Lại chuyện ‘hạ cánh an toàn’ đối với quan chức, cán bộ sai phạm
RFA, 26/06/2023
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực hôm 19/6/2023 cho biết, số cán bộ vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, không còn tình trạng ‘hạ cánh an toàn’ như trước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hà Nội vào ngày 20/10/2022 / AFP Photo - Ảnh minh họa
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục II, hôm 26/6 nhận định :
"Ông Trọng nói như vậy là đã thừa nhận quá khứ có rất nhiều cán bộ mắc sai phạm nhưng đã được ‘hạ cánh an toàn’, nếu ví dụ thì nhiều lắm… Như bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Hồ Xuân Mãn làm hồ sơ giả, ép thường vụ tỉnh ủy và các cấp để được phong danh hiệu anh hùng, dù đã bị tước danh hiệu nhưng là sai phạm không bị xử lý. Còn những cán bộ khác như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, bị kết án tử hình oan và đã truy tố Chánh án Phạm Tuấn Khiêm, nhưng sau đó ít lâu lại lấy lý do sức khỏe nên không bị truy tố nữa".
Tóm lại, theo cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí, những trường hợp trong quá khứ như ông vừa nêu vẫn ‘hạ cánh an toàn’, vẫn thoát tội… Ông Trí cho rằng tình trạng cán bộ có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lợi ích của nhà nước… nhưng không bị xử lý hiện vẫn rất phổ biến. Ông Trí nêu dẫn chứng :
"Mới đây nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức đam rõ ràng ai cũng thấy có những sai phạm rất lớn trong lĩnh vực mình phụ trách, gây thiệt hại nhiều cho ngân sách nhà nước, rất nhiều cán bộ dưới quyền đã bị bắt đi tù, gây thiệt hại cho xã hội về tiền bạc rất lớn… Thế nhưng cả ba người đấy đều được nghỉ một cách gọi là ‘an toàn’… với lý do ‘nguyện vọng cá nhân’, một lý do từ xưa đến nay chưa hề có. Ví dụ như ông Trọng khi làm tiếp Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba không đúng điều lệ đảng, đã nói nguyện vọng cá nhân là được nghỉ, nhưng vì đại hội đề nghị nên tôi làm… Đấy, nguyện vọng cá nhân có được tôn trọng đâu ?"
Vì vậy, ông Trí cho rằng, các vị lãnh đạo Việt Nam vẫn còn nợ nhân dân một câu trả lời cho rõ ràng rằng : "Những nhân vật đó sai phạm đến mức độ nào ?" Ông Trí cho biết thêm :
"Tôi tin chắc rằng, nếu mà công khai tất cả những sai phạm đấy ra, thì không có chuyện nghỉ theo nguyện vọng cá nhân, mà chắc chắn là tù ‘mọt gông’. Cho nên ông Trọng nói như vậy chẳng qua là để cho dư luận đỡ bức xúc thôi. Nhưng rồi tới đây có thể có nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị xử lý, bị bắt bỏ tù… nhưng tôi nghĩ số vi phạm được ‘hạ cánh an toàn’ vẫn nhiều hơn số bị bắt bỏ tù, thậm chí nhiều hơn nhiều lần".
Còn nhà báo Nguyễn Vũ Bình khi trả lời RFA về việc này, cho rằng :
"Họ thấy số cán bộ ở Việt Nam bị xử lý nhiều quá có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng. Thay vì phải điều tra những vụ việc liên quan như vậy thì người ta sẽ loại đi bằng cách kêu gọi từ chức. Mình có thể hiểu là từ chức trước thì sẽ không bị điều tra những vụ việc họ gây ra nữa".
Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng, nếu vụ án bị khởi tố và cán bộ đã từ chức có liên quan… thì chuyện từ chức sớm không có nghĩa sẽ ‘hạ cánh an toàn’.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng hôm 27/4/2023 cũng đã cho rằng : "Nhà nước xử lý cán bộ tham nhũng cả khi đương chức, về hưu cũng không có chuyện hạ cánh an toàn".
"Kiên quyết, kiên trì và xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".- Ông Võ Văn Thưởng nói thêm.
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc trả lời RFA khi đó, nói :
"Trong những năm vừa qua có rất nhiều những nhân vật mà dư luận xã hội và người dân cho rằng cộm cán trong vấn đề tham nhũng. Ví dụ như ông Lê Thanh Hải và cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ông Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, liên quan rất nhiều những vụ án như Tân Hiệp Phát, Vạn Thịnh Phát nhưng trong suốt những năm qua, người dân chờ đợi hai người này bị xử lý, nhưng đến giây phút này họ vẫn hạ cánh an toàn".
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, ngay cả ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, từng nói là không có vùng cấm… Nhưng thực tế đã có rất nhiều những vùng cấm mà ông ta chưa dám đụng đến :
"Một nhân vật mà ai cũng biết là Tô Lâm, vi phạm rất nhiều từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thành, vụ ăn bò dát vàng, rồi vụ ổng ký hai công văn cho phép MobiFone mua AVG, rồi những vụ liên quan đến hộ chiếu, rồi việc tranh chấp quyền lực với Bộ Giao thông Vận tải… Rất nhiều vụ nhưng ông Lâm vẫn là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng".
