Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, cụ thể là từ thời Ngô Quyền dựng nước đến nay các cuộc thay đổi triều đại đều do các quan võ hoặc hoàng thân quốc thích trong cung đình khởi xướng và lãnh đạo. Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ là nhà hậu Lê (Lê Lợi) và Tây Sơn không phải hoàng tộc. Lê Lợi là một hào trưởng người Mường, thuộc tỉnh Thanh Hóa, có công đánh đuổi giặc Minh rồi xưng vương. Trường hợp anh em nhà Tây Sơn khá đặc biệt, đây là lần đầu tiên có một triều đại do những người "anh hùng áo vải" lập nên.
Chúng ta cùng quay lại lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Vào giai đoạn suy tàn, Đàng trong Trương Phúc Loan chuyên quyền, phế bỏ người con thứ hai của Vũ Vương (theo di chiếu) rồi lập người con thứ 16 lên làm làm chúa là Định Vương. Đàng ngoài, chúa Trịnh Sâm mê đắm Đặng Thị Huệ nên phế con trưởng là Trịnh Khải và lập người con của Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán làm thế tử. Trịnh Cán nhỏ tuổi lại bệnh tật nên nhà Trịnh sinh loạn. Trịnh Sâm mất, Trịnh Khải cùng quân tam phủ nổi loạn, phế bỏ Trịnh Cán rồi lên làm chúa. Nhờ công lao đó nên đám quân tam phủ trở thành kiêu binh, tha hồ cướp bóc, thích giết ai thì giết, kể cả quan lại trong triều. Trong tình trạng như vậy thì anh em nhà Tây Sơn, vốn xuất thân là những tướng cướp với một đội quân qui củ, có kỷ luật và thiện chiến đã dễ dàng tiêu diệt cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh.
Ba anh em nhà Tây Sơn - Ảnh Wikimedia Commons
Đảng cộng sản đang cai trị Việt Nam từ năm 1945 đến giờ là một tổ chức khủng bố được Liên Xô đào tạo và hậu thuẫn, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, chính phủ của Trần Trọng Kim vừa được thành lập, không có thực lực và đội ngũ nên đã bị Đảng cộng sản, một tổ chức có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và quyết tâm cướp mất chính quyền.
Nhà Tây Sơn và chế độ cộng sản giống nhau vì đều là những người nông dân nổi dậy. Họ cũng hành xử giống nhau khi đã giành được chính quyền. Nguyễn Huệ sau khi lên làm vua vẫn cư xử như một đảng cướp nên nhà Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh đánh bại không lâu sau đó.
Đảng cộng sản sau khi cướp được chính quyền thì đã giữ chặt chế độ cho bè đảng thay vì dân chủ hóa đất nước theo dòng chảy lịch sử. Họ cai trị Việt Nam như là một đội quân chiếm đóng. Từ đó Việt Nam có thêm một tộc người mới, "tộc người cộng sản". Tộc người cộng sản chỉ có khoảng 5 triệu người (trong đó chủ yếu là 3 triệu đảng viên đang đương chức, những người về hưu đa số đã hội nhập trở lại với người dân Việt Nam) nhưng họ nắm hết mọi quyền hành và tự quyết định sinh mệnh của 95 triệu người Việt Nam còn lại. Tộc người này sống ngoài và sống trên luật pháp. Một thành viên không may mắn của tộc người này chỉ bị trừng phạt sau khi bị khai trừ ra khỏi tộc, họ gọi một cách văn vẻ là "khai trừ đảng".
Đặc điểm chung của các cuộc thay đổi triều đại từ trước đến nay là sự vắng bóng của tầng lớp trí thức (sĩ phu). Sự có mặt của họ chỉ để biện hộ và minh họa cho chế độ. Trí thức chưa bao giờ đóng vai chính trong các cuộc đổi đời đó.
Với văn hóa Khổng giáo, tầng lớp trí thức được mặc định là một công cụ, là tay sai cho chế độ. "Nghề" của trí thức là làm tôi tớ cho các vua chúa. Họ không biết phản kháng và chưa bao giờ đứng về phía người dân. Nhiệm vụ của họ là tô vẽ, biện minh cho chế độ. Các khoa thi chỉ dành cho kẻ sĩ, những người sẽ làm nô lệ cho triều đình. Giới hoàng tộc không bao giờ đi thi.
"Cho tới kỷ nguyên dân chủ, các chính quyền nói chung đều là chỉ là những bạo quyền. Các vua chúa về thực chất chỉ là những kẻ cướp thành công. Được làm vua, thua làm giặc. Điều đặc biệt của văn minh Khổng giáo là nó coi việc phục vụ các bạo quyền là một đạo lý, nghĩa là đặt tội ác vào địa vị của đạo đức. Giai cấp sĩ là những kẻ nô lệ rất đặc biệt, làm dụng cụ cho các bạo quyền để đàn áp và bóc lột quần chúng nghèo khổ. Họ phục vụ những kẻ đáng lẽ phải chống và chống những người đáng lẽ phải bảo vệ. Tuy vậy họ không thấy tội lỗi vì đạo lý của họ là như thế" (1).
"Nghề" của trí thức là làm tôi tớ cho các vua chúa. Ảnh minh họa
Trí thức ngày nay, tức là hậu duệ của giai cấp sĩ ngay trước vẫn chưa rũ bỏ được văn hóa nô lệ của Khổng giáo. Họ biết là chế độ cộng sản là tồi dở, xấu xa nhưng không có nhiều người định chống lại nó và đa số trong thiểu số nhỏ này không biết phải chống như thế nào. Ngược lại không ít trí thức đang phục vụ chính quyền vẫn ra sức biện minh cho chế độ, giúp chế độ kéo dài ách thống trị. Họ xem những bổng lộc được chế độ ban phát là đặc ân và lý tưởng của đời người.
