Bài viết vừa qua vềsông Mekong cho thấy hai điều cơ bản nhất. Một, Trung Quốc là mối đe dọa lớn lao nhất đối với đất nước Việt Nam. Hai, nước từ sông Mekong là nguồn tài nguyên quan trọng cho mọi mặt đời sống của 20 triệu dân Việt Nam.
8 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỉ m3 nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu...
Trung Quốc hiện đang nắm cái cán, cho nên việc họ xả hay giữ lại nước, đều tác động sâu xa lên 20 triệu dân này, cũng như các quốc gia hạ nguồn khác.
Trung Quốc có đến 1,4 tỷ dân, gấp 14 lần dân số Việt Nam. Họ cần nguồn lực dồi dào để nuôi sống dân số khủng khiếp này.
Không riêng gì Trung Quốc, các cuộc chinh phạt đế quốc, xưa và nay, để vơ vét tài nguyên, để đô hộ và "thực dân", là một phần của lịch sử nhân loại. Những nước văn minh nhất, từ Anh, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật v.v… không nước nào là bàn tay không dính máu.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, cũng từng đi chiếm đất dân tộc khác, xóa bỏ trên bản đồ nước Chiêm Thành, chẳng hạn.
Tóm lại, hồi xưa quan hệ quốc tế mang đậm tính cá lớn "nuốt" cá bé như thế nào thì thời nay cũng có như vậy, có điều hiếm hoi và khôn khéo hơn. Không nuốt, nhưng trục lợi, bằng nhiều hình thức khác nhau. Công khai hoặc ngấm ngầm. Kinh tế, quân sự hoặc bằng quy định, như cấm vận, ngăn chặn, chế tài, chẳng hạn.
Hồi xưa, an ninh quốc gia mang đậm tính quân sự, quyền lực cứng. Thời nay, ngoài quyền lực cứng, là điều dễ thấy, còn có quyền lực mềm và quyền lực bén. Trung Quốc là quốc gia chuyên sử dụng quyền lực bén để chế ngự và trừng phạt những cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào không tuân thủ chủ trương của họ. Họ âm mưu, kín đáo, để đối tượng phải phục tùng. Chẳng hạn, các học giả, chuyên gia, nghiên cứu, trong và ngoài Trung Quốc v.v… cũng cố tránh trở thành mục tiêu chiếu cố của Bắc Kinh để các tác phẩm của họ được phổ biến trong lục địa Trung Quốc.
An ninh của mọi quốc gia là quan trọng nhất, vì nó là sự sống còn của quốc gia đó. Nhưng an ninh quốc gia thời nay là gì ? Bao hàm những gì ?
Là nhiều thứ lắm. Nước là một trong các thứ đó. Thiếu cái gì chứ thiếu không khí trong lành và thiếu nước trong sạch thì mọi mạng sống, và sinh kế (livelihood), đều bị đe dọa.
Trong thời hiện đại hóa và toàn cầu hóa hôm nay, an ninh của một quốc gia bao hàm rất nhiều yếu tố liên quan mật thiết đến mạng sống và sinh kế của quốc gia đó.
Vũ khí, mọi loại vũ khí, nhất là vũ khí hủy diệt hàng loạt như hạt nhân, hóa học, sinh học, đặc biệt vi trùng như đại dịch Covid-19, là vấn đề an ninh hàng đầu của mọi quốc gia. Nó trực tiếp đe dọa mạng sống và an toàn của mọi công dân.
Khủng bố, bên trong nội địa hay từ thế lực nước ngoài, đều là vấn đề an ninh quốc gia.
Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, ma túy, hàng cấm, vũ khí v.v… đều đe dọa đến mạng sống và an toàn của mọi công dân.
Tình báo, can thiệp nước ngoài, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực hay lũng đoạn lên trên nền chính trị nội địa v.v… Nó có khả năng làm hư hỏng tiến trình vận hành guồng máy nhà nước, tác động đến tính chính trực của luật pháp và sự thi hành pháp luật. Và có khả năng đẩy lùi giá trị dân chủ và văn hóa dân chủ của một quốc gia.
An ninh mạng, một địa hạt mới, có nguy cơ làm tê liệt sự vận hành của một hay nhiều tổ chức, định chế, cơ sở thương mại, cơ quan chính quyền, Liên Hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc v.v… Tất cả đều có thể bị mất mát tài sản trí tuệ giá trị hàng đầu. Trung Quốc là một trong những thành phần nguy hiểm nhất cho mọi nền dân chủ cấp tiến và các định chế (xuyên) quốc gia hiện nay.
Tất nhiên, nền hòa bình thế giới và an ninh trong vùng cũng quan trọng. Một biến cố trong vùng có khả năng leo thang rất nhanh để trở thành toàn cầu, như Thế Chiến I và II. Địa chính trị, tranh giành quyền lợi và quyền lực, như Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông, đang là điểm nóng hiện nay.
Kỹ nghệ không gian, vệ tinh, cũng như vai trò và nguồn lực dưới lòng sâu đại dương, ở Nam cực và Bắc cực, hay ở ngoài trái đất, trở thành mục tiêu theo đuổi của các cường quốc.
Vì thế, để bảo vệ an ninh quốc gia, ngoài khả năng quân sự và nhiệm vụ bảo vệ biên giới cũng như chủ quyền trên biển đảo, một chính quyền phải có khả năng thương thuyết trên chính trường quốc tế. Càng có nhiều liên minh cũng như đối tác chia sẻ các giá trị chung về an ninh, về các mối đe dọa, về các mục tiêu chiến lược, và hợp tác về kinh tế thương mại v.v… thì quốc gia đó sẽ có nhiều ưu thế hơn so với quốc gia không có. Đó là mặt đối ngoại nhằm thúc đẩy môi trường quốc tế thuận lợi. Mặt đối nội thì, ngoài các ưu tiên bảo vệ và củng cố chủ quyền, đảm bảo dân số an toàn và vững mạnh, cần nỗ lực để bảo đảm tối đa tài sản, cơ sở hạ tầng và các định chế của quốc gia mình.
Các cơ sở hạng tầng trọng yếu ở đây là những vật chất và dịch vụ cần thiết cho đời sống hàng ngày của mọi người dân. Nó bao gồm năng lượng (điện, ga, năng lượng tái tạo v.v…), thông tin liên lạc, nước, giao thông (kể cả sân bay, cảng), y tế, thực phẩm và tạp hóa, ngân hàng và tài chính, đến các cơ quan và định chế của chính phủ. Nền an ninh quốc gia chỉ vững ổn khi cơ sở hạ tầng được an toàn và kiên định. Như thế, nó sẽ hỗ trợ năng suất và giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Trường hợp điển hình nhất để so sánh học hỏi là sự can thiệp của nước ngoài đối với nước Úc trong thời gian qua. Thủ phạm không ai khác là Trung Quốc. Đứng trước các âm mưu và nỗ lực lũng đoạn ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Úc, quốc hội Úc đã thông qua Bộ luật Hạ tầng Cơ sở Trọng yếu 2018 (Security of Critical Infrastructure Act 2018). Bộ luật này được thiết kế để quản lý các rủi ro an ninh quốc gia mang tính phức tạp và biến đổi do sự phá hoại, gián điệp và cưỡng chế từ sự can thiệp của nước ngoài vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Úc. Sự tham gia của nước ngoài, thông qua sở hữu, đặt cơ sở ngoài nước (offshoring), giao hợp đồng bên ngoài (outsourcing) và sắp xếp chuỗi cung ứng, có thể gia tăng đáng kể khả năng của thành phần phá hoại đối với các tài sản cơ sở hạ tầng quan trọng. Qua cách đó, những việc này lại có khả năng gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng. Nhờ Bộ luật này mà Úc đã ra tay can thiệp và ngăn chặn những mưu toan gây ảnh hưởng của Trung Quốc khi nhắm đến mua đứt hay thuê dài hạn nhiều cơ sở hạ tầng của nước Úc.
