Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga : "Hậu quả khôn lường", nếu NATO viện trợ thêm vũ khí tối tân cho Ukraine

Trọng Thành, RFI, 16/04/2022

Truyền thông Hoa Kỳ hôm 15/04/2022 loan tin về một thông báo chính thức của chính quyền Nga gửi đến chính quyền Mỹ, cảnh báo về "các hậu quả khôn lường", nếu Mỹ và NATO tiếp tục viện trợ các vũ khí tối tân cho quân đội Ukraine.

putin1

Tên lửa chống tăng Javelin Mỹ cấp cho Ukraine. Ảnh chụp tại phi trường Boryspil gần Kiev ngày 10/02/2022.  Reuters – Valentyn Ogirenko

Báo Washington Post dẫn thông báo này của bộ Ngoại Giao Nga, theo đó các vũ khí "nhạy cảm hơn" được gửi đến Ukraine sẽ "đổ thêm dầu vào lửa". Theo AFP, đài CNN, khi dẫn một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, cho biết công văn ngoại giao nói trên của Nga có thể cho thấy Moskva đang chuẩn bị xác định "một thái độ hung hãn hơn" với Hoa Kỳ và NATO. Báo New York Times cho biết cụ thể là, công văn này được gửi đi theo con đường ngoại giao thông thường, nhưng không có chữ ký của một quan chức cao cấp nào của Nga.

Phát biểu trên Washington Post, một quan chức cao cấp Hoa Kỳ nhấn mạnh nhiều hơn đến ý nghĩa của các viện trợ quân sự Mỹ đối với cán cân lực lượng Ukraine – Nga trong cuộc chiến tại Ukraine : "Điều mà phía Nga nói riêng với chúng tôi cũng chính là điều mà chúng tôi đã nói với toàn thế giới, rằng các viện trợ quy mô lớn mà chúng tôi đang cung cấp cho các đối tác Ukraine thể hiện rõ là đã mang lại những hiệu quả đáng kể".

Cảnh báo của Moskva được đưa ra đúng vào lúc tổng thống Mỹ hứa dành cho Kiev một khoản viện trợ quân sự mới, với tổng trị giá 800 triệu đô la, trong đó có nhiều vũ khí tối tân hơn so với các vũ khí đã được cung cấp cho Ukraine từ đầu chiến tranh đến nay, đặc biệt phải kể đến "các hệ thống hỏa tiễn" và "phương tiện thiết giáp chuyển quân", theo thông báo của chính quyền Mỹ.

Theo AFP, tổng thống Ukraine Zelensky hôm qua 15/04 cũng đưa ra nhận định : "toàn thế giới" cần "lo ngại" trước nguy cơ lãnh đạo Nga Vladimir Putin liều lĩnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, sau khi quân đội Nga phải gánh chịu nhiều thất bại quân sự trên chiến trường Ukraine.

Trọng Thành

*********************

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận soái hạm của Nga đã trúng tên lửa Ukraine

Thanh Phương, RFI, 16/04/2022

Một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc hôm 15/04/2022 xác nhận là tuần dương hạm Moskva đúng là đã bị chìm do trúng hai tên lửa của Ukraine.

putin2

Nga vừa mất soái hạm Moskva. Ảnh chụp nhân một cuộc tuần tra trên biển Địa Trung Hải hồi 2015. AP

Theo hãng tin AFP, quan chức này, xin được giấu tên, khẳng định với một số phóng viên rằng soái hạm của hạm đội Nga ở Hắc Hải đã trúng hai tên lửa Neptune, trái với tuyên bố của Moskva rằng chiếc tuần dương hạm này đã bị "hư hại nặng nề" do một vụ hỏa hoạn trên tàu khiến kho đạn phát nổ, và tàu sau đó đã bị chìm.

Quan chức Lầu Năm Góc cũng cho rằng đã có thiệt hại nhân mạng trong vụ soái hạm Nga bị bắn chìm, nhưng không thể xác định là bao nhiêu, trong khi Moskva thì khẳng định toàn bộ thủy thủ đoàn đã được sơ tán an toàn. Trong khi đó, một quan chức quân sự Ukraine tuyên bố thủy thủ đoàn của chiếc Moskva, được thẩm định là khoảng 500 người, đã không thể được cứu thoát.

Sau vụ soái hạm Moskva bị chìm, hôm 15/04/2022, quân Nga đã oanh tạc vào một nhà máy sản xuất tên lửa của Ukraine ở vùng thủ đô Kiev. Nhà máy Vizar sản xuất loại tên lửa Neptune mà phía Ukraine nói là đã sử dụng để bắn chìm tuần dương hạm Nga. Theo AFP, một nhà máy sản xuất xe tăng ở ngoại ô Kiev cũng đã bị oanh tạc vào sáng nay.

Trong khi đó, ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 35 người bị thương trong các vụ oanh tạc của quân đội Nga vào một khu dân cư ở Kharkov, miền đông bắc Ukraine, theo thông báo của chính quyền địa phương hôm qua, được hãng tin AFP trích dẫn. Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine với gần 1,5 triệu dân, đã là mục tiêu tấn công ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh, nhưng cho tới nay vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân Ukraine. 

Trong một phát biểu qua video hôm 15/04/2022, tổng thống Volodymyr Zelensky nói với các phương Tây rằng chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc sớm hơn nếu Kiev nhận được các vũ khí đúng theo yêu cầu. 

Trên đài truyền hình Mỹ CNN ông Zelensky cũng cho rằng thế giới nên "lo ngại" về nguy cơ tổng thống Nga Putin, do những thất bại quân sự ở Ukraine, sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật, như cảnh báo của giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA William Burns hôm 14/04/2022.

Trọng Thành

*******************

Đức cấp hơn 1 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine

Thanh Phương, RFI, 16/04/2022

Hôm 15/04/2022, chính phủ Đức thông báo sẽ tháo khoán hơn 1 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng không nói cụ thể số tiền này sẽ được dùng vào những việc gì. Phía Kiev than phiền là chưa nhận được vũ khí hạng nặng từ Berlin.

putin3

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày cầng chịu nhiều sức ép vì hồ sơ Ukraine.  AP - Markus Schreiber

Theo lời một phát ngôn viên chính phủ Đức nói với hãng tin AFP, tổng cộng Berlin đã nâng mức viện trợ quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng lên tới 2 tỷ euro và phần lớn viện trợ quân sự này là dành cho Ukraine, tức là hơn 1 tỷ euro. Số tiền này chủ yếu sẽ được dùng để Ukraine mua các thiết bị quân sự, nhưng không rõ đó là những thiết bị gì.

Qua việc thông báo khoản viện trợ quân sự nói trên, chính phủ Đức đáp lại những chỉ trích ngày càng mạnh, không chỉ từ phía Ukraine, mà còn từ một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu như Ba Lan hay các nước vùng Baltic, về việc Berlin không nhiệt tình hỗ trợ về vũ khí để quân Ukraine chống lại quân Nga, thậm chí bị xem là có thái độ dễ dãi đối với Moskva. 

Trong tuần này, chính quyền Kiev đã từ chối tiếp tổng thống Đức Franck Walter-Steinmeier, khi ông đề nghị đến thăm Ukraine. Lý do là vì ông Walter-Steinmeier, nguyên là ngoại trưởng Đức, trong nhiều năm đã thi hành một chính sách thân Nga. Tổng thống Zelensky muốn thủ tướng Olaf Scholz đến thăm Kiev với lời hứa nhanh chóng cung cấp vũ khí hạng nặng để quân Ukraine đối phó với cuộc tấn công mà quân Nga sắp tiến hành ở miền đông.

Tuy nhiên, cho tới nay, thủ tướng thuộc đảng Dân chủ Xã hội SDP vẫn ngần ngại, chưa dám cho phép cung cấp vũ khí hạng nặng, như xe tăng tấn công, cho Ukraine, vì sợ nước Đức bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu quân sự với Nga. 

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Thấy gì đằng sau thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine ?

