Nói đỏng đảnh còn là nói nhẹ, nói yêu đấy. Đúng thì phải gọi là bắc bậc, ích kỷ, thất thường, sáng nắng chiều mưa trưa gió mùa đông bắc.
Điều 11 của Thông tư 67/2019 cho phép người dân giám sát công an thông qua ghi âm, ghi hình Điển hình là vụ căn cước công dân.
Ảnh hưởng đến chỉ tiêu của nó, nó không làm đâu
- Em nói luôn cho anh nè. Cái này ảnh hưởng đến chỉ tiêu của nó, nó không làm đâu. Giờ anh phải đưa ông bà về quê làm thôi à ! Có căn cước rồi về đây em đăng ký tạm trú cho.
- Em thông cảm giùm xem có cách nào làm được không. Vì ông bà anh già yếu quá rồi không về quê được, mà ông bà đều có mã định danh hết rồi mà em. Chỉ có căn cước cũ thôi. Mà Công an thành phố người ta nói phải có tạm trú mới làm được căn cước.- Em không biết, đó là chuyện của anh nha.
Đoạn đối thoại trên vừa diễn ra cái độp ngay sáng hôm qua. Địa chỉ : Trụ sở Công an phường gia đình tôi đang sinh sống. Nội dung câu chuyện : Tôi đến Công an phường (tại Thành phố Hồ Chí Minh) xin đăng ký tạm trú cho ông bà ngoại có hộ khẩu ở tỉnh. Người xưng em là cô công an phường. Tôi là người xưng anh. "Nó" là anh công an khu vực, người có quyền cho phép gia đình tôi đăng ký tạm trú cho ông bà ngoại hay không.
Công an phường lẽ ra phải xác nhận đăng ký tạm trú cho ông bà ngoại của tôi theo đúng luật, vì mọi điều kiện tôi đều đáp ứng đầy đủ. Chỉ có một vấn đề đáng lẽ không thành vấn đề thì lại trở thành đại vấn đề. Mà vấn đề này là vấn đề của một số rất lớn người dân Việt Nam trong mấy năm qua. Đó là Công an Thành phố (nơi cấp căn cước) đòi phải có tạm trú thì mới làm căn cước. Nhưng Công an phường đòi phải có căn cước (mới, là loại căn cước gắn chip hay thẻ căn cước) thì mới cấp tạm trú. Nếu công dân vẫn đang xài căn cước cũ (ví dụ ông bà tôi đang còn xài căn cước 9 số và 12 số) thì Công an phường (tức "Nó") không cấp tạm trú vì sẽ bị ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua.
Từ cách đây bốn năm năm, khi Công an cấp căn cước gắn chip thì công an các phường được giao chỉ tiêu phải đạt càng nhiều càng tốt, thậm chí phải đạt 100% công dân trong địa bàn phụ trách đi làm căn cước gắn chip. Nếu công an nào không đạt chỉ tiêu, để cho trong địa bàn vẫn còn có những người dùng căn cước mã vạch, căn cước 9 số và 12 số thì sẽ bị trừ điểm thi đua, cắt tiền thưởng và có thể ảnh hưởng đến việc thăng cấp. "Nó" không cấp tạm trú cho ông bà ngoại tôi là vì lý do đó.
Thế cho nên mới có chuyện mấy năm trước Công an các nơi như phát điên, hò la đi giục dân làm căn cước gắn chip rồi dính mông vào ghế cấp lấy cấp để từ sáu bảy giờ sáng đến tận 12 giờ đêm, kể cả ngày nghỉ.
Làm giấy tờ mà vội vã cuống cuồng quá như chạy giặc nên cấp được 100 căn cước mới thì sai đến 50 cái. Mặc dù chỉ là copy từ bản khai (đã đối chiếu giấy tờ gốc) của người dân vào hệ thống điện tử, nhưng hết sai tên lại sai họ, sai chữ lót, sai ngày/tháng/năm sinh, sai quê quán, sai nơi thường trú… Ác nỗi mỗi lần Công an cấp sai thì dân lại phải tự đến trụ sở Công an làm lại giấy tờ từ đầu, đóng thêm một lượt phí. Chứ Công an không bỏ thời gian cũng không bỏ tiền để sửa cái sai của chính mình.
Mấy năm trước, trên báo đăng đầy những lời kêu than của người dân bị Công an làm sai căn cước đến ba bốn lần, hoặc im luôn cả năm không trả lời. Căn cước mới không được cấp trong khi Chứng minh nhân dân cũ đã bị thu lại, thế là thành người bất hợp pháp, chẳng có bằng chứng gì để đứng tên mua bán, làm ăn kinh doanh, thậm chí mua vé máy bay cũng không được.
Nhưng mà… kệ. Quyền trong tay Công an, muốn thắc mắc à ? Lên phường thắc mắc.
Chỉ biết là càng nhiều căn cước bị làm sai thì ngành càng thu được nhiều lệ phí.
Có tiền thì "nó" ép làm
Mấy năm trước trong đợt cao điểm thúc giục người dân đi làm căn cước gắn chip, giai đoạn đầu Bộ Công an buộc ai có hộ khẩu ở đâu thì phải làm căn cước ở đấy. Thế là cả nước nháo nhào. Người miền Bắc, miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên vào miền Nam làm ăn đến hàng chục triệu, đã đăng ký tạm trú, sinh sống làm ăn ổn định nhiều năm. Có người đã bán nhà cũ ở quê nhưng chưa mua được nhà mới ở thành phố, vẫn ở thuê nên không nhập hộ khẩu được. Nay phải lộn ngược bỏ công bỏ việc chạy về quê hết, mặc kệ xa xôi hàng trăm đến cả ngàn cây số, phải mất ít nhất một ngày hoặc bốn năm ngày, tiền xe đi lại ăn nghỉ mất đứt nửa tháng lương công nhân.
Doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thâm dụng nhân công cũng khó thở. Công nhân của họ hầu hết là dân tỉnh vào thành phố làm ăn. Giờ buộc phải về quê làm căn cước, mà mỗi lần về cả mấy chục người thì lấy ai làm thay ?
Náo loạn hết cả.
Báo chí la hét. Dân tình than van mắng chửi. Mãi rồi Bộ cũng thủng, sức xuống một công văn cho phép người dân ai ở đâu chỉ việc đến Công an nơi đó làm căn cước mới, không còn phải về quê nữa.
Dân thở phào. Công ty, doanh nghiệp thở ra còn dài hơn cả dân.
Ấy thế mà trống kèn chũm chọe còn chưa im tiếng, cái căn cước gắn chip xài còn chưa kịp mờ lớp nilon bọc ngoài, thậm chí có những căn cước sai tám chục lần còn chưa kịp sửa để gởi về cho dân thì Bộ Công an đã lại thay căn cước mới.
Các bài tuyên truyền vận động cũng giống như các lần trước, lần nào cũng ra sức hô hét lần đổi này mới là tinh hoa hơn cả, phù hợp với thế giới hơn hết.
Lần đổi căn cước thứ n này, Bộ quy định cấp cho cả trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi trong trường hợp trẻ có nhu cầu. Chà, coi bộ tiến bộ dữ ha - người dân nghĩ. Mấy đứa nhỏ có cái căn cước be bé thì cũng tiện, phòng hờ khi tụi nhỏ đi tàu đi xe hay theo cha mẹ đi chơi… mà bên kia đột ngột hỏi giấy tờ. Thường, cha mẹ vẫn sao y bản khai sanh của con để xuất trình trong những trường hợp này, nhưng cái căn cước nhỏ gọn và tích hợp đầy đủ thông tin thì gọn gàng, dễ cất và dễ mang theo hơn. Ai thích thì làm, không thích thì thôi, Bộ Công an không ép, cũng là cái hay.
Đúng là hay, mà là hay ăn gian nói dối á ! Trên báo đài, chẳng có vị bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng vụ phó nào của Bộ dám nói phải ép trẻ con làm căn cước. Nhưng công an cấp cơ sở thì (hình như) lại đều được giao chỉ tiêu. Vẫn liên quan đến tiền thưởng thi đua.
"Em có hai đứa nhỏ, đứa 8 đứa 12 tuổi, đứa lớn năm nay thi chuyển cấp lên cấp 2. Mà trường nó báo phải có thẻ căn cước mới cho thi. Em với vợ em phải nghỉ làm mấy bữa, đưa hai đứa nhỏ về quê. Sẵn làm cho đứa lớn thì làm cho đứa nhỏ luôn. (Phí làm thẻ căn cước) có mấy chục ngàn à, nhưng mất mấy ngày nghỉ làm. (Thẻ căn cước cho trẻ em) cũng tiện thiệt, thay được cái giấy khai sanh. Nhưng cũng chỉ vậy thôi chớ tụi nhỏ mặt mũi nó còn thay đổi, lớn lên cũng phải chụp hình làm lại căn cước vậy. Mà hành dân quá" - anh lái xe taxi trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) kể.
- Mà nhà trường nó hay quá, bắt làm (thẻ căn cước) một lượt cả mấy ngàn học sinh, giỏi thiệt - anh tài xế nói tiếp, gương mặt lộ rõ vẻ "khâm phục".
Phục quá đi chứ, mỗi đứa học sinh mấy chục ngàn, nhà trường chỉ mất một câu nói, còn ngành công an thu được một khoản to. Trí tuệ kinh doanh là đây chứ tìm chi cho xa nữa !
Nên, mặc dù trên bề mặt thì Luật căn cước mới toanh có vẻ như không làm xáo trộn cuộc sống của người dân, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Việc làm của công an cấp dưới cứ mặc sức vả bôm bốp vào phát ngôn trên báo chí của lãnh đạo cấp trên.
Nên mang tiếng là ngành thực hành pháp luật nhưng thực tiễn ở cơ sở của ngành công an lại vi phạm pháp luật không thể tưởng tượng được.
Vẫn quanh cái chứng minh nhân dân, hay căn cước. Từ cách đây hai ba năm, hầu như toàn bộ dân Việt Nam đều được công an phường bơm vào đầu rằng chỉ có căn cước gắn chip trở lên (đến Thẻ Căn cước) mới là hợp pháp ; ngoài ra toàn bộ các loại chứng minh nhân dân được (nhiều đời) Công an cấp trước đó đều đã là lạc hậu, không thể sử dụng. Người nào còn dùng các loại giấy này ra làm tạm trú, thường trú, xác nhận… chắc chắn bị công an phường từ chối, còn khuyến mại thêm một tràng mắng té tát về cái tội tại sao đến giờ vẫn chưa làm căn cước mới.
Họ bất chấp thông tin được ghi rõ trên chính trang web của Cục Cảnh sát quản lý hành chính, trong đó quy định hiện tại người dân vẫn được sử dụng đến năm loại giấy chứng minh/căn cước. Bao gồm : Chứng minh nhân dân loại 9 số và 12 số (chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024), Căn cước mã vạch (đến hết thời hạn ghi trên thẻ), Căn cước gắn chip (đến hết thời hạn ghi trên thẻ) và Thẻ căn cước mới nhất.
Thật sự là xem thường dân, hành dân như con ở.
Hãy xem lại đoạn đối thoại của cô công an phường với tôi ở đầu bài. Từ chối phắt chức trách của mình vì sợ bị ảnh hưởng thi đua. Thế nhưng thật mỉa mai, trên bất cứ trụ sở công an nào cũng choang cái biển rõ to : Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Vì dân chỗ nào ? Vì thân (các anh) mới đúng.
Hổng dám (cho quay) đâu, em còn chửa thuộc bài
Rồi đến cái thông tư thay đổi hình thức giám sát của nhân dân với cảnh sát giao thông.