Trí thức Việt Nam thừa hiểu và biết rõ hơn ai hết sự thối nát của chính quyền bạo ngược nhưng họ không hề cảm thấy bị xúc phạm. Đã đến lúc phải xem đó là chuyện hoàn toàn không bình thường vì trí thức luôn là tâm hồn, trí tuệ của dân tộc.
Việt Nam là một trong rất ít những quốc gia chưa có dân chủ. Lý do cũng giản dị : Tầng lớp trí thức vẫn chưa chịu đứng dậy và nhập cuộc. Cả đoàn tàu đã sẵn sàng nhưng đầu tàu vẫn chưa chịu khởi động.
45 năm sau ngày 30/4/1975, Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức chính trị nào thực sự hùng mạnh và có tầm vóc để làm đối trọng với Đảng cộng sản. Cách tranh đấu cá nhân (nhân sĩ) suốt bao năm qua đều dẫn đến bế tắc và thất bại. Người thì đi tù, người thì ra nước ngoài rồi tan biến vào quần chúng.
Các cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ cộng sản đã thuộc về quá khứ. Đấu tranh bất bạo động là trào lưu tất yếu của thời đại. Muốn chiến thắng trong một cuộc cách mạng bất bạo động thì phải có tổ chức để hướng dẫn và lãnh đạo người dân. Cuộc cách mạng dân chủ lần này là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Nó hoàn toàn khác vì không có bạo lực và quan trọng nhất là phải do tầng lớp trí thức dẫn dắt và lãnh đạo.
Cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp đề nghị khác hoàn toàn với cuộc cách mạng cộng sản trước đây. Nó sẽ là cuộc cách mạng "từ trên xuống" thay vì "từ dưới lên". Cộng sản, bản chất là một chủ nghĩa dân túy, họ tranh thủ và lôi kéo thành phần dân chúng ít học, thua kém trong xã hội đứng dậy làm cách mạng, sau đó họ chiếm đoạt thành quả đạt được và giữ chặt cho mình. Cương lĩnh của Đảng cộng sản vẫn ghi rằng họ là đại diện cho giai cấp công - nông nhưng thực tế hiện nay không có ai trong họ là công - nông. Họ lợi dụng sự kém hiểu biết của giai cấp công nông để làm cách mạng bạo lực. Trí thức là một thiểu số cô đơn nên bị chính quyền của đám đông uy hiếp và họ chỉ còn mỗi cách là qui phục. Họ qui phục vì sợ và vì bất lực.
Trong khi đó Tập Hợp chủ trương cuộc cách mạng này phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo vì thế chúng tôi tập trung vào tầng lớp trí thức trước thay vì đi ngay vào "vận động quần chúng". Cuộc cách mạng này là để mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước đúng như tên gọi của Dự án chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Chúng tôi muốn thuyết phục và động viên tầng lớp trí thức trước bằng tư tưởng và lý luận dân chủ. Các bài viết của Tập Hợp chú trọng lý thuyết là vì thế. Nhiều người phản ánh là các bài viết của Tập Hợp hơi dài và khó đọc. Thật tình là các bài viết đó không dành cho đa số quần chúng mà hướng tới những người được xem là trí thức và quan tâm đến đất nước.
"Tư tưởng không thông thì vác bình đông cũng nặng". Nếu không khai thông tư tưởng dân chủ thì không thể có cách mạng dân chủ. Dân chủ phải đi từ trên xuống dưới. Theo nghiên cứu của Tập Hợp thì chưa có chế độ dân chủ nào được hình thành sau một cuộc cách mạng bạo động.
"Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại ; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn" (2).
Cuộc cách mạng lần này là của trí thức vì vậy phải có tư tưởng và trí tuệ.
Trong cuộc cách mạng mà Tập Hợp đề nghị thì trí thức Việt Nam phải đóng vai chính. Trí thức phải dấn thân cho xã hội, đứng về phía người dân chống lại áp bức và bất công. Một người trí thức thật thụ phải xem di sản lớn nhất đời mình là để lại một đất nước, một xã hội tốt đẹp hơn trước khi từ giã cõi đời thay vì mình được giữ chức vụ hay bổng lộc gì.
Đảng cộng sản cai trị Việt Nam một cách kinh khủng và hà khắc hơn cả chế độ thực dân Pháp trước đây. Họ không còn xem họ là người Việt Nam. Họ cướp đoạt đất nước một cách trắng trợn. Họ sống và cư xử như một đội quân chiếm đóng. Thẻ đảng quan trọng hơn thẻ căn cước, chứng minh nhân dân hay hộ khẩu. Thẻ đảng có thể thay thế cho giấy tờ tùy thân và mang đi cầm cố lấy hàng trăm triệu đồng. Đảng viên chưa bị khai trừ thì không một cơ quan bảo vệ luật pháp nào dám đụng đến. Ngân sách nhà nước do đóng góp của người dân bị họ tiêu xài phung phí và ban phát thoải mái cho các hội đoàn hay những kẻ a dua và nịnh bợ.
Điều đáng nói nhất là "tộc cộng sản" chỉ có 3% dân số (thật ra chỉ có khoảng 200 người trong ban chấp hành trung ương đảng là "gắn bó" với nhau để bảo vệ quyền lợi của họ) lại có thể khống chế và áp đặt được sự thống trị của họ lên 97% số người Việt còn lại. Đáng nói hơn nữa là trình độ, kiến thức của những người đó ở dưới mức trung bình. Tiêu chuẩn để gia nhập "tộc cộng sản" là sự trung thành chứ không phải trí tuệ, "hồng hơn chuyên".
Trí thức Việt Nam phải xem đó là một sự xúc phạm lớn đối với dân tộc. Không thể xem đó là chuyện bình thường. Phải nói không với tộc người cộng sản thay vì luồn lách, cố gắng tìm cách trở thành thành viên của tộc người đó. Phải nói thẳng với nhau rằng những trí thức đang phục vụ cho tộc cộng sản là những người thiếu tâm hồn, thiếu đạo đức, thiếu phẩm giá và đáng lên án. Họ đã tự mình làm gù mình để được hội nhập với tộc người gù đó.
