Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/03/2020

Cuộc chạy đua vào Trung ương Đảng bước vào giai đoạn nước rút

Nguyễn Nam - Nguyễn Thị Huyền

So găng

Nguyễn Nam, VNTB, 23/03/2022

Trên mạng xã hội đang ‘truyền nhau’ bản danh sách ứng viên cho dàn ‘nội các’ mới của đảng chính trị – quốc hội – chính phủ. Tuy nhiên lại không phân tích vì sao lại ‘cơ cấu’ nhân sự như vậy.

sogang1

Ai trong số những người này được cơ cấu ở lại Trung ương đảng trong Đại hội 13 sắp tới ?

Rộng đường tham khảo, xin giới thiệu ở đây là một phân tích về cơ cấu nhân sự, qua góc nhìn của nhà báo Phạm Minh Mẫn vốn từng là thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ. Ông Mẫn quê Thái Bình, hiện sống ở Sài Gòn.

Đến nay vẫn chưa rõ nhân sự Đại hội XIII sẽ nhất thể hóa chức danh tổng bí thư – chủ tịch nước như Trung Quốc, Lào hay sẽ trở lại phương án Tứ trụ ? Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ quan điểm "quyền to thế (Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước) ai kiểm soát nổi ông ?", và việc "kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước (khi ông Trần Đại Quang qua đời) chỉ là tình thế trước mắt". Như vậy ta ngầm hiểu sẽ có các chức danh theo hướng tứ trụ ?

Tổng bí thư - Chủ tịch nước vừa chủ trì một cuộc họp của Tiểu ban nhân sự Đại hôi XIII trước khi báo cáo Bộ Chính trị (Bộ Chính trị). Việc quy hoạch sắp xếp, dự kiến nhân sự là một quy trình vừa đóng vừa mở, thay đổi tùy theo diễn biến thời cuộc. Trường hợp ứng cử viên Tổng bí thư Hồ Đức Việt – nguyên Trưởng ban Tổ chức trung ương (khóa XI) bị KO (nốc- ao) vào ngày cuối Đại hội trù bị là một ví dụ. Mọi sự còn trong vòng bí mật, vì thế, đừng ai vội tin những lạm bàn dưới đây…

A . Phương án tam trụ

1. Trần Quốc Vượng, sinh 1953, quê Thái Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư : ứng viên Tổng bí thư - Chủ tịch nước.

Điểm cộng : ông Trần Quốc Vượng nằm trong "trường hợp đặc biệt" theo Quy định 214 của Bộ Chính trị (tuy quá tuổi nhưng vẫn tham gia Bộ Chính trị khóa tới). Đã có tiền lệ Thường trực Ban Bí thư lên chức Tổng bí thư như ông Lê Khả Phiêu. Ông Trần Quốc Vượng được xem là trong sạch, liêm khiết, không bị điều tiếng về đời tư. Có quyết tâm chống tham nhũng cao, được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ủng hộ.

Điểm trừ : Ông Trần Quốc Vượng chưa có thời gian luân chuyển làm lãnh đạo địa phương, uy tín chỉ mới nổi trong thời gian giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, mới tham gia Bộ Chính trị gần trọn một nhiệm kỳ.

2. Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, Quê Nghệ An, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ứng viên thủ tướng chính phủ.

Điểm cộng : Ông Vương Đình Huệ có thực học, có chuyên môn quản lý về kinh tế, tài chính (GS-TS Kinh tế). Ông đã kinh qua lãnh đạo bộ, ngành, địa phương (Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội). Ông Huệ đủ độ tuổi có thể quy hoạch nguồn Tổng bí thư hoặc Chủ tịch nước khóa XIV. Chưa bị tai tiếng về đời tư.

Điểm trừ : Tham gia chưa trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị. Một số phát ngôn còn vội vã, hãnh tiến và chưa thật chuẩn (khi nói về tôn chỉ mục đích của báo chí).

3. Trương Hòa Bình, sinh 1955, quê Long An, ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực, ứng viên chủ tịch quốc hội.

Điểm cộng : Có chuyên môn về pháp luật (thạc sĩ luật), từng là Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Thích hợp với cơ cấu nhân sự đại diện vùng miền.

Điểm trừ : Được nhận xét là xử thế trung dung, thiếu quyết đoán.

