Về binh nghiệp của Tả Quân Lê Văn Duyệt, Wikipedia tiếng Việt có ghi nhận sự kiện sau : "Năm 1808 , lại sai Lê Văn Duyệt mang quân đến Đá Vách. Thấy Phó quản cơ Lê Quốc Huy, vì nhiễu hại quá, nên dân mới nổi dậy. Lê Văn Duyệt bèn xin lệnh chém này, từ đó Quảng Nghĩa lại được yên".
Sao mà ổng "dẹp loạn" lẹ làng, gọn gàng, dễ dàng dữ vậy cà ? Nó dễ tới cỡ khiến cho hậu thế hả hê và (lắm kẻ) không khỏi ngỡ ngàng, cùng với ít nhiều… nghi ngại ! Tôi thuộc loại đa nghi nên muốn tìm hiểu xem Wikipedia đã lấy sử liệu từ đâu về cái vụ "chém chết viên quan nhiễu hại" này ?
Đọc Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu (Quyển II) thì thấy có chi tiết hơi khang khác :
"Năm Mậu Thìn thứ VII (1808)… lại sai Lê Văn Duyệt đánh giặc mọi. Lúc ấy mọi khổ vì Phó quản cơ Lê Quốc Huy nhiễu hại quá, cho nên làm phản, Duyệt xét được việc ấy, bắt Quốc Huy tâu xin chém, quân mọi liền ra đầu hàng".
Như thế, rất có thể là do "lỗi thằng đánh máy" nên Wikipedia đã ghi sai là "dân mới nổi dậy". Chắc là "dân mọi nổi dậy" mới đúng !
Vũ Man Tạp Lục Thư của Ôn Khê Nguyễn Tấn (bản do Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú thích) cũng ghi chép gần như thế nhưng bằng thứ ngôn từ văn minh và nền nã hơn nhiều :
"Công cuộc bình định Cao nguyên của tiền nhân đã không hề đơn giản : Tả quân Lê Văn Duyệt, người được tín nhiệm nhất ; người đã dùng uy lực thu phục được các bộ lạc Thượng hung dữ nhất, vào tháng Giêng năm Mậu Thìn, 1808, đã chém đầu Phó quản cơ Lê Quốc Huy khi ông này sách nhiễu quá đáng khiến người Thượng nổi loạn".
Tôi chưa có dịp được xem Vũ Man Tạp Lục Thư và chỉ được đọc đoạn văn thượng dẫn trong một status ngắn ("Chém đầu viên quan sách nhiễu khiến người Thượng nổi loạn") của nhà báo Trương Huy San, xuất hiện nơi trang FB của ông vào hôm 26/09/2023.
Bên dưới stt này là đôi ba lời bình rất… đắt :
- Yen Vu : "Rối loạn Tây nguyên xét cho cùng, cũng do người Kinh gây ra hết ... em nói thật".
- Hoàng Phi : "Tây Nguyên bất ổn mấy năm nay ko biết đem ông nào ra chém đây" ?
Nếu học được theo gương trị an của Triều Nguyễn, Hà Nội (chắc chắn) cũng đã phải chém ít nhất là vài chục quan chức của họ ở Tây Nguyên. Hãy xem lại đôi ba sự việc nghiêm trọng, đã làm xáo trộn đời sống ở vùng đất này, từ hai thập niên qua.
Ngày 6/9/2002, hãng thông tấn AFP loan tin Việt Nam đã bắt giữ khoảng 30 người Thượng – sau khi họ tham dự vào một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại làng Sao, huyện Madrak, thuộc tỉnh Dac Lak. Tuy nhiên, khi được hỏi về biến cố này, ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Dac Lak – đã lắc đầu quầy quậy :
"Làm gì có biểu tình, bất ổn hay bắt bớ những người dân thiểu số trong thời gian gần đây. Không, tuyệt đối là không có…" (There have been no demonstration, unrest or arrest of any ethnic minorities in recent days. No, absolute, not… – theo như tường thuật của AFP, vào ngày 6/9/2002, "Demonstrators Arrested in Vietnam’s Central Highlands ").
Tưởng ai xa lạ, chớ ông Lạng này thì tôi đã có lần nhìn thấy hình trên tờ Việt Mercury (trang 44, số phát hành ngày 23/1/2001) khi ông ấy đang trả lời phỏng vấn, về những biến động xẩy ra ở Dac Lak – hồi tháng 2/2001. Bữa đó ông Lạng cũng nhún vai, bầy tỏ một thái độ (thản nhiên) tương tự :
"Ðấy chả qua chỉ là những vụ cãi vã giản dị về văn khế đất đai tại hai ngôi làng mà thôi… Con số của người biểu tình đã tăng lên là do sự thổi phồng của những tay cực đoan phản cách mạng !". Cái được ông Nguyễn Văn Lạng mô tả là "những vụ cãi vã giản dị… giữa hai ngôi làng", theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy khác, gồm "nhiều ngàn nông dân đã xử dụng vũ khí – phần lớn là cuốc xẻng và dao rựa – để đấu tranh chống lại sự thối nát của của Ðảng cộng sản và những chính sách của chính phủ về chuyện đất đai trên San Jose Mercury News, hôm 26/2/2001.
(Credible reports suggest that several thousand peasants took up arms – mostly shovels, hoes and machetes – to do battle over Communist Party corruption and government policies on land use, theo như tường thuật của Mark Mc Donald "Peasants Battling Hanoi Over Land In Central Highlands Fight Over Premier Coffee-Growing Region Taking On Political And Religious Overtones").
Sau đó, ai cũng biết là Hà Nội phải huy động cả lực lượng công an cũng như bộ đội và đã sử dụng đến trực thăng để uy hiếp và truy lùng những kẻ đã tham dự vào "những vụ cãi vã giản dị" này. Hàng trăm người Thượng đã bị bắt giữ, hàng ngàn người khác đã bị truy nã. Họ đã chạy sang Cao Miên xin tị nạn.
Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Darlac – tuy thế – không bị xử tử, xử chém (hay khiển trách gì ráo) mà còn được báo chí quốc doanh vinh danh là vị lãnh đạo "xử lý bạo loạn bản lĩnh" nữa cơ. Bởi thế, vài năm sau, máu lại đổ ở Tây Nguyên vào Lễ Phục Sinh (hôm 10 –11/4/2004) nên thường được gọi là cuộc Thảm sát Phục Sinh .
Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng (tất nhiên) lại chối : "Việt Nam cực lực bác bỏ tin của tổ chức Human Rights Watch nói rằng một số người biểu tình đã bị ‘đánh đến chết’ ngày 10/4 ở đường Phan Chu Trinh, bên ngoài Buôn Ma Thuột trong các cuộc biểu tình cuối tuần qua".
Cứ chối hết, chối liền, chối ngay, chối bay, chối biến, chối phăng, chối phắt, chối đây đẩy, chối nằng nặc, chối bai bải, chối quầy quậy, chối tuốt luốt… là kể như huề cả làng thôi ! Tuy "huề" thiệt nhưng không "huề" luôn, và cũng chẳng "huề" lâu.
Đến năm 2011 thì xẩy ra biến cố khác, với sự tham dự của bẩy ngàn người dân bản địa H’mong, ở huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên. Hậu quả được Wikipedia ghi nhận như sau :
"Vào thời điểm vụ biểu tình xảy ra, theo hãng thông tấn DPA của Đức, đã có ít nhất 40 người biểu tình được cho là thủ lĩnh của người H’Mông ở Điện Biên đã bị công an bắt, trong đó có ít nhất 3 em nhỏ đã bị chết.
Trong khi đó, Trung tâm Phân tích Chính sách Công (CPPA) tại Washington DC ngày 9/5/2011 đã ra thông cáo báo chí cho rằng đã có ít nhất 63 người chết và hơn 1.000 người H’Mông chạy thoát vào rừng trong khoảng thời gian từ ngày 30/4/2011 đến ngày 9/5/2011 - khi vụ biểu tình đã kết thúc. Tuy nhiên, về phía công an giám sát vụ việc, đã không có thương vong hay bạo lực gì được gây ra bởi các người dân/công an trong suốt thời gian vụ biểu tình diễn ra".
Về sự kiện này, trang Bauxit có nhận xét ngắn gọn nhưng vô cùng chính xác (tôi tiếc là không nhớ được nguyên văn) là… nếu thay thế hai từ Điện Biên bằng Tây Nguyên thì kịch bản xẩy ra giống nhau y hệt !
Chớ nào có khác gì đâu. Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi : đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét xử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài – nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 01/02/2024
Khi những người con của núi rừng Tây Nguyên phải bỏ buôn làng, bỏ xứ ra đi...
Câu chuyện của Y'Chuân Mlô
Y'Chuân Mlô, sinh năm 1985, người dân tộc Ê Đê, quê quán tại buôn Ko Đung, xã Ea Nuol, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ko Đung có khoảng 500-600 hộ gia đình sinh sống, tất cả đều là người dân tộc Ê Đê. Cũng như hầu hết đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số khác, đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, làm rẫy làm nương trên những mảnh đất bao đời của ông bà tổ tiên để lại. Nhưng rồi đất đai của đồng bào bị nhà nước cưỡng chế rất nhiều để lấy đất cho những doanh nghiệp nhà nước hoặc đám tư bản thân hữu làm ăn, đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số bị mất đất, bị đẩy lùi sâu vào những vùng đất khô cằn, khó sống hơn. Như khu vực Y'Chuân Mlô sinh sống và các buôn làng gần đó, nhiều lần bị nhà nước cưỡng chế, thu hồi đất đai trong giai đoạn từ 1995-2008. Không có đủ đất canh tác, nhiều người dân phải bỏ vào Sài Gòn, Bình Dương đi làm thuê hay đi làm công nhân.
Y'Chuân Mlô - Ảnh minh họa
Gia đình Y'Chuân Mlô có 3 anh em. Y'Chuân là thứ hai, có một anh trai, một em gái. Gia đình anh cũng làm nghề nông. Y'Chuân đi học đến lớp 3, lớp 4 là nghỉ vì gia đình không có điều kiện, phải làm nương làm rẫy phụ bố mẹ, cả nhà ai cũng chỉ học lở dở vài năm như vậy. Không chỉ điều kiện khó khăn của từng gia đình, mà điều kiện trường lớp cũng khó khăn : lớp 1, lớp 2 thì học ngay trong buôn, lớp 3, lớp 4 thì đi bộ ra xã cách khoảng 5, 6 cây số, lên cấp hai, cấp ba thì phải xuống huyện cách khoảng hai mươi mấy cây số hoặc đi ra tỉnh Đắk Lắk-huyện lại xa hơn tỉnh, từ buôn ra tỉnh chỉ cách khoảng 11 cây. Với lứa tuổi thanh thiếu niên vốn lười đi học, phải siêng năng có ý chí lắm mới leo lên đến cấp ba, hoặc tốt nghiệp phổ thông.
Y'Chuân Mlô bắt đầu quan tâm đến chính trị từ đầu năm 2000. Xuất phát từ việc anh chứng kiến cảnh đồng bào người dân Tây Nguyên tại các buôn làng, các huyện và các dân tộc thiểu số khác bị nhà nước tịch thu đất đai, không được tự do tôn giáo, bị xách nhiễu, đàn áp đủ thứ. Hầu hết người Ê Đê ở Tây Nguyên là theo đạo Tin Lành, số lượng ít hơn là Công giáo. Đối với người theo đạo Tin Lành, nhà nước Việt Nam buộc họ phải từ bỏ các nhóm/tổ chức/hệ phái Tin Lành khác nhau, chỉ được phép theo Tin Lành Miền Nam Việt Nam là tổ chức đã bị nhà nước kiểm soát, khống chế, ai không theo thì bị xách nhiễu, thậm chí bị bắt giam, đánh đập. Người theo đạo Công giáo cũng bị đàn áp.
Từ năm 2001-2008 ở Tây Nguyên bắt đầu có những cuộc biểu tình lớn của đồng bào các sắc dân bản địa, số người bị xách nhiễu, tra hỏi, bị bắt giữ vài ngày cho tới bị đánh đập, giam giữ dài ngày rất nhiều, không ai có con số chính xác là bao nhiêu.
Trong đợt biểu tình vào năm 2001 thì Y'Chuân Mlô chưa tham gia, nhưng anh bắt đầu tham gia từ năm 2004. Giai đoạn đó những cuộc biểu tình ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, có sự tham gia của hàng chục ngàn người thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… Đồng bào đi bộ hoặc lên xe máy cày cầm khẩu hiệu, biểu ngữ đòi quyền lợi cho các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số, quyền được tự do tôn giáo, đòi trả lại đất đai bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cưỡng chế, đòi thả tù nhân lương tâm chính trị bị đàn áp.
Nhà cầm quyền Việt Nam đưa lực lượng công an và cả quân đội từ Hà Nội và Thanh Hóa xuống phong tỏa khu vực Tây Nguyên và đàn áp. Có cả trực thăng. Quân đội xử dụng lựu đạn hơi cay, hoặc súng gây mê bắn thẳng vào dân, người dân bị ngất xỉu rất nhiều.
Cuộc biểu tình diễn ra từ đêm 9/4 đến ngày 12/4 thì bị dập tắt.
Năm 2008 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục thi hành chính sách cưỡng chế đất đai, gia đình Y'Chuân Mlô có 3héc ta đất ở Sêrêpôk 3 và gần 100 hộ gia đình trong buôn đều bị cưỡng chế đất đai, và các huyện khác cũng vậy. Đồng bào bức bối, phẫn uất nên lại tính chuyện biểu tình.
Y'Chuân Mlô được xét là người cầm đầu cho cuộc biểu tình năm 2008.
Anh tiếp tục kêu gọi tất cả các huyện, buôn làng để tham gia quộc biểu tình tại tỉnh Đắk Lắk. Các cuộc biểu tình do người dân tự phát, liên lạc với nhau bằng điện thoại hoặc trực tiếp gặp nhau, kêu gọi nhau phải đi. Cũng như những lần trước, đồng bào chỉ có tay không chống lại chính quyền súng ống, trang bị vũ khí phương tiện các loại. Cuộc biểu tình diễn ra từ ngày 12/8 đến ngày 22/8. Cũng như những lần trước cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội, có lẽ còn dữ dội hơn năm 2004 ; lúc đầu thì chính người Kinh ở phố do bị chính sách tuyên truyền của nhà nước đã ném đá vào những người biểu tình, sau đó là công an, nhiều người biểu tình bị đá trúng đầu, gục ngã, máu tòe loe. Công an còn dùng cây dài cả 2 m đánh vào những người biểu tình, rồi lựu đạn cay, súng hơi mê lại được sử dụng. Nhiều người chết, rất nhiều người bị bắt, một số khác thì bỏ chạy qua Campuchia, Thái Lan.
Đến ngày 31/8/2008 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bao vây nhà bắt khẩn cấp Y'Chuân Mlô đưa lên đồn công an tỉnh Đắk Lắk. Y'Chuân Mlô bị bắt nhốt khoảng 1 tháng, bị thẩm vấn, điều tra liên tục. Trong quá trình này anh bị công an đánh đập tàn bạo bằng đủ mọi cách từ dùng tay chân đấm đá, dùng cây gỗ, dây cao su, roi điện dí điện để ép cung. Khi Y'Chuân Mlô bị ngất xỉu không tỉnh được, công an buộc phải đưa anh đi Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. Anh nằm ở đó 15 ngày. Khi anh tương đối hồi phục thì họ lại đưa qua công an tỉnh điều tra tiếp, cố ép cung cho ra ai là người cầm đầu, ai tổ chức những cuộc biểu tình. Y'Chuân Mlô chỉ lặp đi lặp lại không có ai cầm đầu, không có tổ chức nào từ bên ngoài xúi giục cả, đồng bào bức xúc, tự phát mà đi thôi.
Trong thời gian bị tạm giam để điều tra này, Y'Chuân Mlô thấy có 2 người, cũng là người Ê Đê đi biểu tình, một người ở Buôn Đung, xã Cư Êbur, Buôn Mê Thuột, một người ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lăk bị đánh và chích roi điện đến mức phải đưa đi cấp cứu, sau đó không thấy đâu nữa. Vài ngày sau thì công an thông báo hai người này đã chết.
Vài tháng sau nhà cầm quyền đưa Y'Chuân Mlô ra xét xử. Tòa xử tại Đắk Lắk, không cho người nhà, thân nhân các bị cáo được biết, không có bất cứ ai được tham dự, phiên tòa xét xử 7 người kể cả Y'Chuân Mlô, tất cả đều là người Ê Đê, đều tham gia biểu tình và bị khép tội tội phá hoại chính sách đoàn kết điều luật 87. Y'Chuân Mlô bị tuyên án 8 năm tù. Trong phiên tòa này, người bị tuyên án nặng nhất là 10 năm tù, nhẹ nhất 6 năm tù.
Sau phiên tòa, Y'Chuân Mlô bị đưa về giam ở trại giam số 5 huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian anh ở tù, gia đình muốn đi thăm nhưng chính quyền xã, huyện tạo áp lực, gây khó khăn đủ thứ cộng thêm hoàn cảnh kinh tế eo hẹp thành ra gia đình không đi thăm được mà chỉ gửi quà thăm nuôi, 1 lần 5 kg, mà cũng phải 2,3 tháng gửi một lần, có khi một năm chỉ gửi 2 lần. Đến trại giam cán bộ kiểm tra rất kỹ, gói mì tôm thì họ lột ra, bóp nát hết, cá khô thì xé vụn ra… rồi mới cho nhận. Còn gọi điện thoại về nhà, theo nguyên tắc, luật pháp quy định tù nhân có quyền gọi điện về nhà hàng tháng, nhưng có lẽ Y'Chuân Mlô và các tù nhân người dân tộc thiểu số không nắm vững quyền lợi của mình ra sao, hoặc có thể cán bộ trại giam cũng biết vậy nên vi phạm quyền của tù nhân, mỗi lần tù nhân như Y'Chuân Mlô muốn gọi điện thoại về nhà lại phải làm đơn xin, lâu lâu 2, 3 tháng họ cho gọi một lần.
Y'Chuân Mlô nhận thấy tù nhân thuộc các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số bị phân biệt. Chẳng hạn, khi ở trại giam tù nhân phải nói tiếng Kinh, không được nói tiếng dân tộc của mình, ví dụ như tiếng Ê Đê. Có người không nói được tiếng Kinh nhiều, nói vài câu chuyển qua nói tiếng Ê Đê, cán bộ nghe được, đánh hoặc bắt làm kiểm điểm, hù dọa đủ thứ. Cũng có thể họ làm như vậy do không nghe được tiếng của các sắc dân bản địa, sợ người tù trao đổi những thông tin gì đó với nhau. Nhưng ngay trong đời sống hàng ngày, Y'Chuân Mlô cũng đã nhận thấy chính sách của nhà cầm quyền đối với các sắc dân bản địa có phân biệt rất rõ ràng, lúc người dân tộc đi làm giấy tờ như làm Chứng minh nhân dân hay làm giấy khai sinh cho con nhỏ thì rất khó khăn, cán bộ hẹn ngày này hẹn ngày kia 3, 4 tháng mới xong, nếu người Kinh thì làm liền chỉ trong vòng 2, 3 ngày. Đi học ở trường thì hoàn toàn chỉ dạy tiếng Kinh. Con em của đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số nếu muốn học tiếng của dân tộc mình, chỉ có thể học khi đi theo đạo, ví dụ như đạo Tin Lành, đạo Công giáo, các mục sư, linh mục, thầy truyền đạo, sẽ dạy học kinh, học chữ.
Người Ê Đê đa phần đạo Tin Lành. Nếu đi theo Tin Lành Miền Nam Việt Nam thì nhà nước cho xây nhà thờ, làm lễ, nếu đi theo những chi nhánh Tin Lành khác thì phải làm lễ tại nhà, cầu nguyện thờ phượng Chúa nhiều nhất là 10 người với nhau, không được nhóm họp tụ tập đông người.
Bản thân Y'Chuân Mlô gia đình trước kia theo Tin Lành Phúc Âm. Từ năm 2004, 2005 khi đi sinh hoạt, tham gia biểu tình thấy nhiều người đi theo Tin Lành đấng Christ anh liền đi theo. Theo Y'Chuân Mlô, Tin Lành Phúc Âm hay Tin Lành đấng Christ cũng không khác gì nhau, cũng thờ phượng Chúa, tuy nhiên đồng bào không muốn theo Tin Lành Miền Nam Việt Nam vì do nhà nước kiểm soát, làm cái gì, kể cả đọc kinh cũng nhà nước soạn rồi cho đọc theo, người dân Ê Đê không thích bị kiểm soát như vậy.
Đến năm 2018 Y'Chuân Mlô được ra tù. Ở nhà trong thời gian anh ở tù, người vợ lấy nhau từ năm 2006, có với nhau một đứa con gái sinh năm 2007 đã bỏ đi lấy chồng khác, mang theo cả đứa con gái.
Ra tù, Y'Chuân Mlô lại quay lại làm nương rẫy. Vì vẫn còn bị quản chế 5 năm tại địa phương nên sau khi ra khỏi tù, Y'Chuân Mlô nếu muốn đi đâu ra khỏi buôn phải báo trước, chính quyền địa phương chấp thuận mới được đi, nếu không sẽ bị phạt nặng, bị bắt tù trở lại. Tuy nhiên anh vẫn tiếp tục những hoạt động ôn hòa đòi hỏi tự do, dân chủ của mình.
Năm 2017 Y'Chuân Mlô lập gia đình với người vợ thứ hai. Cả hai người vợ đều là người Ê Đê.