Để tóm tắt, an ninh quốc gia ngày nay rất rộng trong thời đại thông tin và kỹ nghệ hiện đại, và tất cả đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nếu không có chiến lược và chính sách đối phó, tất cả đều có thể dễ bị tổn thương bởi nhiều thành phần bất hảo, từ khủng bố, cực đoan, đến các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, các nhà nước độc tài tham nhũng, và những quốc gia theo chủ nghĩa xét lại như Nga và Trung Quốc.
Nước chỉ là một phần, dù là một trong những phần quan trọng nhất của đời sống con người. Trung Quốc hiện nay có khả năng để ảnh hưởng lên một phần năm dân số Việt Nam qua sông Mekong. Ngoài sông Mekong, họ có vô vàn thủ đoạn khác để ảnh hưởng tiêu cực lên nền chính trị, kinh tế và hầu như mọi mặt đời sống của người dân Việt Nam, kể cả sự bao vây của họ ngoài Biển Đông.
Bài viết này là tiền đề để bàn về các vấn đề liên quan đến nước cho bài sau.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 17/07/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Department of The Prime Minister and Cabinet, "Strong and Secure, A Strategy for Australia’s National Security ", Australian Government ; Accessed on 12 July 2020.
2. Home Affairs, "Security Coordination : Security of Critical Infrastructure Act 2018", Australian Government ; Accessed on 15 July 2020.
3. Home Affairs, "Critical infrastructure resilience ", Australian Government ; Accessed on 12 July 2020.
4. Critical Infrastructure Centre, "The Security of Critical Infrastructure Act 2018 ", Australian Government ; Accessed on 12 July 2020.
5. The White House, "National Security Strategy of the United States of America ", US Government, 18 December 2017.
Ông Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an Việt Nam, người đang thi hành bản án chín năm tù vì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (sắp đặt, hỗ trợ cho Công ty Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao – CNC tổ chức đánh bạc trên Internet) lại vừa bị khởi tố vì "ra quyết định trái pháp luật" (1).
Tướng Phan Văn Vĩnh thời còn tại chức.
Năm 2011, Công ty Ngọc Hưng (trụ sở tại Quảng Trị) đưa 614 khối gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam để xuất sang Trung Quốc. Lô gỗ này đã bị tạm giữ tại Đà Nẵng vì Hải quan xem là buôn lậu (làm giả hồ sơ để nhập cảng và xuất cảng gỗ) nên những cá nhân có liên quan bị khởi tố, sau đó Hải quan chuyển cho công an điều tra. Ông Vĩnh là người chỉ đạo thuộc cấp bán sạch lô gỗ vốn là tang vật này…
Nếu đặt các vụ án liên quan tới ông Vĩnh bên cạnh những vụ án có yếu tố tham nhũng, gần nhất là vụ AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone, có thể thấy, các viên chức hữu trách càng ngày càng táo tợn, càn rỡ, tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng vì có thể dùng "an ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" để che mọi thứ. Nói cách khác "an ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" chẳng khác gì… cám để nuôi… tham nhũng.
***
Tại Việt Nam, công an và quân đội được đồng hóa với "an ninh quốc gia". Sự đồng hóa này khiến cho công an, quân đội trở thành những lãnh địa riêng, tha hồ tự tung tự tác. "An ninh quốc gia" cho phép công an tuyển những cá nhân như Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’),… quân đội tuyển những cá nhân như Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc),… làm sĩ quan, dựng nên hàng loạt cái gọi là "công ty bình phong" để thâu đoạt, chia chác.
"An ninh quốc gia" bị biến thành thành "bùa hộ mạng", thúc đẩy công an, quân đội thi nhau bán công thổ, soạn – thực hiện đủ thứ kịch bản để thu lượm, biến công sản thành tài sản cá nhân. Nếu dùng luật pháp kiểm soát công an, quân đội chặt chẽ như thiên hạ, không cho phép đồng hóa với "an ninh quốc gia", làm gì có chuyện AVG vừa rao bán cổ phần là Bộ Công an khuyến cáo phải ngăn chặn giới đầu tư ngoại quốc nắm AVG, Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo MobiFone đứng ra mua, Bộ Công an dán nhãn "mật" lên thương vụ đó ?...
Chính việc đồng hóa công an, quân đội với "an ninh quốc gia" đã biến giới lãnh đạo công an, quân đội trở thành bất khả xâm phạm. Bất kỳ góp ý nào cho hoạt động của công an, quân đội, bất kỳ thắc mắc nào về công an, quân đội cũng có thể bị quy chụp là xâm hại… "an ninh quốc gia". Thậm chí, những cá nhân là viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng phải nhìn trước, ngó sau, lựa lời để góp ý, nêu thắc mắc với công an, quân đội.
Nếu không đồng hóa công an, quân đội với "an ninh quốc gia", thực thi nghiêm cẩn "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật", năm 2013, ông Phan Văn Vĩnh có dám ra lệnh bán tang vật trong vụ Công ty Ngọc Hưng buôn lậu, khiến vụ án trở thành… "kỳ án", hệ thống tư pháp thụ lý suốt tám năm mà đến nay vẫn bế tắc, hay không ? Tương tự, sau khi "ra quyết định trái pháp luật", ông Vĩnh có còn yên vị để biến CNC thành "công ty bình phong", tổ chức đánh bạc trên Internet trong phạm vi toàn quốc hay không ?...
***
Cho dù trong hai năm vừa qua đã có khoảng 20 viên tướng của cả công an lẫn quân đội bị kỷ luật, một số bị phạt tù nhưng vì công an, quân đội vẫn được đồng hóa với "an ninh quốc gia", chống tham nhũng vẫn chỉ là những vở kịch tồi. Nếu không, khi điều tra vụ AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone, làm sao Bộ Công an dám lờ đi những yếu tố liên quan đến trách nhiệm của mình, dám biến Kết luận Điều tra thành bản báo công cho Phạm Nhật Vũ, thậm chí còn vẽ ra "chính sách hình sự đặc biệt" để trả công cho Vũ ?
Trước những chỉ trích càng ngày càng dữ dội từ phía công chúng, một số viên chức hữu trách và một số cá nhân biện bạch rằng, tuy nằm ngoài khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, song cần công nhận và thực thi "chính sách hình sự đặc biệt". Đó là giải pháp cần thiết để buộc những viên chức trót nhúng… chàm như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà,… phải "thành khẩn" nhận tội, nhờ vậy có thể thu hồi tài sản đã bị thất thoát.
Trên thực tế, đúng là số lượng viên chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam,… dường như càng ngày càng nhiều, song gần như chẳng có ai bị "bắt tận tay, day tận trán" vì tham nhũng hoặc thú nhận đã nhận hối lộ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà,… Đúng là công sản thất thoát càng ngày càng lớn nhưng gần như không thể thu hồi... Tuy nhiên thực trạng này không phải do thiếu "chính sách hình sự đặc biệt" !