Muốn đứng thẳng lưng thì trí thức Việt Nam phải có tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc chỉ có ở những con người có tâm hồn cao cả, yêu nước và yêu người Việt Nam. Muốn chiến thắng nhóm người nhỏ bé đang cầm lái con tàu đất nước thì trí thức Việt Nam phải có kiến thức về chính trị. Có kiến thức chính trị để hiểu là chỉ có một lý tưởng đẹp và đúng với có thể đoàn kết được mọi người Việt Nam lại với nhau. Có kiến thức sẽ tạo ra lòng dũng cảm và viễn kiến. Có viễn kiến để thấy Đảng cộng sản không thể tồn tại trong thế giới văn minh. Có tâm hồn để thấy xấu hổ khi là thành viên của tộc người cộng sản đang đè đầu cưỡi cổ nhân dân Việt Nam.
Việt Hoàng
(12/06/2020)
---------------------
(1) 45 năm sau, một truyện thuyết cho tương lai (Nguyễn Gia Kiểng)
(2) Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị sa lông (Nguyễn Gia Kiểng)
Chính trị và các hoạt động chính trị là một lĩnh vực đặt biệt quan trọng cho mỗi quốc gia. Chính trị quyết định tất cả. Chính trị đúng, đất nước có dân chủ và phồn vinh. Chính trị sai, đất nước thất bại và tụt hậu. Trong hoạt động chính trị có nhiều đặc điểm, ví dụ đấu tranh chính trị là phải có tổ chức, có tư tưởng chính trị, có đội ngũ, và phải biết tiên liệu. Tiên liệu tức là "dự báo tương lai". Đây là một khả năng đặc biệt của con người.
"Tiên liệu là yếu tố cốt lõi của chính trị. Cái khó là tiên liệu không phải là một phản ứng tự nhiên. Nó không có sẵn trong bản năng mà, trái lại, đòi hỏi vượt lên trên bản năng và vận dụng trí tuệ để vừa nhìn rõ thực tại vừa nhận ra hướng đi và điểm tới của thực tại" (1).
Muốn thay thế cái cũ thì phải có cái mới. Chính trị cũng vậy. Muốn thay thế đảng cộng sản thì phải có một chính đảng mới. Muốn thay thế giải pháp cộng sản thì phải có một giải pháp mới. Muốn thay thế một truyện thuyết cũ thì phải có một truyện thuyết mới. Cuộc cách mạng dân chủ lần này là hoàn toàn mới và chưa từng diễn ra trong lịch sử Việt Nam.
"Điều cần được ý thức rất rõ ràng là cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh cách mạng hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta bởi vì chúng ta chưa bao giờ có tự do và dân chủ. Đó là cuộc chiến đấu để mở ra cả một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ. Chính vì thế mà nó khó khăn, đòi hỏi một tư tưởng chính trị mới và một văn hóa mới. Nhưng cũng chính vì thế mà nó vinh quang" (2).
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một truyện thuyết mới thay thế cho truyện thuyết cộng sản (một phiên bản cải tiến của truyện thuyết Khổng giáo).
Tất cả các cuộc thay đổi triều đại trong lịch sử Việt Nam đều xuất phát từ nội bộ cung đình chứ chưa bao giờ do trí thức lãnh đạo và khởi xướng, kể cả cuộc cách mạng cộng sản. Cuộc cách mạng dân chủ lần này phải do trí thức lãnh đạo khởi xướng và lãnh đạo. Đây là cuộc đổi đời chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Chỉ có thế Việt Nam mới thực sự bước vào kỷ nguyên dân chủ. Nếu không chúng ta chỉ thay đổi chế độ độc tài cộng sản bằng một chế độ độc tài khác mà thôi.
"Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại ; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn" (3).
Thế nào là một cuộc cách mạng dân chủ ? Diễn tiến của một cuộc cách mạng dân chủ ra sao ? Phương pháp hay lộ trình tranh đấu của một tổ chức chính trị để giành được chính quyền bằng phương pháp bất bạo động là gì ? Theo chúng tôi, phương pháp đó là :
"Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị".
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang đi theo đúng lộ trình đó. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là để thay thế cho giải pháp cộng sản. Đây cũng là một truyện thuyết mới thay thế cho truyện thuyết cộng sản (một phiên bản cải tiến của truyện thuyết Khổng giáo). Chúng tôi đang bền bỉ và cố gắng thuyết phục người dân và trí thức Việt Nam ủng hộ cho giải pháp "dân chủ đa nguyên" đó. Đồng thời chúng tôi đang cố gắng xây dựng một đội ngũ nhân sự để, nếu được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền, có người thực thi dự án chính trị mà chúng tôi đã đề nghị.
Chúng tôi tin rằng Đảng cộng sản phải chấm dứt trong một tương lai rất gần vì nó không phù hợp với dòng chảy lịch sử và qui luật tự nhiên. Có ba kịch bản sẽ xảy ra cho cuộc cách mạng dân chủ sắp đến, đó là :
- Kịch bản Ba Lan. Đảng cộng sản cộng sản Ba Lan đàm phán với phong trào dân chủ và tiến hành một cuộc bầu cử tự do để người dân chọn ra đảng cầm quyền. Mọi thay đổi sau đó diễn ra trong hòa bình, trật tự và êm thắm.
- Kịch bản Romania. Tổng bí thư Đảng cộng sản Nicolae Ceausescu bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự tháng 12/1989 và cả hai vợ chồng đều bị xử bắn ngay sau đó.
- Kịch bản Nga. Boris Yeltsin dẹp tan cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev do những người cộng sản bảo thủ khởi xướng (8/1991) và sau đó trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga. Ông cầm quyền hai nhiệm kỳ và sau đó bàn giao lại cho Putin.
Kịch bản Ba Lan : mọi thay đổi diễn ra trong hòa bình, trật tự và êm thắm.
