừng Đá-Thần Gôo – Biên niên của Sar Luk, làng Mnông Gar (Bộ lạc Tiền-Đông Dương trên cao nguyên miền Trung Việt Nam).
Chúng tôi ăn rừng… đi kèm với một địa danh nhất định, được dùng để chỉ một năm cụ thể nào đó. Đây là cách tính thời gian đặc biệt của người Mnông Gar, thời gian được gọi tên bằng những vạt rừng do họ phát và đốt để gieo trồng hằng năm. Chúng tôi ăn rừng Đá-Thần Gôo là tên mà người dân ở làng Sar Luk dùng để gọi năm trồng trọt kèo dài từ cuối tháng 11 năm 1948 đến đầu tháng 12 năm 1949. Đây cũng là khoảng thời gian mà Condominas cùng hòa đồng với cuộc sống sinh hoạt của người bản địa và ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe để viết nên một biên niên sử của Sar Luk.
Cuốn sách là một sưu tập những tư liệu thô thu nhặt được và rút ra từ các sổ tay ghi chép của Condominas trong thời gian sống tại Sar Luk, và tạo nên tên tuổi của Condominas trong ngành Dân tộc học.
Dưới ngòi bút sắc sảo của người quan sát tỉnh táo – nhà dân tộc học đam mê khoa học thuần túy đứng ngoài chính trị, một cái nhìn từ bên trong chứ không phải từ nền văn hóa cao nhìn xuống nền văn hóa thấp kém hơn theo lề thói tư duy thông thường bấy giờ, từng tập tục lễ hội, từng lời nói, cử chỉ của người Mnông Gar được miêu tả một cách sống động, tường minh và chân thật hơn bao giờ hết.
Chúng tôi ăn rừng nguyên là luận án của Georges Condominas bảo vệ tại Viện Khảo cứu Cao cấp (EPHE, Pháp), trong "Lời nói đầu" cho bản tiếng Việt năm 2003, ông bảo rằng công trình này "được viết ra không phải để bảo vệ một luận án ở đại học, cũng chẳng phải để thực hiện một tác phẩm văn học". Mục đích của Condominas cũng không phải là vẽ nên một bức tranh kiểu chuộng lạ hay dựng nên một công trình mô tả dân tộc học tiền sử nào đó, mà là lột tả cái thực tế như nó được sống trong đời thực khi ông quan sát.
Condominas viết Chúng tôi ăn rừng "để đáp ứng mong ước trao gửi một thông điệp hữu nghị tối hậu", thực hiện một nghĩa vụ tình bạn thay vì nghĩa vụ khoa học, cũng là để trả ơn người Mong Gar ở Sar Luk – những con người đã cho phép ông được sống cùng trong suốt hai năm (1948-1949), chấp nhận ông đến với thế giới của họ một cách chân thành và đã cứu lấy mạng sống của ông.
Với Condominas, mục đích của cuốn sách này là trình bày những tư liệu thô về cuộc sống một làng Mnông Gar bấy giờ ông dự phần, quan sát và chịu chung mọi thăng trầm với tư cách là một "hộ" Mnông Gar. "Một làng, bởi vì đơn vị chính trị cổ truyền của bộ lạc này không vượt quá phạm vi đó : chính thông qua đơn vị này ta có thể cảm nhận ra quá trình thích nghi của nó với đời sống hiện đại".
Condominas khiêm tốn khi cho rằng, "đây chỉ đơn giản là những tư liệu, tức một mặt không hề có ý định xây dựng cấu trúc xã hội học, mặt khác cũng chẳng hề muốn làm văn học". Thế nhưng giá trị mà cuốn sách mang lại đã vượt xa hơn thế, trở thành cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học, đồng thời là một tác phẩm văn học tràn đầy hơi thở của con người trên mảnh đất núi rừng Tây Nguyên.
Ngay khi ra đời, Chúng tôi ăn rừng nhanh chóng được đón nhận và gây được tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu học thuật của Pháp lúc bấy giờ. Cuốn sách được nhà nhân học lừng danh Claude Lévi-Strauss xem là "đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay".
Người Ê Đê và trải nghiệm sống của Anne de Hauteclocque-Howe
Cũng chính Condominas đã dành những lời khen tuyệt vời nhất cho công trình nghiên cứu Les Rhadés : Une société de droit maternel (Người Ê Đê : Một xã hội mẫu quyền) của nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque-Howe – người đã hoàn thành giấc mơ dang dở của Condo : thực địa, nghiên cứu và phân tích về người Ê Đê và mẫu quyền – quy tắc điều hòa chủ đạo của xã hội này. Với thế mạnh tư duy của nhà toán học, Phi Châu học và đặc biệt là phụ nữ nên bà đã "sống thực sự trong lòng một xã hội nơi mà sự phụ thuộc về mặt gia đình cùng việc cư trú được quyết định chủ yếu bởi ‘các chị và các mẹ’". Vì thế, qua công trình Người Ê Đê : Một xã hội mẫu quyền – kết quả của 14 tháng (tháng Tư năm 1961 đến tháng Sáu năm 1962) tác giả sống ở Đắc Lắc, Condo tin rằng Anne de Hauteclocque-Howe đã đi xa hơn nhiều so với ông, nếu ông tự làm lấy công việc đó thay vì đi Togo. Việc nghiên cứu được tác giả "tiến hành một cách thông minh và tỉ mỉ để phát hiện trong các chi tiết thích đáng một cơ chế xã hội đặc biệt phức tạp". Trong quyển sách này, Anne de Hauteclocque đã biết kết hợp tính chặt chẽ "khoa học với một lối viết thượng thừa" nhằm phục hồi chất máu thịt của đời sống cho những sơ đồ tri thức.
Tây Nguyên với những nhà thám hiểm
Hai nhà thám hiểm lớn đã để lại những ghi chép quan trọng về Tây Nguyên có thể kể đến là Henri Maître và Jean Boulbet.
