Lãnh đạo Ukraine nhận được sự ủng hộ của tổng thống và phó tổng thống Mỹ trước khi gặp ông Trump
Thanh Phương, RFI, 27/09/2024
Tại Washington hôm qua, 26/07/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhận được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ Joe Biden và của phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ. Hôm nay, ông Zelensky gặp ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump tại New York.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, ngày 26/09/2024. AP - Susan Walsh
Ông Zelensky đã đến Washington để trình bày với chính quyền Biden "kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine. Theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, được tờ Le Monde trích dẫn, tổng thống Ukraine chỉ trình bày với tổng thống Biden, "những nét tổng quát của kế hoạch giành chiến thắng". Chữ "tổng quát" có vẻ như cho thấy Nhà Trắng không mấy thỏa mãn với kế hoạch đó.
Theo hãng tin AFP, từ Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, tổng thống Biden tuyên bố: "Nga sẽ không chiến thắng được". Trước đó, ông Biden đã thông báo gia tăng hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, bao gồm khoản viện trợ quân sự mới trị giá 8 tỷ đô la. Về phần phó tổng thống Harris, bà tuyên bố khi tiếp riêng tổng thống Zelensky: " Sự ủng hộ của tôi đối với nhân dân Ukraine là không gì có thể lay chuyển".
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:
"Tại Nhà Trắng, tổng thống Joe Biden tiếp các vị khách trong Phòng Bầu Dục, nhưng đối với Volodymyr Zelensky, chính bà Kamala Harris ra tuyên bố chính thức với báo chí, để bảo đảm tổng thống Ukraine về sự ủng hộ của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh là đối thủ Cộng Hòa có quan điểm hoàn toàn khác:
"Một số người trong nước tôi muốn ép buộc Ukraine từ bỏ phần lớn lãnh thổ của mình, đòi Ukraine phải chấp nhận nguyên tắc trung lập và yêu cầu nước này cắt đứt các quan hệ về an ninh với các nước khác. Những đề nghị đó cũng chính là đề nghị của Putin".
Đến đây để trình bày "kế hoạch giành thắng lợi" Volodymyr Zelensky có vẻ hài lòng về sự ủng hộ nhằm chống lại điều mà ông gọi là "cái ác Nga":
"Chúng ta phải duy trì áp lực với nước Nga để chấm dứt cuộc chiến, kiến tạo một nền hòa bình thật sự, lâu dài và công bằng. Đó là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi và đối với mọi quốc gia yêu chuộng tự do, để đạt được một nền hòa bình thật sự cho chúng tôi, chứ không phải duy trì nguyên trạng".
Thế nhưng vì biết rằng tình hình chính trị nước Mỹ không có gì là chắc chắn trong giai đoạn tranh cử này, tổng thống Zelensky cũng sẽ gặp ứng cử viên tổng thống Donald Trump tại nhà ông ở New York hôm nay. Cựu tổng thống Mỹ vẫn có tham vọng đạt được một thỏa thuận giữa Volodymyr Zelensky và Vladimir Putin."
Cuộc gặp giữa tổng thống Zelensky với ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump rất tế nhị, bởi lẽ cựu tổng thống Hoa Kỳ đã liên tục chỉ trích viện trợ hào phóng của Mỹ cho Ukraine. Ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố là nếu tái đắc cử tổng thống, ông sẽ giải quyết cuộc chiến Ukraine " trong vòng 24 tiếng đồng hồ", nhưng không nói rõ là bằng cách nào.
Thanh Phương
**************************
Tổng thống Ukraine đến Nhà Trắng trình bày "kế hoạch chiến thắng" với chính quyền Biden
Thanh Hà, RFI, 26/09/2024
Sau phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm nay 26/09/2024, tổng thống Ukraine đến Nhà Trắng để trình bày với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden "kế hoạch chiến thắng". Volodymyr Zelensky sẽ gặp riêng ứng viên tổng thống Hoa Kỳ của đảng Dân Chủ Kamala Harris trong bối cảnh viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine là một chủ đề gây tranh cãi trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Ứng cử viên của đảng Cộng Hòa Donald Trump không dự trù gặp lãnh đạo Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 25/09/2024. AFP – Timothy A. Clary
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :
"Thông thường các vấn đề đối ngoại không phải là một ưu tiên trong các chương trình vận động tranh cử ở Mỹ. Hơn nữa, kinh tế và chính sách nhập cư là hai trong số các hồ sơ mà cử tri quan tâm nhất.
