Đạo diễn, nghệ sỹ điện ảnh Kim Chi từ Sài Gòn, luật sư, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hữu Liêm từ California và nhà giáo, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên từ London cùng thảo luận về 30/4 qua 46 năm nhìn lại.
Nguồn : BBC News tiếng Việt, 29/04/2021
Kỷ niệm 30 tháng 4 năm nay : Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ?
Diễm Thi, RFA, 30/04/2021
Không tổ chức rầm rộ
Kể từ năm 1975, cứ vào dịp 30 tháng 4 hàng năm, Nhà nước Việt Nam luôn tổ chức những buổi lễ ăn mừng được gọi là ‘chiến thắng’, ‘giải phóng miền Nam’ của quân Bắc Việt. Họ gọi những người lính và chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam là ‘ngụy quân - ngụy quyền’.
Bộ đội Việt Nam tái hiện cảnh Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh chụp hôm 30 tháng 4 năm 2005. Reuters
Theo nhận xét của nhiều người thì năm nay không diễn ra những sự kiện ‘ăn mừng’ rầm rộ như mọi năm vì nhiều lý do.
Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét :
"Mình không quan sát được hết nhưng có vẻ cái không khí năm nay im ắng hơn, không ồn ào. Không thấy mít-tinh gì cả. Không biết họ có làm âm thầm ở đâu hay không. Cũng không hiểu do dịch hay do chủ trương của các ông ấy. Nhưng cờ thì tổ trưởng dân phố vẫn đến từng nhà nhắc phải treo trước 30 tháng 4.
Nói một cách khách quan thì năm chẵn người ta mới làm lớn. Tức là tính từ 1975, thì cứ 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm…thì họ mới làm rùm beng. Còn năm lẻ thì chỉ sơ sài. Khoảng chục năm trở lại đây thì người ta cũng ít đề cập trên truyền thông, ngay cả bộ máy Nhà nước họ cũng làm nhẹ nhàng trong phạm vi hẹp chứ không rầm rộ".
Nhạc sĩ Tuấn Khanh từ Sài Gòn nhận định, đặc biệt năm nay, ở rất nhiều nơi người ta thấy Nhà nước chủ động tự mình treo cờ dọc các con đường. Không còn cảnh công an khu vực hay tổ trưởng đến từng nhà người dân thúc treo cờ nữa. Có lẽ nhiều năm rồi người ta mệt mỏi chuyện yêu cầu mà không phải ai cũng đáp ứng. Ông Tuấn Khanh nói thêm :
"Trên tinh thần của Nhà nước Việt Nam thì năm nào họ cũng nói 30 tháng 4 là một ngày lễ lớn tổ chức lớn. Các cơ quan Nhà nước thì có treo cờ và cờ của Đảng cộng sản nhiều hơn cờ đỏ sao vàng. Trên truyền hình hay đài phát thanh, những chương trình ca ngợi chiến thắng năm nay hoàn toàn không có mà chỉ có những bản tin ngắn, vừa phải. Chỉ còn duy nhất một nơi là Thông tấn xã Việt Nam gọi ‘cuộc chiến thắng Mỹ Ngụy’ mà thôi. Còn tất cả mọi nơi, kể cả Đài truyền hình quốc gia Hà Nội cũng gọi ‘Việt Nam Cộng Hòa’".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nhận xét rằng, không thấy Chính quyền tổ chức kỷ niệm 30 tháng 4. Theo ông, đây là chủ ý của họ vì dần dần họ phải nhận thức rằng, sự thống nhất đất nước không toàn vẹn, không tốt và thực tế cho tất cả mọi người.
Có sự thay đổi ?
Nhiều người nhận xét rằng, cái nhìn của ‘bên thắng cuộc’ đã phần nào thay đổi khi trong bài phát biểu tại họp mặt kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên không còn gọi ngày 30 tháng 4 là ngày Giải phóng Miền Nam nữa mà gọi là ngày Thống nhất Đất nước. Ông Nguyễn Văn Nên cũng không còn gọi chế độ nguỵ quyền mà gọi đúng tên chính danh chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Dĩ nhiên, những phát biểu của ông Nguyễn Văn Nên không phải là những phát biểu cá nhân, mà đó là tiếng nói của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét :
"Từ lâu rồi những người hiểu biết họ có đề nghị bỏ cái chữ ‘giải phóng’ đi, thậm chí bỏ luôn chữ ‘thống nhất’, thay bằng một cái tên nào đó hướng đến sự hòa hiếu. Cái xu hướng và suy nghĩ này ngày càng có nhiều người ủng hộ.