Maria Kỳ Duyên, RFA, 29/03/2022

"Đừng thấy đỏ mà tưởng chín". Việt Nam không còn cách lựa chọn nào khác, đành phải làm ngơ để giáo dân và người dân tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Chính quyền thực sự thấy khó xử trước việc phải chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nói một đằng làm một nẻo. Chính quyền Việt Nam chẳng hứng thú gì trước tấm gương của nhân dân Ukraine chiến đấu vì dân chủ và tự do của Tổ quốc mình và cho cả các dân tộc khác. Đó mới là căn nguyên sâu xa của việc hai lần bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc. Nếu phải bày tỏ lập trường những lần tiếp theo, họ vẫn sẽ xếp hàng sau Tàu và Nga.

caunguyen1

Thánh lễ cầu nguyện hòa bình cho Ukraine tại Hà Nội ngày 28/3/2022 - Facebook Truyền thông Thái Hà

Đáp lời Giáo hoàng Phanxicô

Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội tổ chức thánh lễ vào tối Chủ nhật 27/3 để cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước Ukraine đã và đang chịu nhiều đau thương kể từ khi Nga tiến hành chiến tranh xâm lược hôm 24/2. Theo Truyền thông Thái Hà của nhà thờ, chủ sự buổi lễ, linh mục Giuse Trịnh Ngọc Hiên, chánh xứ Giáo xứ Thái Hà và cũng là Bề trên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, có tổng cộng khoảng 1.000 giáo dân tham dự thánh lễ. Đặc biệt, cùng tham gia thánh lễ có bà Nataliya Zhynkina, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội cùng với Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro và phu nhân, tham gia thánh lễ (1).

Nhà thờ cho biết lý do cử hành thánh lễ là để "đáp lại lời mời gọi của Giáo hoàng Phanxicô" được đưa ra trong một buổi lễ ở Vatican hôm 25/3. Cũng tại buổi lễ đó, theo tường thuật của các hãng truyền thông quốc tế lớn, Giáo hoàng Phanxicô đã làm chủ sự nghi thức thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái tim Đức mẹ. Giáo hoàng Phanxicô giảng rằng : "Thánh hiến có nghĩa là đặt vào trái tim tinh khiết và không tì uế đó, nơi Thiên Chúa được phản chiếu, những thiện ích vô giá của tình huynh đệ và hòa bình, tất cả những gì chúng ta đang có và đang là, để Mẹ, người Mẹ mà Chúa đã ban cho chúng ta, có thể bảo vệ chúng ta và trông nom chúng ta".

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản trích lời của Giáo hoàng Phanxicô trước tình cảnh bi thảm của các trẻ em, phụ nữ và người dân Ukraina trước làn bom đạn của Nga. Ngài mời gọi mọi người tham dự, nhất là các bạn trẻ có ba tâm tình, đó là :

1) hãy đồng cảm, sót thương người đồng loại đang lầm than khốn khổ,

2) hãy nói không với chiến tranh và ủng hộ hòa bình. Ủng hộ chiến tranh là ủng hộ sự ác, sự dữ, ủng hộ ma quỷvà cuối cùng là 

3) hãy "tin vào sức mạnh của sự đoàn kết nơi những con người thành tâm thiện chí đang khao khát hòa bình khắp nơi trên thế giới. Đừng bỏ cuộc ! Hãy vững tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện và quyền năng của Thiên Chúa chúng ta !" (2).

Liệu bà Zhynkina có vơi thất vọng ?

Cuối buổi thánh lễ, bà Nataliya Zhynkina, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Ukraine, phát biểu rằng, chúng ta không làm ngơ trước những gì đang xảy ra ở Ukraine. Bà cũng đề cập đến việc Nga nhiều lần tung ra lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, và chia sẻ quan điểm cho rằng : "Nếu người Nga sử dụng bom đạn hạt nhân, không chỉ mạng sống của người dân Ukraina bị đe dọa, mà tất cả các nước, tất cả mạng sống của các bạn cũng bị đe dọa. Hôm nay các bạn cầu nguyện cho Ukraine, nhưng cũng chính là các bạn cầu nguyện cho mình", theo tường thuật của Truyền thông Thái Hà.

Như truyền thông quốc tế đã đưa tin, từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, nhiều người Việt Nam đã và đang thể hiện sự ủng hộ và giúp đỡ cho Ukraine qua nhiều hình thức, từ ghé thăm Đại sứ quán Ukraine để nói những lời chia sẻ, động viên, cho đến quyên góp tiền cứu trợ lên đến hơn một tỷ đồng và còn đang tiếp tục tăng lên. Có người thậm chí viết trên trang cá nhân hoặc bày tỏ trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Ukraine rằng, họ sẵn sàng sang chiến đấu cho Ukraine. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn riêng với VOA hôm 1/3, Đại biện Nataliya Zhynkina đánh giá : "Khi tôi thấy sự ủng hộ của người Việt Nam, những lời nói tử tế của họ, ý muốn của họ chiến đấu cho Ukraine, tôi trân trọng sâu sắc và xin cảm ơn !".

Nhưng dù trân trọng sâu sắc đến mấy đối với tình cảm "từ trái tim đến trái tim" của người dân, chắc chắn Đại biện Nataliya Zhynkina vẫn không thể giấu nỗi thất vọng trước việc chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lại một lần nữa, và đây là lần thứ hai, Việt Nam bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án Nga gây thảm hoạ nhân đạo ở Ukraine. Gần 3/4 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ năm, ngày 24/3, yêu cầu bảo vệ thường dân ở Ukraine và cho phép cứu trợ tiếp cận, đồng thời lên án Nga đã gây ra một tình huống nhân đạo "thảm khốc" khi Moscow xâm lược nước láng giềng Ukraine bắt đầu cách nay một tháng.

Đây là lần thứ hai Đại hội đồng gồm 193 thành viên đã cô lập Nga với tỉ lệ áp đảo về cái mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres quyết liệt lên án "cuộc chiến phi lý" của Nga. Nghị quyết do Ukraine và các đồng minh soạn thảo được thông qua hôm thứ Năm với 140 phiếu ủng hộ, 5 phiếu chống là Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus, và 38 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Ukraine và các đồng minh mưu tìm sự ủng hộ tương đương hoặc cao hơn mức độ ủng hộ cho nghị quyết của Đại hội đồng ngày 2/3 đã lên án cuộc xâm lăng của Nga và yêu cầu Moscow rút quân ra khỏi Ukraine. Nghị quyết ngày 2/3 đã nhận được 141 phiếu thuận, cùng năm phiếu chống, và 35 phiếu trắng, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc (3).

Đừng thấy đỏ tưởng là chín

Báo chính phủ Việt Nam cũng khẳng định rõ, đây là Nghị quyết thứ hai được thông qua trong vòng tháng 3 này tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 11 do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức. Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc hy vọng hai Nghị quyết nói trên sẽ tác động tích cực trong việc thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine. Bản tin trên báo Chính phủ còn cho biết, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, Sergiy Kyslytsya đã chia sẻ về tình hình tại Ukraine và bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ có những hỗ trợ đột phá, kịp thời cho người dân Ukraine cũng như ngăn ngừa hậu quả khủng hoảng lan ra trên toàn thế giới (4).

Không chỉ báo chính phủ, các tờ báo nhà nước khác của Việt Nam như Tuổi trẻ, VTV khi đưa tin về sự kiện bỏ phiếu hôm 24/3 (và cả lần bỏ phiếu trước đó hôm 2/3) đều không hề nhắc gì đến các lá phiếu trắng của Việt Nam và Trung Quốc. Thái độ không đàng hoàng này của Chính phủ Việt Nam cho thấy, chính quyền trong nước không còn cách lựa chọn nào khác, đành phải làm ngơ để giáo dân và người dân tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Chính quyền thực sự thấy khó xử trước việc chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nói một đằng làm một nẻo. Chính quyền Việt Nam chẳng hứng thú gì trước tấm gương cao cả của nhân dân Ukraine chiến đấu vì lý tưởng dân chủ và tự do cho Tổ quốc mình và cho cả các dân tộc khác. Đó mới là căn nguyên sâu xa của việc hai lần bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc. Trong trường hợp phải bày tỏ lập trường những lần tiếp theo, Việt Nam vẫn "theo đóm ăn tàn", sẽ xếp hàng sau Tàu và Nga.

Maria Kỳ Duyên

Nguồn : RFA, 29/03/2022

Tham khảo :

1. https://www.voatiengviet.com/a/nha-tho-thai-ha-to-chuc-thanh-le-cau-nguyen-cho-hoa-binh-o-ukraine/6504545.html

2. https://nhathothaiha.net/nha-tho-thai-ha-cau-nguyen-cho-hoa-binh-tai-ukraina-va-dang-nuoc-nga-ukraina-cho-trai-tim-duc-maria/

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-cast-white-vote-another-general-assembly-s-resolution-about-ukraine-russia-war-03252022075413.html

4. https://baochinhphu.vn/dai-hoi-dong-lhq-thong-qua-nghi-quyet-thu-2-lien-quan-den-ukraine-102220325091840046.htm

**********************

Đại biện Lâm thời Ukraine bày tỏ sự xúc động trước những ủng hộ của người Việt Nam

RFA, 30/03/2022

Ngay từ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, nhiều người Việt Nam đã lên tiếng phản đối, tiếp theo đó là hoạt động ủng hộ Ukraine diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.

caunguyen2

Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam - bà Nataliya Zhynkina tại một buổi cầu nguyện cho Ukraine ở nhà thờ Thái Hà hôm 27/3/2022 - Facebook of Nataliya Zhynkina

Đài Á Châu Tự do có cuộc phỏng vấn với bà Nataliya Zhynkina, Đại biện Lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam, để tìm hiểu thêm về những ủng hộ mà người dân Việt Nam dành cho đất nước của bà từ đầu cuộc chiến.