Theo luật sư Đài, việc những nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền cộng sản Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng hay Võ Văn Thưởng, cho dù tuyên bố là không có vùng cấm, hay có hay không có quan chức nào được ‘hạ cánh an toàn’ kể cả về hưu thì đấy cũng chỉ là những tuyên bố để mị dân.
"Gió đổi chiều" : chọn xuất khẩu lao động thay vì vào đại học
RFA, 26/06/2023
Hơn một triệu thí sinh bước vào kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ ngày 27 - 29/6. Trong số này, không ít thí sinh đã chọn sẵn cho bản thân con đường xuất khẩu lao động, mưu sinh nơi đất khách, thay vì bước vào giảng đường đại học.
Liệu có phải xu thế vào đại học bằng mọi giá đang đổi chiều ?
Thử làm con tính : Học phí trung bình mà sinh viên phải đóng khi ghi danh vào Đại học Việt Nam là 15.000.000 VND/năm – Lương trung bình của một lao động xuất khẩu trình độ tú tài sang Nhật là 30.000.000 VND/tháng
Học sinh không muốn vào đại học
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho thấy số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học của năm 2022 giảm mạnh. Trong số hơn 900.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chỉ có hơn 620.000 em có nộp nguyện vọng vào đại học, giảm 20% so với năm 2021.
Với kỳ thi năm 2023, một số trường đại học ghi nhận con số học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học sớm bằng học bạ giảm kỷ lục, có nơi chỉ bằng 35 - 50% so với năm ngoái.
Một học sinh lớp 12 tên Tâm, hiện đang ở Hà Tĩnh nói với RFA rằng em không có ý định vào đại học vì hoàn cảnh gia đình :
"Em không đi học trường gì cả. Tại vì em mắc công việc gia đình và cũng không muốn. Em cũng chưa biết nên đi làm gì".
Xu hướng xuất khẩu lao động
Chi phí cơ bản cho bốn năm đại học của một sinh viên, bao gồm học phí, tiền thuê nhà trọ, đi lại cũng với các khoản tiền lặt vặt khác, tính ra mỗi tháng cũng tầm sáu triệu đồng. Trong khi đó sau khi tốt nghiệp, mức lương của tân sinh viên mới ra trường vào năm 2022 chỉ đạt tầm hơn 10 triệu đồng/tháng, và không có gì đảm bảo cho một công việc ổn định.
Trái lại, nếu theo con đường xuất khẩu lao động, mức lương mỗi tháng có thể đạt từ 30 đến 50 triệu đồng.
Với phép so sánh đơn giản như vậy, hiện nay, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện trào lưu học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba là ngay lập tức làm hồ sơ đi lao động ở nước ngoài, như Nhật, Hàn hay Đài Loan…
Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… thuộc top đầu các tỉnh - thành có tỉ lệ học sinh không xét tuyển đại học nhiều nhất cả nước trong năm qua.
Ông Thanh, một người dân Hà Tĩnh, cho biết đặc biệt trong hai năm sau đại dịch Covid, tình trạng kinh tế khó khăn, việc làm trong nước khan hiếm và bấp bênh nên người dân nơi ông sinh sống thường tìm cách đi xuất khẩu lao động. Nó trở thành xu hướng, ngay cả đối với học sinh, sinh viên :
"Đợt này thì nhu cầu tuyển việc của các khu công nghiệp cũng thấp hơn so với trước đây nên kể cả học sinh, sinh viên cũng xu hướng đi xuất khẩu lao động.
Có trường học cứ mỗi ba tháng một lần sẽ có các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động về trực tiếp làm việc với các trường đó, giáo viên trong trường nhiều khi đóng vai trò như một người môi giới lao động".
Theo tìm hiểu của RFA, một số trường Trung học phổ thông ở Hà Tĩnh đã chủ động giới thiệu, kết nối học sinh với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo thông tin từ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh này đã tiến hành phân luồng, khuyến khích các học sinh có năng lực trung bình yếu đi du học nghề hoặc xuất khẩu lao động.
Mất niềm tin vào giáo dục đại học
Cô T, một giảng viên hiện đang giảng dạy tại một trường đại học đầu ngành ở Hà Nội, thừa nhận rằng hiện ngày càng ít học sinh chọn học đại học ở Việt Nam. Các em có kinh tế khá giả thường đi du học, còn những em không có điều kiện cũng đi xuất khẩu lao động :
"Nó phản ánh niềm tin của người dân đối với thực trạng giáo dục bậc đại học ở Việt Nam. Hiện nay, giáo dục ở bậc đại học của mình không thực tế, tính ứng dụng của nó không cao.
Và thực tế thì sau khi sinh viên ra trường, kể cả các sinh viên thuộc các trường top đầu Việt Nam, hầu như các doanh nghiệp phải đào tạo lại thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu cho việc làm".