Người ta còn phải nhận thức một điều nữa là cuộc chiến tranh đó không phải là cuộc chiến tranh chống Mỹ mà là cuộc chiến tranh người Việt đánh nhau với người Việt. Nó mang tính chất của một cuộc nội chiến. Cần phải thay đổi cái suy nghĩ ấy đi và dần dần bỏ đi những từ ngữ không còn đúng nữa. Còn đến bao giờ người ta bỏ thì mình cũng phải hiểu rằng sẽ còn lâu nữa vì sự thù hận giữa người nọ với người kia".
Nhiều người nhận xét rằng, ngay từ năm 2019, Nhà nước đã thay đổi cách tổ chức ngày kỷ niệm kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Việc tổ chức kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm đó là một hiện tựợng đặc biệt và bất thường khi liều lượng và mật độ tuyên truyền giảm hẳn, chỉ bằng từ một phần tư đến một phần ba so với những năm trước.
Đặc biệt là khẩu hiệu ‘Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước’ không còn nhiều trên mặt báo mà chủ yếu chỉ còn ‘Thống nhất đất nước’ và bỏ đi cụm từ ‘Giải phóng miền Nam’. Các lễ hội cấp trung ương, địa phương không thấy tổ chức rình rang ở Sài Gòn, không duyệt binh, không bắn pháo hoa…liên quan đến ngày 30 tháng 4.
Năm nay, Chính quyền cũng không tổ chức bắn pháo hoa, không tổ chức lễ hội rình rang. Nhưng những điều đó chưa đủ để người dân tin rằng, Chính quyền thật sự thay đổi từ trong nhận thức về cuộc chiến cũng như ngày kết thúc cuộc chiến. Nhạc sĩ Tuấn Khanh bày tỏ quan điểm của ông :
"Nó không phải là sự thay đổi mà đó là sự mệt mỏi của nhà cầm quyền, đặc biệt lại do dịch Covid nên họ thất bại trong chuyện bắn pháo hoa. Chính quyền này sẽ không bao giờ có sự thay đổi bằng một thiện chí hết là bởi vì với tinh thần tập trung dân chủ, với những tiêu chí của Nhà nước Việt Nam thì không bao giờ có chuyện đột ngột Nhà nước Việt Nam thay đổi mà không có những cuộc bàn thảo, nhận định, những cuộc xét lại cả một thời gian dài trước đó để đưa đến một kết luận hết.
Cho nên, nếu như có một sự thay đổi nào đó thì mình sẽ thấy người ta bắt đầu bàn về tính chính danh của Việt Nam Cộng Hòa, có nên hòa giải hòa hợp và xóa bỏ hận thù, đừng gọi là Mỹ Ngụy nữa hay không.
Nó sẽ kéo dài trước đó cho đến 30 tháng 4 sẽ có màn diễn kịch là ‘kể từ hôm nay sẽ không gọi là Mỹ Ngụy nữa…"
Tuy bài phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên có thay đổi trong cách dùng từ ngữ, nhưng ở một lãnh vực khác, hai cơ quan truyền thông chính thống hàng đầu của Việt Nam là Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân Dân vẫn không thay đổi.
Trang tin tức của Thông tấn xã Việt Nam hôm 30 tháng 4 có bài viết tựa đề : "Người chỉ huy 12 chiếc xe tăng bắt được của địch đánh vào Bộ Tổng Tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn" với lời nhắn gửi của Thượng úy Lê Viết Linh – người được cho là nhân chứng lịch sử của ngày 30 tháng 4 rằng :
"Chuẩn bị đến ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi muốn viết bài này để tìm lại đồng đội cũ ở Tiểu đội trinh sát, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đã cùng tôi ngồi trên xe tăng chiếm được của địch đánh vào Bộ tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đồng đội xưa ai còn, ai mất, đồng chí nào còn nhớ, xin liên lạc với tôi !"