B. Phương án tứ trụ

Các ứng viên gồm :

1. Tổng bí thư : Trần Quốc Vượng.

2. Chủ tịch nước : Trương Hòa Bình.

3. Thủ tướng Chính phủ : Vương Đình Huệ.

4. Chủ tịch quốc hội có 2 ứng viên :

– Nguyễn Hòa Bình (sinh 1958, quê Quảng Ngãi, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Tối cao)

– Tòng Thị Phóng (sinh 1954, ủy viên Bộ Chính trị – Phó Chủ tịch thường trực quốc hội), nằm trong trương hợp đặc biệt theo quy định 241.

Sở dĩ trong danh sách tứ trụ khóa tới tôi không đưa tên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì ông Phúc sinh 1954 đã quá tuổi như ông Trần Quốc Vượng và bà Tòng Thị Phóng, trong khi Quy định 214 khóa tới chỉ nêu 1 trường hợp đặc biệt. Nếu Ban Chấp hành trung ương chấp nhận 2 trường hợp đặc biệt thì ứng viên Chủ tịch nước dành cho ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình vẫn là ứng viên Chủ tịch quốc hội.

Các ứng viên chủ chốt khác :

– Trương Thị Mai, sinh 1958, quê Quảng Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban dân vận Trung ương : Ứng viên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Phương án trung dung.

– Phạm Minh Chính, sinh 1958, quê Thanh Hóa, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, ứng viên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Phương án sốc nhiệt.

– Phan Đình Trạc, sinh 1958, quê Nghệ An, Bí thư trung ương đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, ứng viên Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

– Hoàng Bình Quân, sinh 1959, quê Thái Bình, ủy viên Trung ương đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ứng viên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

– Nguyễn Văn Bình, sinh 1961, quê Phú Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, ứng viên Thường trực Ban Bí thư.

– Vũ Đức Đam, sinh 1964, quê Hải Dương, Uỷ viên Trung ương đảng, tái cử Phó thủ tướng.

– Võ Văn Thưởng, sinh 1970, quê Vĩnh Long, ủy viên Bộ Chính trị, ứng cử Trưởng ban Dân vận Trung ương. Phương án tế nhị.

– Phạm Bình Minh, sinh 1959, quê Nam Định, ủy viên Bộ Chính trị, tái ứng cử Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao.

– Trần Cẩm Tú, sinh 1961, quê Hà Tĩnh, Bí thư Trung ương Đảng, tái ứng cử Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương.

– Lương Cường, sinh 1957, quê Phú Thọ, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục chính tr, ứng viên Bộ tưởng Bộ Quốc phòng.

Riêng trường hợp Đại tướng Tô Lâm, sinh 1959, quê Hưng Yên, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, tôi không biết nên để ông làm ứng viên vị trí nào. Có thể ông Tô Lâm vẫn là Bộ trưởng Công an khóa tới hoặc phải "đi lên" như ông Trần Đại Quang, nhưng việc này khó xảy ra. Có người nói ông Tô Lâm sẽ về Ban Tổ chức Trung ương, cũng là một phương án. Nếu ông Tô Lâm thôi chức Bộ trưởng thì một trong hai Thượng tướng, Thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương sẽ là ứng viên.

"Vẫn còn hơn 365 ngày trái đất bận rộn quay quanh mặt trời nên mọi suy đoán vẫn chỉ là… suy đoán. Nhưng không ai cấm thử bàn luận việc nhân sự của thiên đình, coi như một kênh tham khảo ý kiến đảng viên cấp cơ sở. Ai phê phán đây là việc làm "cầm đèn chạy trước ô tô" thì tác giả xin nhận thiếu sót !" – ông Phạm Minh Mẫn, chia sẻ như một lời phi lộ.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 23/03/2020

*********************

Đi tìm lá phiếu rộng rãi từ đảng viên

Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 23/03/2020

Ngay cả trong nội bộ đảng chính trị còn chưa có lá phiếu dân chủ trong bầu cử, thì nói chi tới dân chủ ngoài cộng đồng.

sogang2

Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến được tổ chức vào quý I/2021, thời gian còn khoảng 1 năm nữa. Về lý thuyết thì mọi đảng viên đều có nghĩa vụ tham gia góp ý, đề xuất với Đảng "để nâng cao chất lượng thảo luận, phản biện, đóng góp ý kiến khi quyết định những chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và địa phương" (Chỉ thị 35/CT-TƯ), kể cả công tác nhân sự (1).