Sống chung với nhau 1 thời gian ngắn, H Bhét Niê, vợ Y'Chuân Mlô nghe người của VINACO giới thiệu đi làm ở Saudi Arabia, họ nói làm bên đó "việc nhẹ lương cao". Năm 2018 H Bhét Niê quyết định đi làm xa xứ, từ đó hai vợ chồng không liên lạc được với nhau, muốn liên lạc nhưng không biết gọi ở đâu, làm sao, Y'Chuân Mlô tiếp tục những công việc đấu tranh ôn hòa đòi tự do tôn giáo, đòi trả lại đất đai của tổ tiên tại vùng Tây Nguyên, lên tiếng vì tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và lại bị công an huyện Buôn Đôn bắt giam 2 ngày năm 2018. Lúc đó anh bị cáo buộc theo Tin Lành đấng Christ là chống lại nhà nước, phản động, là tổ chức Fulro Đề Ga. Và bị công an dùng tay đánh vào đầu, dùng dùi cui đánh vào ngực, vào xương sườn.
Vào tháng 9/2019 công an huyện, và công an tỉnh đến nhà muốn bắt. Y'Chuân Mlô sợ rằng nếu bị bắt sẽ bị kết án tù còn nặng nề hơn lần trước nên đã chạy trốn sang Thái Lan. Anh đi đường bộ xuyên biên giới từ 21-24/9/2019 tới Thái Lan. Ở đây anh gặp những người Ê Đê đi trước, được họ cho ở nhờ. Ngày 26/9 anh đến văn phòng Liên Hiệp Quốc xin tỵ nạn chính trị. Phải gần một năm sau anh mới được cấp bạt/thẻ Liên Hiệp Quốc.
Y'Chuân Mlô tại Thái Lan - Ảnh minh họa
Thời gian đầu Y'Chuân Mlô theo anh em đi làm chui, ai thuê gì làm nấy, trồng hoa, làm phụ hồ… Có được chút tiền trả tiền phòng, ăn uống. Anh phải thuê chung với đồng bào Ê Đê vì ở một mình không đủ tiền trả.
Vợ anh đã về nước từ năm 2020. Nhưng mãi đến 6/2021 hai vợ chồng mới liên lạc được với nhau.
Câu chuyện của H Bhét Niê
H Bhét Niê, người dân tộc Ê Đê, sinh năm 1993 tại xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk nhưng lớn lên ở xã Easin huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lăk, Từ chỗ H Bhét Niê sống đến chỗ Y'Chuân Mlô đi xe máy mất khoảng 2 tiếng.
Nhà H Bhét Niê có 6 chị em, tất cả đều là gái, H Bhét Niê là thứ ba, trên có 2 chị, dưới có 3 em. Cả nhà làm nghề nông. H Bhét Niê đi học được tới lớp 5.
H Bhét Niê quen Y'Chuân Mlô thông qua mạng xã hội facebook. Đến năm 2017 thì lập gia đình với nhau. Không có làm lễ gì, chỉ là H Bhét Niê theo chồng, về ở nhà chồng. Trước đó H Bhét Niê không biết và cũng không quan tâm gì đến "chuyện chính trị", nghe Y'Chuân Mlô kể từng bị tù vì những hoạt động của mình thì cũng biết vậy thôi.
Được một thời gian, cán bộ xã--cũng là người Ê Đê, tới nhà giới thiệu chỗ làm ở Ả RẬp Xê Út. Công ty tuyển dụng là VINACO. Sau khi đồng ý thì họ đóng phí mọi thứ cho H Bhét Niê, đưa cho H Bhét Niê 7 triệu sắm sửa, lo liệu việc nhà trước khi đi. Trong tháng 3/2018 H Bhét Niê ra Thanh Hóa 2 tuần tập trung tại ký túc xá học tiếng 2 tuần, thời gian ngắn ngủi nên chỉ học sơ sơ vài câu. Ở đây cô gặp nhiều người Kinh, người Gia Rai cùng đăng ký đi làm, còn Ê Đê lần đó thì chỉ có một mình cô. Ngày 9/4/2018 H Bhét Niê lên máy bay sang Ả Rập, ngày 10/4 tới Ả Rập. Khi tới nơi H Bhét Niê được ông chủ ra đón.
Gia đình mà cô phải làm việc sống ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia. Gia đình có 7 người, hai vợ chồng ông bà chủ khoảng ngoài 60 tuổi và 5 người con đã trưởng thành. Công việc mà H Bhét Niê phải làm thật ra là giúp việc nhà nhưng không hề "việc nhẹ lương cao" như công ty tuyển dụng và những người môi giới mô tả mà cô phải làm rất nhiều, làm tất cả mọi việc trong nhà, ngôi nhà thì rất rộng, có 3 tầng với rất nhiều phòng. Cô phải lau dọn hết từ tầng dưới đến tầng trên, riêng nhà vệ sinh đã 10 cái. Việc nấu nướng thì bà chủ nấu nhưng cô phải chuẩn bị sẵn mọi thứ. Lau dọn các phòng, lau chùi nhà, chiều chuẩn bi cho họ nấu ăn xong dọn tiếp, làm cả ngày không hết việc, rồi còn làm ở ngoài sân tưới cây, tưới hoa, quét sân, rửa xe, giặt đồ ủi hàng đống đồ, quần áo giặt bằng máy nhưng đồ cứng thì ho để cho cô giặt tay… Họ không cho nghỉ. Sáng dậy 5g, tối 2,3 giờ mới được nghỉ, mỗi ngày H Bhét Niê chỉ ngủ được 1, 2 tiếng. Ăn thì nhà chủ chỉ cho ăn một bữa tối. Nếu đói phải tự bỏ tiền ra mua. Và cũng chỉ ăn đồ thừa của nhà chủ, họ ăn xong, chia cho cô một ít, còn lại cất vào hộp dành cho người vô gia cư.
Tiền lương mỗi tháng 1.500 Ria. Đổi ra tiền Việt được 9 triệu. Nhưng cũng phải đòi thì mới trả. H Bhét Niê làm hơn 2 năm, chỉ có 1 chủ. Cực nhọc đã đành, nhưng họ đối xử không tử tế, đánh chửi đủ thứ. Lúc thì bà chủ, lúc thì ông chủ đánh. Bất cứ khi nào họ nói cô không hiểu hoặc làm vỡ đồ một tí là bị đánh. Cô bị tát vào mặt, đập vào đầu, vào người. Mấy người con cũng rất khó tính. Họ đều giống nhau không ai đối xử tốt với cô.
Cả nhà đi làm cả ngày, hai vợ chồng ông bà chủ thì ở nhà. Cô nhận thấy gia đình họ cũng giàu, nhà to rộng, có 5 xe hơi, có tài xế nhưng người làm thì chỉ có mình H Bhét Niê. Cô làm quần quật, cuối tuần, quanh năm không được nghỉ. Trưa đói cô gửi tiền cho họ mua mì gói, bánh mì, vừa làm vừa ăn cho đỡ đói. Nhà họ ăn 2 bữa/ngày. Không biết có phải do văn hóa, lối sống ở xứ họ hay chỉ riêng gia đình này cô không biết, nhưng họ thường ngủ từ nửa đêm 12 giờ khuya tới 12 giờ trưa, không ăn sáng, tầm chiều mới ăn trưa, tối ăn bữa chiều khoảng 8,9 giờ xong 12 g đi ngủ còn H Bhét Niê thì làm tiếp tới 2, 3 giờ sáng. Trong lúc làm thì không cho sử dụng điện thoại, không cho liên lạc với gia đình, cô cũng không liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam hay bất cứ ai. Chưa kể ông chủ và cả hai người con trai thỉnh thoảng lựa những lúc không có ai lại tìm cách đụng chạm vào người cô, hoặc thình lình ôm lấy cô từ phía sau làm cô hết sức hoảng sợ, vùng ra và bỏ chạy. Cũng may là rất ít khi nhà không có ai và chưa có chuyện gì xảy ra.
Suốt hơn 2 năm ở đó H Bhét Niê không bao giờ đi ra đường, không biết cái gì bên ngoài ngôi nhà chủ. Hợp đồng làm việc 2 năm nhưng khi đến ngày đến giờ gia đình chủ không cho về, nói nào đang dịch Covid, nào không có vé máy bay v.v… Họ còn dụ là sẽ tăng lương. Trong tháng 12/2020 vì đòi về nhiểu lần không cho, H Bhét Niê quyết định khóa cửa tự nhốt mình ở trong phòng, bắt ông chủ phải cho về mới ra, 3 ngày không ăn gì. Cuối cùng họ cũng trả đủ tiền lương, nhưng không hề tăng lương trong 7, 8 tháng làm thêm cuối cùng như đã hứa, và họ cũng cho về nhưng tiền vé cô phải chịu.
Chuyến bay về Quảng Ninh, phải ra cách ly ở Nam Định vì Việt Nam thời điểm đó vẫn đang dịch, tiền mua vé máy bay hết ba mươi mấy triệu, tiền cách ly tầm hơn 3 triệu. Cuối cùng sau hơn 2 năm đi làm như nô lệ, H Bhét Niê về nhà hai bàn tay trắng. Mặc dù vậy sau này khi biết được thêm những câu chuyện của những người phụ nữ đi làm lao động ở xứ người theo diện "xuất khẩu lao động, H Bhét Niê cho là mình vẫn còn may mắn vì nhiều người còn bị quấy rối tình dục, cưỡng hiếp hay bị quỵt tiền không trả, bị đánh đập đến thương tật, khổ nhục trăm bề !
Khi về đến nhà nghe gia đình nói H Bhét Niê mới biết chồng đã chạy sang Thái Lan, nhưng không có cách gì liên lạc được vì chồng đã đổi nick trên facebook. Cô lại ra rẫy làm nông.
Đến tháng 6/2021 sau khi dò tìm một thời gian cô lần ra được nick mới của chồng trên Facebook và gọi cho anh.
Thời gian này ở Việt Nam nhiều lần H Bhét Niê bị công an mời lên xã "làm việc", lúc đó vì có một cô gái cũng sang Saudi Arabia làm người giúp việc bị chết là H Xuân Siu, người dân tộc Gia Rai, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa H Xuân đi lao động cũng là Công ty cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế Vinaco có trụ sở ở Thanh Hóa. H Xuân Siu, chết ngày 18/7/2021, ra đi vào tháng 8/2018 khi em gần 15 tuổi, tức là chưa đủ tuổi lao động nhưng những người môi giới, tuyển dụng đã làm lại giấy tờ, nâng khống tuổi H Xuân Siu lên cho đủ tuổi. Lại thêm chuyện các cô đi làm giúp việc hết hạn nhưng chưa được về Việt Nam do đang dịch bèn đưa hình, đưa thông tin lên mạng cầu cứu. Những chuyện này báo chí truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại đưa tin liên tục, báo chí trong nước cũng đưa tin, ầm ỹ lên rồi các tổ chức xã hội dân sự, nhân quyền người Việt ở nước ngoài vào cuộc giúp đưa sự việc đến với quốc tế nên nhà nước Việt Nam buộc phải hành động, đưa máy bay sang đón những người phụ nữ Việt Nam đi làm giúp việc ở Saudi Arabia về v.v…vTuy nhiên, những sự việc này H Bhét Niê hoàn toàn không biết gì. Khi công an gọi lên điều tra, vặn hỏi, cô mới biết.
Thêm một lý do khiến công an "mời" H Bhét Niê là vì mối quan hệ với Y'Chuân Mlô.
Sau một chuyến đi làm xa với nhiều trải nghiệm cay đắng, cô chỉ muốn ở nhà, khi người của công ty liên lạc dụ cô đi làm tiếp, H Bhét Niê trả lời dứt khoát không muốn đi nữa.
Sau này cô thấy những người môi giới của các công ty tuyển dụng người đi lao động xuất khẩu vẫn tìm tới buôn nơi cô ở và các buôn khác, tìm cách dụ dỗ mọi người đi làm, nhưng nếu có bất cứ ai hỏi đi làm xa có sướng không thì cô đều khuyên họ đừng đi.
Lúc đầu H Bhét Niê nghĩ thôi cứ ở nhà làm nương rẫy cũng ổn nhưng rồi càng ngày mọi chuyện càng phức tạp, cô bị mời lên xã, huyện "làm việc" hoài, công an hết hỏi cô Y'Chuân Mlô đang ở đâu, làm gì, quan hệ với ai lại hù dọa cô Y'Chuân Mlô là thành phần phản động, đang bị nhà nước Việt Nam truy nã, không cho cô liên lạc với chồng, nếu không cũng sẽ bị bắt. Càng ngày H Bhét Niê càng sợ hãi.
H Bhét Niê cùng chồng là Y'Chuân Mlô tại Thái Lan
Được sự động viên của Y'Chuân Mlô, ngày 28/11/2022 H Bhét Niê quyết định sang Thái Lan xum họp với chồng.
Cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng
Hiện tại hai vợ chồng Y'Chuân Mlô--H Bhét Niê thuê nhà ở chung với hai vợ chồng một người em họ hàng. Y'Chuân Mlô đã được văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc phỏng vấn 2 lần nhưng chưa cấp quy chế tỵ nạn. Còn H Bhét Niê thì chưa được phỏng vấn.
Hai vợ chồng sống ở Bang Yai, cách Bangkok khoảng hai mươi mấy cây số. Người Ê Đê từ Việt Nam chạy sang Thái Lan sinh sống, tỵ nạn gần ngàn người. Ngày Chủ Nhật khi đi lễ nhà thờ Thái họ lại có dịp gặp gỡ đồng hương chuyện trò cho khuây khỏa.
Hàng ngày H Bhét Niê ở nhà, lo việc nhà, và trông giúp đứa con gái 2 tuổi của cặp vợ chồng người em họ còn Y'Chuân Mlô đi làm chui bất cứ khi nào có việc. H Bhét Niê không xin được việc vì không biết tiếng Thái, Y'Chuân Mlô cũng không biết tiếng nhưng đàn ông đi làm việc nặng như phụ hồ, bốc vác… người Thái lại nhận. Bên cạnh đó Y'Chuân Mlô tiếp tục hoạt động trong nhóm Người Thượng Vì Công lý. Liên lạc với đồng bào trong nước, tìm hiểu tình hình rồi lên tiếng, cung cấp thông tin, viết báo cáo cho các tổ chức, chính phủ quốc tế khi có những chuyện đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam đối với các sắc dân bản địa, tình trạng của anh em tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị…
Cả hai vợ chồng đều không biết tương lai rồi sẽ ra sao nhưng đều mong muốn được đi sang nước thứ ba vì sống ở Thái Lan đối với người tỵ nạn Việt Nam ngày càng nguy hiểm. Đã có những vụ công an Thái phối hợp với công an Việt Nam bắt giữ, trục xuất về nước những người vì lý do chính trị đang tỵ nạn ở Thái Lan, kể cả bắt cóc đem về nước…
Câu chuyện của hai vợ chồng Y'Chuân Mlô--H Bhét Niê chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện về người bản địa, người dân tộc thiểu số dưới chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam. Họ bị thu hồi đất đai từ thời tổ tiên để lại, không được tự do thể hiện niềm tin tôn giáo lại bị đối xử phân biệt rõ ràng so với người Kinh…nhưng khi vì phẫn uất đứng lên biểu tình thì họ bị đàn áp, bị tống vào tù với những bản án vô cũng nặng nề, khắc nghiệt. Cuộc sống sau khi ra tù cũng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và rất khó tìm được đường sống. Nếu có nghe lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" mà đi lao động xa xứ thì cũng bị bóc lột như nô lệ, bị đánh đập, với phụ nữ thì còn bị lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp…Người nghèo và đồng bào các sắc dân bản địa nằm trong nhóm có số lượng nhiều nhất chấp nhận đi "lao động xuất khẩu" hoặc bị lừa sang Campuchia làm việc trong các sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ, và thực tế là đồng tiền kiếm được chả bõ so với những cay đắng, nhọc nhằn, tủi nhục phải chịu đựng !
Còn đối với những người ở lại thì Tây Nguyên bây giờ cũng không còn là Tây Nguyên ngày xưa nơi những người dân bản địa có thể sống yên vui, đoàn kết bên nhau. Mấy chục năm dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản cầm quyền, vùng đất Tây Nguyên và đời sống của các sắc dân bản địa ở đây đã bị thay đổi đến tận gốc rễ. Về đất đai, một mặt nhà cầm quyền khuyến khích người Kinh từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào định cư rất nhiều, rồi chính quyền địa phương cưỡng chế đất của đồng bào bản địa để dành đất cho những nông trường, doanh nghiệp của những kẻ có tiền, đám tư bản thân hữu mọc lên, đồng bào không còn đủ đất để mà canh tác, mà sinh sống nữa. Môi trường sống, thiên nhiên bị hủy hoại khi rừng bị tàn phá với tốc độ kinh hoàng, rồi các công ty khai thác bauxite ảnh hưởng rất nặng đến đời sống của dân làng khi xả nước thải ra suối, hồ, tràn tới nương rẫy, ngấm vào đất…Những phong tục tập quán dần dần mất đi, đồng bào dần dần bị đồng hóa, nhà sàn cũng không còn, chỉ còn trong… khu du lịch (!), quần áo, phong tục cưới hỏi, ma chay bây giờ đều giống như người Kinh, ngay những lễ hội với những dụng cụ âm nhạc truyền thống cũng không còn, mỗi lần có khách du lịch hay có đoàn muốn làm phim về thì phải đi gom tìm chỗ này chỗ kia hoặc mượn lại trang phục, dụng cụ âm nhạc trong bảo tàng, dựng lại lễ hội v.v… Từ đất đai, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo đều không còn hoặc bị đàn áp, kìm nén…đồng bào còn con đường nào ngoài việc phải bỏ buôn làng mà đi ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 17/01/2024
Lâm Viên, VNTB, 03/08/2023
Sáng 2/8/2023, ông Trần Vĩnh Phú – Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) – cho biết, hiện tượng nứt gãy, sạt lở đất tại khu vực bon Bu Krắc (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) tiếp tục nứt rộng hơn và xuất hiện một số vết nứt mới.
Liệu có phải khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là lý do tiềm ẩn khiến cho đất ở Lâm Đồng, Đắk Nông bị nứt gãy ? Ảnh minh họa
Trước đó, vào khoảng 23g ngày 31/7 và 1g sáng 1/8, trên địa bàn bon Bu Krắc (xã Quảng Trực) đã xảy tiếng nổ lớn. Đến sáng 1/8, phát hiện nứt gãy đất, chiều dài đoạn nứt gãy khoảng 200m.
Ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết, thống kê sáng 2/8 của lực lượng chức năng, vết đất nứt gãy đã mở rộng khá lớn và kéo dài thêm hơn 120m qua phạm vi bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực. Bon này nằm bên cạnh bon Bu Krắc. Ngay trong sáng 2/8, lực lượng chức năng đã tiếp tục di dời 11 hộ, 48 khẩu của bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.
Cũng trong sáng 2/8, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã tổ chức di dời 16 hộ dân ở tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành. Những hộ dân này có nhà ở phía ta luy âm của đoạn đường Hồ Chí Minh mới bị sụt lún.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, chiều tối ngày 2/8 và thời gian tới sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40/80mm, có nơi trên 100mm.
Sau nhiều ngày mưa, hồ thủy lợi Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã xuất hiện vết nứt nghiêm trọng về phía thượng lưu công trình. Ghi nhận ngày 2/8, nứt đất ở công trình thủy lợi này khiến khu vực dân cư xung quanh (2,5 ha) mất an toàn.
Các vết nứt có chiều rộng từ 5cm đến 10cm, kéo dài sang khu vực sinh sống của hai hộ gia đình. Khi cơ quan chức năng đang khắc phục vụ nứt ở hồ thủy lợi Đông Thanh thì xuất hiện thêm các vết nứt rộng đến 30 cm và lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án.
Con đường dân sinh của thôn Đông Anh (Đông Thanh) men theo hồ chứa vào khu sản xuất nông nghiệp bị sụt lún từ 1 – 1,5m. Ngoài ra 500m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt lún, sụt trượt. Theo lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà, tình trạng sụt lún, sạt trượt đất đang ảnh hưởng trên diện tích 2,5 ha, và có 2,8 ha có nguy cơ sụt lún.
Đến chiều 2/8, 500m đường tránh ngập có khả năng bị sạt trượt đất nếu tiếp tục mưa lớn và không khắc phục được các vết nứt ở phần thân đập.
Nghi vấn đặt ra : có phải cảnh báo "Tây Nguyên sẽ ‘chết’ vì… khai thác bô-xit" đang dần hiện thực ?
Đây không phải là cảnh báo của "tự diễn biến – tự chuyển hóa" hay từ "thế lực thù địch", mà là những nhà khoa học tại hội thảo với chủ đề "Tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bô-xit, sản xuất alumin và luyện nhôm tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ" do UBND tỉnh Đắc Nông, Viện Tư vấn và phát triển (CODE) và Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức ngày 22/10/2008 tại tỉnh Đắc Nông.
Khi ấy bài phản biện dài 75 phút của ông Nguyễn Thành Sơn – giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, thuộc TKV – bác bỏ gần như hoàn toàn dự án này và cho rằng đây là một sai lầm chiến lược chứa đựng những rủi ro không thể lường hết.
Ông Sơn đánh giá quy hoạch khai thác quặng bô-xit được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao TKV làm đầu mối để triển khai ở Tây Nguyên là quá nhiều tham vọng. Bởi vì nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bô-xit là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam.
Theo ông Sơn, kế hoạch của TKV mới chỉ chú trọng việc khai thác quặng rồi chế biến thành alumin để xuất khẩu thì hiệu quả kinh tế không cao và chỉ có tác dụng phục vụ các đại gia luyện nhôm nước ngoài vốn không muốn tốn nhiều chi phí cho việc khai thác.