Thế nhưng, Ukraine cũng được quan tâm, bởi Hoa Kỳ tài trợ rất nhiều để giúp quốc gia này chống Nga. Ukraine thu hút sự chú ý cũng là do các ứng cử viên đã đề cập đến chủ đề này trong cuộc tranh luận tay đôi. Đối với ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris, Mỹ nên tiếp tục yểm trợ Ukraine. Bà chỉ trích đối thủ Donald Trump từ chối chấp nhận điều đó. Trái lại, ứng cử viên Cộng Hòa từng khẳng định ông có thể giải quyết vấn đề Ukraine trong 24 giờ đồng hồ, đồng thời chỉ trích Volodymyr Zelensky không chịu đàm phán với Vladimir Putin. Donald Trump thậm chí còn tuyên bố để mặc cho Nga muốn làm gì thì làm đối với các nước thành viên NATO không chịu đầu tư vào quốc phòng để tự vệ.
Đáp lại lập luận này của ông Trump, bà Harris thách thức đối thủ hãy giải thích lập trường của ông với 800.000 công dân Mỹ gốc Ba Lan đang sống ở bang Pennsylvania. Tại bang mà cả hai ứng cử viên đều đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng, đại diện của cộng đồng người Ba Lan đã chính thức thông báo ủng hộ đảng Dân Chủ. Các cuộc thăm dò ở cấp địa phương cũng đang chứng mình điều đó. Nhưng ở cấp quốc gia thì về các hồ sơ quốc tế, đa số người Mỹ có vẻ vẫn tin tưởng vào cựu tổng thống Trump hơn".
Theo lịch làm việc của tổng thống Ukraine hôm nay tại thủ đô Washington, ngoài hai buổi làm việc với tổng thống Mỹ Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris, ông Zelensky sẽ thảo luận với nhiều lãnh đạo cao cấp ở Quốc Hội lưỡng viện, nhưng dường như sẽ không gặp chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson.
Hôm qua, ngoại trưởng Antony Blinken thông báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 375 triệu đô la, bao gồm nhiều loại vũ khí tối tân như hệ thống pháo phản lực HIMARS, các loại tên lửa Javelin và tên lửa chống tăng.
Ukraine báo động Nga có kế hoạch gây thảm họa hạt nhân
Hôm qua, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo Nga có kế hoạch tấn công các nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine để gây nên một "thảm họa hạt nhân". Vào lúc cộng đồng quốc tế bị xung đột ở Trung Cận Đông chi phối, ông Zelensky tiếp tục vận động quốc tế yểm trợ Ukraine đang bị Nga xâm lược. Ông cho biết trong hai năm rưỡi chiến tranh, "80% hệ thống điện lực của Ukraine bị Nga phá hủy" và "quân Nga nhắm vào các nhà máy nhiệt và thủy điện của Ukraine hàng ngày". Liên quan đến các cơ sở hạt nhân của Ukraine, ông Zelensky tuyên bố "chỉ cần một sự cố nghiêm trọng" là cũng đủ để dẫn đến một "thảm họa hạt nhân", "Moskva cần hiểu rằng cộng đồng quốc tế quyết tâm" để kịch bản đó "không bao giờ xảy ra".
Thanh Hà
*****************************
Thuyết phục Mỹ về "kế hoạch giành thắng lợi", nhiệm vụ khó hoàn thành của tổng thống Ukraine
Thanh Hà, RFI, 26/09/2024
Ukraine là một đề tài gây bất đồng sâu rộng giữa hai ứng cử viên tổng thống Dân Chủ Kamala Harris và Cộng Hòa Donald Trump. Sự mệt mỏi của một phần công luận Hoa Kỳ khiến Washington là chặng quan trọng nhất trong chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Volodymyr Zelensky. Làm thế nào để Kiev thuyết phục được đồng minh quân sự quan trọng nhất của mình về một kế hoạch giúp Ukraine "giành thắng lợi" sau hơn 2 năm rưỡi bị Nga xâm lược ?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo tại Kiev, Ukraine, ngày 20/09/2024. AP - Christoph Soeder
Trong ngày hôm nay, 26/09/2024, tổng thống Zelensky chỉ có vài giờ để thuyết phục tổng thống Joe Biden và Quốc Hội lưỡng viện Mỹ hậu thuẫn kế hoạch giúp Ukraine giành chiến thắng, chấm dứt cuộc xâm lược của Nga. Kế hoạch mà Volodymyr Zelensky mang đến Washington gồm 3 điểm chính : Kiev muốn được Hoa Kỳ tăng viện trợ quân sự để có thể đàm phán với Nga trong thế mạnh, muốn được cường quốc quân sự và kinh tế số một thế giới bảo đảm sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong giai doạn tái thiết đất nước một khi im tiếng súng. Để không bị láng giềng quá lớn đe dọa trong tương lai, Ukraine cần có tiếng nói của Washington để "chính thức mời" Ukraine gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trên cả ba mục tiêu này, tổng thống Zelensky ít có khả năng được toại nguyện. Từ khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang Ukraine, Hoa Kỳ đã cấp trên dưới 175 tỷ đô la cho Kiev dưới hình thức viện trợ quân sự và kinh tế. Ukraine là một trong những đề tài gây chia rẽ sâu rộng cử tri Mỹ, chưa đầy 50 ngày trước khi bầu chọn người thay thế ông Joe Biden. Ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris, đương kim phó tổng thống Hoa Kỳ, tất nhiên ủng hộ quan điểm là Mỹ có trách nhiệm "kề vai sát cánh" với một quốc gia có chủ quyền bị xâm lược, và giúp Ukraine cũng chính là nhằm bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Nhưng lập trường này khó thuyết phục ngay cả hàng ngũ cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ.