Bốn năm trước, cũng chính Bộ Công an ủng hộ hết lời việc này. Điều 11 của Thông tư 67/2019 cho phép người dân giám sát công an thông qua ghi âm, ghi hình (khoản 5). Mục đích được quy định rõ tại điều 2, nội dung là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, đối với chính ngành công an thì việc giám sát qua ghi âm, ghi hình (và các biện pháp giám sát khác) nhằm "nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì nhân dân phục vụ".
Xin một tràng pháo tay cho bộ phận soạn thảo thông tư 67 ở đoạn này. Chỉ vài dòng đã chỉ rõ bản chất việc giám sát của người dân chính là hoạt động tích cực, có tác dụng thúc đẩy sự hoàn thiện của lực lượng công an.
Ngờ đâu niềm vui ngắn chẳng tày gang, mới vài năm, đến tháng 9/2024, vẫn Bộ Công an ra tiếp thông tư 46, kết thúc chính sự sáng suốt đó.
Bộ đưa ra nguyên nhân kết thúc là vì sau bốn năm, quy định cũ đã không còn phù hợp với thực tế.
Báo chí Việt Nam đã nói nhiều về các lý do liên quan đến người dân được chính chủ đưa ra. Thế nhưng Bộ Công an còn đưa ra một lý do khác gây bất ngờ cho người đọc.
Bất ngờ vì sự thành thật của bộ phận soạn thảo.
- (…) Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao, do vậy khi làm việc với nhân dân chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của nhân dân.
- Ủa, trời đất ơi !
Mấy anh ăn lương làm việc, mà còn luôn vỗ ngực tự xưng "vì dân phục vụ", vậy khi mấy anh lười, dốt, bị dân bẻ cho cứng họng thì đúng lý là sếp các anh phải thưởng thêm ít roi vì cái tội làm xấu mặt ngành. Chứ sao mình sai mà đổ lỗi cho dân, rồi bắt dân phải né xa mình ra để dù mình có lòi cái dốt cái lười thì cũng không bị phát hiện nữa ? Chơi như vậy khôn quá, anh ôm về chơi một mình đi chứ ai chơi lại với anh.
Cả hai lĩnh vực kể trên đều là không gian ngành công an tiếp xúc với người dân nhiều nhất, thể hiện sự phục vụ rõ nhất, đồng thời cũng thể hiện quyền lực của ngành công an mạnh mẽ. Dĩ nhiên thực thi pháp luật không thể tránh khỏi những mâu thuẫn lúng túng. Nhưng mâu thuẫn thì tìm cách thấu hiểu và thương lượng. Lúng túng thì bàn giải pháp. Thế nhưng cách giải quyết mâu thuẫn lúng túng của ngành công an trong hai việc cụ thể nói trên đều tuân theo một phương pháp không hề liên quan đến khẩu hiệu của họ. Đó là đổ tất cả khó khăn trở ngại lên đầu dân, còn mình hể hả xoa tay.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 29/10/2024
Tham khảo :
https://canhsatquanlyhanhchinh.gov.vn/cai-cach-hanh-chinh/nhung-diem-moi-cua-luat-can-cuoc-co-hieu-luc-tu-ngay-01-7-2024-2677
https://bocongan.gov.vn/vanban/Pages/van-ban-moi.aspx?ItemID=419
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sua-quy-dinh-hinh-thuc-giam-sat-cua-nhan-dan-voi-canh-sat-giao-thong-119241004163325587.htm
https://nld.com.vn/loai-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-196241021214202893.htm
RFA, 15/03/2024
Cộng đồng người Thượng đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan vô cùng hoang mang sau khi cơ quan an ninh Việt Nam tìm tới xóm trọ để thuyết phục cũng như đe dọa họ phải hồi hương, đồng thời truy tìm những người đang có lệnh truy nã liên quan đến vụ việc ở Đắk Lắk.
Y Quynh Bdap
Một số người Thượng ở khu vực quận Bang Len (tỉnh Nonthaburi) cách Bangkok khoảng 20 km, cho biết vào sáng ngày 14/3, một toán công an Việt Nam được cảnh sát Hoàng gia Thái Lan dẫn đường vào nơi họ đang sinh sống.
Ban đầu, cảnh sát Thái gõ cửa các phòng trọ để buộc họ ra tập trung trước sân rồi một nhóm công an Việt Nam mặc thường phục đến nói chuyện.
Một người tị nạn muốn giấu tên vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 15/3 :
"Ngày hôm qua tầm cỡ 10 giờ có cảnh sát Thái tập trung tại Bang Len, có công an Việt Nam xuống hỏi thăm bên khu vực Bang Len của người Thượng của chúng tôi, hỏi thăm về nơi ở, bên phát gạo, hỏi chúng tôi rất nhiều điều".
Theo người này, đoàn an ninh Việt Nam có tất cả tám người, nhưng chỉ có hai người nói chuyện với người tị nạn, sáu người còn lại dùng điện thoại và camera để quay phim, chụp hình.
"Đầu tiên họ tự giới thiệu, ông Y Lương Niê nói ‘tôi là An ninh nội địa’ ở tỉnh Đắk Lắk. Ông ấy nói tiếng mẹ đẻ (Ê-đê) luôn. Còn người kia thì anh em Jrai nói với tôi là ông này là ông Rah Lan Lâm - Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai", người tị nạn giấu tên nói.
Người tị nạn ẩn danh kể lại :
"Họ thuyết phục chúng tôi về. Họ nói với chúng tôi là ‘ở đây làm gì, ở đây khổ, ở đây bất hợp pháp ở đây là không có gạo ăn, không có tiền xài. Thôi về đi, chúng tôi lo tiền xe, tiền ăn uống, tiền nhà. Tới Việt Nam chúng tôi lo hết tất tần tật’".
Người này dự đoán ý định của phía công an Việt Nam :
"Họ nói xuống hỏi thăm chúng tôi nhưng mục đích là bắt chúng tôi hồi hương, nhất là những người có lệnh truy nã.
Chúng tôi mà về Việt Nam lúc đó là chúng tôi sẽ chết, không bao giờ chúng tôi có đường sống. Phía Việt Nam chỉ muốn bỏ tù chúng tôi thôi".
Ông Đinh Ngân, một người dân tộc Bana đang tị nạn ở Bang Len kể lại với RFA :
"Rahlan Lâm nó nói là ‘nếu mà anh em muốn về thì tôi bảo lãnh cho nếu mà không về thì sẽ có công an bắt hoặc khó khăn đấy’".
Ông Nay Phớt, một người tị nạn khác, cho biết phía công an xuống hai khu vực có người Thượng tị nạn sinh sống khuyên nhủ :
"Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Rahlan Lâm xuống khu Bang Len và Wat In, bảo anh em hãy về nước chính quyền sẽ khoan hồng cho và cho anh em đất đai, xe cộ hoặc những thứ gì người dân thiếu thì họ sẽ cho.
Họ đe doạ là nếu mà các anh không theo tôi về, sau này công an mà bắt các anh về chính quyền không tha thứ nữa".
Cách đây 9 ngày, Bộ Công an Việt Nam ra thông báo xếp hai tổ chức MSFJ và Nhóm Hỗ trợ người Thượng" (Montagnard Support Group, Inc. hay MSGI) là tổ chức khủng bố, có liên hệ với vụ xả súng ngày 11/6/2023.
Một người tị nạn không nêu danh tính cho biết, trong lúc nói chuyện hai công an Việt Nam dò hỏi về ông Y Quynh Bdap và một số người Thượng đang bị truy nã khác, đồng thời cho xem hình ảnh và quyết định truy nã trong điện thoại của họ.
Ông Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), bị quy kết là có liên hệ với vụ tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân và Công an hai xã Ea Tieu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) rạng sáng 11/6/2023 và sau đó bị kết án vắng mặt 10 năm tù giam về tội danh "khủng bố" trong phiên toà tháng 1 vừa qua.
Ông nói về hậu quả của việc an ninh Việt Nam viếng thăm khu người Thượng tị nạn.
"Những người chưa có quy chế (quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc - PV) có khả năng cao bị trục xuất về Việt Nam trong khi những người hoạt động- là đối tượng truy nã của Nhà nước Việt Nam như bản thân tôi có thể họ sẽ tìm cách cùng với Chính phủ Thái để dẫn độ về".
Ông biết thông tin an ninh Việt Nam sang Thái Lan từ trước, do vậy ông cùng một số nhà hoạt động đã lánh đến một nơi an toàn trong mấy ngày qua.
Trả lời RFA qua điện thoại, Đại tá Adisak Kamnerd, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ở Bang Len, nói :
"Tôi không có thông tin chi tiết về vụ việc. Nhưng tôi chưa nhận được yêu cầu của cơ quan nào cho phép quan chức Việt Nam vào đó".
Một quan chức an ninh khác yêu cầu giấu tên vì không được phép cung cấp tin cho truyền thông nói với RFA rằng đây là vụ việc đầu tiên quan chức Việt Nam thẩm vấn và quay phim những người tị nạn Việt Nam, và hành động này vi phạm các quyền riêng tư cơ bản và là "phi ngoại giao".
"Tôi tin rằng họ đang truy lùng các nghi phạm trong vụ tấn công ở Đắk Lắk", ông nói.
Phóng viên gửi email tới Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn ở Bangkok với đề nghị cho biết những biện pháp bảo vệ cho người tị nạn nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
Phóng viên cũng gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về vụ việc nhưng chưa nhận được ngay phản hồi, cơ quan này chưa bao giờ trả lời các email của Đài Á Châu Tự Do.
Trên trang web của mình, tổ chức Center for Asylum Protection (CAP), một tổ chức chuyên hỗ trợ cho người tị nạn, đăng thông tin khẩn cấp về việc công an Việt Nam, với sự trợ giúp của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, đến khu trọ của người tị nạn ở Banglen và Bangyai (tỉnh Nonthaburi).
Tổ chức này cho biết đã trình báo tới Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền (OHCHR) và Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok về sự việc đang xảy ra.
Vụ việc cơ quan an ninh Việt Nam qua tận Thái Lan để truy tìm người tị nạn xảy ra chỉ một ngày sau khi Báo Công an nhân dân online đưa tin Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm việc với Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, khi ông này đến chào trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Trong cuộc gặp, ông Tô Lâm đề nghị hai bên tiếp tục triển khai có hiệu quả cam kết lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc phối hợp ngăn chặn không để cho cá nhân, tổ chức lợi dụng lãnh thổ nước này hoạt động, chống phá nước kia cũng như thúc đẩy đàm phán, ký kết các văn kiện pháp lý quan trọng khác như Hiệp định về dẫn độ và tương trợ tư pháp về hình sự.
Thái Lan là nước không ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tị nạn, tuy nhiên có hàng nghìn người từ Việt Nam chạy qua xin tị nạn.
Họ là những nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ hay nạn nhân của đàn áp tôn giáo, đến từ các sắc tộc Kinh, Ê-đê, Hmong, Jrai, Khmer Krom...
Bang Len thuộc tỉnh Nonthaburi, cách Bangkok khoảng 20 km, không phải Bang Len thuộc Nakhon Pathom cách Bangkok khoảng 60 km.
Nguồn : RFA 15/03/2024
************************
Hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan hữu quan Thái Lan luôn được duy trì, củng cố
Khổng Hà, Công an nhân dân online, 13/03/2024
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Thái Lan nói chung và giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan hữu quan của Thái Lan như : Cảnh sát Hoàng gia, Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động và An sinh con người luôn được duy trì và củng cố, đem lại hiệu quả thiết thực.
Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đến chào từ biệt Bộ trưởng công an Việt Nam Tô Lâm nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Chiều 13/3, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm chúc mừng Đại sứ Nikorndej Balankura đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam ; đánh giá cao những đóng góp của ngài Đại sứ, góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa hai nước nói chung, giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật của Thái Lan nói riêng.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, trong thời gian công tác tại Việt Nam, Đại sứ Nikorndej Balankura đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh.
"Trong quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an Việt Nam với Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, chúng tôi luôn nhận được sự hợp tác tích cực và kịp thời, góp phần quan trọng trong triển khai hợp tác giữa Bộ Công an với các cơ quan hữu quan Thái Lan đặc biệt trong các chuyến thăm của lãnh đạo Bộ và các Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam tại Thái Lan", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ vui mừng nhận thấy, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Thái Lan nói chung và giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan hữu quan của Thái Lan như : Cảnh sát Hoàng gia ; Hội đồng An ninh quốc gia ; Bộ Tư pháp ; Bộ Lao động và An sinh con người luôn được duy trì và củng cố, đem lại hiệu quả thiết thực.
Hai bên thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi Đoàn cấp cao, cấp chuyên viên nhằm trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác, các cơ chế song phương như : Cuộc họp Nhóm công tác chung Việt Nam – Thái Lan về hợp tác chính trị, an ninh ; Đối thoại cấp cao về phòng, chống tội phạm và các vấn đề an ninh.
Trong hợp tác phòng, chống tội phạm, hai bên tích cực trao đổi thông tin, phối hợp xác minh truy bắt các đối tượng phạm tội từ nước này lẩn trốn sang nước kia, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ của nhau ; thường xuyên ủng hộ nhau và tích cực tham gia có trách nhiệm trong khuôn khổ hợp tác đa phương về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia như SOMTC, AMMTC, AseanAPol, InterPol...
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thái Lan lên tầm cao mới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị hai bên tiếp tục triển khai có hiệu quả cam kết lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc phối hợp ngăn chặn không để cho cá nhân, tổ chức lợi dụng lãnh thổ nước này hoạt động, chống phá nước kia.
Triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác; các văn bản đã ký kết và quan tâm thúc đẩy đàm phán, ký kết các văn kiện pháp lý quan trọng khác là cơ sở duy trì cơ chế hợp tác đã có, cụ thể là Hiệp định về dẫn độ, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nước này học tập, lao động, kinh doanh hợp pháp tại nước kia.
Đại sứ Nikorndej Balankura bày tỏ trân trọng và chân thành cảm ơn Bộ Công an Việt Nam và Bộ trưởng Tô Lâm đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho đất nước Thái Lan cũng như cho cá nhân ngài Đại sứ trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam vừa qua. Ngài Đại sứ chúc mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Thái Lan ngày càng phát triển ; khẳng định, sau khi về nước, dù ở bất cứ cương vị nào, sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy đưa mối quan hệ này ngày càng sâu sắc, bền chặt.
Khổng Hà
Nguồn : Công an nhân dân online, 13/03/2024
Sáng 16/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình Quốc hội chi 1.500 tỷ đồng để xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cảnh sát 113 trên đường phố Hà Nội. AFP
Trước đó, vào cuối năm 2023, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 được Quốc hội thông qua cho thấy, Bộ Công an được nhận hơn 113 ngàn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước ; Bộ Y tế được nhận 7.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước ; Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhận 7.700 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Việc chi cho Bộ Công an quá nhiều tiền từ ngân sách không lạ với người dân, bởi như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, quân đội và công an là hai lực lượng thanh kiếm và lá chắn, hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước. Nhưng việc chi tiền với lý do xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ lại thì công luận phản ứng nhiều.
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA sáng 18/01/2024
"Chi ngân sách cho Bộ công an năm nay là 113, 271 tỷ đồng, gấp 15, 16 lần so với y tế và giáo dục. Người dân trong nước chúng tôi theo dõi sát tình hình và thấy bất bình về việc này. Vừa rồi họ lại đưa ra dự thảo để Quốc hội bàn bạc và thông qua quyết định chi hơn 1.500 tỷ đồng để làm trong sạch bộ máy công an. Lực lượng công an, cảnh sát là lực lượng bảo vệ trật tự cho xã hội, an ninh cho nhân dân nhưng quốc hội và nhà nước cũng đã thấy được sự tha hóa, sự hư hỏng của một bộ phận đáng kể công an trong nước.
Với việc cho 1.500 tỷ đồng để làm trong sạch đội ngũ, tôi thấy không phải là giải pháp đúng đắn, không phải là giải pháp hiệu quả bởi vì bản thân lực lượng công an đã được chi số tiền rất lớn. Tại sao bây giờ công an không trích phần đó ra để làm công tác trong sạch, lành mạnh hóa để phục hồi suy tín, phục hồi sự tín nhiệm của người dân đối với lực lượng công an ?"
Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh gồm 50 ngựa ngựa lùn (poney) ra mắt các đại biểu quốc hội ngày 8/6/2020.
Hôm 6/3/2023, tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng công an nhân dân, ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn vững vàng, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của nhân dân, phải thực sự là điểm tựa bình yên của Nhân dân.
Ông Trọng cũng nhắc nhở mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải thường xuyên tự soi lại chính mình, tự sửa đổi và nỗ lực thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy trong ứng xử hàng ngày, phải giữ để không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường.
Tuy ông Trọng luôn miệng nhắc nhở nhưng những hình ảnh xấu của lực lượng Công an Nhân dân được báo chí Nhà nước thường xuyên đăng tải cho thấy, lời nói của ông Trọng chỉ là "nước đổ lá khoai". Chẳng hạn như công an dùng súng AK cướp tiệm vàng ở Huế ; công an "bắn nhầm dê" của dân ở Hà Nội ; công an bắt cóc con nít đòi tiền chuộc ở Hà Nội…
Dư luận còn nhớ hàng loạt sĩ quan công an cấp tướng bị xử lý hình sự như cựu trung tướng Bùi Văn Thành và cựu thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an ; cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an Phan Văn Vĩnh ; cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa ; cựu trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển Hoàng Văn Đồng ; cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy Cảnh sát biển Doãn Bảo Quyết ; cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Phan Kim Hậu…
Mỗi năm Bộ Công an được hưởng ngân sách hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng lực lượng công an vẫn không trong sạch như yêu cầu của ông Trọng. Ông Nguyễn Doãn Tú, từng là công an, nêu quan điểm của ông với RFA sáng 18/01/2024 :
"Lực lượng công an nhân dân theo tuyên truyền của Đảng là luôn luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ ; luôn luôn trong sạch, liêm khiết, phục vụ nhân dân vô điều kiện. Thế tại sao bây giờ lại cần thêm tiền để chấn hưng lại, để lấy lại sự trong sạch ? Điều đó cho thấy bản thân lực lượng này đã quá thối nát rồi. Sử dụng ngân sách, sử dụng tiền để làm trong sạch lực lượng công an cho thấy đây là một vấn đề mâu thuẫn.
Bây giờ chính họ đưa ra yêu cầu trích thêm ngân sách Nhà nước, tức tiền của nhân dân, tức họ đang thực hiện việc tiếp tục ăn trên đồng tiền xương máu của nhân dân".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, để xã hội bình an thì giải pháp không phải là cứ chi ngân sách thật cao cho Bộ Công an. Ông Nguyễn Ngọc Già phân tích :
"Tôi cho rằng, 1.500 tỷ để xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, tinh nhuệ thì không có ý nghĩa gì hết. Ngân sách Nhà nước của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn tập trung cho ngành công an là điều không có gì ngạc nhiên với phương châm công an là thanh gươm và lá chắn của chế độ. Tuy nhiên, đó là một nghịch lý bởi tập trung nhiều tiền cho lực lượng công an không hề đồng nghĩa với việc an toàn xã hội, trật tự giao thông ngày càng tốt lên.
Ông Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ công an - đã khẳng định tất cả các vụ cướp ngân hàng vừa qua phần lớn do những người thất nghiệp gây ra. Ngoài ra, các tệ nạn xã hội không hề giảm mà ngày càng tăng. Rõ ràng, việc tập trung tiền của cho ngành công an không giải quyết được vấn đề gì hết. Do đó, có thể nói, cái cách ưu ái tiền bạc cho lực lượng công an nó không giải quyết được vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Đó chính là an sinh xã hội và an toàn giao thông. Muốn giải quyết an sinh xã hội, an toàn giao thông và các loại tệ nạn khác thì trước tiên phải giải quyết được nạn thất nghiệp. Sau nữa là y tế và giáo dục".
Dàn xe bọc thép của Cảnh sát cơ động
Khoản chi ngân sách lớn thứ hai, chỉ sau Bộ Quốc phòng, và những đãi ngộ đối với ngành công an, cho thấy rõ cả hai ngành này là "thank kiếm và lá chắn" để giữ vững vị trí độc tôn lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội của đảng cộng sản Việt Nam như các lãnh tụ Đảng và Chính phủ thừa nhận lâu nay ; chứ không như khẩu hiệu tuyên truyền "thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình" như phương châm ngành công an đặt ra.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 18/01/2024
Bộ trưởng Tô Lâm muốn Trung Quốc giúp đỡ duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối của Đảng cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa
RFA, 10/01/2024
Bộ trưởng Tô Lâm hôm 10/1 đề nghị với lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc giúp đỡ về lý luận và thực tiễn trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên tại Hà Nội ngày 10/01/2024. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Báo Công An Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam - cho biết đề nghị này được đưa ra vào sáng ngày 10/1 nhân cuộc gặp giữa Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc – ông Trần Tư Nguyên.
Ông Trần Tư Nguyên sang Việt Nam lần này nhân Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Bộ trưởng Tô Lâm nói đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi cuối năm ngoái.
"Điều này thể hiện quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà phát triển tích cực, hiệu quả, thực chất, đúng như tinh thần Tuyên bố chung hai nước đã đề cập "Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn", trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong việc củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước". – Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp.
Theo Công An Nhân Dân, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường trao đổi các vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến chủ nghĩa xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, chống tham nhũng, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, hai bên cũng cam kết thúc đẩy mạnh hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia bao gồm ma túy, buôn bán người, lừa đảo qua mạng, tuy bắt đối tượng truy nã và tôi phạm tổ chức người xuất nhập cảnh trái phép.
Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới dài ở phía Bắc và thường xuyên có tình trạng người nhập cư trái phép giữa hai nước. Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ nhiều trường hợp người Trung Quốc nhập cư trái phép vào Việt Nam và vi phạm pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp người Việt Nam bị lừa bán qua Trung Quốc.
Việt Nam cũng là nước đã từng bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích hồi năm 2022 khi bắt giữ nhà hoạt động Trung Quốc Đổng Quảng Bình và giữ kín thông tin này. Gia đình nhà hoạt động này lo lắng Hà Nội có thể trả ông về lại Trung Quốc.
Nguồn : RFA, 10/01/2024
- Quan đòi quyền gì đều được Quốc hội làm ngay luật về quyền đó
- Dân đỏ mắt chờ luật bảo đảm những quyền tối thiểu của dân, suốt mấy chục năm, Quốc hội vẫn làm ngơ
Các phường xã đều có lực lượng công an quản lí mọi động tĩnh của dân.