Kịch bản mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong muốn tất nhiên là kịch bản Ba Lan. Một cuộc thay đổi trong hòa bình. Không ai phải chết và không phải đổ một giọt máu nào. Chúng tôi phản đối mọi cuộc cách mạng bạo lực và đập phá. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có xác quyết rằng, cuộc cách mạng này : "không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục bất cứ ai mà để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có".
Muốn có kịch bản Ba Lan thì có hai việc phải làm :
1. Về phía Đảng cộng sản thì lực lượng tiến bộ trong đảng phải mạnh lên và phải có quyết tâm lẫn viễn kiến để thấy được lối ra cho chính Đảng cộng sản và cho cả dân tộc.
2. Về phía người dân Việt Nam thì muốn hay không cũng phải ủng hộ cho một tổ chức đối lập đứng đắn để làm đối trọng với Đảng cộng sản. Không nên ngồi đợi (vì không thể có) một tổ chức chính trị hoàn hảo như trong giấc mơ. Thời đại của các minh quân và các "lãnh tụ thần thánh" đã chấm dứt từ lâu.
Muốn chiến thắng đảng cộng sản và thiết lập dân chủ cho Việt Nam thì phong trào dân chủ phải có một vài tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Nhiệm vụ chính của các tổ chức đối lập là đưa ra một "giải pháp thay thế" cho "giải pháp cộng sản" và thuyết phục người dân rằng giải pháp đó sẽ mang lại tự do, dân chủ cho mọi người và sự phồn vinh cho đất nước. "Hành động" quan trọng nhất trong cuộc tranh đấu hiện nay chủ yếu là trên mặt trận lý luận và tư tưởng. Hai nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thuyết phục và kết hợp.
Quần chúng cần một giải pháp mới và một niềm tin vào thắng lợi. Họ cần được hướng dẫn và lãnh đạo, quan trọng nhất, quần chúng cần biết sau chế độ cộng sản sẽ là gì ? Nếu không hình dung được tương lai thì quần chúng sẽ không ủng hộ cho bất cứ cuộc cách mạng nào. Giải pháp thay thế của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong muốn Đảng cộng sản là tác nhân của sự thay đổi thay vì nạn nhân. Tuy nhiên nhìn vào thực tại thì thấy Đảng cộng sản vẫn ngoan cố chống lại trào lưu dân chủ tất yếu phải đến với Việt Nam. Họ không còn đồng thuận nên phải siết chặt dân chủ trong nội bộ đảng bằng cách "cơ cấu" toàn bộ cán bộ cho Đại hội 13 thông qua Tiểu ban nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Sự bất mãn gia tăng trong nội bộ đảng khiến họ mở chiến dịch bắt bớ và câu lưu các tiếng nói bất đồng. Nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành (Bà Đầm Xòe), nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy vừa bị bắt là một minh chứng.
Nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành (Bà Đầm Xòe), nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy vừa bị bắt.
Sau đại dịch Covid-19 thì các chế độ độc tài còn lại sẽ rất khốn đốn, trong đó có cả hai cường quốc là Nga và Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam cố tình nhắm mắt để không muốn nhìn thấy sự thật. Lần đầu tiên sau ba thập kỷ Trung Quốc thông báo không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Sau khi Trung Quốc rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ thì sự đe dọa và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới sẽ giảm xuống. Vai trò "xung kích" của Việt Nam sẽ không còn quá quan trọng trong việc bao vây, phong tỏa Trung Quốc. Mỹ và các nước dân chủ không còn lý do để o bế và cưng chiều Việt Nam như trước. Sức ép lên Việt Nam sẽ rất lớn.
Xin nhắc lại là cuộc cách mạng dân chủ lần này hoàn toàn khác và chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Cuộc cách mạng này bắt buộc phải do tầng lớp trí thức đảm nhiệm. Khác biệt lớn nhất và quan trọng của cuộc cách này này là quan niệm về chính trị. Phải xem chính trị là đạo đức ứng dụng, là một cố gắng thể hiện lẽ phải và các giá trị đạo đức trong xã hội.
Cứu cánh của chính trị là phục vụ và tôn vinh con người. Như vậy, bắt buộc những người hoạt động chính trị phải có sự hiểu biết về quốc gia và thế giới, hiểu biết về cách vận hành của các định chế quốc tế và bộ máy nhà nước. Đức tính mà những người làm chính trị cần có đó là sự dũng cảm, lòng bao dung, sự lương thiện, tôn trọng lẽ phải, sự thật và nhất là lý tưởng phục vụ con người và xã hội.
Việt Hoàng
(25/05/2020)
Chú thích :
(1) Quĩ đạo của chó (Nguyễn Gia Kiểng)
(2) Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn (Nguyễn Gia Kiểng)
(3) Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị sa lông (Nguyễn Gia Kiểng)
Tại vì hiện nay đó là cách duy nhất để thay đổi hệ thống chính trị từ độc tài sang dân chủ.
Cách mạng dân chủ để dân tộc hướng về một tương lai tươi sáng.
Đây là cuộc cách mạng để thay đổi vận mạng một dân tộc, không phải là sự hoài cổ hay trả thù. Cách mạng dân chủ để dân tộc hướng về một tương lai tươi sáng.
Để thay đổi một hệ thống con người (human system) nhất là hệ thống chính trị của một đất nước, nó chỉ có 3 cách, dù có bao nhiêu dạng thái thì chung quy cũng chỉ chạy về một trong 3 cách mà thôi.
Thứ nhất, thay đổi bên trong (reform) một hệ thống nhưng giữ y cấu trúc của hệ thống như cộng sản Việt Nam đã làm năm 1986 và đột ngột dừng lại khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, rồi họ đi đến Thành Đô bằng đầu gối năm 1990 để gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng, hậu quả là mất đất, mất biển, mất đảo, mất vùng đặc quyền kinh tế, mang nợ ngập đầu để các nợ này biến thành lãnh thổ của Trung Quốc như hiện nay. Cách thay đổi nầy không chuyển qua được khung sườn dân chủ với các quyền chính trị căn bản của người dân được tôn trọng, nhưng ở bên trong hệ thống thì đời sống kinh tế dễ thở hơn qua mảng kinh tế tư nhân được phát triển. Sự thay đổi này nếu đi đến tận cùng thì nó sẽ cho ra một chế độ phát xít.
