Vào dịp 30 tháng Tư, tôi muốn hỏi tại sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ ? Tại sao tiến trình dân chủ hóa vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không phải thụt lùi, trong những năm vừa qua ?
Vào dịp 30 tháng Tư, tôi muốn hỏi tại sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ ?
Tiến trình dân chủ hóa của bất cứ một quốc gia nào, kể cả Việt Nam, nhất là trong thời đại toàn cầu hiện nay, đều chịu ảnh hưởng chung của nền chính trị quốc tế, quốc nội và các phong trào vận động dân chủ trong và ngoài quốc gia đó.
Trên bình diện quốc tế, trào lưu dân chủ khắp nơi đều gặp khó khăn, và suy thoái. Tạp chí Foreign Affairs số mới nhất tháng Năm/Sáu "Dân chủ đang dẫy chết ? - Bản tổng kết toàn cầu", có những nhận định sâu sắc về chủ đề này [1]. Tập trung quyền lực vào chính quyền (ngành hành pháp), chính trị hóa ngành tư pháp hay các định chế vốn hoạt động độc lập, tấn công vào sự độc lập của truyền thông, lợi dụng công quyền để gia tăng tư quyền/lợi v.v… là những dấu hiệu thoái trào của dân chủ.
Từ Hungary, Ba Lan thuộc Đông Âu cho đến Ý, Anh thuộc Tây Âu, và cả Hoa Kỳ, chủ nghĩa dân tuý và các xu hướng chuyên quyền đang vươn mình trổi dậy giành ảnh hưởng khắp nơi. Ngay cả Đan Mạch, Hòa Lan và Thuỵ Sĩ… cũng không nằm ngoài ảnh hưởng chung trên. Trong khi đó, các chế độ chuyên quyền như Nga, Trung Quốc không những ngày càng hung bạo đối với người dân của mình mà còn trở nên hung hãn, gây hấn qua sự can thiệp vào nội tình chính trị của Hoa Kỳ hay các quốc gia khác, hoặc qua các biện pháp có vẻ như mềm mỏng hơn, như văn hóa, chẳng hạn, điển hình là Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Học giả Ronald Inglehart, trong bài "Thời đại bất an" (The Age of Insecurity) trong tạp chí trên, có đưa ra một nhận định đáng suy ngẫm. Inglehart cho rằng những người nghiên cứu dân chủ thường bất đồng nhau, nhưng điều họ gần như hoàn toàn đồng ý với nhau, là rằng "sự bất bình đẳng cực độ không thích ứng với dân chủ" (extreme inequality is incompatible with democracy). Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ hiện nay, thiểu số mười phần trăm dân số lại có thu nhập gần nửa tổng thu nhập của toàn quốc gia. Còn đối với tất cả ngoại trừ một nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), sự bất bình đẳng về thu nhập đã gia tăng từ năm 1980 đến năm 2009. Do đó mà xu hướng chuyên quyền đã tranh giành được nhiều ảnh hưởng tại các quốc gia này trong thời gian qua.
Ngoài ra, suy thoái dân chủ cũng do một số nguyên nhân khác. Một, suy thoái kinh tế hay tăng trưởng chậm chạp trong các nền dân chủ dễ làm cho người ta cảm tưởng và kết luận rằng dân chủ chưa chắc đã là giải đáp tốt hơn độc tài. Hai, khoa học kỹ thuật tiên tiến như tự động và trí tuệ nhân tạo dẫn đến mất việc làm của công nhân, cái mà một thời cuộc cách mạng kỹ nghệ đã mang lại, và tiến trình này ngày càng gia tăng chứ không gia giảm. Ba, mạng truyền thông xã hội, như facebook, chẳng hạn, bị các thế lực chuyên quyền và các công ty vì quyền lợi đã khai thác để tuyên tuyền và thổi phồng các tin giả/nhảm (fake news), gia tăng sự tràn lan thông tin nhiễu. Bốn, những người sống và hít thở dân chủ từ lúc lọt lòng chưa chắc đã hiểu được cái giá phải trả để có được dân chủ nếu không chịu tìm hiểu tiến trình lịch sử của nó, mà chỉ coi như được cấp sẵn (take it for granted) ; trong khi những người chưa hề sống trong dân chủ sẽ không nhận ra được các giá trị đích thực nó mang lại ; cho nên dân chủ chưa chắc đã là giá trị hàng đầu để người ta bảo toàn hay đấu tranh để có.
Trên hết, theo tôi, là vì tính cả tin của con người nói chung. Vì dễ tin quá vào một cái gì đó, có thể do văn hóa, tôn giáo, gia đình hay ảnh hưởng của môi trường chung quanh, lại không có thói quen kiểm chứng, không có thời gian hay kiến thức để đối chiếu, không sở hữu suy nghĩ phê phán để truy tìm căn cốt của vấn đề, nên không quen tự suy nghĩ cho mình và không phân biệt được hư thực ra sao. Đây là điểm chung của đa số người dân thuộc mọi quốc gia. Họ đều có điểm yếu, đều dễ bị tổn thương, và các chế độ chuyên quyền đều biết khai thác điểm yếu này cho mục tiêu chính trị của họ. Tất nhiên tỷ lệ của mỗi quốc gia mỗi khác. Ở các nước có nền dân chủ lâu đời, có truyền thông độc lập và đa dạng, có nền tư pháp hoàn toàn độc lập và chuyên nghiệp, thì chất lượng của nền dân chủ cao vì người dân nói chung có sự hiểu biết và suy nghĩ thấu đáo. Tính cách suy nghĩ phê phán/triệt để (critical thinking) chính là nền tảng của các xã hội văn minh.
Tóm lại, yếu tố khác biệt lớn nhất giữa một thể chế dân chủ và độc tài ngày nay không còn là kinh tế/phát triển như suy nghĩ trước đây mà có lẽ nằm ngay ở chất lượng suy nghĩ phê phán của tỷ lệ công dân trong xã hội đó. Trong khi suy nghĩ phê phán được phát huy tối đa, bằng các phương thức chính thức của chính quyền/nhà nước qua giáo dục, chẳng hạn, hay qua không gian của thương mại và của xã hội dân sự trong thể chế dân chủ, thì ngược lại, trong chế độ độc tài, suy nghĩ phê phán bị hạn chế tối đa hoặc không hề hiện hữu trong diễn ngôn/truyền thông chính mạch của xã hội, nhất là chính trị.
Ngoài các yếu tố nói trên, dân chủ bị suy thoái khắp nơi vì nó có lắm kẻ thù, ở trong và ngoài quốc gia đó. Kẻ thù hàng đầu của dân chủ là tư duy chuyên quyền, độc đoán (lại có đủ khả năng, phương tiện và lý do để tấn công, gây hấn cho nền dân chủ) ; là văn hóa chính trị chuyên sử dụng bạo lực như là cứu cánh ; là làm luật và dùng luật để kìm hãm và chế tài phía đối lập và người dân chứ không phải để pháp trị ; là sự bất tài và bất lực để kinh tế và chính trị suy thoái làm mất niềm tin của dân chúng, vân vân…
Trên đây là một số yếu tố quốc tế ảnh hưởng đến trào lưu dân chủ toàn cầu hiện nay, kể cả các nền dân chủ lâu đời và ổn vững như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và nhiều quốc gia Tây Âu và Đông Âu. Xu hướng dân chủ tại Việt Nam, do đó, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực của tốc độ và mức độ suy thoái này.