1. Luật Công an Nhân Dân hiện hành mới có hiệu lực từ đầu năm 2019, bảo đảm cho lực lượng công an được quyền có tới 199 ông tướng. Nhưng lãnh đạo công an vẫn chưa thỏa lòng, đòi Quốc hội phải sửa luật để công an có nhiều tướng hơn. Lập tức chiều 22/6/2023, Quốc hội liền sốt sắng thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an Nhân Dân, tăng thêm 6 vị trí cấp tướng cho công an, để công an có tới 205 ông tướng đương quyền.
Các phường xã đều có lực lượng công an quản lí mọi động tĩnh của dân. Công an phường, xã rải công an khu vực, nắm dân đến từng gia đình, từng người dân. Trưởng công an xã, phường đều có hàm thiếu tá, trung tá, hàm của sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Chưa tính đội quân dân phòng mỗi phường xã đều có vài chục "người nách thước, kẻ tay dao" (Nguyễn Du, Truyện Kiều) do công an xã, phường điều động, chỉ huy, mỗi phường, xã đều có vài chục công an chính qui. Tạm tính mỗi phường, xã chỉ ba chục công an. Cả nước có 10 598 phường, xã, quân số công an quản lí dân đã lên tới 317 640 người. Dù biên chế mỗi phường xã chỉ hai mươi công an thì ngân sách quốc gia cũng phải chu cấp, nuôi dưỡng 211.960 suất lương, suất đãi ngộ ở mức được biệt đãi, chăm bẵm cao. Lại còn công an ở các cơ quan cấp huyện, tỉnh, trung ương, công an kĩ thuật, công an chuyên ngành, các nhà trường, học viện công an, quân số công an phải ngót nghét gần nửa triệu !
2. Ngân sách quốc gia eo hẹp. Quĩ phúc lợi xã hội đã ít ỏi lại dồn cho những đấng bậc trên cao. Chế độ thực dân, chế độ tư bản đều không có ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ nhưng đều có nhà thương Làm Phúc chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Cử nhân văn chương, tổng bí thư đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng vốn tốt nghiệp trường xã hội nhân văn nên rất hay nhắc đến từ nhân văn và quả thật nhà nước ta rất nhân văn với các quan, có hẳn ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe càn bộ ở cấp tỉnh và cấp trung ương nhưng không có cấp nào có nhà thương làm phúc cho dân.
Quan hắt hơi, xổ mũi có ngay bác sĩ chuyên khoa lắng nghe từng nhịp thở, có đầy đủ thuốc đắt tiền, quí hiếm. Tất cả đều miễn phí. Dân ốm đau phải nộp tiền mới được bác sĩ ngó tới, phải bỏ tiền mua thuốc, phải nằm ba, bốn người một giường bệnh. Dân nghèo, chạy ăn chưa xong lại dính bệnh hiểm, không có tiền trả tiền nằm bệnh viện dài ngày thì đành nằm nhà chịu đau đớn do bệnh hành và chờ chết.
Điều 14, Luật giáo dục 2019 ghi rành rành : 1, Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước phổ cập giáo dục mần non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. 2, Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước... bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc và bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục là nhà nước bảo đảm đủ mọi điều kiện, gồng gánh mọi chi phí để những công dân tương lai đang ở tuổi mẫu giáo và tuổi trung học cơ sở đều được các trường nhà nước, các trường công lập đón vào học mà không phải trả, không phải đóng, không phải nộp bất cứ khoản tiền nào, kể cả tiền sách giáo khoa, vì "nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục".
Lí tưởng đẹp đẽ, đúng đắn và cần thiết về giáo dục dù đã trở thành luật, nhà nước cũng không thực hiện được vì ngân sách quốc gia quá eo hẹp. Đứa trẻ đi học từ mẫu giáo, cha mẹ đã phải nộp cho nhà trường quá nhiều khoản tiền. Trẻ nhà nghèo ở độ tuổi được "nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục." không có tiền đóng cho các khoản thu của trường đành chịu thất học. Số trẻ ở tuổi đi học, nhà nghèo, không có tiền theo đuổi đèn sách, phải mang tuổi thơ thất học vào đời kiếm sống không phải là cá biệt, không phải là số ít.
3. Ngân sách quốc gia eo hẹp như vậy. Đất nước đang thời yên hàn. Lực lượng nước ngoài rình rập ở biên cương, quấy nhiễu ở biển Đông là việc của quân đội, không phải việc của công an. Dân lo làm ăn, chính quyền lo phát triển kinh tế, văn hoá là thời bình yên. Trong thời yên hàn, đội quân công an đã đông tới cả chục quân đoàn nhưng lãnh đạo công an vẫn muốn có thêm quân, có thêm sức mạnh liền trình ra Quốc hội luật Cảnh Sát Cơ Động và sáng 14/6/2022, Quốc hội khoá XV, kì họp thứ ba với 454/474 đại biểu tán thành, luật Cảnh Sát Cơ Động được thông qua mau lẹ.
Có luật Cảnh Sát Cơ Động, BBộ Công an liền gấp gáp tuyển quân, rèn lính, lần lượt ra mắt 12 trung đoàn cảnh sát cơ động bộ binh, mỗi trung đoàn hơn ngàn tay súng cùng với một trung đoàn cảnh sát cơ động không quân, một trung đoàn cảnh sát cơ động kị binh. Mười bốn trung đoàn cảnh sát cơ động, hơn mười bốn ngàn quân, được trang bị hiện đại từ đầu đến chân. Mũ, áo chống đạn, giầy chống chông, súng lớn, súng nhỏ hiện đại, đầy đủ các thiết bị điện tử tinh vi và đắt tiền. Mười bốn trung đoàn cảnh sát cơ động rải khắp nước. Từ núi rừng Đông-Bắc, Tây-Bắc Bắc Bộ đến miệt vườn Đông Nam Bộ, miệt sông nước Tây Nam Bộ. Từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Sài Gòn. Từ rẻo cao Điện Biên Phủ đến phủ thủ cao nguyên Buôn Mê Thuật, phủ thủ miền Tây Cần Thơ.
Được Quốc hội mau mắn thông qua luật Cảnh Sát Cơ Động, Bộ Công an liền trình tiếp ngay dự luật Lực Lượng Tham Gia Bảo Vệ An Ninh, Trật Tự Ở Cơ Sở. Dự luật cho ra đời thêm lực lượng an ninh trật tư ở cơ sở làm cho Quốc hội khoá XIV ngần ngại, dè dặt vì luật làm tăng quân số lực lượng an ninh vốn đã quá đông, tăng thêm nguồn chi lớn cho ngân sách quốc gia vốn đã phải giật gấu vá vai, giật của văn hoá, giáo dục, y tế vá vào những khoản chi khác đang bắt đền ngân sách, đang ăn vạ ngân sách nhà nước. Có thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thì ngân sách lại phải chi, lại phải vá !
Sang Quốc hội khóa XV ở kì họp thứ năm từ 22/5/2023, Bộ trưởng Bộ Công an lại hối thúc Quốc hội xem xét dự luật về Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở và uỷ ban Thường Vụ Quốc hội liền gật đầu tán thành đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
4. Lấy cớ bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ Công an liên tục đòi tăng tướng, tăng quân, tăng trang bị, tăng chi ngân sách nhà nước cho công an và đều được Quốc hội mau mắn đáp ứng. Nhưng có điều Quốc hội và những người có trách nhiệm gìn gữi bình yên cho xã hội, chăm lo cho sự an dân không nhận thức được là nhiều vụ việc gây bất ổn xã hội, làm bất an lòng dân lại từ công an.
- Người dân dính vào vụ việc phi pháp như trộm cắp vặt, xô xát cá nhân... bị bắt vào đồn công an. Hôm trước còn khỏe mạnh, lành lặn hôm sau đã chết bầm dập. Không phải đơn lẻ chỉ có một, hai người dân chết bầm dập trong đồn công an. Hàng trăm người dân đều ở tuổi trai trẻ bị công an đưa về trại giam hôm trước còn tràn trề sức sống, hôm sau đã thành thây ma. Những cái chết tức tưởi diễn ra ở nhiều nơi và đều chìm trong nỗi đau của dân, chìm trong sự im lặng của pháp luật nên những cái chết thảm thương như vậy cứ tiếp diễn không có điểm dừng. Làm sao lòng dân không bất an, làm sao người dân có thể tin tưởng vào việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ an ninh, bảo vệ người dân của công an. Mang cái chết đến cho người dân thì người dân phải coi là hung thần. Một hung thần đã bất an. Hung thần có mặt ở nhiều nơi, làm sao có thể bình yên!
- Đau đáu với phận dân, vận nước, người dân thực hiện quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền và bổn phận công dân, chỉ ra việc kiên trì lí tưởng xã hội đã bị thực tế cuộc sống loài người chứng minh là sai trái, là tội ác, bị loài người ném vào sọt rác lịch sử. Không chỉ là tội ác, lí tưởng xã hội sai lầm còn đưa đất nước lệ thuộc vào nước ngoài về hệ tư tưởng, triệt tiêu tiềm lực con người, tiềm lực tài nguyên đất nước, kìm hãm sự phát triển xã hội, lạc lõng với loài người văn minh.
Điều 28 Hiến pháp 2013 cho người dân quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhưng những tiếng nói công dân hợp pháp của tâm hồn, trí tuệ và khí phách Việt Nam đều bị những điều luật hình sự hoá quyền con người, quyền công dân, buộc tội tuyên truyền chống nhà nước, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, bị công an gọi tên, tra vấn, hạch xách, bị giám sát cả trong không gian xã hội và không gian sóng internet, bị cản trở trong những quan hệ xã hội, bị cấm xuất cảnh, bị bắt giam bất cứ lúc nào... Luật pháp hình sự hoá những quyền cơ bản của con người, của công dân và công an can thiệp vào đời sống dân sự hợp pháp của người dân, xã hội làm sao có sự bình yên!
- Lão thành cách mạng, đảng viên sáu mươi tuổi đảng Lê Đình Kình cùng người dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở thôn Hoành xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội khiếu kiện giữ mảnh đất Đồng Sênh ngàn đời cho người dân màu xanh sự sống là vụ việc dân sự thường tình. Khiếu kiện cũng là quyền hợp pháp của công dân. Tranh chấp và khiếu kiện đất đai diễn ra khắp nước, đâu phải chỉ riêng thôn Hoành. Người dân thôn Hoành đều là người lương thiện, chưa ai bị truy tố là tội phạm hình sự. Cụ Kình là đảng viên đang sinh hoạt đảng. Vậy mà giữa đêm rằm tháng chạp giáp tết Canh Tý công an phá cửa, xông vào tận giường ngủ, xả súng bắn nát đầu, nát ngực đảng viên đang sinh hoạt đảng Lê Đình Kình. Làm sao lòng dân không bất an. Làm sao xã hội có thể bình yên!
- Dân chắt chiu đóng thuế nuôi công an để công an trấn áp trộm cướp, bảo vệ tài sản cho dân nhưng ngày 26/6/2023, ba công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mang súng săn vào ngọn núi nhỏ và lẻ loi giữa đồng bằng Bắc Bộ như hòn non bộ giữa làng quê, từ hàng trăm năm nay không còn thú hoang, không còn dê núi, chỉ có dê của dân chăn thả. Ba công an vào hòn non bộ giữa làng quê bắn dê của dân là chủ tâm bắn trộm, bị dân bắt tại trận. Với lực lượng bảo vệ an ninh trật tự như vậy thì làm sao xã hội có an ninh, trật tự!
Để cuộc sống bình yên, để xã hội an ninh thì lực lượng bảo vệ an ninh trước hết phải tinh, quí hồ tinh, bất quí hồ đa chứ không phải chỉ cần đông quân, nhiều tướng, vũ khí hiện đại. Lực lượng bảo vệ an ninh trên đầu phải thờ thần linh pháp quyền và trái tim phải thuộc về nhân dân, cội nguồn của quốc gia, dân tộc, cội nguồn của lịch sử, văn hoá, chứ không phải "công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình" như cái slogan lớn ở mặt tiền cơ quan bộ Công an.