Đối với đối thủ Cộng Hòa Donald Trump, Ukraine là một cái "thùng không đáy", chi bao nhiêu tiền cũng không đủ. Cựu tổng thống Trump không ngớt lời chỉ trích chính quyền Biden lấy tiền của dân Mỹ đi giúp Ukraine, một quốc gia "xa xôi", còn Volodymyr Zelensky trong mắt ông Trump thì không hơn không kém là một "nhà đại diện thương mại khá tài giỏi, cứ mỗi lần sang Mỹ là lại thu được 60 tỷ đô la", tiền của dân Mỹ. Cũng Trump từng tuyên bố chỉ cần 24 giờ ở Nhà Trắng là giải quyết xong hồ sơ Ukraine. Ông trách tổng thống Zelensky đã bỏ lỡ cơ hội đàm phán với Putin để vãn hồi hòa bình.
Trước ngày Zelensky đến Mỹ, có tin là ông sẽ gặp riêng cả hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng được biết là ông Trump dường như đã hủy kế hoạch tiếp tổng thống Ukraine. Điều nguy hiểm hơn nữa đối với Kiev, đối với "kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine, theo giới quan sát là lập trường của ông Trump có sức thuyết phục cao đối với cử tri Mỹ và bản thân cựu tổng thống Hoa Kỳ cũng là một "con buôn" có đầu óc thực dụng, ông cũng biết kiếm phiếu của cử tri Hoa Kỳ bằng cách khai thác tâm lý mệt mỏi của dân Mỹ phải cưu mang Ukraine.
Từ khi Ukraine bị Nga xâm lược, chưa bao giờ quan hệ cá nhân giữa tổng thống Zelensky với chủ nhân Nhà Trắng lại căng thẳng như hiện nay : Vài tháng trước khi hết nhiệm kỳ, ông Biden đương nhiên không muốn mang tiếng bỏ rơi Ukraine như đã từng bỏ rơi Afghanistan, nhưng tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng muốn tránh đẩy Washington vào thế đối đầu trực tiếp với Moskva. Do vậy, trước mắt Joe Biden dứt khoát từ chối cho phép Kiev sử dụng vũ khí "tầm xa" do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga, dù chỉ là những mục tiêu quân sự. Hơn nữa, vào lúc mà Hoa Kỳ và Lầu Năm Góc còn cân nhắc được thua, tổng thống Nga hôm 25/09/2024 đã "đánh phủ đầu" bằng đòn hù dọa. Tổng thống Vladimir Putin "trịnh trọng" thông báo trên truyền hình là ông đang "xem xét lại chiến lược hạt nhân". Theo học thuyết hạt nhân mới, Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ kể cả trong trường hợp "một cường quốc nguyên tử yểm trợ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân" đe dọa đến an ninh của nước Nga. Đây không hơn không kém là một lời nhắn nhủ mà Vladimir Putin trực tiếp gửi đến Joe Biden trước khi tổng thống Mỹ tiếp đồng cấp Ukraine.
Cuối cùng, có một thực tế mà tổng thống Volodymyr Zelensky không thể chối cãi, đó là bất luận chính quyền Mỹ sau bầu cử tháng 11/2024 thuộc về ai, thì đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều không muốn gây thêm thù oán với Liên bang Nga. Các đời chủ nhân Nhà Trắng đều có đầu óc thực dụng và lịch sử đã cho thấy Washington có thể dễ phủi tay ngay cả với các đồng minh một khi đấy không phải là lợi ích của Hoa Kỳ.
Điểm tương đồng duy nhất tổng thống Volodymyr Zelensky có thể dễ nhận thấy trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này đó là cả ông và Nhà Trắng đều muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine. Nhưng chấm dứt cuộc xung đột đó như thế nào và hệ quả ra sao, chắc chắn đấy không phải là những ưu tiên của Washington ở thời điểm này.
