Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 02 avril 2023 00:02

Kinh tế Nga ngon ?

Phương Tây đã có nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga khi Nga mang quân xâm lược Ukraine. Đương nhiên là trong giai đoạn đầu các biện pháp này không phát huy hiệu quả.

nga1

Trị giá đồng rúp và giá dầu thô của Nga bị giảm giá liên tục từ đầu năm 2023 - Ảnh minh họa

Ngay từ lúc đó tôi đã có bài viết nói rằng các biện pháp trừng phạt chỉ có tác dụng sau một thời gian chứ không phải ngay lập tức. Tất nhiên là những bài đó của tôi bị chỉ trích nặng nề từ đám phò Putin. Họ cũng nhảy múa reo mừng, ca ngợi Putin làm cho kinh tế Nga còn ngon lành hơn cả khi trước chiến tranh. Đúng là đám đầu đất. Nhưng cũng phải nói để các bạn biết rằng Nga cũng gặp may là đầu năm ngoái (2022), giá dầu và gaz (khí đốt) trên thế giới rất cao đã phần nào giúp Nga đỡ bị thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt.

Sau hơn một năm, các số liệu đã cho thấy nền kinh tế Nga đang khủng hoảng và kiệt quệ.

Ngân hàng trung ương Liên bang Nga lỗ 721,7 tỷ rúp (9,250 tỷ USD), gấp 27 lần so với năm 2021, một con số kỷ lục chưa từng có.

Nhà nước Nga hiện nay đang nợ lương của 750 nghìn nhân viên y tế từ đầu năm.

Giá dầu, gaz trên thế giới giảm thê thảm. Không bán được cho phương Tây, Nga buộc phải bán rẻ cho Trung Quốc và Ấn Độ. Việc bán dầu và gaz cho hai nước này có rất nhiều trở ngại về vận chuyển vì xa xôi, tốn kém. Đặc biệt là gaz, Trung Quốc và Nga dự định xây đường ống dẫn để thay thế cho 2 đường ống Nordstream (sang Châu Âu), nhưng phải đến năm mồng thất mới xong (2035 ?) trong khi chiến tranh lại cần "tiền tươi thóc thật" ngay lập tức. Có ai dám cho Nga mượn tiền để đi đánh nhau không ?

Những kẻ cho rằng Putin đã làm cho kinh tế Nga ngon lành hơn cả trước chiến tranh là những kẻ đầu đất không hiểu gì về "điện". Nền kinh tế nào có thể chịu đựng được tình trạng :

- Hàng triệu người lao động có chất lượng cao bỏ trốn ra nước ngoài.

- 400.000 người lao động bị động viên đi lính ra chiến trường hoặc phục vụ cho chiến tranh. Putin mới ký sắc lệnh động viên thêm một con số tương tự.

- Hàng trăm ngàn người chết, bị thương gây tổn thất vật chất và tinh thần không thước nào đo được.

- 50% các doanh nghiệp của Nga đang thiếu lao động.

- Chỉ có sản xuất quân sự tăng 7%, nhưng không phải phần sản xuất để bán cho nước ngoài, mà sản xuất ra để phá hủy nên không có ích gì cho nền kinh tế. Nói một cách dễ hiểu nhất là nếu đầu tư và vật lực cho phần này dùng để sản xuất ra bánh mì thì nhân dân còn được ăn. Nếu sản xuất ra xe tăng mang ra chiến trường thì cháy rụi, đâu có ăn được.

- Một nền kinh tế ít nhiều bị cấm vận, bị bao vây tứ bề.

Trước tình trạng này, chính Putin đã phải lên truyền hình công nhận rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây có ảnh hưởng về mặt trung hạn đối với nền kinh tế. Đây cũng là lần đâu tiên Putin phải công nhận một sự thực đang đến. Tuy nhiên sự công nhận này của Putin nhằm cảnh báo cho đồng bào biết là sắp tới có thể đọi nhưng cái đó là do lỗi của bọn phương Tây đã có những "biện pháp trừng phạt bất hợp pháp" (nguyên văn) đối với nước Nga. Để chống lại cái đó, phải đoàn kết xung quanh tôi, vị cứu tinh của nước Nga.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp, còn xâm lược trắng trợn nước người ra thì hợp pháp ? Đúng là giọng lưỡi của kẻ cướp.

Để kết thúc bài viết ngắn này, tôi bổ sung thêm một tin không liên quan đến kinh tế. Nghệ sĩ DJ của, Nga Dmitry Svirgunov, 35 tuổi, biệt danh Dima Nova, sáng lập viên nhóm Cream Soda, rất rất nổi tiếng ở Nga, đã từng biểu diễn rất nhều ở cả nước ngoài. Một trong những bài nổi tiếng của "đồng chí" này có ám chỉ đến Lâu đài "nghìn tỷ" của Putin lại được người ra dùng để hát khi đi biểu tình chống Putin.

Xác của Dima Nova mới được tìm thấy dưới sông, chết đuối. Khộ.

Putin đại đế muôn năm ?