Tuy nhiên ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất đối với xu hướng dân chủ tại Việt Nam vẫn do nền chính trị quốc nội. Nhà nước độc Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam, vẫn chủ trương cai trị một cách toàn diện và tuyệt đối, và không hề có ý định chia sẻ quyền lực với bất cứ xu hướng chính trị nào khác.
Từ khi Nguyễn Phú Trọng lên nắm vai trò Tổng bí thư, các biện pháp thẳng tay đàn áp các nhà dân chủ hay thanh trừng các xu hướng khác biệt trong Đảng đã gia tăng đáng kể. Sử dụng chiêu bài Điều 79 hay 88 của Bộ Luật Hình Sự, hay luật về an ninh quốc gia như âm mưu lật đổ chế độ, vân vân…, để bỏ tù 21 người trong năm 2017, theo tổ chức Human Rights Watch [2]. Theo tổ chức Amnesty International thì Việt Nam hiện có khoảng 97 tù nhân lương tâm (được định nghĩa như là những người không sử dụng hay cổ võ bạo động nhưng bị tù đầy vì họ là ai và họ tin tưởng gì, chẳng hạn như tôn giáo, chính trị hay các vấn đề lương tri khác).
Nguyễn Phú Trọng cũng sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để loại trừ các phe cánh khác, răn đe các mầm móng chống đối khác trong Đảng. Những chiêu bài của Đảng cộng sản Việt Nam gần như lập khuôn chiêu bài của Tập Cận Bình của Trung Quốc từ năm 2012 đến nay. Thật ra nếu quan sát kỹ thì chúng ta có thể thấy rằng từ thời Mao Trạch Đông đến nay, các chính sách lớn, có sức tàn phá khủng khiếp (như Cải Cách Ruộng Đất, Bước Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa), cho đến chính sách sửa chữa như kinh tế thị trường (theo định hướng xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa) của Đặng Tiểu Bình và các chính sách kinh tế, chính trị và văn hóa về sau, Đảng cộng sản Việt Nam nghiên cứu học hỏi và áp dụng một cách tận tình nhưng thận trọng cho Việt Nam. Cho nên tìm hiểu kỹ lưỡng các chính sách của Trung Quốc hiện nay cũng là cách nghiên cứu các nước cờ và bước đi có thể có của Đảng cộng sản Việt Nam vậy.
Còn các phong trào vận động dân chủ trong và ngoài Việt Nam thì sao ?
Ba năm về trước, trong bài "Dân chủ ? Vẫn là mơ thôi" [3], giáo sư Cao Huy Thuần đã công nhận rằng xu hướng dân chủ trên toàn cầu đã trì trệ, khủng hoảng, và ông không khỏi bi quan cho triển vọng dân chủ trong tương lai. Bàn về Việt Nam, ông nhận định 40 năm rồi mà vẫn chưa đi được bước nào trên con đường dân chủ. Suy nghĩ về một giải pháp cho Việt Nam, ông đắc ý với quan niệm "bình thường" và "đồng thuận" của một trí thức uy tín của Singapore, ông Kishore Mahbubani, mà ông cho rằng có khả năng khai sáng con đường dân chủ hóa Việt Nam. Ông biện luận rằng xây dựng một văn hóa chính trị mới, lấy dung hòa làm căn bản thay cho mệnh lệnh, trong đó phát huy quyền tự do ngôn luận, là bước đầu tiên để làm nền tảng.
Ba năm sau bài viết của giáo sư Cao Huy Thuần, tưởng phong trào dân chủ Việt Nam tiến một chút, dù chưa là một bước, về phía trước, thế nhưng tình trạng không mấy sáng sủa chút nào qua bao cuộc bắt bớ tù đầy trong hai năm qua, mà đã nói trên. Trong bài "Cứu nguy phong trào dân chủ Việt Nam" vào tháng hai năm nay, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng ông và các bạn trong và ngoài nước nhận định phong trào dân chủ "đang ở trong tình trạng rất bi đát và cần được cứu nguy" vì một phần bị đàn áp một cách hung bạo, một phần vì "chia rẽ nội bộ ngay cả khi chưa bị đe dọa" [4]. Ông Kiểng trình bày một số trường hợp tiêu biểu qua đó cho thấy suy nghĩ chung của một số người, cho dù đầy thiện chí và lý tưởng cho mục tiêu chung, nhưng dễ dàng trở thành hằn học với người bất đồng quan điểm với mình ; hoặc có những nhận định ngây thơ, thiếu hiểu biết căn bản về chính trị. Ông biện luận những thí dụ trên góp phần giải thích vì sao phong trào dân chủ bế tắc ngay cả nếu không bị đàn áp. Ba tuần sau đó, ông Việt Hoàng, qua bài "Tập Hợp đang làm gì và ở đâu trong phong trào dân chủ Việt Nam", đã chia sẻ những khó khăn chung trong bước đường đấu tranh trong thời gian qua, và những nguyên do chưa xây dựng được một chính đảng dân chủ có tầm vóc [5].
Tóm lại ông Kiểng, ông Hoàng hay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói chung quan niệm rằng không có nền tảng tư tưởng/triết lý lớn để vạch ra nguyên một lộ trình xây dựng dân chủ thành một dự án chính trị, không kết hợp được những người yêu chuộng dân chủ trong và ngoài Việt Nam thành một mối có tổ chức hẳn hoi, và không có lãnh đạo, thì mọi cuộc xuống đường rầm rộ bao nhiêu đi nữa, và các thách thức lẻ tẻ đối với chế độ hiện nay, sẽ không đi đến đâu cả.
Ngay cả khi chế độ độc tài, vì lý do nào đó mà sụp đổ, thì nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì tất nhiên sẽ không có gì bảo đảm là dân chủ sẽ đến.
Nhưng vấn đề chính hiện nay, theo tôi, là sự nhập nhằng hay, nói đúng hơn, là không ý thức phân biệt rõ ràng giữa mục tiêu chống cộng và mục tiêu xây dựng/vận động dân chủ.
Thoạt nhìn tưởng hai là một, nhưng không phải, nên mới có vấn đề lớn.
Rõ ràng chống cộng và vận động dân chủ đều có mục tiêu giống nhau : chống độc đoán chuyên quyền cộng sản. Nhưng có lắm điều khác nhau.
Phe chống cộng chống mọi thứ thuộc về chế độ hiện nay, từ lá cờ, chủ nghĩa, cho đến tất cả những gì trực tiếp thuộc về nó. Như các nhân vật lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, hay các ban, ngành, cơ quan chính phủ, nhà nước v.v… Đảng cộng sản Việt Nam, như đã nói trên, lãnh đạo trực tiếp và toàn diện, cho nên hầu như không có cái gì mà không thuộc về nó trong xã hội Việt Nam, kể cả các tổ chức xã hội, kinh tế, văn hóa hay tôn giáo. Không những thế, một cách rất thâm độc, Đảng cộng sản Việt Nam ban hành nghị quyết 36, và sử dụng dư luận viên phản công lại những ảnh hưởng có thể có của Internet và truyền thông xã hội. Xu hướng chống cộng, vì thế, nhìn đâu cũng thấy bóng dáng cộng sản, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, thấy nghị quyết 36 đàng sau, kể cả sinh viên du học tự túc qua đây. Xu hướng chống cộng cũng chống nhau tơi tả, và chống luôn cả xu hướng dân chủ. Tóm lại, cái gì cũng chống, nhưng không có đủ lực. Và chống, theo các hình thức trước đây, chỉ có thể xảy ra ở hải ngoại, chứ không thể trong nước được. Cách chống như thế trong mấy chục năm qua ngày càng thưa thớt và mất hiệu quả.
