Một gia đình người Mỹ gốc Việt quen biết, mail cho người viết bài này phàn nàn, bọn trẻ bây giờ hỏng quá, chê phụ huynh lẩm cẩm, chọn "vỏ dưa" thay thế cho "vỏ dừa". Chống cộng ác liệt nhưng lại ủng hộ một Trump độc đoán cũng ác liệt không kém… Con cái không nhìn mặt bố mẹ, phu thê cũng tiếng bấc tiếng chỉ, tất cả chỉ vì các vụ cãi vã xung quanh Trump – Biden.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump và Tổng thống tân cử Biden ở Michigan hôm 14/12/2020 - Reuters
Nước Mỹ lấy lại phong độ ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà đấu tranh không khoan nhượng cho dân chủ và nhân quyền vừa đăng đàn trên "Tiếng Dân" bài viết dưới nhan đề "Nước Mỹ thật vĩ đại !" Lập tức ông bị comment đầu tiên cho là "thằng ngốc !" (An idiot !) Tuy nhiên, comment khác – một Ước Nguyễn nào đó – lại đánh giá, phân tích của Tiến sĩ Quang A là xác đáng, cho thấy tại sao Mary Trump (cháu gái của Trump), tặng cho chú ruột của mình danh hiệu là người nguy hiểm nhất thế gian. Thậm chí, còn có đề nghị Tiến sĩ Quang A hãy viết một bài về di sản của Trump để lại đối với người Việt và những bài học nào cần rút ra cho những thành phần thân Trump nhưng vẫn cam kết đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.
Trên giải đất hình chữ S này, bạn bè thân thiết, vai kề vai trong xã hội dân sự, ấy vậy nhưng cũng suýt đánh nhau, chỉ vì anh này ca ngợi Biden, người kia bảo vệ "ngôi báu" cho Trump. Nhiều cư dân mạng than thở, mấy tháng qua, đọc tin trên các "phây" mà như lạc vào rừng rậm. Đi picnic trên vùng Cao – Bắc – Lạng, vào ‘homestay’ buổi tối nghe người già mắng con cháu : "Chúng mày dẹp mấy cái phim Hàn ‘sến chảy nước’ cho tao nhờ. Không lo mà theo dõi thời sự, 10 điều họ nói dối trên TV thì may ra cũng có 1 điều đúng đấy. Mà không chịu khó nghe tin tức, Tàu nó đánh cho đến đít rồi trở tay không kịp đâu !"
Ôi bà mẹ Việt Nam, thời nào cũng phải lo chuyện giặc giã, thời nào cũng phải lo chuyện chạy loạn. Ôi những công dân Việt Nam, "chuyện nhà thì nhác, chuyện chú bác thì siêng". Chúng ta mit tinh chửi "đế quốc Mỹ", chúng ta kỷ niệm "chống Mỹ cứu nước", chúng ta vinh danh các anh hùng thời đại (Nhưng lại ra lệnh đục bỏ bia ghi các dấu tích về cuộc chiến đẫm máu trên biên giới tháng 2/1979)… Xây dựng tượng đài nghìn tỷ, một cách công khai, chúng ta không chút xấu hổ với tiền nhân. Ồn ào bàn chính sự, ông nọ lên, bà kia xuống, phe này mạnh, phe kia yếu… Thử hỏi có khi nào chúng ta nhớ lại lời các cụ dặn qua đồng giao : "Ai ơi chớ vội làm giàu/ Ông Tây ổng rút, thằng Tàu nó qua". Đúng là chuyện Trump – Biden có dính đến việc "ông Tây và thằng Tàu" thật.
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump bên ngoài Tối cao Pháp viện ở Washington DC hôm 11/12/2020. Reuters
Thấy Trump lên án CNCS trước ĐHĐ/Liên Hiệp Quốc, bao người Việt hoan hỉ. Thấy Trump phân biệt người dân Trung Quốc với Đảng cộng sản Trung Quốc để xử lý và trừng phạt thì "sợ thay mà lại mừng thầm cho ai". Sợ cộng sản Việt Nam ngứa mồm, gân cổ chửi "đế quốc Mỹ" giữa Đại hội đồng, nhưng lại mừng là từ nay, biết đâu "anh em dân chủ" sẽ có cơ hội ? Từ chiến tranh vi trùng Vũ Hán đến các hòm phiếu gian lận tận Hoa Kỳ, đâu đâu bàn tay lông lá của đại bá Bắc Kinh cũng thọc sâu vào được. Một vị cao niên trong xã hội dân sự đành "tự sướng" : Đến nước Mỹ vĩ đại của Trump, Kerry mà Tàu khựa còn khuynh loát được thì đừng trách những Phú Trọng, Quốc Vượng… vốn chỉ là "những đứa con hoang" /prodigal sons/ (biệt danh Dương Khiết Trì dùng từ năm 2014) làm sao thoát khỏi nanh vuốt Tàu !