Thanh Hà
Câu hỏi trên đây liên quan đến bài diễn thuyết đẫm lệ nhưng hào hùng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước lưỡng Viện Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 21/12/2022 trong một chuyến thăm chóng vánh trên đất Mỹ. Câu trả lời ở đây là : "Đáng tiếc, không hề !" Bởi vì, theo cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, dường như sự phức tạp hiện nay là do Mỹ và phương Tây xúi bẩy Ukraine mà ra (!?) (Chú ý từ phút thứ 7:37)
Tổng thống Zelensky trao lá cờ từ chiến trường Ukraine cho Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ hôm 21/12/2022 - AFP
Tốc độ di chuyển như James Bond…
Truyền thông quốc tế thì trầm trồ thán phục : "Chỉ trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã gắn thêm được một hoặc hai lon vào bộ trang phục kaki đầy tính biểu tượng của một chiến binh cực kỳ dũng cảm". Trước đó, vào buổi sáng thứ Ba (ngày 20/12), Zelensky vừa thực hiện một việc ít ai dám làm là đến tận Bakhmut (mặt trận Donbass), trao huy chương cho những người lính có công, bất chấp tiếng đại bác vang rền cách đó không xa. Rồi tựa như trong nháy mắt, hôm sau, sáng thứ Tư ngày 21/12, ông đã từ toa xe lửa bước xuống sân ga Przemysl của Ba Lan, cách Bakhmut hơn 1.300 km về phía Tây. Truyền thông mô tả : "Lần đầu tiên sau mười tháng xung đột với Nga, Zelensky mới rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Cùng với Đại sứ Mỹ tại Kiev Bridget Brink, họ đến sân bay Rzeszow, nơi chiếc Boeing C–40B của Không lực Hoa Kỳ đã đợi sẵn. Trên chiếc phi cơ thuộc loại loại cực kỳ an toàn và được trang bị đầy đủ các phương tiện liên lạc, Zelensky đã bay đến căn cứ Không quân Andrews (bang Maryland, Hoa Kỳ) và xuất hiện sau đó tại Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, trong một chuyến thăm chóng vánh mang tính biểu tượng cao".
Báo chí Hoa Kỳ và Châu Âu trích dẫn bình luận của Ivan Yakovina, một chuyên gia về nền chính trị Mỹ, trên sóng của Đài Radio NV. Theo đó, sự kiện Tổng thống Zelensky đi từ Bakhmut đến Washington trong vỏn vẹn một ngày gợi lại tốc độ di chuyển của điệp viên James Bond trên hành tinh. Theo nhà báo này : "Người Mỹ đã chờ đợi Zelensky và họ sẽ không để một vị khách như thế ra về tay không trong dịp Giáng Sinh". Truyền thông ghi nhận trên thực tế, đúng vào thời điểm Tổng thống Ukraine chuẩn bị đặt chân lên đất Mỹ, ngay sau buổi trưa, Ngoại trưởng Antony Blinken đã ra một thông cáo báo chí xác nhận khoản viện trợ quân sự mới 1,85 tỷ USD, trong đó, lần đầu tiên, có hệ thống tên lửa Patriot, một trong những vũ khí phòng không tinh vi và mạnh mẽ nhất thế giới. Tờ Libération (Pháp) trích lời nhà sử học quân sự Michel Goya giải thích rằng : "Hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa và máy bay trong bán kính 160 km. Việc cung cấp này, cả về chiến lược lẫn biểu tượng, diễn ra khi Nga gia tăng các chiến dịch tấn công vào các thành phố của Ukraine trong những tuần gần đây". Quyết định này là một đòn "cười vào mũi" Putin, khiến cho phát ngôn viên của Tổng thống Nga hôm 23/12 phải lên tiếng đe dọa rằng, hành động đó của Mỹ chắc chắn dẫn đến một cuộc xung đột trầm trọng hơn.
Tổng thống Ukraine và tổng thống Hoa Kỳ tại phòng bầu dục, Nhà Trắng hôm 21/12/2022. Ảnh AFP
Bài diễn văn đẫm lệ nhưng hào hùng
Chuyến thăm của Tổng thống Zelensky gây bất ngờ lớn, vì chỉ được tiết lộ vài giờ trước khi đến Mỹ, nhưng quá trình chuẩn bị đã được tiến hành cách đấy 10 ngày. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Zelensky đã chủ động nói thẳng bằng tiếng Anh mà không cần qua thông dịch, nhằm trực tiếp truyền tải các thông điệp đến cử tri Mỹ. Ông gửi đến các Nghị sĩ Mỹ lá cờ Ukraine có chữ ký của các binh sĩ từ thành phố tiền tuyến Bakhmut. Tại Nhà Trắng, ông gửi tới Tổng thống Biden huân chương từ một quân nhân Ukraine và tuyên bố : Kiev đang đấu tranh vì những giá trị "dân chủ và tự do" theo đúng tinh thần của phương Tây. Bài phát biểu của ông trước hai Viện Quốc hội Mỹ được mô tả là đẫm lệ nhưng hào hùng, như một khoảnh khắc lịch sử gây tiếng vang lớn ở quê nhà, thắp lên nhiều niềm hy vọng và tự hào của người dân Ukraine. "Chuyến thăm cũng như bài diễn thuyết sẽ đi vào lịch sử là cơ hội hiếm có mà ông Zelensky đã tận dụng để cảm ơn nhân dân Mỹ, vì những hỗ trợ liên tục trong những tháng qua, đồng thời tiếp tục kêu gọi phương Tây duy trì dòng chảy vũ khí và viện trợ tới Ukraine". Thật bất ngờ, vì sự mô tả trung thực và khá xúc động này lại có thể tìm thấy trên các đường link của Chuyến thăm của Tổng thống Zelensky từ "Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông quốc tế" (CPI) của Cục Thông tin Đối ngoại thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nhà nước Việt Nam.