Hoàng Quốc Dũng

(02/04/2023)

Published in Quan điểm

Mười tháng chiến tranh Ukraine cũng là 10 tháng kinh tế Nga bị phong tỏa. Có rất ít thông tin độc lập về thực trạng kinh tế Nga thời gian qua để trả lời các câu hỏi : "Chiến dịch quân sự đặc biệt" Vladimir Putin khởi động từ ngày 24/02/2022 ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân Nga ? Kinh tế bị suy yếu vì các biện pháp trừng phạt mà Âu Mỹ đã ban, hay vì chính những quyết định của điện Kremlin ?

mkv1

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu qua cầu truyền hình từ Moskva, Nga, ngày 07/12/2022. AP - Mikhail Metzel

Deník N, một tờ báo mạng độc lập của Cộng hòa Czech, hôm 09/12/2022 đã mời nhà kinh tế Sergueï Alexachenko, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, trả lời các câu hỏi trên. Sergueï Alexachenko là đồng sáng lập viên quỹ bảo vệ tự do mang tên cố phó thủ tướng Boris Nemsov.

Là đối thủ chính trị của tổng thống Putin, Boris Nemsov từng giữ chức phó thủ tướng Nga dưới thời tổng thống Yelsin cuối thập niên 1990. Nemsov bị ám sát ngày 27/02/2015 tại thủ đô Moskva, cách không xa điện Kremlin.

RFI xin lược dịch lại bài phỏng vấn cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Sergueï Alexachenko dành cho tờ báo mạng Deník N.

Thực hư về các đòn trừng phạt Nga

Nga bị trừng phạt kinh tế, nhưng chính người dân tại nhiều nước trong Liên Âu lại xuống đường phản đối đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang, nhất là giá năng lượng tăng vọt vì thiếu dầu hỏa và khí đốt của Nga. Vậy thì người Nga hay dân Châu Âu điêu đứng vì các biện pháp trừng phạt Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ ban hành nhắm vào chính quyền Moskva, với mục đích cắt nguồn tài chính cho phép điện Kremlin đài thọ các phí tổn quân sự tại Ukraine ? Trước hết Sergueï Alexachenko nhắc lại :

"Phản ứng của Âu, Mỹ là để trừng phạt Nga đưa quân sang xâm chiếm Ukraine. Dân Ukraine là những người khốn khổ nhất trong chuyện này".

Song ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, Âu - Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt với mục đích hạn chế khả năng của Moskva tài trợ chiến tranh. Thứ hai là những tranh cãi liên quan trực tiếp đến chính sách trừng phạt. Trên thực tế theo lời Sergueï Alexachenko, cho đến giờ phút này, "không một ai, từ Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ, Anh Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào khí đốt của Nga. Không một quyết định trừng phạt nào cấm Nga bán khí đốt trên thị trường Châu Âu. Xuất khẩu của Nga sang thị trường Châu Âu giảm sụt và giá cả tăng cao là hậu quả từ những quyết định của Vladimir Putin. Tháng 8/2022, tổng thống Nga ra lệnh cho tập đoàn dầu khí Gazprom cắt giảm xuất khẩu sang Châu Âu. Đó cũng là thời điểm giá khí đốt trên thị trường Châu Âu tăng vọt".

Moskva dùng năng lượng gây bất ổn chính trị trong Liên Âu 

Vladimir Putin tính toán những gì qua quyết định đó ? Sergueï Alexachenko trả lời :

"Chiến lược của điện Kremlin khá đơn giản : Nga muốn dùng năng lượng đế đánh vào kinh tế Châu Âu. Công dân Liên Âu phẫn nộ vì bị vạ lây từ các đợt trừng phạt Bruxelles ban hành. Từ khó khăn kinh tế và xã hội đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị để rồi Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị tan rã"

Sergueï Alexachenko tuy nhiên lưu ý : Liên Âu mới áp dụng lệnh cấm vận dầu hỏa của Nga từ ngày 05/12/2022. Nhìn kỹ thì khối lượng dầu của Nga bán sang Châu Âu trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng mạnh. Hồi tháng 2/2021, giá một thùng dầu là 60 đô la, nhưng đã tăng mạnh và đụng ngưỡng 95 đô la/thùng vào những ngày đầu tháng 2/2022, tức là trước khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Do vậy chiến tranh, hay lệnh trừng phạt không phải là nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao.

10% lạm phát, dân Nga trả giá cho chiến tranh Ukraine

Về câu hỏi đời sống của dân Nga có thay đổi gì từ khi kinh tế Nga bị phong tỏa, chuyên gia kinh tế Sergueï Alexachenko đánh giá "các biện pháp trừng phạt đã đè nặng lên người dân Nga". Sau đợt trừng phạt đầu tiên của Âu Mỹ hồi tháng 3/2022, lạm phát tại Nga tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái và phải mất khoảng 3 tháng sau, tình hình mới phần nào được ổn định. Lạm phát rơi xuống còn 10%, mãi lực của các hộ gia đình qua đó bị giảm đi. "Chất lượng cuộc sống của người dân Nga sa sút rõ rệt".

Ai phải chịu trách nhiệm cho điều đó ? Vẫn theo ông Alexachenko, "bất chấp các thống kê chính thức, tổng thống Vladimir Putin không coi đây là một thất bại về kinh tế. Ông vẫn chưa nghĩ rằng nước Nga đang lún sâu vào khủng hoảng". Ở một góc độ nào đó "kinh tế Nga đang đi xuống, nhưng không thể nói là tình hình đang vuột khỏi tầm kiểm soát". Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga ví von : Kinh tế Nga đang đứng trên một vũng nước đã bị đóng băng, tức là trong thế dễ bị trơn, trượt, nhưng không thể nói rằng Nga đang "lao đầu xuống bờ vực".

