Bất chấp chiến tranh, Moskva và Kiev vẫn tôn trong hợp đồng 5 năm để đưa khí đốt của Nga sang Châu Âu qua lãnh thổ Ukraine. Cũng vì xung đột 2 trong số 4 ngả xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Âu bị tắc nghẽn. Trước khi Gazprom và Naftogaz đàm phán lại về một thỏa thuận mới cho giai đoạn 2025-2029, Kiev tấn công vùng Kurk, chiếm Soudja, tạm thời kiểm soát một cửa ngõ xuất khẩu năng lượng của Nga để tạo thêm sức mạnh cho "kế hoạch chiến thắng".
Logo của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom. © Dmitri Lovetsky / AP
Phải chăng đây là một tính toán để Ukraine mặc cả với chính quyền Putin về "kế hoạch" chấm dứt chiến tranh mà tổng thống Volodymyr Zelensky đem đến Washington, trình bày với tổng thống với quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ?
Ngày 05/09/2024, phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Vladivostock, tổng thống Putin nhìn nhận kinh tế Nga sẽ bị "thiệt hại về tài chính" nếu Kiev không triển hạn hơp đồng với tập đoàn dầu khí Gazprom để xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Hiệp Châu Âu. Hợp đồng hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Trên nguyên tắc Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine sẽ phải đàm phán lại về một thỏa thuận 5 năm, nhưng cuối tháng 8/2024 tổng thống Zelensky chính thức thông báo "ngừng triển hạn" thỏa thuận với phía Nga.
Bài toán đối với Gazprom càng thêm nan giải từ khi Kiev mở chiến dịch tấn công vùng Kursk hồi đầu tháng 8/2024, kiểm soát thành phố Soudja, trạm cuối cùng trước khi khí đốt của Nga "bước vào lãnh thổ Ukraine" ở thành phố Soumy.
Khí đốt, công cụ chính trị đôi bên cùng khai thác
Trả lời RFI tiếng Việt, từ Moskva Arnaud Dubien, giám đốc điều hành Đài Quan Sát Pháp Nga, nhắc lại về tầm mức quan trọng của Ukraine trong hệ thống xuất khẩu năng lượng của Nga :
Arnaud Dubien : "Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt đặt trên lãnh thổ Ukraine có từ thời Liên Xô. Khi đó trước hết là để cung cấp năng lượng của Liên Xô cho các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở đông Âu. Đến khoảng thập niên 1970 thì Liên Xô bắt đầu cung cấp luôn cả cho nhiều nước tây Âu. Hệ thống các đường ống này tuy đã cổ lỗ nhưng chúng vẫn tồn tại ngay cả khi Liên Xô sụp đổ và vẫn còn tiếp tục hoạt động sau ngày 24/02/2022 khi Nga tuyên chiến với Ukraine. Trước chiến tranh, 5 năm một lần, Moskva và Kiev vẫn đàm phán lại về thỏa thuận khí đốt. Đôi bên đã từng trải qua hai cuộc khủng hoảng vào năm 2005 rồi 2019 khi mà chính quyền Ukraine bày tỏ mong muốn tiến gần hơn về phía phương Tây. Khí đốt như vậy trở thành một công cụ chính trị để Nga bắt chẹt Ukraine và trong chiều ngược lại đối với Kiev, là cửa ngõ để đưa năng lượng của Nga ra thế giới bên ngoài giúp Ukraine chiếm được một lợi thế (…).
Cho đến hiện tại, điều ngạc nhiên là thỏa thuận giữa Nga với Ukraine về khí đốt vẫn hoạt động, đơn giản do Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiêu thụ khí đốt của Nga. Cho dù là hai phe tham chiến nhưng đối với Moskva, hệ thống đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine quan trọng hơn bao giờ hết. Ngả này chiếm một trọng lượng rất lớn đối với kinh tế của Nga, do những đường ống dẫn khác, như Nord Stream hay Yamal phải đi qua lãnh thổ Ba Lan, đã bị gián đoạn".
Gazprom mất gần 90% thị trường ở Châu Âu
Trước khi Moskva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine" hàng năm Nga xuất khẩu 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Âu, qua bốn ngả khác nhau (Ukraine, Nord Stream, Yamal và Turkish Stream). Hiện tại, dưới tác động chiến tranh, khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang Châu Âu đã sụt giảm đến hơn 87% trong chưa đầy ba năm. Để đến được Châu Âu khí đốt của Nga phần lớn vẫn phải "quá cảnh" ở Ukraine. Theo hợp đồng hiện hành Gazprom và Naftogaz đã thông qua hồi 2019, mỗi năm 40 tỷ mét khối khí đốt của Nga bán sang Châu Âu trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Cuối 2023 trên thực tế chỉ có 12-13 tỷ mét khối đi qua ngả này. Để so sánh trong giai đoạn "cực thịnh" 2008-2019, trung bình một năm các đường ống trên lãnh thổ Ukraine chuyển 90 tỷ mét khối khí đốt của Nga đến người tiêu dùng Châu Âu.
Dù có suy giảm mạnh nhưng đến nay Nga và Ukraine vẫn không dám xa rời nhau trên hồ sơ khí đốt. Sau hơn 940 ngày chiến tranh, hệ thống các ống đưa khí đốt của Nga sang Châu Âu đi ngang qua lãnh thổ Ukraine vẫn nguyên vẹn ; khí đốt là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà đối thoại giữa hai Moskva và Kiev chưa bao giờ bị gián đoạn. Về mặt chính thức, Ukraine không còn "nhập khẩu" dầu khí của "kẻ thù" mà dựa hẳn vào năng lượng của "đồng minh Châu Âu" có điều Liên Âu vẫn là một khách hàng mua vào khí đốt của Nga, nhất là khí hóa lỏng.
Đầu óc thực dụng của Moskva và Kiev
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt này phần nào là "một lá bùa hộ mạng" cho Ukraine. Arnaud Dubien, Đài Quan Sát Pháp Nga từ Moskva giải thích điện Kremlin sẽ không dám động vào hệ thống này chừng nào mà Liên Âu còn phải mua năng lượng của Nga. Về phía Kiev, chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky cũng không dại để mất đi một nguồn thu nhập nhờ "cho thuê đất" hàng năm vẫn nhận được từ tay Gazprom.