Phe vận động dân chủ thì cũng tứ bề thọ địch. Lực của họ quá mỏng và họ quá cô đơn. Chung quanh họ là tư duy và cung cách hành xử, nếu không là kẻ thù, thì cũng là sự cản trở lớn cho tiến trình dân chủ : lười biếng và vô kỹ luật. Đấu tranh vô tổ chức và chỉ muốn thấy kết quả liền là các thái độ này.
Lười biếng suy nghĩ, nên không chịu tìm hiểu vấn đề rốt ráo, cộng với bao nhiêu thành kiến hay định kiến sẵn có, lại thiếu tinh thần bao dung khách quan và khoa học, trong khi đó không chịu mở lòng lắng nghe quan điểm khác biệt để tìm hiểu xem người khác nói có gì đúng và đáng để học hỏi không, cho nên lắm khi đi cãi nhau những chuyện nhỏ nhặt, lặt vặt chứ không hề biết văn hóa tranh luận là gì, do đó gây thù oán vì những lý do con kiến biến thành con voi. Nói chung, có tư duy "làm lớn chuyện", không phải "làm chuyện lớn".
Nên nhớ, dân chủ phải đi đôi với pháp trị. Không có nền dân chủ đích thực nào mà không phải là pháp trị cả, để kiểm soát và cân bằng quyền lực. Các chế độ độc tài cũng có hiến pháp và pháp luật, nhưng họ ngồi chễm chệ trên nó, coi nó thêm một phương tiện để áp chế. Trong nền dân chủ, ngay cả tổng thống hay thủ tướng nếu có vi phạm luật thì cũng bị phạt như thường, và không ai đứng trên hay ngoài pháp luật. Trong nền pháp trị, những người làm trong chính quyền phải đầu tiên và trên hết phải thể hiện sự hiểu biết, sự tôn trọng và sự làm gương cho các công dân khác. Luật pháp tự bản chất rất phức tạp do đó đòi hỏi tính chuyên môn rất cao. Một xã hội có nền văn hóa dân chủ cao, nền kinh tế tri thức tiên tiến, thì càng đòi hỏi tính chuyên môn trong mọi địa hạt. Hiến pháp và pháp luật chi phối mọi hoạt động của xã hội đó, nên nó phải cập nhật thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của xã hội tiên tiến đó. Cho nên không chịu tìm hiểu căn nguyên vấn đề vốn vô cùng phức tạp và đa chiều, không chịu động não suy nghĩ, mà lại suy nghĩ hời hợt hay cực đoan, thì sẽ không giúp ích gì cho sự phát huy của văn hóa dân chủ.
Người yêu chuộng dân chủ là người có khả năng thể hiện tinh thần kỹ luật cao. Họ biết nguyên tắc hành xử dân chủ và áp dụng nghiêm khắc với chính mình. Họ tôn trọng tối đa giá trị tự do, bình đẳng và công lý. Thay vì loại trừ, họ tìm cách dung hợp. Thay vì chụp mũ, vu khống, mạ lỵ, họ dùng lý luận và tinh thần khách quan khoa học để thuyết phục. Thay vì phản ứng, một cách thiếu tự tin, khi gặp phải chỉ trích hay phê bình, họ ôn tồn lý giải để trình bày quan điểm của mình, dùng nó như cơ hội để "cưỡi sóng", để thuyết phục đối thủ và những người chung quanh. Tóm lại, dân chủ là đa nguyên, lắm khi trái chiều, cho nên người có tinh thần dân chủ thật sự là người phải biết sử dụng trí tuệ và lý luận để thuyết phục người khác quan điểm, chứ không phải đổ thừa hay gán nhãn hiệu cho nó là tin tặc, là phản động, hay tội đồ dân tộc v.v…
Dân chủ, vì thế, nên xây khó mà phá dễ. Một nền dân chủ vững ổn như Hoa Kỳ thì khó thể nào phá đổ bằng một, hay nhiều, cá nhân đặc biệt như Donald Trump, chẳng hạn. Nhưng một nền dân chủ non nớt, nền móng chưa vững, thì rất dễ đổ vỡ. Dân chủ không hoàn hảo, nên nó cần luôn được cải thiện. Thể hiện tính dân chủ không hề dễ, hay tự nhiên, mà là một ý thức tự giác cao độ. Ai cũng muốn quyết định nhanh chóng, hiệu quả để công việc được chạy cho tốt, trong khi đó dân chủ có nghĩa là tham khảo ý kiến, thảo luận rốt ráo và tôn trọng khác biệt và các quyết định chung. Tuy chậm nhưng chắc. Trong chính trị, mọi chính sách hay quyết định lớn đòi hỏi sự suy nghĩ và kế hoạch rốt ráo, sự thách thức thường xuyên giữa những người cùng chung trách nhiệm, giữa các đảng phái, công chúng và truyền thông và, quan trọng không kém, là sự phê bình hay chỉ trích nặng nề của công chúng, truyền thông hay đối lập. Không có một chính sách hay một kế sách nào hoàn hảo cả, dù được thiết kế bởi những đầu óc ưu tú nhất. Không có chính sách nào thoả mãn mọi ước vọng hay nhu cầu của xã hội đa nguyên cả. Nó chỉ mang tính tương đối và lắm khi đầy rủi ro. Phê bình là sự bình thường của xã hội, và chính là sức mạnh của xã hội đó.
Xu hướng vận động dân chủ của Việt Nam, vì các lý do trình bày trên, cũng chỉ là thiểu số so với xu hướng chống cộng trong và ngoài nước. Đồng minh của họ thì ngày càng ít và yếu trong khi đối thủ của họ ngày càng nhiều và mạnh. Nhưng không có gì là bất khả cả. Một khi đã nghĩ bất khả thì chỉ có thất bại, chưa đánh mà đã thất bại, nói chi đến thành công !
Tại sao phải là dân chủ ? Bởi vì thể thế chính trị dân chủ tuy bất toàn nhưng nó đỡ tệ hại nhất trong tất cả các thể chế chính trị đã được thử nghiệm. Trong nền dân chủ, mạng sống con người được coi trọng tối đa, nhân phẩm được tôn trọng tối đa, và mọi người trong xã hội được tự do để phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Hơn tám mươi triệu người Việt trong nước nghĩ gì, muốn gì, có ai biết không ? Sức dân là sức nước mà. Họ đưa thuyền và cũng lật thuyền.
Chỉ lo người dân Việt Nam không chịu mơ những giấc mơ lớn thôi. Nếu biết mơ, nếu có niềm tin, thì sẽ có hy vọng. Bởi không có thành công (lớn) nào mà không khởi đầu bằng giấc mơ (lớn).
Úc Châu, 30/04/2018
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 02/05/2018
Tài liệu tham khảo :
1. Foreign Affairs, "Is democracy dying", a global report, May/June 2018, Volumn 97, Number 3.
2. Hunter Marston, "Vietnam’s crackdown on dissent could undermine its stability and growth ", Lowy Institute, 12/04/2018.
3. Cao Huy Thuần, "Dân chủ ? Vẫn là mơ thôi ? ", Thời Đại Mới, số 33, tháng 7 năm 2015.
4. Nguyễn Gia Kiểng, "Cứu nguy phong trào dân chủ ?", đăng trên trang mạng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, 04/02/2018.