Boulbet đã bản địa hóa chính mình với cái tên Mạ Dam Böt, ở đó ông đi băng qua các chòm núi, lưu thông qua các rừng cây hùng vĩ nhất, thăm các phong cảnh danh tiếng nhất, tắm trong các lỗ nước có tiếng nhất, ngủ trong phần lớn các làng, tham dự nhiều cuộc lễ hiến sinh, tham dự vài cuộc thương thuyết và nhiều cuộc thanh toán, làm cho cư dân bản xứ nói càng nhiều càng tốt (thơ, cổ ca)… Mục đích đến Tây Nguyên được Boulbet viết trong cuốn sách dân tộc học Pays Maa’, Domaine des Génies (Xứ người Mạ, lãnh thổ của Thần linh) xuất bản năm 1967, rằng "chúng ta có mặt ở đây để làm lại cái xứ sở miền núi này, ‘xứ Mọi’ của những người xưa […] để giữ cho họ đứng ngoài những xáo động đáng lo của chính trị […]. Tôi đến xứ sở của họ để sống cái tuổi hai mươi của tôi một cách đầy đặn đến mức tối đa có thể […]. Tôi đã cưới một cô gái thuộc một trong những dòng họ lớn nhất trong vùng…" Nhận xét về điều này, Dournes viết trong Pötao "nhiều người Châu Âu muốn tự coi mình là vua vì nhu cầu áp đặt và ý muốn làm cho những người nguyên thủy được coi là dễ bảo ‘tiến bộ’, mà hoàn toàn không hề biết chút gì về cơ chế của quyền lực trong xã hội của họ". "Điều chẳng hề ngăn người ta làm tốt công việc dân tộc học, công việc mà anh chàng thực dân trẻ được cuốn vào một cách tự nhiên" [11]. Xứ người Mạ thể hiện niềm mong muốn thầm kín của nhà dân tộc học trẻ, "không phải là ý chí muốn có quyền lực thúc đẩy anh ta, mà là sự hấp dẫn của ‘Cái lạ’, dầu anh chỉ cảm thấy một cách mơ hồ". Cái lạ (exotique), trong mọi mặt đời sống Tây Nguyên nói chung, với người Pháp thực sự hấp dẫn, gây tò mò, không cưỡng lại được. Cái lạ đó mê hoặc các nhà dân tộc học mới bước vào nghề, Condominas hay Boulbet không ngoại lệ.
Theo thông tin của Oscar Salemink, trong Nhà nhân học chân trần, nhà dân tộc học khó tính Dournes đánh giá rất cao cuốn sách Les jungles Moï (Rừng người Thượng), xuất bản năm 1912, của Henri Maître. Andrew Hardy thì viết rằng, Les jungles Moï và Pötao là hai cuốn sách tuyệt vời nhất về Tây Nguyên mà ông từng đọc. Rừng người Thượng gồm ba phần, đến nay chúng ta chỉ mới dịch ra Việt ngữ phần III của cuốn sách.
Nếu như hai phần đầu là những lời tụng ca của Maître dành cho rừng hay những câu chuyện về chính Maître một cách chủ quan và ít có giá trị dân tộc học, "chuyện kể về Henri Maître và rừng của Henri Maître", thì phần III là nội dung về con-người-sống-trong-rừng dưới góc nhìn khoa học, khách quan của một nhà thám hiểm đồng thời là nhà dân tộc học Henri Maître. Đánh giá về giá trị nội dung của phần III này, Andrew Hardy và Nguyễn Văn Huy cho rằng, "một nghiên cứu tổng quát không chỉ đầu tiên mà còn chất lượng nhất về Tây Nguyên trong số những gì đã xuất bản" [12]. Một lý do khác khiến công trình của Maître trở nên kinh điển là nhờ phương pháp nghiên cứu thực địa và khảo cứu tư liệu để tổng hợp về các dân tộc cao nguyên miền Thượng trong suốt chiều dài lịch sử.
Nếu Pierre Dourisboure là người, từ rất sớm, kiên trì khai phá Tây Nguyên ở góc độ tôn giáo thì Henri Maître là người tiên phong trong khoa học, trong nghiên cứu về nền văn minh, con người, vùng đất và núi rừng Tây Nguyên.
Vĩ thanh
Từ Pötao đến Tọa độ vừa được dịch ra Việt ngữ là khoảng thời gian tám năm chờ đợi, những gì còn lại là công việc tái bản các bản dịch được in trước đó, không có cái mới.
Mong trong một tương lai gần, chúng ta được đọc những bản dịch Việt ngữ quan trọng khác về chủ đề Tây Nguyên hay lịch sử-dân tộc liên quan, ví dụ : Sons of the Mountains (Những người con của núi) của Gerald Cannon Hickey, Bois-bambou : Aspect végétal de l’univers Jorai (Gỗ-Tre : Phương diện thực vật của thế giới Jörai) của Jacques Dournes, L’Exotique est quotidien (Cái xa lạ là cái thường ngày) của Georges Condominas, Les Mnong des Hauts-Plateaux (Người Mnông ở Tây Nguyên) của Albert-Marie Maurice, vân vân và vân vân.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói, dân tộc học trong một cách hiểu nào đó không phải là nghề mà là một nghiệp, người ta không ‘làm’ dân tộc học, người ta ‘sống’ nó. Người Pháp đã ‘sống’ với ‘cái lạ’ và để lại cho chúng ta những hiểu biết căn bản nhất về vùng đất Tây Nguyên thông qua những nghiên cứu dân tộc học, ghi chép, sách vở. Nhìn lại những gì đang có, điều dễ thấy là hiện tại còn quá ít sách được dịch sang Việt ngữ, công việc nói tưởng dễ nhưng cũng thật khó nếu không yêu-hiểu-nghĩ về Tây Nguyên như Dournes đã từng nói.