Moskva sử dụng lại những "bí quyết từ thời Liên Xô cũ"

Từ khi tổng thống Vladimir Putin đưa quân sang Ukraine, hàng loạt các công ty đa quốc gia thông báo rút khỏi nước Nga, ngừng hoạt động và cho nhân viên nghỉ việc. Tiêu biểu nhất là trường hợp của tập đoàn IKEA của Thụy Điển thông báo đóng cửa. Mất đi các cửa hàng của nhà phân phối đồ nội thất này, một phần dân Nga ở các thành phố lớn thực sự mất hướng. Deník N đặt câu hỏi với cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Sergueï Alexachenko : Giao thương với Moskva trên nguyên tắc bị phong tỏa, dân Nga có bị thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày hay không ? Cựu quan chức Nga trả lời là không.

Từ sau khi thôn tính bán đảo Crimée của Ukraine năm 2014, Nga đã bị quốc tế trừng phạt. Moskva đã khởi động chiến dịch thúc đẩy cỗ máy sản xuất nội địa để "thay thế hàng nhập" từ Âu, Mỹ. Chính quyền đầu tư 8 tỷ euro cho lĩnh vực này và ngân sách đó có chiều hướng gia tăng từ trước khi ông Vladimir Putin thông báo đưa quân sang Ukraine. Bộ Công Nghiệp Nga thông báo dự trù gần 100 tỷ đô la để khởi động lại cỗ máy công nghiệp.

Chính sách đó "hoạt động khá tốt", cho dù chất lượng "hàng nội" không bằng "hàng ngoại" và người tiêu dùng ở Nga ý thức được những mặt hàng sản xuất trên thị trường nội địa "lạc hậu đến khoảng 10 năm" so với những sản phẩn tương tự có thể tìm thấy ở những nước chung quanh.

Có điều chính sách tự túc của Nga không mấy thực tế, bởi vì "dù có đầu tư cả trăm tỷ đô la Mỹ vào khâu sản xuất, thì cũng phải mất nhiều năm các nhà máy tương lai của Nga mới có thể đi vào hoạt động". Ông Alexachenko cho rằng, tối thiểu phải mất từ 4 đến 7 năm nữa người Nga may ra mới có các sản phẩm "made in Russia" để dùng. Đố ai biết được "7 năm nữa, nước Nga sẽ đi về đâu. Chỉ biết rằng, trước mắt Moskva đầu tư hàng chục tỷ đô la vào khâu này (…) và cũng có thể là những nhà máy công nghiệp mới sẽ không bao giờ được hoàn tất".

Một điều hiển nhiên khác là nếu như Moskva huy động đến 96 tỷ đô la Mỹ, theo thông báo của bên bộ Công Nghiệp, được Sergueï Alexachenko trích dẫn, thì câu hỏi kèm theo là "số tiền đó được trích từ đâu ra ?" và ngân sách của bộ nào khác đã bị hy sinh ?

Cuối cùng, với lệnh động viên bán phần hồi tháng 9/2022, 300.000 lính dự bị sẽ được điều động ra chiến trường, tương đương với 0,5% dân số Nga trong tuổi lao động. Thế rồi, từ đầu chiến tranh, hàng trăm ngàn người Nga, trong đó có nhiều chuyên gia, đã bỏ xứ ra đi, cho dù Nga là bên gây chiến và đem quân đi xâm chiếm Ukraine. Kinh tế gia Sergueï Alexachenko nêu lên con số thêm 300.000 người đã ra nước ngoài sinh sống. Như vậy trong chưa đầy một năm, lực lượng lao động của Nga bị giảm đi mất đến 10%. Hệ quả kèm theo là 1% GDP của Nga bị "bốc hơi".

Về phí tổn chiến tranh, hàng tháng "gần 200 tỷ rúp, tức khoảng 3,5 tỷ đô la, không cánh mà bay". Nếu như Vladimir Putin giữ lời hứa với 300.000 tân binh vừa bị huy động, lương tháng của họ lên tới hơn 3.000 euro thì kinh phí chiến tranh sẽ lên tới 4,7 tỷ đô la một tháng thay vì 3 tỷ rưỡi !

Trong những điều kiện đó, khi chiến tranh Ukraine kết thúc, kinh tế Nga còn lại gì ? Chuyên gia kinh tế Sergueï Alexachenko không thể trả lời câu hỏi này, bởi "cả hai phía Ukraine và Nga dường như đều tin chắc chiến thắng sẽ thuộc về mình". Nhiều kịch bản có thể xảy ra trong mùa đông này.

Điều chắc chắn là, theo Alexachenko, tổng thống Putin hoàn toàn không tính tới khả năng Moskva phải "bồi thường thiệt hại chiến tranh : Ngày nào mà ông Putin còn nắm giữ quyền lực, ngày nào mà nước Nga còn kiểm soát một phần lãnh thổ của Ukraine, thì các biện pháp trừng phạt Nga vẫn tồn tại. Nga tiếp tục bị cắt đứt khỏi các nền kinh tế phát triển của phương Tây".

Cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, "Moskva sẽ tìm cách xích lại gần với Bình Nhưỡng, cho dù Liên Bang Nga không phải là Bắc Triều Tiên. Nga có dầu khí, khoáng sản không như Bắc Triều Tiên" và "đến nay, quốc tế không ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào nguyên liệu của Nga"

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 23/12/2022

Published in Quốc tế

Gần bốn tháng kể từ đầu cuộc xâm lăng, các biện pháp trừng phạt phương Tây tác động như thế nào đến kinh tế Nga ? Trong lúc lãnh đạo Nga khẳng định trừng phạt của phương Tây hoàn toàn không hiệu quả, không tác động đáng kể đến nền kinh tế nước này, thì trong nội bộ giới chóp bu kinh tế Nga, nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi cải tổ sâu sắc nền kinh tế, để tránh cho kinh tế Nga "thoái lùi trở lại thời kỳ Liên Xô". 

RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.  

   kinhte1

   Kinh tế gia Elvira Nabiullina, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga.  © Council.gov.ru

***

1. Nước Nga ra sao sau bốn tháng chiến tranh chống Ukraine, bị phương Tây trừng phạt về kinh tế ?

Đài France 24 có bài tổng hợp đáng chú ý mang tựa đề : "Chiến tranh Ukraine : Kinh tế Nga trụ lại được, nhưng đến bao giờ ?". Bài viết nhấn mạnh trước hết đến hai lĩnh vực mà chính quyền Nga tin tưởng là đã thành công bước đầu trong việc chống trả các trừng phạt của phương Tây.  Thứ nhất là sự phục hồi được đánh giá là "ngoạn mục" của đồng rúp, sau một thời gian ngắn bị rớt giá, ngay sau khi phương Tây ban hành loạt trừng phạt đầu tiên, đặc biệt với việc các dự trữ ngoại tệ của Nga tại các ngân hàng ở nước ngoài bị phong tỏa.

Ngày 20/06, tại sàn chứng khoán Moskva, đồng rúp đạt mức giá trị cao nhất kể từ gần 7 năm nay so với đồng đô la (với 55,44 rúp ăn một đô la), sau khi tụt xuống mức khoảng 140 rúp/đô la hồi đầu tháng 3. Cùng với việc bảo vệ được giá trị đồng rúp, chính quyền Nga cũng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng vọt. Cho dù lượng dầu khí xuất khẩu sang Châu Âu bị cắt giảm, việc giá dầu tăng vọt khiến thu nhập do dầu khí vẫn tiếp tục là nguồn lợi chủ yếu của Nga. Theo số liệu do Viện nghiên cứu độc lập về năng lượng CREA công bố hồi đầu tháng 6, sau 100 ngày chiến tranh (từ 24/02 đến 03/06), Nga đã thu được 93 tỉ euro tiền bán dầu khí, 61% số tiền nói trên là do chính các nước Châu Âu chỉ trả. Việc dầu khí tiếp tục mang lại thu nhập đáng kể cho nước Nga, chiếm 60% tổng thu nhập xuất khẩu của Nga, cũng là yếu tố giúp cho đồng rúp tăng giá.  

Như vậy, ít nhất hai lĩnh vực tạm thời sáng sủa nói trên khiến lãnh đạo Nga tỏ ra rất tự tin. Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế, ở thành phố St Petersburg trung tuần tháng 6, tổng thống Nga Vladimir Putin lớn tiếng khẳng định thành công của việc giữ giá đồng rúp, khi tuyên bố : "Người ta đã cảnh báo với chúng tôi là đồng rúp sẽ sụp đổ. Nhưng các dự đoán này đã không trở thành sự thật". Ông Putin cũng khẳng định nước Nga không có lạm phát.  

Tuy nhiên, France 24 dẫn lời một số chuyên gia, nhà quan sát phương Tây, dự báo là điều tồi tệ nhất chưa đến. Dự kiến kinh tế Nga sẽ phải gánh chịu các hậu quả nặng nề trong trung hạn và dài hạn. Theo ông Ivan Timofeev, cựu giám đốc Hội đồng Nga về Giao dịch Quốc tế, một nhóm tư vấn gần gũi với điện Kremlin, "trong hiện tại, hậu quả của các trừng phạt đối với đời sống hàng ngày với đa số dân chúng chưa thấy rõ, nhưng các vấn đề sẽ tích tụ lại kể từ đầu mùa thu này" (La Croix, 15/06/2022).  

2. Những gì là thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Nga ?  

Việc Liên Âu cấm vận dầu lửa Nga là biện pháp căn bản hàng đầu. Theo loạt trừng phạt thứ sáu của Liên Âu, việc cấm vận dần từng nấc dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, sẽ cho phép giảm đến 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Theo kinh tế gia Philippe Waechter, giám đốc bộ phận nghiên cứu về kinh tế thuộc Ostrum Asset Management, "đây là biện pháp hết sức quan trọng, bởi chính dầu lửa cho phép Nga duy trì được cỗ máy chiến tranh". Khí đốt được nói đến nhiều bởi một lý do chính là Châu Âu rất phụ thuộc vào Nga về loại hình năng lượng này (và Nga cũng có ý định sử dụng mặt hàng này như một vũ khí gây áp lực), nhưng dầu lửa mới đích thực là nguồn thu chủ yếu, "gần gấp ba lần khí đốt". Theo một thống kê, hồi năm ngoái Nga thu được 104 tỷ USD từ xuất khẩu dầu sang Châu Âu và Anh, so với 43,4 tỷ USD tiền bán khí đốt (1). Trong lĩnh vực này, Liên Âu rõ ràng có phương tiện trong tay. Cho dù dầu lửa Liên Âu nhập từ Nga chỉ chiếm 11% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, nhưng Liên Âu kiên quyết coi đây là "phương tiện để gây áp lực với điện Kremlin" (bất chấp cái giá phải trả là sẽ có thể là một cơn sốt giá mới).  