5. Việt Hoàng, "Tập Hợp đang làm gì và ở đâu trong phong trào dân chủ Việt Nam ?", đăng trên trang mạng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, 24/02/2018.
Vẫn còn có khá nhiều người Việt, trong lẫn ngoài nước, hy vọng một phép màu từ các nước phương Tây, như Mỹ, Úc, Canada, Đức… có thể làm một điều gì đó, mang Dân chủ đến cho Việt Nam. Tuy nhiên, có những mơ ước viển vông, thì khó lòng thành hiện thực. Ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đặt ngoại giao thỏa hiệp lên trên cả Nhân quyền và những giá trị tốt đẹp của Dân chủ, để đổi lấy lợi ích thương mại.
Trông cậy vào phương Tây mang lại dân chủ cho Việt Nam là viển vông. Ước mơ đó đang tan thành mây khói, vì chính quyền phương Tây ngày nay đặt ngoại giao thỏa hiệp lên trên cả nhân quyền và những giá trị tốt đẹp của dân chủ để đổi lấy lợi ích thương mại. Có thể gọi đó là một thất bại lương tâm (moral failure)
Từ chối chỉ trích và lên án mạnh mẽ những bắt bớ và đàn áp hung bạo của nhà nước cộng sản, đối với những công dân Việt Nam ôn hòa, phần nào thể hiện sự sa sút đạo đức và lương tâm.
Người viết sẽ dẫn chứng 4 sự kiện gần đây nhất, để chứng minh sự thất bại lương tâm (moral failure) của những nhà lãnh đạo trong các tổ chức tầm cỡ, để người đọc thôi dựa vào phương Tây mang Dân chủ đến cho Việt Nam
1. Viện Di Sản (The Heritage Foundation)
31/5/2017, trong chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Viện Di Sản (Heritage Foundation) có mời ông Phúc đến đọc diễn văn vào buổi chiều cùng ngày. Viện Di Sản là một tổ chức lớn, gồm những chuyên gia cố vấn (think tank) có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hoạch định và thực thi chính sách của Hoa Kỳ. Trong buổi nói chuyện của ông Phúc tại Viện Di Sản, bà Nguyễn Thị Ngọc Giao, thành viên của Voice of Vietnamese Americans (Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt), là khách mời, nhưng đã bị đuổi ra khỏi hội trường,trước khi ông Phúc đọc diễn văn,vì sức ép của Hà Nội. Bà Giao kể lại sự việc với người viết trong nỗi thất vọng và tức giận, bởi bà đã rất ôn hòa và không hề có một hành động nguy hiểm, hoặc khiêu khích nào khiến cho nhà cầm quyền phải lo sợ. Phóng viên Hoàng Long của đài tiếng nói Hoa Kì VOA đã tường thuật lại sự việc :
"Bà Giao nói khi bà cố gắng giải thích bà có tên trên danh sách khách mời và được cấp thẻ khách mời, các nhân viên an ninh của phái đoàn Việt Nam khăng khăng đòi bà trả lại thẻ này trong khi nhân viên an ninh của Quỹ Di sản hối thúc bà chấp hành yêu cầu đó.Quỹ Di sản không hồi đáp những email và cuộc gọi điện thoại của đài tiếng nói Hoa Kì VOA hỏi về sự việc. VOA đến tận nơi để tìm gặp nhân viên an ninh áp tải bà Giao ra khỏi tòa nhà. Người này xưng tên là Robert Fisher và từ chối bình luận. Sau đó, cấp trên của ông Fisher cũng bước ra trao đổi với VOA. Ông này cũng từ chối bình luận và đề nghị VOA chuyển những câu hỏi sang bộ phận báo chí của Quỹ Di sản".
Người viết có mặt tại cổng ra vào của Viện Di Sản vào thời điểm chị Giao bị đuổi ra khỏi tòa nhà và chứng kiến nhân viên an ninh, Robert Fisher, một cách gay gắt ép chị Giao ra khỏi đó. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người viết cũng đã email trực tiếp cho Phó Giám đốc (Vice President) và bộ phận chí của Viện Di Sản để yêu cầu hồi đáp vì sao họ lại đi ngược lại những giá trị dân chủ và tự do mà họ đang đại diện. Tuy nhiên, cho đến này người viết vẫn không nhận được bất kì hồi đáp nào từ họ.
2. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)
11/7/2017, Greg Rushford, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng và trang Rushford Report, có tiết lộ những thông tin tuyệt mật về nhà cầm quyền Hà Nội, đã dùng tiền để chi phối hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), vốn là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, gồm các chuyên gia cố vấn (think tank) uy tín của Hoa Kì hơn 50 năm qua. Vài chi tiết đáng chú ý của bản báo cáo :
"Kể từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã tặng CSIS hơn $450.000 để tổ chức các buổi hội thảo hàng năm về biển Đông. Qua nhiều năm, CSIS đã tăng thêm $55.000 từ tài khoản nội bộ của nhóm chuyên gia này, nguồn của nó không được xác định trong tài liệu mà tôi được cho xem".
"Trên hết mọi thứ, chính phủ Việt Nam muốn giới ưu tú trong chính sách đối ngoại ở Washington không để mắt tới các vi phạm thô bạo về nhân quyền của Hà Nội. Đảng Cộng sản xem sự tồn tại của chính họ là phụ thuộc vào khả năng tiếp tục đàn áp ngay cả người bất đồng chính kiến ôn hòa".
("How Hanoi’s Hidden Hand Helps Shape a Think Tank’s Agenda in Washington, Greg Rushford, Rushford Report, 11/7/2017).
Chính quyền Việt Nam đã dùng rất nhiều tiền để mua hợp tác ngoại giao từ những tổ chức có ảnh hưởng lớn ở Washington. Và quan trọng hơn, các tổ chức tầm cỡ đóđã thể hiện rằng, sự im lặng của họ trước những vi phạm nhân quyền, có thể được mua bằng tiền.
3. Tập đoàn vận Động hành lang Podesta (The Podesta Group)
Tập đoàn Podesta, một cơ quan vận động hành lang quyền lực ở D.C., có quan hệ chặt chẽ với Hilary Clinton and các nhà sản xuất quốc phòng, cũng nhận tiền của chính quyền Việt Nam. Nhóm này đã vận động gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trợ giúp Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), và chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Obama. Hồ sơ đăng kí của Bộ Tư Pháp Hoa Kì (Foreign Agents Registration Act) cho thấy, chính phủ Việt Nam đã chi cho tập đoàn Podesta mỗi tháng 30.000 USD (khoảng 670 triệu VND), kể từ ngày 2 tháng 12 năm 2013, đến ngày 31 tháng 12 năm 2015, với tổng số tiền là khoảng 1,08 triệu USD, để vận động lập pháp và hành pháp của Hoa Kì.
Nhiều nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng đã từng hy vọng, Tổng thống Obama trong chuyến thăm Hà Nội, sẽ lên tiếng chỉ trích những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì Hà Nội đã mua được sự im lặng và thỏa hiệp ngay cả của Obama.
Thứ Hai, 23 tháng 5, trong phát biểu đầu tiên tại Việt Nam, ông đã không chỉ trích những vi phạm nhân quyền của chính phủ, thay vào đó ca ngợi "tiến bộ khiêm tốn ở một số lĩnh vực mà cả hai bên xác định là mối quan tâm" và lưu ý rằng nhân quyền là "một vấn đề mà cả hai chính phủ không đồng thuận".