Không bất ngờ lớn sao được, sau bốn năm lần bỏ phiếu ở Liên hợp quốc hoàn toàn bất lợi cho cuộc chiến đấu của quân và dân Ukraine, lần này Đcộng sản Việt Nam bật đèn xanh cho cả cả hàng chục trang mạng chính thống ở Việt Nam được đưa tin tuy không bình luận về chuyến thăm Washington chớp nhoáng của Zelensky. Chuyến thăm vừa qua của Tổng thống đã mang lại những kết quả cụ thể cho Kiev, tuy vẫn còn những câu hỏi chưa thể giải đáp về tương lai chiến sự. Chuyến thăm được công bố vào giờ chót ấy đã thành công. Ông trở về nước và nhận được những cam kết về quân sự và tài chính từ Mỹ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với nhà nước Nga khủng bố. Tuy nhiên, sau chuyến công du, vẫn còn đó những câu hỏi bỏ ngỏ như : Liệu nước Mỹ sẽ còn tiếp tục hỗ trợ thêm gì và hỗ trợ như thế nào cho Ukraine trong giai đoạn tới ; sự ủng hộ từ lưỡng đảng Quốc hội Hoa Kỳ có thể duy trì trong bao lâu và quan trọng nhất là cuộc chiến rồi sẽ kết thúc ra sao ? Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị bỏ phiếu về dự luật viện trợ 45 tỷ USD cho Ukraine. Trước đó, Mỹ đã cam kết chuyển cho Kiev 50 tỷ USD. Một quan chức đảng Cộng hòa nói với truyền thông quốc tế rằng, gói 45 tỷ USD có khả năng cao sẽ được thông qua. Mặc dầu hơn chục trang mạng "lề đảng" của Việt Nam đồng loạt đưa tin về chuyến thăm, nhưng điều đó không có nghĩa là, bài diễn thuyết của Zelensky đã lay động tâm can và lập trường của Hà Nội đối với cuộc chiến thay đổi.
Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 21/12/2022. Ảnh AFP
Đánh đồng kẻ xâm lược với nạn nhân ?
Bài phát biểu kéo dài hơn 40 phút của Tổng thống Zelensky đã thực sự gây phấn chấn, xúc động đối với các Nghị sỹ Mỹ, kể cả những Nghị sỹ Cộng hòa còn có một vài lăn tăn trong việc hỗ trờ lâu dài sự nghiệp thiêng liêng của những người con Ukraine yêu nước. Cả hội trường hơn 10 lần đứng dậy vỗ tay không ngớt. https://baotiengdan.com/2022/12/22/dan-ukraine-that-tu-hao-ve-tong-thong-cua-minh/. Bài diễn văn được giới quan sát đánh giá cao, nhất là khi Tổng thống Zelensky sòng phẳng : Viện trợ cho Kiev là sự đầu tư vào nền dân chủ chứ không phải là hoạt động từ thiện, đồng thời viện dẫn vai trò của Mỹ trong Thế chiến thứ hai nhằm kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn nữa. Đúng là dân Ukraine hy sinh vì cả những quyền lợi của thế giới tự do. "Tiền bạc của các bạn không phải là các khoản từ thiện. Đó là khoản đầu tư cho an ninh và dân chủ toàn cầu mà chúng tôi đang xử lý theo cách có trách nhiệm nhất", ông Zelensky nhắc lại. Trong khẳng định của Tổng thống Zelensky có điều gì đó giống cái khẩu khí của Tổng bí thư Đcộng sản Việt Nam ngày nào khi có lần Lê Duẩn không úp mở : "Ta đánh là đánh cho cà Liên Xô và Trung Quốc !" Nếu ngày ấy có vị tướng nào nói Trung Quốc và Liên Xô "xúi bầy" Việt nam tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước, liệu Hà Nội sẽ nghĩ như thế nào ?
Giới phân tích quốc tế vừa qua có đặt vấn đề : Tại sao năm nay Việt Nam kỷ niệm ngày "Toàn quốc Kháng chiến 19/12" thiếu khí thế "trống dong cờ mở" như mọi năm. Phải chăng việc Việt Nam không thể ủng hộ cuộc kháng chiến của quân và dân Ukraine vì sự nghiệp độc lập dân tộc như Việt Nam trước đây, đang đặt Việt Nam vào thể "trở đi mắc núi trở lại mắc sông". Ngay từ khi Putin tập trung 20 vạn quân đóng dọc biên giới phía đông Ukraine dưới chiêu bài tập trận, nhiều người Việt mẫn cảm với thời cuộc đã sớm có sự so sánh tình cảnh Ukraine với Việt Nam hiện tại. Nếu cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nhìn về cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine và nghĩ đến sức ép, thậm chí nhiều khi là sự bắt nạt của Trung Quốc đối với Việt Nam, thì chắc cựu Thứ trưởng không thể đánh đồng hành động xâm lược của Nga với những nạn nhân là phụ nữ và trẻ em ở Ukraine. Lại càng không thể lạnh lùng đưa ra nhận xét, tất cả sự phức tạp hiện nay ở Châu Âu là do Mỹ và phương Tây xúi bẩy Ukraine mà sinh ra (!?). Có đúng là Mỹ và phương Tây đang "trục lợi" trong cuộc chiến hiện nay như tướng Vịnh khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn này ?