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp là nơi mà trừng phạt phương Tây đã bắt đầu có tác động mạnh, và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Xe hơi, hàng không… Các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Nga đang bắt đầu chao đảo. Cụ thể như ngành xe hơi tại Nga sụt giảm mạnh, với số lượng xe bán ra sụt đến 78,5% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm thê thảm của ngành xe hơi do hàng loạt nguyên nhân, trong đó có việc cấm vận về các linh kiện điện tử, nhiều hãng xe quốc tế rời khỏi Nga (như Nissan, Renault, Mercedes-Benz, Volkswagen). Thiếu linh kiện thay thế, máy bay Nga buộc phải ngừng hoạt động. Mà hàng không vốn được coi là một lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Nga. 

Về nguy cơ kinh tế Nga suy sụp mạnh, nhật báo La Croix có bài tổng hợp, mang tựa đề "Kinh tế Nga, một pháo đài với chân móng bằng đất sét" (số ra trước dịp Diễn đàn kinh tế St Petersburg). Bài viết của La Croix nhấn mạnh đến đòn chí mạng nhắm vào kinh tế Nga, khi hàng loạt nhà sản xuất chíp điện tử lớn nhất thế giới (như Samsung, Intel, hay TSMC) cấm cung cấp hàng cho Nga. Các doanh nghiệp Nga buộc phải tính đường vòng, tìm mua hàng qua các đường dây bán hàng lậu, hàng chui, thông qua các công ty Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ, với giá cả đắt hơn, và khó có khả năng tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến, chủ chốt.  

3. Giới chóp bu kinh tế Nga phản ứng ra sao về nguy cơ khủng hoảng này ?  

Trái ngược với phát biểu của các lãnh đạo chính quyền, trong giới kinh tế Nga đã bắt đầu có những ý kiến trái ngược về viễn cảnh kinh tế. Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Peterburg trung tuần tháng 6/2022, trong lúc điện Kremlin đưa ra con số suy thoái kinh tế 5% trong năm 2022, thống đốc Ngân hàng Trung ương, bà Elvira Nabioullina (2), nêu con số 10%, tức mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1994. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga cũng dự báo lạm phát tại Nga sẽ lên đến 18% trong năm nay.  

Trong lúc cố vấn của tổng thống Putin, ông Maxim Oreshkin, nhấn mạnh đến việc hoàn toàn không có nguy cơ trở lại thời Liên Xô, và nền kinh tế Nga đã ở mức độ tự chủ, bà Elvira Nabiullina kêu gọi chính quyền xem xét lại mô hình kinh tế hiện nay. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga hối thúc điện Kremlin tiến hành một "perestroika", tức một công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu khoáng sản (mà khách hàng số một là Liên Âu đang sắp ngoảnh mặt), và đặc biệt là việc mất đi các nguồn hàng hóa công nghệ cao từ phương Tây, khiến nước Nga có nguy cơ trở lại nền kinh tế thời Liên Xô, bị cô lập, bị tụt hậu so với phương Tây về công nghệ. Theo bộ trưởng tài chính Nga, Anton Siluanov, việc phương Tây cắt đứt với nền kinh tế Nga khiến nước Nga buộc phải có một "chương trình kinh tế mới", và điều căn bản là phải độc lập phát triển "các công nghệ mũi nhọn". 

Nhật báo Anh ngữ Moscow Times dẫn lời giám đốc điều hành Ngân hàng Sberbank, Herman Gref, ngân hàng tín dụng lớn nhất nước Nga, với khoảng 100 triệu khách hàng, chiếm tới một phần ba tổng giá trị tài sản lĩnh vực ngân hàng Nga ("Russian Economy Faces 10 Years of Recession Without Reforms – Sberbank CEO"). Theo giám đốc điều hành của Sberbank, trừ phi có các biện pháp cải cách triệt để mạnh mẽ, kinh tế Nga sẽ phải mất khoảng 10 năm mới có thể trở lại mức của thời gian trước khi Moskva phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Giám đốc Herman Gref nhấn mạnh đến việc tình hình đã hoàn toàn thay đổi, khi các nền kinh tế chiếm đến 56% hàng xuất khẩu Nga và 51% hàng nhập khẩu áp đặt các trừng phạt nặng nề.  

Tại Diễn đàn kinh tế St Petersburg, lãnh đạo Ngân hàng Sberbank đã tổ chức một cuộc họp không chính thức với giới chuyên gia kinh tế, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo kinh tế trong chính quyền Nga (như phó thủ tướng Dmitry Chernyshenko, bộ trưởng kinh tế Maxim Reshetnikov, bộ trưởng tài chính Anton Siluanov, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ Viện Andrei Makarov, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Alexey Zabotkin …) (3). Trong cuộc họp không chính thức này, giới chóp bu kinh tế Nga đặt câu hỏi thăm dò dư luận : nên ưu tiên cho việc chuyển hướng quan hệ thương mại quốc tế, hay ưu tiên cho cải tổ cơ cấu kinh tế nội địa ? Tương tự với thống đốc Ngân hàng Trung ương, lãnh đạo Ngân hàng Sberbank khuyến cáo chính quyền cải tổ triệt để nền kinh tế. Xu hướng ưu tiên cải tổ triệt để tránh cho nền kinh tế Nga rơi vào suy sụp, cũng là điều được đa số thành viên tham dự ủng hộ.  