Tuy nhiên do là Đại hội Đại biểu toàn quốc nên đảng viên chi bộ cấp cơ sở, kể cả đảng viên đảng bộ phường, xã, quận, huyện, rất ít người có cơ hội bỏ lá phiếu trực tiếp của mình để bầu ra lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Thực tế trên tương tự với những gì mà lâu nay trên hệ thống báo chí của nhà nước đã nhiều lần đề cập về chủ đề "Đảng cử – Dân bầu".

Có một lưu ý là ở Việt Nam mỗi lần bàn luận về chuyện liên quan bầu cử thường dễ bị chụp chiếc mũ là ‘tự diễn biến’ – trong trường hợp đó là ý kiến của đảng viên ; chiếc mũ ‘diễn biến hòa bình’ khi kêu gọi cần xóa cơ chế ‘Đảng cử dân bầu’.

Không có cuộc bầu cử nào không mang tính giai cấp và không có bóng dáng của các đảng chính trị. Tuy nhiên ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị, không có sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm lá phiếu của quần chúng cử tri, nên khi một mình một chợ thì dễ sinh tâm lý ‘vua một cõi’, và trong nhiều trường hợp ‘dân chủ’ là một từ mang tính trang sức cho chính sách.

Trong đảng chính trị ở cấp địa phương cũng vậy, khi mà không ít đảng viên ở thời mà ông Lê Thanh Hải còn là bí thư Quận ủy quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh, đã nhận xét về ngài bí thư quan liêu, tạo phe cánh củng cố lợi ích nhóm. Thế nhưng mọi chuyện vẫn tiếp tục thăng tiến đường hoạn lộ với đảng viên Lê Thanh Hải. Trên đỉnh cao quyền lực kéo dài hơn hai nhiệm kỳ là Bí thư Thành ủy ở một quốc gia có độc đảng chính trị, thì dân chủ ngay trong chính nội bộ đảng đó, với ông Lê Thanh Hải là điều xa xỉ, và dân chủ trong đảng là thứ quyền lực được ban phát.

Những cung cách lấy lá phiếu tín nhiệm kiểu ‘ba phải’ như lâu nay (3) trong nội bộ đảng, cho thấy là một thách thức tung hứng chữ nghĩa, tương tự như chuyện ‘cách’ các chức vụ trong quá khứ của một quan chức đảng nào đó đã hồi hưu.

Tôi nhớ trên báo Tuổi Trẻ từng đăng ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng, rằng : "Cần xây dựng cho được cơ chế giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao, nhằm xóa bỏ mặc định Đảng cử dân bầu vốn trở thành nguyên tắc lâu nay. Cần đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước. Phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng về cơ cấu, nặng theo hướng giảm đến mức tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia Quốc hội, nhằm tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, địa phương, không ngại vất vả, dự họp Quốc hội hàng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp Quốc hội" (2).

Tôi nghĩ rằng trong khi nguyện vọng trên của ông Huỳnh Nghĩa chưa thực hiện được, thì hãy bắt đầu ngay trong chính nội bộ của đảng chính trị.

Nguyễn Thị Huyền

Nguồn : VNTB, 23/03/2020

Chú thích :

(1)https://binhphuoc.gov.vn/stp/tuyen-truyen-dh-dang-bo-cac-cap/chi-thi-so/35-ct-tw-ngay/30-5-2019-cua-bo-chinh-tri-ve-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-234.html ;http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/huong-dan-so-26-hdbtctw-ngay-18102019-cua-ban-to-chuc-trung-uong-ve-mot-so-noi-dung-chi-thi-so/35-cttw-cua-bo-chinh-tri-5788.

(2)https://tuoitre.vn/can-xoa-co-che-dang-cu-dan-bau-613128.htm

(3)http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-262-qdtw-ngay-8102014-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-lay-phieu-tin-nhiem-doi-voi-thanh-vien-lanh-dao-cap-uy-va-164

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam - Nguyễn Thị Huyền
Read 987 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)