Quả thật nước Mỹ đang trong cơn hoạn nạn. Ông Biden nếu được công nhận, sẽ thừa kế một đất nước chia rẽ sâu sắc, lại bị đại dịch hoành hành, nợ công cao ngất ngưởng, dân chủ bị đe doạ và vị thế toàn cầu đang suy yếu. Những vấn đề từ trước khi ông Trump ngồi vào ghế tổng thống vẫn còn đó : công nghiệp chế tạo teo tóp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng và tầng lớp trung lưu bất mãn với giới chính trị gia tháp ngà, xa rời cuộc sống của đại đa số. Nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định nước Mỹ sẽ thất bại, sẽ trở thành một nước "thế giới thứ ba". Hay như Giáo sư Michael Lind, Đại Học Texas, cảnh báo Mỹ sẽ là "phiên bản nói tiếng Anh như một Cộng hòa Châu Mỹ La tinh nào đó, với nền kinh tế dựa vào tài nguyên, bất động sản, du lịch và trốn thuế xuyên quốc gia !"
Sự thật có phải thế không ? Thế kỷ 20 Mỹ đã không ít lần như rơi vào suy thoái : Đại khủng hoảng 1930, rồi bị Liên Xô vượt lên trong vụ Sputnik, bất ổn chính trị và xã hội 1960 – 1970 cùng với chiến tranh Việt Nam, khủng hoảng tài chính 2008… Nhưng nước Mỹ đã không sụp đổ mà ngược lại, mỗi lần ra khỏi bất ổn nước Mỹ lại mạnh mẽ hơn. Khủng hoảng 1930 đã khai sinh chương trình "New Deal" định hình lại nền kinh tế. Vụ Sputnik thúc đẩy khoa học không gian phát triển, đưa người lên mặt trăng năm 1965 và mở rộng chương trình thám hiểm các hành tinh vượt ra ngoài Thái dương hệ. Bất ổn xã hội dẫn tới cải cách luật pháp về nhân quyền, quyền bầu cử, củng cố nhà nước pháp quyền. Thất bại Việt Nam dẫn đến bỏ luật quân dịch, xây dựng quân đội ngày càng hiện đại.
Nên suy xét lại điều gì ?
Lần này có thể cũng sẽ như vậy. Bên cạnh những điểm yếu dễ thấy và mang tính toàn cầu, như tình trạng phân cực chính trị, chia rẽ trong xã hội, tình trạng bất bình đẳng kinh tế, suy giảm công nghiệp chế tạo… Mỹ vẫn có những thế mạnh mà nhiều nước, kể cả Trung Quốc không thể sánh được, như dân số trẻ và đầy năng lực sáng tạo, tài nguyên phong phú, vị thế thống trị tài chính toàn cầu, các đường biên giới hòa bình và thân thiện cùng với những liên minh vững chắc khắp thế giới. Những lợi thế này hoàn toàn có thể giúp nước Mỹ lấy lại phong độ, tái lập được đoàn kết quốc gia dưới sự lãnh đạo của một chính phủ vẫn thực sự đặt quyền lợi quốc gia – dân tộc lên trên lợi ích đảng phái.
Sự hỗn độn vừa qua ở Mỹ (Mặc dầu biết rằng hỗn độn cũng là một trật tự) làm chúng ta nhớ lại con đường gập ghềnh dẫn tới sự ra đời và phát triển của nền dân chủ Athens. Trong khi một số nhà nghiên cứu tin rằng nền dân chủ Athens trải qua 7 giai đoạn, thì một số nhà chính trị học sau này lại có cái nhìn khác. Họ phân ra 12 thời kỳ hưng vong trong sự phát triển của dân chủ Athens, bao gồm cả thể chế "đầu sỏ" Eupatrid khởi nguồn và sự ra đời của Macedonian sau cùng thống trị La Mã. Rõ ràng, từ thuở hồng hoang, dân chủ đã không phải là bữa trưa miễn phí. Đó là chưa nói tới những vị mặn chát 10 năm sau cách mạng Hoa Nhài. Nhìn vào bức tranh kinh tế – xã hội Tunisa hiện tại, có quan ngại cho rằng "những bông hoa nhài" 10 năm trước nay đang tàn úa.