Arnaud Dubien : "Các đường ống dẫn khí đốt phần lớn được chôn trong lòng đất, Nga tránh không oanh kích vào các khu vực đặt các đường ống dẫn sang Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Ukraine thì Kiev cũng không dám chận các hệ thống trung chuyển này, vì đó là khí đốt xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu. Có điều thỉnh thoản Kiev ‘làm mình làm mẩy’ với một số thành viên trong Liên Âu như là Áo, Hungary hay Slovakia vì những nước này kém mặn mà giúp đỡ Ukraine. (…) Cần phải đợi thêm một vài tuần nữa mới biết được tiến trình đàm phán về thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraine sẽ diễn tiến ra sao. Điều chắc chắn duy nhất là lần này, hai tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine không trực tiếp đàm phán như điều vẫn thấy từ trước đến nay".
Ukraine chơi trò "rung cây dọa khỉ"
Vậy phải chăng việc ông Zelensky tuyên bố ngừng triển hạn thỏa thuận khí đốt giữa tập đoàn năng lượng Ukraine Naftogaz và đối tác Nga là Gazprom chỉ là đòn "rung cây dọa khỉ", bởi vì cắt đường ống dẫn khí đốt với Nga, Kiev sẽ gây khó khăn cho thị trường năng lượng tại Liên Hiệp Châu Âu, điểm tựa quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế và nhất là năng lượng của Ukraine.
Arnaud Dubien : "Gazprom mất một phần lớn thị trường Châu Âu. Trước đây tập đoàn này xuất khẩu mỗi năm hơn 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại chỉ còn chừng từ 20 đến 30 tỷ mét khối. Đây là một thiệt hại rất lớn đối với kinh tế Nga, bảo đảm từ 20 đến 30% tiêu thụ cho Liên Âu. Sau hơn 2 năm chiến tranh tỷ lệ này rơi xuống còn 15% nhưng phải nói rõ trong số 15% ấy thì chỉ có một nửa là khí đốt, nửa còn lại là khí hóa lỏng (LNG). Công nghiệp khí hóa lỏng lại do một tập đoàn tư nhân Nga Novatek sản xuất và xuất khẩu, thành thử ra, Gazprom lại càng thua thiệt nhiều".
Theo thống kê của viện nghiên cứu Châu Âu Bruegel tại Bỉ, cuối 2023 Gazprom chỉ còn kiểm soát 5% thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên ông Dubien tin rằng dưới hình thức này hay hình thức khác, Nga và Ukraine cũng sẽ tìm được đồng thuận vì không bên nào muốn giết chết con gà đẻ trứng vàng. Ukraine vẫn cần có năng lượng bảo đảm cho tiêu thụ nội địa, cần để ngỏ van cho khí đốt của Nga tiếp tục chảy sang 27 nước thành viên Liên Âu, nhất là một số quốc gia trong khối này như Áo vẫn lệ thuộc đến 98% vào "khí đốt của Nga". Như vừa nói, nếu như Liên Âu hạn chế nhập khẩu khí đốt của Nga, thì trái lại nhập khẩu khí hóa lỏng của Nga khuynh hướng tăng nhanh…
Nga không thể để mất Châu Âu
Ở góc đài bên kia, Moskva không thể để mất thị trường Châu Âu. Cuộc chiến nào rồi cũng có ngày sẽ kết thúc, Liên Âu ở sát cạnh cửa ngõ của nước Nga với hơn 500 triệu người tiêu dùng. Thêm một thực tế khác là những nỗ lực của các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí Nga để chuyển hướng sang Châu Á vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn.
Arnaud Dubien : "Châu Á chưa thể thay thế Châu Âu để mua khí đốt của Nga - hay cùng lắm là chỉ mới thế chỗ được một phần nào mà thôi. Chúng ta cần phân biệt giữa khí đốt và khí hóa lỏng. Novatek khai thác LNG từ khu vực Yamal và xuất khẩu sang Châu Á bằng tàu thủy, Gazprom cũng bán khí đốt cho các khánh hàng ở Châu Á bằng ngả này. Do vậy, hiện tại khối lượng xuất khẩu sang Châu Á không nhiều và cũng chính vì thế mà Gazprom đầu tư vào hai đường ống Power of Siberia 1 và 2, để thỏa mãn thị trường Trung Quốc. Đường ống Siberia 1 đã bắt đầu hoạt động từ 2019 và có khả năng cung cấp khoảng 38 tỷ mét khối khí đốt một năm. Để so sánh trước đây, Gazprom từng xuất khẩu mỗi năm 150 tỷ mét khối cho Liên Âu. Chính vì cần mở rộng thị trường tại Châu Á, Gazprom đã khởi động dự án thứ nhì là Siberia 2 và dự trù một khi hoạt động, đường ống này có thể cung cấp đến 50 tỷ mét khối hàng năm. Nhưng Bắc Kinh mặc cả quá chặt chẽ, còn phía Moskva thì không muốn bán rẻ năng lượng của Nga cho Trung Quốc và dự án đường ống Siberia 2 còn dậm chân tại chỗ".
Thêm một yếu tố khác nữa giải thích vì sao Nga có thể vẫn ngọt nhạt với Ukraine trên hồ sơ khí đốt, bởi bất chấp thời sự chiến tranh và những tuyên bố Bruxelles đòi "cai nghiện" năng lượng của Nga, thực tế cho thấy nhờ có Ukraine, Nga vẫn thu về 6 tỷ euro nhờ xuất khẩu năng lượng sang Liên Âu và đó vẫn là một nguồn thu nhập quý giá đối với các nhà sản xuất Nga. Hơn nữa, tổng thống Putin thừa biết năng lượng là một công cụ hữu hiệu để duy trì ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị với nhiều nước trong Liên Âu. Nga không dại để Mỹ độc quyền cung cấp dầu khí cho Liên Âu, hay để tự trói mình vào hai khách hàng lớn nhất tại Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 24/09/2024
Là một quốc gia có diện tích chỉ gấp 2 lần Singapore, nhưng lại là nguồn dự trữ khí đốt lớn thứ ba trên thế giới - sau Nga và Iran, Qatar, trong chưa đầy 50 năm, trở thành một trong bốn nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới và Doha đã liên tục sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên này để khẳng định vị trí trong khu vực và trên trường quốc tế.