5. Với vụ việc ba công an mang cấp hàm đại uý, thượng uý bắn trộm dê của dân chỉ là vụ việc bất thường nghịch đạo lí, nghịch qui tắc xã hội trong đời sống dân sự vốn luôn có những bất thường. Người dân độ lượng, bao dung sẽ bỏ qua. Thời gian vô tình cũng sẽ xóa nhòa, dìm vụ việc vào quên lãng.
Nhưng sự kiện ba ngàn cảnh sát cơ động trong đêm rầm rập binh mã, tua tủa nòng súng, bao vây một làng quê bình yên, xông vào tận giường ngủ xả đạn giết người dân chưa hề bị pháp luật truy tố, chưa hề bị toà án buộc tội thì sẽ đi vào lịch sử về một thời mảnh đất ngàn năm văn hiến chìm đắm trong bạo lực chuyên chính vô sản.
Dù cả hệ thống truyền thông chính thống đứng về phía quyền lực, thờ ơ với máu dân lành đổ ra, không thông tin đúng sự thật. Dù nền tư pháp do quyền lực chuyên chính vô sản dựng lên cũng đứng về phía bạo lực, biến nạn nhân thành tội phạm. Nhưng lịch sử viết bằng máu. Lịch sử mọi chế độ độc tài, mọi giai đoạn độc tài đều viết bằng máu dân. Máu dân lành thôn Hoành lênh láng trong làn đạn của công an đêm 9.1.2020 sẽ còn mãi trong lịch sử. Lịch sử sẽ khắc vào thời gian những cái tên làm đổ máu dân thôn Hoành. Không phải tên những người lính cảnh sát công cụ có mặt ở thôn Hoành mà tên những người bài binh bố trận, điều binh, khiển tướng, lên phương án tấn công thôn Hoành, giết dân thôn Hoành từ những phòng máy lạnh.
Lịch sử bỏ qua vụ việc ba công an dù mang hàm đại uý, thượng uý cũng chỉ là những nhân cách trộm cắp, bắn trộm dê của dân. Nhưng lịch sử không bỏ qua hàng trăm người dân chết bầm dập trong đồn công an. Lịch sử không bỏ qua những tiếng nói của lương tâm và trách nhiệm công dân bị toà án không có thần linh công lí tuyên những bản án năm năm, mười năm tù. Lịch sử ghi nhận những cái chết oan khiên của dân lành, ghi nhận những bản án vắng bóng công lí để khắc ghi vào thời gian về đất nước văn hiến trong thời đảng trị và công an trở thành kiêu binh của đảng.
6. Bộ Công an liên tục đòi Quốc hội làm luật cho công an có thêm quyền hạn. Quyền có nhiều tướng. Quyền có đông quân. Các luật này đều làm ngân sách nhà nước phải bội chi, làm cho chi ngân sách mất cân đối, làm hao hụt, teo tóp ngân sách dành cho an sinh xã hội.
Công an là công cụ bạo lực nhà nước. Bảo đảm an ninh trật tự xã hội không phải chỉ là bạo lực mà còn là chính sách xã hội mang lại sự an dân, còn là nền giáo dục phát triển nâng cao dân trí và đời sống văn hoá cao, nâng con người lên những giá trị văn hóa.
Chiếc bánh ngân sách dành phần lớn cho công cụ bạo lực thì chỉ còn phần nhỏ bé, hẩm hiu chia cho chính sách xã hội, cho giáo dục, văn hoá và y tế. Chi ngân sách cho công cụ bạo lực nhà nước lớn gấp nhiều lần chi cho giáo dục, y tế, văn hoá nếu không làm mất đi thì cũng làm giảm sút rất nghiêm trọng giá trị nhân văn, bản chất nhân văn của một nhà nước, một chính thể.
Những đòi hỏi dồn dập của công an, đòi hỏi sửa luật, đòi hỏi ban hành luật mới cho công an có thêm tướng, thêm quân đều được Quốc hội chấp thuận tắp lự.
Trong khi tất cả năm bản Hiến pháp của nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa từ 1946 đến nay, Hiến pháp nào cũng xác nhận quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, lập hội, quyền biểu tình của người dân. Đó là những quyền sơ đẳng, cơ bản, tối thiểu của con người, của công dân. Có những quyền đó, con người mới thực sự là Người, mới khẳng định được sự có mặt của những cá nhân con người, những nhân cách công dân trong cuộc đời. Những bộ luật về tự do ngôn luận, luật lập hội, luật biểu tình ra đời, ngân sách nhà nước không phải chi một xu, không hao hụt một cắc bạc cho người dân thực hiện những quyền sơ đẳng của người dân. Nhưng suốt mấy chục năm qua, Quốc hội lạnh lùng làm ngơ, không ngó ngàng đến xây dựng những bộ luật bảo đảm cho người dân được thực sự làm Người, được có tư thế đàng hoàng, chính danh làm bổn phận công dân.
‘Đưa 400 người lên cầu’ và ‘chạy án’
Dường như trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử lĩnh vực xây dựng nói riêng, chỉ ở Việt Nam và chỉ có Công an nhân dân Việt Nam mới nghĩ ra và dám dùng phương thức này...
Cần huy động 400 người để thực hiện việc thử tải cầu Nguyễn Thái Học vào ngày 5/4 - Ảnh: Duy An
Cuối cùng, Chủ tịch tỉnh An Giang cũng ra lệnh ngưng thực hiện kế hoạch sử dụng 400 người để thử tải cầu bộ hành Nguyễn Thái Học bắc qua sông Long Xuyên, nối phường Mỹ Bình và phường Mỹ Hòa ở trung tâm thành phố Long Xuyên(1).
Cầu Nguyễn Thái Học phần dành cho khách bộ hành dài 120 mét, không thẳng mà uốn lượn nên có chỗ rộng 5,7 mét, có chỗ rộng 9,5 mét. Dọc phần cầu chỉ dùng để thả bộ này bày cây kiểng, ghế ngồi, trên có mái che và được quảng bá là "công viên nổi trên sông".
Việc xây dựng cầu Nguyễn Thái Học bắt đầu hồi 2019, hoàn tất năm 2021 và được khen là nhanh vì bàn giao trước thời hạn chừng một năm. Chi phí xây dựng cầu Nguyễn Thái Học được ước tính là hơn 200 tỉ đồng...
Tuy nhiên chỉ sáu tháng sau khi khánh thành, cầu bộ hành Nguyễn Thái Học có dấu hiệu hư hỏng nặng (dầm ngang rỉ sét, mối hàn nứt...). Người ta còn phát giác nhà thầu đã thi công không đúng thiết kế...
Đó là lý do Công an An giang quyết định tổ chức điều tra xem có "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" hay không ? Bước đầu tiên của tiến trình điều tra là thử tải.
Cuối tháng trước (29/3/2023), một viên đại tá là Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã gửi công văn cho Chủ tịch thành phố Long Xuyên, yêu cầu "phối hợp, hỗ trợ trong việc giám định cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học".
"Biện pháp nghiệp vụ" mà Công an An Giang sử dụng là huy động 400 người, tổ chức cân từng người rồi để cho họ tới lui, trụ lại trên cầu xem cầu có sụp không ! Hôm 4/4/2023, một viên trung tá là Trưởng Công an thành phố Long Xuyên bảo với báo giới là Công an An Giang đã phối hợp với Thành Đoàn Thanh niên cộng sản thành phố Long Xuyên huy động đủ 400 Đoàn viên Thanh niên cộng sản để tổ chức cân từng người và sẽ thực hiện "biện pháp nghiệp vụ" này !
Tuy nhiên viên trung tá vừa kể còn than là đang "có nhiều ý kiến trái chiềutrước việc sử dụng người thử tải trọng của cầu bộ hành nên chưa biết có thực hiện như kế hoạch được hay không" (2).
Đúng là đã "có nhiều ý kiến trái chiều" về việc "sử dụng người thử tải trọng".Dường như trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử lĩnh vực xây dựng nói riêng, chỉ ở Việt Nam và chỉ có Công an nhân dân Việt Nam mới nghĩ ra và dám dùng phương thức này như một "biện pháp nghiệp vụ" bất kể điều đó có thể gây nguy hại đến tính mạng của 400 đồng loại. Cũng có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có 400 thanh niên sẵn sàng đem tính mạng của mình ra thử tải. Ít nhất Đoàn viên Thanh niên cộng sản cũng có điểm hơn người !
***
Trước giờ, công an nhân dân (bao gồm cả an ninh nhân dân và cảnh sát nhân dân) Việt Nam vẫn tự xếp tất cả các loại việc họ thực hiện hàng ngày để bảo vệ - thực thi pháp luật, duy trì an ninh – trật tự - trị an là những "biện pháp nghiệp vụ".
Nhãn "biện pháp nghiệp vụ" giúp công an nhân dân Việt Nam sang trọng hơn đồng nghiệp ở các quốc gia khác trên thế giới. Trên thực tế, Công an nhân dân Việt Nam sử dụng rất nhiều "biện pháp nghiệp vụ" mà đồng nghiệp ở các quốc gia khác trên thế giới không dám áp dụng hay cách thức quản trị - điều hành xã hội khiến họ không có khả năng áp dụng. Chẳng hạn dùng phân người trộn với nhớt thải tạt vào nhà các "đối tượng" được xếp vào loại nguy hại cho "an ninh quốc gia" để thân nhân của "chúng" kinh hãi, gây áp lực buộc "chúng" ngưng chống phá ! Chẳng hạn có thể buộc nhiều cá nhân "cúi đầu thừa nhận" đã giết người, cưỡng hiếp, cho dù họ không phải là thủ phạm. Những Nguyễn Thanh Chấn, Bùi Minh Hải, Trần Văn Chiến, Nguyễn Minh Hùng(3), Hàn Đức Long(4), Huỳnh Văn Nén (5), chính là những ví dụ hết sức cụ thể cho các "biện pháp nghiệp vụ" mà không lực lượng bảo vệ - thực thi pháp luật nào trên thế giới có thể sánh với Công an nhân dân Việt Nam !
Hồi tháng 2 dư luận Việt Nam rúng động khi ông Đỗ Hữu Ca, Thiếu tướng – cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng bị bắt vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
May cho Công an nhân dân Việt Nam là chỉ tại Việt Nam mới có những viên chức cao cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bất chấp oan khiên ngút trời, ưỡn ngực tự hào tuyên bố kiểu như : "Cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh" và "không thể tuyệt đối hóa việc xử đúng" (6). Bởi đã trót lạm bàn về "các biện pháp nghiệp vụ" của lực lượng "nhất thế giới" nên phải nói qua về một khía cạnh khác của "các biện pháp nghiệp vụ" mà công an Việt Nam vẫn tận dụng. Đó là ngoài răn đe, tạo thành tích, "các biện pháp nghiệp vụ" còn được nhiều thành viên của lực lượng công an nhân dân Việt Nam sử dụng để làm giàu !