Nguyễn Quang Diệu
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/05/2021
[1] Theo tiếng Ba Na, Kontum nghĩa là Làng Hồ. Ban dịch thuật thuộc nhóm Đại Chủng sinh giáo phận Kontum chuyển ngữ, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2010.
[2] Andrew Hardy, Nhà nhân học chân trần : Nghe và đọc Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2013, tr. 20-21.
[3] Andrew Hardy, Nhà nhân học chân trần : Nghe và đọc Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2013, tr. 4.
[4] Dam Bo, Les populations montagnardes du Sud Indochinois, France-Asie, Lyon, 1950 (đặc san). Cuốn sách đã được Nguyên Ngọc dịch sang Việt ngữ với nhan đề Miền đất huyền ảo.
[5] Jacques Dournes, Bois-bambou : Aspect végétal de l’univers Jorai, CNRS, Paris, 1969, 196 trang.
[6] Jacques Dournes, Coordonnées : structures Jörai familiales et sociales, Institut d’Ethnologie, Paris, 1972. Nguyễn Phương Chi dịch sang Việt ngữ, Nguyên Ngọc hiệu đính và giới thiệu, Omega+ và Nhà xuất bản Thế giới, 2021.
[7] Jacques Dournes, Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai, Flammarion, Paris, 1977. Nguyên Ngọc dịch sang Việt ngữ, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2013 ; Omega+ tái bản năm 2018.
[8] Oscar Salemink, "Barefoot in the Mud : Reflections on Jacques Dournes" (Chân trần trong bùn : Những suy ngẫm về Jacques Dournes), trong Nhà nhân học chân trần : Nghe và đọc Jacques Dournes, sđd, tr. 165.
[9] Jacques Dournes, Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương, sđd, 2018, tr. 149.
[10] Jacques Dournes, Forêt, femme, folie : Une traversée de l’imaginaire Joraï, Aubier, Paris, 1978. Nguyên Ngọc dịch sang Việt ngữ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 20063 ; Omega+ tái bản năm 2018.
[11] Jacques Dournes, Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương, sđd, 2018, tr. 148.
[12] Henri Maître, Rừng người Thượng, Lưu Đình Tuân dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, Nhà xuất bản Tri thức, 2008, tr. 15.
Nay, người ta phá rừng không chỉ vì tiền, mà còn vì rừng không phải là ký ức của họ.
Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quân sự, an ninh, là vùng giàu tiềm năng về văn hóa truyền thống Đông Nam Á… được coi là "xương sống" và "nóc nhà" của bán đảo Đông Dương.
Là một trong những khu vực phong phú và giàu có nhất của hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới, ở Tây nguyên có thảm thực vật nguyên sinh nhiều kiểu rừng được bảo tồn hàng triệu năm nhờ các khối núi cao và địa hình chia cắt mạnh.
Thống kê vào năm 1974 cho biết tại đây có khoảng 3.600 loài thực vật bậc cao trong đó có nhiều loại rất quý bao gồm cả thân gỗ và nhiều loại dược liệu. Với vị trí trung tâm của Đông Dương, Tây nguyên là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm động vật có nguồn gốc khác nhau, phong phú và đa dạng về giống loài : hàng ngàn loài động vật nước ngọt, bò sát, chim và trên 100 loài thú trong đó có nhiều thú quý hiếm.
Điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường cảnh quan Tây nguyên là "cái nôi" cho cuộc sống và văn hóa của các tộc người nơi đây phát triển và bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử.
Trước năm 1975 Tây nguyên như là một vùng đất ngủ yên trong sự quên lãng về lịch sử, có chăng chỉ được nhắc nhớ trong vài tập khảo cứu về Nhân học của một số tác giả người Pháp, còn về khảo cổ học thì đây là "vùng đất trắng".
Lịch sử một vùng đất được đánh dấu bởi sự xuất hiện của con người, theo đó Tây nguyên có lịch sử từ thời đá cũ cách đây chừng 300 ngàn năm. Đến nay ở Tây nguyên phát hiện được trên 100 di chỉ khảo cổ học thời tiền sử và sơ sử, đã khai quật hơn 20 di tích lớn như Lung Leng (Sa Thầy, Kon Tum), Biển Hồ (Play-cu, Gia Lai…).
Đã tìm thấy hàng chục ngàn công cụ đá, hàng triệu mảnh gốm chum, vò, hàng trăm công cụ kim loại và nhiều dấu tích cư trú, mộ táng, lò luyện kim… Ngoài ra gần đây còn tìm thấy hàng chục trống đồng lớn nhỏ "kiểu Đông Sơn", những bộ đàn đá, đá kêu rất độc đáo… Đây là nguồn sử liệu cho phép chúng ta phác dựng bức tranh văn hóa và cảnh quan môi trường tiền sử Tây Nguyên.
Những sưu tập di vật khảo cổ học bằng các chất liệu ở Tây nguyên cho biết mối quan hệ sâu sắc và bền chặt giữa "người và rừng" Tây nguyên : từ bao đời rừng là sở hữu của cộng đồng, con người thuộc về cộng đồng buôn làng và thuộc về rừng, làng ở đâu cũng gần rừng, làng chuyển đi đất lại trở thành rừng, đốt rẫy làm nương rồi đi tìm rẫy mới đất bỏ hoang lại trở thành rừng…
Người Tây nguyên "ăn rừng" vừa đủ, không ăn phí phạm, ăn biết dành lại cho người sau không vừa ăn vừa phá. Sống với rừng, chết làm "ma" trong nhà mồ giữa rừng, sau lễ "bỏ ma" con người trở lại với rừng, thiên nhiên.
Rừng là ký ức di truyền và luôn hiện hữu trong mỗi người Tây Nguyên. Có thể nói nếu người ở đồng bằng sống chết với đất, vì đất, thì người Tây nguyên sống chết với rừng, vì rừng.
Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên càng bền chặt bao nhiêu thì lối sống, tâm thức con người càng hài hòa, hướng thiện bấy nhiêu.
Bảo tồn sự đa dạng của môi trường cảnh quan, bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm không chỉ là bảo vệ thiên nhiên, mà đó chính là bảo tồn sự đa dạng của văn hóa, sự giàu có của tài nguyên, và qua đó là bảo vệ sự đa dạng và giàu có của con người và văn hóa Tây nguyên, văn hóa Việt Nam.
Mỗi lần trở lại Tây Nguyên thấy rừng ngày càng ít, văn hóa bản địa càng ẩn sâu hơn trong tâm thức người Tây Nguyên. Ký ức về một Tây Nguyên hồn nhiên, thanh sạch và thấm đẫm tình người, tình rừng… lẽ nào chỉ còn trong những tập khảo cứu người Pháp để lại từ gần trăm năm trước ?
Buôn Mê Thuột 19/4/2021
Nguyễn Thị Hậu
Nguồn : VNTB, 20/04/2021
Giới chức ngoại giao Hoa Kỳ gặp gỡ người Thượng Tây Nguyên
VOA, 24/06/2020
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ vừa gặp gỡ các tín hữu Tin Lành độc lập, các cựu tù nhân, và đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau tại các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam. Theo những người tham dự, hai cuộc gặp tại Đăk Lăk và Gia Lai vào tuần trước diễn ra suôn sẻ, dù họ bị an ninh "theo dõi" cả trước và sau khi gặp phái đoàn Hoa Kỳ.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ gặp gỡ các tín đồ Tin Lành thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, ngày 17/06/2020 tại Buôn Ma Thuột, Đak Lak. Photo by Y Quy Buon Dap.
Mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Quang cho VOA biết nội dung trao đổi giữa các tín đồ và ông Noah Zaring, tham tán chính trị và ông Gaetan Damberg-Ott, viên chức chính trị :
"Tại Gia Lai có 8 người gặp, tại Đăk Lăk có 12 người gặp. Khác với các lần gặp trước, lần này [phía Mỹ] quan tâm rất chi tiết hơn, hỏi thăm các nhóm Tin Lành chưa được công nhận, kể cả nhóm có pháp nhân, họ có khó khăn gì và còn vấn đề gì tồn tại ? khi đã cho phép hoạt động thì họ còn gặp khó khăn gì ? Đối với các tín đồ vì lý do tự do tôn giáo mà trước đây từ 2001-2004 đấu tranh mà bị đi tù thì quay về phải đối diện với những khó khăn gì ?"
Ông Y Quy Buon Dap, người dân tộc Eđê, ở làng Ea Khit, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, một tín đồ Tin Lành, đồng thời là một thành viên nhóm vận động "Người Thượng vì Công lý" (Montagnards stand for Justice), cho VOA biết thêm về cuộc gặp giữa ông, cùng các tín đồ khác và hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ.
"Tôi nói lên sự thật về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, từ năm 2018 cho đến nay chúng tôi vẫn còn chịu sự sách nhiễu, đe dọa, đàn áp, bắt bớ từ nhà cầm quyền. Họ canh gác, theo dõi thường xuyên. Nhiều tín đồ và lãnh đạo hội thánh bị áp giải lên đồn công an thẩm vấn.
"Họ tuyên truyền trong các cuộc họp với quần chúng để tẩy chay hội thánh của chúng tôi, hăm dọa người dân không được tiếp cận với giáo dân, tín đồ trong hội thánh của chúng tôi, cho rằng đó là "tà đạo".
"Họ nói chúng tôi lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước. Họ gán ghép như vậy để xóa bỏ tôn giáo của người Montagnard Dega của chúng tôi.
"Nhiều hội thánh của chúng tôi chưa dám công khai hoạt động, thờ phượng vì sợ bắt đi tù như trường hợp của thầy truyền đạo Y Pum Bya, tín đồ Y Min Ksor, mục sư A Đảo".
Tham tán chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ Noah Zaring và Mục sư Nguyễn Hồng Quang. Photo Facebook Nguyễn Hồng Quang.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết lực lượng an ninh có mặt xuyên suốt và "làm phiền" tại cuộc gặp ở Đăk Lăk hôm 17/06 :
"Rất đông an ninh, công an tỉnh Đăk Lăk biết trước cuộc gặp này, họ ngồi đó rất đông, gây áp lực với khác sạn Sài Gòn Buôn Mê, nơi phái đoàn Mỹ đặt phòng họp. Họ hỏi danh sách, lấy giấy tờ giống như mình nghỉ qua đêm, trong khi mình là khách mời đến chỉ uống nước. Tôi có nói với họ là đừng làm phiền chúng tôi".
Ông Y Quy Buon Dap cho VOA biết cả ba tín đồ trong nhóm của ông đều bị an ninh theo dõi, có trường hợp an ninh tìm đến nhà để "dò xét" sau cuộc gặp.
"Cả ba người đều bị theo dõi. Khi gặp viên chức đại sứ quán Mỹ có công an chụp hình lén. Hôm sau, tôi về tới nhà thì có công an canh gác tư gia rất nhiều".
VOA đã liên lạc với công an tỉnh Đăk Lăk và khách sạn Sài Gòn Ban Mê để tìm hiểu thêm về cáo cuộc "làm khó" khách tham dự cuộc họp với các nhà ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Từ North Carolina, ông Y Phic Hdok, đại diện cho Montagnards Stand for Justice cho VOA biết rằng "cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Hoa Kỳ và các tín đồ của hội thánh tư gia là một điều rất quan trọng".