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 22/06/2022

Ghi chú :

(1) "La dépendance de l’Europe au pétrole russe met 285 millions de dollars dans les poches de Poutine chaque jour", ngày 08/03/2022

(2) Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabioullina là một kinh tế gia có tư tưởng "tự do" hiếm hoi còn lại trong chính quyền Nga, và được coi là người có công đầu trong việc vực dậy đồng rúp của Nga trong những tuần đầu của chiến tranh xâm lược Ukraine. Từ hơn 130 rúp/đô la đầu tháng 3, tỉ giá tăng vọt trở lại thành khoảng 55 rúp/đô la vào cuối tháng 5, mức cao nhất kể từ 7 năm nay.  

(3) Sber’s SPIEF business breakfast: impossible as a strategy, ngày 17/06/2022

Published in Diễn đàn

"Trừng phạt Nga gây bất ổn cho chính bản thân kinh tế của các nước phương Tây". Tổng thống Putin khẳng định như trên hôm 18/04/2022 sau hai tháng dân Nga hứng chịu nhiều đợt trừng phạt liên tiếp Âu-Mỹ để lên án Moskva xâm chiếm Ukraine. Chưa có dấu hiệu kinh tế Nga sắp bị sụp đổ và cho dù kịch bản đó có xảy ra, Kremlin dường như cũng sẽ chẳng nao núng.

kinhtenga1

Tàu chở container Nga Volga Maersk rời Kronstadt, ngoại ô St. Petersburg, Nga, ngày 04/04/2022.  AP

Sau hai tháng Moskva đưa quân sang Ukraine, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF trong cuộc họp định kỳ vào mùa xuân thẩm định GDP của Nga giảm 8,5% trong năm nay. Cựu bộ trưởng Tài chính của Vladimir Putin là ông Alexei Kudrin (2000-2011) dự báo kinh tế Nga thụt lùi khoảng 10% do tác động chiến tranh và các biện pháp trừng phạt.

Hàng trăm ngàn người lao động Nga đã bị mất việc hay chí ít là bị ảnh hưởng do các công ty nước ngoài ồ ạt thông báo "ngừng hoạt động trên thị trường Nga". Lạm phát trong tháng 3/2022 tăng 17%. Ngân hàng Trung ương Nga nêu lên con số "tối thiểu là 18%" cho cả năm. Đáng quan ngại hơn là trung bình mỗi hộ gia đình Nga phải dành ra đến 40% thu nhập để mua lương thực thực phẩm. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với hai tháng trước. Theo lời thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, một trong những nhân vật hiếm hoi được tổng thống Putin lắng nghe, nước Nga "cần ít nhất hai năm" mới hy vọng đẩy lạm phát xuống còn 4% thay vì 18-20% như hiện tại.

Cũng chưa bao giờ hệ thống giao dịch ngân hàng trên thế giới SWIFT nhanh chóng loại một thành viên có trọng lượng như Nga ra khỏi mạng thông tin dành riêng cho các giao dịch tài chính. Hệ quả kèm theo là các doanh nghiệp Nga mất khả năng thanh toán với các nhà cung cấp nước ngoài. 

Ngày 04/04/2022 Moskva mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài đáo hạn cho dù Liên bang Nga giải thích vẫn có thể trả nợ bằng đồng rúp và thậm chí là bằng đô la nếu như phương Tây không phong tỏa khoảng một nửa số tiền 640 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài.

Gã khổng lồ với đôi chân đất sét

Kim ngạch xuất khẩu của Nga giảm sụt nghiêm trọng. Giao thương với Âu Mỹ bị thu hẹp tối đa, chỉ còn khoanh vùng trong một vài lĩnh vực mà chủ yếu là năng lượng. Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành 5 đợt trừng phạt. Rất có thể đợt trừng phạt thứ 6 của Bruxelles mở rộng đến lĩnh vực dầu hỏa và khí đốt, vốn được coi là nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Kremlin.

Hai tháng sau khi tổng thống Vladimir Putin khởi động cuộc chiến Ukraine để lộ rõ những lỗ hổng của mô hình kinh tế Nga như chuyên gia về kinh tế vĩ mô và về hoạt động của thị trường tài chính, Michel Santi giải thích :

Michel Santi : "Về cơ cấu, Nga rất dễ bị tổn thương bởi vì kinh tế cả nước dựa vào xuất khẩu nguyên liệu mà chủ yếu và dầu hỏa và khí đốt. Moskva đã nhiều lần có gắng thay đổi thực tế đó, chẳng hạn như hồi đầu những năm 2000 từng tìm cách đa dạng hóa cỗ máy kinh tế. Nhưng đã không mấy thành công và đã phải quay lại với mô hình cũ, tức là vẫn chỉ khai thác tối đa ngành xuất khẩu các khoáng sản, nguyên liệu, dầu khí, nông phẩm. Nhược điểm thứ nhì là Nga không có một tầng lớp trung lưu với thu nhập trung bình và qua đó có sức mua khả dĩ. Khá nguy hiểm khi chỉ trông cậy vào xuất khẩu – kể cả trong trường hợp của Đức chẳng hạn và lại càng nguy hiểm hơn nữa nếu như ngành xuất khẩu đó chỉ tập trung vào một số nguyên liệu".