Trước đó một ngày, Báo Nhân Dân có bài viết nhan đề : "Họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước".
Tuy đã 46 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhưng vết thương cuộc chiến để lại vẫn còn rỉ máu. Dù Chính phủ không tổ chức rầm rộ nhưng những thông tin về 30 tháng 4, những hình ảnh, câu chuyện vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội từ phía những người dân. Họ không phải là những cây viết chính thống, họ cũng không phải là những nhà bình luận. Họ là nạn nhân của cuộc chiến, cho đến bây giờ !
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 30/04/2021
**************************
Ngày 30/04 : Nếu còn thiết tha hãy giúp một tay để lịch sử không bị đánh mất
Alex Thái Đình Võ, BBC, 30/04/2021
30/4 năm nay bạn nghĩ gì ?
Tôi nghĩ nhiều về lịch sử, và trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn và làm sáng tỏ lịch sử.
Hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh minh họa
Lịch sử thu nhỏ là hồi ký của từng cá nhân, là gia phả của mỗi gia đình, nhưng gôm chung sẽ là lịch sử của một đất nước, của nhân loại.
Nhà hùng biện Marcus Garvey từng nói "Một người không có kiến thức về lịch sử nguồn gốc và văn hóa của mình [thì cũng] giống như một cây không có rễ".
Lịch sử giải thích quá khứ, định hình hiện tại, và định hướng tương lai nên việc thông hiểu lịch sử luôn là điều tất yếu.
Nhưng đây là điều không dễ, vì lịch sử rất dễ bị ghi lại một cách sai lạc.
Mỗi thể chế chính trị khi lên cầm quyền thường củng cố lịch sử theo định hướng của mình, vì nắm được lịch sử tức nắm được não trạng của dân.
Các cường quốc trong lịch sử được hình thành không chỉ ở sức mạnh kinh tế hoặc quân sự mà còn ở việc tạo dựng một nền tảng lịch sử vững vàng theo định hướng chính trị của thể chế cai trị.
Một lịch sử bị 'định hướng'
Sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, chính quyền Việt Nam cũng làm điều này, qua việc triệt sản tất cả các nhân vật, sự kiện, và khía cạnh mang dấu ấn của thể chế trước hoặc mang tính trái chiều.
Các nhân vật lịch sử như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu đều bị xóa mờ trong sách sử. Các tên tuổi trí thức yêu nước như Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, hay Nhất Linh cũng cùng số phận.
Biểu tượng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, từ lá cờ cho đến tên đường và tác phẩm nghệ thuật, đều bị xóa hoặc cấm. Thay vào đó là sự độc quyền trong việc trưng bày và phổ biến biểu tượng của chính thể mới.
Đinh Độc Lập trở thành Đinh Thống Nhất, Đường Công Lý đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trường trung học Gia Long được thay tên thành Nguyễn Thị Minh Khai, Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa bị bỏ hoang.
Qua thời gian, mọi ngóc ngách của xã hội đều bị vây phủ bởi những biểu tượng cách mạng, từ hình ảnh Hồ Chí Minh đến màu cờ đỏ, đến sự nở rộ của những tên Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Phạm Văn Đồng trên khắp mọi nẻo đường.
Và qua thời gian, người Việt, nhất là thế hệ trẻ, nghiễm nhiên cho rằng sự tồn tại của Việt Nam là do công của các nhà lãnh đạo cộng sản.
Mặt khác nhiều người Việt không muốn nhắc đến cuộc chiến đã kết thúc ngày 30/4/1975, cơ bản vì sự khốc liệt và gây chia rẽ của nó.
"Đề tài xưa như trái đất không phù hợp cho giới trẻ và thời cuộc hiện nay. Thắng thua cũng đã định thì không còn gì để nói và chỉ nên để cho lịch sử phán xét.'' Họ nói.
Câu nói này thoáng nghe có vẻ bình thường, nhưng cho thấy một vấn đề khá nghiêm trọng trong nhận thức của nhiều người Việt về lịch sử.
Lịch sử không phải là một thực thể tự có thể tìm tòi, so sánh, suy luận thì tự nó làm sao có thể nhận định, phán xét ?