Ông Y Phic cho biết thêm : "Đó là cơ hội để họ lắng nghe những câu chuyện thật của từng cá nhân bị đe doạ, đàn áp về vấn đề thực hành niềm tin của mình. Nhiều mục sư và tín đồ khác hiện tại luôn bị đe doạ, ép bỏ đạo, để theo tôn giáo mà họ trọn quyền kiểm soát, họ tuyệt đối không cho những tín đồ họp lại với nhau, họ kiếm những lý do để mời các tín đồ lên đồn công an hay làm việc một cách vô cớ, họ cho rằng tôn giáo mà các tín đồ đang theo là "của Mỹ đang âm mưu lật đổ chính quyền", nhưng đó chỉ là cái cớ để chính quyền gán mác để đàn áp, và xúi giục những người dân khác không đi theo".
Hôm 10/06/2020, trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết "chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sách nhiễu các tín đồ Tin lành thuộc dân tộc thiểu số", với việc "các quan chức chính phủ tiếp tục tấn công, theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ một cách tùy tiện và phân biệt đối xử với các tín đồ, một phần vì các hoạt động tôn giáo của họ".
******************
Đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và vấn đề đặt ra hiện nay
Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019, ngày 14/11/2019
Lời giới thiệu : Để có một cái nhìn khách quan và chính xác về người Thượng và đạo Tin Lành tại Việt Nam, chúng tôi đăng lại sau đây bài tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Đức, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, về đạo Tin Lành trên Tây Nguyên.
Đảng và chính quyền cộng sản nắm và biết rất rõ những gì đang xảy ra trong cộng đồng người Thượng trên Tây Nguyên (phần 1). Trong phần 2, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Đức để lộ những ưu tư của Đảng và chính quyền cộng sản trong việc quản lý những người theo đạo Tin Lành trong nước nói chung và trên Tây Nguyên nói riêng. Điều này cho thấy chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam không mạnh, tất cả những kết hợp đông người đều làm Ban lãnh đạo Đảng cộng sản lo sợ và muốn tìm cách làm suy yếu, chia rẻ hay trực tiếp quản lý. Có là công cóc không khi muốn lèo lái đức tin của người dân mà chính mình không hiểu và không tin ? (NVH)
Sinh hoạt tôn giáo tại chi hội Tin Lành Plei Breng (xã Ia Der- huyện Ia Grai). Ảnh: T.N
-----------------------
Đạo Tin Lành được du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20 thế kỷ XX. Hiện nay, đạo Tin Lành đã có được vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo ở khu vực này và đáp ứng được nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, hoạt động của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên cũng đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm giải quyết, như : tình trạng thiếu nơi sinh hoạt tôn giáo, hoạt động lợi dụng đạo Tin Lành của những lực lượng xấu. Nhận diện được những vấn đề đang đặt ra để Đảng và Nhà nước ta có được những quyết sách cho phù hợp.
Đạo Tin Lành chính thức được du nhập vào Việt Nam năm 1911. Công việc truyền giáo do Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp (Christian and Missionary Alliance - C&MA), tổ chức đến từ Bắc Mỹ, thực hiện. Sau đó không lâu, các giáo sĩ thuộc C&MA đã bắt đầu truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đạo Tin Lành phần nào đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, góp phần xóa bỏ các hủ tục, đưa đến những tiến bộ về đạo đức, lối sống... nhưng cũng tạo ra một số phức tạp.
1. Tình hình đạo Tin Lành ở Tây Nguyên hiện nay
Sau khi Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) được Nhà nước công nhận vào năm 2001, nhất là sau Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 4/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác đối với đạo Tin Lành được ban hành, tình hình đạo Tin Lành ở Tây Nguyên diễn biến theo hướng tích cực ; số người theo đạo gia tăng nhưng không đột biến, không tạo những điểm nóng xã hội. Đến năm 2015, khu vực có 440.149 người theo đạo Tin Lành (1), phân bố như bảng (trang sau).
Đến năm 2018, Tây Nguyên có 600 nghìn tín đồ theo đạo Tin Lành (450 nghìn tín đồ là người dân tộc thiểu số), 1.665 điểm nhóm (1.300 điểm nhóm đã được cấp đăng ký), 300 chi hội, 120 nhà thờ, nhà nguyện (2). 18 tộc người thiểu số theo đạo Tin Lành, bao gồm : Ê Đê (133.593 người), Gia Rai (82.604), Bah Nar (35.309), K’Ho (74.864), M’Nông (23.284), Xê Đăng (6.473),Vân Kiều, Mạ, H’Mông, H’Lăng, Giẻ Triêng, Dao, Nùng, Tày, Sán Chỉ, Chăm, S’Tiêng, Thái. Hiện tại, có hơn 30 tổ chức, hệ phái đạo Tin Lành cùng tồn tại ở khu vực này.
Các tổ chức, hệ phái đã được Nhà nước công nhận có đông tín đồ hơn cả, như : Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), chiếm 87% tổng số tín đồ ; Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, chiếm 4,1%.
Thực hiện Chỉ thị Về một số công tác đối với đạo Tin Lành năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tình hình đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã từng bước ổn định, hoạt động tuân thủ pháp luật, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân. Hơn 90% tín đồ được sinh hoạt tôn giáo tự do trong các chi hội hay điểm nhóm ; nhiều nhà thờ, nhà nguyện được trùng tu, sửa chữa hay xây mới ; nhiều mục sư, truyền đạo được thụ phong.
