Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/04/2022

Bị trừng phạt, kinh tế Nga bên bờ vực thẳm ?

Michel Santi , Serguei Guriev , Thanh Hà

"Trừng phạt Nga gây bất ổn cho chính bản thân kinh tế của các nước phương Tây". Tổng thống Putin khẳng định như trên hôm 18/04/2022 sau hai tháng dân Nga hứng chịu nhiều đợt trừng phạt liên tiếp Âu-Mỹ để lên án Moskva xâm chiếm Ukraine. Chưa có dấu hiệu kinh tế Nga sắp bị sụp đổ và cho dù kịch bản đó có xảy ra, Kremlin dường như cũng sẽ chẳng nao núng.

kinhtenga1

Tàu chở container Nga Volga Maersk rời Kronstadt, ngoại ô St. Petersburg, Nga, ngày 04/04/2022.  AP

Sau hai tháng Moskva đưa quân sang Ukraine, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF trong cuộc họp định kỳ vào mùa xuân thẩm định GDP của Nga giảm 8,5% trong năm nay. Cựu bộ trưởng Tài chính của Vladimir Putin là ông Alexei Kudrin (2000-2011) dự báo kinh tế Nga thụt lùi khoảng 10% do tác động chiến tranh và các biện pháp trừng phạt.

Hàng trăm ngàn người lao động Nga đã bị mất việc hay chí ít là bị ảnh hưởng do các công ty nước ngoài ồ ạt thông báo "ngừng hoạt động trên thị trường Nga". Lạm phát trong tháng 3/2022 tăng 17%. Ngân hàng Trung ương Nga nêu lên con số "tối thiểu là 18%" cho cả năm. Đáng quan ngại hơn là trung bình mỗi hộ gia đình Nga phải dành ra đến 40% thu nhập để mua lương thực thực phẩm. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với hai tháng trước. Theo lời thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, một trong những nhân vật hiếm hoi được tổng thống Putin lắng nghe, nước Nga "cần ít nhất hai năm" mới hy vọng đẩy lạm phát xuống còn 4% thay vì 18-20% như hiện tại.

Cũng chưa bao giờ hệ thống giao dịch ngân hàng trên thế giới SWIFT nhanh chóng loại một thành viên có trọng lượng như Nga ra khỏi mạng thông tin dành riêng cho các giao dịch tài chính. Hệ quả kèm theo là các doanh nghiệp Nga mất khả năng thanh toán với các nhà cung cấp nước ngoài. 

Ngày 04/04/2022 Moskva mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài đáo hạn cho dù Liên bang Nga giải thích vẫn có thể trả nợ bằng đồng rúp và thậm chí là bằng đô la nếu như phương Tây không phong tỏa khoảng một nửa số tiền 640 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài.

Gã khổng lồ với đôi chân đất sét

Kim ngạch xuất khẩu của Nga giảm sụt nghiêm trọng. Giao thương với Âu Mỹ bị thu hẹp tối đa, chỉ còn khoanh vùng trong một vài lĩnh vực mà chủ yếu là năng lượng. Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành 5 đợt trừng phạt. Rất có thể đợt trừng phạt thứ 6 của Bruxelles mở rộng đến lĩnh vực dầu hỏa và khí đốt, vốn được coi là nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Kremlin.

Hai tháng sau khi tổng thống Vladimir Putin khởi động cuộc chiến Ukraine để lộ rõ những lỗ hổng của mô hình kinh tế Nga như chuyên gia về kinh tế vĩ mô và về hoạt động của thị trường tài chính, Michel Santi giải thích :

Michel Santi : "Về cơ cấu, Nga rất dễ bị tổn thương bởi vì kinh tế cả nước dựa vào xuất khẩu nguyên liệu mà chủ yếu và dầu hỏa và khí đốt. Moskva đã nhiều lần có gắng thay đổi thực tế đó, chẳng hạn như hồi đầu những năm 2000 từng tìm cách đa dạng hóa cỗ máy kinh tế. Nhưng đã không mấy thành công và đã phải quay lại với mô hình cũ, tức là vẫn chỉ khai thác tối đa ngành xuất khẩu các khoáng sản, nguyên liệu, dầu khí, nông phẩm. Nhược điểm thứ nhì là Nga không có một tầng lớp trung lưu với thu nhập trung bình và qua đó có sức mua khả dĩ. Khá nguy hiểm khi chỉ trông cậy vào xuất khẩu – kể cả trong trường hợp của Đức chẳng hạn và lại càng nguy hiểm hơn nữa nếu như ngành xuất khẩu đó chỉ tập trung vào một số nguyên liệu".

Bốn ngày trước khi tổng thống Vladimir Putin mạnh dạn tuyên bố phương Tây tự bắn vào chân mình khi muốn bóp ngạt kinh tế Nga thì thủ tướng Mikhail Michustin trước Hạ Viện Duma nhìn nhận lệnh cấm vận đẩy kinh tế vào giai đoạn khó khăn và đây là mức "khó khăn nhất từ ba thập niên qua". Cũng chưa bao giờ Nga lại phải hứng chịu những đòn trừng phạt khắt khe đến như hiện tại, "kể cả trong những năm tháng đen tối nhất của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh". 