Doha trước thềm Cúp bóng đá thế giới 2022. Ảnh ngày 19/11/2022. AP - Martin Meissner
Đối với đại đa số, Qatar, được biết đến nhờ hãng hàng không Qatar Airways. Trong giới truyền thông, quốc gia nhỏ tí trong vùng Vịnh này nổi tiếng nhờ hai kênh truyền hình có uy tín và có nhiều khán giả theo dõi Al Jazeera và beIn Sport.
Thể thao, tủ kính quảng bá cho hình ảnh của Qatar
Trong lĩnh vực thể thao, Qatar là chủ nhân câu lạc bộ bóng đá Paris Saint Germain, là nơi từ 2004 đến nay vẫn diễn ra cuộc đua xe hơi Công Thức 1. Doha là một trong những giải thưởng lớn trong làng quần vợt. Năm 2006 Qatar tổ chức Á Vận Hội để rồi 16 năm sau Doha đăng quang với việc tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới 2022. Từ thành công này đến thành công khác, Qatar ấp ủ giấc mơ đăng cai Thế Vận Hội Olympic trong thập kỷ sắp tới.
Nhưng sau loạt khủng bố tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023, Qatar trở thành tâm điểm của các hoạt động ngoại giao như thể một trong những chìa khóa hòa bình cho Trung Cận Đông đang được đặt tại Doha. Châu Âu và Mỹ ráo riết vận động Qatar để giải cứu cho khoảng 200 con tin Israel và song tịch trong tay Hamas và nhất là để duy trì kênh đối thoại với "trục tội ác" chịu ảnh hưởng của Iran.
Từ một làng chài...
Tạp chí kinh tế hôm nay xin điểm lại trường hợp của một quốc gia trong vùng Vịnh, từ "một làng chài nghèo khó" nay trở thành chủ nhân của những khách sạn sang trọng nhất tại những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới như New York hay Luân Đôn, Paris.
Qatar cũng là cổ đông của những tập đoàn Âu-Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao ở thung lũng Silicon đến khu thương mại sang trọng nhất trên đại lộ Champs Elysées – Paris, là chủ nợ của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, hiện diện trong các hãng xe của Đức như Porsche hay Volkswagen …
Cách nay 100 năm, Qatar còn là một vùng đất thuộc địa của Anh, một "vẩy móng tay" dựa lưng vào ông khổng lồ Saudi Arabia hướng ra Vịnh Ba Tư. Dân cư sống bằng nghề chài lưới, mò bắt ngọc trai. Nhưng đến thập niên 1940, kinh tế Qatar hoàn toàn sụp đổ vì bị ngọc trai của Nhật Bản cạnh tranh.
Dầu khí làm thay đổi vận mệnh quốc gia
Thế chiến thứ hai bùng nổ, đấy cũng là thời điểm Qatar khám phá được những giếng dầu đầu tiên và ngành công nghiệp khai thác dầu hỏa đã nhanh chóng cho phép dân cư xứ này được nhân lên gấp bốn lần trong chưa đầy một phần tư thế kỷ.
Đến đầu thập niên 1970, Qatar bắt đầu trở nên giàu có, gia đình Khalifa Hamad Al Thani giành lại chính quyền, tuyên bố độc lập với vương quốc Anh. Đó cũng là thời điểm Qatar phát hiện mỏ khí đốt ngoài khơi : North Field. Trong một sớm một chiều, Qatar làm chủ từ 13 đến 16% trữ lượng khí đốt của toàn cầu và đây là điểm khởi đầu của sự cất cánh thần kỳ của một nước có diện tích chưa đầy 12.000 km vuông, (tương đương Paris và vùng phụ cận) và chưa đầy 3 triệu dân cư mà 90% là người lao động nước ngoài.
Ông Pierre Terzian, giám đốc tạp chí chuyên về chiến lược phát triển dầu hỏa Pétrostratégies của Pháp, giải thích :
"Mỏ Nord Field East thật sự là lá phổi kinh tế của Qatar vì đây là nguồn cung cấp điện lực, là điểm khởi đầu của cả ngành công nghiệp hóa dầu, của các hoạt động xuất khẩu khí đốt qua đường ống để cung cấp cho Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất và Oman, cũng như là của toàn bộ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu khí hóa lỏng. Ba phần tư xuất khẩu khí hóa lỏng của Qatar hướng tới các thị trường Châu Á, phần còn lại là để cung cập cho Châu Âu. Qatar là một quốc gia hiếm hoi trong khu vực có ít trữ lượng về dầu hỏa nhưng lại rất giàu về khí đốt. Nhờ có khí đốt Qatar trở thành một đối tác then chốt được từ Châu Á đến Châu Âu ve vãn"
Qatar từng bước thoát khỏi cái bóng của hai ông khổng lồ dầu hỏa trong khu vực là Saudi Arabia – theo hệ phái Suni và Iran theo hệ phái Shia. Một phần ba dự trữ North Field - mà Tehran gọi là South Park - thuộc về Iran.
Trong ngót nửa thế kỷ, Doha trở thành một không gian của những khu nhà chọc trời đẹp nhất, hiện đại nhất thế giới, là nơi có nhiều viện bảo tàng, trường đại học danh tiếng và là trụ sở của tập đoàn hàng không Qatar Aiways.
Khí đốt kết nối Qatar với thế giới
Tháng 11/2022 Trung Quốc đã mở đường, ký hợp đồng mua khí hóa lỏng của Qatar trong vòng 27 năm. Trong những tuần qua, vào lúc mà ngoại trưởng Mỹ, rồi thủ tướng Anh, tổng thống Pháp hối hả đến Doha vì xung đột Israel – Palestine, thì tập đoàn năng lượng Ý Eni thông báo ký hợp đồng với đối tác Qatar để được cung cấp khí hóa lỏng trong vòng 27 năm.