Bên cạnh đó, hoạt động đạo Tin lành tại Tây Nguyên còn một số vấn đề cần giải quyết :
Thiếu nhà thờ, nhà nguyện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân
Tây Nguyên hiện nay có đông đảo tín đồ đạo Tin Lành, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, với 600 nghìn người, 1.665 điểm nhóm, 300 chi hội, nhưng chỉ có 120 nhà thờ, nên rất thiếu nơi sinh hoạt tôn giáo cho người dân (3). Nhiều tổ chức, hệ phái đạo Tin Lành phải tổ chức sinh hoạt tại những địa điểm ngoài cơ sở thờ tự, nơi công cộng, khách sạn, thậm chí là nhà riêng, từ đó đặt ra khó khăn cho chính quyền các địa phương trong quản lý xã hội (4). Do đó, việc cơi nới, mở rộng, thậm chí là xây mới nhà thờ, nhà nguyện ; mua bán, chuyển nhượng đất đai để xây cơ sở tôn giáo khi chưa được phép của chính quyền đã và đang diễn ra. Trong khi đó việc hỗ trợ xây dựng nơi sinh hoạt tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn do thực lực của các tổ chức đạo Tin Lành, cũng như khó khăn chung của các địa phương (5).
Tình hình phức tạp trong chính đạo Tin Lành
Do có nhiều tổ chức, hệ phái đạo Tin Lành hoạt động rất khác nhau, nên tạo ra những phức tạp trong tình hình tôn giáo. Có những nhóm hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật, tôn trọng sự lãnh đạo quản lý của Nhà nước, có đóng góp cho cộng đồng. Trong khi đó, một số nhóm hoạt động không ổn định, thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến những vi phạm. Một số tổ chức, hệ phái tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau để phát triển tín đồ, mở rộng địa bàn truyền giáo gây nên những bất ổn trong cộng đồng, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số.
Nhiều tổ chức, hệ phái chưa được công nhận. Có đến 20 tổ chức, hệ phái, với hơn 18 nghìn tín đồ chưa được công nhận (6), cũng có nghĩa là bộ phận này hiện đang "ngoài vòng quản lý" của chính quyền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự xã hội. Thí dụ như vụ việc "Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ" năm 2018.
Hoạt động lợi dụng đạo Tin Lành
Các lực lượng xấu thường xuyên tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành để gây rối xã hội, chống phá cách mạng nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cởi mở trong quan điểm, chính sách đối với đạo Tin Lành của Đảng và Nhà nước ; việc lợi dụng đạo Tin Lành ở Tây Nguyên ngày càng mạnh và tinh vi.
Hai cuộc bạo loạn chính trị xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên tháng 2/2001 và tháng 4/2004 là những trường hợp điển hình cho thấy âm mưu và hành động lợi dụng đạo Tin Lành, dân tộc của các thế lực phản động. Nghe theo những lời kích động, xúi giục của những phần tử phản động ở nước ngoài với âm mưu thành lập "Nhà nước Đê ga độc lập" và "Tin Lành Đê ga" (7) ở Tây Nguyên, đứng đầu là Ksor Kơk, hàng ngàn người dân tộc thiểu số từ các bản làng xa xôi, bằng những phương tiện thô sơ, kể cả công nông tiến về biểu tình, gây bạo loạn ở các thành phố, thị trấn thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Những năm sau đó, các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc vẫn diễn ra. Trong sáu tháng đầu năm 2006, đã có khoảng 70 vụ việc xảy ra : Gia Lai 33 vụ (chiếm 47%) ; Đắk Lắk 15 vụ (21%) ; Lâm Đồng 11 vụ (15,7%) ; Kon Tum 6 vụ (8,5%) ; Đắk Nông 3 vụ (4,3%) (8).
Gần đây, lực lượng FULRO và "Tin Lành Đê ga có dấu hiệu hoạt động trở lại. Tại tỉnh Gia Lai, những nhân vật thuộc "Tin Lành Đê ga" đứng đầu và tuyên truyền các tà đạo, như Tà đạo Hà Mòn, Thanh Hải Vô thượng sư, Bơ khắp Brâu, gây phức tạp tình hình, tiềm ẩn nguy cơ gây nên các cuộc biểu tình và bạo loạn chính trị.
2. Một số kiến nghị đề xuất
Để nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo và công tác đối với Tin Lành, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau :
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chính sách đổi mới về tôn giáo, tín ngưỡng. Những quan điểm, chính sách đó đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo chỉ rõ : "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta"(9).
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Nhà nước ta ban hành năm 2016 khẳng định :
"1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo ; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo ; tham gia lễ hội ; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo" (10).
Đối với đạo Tin Lành, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước được thể hiện thông qua Chỉ thị số : 01/2005/CT-TTg, ngày 4/2/2005 về một số công tác đối với đạo Tin Lành của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chúng ta từng bước bình thường hóa hoạt động của đạo Tin Lành ở nước ta, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Tây Bắc. Cần tiếp tục được tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức về tôn giáo, về đạo Tin Lành cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân.
Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo
Ở nhiều nơi thuộc Tây Nguyên hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo thiếu về số lượng, hầu hết chưa được đào tạo cơ bản về công tác tôn giáo, làm hạn chế việc giải quyết những công việc liên quan đến tôn giáo và đạo Tin Lành. Thực tế cho thấy đa số cán bộ, công chức không muốn làm công tác tôn giáo vì nhiệm vụ này khó khăn, phức tạp. Vì vậy, việc tăng cường củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo là yêu cầu cấp thiết. Đảng, Nhà nước và các địa phương trong khu vực cần tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo. Cụ thể là thông qua đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn ; đồng thời quan tâm chính sách đãi ngộ, kể cả động viên khen thưởng. Mục tiêu là có được đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo có năng lực công tác tốt, nắm chắc pháp luật và am hiểu về tôn giáo. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm làm cho chính sách, pháp luật đổi mới về tôn giáo của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống trên cả nước, cũng như ở Tây Nguyên.
Ba là, phát huy đóng góp của đạo Tin Lành cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đạo Tin Lành là tôn giáo cải cách hiện đại, rất quan tâm và có đóng góp tích cực cho xã hội, điều này thể hiện rất rõ ở những nước có đông tín đồ đạo Tin Lành, như : Mỹ, Đức, Hàn Quốc, thậm chí là Trung Quốc trước đây.