Con tàu bị ngập nước nhưng chưa chìm

Dù vậy giới quan sát cũng ngạc nhiên cho rằng Nga có vẻ như vẫn cầm cự được trước các đòn trừng phạt "bom tấn" của phương Tây. Trên đài RFI Michel Santi giải thích Moskva phần nào có những tính toán từ trước :

Michel Santi "Nga đã tích lũy được một khoản dự trữ khá lớn từ 2014. Chủ yếu đây là quyết tâm của một số lãnh đạo ở thượng tầng cơ quan quyền lực và để có được một khoản dự trữ 640 tỷ đô la thì người dân Nga đã phải hy sinh nhiều có nghĩa là trong suốt những năm tháng mà giá dầu hỏa, nguyên và nhiên liệu tăng cao dân chúng không được hưởng gì hết. Đây là một chiến thuật được Vladimir Putin và những người thân cận với ông ta đã hoạch định".

Trong hai tháng qua, Moskva đã tìm nhiều giải pháp để thoát khỏi vòng kềm tỏa của các biện pháp cấm vận. Điều hiển nhiên nhất là Âu Mỹ dù có phạt nặng nước Nga nhưng cho đến ngày 26/04/2022 vẫn tránh cấm vận năng lượng của Nga, đặc biệt là Châu Âu mới chỉ "nêu lên khả năng" này. Dù hô hào trừng phạt mạnh tay nhưng các thống kê hải quan cho thấy khối lượng dầu hỏa, khí đốt mua vào của Nga từ đầu 2022 đến nay đang ở mức "cao chưa từng thấy".

Nguy cơ Nhà nước Nga vỡ nợ

Đầu tháng 4/2022 Hoa Kỳ siết chặt thêm một chút nữa các biện pháp trừng phạt bằng cách ngưng nhận đô la mà Ngân hàng Trung ương Nga ủy thác tại các ngân hàng Mỹ. Quyết định được đưa ra đúng vào lúc Moskva phải thanh toán gần 650 triêu đô la nợ đáo hạn. Với quy định mới của bên Bộ Tài chính Mỹ, về mặt nguyên tắc đến ngày 04/05/2022 Nga phải thanh toán bằng đô la khoản nợ nói trên.

Đáp trả Washington, Moskva tuyên bố vẫn đủ sức trả nợ đáo hạn nhưng sẽ thanh toán cho các chủ nợ bằng đồng rúp. Theo cơ quan thẩm định tài chính Hoa Kỳ, Moody’s, trả nợ bằng đồng rúp, Nga đơn phương thay đổi các điều khoản trong hợp đồng khi đi vay tín dụng và như vậy mặc nhiên coi như Nhà nước Nga bị đặt trong tình trạng "phá sản". Theo chuyên gia kinh tế Pháp Michel Santi, Nga mất khả năng thanh toán là điều hiển nhiên.

Michel Santi : "Tôi nghĩ rằng mất khả năng thanh toán là điều không tránh khỏi. Câu hỏi không còn là Nga có thể bị phá sản hay không mà là khi nào thì Moskva phải tuyên bố mất khả năng thanh toán. Tôi dự báo kịch bản đó xảy ra trễ nhất là vào cuối tháng 5/2022, bởi vì kinh tế Nga đang bị phong tỏa về nhiều mặt và bắt đầu bị ngạt thở. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, quan sát kỹ tình hình, tôi có cảm tưởng như chính chế độ đang hủy hoại nền kinh tế Nga một cách có phương pháp ! Thực sự tôi không thấy Nga có cách nào để thoát khoải tình trạng mất khả năng thanh toán.

Tuy vậy ngay cả trong trường hợp vẫn có thể trả nợ đáo hạn, thì tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo cao cấp nhất tại Moskva cũng sẽ quyết định không thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài. Nga không có lý do gì trả nợ cho các nước phương Tây khi mà những nước này đang ban hành những biện pháp nghiêm ngặt trừng phạt Moskva và nếu có ngoại tệ thì Nga phải giữ số tiền đó để làm việc khác. Chắc chắn là tôi sẽ không dùng khoản ngoại tệ đó để thanh toán cho các chủ nợ của phương Tây".

Mất khả năng đi vay và uy tín đổ gẫy

Theo số liệu của Bộ Tài chính nợ nước ngoài hiện lên tới 52 tỷ đô la, tương đương với 20% tổng nợ của Nhà nước Nga. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài, Liên bang Nga mặc nhiên mất luôn khả năng đi vay trên các thị trường tài chính trong nhiều năm.