Theo cô T, trong bốn năm đại học, sinh viên phải học quá nhiều các môn không cần thiết và không sát với tình hình xã hội hiện nay. Ví dụ như các môn về tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam… Mặc dù không phải sinh viên nào cũng là Đảng viên, không phải sinh viên nào cũng muốn tham gia vào bộ máy chính quyền trong tương lai nhưng vẫn cứ phải học :
"Hay như môn Kinh tế Chính trị Mác-lênin thì nó không hề liên quan gì đến cách vận hành nền kinh tế thị trường hiện nay đang áp dụng.
Vì thế, sinh viên học một đằng mà thực tế cuộc sống là một kiểu khác, nó khiến tư duy và kiến thức của sinh viên không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và xã hội".
Đi xuất khẩu lao động là một trong những lựa chọn và không có gì sai trái. Tuy nhiên, nếu ngày càng nhiều người sang nước ngoài làm việc theo đúng nghĩa "bán sức lao động" thì lại là một thảm họa xã hội. Cô T, nhận định như vậy cho cho biết thêm rằng hiện giờ, người trẻ sang nước ngoài làm việc có thể mang tiền về góp phần vào ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu những người này chỉ lo lao động kiếm tiền mà không trau dồi kiến thức, kỹ năng thì nó là một sự lãng phí tài nguyên trẻ của đất nước.
Nguồn : RFA, 26/06/2023
Trong 19 thứ trưởng và tương đương được trung ương luân chuyển về địa phương, đến nay có 9 người được vào trung ương khóa 12, có người làm bí thư tỉnh ủy, có người giữ chức bộ trưởng.
Tháng 3/2014, Bộ Chính trị luân chuyển, điều động 44 cán bộ trung ương, trong đó có 19 thứ trưởng và tương đương về các địa phương để chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến nay, 19 cán bộ này làm gì, ở đâu ?
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị là 1 trong 19 thứ trưởng được trung ương luân chuyển. Ảnh : Phạm Hải
9 ủy viên trung ương
1- Ông Nguyễn Thanh Nghị , ủy viên dự khuyết trung ương khóa 11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Sau đó, ông được hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Đến đại hội Đảng toàn quốc tháng 1/2016, ông Nghị được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 12 và trúng cử Đại biểu quốc hội sau đó.
2- Ông Sơn Minh Thắng , Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ủy viên trung ương khóa 11 được trung ương luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Tại đại hội Đảng toàn quốc tháng 1/2016, ông được bầu làm ủy viên trung ương khóa 12. Đến tháng 5/2016, ông được Bộ Chính trị phân công làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho đến nay.
3- Ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án TAND Tối cao được trung ương luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang. Sau đó, ông được đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 bầu làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và tại đại hội Đảng toàn quốc được bầu vào trung ương khóa 12.
Tháng 6 vừa qua, ông Quang được điều động giữ chức vụ Phó chánh án TAND Tối cao.
4- Ông Phan Văn Mãi , Bí thư thường trực trung ương Đoàn được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Đến đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 11/2015, ông được bầu làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và sau đó được đại hội Đảng toàn quốc bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa 12.
5- Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Tại đại hội Đảng toàn quốc, bà được bầu vào trung ương khóa 12 và sau đó trúng cử Đại biểu quốc hội khóa 14.
Hiện bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022.
6- Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ông được Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 10/2015 bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Tại đại hội Đảng toàn quốc, ông được bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa 12. Sau đó, ông trúng cử Đại biểu quốc hội khóa 14 và làm trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu.
7- Ông Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Sau đó, đại hội Đảng bộ tỉnh bầu ông làm Bí thư Tỉnh ủy. Ông trở thành ủy viên trung ương khóa 12, trúng cử Đại biểu quốc hội khóa 14 và làm trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Điện Biên.
8- Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ nhiệm VPCP có tên trong danh sách luân chuyển làm Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau đó, ông được rút và tiếp tục ở lại làm Phó chủ nhiệm VPCP.
Tại đại hội Đảng toàn quốc, ông Định được bầu vào Ban chấp hành trung ương. Sau đó ông trúng cử Đại biểu quốc hội khóa 14 và được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
9- Ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho đến tháng 9/2015. Tháng 10/2015, Thủ tướng quyết định điều động, bổ nhiệm ông làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ông được đại hội Đảng toàn quốc bầu vào trung ương khóa 12.
Ngày 9/4/2016, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu 21 chức danh chủ chốt của Chính phủ và ông Long trở thành Bộ trưởng Tư pháp.
10- Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chánh văn phòng trung ương Đảng được trung ương luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 vào tháng 10/2015, ông tái cử chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
11- Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sau đó bà được Ban Bí thư điều động, chỉ định và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017.
12- Ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 10/2015, ông Huy tái cử chức Phó bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
13- Ông Đặng Thế Vinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội được luân chuyển về làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Sau đó ông tái cử chức vụ này và trúng cử Đại biểu quốc hội khóa 14.
14- Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn. Tháng 10/2015, Thủ tướng quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho đến nay.
15- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn. Ông giữ chức Phó bí thư thường trực cho đến nay.
16- Ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch VCCI được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ, sau đó tái cử và giữ chức vụ này cho đến nay.