Không biết bao nhiêu sách báo đã viết về cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt 46 năm, nhưng chúng ta cần nhìn nhận sự thật là đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết về cuộc chiến này.
Nhất là về những khía cạnh xã hội, kinh tế, và văn hóa, từ quan điểm và tầm nhìn của những thường dân, dù bên thắng hay bên thua, hoặc những người vô can, đứng giữa hai lằn đạn.
Thủ Tướng Winston Churchill từng nói "Lịch sử đã và sẽ được viết bởi kẻ thắng".
Nếu lịch sử đã và sẽ được viết bởi phe thắng cuộc, những kẻ nắm quyền, vậy bên thua cuộc, những người ở vị thế không có quyền lực thì sao ?
Có phải vô hình trung tiếng nói của họ sẽ tiếp tục bị vùi dập qua các hình thức kiểm duyệt hay bị loại bỏ khỏi sách sử và các cuộc bàn luận ?
Hệ quả của những hiểu biết chưa tường tận là những ngộ nhận và cáo trạng đầy phiến diện được nhét vào đầu các thế hệ thanh thiếu niên trong thời gian 40, 50 năm qua.
Điều này sẽ tiếp tục xảy ra với những thế hệ sau nếu không có những nỗ lực hầu quân bình lại cái nhìn về lịch sử chiến tranh Việt Nam cũng như hậu quả của nó.
'Em không biết gì về Tù cải tạo'
Có lần, khi được mời thỉnh giảng cho một lớp sử tại một trường đại học ở Hà Nội với chủ đề người "Việt trên đất Mỹ", tôi ghi hai từ "Vượt Biển" và "Tù Cải Tạo" trên bảng và hỏi sinh viên nghĩ gì về hai từ ấy.
Tôi khá ngạc nhiên khi thấy đa số đều không hiểu biết ý nghĩa lịch sử phía sau hai từ đó trong sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Đa số đều không biết diện HO là gì, hay bao nhiêu phần trăm những người được qua Mỹ sau này là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từng bị giam cầm nhiều năm trong những trại tù cải tạo.
Sau lớp, vài sinh viên lên găp tôi và rưng rưng nước mắt thú nhận : "Em không hề biết gì về Tù cải tạo. Xưa nay em chỉ nghĩ những người ở Mỹ là những người phản quốc. Không biết sự cực khổ họ đã phải trải qua. Em cứ tưởng họ qua đấy là được chu cấp nhà cửa và mọi tiện nghi".
Lần khác, trong năm học lớp 7, sau khi người thầy chiếu bộ phim 'Vietnam : A Television History' (1983), một cậu học sinh người Mỹ hỏi tôi :
"Nhà mày ở bên phe nào (cuộc chiến) ?"
Tôi trả lời "Miền Nam", lập tức cậu ấy chỉa tay vào mặt tôi, cười và la lên như vẻ đang đưa ra một phán quyết, "À, vậy gia đình mày thua là đáng !"
Lần khác nữa, trong năm học ở Đại học Berkeley, trong lớp về "Hòa Bình và Xung Đột", tôi viết một bài luận phản ảnh sự thiên lệch trong cách giảng dạy và tài liệu dùng trong lớp về cuộc chiến Việt Nam.
Thay vì tìm hiểu và trao đổi, vị giáo sư của lớp cho tôi điểm "F-", điểm thấp nhất có thể, cùng với một trang viết, lý giải rằng tôi được điểm ấy vì không theo nguyên tắc của một bài luận, và những phản ảnh của tôi xuất phát từ việc tôi chưa vứt bỏ được cái đắng cay của kẻ thuộc bên thua cuộc.
Trên đây là những họa tiết nhỏ, nhưng phản ảnh những bài học và nhận định về lịch sử chiến tranh Việt Nam mà con cháu của chúng ta đã, đang, và sẽ được dạy ở học đường.
'Bóp méo' chiến tranh Việt Nam
Điển hình và gần đây nhất về sự bóp méo chiến tranh Việt Nam được thể hiện trong hai bộ phim : 'Việt Nam : Thời đại Hồ Chí Minh' sản xuất ở Việt Nam và 'The Vietnam War' sản xuất ở Hoa Kỳ.