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố chống tham nhũng đã hai thập niên, gần đây, tiến thêm một bước bằng… tuyên bố : Không có vùng cấm, không có ngoại lệ ! – nhưng vẫn dứt khoát không áp dụng các biện pháp mà thiên hạ vẫn dùng để ngăn chặn, bài trừ tận gốc tham nhũng, thu hồi công sản. Tại sao cam kết "chỉnh đốn đảng" nhưng nghiêm cấm tiết lộ bản kê khai tài sản của các viên chức ? Tại sao xem tham nhũng là quốc nạn nhưng gạt bỏ đề nghị hình sự hóa "giàu có bất minh" ?
Nếu đảng thật tâm muốn "chỉnh đốn", có giải pháp nào giúp "chỉnh đốn" hiệu quả hơn công bố bản kê khai tài sản của các viên chức cho đồng chí, đồng bào cùng kiểm tra, giám sát và kẻ nào man trá sẽ bị vạch mặt, chỉ tên ngay lập tức ? Giữa áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt" như một giải pháp để buộc các viên chức phạm tội phải nhận tội, qua đó thu hồi công sản bị thất thoát, với việc đặt định, sử dụng các qui phạm pháp luật, tống giam tất cả những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản cá nhân và gia đình, tịch thu sung công, chí ít là buộc nộp thuế, giải pháp nào giúp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả hơn ?
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vài lần tâm tình, tuyên bố, đại loại, chống gì thì chống nhưng phải… nhân văn, không thể làm vỡ… bình, rằng công bố bản kê khai tài sản của các viên chức là vấn đề… phức tạp (2). Tuy ông không giải thích tường tận nhưng đối chiếu những tâm tình, tuyên bố của ông về chống tham nhũng, người ta hiểu rằng, "phức tạp" không phải là khó, mà "phức tạp" nằm ở chỗ chống tham nhũng triệt để có thể gây mất "ổn định chính trị".
"Ổn định chính trị" không liên quan đến an bình hay loạn lạc, "ổn định chính trị" chỉ thuần túy là đảng có duy trì được quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hay không, giống như bảo vệ "an ninh quốc gia" không phải là bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm trật tự, trị an mà là bảo vệ đảng… trường tồn với tư cách tổ chức chính trị duy nhất có thể hiện diện ở Việt Nam.
"An ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" đã cũng như đang được trộn thành một thứ cám tổng hợp nuôi tham nhũng. Cũng vì vậy, cho dù chống tham nhũng càng ngày càng có vẻ sôi động nhưng muốn xác định viên chức nào là tham quan thì phải chờ Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng xem xét, lựa chọn. Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng không chọn thì không ai có quyền bận tâm tại sao những Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch thành phố Đà Nẵng), những Ngô Văn Khánh (cựu Phó Tổng Thanh tra chính phủ), Phạm Sĩ Quý (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái),… lại giàu có như vậy !
"An ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" vẫn đang là thực phẩm nuôi tham nhũng, dùng chống tham nhũng để trấn an công chúng nhằm duy trì cả "an ninh quốc gia" lẫn "ổn định chính trị". Vừa nuôi, vừa chống là một chu trình nhất quán. Viên chức thành tham quan không phải là vì y tham mà vì y không gặp may, do yếu tố "thời thế" mà bị chọn để tế "an ninh quốc gia" và "ổn định chính trị" thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/10/2019
Vụ cưỡng hôn trong thang máy ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng và việc cựu viện phó viện kiểm sát Đà Nẵng có hành vi dâm ô với bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hàng loạt tổ chức xã hội dân sự gay gắt lên án.
Hàng trăm tài khoản Facebook đồng loạt đổi ảnh đại diện ủng hộ chiến dịch "Nhân phẩm 200k"
Thắng lợi của xã hội dân sự
Chiến dịch "Nhân phẩm 200k" được khởi xướng từ sự kiện trên với lời kêu gọi đổi avatar cùng khẩu hiệu 'Không bây giờ thì bao giờ' xuất hiện khắp các trang Facebook.
Đây là chiến dịch được nhóm GBVNet - Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam cùng với bảy tổ chức xã hội dân sự khác thực hiện nhằm kiến nghị Quốc hội sửa đổi pháp luật liên quan đến quấy rối tình dục.
Theo GBVNet, cán bộ phụ trách mảng Nội chính của Văn phòng Chính phủ đã liên hệ đề xuất cuộc gặp với các thành viên của GBVNet để trao đổi chi tiết hơn, dự kiến Nghị định 167 sẽ được bổ sung nội dung Quấy rối tình dục với các quy định cụ thể.
Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà sức ép từ tổ chức xã hội dân sự thực sự buộc chính quyền phải trả lời về quyền phụ nữ trong các vụ án quấy rối tình dục.
Trong một diễn biến khác, hàng loạt cư dân chung cư Galaxy 9 đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi tới UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân quận 4 để kêu gọi xử phạt cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh xuất hiện trên những chiếc xe ô tô cùng dòng chữ "Thành phố đáng sống phải nhốt sạch ấu dâm".
Tài xế dán Nguyễn Hữu Linh diễu hành trên phố
Nhóm OTO+ với hơn 700.000 thành viên trên diễn đàn và mạng xã hội đã hàng chục nghìn poster có hình ảnh và dòng chữ tương tự được chia sẻ, phát miễn phí cho các tài xế từ Bắc, Trung, Nam dán lên xe để tạo sức ép dư luận buộc vụ việc phải được đưa ra xét xử.
Ngay sau đó, Công an quận 4 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Hữu Linh, cấm ông đi khỏi nơi cư trú về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
So với 5 năm trước, một vụ dâm ô trẻ em tương tự với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) ở Bà Rịa - Vũng Tàu dâm ô các bé gái ở chung cư Lakeside, gia đình các bé phải mất đến 4 năm đấu tranh kẻ dâm ô mới bị xét xử.
Đây là dấu hiệu cho thấy các tổ chức xã hội dân sự và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội của người dân đã bắt đầu có tiếng nói và gây ảnh hưởng đến các quyết sách về luật định và chính sách.
Tác động đến luật định và chính sách
Ngày 24/11/2015 việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính - được coi là dấu mốc quan trọng đối với cộng đồng người chuyển giới.
Tôi đã hỏi chuyện luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, chuyên gia độc lập trong lĩnh vực chính sách và quyền con người tại Việt Nam về chuyển biến này và ông nêu nhận định :
"Đây có thể được xem là thắng lợi của tổ chức xã hội dân sự vì lần đầu tiên, một tổ chức phi chính phủ - cụ thể là Viện iSEE được mời đi tập huấn trực tiếp cho đại biểu và tham gia việc biên soạn luật liên quan đến quyền của người LGBT".
Diễu hành Viet Pride đầu tiên ở Hà Nội năm 2012
Trước đó, cuộc diễu hành Viet Pride được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2012, đánh dấu bước tiến quan trọng của phong trào, được thực hiện mà không có giấy phép chính thức.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, một trong những thành viên ban tổ chức ở Hà Nội vào thời điểm đó cho tôi biết, ban tổ chức không thể đăng ký giấy phép, chỉ có sự hậu thuẫn của các tổ chức quốc tế về tài chính để thực hiện sự kiện.
Bà Tâm nhìn nhận : "Cuộc diễu hành Viet Pride diễn ra mà không có sự cấp phép chính thức của chính quyền là minh chứng cho một không gian tự do hội họp đang vô cùng thiếu ở Việt Nam".