17- Bà Nguyễn Thị Hà, Bí thư trung ương Đoàn được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Sau đó, bà được bầu lại vào Ban chấp hành Đảng bộ, tiếp tục giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
18- Ông Dương Văn An, Bí thư trung ương Đoàn được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Sau đó, đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 bầu ông tiếp tục giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
19- Cùng đợt luân chuyển này, có ông Lê Hồng Sơn , Thứ trưởng Bộ Tư pháp được trung ương giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Hiện ông Sơn vẫn giữ chức vụ này.
Ngoài ra, còn có một số cán bộ trung ương được luân chuyển trong đợt này được bầu làm ủy viên trung ương khóa 12 như Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ hiện là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên ; ông Nguyễn Đình Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và hiện là Bí thư Tỉnh ủy.
Thu Hằng
*****************
Luân chuyển 19 thứ trưởng, 25 cục trưởng... (Soha, 01/03/2014)
Văn phòng trung ương Đảng ngày 28.2 đã có công văn số 7314-CV/VPTW về chủ trương và quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ gần đây.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, công văn trên nhằm chuẩn bị một bước về nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở trung ương nhiệm kỳ tới, kết hợp việc đào tạo, rèn luyện cán bộ với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương, Bộ Chính trị đã có chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số tỉnh, thành phố để luân chuyển cán bộ.
Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định luân chuyển đợt một gồm 44 người. Trong đó, 25 người giữ chức phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 19 người giữ chức phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Trong số cán bộ luân chuyển đợt này có 2 người là ủy viên trung ương Đảng, 19 thứ trưởng và tương đương, 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, có 3 cán bộ nữ.
Toàn bộ số cán bộ luân chuyển đợt này đều trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, trong đó có 22 người được quy hoạch chức danh ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Công văn cũng cho hay, việc lựa chọn cán bộ luân chuyển lần này được tiến hành chặt chẽ. Ban Bí thư đã giao cho Ban Tổ chức trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan ở trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy cung cấp thông tin, tài liệu, bồi dưỡng những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để giúp cán bộ luân chuyển nhanh chóng nắm tình hình, sớm tiếp cận và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao ở các địa phương.
theo Một thế giới
*****************
Sáp nhập Ủy ban Kiểm tra trung ương với Thanh tra Chính phủ ? (BBC, 09/10/2017)
Một thành viên Hội đồng lý luận trung ương tại Việt Nam cho rằng có thể sáp nhập Ủy ban Kiểm tra trung ương với Thanh tra Chính phủ, trong nỗ lực tinh gọn bộ máy.
Ông Trần Quốc Vượng (trái) đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Phát biểu của ông đưa ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang bàn bạc làm sao tổ chức lại bộ máy chính trị.
"Chúng ta phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau".
"Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ ; Ban Tổ chức trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chính", ông Quốc Dũng nói.
Vai trò Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nổi bật
Ông nói thêm : "Hay các đảng ủy khối từ trung ương đến tỉnh, thành, các đảng ủy khối doanh nghiệp, khối cơ quan, khối Dân chính đảng, Đảng ủy khối doanh nhiệp tư nhân cũng là tầng nấc trung gian".
"Nếu không có tổ chức này, hoạt động của Đảng vẫn tồn tại và phát triển".
Ông ủng hộ nhất thể hóa bộ máy chức danh giữa Đảng và Nhà nước.
"Ví như, Bí thư giữ chức Chủ tịch một địa phương ; người đứng đầu một đơn vị của Nhà nước phải là Bí thư Đảng ủy của cơ quan ấy. Nhất thể hóa như vậy, một người làm việc của hai người, quyền lực sẽ tập trung hơn và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước".
Mới đây nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng kêu gọi "cách mạng bộ máy".
Một số 'đại án' được đem ra xử
"Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo", ông Phiêu nói.
Hội nghị trung ương 6 của Đảng Cộng sản tuần rồi có bàn về Đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
******************
Bộ Y Tế không phát hiện cán bộ tham nhũng năm nay (RFA, 09/10/2017)
Thanh tra Bộ Y tế nói rằng trong chín tháng đầu năm nay, trong bộ này không có việc tặng quà sai qui định nhân dịp lễ tết.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - AFP
Đây là một nội dung trong báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế gửi lên Thanh tra của Chính phủ.
Tuy vậy bảng báo cáo này cũng nói là việc kê khai tài sản của Bộ này chưa có hiệu quả, vì có các đơn tố cáo, khiếu nại, nhưng chưa có ai bị kiểm tra, để kê khai thu nhập.
Trong thời gian qua đã xảy ra một vụ bê bối có liên quan đến Bộ Y tế, đó là việc Bộ này cấp phép cho một công ty là VN Pharma nhập khẩu dược phẩm thuốc trị ung thư giả vào Việt Nam, mà một người quản lý cao cấp của công ty này lại là người nhà của đương kim Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Ngành y tế cũng bị người dân than phiền vì phải gửi phong bì cho bác sĩ, hộ lý khi đưa người thân đến chữa trị tại các bệnh viện ; nhất là trong trường hợp khẩn cấp.
*****************
Không thuyên chuyển cán bộ bị kỷ luật về trung ương (RFA, 09/10/2017)
Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa đưa ra một quy định mới không cho phép các cán bộ bị kỷ luật được chuyển về trung ương.