Tuy nhiên, so sánh giữa các mô hình phát triển, vẫn có thể nhận thấy, nhà nước pháp quyền bao giờ cũng ưu việt hơn chế độ độc tài – toàn trị. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua phơi bày nhiều vấn đề "tiêu cực" của thể chế Mỹ, song tại sao lại không nhìn thấy ở đó sức mạnh của nền dân chủ trưởng thành, có thể tự sửa chữa, vượt qua cam go để tồn tại ngay trong những khoảnh khắc tưởng chừng rất nguy nan. Người Mỹ từng kỳ vọng nhiều vào ông Trump như là người có khả năng "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Nhưng khi Trump có khuynh hướng độc tôn thì nền dân chủ Mỹ phải tìm được người thay thế để quản trị đất nước, tập hợp được những định chế và quy ước kiểm soát và cân bằng quyền lực, giúp điều chỉnh xã hội tránh những sai lầm và thất bại.
Hội nghị Trung ương 14 của Đảng cộng sản Việt Nam bàn về nhân sự lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội hôm 14/12/2020. Báo Chính Phủ
Hãy đừng lao vào cuộc cãi vã Trump – Biden mà quên mất thực trạng bi đát của đất nước. Tại sao ở Việt Nam không mấy ai quan tâm đến Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam ? Thậm chí người dân còn nhìn nhận sự kiện dưới ảnh hưởng của điềm báo tâm linh. Đại hội thứ 13 của Đảng khai mạc vào đầu sang năm. Đại hội 13, ứng với 13 cơn bão đổ bộ vào đất nước này trong năm nay. Cũng kỳ lạ khi con số tướng tá quân đội bị chôn vùi trong sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng là 13 và tổng số quân dân chết vì bão lũ vừa qua, được thống kê là 130 người. Quốc gia đại nạn, dịch bệnh từ "bạn vàng" làm dân tình khốn đốn. Chỉ có dân nghèo là gánh chịu cơn thịnh nộ của thiên tai. Quan lại từ địa phương đến trung ương mặc sức vơ vét hàng trăm ngàn tỷ, phè phỡn, đại hội và chia ghế.
Cuối cùng, từ nay Việt Nam không cần chọn phe, mà phải chọn xu thế. Ngày nay không thể "đánh đu" trong quan hệ quốc tế. Phải có đầu óc tự cường để hướng về một "Trật tự Thế giới" trong đó kiến tạo ra một "lộ trình" từ bỏ độc tài để đi tới dân chủ và pháp quyền. Có thể chia sẻ với nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, người vừa mới chia tay chúng ta ở tuổi 74 : "Lịch sử nhân loại chứng minh mọi nhà nước độc tài đều sụp đổ. Vì sự phát triển của xã hội loài người mà các thể chế dần dần được thay bằng thể chế dân chủ. Quá trình dân chủ hóa đời sống loài người là một quá trình kiên nhẫn của lịch sử và những nghiên cứu xoay quanh quá trình kiên nhẫn ấy đã đưa đến kết luận : nền dân chủ là cơ chế duy nhất có thể khắc phục tất cả các hiện tượng tiêu cực…"./.
Tuyết Mai
Nguồn : RFA, 18/12/2020
Tham khảo thêm các trang :
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/my-xuong-trung-quoc-len/
https://baotiengdan.com/2020/12/12/nuoc-my-that-vi-dai/
http://www.tintuchangngay.org/2020/12/le-van-oanh-hoi-nghi-trung-uong-14-so.html
So găng
Nguyễn Nam, VNTB, 23/03/2022
Trên mạng xã hội đang ‘truyền nhau’ bản danh sách ứng viên cho dàn ‘nội các’ mới của đảng chính trị – quốc hội – chính phủ. Tuy nhiên lại không phân tích vì sao lại ‘cơ cấu’ nhân sự như vậy.
Ai trong số những người này được cơ cấu ở lại Trung ương đảng trong Đại hội 13 sắp tới ?
Rộng đường tham khảo, xin giới thiệu ở đây là một phân tích về cơ cấu nhân sự, qua góc nhìn của nhà báo Phạm Minh Mẫn vốn từng là thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ. Ông Mẫn quê Thái Bình, hiện sống ở Sài Gòn.
Đến nay vẫn chưa rõ nhân sự Đại hội XIII sẽ nhất thể hóa chức danh tổng bí thư – chủ tịch nước như Trung Quốc, Lào hay sẽ trở lại phương án Tứ trụ ? Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ quan điểm "quyền to thế (Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước) ai kiểm soát nổi ông ?", và việc "kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước (khi ông Trần Đại Quang qua đời) chỉ là tình thế trước mắt". Như vậy ta ngầm hiểu sẽ có các chức danh theo hướng tứ trụ ?
Tổng bí thư - Chủ tịch nước vừa chủ trì một cuộc họp của Tiểu ban nhân sự Đại hôi XIII trước khi báo cáo Bộ Chính trị (Bộ Chính trị). Việc quy hoạch sắp xếp, dự kiến nhân sự là một quy trình vừa đóng vừa mở, thay đổi tùy theo diễn biến thời cuộc. Trường hợp ứng cử viên Tổng bí thư Hồ Đức Việt – nguyên Trưởng ban Tổ chức trung ương (khóa XI) bị KO (nốc- ao) vào ngày cuối Đại hội trù bị là một ví dụ. Mọi sự còn trong vòng bí mật, vì thế, đừng ai vội tin những lạm bàn dưới đây…
1. Trần Quốc Vượng, sinh 1953, quê Thái Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư : ứng viên Tổng bí thư - Chủ tịch nước.