Theo luật sư Duy Hậu, các phong trào dân sinh như luật liên quan đến quyền của người LGBT, quyền trẻ em, quyền phụ nữ thì mức độ tác động trực tiếp của các tổ chức tổ chức dân sự rất cao : Đoàn người biểu tình chống dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng 10/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Trong một số trường hợp, các tổ chức này còn đóng vai trò cố vấn chính sách cho nhà nước như về luật liên quan đến quyền của người LGBT. Tuy nhiên, có những vùng khó vận động hơn và các vùng này tùy thuộc vào thời điểm" - ông Hậu nói.
Vậy đâu là "vùng cấm" ?
Không phải lúc nào sự lên tiếng mạnh mẽ của xã hội dân sự cũng đạt được những kết quả đáng mừng như thế. Hoạt động của xã hội dân sự về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai hay nhân quyền thường gặp nhiều trở ngại.
Tuy có vùng cấm vẫn lạc quan
Cũng theo luật sư Duy Hậu, đối với chính phủ Việt Nam, "vùng khó vận động" là những vấn đề bị cho là đe dọa đến an ninh quốc gia, đến vị thế lãnh đạo của Đảng như chủ quyền, nhân quyền hay vấn đề ngoại giao.
Nhà báo tự do - blogger Phạm Đoan Trang thì cho rằng :
"Phong trào LGBT thành công trong chuyện vận động chính sách vì nhà nước Việt Nam không coi cộng đồng LGBT là nhóm đe doạ quyền lực chính trị. Trong ngoại giao, chính phủ Việt Nam thường nhấn mạnh thành tựu "xoá đói giảm nghèo", "bảo vệ quyền của người LGBT" như đồ trang sức tốt để khoe với thế giới là mình cũng tôn trọng nhân quyền".
Đoàn người biểu tình chống dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng 10/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh
Thực tế, cộng đồng LGBT "xuống đường" cầm cờ lục sắc thể hiện quyền và tiếng nói của mình trong xã hội (dù chưa có giấy phép chính thức) vẫn không bị đàn áp.
Nhưng người dân cầm biển phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dự luật Đặc khu, Luật An ninh mạng và các dự án thương mại hủy hoại môi trường lại bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn và bị xem là "thế lực thù địch".
Tờ Quân đội nhân dân trong bài viết "Từ cách mạng cây, cách mạng cá đến cách mạng màu" ngày 3/6 ghi :
"Cứ ở đâu có các dự án du lịch, du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh thì ở đó lại xuất hiện một số trang mạng "chuyên đề" phản đối.
Đây là những chiêu trò mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam thông qua các tổ chức xã hội dân sự".
Hình từ một trang FB (@manfortree) vận động bảo vệ cây xanh ở Việt Nam
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn thì nêu ý kiến :
"Những bài viết trên báo Tổ Quốc, Quân Đội nhân dân lập luận rằng, những ai lên tiếng chống lại các dự án thương mại hóa các khu bảo tồn thiên nhiên đều là phản động. An ninh quốc gia là một con "ngáo ộp" thường xuyên được sử dụng để dẹp im những tiếng nói phản biện, giúp nhóm lợi ích dễ dàng phá rừng xây khu du lịch (Sơn Trà, Tam Đảo), lấp biển làm khu giải trí (Công viên Đại dương), lấn sông chia lô biệt thự (sông Hàn)".
Ông Tuấn nhìn nhận, các nhóm lợi ích đang dùng chiêu bài "an ninh quốc gia" để kiếm lợi khủng bằng việc hủy hoại môi sinh và bán đứng lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, ông có cái nhìn khá lạc quan về các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam :
"Nếu nhìn xã hội 3-4 năm trở lại đây từ việc những tài xế phản kháng BOT bẩn, các bạn trẻ xuống đường bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, người dân biểu tình bảo vệ môi trường sau thảm họa Formosa hay những người nông dân chân lấm tay bùn phối hợp với nhau giữ đất ở Đồng Tâm sẽ thấy đây là điểm khởi bùng phong trào thúc đẩy dân quyền, phát huy dân chủ ở Việt Nam".
SaveNet mở các khoá học về tự do ngôn luận
Ngọc Diệp, đồng sáng lập SaveNet - tổ chức dân sự thúc đẩy tự do ngôn luận nhận định :
"Vận động chính sách đòi hỏi một tiến trình dài hơi và có chiến lược. Hiện tại ở Việt Nam, các cuộc vận động phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội. Trong bối cảnh mạng xã hội bị chính quyền kiểm soát, bị các nhóm lợi ích tác động thì việc vận động của các tổ chức xã hội dân sự sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, sự tham gia sôi nổi của hai cộng đồng tổ chức xã hội dân sự có đăng ký và không đăng ký là điểm nhấn của phong trào xã hội dân sự trong 5 năm trở lại đây".
Theo Ngọc Diệp, các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng về những vấn đề bức xúc của xã hội là cách thúc đẩy người dân thực hành tham gia chính trị :
"SaveNet không chỉ khởi xướng chiến dịch phản đối luật An ninh mạng mà còn lên tiếng cùng GBVNet trong chiến dịch "Nhân phẩm 200k". Đây là cách các tổ chức dân sự tạo đồng minh để chiến dịch có tiếng nói và chính danh hơn. Cuối cùng, những dự án giáo dục về những giá trị phổ quát như tự do, quyền con người nhằm lan tỏa hiểu biết chung cho xã hội là nền tảng cho các phong trào vận động trong tương lai" - Ngọc Diệp nói.
Bùi Thư
Nguồn : BBC, 19/06/2019
Nữ tác giả Bùi Thư là một cây bút tự do hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước khi Trung Quốc được chấp thuận cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, lãnh đạo Trung Quốc ra vẻ hứa hẹn rằng vai trò của các công ty quốc doanh (SOEs) sẽ ngày càng gia giảm, các chính sách về kinh tế thị trường sẽ đến, tiền tệ Trung Quốc (đồng Nguyên) sẽ không bị thao túng, Trung Quốc sẽ không tích lũy thặng dư thương mại lớn, và các sáng chế và tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ tất nhiên sẽ được tôn trọng [1]. Bởi muốn làm thành viên của WTO thì các nước muốn gia nhập đều phải thoả mãn các điều kiện này.
Huawei là tâm điểm của vấn đề an ninh quốc gia trong lãnh vực công nghệ thông tin. Hình minh họa.
Trung Quốc hiểu rõ, và chuẩn bị đến 15 năm để được gia nhập vào WTO, nhưng rồi họ đều vi phạm tất cả các điều trên. Các công ty quốc doanh, chẳng hạn, vẫn phải tiếp tục phục vụ cho mục tiêu nhà nước hơn là các lực tác động của thị trường. Cũng nhờ luồn lách và bao che các chính sách này, nó đã giúp cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở tỷ lệ hai con số trở lên trong nhiều thập niên. Cách thức họ thao túng bằng chứng từ năm 1995 đến 2000 để thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ chấp nhận tư cách quan hệ thương mại bình thường và từ đó lót đường để được vào WTO đã được bà Lee, một người đào ngũ Bắc Kinh, trình bày với tiến sĩ Michael Pillsbury qua các tài liệu và họp mật mà bà đã chứng kiến và tham dự [2].
Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình không nằm trong văn hóa chính trị, ngoại giao hay nói chung cung cách hành xử của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Với cung cách hành xử như thế, các đối tác của Trung Quốc thường luôn dè dặt, đắn đo vì biết rằng Trung Quốc thường không tôn trọng những gì đã được ký kết. Các tiến trình lấy quyết định của họ thường đục ngầu. Ai là người lấy quyết định sau cùng, và chịu trách nhiệm, cho một vấn đề nào đó, thường rất kín đáo và bí mật.
Peter Varghese cho rằng cách xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc là đáng quan tâm sâu sắc, không phải chỉ vì nó là một nhà nước độc đảng độc tài với các tham vọng địa chính trị không thích ứng với quyền lợi của Úc [3]. Varghese là người từng đứng đầu Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) từ năm 2012 đến 2016, và giữ vai trò Viện trưởng của Đại học Queensland từ đó đến nay. Varghese biện luận rằng chỉ khi nào các tiến trình xây dựng ảnh hưởng này càng rõ ràng thì Úc có thể đánh giá được cái gì bí mật và công khai, và cái gì có thể chấp nhận hay không chấp nhận được. Theo Varghese thì cơ quan tình báo Úc ASIO cần phải theo dõi chặt chẽ để biết được có những nỗ lực nào để xâm nhập và phá hoại hệ thống của Úc mà đi quá những gì luật pháp và quy định cho phép.
Ông Duncan Lewis, Tổng Giám đốc ASIO, cơ quan hữu trách tình báo của Úc, cảnh báo quốc hội Úc vào giữa năm 2018 rằng sựcan thiệp nước ngoàivào Úc đang xảy ra ở một mức độ chưa từng thấy, và "tình báo, can thiệp, phá hoại và hoạt động nội gián độc hại, có thể gây ra tác hại thảm khốc cho lợi ích của đất nước chúng ta" [4]. Trước đó, vào cuối năm 2017, sau cuộc kết hợp điều tra của hai cơ quan truyền thông ABC và Fairfax mà đã phơi bày những âm mưu tình báo và xâm nhập Trung Quốc lên chính trường và xã hội Úc, ông Lewis cũng cảnh báo chính phủ liên bang là cần phải rất ý thức về khả năng can thiệp của nước ngoài vào các trường đại học của Úc [5].
Can thiệp vào đại học Úc của Trung Quốc ở đây nên được hiểu ở nghĩa rộng, không chỉ là hoạt động của sinh viên hay giảng viên gốc Hoa trong các trường đại học tại Úc hay trên thế giới, mà còn là tín hiệu răng đe cảnh báo đối với các tiếng nói đối lập. Điển hình là trường hợp của giáo sư Chongyi Feng. Vào cuối tháng Ba năm 2017, Feng đã bị giam giữ tại Quảng Châu hơn một tuần, và bị thẩm phấn mỗi ngày, chỉ vì ông đã từng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh trên các cơ quan truyền thông Hoa ngữ về sự can thiệp của họ tại Úc và sự đàn áp đối với các nhà đối kháng [6]. Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia thuộc đại học ANU, nhận định rằng qua sự kiện bắt giam giáo sư Feng, tín hiệu rõ ràng mà Bắc Kinh muốn gửi đến người Úc gốc Hoa là "đừng chỉ trích sự can thiệp của đảng Cộng sản" vào các vấn đề nội bộ của Úc [7].
Ngược lại với cung cách làm việc tùy tiện và mờ ảo của các thể chế độc tài như Trung Quốc, trong các nền chính trị dân chủ đích thực, mọi hoạt động của các cơ quan công quyền, dù trực thuộc chính phủ hay độc lập, đều phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Không một cơ quan hay cá nhân nào, kể cả những người đứng đầu các ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp có quyền tuyệt đối. Tất cả đều có thời hạn phục vụ định kỳ, và có nhiệm vụ và quyền hạn kiểm soát cân bằng quyền lực lẫn nhau. Nguyên tắc chi phối tổng quát là rằng bất cứ một tổ chức hay cơ quan nào nhận tài trợ từ nhà nước để hoạt động, nghĩa là đã sử dụng công quỹ, tiền thuế của công chúng, thì phải có trách nhiệm báo cáo hàng năm một cách minh bạch. Tất cả đều phải báo cáo định kỳ trước quốc hội hay các cơ quan liên quan trách nhiệm. Nguyên tắc này áp dụng cả các tổ chức tình báo trách nhiệm an ninh quốc phòng.
ASIO cũng không nằm ngoài quy định này. Như bản báo cáo thường niênnăm vừa qua [8]. Trong bản báo cáo này, Duncan Lewis cho biết năm 2017 – 2018 đánh dấu các thử thách đáng kể do các hoạt động tình báo và can thiệp nước ngoài, nổi bật trong các tranh luận tại quốc hội cũng như công cộng. Lewis tiết lộ rằng các tác nhân nước ngoài đã hung hăng tìm kiếm thông tin bảo mật về các liên minh và đồng minh của Úc ; lập trường của Úc về vấn đề ngoại giao, kinh tế và quốc phòng ; nguồn lực năng lượng và khoáng sản ; và các sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ngoài ra họ cũng đang cố gắng kín đáo ảnh hưởng lên quan điểm của các nhân vật công cộng và truyền thông của Úc, các viên chức chính quyền, và thành viên của các cộng đồng lưu vong có cơ sở tại Úc. Tuy bản báo cáo này không nêu đích danh thủ phạm, từ tên quốc gia cho đến danh tánh của những người liên hệ, người tìm hiểu vấn đề có thể suy luận và kết luận thủ phạm cũng như những thành phần can dự là ai.
Cũng cần nhắc lại là vào cuối năm 2017, trước sự gia tăng tình báo và xâm nhập của Trung Quốc, cựu Tổng trưởng Tư pháp Úc ông George Brandis đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc [9]. Brandis gửi thư cho cơ quan truyền thông ABC xác định rằng ông đã được Thủ tướng Malcolm Turnbull giao trách nhiệm rà soát lại toàn bộ luật về tình báo và can thiệp của nước ngoài, cũng như duyệt lại Bộ luật Hình sự 1995 để xem xét việc gia tăng khả năng điều tra và truy tố các hành vi tình báo và can thiệp nước ngoài. Brandis dự tính sẽ hoàn tất việc này vào cuối năm 2017. Nhưng sau khi hoàn tất đề nghị tu chính này vào cuối năm 2017 và trình bày cho công chúng để tham khảo ý kiến trước khi thông qua quốc hội Úc, nhiều tổ chức đã bày tỏ quan ngại rằng các sửa đổi trong dự luật đề nghị đã can thiệp quá nhiều vào một số quyền tự do, nhất là tự do diễn đạt, và có khả năng đưa đến những nạn nhân bất đắc dĩ vì các điều luật còn mơ hồ, chưa rõ ràng. Do đó hệ lụy sẽ tiêu cực. Cũng vì như thế mà mãi đến giữa năm 2018 sau khi duyệt xét và tranh luận sôi nổi, thì hai bộ luật về tình báo và can thiệp nước ngoài mới được toàn quốc hội thông qua [10].
Trước khi được thông qua, Thượng viện Úc đã mời các chuyên gia, những người đứng đầu các cơ quan an ninh quốc gia cũng như các cơ quan hay chuyên gia độc lập đến trình bày quan điểm của mình vào tháng Ba năm 2018 [11]. Qua cuộc điều trần này, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn các vấn đề này, bởi các bản tin và phân tích trên các cơ quan truyền thông chính mạch, kể cả các cơ quan uy tín hàng đầu, thường không có nhiều thì giờ và không thể đề cập đến nhiều khía cạnh phức tạp và sâu sắc.