Chưa kể chương trình khai thác, chế biến quặng bô-xit của TKV chứa đựng nhiều rủi ro không thể kiểm soát được. Nhu cầu nhôm trong nước không nhiều và cũng không thể có đủ điện để có thể xây dựng các nhà máy luyện nhôm phục vụ xuất khẩu.
Trong khi đó, quá trình khai thác đòi hỏi một nguồn vốn lớn, một nền tảng khoa học công nghệ cao sẽ đặt Việt Nam vào thế phụ thuộc nước ngoài. Đặc biệt, các rủi ro về môi trường, sinh thái bị hủy hoại đến nay chưa được nghiên cứu, chưa được đề cập đến nơi đến chốn.
Ông Sơn kiến nghị lập ngay một ủy ban quốc gia về phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên, đồng thời tổ chức những cuộc tranh luận khoa học "đến đầu đến đũa" các tác động của việc khai thác bô-xit đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong khi tranh luận chưa ngã ngũ thì các dự án đang triển khai phải dừng lại để hạn chế những hậu quả đáng tiếc.
Theo ông Phạm Quang Tú – Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển : giá trị của alumin chỉ bằng khoảng 11-14% giá trị nhôm kim loại. Việt Nam chừng nào chưa giải quyết triệt để được tình trạng thiếu điện thì chưa thể điện phân nhôm, vì mỗi tấn nhôm sản xuất theo công nghệ Bayer tiêu hao tới 14.000 KWh điện.
Thời sự mới nhất liên quan chuyện khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là UBND huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị UBND tỉnh, Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế đưa vào thăm dò, cấp phép khai thác, chế biến bô-xít ở Bảo Lâm.
Theo đó việc cấp phép khai thác bô-xít sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước của khu vực trung tâm huyện vì có hệ thống các ao, hồ lớn như hồ Cai Bảng, hồ Lộc Thắng, hồ Bảy Mẫu là nguồn cung cấp nước cho dân cư của thị trấn Lộc Thắng và các vùng lân cận…
Một cảnh báo khác cho thấy có thể liên tưởng đến nhiều ‘thảm họa thiên nhiên’ ở Lâm Đồng gần đây, đó là Lâm Đồng nguy cơ tiếp tục mất gần 5.000 ha rừng do khai thác bô-xít. Trong 21.170 ha đất đã được cấp phép thăm dò, khai thác quặng bô-xít ở Lâm Đồng, có khoảng 4.906 ha rừng, trong đó 2.397 ha rừng tự nhiên.
Thông tin được nêu trong văn bản của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm tra, rà soát quy hoạch khai thác khoáng sản bô-xít trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Sở này xác định trên địa bàn có khoảng 21.700 ha đất thuộc các xã Lộc Ngãi, B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Tân và thị trấn Lộc Thắng thuộc huyện Bảo Lâm ; một số tiểu khu thuộc xã Đinh Trang Thượng, Tâm Lâm, huyện Di Linh và thành phố Bảo Lộc đã được cấp phép thăm dò, khai thác quặng bô-xít.
Hai dự án bô-xít Tây Nguyên, gồm dự án bô-xít nhôm Lâm Đồng (alumin Tân Rai) và nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đăk Nông), có công suất thiết kế mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm, tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2022, Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ chấp thuận nâng công suất hai dự án này lên 800.000 tấn alumin mỗi năm. Tập đoàn cho rằng, nếu được chấp thuận nâng công suất hai dự án sẽ tận dụng được mặt bằng, hạ tầng cơ sở đã đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế.
Lâm Viên
Nguồn : VNTB, 03/08/2023
********************************
Cảnh Chân, VNTB, 01/08/2023
Dựa vào những hình ảnh được công bố, dư luận chỉ ra rất nhiều sai phạm như : phá rừng trồng sầu riêng tại khu vực đất bazan yếu, dễ sạt lở ngay bên con đường có lưu lượng giao thông lớn ; xây trạm cảnh sát giao thông ngay dưới khoảng rừng bị phá mà không có taluy hay tường chắn bảo vệ công trình. Có thể thấy toàn bộ khu vực sạt lở nằm lọt thỏm trong khoảnh đồi trồng sầu riêng, tuy nhiên lãnh đạo địa phương phủ nhận lý do này và cho rằng vườn sầu riêng được trồng đúng quy trình quy định.
Báo Tuổi Trẻ dẫn câu trả lời của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có cơ sở để kết luận khu trồng sầu riêng phía sau trạm là nguyên nhân chính gây sạt lở. "Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực", vị lãnh đạo này cho biết.
Qua các câu trả lời mập mờ, vòng vo, cho thấy nhà chức trách thậm chí không biết vườn sầu riêng nay là của ai, do ai trồng. Ông Vũ Đình Cường, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết : "Phần đất đó trước đây nằm ở vị trí làm trạm cảnh sát giao thông nên ngành tài nguyên và môi trường ở địa phương nơi đó sẽ quản lý. Còn phần đất phía sau trạm có giai đoạn giao về cho chính quyền quản lý nên địa phương sẽ nắm rõ nhất đất đồi sầu riêng thuộc loại đất gì, của ai quản lý. Kiểm lâm chỉ quản lý chung các đơn vị chủ rừng…".
Ông Lê Bình Minh, chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, thì nói : "Tôi chỉ mới về nhận nhiệm vụ nên chưa nắm rõ đơn vị nào quản lý. Có nghe một số anh em nói trước đây là vườn điều. Tôi sẽ kiểm tra và thông tin lại sự việc này. Vì hiện nay đang phối hợp với các lực lượng khác dọn dẹp hiện trường vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc".
Lãnh đạo mập mờ vòng vo, báo chí cũng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin mảnh đất này. Báo Tuổi Trẻ thì viết rằng vườn sầu riêng là do người đàn ông tên Bi (cơ quan chức năng đang xác minh) cư trú trong miếu Ba Cô trồng từ năm 2019. Còn báo Dân Trí dẫn lời ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) cho biết vườn sầu riêng này thuộc sở hữu của bà Đặng Thị L. (trú thị trấn Đạ M’ri).
Dù vườn sầu riêng là của ai thì lỗi cũng là của Đảng
Theo tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 4 nhóm khu vực có nguy cơ gây sạt lở. Bao gồm, khu vực có triền dốc, taluy cao ; khu vực dốc nhưng không còn rừng để giữ đất ; khu vực cheo leo nhưng lại xây dựng dưới chân đồi và cuối cùng là khu vực thay đổi các kết cấu tự nhiên như bê tông hóa, chặt cây nhưng thiếu hệ thống thoát nước".
Như vậy khảnh đồi trồng sầu riêng này có đủ tất cả các điều kiện nguy hiểm nhưng vẫn tồn tại trong suốt khoảng thời gian dài. Hơn thế nữa, vườn sầu riêng nằm trong khu vực rừng phòng hộ đèo Bảo Lộc. Nếu không được phép thì ai dám phá rừng ngay phía sau trạm cảnh sát giao thông ?
Theo ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, toàn bộ khu đất này đã đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, vườn sầu riêng này được ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chị M.H, một người dùng facebook bình luận rằng "sạt lở là do họ đã phá rừng phòng hộ để trồng sầu riêng, cần phải xem xét coi ai, quy định nào đã cho phép việc này xảy ra". Ngoài ra chị này cũng đặt câu hỏi rằng tại sao lại dám đặt trạm cảnh sát giao thông ngay dưới khu vực có nguy cơ sạt lở cao như vậy ?
Đèo Bảo Lộc là một đoạn đường cực kỳ nguy hiểm, không chỉ bởi đèo dốc, gấp khúc, mà còn nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao do kết cấu đất bazan yếu, tơi xốp và lượng mưa lớn hàng năm. Chính vì vậy rất cần thiết phải bảo tồn rừng phòng hộ hoặc trồng rừng giữ đất, nhất là những mảnh rừng gần đường có lưu lượng giao thông cao. Thế nhưng nhà chức trách lại cho phép phá rừng trồng sầu riêng ngay trên khúc cua nguy hiểm này. Chẳng những vậy mà họ còn dám xây trạm cảnh sát giao thông ngay dưới khoảnh đồi bị phá mà không có tường chắn để bảo vệ công trình được xây bằng tiền thuế của dân. Liệu đây có phải cái gọi la "đỉnh cao trí tuệ" mà đảng ta luôn tự hào ?
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 01/08/2023
**************************
Vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc : Để nỗi đau không lặp lại !
Trương Văn Vinh, Người Đô Thị, 31/07/202
Lời tòa soạn : "Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan", Tiến sĩ Trương Văn Vinh, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến với Người Đô Thị về nguyên nhân gây ra vụ sạt lở thương tâm ở đèo Bảo Lộc vào ngày 30/7. Vị chuyên gia cũng cho biết, theo bản đồ kiểm kê rừng tháng 3/2015, toàn bộ diện tích vườn sầu riêng tại khu vực sạt lở nằm trong lâm phận rừng phòng hộ đầu nguồn, mã mục đích sử dụng là rừng phòng hộ đầu nguồn... (Người Đô Thị)
Toàn cảnh vụ sạt lở nhìn từ trên cao. Ảnh : Vnexpress
Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc lúc 14g45 chiều 30/7/2023 đã gây thiệt hại lớn về người. Ba cảnh sát giao thông và một người dân đã vĩnh viễn rời xa người thân của họ.
Tấm hình do báo chí chụp lại hiện trường đã tạo ra nhiều hoài nghi của dư luận về việc "mặc dù xung quanh là rừng, nhưng liệu khu trồng sầu riêng nằm sau lưng khu vực sạt lở có phải là nguyên nhân ?".
Trả lời báo Tuổi Trẻ online chiều ngày 31/7, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng : nói nguyên nhân do khu trồng sầu riêng là "không có cơ sở. Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực".
Tôi cho rằng, nói như vậy là chưa chính xác.
Nguyên nhân chính gây nên sạt lở là do mưa lớn nhiều ngày đã làm cho kết cấu đất yếu đi, dẫn đến sạt lở. Ngoài ra, vị trí sạt lở có địa hình dốc, thêm thảm thực bì bị mất trước đó khiến cho nguy cơ sạt lở càng cao hơn.
Một vấn đề khác cũng cần được minh định :
Dựa trên ảnh vệ tinh (Google Earth), diện tích đất trồng cây sầu riêng sau lưng khu vực sạt lở thực ra đã được người dân khai hoang và trồng cây công nghiệp lâu năm từ trước năm 2006. Điều này cho thấy, việc trồng cây công nghiệp của người dân ở khu vực này trước đây không phải là nguyên chính/trực tiếp, mà là nguyên nhân phụ/gián tiếp đến vụ sạt lở vào chiều ngày 30/7.
Cũng theo ảnh vệ tinh, trước tháng 4/2019 khu vực này chưa bị tác động.
Nhưng đến trước tháng 1/2021, khu vực này đã bị tác động mạnh, cụ thể là taluy núi đã bị đào xới, khoảng 0,22 hectares.
Đến tháng 10/2022, tại khu vực sạt lở đã xuất hiện ngôi nhà có mái màu đỏ. Điều này cho thấy, khả năng cao việc sạt lở ngày 30/7/2023 là do những tác động của con người vào thời điểm trước tháng 1/2021.
Dựa trên những minh chứng từ ảnh vệ tinh nói trên, có thể thấy nguyên nhân của việc sạt lở không phủ nhận là do có phần do thiên nhiên nhưng đừng bỏ qua những tác động của "nhân tai".
Ngoài ra, thông tin tôi nắm được : theo bản đồ kiểm kê rừng tháng 3/2015 (*), toàn bộ diện tích vườn sầu riêng tại khu vực sạt lở nằm trong lâm phận rừng phòng hộ đầu nguồn, mã mục đích sử dụng là rừng phòng hộ đầu nguồn, thuộc khoảnh 1, tiểu khu 581B, thị trấn Đạ M’ri.
Cấu trúc của rừng tự nhiên là đa tầng tán với nhiều loài cây đan xen, cùng với lớp thực bì và thảm mục dày. Hệ rễ lúc này phát triển thành một mạng lưới chằng chịt, đâm sâu xuống lòng đất, bám chặt lấy đất, giúp cây đứng vững, cố định đất và giữ cho đất không bị rửa trôi, sạt lở.
Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan.
Do đó, để bảo vệ nguồn nước, tài sản và tính mạng con người trước những hiểm hoạ của thiên nhiên, chúng ta cần thúc đẩy việc quản lý, bảo vệ và trồng mới các loài cây bản địa để nâng cao năng lực phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học.
Đúng là biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng cực đoan hơn, khó lường hơn, vì thế mà thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết cực đoạn ngày càng lớn. Nhưng không phải bất cứ vấn đề, vụ việc nào cũng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Hãy chung sống hoà hợp với thiên nhiên để được Mẹ thiên nhiên chở che và bảo vệ. Cần nương tựa vào thiên nhiên để sống. Và đừng bao giờ nghĩ con người là chủ nhân của hành tinh này, mà trước hết, cần tồn tại ở hành tinh này bằng tâm thế tương sinh.
Trương Văn Vinh
Tiến sĩ, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Người Đô Thị, 31/07/2023
Chia sẻ với Người Đô Thị, anh Ka Diếp, một người dân người Châu Mạ ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, cho biết : xưa nay người đồng bào vẫn thường làm rẫy, trồng lúa, ngô sắn, cây ăn trái ở cả khu đất bằng hoặc triền núi. Tuy nhiên, dù canh tác ở triền núi nhưng người dân vẫn luôn giữ lại các cây cổ thụ ở trong rẫy và trồng trọt theo truyền thống nên không gây ra tình trạng sạt lở. Việc dùng máy móc hiện đại hiện nay như làm taluy rất dễ gây ra tình trạng sạt lở.
L.Q
_______________
(*) Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 28.01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2014.
…và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi
Khi còn sống ở Việt Nam, năm 1996, khi vào Đăk Lắk làm thuê tôi chúng tôi ở trong cái lều dựng vội vã, những tấm bạt vây quanh rung rinh trong gió, lạc lỏng giữa núi rừng.
Hình về đội cồng chiêng của người Ê-Đê
Trong cảnh xa lạ, một ông già người Ê-đê chỉ cho tôi con đường xuống suối lấy nước, bẻ cho bắp trên rẫy, hái mít trong vườn cà phê cho và dẫn ra rừng chỉ những loại cây lá nào ăn được. Ông tập cho chúng tôi sống với rừng.
Ông bảo chúng tôi gọi ông là Ama (bố). Cách gọi đầy sự yêu mến như con cháu trong nhà, người trong buôn. Tôi thấy ở ông một người nhiệt tình và đầy tình thương.
Ông cho tôi thấy người dân tộc sống với rừng bằng sự tôn trọng, không chặt hạ những cây trên đỉnh, xem đó như sư linh thiêng, giữ lại cho núi rừng.
Điều này hoàn toàn khác với người Kinh mới di cư đến, chẳng ngại cạo sạch từ đỉnh đồi đến dưới khe. Người Kinh chẳng kiêng nể truyền thống, luật lệ của người bản đại bị đánh giá không văn minh bằng.
Sau này khi đi học rồi đi làm tôi gắn bó thêm với Tây Nguyên hơn 6 năm nữa. Tôi ấn tượng với tính nghệ sĩ của các sắc tộc bản địa Tây Nguyên. Từ những con người lầm lũi, sợ sệt, nhưng khi tiếng cồng chiêng bập bùng, tiếng nhạc trổi lên, lửa nổ lép tép… họ như biến thành những nghệ sĩ của núi rừng. Khó khăn thường ngày như tan vào ngọn lửa, họ được giải thoát trong tiếng nhạc.
Tôi nhìn thấy ở số đông các sắc tộc Tây Nguyên như được sinh ra cho lễ hội, họ nhảy như những vũ công từ trong bụng mẹ… và hát như rút hơn trong lồng ngực.
Giờ tôi thấy các sắc tộc Tây Nguyên trở nên bơ vơ, lạc lỏng trên chính quê hương họ trước người Kinh áp đảo.
Cơ sở kinh doanh của một bộ lạc người bản địa tại Washington State
Người Mỹ bản địa được đối xử ra sao ?
Nay sống ở Hoa Kỳ, tôi để ý thấy so với các sắc tộc Tây Nguyên ở Việt Nam người Mỹ bản địa tại tiểu bang Washington được đối xử tốt hơn nhiều, thậm chí hưởng quá nhiều đặc quyền.
Đúng là lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ có thời kỳ chính quyền từ vùng bờ Đông mở đường cho người da trắng tiến vào Viễn Tây, và có các cuộc chiến vùng Bình nguyên (Plains Wars), nhưng tình hình nay đã khác.
Người Mỹ bản địa mà ở Việt Nam có thời phim ảnh gọi là "thổ dân da đỏ" vẫn được coi là "chủ đất". Họ được quyền bắt không giới hạn nhiều loài hải sản. Trong khi đó, nếu không phải là người bản địa phải mua giấy phép và săn bắt có giới hạn.
Người ‘Native Americans’ còn được ưu tiên trong việc mở song bài trong các vùng đất của họ.
Sống tại bang Washington, tôi thấy các cửa hàng bán thuốc lá của người Mỹ bản địa luôn rẻ hơn vì không tính thuế. Luật này quy định, chỉ khi bán cho người da đỏ mới không thuế. Nhưng trên thực tế, đa số khách mua thuốc lại không phải là người Mỹ bản địa. Ước tính việc này gây thất thoát thuế gần 100 đô la mỗi năm.
Tóm lại, liên bang Mỹ cho người Mỹ bản địa hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, quyền sinh hoạt theo cách truyền thống, quyền hưởng chế độ giảm thuế mà những sắc dân khác, trắng, đen, hay vàng đều không có. Tất cả được ghi vào luật của liên bang và tiểu bang.
Còn ở Tây Nguyên thì sao ?
Từ nhiều chục năm nay các sắc tộc Tây Nguyên được đưa vào lối sống mà nhà nước chọn cho họ, kể cả cách gọi.
Từ "Đồng bào" được dùng với các sắc tộc Tây Nguyên để phục vụ cho mục đích chính trị hơn là sự giải thích ở góc độ dân tộc học, hoặc ngôn ngữ.
Như tôi tìm hiểu thì khi vua Gia Long kéo dài lãnh thổ về phía Nam như ngày nay, thì Tây Nguyên vẫn chưa được xác lập để thuộc về Việt Nam.
Nhà Nguyễn và các triều đại phong kiến trước đó vẫn xem Tây Nguyên như đất ngoài lãnh thổ - vùng lam sơn chướng khí.
Ngay cả thời Minh Mạng, một số nơi ở Tây Nguyên chỉ là vùng đất phụ thuộc. Triều đình chưa thiết lập bộ máy cai trị, đặt chính quyền thật sự.
Từ thời các chúa Nguyễn đã tiến hành đắp thành, tạo sơn phòng để chống lại sự xâm nhập của các sắc tộc miền núi, trên Tây Nguyên. Trường lũy kéo dài từ Quảng Nam đến Bình Định là minh chứng.
Các sơn phòng chỉ được bãi bỏ khi người Pháp tiến lên Tây Nguyên. Quá trình chinh phục Tây Nguyên gắn liền với việc các giáo sĩ truyền giáo, sau đó là người Pháp khai thác thuộc địa.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tháng 5/1946, Cao ủy Đông Dương, Georges d’Argenlieu thành lập Xứ thượng Nam Đông Dương và trao quyền tự trị cho các sắc tộc.
Tháng 5/1949, người Pháp trao quyền quản lý Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Tây Nguyên lúc này mới thật sự gắn vào Việt Nam. Một năm sau đó, vua Bảo Đại lập quy chế Hoàng Triều Cương Thổ cho vùng đất này.
Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đây là vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Việt Minh với các lực lượng khác.
Kinh hóa từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm
Đến năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm xóa đặc thù Hoàng Triều Cương Thổ đưa Tây Nguyên vào chính quyền miền Nam.
Chính sách Kinh hóa của nền Đệ Nhất Cộng Hòa không cho phép mang lại thành công. Sự cưỡng ép văn hóa đã gặp nhiều chống đối của các sắc tộc Tây Nguyên. Họ đấu tranh để đòi độc lập, hoặc được tự trị cao hơn.
Mầm mống đấu tranh được gầy dựng từ đây và ươm mầm trước đó đã nuôi dưỡng trong tâm thức các sắc tộc.
Mặt trận Đấu tranh của Các sắc tộc bị áp bức (thường gọi Fulro), phải đến đầu những năm 1990 mới thật sự yên ắng. Hơn chục năm sau, những năm đầu thế kỷ 21 nhà nước Đêga lại trỗi dậy.
Trở lại thời Đệ Nhị Cộng Hòa, sự cởi mở và tôn trọng văn hóa bản địa đã thuyết phục được các sắc tộc Tây Nguyên hơn trước đó.
Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất tranh chấp không khoang nhượng giữa chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản.
Sau biến cố 30/4/1975, Tây Nguyên bước vào kỷ nguyên bị phá vỡ. Từng đoàn người từ ngoài Bắc vào, dưới xuôi lên theo chương trình kinh tế mới và di cư tự do để khai thác vùng đất đỏ bazan màu mỡ.
Đầu những năm 1990, khi cà phê, hồ tiêu được giá thúc đẩy một quá trình di cư mới đến phá rừng trồng cây công nghiệp. Hậu quả Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng. Không gian của các sắc tộc bị tan vỡ.
Vào năm 1975, các sắc tộc Tây Nguyên chiếm khoảng 70% dân số toàn vùng đất này, theo trang Dân Việt. Hiện nay, tỷ lệ không phải người Kinh ở đây chỉ hơn 37%, theo báo Chính phủ Việt Nam tháng 30/11/2022 :
"Hiện nay, toàn Vùng Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với 2.199.784 người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng".