Bốn ngày trước khi tổng thống Vladimir Putin mạnh dạn tuyên bố phương Tây tự bắn vào chân mình khi muốn bóp ngạt kinh tế Nga thì thủ tướng Mikhail Michustin trước Hạ Viện Duma nhìn nhận lệnh cấm vận đẩy kinh tế vào giai đoạn khó khăn và đây là mức "khó khăn nhất từ ba thập niên qua". Cũng chưa bao giờ Nga lại phải hứng chịu những đòn trừng phạt khắt khe đến như hiện tại, "kể cả trong những năm tháng đen tối nhất của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh". 

Con tàu bị ngập nước nhưng chưa chìm

Dù vậy giới quan sát cũng ngạc nhiên cho rằng Nga có vẻ như vẫn cầm cự được trước các đòn trừng phạt "bom tấn" của phương Tây. Trên đài RFI Michel Santi giải thích Moskva phần nào có những tính toán từ trước :

Michel Santi "Nga đã tích lũy được một khoản dự trữ khá lớn từ 2014. Chủ yếu đây là quyết tâm của một số lãnh đạo ở thượng tầng cơ quan quyền lực và để có được một khoản dự trữ 640 tỷ đô la thì người dân Nga đã phải hy sinh nhiều có nghĩa là trong suốt những năm tháng mà giá dầu hỏa, nguyên và nhiên liệu tăng cao dân chúng không được hưởng gì hết. Đây là một chiến thuật được Vladimir Putin và những người thân cận với ông ta đã hoạch định".

Trong hai tháng qua, Moskva đã tìm nhiều giải pháp để thoát khỏi vòng kềm tỏa của các biện pháp cấm vận. Điều hiển nhiên nhất là Âu Mỹ dù có phạt nặng nước Nga nhưng cho đến ngày 26/04/2022 vẫn tránh cấm vận năng lượng của Nga, đặc biệt là Châu Âu mới chỉ "nêu lên khả năng" này. Dù hô hào trừng phạt mạnh tay nhưng các thống kê hải quan cho thấy khối lượng dầu hỏa, khí đốt mua vào của Nga từ đầu 2022 đến nay đang ở mức "cao chưa từng thấy".

Nguy cơ Nhà nước Nga vỡ nợ

Đầu tháng 4/2022 Hoa Kỳ siết chặt thêm một chút nữa các biện pháp trừng phạt bằng cách ngưng nhận đô la mà Ngân hàng Trung ương Nga ủy thác tại các ngân hàng Mỹ. Quyết định được đưa ra đúng vào lúc Moskva phải thanh toán gần 650 triêu đô la nợ đáo hạn. Với quy định mới của bên Bộ Tài chính Mỹ, về mặt nguyên tắc đến ngày 04/05/2022 Nga phải thanh toán bằng đô la khoản nợ nói trên.

Đáp trả Washington, Moskva tuyên bố vẫn đủ sức trả nợ đáo hạn nhưng sẽ thanh toán cho các chủ nợ bằng đồng rúp. Theo cơ quan thẩm định tài chính Hoa Kỳ, Moody’s, trả nợ bằng đồng rúp, Nga đơn phương thay đổi các điều khoản trong hợp đồng khi đi vay tín dụng và như vậy mặc nhiên coi như Nhà nước Nga bị đặt trong tình trạng "phá sản". Theo chuyên gia kinh tế Pháp Michel Santi, Nga mất khả năng thanh toán là điều hiển nhiên.

Michel Santi : "Tôi nghĩ rằng mất khả năng thanh toán là điều không tránh khỏi. Câu hỏi không còn là Nga có thể bị phá sản hay không mà là khi nào thì Moskva phải tuyên bố mất khả năng thanh toán. Tôi dự báo kịch bản đó xảy ra trễ nhất là vào cuối tháng 5/2022, bởi vì kinh tế Nga đang bị phong tỏa về nhiều mặt và bắt đầu bị ngạt thở. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, quan sát kỹ tình hình, tôi có cảm tưởng như chính chế độ đang hủy hoại nền kinh tế Nga một cách có phương pháp ! Thực sự tôi không thấy Nga có cách nào để thoát khoải tình trạng mất khả năng thanh toán.

Tuy vậy ngay cả trong trường hợp vẫn có thể trả nợ đáo hạn, thì tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo cao cấp nhất tại Moskva cũng sẽ quyết định không thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài. Nga không có lý do gì trả nợ cho các nước phương Tây khi mà những nước này đang ban hành những biện pháp nghiêm ngặt trừng phạt Moskva và nếu có ngoại tệ thì Nga phải giữ số tiền đó để làm việc khác. Chắc chắn là tôi sẽ không dùng khoản ngoại tệ đó để thanh toán cho các chủ nợ của phương Tây".