Trong phạm vi ngắn ngủi của bài này, tôi muốn đề cập đến ba điều đáng nói nhất qua cuộc điều trần của ông Duncan Lewis.
Thứ nhất, ông Lewis xác định rằng hiện tại đang có vô số các thế lực thù nghịch vô cùng đa dạng muốn đi ngược lại quyền lợi của Úc hơn cả trước đây, ngay cả thời Chiến tranh Lạnh, và tầm vóc và mức độ tinh vi của các hoạt động này đã gia tăng đáng kể. Nền dân chủ mở rộng của Úc, bao gồm sự tự do di chuyển tiền, người và thông tin, điều đã làm giàu cho nước Úc và xã hội Úc, lại là các mũi nhọn mà các tình báo nước ngoài có thể sử dụng để tấn công Úc. Thay vì sử dụng tình báo, các tác nhân nước ngoài đã vận dụng các hoạt động rộng khắp qua chiến thuật can thiệp nước ngoài. Họ có thể sử dụng người Úc địa phương để quan sát và công kích cộng đồng lưu vong qua việc tuyển dụng và hợp tác với các tiếng nói ảnh hưởng và quyền lực để vận động những người có quyền lực quyết định. Nông nghiệp, công nghệ khai thác khoáng sản, nghiên cứu y tế, các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đại học, và tài chánh, đều bị ảnh hưởng. Tóm lại, khó có một lĩnh vực nào được miễn nhiễm từ các hoạt động này.
Thứ hai, ông Lewis nhấn mạnh để đối phó với tình hình phức tạp mới thì Úc phải thay đổi luật. Ông nói rằng "trong khi chúng ta ngồi đây tìm cách đóng các kẻ hở của luật thì những kẻ tìm cách phá hoại sẽ tìm lổ hỏng để khai thác". Các hoạt động tình báo và can thiệp ngày càng tinh vi đến độ ảnh hưởng của nó không dễ nhìn thấy cho đến nhiều năm về sau, khi mà hậu quả của nó không thể đảo ngược được. Nhưng luật hiện hành đã lỗi thời và thiếu sót, và trong trường hợp các hoạt động can thiệp nước ngoài thì không có hình phạt nào cả. Hệ quả của vấn đề này là quyền tự do quyết định và quyền lợi căn cốt của quốc gia này đã không được bảo vệ bởi pháp quyền. Nói cách khác, ASIO nắm rõ các hoạt động tình báo và xâm nhập nước ngoài nhưng luật hiện hành không ủy quyền cho ASIO làm việc với các cơ quan thi hành pháp luật khác để bảo đảm việc bắt giữ và truy tố những kẻ tham dự vào các hoạt động này. Theo Lewis thì luật lệ sẽ cung cấp các phương tiện cần thiết và mạnh mẽ để ngăn chặn và phá vỡ các hoạt động mà các cơ quan an ninh một mình không thể đạt được. Khi luật được thông qua và ban hành, các vụ truy tố tội phạm về các vi phạm tình báo, can thiệp nước ngoài, bí mật, phá hoại và tình báo kinh tế sẽ được trắc nghiệm tại các tòa án Úc và sẽ được truyền thông Úc đưa tin, qua đó những kẻ có âm mưu cũng phải suy nghĩ lại.
Thứ ba, ông Lewis biện luận luật nên áp dụng đồng đều và rộng khắp, không ngoại lệ. Ông Lewis không tán thành các đề nghị là có những địa hạt nên được miễn nhiễm về các luật này. Theo ông thì các miễn trừ (exemptions) trên căn bản có thể làm suy yếu/phá hoại luật này. Nếu giới truyền thông, hay các địa hạt khác, được ngoại lệ, thì sẽ làm cho luật ban hành không hiệu quả. Ông nhận xét rằng các ký giả truyền thông và các nhân viên tình báo, tuy có động cơ khác nhau, nhưng hoạt động không khác nhau bao nhiêu. Cả hai đều theo đuổi các thông tin và sự thẩm thấu vấn đề mà phần lớn nằm ngoài tầm của công chúng. Cũng vì như thế nên nghề ký giả có thể là sự bao bọc khá lý tưởng cho các thế lực nước ngoài để che đậy các hoạt động tình báo của họ, và các ký giả cũng vì như thế mà không có gì ngạc nhiên khi họ được các tình báo nước ngoài tiếp cận. Ông Lewis đã công nhận vai trò quan trọng của truyền thông trong việc đưa thông tin và phân tích để người dân hiểu rõ các hoạt động tình báo và can thiệp nước ngoài trong thời gian qua, nhưng ông cũng cảnh giác rằng những thế lực nước ngoài sẽ khai dụng kẻ hở nếu ký giả/truyền thông nói chung được miễn nhiễm từ luật này.
Cuối năm 2017, ký giả Angus Grigg của báo The Australian Financial Review đã cho biết một tình báo Trung Quốc đã tìm cách tuyển mộ ông, và trong phần điều trần, ông Lewis cũng xác nhận rằng cách thức của trường hợp này có vẻ nhất quán một cách kinh ngạc với các trường hợp mà ASIO điều tra, dù ông không thể nêu tên bất cứ ai, cơ quan hay quốc gia nào [12]. Về vấn đề này, người Việt có lẽ cũng không lạ gì với trường hợp tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn, nhất là qua tác phẩm Điệp Viên Hoàn Hảo của Larry Berman.
Tuy các đề nghị của ông Lewis nghe khá hợp lý, một nền dân chủ đề cao quyền và tự do là giá trị cao cả nhất của con người có chấp thuận các đề nghị này không khi truyền thông đóng vai trò quan trọng cho tự do thông tin và bày tỏ ?
Úc Châu, 20/02/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 22/02/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Michael Pillsbury, "One Hundred Years Marathon", Henry Holt and Company, February 2015 ; Chương 8, trang 166.
2. Như trên, trang 167.
3. Nick McKenzie, Richard Baker, Sashka Koloff and Chris Uhlmann, "The Chinese Communist Party's power and influence in Australia ", Four Corners, ABC, 29 March 2018.
4. Bevan Shields, "ASIO chief Duncan Lewis sounds fresh alarm over foreign interference threat ", Sydney Morning Herald, 24 May 2018.
5. Stephen Dziedzic, "Government needs to be 'very conscious' of foreign interference in Australian universities, ASIO says ", ABC News, 25 October 2017.
6. Andrew Greene, "Chongyi Feng's detention in China a blunt warning to Chinese Australians ", ABC News, 2 April 2017.
7. Primrose Riordan and Rachel Baxendale, "Detention of Chinese professor ‘an attack on Australian freedom’ ", The Australian, 31 March 2017.
8. Duncan Lewis, ASIO Annual Report (to Parliament) 2017 - 2018 , 25 September 2018.
9. George Brandis, "Statement to 4 Corners from Attorney-General ", ABC Four Corners, 2 June 2017.
10. Matthew Doran, "Senate rushes through foreign interference legislation before by-elections across the country ", ABC News, 28 June 2018.
11. Parliamentary Hearing, "PJCIS inquiry on the National Security Legislation Amendment (Espionage and Foreign Interference) Bill 2017 ", Official Committee Hansard, Parliamentary Joint Committee on Intelligence and Security, 16 March 2018.