Lấy danh nghĩa công bằng, trung thực, nhằm nói lên tiếng nói của nhiều người, từ nhiều khía cạnh, cả hai bộ phim tạo cho người xem cảm giác mới lạ, nhưng trên thực tế chỉ là một màn ảo, nhai lại những định kiến của 40, 50 năm qua.
Với 'Việt Nam : Thời đại Hồ Chí Minh', khi đoàn làm phim liên lạc để nhờ tôi giúp kết nối phỏng vấn một số học giả ở Hoa Kỳ, danh sách họ đưa đa số là các học giả thuộc nhóm phản chiến, ít thiện cảm với Việt Nam Cộng Hòa hoặc chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc chiến.
Còn với 'The Vietnam War', dù với tiêu chí là sẽ đưa vào nhiều tiếng nói khác nhau, công bằng và quân bình hơn, nhưng thực tế không như vậy.
Trong 79 chứng nhân hai đạo diễn Ken Burns and Lynn Novick chọn để đưa hình ảnh và tiếng nói lên màn hình, thì 50 là người Mỹ và 29 là người Viêt Nam. Nhưng trong 29 người Việt Nam thì 13 người thuộc quân đội và chính quyền miền Bắc, ngoại trừ Huy Đức, 6 thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tức tổng cộng là 19 người liên quan với miền Bắc, trong khi chỉ có 9 người đại diện cho miền Nam Việt Nam.
Với những con số lệch lạc này thì thời lượng để bày tỏ quan điểm về sự việc cũng theo đó mà sai lệch, trong khi cuộc chiến đa phần xảy ra ở miền Nam Việt Nam.
Kết quả là cả hai bộ phim này góp tay xóa hầu hết những khám phá mới và quân bình hơn mà nhiều nhà nghiên cứu đã dầy công tìm hiểu trong 15-20 năm qua.
Nói cho cùng, nếu lịch sử của chính mình mà chúng ta không quan tâm, không tìm hiểu, không viết ra, không trân quý giữ gìn, thì đừng trách tại sao lịch sử người khác viết có những sai lệch, phiến diện và đầy định kiến.
Ai có bổn phận 'giữ gìn lịch sử' ?
Đã đến lúc người Việt cần góp phần mình trong việc giữ gìn lịch sử.
Lịch sử không thể chỉ là những trang sách về câu chuyện rồng tiên đầy xa lạ, hay dừng lại ở vài bức tranh về những anh hùng chống ngoại xâm được phóng đại bởi dân tộc chủ nghĩa, hoặc ở những cái tên như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và Lê Duẩn, hay Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.
Lịch sử công bằng và trung thực là lịch sử ghi nhận tất cả sự phức tạp và những sắc thái cấu tạo nên một con người, một xã hội, một dân tộc, và một đất nước.
Là nhìn nhận rằng Việt Nam không chỉ có những hình ảnh rừng vàng biển bạc, mà phải nói cả về sự nghèo đói bao người Việt phải trải qua bao thế hệ từ xưa đến nay.
Là nhìn nhận rằng song song với những cuộc chiến chống ngoại xâm đầy tự hào là những cuộc huynh đệ tương tàn đầy bi ai.
Lịch sử trung thực phải là bức tranh về con người thật, xã hội thật, cũng những vui buồn đắng cay mà một cuộc đời, một dân tộc phải trải qua.
Bức tranh ấy phải cho ta sự tàn khốc của bom đạn ở Khâm Thiên, thảm sát ở Huế, phải làm rõ những vụ thanh trừng và đàn áp, phải bám theo những gót chân di cư năm 1954, cũng như của những người tập kết ra Bắc, của hệ quả từ các chính sách cải cách ruộng đất, đánh tư sản, và tù cải tạo, hay những diễn biến kinh tế và xã hội đưa đến vấn nạn vượt biên, vượt biển bỏ nước ra đi.
Bức tranh ấy phải vẽ rõ hơn về những con số và bộ mặt của bao thanh niên thanh nữ bỏ xác trên chiến trường, dọc theo con dường mòn có tên Hồ Chí Minh.
Nó phải là bức tranh có những câu chuyện của những người phụ nữ một thân lo gia đình khi chồng bị tù đầy.