Mất khả năng đi vay và uy tín đổ gẫy

Theo số liệu của Bộ Tài chính nợ nước ngoài hiện lên tới 52 tỷ đô la, tương đương với 20% tổng nợ của Nhà nước Nga. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài, Liên bang Nga mặc nhiên mất luôn khả năng đi vay trên các thị trường tài chính trong nhiều năm.

Trả lời ban Anh ngữ đài RFI, Serguei Guriev, nguyên là cố vấn kinh tế của chính phủ Nga, từ 2013 ông sang sống hẳn ở nước ngoài và hiện đang giảng dạy tài trường Khoa học Chính trị (Science Po) Paris, nhấn mạnh "tài chính là một mặt trận quan trọng" để gây sức ép với Nga và ông tiếc là phương Tây chậm đưa ra quyết định, như thể cố tình muốn giúp Moskva "câu giờ".

Serguei Guriev : "Hiện tại đây cũng là một mặt trận quan trọng hiểu theo nghĩa một phần dự trữ của Ngân hàng Trung ương bị phong tỏa, Nga mất đi một khoản dự trữ bằng đô la và điều đó giải thích phần nào đồng rúp mất giá đến gần 50% so với trước đây. Dù vậy Moskva vẫn thu vào đô la khi mà quốc tế mua dầu hỏa của Nga và do chưa có lệnh trừng phạt dầu khí Nga. Nga đang thu vào rất nhiều đô la, mức thu vào cao chưa từng thấy và nhờ vậy mà Moskva nhanh chóng lấp được phần nào thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt gây nên. Nói cách khác Nga vẫn có đô la và cả đồng rúp để tài trợ chiến tranh, có phương tiện để tài trợ cho các chiến dịch tuyên truyền, do vậy cấm vận dầu khí sẽ làm thay đổi tình thế. Hiện thời Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu hỏa của Nga. Nhiều tập đoàn tư nhân cũng từ chối chuyên chở hay mua vào dầu hỏa của Nga. Nhưng Châu Âu thì chưa. Nếu chờ đợi thêm vài tuần lễ nữa, thì ngân sách Nga, cũng như đồng rúp sẽ được ổn định".

Nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa theo đánh giá của Michel Santi là uy tín của nước Nga trong mắt các nhà đầu tư quốc tế hoàn toàn bị hủy hoại.

Michel Santi : "Một điểm mới khác là ông Putin và những người thân cận đã quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Nga, nghiễm nhiên chiếm đoạt tài sản của các hãng tư nhân nước ngoài. Thí dụ như là Nga đã giữ lại và chiếm đoạt máy đang bị chôn chân ở các phi trường của Nga. Sự tin tưởng giữa Nga với các doanh nhân quốc tế đã đổ vỡ".

Dù vậy cựu cố vấn kinh tế cho chính phủ Nga không hoàn toàn loại bỏ khả năng, một trong những ngõ thoát hiểm của chế độ Vladimir Putin có thể là Trung Quốc cho dù Bắc Kinh không có lợi ích gì khi bao che cho Moskva.

Serguei Guriev : "Nếu Tập Cận Bình muốn cứu nước Nga, ông ta có phương tiện đề làm điều đó. Trung Quốc có thể giúp Nga ổn định kinh tế. Thí dụ như trong khi chờ đợi thị trường dầu khí lắng dịu trở lại Trung Quốc có thể thanh toán trước một ít tiền cho các nhà cung cấp Nga, qua đó bơm thêm sinh khí cho kinh tế nước này. Nhưng tôi không nghĩ rằng kịch bản đó sẽ xảy ra. Trước mắt chúng ta thấy một số các ngân hàng lớn nhát của Trung Quốc tôn trọng lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều tập đoàn tài chính đa quốc gia đã ngừng hoạt động tại Nga (…). Về phía giới lãnh đạo Bắc Kinh rõ ràng là đang có nhiều tranh cãi (…) Trung Quốc không có lợi gì khi Châu Âu bị suy yếu vì chiến tranh Ukraine bởi đây là một thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Cuộc chiến này đang tàn phá kinh tế của cả Ukraine lẫn của Nga và đang mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với Châu Âu. Tất cả những điều đó đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc".

Loại trừ kịch bản kinh tế Nga sụp đổ

Trả lời đài truyền hình Pháp TV5monde, Alexandre Melnik chuyên gia về địa chính trị và cũng là một nhà ngoại giao từng làm việc tại Moskva lưu ý Vladimir Putin chỉ quan tâm đến cuộc chiến về mặt quân sự mà thôi. Các đòn trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga lao đao, khiến người dân Nga khổ sở không vì thế mà Vladimir Putin chùn bước. Kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng sẽ không bị sụp đổ vì Moskva vẫn được một số quốc gia có trọng lượng trên thế giới hậu thuẫn, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Sau cùng những lập luận cho rằng đời sống đắt đỏ dẫn tới đói kém có thể là mầm mống lật đổ chế độ Putin, giáo sư kinh tế Pierre Yves Geoffard Viện Kinh Tế Paris trên tờ báo Libération thiên tả hôm 07/03/2022 đã nhắc nhở công luận rằng : kinh nghiệm của Cuba hay Bắc Triều Tiên cho thấy dân có thể đói nhưng các chế độ độc tài chuyên chế ở La Havana hay Bình Nhưỡng vẫn tồn tại.

Thanh Hà tóm lược

Nguồn : RFI, 26/04/2022

Published in Diễn đàn