Nói về phản ứng của người dân Việt Nam từ khi cuộc chiến nổ ra bà Nataliya Zhynkina cho biết :

"Kể từ ngày 24 tháng 2, ngày nào chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự cảm thông và ủng hộ đến từ người dân Việt Nam.

Mọi người viết lời nhắn, mang hoa tới toà đại sứ, quyên góp tiền bạc để giúp bảo vệ mạng sống của những người dân Ukraine phải rời bỏ nhà vì bom đạn của Nga. Chúng tôi cũng đã tổ chức hội chợ từ thiện tại toà đại sứ hồi đầu tháng ba, để quyên tiền nhằm giải quyết các nhu cầu nhân đạo tại Ukraine, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm các sự kiện như vậy và tôi biết rằng người Việt Nam sẽ hưởng ứng.

Ngoài ra thì cũng đã có hai buổi lễ cầu nguyện vào các ngày chủ nhật tại nhà thờ Cửa Bắc và nhà thờ Thái Hà, với sự tham gia của hàng ngàn giáo dân ở Hà Nội, để cùng cầu nguyện cho những người dân vô tội ở Ukraine. Số tiền người dân quyên góp ở hai sự kiện từ thiện cộng với số tiền quyên góp tại các buổi lễ cầu nguyện đã lên đến con số 2,5 tỉ đồng, số tiền này sẽ được chi cho các nỗ lực nhân đạo tại Ukraine.

Một điều vô cùng quan trọng khác đó là có rất nhiều người có ảnh hưởng về mặt truyền thông đã giúp Ukraine chống lại các nỗ lực tuyên truyền của Nga tại Việt Nam. Trong đó có việc tố cáo những thông tin giả mạo, và giải thích nguyên nhân cũng như hậu quả của cuộc chiến thảm khốc mà phía Nga gây ra".

Bà Đại biện Lâm thời cũng nói về những hành động đơn lẻ của người dân Việt Nam nhưng đã khiến bà cảm thấy vô cùng xúc động.

"Tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi gặp những người Việt Nam đến đại sứ quán rồi chia sẻ những cái ôm và thấy họ rơi nước mắt. Tôi cũng được nghe rất nhiều những lời tử tế từ những người Việt Nam mặc dù họ chưa từng đến Ukraine bao giờ. Như tôi đã đề cập rằng chúng tôi thấy rất nhiều hoa để ở phía ngoài cổng toà đại sứ, và tôi biết số hoa này được người Việt Nam mang tới, tôi cảm thấy cảm động vô cùng.

Những phần quyên góp mà chúng tôi nhận được nữa, việc mọi người quyên góp bao nhiêu không phải là điều quan trọng, nhưng thi thoảng chúng tôi nhận được những khoản rất lớn từ các cá nhân lên đến 1.000 hoặc 2.000 USD, tôi biết số tiền này là không nhỏ đối với người Việt Nam, và họ giúp đỡ chúng tôi một cách chân thành, đây là điều vô cùng quý giá".

Cá nhân bà Nataliya Zhynkina cũng đã nhận được hàng ngàn tin nhắn từ người Việt Nam, bà cho biết những lời động viên và chia sẻ mà bà và các đồng nghiệp nhận được đã giúp truyền cảm hứng để họ làm việc mỗi ngày.

Nhà ngoại giao này cũng cho rằng có lẽ vì người Việt Nam hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, và đã trải qua những thời khắc kinh hoàng trong quá khứ, do vậy sự ủng hộ mà người Việt Nam dành cho Ukraine là một điều tự nhiên.

Tuy thừa nhận rằng đã có rất nhiều người Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc chiến này, nhưng bà Đại biện Lâm thời cho biết thách thức vẫn là rất lớn đặc biệt là trên khía cạnh thông tin, khi mà các nỗ lực tuyên truyền nhằm tạo bất lợi cho Ukraine vẫn tiếp tục. Bà nói :

"Mới ngày hôm qua tôi thấy một video trong đó có sử dụng hình ảnh của tôi và xuyên tạc hoàn toàn những gì tôi nói. Do vậy tôi hiểu mức độ mà bộ máy tuyên truyền của Nga hoạt động tại Việt Nam, cũng như số tiền mà Nga bỏ ra để phát tán thông tin sai lệch, và thông tin có định hướng, cũng như là tuyên truyền các luận điệu của họ.

Về khía cạnh nào đó thì đây là điều tích cực, hãy cứ để họ bỏ tiền vào nỗ lực tuyên truyền thay vì mua tên lửa và xe tăng mới. Nhưng nhìn chung điều này khiến cho công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn rất nhiều".

Một ví dụ về thông tin sai lệch mà bà Nataliya Zhynkina nêu ra có liên quan đến một bài báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài báo này có nội dung tiêu cực, được một tờ báo tư nhân ở Ukraine đăng tải cách đây nhiều năm, nhưng đã bị sử dụng để vu cáo rằng đó là quan điểm chính thức của Chính phủ Ukraine.

Trước tình hình thông tin giả lan truyền tràn lan trên mạng xã hội, đại sứ quán Ukraine đã xác định việc cung cấp thông tin chính xác về tình hình cuộc chiến là ưu tiên số hai, chỉ sau nỗ lực thu gom viện trợ nhân đạo.

Trả lời câu hỏi liệu người Việt Nam còn có thể làm gì thêm để giúp đỡ Ukraine, bà Nataliya Zhynkina nói :

"Tôi chỉ yêu cầu đúng một điều đó là người Việt Nam tiếp tục đấu tranh cùng với chúng tôi, không phải là đấu tranh vũ trang, vì Ukraine có lực lượng vũ trang của mình và đang chiến đấu rất dũng cảm với sự giúp đỡ của toàn thế giới, chúng tôi có thể bảo vệ tổ quốc của mình.

Nhưng người Việt Nam có thể giúp đỡ chúng tôi bằng cách chiến đấu trên mặt trận đặc biệt, đó là mặt trận thông tin bằng cách lan truyền sự thật về cuộc chiến tranh này. Hoặc cũng có thể giúp quyên góp từ cộng đồng. Nói chung là bất cứ điều gì dù là nhỏ nhất. Tất cả những điều này đều mang lại nguồn cảm hứng vô cùng lớn cho Ukraine".

Nguồn : RFA, 30/03/2022

Published in Diễn đàn

NATO tổ chức chiến dịch tiếp tế lớn cho Ukraine

Matthew Luxmoore, Drew Hinshaw, Nancy A. Youssef, VNTB, 11/03/2022

Trong khoảng thời gian hai tuần, cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã tạo ra một trong những vụ chuyển giao vũ khí lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử.

nato1

Phương Tây huy động máy bay, tàu hỏa, xe cộ giúp Ukraine có thêm tên lửa để chống trả quân đội Nga

Chỉ riêng tuần trước, Cộng hòa Séc đã gửi 10.000 súng phóng lựu cho quân đội Ukraine bằng đường bộ lẫn đường sắt. Ở Ba Lan, sân bay tỉnh Rzeszow nằm cách biên giới Ukraine khoảng 60 km nhiều máy bay vận tải quân sự được tập trung lại đến nỗi vào thứ Bảy tuần rồi, một số chuyến bay đã phải tạm thời chuyển hướng cho đến khi sân bay này có chỗ hạ cánh.

Trên đường cao tốc ở Ba Lan, xe cảnh sát đang hộ tống xe tải vận tải quân sự đến biên giới, với những đoàn xe khác tiến vào Ukraine trên những con đường nhỏ phủ đầy tuyết xuyên qua các dãy núi.

Cuộc chạy đua cung cấp vũ khí cho Ukraine trở thành một hoạt động cung cấp có vũ khí chưa có tiền lệ trong lịch sử. Đồng minh phương Tây không triển khai quân đội trên bộ ở Ukraine nhưng cố gắng trang bị cho lực lượng quân sự mỏng manh và thua kém của Ukraine, một số người lính Ukraine không có giày đi.

Tàu chiến của Nga trấn giữ bờ Biển Đen và không phận của Ukraine đang bị tranh chấp, Mỹ đang gấp rút vận chuyển vũ khí vào đất liền trước khi bị Nga chặn đường. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết hầu hết số vũ khí và hỗ trợ khác trị giá 350 triệu USD mà chính quyền Biden cam kết vào cuối tháng trước đã được chuyển giao. Quốc hội đang xem xét duyệt chi thêm hàng tỷ đô la. Bộ Quốc phòng gọi những nỗ lực của họ là chưa từng có.