Nó phải là bức tranh về cuộc sống thường ngày của con người trong thời cuộc, từ những sinh hoạt ở nông thôn đến thị thành, ở công sở cũng như nhà trường, hoặc những nỗi lo ngại tính toán mỗi khi vật giá leo thang do lạm phát và thất nghiệp.
Nó phải là bức tranh của những cuộc sống trên đất người, từ những khó khăn đến thành công, vì dù muốn hay không, đó cũng là câu chuyện của con người Việt Nam, tức lịch sử Việt Nam.
Bức tranh đa dạng ấy về lịch sử chiến tranh Việt Nam phải bắt đầu từ mỗi chúng ta.
Từ sự mở lòng để kể rõ chuyện của mình với con cháu, từ sự hiếu kỳ với cuộc đời của cha mẹ và anh chị, từ sự khoan dung giữa người với người, dù trước kia từng là người bên kia giới tuyến.
Điều đó tất cả chúng ta đều nên làm và có thể làm, chỉ cần bắt đầu với cây bút, tập vở, hay chiếc iPhone hoặc Samsung.
Làm sao để giữ gìn lịch sử ?
Tôi nghĩ, chúng ta hãy bắt đầu với những câu hỏi rất bình thường :
- Bố sinh năm nào ? ở đâu ? Nhà bố có bao nhiêu anh chị em ? Ông, bà tên gì ?
- Khi còn nhỏ, giấc mơ của mẹ là gì ?
- Bố mẹ gặp nhau trong cơ duyên nào ? Cảm giác đầu khi nhìn nhau là gì ?
- Ba nhập ngũ năm nào ? Tiểu đoàn của ba đóng ở đâu ? Ba đã từng đánh bao nhiêu trận ?
- Đường Trường Sơn khó nhọc ra sao ? Bố mất bao nhiêu đồng đội và xác của họ giờ ở đâu ?
- Khi phải đối diện Bác Hai ở chiến trường, suy nghĩ đầu tiên của ba là gì ?
- Tết Mậu Thân gia đình mình đang làm gì ?
- Khi bom rơi xuống Khâm Thiên thì nhà mình đang ở đâu ?
- Chị nhớ gì về ngày Tết ? Những ngày học ở Gia Long ?
- Người cán bộ cai tù trong trại cải tạo đối xử với ba như thế nào ?
- Ngày mẹ đẩy con và em lên thuyền, mẹ có nghĩ sẽ gặp lại chúng con ?
- Bao cấp khổ như thế nào mẹ ? Anh Hai có gởi tiền về giúp mẹ không ?
- Hôm ra khỏi cổng trại, hít hởi thở tự do sau 6 năm tù, ba cảm thế nào ?
Vâng. Hãy cứ bắt đầu bằng những câu hỏi và sự tò mò như khi ta đọc một cuốn tiểu thuyết.
Cứ để nhân vật chính dẫn ta vào thế giới của họ. Để họ vẽ bức tranh riêng, đậm nhạt cùng những nụ cười trên vành môi hay những giọt nước bên mí mắt. Hãy để họ tức giận theo cơn phẫn nộ và trầm tư khi cần một phút nghỉ.
Hãy bắt đầu gom nhặt những mảnh đời, rồi ghép lại thành bức tranh lịch sử về anh chị về mẹ cha.
Trước tiên, hãy trao tặng bức tranh ấy cho con cháu, vì một ngày chúng sẽ khát khao được xem, được biết.
Sau đó, hãy trao tặng những câu chuyện này cho các sử gia, các trung tâm nghiên cứu và lưu trữ, hoặc các thư viện, như Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ, với lòng tin rằng một ngày, một ngày không xa, những câu chuyện ấy sẽ góp phần vẽ nên một bức tranh lịch sử đầy sắc mầu.
Bức tranh ấy sẽ làm sáng tỏ hơn về một giai đoạn lịch sử còn nhiều khúc mắc hầu giúp người sau hiểu rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra.
Công việc này đòi hỏi sự góp tay của nhiều người, và bắt đầu với từng mỗi cá nhân ở mỗi gia đình.
Đã 46 năm rồi ! Nếu chúng ta thiết tha nghĩ đến một giai đoạn lịch sử thì xin hãy góp tay để lịch sử đừng bị đánh mất.