Điểm cộng : ông Trần Quốc Vượng nằm trong "trường hợp đặc biệt" theo Quy định 214 của Bộ Chính trị (tuy quá tuổi nhưng vẫn tham gia Bộ Chính trị khóa tới). Đã có tiền lệ Thường trực Ban Bí thư lên chức Tổng bí thư như ông Lê Khả Phiêu. Ông Trần Quốc Vượng được xem là trong sạch, liêm khiết, không bị điều tiếng về đời tư. Có quyết tâm chống tham nhũng cao, được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ủng hộ.
Điểm trừ : Ông Trần Quốc Vượng chưa có thời gian luân chuyển làm lãnh đạo địa phương, uy tín chỉ mới nổi trong thời gian giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, mới tham gia Bộ Chính trị gần trọn một nhiệm kỳ.
2. Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, Quê Nghệ An, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ứng viên thủ tướng chính phủ.
Điểm cộng : Ông Vương Đình Huệ có thực học, có chuyên môn quản lý về kinh tế, tài chính (GS-TS Kinh tế). Ông đã kinh qua lãnh đạo bộ, ngành, địa phương (Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội). Ông Huệ đủ độ tuổi có thể quy hoạch nguồn Tổng bí thư hoặc Chủ tịch nước khóa XIV. Chưa bị tai tiếng về đời tư.
Điểm trừ : Tham gia chưa trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị. Một số phát ngôn còn vội vã, hãnh tiến và chưa thật chuẩn (khi nói về tôn chỉ mục đích của báo chí).
3. Trương Hòa Bình, sinh 1955, quê Long An, ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực, ứng viên chủ tịch quốc hội.
Điểm cộng : Có chuyên môn về pháp luật (thạc sĩ luật), từng là Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Thích hợp với cơ cấu nhân sự đại diện vùng miền.
Điểm trừ : Được nhận xét là xử thế trung dung, thiếu quyết đoán.
B. Phương án tứ trụ
Các ứng viên gồm :
1. Tổng bí thư : Trần Quốc Vượng.
2. Chủ tịch nước : Trương Hòa Bình.
3. Thủ tướng Chính phủ : Vương Đình Huệ.
4. Chủ tịch quốc hội có 2 ứng viên :
– Nguyễn Hòa Bình (sinh 1958, quê Quảng Ngãi, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Tối cao)
– Tòng Thị Phóng (sinh 1954, ủy viên Bộ Chính trị – Phó Chủ tịch thường trực quốc hội), nằm trong trương hợp đặc biệt theo quy định 241.
Sở dĩ trong danh sách tứ trụ khóa tới tôi không đưa tên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì ông Phúc sinh 1954 đã quá tuổi như ông Trần Quốc Vượng và bà Tòng Thị Phóng, trong khi Quy định 214 khóa tới chỉ nêu 1 trường hợp đặc biệt. Nếu Ban Chấp hành trung ương chấp nhận 2 trường hợp đặc biệt thì ứng viên Chủ tịch nước dành cho ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình vẫn là ứng viên Chủ tịch quốc hội.
Các ứng viên chủ chốt khác :
– Trương Thị Mai, sinh 1958, quê Quảng Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban dân vận Trung ương : Ứng viên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Phương án trung dung.
– Phạm Minh Chính, sinh 1958, quê Thanh Hóa, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, ứng viên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Phương án sốc nhiệt.
– Phan Đình Trạc, sinh 1958, quê Nghệ An, Bí thư trung ương đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, ứng viên Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
– Hoàng Bình Quân, sinh 1959, quê Thái Bình, ủy viên Trung ương đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ứng viên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
– Nguyễn Văn Bình, sinh 1961, quê Phú Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, ứng viên Thường trực Ban Bí thư.
– Vũ Đức Đam, sinh 1964, quê Hải Dương, Uỷ viên Trung ương đảng, tái cử Phó thủ tướng.
– Võ Văn Thưởng, sinh 1970, quê Vĩnh Long, ủy viên Bộ Chính trị, ứng cử Trưởng ban Dân vận Trung ương. Phương án tế nhị.
– Phạm Bình Minh, sinh 1959, quê Nam Định, ủy viên Bộ Chính trị, tái ứng cử Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao.
– Trần Cẩm Tú, sinh 1961, quê Hà Tĩnh, Bí thư Trung ương Đảng, tái ứng cử Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương.