Những chính phủ từng miễn cưỡng chuyển giao vũ khí và chống lại Nga đang tham chiến. Thụy Điển, mặc dù có truyền thống trung lập, đã cam kết tặng 5.000 vũ khí chống tăng. Chỉ cách đây 3 tuần, Đức ngăn chặn Estonia chuyển súng phóng rocket do Đức sản xuất cho Ukraine, nhưng hiện Berline đang gửi hơn 2.000 vũ khí chống tăng và phòng không. Ý, lâu nay là một thành viên thụ động trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cũng đã hứa hẹn sẽ giúp vũ khí, và Tây Ban Nha đã cung cấp súng phóng lựu.

Nỗ lực của đồng minh được thường dân ở Châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ. Họ cho biết đang mua thiết bị săn bắn qua mạng để lách luật chống lại việc vận chuyển thiết bị quân sự và chuyển chúng cho những bạn bè sẽ đi đến Ukraine. Ở Warsaw, một phụ nữ 67 tuổi phụ trách chuyển kính nhìn đêm cho những người lính vệ quốc. Khách sạn gần biên giới Ba Lan-Ukraine có đầy người hỏi thăm cách thức vận chuyển áo giáp đến các thành phố lớn, trước khi quân đội Nga chiếm giữ đường bộ.

Tuy nhiên, người Ukraine nói như vậy vẫn chưa đủ. Trong video được đăng tải lên mạng xã hội từ văn phòng ở Kyiv hiện gần như bị Nga bao vây, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thúc giục phương Tây gửi thêm vũ khí và thực thi vùng cấm bay để ngăn Nga tiến hành thêm các cuộc không kích vào thường dân. Cuối tuần trước, ông đã kêu gọi các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa.

Những lời kêu gọi như vậy không chỉ đến từ phía trên. Các chiến binh tiền tuyến trong các đơn vị Phòng thủ Lãnh thổ của Ukraine sử dụng mạng xã hội để đăng danh sách nhu cầu như nón cối, ống nhòm, máy dò tầm bắn cùng với nhu cầu cơ bản hơn như mì gói hoặc tăm bông.

Andriy Malets, doanh nhân 53 tuổi, đã tòng quân để giúp bảo vệ thị trấn Kryvyi Rih. Ồng Malets, nói : "Chúng tôi cần nhiều hơn nữa" ; nhưng Malets phải đợi vì ở đơn vị địa phương của Malets số tình nguyện viên nhiều gấp 5 lần số súng hiện có. Thay vào đó, người dân ở Kryvyi Rih giờ đây dành thời gian để pha bom xăng, ông nói.

Filip Bryjka, một nhà phân tích an ninh tại Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, cho biết việc chuyển hàng trăm triệu đô la vũ khí chưa có tiền lệ trong thời hiện đại. Ông Bryjka đã viết một bài phân tích gần đây về vai trò của Ba Lan trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Ông cho biết : Chưa có một cuộc cung cấp vũ khí nào của phương Tây với tốc độ và quy mô như vậy ở Châu Âu kể từ khi Tổng thống Harry S. Truman yêu cầu Quốc hội gửi 400 triệu đô la hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh.

Các quan chức Mỹ và đồng minh nói rằng giá trị đồng đô la gần như chắc chắn sẽ tăng lên nếu chiến tranh tvẫn tiếp diễn. Ở Điện Capitol, các nhà lập pháp đang xem xét một dự luật tiếp sau 350 triệu đô la đã dành cho Ukraine. Đạo luật này cung cấp 12 tỷ USD cho Ukraine và đồng minh Đông Âu, gần một nửa trong đó sẽ được dành để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự.

Trong các cuộc đàm phán với Ba Lan và Mỹ, quan chức Ukraine đã thúc giục các đồng minh NATO cung cấp máy bay chiến đấu phản lực Liên Xô mà các phi công Ukraine có thể bay, cùng với nhiều tên lửa chống tăng, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và tên lửa tầm nhiệt có khả năng bắn hạ trực thăng hoặc máy bay chiến đấu.

Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết : "Chúng tôi rất vui nhưng chúng tôi không hài lòng. Những gì chúng tôi có là không đủ vì quân đội Nga vẫn đang ở Ukraine".

Quan chức Mỹ cảnh báo rằng tốc độ tiếp tế có thể sẽ chậm lại nếu Nga giành quyền kiểm soát đường cao tốc và các thành phố ở miền tây Ukraine. Đây là nơi nhận vũ khí do các đoàn xe từ Ba Lan, Slovakia và Romania chở đến. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá được tốc độ tiến công của Nga và thời điểm các đường cung cấp có thể bị ngăn chặn.

Các thành viên NATO ở Trung Âu và thuộc Liên Xô cũ hoặc là đồng minh Liên Xô đã chuyển m ột lượng lớn thiết bị đến Ukraine. Mỹ nói rằng Washington và đồng minh NATO đã gửi 17.000 vũ khí chống tăng vào Ukraine, phần lớn do quân đội Séc cung cấp.

Chiến dịch gây quỹ cộng đồng, quyên góp được 20 triệu đô la từ các nhà tài trợ cá nhân ở Cộng hòa Séc ủng hộ cho Ukraine. Chính phủ Séc chi thêm 30 triệu đô la để mua vũ khí và hầu như toàn bộ đã được gửi đi.

"Chúng tôi sẽ làm càng sớm càng tốt mọi yêu cầu của các đồng minh của Ukraine". Thứ trưởng Quốc phòng Séc Tomas Kopecny cho biết. "Khi sử dụng chúng ở Ukraine có nghĩa là không sử dụng ở nước tôi".

Mặc dù máy bay vận tải và xe tải rất dễ nhận thấy, hoạt động cung cấp cho Ukraine ở nhiều quốc gia vẫn diễn ra bí mật. Một số quốc gia Trung và Đông Âu lo ngại việc vận chuyển quá mức có thể chọc tức Nga. Ông Bryjka nói : "Hầu hết các nước không muốn chia sẻ chi tiết vì họ sợ Nga có thể phản ứng. Và họ không muốn làm cho tình báo của Nga dễ dàng làm việc hơn".

Những chuyến hàng cũng đang hoạt động thông qua một khu vực mà Washington không tin sẽ mở cửa lâu hơn nữa. Quan chức Mỹ từng cho rằng Kyiv sẽ sớm bị chiếm lấy. Kyiv đã cản bước tiến của Nga, cho phép quân đội phương Tây vận chuyển thiết bị dễ dàng hơn họ nghĩ.

Những người Ukraine ở nuóc ngoài đang sử dụng cách thức tương tự để chuyển các thiết bị quân sự được mua bằng tiền riêng cho những người lính đang chiến đấu. Trong khi Tổng thống Biden đang phát biểu Thông điệp Liên bang vào tuần trước, Biden hứa hẹn viện trợ cho Ukraine, thì Oksana Prysyazhnyuk, một giám đốc điều hành năng lượng người Ukraine ở bang New York, vừa theo dõi bài phát biểu vừa nhắn tin cho bạn cô ở tiền tuyến. Một người bạn Ukraine đang đóng quân ở gần chiến tuyến nhắn tin cho cô : "Bạn có thể tìm người có thể cung cấp mũ bảo hiểm và áo giáp chống đạn vì nhu cầu với những thứ này cực lớn".

Bà Prysyazhnyuk nói : "Họ chiến đấu tay không. Họ thậm chí không có giày mùa đông".

Một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine phát biểu hôm thứ Ba từ căn cứ bên ngoài Kyiv lại không đồng ý với quan điểm này. Ông cho biết hiện tại không có tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng nào trong quân đội của mình. Khi được hỏi về sự hỗ trợ nào từ phương Tây, ông ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky về vùng cấm bay trên không phận Ukraine và nói thêm : "Tôi muốn thấy nhiều lính Nga chết hơn".

Matthew Luxmoore, Drew Hinshaw, Nancy A. Youssef

Nguyên tác : "NATO members organize a large operation to supply Ukrainian fighters", goodwordnews, 08/03/2022

https://goodwordnews.com/nato-members-organize-a-large-operation-to-supply-ukrainian-fighters/

Nguồn : VNTB, 11/03/2022

*************************

Chiến tranh Ukraine : Quân đội Nga siết chặt vòng vây, tiến đến sát Kiev

Thùy Dương, RFI, 10/03/2022

Quân Nga đang tiếp tục chiến dịch tấn công ở Ukraine, siết chặt vòng vây thủ đô Kiev, đồng thời mở các mặt trận tấn công vào các thành phố Izium, Petrovske, Hruchuvakha, Sumy, Okhtyrka, cũng như tại các vùng Donetsk và Zaparojie.

nato2

Cảnh xe tăng bị phá hủy bên ngoài Brovary, ngoại ô thủ đô Kiev, Ukraine, trong một đoạn video gửi đến Reuters ngày 10/03/2022 via Reuters- Azov Handout

Một nhà báo của AFP tại Ukraine cho biết quân Nga ngày càng tiến nhanh và tiến sát đến thủ đô Kiev từ phía bắc và đông bắc. Cách nay 5 ngày, quân Nga còn ở cách Kiev 100 km về phía đông bắc, nhưng đến hôm qua, 09/03/2022, đoàn xe tăng của Nga chỉ còn cách Kiev 15 km, gần Brovary. Một người dân ở Brovary cho AFP biết quân Nga đã chiếm được 2 làng cách đó vài km.