Nghe từ phút thứ 7:37). Hay cuộc đấu tranh của quân và dân Ukraine đang góp phần xác định thế giới mà con cháu chúng ta sẽ sống và kể cả những thế hệ sau đó ? "Thế giới quá liên kết và tùy thuộc lẫn nhau đến mức không cho phép ai đó đứng sang một bên mà vẫn cảm thấy an toàn khi trận chiến như vậy tiếp diễn" – Đó là niềm tin của Zelensky khi phát biểu trước lưỡng Viện Quốc hội Mỹ.
Bích Nhung
Nguồn : RFA, 24/12/2022
Tham khảo :
1. https://www.youtube.com/watch?v=dXf76sWGNbU
2. https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221222-t%E1%BB%AB-bakhmut-%C4%91%E1%BA%BFn-washington-hai-chuy%E1%BA%BFn-th%C4%83m-gi%C3%BAp-zelensky-n%C3%A2ng-cao-uy-t%C3%ADn
3. https://vnexpress.net/10-ngay-my-chuan-bi-cho-chuyen-tham-cua-ong-zelensky-4551429.html 23/12
5. https://vietbao.vn/nhung-cau-hoi-sau-chuyen-tham-my-cua-tong-thong-zelensky-402809.html
6. https://baotiengdan.com/2022/12/22/dan-ukraine-that-tu-hao-ve-tong-thong-cua-minh/
7. https://kinhtedothi.vn/tong-thong-ukraine-phat-bieu-tu-my-vien-tro-khong-phai-la-tu-thien.html
8. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/there-is-another-lose-05142020231559.html
9. https://www.youtube.com/watch?v=dXf76sWGNbU
10. https://thanhnien.vn/tong-thong-ukraine-vua-phat-bieu-gi-tai-quoc-hoi-my-post1534447.html
Tổng thống Zelensky đến Mỹ : Chuyến đi mang tính biểu tượng
Thời sự quốc tế nổi bật được các báo Pháp chú ý nhiều là sự kiện tổng thống Volodymyr Zelensky tới thăm Washington hôm 21/12. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Ukraine từ khi đất nước bị Nga xâm lược cách đây 10 tháng. Một chuyến công du mang tính biểu tượng cao.
Tổng thống Zelensky tặng Quốc hội Mỹ lá cờ Ukraine ông mang từ Bakhmut đến Washington. Ảnh ngày 21/12/2022. AFP – Jim Watson
Mục đích của chuyến đi đã được nhật báo Le Monde tóm tắt bằng tựa lớn trang nhất : "Hoa Kỳ và Ukraine tăng cường quan hệ liên minh", trên bức ảnh cho thấy tổng thống Zelensky đang phát biểu trước Quốc hội Mỹ, phía sau bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và phó tổng thống Kamala Harris cầm lá cờ Ukraine ký tên các binh sĩ chiến đấu tại Bakhmut mà tổng thống mang từ mặt trận sang tặng Hạ Viện Mỹ.
Tờ báo ghi nhận trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi chiến tranh nổ ray, "Zelensky được đón tiếp như người hùng tại Nhà Trắng và điện Capitol". Đến Washington trong chuyến đi ngắn sát ngày lễ Noel, khi cuộc chiến tranh do Nga phát động tại Ukraine bước sang ngày thứ 301, tổng thống Zelensky muốn cảm ơn cường quốc số một thế giới. Không có sự giúp đỡ ồ ạt của Mỹ, quân đội của ông Zelensky chắc chắn đã không kháng cự được trước những kẻ xâm lược. Về phía Washington, đón tiếp tổng thống Ukraine, "Joe Biden hy vọng quét sạch ảo tưởng của Kremlin cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ mệt mỏi trong việc hậu thuẫn Ukraine, phải ép đồng minh ngồi vào đàm phán, vội vàng chấp nhận tương quan sức mạnh có lợi cho Moskva".
Theo Le Monde, ở Nhà Trắng cũng như trước Hạ Viện, tổng thống Ukraine liên tục các phát biểu khẳng định lại cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine trước quân xâm lược Nga là sự nghiệp chung với Mỹ cũng như với các nước gắn bó với các giá trị dân chủ. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố : "Tiền của quý vị không phải là của bố thí. Đó là sự đầu tư cho an ninh quốc tế và dân chủ mà chúng tôi sẽ quản lý một cách có trách nhiệm nhất…".