Con số này bao gồm lượng không nhỏ người thiểu số phía Bắc di cư vào cùng người Kinh. Hệ quả là không gian từ bao đời nay của các sắc tộc Tây Nguyên bị tước đoạt hoặc thu hẹp rất nhiều. Giờ đây, những người nghèo nhất ở Tây Nguyên nằm trong các sắc tộc như một bài trên BBC vừa nhắc. Họ nghèo trên chính mảnh đất của cha ông, tổ tiên sinh sống hàng trăm, hàng ngàn năm qua.
Họ có muốn gọi là ‘đồng bào ?
Việc gọi các sắc tộc Tây Nguyên bằng từ "đồng bào" không che giấu được toan tính chính trị. Trên các phương tiện truyền thông của chính quyền dùng từ "đồng bào" để trói họ vào cùng cội nguồn với người Kinh. Đây rõ ràng là cách áp đặt văn hóa và mị dân.
Trả lời câu hỏi của tôi qua mạng xã hội, anh Y Bham, sắc tộc Ê-Đê, ở Đăk Lăk chia sẻ :
"Từ "đồng bào" ngày nay người Ê-Đê không thích nghe cho lắm. Do mang tính đồng hóa. Mỗi dân tộc đều có truyền thuyết về nguồn gốc. Người Ê-Đê có truyền thuyết nữ thần mặt trời. Ngoài ra còn do người Kinh ngoài Bắc di cư đến sau 1975 dùng từ đồng bào với thái độ miệt thị.
Tôi xem nhiều video thấy nhiều người dân nói giọng Bắc hành xử như kiểu thực dân, tự cho mình quyền thống trị khi họ tham gia bắt những người bị nghi tấn công vào trụ sở công an tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lăk vào đầu giờ sáng ngày 11/6.
Một người Ê-Đê khác, anh Y Nuôi thì nói với tôi rằng, "Người Kinh đang đối xử với các sắc tộc Tây Nguyên hơn cả thực dân. Bởi thực dân không chiếm đoạt và muốn đồng hóa như thế".
Và có quá những người sắc tộc ở Tây Nguyên nói họ không được phép thực hành niềm tin tôn giáo họ chọn.
Để gọi các dân tộc bản địa Tây Nguyên, theo anh Y Bham nên dùng từ "Người thượng" sẽ hợp lý hơn. Đây là từ mà người bản địa có nhiều cảm tình nhất. Vì nó đầy đủ về đặc thù địa lý và con người của vùng này".
Danh từ chỉ dẫn này trùng khớp và gần gũi với từ được chính quyền miền Nam trước năm 1975 gọi các sắc tộc ở Tây Nguyên là "người thượng", hoặc "đồng bào thượng".
Cá nhân người viết bài này nghĩ, dùng từ sắc tộc (ethnic) sẽ đúng hơn về dân tộc học. Các gọi này cũng tránh được sự trùng lặp với dân tộc Việt Nam nói chung (Vietnamese nation).
Mất đất đai, trở thành thiểu số, không được thực hành niềm tin tôn giáo… và đa số cán bộ ở Tây Nguyên là người Kinh. Cứ đà này tình cảnh của người Tây Nguyên sẽ như dân gốc ở Tân Cương, Tây Tạng bên Trung Quốc ?
Việc tấn công vào trụ sở công an tại hai xã vừa qua rất có thể là phản ứng của sự phẫn nộ, phản kháng khi người sắc tộc bị dồn vào đường cùng. Nhà nước Việt Nam cần có giải pháp ôn hòa, bền vững, có thể như cách Hoa Kỳ đối xử với ‘Native Americans’ thì mới tránh được đổ vỡ tiếp theo.
Võ Ngọc Ánh
Nguồn : BBC, 23/06/2023
Tác giả Võ Ngọc Ánh đang sinh sống tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
Giải pháp cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo ở Tây Nguyên đều lặp lại điệp khúc cách đây hàng chục năm. Không chỉ "nguội" mà còn "cuội"! "Cuội" là vì, trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đi ngược lại chính sách "đại đoàn kết dân tộc", và giờ đây lại còn "đổ vấy" trách nhiệm cho Mỹ về biến cố xả súng ở huyện Cư Kuin.
Những người tình nghi tham gia vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 bị bắt giữ - Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động
Đổ thừa cho Mỹ là "thất bại kép"
Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 20/6/2023, cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ tổng cộng 74 nghi phạm liên quan vụ xả súng tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, khiến chín người tử vong, thu hàng loạt quân dụng và tài liệu. Tất cả nghi phạm cầm đầu vụ này đều đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công an Việt Nam xác định thêm, vụ nổ súng ở Đắk Lắk là hoạt động khủng bố có tổ chức bao gồm thành viên thuộc một tổ chức có trụ sở ở Mỹ. Cấm các báo và trang mạng trong nước đăng tải các ý kiến bình luận về biến cố, nhưng Bộ Công an lại tự mình ra tuyên bố, trong số những người bị bắt có "đối tượng" là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ (1 ). Đây là một thất thố rất lớn về đối ngoại, không chỉ ảnh hưởng đến bang giao Việt – Mỹ mà còn khiến cho "nước lạ" hết sức hài lòng…
Trong phát biểu tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp quốc tổ chức tại New York hôm 20/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) nói trong số những người bị bắt có "đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công" (2). Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Việt đã không đưa ra được bằng chứng cụ thể, tổ chức ở Mỹ là tổ chức nào.
Đây là lần đầu tiên, Bộ Công an đề cập đến vai trò của Mỹ, tuy là gián tiếp, đến vụ xả súng ở Cư Kuin. Trong tuyên bố của tướng Việt, người nghe sẽ thấy khó thuyết phục. Nếu Việt Nam có bằng chứng và địa chỉ cụ thể, Mỹ có thể ra tay hành động. Vì chống khủng bố là một quốc sách của Mỹ. Cũng chưa rõ vì sao số nghi can bị bắt giữ giữa hai ông tướng Công an Việt Nam đưa ra lại vênh nhau ? Trước đó, tại một hội nghị do Ban Tuyên giáo tổ chức hôm 16/6 tại Hà Nội, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, được VTV.vn dẫn lời nói rằng, theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân vụ 11/6 là do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng FULRO lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ giữa người Kinh với người thiểu số, gây mất trật tự và lấy tiếng vang ở nước ngoài (3) .
Nói đến "yếu tố nước ngoài" thiết nghĩ nên trở lại với băng ghi hình buổi thuyết trình nội bộ trong Bộ Công an của Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân cách đây mấy năm. Tướng Long cho biết, đến Đại hội 12, Đảng cộng sản Việt Nam mới bừng tỉnh, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu trong mọi chính sách quốc gia. Cũng theo ông Long, các cơ quan an ninh của ta biết rất rõ Trung Quốc đã hoạt động cài cắm người vào nội bộ như thế nào. Ngay cả những bất ổn trên Tây Nguyên cũng có bàn tay Trung Quốc. Đây là vấn nạn mà các Cơ quan An ninh Việt Nam phải đối phó (4).
Không có giải pháp nào mới
Cấm tiệt báo chí trong nước điều nghiên về vụ xả súng. Tức là cũng ngăn chặn mọi nỗ lực muốn tìm hiểu thêm thực trạng của cả năm tỉnh Tây Nguyên để có cái nhìn khách quan về nguyên nhân, tác động và phương hướng khắc phục không chỉ vụ tấn công hai đồn công an, mà tất cả những vấn nạn khác vẫn còn nguyên khối của cả liên vùng cao nguyên. Trong khi đang bế tắc, được tin, Bộ Công an trong quá trình tổng kết sáu tháng công tác đầu năm 2023 có bàn về tình hình Tây Nguyên (5 ). Tin còn phấn chấn hơn thế, nhân họp cho ý kiến về đề án tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, Bộ Chính trị cũng có bàn về cuộc xả súng vừa qua (6 ). Nói phấn chấn là vì, một bộ phận trong xã hội nói chung vẫn còn đau đáu về những nỗi đau có lẽ không bao giờ nguôi của đồng bào Thượng, kể từ ngày Bộ Chính trị thúc đẩy dự án Bauxite Tây Nguyên phục vụ cho Trung Quốc. Tháng 3/2023, báo chí Việt Nam đã đăng tải thông tin tỉnh Lâm Đồng có nguy cơ mất 5.000 ha rừng do khai thác bauxite.
Tại cuộc họp hôm 16/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "nhấn mạnh trong phát biểu kết luận", yêu cầu "quan tâm phát triển toàn diện khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, giữ vững ổn định chính trị… củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước". Nhưng lấy đâu ra niềm tin này, khi kể từ 1975, chính sách "Đại đoàn kết dân tộc" của Việt Nam luôn luôn nói một đằng làm một nẻo… (7). Trong đó, sai lầm lớn nhất là, chỉ dựa vào bạo lực, đàn áp, cưỡng bách nên đã gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Bài học Bauxite Tây Nguyên là một trong những bài học đau xót không chỉ đối với đồng bào Tây Nguyên mà còn đối với toàn quốc gia – dân tộc. Vấn đề Tây Nguyên tồn tại hàng trăm năm nay, dưới nhiều chính thể : phong kiến, thực dân, cộng hòa, cộng sản… Mỗi chính thể từng cố gắng đưa ra giải pháp, có những giải pháp giữ được tình hình yên ổn trong thời gian nhất định. Nhưng dưới thời cộng sản toàn trị, người dân bản địa hầu như mất hết, họ cảm thấy hoàn toàn bế tắc trên mọi phương diện, vì Đảng đã phản bội lại lời hứa đưa ra cho đồng bào Tây Nguyên trong thời kỳ kháng chiến (8).
Trong một bản tin gồm 1.000 từ, "khối đại đoàn kết dân tộc" được nhắc đi nhắc lại 12 lần, cho thấy, Bộ Chính trị tiếp tục mở rộng bức màn dối trá của vấn đề Tây Nguyên. Sau khi đọc toàn văn phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng dài hơn 4.200 từ, tại hội nghị Đảng ủy Công an trung ương hôm 15/6, một nỗi thất vọng tràn trề thay cho niềm hứng khởi ban đầu đi tìm kiếm thông tin. Nỗi thất vọng càng lớn hơn khi được tiếp cận với ý kiến của Bộ Chính trị về quá trình thực hiện "khối đại đoàn kết dân tộc" (9 ). Tất cả đều "vũ như cẩn", đúng như "cách nói lái" (một hình thức chơi chữ của dân gian)… mọi chuyện "vẫn như cũ". Nghe ý kiến của thế hệ trẻ thấy thật đau lòng. Một nick name là Mike Nguyen "tuýt" thế này: "Thế hệ trẻ sinh đẻ ở Âu châu sau này thường thắc mắc tại sao ở thế kỷ 21 rồi, Việt Nam vẫn có một chế độ rất lạ lùng là cấm đoán người dân đủ mọi chuyện, không được nói nghịch ý hay chê bai chính quyền, không được đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, không được theo đạo này đạo kia, không được phản đối chính sách của nhà nước, không được chế giễu một ông Bộ trưởng Công an lấy tiền thuế dân ăn thịt bò dát vàng…" (10 ).
Theo tin của BBC, trong số bị can bị bắt giữ nói trên, 11 người được cho là đã thiệt mạng trong các đợt truy quét của chính quyền. Nói với BBC News tiếng Việt từ Đan Mạch, giáo sư Oscar Salemink, người có nhiều công trình nghiên cứu về Tây Nguyên và từng được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mời viết báo cáo sau vụ bạo động tại Tây Nguyên năm 2001 "Việt Nam: Các nhóm thiểu số bản địa ở Tây Nguyên", nhận định rằng: Người Tây Nguyên – bị tước đoạt đất đai và phải di cư do người Kinh tràn đến – đang tạo thành một bộ phận nhân khẩu học nghèo nhất Tây Nguyên. Trong khi đó, mục sư A Ga, một người Tây Nguyên hiện đang tỵ nạn tại Mỹ thì tuyên bố rằng, mầm mống bất ổn đã tồn tại từ lâu giữa người đồng bào miền núi với chính quyền Cộng sản và cộng đồng người Kinh (11 ). Nhà nước đổ cho người Thượng tội danh khủng bố, nhưng chính Nhà nước đã khủng bố họ, buộc họ phải tự tìm cách giải thoát, thông qua tự phát và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, của Liên hợp quốc. Tóm lại, tuyên bố bắt giữ các nghi phạm liên quan đến vụ xả súng ở huyện Cư Kuin, Đảng cộng sản Việt Nam đã tiếp tục che giấu những tội ác của họ ở Tây Nguyên bằng điệp khúc muôn đời "đại đoàn kết dân tộc", đồng thời đổ vấy cho Mỹ đã chứa chấp khủng bố nên mới dẫn đến vụ xả súng. Đây rõ ràng là một "thất bại kép": Gắp lửa bỏ tay người, làm hỏng bang giao Việt – Mỹ vào hồi cao trào, đồng thời có thể đẩy lùi việc nâng cấp "Quan hệ đối tác chiến lược" mà hai bên đã lên kế hoạch?
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 24/06/2023
Tham khảo:
1. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-daklak-shootings-terrorism-act-funded-by-orgnanization-in-the-us-06222023101130.html
2. https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-luc-luong-cong-an/tin-hoat-dong-cua-bo/nhan-dien-ro-04-nguy-co-khung-bo-tu-ben-ngoai-gay-hai-cho-an-ninh-quoc-gia-viet-nam-d2-t35490.html
3. https://vtv.vn/xa-hoi/chanh-van-phong-bo-cong-an-thong-tin-ve-vu-tan-cong-tai-dak-lak-20230616203429496.htm
4. https://www.youtube.com/watch?v=5CMwaYwJyHo
5. https://bocongan.gov.vn/tin-noi-bat/tao-tam-the-moi-de-tiep-tuc-hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-vu-vinh-quang-ve-vang-duoc-dang-nha-nuoc-va-nhan-dan-giao-pho-t35430.html
6. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bo-chinh-tri-cho-y-kien-ve-de-an-tong-ket-20-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-23-nq-tw-640110.html
7. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-national-unity-policy-actions-prove-the-opposite-06212023135334.html
8. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65886931
9. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bo-chinh-tri-cho-y-kien-ve-de-an-tong-ket-20-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-23-nq-tw-640110.html
Nhà nước áp dụng chính sách thuộc địa, vi phạm chủ quyền của đồng bào thiểu số Tây Nguyên
Cư dân sắc tộc bản địa hay ‘đồng bào thiểu số’ ở Đắk Lắk, Tây Nguyên đã bị ‘truất hữu đất đai của tổ tiên’ nơi mà nhà nước Việt Nam áp dụng chính sách ‘thuộc địa’. Còn nếu đã coi ‘đồng bào thiểu số’ là ‘anh em ruột thịt’ thì chính quyền cần có chính sách bảo vệ đồng bào ‘dân tộc anh em’. Đây là ý kiến một nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị Việt Nam chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/6/2023.
Khu dân cư ở nông thôn tại xã Đắk Djrăng được vẽ thành dự án bất động sản kết hợp du lịch Golden Light - Mang Yang Town. Ảnh : HOÀNG THANH
Trả lời câu hỏi của RFA Tiếng Việt hôm thứ Hai đề cập một số vấn đề thời sự và chính trị - xã hội của Việt Nam, mà câu hỏi đầu tiên là liệu biến cố xảy ra ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 có đơn thuần chỉ là hành động mang tính ‘khủng bố’, hay ‘tự phát’ của một nhóm người mà không có một căn nguyên gì đặc biệt cả, hay là có thể trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan một căn nguyên nào đó, từ Sài Gòn, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, đáp trên quan điểm riêng của ông :
"Trong chính sách phát triển vùng đất Tây Nguyên, nhà nước đã triển khai những đợt di dân quy mô lớn từ các tỉnh, trong đó có miền Trung, miền Bắc lên lập nghiệp.
Trong khi đó đồng bào thiểu số bị truất hữu đất của Tổ tiên của họ từ nghìn năm để lại mà cháu con có nghĩa vụ gìn giữ.
Theo tôi, đã xem đồng bào thiểu số là anh em ruột thịt thì nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ các "dân tộc anh em" thiểu số.
Đã chấp nhận họ là đồng bào, là công dân của cùng một quốc gia, thì nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ quyền công dân của đồng bào".
RFA : Là một nhà tư vấn về chiến lược, chính sách hội nhập, phát triển cho Việt Nam, từng có nhiều năm làm cố vấn chính sách cho ban lãnh đạo nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam, theo quan sát hôm nay của ông, có gì cần rút kinh nghiệm trong chính sách, mô hình, cách thức quản trị nhà nước ở Việt Nam đối với Tây Nguyên nói riêng, các vùng mà còn được gọi là ‘ba Tây’ (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), nói chung ?
Bùi Kiến Thành : Tôi nghĩ, nhà nước phải có chính sách tôn trọng phong tục tập quán của các địa phương.
Không nên áp đặt một "nền văn minh" ngoại lai cho một xã hội có nguồn gốc văn hóa bản địa đáng được kính trọng.
Cần đảm bảo an ninh trật tự, nhưng không áp đặt phong cách "quan trên", biết tôn trọng "già làng" và bao dung trong quan hệ với cộng đồng "anh em".
Theo tôi, cần nghiên cứu những gì đã sai trong chính sách sỡ hữu đất đai, để bù đắp thiệt hại hợp tình, hợp lý cho đồng bào.
‘Cần giúp đỡ đồng bào thay vì tạo ra sự "cướp đất" của họ’
RFA : Để Việt Nam có được sự ổn định xã hội cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững, công bằng, thì có điều gì trong chính sách quản trị của nhà nước Việt Nam ở đây mà cần chú ý tới, hay xem xét lại, bãi bỏ, hoặc sửa đổi, bổ sung ?
Bùi Kiến Thành : Nhà nước, với trách nhiệm bảo vệ và phát huy quyền công dân của đồng bào các vùng này, về vấn đề này, tôi nghĩ là một, cần có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, canh tác, lập các nông trại hay đồn điền cùng với đồng bào "miền xuôi", thay vì tạo ra sự "cướp đất", tranh chấp, dẫn đến bạo động.
Hai là cố gắng đào tạo cán bộ quản lý người dân tộc, thực sự trao trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương cho cán bộ gốc địa phương, thay vì gửi những cán bộ từ các nơi xa đến, không hiểu biết phong tục, tập quán của địa phương, thậm chí không biết nói tiếng của dân tộc địa phương.
Nhà nước cần nghiêm túc nghiên cứu, rà soát lại chính sách, hành vi, phương thức quản lý, đối xử với các dân tộc đồng bào thiểu số, xem xét xem cái gì làm sai, cái gì chưa đạt.
Như đã nêu trên, nhà nước đã áp dụng một chính sách "thuộc địa", đưa dân từ các miền đồng bằng lên khai hoang, lập ấp, vi phạm chủ quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này cần phải được sửa sai, chỉnh đốn, cho hợp tình, hợp lý.
RFA : Nhân đây, xin được hỏi ông thêm rằng ông từng phát biểu là Việt Nam nay cần tiến hành một cuộc cải tổ, đổi mới về chính trị, trong đó có đổi mới tư duy chính trị mở đường cho cải tổ, đổi mới thể chế, chế độ chính trị cho phù hợp với thời đại, theo ông việc này cần được khởi động ra sao ? Có cần điều kiện ‘cần và đủ’ nào để dẫn tới thành công hay không, nếu có cuộc đổi mới đó ?
Bùi Kiến Thành : Sau gần bốn mươi năm khởi động chính sách "Đổi Mới", tôi khẳng định Việt Nam cần khẩn trương thực hiện những mục tiêu đã được đề ra trong văn bản của Nghị quyết bắt nguồn từ Đại hội Đổi mới – Đại hội VI năm 1986 của Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam với tinh thần và nội dung xây dựng một nhà nước "Vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, một nhà nước pháp quyền, do dân và vì dân".
Theo tôi, Việt Nam không còn có thể là một nhà nước theo thể chế "chuyên chính vô sản" nữa, mà cần phải tiến tới một thể chế "dân chủ, công bằng, văn minh" hòa hợp với các xã hội dân chủ trên thế giới.
Đường lối chủ trương đã được vạch rõ, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo đương thời là phải cố gắng thực hiện, không còn chần chừ trước tốc độ phát triển như siêu thanh của cộng đồng xã hội dân chủ, văn minh trên thế giới mà Việt Nam cần quyết tâm gia nhập.
Ở đây, tôi cho rằng không có vấn đề chờ đợi các điều kiện cần và đủ chủ chốt cho việc khởi động và tới đích thành công, mà phải tranh thủ vận động sự nhất trí, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân vì đại cuộc.
Nên chủ động thay đổi, cải tổ hay thụ động ‘chờ thời’ ?
RFA : Có người nói, Việt Nam muốn thay đổi, muốn dân chủ hóa, phải đợi người hàng xóm ‘cùng hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa" là Trung Quốc thay đổi trước đã, ý kiến của ông thế nào ? Môi trường bên ngoài và nội lực bên trong có mối quan hệ ra sao, trong viễn cảnh đổi mới ấy nếu như có ?
Bùi Kiến Thành : Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, có đội ngũ lãnh đạo kiên quyết, có một dân tộc anh hùng, đội ngũ hào kiệt không thiếu, nội lực bên trong hùng mạnh, thời cơ bên ngoài thuận lợi, theo tôi cứ thuận thiên mà hành đạo, khởi sự tất thành.