Sáng nay, những đám khói bốc lên ở Skybyn, cách Kiev chưa đầy 1 km về phía đông. Tuyến đường đã bị cắt đứt. Quân đội Ukraine cảnh báo quân Nga có thể bắt đầu oanh kích thành phố vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, chính quyền vùng Sumy cho biết có 2 phụ nữ và một thiếu niên 13 tuổi đã thiệt mạng trong một cuộc oanh kích vào Velyka Pysarivka vào đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay.

Về tình hình di tản thường dân, phó thủ tướng Irina Verechtchouk cho biết Ukraine hôm nay mở 7 hành lang nhân đạo để di tản những người dân đang bị mắc kẹt trong các vùng chiến sự, trong đó có một hành lang nhân đạo từ thành phố cảng Mariupol, miền đông nam Ukraine. Reuters dẫn lời nhà chức trách thành phố Sumy sáng nay cho biết các cuộc di tản đã bắt đầu ở miền đông bắc Ukraine sau một lệnh ngừng bắn.

Còn trong ngày hôm qua, tổng thống Ukraine Zelensky thông báo ít nhất 35.000 thường dân đã được di tản khỏi nhiều thành phố đang bị vây hãm. Nhưng một lần nữa, chính quyền Ukraine lên án quân đội Nga hôm qua vẫn cản trở nỗ lực di tản thường dân Ukraine ở nhiều thành phố, bất chấp cam kết của Moskva về việc tôn trọng lệnh ngưng bắn quanh 6 hành lang nhân đạo.

Thùy Dương

Published in Diễn đàn

Chưa bao giờ dân Việt Nam đứng trước cảnh ngổn ngang lòng người, trong những ngày đầu/3/2022.

khoc1

Bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn

Đại dịch bùng phát "chưa từng có", như báo Dân Trí cho biết [1] chỉ trong ngày 5/3/2022 đã đạt mức hơn 125.000 người. Số tử vong theo số liệu chính thức [2] ở mức 40.609, so [3] với 23.476 vào hôm 18/10/2021. Chỉ hơn 3 tháng đã có thêm 17.133 người chết, tăng đến 73%, dù hơn 196.300.000 liều thuốc [4] đã được tiêm vào cho người Việt Nam, trong đó hơn 40.500.000 người đã chích mũi thứ 3.

Số liều thuốc [5] được cho là chích ngừa dành cho trẻ em từ 12-17 tuổi đạt mức 16.991.176 liều, trong đó mũi 1 : 8.730.834 liều ; Mũi 2 : 8.260.342 liều.

Ban đầu, y khoa thế giới đặt khái niệm [6] (underlying medical conditions - Việt Nam gọi là "bịnh nền") để khuyến khích những người đã mang sẵn trong thân thể những chứng bịnh lâu ngày và tiềm ẩn chưa bộc phát mạnh, càng nên đi chủng ngừa để bảo vệ sức khỏe. Họ nói rằng, sau khi tiêm, nếu nhiễm cúm sẽ nhẹ và những người có "bịnh nền" càng có cơ may rất lớn để sống sót trước đại dịch. Rồi hàng triệu liều thuốc gọi là "chích ngừa" ào ạt đổ vào Việt Nam với tài ba ngoại giao [7] "không sĩ diện gì hết, miễn có vắc xin" của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khiến tuyệt đại đa số người dân cảm nhận "công đức vô lượng" của "người là niềm tin tất thắng" (!) như một "phật sống", gạt bỏ hết sự kiêu ngạo để "cứu nhân độ thế" cho người Việt Nam.

Còn nhớ, trung tuần tháng 10/2021, giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng - vào lúc cao điểm của dịch hoành hành tại Thành phố Hồ Chí Minh - đã cho biết [8], tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức hơn 17.400 ca nhiễm/ngày. Sau đó, là giới nghiêm, lô cốt, xua đuổi, đánh đập, hốt người như hốt heo v.v... Làm sao có thể quên "cuộc tháo chạy vĩ đại" của hàng chục ngàn con người, trong hoàn cảnh tả tơi, mang theo nước mắt và máu hồi năm ngoái, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Trời không chiều lòng người ! Càng chích càng tăng số ca nhiễm khủng khiếp. Chỉ riêng Hà Nội [9] đã đạt con số 21.395 ca nhiễm mới vào hôm 4/3/2022, vượt xa so với đỉnh dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái. Người dân thủ đô đã gọi tên Chu Ngọc Anh với lời hứa "nếu bung và toang" thì Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên, ông Chủ tịch Hà Nội không lời hồi đáp.

Nói cho ngay, với chủ trương suốt hơn 70 năm qua của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam - tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách - được ghi rõ ràng trong điều lệ đảng, đổ tội cho riêng Chu Ngọc Anh thật không công bằng. Bởi khi mọi sự việc diễn ra tồi tệ và tồi tệ kinh khủng, người cộng sản Việt Nam (từ cao nhứt đến thấp nhứt) đều có một "thói quen", vội vàng đi tìm một cái thùng rác để đổ nhưng nhứt định thùng rác đó, không phải của mình và không bao giờ nằm trong nhà mình.

Tư tưởng dẫn dắt hành vi. Hành vi tạo ra thói quen. Thói quen biến thành cố tật. Lâu ngày, cố tật "vô trách nhiệm" - vốn chảy rần rật trong huyết quản của những nhân vật cấp cao nhứt trong Đcộng sản Việt Nam, qua các thời kỳ - đủ tiêm nhiễm và lây lan rộng khắp trong dân chúng. Từ đó, nó "dựng xây" một xã hội ngập tràn những con người luôn trốn tránh trách nhiệm và tháo chạy trước nỗi nguy nan cận kề. Rất tiếc ! Nỗi nguy nan mang hình bóng ma quái đầy ám ảnh đó, hoàn toàn có thể gõ cửa từng ngôi nhà yêu dấu của họ, vào bất cứ lúc nào, dù nửa đêm về sáng hay hoàng hôn chập choạng buông xuống, trong nỗi sợ hãi chiếm ngự giữa lồng ngực, càng trở nên bất an hơn dù đã tiêm đến 3 mũi hoặc mũi 4. Những mũi kim đó lại được quảng cáo là "hàng hiệu" xuất phát từ Hoa Kỳ - vốn mệnh danh xứ sở văn minh - tân kỳ và là cường quốc số Một thế giới.

Cũng kể từ đó, nền y khoa đã đề cập đến một chứng bịnh có một không hai trong lịch sử y khoa với khái niệm rất độc đáo [10] mang tên Post-Covid Conditons mà Việt Nam dịch ra là "Hậu Covid", vốn ngỡ nhẹ nhàng nhưng không hề đơn giản như người dân tưởng tượng, bằng bài báo, có tựa như đe dọa người dân [11], vẫn chưa hết bàng hoàng - "F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19". Trong bài báo cho biết, gần như không còn thiếu bất kỳ triệu chứng nào ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể con người (não, tim, tạng, mắt, da, xương khớp, tủy v.v.).

Nhiều người đã chích từ 3 mũi trở lên vẫn bị tái nhiễm [12] loại virus đó, khiến họ càng hoang mang. Trong số này, không hề thiếu giới y tế. Những thông tin chết về đột qụy dù trẻ tuổi và những cái chết khó hiểu khác vẫn xuất hiện trên mặt báo, cùng những vụ tai nạn giao thông kỳ quái và những cuộc ẩu đả loạn xạ vẫn tiếp diễn mỗi ngày nhưng hầu như chưa có lời giải đáp rõ ràng, từ các nhà tâm lý học, bác sĩ tâm lý, xã hội học cùng các chuyên gia y tế - dịch tễ nhưng có thông tin chính thống từ báo Tuổi Trẻ [13] và báo VnExpress [14] cho biết những tổn thương tâm lý là có thật, nó đến từ những người không tìm lại được giấc ngủ sâu, dù sau khi đã chích vài mũi "tiên dược". Lại có cả chứng "sương mù não", gây ra tình trạng trí nhớ dần sa sút, hay quên, kém linh hoạt trong ứng xử.