Thứ hai, thay đổi (transform) chính cái hệ thống, chính cái cấu trúc chính trị độc tài đang trị vì, nhưng tiệm tiến để sau một thời gian hệ thống độc tài được hoàn toàn xóa bỏ và thay vào đó là một hệ thống dân chủ hoàn toàn mới và khác. Sự thay đổi này được thực hiện bằng một trong hai cách :
Cách tiệm tiến thứ nhất là từ bên ngoài hệ thống chính trị đương hữu, do những cá nhân và tổ chức tranh đấu dân chủ làm chủ động, cộng sản Việt Nam gọi là diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch và đã thẳng tay đàn áp. Ngày 5/4/2018 họ đem 6 anh chị em của Hội Anh Em Dân Chủ (Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức) ra xử với tội lật đổ (Điều 79). Điều này có nghĩa là đừng hy vọng cộng sản Việt Nam chấp nhận diễn biến hoà bình.
Cách tiệm tiến thứ hai là từ bên trong hệ thống chính trị đương hữu, do chính những người cộng sản đã thấy rõ cái lỗi hệ thống, và nếu không thay đổi hệ thống thì chính họ và gia đình họ sẽ không có một tương lai an toàn, dù họ là trung ương ủy viên hay ủy viên bộ chính trị. Họ muốn thay đổi để các thế hệ mai sau có một tương lai tốt đẹp hơn mà trong đó có gia đình, con cái và thân nhân của họ.
Ông tỷ phú đô la Quách Văn Quý của Trung Quốc (cũng là đảng viên cộng sản trong ngành an ninh cao cấp) đang tỵ nạn ở New York đã bày tỏ mong muốn thay đổi này (của giai cấp ông trong Đảng cộng sản Trung Quốc) với ông Ngụy Kinh Sinh, một nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng của Trung Quốc.
Đảng cộng sản Việt Nam gọi đó là "hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hóa từ bên trong và từ bên trên", họ lo sợ và luôn báo động về hiện tượng này. Tham nhũng thì trung ương ủy viên nào cũng dính, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng trong vụ Ciputra, nhưng dùng chiêu bài chống tham nhũng để đốt lò thì thực sự là để phục vụ quyền lợi phe bảo thủ của ông Trọng, để tiêu diệt đối thủ và "hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hóa từ bên trong và từ bên trên". Điều này có nghĩa là đừng hy vọng Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận "tự diễn biến tự chuyển hóa từ bên trong và từ bên trên", tức người cộng sản từ thượng tầng chủ động để thay đổi qua dân chủ. Thay đổi của họ, nếu có, là thay đổi của con vi trùng trong bệnh viện, vừa nguy hiểm hơn vừa lờn thuốc hơn.
Thứ ba, thay đổi bằng cách phá bỏ ngay hệ thống chính trị đương hữu và xây dựng lại cái khung sườn, và các định chế của một hệ thống hoàn toàn mới (revolution). Sự thay đổi này có tính cách dứt khoát và nhanh, từ khung sườn đến cung cách ứng xử. Nó đòi hỏi dân chúng cương quyết đứng lên thay đổi cái trật tự hiện tại của độc tài, và một sự nhận lãnh trách nhiệm, tận tâm hướng dẫn của giai tầng trí thức. Đây là cách duy nhất khả dĩ còn lại hiện nay và các điều kiện để nó có thể xảy ra cũng đã gần hội đủ. Có thể nói dân tộc đang ở vào thời kỳ rạng đông của cách mạng dân chủ và đang tiến đến Giờ Ngọ của sự thay đổi vận mạng dân tộc.
Có người cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang nắm chặt công an quân đội, đang thành công ngoại giao, đang được thế giới công nhận, có Đảng cộng sản Trung Quốc chống lưng… thì làm sao mà cách mạng dân chủ có thể xảy ra được ? Điều họ nói không sai nhưng cũng không phải là chân lý. Ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đang trên đỉnh cao quyền lực, rất đúng, nhưng nếu gọi là rất ổn định thì không ! Đảng cộng sản Việt Nam cũng vậy ! Bất cứ một chế độ nào không phải là bạn dân mà trái lại xem dân như kẻ thù, sợ dân thì dứt khoát không phải là chế độ ổn định dù kinh tế có phát triển bao nhiêu hay quan hệ quốc tế có tốt bao nhiêu. Các chế độ độc tài đều có một đặc tính chung là khi chưa sụp đổ trông giống như thành đồng vách sắt, nhưng khi sụp đổ thì nhanh và dứt khoát như cành cây khô bị gãy.
Hơn nữa, lịch sử của các quốc gia trong thế giới đã chứng minh rằng, khi một chế độ không được lòng dân thì sự thay đổi là do dân chứ không phải do các yếu tố bên ngoài. Cuộc cách mạng dân chủ xảy ra là do dân chúng đứng lên và thượng tầng lãnh đạo của độc tài bị mục rữa và hai yếu tố này càng ngày đang càng hiện rõ ở Việt Nam.
Để trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam cần một cuộc cách mạng dân chủ, ta có thể khẳng định rằng đó là cách duy nhất để lịch sử được sang trang.
Lê Minh Nguyên
Nguồn : Người Việt, 30/03/2018
Theo báo Công an nhân dân ngày Thứ Năm 29/6/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định tại khoản 1 điều 88 Bộ luật hình sự.
Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
Điều 88.1 có mức án tù từ 3 đến 12 năm và họ tuyên án ở mức cận tối đa. Họ truy tố Như Quỳnh cả ba tội trong khoản 1 này : 88.1.a Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ; 88.1.b Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân ; 88.1.c Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Qua bài báo của Công an nhân dân, Như Quỳnh bị kết án nặng nề vì những việc làm sau đây :
- "sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải... chia sẻ nhiều bài viết" ;
- "trả lời phỏng vấn báo chí và truyền thông nước ngoài" ;
- "khai thác thông tin trên các báo điện tử về 31 trường hợp người chết xảy ra trong và sau khi nghi can làm việc với cơ quan công an" ;
- "kêu gọi mọi người tham gia hoạt động Dã ngoại nhân quyền" ;
- "khởi xướng, kêu gọi mọi người tham gia cái gọi là Chiến dịch tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền 2015".
Đây là những việc làm ôn hòa và hết sức bình thường trong một đất nước bình thường, nhưng ở Việt Nam thì lại là một tội phạm hình sự với án nặng nề hơn tội giết người hay tội tham nhũng của cán bộ.
Trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay trong thần học, luật "tác lực sẽ gây ra phản lực" (A-->R hay Actions Arrow Reactions) hay luật nhân quả (the Law of Karma) cho thấy cách mạng dân chủ ở Việt Nam đã gần kề. Lực sẽ gây ra phản lực và lực càng tàn bạo thì phản lực sẽ đánh ngã kẻ bạo tàn.
Ông Ngụy Kinh Sinh, được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ Trung Quốc, nhận xét rằng : Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại, nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the people). Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi những mâu thuẩn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi khi có thêm một áp lực thứ ba ; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như năm 1644 khi giới quan lại (mandarins) ở mạng đông-bắc Trung Quốc tiến về nam đưa đến việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.
Ba điều kiện trên hiện nay Việt Nam đang có.
Việc kết án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ.
Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng cộng sản Việt Nam tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hóachính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích luỹ các mâu thuẩn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham.
Đây là tiếng gọi non sông của trí thức tầm cao ở Việt Nam, những người mà giới trẻ và quần chúng coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo, để đóng góp vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, xăn tay áo huy động và hướng dẫn quần chúng cho một phong trào chính trị.
Đây là lúc nhân dân cần sự lãnh đạo của trí thức trong nước, cần sự lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu cho một cuộc cách mạng dân chủ. Đây là lúc để chuẩn bị cho sự đứng lên của nhân dân ba miền Bắc Trung Nam, cùng một lúc cùng một lòng để giành lại sự sinh tồn cho dân tộc trước họa diệt vong từ môi trường sống cho đến hiểm họa nội cướp, ngoại xâm.
Hiện nay các mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ của giai cấp thượng tầng, của các nhóm lợi ích, của hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã đến mức tột cùng cho sự thay đổi. Các tranh chấp không còn giữ trong nội bộ như xưa nữa mà đã kéo quần chúng vào, dẫn đến việc lâu nay nổ bên trong hệ thống (implosions) đang trở thành nổ tung ra bên ngoài cho vỡ hệ thống (explosions).
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm cách đuổi tận giết tuyệt phe ông Nguyễn Tấn Dũng và đè bẹp đám cán bộ Miền Nam đã làm tăng thêm căng thẳng vùng miền đến mức độ vô cùng ngột ngạt trong Đảng. Một đại bộ phận cán bộ Đảng đang bị hèn và bị nhục. Nó làm cho bất cứ một xử lý mềm mỏng nào của phe yếu thế sẽ đồng nghĩa với sự tự sát.
Những mũi nhọn mà ông Trọng tấn công ông Dũng như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Đình Duy-nhà máy sợi Đình Vũ, Đinh La Thăng, Mobilephone, xây dựng ven biển Phú Quốc... cũng như tình trạng các ông Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm đang nằm trong tầm ngắm, nằm trong mục tiêu thu tóm và cũng cố quyền lực mà ông Trọng sẽ thực hiện trong Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Muời năm nay, để ông ngồi suốt nhiệm kỳ 5 năm, nhất thể hóa (Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước) và đưa người của ông lên trong Đại hội 13 năm 2021. Dĩ nhiên các phe bị ông đè bẹp không ngồi yên chịu trận, và khi cách mạng dân chủ xảy ra, lịch sử cho thấy, một số của họ sẽ chạy về phía quần chúng.
Trong khi đó người Mỹ gốc Việt có tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn trong chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam, họ biết cách vận động hơn để Hoa Kỳ dù dưới bất kỳ một tổng thống nào cũng không thể khước từ và nhanh chóng lên tiếng ủng hộ khi cách mạng dân chủ nổ ra.
Ông Ngụy Kinh Sinh hồi đầu tháng Sáu 2017 cho biết rằng nội tình Đảng cộng sản Trung Quốc đang nát bét, Đại hội 19 dự trù vào mùa thu này không chắc sẽ tổ chức được đúng thời điểm. Tỷ phú địa ốc Quách Văn Quý đang bị cộng sản Trung Quốc truy nã (đang ở New York) thường xuyên liên lạc ông với mong muốn Trung Quốc có cách mạng dân chủ.
Tập Cận Bình muốn làm Mao Trạch Đông 2 nhưng không đủ khả năng và tầm vóc. Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của Tập và đang cầm quyền sinh sát, nay là gánh nặng của Tập vì bỏ thì sập mà mang thì họa. Cánh Thượng Hải đang vùng dậy. Cánh Lý Khắc Cường và Đoàn thanh niên cộng sản đang buông bỏ Tập. Tập vì cần người trung thành nên tìm cách thăng tiến cực nhanh tay chân mình như đưa Thái Kỳ vào Bộ chính trị và làm Bí thư Bắc Kinh tuy chưa phải là trung ương ủy viên, dù là dự khuyết, hay Vương Tiểu Hồng làm Thứ trưởng Bộ công vụ, Phó thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Bắc Kinh.
Theo ông Ngụy, Việt Nam nên tận dụng giai đoạn này để thay đổi thể chế chính trị mà Trung Quốc không thể nào can thiệp được dù có muốn. Theo ông, Việt Nam có cửa sổ cơ hội hai năm để làm cách mạng dân chủ vì đó là hai năm mà Trung Quốc loạn lạc chính trị và không phe nhóm nào dám có chủ trương can thiệp vào nội bộ Việt Nam để mang lấy rũi ro chính trị.