Từ ngày xây dựng đất nước và tuyên bố độc lập, nước Việt Nam là một nước đặt theo tinh thần "Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc". Đó là mục đích tối thượng mà mỗi công dân cần phải khắc cốt, ghi tâm. Dầu khó khăn gian khổ đến đâu cũng không sờn chí.
Riêng với cá nhân tôi, thì còn một hơi thở, nhìn bát cơm trên bàn là thấy công ơn của đồng bào, đất nước nuôi nấng ta từ trong trứng nước, là thấy nghĩa vụ trách nhiệm đối với Tổ tiên dân tộc. Một ngày, một giờ mà không đóng góp gì cho đất nước, với riêng tôi, là có tội đối với nhân dân.
Nhân đây, tôi xin có một lời nhắn nhủ và chia sẻ thêm với các bạn trẻ và đồng bào Việt Nam rằng đất nước là của chung, tranh đấu cho dân chủ, tự do, hạnh phúc là sứ mệnh của mỗi người, từng người trong chúng ta hãy hành động, cống hiến theo tinh thần "tận nhân lực" tức là càng gắng làm hết sức mình, thì đất nước, quốc gia, dân tộc sẽ "tri thiên mệnh", tức là càng sớm sẽ thấy tương lai, cơ đồ tốt hơn.
RFA : Xin trân trọng cảm ơn ông Bùi Kiến Thành đã trả lời cuộc phỏng vấn này.
Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, sinh năm 1931, một chuyên gia về kinh tế, tài chính, nguyên là Đại diện Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (của Việt Nam Cộng Hòa) tại New York, nguyên Trợ lý cho Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, nguyên Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIU), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Công ty Bình Điện VABCO (nay là PINACO).
Ông Bùi Kiến Thành từng cố vấn cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách Đổi Mới, cố vấn cho chính phủ Việt Nam về các vấn đề phát triển kinh tế, tài chính ; giải tỏa cấm vận của Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ ; cố vấn cơ sở pháp lý Chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa Biển Đông ; Tư vấn xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, Hội nhập kinh tế thế giới ; Chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, và phát huy Nhà nước Pháp Quyền v.v…
Mời quý vị bấm vào các đường dẫn sau để theo tham khảo thêm một số ý kiến được chia sẻ gần đây trên quan điểm riêng của ông Bùi Kiến Thành với Đài Á Châu Tự Do :
Việt Nam : Tiến tới cuộc ‘Đổi mới’ mới và tìm bệnh căn cho ‘khối ung thư’ phải gỡ bỏ, RFA, 30/05/2023
Việt Nam: mô hình kinh tế "bộc lộ áp lực lớn", nhưng chỉ đổi mới kinh tế là chưa đủ, RFA, 29/05/2023
Công an phạt tiền nhiều người dân bình luận về vụ Đắk Lắk - "càng phạt càng kích thích người dân tìm hiểu"
RFA, 14/06/2023
Công an phạt tiền nhiều người dân bình luận về vụ Đắk Lắk - "càng phạt càng kích thích người dân tìm hiểu"
Tống đạt quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Ngọc T. - Công an Nhân dân online
Bộ Công an khuyến cáo báo chí nhà nước cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, trong khi tăng cường xử phạt người dân đưa tin tức hay bình luận trên mạng xã hội về vụ nổ súng ở Đắk Lắk.
Cho đến ngày 14/6, có ít nhất năm người dân bị công an gọi lên làm việc và bị phạt hành chính với mức phạt 5,5 triệu đồng-7,5 triệu đồng vì có các bình luận bị cho là "xuyên tạc" trong vụ việc nghiêm trọng vừa qua.
Các tờ báo đưa tin rầm rộ cho rằng, những người này bị xử phạt "về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân" hay "cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân" quy định tại Khoản 1, Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW bình luận qua tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 14/6 :
"Thật lố bịch khi Chính phủ Việt Nam đang cố gắng kiểm duyệt những người bình thường nói về vụ tấn công ở Đắk Lắk, và những hình thức phạt tiền này không nên áp đặt đối với bất kỳ ai đơn giản chỉ vì chia sẻ thông tin.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam hầu như không cung cấp thông tin rõ ràng về những gì đã xảy ra, do vậy, việc người ta nói về những gì họ cho là đã xảy ra là chuyện đương nhiên".
Theo ông, nếu các cơ quan chức năng của Việt Nam muốn chấm dứt đồn đoán về các sự kiện ở Đắk Lắk thì họ nên"đưa ra những giải thích rõ ràng, khách quan và chi tiết về vụ tấn công, bao gồm thông tin chính xác về những người bị thương và thiệt mạng, và những người mà Chính phủ đã bắt giữ".
Báo chí cần nhìn vụ việc ở nhiều góc độ
Theo báo Người Lao động, Hà Tĩnh là tỉnh có ba công dân bị mời lên đồn công an về các bài viết mình về vụ tấn công xảy ra vào sáng sớm của ngày 11/6. Cả ba người (chỉ nêu tên viết tắt) bị phạt mỗi người 7,5 triệu đồng và bị buộc phải xóa bài.
Trang Facebook Thông tin Chính phủ đưa tin vào chiều 13/6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin với số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ngọc T. ở thành phố Nha Trang.
Trang tin online của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng đưa tin ông T.R. bị nhà chức trách tỉnh Quảng Nam xử phạt 5,5 triệu đồng vì đăng tải bài viết trên trang Facebook cá nhân với nội dung "Truy bắt nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở Công an xã tại Đắk Lắk" kèm bình luận "sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức".
Trong cả năm trường hợp nêu trên, báo chí không đưa chi tiết các tin hoặc bình luận của những người bị phạt hành chính mà chỉ nói họ đều thừa nhận sai phạm và chấp hành yêu cầu xóa bài.
Luật sư Lê Quốc Quân nói với RFA trong sáng 14/6, cho rằng các thông tin của báo Nhà nước đưa ra đều "không đầy đủ và hoàn toàn một chiều". Ông nói :
"Thông tin chính thống của nhà nước (về việc xử phạt- PV) cũng rất mơ hồ, ví dụ xử phạt ông A rồi ông R với số tiền bao nhiêu vì đã đưa tin sai sự thật rồi xúc phạm uy tín danh dự của tổ chức và công dân nhưng mà thực tế thì ông đó là ông nào, ông đưa tin sai sự thật thì sai cái gì, xúc phạm thì xúc phạm ai, bằng câu nào, chứng từ nào thì không hề thấy được đưa ra".
Ngay sau vụ tấn công, nhà chức trách Việt Nam yêu cầu các tờ báo thận trọng trong việc đưa tin, chỉ được đưa tin kiểm chứng từ phía công an. Luật sư Lê Quốc Quân thì có ý kiến khác :
"Đây là một sự kiện rất là hay, lẽ ra thông tin và báo chí phải được khai thác ở rất nhiều góc độ khác nhau với nhiều phương diện khác nhau và đặc biệt là cần phỏng vấn trực tiếp của những người có liên quan để nhân dân được biết và người đọc cảm thấy được tôn trọng vì mình được cung cấp đầy đủ thông tin.
Nhưng mà bây giờ Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo rất rõ ràng là chỉ được đưa tin theo tinh thần của Bộ Công an mà thôi, và thứ hai là kiểm soát chặt chẽ phần bình luận thì tôi nghĩ ở đây họ đã quyết định như vậy và họ làm chủ toàn bộ cuộc chơi về thông tin này rồi thì việc bình luận về mặt pháp lý nếu có sau những thông tin đó thì hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin họ đưa hết sức mơ hồ và không rõ ràng".
Ông cho rằng tự do báo chí và tự do ngôn luận càng ngày càng đi xuống với việc người dân bị bịt miệng còn báo chí cũng tự kiểm duyệt và đưa tin rập khuôn và một chiều, hoàn toàn theo thông tin của Bộ Công an.
"Càng phạt càng phản tác dụng"
Từ Đức, nhà văn Võ Thị Hảo cũng có cùng ý kiến về tự do thông tin và tự do báo chí. Bà nói với phóng viên :
"Có thêm người đưa tin, những nguồn tin độc lập, về vụ việc đã xảy ra ở Đắk Lắk, tôi nghĩ đó là một điều tốt. Không nên cấm hoặc xử phạt những người như thế.
Đây chẳng qua là hành động của nhà chức trách họ muốn rằng thông tin là thông tin hoàn toàn chỉ từ một nguồn là họ cung cấp, và như thế khiến người ta nghi ngờ về cái sự khách quan về thông tin và sự minh bạch, công bằng trong việc xử lý vụ việc này".
Một nhà quan sát thời sự ở Hà Nội, bình luận trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh :
"Hiện nay, phía công an chưa công bố chính thức nguyên nhân nhóm dân này tấn công trụ sở UBND hai xã. Do vậy, nếu họ càng phạt thì càng phản tác dụng, kích thích người dân tự tìm hiểu.
Không dưng mà hàng chục con người chuẩn bị vũ khí một cách công phu để liều mạng, trong khi không liên quan đến một vụ cưỡng chế đất nào đang xảy ra.
Nhà nước không kịp thời công bố chính thức nguyên nhân sự việc mà sốt sắng phạt người đưa tin, bình luận thì sự thật càng chóng phơi bày trong thế giới phẳng này".
Xử phạt người bán quần áo rằn ri : Tâm lý "con én sợ cành cong"
Theo một số video phát tán trên mạng xã hội, trong vụ tấn công vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, phần lớn những nghi phạm đã mặc quần áo rằn ri, kiểu quân đội mà người dân thường mặc để đi rừng, làm rẫy.
Một vài ngày sau, cơ quan quản lý thị trường ở hai tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum đồng loạt ra quân để kiểm tra các cơ sở buôn bán quần áo và tìm kiếm quần áo rằn ri đã qua sử dụng và chưa qua sử dụng.
Truyền thông nhà nước đưa tin cơ quan chức năng ở hai tỉnh này đã phát hiện nhiều cơ sở buôn bán quần áo có số lượng hàng ngàn bộ quần áo rằn ri, cả cũ và mới, và đã phạt hành chính và thu giữ hàng nghìn bộ quần áo, mũ và thắt lưng vì không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Báo Nhà báo & Công luận đưa tin Cục Quản lý thị trường Kon Tum xử phạt 50 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Vũ Thị Nguyệt (trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) vì hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là hàng hóa cấm nhập khẩu có giá trị 50 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã phát hiện cửa hàng của bà Nguyệt có bày bán 1.000 bộ quần áo rằn ri mang nhãn hiệu nước ngoài thuộc danh mục cấm nhập khẩu, không có chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Báo Sài Gòn Giải Phóng online đưa tin cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.000 bộ quần áo, mũ rằn ri và thắt lưng đã qua sử dụng tại cơ sở kinh doanh ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) mà chủ cơ sở buôn bán không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Nhà chức trách đã tạm giữ số hàng trên để xử lý theo pháp luật.
Nhà bình luận thời sự ở Hà Nội cho rằng, việc truy tìm và thu giữ quần áo rằn ri cũng giống như hành động mới đây phản đối đồng xu lưu niệm 50 năm kết thúc cuộc tham chiến của Australia trong Chiến tranh Việt Nam, hay cấm cờ vàng, thể hiện một tâm thế ti tiện, hoảng loạn như "con én sợ cành cong". Nó không có cơ sở pháp lý nào mà lại gây cười trong khi hàng giả, hàng cấm thì tràn lan không ai quản lý được.
Luật sư Lê Quốc Quân bình luận về việc xử phạt bán quần áo rằn ri :
"Theo tôi, chuyện này hết sức trẻ con và mơ hồ. Nó như kiểu phản ứng một cách giật mình, bởi vì tôi thấy khái niệm ‘áo rằn ri’ không hề có trong luật pháp hay là sự điều chỉnh thế nào là rằn ri. Thực chất đó là vải vóc và nếu trên đó có phù hiệu hay gì đó mà không đúng thì điều đó được điều chỉnh bằng pháp luật rồi.
Với tư cách là cơ quan quản lý thị trường thì phải thường xuyên giám sát các hoạt động đấy. Pháp luật đã quy định thì có nghĩa là phải được thực thi thường xuyên và liên tục trong hệ thống giám sát hay là điều hành pháp luật nói chung chứ không phải là tự nhiên nghe nói có sự kiện như vậy rồi bắt đầu tiến hành xử phạt gọi là quần áo rằn ri".
Nhà văn Võ Thị Hảo thì cho rằng đây lại là một sai lầm nữa sau sai lầm kiểm soát thông tin. Bà nói :
"Tôi nghĩ rằng đây lại là một cái sai nữa, lần này là của đội quản lý thị trường hay là những người đứng sau lệnh này. Quân đội Việt Nam cũng sử dụng quần áo rằn ri. Nếu trước giờ cho phép ở ngoài người ta mặc thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường.
Thế thì tại sao lần này, vì cái vụ vừa xảy ra ở Đắk Lắk mà lại đi tịch thu của người ta, tôi nghĩ đó lại là sai lầm nữa. Nó không có hiệu quả, mà nó chỉ gây sự bất bình thôi".
Nguồn : RFA, 14/06/2023
*************************
RFI, 13/06/2023
Bộ Công an sáng 13/6 cho biết, có tổng cộng 39 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công vào hai cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị bắt giữ, trong khi các đoạn video, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các vụ bắt giữ người.
RFA
Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của bộ này (mps.gov.vn) cho hay, trong đêm 12/6 có hai người ra đầu thú và có 10 người khác bị bắt giữ.
Bộ Công an trong bản tin cập nhật mới nhất sử dụng cụm từ "nhóm đối tượng gây mất an ninh, trật tự tại UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur", tuyệt nhiên không đề cập đến việc tấn công vũ trang hay khủng bố.
Cơ quan này cũng cho biết, đang tiếp tục truy bắt những đối tượng còn lại đồng thời "kêu gọi những người phạm tội sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng".
Trong khi đó, tối 12/6, Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ra thư, bày tỏ "kịch liệt lên án hành động tấn công trụ sở cơ quan nhà nước, giết người, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của nhóm đối tượng đã gây ra", đồng thời "chia sẻ với những đau thương và mất mát to lớn của gia đình các chiến sỹ công an, cán bộ và người dân".
Các cơ quan Đảng và công quyền này kêu gọi "không đăng tải, chia sẻ các thông tin liên quan trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng", và "nêu cao cảnh giác, tuyệt đối "không nghe, không tin, không theo" các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình để xuyên tạc, lôi kéo chống đối chính quyền địa phương, gây mất an ninh chính trị trên địa bàn".
Trái với sự im ắng của báo chí nhà nước khi hầu hết chỉ đưa lại các bản tin từ Bộ Công an, người dùng mạng xã hội đăng tải các đoạn video, hình ảnh cho thấy diễn biến của các vụ bắt giữ những nghi phạm của cơ quan công an.
Một đoạn video đăng tải hôm 12/6 cho thấy, hai thanh niên người đồng bào mặc quần rằn ri đi xe máy trên đường đến trước cửa hàng sâm yến An Nhiên, địa chỉ ở thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin thì bị ba viên công an mặc áo giáp nổ súng chỉ thiên và ra giữa đường ngăn chặn.
Hai thanh niên đi trên xe ô tô đen áp sát phía sau, xuống xe giúp khống chế hai người đồng bào, cùng lúc người tài xế dùng gậy ba khúc đánh nhiều lần vào đầu của một trong hai thanh niên nêu trên, mặc dù chưa biết chính xác họ là ai.
Không lâu sau đó, hai thanh niên này bị trói ngoặc tay ra phía sau và cảnh sát cơ động đưa lên xe cứu thương biển số 47C-2806 (của tỉnh Đắk Lắk).
Tài khoản Tiktok W.H này cũng đăng tải video cho thấy, cảnh sát đang rượt đuổi một người dân ngay trước cổng "Thôn 4 Thôn Văn Hóa", nhưng người quay phim mau chóng đính chính "người nhà em đó", nên họ dừng lại không đuổi nữa.
Một số video khác cho thấy, cảnh sát cơ động bắt giữ lần lượt những người đồng bào mà họ cho rằng có liên quan đến vụ việc, tra khảo tìm người cầm đầu, vũ khí...
Các đoạn video này mặc dù không rõ địa điểm quay do địa hình rừng núi, tuy nhiên các tài khoản đăng tải cho biết vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk, và các video này đều là lần đầu được phóng viên nhìn thấy trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như các cuộc nói chuyện, tra khảo đều gợi ý đến vụ việc xảy ra vào rạng sáng 11/6.
Hoàng Hưng, Nguyễn Văn Huy, Quốc Phương, RFA, 13/06/2023
‘Bàng hoàng’ và ‘buồn lo’ là từ ngữ của giới quan sát tình hình thời sự Việt Nam qua sự kiện vụ nổ súng ở tỉnh Đắk Lắk chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 13/6/2023. Biến cố bạo lực xảy ra hai ngày trước đó gây tử vong, thương vong cho chín người và hàng chục người bị chính quyền bắt giữ.
Chính phủ
Tuy nhiên, các ý kiến sau khi bước đầu tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề, cũng bày tỏ với RFA tiếng Việt mong muốn sẽ sớm có được giải pháp đối với những vấn đề xung đột và mâu thuẫn xã hội ở khu vực là nơi sinh sống từ xa xưa của nhiều nhóm sắc dân, cư dân bản địa. Đây cũng là khu vực vốn được coi là điểm ‘nhạy cảm’ lâu nay với chính quyền và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Từ Sài Gòn, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, nhà phản biện chính sách, bình luận trên quan điểm riêng.
"Cảm nghĩ đầu tiên của tôi, khi tôi nghe tin, là tôi thấy rất buồn, tức là mâu thuẫn xã hội bây giờ đã đến mức mà người ta dám dùng vũ lực một cách công khai và không còn sợ bị pháp luật nghiêm trị nữa. Bởi vì rõ ràng việc này pháp luật sẽ nghiêm trị, thế nhưng người ta còn không sợ nữa, có nghĩa là bất chấp cả mạng sống của mình, để làm việc phản đối một điều gì đó, dù tôi chưa biết rõ nguyên nhân thực sự là gì".
"Tôi rất buồn vì cảm thấy xã hội ở mức mà phải bạo động, bởi vì lâu nay tôi vẫn có một quan niệm là đất nước mình (Việt Nam) đang rất cần một sự hòa hợp, đoàn kết mọi người để chung tay xây dựng một đất nước có rất nhiều khó khăn nhưng hướng tiến lên của nó cũng đã khá rõ ràng và còn đối phó với kẻ thù xâm lược nữa, hai nhiệm vụ này đang cần có một mối đoàn kết, hòa hợp và thống nhất tất cả từ trên xuống dưới, tất cả các thành phần, các tầng lớp, nay xảy ra việc này thì rất là buồn và lo.
Tôi không biết nguyên nhân cụ thể trực tiếp như thế nào, và không biết sự hình thành của nhóm (tấn công) này ra sao mà có thể trong thời đại Internet này, người ta có thể làm việc đó một cách bí mật, khó nắm bắt được hết. Ngay ở những nước tiền tiến văn minh như nước Mỹ, những nhóm ‘khủng bố’, hay ‘bạo loạn’ vẫn có thể hình thành ngoài sự kiểm soát của nhà nước, thì điều đó cũng dễ hiểu.
Nhưng nhìn rộng ra, tôi chỉ thấy rằng những vấn đề xã hội của Việt Nam, mâu thuẫn giữa các tầng lớp mà bây giờ bộc lộ như thế này thì làm cho mình rất đau lòng, tất nhiên những người dân bình thường không bao giờ tán thành hay đi ủng hộ những chuyện dùng vũ lực để mà ‘bạo loạn’ như thế cả, nhưng tôi muốn nhìn ở tầm của những người có trách nhiệm quản lý xã hội, điều hành chung xã hội, cần có một cái nhìn như thế nào cho thật sáng suốt, để không đẩy mâu thuẫn ở trong nội bộ của xã hội lên mức cao hơn".
Theo ông Hoàng Hưng, ở đây có một khía cạnh là việc ‘trấn áp’ những hành động như vừa xảy ra là ‘tất yếu’, nhưng ông không tin vào việc chính quyền chỉ hành động như vậy mà có thể giải quyết vấn đề, ông nói :
"Việc trấn áp, việc phải nghiêm trị của pháp luật những hành động như thế này là tất yếu, thế nhưng nếu như mình (chính quyền) cho rằng dùng biện pháp trấn áp như thế mà giải quyết được vấn đề thì tôi không tin. Bởi vì về sâu xa, nó không có kết quả, do những cuộc trấn áp như thế một số năm trước đã diễn ra rồi, từ vụ Văn Giang cho đến vụ Đoàn Văn Vươn, cho đến một vụ mà trước đây có một người cũng giữ rẫy của mình và đã bắn chết mấy người mà cũng ở vùng gần Tây Nguyên.
Thế rồi lớn nhất là vụ Đồng Tâm mà cũng đã có trấn áp cả rồi, mà đến mức mọi người không đồng tình như vụ Đồng Tâm, mà trấn áp quá nặng nề (khiến) mọi người thấy là không cần thiết. Đến nay lại tiếp tục nổ ra như thế này, thì chứng tỏ biện pháp trấn áp đơn thuần như thế không phải là hay, mà tôi nghĩ người điều hành xã hội vẫn phải có một cái nhìn rộng rãi hơn, để làm sao giải quyết những vấn đề mâu thuẫn trong các thành phần, trong các tầng lớp xã hội một cách hài hòa, đảm bảo được những lợi ích của các bộ phận, kể cả đa số lẫn thiểu số.