Trước đó vài ngày, tập đoàn Pháp TotalEnergies và liên doanh Anh và Hà Lan Shell cũng đã rất phấn khởi với những hợp đồng tương tự. Năm ngày sau loạt khủng bố trên lãnh thổ Israel, tổng thống Đức Frank Walter Steinmeiner tiếp nhân vật số 1 Qatar là thân vương Tamim bin Al Thani tại Berlin và đối thoại cũng xoay quanh các hồ sơ năng lượng và đầu tư của Doha tại Đức. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu ráo riết tìm nguồn cung ứng năng lượng để thay thế cho dầu hỏa và khí đốt của Nga, Qatar là một lá "chủ bài". Đổi lại, Doha cần huy động vốn đầu tư của nước ngoài để vào ngưỡng năm 2027, nâng cao khả năng sản xuất khí hóa lỏng. Năng lượng chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của Qatar và chỉ nhờ vào khí đốt, quỹ đầu tư quốc gia QIA đang làm chủ một số tiền hơn 460 tỷ đô la Mỹ.
Trả lời đài phát thanh Pháp France Culture Hasni Abidi, giám đốc trung tâm nghiên cứu về thế giới Ả rập và vùng Địa Trung Hải CERMAM tại Genève -Thụy Sĩ, ghi nhận khí đốt là chiếc đũa thần đặt Qatar vào trung tâm bàn cờ năng lượng quốc tế và còn hơn thế nữa :
"Điểm khởi đầu là chiến lược đầu tư vào khí đốt và nhờ vậy kinh tế Qatar bắt đầu tỏa sáng trong khu vực và ở cấp quốc tế. Qatar bị kẹt giữa hai ông khổng lồ là Saudi Arabia và Iran. Nhưng nhờ có nhiều tiền và quan hệ tốt về mặt kinh tế, Qatar trở thành một quốc gia không thể thiếu đối với toàn thế giới".
Một vũ khí ngoại giao
Mỏ khí đốt ngoài khơi North Field không chỉ là một lá chủ bài về kinh tế mà còn là một quân cờ then chốt về ngoại giao : Doha đã đàm phán với Lebanon, để cùng khai thác một lô trên biển, với Iran cho dù Tehran đang bị Hoa Kỳ cấm vận. Nhưng như giám đốc trung tâm CERMAN tại Genève, Thụy Sĩ ghi nhận, từ trước thập niên 1990, Qatar đã tận dụng khí đốt để phục vụ các mục đích ngoại giao với các nước trong khu vực và tự đặt mình vào thế "không thể thiếu vì lợi ích chung của thế giới". Ông Hasni Abidi giải thích :
"Từ năm 1995 Qatar theo đuổi chiến lược đặt mình vào thế hữu ích cho tất cả các phe phái chính trị. Trong chiều hướng đó quốc gia vùng Vịnh này đã đón tiếp các nhà đối lập từ đủ mọi nơi. Sau phong trào đòi dân chủ Mùa Xuân Ả rập, Qatar đã tiếp nhiều lãnh đạo của phong trào Hồi giáo Palestine Hamas. Qatar có khả năng đối thoại với bất kỳ một ai và đó cũng là để đáp ứng một nhu cầu của Mỹ. Washington đã muốn thuyết phục Hamas tham gia tiến trình bầu cử và nhất là không muốn các lãnh đạo phong trào này sang định cư ở Syria hay Iran. Theo quan điểm của Hoa Kỳ đó là những quốc gia trong trục tội ác".
Đồng minh của Hoa Kỳ và là bạn của "trục tội ác"
Mùa hè 2021 khi mà Mỹ đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan thì Qatar là một mắt xích quan trọng để đưa người nước ngoài hồi hương ra khỏi khỏi chảo lửa ở Nam Á này. Trước đó, Washington cũng đã nhờ Qatar đứng ra làm môi giới bí mật đàm phán vơi phe Taliban. Gần đây, tháng 9/2023, cũng nhờ có Doha mà Mỹ và Iran đã trao đổi tù nhân …
Qatar là nơi Hoa Kỳ đã thiết lập căn cứ quân sự "lớn nhất trong vùng Vịnh" và cũng địa điểm để phong trào Hồi giáo Hamas Palestine đặt văn phòng đại diện "chính trị".
Doha duy trì "quan hệ chặt chẽ với Iran" không chỉ vì quyền lợi khai thác dầu khí trong vùng vịnh Ba Tư : thân phụ đương kim lãnh đạo Qatar đã đặc biệt vun đắp một mối liên hệ hữu hảo với Tehran và các phong trào Hồi giáo cực đoan trong khu vực với ý tưởng là "đến một lúc nào đó những mối bang giao này sẽ có lợi cho Doha". Chính vì thế mà theo chuyên gia Hasni Abidi, Qatar không khi nào chọn phe :
"Kể từ năm 1996 Qatar bắt đầu thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại với Israel. Thế rồi chính cựu thủ tướng Israel Shimon Peres đã công du Doha. Kể từ đó quan hệ song phương bắt đầu nầy nở. Cũng phải nói là Qatar là quốc gia đầu tiên trong vùng Vịnh thiết lập quan hệ với Israel và trong khối các nước Ả rập, thì Qatar chỉ đi sau có Ai Cập và Jordan mà thôi. Đương nhiên quan hệ giữa Tel Aviv với Doha không phải lúc nào cũng suôn sẻ dưới thời thủ tướng Benjamin Netanyahu. Nhưng đôi bên vẫn duy trì mối bang giao. Ông Netanyahu mong muốn Gaza chuyển mình và sẽ thay đổi như là ở West Bank (Cisjordanie) nghĩa là có hẳn một tầng lớp trung lưu ở Gaza và họ sẽ giữ khoảng cách với Hamas. Như vậy dần dần thu hẹp ảnh hưởng của Hamas. Chính vì lý do này mà Israel đồng ý để Gaza nhận viện trợ của Qatar"…
Thế còn đối với cộng đồng Hồi giáo Ả rập thì sao ? Giám đốc trung tâm nghiên cứu tại Genève Abidi trả lời :
"Qatar có quan hệ rất tốt với các nước Ả rập khác. Trong cuộc chiến tranh ném đá lần thứ nhất hồi năm 2000, chính Doha đã cứng giọng cảnh cáo Israel. Năm 2012 thân vương Qatar là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm dải Gaza và lập hẳn một quỹ đầu tư 400 triệu đô la cho Gaza. Các quốc gia Hồi giáo khác như Syria hay Iran rất hài lòng về việc này. Thế rồi Doha cũng rất thường xuyên mời đại diện của phong trào Hồi giáo Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo (Jihad) Palestine sang Qatar dự hội nghị… Doha rất thành công trong đường lối đối ngoại đầy mâu thuẫn đó".