Le Monde ghi nhận, trong chuyến đi này, tổng thống Ukraine đã thay đổi vị thế. Giờ đây, "không còn ai nhắc đến một Zelensky diễn viên hay một người non nớt chính trị. Ông đã trở thành một gương mặt mang dấu ấn của nhân dân mình".
Về kết quả chuyến công du Mỹ của tổng thống Ukraine, Le Figaro ghi nhận qua bài viết "Được hoan nghênh ở Washington, Zelensky được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Biden".
Le Figaro cho biết, "Zelensky đã thu hoạch được nhiều trong chuyến thăm ngắn ngủi này". Ông Biden đã thông báo cung cấp cho Ukraine một hệ thống tên lửa phòng Patriot, một trong những trang thiết bị hiện đại và đắt tiền nhất trong kho vũ khí Mỹ. Ngoài ra, Washington cùng thông báo khoản viện trợ mới trị giá 1,85 tỷ đô la. Hôm nay (23/12) Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua gói viện trợ bổ sung 45 tỷ đô la cho Kiev trong năm 2023.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhận thấy sự bất đồng về chiến lược giữa Washington và Kiev vẫn còn. Ukraine cần các vũ khí tấn công hiện đại có thể tiến giới chiến thắng trong khi Mỹ vẫn còn ngần ngại. Những đe dọa của Putin vẫn ít nhiều có tác động, ông Biden không muốn thấy cuộc xung đột mở rộng hay leo thang.
Một mối quan tâm khác của tổng thống Zelensky trong chuyến đi này đó là thái độ của Quốc hội mới của Mỹ, đặc biệt là từ ngày 3 tháng Giêng tới Hạ Viện mới sẽ dưới quyền kiểm soát của phe Cộng hòa. Theo tờ báo, một bộ phận không ít các dân biểu Cộng hòa vẫn công khai chỉ trích chính quyền Dân chủ quá hào phóng tung tiền chi cho cuộc chiến ở Ukraine trong khi nước Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. Tờ báo nhận định, dù ít khả năng viện trợ của Mỹ ngừng ngay, có thể các trợ giúp của Mỹ sẽ trở nên khó khăn và hạn hẹp hơn.
Vi mạch bán dẫn : Lá bùa hộ mệnh của Đài Loan trước Trung Quốc
Libération có bài phóng sự dài liên quan đến Châu Á với tiêu đề đáng chú ý : "Đối mặt với những đe dọa của Trung Quốc, Đài Loan chơi lá bài vi mạch".
Phóng viên của tờ báo đưa bạn đọc đến khu công nghiệp Đại Nam nằm trong vùng núi ở phía nam đảo Đài Loan, nơi có nhà máy lớn của tập đoàn TSMC, cái tên đã trở nên nổi tiếng thế giới vì là nhà sản xuất đi đầu trong lĩnh vực vi mạch điện tử, một yếu tố không thể thiếu được trong hầu hết các sản phẩm công nghệ điện tử ngày nay.
Giờ đây mọi người đều biết, hòn đảo nhỏ bé nằm sát cạnh Trung Quốc, sản xuất 65% chip điện tử của thế giới. TSMC lấn át mọi cạnh tranh và chiếm 92% thị trường thế giới vi mạch điện tử thế hệ mới, thành phần không thể thay thế trong hầu hết tất cả các nhãn mác sản phẩm công nghệ cao ngày nay. Người Đài Loan không chỉ tự hào mà còn coi TSMC là một công cụ răn đe trước những mưu toan xâm lược của Bắc Kinh.
Bài phóng sự ghi nhận ý kiến của một lãnh đạo trong lĩnh vực sản xuất chíp điện tử của Đài Loan tự hào nói rằng : "Cả thế giới phụ thuộc vào Đài Loan, kể cả Trung Quốc… Chừng nào Đài Loan còn thống trị ngành công nghiệp này, không ai thấy có lợi để Trung Quốc xâm lược chúng tôi".
Vi mạch điện tử là một sáng chế của người Mỹ, nhưng người Đài Loan sản xuất sản phẩm này từ các đây gần 50 năm. Trong thập kỷ 1970, khi kinh tế của hòn đảo chủ yếu vào ngành công nghiệp đơn giản như dệt, chế tạo thiết bị điện gia dụng, họ đã đến với sản xuất các vi mạch bán dẫn khi các công ty Mỹ không quan tâm đến việc sản xuất giản đơn này. Cùng với thời gian, người Đài Loan tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng chế tạo bán dẫn ngày càng tinh vi, để rồi 40 năm sau họ gần như độc quyền mặt hàng mà giờ trở thành như một thứ lá bùa hộ mệnh bảo vệ hòn đảo.