12. Paul Karp, "Journalists would be recruited as foreign spies if exempted from new laws, Asio warns ", The Guardian, 16 March 2018.
Theo thông tin từ truyền thông nhà nước, ngày 29/5/2018 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Công Thương, UBND Thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa hệ thống truyền tải điện 500KV vào "Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia".
Hệ thống truyền tải điện 500KV được đưa vào "Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia".
Điện lực là một ngành kinh tế hạ tầng trọng yếu của bất kỳ quốc gia nào, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Hãy thử tưởng tượng Việt Nam mất điện trong một ngày xem : cả nền hành chính lẫn nền kinh tế quốc gia sẽ rơi vào cảnh đình trệ, thậm chí gần như bị tê liệt. Đối với một tỉnh hay một khu vực, ảnh hưởng do sự cố mất điện gây ra cũng tương tự.
Vì vậy, không chỉ hệ thống truyền tải điện 500KV, mà lẽ ra toàn bộ hệ thống truyền tải điện quốc gia (bao gồm đường dây 500KV và đường dây 220KV) cùng các nhà máy điện (đặc biệt là các nhà máy điện công suất lớn) đều phải được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Ai có thể xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam ?
Chủ thể có thể xâm phạm an ninh của một quốc gia là đối tượng đe dọa và đủ sức gây phương hại đến an ninh của quốc gia đó. Xét trên phương diện ấy, chỉ có kẻ khủng bố, tổ chức khủng bố hoặc quốc gia thù địch mới có thể đe dọa và xâm phạm an ninh của một quốc gia.
Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một cá nhân hay tổ chức khủng bố nào. Các tổ chức khủng bố trên thế giới thường xuất hiện tại các quốc gia có các tổ chức tôn giáo cực đoan. Vì thế, khả năng trong tương lai các cá nhân hay tổ chức khủng bố xuất hiện tại Việt Nam có thể bị loại trừ.
Như vậy, đối tượng có thể đe dọa và xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam chỉ có thể là các quốc gia thù địch. Theo tiêu chí ấy, Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất có thể đe dọa và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam, bởi họ không chỉ đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa cùng một phần Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên đòi độc chiếm 85% Biển Đông thông qua yêu sách đường lưỡi bò, mà còn nhiều lần đe dọa đánh chiếm phần còn lại ở Trường Sa và xâm lược Việt Nam.
(Tổng thống Obama từng đón tiếp người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng, một cử chỉ cho thấy Hoa Kỳ thừa nhận và tôn trọng chính thể hiện hành tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, Mỹ còn muốn thiết lập mối quan hệ đồng minh chiến lược với Việt Nam để cùng ngăn chặn hiểm họa chung mang tên Trung Quốc. Vì thế, có thể nói là Mỹ không đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam, mà ngược lại họ còn đang giúp Việt Nam đương đầu với Trung Quốc. Trong 3 quốc gia láng giềng của Việt Nam thì Lào được xem là đồng minh ; Campuchia thì chỉ có thể đe dọa và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam nếu được Trung Quốc xúi giục và hậu thuẫn).
Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực điện lực như thế nào ?
Thật trớ trêu, trong khi Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất đã, đang và tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam thì đâu đâu trên dải đất hình chữ S này người ta cũng thấy bàn tay lông lá của Bắc Kinh trong lĩnh vực điện lực. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện và thủy điện ở Việt Nam đều do Trung Quốc hoặc đầu tư theo hình thức BOT, hoặc làm tổng thầu (EPC), hoặc cung cấp thiết bị. Thậm chí, ngay cả đồng hồ đo điện tại các hộ dân cũng phần lớn là hàng "made in China".
Tại sao lại xảy ra sự thể lạ đời như vậy ? Câu trả lời nằm ở một người Việt gốc Hoa xuất thân từ ngành điện, đã chui sâu leo cao trong bộ máy quyền lực và khuynh loát ngành điện lực Việt Nam kể từ năm 1995 đến nay – đó là Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Công văn cho phép xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân theo đề nghị của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 14/01/2010
Hoàng Trung Hải làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hệ thống điện, Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1981. Từ 9/1995 đến 6/1997, ông ta là Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Trưởng ban Kiểm soát Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) ; từ 7/1997 đến 3/1998 : Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, phụ trách EVN ; từ 4/1998 đến 8/2000 : Tổng Giám đốc EVN ; từ 8/2000 đến 7/2002 : Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, phụ trách EVN ; từ 8/2002-7/2007 : Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (bộ chủ quản EVN) ; từ 8/2007 đến 4/2016 : Phó Thủ tướng Chính phủ đặc trách lĩnh vực kinh tế ngành, trong đó có ngành điện lực.
Trong suốt 20 năm nắm giữ các vị trí quan trọng nói trên, "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải đã gần như "Hán hóa" ngành điện lực Việt Nam, biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ các loại máy móc, thiết bị điện lực công nghệ lạc hậu và đặc biệt là gây ô nhiễm của Trung Quốc.
Là một kỹ sư hệ thống điện, gắn bó với ngành điện lực suốt 35 năm (từ 1981 đến 2016), trong đó có hơn 20 năm ở cương vị lãnh đạo, nên chúng ta cần cảnh giác trước khả năng Hoàng Trung Hải và Bắc Kinh có thể kiểm soát được một phần hoặc thậm chí toàn bộ hệ thống điện lực, ngành kinh tế hạ tầng đặc biệt trọng yếu của Việt Nam.
Vì vậy, việc mãi gần đây Thủ tướng Chính phủ mới quyết định đưa hệ thống truyền tải điện 500KV vào "Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia" chẳng khác gì "mất bò mới lo làm chuồng". Động thái này không chỉ muộn màn mà còn cho thấy là chính phủ cùng các cơ quan hữu trách vẫn chưa đánh giá hết những hiểm họa điện lực đang treo lơ lửng trên đầu dân tộc, trong bối cảnh một cuộc chiến trên Biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí không loại trừ nguy cơ chiến tranh trên bộ.
Dù vậy, muộn còn hơn không. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống điện lực Việt Nam, cả con người lẫn thiết bị, nhằm tránh lặp lại những thảm họa như sự cố mất điện toàn Miền Nam ngày 22/5/2013, một sự cố hết sức nghiêm trọng song thật kỳ lạ là đến nay vẫn chưa có bất kỳ cá nhân nào bị xử lý.
Ngoài ra, chính phủ cần bổ sung các nhà máy điện, nhất là những nhà máy công suất lớn, vào "Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia", đồng thời thực hiện chế độ giám sát chặt chẽ và thường xuyên những nhà máy điện do Trung Quốc làm chủ đầu tư, đặc biệt là tại những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng như Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận hay Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải ở Trà Vinh.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 19/06/2018
Thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam bàn luận khá nhiều về ba đặc khu kinh tế đang được đề xuất thành lập ở ba miền đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Một góc huyện Vân Đồn - Quảng Ninh.
Thực ra, việc thành lập đặc khu kinh tế đã được các cơ quan hữu trách Việt Nam nêu ra từ lâu. Đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo ra đời năm 1979, và tồn tại đến năm 1991 thì bị giải thể.
Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế sau đó được đưa vào Hiến pháp năm 1992, và được nhắc lại một số lần trong các văn kiện quan trọng của hệ thống chính trị, trước khi trở thành một chủ đề được dư luận quan tâm vài năm qua.