Bảo hiểm nhân thọ
Phải nói là chính sách "không chọn phe" và đối thoại với tất cả các bên của chính quyền Doha đã thành công đến nỗi mà các đối thủ trong khu vực của Qatar phải ganh tị. Điển hình là Saudi Arabia năm 2017 đã thành lập một liên minh "phong tỏa" Doha nhưng rồi chỉ 5 năm sau cũng Ryadh đã làm lành với Doha. Trong giai đoạn khó khăn đó, kinh tế Qatar vẫn vững mạnh : Khí đốt năm 2020 bảo đảm 61% GDP cho Qatar, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu và cho phép đài thọ 75% ngân sách Nhà nước.
Ý thức được chỉ là một nước nhỏ trong khu vực, Qatar dùng khí đốt như một công cụ để phát triển, để chinh phục một vị trí trên bàn cờ tài chính và thương mại, công nghệ cao, để mở rộng ngành du lịch, chinh phục thế giới bằng một ngôn ngữ phổ quát là thể thao.
Ngoài ra đặt mình vào cái thế trung gian không thể thiếu cho các nước lớn, cũng là một dạng "bảo hiểm nhân thọ" để tồn tại và khẳng định vị trí riêng của một quốc gia lệ thuộc đến gần 90% vào các nguồn lao động nước ngoài.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 31/10/2023
Chiến dịch tranh cử Quốc hội Pháp vào tháng 6/2022 bắt đầu sôi động với những thỏa hiệp liên kết của cánh tả ; Cuộc chiến tranh Ukraine tiếp diễn nóng bỏng, Liên Hiệp Châu Âu hối hả chuẩn bị đợt trừng phạt Moskva thứ 6 với trọng tâm là dầu lửa Nga… Đây là những đề tài thời sự chiếm chủ yếu các trang báo Pháp ra ngày hôm 03/05/2022.
Trạm tiếp nhận Nezvizh ở Belarus, nơi mà khí đốt của Nga được trung chuyển để sang Ba Lan và Đức. (Photo : AFP )
Về chiến dịch tranh cử Quốc hội Pháp, sự chú ý được dồn về sự kiện đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - La France Insoumise (LFI) của ông Jean-Luc Mélanchon, về thứ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đã đạt được thỏa thỏa thuận với đảng Xanh (Europe Ecologie-Les Vert) để liên kết ra tranh cử Hạ Viện Pháp. Nhật báo Le Monde nhận xét qua hàng tựa chính trang nhất : "Liên minh cánh tả : LFI thắng ván đầu tiên" nói về việc hôm Chủ Nhật vừa rồi hai đảng này đã đạt thỏa thuận chưa từng có về các địa hạt bầu cử cho đảng Xanh.
Nhật báo Le Figaro thì chạy tựa chính : "Mélanchon đang áp đặt luật cho cánh tả như thế nào ?". Tờ báo cho thấy, ngay sau khi về thứ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Jean-Luc Mélanchon đã kêu gọi liên minh các lực lượng chính trị cánh tả. Nếu thành công, "sự thống lĩnh của Mélanchon sẽ phác họa ra một cánh tả mới của nước Pháp". Sau thỏa thuận với đảng Xanh, có thể sẽ là đảng Xã Hội và đảng cộng sản sẽ tham gia liên minh với Nước Pháp Bất Khuất. Một liên minh cánh tả rộng lớn có thể sẽ khiến đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống vừa tái đắc cử, Emmanuel Macron, khó giành được đa số cầm quyền ở Quốc hội.
Nhật báo công giáo La Croix thì nhận định, việc liên kết của các đảng cánh tả xung quanh đảng nước Pháp Bất Khuất chỉ mang mục tiêu rõ ràng là giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp tới đây và đưa ông Mélanchon lên làm thủ tướng, một khi chiếm được đa số ở Quốc hội, chứ cánh tả Pháp vẫn chưa thể nói được là đã hòa hợp, đoàn kết với nhau.
Cũng liên quan đến bầu cử lập pháp nhưng ở nước Úc, báo Le Monde có bài "Trung Quốc phủ bóng trên cuộc bầu cử lập pháp ở Úc". Bài báo cho thấy, thỏa thuận an ninh mà Bắc Kinh đã ký với quần đảo Salomon nằm bên cạnh nước Úc là sự kiện chưa từng có trong vùng Thái Bình Dương, đang làm dấy lên các cuộc tranh luận ở Úc, đặc biệt trong chiến dịch tranh cử Quốc hội đang diễn ra. Các đảng đối lập coi đó là thất bại lớn của chính quyền Canberra, đã không đề phòng được trước thỏa thuận và đó là bước tiến chưa từng có của Trung Quốc đến sát nước Úc, phá hỏng nghiêm trọng môi trường chiến lược của đất nước… Công Đảng đối lập còn gọi đó là "thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Úc từ sau Đệ nhị Thế chiến".
Theo Le Monde, từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã mở rộng rất mạnh ảnh hưởng trong vùng nam Thái Bình Dương, chủ yếu nhờ chính sách viện trợ hay cho vay ưu đãi. Năm 2019, khi chính phủ Salomon bất ngờ chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa hẹn dành cho quần đảo này "những cơ hội phát triển chưa từng có". Mặc dù vậy, Úc vẫn là nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho quần đảo. Hai nước vẫn có một hiệp ước an ninh. Giờ đây, nước Úc lo ngại Trung Quốc sử dụng thỏa thuận về an ninh, chưa từng có trong vùng, để lập căn cứ hải quân tại quần đảo Salomon. Điều này sẽ là một mối đe dọa lớn đối với an ninh lãnh thổ và các tuyến cung ứng của Úc trong trường hợp xảy ra xung đột. Hiện tại, thủ tướng Salomon, ông Sogavare, cam kết không cho lập một cơ sở quân sự như vậy trên lãnh thổ Salomon.