Ông Đinh La Thăng, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội. AFP
Qui định mang số 98-QĐ/TW được ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, ký ban hành vào ngày 7 tháng 10 vừa qua.
Theo qui định này việc luân chuyển cán bộ kể từ đây sẽ được thực hiện đối với những người làm công việc quản lý và thời gian luân chuyển ít nhất là ba năm.
Qui định này cũng nêu lý do tại sao phải luân chuyển cán bộ quản lý, đó là để tránh các cán bộ quản lý cao cấp là người địa phương, cũng như không để cho họ làm việc tại một địa phương quá lâu.
Các chức vụ sẽ nằm trong việc luân chuyển cán bộ như thế bao gồm : Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các bộ đứng đầu các cơ quan thanh tra, tài chính, công an, hải quan, thuế vụi cấp tỉnh, cấp huyện.
Trường hợp gần đây nhất cán bộ bị kỷ luật đã được chuyển về trung ương là ông Đinh La Thăng, bị cách chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, vào tháng Năm vừa qua và được chuyển về Ban nghiên cứu kinh tế trung ương của Đảng cộng sản.
*****************
Công An Việt Nam dừng bổ nhiệm mới tại nhiều đơn vị (RFA, 09/10/2017)
Hai năm nay ngành không an Việt Nam không tuyển thêm người từ bên ngoài.
Công an chặn đường trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nhằm ngăn cản biểu tình chống Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở biển Đông hôm 1/1/2012. AFP
Tin này được một số đơn vị công an tiết lộ cho báo chí Việt Nam biết.
Theo các nguồn tin thì Bộ Công an Việt Nam đang nghiên cứu một đề án kéo dài trong hai năm về hiệu quả công việc liên quan đến bộ máy nhân sự.
Tin cũng cho biết là có lúc bộ máy công an tăng lên rất nhiều biên chế sau năm 2009.
Hiện nay trung ương đảng cộng sản Việt Nam đang nhóm họp tại Hà Nội, và trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có bàn đến việc làm sao để bộ máy chính trị Đảng cộng sản cũng như Nhà nước Việt Nam do đảng này độc quyền lãnh đạo được gọn hơn.
Theo thống kê từ Đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay có đến 2 triệu năm trăm ngàn người làm việc trong các cơ quan đảng cộng sản và hành chính của chính phủ, chưa kể những người trong lực lượng quân đội và công an.
*****************
Sáp nhập Ủy ban Kiểm tra trung ương với Thanh tra Chính phủ ? (BBC, 09/10/2017)
Một thành viên Hội đồng lý luận trung ương tại Việt Nam cho rằng có thể sáp nhập Ủy ban Kiểm tra trung ương với Thanh tra Chính phủ, trong nỗ lực tinh gọn bộ máy.
3333333333333333
Ông Trần Quốc Vượng (trái) đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Phát biểu của ông đưa ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang bàn bạc làm sao tổ chức lại bộ máy chính trị.
"Chúng ta phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau".
"Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ ; Ban Tổ chức trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chính", ông Quốc Dũng nói.
44444444444444
Vai trò Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nổi bật
Ông nói thêm : "Hay các đảng ủy khối từ trung ương đến tỉnh, thành, các đảng ủy khối doanh nghiệp, khối cơ quan, khối Dân chính đảng, Đảng ủy khối doanh nhiệp tư nhân cũng là tầng nấc trung gian".
"Nếu không có tổ chức này, hoạt động của Đảng vẫn tồn tại và phát triển".
Ông ủng hộ nhất thể hóa bộ máy chức danh giữa Đảng và Nhà nước.
"Ví như, Bí thư giữ chức Chủ tịch một địa phương ; người đứng đầu một đơn vị của Nhà nước phải là Bí thư Đảng ủy của cơ quan ấy. Nhất thể hóa như vậy, một người làm việc của hai người, quyền lực sẽ tập trung hơn và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước".
Mới đây nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng kêu gọi "cách mạng bộ máy".
5555555555555
Một số 'đại án' được đem ra xử
"Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo", ông Phiêu nói.
Hội nghị trung ương 6 của Đảng Cộng sản tuần rồi có bàn về Đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đinh La Thăng - người vẫn còn "trung ủy" sau khi mất "chính ủy" - sẽ được "hạ cánh mềm" hay phải "hạ cánh cứng" - là một dấu hỏi lớn mà nhiều giới trong xã hội Việt Nam đang đặc biệt chú ý. Tò mò có, hả hê có, thương hại cũng có, hoặc cũng muốn biết bàn cờ chính trị nội bộ xoay chuyển theo hướng nào…
Đinh La Thăng trong lần tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ. (State Department photo/ Public Domain)
Buổi sáng Sài Gòn
Buổi sáng thứ Tư ngày 10/5/2017. Sài Gòn nắng nhẹ và đang vào mùa mưa. Các ủy viên bộ chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân đã không dự buổi kết thúc của Hội nghị trung ương 5, mà lại có mặt ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cách Hà Nội gần hai ngàn cây số.
Đi cùng với họ là Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu "sấm" bán trời không văn tự, vừa bị 90% ủy viên trung ương nhất trí "cách" khỏi Bộ Chính trị.