Dù các loại triệu chứng và các loại bịnh tật xuất hiện ngày một thường xuyên và dần phổ biến trong dân chúng, kể từ sau khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia "chậm tiến" về vắc xin, nhanh chóng vượt lên đứng đầu trong những nước phủ loại "tiên dược" này với tỉ lệ dân số rất cao nhận được "ơn đảng" nhưng, dường như chưa thỏa mãn cái gọi là "miễn dịch cộng đồng", cho nên Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục phát lịnh "thần tốc tiêm ngừa" với mũi 4 vào hôm 5/3/2022.

Tuy nhiên cũng có tin vui hơn, ngày 15 tháng Ba tới đây, Việt Nam chính thức mở cửa cho thị trường du lịch được đón tiếp khách từ bốn phương tám hướng về nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn cũng là giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi phần nào khả dĩ. Và một tin đối nghịch với tin rất vui vừa kể, đến từ trang Vietnamnet [16] hôm 2/3/2022 dẫn lời từ Đại sứ quan Hoa Kỳ tại Việt Nam : "Ngừng đi lại" đến Việt Nam của Bộ Ngoại giao, đồng thời nêu nhận định của CDC Mỹ rằng "Mức độ dịch Covid-19 tại Việt Nam đang ở mức rất cao. Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam liên tục thay đổi và khác nhau tùy theo từng tỉnh thành. Xin bảo trọng".

Bầu trời Việt Nam ngỡ vừa hửng nắng lại lù lù một đám mây đen khổng lồ kéo tới. Có vẻ ông Trời đang khóc. Lần này chắc ổng khóc lâu hơn, bởi không chỉ cho Việt Nam mà ổng khóc cho cả cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn một cách khốc liệt...

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 05/03/2022

[1] https://dantri.com.vn/suc-khoe/sang-53/38-tinh-thanh-co-ca-mac-moi-len-con-so-hang-nghin/20220304213018352.htm

[2] https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-chu-tri-cuoc-hop-truc-tuyen-toan-quoc-ve-phong-chong-dich/776475.vnp

[3] https://baochinhphu.vn/le-tuong-niem-dong-bao-tu-vong-va-can-bo-chien-si-hy-sinh-trong-dai-dich-covid-19-102304105.htm

[4] https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/chieu-4/3/a-tiem-tren-196/3/trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-trong-o-40-5-trieu-lieu-bo-sung-nhac-lai?inheritRedirect=false&redirect=https%3A%2F%2Fmoh.gov.vn%3A443%2Ftin-tong-hop%3Fp_p_id%3D101_INSTANCE_k206Q9qkZOqn%26p_p_lifecycle%3D0%26p_p_state%3Dnormal%26p_p_mode%3Dview%26p_p_col_id%3Drow/3/column-2%26p_p_col_pos%3D1%26p_p_col_count%3D2

[5] https://suckhoedoisong.vn/chieu/3/3-con-9-dia-phuong-tiem-mui-2-vaccine-phong-covid-19-cho-tre-tu-12-17-tuoi-duoi-90-16922030315030579.htm

[6] https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/clinical-care/underlyingconditions.html

[7] https://thanhnien.vn/thu-tuong-luc-do-khong-si-dien-gi-het-mien-co-vac-xin-post1423651.html

[8] https://tuoitre.vn/giam-doc-so-y-te-tp-hcm-ngay-cao-diem-tp-co-17-400-ca-mac-covid-19/20211019092718691.htm

[9] https://nld.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-hom-nay-125587-ca-nhiem-moi-bac-ninh-va-quang-ninh-bo-sung-hon-48000-ca/2022030416071147.htm

[10] https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/long-term-effects/index.html

[11] https://dantri.com.vn/suc-khoe/f0-nhe-nguy-kich-hau-covid19-su-nguy-hiem...

[12] https://laodong.vn/y-te/nhieu-nguoi-tai-mac-covid-19-khong-loai-tru-truo...

[13] https://tuoitre.vn/vuot-qua-tram-cam-suong-mu-nao-sau-khi-mac-covid-19-2...

[14] https://vnexpress.net/ton-thuong-tam-ly-khung-hoang-hau-covid-4425680.html

[15] https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tung-buoc-binh-thuo...

[16] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/cdc-my-khuyen-cao-cong-da...

Published in Diễn đàn

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang gây chú ý và phân rã mãnh liệt đối với người Việt Nam. Có lẽ bởi vì, giữa ba quốc gia Việt Nam - Nga - Ukraine đều dính líu rất nhiều và sâu đậm về ý thức hệ cộng sản.

chientranh0

Một khu dân cư ở Ukraine bị pháo của quân Nga bắn phá

Dường như nghị quyết của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu, lên án Nga xâm lược Ukraine mà trong đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chọn phiếu trắng, càng làm cho rất nhiều người Việt Nam phẫn nộ hơn là đồng thuận.

Những ngày sau đó, sứ quán Ukraine tại Hà Nội tổ chức phiên hội chợ [1] mang tính chính trị, để làm công tác tuyên truyền tính chính nghĩa của nhà nước Ukraine cho người Việt Nam, như là thông điệp kêu gọi, hãy đứng về phía họ trong cuộc giao tranh đang đến hồi khốc liệt. Buổi hội chợ này không hề được giới báo chí trong nước đưa tin. Đó là chỉ dấu cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chọn thái độ im lặng, như là một cách rất bế tắc giữa cuộc chiến.

Tuy nhiên, chiếc phiếu không chống cũng không ủng hộ đó, lại rất phù hợp với chiến lược quốc phòng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam với chính sách Ba Không (sau này bâng lên thành Bốn Không) - Một chính sách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chọn cho toàn thể người Việt Nam, làm sao tránh mọi xung đột hiềm khích mang cả tính đối nội, cũng như toát lên tinh thần "làm bạn với thế giới". Giờ đây, cũng chính sách hữu hảo và mang đậm tinh thần "tứ hải giai huynh đệ" lại làm nứt nẻ lộ dần lòng dân nội tại. Bởi quan sát, đủ thấy rất đông người Việt Nam chọn lên án Tổng thống Putin. Phần còn lại rất ít, chọn thái độ quan sát và đưa tin chừng mực theo diễn biến cuộc chiến nhưng cũng bị đám rất đông quy cho "tội ủng hộ nhà phát xít".

Chính sách Ba Không (sau này nâng lên thành Bốn Không) là một chính sách bị nhiều nhà báo và chính trị gia trong và ngoài nước gọi là "ba phải".

Chính sách Ba Không trong Luật Quốc Phòng được nhìn thấy rõ lâm vào phép "ngụy biện dựa vào dân chúng".

Sai lầm của phép ngụy biện này là cách mà người cộng sản Việt Nam kêu gọi về tình cảm, đặc biệt kêu gọi dân chúng bằng khái niệm "lòng yêu nước" và "yêu hòa bình, ghét chiến tranh".

Phép ngụy biện này được người cộng sản Việt Nam sử dụng nhằm hướng người dân Việt Nam đến một kết quả (ngỡ rằng tốt đẹp) bằng tình cảm hơn là lý trí.

Thử hỏi cả thế gian này, có mấy ai dám nói không với "yêu hòa bình" và có dân tộc nào không có "lòng yêu nước" (?)

Nguy hại của phép ngụy biện này ở chỗ : "Lòng yêu nước" sẽ lấn át hết lý trí và dễ dàng hướng con người đến cuồng nộ mù quáng, khi bất kỳ ai đó động chạm vào tình cảm được coi là thiêng liêng và bất diệt. Nó dễ dàng đem lại sự chấp nhận thiếu suy nghĩ của con người, đối với những ý kiến được trình bày theo những cách khác nhau.

Sự kêu gọi dân chúng về lòng ái quốc dễ dẫn đến những hành động theo bản năng của số rất đông. Đặc biệt, bản năng bạo loạn sẵn sàng bộc phát trong nhiều trường hợp đã được thực tế thế giới chứng minh, như người Trung Hoa đập phá tan nát [2] những cửa tiệm, tài sản của người Nhật Bản vào năm 2012. Cuộc bạo loạn này được đánh dấu như là mức kỷ lục về sự cuồng nộ của "lòng yêu nước" mà người Trung Hoa cho rằng người Nhật Bản "dám động đến", kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972.

Thực tế tại Việt Nam cũng đã chứng minh sự nguy hại của phép "ngụy biện dựa vào dân chúng", bằng khái niệm "chiến tranh nhân dân" kéo dài từ thời Pháp đến thời Mỹ và cho cả đến thời kỳ chống Trung Quốc (nhưng người cộng sản Việt Nam chỉ dám gọi là "chiến tranh biên giới" - Đây lại là phép "ngụy biện đánh tráo khái niệm"). Cũng từ phép "ngụy biện đánh tráo khái niệm" mà sinh ra những danh xưng rất lố lăng và bất xứng như : "kháng chiến chống Pháp", "kháng chiến chống Mỹ" nhưng không có "kháng chiến chống Tàu" hoặc giả, có "liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ" nhưng không có "liệt sĩ chống Tàu". 