Theo Le Monde, trước các tham vọng của Trung Quốc, các chuyên gia chiến lược Úc khuyến cáo đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp tới đấy, dù là đảng nào, cũng cần phải nhanh chóng củng cố khả năng quốc phòng của đất nước.
Chuyển qua với các trang bài liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, hầu hết các báo đều chú ý vào cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm qua (02/05), tại Bruxelles.
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài "EU trên đường hướng tới gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga". Tờ báo cho thấy, cuộc họp này là để các bộ trưởng năng lượng của Liên Hiệp Châu Âu phối hợp chiến lược về khí đốt nhằm đối phó với khả năng Nga có thể sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Liên Âu. Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu sẽ phải thông báo loạt trừng phạt mới đối với Nga tập trung vào cấm vận dầu lửa. Hiện tại, mới chỉ có hai nước trong Liên Hiệp là Ba Lan và Bulgaria bị Nga cắt khí đốt. Hai nước này đang được hỗ trợ tích cực từ phía Liên Âu, nhưng trong tương lai EU phải tính toán các biện pháp mang tính hệ thống để giảm dần sự lệ thuộc vào khí đốt Nga, đặc biệt việc tích trữ cho mùa đông tới, cũng như tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, theo Les Echos.
Giai đoạn tiếp theo của chiến lược năng lượng sẽ liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Ủy Ban Châu Âu từ nhiều ngày qua đã thăm dò các nước thành viên, và dự tính sẽ thông báo gói trừng phạt thứ 6 trong tuần này, trọng tâm là cấm vận dầu lửa Nga. Các bước có thể cũng sẽ được tiến hành dần dần, trước mắt là giảm nhập khẩu dầu Nga, rồi tiến đến ngừng hẳn vào cuối năm nay. Hiện tại, trong lĩnh vực năng lượng, Châu Âu mới ban hành lịch trình cấm vận than đá Nga cho tới mùa hè này thì ngừng hẳn.
Theo Les Echos, từ trước tới nay, vấn đề cấm vận dầu lửa vẫn vấp phải sự từ chối của Berlin vì lo ngại kinh tế thiệt hại, nhưng lần này lập trường của Đức đã thay đổi theo hướng tích cực, sau khi đã cố gắng cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập của Nga từ tháng Hai, giờ đây Đức đã sẵn sàng chấp nhận lệnh cấm vận chung của Liên Hiệp. Nhưng lại nổi lên vật cản Hungary, nước lệ thuộc lớn vào dầu khí Nga và vẫn được mua dầu với giá ưu đãi của Moskva. Budapest dọa phủ quyết nếu cấm vận dầu lửa gây khó khăn cho kinh tế Hungary.
Trước mắt, Liên Âu đang phải tính đến nguy cơ bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Nhiều nước trong Liên Hiệp đang đôn đáo đi tìm nguồn cung mới. Một trong các hướng là nguồn khí đốt Mỹ. Đây là hồ sơ sự kiện chính của nhật báo La Croix. Tờ báo chạy tựa trang nhất, trên bức ảnh lớn, một con tàu biển lớn chở khí hóa lỏng : "Châu Âu đổ xô vào khí đốt Mỹ". Tờ báo có bài phân tích "Khí đốt tự nhiên, một thứ vũ khí Mỹ đối phó với Nga". Theo La Croix, Hoa Kỳ muốn thế chỗ Nga trong việc cung ứng năng lượng cho Châu Âu, chủ yếu nhờ có nguồn khí đá phiến dồi dào. Quyết tâm của Mỹ nói thì dễ hơn nhiều với việc triển khai thực hiện.
Theo tờ báo, từ đầu tháng Tư, các phái đoàn đại diện của hơn chục nước Liên Âu từ Estonia Bulgaria hay Pháp… đã đến Houston, thủ phủ của ngành năng lượng Mỹ, để tiếp xúc với các tập đoàn sản xuất khí đá phiến lớn nhất của Mỹ. Mục đích là để thảo luận về "các giải pháp ngắn hạn" thay thế năng lượng Nga bằng nguồn cung ứng từ Mỹ. Theo La Croix, trong tháng Tư, các nước Châu Âu chiếm 65% lượng khí hóa lỏng xuất khẩu của Mỹ. Các công ty Mỹ trước vẫn nhắm tới thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, giờ quay sang tập trung vào Châu Âu.
Sau khi Nga quyết định cắt khí đốt của Bulgaria và Ba Lan, bộ Năng lượng Mỹ đã cho phép hai cơ sở sản xuất khí hóa lỏng đang còn trong quá trình xây dựng ở Texas và Lousiana được xuất khẩu sang các nước Châu Âu. Nhiều cơ sở sản xuất khí hóa lỏng ở Mỹ giờ đã chạy hết công suất. Nhưng một vấn đề đặt ra là các cảng tiếp nhận khí hóa lỏng chở từ Mỹ sang bằng tàu biển. Các hệ thống hạ tầng cơ sở này phải mất nhiều năm xây dựng, từ 5 năm cho đến hàng chục năm. Thêm vào đó là thách thức về vấn đề bảo vệ môi trường. Khai thác khí đá phiến và sử dụng khí đốt tự nhiên rõ ràng từng trước đến nay vẫn là hoạt động không hề thân thiện với môi sinh.
Vẫn liên quan đến chuyện đi tìm nguồn cung ứng khí đốt thay thế, nhật báo Libération có bài phóng sự ghi nhận, bất chấp giá thành cao và tác động đến môi trường, hai nước Estonia và Phần Lan sẽ cùng nhau xây dựng một cảng nổi tiếp nhận khí hóa lỏng để bỏ qua nguồn khí tự nhiên của Nga. Đầu tư lớn này có nguy cơ làm kéo dài việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong tương lai.