Suốt cả tháng trời trước buổi sáng Sài Gòn ấy, người ta không nhận ra Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh ồn ào hiện diện trên mặt báo chí như dĩ vãng gần. Cũng có tin cho biết ông Thăng thực ra đã được "điều" ra Hà Nội cả tháng trước khi Hội nghị trung ương 5 diễn ra.
Trong buổi sáng Sài Gòn ngày 10 tháng Năm năm nay, mọi chuyện đã diễn ra hết sức suôn sẻ và chóng vánh : thay mặt "tứ trụ", bà Kim Ngân trao quyết định điều động làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho "người cũ" là Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời đưa quyết định cho "người mới" là Đinh La Thăng nhận nhiệm vụ Phó trưởng ban tại Ban kinh tế trung ương.
Ngay khi đó đã phát ra một tiếng thở phào : Đinh La Thăng thoát tội rồi !
Những người bênh vực hoặc có thiện cảm với Đinh La Thăng không phải hiếm, bằng vào những ấn tượng mà ông Thăng đã tạo được nơi họ bằng một lối phát ngôn mạnh miệng hiếm muộn trong Bộ Chính trị. Không ít người đã chúc mừng "anh Thăng hạ cánh an toàn".
Nhưng chỉ ba ngày sau, công luận lại một lần nữa ồn ào như ong vỡ tổ. Nguyễn Phú Trọng - người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 - đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn "hình sự ta đang làm".
Chỉ đến lúc này, những người chúc mừng quá sớm mới chợt nhận ra một tín hiệu là lạ : tại sao có quá nhiều bộ ngành, ban đảng và ban chỉ đạo mà Tổng bí thư Trọng chỉ chọn đúng Ban kinh tế trung ương để cho Thăng về làm cấp phó ?
Cái lồng
Cái cách điều động của Nguyễn Phú Trọng đối với Đinh La Thăng lại rất mạnh và nhanh : thậm chí không có được vài hôm chia tay "đồng bào đồng chí miền Nam", chỉ một ngày sau cái buổi sáng bùi ngùi ôm lấy Phó bí thư thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Thăng đã phải có mặt ở Hà Nội để nhận bó hoa tươi thắm của Ban Kinh tế trung ương.
Ban Kinh tế trung ương ấy lại đang sở hữu một nhân vật đặc biệt mang chức trưởng ban : cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - từng một thời được xem là cánh tay mặt của "anh Ba Dũng".
Hình như "ông giáo làng" Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chơi một đòn thâm nho. Bây giờ thì ai nhìn vào Ban kinh tế trung ương cũng hiểu ra rằng đó là nơi để "nhốt quyền lực vào lồng" - cụm từ mà theo một tác giả thì Tổng bí thư Trọng đã mượn của Tập Cận Bình Trung Quốc và rất sính dùng.
Trong thực tế công tác nhân sự ở Việt Nam, có không ít ban chỉ đạo về những lĩnh vực nào đó đã trở thành cái rốn để nhồi nhét những nhân vật hoặc bị thất sủng, hoặc chờ về hưu, hoặc bị kỷ luật.
Nhưng Ban Kinh tế trung ương thậm chí còn có thể phải rước lấy một thân phận tồi tệ hơn cả các ban chỉ đạo trên : trong xu thế tinh gọn hóa bộ máy và tiến tới nhất thể hóa giữa hai khối đảng và chính quyền vào cuối năm 2017, sang năm 2018, người ta hoàn toàn có thể sáp nhập ban bị xem là "yếu" này với một vài bộ ngành bên chính phủ ; hoặc tồi tệ hơn thì giải tán "cái lồng" đó.
Để khi đó, nói như dân gian, cả Trưởng ban Nguyễn Văn Bình và Phó ban Đinh La Thăng đều không còn mảnh đất cắm dùi.
Tuy vậy, khả năng ban bị giải tán và nhân sự đương nhiên mất ghế vẫn còn là "hạ cánh mềm". Còn với cách nói nửa úp nửa mở "sẽ còn nữa" của Tổng bí thư Trọng, không ai trong hai nhân vật Thăng và Bình được hiểu là sẽ hoàn toàn an toàn để nghỉ ngơi an dưỡng mà chẳng phải lo đến "hậu sự".
Quy trình 5 bước ?
"Hậu sự" ấy lại quá mong manh. Nếu đúng như một lối nói úp mở khác gần đây của cây viết Huy Đức - người đã tung ra đến 3 bài trước Hội nghị trung ương 4 vào tháng 10/2016 để "đánh" Đinh La Thăng, cùng hăm he sẽ phanh phui đến cùng cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những hồ sơ về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt lên bàn Hội nghị trung ương 5 để phục vụ cho việc kỷ luật ông Thăng mới chỉ là "những mẩu con con", trong khi một mớ hồ sơ dày gấp nhiều lần đang được sở hữu bởi "cơ quan chức năng".