Hồi tháng 2 dư luận Việt Nam rúng động khi ông Đỗ Hữu Ca, Thiếu tướng – cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng bị bắt vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Chuyện "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phát sinh từ vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" và "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhiệt điện Đông Triều thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Trong quá trình điều tra, công an Quảng Ninh phát giác Công ty Nhiệt điện Đông Triều tham gia mua bán hóa đơn để "trốn thuế". Khi điều tra thêm hoạt động "mua bán hóa đơn, chứng từ" thì phát giác Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương đứng phía sau một nhóm doanh nghiệp chuyên kinh doanh "hóa đơn, chứng từ" trong hàng chục năm qua tại hàng chục tỉnh, thành phố với "doanh số" đến 7.500 tỉ. Do vậy, vợ chồng, cháu ông chủ Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương và ba người khác bị bắt. Sau đó, thân nhân của vợ chồng ông chủ Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương tố cáo đã giao cho ông Ca 35 tỉ để "chạy án" nhưng không hiệu quả như đã đặt hàng !
Theo Công an Quảng Ninh, ông Ca nhìn nhận có nhận tiền nhưng "không chủ động thông báo cho cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản, bàn giao lại số tiền mà giữở trong nhà" nên bị xem là "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (7). Còn tháng này, sau khi Kết luận điều tra vụ án liên quan đến việc xem xét – phê duyệt – tổ chức thực hiện các chuyến bay "giải cứu" từ 4/2020 đến 1/2022 được công bố, thiên hạ biết thêm trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn – một thiếu tướng công an khác – cũng vì nhận tiền để giúp "chạy án" mà bị đề nghị truy tố vì "môi giới hối lộ". Tính ra, viên Thiếu tướng là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã nhận khoảng 2,6 triệu Mỹ kim để giúp hai doanh nhân dính líu đến việc tổ chức các chuyến bay "giải cứu" không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Tuấn đã giữ lại 1,8 triệu Mỹ kim làm "thù lao" của mình, chỉ giao 800.000 Mỹ kim cho viên trung tá trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án "giải cứu" – để Trưởng phòng 5 của Cục An ninh Điều tra tính cách "giải cứu" hai doanh nhân.
Tại thời điểm phạm tội, bị can Nguyễn Anh Tuấn đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội. Ảnh : CTV
Nếu sử dụng "các biện pháp nghiệp vụ" để làm án không mở đường cho "chạy án" thì làm gì có chuyện từ tướng, tá tới úy của lực lượng Công an nhân dân lũ lượt dắt díu nhau đi trên con đường ấy bất chấp tính chất của vụ án nghiêm trọng đến mức nào ? Cứ dùng Google để search ắt sẽ thấy, "chạy án" và nhận tiền để làm án là một phần không thể tách rời "các biện pháp nghiệp vụ" của Công an nhân dân. Sẽ có người bảo rằng Công an nhân dân đang nỗ lực "chỉnh đốn" để làm "trong sạch đội ngũ" nên mới xử lý hàng loạt tướng, tá dính líu đến "chạy án" hay "nhận hối lộ" nhằm "làm sai lệch hồ sơ, bản chất các vụ án" Song trước khi bảo như thế, có lẽ nên ngẫm nghĩ vì sao Công an nhân dân lại "đổ đốn" như vậy ? Tại sao "chỉnh đốn" đã được tiến hành từ lâu nhưng cứ có án là "đối tượng" tính ngay đến chuyện "chạy", cứ muốn "chạy" là sẽ có nhiều đồng chí vốn được trả lương để bảo vệ - thực thi pháp luật xã hội chủ nghĩa vẫn thản nhiên nhận "đơn đặt hàng" để lấy thù lao ? Có nên tự hào khi "nhất thế giới" về phương diện này chăng ?
Trân Văn
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/hien-trang-cau-bo-hanh-tung-du-tinh-huy-dong-400-nguoi-thu-tai-4589517.html
(3) https://vnexpress.net/nhung-vu-an-oan-rung-dong-viet-nam-2906196.html
(5) https://tuoitre.vn/huynh-van-nen-vu-oan-sai-chua-tung-co-trong-to-tung-1013980.htm
(6) https://vnexpress.net/co-quan-dieu-tra-viet-nam-thuoc-hang-gioi-nhat-the-gioi-2906619.html
(7) https://tuoitre.vn/ong-do-huu-ca-nhan-bao-nhieu-ti-dong-de-chay-an-20230223081843984.htm
Trong cùng một ngày 12/10 hai sự kiện trái nghịch nhau đến đau lòng. Một : bão lụt gầm thét, người dân chống chọi một cách đơn độc và tuyệt vọng. Hai : Hà Nội tổ chức đại hội Đảng bộ Công an nhân dân do Thủ tướng chủ trì. Trong ngôi nhà đầy hoa và ấm áp ấy Thủ tướng rạch ròi trong một tuyên bố nhất quán : "công an còn Đảng còn mình".
Hà Nội tổ chức đại hội Đảng bộ Công an nhân dân do Thủ tướng chủ trì từ ngày 11 đến 13/10/2020.
Báo chí loan tải trong trận lũ lụt năm nay tính đến sáng ngày 12/10 đã có 19 người thiệt mạng và 14 người mất tích. Cái chết mới nhất và đau lòng nhất là chị sản phụ Hoàng Thị Phượng (1985) trú tại Thôn Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế trở dạ nên chồng chị thuê thuyền đi sinh. Thuyền đi được một đoạn thì sản phụ bị rơi xuống nước và bị nước lũ cuốn trôi.
Tính đến sáng ngày 12/10 đã có 19 người thiệt mạng và 14 người mất tích vì lũ lủ.
Một số người dân gần đó phát hiện vụ việc chạy đến ứng cứu nhưng do lũ lớn, không có phương tiện cứu hộ nên đành bất lực.
Bức ảnh người chồng đau đớn quỳ lạy than khóc van xin thủy thần hãy trả lại thân xác vợ con tội nghiệp của anh giữa vùng trời đất xám mù làm người ta vừa đau đớn vừa uất ức như chính người thân của mình vừa bị thần lũ cuốn trôi. Đau vì thân phận con người như nhau sao lại có kẻ bất hạnh đến như thế, uất ức vì bản thân không thể cứu giúp nạn nhân, uất ức vì thấy chính quyền không những bất lực mà còn không cần che đậy hành vi đi ngược lòng dân một cách công khai và liên tục.
Khi bão lũ nổi lên không ai nghe thấy một chính sách kịp thời đưa ra chống lụt hay ít nhất cũng hạn chế mất mát người và của cho nhân dân. Chính quyền các cấp mãi bận rộn với những đại hội từ địa phương tới trung ương với hàng ngàn tỷ rút từ ngân sách để phung phí và khoe mẽ.
Nếu số tiền hàng ngàn tỷ ấy bỏ vào mua sắm thuyền cứu hộ hay máy bay trực thăng cho những trường hợp cấp cứu thì số người chết đã giảm được phần nào. Hình thức đi chăng nữa cũng làm mát lòng dân đang trong thời kỳ khó khăn sau cơn dịch Covid. Không, người ta thà chịu bị chửi rủa vì phung phí chứ không chấp nhận bỏ tiền ra làm những chuyện không lợi lộc gì cho Đảng.
Trong khi người đàn ông bất hạnh quỳ gối giữa trời cầu xin cho người vợ thì trong căn nhà sang trọng, rộng lớn và đầy tiếng vỗ tay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như đinh đóng cột : "trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, lực lượng Công an nhân dân cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với Công an nhân dân ; mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sỹ Công an phải thấm nhuần sâu sắc nhận thức còn Đảng là còn mình ; tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân".
Rõ ràng thân là Thủ tướng nhưng ông Phúc không một chút gì lo đến số phận của nhân dân. Đáng lẽ kêu gọi công an cần giúp đỡ cho người dân một cách thiết thực thì lại bảo công an bảo vệ cho Đảng của mình. Bảo vệ bằng tất cả mọi nguồn lực kể cả sinh mạng vì còn Đảng thì mới còn công an. Câu khẩu hiệu tưởng chỉ có người cuồng đảng mới có thể chấp nhận dè đâu ông Phúc lại là kẻ cuồng đảng còn hơn ông Trọng, vốn được xem là cái đầu của Đảng.
Nhân dân đã chán ngấy cái trò đại hội nên chỉ biết lắc đầu khinh bỉ. Nhưng khinh bỉ cách mấy khi nhìn lại chính bản thân mình thì họ cũng nhận ra hai từ nhân dân vốn quen được nhà nước cho đi máy bay giấy hơn 70 năm qua vẫn còn giá trị lợi dụng. Nhà nước cho phép Ủy ban các cấp được tùy nghi sử dụng công quỹ để làm bất cứ điều gì tôn vinh Đảng mà không lo bị kiểm điểm hay mất ghế. Tượng đài chưa đủ, họ nảy sinh ra biết bao là sáng kiến nhằm ăn chận của nhân dân từ đồng bạc lẻ đề mua sắm, trao tặng cho nhau những phần quà làm dáng làm sang cho Đảng. Chính quyền không những không sợ dân bức xúc mà còn công khai với báo chí những việc làm sai trái của họ. Và nhân dân một lần nữa "tự dưng biến mất" dưới cái nhìn của chính quyền các cấp.
Nếu ông Phúc cho rằng công an phải còn đảng còn mình vậy thì nhân dân sẽ phản ứng gì khi nghe cái câu khẩu quyết đầy miệt thị người dân ấy ? Chắc chắn họ sẽ không chịu ngồi yên chịu thua cái Đàng của các ông mà họ sẽ làm cho nó biến mất bởi vì khi không còn đảng thì mới còn người dân, không phải người dân cam chịu của chế độ cộng sản mà người dân của sung túc, ấm no khi không còn Đảng nữa.
Và lúc ấy mặc dù vẫn còn bão lụt hàng năm nhưng họ sẽ cùng nắm tay nhau chung sức bảo vệ cho đồng bào của họ. Những cảnh ngộ thương tâm sẽ dần đẩn mất đi nhường lại cho những cảnh đời tuy mất mát nhưng vẫn cảm thấy đáng sống vì sự đùm bọc của thể chế mới, một thể chế biết thế nào là sức sống từ nhân dân và thế nào là những cám dỗ đầy hào quang nhưng sẽ làm chết chế độ của đảng phái.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 12/10/2020 (canhco's blog)
Gần đây liên tiếp xuất hiện những video clips cho thấy hành xử xem thường người khác của những cán bộ công an khi mặc thường phục như việc nữ đại úy Lê Thị Hiền "đại náo" sân bay Tân Sơn Nhất đến việc Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt tát người khi bị nhắc nhở… Vì sao những cán bộ công an phải mẫu mực khi mặc sắc phục lại hành xử một cách ngang ngược, bạo lực như thế trong đời thường ?
Công an Việt Nam. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 27/2/2019. AP
Hành xử côn đồ
Mấy hôm nay báo chí chính thống cũng như mạng xã hội lan truyền video clip một người đàn ông ném đồ ăn và tát vào mặt một nhân viên tại quầy tính tiền. Nhân vật này sau đó bị truyền thông phanh phui nêu đích danh là Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt, mới được điều chuyển công tác từ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thái Nguyên về Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Vụ việc này khiến nhiều người nhớ lại trường hợp tương tự cách đây cũng không bao lâu.
Hồi tháng 8 vừa qua, Đại úy công an Lê Thị Hiền đồng thời là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Những hành xử như thế dưới cái nhìn của Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà là cách hành xử côn đồ. Blogger này nhận định ngày càng nhiều người Việt hành xử mang tính côn đồ như vậy chứ không riêng ngành công an. Bà nhấn mạnh :
"Ngành công an thì côn đồ hung hăng hơn bởi họ có quyền lực, ỷ vào quyền lực. Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân - là những người yếu thế - được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm".