Do đó, đứng trước một cuộc chiến tranh, có lẽ nên bình tâm nhìn cho rõ và hãy đọc cho kỹ, với thông tin đa chiều. Khi nhìn chiến cuộc, đơn thuần chỉ bằng "lòng ái quốc", dù đầy quyến rũ và hấp dẫn với "da ngựa bọc thây", "tử chiến sa tràng", "chết vinh hơn sống nhục" v.v. nó vẫn là phong cách kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung, vốn chỉ chiếm chỗ trên màn ảnh rộng.

Sau một bộ phim bom tấn, dù hay nhứt, dù độc đáo nhứt, dù nghiệt ngã nhứt, dù tàn khốc nhứt, dù lấy nước mắt nhiều nhứt, dù đoạt nụ cười thỏa mãn nhứt, thì nó vẫn không bao giờ để lại những mất mát với chia ly và trầm uất cùng hàng ngàn nhân mạng có thật !

Vì lẽ đó, chiến tranh chưa bao giờ là đề tài bàn luận để tranh thắng - thua như một trận bóng đá, dù đó là trận bóng đá quy tụ tất cả những ngôi sao trên thế giới !

Một cuộc chiến chính nghĩa không thể trưng ra những ảnh giả trá, vay mượn, xào nấu, cắt xén, cùng những thông tin thổi phồng như chiếc bong bóng, như nhiều người nhìn thấy nhan nhản trong nhiều cuộc chiến tranh. Ở đây, cần nhắc lại một mô thức đã có từ lâu - "chiến tranh tâm lý". Với thời đại internet, loại hình chiến tranh này càng được đẩy lên tối đa, trong các cuộc chiến tranh.

Những ngày này, bên cạnh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang tập trận, với một địa điểm cách Huế chỉ khoảng 100km như RFA [3] loan tin vào hôm 7/3/2022, khiến người dân càng bất an hơn bao giờ hết. Nhiều người cũng nhắc lại cuộc chiến xảy ra vào sáng sớm ngày 17/2/1979, khiến cho mối quan hệ của hai đồng chí Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng và kéo dài cho đến khi mật nghị Thành Đô được ký kết vào năm 1990.

Cho đến nay, bí mật quanh mật nghị đó, người Việt Nam cũng chưa hề được cho biết rõ ràng, dù đã hơn 30 năm.

Những cặp mắt đỏ quạch trông về cuộc chiến Nga - Ukraine hay là sự mất ngủ của "hậu Covid" ? ! Không biết được. Chỉ rất rõ, nền kinh tế Việt Nam đang lao đao dữ dội, với giá xăng gần 27.000 đồng/lít.

Năng lượng là mặt hàng chiến lược của mọi quốc gia. Giữa cuộc chiến Nga - Ukraine, cùng với sự hỗ trợ của NATO và Hoa Kỳ, mặt hàng này đang trở thành "võ khí lợi hại" cho đôi bên tỉ thí.

Chiến tranh một khi xảy ra, nó là TRÁCH NHIỆM và QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT của NHÀ NƯỚC. Bởi chiến tranh không phải và chưa bao giờ là trò chơi cho dân.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 09/03/2022

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/world-60631263

[2] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dan-trung-quoc-qua-khich-dap-pha-dot-nha-tan-cong-dn-nhat-ban-post88487.gd 

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-protests-china-military-exercise-in-eez-03072022100444.html

Published in Diễn đàn

Đàm phán Mỹ-Nga : Làm thế nào tránh được chiến tranh Ukraine

Chi Phương, RFI, 10/01/2022

Về thời sự quốc tế, hầu hết các báo đều có bài nhận định, hôm nay bắt đầu một tuần lễ quyết định, với các hoạt động ngoại giao dồn dập liên quan đến tình hình tại Ukraine và đặc biệt là an ninh ở Châu Âu. Nhìn sang Châu Á, chuyến thăm Miến Điện của thủ tướng Hun Sen cũng được giới quan sát lưu ý bởi vì năm nay, Cam Bốt đảm trách chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

ukraine0

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và đồng nhiệm Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu hai phái đoàn đàm phán về an ninh tại Geneve, Thụy Sĩ, ngày 10/01/2022.  Reuters – Denis Balibouse

Ukraine và an ninh Châu Âu, trọng tâm đàm phán Mỹ-Nga

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ và Nga gặp nhau hôm nay, 10/01/2022, tại Geneve, Thụy Sĩ và một trong những hồ sơ chính được hai siêu cường thảo luận là Ukraine. Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : Putin-Biden : Làm thế nào tránh được chiến tranh Ukraine.

Theo tờ báo, thay vì tiến hành điều chỉnh chiến lược để đối phó với Trung Quốc như mong muốn lúc mới bắt đầu nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden giờ đây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng tại Châu Âu, một cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh : Đó là số phận của Ukraine trước nguy cơ Nga xâm lấn và an ninh trên lục địa Châu Âu.

Le Figaro nhận định, đối phó với tổng thống Nga Vladimir Putin, khả năng hành động của Hoa Kỳ bị hạn chế. Ngoại giao Mỹ đang đứng trước vấn đề nan giải, giữa cứng rắn và thích ứng hòa hoãn, giữa nguy cơ leo thang xung đột quân sự với hậu quả tệ hại và sự nhượng bộ ngoại giao, làm mất uy tín của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), mất lòng tin vào những bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ đã gạt bỏ khả năng điều động lính Mỹ đến Ukraine, đe dọa tổng thống Putin sẽ áp dụng các trừng phạt cực kỳ nặng nề nếu như Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, các nhà ngoại giao Mỹ thừa nhận là từ 2014, các biện pháp trừng phạt không ngăn cản được Nga sáp nhập Crimea, ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbass, ngăn chặn các vụ tấn công tin học hay các âm mưu ám sát những nhân vật đối lập đang tỵ nạn ở nước ngoài.

Trong tuần này, ngoài cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Nga, sẽ còn có cuộc họp bất thường Nga-NATO tại Bruxelles, ngày 12/01 và sau đó là cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), tại Vienna, Áo, ngày 13/01.

Tuy nhiên, chính ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thừa nhận là sẽ không có một bước đột phá nào trong các cuộc thương lượng với Nga. Ông nhận định, xin trích : "Nga muốn lôi kéo chúng ta vào cuộc thảo luận về NATO thay vì tập trung vào vấn đề mà chúng ta quan tâm, đó là việc Nga (có thể) xâm lược Ukraine. Chúng ta sẽ không để bị đánh lạc hướng trong vấn đề này" Bởi vì, theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, những gì xẩy ra tại Ukraine không chỉ liên quan đến Ukraine mà thực ra đó là cách ứng xử gây mất ổn định, nguy hiểm và thông thường là bất hợp pháp của Moskva vì Nga đang tìm cách tạo dựng vùng ảnh hưởng, bằng cách thôn tính các quốc gia trước đây nằm dưới ách thống trị của Liên Xô và ngăn chặn những nước này thực hiện các khát vọng dân chủ với tư cách là những quốc gia độc lập và có đầy đủ chủ quyền.

Trang nhất của Le Monde cũng có tựa : "Ukraine và NATO : một tuần lễ quyết định giữa Moskva và Washington". Nga đã tuyên bố sẽ không có một nhượng bộ nào trong cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Genève.

Sau khi huy động đông đảo binh sĩ tập trung ở vùng biên giới chung với Ukraine, tuần này, Nga bắt đầu các đàm phán ngoại giao liên quan đến an ninh ở Châu Âu và các nước láng giềng. Liệu Nga có quan tâm đến việc giải quyết một cách hòa bình các căng thẳng trên cơ sở các thỏa hiệp song phương hay chỉ ưu tiên giải pháp dùng vũ lực và việc đã rồi ? Những câu hỏi này sẽ từng bước được làm sáng tỏ thông qua các cuộc gặp của Nga với Mỹ, với NATO và trong cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Le Monde có cùng nhận định như Le Figaro : khả năng hành động của Hoa Kỳ rất hạn hẹp. Chiến lược của tổng thống Mỹ hạn chế các chủ đề gây khủng hoảng với Nga để tập trung sức lực đối phó với Trung Quốc giờ đây đang bị thử thách. Hơn nữa, bên trong NATO, giả thuyết về việc Mỹ và Nga thỏa hiệp trên lưng Ukraine làm cho các nước Baltic và Ba Lan lo ngại.