Mà như vậy, quy trình xử lý đảng và xử lý chính quyền chỉ là "chuyện nhỏ". Chuyện ghê gớm hơn hẳn mới là quy trình tố tụng hình sự. Có nghĩa là Đinh La Thăng, đến một lúc nào đó, sẽ phải đối diện với các cơ quan điều tra pháp luật. Việc đối mặt này cũng là bước 2, sau bước 1 bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở bước 2, nếu không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng sẽ chắc chắn phải "ra tòa" một lần nữa. "Tòa án" vẫn lại là Ban chấp hành trung ương. Nhưng thay vì chỉ bỏ phiếu kỷ luật như lần trước, các ủy viên trung ương sẽ phải bấm bụng quyết định để ông Thăng không còn là "đồng đảng" của mình theo ý chỉ của Bộ Chính trị.
Nếu mất cả chức ủy viên trung ương, Đinh La Thăng sẽ phải đối mặt với một nỗi nguy hiểm lớn hơn - bước 3. Vào lúc này và nếu lại không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng còn có thể bị tước cả đảng tịch, tức bị khai trừ khỏi đảng "vinh quang và đời đời bất diệt", sau đó đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.
Đó chính là một tiền đề của quy trình tố tụng hình sự : một quan chức đã bị khai trừ đảng và mất ghế đại biểu quốc hội thì đương nhiên không còn "quyền bất khả xâm phạm". Để khi đó, cơ quan điều tra pháp luật có thể "tùy nghi xâm phạm" - tức sang bước 4.
Trong trường hợp tồi tệ, Đinh La Thăng Việt Nam có thể trở thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
Năm 2012, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, "đúng quy trình", bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân.
Bước 5, cũng là khả năng tồi tệ nhất đối với Đinh La Thăng, là như vậy. Tức nếu ai đó quên bẵng hứa hẹn "đánh người chạy đi, không đánh kẻ chạy lại", ông Thăng có thể sẽ bị bắt để điều tra về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một lô lốc vụ việc khác mà bên đảng không bỏ qua. Và nếu vận may vẫn không một chút an ủi, ông sẽ phải đối diện với một tòa án thật sự chứ không còn nằm trong ngoặc kép.
Cùng với những "người quen cũ" của ông…
Khi đó, chỉ còn cầu trời cho vận may cuối cùng : án treo.
Nhưng ngoài cái án kỷ luật đảng đã nhận, 4 bước còn lại vẫn chỉ là giả thiết ở thì tương lai. Có lẽ đã đến lúc ông Thăng cần một chút xác tín tôn giáo để cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi…
Phạm Chí Dũng
VOA, 19/05/2017
Tại Hội nghị trung ương 5 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10 tháng 5, Ban chấp hành trung ương Đảng quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Thăng sau đó phải thôi chức Bí Thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được điều động về làm Phó Ban Kinh tế trung ương.
Ông Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Giao thông, năm 2014. AFP photo
Cách xử lý kỷ luật này được dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sai phạm trong quá khứ của ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những bàn luận xung quanh hình thức xử lý một lãnh đạo bị "thất sủng" như nhà nước Việt Nam thường áp dụng.
Thất sủng
Quyết định kỷ luật của Ban chấp hành trung ương đối với ông Đinh La Thăng đã dẫn đến rất nhiều những tranh luận, bàn cãi trên mạng xã hội những ngày gần đây. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, liên quan đến cá nhân ông Đinh La Thăng và hình thức xử lý kỷ luật.
Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất cho biết trong dư luận có những ý kiến về việc thuyên chuyển ông Đinh La Thăng về làm phó ban Kinh tế trung ương.
"Cái sai phạm của ông Đinh La Thăng đến mức phải tước cái Ủy viên Bộ chính trị là sai phạm về mặt kinh tế, điều hành kinh tế khi là chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Thế mà bây giờ lại điều ổng về làm Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, thì không biết ổng điều hành kinh tế cái gì ? Không lẽ sai phạm về mặt kinh tế lại đưa ra làm tham mưu về mặt chính sách của kinh tế trung ương ? Đó là điều khó hiểu"
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Giám đốc Viện Nghiên Cứu Phát triển (IDS) đã giải thể, có ý kiến hoàn toàn khác. Trước tiên, ông đưa ra nhận xét ở một khía cạnh được cho là "bên ngoài", tính đến tính hiệu quả, nếu có, của việc thuyên chuyển Đinh La Thăng.
"Những người mà được gọi là bị thất sủng thì được nhồi vào các ban, bệ thực sự là vô thưởng vô phạt, có tính chất nghiên cứu. Còn tôi nghĩ rằng nếu ông Thăng là một người thông minh, có kinh nghiệm về kinh tế, thì tôi nghĩ làm phó ban kinh tế trung ương, ông ấy có thể có nhiều ý tưởng hay ho ?".
Vấn đề này được blogger Trương Duy Nhất gọi là cách bố trí nhân sự lâu nay trong Đảng.
"Cứ ông nào nếu thất sủng, mà hàm ở cấp cao, không biết đẩy vào đâu thì cứ nhét vào cái hàm phó ban của các bang đảng nào đó, vô thưởng vô phạt, như ban Dân vận, ban Kinh tế trung ương.
Khi ông Đinh La Thăng về đó, về quyền lực thì thật sự chẳng có quyền lực nào cả. Ngồi chơi xơi nước".