Và một điều quan trọng hơn nữa là lâu nay, hình như người ta rất sợ tiếng nói phản biện, hay những nhóm phản biện, bởi vì mấy năm nay thấy rằng sự e sợ, sự ngăn chặn những tiếng nói phản biện càng ngày càng khắt khe hơn, tôi cho rằng như thế không hay, không đúng, bởi chính trong tình trạng xã hội có nhiều vấn đề, nhiều mâu thuẫn, thì lại phải rất khuyến khích những tiếng nói phản biện ôn hòa.
Tôi là một trong những người có tham gia phản biện, đương nhiên tôi phản biện những lĩnh vực về văn hóa và nghệ thuật là những vấn đề mà tôi nắm vững, hay một vài lĩnh vực khác là vấn đề mà tôi nắm được thì tôi phản biện ; chứ không phải vấn đề gì của nhà nước cũng phản biện - cái đó không đúng, tôi không đồng ý với cách như thế, không phải bất cứ vấn đề gì của nhà nước đưa ra cũng tự động gọi là ‘automatic’ phê phán - cái đó không đúng.
Thế nhưng rất nhiều nhóm, rất nhiều cá nhân phản biện một cách có tình, có lý, ôn hòa, thì tôi nghĩ những người này rất nên được khuyến khích, thay vì quá lo sợ rằng họ hình thành những nhóm chống nhà nước, hay mầm mống của những nhóm chống nhà nước, vì thế mà tìm cách ngăn chặn những tiếng nói phản biện, những người có thiện chí. Cái đó cũng là một yếu tố có thể dẫn đến (vấn đề) khi người ta không có cách nào để lên tiếng một cách ôn hòa, hay để đấu tranh cho quyền lợi của người ta, mà người ta coi là chính đáng, thì cái đó sẽ dẫn đến việc không còn lối thoát nữa, người ta sẽ nổi loạn. Đó là điều rất không hay, và nhìn rộng ra là như thế, còn tôi cũng nói lại rằng với vụ việc cụ thể này tôi không có điều kiện để tìm hiểu kỹ sâu".
Từ thành phố Lognes, ngoại ô mạn Đông của Paris, nước Pháp, nhà nghiên cứu Dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, đưa ra bình luận trên quan điểm cá nhân với RFA tiếng Việt :
"Khi nghe tin này, tôi cũng rất bàng hoàng, tại vì những người sắc tộc sinh sống trên Tây Nguyên là đề tài tôi nghiên cứu khi tôi làm Luận văn Tiến sĩ hồi năm 1993, tôi thấy những gì tôi viết từ thời đó đến nay không thay đổi. Cộng đồng người Thượng sinh sống trên Tây Nguyên ngày nay đã trở thành ccoojng đồng sắc tộc thiểu số trên chính quê hương của họ. Nếu vấn đề người Thượng cứ giải quyết theo lối của người Kinh, tức là chỉ huy người Thượng, thì sẽ không bao giờ giải quyết được hết vấn đề.
Bởi vì người Thượng sinh sống theo phong tục của họ, và phong tục đó có thể đã có từ ngàn năm. Dưới thời Pháp thuộc, phong tục đó của người Thương đã được người Pháp tôn trọng. Chúng ta phải hiểu rằng Pháp là một quốc gia rất tôn trọng những sắc dân, do đó họ đề cao quyền sinh tồn và truyền thống cổ truyền của những sắc tộc đã sinh cư lập nghiệp từ rất lâu trên vùng Tây Nguyên, mà người Pháp gọi là ‘autochtone’, tức là người bản xứ, hay người bản địa. Theo cách gọi này, giới tinh hoa gốc Thượng nhìn sự kiện này như là quyền lợi của họ, quyền được công nhận là người bản địa đồng nghĩa với quyền tự trị.
Khi chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm năm 1955 thay đổi quy chế Hoàng triều Cương thổ của Quốc vương Bảo Đại, thì quy chế tự trị của người Thượng trên Tây Nguyên chấm dứt. Người Thượng là người Việt Nam, do đó phải theo luật lệ của Việt Nam và phải sinh sống như người Việt Nam, nghĩa là phải nói tiếng Việt và ăn mặc như người Việt, tức người Kinh. Từ đó nảy sinh một số bất mãn và một số bất đồng ý kiến giữa người Thượng và người Kinh, dẫn đến chống đối như phong trào Barajaka, sau đó là Fulro, và sau này người ta gọi là Đề-ga. Tôi nghĩ rằng việc không tôn trọng quyền lãnh cư và thổ cư của họ sẽ không có đồng tuận dân tộc. Nếu không giải quyết được sự hội nhập hòa bình của cộng đồng người Thượng vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam nói chung, thì sau này chắc chắn sẽ có những cuộc xung đột khác, cho dù ngày nay họ là thiểu số, yếu hơn người Kinh".
Theo nhà dân tộc học này, cộng đồng người bản địa tại Việt Nam không có đòi hỏi gì đặc biệt, ngoài quyền tự do được sinh sống trên chính đất đai và lãnh thổ của ông bà, tổ tiên của họ để lại từ trước, ông nói tiếp :
"Thực sự theo tôi, người Thượng không đòi gì ở chính quyền và cộng đồng người Kinh, họ chỉ muốn được tự do sinh sống trên đất đai của tổ tiên họ để lại từ ngàn xưa, nghĩa là trên cao nguyên miền Trung. Đó là những vùng rừng núi hoang vu chẳng có thể canh tác được gì ngoài nghề trồng cà-phê hoặc cây cao su. Việc cưỡng chế đất đai để khai thác một vài khoáng sản chỉ làm ô nhiễm những vùng đất của cha ông họ để lại. Việc khai thác những tài nguyên khoáng sản đó đã không mang lợi lộc gì cho đất nước mà chỉ xúc phạm đến quyền sinh sống của n người bản địa, cộng đồng người Thượng trên Tây Nguyên.
Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất quan trọng để gìn giữ tình tự dân tộc. Nếu chính quyền Việt Nam không giải quyết vấn đề một cách tường tận có tình có nghĩa, mà cứ áp dụng luật của người Kinh, tức là luật của đa số áp đảo thiểu số, thì sẽ không được giải quyết được gì. Cộng đồng người Thượng có thể bị diệt chủng trong một tương lai nếu cứ bị đối xử cứng rắn bằng bạo lực. Nếu cách đối xử này là sự thật thì tôi nghĩ đây là một ‘tội ác’ đối với nhân loại, không tôn trọng quyền sinh tồn của người thổ cư là một trọng tội, bởi vì các quốc gia văn minh và phát triển ngày nay đều tôn trọng quyền này.
Người Mỹ cũng đã hối hận vì ngày xưa họ đã tiêu diệt người Da đỏ, người Úc ngày nay cũng hối hận về việc đã tiêu diệt những người thổ cư đầu tiên. Ngày nay cả hai quốc gia này đang phục hồi lại quyền thổ cư và quyền tự trị về văn hóa của những sắc tộc thiểu số, vì đó cũng là những con người như chúng ta, phải được hưởng đầy đủ những quyền lợi mặc dù phong tục, tập quán của họ có khác. Tôi nghĩ Việt Nam phải tôn trọng những quyền này, bởi vì đất nước Việt Nam có trên 100 triệu người, trong đó người Thượng trên Tây Nguyên khoảng trên 1,7 triệu người, chưa tới 2% dân số, nên phải được đối xử nhân bản hơn và phải tôn trọng quyền định cư và canh tác trên đất đai do Tổ tiên của họ để lại từ xưa đến nay.
Còn nếu (chính quyền) Việt Nam cứ tiếp tục chính sách đàn áp như hiện nay, nghĩa là không tôn trọng quyền tự do canh tác trên đất đai do tổ tiên của họ để lại, việc đó sẽ gây rất nhiều xáo trộn trong tương lai. Lương tâm của người Việt, những người có hiểu biết sẽ bị dằn vặt kéo dài trong nhiều thế hệ, nếu như chúng ta không giải quyết tường tận vấn đề này. Bởi vì, theo quan điểm riêng của tôi, luật đất đai của chính quyền Việt Nam hiện nay quá quyết đoán, đất đai gì cũng thuộc quyền sở hữu Nhà nước hết, đây là một sự vô lý.
Một hình ảnh giản dị : một cộng đồng người đã khai thác và sinh sống ở trên một vùng đất cách đây 100, 200 năm rồi bỗng nhiên bị một nhóm người khác, đông hơn ào tới nói đất đai đó thuộc về họ. Rồi sau đó nhóm người mới này áp dụng những luật lệ của họ và đưa những người không biết gì về phong tục tập quán của những người bản địa tới đó để chiếm hữu và khai thác đất đai. Thêm vào đó, họ còn làm những việc trái với phong tục tập quán của người địa phương, thì những phản ứng và sự phẫn nộ của người bản địa là chính đáng.
Để chấm dứt, tôi nghĩ chính quyền Việt Nam phải nhìn vấn đề hội nhập cũng người Thượng trên Tây Nguyên một cách cẩn trọng, vì đó là những anh em của chúng ta trong cùng một nhà. Nếu lãnh đạo mà không thấy vấn đề này thì sẽ không bao giờ có sự bình yên trong xã hội, nhất là trên Tây Nguyên".
Cùng ngày, tiếp tục cập nhật diễn biến hậu vụ bạo lực, nổ súng gây chết người trên địa phương của tỉnh hôm 11/6/2023, báo Đắk Lắk hôm thứ ba đưa tin cho hay chính quyền và công an Việt Nam đã bắt hơn bốn mươi người được cho là "đối tượng có liên quan" vụ tấn công trụ sở công an hai xã tại huyện Cư Kuin.
"Các lực lượng chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ thêm sáu đối tượng trong vụ tấn công trụ sở công an hai xã tại huyện Cư Kuin nâng tổng số bị bắt lên 45 đối tượng… hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục truy bắt những đối tượng còn lại, đồng thời, kêu gọi những người phạm tội sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng...", tờ báo dẫn nguồn từ người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam hôm 13/6 cho hay.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 13/06/2023
Đọc thêm :
Bài mở đầu. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung
Bài 1. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung
Bài 2. Những phong trào phản kháng
Bài 3. Sự hội nhập khó khăn
Bài 4. Vẫn trên đường tìm chỗ đứng
Bài 5. Những nguyên nhân nổi dậy
Bài 6. Nhìn lại vấn đề người Thượng
Bài 7. Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam
***********************
Giới quan sát nhận định rằng việc nhóm vũ trang bắn chết cán bộ, công an tại trụ sở cơ quan công quyền ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 có nguyên nhân sâu xa từ việc phân biệt sắc tộc, tranh chấp đất đai, và đàn áp tôn giáo.
Nhận định này được đưa ra giữa lúc chính quyền bắt thêm hàng chục "đối tượng" bị cho là có liên quan đến cuộc tấn công mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của vụ việc.
"Nếu nhà nước này không cải thiện được hành vi đối xử đối với người Tây Nguyên về đất đai, về tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm của họ thì tôi nghĩ sẽ có rất nhiều vụ việc như thế sẽ xảy ra… và nhà nước này sẽ biến Tây Nguyên thành một thùng thuốc súng", ông Nguyễn Xuân Nghĩa - cựu tù nhân lương tâm, người có nhiều năm bị giam cầm chung với những người Tây Nguyên sau các cuộc biểu tình ôn hòa đầu những năm 2000 - chia sẻ với VOA hôm 13/6.
Như VOA đã đưa tin, hàng chục người chưa rõ danh tính tấn công hai trụ sở công an xã ở Ea Tiêu và Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6, giết chết ít nhất 9 người, trong đó có 4 viên công an và 2 lãnh đạo chính quyền, báo chí nhà nước dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết.
Tính đến sáng ngày 13/6, các cơ quan chức năng đã bắt được "45 đối tượng" đồng thời công an kêu gọi những người phạm tội sớm ra "đầu thú để được hưởng khoan hồng". Trước đó, chính quyền loan tin rằng đã thu giữ "một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC" từ nhóm vũ trang này.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, người từng có những năm tháng sinh hoạt chung với hàng trăm tù nhân Tây Nguyên tại trại giam Nam Hà ở tỉnh Hà Nam từ năm 2009, và sau đó ở trại giam số 6 ở Nghệ An, và An Điềm ở Quảng Nam đến 2014, nêu nhận định :
"Vào những năm 2000, 2004, nhiều cuộc biểu tình xảy ra đúng là ôn hòa. Người Tây Nguyên đi tay không, chỉ có tiếng nói thôi. Có một vài nơi, theo các anh em tù kể với tôi, họ cũng chiếm được vài trụ sở chính quyền, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ hay vài ngày rồi họ về, bởi vì họ có mục tiêu gì đâu, họ không có mục tiêu cướp chính quyền, mục tiêu biểu tình của họ chỉ là đất đai".
Ông Nghĩa nhận định thêm :
"Nhà nước này thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và mục tiêu của họ là đàn áp, mà không hòa giải, tìm hiểu, lúc nào cũng nghĩ rằng người Tây Nguyên nổi loạn, vận động để thành lập nhà nước Đề Ga, theo FULRO, dẫn đến tình trạng khi người Tây Nguyên bị đàn áp quá khốc liệt, bị tù tội, và trở về trong tâm thế uất ức".
"Sau năm 2004 đến nay, tình hình Tây Nguyên có vẻ yên ổn, nhưng trong cái yên ổn đó là hàng ngàn người Tây Nguyên rời bỏ đất đai của mình mà ra đi bằng con đường vượt biên sang Campuchia, Thái Lan, và đa số vẫn còn ứ lại tại Thái Lan và họ rất khổ sở ở đấy", vẫn theo lời ông Nghĩa.
"Cả ở vùng đất Tây Nguyên và ở các vùng tị nạn ở Thái Lan vẫn âm ỉ một mối hận không thể giải tỏa được. Nhà nước này phải giải tỏa bức xúc bằng cách phân chia công bằng vì người Kinh lên Tây Nguyên thật sự là những kẻ thực dân, và họ phải được khuyến khích để trả lại phần đất mà họ đã chiếm của người Tây Nguyên bằng mọi hình thức : thành lập nông trường, thu đất của người Tây Nguyên, và sau đó nông trường giải tán mà vẫn không trả lại đất cho người Tây Nguyên… Đó là nguyên nhân tiềm tàng một thùng thuốc súng mà tôi nghĩ ngày càng phát triển mạnh, càng to hơn".
Từ Bangkok, Thái Lan, một người Êđê quê ở Tây Nguyên không nêu tên vì lý do an toàn, chia sẻ quan điểm của ông với VOA về biến cố ngày 11/6 ở quê nhà :
"Tôi khá bất ngờ về sự việc xung đột có vũ trang như vậy !", người này nói thêm rằng người Thượng Tây Nguyên "chịu nhiều đàn áp, bắt bớ, sách nhiễu từ chính quyền cộng sản Việt Nam".
Ông cho biết thêm về vụ việc cưỡng chế gần đây nhất mà ông cho rằng có thể là nguyên nhân của vụ tấn công hai trụ sở công an xã : "Việc cưỡng chế và đập nhà của người dân hàng loạt dọc đường từ xã Ea Tiêu đến Quốc lộ 27. Nhiều hộ dân khác cũng bị chính quyền cưỡng chế đất, và hầu như không có đền bù hoặc đền bù giá rất bèo".
"Một số người Kinh coi thường người bản địa Êđê, đâm ra xung đột sắc tộc và ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý và những người không hiểu pháp luật và không nghĩ đến hậu quả, nhưng cũng có người hiểu biết nhưng họ quá bức xúc từ lâu năm nay…".
"Việc đụng độ này nhắm vào chính quyền, vào chế độ do sự quản lý không công bằng", người tị nạn không nêu tên cho biết thêm. "Khi mà người lên tiếng phản đối thì chính quyền cho rằng họ là ‘phản động’, hay ‘chống phá nhà nước’".
Từ bang North Carolina, Hoa Kỳ, ông Ben Bubong, một người tranh đấu cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, nói với VOA :
"Theo tôi, vấn đề này có thể là về đất đai, sự bất bình đẳng đối với người dân tộc. Bất cứ người dân tộc làm gì thì chả có sự xử lý công bằng và họ không có tiếng nói".
Được hỏi về các cáo buộc đổ lỗi cho người Tây Nguyên thành lập nhà nước Đề Ga hay đi theo tổ chức FULRO là các nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trước đây, ông Bubong nói : "Những cái này không còn nữa. Họ lấy cái cớ đó để buộc tội… Như vậy là không công bằng đối với người dân tộc Tây Nguyên".
FULRO, tức Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc dân bị áp bức, được các sắc tộc người Thượng và người Chăm thành lập ở Campuchia và mùa thu năm 1964. Công an Việt Nam từng tuyên bố rằng "sau 17 năm (1975-1992) kiên trì chiến đấu", họ đã "làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng FULRO".
Ông Đặng Sơn Duân, một nhà báo tự do viết trên Facebook hôm 13/6 : "Người thì ý kiến có thể xuất phát từ vấn đề đất đai, người thì khẳng định tàn dư của FULRO, hay Đề Ga… Theo thiển ý của tôi, hai khả năng này không nhất thiết loại trừ lẫn nhau, nếu có. Hoàn toàn có thể có những người vì phẫn uất với câu chuyện đất đai mà ngả theo những tiếng gọi cực đoan !".
Ông viết tiếp : "Nếu quả như vậy, sự việc đau lòng này cũng là lúc nên nhìn nhận lại chính sách dân tộc đầy nhạy cảm, từ chủ trương đến triển khai, hay chất lượng những người thực hiện… Liệu có gì chưa đúng, chỗ nào cần phải điều chỉnh, cải thiện hay không ?"
Ông Dương Quốc Chính, một nhà quan sát và bình luận chính trị - xã hội trong nước, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân :
"Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ vừa xong là gì, nhưng mâu thuẫn sắc tộc thường không được công bố là nguyên nhân chính thức, dễ bị lái thành mâu thuẫn thuần túy hình sự".
Hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công gây chấn động, cổng thông tin công an Đắk Lắk cho biết chính quyền địa phương và công an tỉnh Đắk Lắk, công an huyện Cư Kuin hôm 13/6 trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng "Tổ quốc ghi công" cho thân nhân của 4 công an viên và 2 quan chức thiệt mạng, gọi họ là những "liệt sĩ".
Nguồn : VOA, 13/06/2023
*************************
Vụ giết nhân viên chính quyền ở Đắk Lắk : Nhiều người nói bạo lực không phải là giải pháp
VOA, 12/06/2023
Hàng chục người chưa rõ danh tính đã tấn công 2 trụ sở chính quyền cấp xã ở tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6, giết chết ít nhất 7 người bao gồm 4 viên công an, báo chí Việt Nam tường thuật, dẫn lại thông tin từ chính quyền.
Công an Việt Nam bắt giữ 26 người sau vụ tấn công giết nhân viên chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6.
Bình luận về vụ việc, một số luật sư, nhà hoạt động, nhà báo nói với VOA rằng việc sử dụng bạo lực, kể cả để đấu tranh chống bất công, là điều không thể ủng hộ, song họ cũng cho rằng sự manh động tuyệt vọng của người dân không phải là vô cớ và phía chính quyền cần phải xem xét lại chính mình.
Vấn đề đất đai bị kích động ?
Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay một nhóm đông người vào sáng sớm ngày 11/6 đã dùng súng tấn công trụ sở công an của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin (Chư Quynh), tỉnh Đắk Lắk, làm chết ít nhất 7 người, gồm 4 viên công an xã, những người còn lại là cán bộ xã và người dân.
Hai xã kể trên chỉ cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 5 km về phía đông nam theo đường chim bay và nằm rất gần sân bay Buôn Ma Thuột.
Tin cho hay đến trưa 12/6 công an bắt được "26 đối tượng" và thu giữ "một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC". Một phát ngôn viên Bộ Công an cho hay lực lượng của bộ vẫn tiếp tục "truy quét các đối tượng còn đang lẩn trốn".
Tin tức trên Cổng thông tin điện tử chính phủ và báo chí Việt Nam ở thời điểm chiều 12/6 không cho biết nguyên nhân nào đã dẫn đến vụ tấn công chết chóc.
Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục hộ dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur.
Công tác giải phóng mặt bằng đó một phần là để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, một phần là để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo quốc lộ 27.
Báo chí trong nước cho hay nhiều người bị "thiệt đơn thiệt kép" trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.
Vào cuối giờ hành chính ngày 12/6, VOA cố gắng liên lạc với ủy ban nhân dân và công an huyện Cư Kuin, các cơ quan cấp trên của hai xã có vụ tấn công, để hỏi xem liệu vấn đề đất đai có liên quan gì đến vụ tấn công, nhưng không có hồi đáp.
Một người dân không muốn nêu tên, sống gần trụ sở ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu, nói với VOA rằng ông và nhiều người bàng hoàng về vụ tấn công và nêu nhận định về nguyên nhân :
"Nhà nước nào cũng có đối lập, đúng không ? Bên đối lập lợi dụng tình hình dân tộc và tình hình thu hồi đất để làm đường giao thông, các dự án phát triển kinh tế-xã hội để kích động nhóm đối tượng này. Thực tế những người này theo tôi nghĩ là thành phần thiếu hiểu biết. Giờ xảy ra tình trạng như vậy cũng rất là đáng thương".
Người dân này đưa ra nhận xét cá nhân về vị chủ tịch xã và bí thư đảng ủy xã bị thiệt mạng trong vụ tấn công :
"Chế độ này, chế độ tôi đang sống đây, có rất nhiều tiêu cực, nhưng hai đồng chí vừa mất được dân tin yêu, là hai cán bộ tốt thực sự. Là lãnh đạo cỡ chủ tịch, bí thư xã, họ không tham quyền, không tham chức, họ rất tốt với dân. Thứ bảy, Chủ nhật, họ đi làm rẫy. Hai người này thật hiếm có trong xã hội bây giờ".