– Lương Cường, sinh 1957, quê Phú Thọ, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục chính tr, ứng viên Bộ tưởng Bộ Quốc phòng.
Riêng trường hợp Đại tướng Tô Lâm, sinh 1959, quê Hưng Yên, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, tôi không biết nên để ông làm ứng viên vị trí nào. Có thể ông Tô Lâm vẫn là Bộ trưởng Công an khóa tới hoặc phải "đi lên" như ông Trần Đại Quang, nhưng việc này khó xảy ra. Có người nói ông Tô Lâm sẽ về Ban Tổ chức Trung ương, cũng là một phương án. Nếu ông Tô Lâm thôi chức Bộ trưởng thì một trong hai Thượng tướng, Thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương sẽ là ứng viên.
"Vẫn còn hơn 365 ngày trái đất bận rộn quay quanh mặt trời nên mọi suy đoán vẫn chỉ là… suy đoán. Nhưng không ai cấm thử bàn luận việc nhân sự của thiên đình, coi như một kênh tham khảo ý kiến đảng viên cấp cơ sở. Ai phê phán đây là việc làm "cầm đèn chạy trước ô tô" thì tác giả xin nhận thiếu sót !" – ông Phạm Minh Mẫn, chia sẻ như một lời phi lộ.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 23/03/2020
*********************
Đi tìm lá phiếu rộng rãi từ đảng viên
Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 23/03/2020
Ngay cả trong nội bộ đảng chính trị còn chưa có lá phiếu dân chủ trong bầu cử, thì nói chi tới dân chủ ngoài cộng đồng.
Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến được tổ chức vào quý I/2021, thời gian còn khoảng 1 năm nữa. Về lý thuyết thì mọi đảng viên đều có nghĩa vụ tham gia góp ý, đề xuất với Đảng "để nâng cao chất lượng thảo luận, phản biện, đóng góp ý kiến khi quyết định những chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và địa phương" (Chỉ thị 35/CT-TƯ), kể cả công tác nhân sự (1).
Tuy nhiên do là Đại hội Đại biểu toàn quốc nên đảng viên chi bộ cấp cơ sở, kể cả đảng viên đảng bộ phường, xã, quận, huyện, rất ít người có cơ hội bỏ lá phiếu trực tiếp của mình để bầu ra lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Thực tế trên tương tự với những gì mà lâu nay trên hệ thống báo chí của nhà nước đã nhiều lần đề cập về chủ đề "Đảng cử – Dân bầu".
Có một lưu ý là ở Việt Nam mỗi lần bàn luận về chuyện liên quan bầu cử thường dễ bị chụp chiếc mũ là ‘tự diễn biến’ – trong trường hợp đó là ý kiến của đảng viên ; chiếc mũ ‘diễn biến hòa bình’ khi kêu gọi cần xóa cơ chế ‘Đảng cử dân bầu’.
Không có cuộc bầu cử nào không mang tính giai cấp và không có bóng dáng của các đảng chính trị. Tuy nhiên ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị, không có sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm lá phiếu của quần chúng cử tri, nên khi một mình một chợ thì dễ sinh tâm lý ‘vua một cõi’, và trong nhiều trường hợp ‘dân chủ’ là một từ mang tính trang sức cho chính sách.
Trong đảng chính trị ở cấp địa phương cũng vậy, khi mà không ít đảng viên ở thời mà ông Lê Thanh Hải còn là bí thư Quận ủy quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh, đã nhận xét về ngài bí thư quan liêu, tạo phe cánh củng cố lợi ích nhóm. Thế nhưng mọi chuyện vẫn tiếp tục thăng tiến đường hoạn lộ với đảng viên Lê Thanh Hải. Trên đỉnh cao quyền lực kéo dài hơn hai nhiệm kỳ là Bí thư Thành ủy ở một quốc gia có độc đảng chính trị, thì dân chủ ngay trong chính nội bộ đảng đó, với ông Lê Thanh Hải là điều xa xỉ, và dân chủ trong đảng là thứ quyền lực được ban phát.
Những cung cách lấy lá phiếu tín nhiệm kiểu ‘ba phải’ như lâu nay (3) trong nội bộ đảng, cho thấy là một thách thức tung hứng chữ nghĩa, tương tự như chuyện ‘cách’ các chức vụ trong quá khứ của một quan chức đảng nào đó đã hồi hưu.
Tôi nhớ trên báo Tuổi Trẻ từng đăng ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng, rằng : "Cần xây dựng cho được cơ chế giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao, nhằm xóa bỏ mặc định Đảng cử dân bầu vốn trở thành nguyên tắc lâu nay. Cần đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước. Phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng về cơ cấu, nặng theo hướng giảm đến mức tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia Quốc hội, nhằm tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, địa phương, không ngại vất vả, dự họp Quốc hội hàng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp Quốc hội" (2).