Thời điểm nhân dân muốn thay đổi vận mệnh đã đến, nội bộ thượng tầng Đảng cộng sản Việt Nam đã chia rẽ đến mức phải vỡ ra chứ không thể hàn gắn được, người Việt hải ngoại đang một lòng hổ trợ trong nước đứng lên cho sự sinh tồn của dân tộc, các nước dân chủ nhất là Hoa Kỳ không thể làm ngơ khi cách mạng xảy ra. Dù ngày tháng chưa định nhưng năm thì đã gần kề. Khi các tinh tú thẳng hàng thì một vận hội mới cho dân tộc sẽ xảy ra.
Lê Minh1117
Sau Tết Đinh Dậu 2017, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục trở thành chủ đề nóng, thu hút sự chú ý của hàng chục triệu người Việt trong và ngoài nước, trong bối cảnh nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi nào nhằm loại trừ rốt ráo đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường này, cũng như đền bù thỏa đáng cho những người dân trực tiếp chịu thiệt hại.
Giáo xứ Thổ Hoàng hiệp thông với Giáo xứ Song Ngọc
Ngày 14/2/2017, hơn một ngàn giáo dân thuộc Giáo xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh, dự định kéo vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện Formosa. Trước sự đàn áp ác liệt và hèn hạ của nhà cầm quyền, các giáo dân phải bỏ dở cuộc tuần hành/khiếu kiện tập thể giữa chừng. Mặc dù vậy, qua vụ việc này, người ta lại càng nhận ra một thực tế – đó là vai trò nổi bật của cộng đồng Công giáo trong cuộc cách mạng dân quyền và dân chủ đang diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt là trong bầu không khí khá trầm lắng của các hội nhóm xã hội dân sự.
Lịch sử ‘tế nhị’ của Công giáo ở Việt Nam
Công giáo có một lịch sử "tế nhị" ở Việt Nam, do bị cho là liên quan đến cuộc xâm lược Việt Nam của người Pháp năm 1858, nhất là qua bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công giáo là một quyền lực có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Vậy nên, ngay cả khi Marx không cho rằng "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" – lời kết án vốn châm ngòi cho các cuộc trấn áp tôn giáo ở các quốc gia cộng sản – Công giáo cũng không tránh khỏi xung đột với nhà cầm quyền Việt Nam, một chính thể độc tài toàn trị luôn tìm cách thâu tóm và kiểm soát mọi quyền lực trong xã hội. Điểm khác biệt đáng kể nhất ở đây là, trong khi Công giáo sử dụng sức mạnh tinh thần của mình để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho giáo dân và xã hội thì cộng sản lại sử dụng sức mạnh bạo lực để áp đặt một chế độ phi nhân hòng gieo rắc tội ác cho chính dân tộc đã sinh thành và nuôi dưỡng họ.
Được khích động bởi lời phán xét của Marx, cộng với ý thức về mối đe doạ bị thách thức quyền lực toàn trị, từ hàng chục năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên bức hại cộng đồng Công giáo Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là tước đoạt đất đai và tài sản của Giáo hội, trước phản ứng yếu ớt của những nạn nhân yếu thế.
Công giáo trong cuộc đấu tranh vì dân quyền và nhân quyền…
Thế cuộc xoay vần. Cuộc cách mạng Internet và cách mạng truyền thông xã hội diễn ra trong một thế giới mà ở đó quá trình hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu sắc đã tiếp thêm nhiều sức mạnh cho cộng đồng Công giáo, khiến họ không chỉ dám đương đầu, mà còn trở thành lực lượng đối đầu mạnh mẽ và kiên quyết nhất trước nhà cầm quyền cộng sản. Không ở đâu trên đất nước này người ta có thể công khai lên án chính quyền trước một tập hợp quần chúng đông đảo như trong các nhà thờ Công giáo. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn và Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội, được coi là những "pháo đài" bất khả xâm phạm, không chỉ cho những người bất đồng chính kiến trong cộng đồng Công giáo mà còn là "điểm hẹn" lý tưởng cho những người đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền bên ngoài.
Tiếp nối truyền thống bất khuất trước bạo quyền của Giáo hội Công giáo, lại được dẫn dắt một cộng đồng giáo dân ngày càng ý thức rõ về dân quyền và nhân quyền, với sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trong nước và cộng đồng quốc tế – đó là lợi thế của giới chức Công giáo trong cuộc đấu tranh với chính quyền cộng sản. Nhược điểm của họ nằm ở chỗ : họ là những chức sắc tôn giáo, không phải là những chính trị gia hay những người đấu tranh chuyên nghiệp. Họ chỉ muốn các quyền tự do cơ bản của họ được tôn trọng, giáo dân được sống yên ổn trong một chế độ tự do, dân chủ. Sau khi cộng sản sụp đổ, một chính thể dân chủ ra đời, họ sẽ lại trở về với công việc hàng ngày là chăm sóc đời sống tinh thần cho giáo dân, thay vì sẵn sàng chấp chính, mưu cầu một sự nghiệp chính trị trong guồng máy chính quyền như nhiều nhà đấu tranh bình thường khác. Vì thế, trừ một số ngoại lệ như linh mục Nguyễn Văn Lý hay linh mục Phan Văn Lợi, nhìn chung các chức sắc Công giáo còn thiếu tinh thần đấu tranh quyết liệt, triệt để.
… và trước bước ngoặt của công cuộc dân chủ hóa đất nước
Trở lại với cuộc tuần hành khởi kiện Formosa của các giáo dân Song Ngọc. Cuối cùng, để bảo đảm an toàn cho giáo dân, tránh một cuộc đổ máu khả dĩ xẩy ra, Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đã kêu gọi đồng bào lương giáo ngừng cuộc tuần hành khởi kiện tập đoàn Formosa.