Trả lời ban Anh ngữ đài RFI, Serguei Guriev, nguyên là cố vấn kinh tế của chính phủ Nga, từ 2013 ông sang sống hẳn ở nước ngoài và hiện đang giảng dạy tài trường Khoa học Chính trị (Science Po) Paris, nhấn mạnh "tài chính là một mặt trận quan trọng" để gây sức ép với Nga và ông tiếc là phương Tây chậm đưa ra quyết định, như thể cố tình muốn giúp Moskva "câu giờ".

Serguei Guriev : "Hiện tại đây cũng là một mặt trận quan trọng hiểu theo nghĩa một phần dự trữ của Ngân hàng Trung ương bị phong tỏa, Nga mất đi một khoản dự trữ bằng đô la và điều đó giải thích phần nào đồng rúp mất giá đến gần 50% so với trước đây. Dù vậy Moskva vẫn thu vào đô la khi mà quốc tế mua dầu hỏa của Nga và do chưa có lệnh trừng phạt dầu khí Nga. Nga đang thu vào rất nhiều đô la, mức thu vào cao chưa từng thấy và nhờ vậy mà Moskva nhanh chóng lấp được phần nào thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt gây nên. Nói cách khác Nga vẫn có đô la và cả đồng rúp để tài trợ chiến tranh, có phương tiện để tài trợ cho các chiến dịch tuyên truyền, do vậy cấm vận dầu khí sẽ làm thay đổi tình thế. Hiện thời Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu hỏa của Nga. Nhiều tập đoàn tư nhân cũng từ chối chuyên chở hay mua vào dầu hỏa của Nga. Nhưng Châu Âu thì chưa. Nếu chờ đợi thêm vài tuần lễ nữa, thì ngân sách Nga, cũng như đồng rúp sẽ được ổn định".

Nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa theo đánh giá của Michel Santi là uy tín của nước Nga trong mắt các nhà đầu tư quốc tế hoàn toàn bị hủy hoại.

Michel Santi : "Một điểm mới khác là ông Putin và những người thân cận đã quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Nga, nghiễm nhiên chiếm đoạt tài sản của các hãng tư nhân nước ngoài. Thí dụ như là Nga đã giữ lại và chiếm đoạt máy đang bị chôn chân ở các phi trường của Nga. Sự tin tưởng giữa Nga với các doanh nhân quốc tế đã đổ vỡ".

Dù vậy cựu cố vấn kinh tế cho chính phủ Nga không hoàn toàn loại bỏ khả năng, một trong những ngõ thoát hiểm của chế độ Vladimir Putin có thể là Trung Quốc cho dù Bắc Kinh không có lợi ích gì khi bao che cho Moskva.

Serguei Guriev : "Nếu Tập Cận Bình muốn cứu nước Nga, ông ta có phương tiện đề làm điều đó. Trung Quốc có thể giúp Nga ổn định kinh tế. Thí dụ như trong khi chờ đợi thị trường dầu khí lắng dịu trở lại Trung Quốc có thể thanh toán trước một ít tiền cho các nhà cung cấp Nga, qua đó bơm thêm sinh khí cho kinh tế nước này. Nhưng tôi không nghĩ rằng kịch bản đó sẽ xảy ra. Trước mắt chúng ta thấy một số các ngân hàng lớn nhát của Trung Quốc tôn trọng lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều tập đoàn tài chính đa quốc gia đã ngừng hoạt động tại Nga (…). Về phía giới lãnh đạo Bắc Kinh rõ ràng là đang có nhiều tranh cãi (…) Trung Quốc không có lợi gì khi Châu Âu bị suy yếu vì chiến tranh Ukraine bởi đây là một thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Cuộc chiến này đang tàn phá kinh tế của cả Ukraine lẫn của Nga và đang mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với Châu Âu. Tất cả những điều đó đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc".

Loại trừ kịch bản kinh tế Nga sụp đổ

Trả lời đài truyền hình Pháp TV5monde, Alexandre Melnik chuyên gia về địa chính trị và cũng là một nhà ngoại giao từng làm việc tại Moskva lưu ý Vladimir Putin chỉ quan tâm đến cuộc chiến về mặt quân sự mà thôi. Các đòn trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga lao đao, khiến người dân Nga khổ sở không vì thế mà Vladimir Putin chùn bước. Kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng sẽ không bị sụp đổ vì Moskva vẫn được một số quốc gia có trọng lượng trên thế giới hậu thuẫn, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Sau cùng những lập luận cho rằng đời sống đắt đỏ dẫn tới đói kém có thể là mầm mống lật đổ chế độ Putin, giáo sư kinh tế Pierre Yves Geoffard Viện Kinh Tế Paris trên tờ báo Libération thiên tả hôm 07/03/2022 đã nhắc nhở công luận rằng : kinh nghiệm của Cuba hay Bắc Triều Tiên cho thấy dân có thể đói nhưng các chế độ độc tài chuyên chế ở La Havana hay Bình Nhưỡng vẫn tồn tại.

Thanh Hà tóm lược

Nguồn : RFI, 26/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Michel Santi , Serguei Guriev , Thanh Hà
Read 395 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)