Tôi nghĩ rằng trong khi nguyện vọng trên của ông Huỳnh Nghĩa chưa thực hiện được, thì hãy bắt đầu ngay trong chính nội bộ của đảng chính trị.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 23/03/2020
Chú thích :
(1)https://binhphuoc.gov.vn/stp/tuyen-truyen-dh-dang-bo-cac-cap/chi-thi-so/35-ct-tw-ngay/30-5-2019-cua-bo-chinh-tri-ve-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-234.html ;http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/huong-dan-so-26-hdbtctw-ngay-18102019-cua-ban-to-chuc-trung-uong-ve-mot-so-noi-dung-chi-thi-so/35-cttw-cua-bo-chinh-tri-5788.
(2)https://tuoitre.vn/can-xoa-co-che-dang-cu-dan-bau-613128.htm
(3)http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-262-qdtw-ngay-8102014-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-lay-phieu-tin-nhiem-doi-voi-thanh-vien-lanh-dao-cap-uy-va-164
Thỏa hiệp cơ hội của ông Trương Tấn Sang
Trong bài "Phe cấp tiến trong Đảng Cộng sản Việt Nam từng trỗi dậy ngoạn mục như thế nào ?", tôi đã trình bày về việc phe cấp tiến trong đảng từng hai lần trỗi dậy rất mạnh mẽ, thậm chí lấn át phe bảo thủ. Lần thứ nhất là từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2009, và lần thứ hai là từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2013.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cụng ly cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết ở Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 19/6/2013.
Tình hình bắt đầu thay đổi ngay trước chuyến thăm Trung Quốc đột ngột của Chủ tịch Việt Nam từ ngày 19 đến 21/6/2013. Ngày 13/6/2013, blogger/nhà văn Phạm Viết Đào, một tiếng nói chống Trung Quốc mạnh mẽ ở quốc nội, bị bắt khẩn cấp. Vụ bắt bớ này diễn ra hợp logic với tư thế của ông Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cũng như những nội dung tai hại trong bản Tuyên bố chung Việt - Trung ngày 21/6/2013 : Trương Tấn Sang đã quy phục Trung Quốc, ông ta đã lộ rõ là một nhân vật cơ hội, hầu mong được Bắc Kinh "chuẩn thuận" cho tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư tại Đại hội XII.
Sau khi ông Trương Tấn Sang thỏa hiệp với phe bảo thủ, phong trào đấu tranh, kể cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bắt đầu bị trấn áp khốc liệt. Những nhân vật nổi trội như nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, blogger Anh Ba Sàm… lần lượt bị bắt giam và kết án tù, với những cáo buộc mơ hồ, lố bịch.
Bối cảnh phức tạp sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang
Việc ông Trương Tấn Sang quy thuận Trung Quốc, trở thành ứng cử viên số 1 để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII, đồng nghĩa với việc một ứng cử viên hàng đầu khác là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bị gạt ra ngoài. Thông qua bộ máy an ninh dưới quyền, ông Trần Đại Quang nắm được bằng chứng phạm tội (phản quốc) của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang để kiểm soát họ, nhưng ông ta lại không thể làm điều tương tự với ông Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà sau khi ông Trương Tấn Sang "sập bẫy" và bị "lật kèo", với sự hậu thuẫn hết mình của Bắc Kinh, dần dần trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vị Tổng bí thư. Trước tình thế đó, tôi (cùng vợ là Lê Thị Phương Anh) tiếp tục tố cáo tội ác của liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh và cả hai thế lực che chắn cho họ là Nguyễn Phú Trọng - Trương Tấn Sang. Vụ tố cáo ấy là vũ khí duy nhất để ông Trần Đại Quang ngăn chặn ông Nguyễn Tấn Dũng cạnh tranh với mình vào chiếc ghế Tổng bí thư. (Tôi đã gửi đơn thư tố cáo mới cho Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc từ ngày 16/9/2013).