Ban Kinh tế trung ương được thành lập với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban Kinh tế trung ương. Nhưng theo ý kiến của blogger Trương Duy Nhất, vai trò và tiếng nói của ông Bình vốn đã không được mạnh, thì hiện tại với vị trí ‘Phó ban’ của ông Đinh La Thăng càng "nhạt nhoà’ hơn.
Blogger Trương Duy Nhất cũng nói đến trường hợp thuyên chuyển ông Nguyễn Bá Thanh từ Bí thư thành ủy Đà Nẵng ra làm Trưởng Ban Nội chính trung ương năm 2012 khi Bộ Chính trị quyết định lập Ban Nội chính trung ương và Ban Kinh tế trung ương. Blogger Trương Duy Nhất cho rằng hai sự thuyên chuyển của ông Thăng và ông Thanh là hoàn toàn khác nhau
"Trường hợp Đinh La Thăng là trường hợp bị kỷ luật và thất sủng và đưa về cái ban kinh tế, vai trò của ban kinh tế đã yếu, lại làm phó ban thì vai trò ông Thăng gần như số o.
Ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó khác. Ông được đưa ra làm Trưởng ban nội chính, kiêm phó ban thường trực của Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương Đảng. Quyền lực ông Thanh lúc đó rất to".
Đường lối kinh tế của Đảng
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng (giữa) trên chiếc Airbus A350XWB bay thử tại sân bay Nội Bài Hà Nội vào ngày 22 tháng 11 năm 2014. AFP photo
Sau khi cho rằng "đây là kết quả tất yếu của một cuộc đấu đá nội bộ vốn dĩ đã có từ rất lâu" thì Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A bày tỏ việc buộc tội Đinh La Thăng là những "vấn đề nằm ở trên ngọn".
"Tất cả những cái sai lầm hoặc những thất thoát mà ông ấy đã gây ra là do ông ấy đã thực hiện đường lối kinh tế của Đảng cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác là cái nguyên nhân sâu xa để gây ra những lỗi lầm của ông Thăng, không phải là bản thân ông Thăng mà là đường lối của Đảng cộng sản, mà những người to hơn ông Thăng rất nhiều đã xác định từ lâu rồi, mà ông Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhân vật chính".
Phát triển các tập đoàn kinh tế, lấy đó làm "quả đấm thép" và cho rất nhiều ưu ái để phát triển, là đường lối kinh tế của Đảng cộng sản tiến sĩ Nguyễn Quang A đã đề cập.
"Ông Thăng chỉ là 1 người thừa hành, thực hành đường lối ấy mà thôi".
"Khi rơi vào một bộ máy, một hệ thống như thế này thì có thể bản thân hệ thống nó làm tha hoá những người rất tử tế, rất thông minh, rất giỏi giang".
Đối với quan điểm của ông, đấy là cái chính dẫn đến thất bại không phải chỉ riêng Đinh La Thăng mà ở tất cả tập đoàn khác. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì với đường lối chính sách hiện tại của Đảng cộng sản thì không có ông Thăng này cũng có ông Thăng khác vì ông Thăng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại ở một tổng công ty nhà nước.
Theo như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi bế mạc Hội nghị trung ương 5, "ông Đinh La Thăng có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ" trong thời kỳ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam".
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng có đề cập đến việc ông Thăng lấy tiền của PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương rồi mất vốn vì ngân hàng này làm ăn thua lỗ. Số tiền bị tổn thất trong vụ rót vốn này lên đến 800 tỷ đồng.
Blogger Trương Duy Nhất cho rằng việc kỷ luật và hình thức kỷ luật đối với Đinh La Thăng là "thể hiện một quyết tâm sắt đá của ông Nguyễn Phú Trọng" đối với sai phạm của cá nhân ông Đinh La Thăng nói riêng và tập đoàn PVN nói chung. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra một dấu hỏi :
"Nếu hồi tố trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong giai đoạn làm chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam thì cũng trong thời điểm đó, trách nhiệm của những cá nhân khác đối với nền kinh tài của quốc gia, rồi đối với những đổ bể của các tập đoàn kinh tế lớn khác cũng không thua kém như đổ bể của Vinashin, Vinaline ?"
Vụ án Vinashin là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng. Một loạt các quan chức của Vinashin bị đưa ra xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Trong khi đó, vụ án Vinalines với, thông qua thương vụ mua ụ nổi 83M đã hư hỏng nặng. Ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc và các đồng phạm đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 336 tỷ đồng.
Con đường quan lộ của ông Đinh La Thăng, người có những phát ngôn táo bạo như : "giành lại ngôi vị Hòn Ngọc Viễn đông" cho Sài Gòn, hoặc lập đường dây nóng để nghe bức xúc của người dân… khi là Bí thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh chính thức kết thúc sau 1 năm rưỡi, vào chiều ngày thứ Hai, 10 tháng 5.
Tuy nhiên, với quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cho rằng cái chính của hình thức thuyên chuyển Đinh La Thăng là kết quả của "cuộc đấu đá không triệt để lắm" và nó sẽ khó có kết thúc thoả đáng vì theo ông, "triệt để lắm thì nó vỡ mất cái bình" theo đúng lời mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước kia về chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản là ‘đánh chuột chánh vỡ bình’.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 11/05/2017