Ở nước ta, trong thời kỳ trước năm 1975, đạo Tin Lành đã có đóng góp tích cực cho hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo thông qua nhiều trường học, bệnh viện. Ở Tây Nguyên, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã thành lập Bệnh viện Phong năm 1951 ở Buôn Mê Thuột ; Bệnh viện Tin Lành Đà Lạt năm 1959, và năm 1960 một bệnh viện đa khoa được xây dựng ở Pleiku. Đến năm 1975, Hội Thánh đã có 5 bệnh viện và Chẩn y viện. Các tổ chức đạo Tin Lành khác, như : Giáo hội Cơ đốc Phục lâm, Hội Truyền giáo Cơ đốc, Giáo hội Báp tít cũng đã có những hoạt động xã hội thiết thực.
Hiện nay, các tổ chức đạo Tin Lành tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo góp phần thực hiện an sinh xã hội, như : giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ khẩn cấp, tặng xe lăn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, những kết quả này chưa tương xứng với khả năng đóng góp của họ.
Một trong những chủ trương rất mới của Đảng và Nhà nước là phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp cho xã hội, vì vậy việc phát huy đóng góp của đạo Tin Lành cho sự phát triển của Tây Nguyên, nơi có rất đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo là rất cần thiết.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Đức
Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn : Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019, 14/11/2019
(1) Số liệu này do các tỉnh thống kê báo cáo. Số lượng tín đồ này ít hơn so với thực tế, vì có một bộ phận đáng kể tín đồ thuộc các tổ chức đạo Tin Lành chưa được công nhận, mà các tỉnh chưa thống kê được. Số người theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên hiện tại khoảng 600 nghìn.
(2) Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ.
(3) Số tín đồ đạo Tin Lành ở khu vực hiện đã tăng gần 10 lần, trong khi đó số nhà thờ lại giảm đi gần ½ do yếu tố lịch sử.
(4) Xem : Nguyễn Khắc Đức : Một số vấn đề về đạo Tin Lành ở Việt Nam, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2018, tr.93.
(5) Xem Vũ Thị Thu Hà (Chủ biên) : Giá trị và chức năng của Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr.173.
(6) Trong cả nước, hiện có hơn 70 tổ chức, hệ phái hay nhóm Tin Lành chưa được công nhận với số lượng khoảng 200 nghìn người.
(7) Cái gọi là "Tin Lành Đê ga" là một tổ chức chính trị phản động được tuyên truyền ở Tây Nguyên năm 1999.
(8) Xem : Đoàn Triệu Long : Đạo Tin Lành ở miền Trung Tây Nguyên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.205.
(9) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.488.
(10) Ban Tôn giáo Chính phủ : Tài liệu giới thiệu Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.10.
Tây Nguyên, vùng đất đầy tiềm năng, phải nói rất nhiều nước trên thế giới mơ cũng không tìm ra vùng đất đầy tiềm năng như vậy ?
Hình minh họa. Huyện Chư Pưh - Hình do tác giả cung cấp
Tây Nguyên hay trước đây còn có tên gọi Cao Nguyên Trung phần của Việt Nam, là dải Cao nguyên trải dài phía Tây vùng Nam trung bộ bao gồm 5 Tỉnh ngày nay là : Kontum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Lâm Đồng.
Nơi đây có một vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, bởi nơi đây trước năm 1975 ngoài một diện tích rừng nguyên sinh khá lớn thì đây là một dải đất Bazan màu mỡ phù hợp cho nhiều loại cây công nghiệp có giá trị như : cafe, hồ tiều, cao su, cacao..., về văn hóa thì rất đa dạng từ bản sắc văn hóa đặc trưng của nhiều dân tộc bản xứ, mà từ thời Pháp người ta đã thấy được tiềm năng và sự quan trọng của vùng đất này ninh thì người ta thường nói "mất Tây nguyên là mất nước".
Sau khi đất nước chấm dứt chiến tranh, người dân các tỉnh miền Bắc và duyên hải Trung Bộ lần lượt kéo nhau lên đây lập nghiệp, tìm kiếm sự thịnh vượng ở vùng đất màu mỡ này và xem đây như một "vùng đất hứa". Sự thật là trong những thập niên cuối của thế kỷ trước nhiều người đã trở nên giàu có và nhiều đô thị được mọc lên, ngày càng sầm uất hơn.
Mọi sự phát triển phải dựa vào người dân, kinh tế cũng vậy ? Nói đến nông nghiệp phải nghĩ đến đầu ra sản phẩm, phương thức sản xuất... ; và đương nhiên muốn có được điều này thì không ai khác phải cần có một nhà nước có năng lực, thực sự "của dân và vì dân", có đường lối và quan hệ ngoại giao đúng đắn và trong sáng để có những thị trường tiêu thụ bền vững cho sản phẩm. Ngoài ra, nhà nước còn phải có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn và hỗ trợ cho nông dân về mô hình, kỹ thuật, cây giống, vật nuôi để phù hợp từng vùng đất, nhu cầu thị trường nội địa và thế giới trong hiện tại và tương lai.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 12/3/2013 : người nông dân thu hoạch hạt tiêu ở huyện Chư Pưh, Gia Lai. AFP
Nhưng rất tiếc Việt nam ta thì hầu hết làm theo hình thức tự phát, hay nói cách khác là người dân "tự bơi". Thị trường đầu ra dường như ta hầu hết lệ thuộc Trung Quốc, và có thể nói nó có quyền "sanh sát" cả nền kinh tế của ta.