Một số người dân mà RFA tiếp xúc đều cho rằng thói hành xử côn đồ "có sẵn trong máu" của công an Việt Nam tương tự như nhận xét của Luật sư Nguyễn Duy Bình rằng do bản tính, môi trường, tư duy nhận thức đã tạo nên những hành vi đó. Nếu họ sinh ra, lớn lên được học tập, rèn luyện trong một môi trường tốt hơn thì họ sẽ không có cách hành xử như vậy. Cách cư xử như vậy không thể làm gương cho xã hội, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền và chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, gây mất uy tín của nghành công an, nơi được xem là một trong những cơ quan thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật.
Cũng với cái nhìn của một người trong ngành tư pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài Gòn cho rằng người công an hành xử như vậy, thứ nhất là do họ coi thường, không tôn trọng người dân. Thứ hai là họ không có sự rèn luyện quy cách ứng xử để giữ gìn phẩm chất của mình. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những người này sẽ bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.
Điều 11 Thông tư 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an quy định chiến sĩ công an nhân dân phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện ; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng ; Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Qua cách cư xử nơi công cộng của Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Xô Việt, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định :
"Đối với ngành công an thì họ có quy tắc ứng xử đối với người dân. Tôi cho rằng những hành vi như thế của cán bộ chiến sĩ công an khi xử lý sẽ nặng hơn đối với một công dân bình thường. Anh là người hiểu biết pháp luật mà có những hành vi không tôn trọng người khác, ý thức kém".
Do thể chế ?
Trong một lần trò chuyện với RFA về cách hành xử của công an với dân một cách côn đồ cũng như bắt tay với côn đồ để đàn áp dân, ông Đinh Quang Tuyến, một nhà đấu tranh trong nước nhận định tất cả là do thể chế :
"cộng sản muốn cai trị đất nước và dân tộc Việt Nam với luật pháp và hiến pháp bất công do họ tạo ra. cộng sản Việt Nam không biết điều hành dẫn đến một đất nước không phải pháp quyền cũng chẳng phải pháp trị mà là vô pháp".
Với sự việc Thương úy công an Nguyễn Xô Việt được cho là người đã ném xúc xích, tát nhân viên quầy thu ngân tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên qua clip đã gây xôn xao trên mạng xã hội từ ngày 10 tháng 11, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin trên báo chí trong nước rằng sự việc xảy ra ngoài giờ, vào ngày nghỉ chứ không phải lúc đang làm nhiệm vụ.
Ông Trần Trọng Nhân, một người dân Sài Gòn cho rằng với kinh nghiệm bản thân, ông thấy hầu hết công an có cách làm việc hết sức thiếu tôn trọng người dân và bạo lực ngay trong lời nói đầu tiên. Theo ông thì việc công an cư xử như vậy xuất phát từ thể chế. Ông phân tích :
"Công an Việt Nam thấm nhuần cách mà họ được đào tạo cai trị người dân bằng bạo lực chứ không bằng lẽ công chính, bằng luật pháp, cho nên trong bất cứ trường hợp nào, dù người dân phạm tội hay không thì họ cũng hành xử một cách côn đồ, bạo lực để thị uy và trấn áp người dân ngay từ ban đầu. Chính vì vậy mà khi ra đời sống, cách hành xử nó bộc phát ra".
Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam từng nói với RFA rằng những người làm công chức nói chung và ngành công an nói riêng vẫn còn nặng thói cửa quyền. Họ quen ở trong tư thế người ban phát dịch vụ và người khác phải nhận dịch vụ của mình. Họ luôn luôn ở tư thế của những người quen được người khác "cung phụng, nịnh hót", không bao giờ dám làm phật ý. Chỉ cần một hành động có vẻ ngược lại là họ hành xử như một kẻ côn đồ.
Theo quy định về quy tắc ứng xử của công an nhân dân, công an phải nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh Công an nhân dân.
Trong thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay, đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nên công an, an ninh chính là công cụ trấn áp của đảng chứ không phải để bảo vệ dân. Ông Trần Trọng Nhân nhận xét :
"Người dân bây giờ họ không coi trọng và không tin vào lực lượng công an khi họ cần sự bảo vệ. Họ chỉ có sợ hãi hoặc khinh miệt mà thôi".
Chiều 11 tháng 11, Đại tá Đặng Đức Đang - phó giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên - cho báo chí trong nước biết đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác thời hạn 1 tháng đối với thượng úy Nguyễn Xô Việt.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là hành động côn đồ, không thể chấp nhận được, cần phải có hình thức xử lý thật nghiêm.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 12/11/2019
Câu chuyện nữ đại úy công an Lê Thị Hiền hành hung, chửi bới nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất vài tuần trước tưởng đã nguội bớt đi vì những tin tức thời sự chồng chất, nào ngờ lại một lần nữa gây xôn xao dư luận.
Nữ đại úy công an Lê Thị Hiền "đại náo" sân bay Tân Sơn Nhất.
Chứng cứ, thái độ lỗ mãng của người nữ đại úy này như thế nào thế nào thì những thước phim mộc được quay tại chỗ và đưa lên mạng đã thể hiện rõ ràng với bất cứ ai xem qua. Nhưng nay bà bỗng tố ngược là phim đã bị "chỉnh sửa, photoshop ", phim thiếu cảnh bà "bị sỉ nhục, hành hung trước" nên mới nổi cơn thịnh nộ và người nữ nhân viên bị bà chửi mắng, ôm mặt khóc là "diễn sâu" đóng kịch. Cũng như cả hai mẹ con đã bị "giam lỏng" như thế nào.
Tất nhiên những điều này chỉ làm công luận nếu không cười nụ thì cũng khiến họ giận dữ công kích những lời tự bào chữa đầy vô lý và lố bịch này thêm nặng nề hơn. Nhưng khi người nhân viên hàng không đưa clip phim lên mạng đã phải tháo gỡ phim và đóng tài khoản facebook của mình, cũng như cơ quan an ninh hàng không bối rối giải thích rằng đã bị bà "hiểu lầm" và công an Quận Đống Đa đang "tiếp tục xem xét và báo cáo lên thành phố" ( ! ?), thì người ta có quyền hỏi rằng, "thật ra người nữ công an này là ai, con cháu của "thần mặt trời" nào ?" mới có thể tiếp tục ngang ngược, thách thức lại công luận khi xem mình là nạn nhân và tố ngược lại cho những người đã bị bà ta hành hung, chửi mắng và các cơ quan liên quan phải dè chừng như vậy.
Hay là dù chỉ là một đại úy công an bà vẫn là một "trời con" như vô số ông hay bà "trời con" đang có trên khắp đất nước Việt Nam hiện nay ? Dù thế nào, thì nữ đại úy này xem ra đã "có cửa" thật sự để phán "mày có biết tao là ai không ?" tại phi trường.
Một tài xế hay hành khách chạy xe biển xanh - tức xe công vụ, chạy quá tốc độ hay đang có mùi rượu nồng nặc cũng sẽ bước xuống xe buông câu "mày có biết tao là ai không ?" ngày càng phổ biến hơn.
Chỉ sau vụ Đại úy Hiền vài tuần thì mới tuần trước một người đàn ông chạy xe biển xanh tại Thanh Hóa cũng chỉ mặt, tát tai cảnh sát giao thông với thái độ "ông trời con" như vậy. Những người công an đứng đường dù có quen việc xách nhiễu, thô bạo với người dân có lẽ cũng sẽ dè chừng, né tránh với kẻ buông câu nói "mày có biết tao là ai không ?" Bởi theo tâm lý và trên thực tế, chỉ có những kẻ có quyền hay thế lực sau lưng mới có thể buông ra câu nói này. Dân thường khó lòng có thể bước xuống xe mà buông lời "mày có biết tao là ai không ?" để chơi đòn cân não, hăm dọa với cảnh sát giao thông.
Hai năm trước, cộng đồng mạng ắt không quên thước phim đã được đưa lên mạng cảnh trung tướng hồi hưu Võ Văn Liêm, từng là Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Quân Ủy Trung Ương thuộc Bộ Quốc Phòng sỉ mắng, văng tục người cảnh sát giao thông bằng thái độ "mày có biết tao là ai không ?" tại Cần Thơ. "Giám đốc mày tao còn cách chức được chứ đến mày". Lời dọa của tướng Liêm quả có thật khi Giám Đốc Công An Cần Thơ phải "trình lên Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An xin ý kiến (!?)" và tin tức sau đó lan truyền rằng viên trung úy cảnh sát dừng xe tướng Liêm bị kỷ luật vì "cư xử thiếu tế nhị, để lan truyền hình ảnh cự cãi làm xấu hình ảnh cán bộ cao cấp...".
Cái văn hóa "trời con" rằng, "mày có biết tao là ai không ?" dường như ngày càng đậm đặc tại Việt Nam, không chỉ với những người có quyền hành cùng con cái, người thân của họ như nữ đại úy Hiền hay tướng Liêm. Nó lan vào cả xã hội dân sự. Một người vợ hay bồ nhí của sếp đến công ty mà nhân viên mới "lỡ dại" không biết, không cho vào thì cũng có thể bị đối diện cái thái độ hung hăng "mày có biết tao là ai không ?" này.
Mới tháng trước, báo chí trong nước đưa tin một "đại gia" địa ốc sàm sở, quấy rối tình dục với hành khách và tiếp viên trên phi cơ của Hàng Không Việt Nam cũng đã buông lời "mày có biết tao là ai không ?" khi bị nhân viên ngăn chận. Họ đem cái vị thế hay thế lực, sự quen biết sau lưng để buông lời hăm doạ, tạo áp lực với người khác trước hành vi sai trái của mình. Chỉ dăm vụ tình cờ bị người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội cùng công luận, còn hàng trăm, hàng ngàn vụ khác đã và đang có thể đang xảy ra hàng ngày và khắp mọi nơi thì sao ? Từ những kẻ có quyền đến có tiền, họ xem mình những ông hay bà "trời con", có thể đứng trên pháp luật, thậm chí tấn công cả người thi hành công vụ. Cái văn hóa ông/bà "trời con" này cho thấy một nhóm người tự coi mình là đứng trên người khác, đứng trên pháp luật và hệ thống pháp luật đã dung dưỡng cho những người này, cho họ cái đặc quyền như vậy.
Họ không hiểu rằng, ở một xã hội dân chủ, như tại Mỹ chẳng hạn, những người liên quan đến công quyền càng phải có thái độ và hành xử thận trọng, đúng mực hơn với người dân lẫn cơ quan công lực. Các trang mạng của các tổ chức dân sự và đăng thông tin liên quan đến các ứng cử viên cùng báo chí luôn theo dõi và báo cáo các vi phạm, sai trái như bạo hành, uống rượu lái xe, các cáo buộc xách nhiễu tình dục... của những cấp dân biểu liên bang đến địa phương, từ thẩm phán đến cảnh sát trưởng, của các ứng cử viên, của những người được đề bạt vào trọng trách..., để xem họ có xứng đáng phục vụ người dân hay không. Hoặc họ có buộc phải từ chức khi vướng vào những điều như vậy.