Chuyển qua với chủ đề chiến sự ở Ukraine, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết đáng chú ý với tựa đề : "Kremlin thu nhỏ mục tiêu tại Ukraine cho ngày kỷ niệm chiến thắng 09/05",
Les Echos cho biết dường như Moskva không còn đặt mục tiêu phải dành một chiến thắng nào đó trên chiến trường Ukraine để tán dương trong ngày lễ hàng năm mừng chiến thắng chủ nghĩa phát-xít sắp tới. Điều này đã được ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định hôm Chủ Nhật. Trong khi đó, trên mặt trận Donbass, quân Nga vẫn không tiến được bao nhiêu. Trong khi đó, lại xuất hiện nhiều thông tin nói rằng Nga có thể sẽ tuyên chiến, tổng động viên để đẩy chiến dịch quân sự lên một cấp độ cao hơn, hoặc thông báo sáp nhập hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk vào Nga.
Phần cuối mục điểm báo hôm nay dành cho một tin vui cho kinh tế Pháp. Báo Le Figaro cho hay dự báo về hiện tượng các doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt vì đại dịch Covid-19 đã không xảy ra với nước Pháp. Các doanh nghiệp Pháp bị suy yếu xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 2020-2021, giờ có tăng lại. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp Pháp đang ở trong hoàn cảnh tài chính tốt hơn cả trước đại dịch. Cho dù chiến tranh Ukraine có tác động đến giá cả và lạm phát, tăng trưởng có giảm tốc, nhưng các doanh nghiệp Pháp vẫn có đủ phương tiên tài chính để đối phó. Nhìn chung, các biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch đã tỏ ra có hiệu quả.
Anh Vũ
Việt Nam, Trung Quốc dịu giọng trên vấn đề Biển Đông (RFI tiếng Việt, 18/01/2017)
Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc gặp giới trẻ Việt-Trung, tại Hà Nội, ngày 06/11/2017 - AFP
Trong viếng thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến 15/01/2017, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được tiếp đón rất long trọng ở Bắc Kinh và đã hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình trong bầu không khí được mô tả là "thân tình, hữu nghị".
Theo thông cáo chung được công bố sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi "thẳng thắn và chân thành" về các vấn đề trên biển, đặc biệt là về tranh chấp Biển Đông, hồ sơ vẫn gây xáo trộn quan hệ giữa hai nước. Hai bên cam kết sẽ "kiểm soát tốt các bất đồng trên biển", không có hành động "làm phức tạp, mở rộng tranh chấp".
Một điểm đáng chú ý khác trong thông cáo chung nói trên, đó là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình đã đồng ý sẽ "thúc đẩy vững chắc" đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và "tích cực thúc đẩy" hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này.
Cho tới nay, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia chống đối mạnh mẽ nhất sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tranh giành chủ quyền với Bắc Kinh ở Trường Sa và thường xuyên chỉ trích sự kiểm soát của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Năm 2014, vụ giàn khoan Hải Dương 981 đã khiến hai nước suýt đụng độ nhau trên biển.
Nhưng quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã được cải thiện. Trước ông Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 09/2016, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Bắc Kinh và đã đồng ý với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là hai nước phải "kiểm soát tốt bất đồng trên biển".
Trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump sắp chính thức nhậm chức, có thể kéo theo những thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ về Châu Á, Hà Nội buộc phải tái cân bằng quan hệ với Bắc Kinh, không dựa quá nhiều vào Washington, cho nên phải dịu giọng trên vấn đề Biển Đông.
Mặt khác, tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã báo trước sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, khiến hiệp định này có nguy cơ bị khai tử, trong khi hiệp định rất quan trọng đối với Việt Nam, quốc gia mà nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam phải "xoay trục" phần nào về phía Trung Quốc.
Về phần Trung Quốc, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vào đầu tháng 7 năm ngoái bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng buộc phải tìm giải pháp thương lượng với các nước tranh chấp khác, nhất là Việt Nam.
Theo lời ông Denny Roy, nhà nghiên cứu tại cơ quan tư vấn East-West Center của Mỹ, khi tỏ thái độ muốn tìm một giải pháp hòa bình với các nước tranh chấp khác, Bắc Kinh nhắm đến việc giảm thiểu tác hại của phán quyết nói trên. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương hơn là thông qua các cơ chế đa phương như khối ASEAN hoặc tòa án quốc tế. Khi thỏa thuận với phía Việt Nam là sẽ "tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được" cho vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh chắc là muốn đẩy Hà Nội đi theo hướng song phương hơn là đa phương.
Thanh Phương
**********************
Dù Biển Đông căng thẳng, Việt Nam vẫn ký thỏa thuận với ExxonMobil (RFI, 18/01/2017)
Một cơ sở của tập đoàn dầu khí ExxonMobil tại Texas, Hoa Kỳ - REUTERS
Ngày 13/01/2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã cùng với Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã ký với tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil hai văn bản : thỏa thuận khung phát triển dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí của mỏ này.
Mỏ khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay. Mỏ này nằm cách bờ biển tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, khoảng 80 km, với trữ lượng được ước tính khoảng 150 tỷ mét khối khí. Mục tiêu mà dự án đề ra là sẽ đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023 để cung cấp cho miền Trung Việt Nam. Nhưng mỏ khí Cá Voi Xanh nằm trong vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Thỏa thuận nói trên được ký kết đúng vào lúc ông John Kerry đang viếng thăm Việt Nam lần cuối trong cương vị ngoại trưởng Mỹ, còn ông Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi tái đắc cử tổng bí thư Đảng. Một sự trùng hợp về thời điểm nhưng nó cũng phản ánh chính sách của Việt Nam gọi là "đa phương hóa và đa dạng hóa" quan hệ ngoại giao.
Thỏa thuận này cũng được ký chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng được chỉ định của Mỹ, Rex Tillerson, nguyên là một lãnh đạo của tập đoàn ExxonMobil, đã gây phản ứng giận dữ từ báo chí chính thức của Trung Quốc, khi lên tiếng yêu cầu cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Biển Đông, vì theo ông việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo này là "phi pháp", chẳng khác gì việc nước Nga sát nhập vùng Crimea của Ukraine.