Khi bị Công an Đồng Nai bắt giữ trái phép ngày 15/5/2014, cô Lê Thị Phương Anh, nhân chứng sống của vụ tố cáo, người từng nằm trong đường dây ma túy của ông Hoàng Trung Hải, đã khai ra vai trò của ông Trần Đại Quang rồi bị ép buộc phủ nhận vụ tố cáo. Dù vậy, đến nay Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc vẫn chưa hồi âm cho tôi về đơn thư ngày 16/9/2013, bởi nhà chức trách vẫn chưa trả lời ông. (Tất cả những lời khai của cô Lê Thị Phương Anh liên quan đến tôi, dưới sự đe dọa của công an, đều mới chỉ là lời khai một chiều, điều mà ngay sau khi ra tù cô đã công khai lên tiếng trên truyền thông quốc tế). Nhờ vụ tố cáo đó cùng loạt bài vạch trần cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng của tôi trên trang mạng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và Bauxite Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã thuyết phục được phần lớn các vị uỷ viên Bộ Chính trị ngăn chặn thành công hiểm họa bắc thuộc mang tên Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, do chưa đủ uy tín trong khi vẫn còn khoác trên người bộ sắc phục công an nên ông Trần Đại Quang buộc phải chấp nhận "giải pháp quá độ" Nguyễn Phú Trọng để loại bỏ ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ngăn chặn được hiểm họa Nguyễn Tấn Dũng nhưng ông Trần Đại Quang vẫn phải thỏa hiệp với Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải, người nắm trong tay bằng chứng phạm tội của một loạt lãnh đạo chóp bu (những quả bom đủ mạnh khiến chế độ sụp đổ) : cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (như tôi đã tố cáo từ ngày 21/4/2008) cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (như tôi đã công bố trong "Tài liệu tố cáo Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang bán nước" ngày 1/7/2015). Trước thềm Đại hội XII, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã nhiều lần "công cán" cùng Hoàng Trung Hải trong bối cảnh vụ tố cáo nhằm vào ông ta vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật. Điều này đã góp phần quan trọng để Hoàng Trung Hải đường hoàng vào Bộ Chính trị tại Đại hội XII.
Do ông Trần Đại Quang thỏa hiệp với Hoàng Trung Hải nên thứ "bảo bối" mà trước kia ông từng dùng để kiềm tỏa ông Nguyễn Phú Trọng (dẫn đến chuyến công du Mỹ lần đầu tiên của một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) không còn "công hiệu" như thời ông còn là Bộ trưởng Công an, nhất là khi ông đã an tọa trên chiếc ghế "dưới một người trên muôn người". Điều này giải thích tại sao ngày 17/8/2016, Ban Bí thư mới ra thông báo về việc không xem xét điều chỉnh tuổi đảng viên mà chỉ căn cứ hồ sơ gốc, thay vì thời điểm trước Đại hội XII. Đây được cho là "đòn hiểm" nhằm vào ông Trần Đại Quang. Cơ hội thay thế ông Nguyễn Phú Trọng của ông Trần Đại Quang, vốn hết sức sáng sủa ngay sau Đại hội XII, thực sự bị đặt dấu hỏi.
Lập trường chính trị của các lãnh đạo chóp bu hiện nay
Bây giờ chúng ta sẽ đánh giá lập trường chính trị của những nhà lãnh đạo đang đặt dấu ấn lớn nhất lên tiến trình đất nước.
Ông Đinh Thê Huynh (thứ nhất từ trái) đứng cùng "tứ trụ" lãnh đạo Việt Nam trong ngày kết thúc Đại hội đảng lần thứ 12 (28/01/2016)
1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngoài "điểm sáng" duy nhất là bài phát biểu ngày 19/10/2011 (dưới sự thúc bách của phe nhóm Trương Tấn Sang), ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật luôn nhất quán với lập trường bảo thủ, thân Tàu, đồng thời là vật cản lớn nhất cho khát vọng "thoát Trung" và cải cách thể chế của đất nước. Qua chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 12 đến 15/1/2017, quyết tâm biến Việt Nam thành "một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc" của ông ta xem ra lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí, sau chuyến công du này, trong dư luận còn có tin là Bắc Kinh đã chỉ đạo ông Nguyễn Phú Trọng đưa Hoàng Trung Hải lên ngôi vị Tổng bí thư.
2. Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Bắt đầu từ cuối năm 2014, sân khấu chính trị Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện nổi bật của một nhân vật đặc biệt – Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Điều này càng thể hiện rõ sau chuyến thăm Mỹ của ông vào tháng 3/2015, mà dư luận coi là chuyến đi khai thông cho chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Sau chuyến công du dài ngày và tiếp xúc với nhiều giới chức Mỹ, ông Trần Đại Quang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng bí thư khóa XII. Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục tại vị, nhưng với "hành trang" kể trên, không ít người vẫn kỳ vọng ông Trần Đại Quang sẽ là thủ lĩnh của phe cấp tiến, thân Mỹ trong bộ máy, thúc đẩy công cuộc "thoát Trung" và cải cách, như những gì mà hai vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã từng làm. Song đáng tiếc là ông vẫn chưa thể hiện được gì nhiều. Và càng đặt hy vọng vào ông sau chuyến thăm Mỹ bao nhiêu thì người ta lại càng thất vọng bấy nhiêu khi chứng kiến Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải (một người Hán trá hình chui sâu leo cao trong bộ máy và gây ra không biết bao nhiêu thảm họa cho đất nước, mà Formosa Hà Tĩnh mới chỉ là phần nổi của tảng băng) đi cùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm Cuba, rồi sang Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC từ ngày 15 đến 20/11/2016. Ngoài ra, với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo xuất thân từ ngành công an, người ta có lý do để nghi ngờ khả năng của ông khi dẫn dắt cuộc chơi "hai trong một" mang tên "thoát Trung" và "cải cách thể chế". Dù vậy, việc sắm vai một "Thein Sein Việt Nam" khi đất nước chuyển tiếp sang chính thể dân chủ xem ra không vượt quá khả năng của ông. Quan trọng hơn, đây là điều mà dường như không ai khác làm được trong giai đoạn quyết định hiện nay.
3. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nguyễn Xuân Phúc từng là đối tượng đả kích số 1 của Chân Dung Quyền Lực, một blog được cho là do ông Nguyễn Tấn Dũng lập ra để đánh bóng bản thân và tấn công đối thủ. Vì thế, có thể khẳng định ông chưa bị Bắc Kinh khống chế và thao túng như người tiền nhiệm. Điều này phần nào thể hiện qua kết quả 9 tháng điều hành nền kinh tế của tân Thủ tướng, trong bối cảnh chuyến thăm Trung Quốc của ông từ ngày 10 đến 15/9/2016 vẫn gây nhiều quan ngại, cũng như hình ảnh ông lọ mọ đến Quảng Ninh để tiếp Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây sang "giao lưu" với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam ngày 10/2 vừa qua.
Mặc dù là người đang kêu gọi tiến hành cải cách khá mạnh mẽ, nhưng với một nhân vật từng chỉ đạo xử lý blogger Nguyễn Xuân Diện hồi năm 2012, người ta có lý do chính đáng để hoài nghi mức độ triệt để của những cải cách đó, và càng khó có thể coi ông là thủ lĩnh mới của phe cấp tiến, trừ phi ông đủ bản lĩnh và thực sự có tâm với đất nước.
4. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Trong số 4 vị "tứ trụ triều đình", bà Chủ tịch quốc hội là người để lại ít ấn tượng nhất. Người ta bàn tán nhiều nhất về bà là hình ảnh bà hướng dẫn Tổng thống Mỹ Obama đến thăm "Ao cá Bác Hồ" và câu phát ngôn "Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng họ đã làm gì cho đất nước ?". Chiếc áo Chủ tịch quốc hội xem ra đã quá rộng đối với bà thì dĩ nhiên bà sẽ tìm mọi cách để duy trì cái hệ thống đã đưa bà lên địa vị hiện tại.
5. Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh
Dường như tất cả những "phẩm chất" bảo thủ, giáo điều và thân Tàu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều chảy trong huyết quản của cựu Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, người từng lạnh lùng tuyên bố "Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng" ngay trước thềm Đại hội XI. Ông Nguyễn Phú Trọng vì vậy đang tìm cách để đưa ông ta vào vị trí lèo lái con thuyền đất nước hòng kế tục "sự nghiệp Hán hóa Việt Nam" của mình.
Tóm lại, sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang tháng 6/2013, chính trường Việt Nam đã gần như không còn tồn tại phe cấp tiến, lực lượng thúc đẩy tiến trình "thoát Trung" và cải cách thể chế. Tuy vẫn tồn tại những nhân vật có xu hướng cải cách song họ lại thiếu một thủ lĩnh xứng tầm, để được coi là một phe nhóm đối trọng với phe bảo thủ, thân Tàu trong hệ thống, thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa xã hội và hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ.
Ngoài ra, cần lưu ý là cả ông Nguyễn Minh Triết và ông Trương Tấn Sang đều chủ trương "thoát Trung" và thúc đẩy cải cách khi họ là Chủ tịch nước, vị trí ít quyền hành thực tế nhất trong "tứ trụ". Để đạt được vị thế quyền lực lớn hơn, họ sẵn sàng thỏa hiệp với phe bảo thủ, thậm chí với Trung Quốc, hầu kéo dài sự tồn tại của chế độ buôn dân bán nước trên dải đất hình chữ S. Thời gian sẽ trả lời là liệu kịch bản này có lặp lại với vị Chủ tịch nước đương nhiệm hay không. Đặc biệt, việc ông Trần Đại Quang thỏa hiệp với Hoàng Trung Hải cho thấy "con ngựa thành Troy" này vẫn tiếp tục chi phối hậu trường chính trị Việt Nam.
Để đưa nước nhà thoát khỏi cuộc khủng hoảng về chính trị - kinh tế - xã hội lớn nhất suốt 30 năm qua trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bộc lộ cuồng vọng bá quyền, thách thức ngôi vị bá chủ của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, cải tổ hệ thống là đòi hỏi tất yếu và vô cùng cấp thiết. Những gì trên đây, do vậy, đang thực sự phủ bóng đen lên tương lai đất nước.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 21/01/2017