Chuyện kể rằng, có một đêm bình thường ngoài công vụ, xe chở ngài thủ tướng Winston Churchill của Anh bị chận lại. Một cận vệ xuống xe và giải thích rằng trong xe đang chở ngài thủ tướng nhưng viên cảnh sát vẫn khăng khăng ghi phạt người tài xế phạm lỗi giao thông. Nghe được câu chuyện, Churchill viết thư cho cảnh sát trưởng London đề nghị khen ngợi viên cảnh sát. Vị cảnh sát trưởng viết thư phúc đáp rằng, "chúng tôi không khen thưởng những người đang thực hiện đúng trách nhiệm của mình". Chỉ khi nào, từ những người đứng đầu quốc gia xuống đến nhân viên công lực bình thường, có cùng thái độ thượng tôn pháp luật và quân pháp nghiêm minh như câu chuyện trên thì cái văn hóa "trời con" và "mày có biết tao là ai không" kia mới chấm dứt. Nhưng xem ra đây là điều không tưởng tại xã hội Việt Nam hiện nay.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 31/08/2019
Hai cựu thứ trưởng công an nói ‘không thao túng đất vàng’ (BBC, 28/01/2019)
Hai cựu thứ trưởng công an Việt Nam khai không được báo cáo việc ông Vũ "nhôm" bán "bất động sản nghiệp vụ" làm của riêng.
Phiên xử theo dự kiến sẽ diễn ra từ hôm 28/1 tới hôm 30/1.
Các cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành, 60 tuổi, và Trần Việt Tân, 65 tuổi, bị buộc hai tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' và 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'.
Phiên xử theo dự kiến sẽ diễn ra từ hôm 28/1 tới hôm 30/1.
Bộ Công an Việt Nam ngày 14/12/2018 thông báo khởi tố bị can với ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Đây là một phần trong cuộc điều tra mở rộng vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do Phan Văn Anh Vũ, còn biết tới với tên gọi Vũ 'nhôm' và đồng phạm thực hiện.
Cùng ra tòa trong phiên xử này là cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn và cựu Phó cục trưởng B61 - Tổng cục Tình báo Nguyễn Hữu Bách.
Các bị cáo bị thẩm vấn về vai trò của họ trong việc ký các văn bản, đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho hai công ty bình phong của ông Vũ được nhận quyền sử dụng 7 khu đất có tổng diện tích 6.700m2 nhà và 26.800m2 đất ở các vị trí đắc địa, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng không qua đấu giá.
Hồi tháng 12/2018, cựu thượng tá an ninh Việt Nam Phan Văn Anh Vũ bị tòa tuyên phạt thêm 17 năm tù về tội 'lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản' cộng với bản án 9 năm tù tuyên trước đó.
Truyền thông trong nước cho hay tại tòa hôm 28/01 cựu Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành thừa nhận tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân cho biết ông nhận trách nhiệm người đứng đầu phụ trách về mặt hành chính nhưng không phải tư cách người đứng đầu về trách nhiệm hình sự.
Trong phần thẩm vấn diễn ra sáng 28/1, ông Phan Văn Anh Vũ khẳng định ông ta cho thuê, chuyển nhượng các lô "đất vàng" ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để "phát triển tiềm lực kinh tế tình báo".
Trong khi đó hai cựu thứ trưởng công an Thành và Tân khai rằng họ không biết việc ông Vũ chuyển nhượng, sử dụng trái mục đích các lô đất cho đến khi vụ án được khởi tố.
Hồi tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản ra thông báo về vi phạm của ông Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Công an, trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, đã để xảy ra nhiều vi phạm gồm việc ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật.
Còn ông Trần Việt Tân bị cho là thiếu trách nhiệm, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản vào ngày 28/7/2018 quyết định cách hết chức vụ trong Đảng với ông Bùi Văn Thành, và cách chức Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Việt Tân.
Các vụ án lớn trong chiến dịch 'Đốt lò' của Chủ tịch, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Việc đưa ra xét xử các vụ đại án trong những năm gần đây được xem là nỗ lực làm trong sạch bộ máy chính quyền của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng hồi cuối năm ngoái nói 'Trung ương không bao giờ nhụt chí' trong nỗ lực phòng chống tham nhũng.
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội vào hôm 24/11/2018, ông nói : "Tôi đã nói ai nhụt chí thì đứng sang một bên,....Trung ương không bao giờ nhụt chí, lòng dân đang lên như thế, ngay cả quốc tế cũng phải thừa nhận và đánh giá cao".
*******************
Hà Nội không còn giấu giếm ‘Vũ nhôm’ là tình báo viên công an (Người Việt, 28/01/2019)
Báo chí Việt Nam hôm Thứ Hai không còn giấu giếm khi nói Phan Văn Anh Vũ là tình báo viên Công an cộng sản Việt Nam bị lôi ra tòa cùng mấy ông tướng vì "lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng".
Từ phải qua trái : Tướng Bùi Văn Thành, Phan Văn Anh Vũ, tướng Trần Việt Tân. (Hình : Vietnamnet)
Phiên tòa ngày 28/1/2019 tại Hà Nội, dự trù kéo dài 3 ngày, xử tội 3 tướng và một đại tá Công an cộng sản Việt Nam gồm trung tướng Bùi Văn Thành, trung tướng Phan Hữu Tuấn, thượng tướng Trần Việt Tân và đại tá Phan Hữu Bách đã phù phép qua các văn bản chính thức, lừa cả cấp trên, để ép dân các thành phố Sài Gòn và Đà Nẵng bán rẻ 7 khu nhà đất "vàng" cho hai công ty của Phan Văn Anh Vũ.
Các ông tướng công an bị quy cho tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với bản án có thể đến 12 năm tù. Ông Bùi Văn Thành, ông Trần Việt Tân đã leo lên tới ghế thứ trưởng. Tại phiên xử, cả hai ông đều chối tội.
Ông Bùi Văn Thành thì kêu "trên cương vị thứ trưởng, tôi chỉ đạo cả một bộ máy, rất nhiều công việc, không thể biết đằng sau đó là như thế nào. Bị cáo không biết, không có công ty nào trực tiếp báo cáo với bị cáo". Còn ông Trần Việt Tân thì "nói chính xác tôi không ký hay ký nháy văn bản nào xin được thuê, mua. Theo kết luận điều tra, tôi ký 6 văn bản liên quan đến việc thúc đẩy thủ tục hành chính đối với 6 dự án".
Khi bị hỏi trong phiên xử, liên quan đến bất động sản ở đường Pasteur Sài Gòn, Vũ Nhôm đổ cho nhà cầm quyền thành phố "không cho làm" theo ý mình nên phải bán. Trong vụ này, Vũ Nhôm còn đổ vạ cho tổng giám đốc là Bùi Cao Nhật Quân, con trai của tỉ phú đỏ Bùi Thành Nhơn.
Phan Văn Anh Vũ, thường được gọi là "Vũ Nhôm" cầm đầu công ty Xây dựng Bắc Nam 79, và công ty Nova Bắc Nam 79, hai công ty bình phong của Bộ Công an cộng sản Việt Nam, sau khi mua rẻ dưới giá thị trường, không giữ lại "làm công tác nghiệp vụ cho ngành" mà lại sang tên bán lại cho người khác để kiếm chác. Không thấy nói gì đến các số tiền "lại quả" mà các ông tướng được hưởng.
Qua các bản tin ngày Thứ Hai trên nhiều báo chính thống tại Việt Nam, đây là lần thứ ba Vũ "Nhôm" bị lôi ra tòa và lần thứ hai bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại Hà Nội. Năm 2018, Vũ "Nhôm" bị kết án 8 năm tù vì "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước". Cũng trong vụ án này, tướng Phan Hữu Tuấn bị 7 năm tù, đại tá Nguyễn Hữu Bách bị 6 năm tù về cùng tội danh.
Cuối năm 2018, trong vụ án liên quan đến mua cổ phần tại Ngân hàng Đông Á, Vũ "Nhôm" đã bị 17 năm tù với cáo buộc "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Theo VnExpress, trong vụ án bị đưa ra xét xử hôm Thứ Hai 28/1/2019, cáo trạng xác định Vũ "Nhôm" "được tuyển dụng vào ngành công an làm nhân viên tình báo" và "mọi hoạt động nghiệp vụ của anh ta chỉ có ông Trần Việt Tân, Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn biết và trực tiếp chỉ đạo".
Như vậy, "thẻ ngành" cấp tá của Phan Văn Anh Vũ do ông Trần Việt Tân ký, các văn bản đóng dấu "TUYỆT MẬT’ của Tổng cục Tình báo công an cộng sản Việt Nam bị rò rỉ trên mạng ép nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng và Sài Gòn bán rẻ bất động sản "đất vàng" cho Vũ Nhôm đều là "hàng thật".
Suốt nhiều tháng trời từ khi bắt Vũ Nhôm và khởi tố ông ta về tội "tiết lộ bí mật nhà nước" mà thiên hạ không biết tại sao một người cầm đầu một công ty tư nhân lại có thể tiết lộ bí mật nhà nước được.
Theo cáo trạng thấy thuật lại trên tờ Tuổi Trẻ, Vũ "nhôm" đã "lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông ở các vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và Sài Gòn".
Tuy nhiên, "việc cho thuê và chuyển quyền sử dụng những tài sản này thực hiện trái quy định pháp luật như không qua đấu giá, xin giảm giá và nhiều ưu đãi khác nhằm thu lợi cá nhân. Hành vi phạm tội của Vũ "nhôm" có sự giúp sức tích cực của hai cán bộ công an Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách.
Từ năm 2009-2016, trên cơ sở đề xuất của Vũ "nhôm", ông Bách đã tham mưu để ông Tuấn duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi các địa phương đề nghị tạo điều kiện cho hai công ty bình phong được nhận quyền sử dụng đất không thông qua đấu giá, xin giảm giá".
Cáo trạng liệt kê ra "có tất cả bảy địa chỉ nhà, đất công sản, dự án bất động sản nằm những vị trí đắc địa của Đà Nẵng và Sài Gòn đã rơi vào tay Vũ ‘nhôm’ bằng cách này. Cơ quan tố tụng cũng xác định để bảy khu đất ‘vàng’ rơi vào tay Vũ ‘nhôm’ còn có trách nhiệm rất lớn của các bị cáo Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân"., Tờ Tuổi Trẻ thuật lại.
Đi vào chi tiết, cáo trạng nói "từ năm 2014-2018, ông Thành được giao nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Hậu cần và có trách nhiệm trực tiếp quản lý nhà, đất công sản. Ngày 28/05/2015, ông Thành đã ký tờ trình đề nghị Thủ tướng cho bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 129 Pasteur cho công ty bình phong của đơn vị này để hoạt động nghiệp vụ. Ông Thành ký tiếp công văn đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường Sài Gòn trình UBND Thành phố phê duyệt bán khu đất này với giá 301 tỉ đồng không đúng chức năng và thẩm quyền. Sau đó Vũ "nhôm" chuyển nhượng cho tư nhân bên ngoài, ông Thành cũng không báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn. Hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước gần 223 tỉ đồng".
Cựu thứ trưởng công an Bùi Văn Thành nói về sai phạm của Vũ ‘nhôm’
(Zing.vn)
Trong khi đó, từ năm 2009-2016, "ông Trần Việt Tân là tổng cục trưởng Tổng cục V, sau đó là thứ trưởng phụ trách trực tiếp đơn vị này. Ông Tân đã ký 7 văn bản gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị cho Vũ ‘nhôm’ được thuê các khu đất 15 Thi Sách, số 8 Nguyễn Trung Trực (Sài Gòn) và số 16 Bạch Đằng (Thành phố Đà Nẵng). Tuy nhiên ông Tân đã không kiểm tra, giám sát chặt chẽ để Vũ được thuê các khu đất này theo hình thức chỉ định không qua đấu giá, gây thiệt hại hơn 155 tỉ đồng. Hành vi của các bị can trong vụ án này gây thiệt hại cho Nhà nước 1.159 tỉ đồng".
Với cáo buộc "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong phiên tòa này, Vũ "nhôm" có thể bị kêu án thêm 10 hay 15 năm tù nữa.
Tư Ngộ