Tuy nhiên theo tác giả bài phóng sự, nghành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan cũng đang đứng trước thách thức. Đại dịch Covid-19, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang làm dấy lên những phản ứng bảo hộ của một số cường quốc. Chính phủ ở nhiều nước đã nhận ra sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất vi mạch điện tử của Châu Á này và bắt đầu có những tính toán. Ở Châu Âu, Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc, nhiều kế hoạch phát triển công nghiệp chế tạo vi mạch đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hàn Quốc và quyền lực mềm văn hóa
Vẫn liên quan đến Châu Á, nhật báo La Croix có bài viết cho thấy Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng văn hóa thành một thứ quyền lực mềm như thế nào. Theo thông tín viên của La Croix tại khu vực Đông Á, trong vòng hai chục năm Hàn Quốc đã quyến rũ cả thế giới bằng việc xây dựng thành công một thứ "quyền lực mềm" độc đáo từ những sản phẩm âm nhạc, văn hóa, ẩm thực và phim truyền hình dài tập. Đó là cả một chủ trương của chính phủ Hàn Quốc để giờ đây đất nước này đang gặt hái những thành công ngoài mong đợi.
La Croix trích dẫn nhận xét của Juliette Morilot, chuyên gia về văn hóa Hàn Quốc : "Cách đây 20 năm, Hàn Quốc là một đất nước không được biết đến nhiều. Trong suy nghĩ của mọi người, đất nước này gắn liền với hình ảnh nặng nề của chiến tranh, của giáo phái Moon và cùng lắm là xe hơi. Giờ đây, Hàn Quốc được giới trẻ cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ". Nằm kẹt giữa các cường quốc Trung Quốc và Nhật Bản, đất nước Hàn Quốc nhỏ bé đã phải tự sáng tạo để có được vị trí cho mình.
Đó là một thứ quyền lực mềm khiến cả thế giới kinh ngạc. Giờ đây cả thế giới không chỉ biết đến dòng nhạc K-Pop, mà còn biết đến điện ảnh, ẩm thực, thẩm mỹ và cả ngôn ngữ Hàn.
Bài báo cho biết, ra khỏi thể chế độc tài quân sự cuối những năm 1980, Hàn Quốc đã nhạy bén, sáng tạo trong dòng chảy toàn cầu hóa và sự bùng nổ của internet. Chính phủ đã nhanh chóng chủ trương xây dựng một quyền lực mềm qua ngành công nghiệp giải trí, để xuất khẩu sản phẩm ra khắp thế giới. Một văn phòng văn hóa và một quỹ đầu tư phát triển văn hóa đại chúng được thành lập. Các đại tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều có trách nhiệm đầu tư vào chương trình này. Năm 2020 các tập đoàn lớn của nước này đã đầu tư đến 5 tỷ đô la cho chương trình phát triển văn hóa của đất nước.
Giờ người Hàn Quốc đã thành công trong ván cược đặt ra cách đây 20 năm, La Croix ghi nhận : Năm 2019 bộ phim Parasites (Ký sinh trùng) của đạo diễn Boon Joon-ho giành 2 giải thưởng quốc tế lớn Cành Cọ Vàng ở Cannes và Oscar ở Hollywood. Đến 2021, bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực), chiếu trên mạng Netflix chỉ vài ngày đã gây sốt toàn cầu. Nhóm nhạc BTS trong 10 tuần liền dẫn đầu tốp 100 trong làng nhạc ở Mỹ, và lôi cuốn hàng tỷ người hâm mộ.
Trung Quốc loay hoay với chiến lược chống Covid
Một thời sự khác được nhật báo Les Echos chú ý : Trung Quốc đang loay hoay vật lộn với dịch Covid 19 giữa lúc cả thế giới đã bắt đầu biết chung sống với căn dịch bệnh này.
Tờ báo có bài "Sau Zero Covid, Trung Quốc nhắm vào miễn dịch cộng đồng". Như vậy là sau một thời gian dài duy trì những biện pháp phòng chống dịch hà khắc nhất, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế cũng như gây bất bình xã hội, Bắc Kinh vừa bất ngờ xóa bỏ chính sách Zero Covid thì dịch lại bùng lên mạnh ở khắp nơi. Lúc này chính quyền quay sang một cách tiếp cận mới để dịch không lây nhiễm ồ ạt trong dân chúng, với hy vọng tạo được miễn dịch cộng đồng vào mùa xuân tới. Theo tính toán thì sẽ có khoảng một tỷ người Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị nhiễm Covid-19.
Nếu thực hiện chiến lược miễn dịch cộng đồng, theo các mô phỏng tính toán của một cơ quan nghiên cứu thuộc Đại học Washington, từ nay đến đầu tháng 4 năm tới sẽ có khoảng 300 nghìn người Trung Quốc tử vong. Trong khi một ước tính của Đại học Hồng Kông, con số tử vong ở Trung Quốc có thể lên đến 1 triệu người. Tờ báo nhận xét, Trung Quốc đang cố gắng trong vài tháng làm được cái việc mà cả thế giới phải mất 2 năm.
Anh Vũ