Khi còn là một lãnh đạo của ExxonMobil, ông Tillerson đã từng "nếm mùi" áp lực của Trung Quốc muốn ngăn cản tập đoàn dầu khí Mỹ đầu tư khai thác ở Việt Nam. Trong một bài viết đề ngày 16/01/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhắc lại rằng vào năm 2007 ông nhận được thông tin là tình báo Trung Quốc đã lấy được một bản sao Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược này đề ra kế hoạch gắn nền kinh tế vùng bờ biển với các tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có cả dầu khí.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, lúc đó phía Trung Quốc đã cảnh cáo các tập đoàn dầu khí phương Tây là nếu giúp Việt Nam khai thác dầu khí, thì quyền lợi của họ ở Trung Quốc sẽ bị tổn hại. Theo nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post, vào năm 2008, ExxonMobil đã công khai xác nhận những áp lực đó của Trung Quốc. Nhưng giáo sư Thayer nhận định, bằng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" mà Hoa Kỳ thi hành với Trung Quốc, phía Bắc Kinh đã ngưng sách nhiễu các tập đoàn dầu khí Mỹ làm ăn với Việt Nam.
Vấn đề là sau những tuyên bố của ông Tillerson về Biển Đông, chưa biết là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao về thỏa thuận vừa được ký giữa Việt Nam với ExxonMobill, nhất là vì mỏ khí Cá Voi Xanh nằm tại vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tất cả tùy thuộc phần lớn vào quan hệ Mỹ - Trung dưới thời tổng thống Donald Trump. Hiện giờ Bắc Kinh còn tỏ ra thận trọng, mềm mỏng trước những tuyên bố cứng rắn của các bộ trưởng tương lai cũng như của bản thân ông Trump. Nhưng chắc chắn là Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên nếu chính quyền mới của Mỹ thi hành một chính sách gây tổn hại cho lợi ích của họ, đặc biệt là tại Biển Đông.
Thanh Phương
*********************
ExxonMobil ký thỏa thuận khí đốt lớn nhất Việt Nam (RFA, 18/01/2017)
Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil, Rex Tillerson, phát biểu tại Hội nghị Khí thế giới tại Paris vào ngày 02 tháng 6 năm 2015. AFP photo
Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, trước đây do tân Ngoại trưởng Mỹ được đề cử Rex Tillerson làm Tổng giám đốc điều hành, hôm 13 tháng giêng vừa qua đã ký hai văn bản thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc phát triển dự án dầu khí lớn nhất tại Việt Nam.. Đó là dự án Cá Voi Xanh.
Theo ước tính mỏ khí Cá Voi Xanh có trữ lượng 150 tỉ mét khối khí và nằm ngoài khơi cách bờ biển tỉnh Quảng Nam 80 kilomet.
Theo hợp đồng ký kết, ExxonMobil sẽ lắp đặt một đường ống dẫn khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào Chu Lai. PetroVietnam sẽ xây dựng một nhà máy xử lý khí và một nhà máy điện hai tourbine tại tỉnh Quảng Nam.
Hoạt động sản xuất khí thương mại sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023.
Việc ký kết hai văn bản thỏa thuận vừa nêu giữa phía tập đoàn ExxonMobil và phía dầu khí Việt Nam được diễn ra khi ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry của Hoa Kỳ có chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 13 và 14 tháng giêng năm 2017.
Được biết, sau khi được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm tân Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson đã phải từ chức Tổng giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil, để khỏi bị xung đột về lợi ích.
*******************
Tập đoàn PetroVietnam là đối tác ký kết hợp đồng với tập đoàn tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ
Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ vừa trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông.
Hợp đồng được ký hôm 13/1 trong khi ngoại trưởng John Kerry đang ở thăm Việt Nam và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Trung Quốc. Theo truyền thông trong nước, tập đoàn PetroVietnam là đối tác ký kết hợp đồng với tập đoàn của Mỹ.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Carl Thayer cho rằng động thái này của Việt Nam là một phần trong chiến lược cân bằng với các cường quốc lớn. Theo giáo sư của đại học New South Wales, Việt Nam gọi đây là chính sách "đa dạng hóa và đa phương hóa" các mối quan hệ với nước ngoài.
"Thực tế là Việt Nam biết rằng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc. Họ biết ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Việt Nam. Tôi được biết chuyến thăm này của ông Kerry đã bị hoãn nhiều lần nhưng cuối cùng cũng diễn ra. Và sau đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tới Việt Nam. Điểm đặc trưng của Việt Nam là luôn tìm cách cân bằng các cường quốc lớn".
Giáo sư Thayer nói Việt Nam cần có khí đốt và cũng cần có các mối quan hệ tốt với các cường quốc.
Ông Rex Tillerson, người được ông Donald Trump đề cử vào chức vụ ngoại trưởng, từng là giám đốc điều hành của ExxonMobil. Trong thời gian lãnh đạo công ty, ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối. Theo giáo sư Thayer, ông Tillerson có thể đã biết về việc Trung Quốc đe dọa các công ty Mỹ nếu tham gia khai thác dầu khí trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố "đường Lưỡi Bò" 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.
Theo giáo sư Thayer hợp đồng có được một phần là nhờ vào tiếng tăm của ông Tillerson và cho biết những tài liệu mà WikiLeaks tiết lộ trên internet cho biết như vậy.
"Tài liệu này cho thấy ông Rex Tillerson luôn nhờ tới bộ Ngoại giao Mỹ, và dựa vào sự trợ giúp của họ trong nhiều năm với các thương vụ ở nước ngoài, kể cả ở Indonesia. Ông Tillerson không lạ lẫm gì với việc nhờ chính phủ Mỹ bảo vệ các quyền lợi của ông ấy. Bây giờ nếu đề cử của ông Trump được thông qua ông Tillerson sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ, và khi ấy nếu Trung Quốc phản đối mỏ Cá Voi Xanh thì công ty của ông ấy sẽ được sự trợ giúp của chính ông".
Bắc Kinh chưa có phản ứng gì trước hợp đồng mới được ký kết này.
Mặc dù mỏ Cá Voi Xanh nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý tức là khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng "đường Lưỡu Bò" đi ngang qua những lô của mỏ Cá Voi Xanh. Bắc Kinh đã đe dọa Việt Nam cũng như các công ty dầu khí quốc tế tham gia dò tìm trên biển Đông nên các hoạt động của ExxonMobil đã bị khựng lại nhưng sau đó lại tiếp tục.
Mỏ Cá Voi Xanh được phát hiện vào tháng 8/2015. Truyền thông trong nước gọi mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách nhà nước.
Linh Đan