Vào ngày thứ Ba, Obama dự kiến gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền, nhưng chính phủ đã bắt giữ và ngăn chặn phần lớn các nhà hoạt động được mời đến gặp ông. Và Obama cũng không thể hiện sự giận dữ bằng cách chấm dứt cuộc gặp gỡ để phản đối hành động đạo tặc của chính phủ Việt Nam. Ông vẫn xem như không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra bởi đã được vận động hành lang từ tập đoàn Podesta.
("From Team Hillary to Vietnam Lobbyist", Besty Woodruf, The Daily Beast, 5/25/2016)
4. Nguyên thủ quốc gia của các nước dân chủ
5/2016, Tổng thống Hoa Kì Obama đã im lặng về nhân quyền, cải cách dân chủ, và gỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.
5/2017, Tổng thống Hoa Kì Donald Trump, được mong chờ là sẽ mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm, lên tiếng chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Hà Nội trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng, Trump cũng đã im thin thít.
13/3/2107, Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người được trao giải Noel Hòa Bình qua đời trong khi đang chịu bản án 11 năm tù vì kêu gọi dân chủ ở Trung Quốc. Chỉ vài tuần trước khi ông Lưu qua đời, các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối yêu cầu điều trị căn bệnh ung thư cho ông ở nước ngoài, trong khi vợ ông vẫn bị quản thúc tại gia.
Việc đối xử tồi tệ và tàn ác đối với các nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc là chuyện vẫn thường thấy ở những nước độc tài cộng sản : Việt Nam, Cuba, và Bắc Hàn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng chỉ đưa ra một vài tuyên bố ngoại giao rất thận trọng và cho có lệ.
Trong lúc những người yêu chuộng dân chủ và nhân quyền đang khóc thương cho sự ra đi đột ngột của ông Lưu, thì tổng thống Trump (Hoa Kì) và tổng thống Macron (Pháp) đã không hề nhắc đến cái chết oan khuất của ông Lưu trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao. Thay vào đó, cả Trump lẫn Macron đồng thanh ca ngợi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của đảng cộng sản Trung Quốc.
Trump hào hứng nói : "Ông Tập là một người tài năng và tốt bụng. Ông ấy rất yêu nước Trung Quốc. Ống ấy luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho Trung Quốc".
Macron cũng thể hiện sự tôn trọng và kết luận rằng : "Hiện nay, ông Tập là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới".
Chris Patten, hiệu trưởng của trường Đại học Oxford, chia sẽ trên Project Syndicate vào 24/7/2017 :
"Tôi chỉ có thể tự hỏi có bao nhiêu nhà lãnh đạo phương Tây trong những năm gần đây đã nêu trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba với nhà cầm quyền Trung Quốc ? Cơ hội chắc chắn là rất nhiều, bao gồm cuộc họp thượng đỉnh G20 gần đây nhất, khi mà ông Lưu đang nằm trên giường bệnh... Trung Quốc đã tức giận, tìm cách gây hại cho Na Uy khi ông Lưu được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2010, thì phương Tây đã không biểu lộ sự tức giận hoặc thể hiện tình đoàn kết thực sự đối với một đồng minh của NATO".
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, việc thúc đẩy dân chủ toàn cầu của Hoa Kì dường như được thay thế bằng chính sách ngoại giao của an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.
Trong những năm gần đây, khuyến khích những giá trị tốt đẹp của dân chủ không còn là ưu tiên hàng đầu đối với phần lớn các nhà lãnh đạo và công luận Hoa Kì. Có lẽ vì thế, các nhà nước độc tài đang vui mừng trước thay đổi hết sức đáng ngại về chính sách ngoại giao của Hoa Kì.
Thay lời kết
Greg Rushford đã kết luận : "Từ chối lên tiếng khi những công dân Việt Nam dũng cảm bị bắt giam chỉ đơn giản vì họ thực hiện những quyền phổ quát đến quyền tự do ngôn luận, chắc chắn là một suy sụp về đạo đức".
( "To refuse to speak out when courageous Vietnamese citizens are imprisoned merely for peaceable exercising their universal rights to free speech is surely a moral failure").
Và như bạn đọc đã thấy trong dẫn chứng kể trên, nhiều tổ chức quốc tế tầm vóc nói riêng và các nước phương Tây nói chung, đã chọn thỏa hiệp "đi đêm" với nhà nước cộng sản. Họ phớt lờ những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền của để đổi lấy hợp tác thương mại có lợi. Chính vì thế, những cá nhân và đoàn thểđấu tranh Dân chủ cho Việt Nam nên từ bỏ thái độ ỷ lại và dựa dẫm vào phương Tây. Đừng mong đợi bất kì tổ chức nước ngoài hoặc quốc gia sẽ mang đến dân chủ cho Việt Nam.
Dân chủ và tự do phải đấu tranh mới có. Dân chủ hóa Việt Nam trên hết phải là trách nhiệm của người dân Việt Nam ; trách nhiệm lớn nhất vẫn là giới trẻ và trí thức tinh hoa.
Quan trọng hơn, những anh chị em đấu tranh cần ý thức rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân, mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức để đẩy phong trào dân chủ sang một bước tiến mới hiệu quả hơn, đi đến thắng lợi cuối cùng là mang lại Dân chủ và Đa nguyên cho Việt Nam.
Sự tồn vong và cường thịnh của Tổ Quốc là trách nhiệm của mỗi người dân, không phải là độc quyền của một chế độ, đoàn thể, hay tổ chức nào. Những thử thách và chướng ngại dân chủ hóa đất nước là rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta, những con người của tự do, sẽ giành được thắng lợi khi chúng ta học cách làm việc chung với nhau, dựa trên tư tưởng và đồng thuận chungcủa tổ chức.
Muốn sớm có dân chủ, thì phải liên kết lại với nhau, để trở thành đối trọng của đảng cộng sản, yêu sách dân chủ và bầu cử tự do, thay vì mong chờ và dựa dẫm sự giúp đỡ của quốc tế.
"God helps those who help themselves".
(11/08/2017)
Mai V. Pham
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"
Tham khảo :
https://www.voatiengviet.com/a/khach-moi-dot-ngot-bi-duoi-khoi-su-kien-co-thu-tuong-phuc-vi-moi-nguy-an-ninh/3888532.html
http://rushfordreport.com/ ?page_id=6
http://www.cnbc.com/2017/07/13/trump-praises-xi-soon-after-death-of-chinese-dissident.html
https://www.project-syndicate.org/commentary/western-tolerance-illiberal-democracy-by-chris-patten-2017-07
http://www.thedailybeast.com/from-team-hillary-to-vietnam-lobbyist
http://www.politico.com/story/2016/05/obama-lifts-vietnam-arms-embargo-223463
https://www.nytimes.com/2017/05/31/world/asia/vietnam-nguyen-xuan-phuc-trump.html
http://www.pewresearch.org/fact-tank/2013/12/04/americans-put-low-priority-on-promoting-democracy-abroad/
Một nhận xét khá phổ biến của nhiều người về tiến trình dân chủ của Việt Nam như sau : "Dân trí Việt Nam còn thấp, do đó, dân chủ không thích hợp với Việt Nam". Để phân tích sự đúng, sai của nhận định này, trước hết cần hiểu thế nào là "dân trí" ?