Chính vì vậy lẽ ra vùng Tây nguyên phải là bàn đạp để vực dậy kinh tế cả nước thì ngày nay nền kinh tế nơi đây đang khủng hoảng một cách trầm trọng, người dân chìm đắm trong nợ nần, nhiều vùng người dân phải tìm đến cái chết để hết nợ, nhiều nhà trở thành trắng tay vì ngân hàng siết nợ, bỏ đi về các thành phố làm thuê, gia đình ly tán...để lại nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Một hôm tôi có dịp về một địa phương nọ, lâu ngày gặp nên được vài người bạn cũng đang làm nhà nước mời ăn tối trong một quán ăn sang. Sau đó có một vị Lãnh đạo sở Nông nghiệp bước vào thì người bạn tôi chào "sếp siêu Sở"!
Tôi thì lâu nay cứ nghĩ trong các ban ngành thì chắc ngành Nông nghiệp là "bèo" hơn vì họ chỉ toàn tiếp cận nông nghiệp, nông dân thì có gì là ngon, Sở Tài chính, Sở kế hoạch đầu tư... chắc " thơm" hơn.
Nhưng sau khi vị lãnh đạo này đi bàn khác thì tôi hỏi nhỏ, được các bạn tôi mách không có sở nào " béo bở" bằng, vì hàng năm có quá nhiều dự án hỗ trợ nông nghiêp, lâm nghiệp và nông dân, nông thôn được rót về từ ngân sách, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, trong khi đối tượng được hưởng là nông dân là chính, các dự án thì hầu hết vùng nông thôn, vùng sâu nên không có mấy ai giám sát.
Ah ! Thì ra là vậy, nước ta không phải không có các cơ quan ngành nông nghiệp để hỗ trợ phát triển một ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thậm chí họ còn là "siêu Sở, siêu Bộ". Nhưng rất tiếc các Cơ quan này và cả bộ máy cồng kềnh của nó cũng chẳng giúp ích gì được cho người dân, và nó chỉ dừng lại ở cái "siêu sở, siêu bộ" nên nền Nông nghiệp của ta sớm "chết yểu" và người nông dân điêu đứng.
Vũ Ngọc Lục
Nguồn : RFA, 21/02/2020
Ngày 11/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng ; trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các dự án với tổng vốn khoảng 80.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Tây Nguyên không chỉ là phên dậu của Tổ quốc, mà là điểm tựa phát triển của miền Trung, Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.
Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh to lớn, độc đáo nhưng chưa được khai thác tốt.
"Có thể nói, đến nay, Tây Nguyên của chúng ta vẫn như một cô gái đẹp, không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết Chính phủ quyết tâm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đưa Việt Nam vào top đầu Asean. ảnh : vgp.
Tây Nguyên có gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp quan trọng như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca…
Các mặt hàng này tuy đạt sản lượng lớn, nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới.
Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sản xuất theo thói quen là hạt tiêu đen, trong khi hạt tiêu trắng và đặc biệt là hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt tiêu đen.
Thủ tướng cũng chỉ ra các tồn tại khác như tình trạng di dân tự phát, nhiều doanh nghiệp đầu tư không gắn bó với cộng đồng, phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng…
Thủ tướng nêu tầm nhìn, kỳ vọng đối với Tây Nguyên, đó là phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa.
Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới.
Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của Châu Á trong thế kỷ thứ 21.
Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất đậm chất sử thi, phải luôn ý thức giữ gìn không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.
Với tầm nhìn đó, Thủ tướng gợi mở một số giải pháp. Về du lịch, Tây Nguyên là một kho tàng văn hóa phi vật thể cùng với điều kiện tự nhiên, Chính phủ quyết tâm cùng với Tây Nguyên đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Càng nhiều người biết đến sử thi Tây Nguyên thì sức lan tỏa của du lịch Tây Nguyên càng lớn.
Về nông nghiệp, phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá trị hàng hóa lớn, đặc biệt phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm.
Về nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục cơ bản ở vùng Tây Nguyên phải bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước. Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước.
Về bảo vệ, phát triển rừng, Thủ tướng tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ rừng là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là an ninh của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, mà là an ninh của toàn Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước.
"Bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, nguồn nước, sinh kế của người dân, không gian di sản của cha ông. Mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác.
Tiếp tục trồng rừng, không phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp mà tập trung tái canh, nâng cao năng suất thông qua thâm canh các loại cây công nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về công nghiệp, bài toán công nghiệp cho Tây Nguyên chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp. Phát triển năng lượng tái tạo tại những vùng đất không thể trồng trọt.
Về hạ tầng, cần tránh tư tưởng làm manh mún. Cần tập trung nguồn lực, "góp gạo thổi cơm" để có công trình hạ tầng then chốt ở Tây Nguyên. Phải xã hội hóa mạnh mẽ việc phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Thủ tướng cũng cho rằng, Tây Nguyên cần liên kết với duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có thể tiêu thụ được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao của Tây Nguyên. Liên kết cả cơ sở hạ tầng, đặc biệt là liên kết du lịch.
Về tín dụng, khuyến khích vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc ; có nhiều hình thức hỗ trợ như cấp bù lãi suất… Cùng với đó, các tỉnh cần đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Về an ninh, Thủ tướng nêu rõ : "Trước đây chúng ta đặt vấn đề ổn định để phát triển thì nay chúng ta đổi lại là phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài.
Chính vì vậy, một trong những yếu tố bảo đảm an ninh là phải phát triển bằng được kinh tế, phải quan tâm sâu sắc hơn đến sinh kế của người dân".
Cùng với đó, đấu tranh kiên quyết đối với kẻ xấu phá hoại bình yên của đất nước.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại Tây Nguyên và Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam ; bảo vệ quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân theo hiến pháp và luật pháp đã quy định.
Chính phủ cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa, đưa Việt Nam vào tốp đầu ASEAN.
Hoan nghênh các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, bỏ vốn đầu tư vào Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư, đẩy nhanh các tiến độ dự án.
Trong triển khai phải bảo đảm giữ gìn môi trường, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động.
Diệu Linh