Hồ sơ Ukraine cũng được báo Les Echos quan tâm và cho rằng đó là "một tuần lễ đàm phán dồn dập". Cụ thể là Nga đã đưa ra hai dự thảo hiệp ước, một để đàm phán với Mỹ và văn bản kia để nói chuyện với NATO với mục tiêu rất rõ ràng : rút các lượng của NATO ra khỏi các nước đồng minh Trung Âu và Đông Âu và không cho Ukraine gia nhập NATO.

Theo nhận định của ngoại trưởng Mỹ, chiến lược của Nga là đưa ra một danh sách các đòi hỏi hoàn toàn không thể chấp nhận được và sau đó, cáo buộc phe bên kia không muốn giải quyết vấn đề và lấy cớ này để biện minh cho một cuộc xâm lược.

Cùng chủ đề này, báo La Croix nhận định : "Vladimir Putin muốn trắc nghiệm phương Tây ở Genève". Theo giới chuyên gia được tờ báo trích dẫn, "không ai ở Nga biết được Putin đang suy tính gì và đâu là các lằn ranh đỏ mà ông ta vạch ra".

Cựu đại sứ Pháp tại Nga Jean Maurice Ripert nhận định : Putin có mối ám ảnh là quay lại thời Chiến tranh lạnh, vào lúc đó, Nga là một cường quốc trên thế giới và là một bên đối thoại với Hoa Kỳ. Ý đồ của Nga là sử dụng mối đe dọa tấn công quân sự Ukraine để tiến hành đàm phán về một chủ đề rộng lớn hơn liên quan đến an ninh tại Châu Âu.

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen thăm Miến Điện

Thời sự Châu Á đáng chú ý là bài "Miến Điện : nối lại đối thoại với ASEAN" trên Le Figaro.

Trong tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, sau 36 giờ thăm chính thức "thủ đô ma" Napidaw, đã tuyên bố đạt được những "kết quả đáng chú ý" trong hồ sơ Miến Điện đầy gai góc qua các cuộc thảo luận với tướng Min Aung Hlang. Trong thông cáo chung sau chuyến thăm, lãnh đạo Miến Điện, tướng Min Aung Hlang thông báo lệnh "ngừng bắn" đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo báo Le Figaro, cam kết này không có hiệu quả trên thực tiễn, vì lệnh này "không tính đến việc giải quyết bạo lực bùng phát giữa quân đội và người dân Miến Điện" và chỉ liên quan đến các nhóm vũ trang chống đảo chính và các nhóm vũ trang dân tộc, quân du kích, "ngày càng đông đảo và có tổ chức". Theo chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, ông Sharon Seah Li Lian, các cam kết ngừng bắn trước đây chưa bao giờ được quân đội tôn trọng thực hiện, và lần này cũng không ngoại lệ. Sau chuyến thăm của phái đoàn Phom Penh, quân đội Miến Điện công nhận tính hợp pháp của bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cam Bốt Prak Sakhonn, người sắp được bổ nhiệm làm đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện.

Báo Le Figaro phê phán phái đoàn Cam Bốt đã không yêu cầu gặp gỡ hai nhà lãnh đạo bị phế truất "Aung San Suu Kyi và Win Myin với lý do đề nghị này "phản tác dụng". Do vậy, tờ báo kết luận, chuyến công du của ông Hun Sen gần như "không có kết quả gì".

Cũng về Miến Điện, nhân chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, báo Le Monde trong bài "Chuyến thăm tập đoàn quân sự Miến Điện đầu tiên của một lãnh đạo" đặt câu hỏi liệu có bàn tay Trung Quốc đứng sau hay không ?

Thủ tướng Hun Sen bảo vệ ý nghĩa chuyến công du với lập luận là cần đưa Miến Điện trở lại khối ASEAN, nếu không khối sẽ mất đi "tính tập trung". Le Monde cũng nhắc lại việc Miến Điện không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối hồi tháng 10/2021. Cam Bốt cũng nằm trong số 4 quốc gia của khối (với Lào, Thái Lan và Brunei) bỏ phiếu trắng tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 6/2021, về việc đưa ra nghị quyết lên án đảo chính của quân đội Miến Điện.

Theo báo Le Monde, có thể nhận thấy mối quan ngại của Phnom Penh về lời "dụ dỗ ngon ngọt" từ phía Trung Quốc, mà Cam bốt là quốc gia thân Trung Quốc nhất trong khối 10 nước này.

Giáo viên tiểu học Pháp đình công vì Omicron

Tình hình Covid đương nhiên cũng được các báo quan tâm. Les Echos nêu vấn đề "Nền kinh tế thích ứng với làn sóng Omicron như thế nào", bởi vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp Pháp đang phải đối mặt với tình trạng số nhân viên nghỉ làm gia tăng do bị lây nhiễm Omicron.

Trong khi đó, nhiều tờ báo đề cập đến cuộc đình công của giới công đoàn giáo viên tại Pháp.

Một tuần sau khi của chính sách đối phó với dịch tại trường học "đầy bất cập" ở Pháp, các bậc phụ huynh cũng như giáo viên "kiệt sức". Mục xã luận của báo La Croix chỉ ra những bất cập là vì "phải đưa con đến trường, rồi quay trở lại để xét nghiệm cho đứa thứ nhật, sau đó, đến trưa lại đến trường đón đứa thứ hai vì giáo viên vắng mặt, trong khi đó vẫn phải đảm bảo đi làm bình thường, cho con tiếp tục học hành, lo bữa trưa, v.v. Các hàng dài phụ huynh đưa con xét nghiệm trong thời tiết lạnh giá, không khỏi làm công luận bức xúc. Các phòng thí nghiệm và hiệu thuốc trong tình trạng quá tải. Nhiều phụ huynh bắt buộc phải cho trẻ ở nhà. Một số phụ huynh khác "lúng túng" không biết có nên đưa trẻ đến trường hay không. Một mặt vì vẫn đang đợi kết quả xét nghiệm, và mặt khác, đúng hơn là đa số, là vì giáo viên vắng mặt.

Nhật báo công giáo La Croix cho biết nền giáo dục quốc gia cho thấy những bất lực và từ đó tất cả những "bất cập" thiếu sót của hệ thống trường học tại Pháp như có cơ hội để "trỗi dậy" : thiếu nhân lực y tế, thiếu giáo viên thay thế, không thống nhất hướng dẫn từ trên xuống dưới, nhẫm lẫn trong các quy định về đeo khẩu trang hay xét nghiêm. Và trên hết là thiếu đoàn kết trong hệ thống mà ai cũng đùn đẩy trách nhiệm. Từ tất cả những lý do trên dẫn đến thông báo đình công của công đoàn giáo viên.

Bộ trưởng Y tế Pháp vẫn cứng nhắc giữ quyết định mở cửa lớp học bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, theo báo Libération, Bộ Y tế, không thể lờ đi và phải xem xét lại các quyết định của mình. Phát ngôn viên của chính phủ Pháp, Gabriel Attal cũng đã thông báo vào Chủ nhật về việc củng cố hệ thống sàng lọc, với việc mở "vài trăm trung tâm" xét nghiệm. Tuy nhiên, điều đó là không đủ đối với các công đoàn, họ đổ lỗi cho chính phủ vì đã không phản ứng với hầu hết các tuyên bố của họ : cung cấp khẩu trang FFP2, máy cảm biến CO2 và máy lọc không khí, và tuyển dụng giáo viên thay thế.

Bầu cử tổng thống Pháp : Bầu không khí tĩnh lặng

Về cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Trang nhất báo Libération nói về việc cựu bộ trưởng tư pháp cánh tả, bà Christiane Taubira, tuyên bố chấp nhận tham gia bầu cử sơ bộ lựa chọn một ứng viên duy nhất cho cánh tả.

Nhưng theo Libération, dường như đây là một "cú đánh may rủi", bởi vì tuyên bố này dường như đã không có ý nghĩa gì nữa, các ứng viên thuộc đảng Xanh, đảng Nước Pháp Bất Khuất, đảng Cộng Sản đã từ chối tham gia sơ tuyển.

Trong khi đó, báo La Croix nhận định : "Bầu cử tổng thống, sự yên tĩnh phẳng lặng". Chỉ còn ba tháng nữa là đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống, nhưng các ứng viên không làm sao thu hút được sự chú ý của cử tri. Cuộc khủng hoảng Covid không phải là lý do duy nhất của sự thờ ơ này. Theo giới phân tích, người dân biết rằng cuộc bầu cử tổng thống là quan trọng, nhưng đối với họ thì còn xa. Có một sự chênh lệch khác biệt giữa một bên là sự sốt ruột của các ứng viên và các nhà quan sát ; họ muốn là chiến dịch vận động tranh cử phải sôi sục. Và bên kia là người dân Pháp đang chờ đợi các chương trình tranh cử và các cuộc tranh luận.

Chi Phương

Published in Quốc tế