Dân chủ mang lại niềm tin, sức sống và mở ra một chân trời mới
"Trí" chỉ khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy đoán... thuộc trí tuệ gắn liền với mỗi người. Dân trí là khái niệm chỉ về trình độ nhận thức, mặt bằng văn hóa chung của cộng đồng, hoặc là trình độ học vấn trung bình của người dân. Hiểu một cách rộng hơn, dân trí cũng là sự hiểu biết và ý thức về quyền và trách nhiệm của người dân.
Vậy dân trí của Việt Nam cao hay thấp ? Hãy cùng xét qua vài chỉ tiêu quan trọng sau đây :
- Tính đến năm 2016, Việt Nam có 412 trường Đại học và Cao đẳng ; nghĩa là bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường Đại học và Cao đẳng (1).
- Số giảng viên đại học là gần 92.000 người, trong đó có 4.155 giáo sư và phó giáo sư. Mỗi năm, có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển (1).
- Chỉ số phát triển con người(Human Development Index - HDI) của Liên Hợp Quốc vào năm 2016, Việt Nam thuộc nhóm "Medium Human Development" (Phát triển trung bình), xếp hạng 115/188, cao hơn cả Ấn Độ, Myanmar và Phillipines (2).
Chỉ số phát triển con người(HDI) được đánh giá qua 3 tiêu chí :
1. Sức khỏe : đo bằng tuổi thọ trung bình ;
2. Tri thức : đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học ở các cấp giáo dục.
Chỉ số tri thức (giáo dục), được biểu hiện qua 2 chỉ số chi tiết : tổng số năm đi học được kỳ vọng và tổng số năm đi học trung bình của mỗi người dân. Cả 2 chỉ số này của Việt Nam đã tăng một cách đáng kể so với nhiều nước trên thế giới.
3. Mức thu nhập : đo bằng GDP bình quân đầu người.
Rõ ràng, nếu đánh giá dân trí của Việt Nam dựa trên trình độ học vấn, giáo dục và chỉ số phát triển con người (Human Development Index), thì dân trí của Việt Nam ở trên mức trung bình. Do đó, nhận định "dân trí Việt Nam còn thấp nên chế độ độc tài toàn trị là thích hợp" là một ngụy biện và nhận định sai lầm.
Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam cần một nhà độc tài kiểu Park Chung-hee hay Lý Quang Diệu, bởi nhờ sự độc tài của họ mà Hàn Quốc và Singapore đã có thịnh vượn. Trong thực tế, "không thể có những chế độ độc tài sáng suốt bởi vì nền tảng của mọi chế độ độc tài là sự kiêu căng bệnh hoạn của một người hay một nhóm người tự nghĩ rằng họ đủ thông minh để suy nghĩ thay cho cả một dân tộc". Vì thế, một lần nữa phải khẳng định rằng, nhận định này là một ngụy biện, hoặc ít nhất cũng là sự ngộ nhận do thiếu hiểu biết.
Trong suốt hơn 5000 năm tồn tại, loài người đã sống và trải nghiệm mặt tốt và xấu của ít nhất 5 thể chế chính trị, hàng chục triệu người đã phải đổ máu… để có kết luận rằng dân chủ không phải là một thể chế chính trị tuyệt hảo, nhưng là một giải pháp chính trị ít tệ hại nhất. Dân chủ không phải là một phép màu kì diệu mang đến sự giàu có ngay lập tức, nhưng "dân chủ là một phong cách sinh hoạt cho phép đặt các vấn đề một cách đúng đắn và chọn lựa những người có trách nhiệm" (3).
"In a democracy, there will be more complaints but less crisis, in a dictatorship more silence but much more suffering".
"Ở một chế độ dân chủ, sẽ có nhiều than phiền, chỉ trích, nhưng ít khủng hoảng ; Ở một chế độ độc tài, sẽ có nhiều sự thinh lặng, nhưng lại rất nhiều đau khổ".
Chính vì thế, cho rằng "dân chủ không thích hợp với Việt Nam vì dân trí thấp" là một sự ngụy biện và nhận định sai lầm, bởi dân chủ không phải là một hệ quả của sự vận động xã hội mà dân chủ là một quyền cơ bản nhất của con người. Một nền dân chủ thực sự sẽ là nền tảng vững chắc mang đến cho người dân những giá trị cơ bản : công lý, tự do và nhân quyền. Nếu nói rằng một đất nước phải có dân trí cao thì dân chủ mới hình thành và phát triển được, như vậy phải giải thích như thế nào khi đế quốc La Mã có một nền dân chủ hơn hẳn Ai Cập, là nước đã phát triển trước họ cả ngàn năm ? Vì thế, không nên ngụy biện hay viện cớ ý thức dân chủ của người Việt Nam còn kém, lòng người còn chia rẻ… để cho rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với Việt Nam.
"Chúng ta phải bẻ gẫy lập luận cho rằng dân chủ sẽ đưa tới hỗn loạn. Chúng ta cần chứng minh rằng dân chủ là điều kiện căn bản để bảo đảm không có hỗn loạn, là phương thức sinh hoạt cho phép xã hội tiến hóa và đổi mới không ngừng trong trật tự".
"Chúng ta phải bẻ gẫy lập luận cho rằng xã hội phương Đông khác với xã hội phương Tây, và do đó không thể chấp nhận những giá trị của phương Tây như tự do cá nhân, dân chủ và nhân quyền. Tự do, dân chủ và nhân quyền là những giá trị phổ cập của cả loài người, không riêng gì của phương Tây. Các giá trị đó có mặt trong mọi nền văn minh, kể cả tại Việt Nam" (3).
Đất nước và dân tộc Việt Nam đang bị đặt dưới ách cai trị độc tài toàn trị của chế độ cộng sản. Để duy trì ách độc tài, đảng cộng sản đã tận dụng chính sách ngu dân, mị dân trong khi nhân dân mới chính là sức mạnh và tiềm năng của một quốc gia. Do đó, sự lụn bại ở mọi góc cạnh của đất nước từ văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường đến dân trí, tình cảm, đạo đức… đều là hệ quả của chế độ độc tài toàn trị.
"Ách độc tài toàn trị và bị từ chối những quyền con người cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử, kể cả quyền sở hữu đất. Hàng triệu dân oan bị cướp đoạt đất sống lây lất trong uất hận. Đồng thời tài nguyên quý nhất của quốc gia là con người cũng bị xuống cấp một cách thê thảm. Sức khỏe của nhân dân suy nhược vì thiếu dinh dưỡng, thuốc men và chăm sóc. Các chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lan tràn một cách báo động mà không có biện pháp ngăn chặn. Thanh thiếu niên bỏ học hàng loạt. Trí tuệ dân tộc suy giảm nặng với sự xuống cấp bi đát của hệ thống giáo dục. Tệ nghiện hút, mại dâm, trộm cướp ngày càng gia tăng. Cuộc sống khó khan trong một xã hội băng hoại làm con người càng ngày càng rời xa các giá trị căn bản phải có của mọi quốc gia : đạo đức, lương thiện, thật thà, cần cù, kỷ luật, v.v. Dối trá, lừa đảo, thô lỗ trở thành thông thường trong quan hệ xã hội" (3).
Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai - Chương 1 : Nhiệm Vụ Lịch Sử
Chế độ độc tài toàn trị đã khiến cho đất Mẹ Việt Nam ngày càng hoang tàn, đổ nát, và phần lớn con dân phải sống trong cơ cực. Bản chất của người Việt vốn cần cù, dễ tiếp thu, và chịu khó. Sự thành công của nhiều người Việt hải ngoại là một minh chứng về khả năng thích nghi và thông minh vốn có của người Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đau buồn là, trong khi 3/4 dân tộc trên thế giới đã có dân chủ, thì chúng ta vẫn phải cam go yêu sách đòi dân chủ. Chính vì thế, ngụy biện đầy bịp bợm rằng "dân trí còn thấp nên dân chủ không thích hợp ở Việt Nam" cần phải bị lên án và loại bỏ.
Dân chủ không phải là một "chiếc đũa thần kì" có thể ngay lập tức biến một nước nghèo khổ thành phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, dân Chủ và cụ thể là dân chủ đa nguyên, là một phương thức tổ chức xã hội hiệu quả nhất. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia cường thịnh và tôn trọng nhân quyền nếu lấy dân chủ đa nguyên làm nền tảng, để rồi tổng động viên mọi trái tim, mọi khối óc và mọi bàn tay trong sự nghiệp xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, sung túc và thanh bình.
Có thể nói, mức độ dân chủ quyết định sự cường thịnh của một quốc gia. Dân chủ càng cao, người dân càng có nhiều cơ hội sống trong công bằng, bao dung, tự do và nhân quyền, đặc biệt là quyền phát huy ý kiến và sáng kiến.
"Bài học lớn nhất của lịch sử thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố : một xã hội tự do, những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc. Chúng ta là một dân tộc cần mẫn đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do. Chúng ta sẽ vươn lên. Chúng ta có quyền lạc quan trong cuộc hành trình về tương lai" (3).
Sẽ không có một giải pháp nào tốt đẹp hơn cho dân tộc Việt Nam nếu chế độ độc tài cộng sản còn tồn tại. Chỉ có loại bỏ chế độ độc tài cộng sản bất nhân và hung bạo để chào đón dân chủ đa nguyên, dân tộc Việt Nam mới có cơ hội tiếp cận thật sự với tự do, công bằng và nhân quyền.
"Thử thách trước mặt chúng ta tuy rất lớn, nhưng hy vọng thôi thúc chúng ta còn lớn hơn bởi vì cuộc chiến đấu này không chỉ xứng đáng và vinh quang mà còn tất thắng. Chúng ta được chuyên chở và thúc đẩy bởi cả một làn sóng dân chủ toàn cầu và bởi nguyện ước chung của một dân tộc đã dần dần hồi phục sau những thương tích. Chúng ta đang được tiếp viện của cả một thế hệ mới đã tự khai phóng và quyết tâm làm những con người tự do. Đằng sau những trở ngại là cả một tương lai rực sáng" (3).
Mai V. Pham
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
(30/06/2017)
Nguồn :
(2) http://hdr.undp.org/en/composite/HDI
(3) https://www.thongluan-rdp.org/thdcdn/item/602-khai-sang-k-nguyen-th-hai
Có một "trào lưu" đã qua đi trong phong trào dân chủ Việt Nam chủ yếu xuất phát từ những cán bộ lão thành cách mạng, hay những người muốn thay đổi từ "bên trong" nội bộ đảng cộng sản đó là viết thư ngỏ và kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội 12 vừa qua chúng ta không còn thấy ai "kiến nghị" hay góp ý gì nữa.
Biểu tượng của -Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Có lẽ lý do chính khiến họ không viết các loại thư ngỏ và kiến nghị nữa là vì chính quyền chẳng ai thèm nghe hoặc trả lời họ chứ không hẳn vì họ mất niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những người theo chủ trương này thì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể tạo ra được sự "thay đổi" cho Việt Nam. Ngoài ra họ không thấy ai hoặc tổ chức nào có khả năng đó.
Có thể trong tương lai những người thuộc trường phái "thư ngỏ và kiến nghị" sẽ tiếp tục viết "kiến nghị và thư ngỏ", đối tượng được gửi lần này sẽ là "nhân dân Việt Nam". Vậy "nhân dân Việt Nam" là ai ? Và liệu "nhân dân Việt Nam" có ủng hộ họ không ? Rất dễ dàng thấy rằng khái niệm "Nhân dân Việt Nam" rất mông lung và trừu tượng. Hơn nữa những người theo trường phái này không hiểu gì về "nhân dân". Trong 90 triệu người Việt Nam có mấy phần trăm thực sự quan tâm đến đất nước ? Bao nhiêu phần trăm sẵn sàng dấn thân vì dân chủ ? Họ không biết ba đặc tính cơ bản của người dân đó là "người dân không lãng mạn, không kiên nhẫn và thực dụng (sẵn sàng luồn lách để được việc)".
Tất cả các cuộc cách mạng đổi đời từ trước đến nay, kể cả với Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải do trí thức khởi xướng. Các lãnh đạo tiền bối của đảng như Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh…đều là con nhà gia giáo và được ăn học tử tế. Trí thức cộng sản chỉ hết thời khi cách mạng thành công.
Trong suốt dòng lịch sử, người Việt Nam chưa bao giờ xây dựng được một tổ chức chính trị đúng nghĩa, tức là một tổ chức có "tư tưởng chính trị" và một "đội ngũ chính trị". Từ Đảng Cộng sản Việt Nam đến Việt Nam Quốc dân Đảng hay những tổ chức sau này đều là những tổ chức chính trị xây dựng thuần túy dựa trên bạo lực và vọng ngoại.
Di sản của lịch sử và văn hóa Khổng giáo đè nặng lên hình hài đất nước và tâm hồn người trí thức Việt Nam. Trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu thế nào là chính trị, hoạt động chính trị và đấu tranh chính trị. Đã bước sang năm thứ 17 của thế kỷ 21 nhưng trí thức Việt Nam vẫn loay hoay không biết làm gì để Việt Nam sớm có dân chủ. Họ vẫn chưa tham gia hay ủng hộ cho bất cứ một tổ chức chính trị nào để góp phần làm cho tổ chức đó trở nên có tầm vóc để có thể làm đối trọng và làm giải pháp thay thế cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu rằng đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh có tổ chức. Một người ưu tư với đất nước, hoặc phải tham gia vào một tổ chức chính trị đã có sẵn hoặc phải tạo ra một tổ chức mới. Và một tổ chức chính trị thực sự thì phải có "tư tưởng chính trị" và một "đội ngũ chính trị". Đấu tranh chính trị ôn hòa, bất bạo động và dân chủ là đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và lý luận chứ không phải đấu tranh bằng những "hành động" phô trương và gây thanh thế khi chưa có thực lực.
Trí thức Việt Nam vẫn chưa cho rằng Viết, Nói, Lý Luận và Thuyết Phục quần chúng cũng là Hành Động và là Hành Động quan trọng nhất trong kỷ nguyên của thông tin và truyền thông.
Trí thức thay vì phải đi trước và dẫn đường cho dân chúng thì lại luôn chạy theo các sự kiện và dư luận.
Trí thức Việt Nam chưa hiểu rằng nếu chúng ta không đoàn kết và đứng cùng nhau trong một tổ chức thì làm sao chúng ta có thể thuyết phục được người dân đoàn kết và đoàn kết với ai ? Thậm chí có những "trí thức" không muốn đứng vào một tổ chức nào vì sợ mất đi "sự ủng hộ" của một số người dân.
Trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu rằng "vận động quần chúng" và kêu gọi quần chúng đứng dậy… luôn luôn là giai đoạn cuối cùng của mọi cuộc cách mạng chứ không phải giai đoạn đầu tiên và duy nhất. Người dân làm sao có thể ủng hộ một tổ chức non trẻ, thiếu thống nhất và đoàn kết, một tổ chức không có cương lĩnh chính trị hay dự án chính trị, một tổ chức không có đội ngũ cán bộ chính trị ?
Xây dựng một cương lĩnh chính trị (tư tưởng chính trị) và một đội ngũ chính trị là hai công việc khó khăn và chiếm nhiều thời gian nhất của bất cứ một tổ chức chính trị nào nhưng đây là những giai đoạn không thể không làm, không thể tiết kiệm và tránh né. Chính vì khó khăn và mất thời gian nên đa số các tổ chức đều bỏ qua giai đoạn này.
Không có một tư tưởng chính trị để làm kim chỉ nam cho các hoạt động của tổ chức thì không sớm thì muốn tổ chức đó cũng mất phương hướng và tan vỡ. Không có một đội ngũ cán bộ chính trị nắm vững tư tưởng và đường lối của tổ chức thì không thể động viên được quần chúng và nếu có thời cơ cũng không có người để làm việc.
Một bài học lịch sử mà trí thức Việt Nam không chịu nhớ đó là trường hợp của Đảng Việt Quốc (Việt Nam Quốc Dân Đảng) và Việt Cách (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội) là hai tổ chức chống Pháp ra đời trước cả Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên năm 1946 hai đảng này từng được Việt Minh "cho không" 70 ghế đại biểu quốc hội nhưng rồi số phận họ ra sao thì ai cũng rõ. Tất cả đã bị Việt Minh tiêu diệt và truy sát. Lý do chính dẫn đến bi kịch của họ là do họ không có lực lượng, không có tổ chức và không có đội ngũ cán bộ… và vì thế không có được sự hậu thuẫn của quần chúng.
Dân chủ và tự do không thể van xin, năn nỉ chính quyền mà chỉ có thể đòi lấy. Nhưng đòi bằng cách nào ?
Câu trả lời chỉ có một : Phải có lực lượng. Một tổ chức muốn có lực lượng và nhận được ủng hộ của quần chúng thì phải đi quan năm giai đoạn như chúng tôi đã đề nghị trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :
Có ý kiến cho rằng tại sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói hay vậy mà vẫn chưa thuyết phục được trí thức Việt Nam và vẫn chưa thành công ? Chúng tôi không hề bao biện cho mình nhưng thật sự là đã có tổ chức chính trị nào của người Việt Nam làm được gì đâu ? Tất nhiên nếu trí thức Việt Nam không ủng hộ chúng tôi thì chúng tôi không thể thành công. Chúng tôi chỉ thuyết phục chứ không áp đặt vì lập trường tranh đấu của chúng tôi là bất bạo động. Chúng tôi vẫn cố gắng một cách bền bỉ với tinh thần bao dung trong việc thuyết phục trí thức Việt Nam. Chúng tôi cho rằng phải thuyết phục được trí thức Việt Nam trước và thông qua trí thức Việt Nam thì sẽ thuyết phục được quần chúng Việt Nam.
Một Dự Án Chính Trị (cương lĩnh chính trị) dù đơn giản và rõ ràng đến đâu đi nữa, ví dụ như tài liệu Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì cũng không phải người dân nào đọc cũng hiểu. Muốn hay không thì trí thức Việt Nam phải "kiểm định" trước và nếu nó đúng (dù chỉ khoảng 60-70%) thì trí thức Việt Nam cần lên tiếng và ủng hộ nó. Ngay cả Kinh Thánh và Kinh Phật là dành riêng cho quần chúng nhưng cũng cần đến hàng vạn giáo sĩ truyền bá và giải thích suốt hơn 2000 năm qua và vẫn đang tiếp tục.
Phong trào dân chủ Việt Nam không yếu vì chúng ta có lẽ phải và chính nghĩa. Tuy nhiên nếu chúng ta không biết cách tranh đấu thì cũng sẽ không mang lại kết quả.
Một thân hữu trẻ vừa gửi cho chúng tôi một bản Thỉnh nguyện thư (kiểu thư ngỏ) gửi Đảng Cộng sản Việt Nam, quốc hội Việt Nam, "người dân Việt Nam" và "mọi người trên thế giới" ủng hộ để "yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam mở một cuộc trưng cầu dân ý về bầu cử tự do và đa đảng cho Việt Nam". Nhóm bạn trẻ muốn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tham gia ký tên vào kiến nghị đó. Dù rất quí mến sự nhiệt tình của các bạn trẻ nhưng chúng tôi cũng phải từ chối. Chúng tôi đã gửi cho các bạn trẻ bài viết "Quyền Con Người" của ông Nguyễn Gia Kiểng với hy vọng các bạn trẻ hiểu vì sao có những cái mà chúng ta phải đòi chứ không thể xin xỏ. Chúng tôi xin trích một đoạn trong bài viết :
"Một cách tóm lược ta có thể phân biệt hai loại quyền : những "quyền không bị" (freedoms from/droits-libertés) và những "quyền được có" (freedoms to/droits-créances).
Những quyền không bị là những quyền căn bản tối thiểu : không bị xâm phạm tới cơ thể, gia đình, tài sản ; không bị cấm đoán phát biểu lập trường, thu nhận và phổ biến thông tin ; không bị cấm cản thành lập và tham gia các tổ chức, ứng cử và bầu cử, v.v. Những quyền này qui định một không gian cá nhân mà nhà nước hay bất cứ ai không thể xâm phạm. Đó là những quyền tự do căn bản.
Những quyền được có là những gì cá nhân có thể đòi hỏi ở cộng đồng, đặc biệt là nhà nước, thí dụ như quyền được có một lợi tức bảo đảm một mức sống xứng đáng về thực phẩm, sức khỏe, nhà ở ; được hưởng giáo dục miễn phí, được trợ cấp sinh đẻ và nuôi con, được có công ăn việc làm và được hưởng một số ngày nghỉ có trả lương, v.v. (những điều 23, 24, 25 và 26 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền).
Quyền thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền. Quyền luôn luôn đối nghịch với thực tại ; nhân danh thực tại để hy sinh quyền là một thái độ đầu hàng hèn nhát ; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không chấp nhận để nhìn con người từ thực tại ; sự phản kháng là cốt lõi của quyền. Quyền cũng không thể chấp nhận sự vô lý ; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó. Những gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những quyền bắt buộc nhất. Trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cũng là tranh đấu cho dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân nhượng, đòi hỏi thực hiện tức khắc và trọn vẹn các quyền tự do cơ bản. Đừng sợ rơi vào bẫy giáo điều, quyền con người chỉ là qui luật tự nhiên của sự sống".
Một chia sẻ chân tình gửi đến các bạn trẻ muốn dấn thân để mang lại sự thay đổi cho Việt Nam là hãy cố gắng tìm hiểu và học hỏi về các khái niệm chính trị (lý thuyết) trước khi bắt tay vào "hành động". Hành động có ý nghĩa nhất là kết hợp lại với nhau thành những nhóm nhỏ và trao đổi thẳng thắn với nhau về mọi vấn đề của đất nước và cố gắng đạt tới một đồng thuận chung.
Khi nào các trí thức chính trị trẻ Việt Nam tạo được đồng thuận và chấp nhận đứng vào một tổ chức chính trị thì khi đó Việt Nam sẽ có dân chủ.
Việt Hoàng (05/02/2017)