Người ủng hộ quan điểm của Giám mục Nguyễn Thái Hợp thì cho rằng, khi chưa đủ sức để dịch chuyển một tảng đá mà vẫn cố sức đẩy thì nó có thể lăn trở lại và gây thương tích cho mình. Người không đồng tình với sự thoái lui đó lại cho rằng, trong cuộc đấu tranh với các chính thể độc tài, đổ máu là điều khó tránh khỏi. Trong khi các quyền tự do - dân chủ vẫn còn khá xa lạ với phần lớn dân chúng Việt Nam thì thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã đụng chạm đến quyền con người thiêng liêng nhất của dân chúng – đó là quyền được sống. Trước tình cảnh nồi cơm của mình bỗng dưng bị kẻ khác phũ phàng hất đi, những người cùng cảnh ngộ dễ dàng tìm được tiếng nói chung. Và việc họ đứng lên yêu cầu được xét xử công bằng trong vụ kiện đòi Formosa phải đền bù thoả đáng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt của dư luận.
Trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho mình, những nạn nhân của Formosa nắm trong tay ba sức mạnh quan trọng nhất : lẽ phải, tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ của công luận. Sức mạnh đáng kể nhất của chính quyền là bạo lực, song đây lại chính là con dao hai lưỡi. Ở một mức độ nhất định, sự đàn áp của nhà cầm quyền có thể khuất phục được một tập hợp quần chúng chưa đủ quyết tâm, trong khi vẫn tránh được sự phản đối mạnh mẽ của công luận. Tuy nhiên, một khi hậu quả của sự đàn áp đó được tính bằng nhân mạng thì tình thế lại diễn ra rất khó lường, mà nhiều khả năng là theo chiều hướng bất lợi cho nhà cầm quyền : (i) họ sẽ vấp phải sự lên án gay gắt của công luận, đặc biệt là cộng đồng quốc tế ; (ii) dân chúng bị kích động, bạo lực châm ngòi cho bạo lực và bạo loạn có thể diễn ra trên diện rộng, ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền ; (iii) trước sự vô nhân đạo, phi nghĩa và phi pháp của hành động đàn áp dã man những nạn nhân vô tội, lực lượng đàn áp (công an, quân đội…) dễ chùn tay hoặc thậm chí là đi đến chỗ ủng hộ dân chúng (1).
Sự đàn áp khốc liệt của bộ máy an ninh cộng sản là một trong những nguyên nhân khiến phong trào dân chủ thời gian qua có chiều hướng chững lại. Dù vậy, những người mang trong mình tinh thần đấu tranh thực sự thì khó bị khuất phục bởi bạo lực. Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người bị an ninh cộng sản hành hung dã man tại Ba Đồn, Quảng Bình, tối 27/2 vừa qua, tâm sự : "Mình biết con đường mình đi là vậy. Kẻ trước người sau ai rồi cũng phải gặp cho đến khi đất nước thực sự có tự do".
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì nhận định : "Việc sử dụng bạo lực nhắm vào những người đấu tranh chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam đã không còn chính nghĩa, bất lực hoàn toàn về mặt luật pháp và lý lẽ. Họ đã không thể khuất phục được những người đấu tranh dân chủ bằng phương pháp này. Mặc dù bị người dân phản đối, quốc tế lên án nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa từ bỏ việc sử dụng bạo lực. Nhưng chúng ta, những người đấu tranh và phản tỉnh cũng không phải e ngại và lo lắng quá về điều này. Bởi lẽ, trong quy trình tiến tới dân chủ của các chế độ độc tài, Việt Nam đang đi những bước cuối cùng của quy trình đó : Giết – Giam cầm (tù đày) – Đánh đập – Đối thoại".
Cuộc cách mạng dân quyền và dân chủ ở Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quyết định. Không còn lựa chọn nào khác, những người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền, cũng như lớp lớp dân oan của chế độ cộng sản, bằng sức mạnh chính nghĩa của hình thức đấu tranh ôn hoà, bất bạo động, phải đứng lên đương đầu trực diện với bạo lực để giành lại quyền được làm người ngay trên chính quê hương mình, với tinh thần của những Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi hay Nguyễn Trung Tôn.
Và trong cuộc trường chinh vì tương lai dân tộc này, lịch sử dường như đã phó thác cho cộng đồng Công giáo Việt Nam một sứ mạng đặc biệt.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 07/03/2017
Ghi chú :
(1) Cần bàn thêm một chút về văn hóa Việt Nam. Tuy cùng ở Á Đông, nhưng xã hội Việt Nam lại không mang tính chất phong kiến nặng nề như các quốc gia gần gũi về văn hóa khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hay Myanmar. Xã hội Việt Nam truyền thống cởi mở hơn, dân chủ hơn so với các quốc gia đó. Một bằng chứng dễ nhận thấy là vị thế của người phụ nữ so với nam giới ở Việt Nam cao hơn các nước kia. Do vậy, mặc dù cùng sống trong chế độ độc tài, nhưng người dân Việt Nam chưa bao giờ phải chịu cảnh bị đàn áp đẫm máu như đã từng xẩy ra ở Trung Quốc và Myanmar, hay bị kìm kẹp đến mức nghẹt thở như ở Triều Tiên. (Cuộc cải cách ruộng đất 1953-1956 ở Việt Nam có thể được xem là cuộc tàn sát của số đông dân nghèo đối với thiểu số nhà giàu ở nông thôn, dưới sự giật dây của Đảng Cộng sản Việt Nam). Vì thế, cần khẳng định ngay là những cuộc đàn áp với mức độ đẫm máu như ở Trung Quốc hay Myanmar trước đây không thể xẩy ra ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng truyền thông xã hội đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đang hội nhập sâu sắc vào một thế giới toàn cầu hóa và nỗi bức xúc trong dân chúng đã bị dồn nén đến cùng cực, rất dễ bùng nổ thành bạo loạn.