Theo mô tả của người dân này, ban đầu, vụ tấn công làm người dân địa phương "sợ hãi" về mức độ "manh động", nhưng sau khi được chính quyền, công an và bộ đội trấn an và thấy họ triển khai các lực lượng, người dân thấy "bình yên, không có xáo trộn gì".
Ông Chu Vĩnh Hải, một cựu nhà báo lâu nay thường lên tiếng phản biện xã hội, nói với VOA rằng phía nhà nước Việt Nam cần phối hợp với một tổ chức độc lập để điều tra về vụ nổ súng ở Đắk Lắk vì nếu chỉ có cơ quan nhà nước điều tra sẽ không khách quan :
"Nếu mà có điều tra phối hợp với một cơ quan độc lập, mọi chuyện sẽ tốt hơn. Điều tra của một cơ quan thì kết quả không thật như kỳ vọng đâu. Nếu có điều tra độc lập nữa sẽ tốt hơn, có nghĩa là bất cứ tổ chức nào, trong nước hay ngoài nước, hay là điều tra độc lập của một cá nhân ở trong nước chẳng hạn".
Hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur (tỉnh Đắk Lắk) rất gần thành phố Buôn Ma Thuột và chính quyền huyện Cư Kuin.
Những tiếng nói phản đối bạo lực
Trên mạng xã hội, một số người bình luận rằng vụ tấn công có thể là sự phản kháng bằng bạo lực của người dân sau những thua thiệt, bất công theo kiểu "con giun xéo lắm cũng quằn" hay "tức nước vỡ bờ", theo quan sát của VOA.
"Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh", "Dân oan căm phẫn bất ngờ đứng lên", "Đây là những anh hùng thực sự nếu họ đứng lên vì đấu tranh", v.v. là ý kiến của không ít người bày tỏ trên mạng.
Tuy nhiên, có những người khác lên tiếng phản đối bạo lực, cho rằng làm như vậy có hại cho cuộc đấu tranh lớn hơn để có dân chủ, tiến bộ xã hội ở Việt Nam.
Một trong những người đó, ông Chu Vĩnh Hải, người vẫn hay đưa ra các ý kiến phản biện xã hội, chia sẻ suy nghĩ với VOA :
"Tôi phản đối các hành vi, hành động bạo lực, khủng bố. Thời buổi đã khác rồi, cuộc sống văn minh hiện đại rồi, người ta phản kháng bằng ôn hòa bất bạo động chứ không thể phản kháng bằng bạo lực và khủng bố được. Phản kháng bằng bạo lực, khủng bố gây thiệt hại rất lớn cho các bên, gây mất trật tự, mất ổn định cho cuộc sống xung quanh".
Từng là nhà báo nhiều năm trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam, ông Hải chỉ ra rằng vụ việc ở Đắk Lắk mới xảy ra nói riêng và những mâu thuẫn, xung đột ở Tây Nguyên trong nhiều năm qua nói chung có nguyên nhân từ một trong ba, hoặc cả ba vấn đề "nổi cộm" là đất đai, sắc tộc và tôn giáo. Ông nói thêm :
"Người dân họ sẽ bức xúc. Mà bức xúc thì như ông cha ta đã nói ‘con giun xéo lắm phải quằn’. Nhưng ‘quằn’ theo kiểu nào ? ‘Quằn’ bằng bạo lực, khủng bố là tôi phản đối".
Cũng phản đối bạo lực, luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA :
"Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. Nếu người dân sử dụng bạo lực, chính quyền càng căn cứ vào đó, lấy lý do đó để càng siết chặt hơn cái đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi nhân quyền. Với những lý do như thế, tôi phản đối bạo lực trong đấu tranh".
Luật sư Sơn đưa ra quan sát rằng ở Việt Nam, không ít người dân có quan niệm là chính quyền "có lỗi" trong những bất công, nên họ "hả hê" khi thấy những vụ tấn công vào cán bộ, nhân viên chính quyền. Ông Sơn cho rằng cách phản ứng đó chỉ kích động thêm bạo lực và vi phạm pháp luật. Ngược lại, ông đề cao sự ôn hòa :
"Xã hội nào cũng cần có pháp luật. Để đấu tranh dân chủ, cần biết tập hợp lực lượng và đấu tranh ôn hòa chứ không phải là tạo cớ cho chính quyền đàn áp".
Trụ sở xã Ea Tiêu, tỉnh Đắk Lắk, sau vụ tấn công chết người hôm 11/6.
Vấn đề về phía chính quyền
Với hiểu biết về Việt Nam, luật sư Sơn khẳng định các mâu thuẫn, bất ổn cũng có nguyên nhân từ phía chính quyền, mà cơ bản là "các quyền dân chủ của người dân chưa được tôn trọng, pháp luật chưa hoàn thiện, chưa nghiêm minh". Đây là vấn đề lớn có tính lịch sử, ông nói và cho rằng không thể giải quyết bằng "một hai phản ứng tức thời". Ông nói thêm :
"Người dân phải kiên trì, phải tìm hiểu pháp luật hiện hành để mà đấu tranh dựa trên pháp luật đó để mà đòi hỏi quyền lợi của mình. Giới trí thức, người có hiểu biết nên làm cho người dân hiểu điều đó, vì đó là cách đấu tranh phải trả giá thấp nhất".
Ông Sơn lưu ý rằng khi dùng bạo lực, tương quan lực lượng giữa người phản ứng và chính quyền quá là chênh lệch, đồng thời ông cũng đặt câu hỏi về hệ lụy của đấu tranh bằng bạo lực :
"Nếu sử dụng bạo lực thì các ông định giành chính quyền thì các ông sẽ xây dựng một chính quyền như thế nào ? Cũng sẽ ứng xử với nhau bằng bạo lực thì khác gì tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa ?"
Nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, nói với VOA rằng với tư cách là một người dân, bà "phản đối và lên án bạo lực, nhất là những vụ bạo lực gây ra cái chết". Nhưng bà cũng chỉ ra rằng "bạo lực từ phía nhà cầm quyền cũng phải bị lên án một cách mạnh mẽ".
Bà Nghiên và gia đình từng bị chính quyền Việt Nam o ép, ngăn cản đường sống trong nhiều năm và hiện sống tị nạn ở Mỹ. Bà đưa ra quan sát :
"Sự thực là ở Việt Nam, rất tiếc bạo lực đều xuất phát từ nhà cầm quyền. Luật pháp có, tòa án có nhưng người ta sử dụng chính luật pháp và tòa án để làm công cụ phục vụ lợi ích của thiểu số cầm quyền và chà đạp mọi quyền lợi, ước nguyện hợp pháp của người dân".
Người dân sẽ chẳng bao giờ được biết sự thật đằng sau vụ việc kinh hoàng ở Đắk Lắk ngoài những gì được truyền thông nhà nước loan ra, bà Nghiên tiên liệu và nhận xét rằng cũng giống như tòa án, luật pháp, chính quyền Việt Nam "sử dụng truyền thông như là một phương tiện bạo lực để định hướng dư luận".
Người phụ nữ từng bị chính quyền bỏ tù 4 năm và quản thúc 3 năm về tội "tuyên truyền chống nhà nước" cách đây hơn 10 năm giờ đây dự báo với VOA rằng "thế nào cũng có người bị bắt oan, bị xử oan. Một chế độ công an trị thì oan khuất ngút trời là lẽ đương nhiên".
Nhắc lại quan điểm lên án bạo lực, giết chóc, song bà Nghiên cũng lưu ý đến yếu tố người dân bị công an, nhà cầm quyền "hãm hại, dồn nén quá mà ra thảm cảnh". Người dân vốn rất sợ hãi công an và nhà cầm quyền, bà Nghiên nhận xét và nhấn mạnh rằng chính vì thế càng cần phải tìm hiểu điều gì dẫn đến việc họ dám manh động với kết cục như vậy.
Trong một bài có tựa đề "Người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng về vụ tấn công trụ sở công an 2 xã tại huyện Cư Kuin", cổng thông tin của chính quyền tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 viết rằng Bộ Công an "đề nghị" bà con huyện Cư Kuin và các địa bàn lân cận "bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng".
Trang web Đắk Lắk Điện tử còn dẫn lời phát ngôn viên Bộ Công an "khuyến cáo các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật".
Nguồn : VOA, 12/06/2023
Tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên
Hồng Dân, Định Tường, VNTB, 13/06/2023
Theo dòng lịch sử
Xứ Thượng Nam Đông Dương, tiếng Pháp : Pays Montagnard du Sud Indochinois, viết tắt là PMSI, là một đơn vị hành chính tự trị của Liên bang Đông Dương tại khu vực Tây Nguyên. Đơn vị hành chính này tồn tại từ 27/05/1946 đến năm 1950 thì sáp nhập vào Hoàng triều cương thổ (tiếng Pháp : Domaine de La Couronne) theo Dụ số 6 của Quốc trưởng Bảo Đại.
Xứ Thượng Nam Đông Dương gồm có 5 tỉnh vùng Cao nguyên Trung phần, gồm : Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac, Kontum. Thủ phủ của Xứ Thượng sơ khởi đặt tại Đà Lạt, sau đó chuyển tới Ban Mê Thuột.
Sau hiệp ước 8/3/1949 được ký kết giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol công nhận Quốc gia Việt Nam, thì quy chế tự trị của các sắc tộc thiểu số được gộp lại dưới danh hiệu Hoàng triều Cương thổ, và Xứ Thượng Nam Đông Dương chính thức kết thúc.
Tại vùng này thì Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc trưởng ra vẫn giữ vai trò Hoàng đế.
Ngày 21/5/1951, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành "Quy chế 16" với chín điều khoản đặt nền móng cho việc cai trị Xứ Thượng, và có lẽ những nội dung này là nguyên cớ cho các xung đột sắc tộc về sau, bất chấp thể chính trị. Nội dung các điều khoản đó có thể tóm tắt như sau :
Quyền lợi tối cao của Quốc gia Việt Nam được bảo đảm cùng với quyền lợi của các sắc tộc thiểu số ; Cao nguyên trực thuộc Quốc trưởng ; Người Thượng cần tham gia vào việc phát triển Cao nguyên ; Tôn trọng hệ thống bộ lạc và chức sắc kế truyền của người Thượng ; Thành lập Hội đồng Kinh tế ; Thành lập Tòa án Phong tục Thượng ; Bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng ; Phát triển cơ cấu dịch vụ xã hội ở Cao nguyên như y tế, giáo dục ; Thành lập đơn vị riêng quân sự riêng biệt cho người Thượng với ưu tiên phục vụ ở Cao nguyên.
Đến năm 1955, khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất vua Bảo Đại, thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa đã sáp nhập Hoàng triều cương thổ vào lại Trung phần và vùng đất này được gọi với tên là vùng Cao nguyên Trung phần.
Ngày 10/8/1954, quy chế Hoàng triều cương thổ bị xóa bỏ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông qua Dụ số 21 ngày 11/3/1955 và Quốc trưởng Bảo Đại chấp thuận, chính thức sáp nhập Hoàng triều cương thổ lại vào Trung phần, chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Quốc trưởng trên vùng Thượng và danh xưng Cao nguyên Trung phần được dùng lại.
Ghi nhận tại hội thảo "Đánh giá thực trạng tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay" do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, thì vấn đề luật tục và luật pháp hiện hành được xem là những mâu thuẫn đưa đến xung đột về tranh chấp đất đai.
Theo đó, đồng bào ở Tây Nguyên coi đất đai là tài sản chung của cộng đồng buôn làng. Đó là sự kết nối thiêng liêng giữa các thế hệ từ ông, bà tổ tiên trước đây truyền lại cho các thế hệ sinh sống trong buôn làng : đất đai, sông suối, cây rừng (là) cái nong, cái nia, cái lưng của ông (bà).
Đất này là của bà xưa ông cũ để lại, điều đó người ta đã truyền miệng lại cho nhau đời này qua đời khác.
Có thể thấy rằng, luật tục đã rất xem trọng yếu tố con người trong mối tương quan với thế giới tự nhiên, với cộng đồng và tín ngưỡng. Thứ đến là vấn đề sở hữu tài sản. Mọi của cải trong gia đình đều thuộc quyền quản lý của mẹ hay người đại diện cho mẹ là chị cả.
Việc thừa kế tài sản cũng được tính theo dòng mẹ. Một phần của cải của người chồng đã chết cũng phải đem trả về cho mẹ hay chị em gái của anh ta.
Thế nhưng ở thế chế chính trị hiện tại thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên người dân chỉ có thể chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.
Chính lẽ trên nên căn cứ theo pháp luật hiện hành thì cộng đồng buôn làng chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất hợp pháp khi được Nhà nước Việt Nam giao đất ; cá nhân, hộ gia đình chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.
Những điều kể trên về nguyên tắc là hoàn toàn "xa lạ" với quan niệm của đồng bào Tây Nguyên về sở hữu đất đai. Đặc biệt là, trong bối cảnh vùng Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số ở đây vẫn tự phát lấy đất rừng làm rẫy mà không cần quan tâm đất đai đó đang thuộc sở hữu toàn dân theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Theo quan niệm của người dân sắc tộc ở Tây Nguyên, khi người dân đặt chân tới, lao động và hưởng lợi từ một mảnh đất, thì điều đó có nghĩa là họ đã sở hữu mảnh đất đó.
Bên cạnh đó, bao đời nay người Tây Nguyên cũng quan niệm đất rẫy thuộc quyền sở hữu của người khai phá đầu tiên. Nếu họ chết, đất đó được truyền cho con cháu. Cộng đồng buôn làng khẳng định quyền sở hữu của họ. Những người thừa kế không có quyền bán đất đó cho người khác mà chỉ có thể để thừa kế lại cho con cháu, coi đất rẫy là tài sản của gia tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Tất cả những vấn đề thuộc luật tục ở trên là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Hồng Dân – Định Tường
Nguồn : VNTB, 13/06/2023
**********************
Hoài Nguyễn, VNTB, 13/06/2023
Thông cáo báo chí được Bộ Công an phát hành lúc giữa trưa ngày 12/6/2023, có nội dung như sau :
"Đến 11g30 ngày 12/6/2023, lực lượng Công an đã bắt giữ thêm 4 đối tượng trong vụ tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã tại tỉnh Đắk Lắk xảy ra vào sáng 11/6/2023.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân các xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin làm một số đồng chí công an xã, cán bộ xã và người dân thương vong, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ triển khai truy bắt nhóm đối tượng liên quan.
Đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 26 đối tượng (cập nhật đến tối 12/6 đã bắt thêm được 1 nghi phạm), thu một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC ; hiện đang tiếp tục truy bắt các đối tượng còn lại".
Liên quan vụ việc, phía Bộ Công an cho biết trong ngày 12/6, Thứ trưởng Lương Tam Quang đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Vẫn chưa rõ sẽ khởi tố vụ án theo cáo buộc điều luật nào của Bộ luật hình sự hay sẽ căn cứ vào Luật phòng, chống khủng bố.
Tình huống giả định ở đây là khi nhà chức trách căn cứ vào Luật phòng, chống khủng bố cho vụ án xảy ra hôm 11/6/2023 tại tỉnh Đắk Lắk, thì liệu có liên quan mang tính dắt dây đến cái gọi là "thế lực thù địch" từ nước ngoài theo cách đánh giá lâu nay của Đảng cộng sản Việt Nam ?
Theo cách định nghĩa của Luật phòng, chống khủng bố, thì các từ ngữ liên quan tố tụng dưới đây được hiểu như sau :
1. Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng :
a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác ;
b) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản ; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân ;
c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này ;
d) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này ;
đ) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này ;
e) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
3. Phòng, chống khủng bố bao gồm các hoạt động phòng ngừa khủng bố, phòng ngừa tài trợ khủng bố, chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố.
Thực tế cho thấy hầu hết các điều ước quốc tế đều không đưa ra được định nghĩa khủng bố, hoặc có thì cũng không nhắc đến khái niệm khủng bố một cách trực tiếp.
Các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc định nghĩa : Hoạt động khủng bố là hoạt động hủy hoại nhân quyền, quyền dân chủ và tự do cá nhân, uy hiếp sự an toàn và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, tạo sức ép lên quốc gia, phá vỡ văn minh xã hội, là hành vi phạm tội với việc gây hậu quả bất lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Tuyên ngôn về vấn đề chủ nghĩa khủng bố của Liên hợp quốc nói rằng : Tất cả các hình thức của chủ nghĩa khủng bố, dù xảy ra ở nơi nào, ai là kẻ chủ mưa, và hành vi phạm tội ra sao, cũng không thể thanh minh, cho nên thông qua các điều của Hiệp ước Quốc tế, cần thêm mức độ xử phạt.
Vấn đề đặt ra là liệu vụ việc tấn công vào hai trụ sở công quyền hôm sáng 11/6/2023 có phải hành vi khủng bố của những người theo chủ nghĩa dân tộc (Nationalist terrorism), hoặc chủ nghĩa khủng bố mang màu sắc ly khai sắc tộc ở Tây Nguyên ?
Có ý kiến là với những xung đột kéo dài từ thời Đệ nhất Cộng hòa đến nay đối với các sắc dân ở Tây Nguyên, thì đây có thể là vấn đề "khủng bố ý thức hệ" (Ideological terrorism/Social terrorism).
Với hình thức này, những kẻ khủng bố sử dụng hoạt động khủng bố để thay đổi một chính sách đối nội, hoặc để lật đổ một chính phủ nào đó. Loại khủng bố này cũng có thể mang màu sắc tôn giáo.
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội khủng bố tại hai điều luật : "Điều 299. Tội khủng bố" ; "Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".
Như vậy, với tình huống giả định đặt ra ở trên, cho thấy sắp tới đây rất có thể vụ án được khởi tố theo nội dung của điều luật hình sự 113. Khi đó, rất có thể chiêu bài quen thuộc về "thế lực thù địch" lại được khai thác triệt để, và vấn đề tự do tôn giáo của các sắc tộc ở Tây Nguyên, qua đó có thể nảy sinh các xung đột khôn lường.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 13/06/2023
*************************
Tây Nguyên lại ‘biến loạn’
Trường Sơn, VNTB, 12/06/2023
Nguyên do đưa đến vụ biến loạn ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023 vẫn chưa được công bố.
Xe của lực lượng chức năng đến hiện trường
Phía Bộ Công an đã chủ động lên tiếng rất nhanh về vụ việc, tuy vẫn chưa hề rõ ràng về con số thương vong…
Một nhóm hàng chục người đã dùng súng quân dụng tấn công vào hai trụ sở công an các xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm chết "một số" cán bộ công an và người dân. Vụ việc diễn ra vào sáng sớm ngày 11/6/2023.
Thông cáo báo chí của Bộ Công an đưa ra khuyến cáo : "Các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật".
Lực lượng chức năng truy bắt nhóm người tấn công 2 trụ sở công an tại tỉnh Đắk Lắk – Ảnh : Báo Công an Nhân dân
Cũng tin tức do Bộ Công an chủ động loan báo với xác nhận của lãnh đạo Huyện ủy Cư Kuin, Đắk Lắk, khi tin tức công khai đăng tải trên báo chí thì đã bắt giữa được 16 nghi phạm, có 1 đối tượng ở thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai ; 3 đối tượng ở huyện Krong Búk ; 2 đối tượng ở huyện Cư Mgar (Đắk Lắk)… Ngoài ra, lực lượng chức năng đã giải cứu 2 con tin, một con tin thứ ba tự giải thoát.
Nguyên do đưa đến vụ biến loạn ở Đắk Lắk vẫn chưa được công bố, nhưng những gì từng xảy ra ở Tây Nguyên trong quá khứ, cho thấy rất có thể vấn đề sắc tộc và tôn giáo lại bùng nổ thành bạo lực.
Sự kiện hàng ngàn bà con dân tộc tụ tập theo 7 đoàn người đi từ 6 hướng rầm rập kéo về thủ phủ Buôn Ma Thuột ngày 3/2/2001 vẫn còn được nhiều nhà báo liên tưởng khi nhận tin về vụ xả súng sáng 11/6/2023 như nói ở trên.
Bộ Chính trị về sau này đã dùng cụm từ "bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên" để mô tả vụ xảy ra thời điểm đó ở nhiều nơi tại Tây Nguyên.
Buổi tối ngày 1/2/2022 về trước, hàng trăm người Thượng trang bị cọc, dao găm, thuổng diễu hành qua quảng trường Đại đoàn kết tại thành phố Pleiku, trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai bị bao vây trong đêm.
Trụ sở tòa nhà Đảng cộng sản Việt Nam tại tỉnh Gia Lai bị lục soát và phá cửa sổ vào khoảng 9 giờ sáng ngày hôm sau. Trụ sở Cảnh sát tỉnh Gia Lai đã thuộc quyền kiểm soát của người Thượng lúc 11 giờ.
Biểu tình bạo động diễn ra vào ngày 2 tháng 2 năm 2001 tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với đa số thành phần dân tộc thiểu số. Ngày 3/2/2001, hàng ngàn người dân tộc thiểu số tuần hành cùng máy cày tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk, Krông Nô, Krông Pắc, Krông Bông, Cư M’gar ; nhiều người diễu hành tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.
Người Thượng cáo buộc đất tổ tiên bị chuyển đổi thành đồn điền cà phê của người Việt, phản đối di dân người Việt từ đồng bằng sông Hồng, phản đối người dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc đến tái định cư do xây dựng các dự án thủy điện. Họ mong muốn thực hành Tin Lành tự do và từ chối Giáo hội Tin Lành Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát…
Về sau, trong một cuộc họp về biến loạn Tây Nguyên kéo dài 3 ngày tại khu họp mang tính nội bộ phía sau dinh Độc Lập tại Sài Gòn (vào cổng phía đường Nguyễn Du gần ngã ba Huyền Trân Công Chúa, để phân biệt với cổng gần ngã ba Nguyễn Trung Trực) do Quyền Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Quốc Anh chủ trì đã nêu nhiều tình tiết hậu trường. Ở cuộc họp đó, báo chí hạn chế tham dự, không được phép đưa tin, chụp ảnh.