Tuy nhiên, tâm thế chung hiện nay là người ta chỉ còn bàn cãi xoay quanh những nội dung quan trọng của cơ chế vận hành đặc khu kinh tế. Mọi chuyện xem ra chỉ còn chờ Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trước khi Chính phủ chính thức đề xuất rồi Quốc hội bấm nút thông qua nữa là xong. Ngay cả vị trí của các đặc khu coi như cũng đã an bài – đó là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được đưa ra bàn thảo, và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 năm 2018.
Các vấn đề mang tính chất chuyên môn về cấu trúc tổ chức đặc khu cùng các thể chế thiết yếu kèm theo đã được nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật nêu lên. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về khía cạnh an ninh quốc gia của 3 đặc khu sắp sửa ra đời.
Đặc khu kinh tế : tính mở và nguy cơ
Đặc điểm nổi bật của đặc khu kinh tế là tính chất thông thoáng về mặt luật lệ và chính sách. Mục đích của sự thông thoáng là nhằm thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, song cũng chính vì thế mà các đặc khu lại trở thành đích nhắm và dễ để lọt những nhà đầu tư với toan tính mờ ám.
Do đó, vấn đề an ninh quốc gia cần phải được đặt ra một cách hết sức cẩn trọng trước khi quyết định thành lập một đặc khu kinh tế.
Vậy đối tượng mà chúng ta cần đề phòng là ai ?
Việc Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên tiếp đón Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng tháng 7 năm 2015 là một sự kiện mang đầy tính biểu tượng. Nó thể hiện sự thừa nhận chính thức của cường quốc đứng đầu thế giới tự do đối với chính thể hiện nay tại Việt Nam, đồng thời là sự đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không tấn công quốc gia cựu thù cộng sản.
Trong bài "Cách mạng dân chủ ở Việt Nam : từ dưới lên hay từ trên xuống", chúng tôi cũng đã chỉ ra một thực tế là mặc dù mong muốn và thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia tự do - dân chủ, song bản thân Hoa Kỳ cũng không muốn cộng sản Việt Nam sụp đổ trước khi bị thay thế, vì những hệ luỵ khó lường của nó.
Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã viết hàng loạt bài cảnh báovề việc người Trung Quốc núp bóng các dự án kinh tế để chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam. Đơn giản, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính quốc gia láng giềng phương Nam của họ.
Nếu các đặc khu kinh tế sắp thành lập của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược thì dĩ nhiên Bắc Kinh càng không thể bỏ qua, đặc biệt là khi thời hạn cho thuê đất có thể lên tới 99 năm như đề xuất của lãnh đạo Quảng Ninh và Kiên Giang.
Dưới đây, chúng ta sẽ đánh giá từng đặc khu sắp được thành lập.
Đặc khu Kinh tế Vân Đồn
Vân Đồn nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, án ngữ vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, và là trạm dừng chân đầu tiên trên tuyến hàng hải xuất phát từ Trung Quốc theo bờ biển Việt Nam xuống phía nam. Ngay từ năm 980, các triều đại phong kiến Việt Nam đã bố trí quân đội đồn trú tại đây để trấn giữ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Chừng đó đủ nói lên tầm quan trọng của Vân Đồn trong chiến lược phòng thủ quốc gia.
Đặc khu Kinh tế Vân Đồn
Từ năm 2015, tập đoàn Sun Group đã khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, và dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2018. Đây là sân bay dân sự (theo tiêu chuẩn cấp 4E của ICAO) kết hợp với quân sự (sân bay cấp II). Vân Đồn vì thế lại càng trở nên lợi hại về mặt quân sự, bởi ai làm chủ sân bay này sẽ kiểm soát được cả vùng trời lẫn vùng biển Đông Bắc Việt Nam.
Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong
Đây là đặc khu kinh tế nằm bao quanh vịnh Vân Phong, và là một vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng, vì những lý do sau.
Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong
Vân Phong là điểm cực đông của Việt Nam, nghĩa là nơi rất gần với các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa.
Với địa thế một bên là núi, một bên là biển và quốc lộ 1A là tuyến độc đạo nối liền giao thông Bắc - Nam, chỉ cần một lực lượng quân sự vừa phải là đủ sức chia cắt Việt Nam thành hai phần tại đây.
Từ Bắc Vân Phong chạy theo quốc lộ 26 chừng 130km là đã tới Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương.
Vịnh Vân Phong là vùng biển có độ sâu trung bình từ 20-27m, đủ sức đón mọi loại tàu. Đặc biệt, nhờ sự che chắn của các đảo và bán đảo, nên đây là một vịnh kín, có giá trị không thua kém mấy so với vịnh Cam Ranh.
Kiểm soát được vịnh Vân Phong, đối phương có thể uy hiếp được tàu bè ra vào vịnh Cam Ranh ("lá bài" quan trọng nhất của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Biển Đông và chỉ cách đấy khoảng 65km), đồng thời đe doạ các cơ sở quân sự tại Cam Ranh.
Đặc khu Kinh tế Phú Quốc
Tuy cách xa biên giới Việt - Trung hàng ngàn km, nhưng Phú Quốc lại là một trong những nơi đầu tiên đứng trước nguy cơ phải hứng đòn tấn công của Trung Quốc một khi chiến sự giữa hai nước nổ ra.
Đặc khu Kinh tế Phú Quốc : mô hình dự án sân bay quốc tế Phú Quốc (nguồn: Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam)
Hòn đảo rộng xấp xỉ diện tích Singapore này nằm cách bờ biển tỉnh Kiên Giang 46km, nhưng lại chỉ cách bờ biển Campuchia 26km, nơi mà từ năm 2016 Phnom Penh đã cho Trung Quốc thuê 90km (tức 20%) chiều dài bờ biển để xây dựng một cảng nước sâu chiến lược, với tổng mức đầu tư lên tới 3,8 tỷ USD, nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh.
Ngày 19/4/1975, hải quân Khmer Đỏ tấn công đảo Phú Quốc và đánh nhau với quân đội Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975. Ngày 4/5/1975, quân Khmer Đỏ lại đổ bộ lên Phú Quốc, nhưng đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh đuổi. Từ đó đến nay, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia vẫn nung nấu giấc mơ lấy lại Phú Quốc cũng như cả Nam Bộ, vùng đất mà họ cho là thuộc về Campuchia trong lịch sử.
Nếu kiểm soát được sân bay Phú Quốc, kết hợp với các sân bay trên đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và đảo Gạc Ma (Trường Sa), không quân Trung Quốc có thểkhống chế gần như toàn bộ vùng trời và vùng biển Việt Nam.
Phnom Penh nay đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Vậy nên những "phần thưởng" mà nằm mơ họ cũng không thấy như Phú Quốc hay thậm chí là cả Nam Bộ sẽ càng khiến họ sẵn sàng sát cánh cùng Trung Quốc lao lên phía trước khi hữu sự.
Nhà chức trách Việt Nam đang kỳ vọng các đặc khu kinh tế sẽ là những cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng.
Tuy nhiên, với những gì nêu trên, e rằng cả ba đặc khu kinh tế nằm ở những vị trí đặc biệt xung yếu của Việt Nam chưa kịp thấy phượng hoàng thì đã đứng trước nguy cơ trở thành "đất lành" cho hàng đàn diều hâu đến từ phương Bắc.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 25/11/2017