Trong danh sách "bạo loạn chính trị" khi ấy, có tên xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Lúc đó nơi đây là vùng quê rất nghèo khó.
Tin tức tại cuộc họp nội bộ kể trên, theo những gì còn lưu giữ ở sổ ghi chép của phóng viên, thì cuộc bạo loạn đã diễn ra với nhiều hoạt động như đập phá nhà cửa của dân và cơ quan chính quyền, đánh người thi hành công vụ, đánh dân thường.. Đặc biệt còn xuất hiện các biểu ngữ yêu cầu thành lập nhà nước Đề Ga, gọi ông Ksor Kok là tổng thống, ly khai khỏi nhà nước Việt Nam…
Từ vụ việc trong quá khứ để liên tưởng đến hiện tại, liệu có phải sự việc "biến loạn" ngày 11/6/2023 có duyên cớ từ việc hôm 08/4/2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án "Phá hoại chính sách đoàn kết" (xảy ra tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Hình sự ; khởi tố bị can đối với đối tượng A Ga (sống tại Mỹ) và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đối tượng Y Krếc Byă (thường gọi Ama Guôn, sinh năm 1978, ở buôn K’nia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).
Y Krếc Byă từng bị xử phạt 8 năm tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết" và ra tù vào năm 2012, sau đó phía công an cho rằng năm 2013 Y Krếc lại tiếp tục tham gia hoạt động cơ sở ngầm FULRO và bị cơ quan công an phát hiện…
Khi Y Krếc Byă bị bắt giam hồi đầu tháng tư năm nay, lý lịch ghi chức danh về chính trị là Phó Giáo Hội Trưởng Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên – CHPC.
Đến năm 2004, dịp Lễ Phục Sinh ngày 10–11/4/2004, Tây Nguyên xảy ra một bạo loạn với quy mô rất lớn khoảng hàng ngàn đồng bào người dân tộc thiểu số gồm người già, thanh niên và trẻ em nam nữ thuộc các thôn của 39 xã của 17 huyện tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, đã dùng hơn 350 máy cày, máy kéo và hàng trăm xe máy, mang theo hung khí, gậy gộc và đá kéo đến các địa điểm trung tâm của các địa phương.
Ngày 14/4/2008 tại Chư Sê, hàng trăm người Thượng biểu tình đòi đất và quyền thờ tự cũng như thả 300 người sắc tộc bị cầm tù từ năm 2001 đến năm 2004.
Xem ra lần này đại ngàn Tây Nguyên lại bước vào giai đoạn mới của "bạo loạn chính trị" phiên bản đời sống khốn khó hậu dịch Covid-19.
Trường Sơn
Nguồn : VNTB, 12/06/2023
*****************************
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 12/06/2023
Địa bàn hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Tỉnh Đăk Lăk
Quốc trưởng Bảo Đại ban hành Dụ số 6, quy định vùng Cao nguyên Trung phần thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn vào ngày 15/4/1950 ; tuy nhiên vùng đất vẫn do chính phủ Pháp quản lý và kiểm soát giới hạn giao thương Kinh–Thượng.
Nhiều nhà viết sử cho rằng "do sự khác biệt văn hóa và sắc tộc với người Việt, nhiều bộ lạc người Thượng đã hợp tác cùng chính quyền Pháp để chống lại Việt Minh vào thập niên 1940. Người Pháp đã cho phép họ có một mức độ tự trị chính trị ở Tây Nguyên, nhưng sau Hiệp định Genève năm 1954 và việc Pháp rút khỏi Việt Nam, người Thượng đã mất những đặc quyền chính trị đó".
Kể từ năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa không luật hóa quyền sở hữu đất tại Cao nguyên Trung phần và bắt đầu thực hiện chương trình tái định cư người Việt đến khu vực này. Trong khi đó thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chính sách kiểm soát tập thể hóa triệt để ở miền Bắc.
Theo diễn văn ngày 12/6/1955 và Dụ số 57 ngày 22/10/1957, ông Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách bãi bỏ các tòa án phong tục và cấm dạy tiếng thổ ngữ dân tộc cùng với việc phủ nhận quyền sở hữu đất của người Thượng.
Đầu thập niên 1960, có tin nói rằng người Thượng được Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tuyển dụng và huấn luyện.
Năm 1968, Việt Nam Cộng Hòa được cho là tổ chức di dân với gần 100.000 người từ dãy Trường Sơn vào Cao nguyên Trung phần theo chính sách Khai thác miền sơn cước.
Nhiều nhà viết sử cho biết những cuộc xung đột không chỉ liên quan đến tôn giáo, mà còn do "người Việt miền xuôi định cư lấn chiếm đồn điền nông nghiệp của các bộ lạc bản địa", cũng như "mối liên kết giữa một nhóm Tin Lành tại Hoa Kỳ với một số người Thượng. Nhiều người Thượng đã chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong Chiến tranh Việt Nam, một số người Thượng vẫn tiếp tục kháng cự sau thắng lợi của chính quyền cộng sản vào năm 1975".
Chính quyền liên bang Hoa Kỳ chỉ thừa nhận người Thượng là người tị nạn chính trị từ năm 1986, với khoảng 5.000 người Thượng được tái định cư tại North Carolina kể từ năm 1975. Theo đó, nhiều tổ chức nhân quyền ghi nhận nhiều cựu binh người Thượng tại Tây Nguyên trải qua nhiều năm trong các trại lao động cải tạo hậu chiến tồi tàn, và tiếp tục bị chính phủ Hà Nội bức hại.
Một tài liệu nội bộ của Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đưa những số liệu phân tích như sau khiến bạo loạn luôn là âm ỉ cho ngày nào đó bùng nổ :
"Ở Tây Nguyên, việc đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng đường dây truyền tải điện chỉ đạt từ 50 đến 70% giá trị thực, trong đó bồi thường rừng, hoa màu trên đất mang tính cào bằng khiến cho người dân thiệt thòi, bức xúc. Những chậm trễ, sai phạm trong quá trình giải phóng mặt bằng lại chưa có chế tài để quy trách nhiệm. Vì vậy, quyền lợi của người dân bị thiệt thòi mà tiến độ dự án cũng khó đảm bảo.
Tại Kon Tum, tuyến kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi quốc lộ 24 và tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thành phố Kon Tum là hai dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Kon Tum trong năm 2018.
Hiện cả hai dự án này đều chưa thể khởi công xây dựng do công tác lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều sai phạm. Điển hình là việc cán bộ lập phương án đền bù với "giá trên trời", có biểu hiện trục lợi, móc nối chuyển nhượng đất đai, tác động vào việc không công nhận giá đất đích thực tạo ra điểm nóng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Sự việc nghiêm trọng đến mức tháng 9/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phải chấm dứt hiệu lực quyết định phê duyệt giá đất, dừng phương án bồi thường để thực hiện lại.
Tình trạng du canh, du cư tự do, đốt rừng ở Tây Nguyên rất phức tạp.
Một mặt, phương thức quản lý đất đai của các tộc người thiểu số Tây Nguyên theo sở hữu cộng đồng, là đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Chế độ mẫu hệ cản trở quá trình tham gia bình đẳng của người đàn ông vào các quá trình kinh tế, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật trong vận hành nền kinh tế ở Tây Nguyên.
Mặt khác, việc đổi mới cơ chế quản lý chuyển đổi sang mô hình các công ty nông, lâm nghiệp (từ năm 2003) vẫn mang tính hình thức, chưa tách biệt rõ ràng giữa chức năng kinh tế với chức năng hành chính.
Hiện nay, nhiều nông, lâm trường, công ty từ chối nhận thêm đất hoặc vì không đủ năng lực sản xuất, hoặc vì chưa thể hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Vì vậy, một diện tích không nhỏ đất đai còn để hoang hóa, trong khi nhiều người dân đang thiếu đất sản xuất.
Tình trạng yếu kém về quản lý đất đai ở Tây Nguyên là nguyên nhân chủ yếu làm cho nguy cơ xung đột xã hội tăng lên.
Với quỹ đất có hạn, nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế – xã hội tăng nhanh, việc thiếu một cơ chế quản lý đúng đắn làm cho giá đất thực và giá đất ảo tăng cao. Trong bối cảnh đó, việc đền bù, thu hồi đất ở nhiều nơi không minh bạch, thiếu hợp lý, không công bằng, tình trạng tham nhũng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, giải quyết đền bù… đã tạo ra những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp đất đai gay gắt hơn giữa các nhóm dân cư, hoặc giữa nhân dân và chính quyền.
Từ sau năm 1975 đến nay, những vụ tranh chấp đất đai lớn nhỏ ở Tây Nguyên có thể lên đến hàng ngàn vụ. Khiếu nại về đất đai chiếm đến 95% số đơn khiếu nại…" (dừng trích).
Độ che phủ của rừng ở Tây Nguyên hiện nay chỉ còn dưới 50% ; lượng nước ngầm trong đất trở nên cạn kiệt, lượng nước tưới giảm, suy giảm thảm thực vật, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sản xuất, mà trước hết là các tộc người thiểu số.
Người dân Tây Nguyên bị "nghèo" đi trong nền "kinh tế rừng" truyền thống, trong lúc chưa có sinh kế thay thế hiệu quả, chưa thể và chưa có điều kiện để thích nghi hoặc chuyển sang nền sản xuất hiện đại.
Hiện nay, theo số liệu thì ở Tây Nguyên, đồng bào các tộc người thiểu số còn 326.909 hộ, trong đó có 32.975 hộ thiếu đất ở, 293.934 hộ thiếu đất sản xuất cần được hỗ trợ.
Từ thực trạng và thách thức trên cho thấy việc đảm bảo nhu cầu đất sản xuất, nhất là quyền quản lý sử dụng rừng và đất rừng cho hộ gia đình và không gian văn hóa rừng cho cộng đồng là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Cơ cấu xã hội – tộc người, văn hóa truyền thống và tập quán sản xuất của mỗi cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên đều gắn bó mật thiết với rừng. Việc đảm bảo "không gian sinh tồn", không gian văn hóa gắn với rừng và đất rừng cho cộng đồng để bà con không "thiếu đất" sản xuất là điều kiện tiên quyết cho quản lý xung đột xã hội và sự phát triển bền vững Tây Nguyên.
Nhà nước với tư cách là người đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai ở Tây Nguyên là một chủ thể phức hợp bao gồm các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến cấp xã. Các chủ thể này, cho đến nay vẫn chưa được quy định rõ quy mô, hình thức, tính chất sử dụng đất đai nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng.
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 12/06/2023
************************
Việt Nam bắt 16 nghi can trong vụ nổ súng tại đồn công an
Reuters, VOA, 11/06/2023
Việt Nam đã bắt giữ 16 nghi can trong vụ nổ súng tại đồn công an khiến một số cảnh sát và dân thường thiệt mạng hoặc bị thương, Bộ Công an cho biết hôm Chủ Nhật.
Một số nghi phạm trong băng nhóm nổ súng tấn công trụ sở Công an xã vừa bị bắt giữ. (Ảnh : Phan Tư Nam/Facebook)
Một nhóm người đã nổ súng tại đồn công an ở Ea Tiêu và Ea Ktur tại tỉnh Đắk Lắk vào sáng sớm Chủ nhật, Bộ Công an cho biết trong một thông cáo, nhưng không nói rõ chính xác con số thương vong.
Bộ cho biết rằng những người thiệt mạng bao gồm 4 công an trong độ tuổi từ 30 đến 35, đồng thời cho biết thêm rằng những người thương vong khác bao gồm các quan chức chính quyền địa phương và dân thường.
Theo thông cáo, công an cũng đã giải cứu được hai con tin trong vụ này, đồng thời cho biết thêm rằng một con tin khác đã tự trốn thoát được.
Bộ không cung cấp thông tin chi tiết về các nghi phạm và cho biết rằng công an đang tìm kiếm các nghi can khác.
Thông cáo trên trang web của chính phủ đã chia sẻ hình ảnh của một số nghi phạm bị còng tay cũng như hình ảnh súng trường và dao của các nghi can này.
Truyền thông nhà nước đưa tin trước đó hôm Chủ nhật rằng năm trong số những người bị bắt đến từ tỉnh Đắk Lắk và người còn lại đến từ tỉnh Gia Lai lân cận, cả hai đều ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Hiện chưa rõ liệu các nghi phạm có thuộc một nhóm chính trị nào hay không.
Vào năm 2020, một tòa án Việt Nam đã kết án 20 người với mức án từ 2 đến 24 năm tù về tội khủng bố, sau khi kết luận họ có tội liên quan đến vụ đánh bom đồn công an.
Nguồn : VOA, 11/06/2023
"Ngọn lửa Tây nguyên" – Cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt ? Đây là vấn đề đau đầu đối với cả Bộ Công an lẫn Chính quyền. Hành động của các lực lượng an ninh trong những ngày qua cho thấy, chính quyền có thể áp dụng lại "mô thức Đồng Tâm", tức là sẽ truy bức và đàn áp đến cùng.
Công an Việt Nam bắt giữ 27 người sau vụ tấn công giết nhân viên chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6.
Chiều 12/6, theo báo Công an Nhân dân, Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an cho biết, tính đến 18h30 cùng ngày, Công an đã bắt thêm 1 đối tượng trong vụ tấn công vào UBND xã tại huyện Cư Kuin, Đak Lak, nâng tổng số người bị bắt lên 27. Một ngày sau khi xảy ra vụ việc, sáng 12/6, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã thăm, viếng và động viên tinh thần gia đình các nạn nhân. Tại các nơi thăm, viếng,Phó Thủ tướng đã động viên các nạn nhân và gia đình, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ về đời sống tinh thần đối với gia đình các nạn nhân.
Tấn công một lúc hai đồn công an
Trở lại với tin từ VnExpress, khoảng 0 giờ 35 phút ngày 11/6, tại địa bàn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin có một nhóm khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy kéo đến trụ sở Ủy ban và Công an xã Ea Tiêu. Sau khi triệt hạ hai công an, nhóm này ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, chặn ôtô bán tải và bắn chết tài xế. Cùng lúc, một nhóm khác gồm 30 người đi hai xe Jeep và xe máy, tấn công trụ sở UBND và Công an xã Ea Ktur. Nhóm này dùng súng và dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại úy 35 tuổi và hai thượng úy 21 – 29 tuổi. Gây án xong, nhóm này bắn Bí thư, Chủ tịch xã và một thanh niên. Tuy nhiên,bản tin này của VnExpress đã bị gỡ bỏ khỏi trang sau vài phút đăng tải. Báo chí sau đó đăng lại về vụ việc, nhưng không công bố cụ thể số thương vong, chỉ nói "làm chết và bị thương một số cán bộ xã, công an xã và người dân".
Sau vụ bạo động, ông Phan Minh Tiến từ huyện Cư Kuin nói với BBC : "Người dân ở đây có nhiều luồng suy nghĩ. Những người nông cạn sẽ phán ngay nhóm tấn công là quân phản loạn, là Fulro, khủng bố, thậm chí là tàn tích của nhà nước Đề Ga... Còn người có hiểu biết thì rất dè chừng, không dám nói thẳng. Họ hiểu là có rất nhiều những xung đột có thể dẫn đến kết cục như vầy… Chẳng hạn như những cuộc cưỡng chế đất đai bằng dùi cui, roi điện. Hay những cuộc đàn áp người dân tộc biểu tình cho nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt của họ bị xả thải ô nhiễm. Tuy nhiên, hầu như tất cả đều đồng tình rằng dùng vũ lực như vầy, nhất là làm thiệt mạng cả dân thường là sai trái". Tuy Bộ Công an chưa đưa ra thông báo chính thức về nguyên do vụ việc,các trang Facebook thân chính phủ đều chĩa mũi dùi về nhà nước Đề Ga hay Fulro.
Sáng ngày 11/6, ngoài VnExpress, trang báo Công thương cũng đăng tin về vụ việc nhưng sau đó gỡ bài. Vài tiếng đồng hồ sau, các báo đồng loạt đăng tin giống nhau, đều đưa lại tin từ Bộ Công an. Bài trên VnExpress mô tả các đối tượng gây án cùng thông tin "bước đầu ghi nhận có 7 người tử vong, 3 người bị thương" cũng nhanh chóng bị đục bỏ. BBC nhận được tin, Ban Tuyên giáo ra chỉ đạo : báo chí phải "chấp hành tuyệt đối kỷ luật thông tin, chỉ đăng theo tin của Bộ Công an ; không mở rộng thông tin, kiểm soát chặt chẽ bình luận". Một nhà báo giấu tên từ Việt Nam nói với đài, trong tình hình có những vụ việc chấn động như thế, báo chí thay vì đóng vai trò phục vụ bạn đọc bằng cách tường thuật nhiều chiều,thì phải chịu cảnh làm cái loa phát ngôn của chính quyền.
Một nick name có tên Minh Đức bình luận trên VOA : "Người Thượng vùng Tây Nguyên sau 1975 đã bị mất đất vì chính quyền đem hàng triệu dân từ miền Bắc vào Tây Nguyên lấy đất làm đồn điền, đẩy người Thượng phải đi vào vùng rừng núi sâu, xa nguồn nước, đất đai cằn cỗi. Để chống lại người Thượng, nhiều người từ miền Bắc vào là cựu bộ đội và họ được chính quyềnphát súng để bảo vệ cho gia đình họ. Điều kiện sinh sống khó khăn khiến cho dân số người Thượng ngày càng giảm dần. Năm 1996, ở Kon Tum có lần có hơn sáu ngàn người Thượng mang cung nỏ, giáo mác kéo về chiếm tỉnh lỵ. Nhà nước đem quân đội đến đàn áp và vùng này bị vây cấm người Kinh đi lên đấy mấy năm sau. Chỉ có ai có giấp phép đặc biệt mới được đi vào vùng ấy. Người Thượng yếu không chống lại được sự bành trướng cướp đất của người Kinh nhưng nỗi oán hận thì không bao giờ nguôi".
Họa phúc phải đâu một buổi
Nhóm người nói trên hành động có tổ chức hay đơn lẻ, hành động xong họ rút đi đâu, có bắt theo con tin nào mang đi theo là những vấn đề chưa thể biết. Tuy nhiên xung đột sắc tộc, đất đai và đàn áp của chính quyền đối với người bản địa ở Tây Nguyên không phải là vấn đề mới xảy ra gần đây. Nhiều vụ bắt giữ những thầy truyền đạo Tin lành, các nhà hoạt động tôn giáo ôn hòa diễn ra trong thời gian qua, với các điều luật như 117 "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Một số cuộc biểu tình liên quan đến việc phản đối các dự án xả thải gây ô nhiễm môi trường ở địa phương, hay cưỡng chế đất đai đều kết thúc bằng việc đưa Cảnh sát cơ động vào và bắt giữ những người bị cho là đứng đầu có liên quan. Hàng trăm người Thượng Tây Nguyên phải bỏ nước ra đi vì các lý do bị đàn áp tôn giáo và đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan, chờ để được định cư một nước thứ ba.Tuy nhiên, việc dùng súng tấn công vũ trang hai trụ sở ủy ban xã là một sự việc hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, nơi súng đạn đượ c kiểm soát chặt chẽ, người dân không được sử dụng súng.
Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục hộ dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Công tác giải phóng mặt bằng đó một phần là để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, một phần là để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo quốc lộ 27. Chính báo chí trong nước cho haynhiều người bị "thiệt đơn thiệt kép" trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.
"Ngọn lửa Tây nguyên" – Cháy tiếp hay sẽ bị dập tắt ? Đây là vấn đề đau đầu đối với cả Bộ Công an lẫn Chính quyền. Hành động của các lực lượng an ninh trong những ngày qua cho thấy, chính quyền có thể áp dụng lại "mô thức Đồng Tâm", tức là sẽ truy bức và đàn áp đến cùng. Nhưng diễn tiến lịch sử từ năm 1975 đến nay cho thấy, đàn áp và bạo lực, kể từ cả người dân lẫn chính quyền, đều không đi đến kết quả mong muốn. Một nick name khác bình luận cũng trên VOA : "Đọc báo trong nước thì thấy người ta lên án những người này là những kẻ tội phạm nguy hiểm, ngược lại trên VOA thì lại khác.Đúng là nhờ tự do ngôn luận mới có nhiều luồng tư tưởng, ở trong nước có ai dám nói trái chiều với Công an đâu, cho dù người ấy biết nguyên nhân sâu xa có thể là do bị cướp đất, hoặc bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay dân tộc thiểu số…".
Nguyên Ngọc là "già làng" trong làng văn và làng báotừng đề cập đến lời cảnh tỉnh sớm của một nhóm nghiên cứu tình hình Tây Nguyên : "Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì vấn đề dân tộc sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ... một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường".Đây thật sự là một lời cảnh báo đầy trách nhiệm, trung thực, dũng cảm và đã được chứng tỏ là tuyệt đối chính xác. Rất tiếc là nó đã hoàn toàn bị bỏ ngoài tai, thậm chí cả sau khi những điều cảnh báo đã thành hiện thực !
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 13/06/2023
Đọc thêm :
Bài mở đầu. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung
Bài 1. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung
Bài 2. Những phong trào phản kháng
Bài 3. Sự hội nhập khó khăn
Bài 4. Vẫn trên đường tìm chỗ đứng
Bài 5. Những nguyên nhân nổi dậy
Bài 6. Nhìn lại vấn đề người Thượng