Alex Thái Đình Võ
Nguồn : BBC, 30/04/2021
Alex-Thái Đình Võ, tiến sĩ sử học, hiện làm việc và cư ngụ tại Honolulu, Hawaii.
**********************
Carl Thayer, Tina Hà Giang, BBC, 30/04/2021
Vấn đề hòa giải, hòa hợp vẫn còn nhức nhối giữa những người Việt thuộc hai phe, Giáo sư Carl Thayer nói với BBC News tiếng Việt.
Đây là khía cạnh của cuộc chiến mà, theo nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế từ Canberra, Úc, có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ cần đến 50 năm nữa mới có thể chữa lành.
Một làn sóng vượt biên ồ ạt đã diễn ra sau 1975
Trả lời phỏng vấn của Tina Hà Giang, BBC News tiếng Việt, ông nói về thái độ đối xử của những người chiến thắng đối với những người bị coi là bại trận sau ngày 30/4/1975 :
Carl Thayer : Hiệp định Hòa bình Paris hướng tới việc tổ chức bầu cử tại Việt Nam và thành lập Hội đồng Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc.
Trong cuộc xung đột ở Campuchia, ông Bùi Tín là người cùng toán quân đầu tiên của quân đội cộng sản Việt Nam tiến vào Phnom-penh [hồi năm 1979].
Khi viết cuốn Hoa Xuyên Tuyết, ông nói một trong những lý do khiến ông rời bỏ chính thể là bởi ông thấy thay vì hòa giải, họ đã đối xử rất tàn nhẫn với cựu thù.
Từng là người cộng sản, phụ trách tờ báo cộng sản [báo Nhân dân], nhưng ông Bùi Tín đã bỏ đi. Lời kể của ông ấy có sự chân thực.
Tôi từng nói chuyện với những người phải đi trại cải tạo. Họ nghĩ là sẽ đi một thời gian ngắn, nhưng hóa ra là đi rất lâu. Nhiều người không được đối xử tử tế.
Cho nên dù đã 45 năm trôi qua, vẫn có khía cạnh của Cuộc chiến Việt Nam chưa bao giờ được hòa giải.
Cộng đồng người Việt tị nạn chưa bao giờ chấp nhận chế độ hiện thời ở VN. Họ tiếp tục gặp nhau, mặc những bộ quân phục của mình, và có lẽ là tự hào - tôi chắc chắn là họ thấy tự hào - nhớ về quá khứ.
Nhưng họ chỉ là thiểu số, giống như bản thân tôi vậy, sẽ dần dần biến mất.
BBC : Đó là ông nói tới cộng đồng người Việt đi tị nạn. Còn những người ở lại sau 1975 thì sao, thưa ông ?
Carl Thayer : Tôi tin là trong một tài liệu của Việt Nam có phân chia, phân chia theo nguồn gốc gia đình.
Điều gì đã xảy ra với con trai, con gái họ, với thế hệ thứ ba của những người Việt có liên hệ với bất kỳ ai bị coi là phản động, cho dù đó là nhân viên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thành viên của một trong nhiều đảng phái chính trị khi đó, hay là người trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa ?
Với những người Việt trẻ tuổi không bỏ nước ra đi, họ ở lại đó, và thấy bị chặn mọi ngả.
Đại tá Bùi Tín nói đến kẻ thù, nhưng mà đó là con cái, thế hệ con cái đang phải trả giá. Họ không được tin cậy do lý lịch, vì bị coi là con nhà phản động.
Vấn đề là thế này : quý vị có thể nói là họ đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng cũng có nhiều người bị mắc kẹt trong cuộc chiến, mà đa số người Việt là thế.
Họ phải làm việc để kiếm sống. Họ là những nông dân được hưởng lợi từ chương trình cải cách ruộng đất kiểu Mỹ, theo đó cho người nông dân quyền kiểm soát đất ruộng.
Họ là những người sống nơi đô thị, những người do cuộc chiến mà buộc phải ly tán. Quý vị có thể nhìn thấy họ lang thang trên đường phố trong thời thập niên 1960.
Đột nhiên hệ thống chính trị thay đổi. Khi người cộng sản vào chiếm quyền, miền Nam trở thành kẻ thù.
Đã 45 năm trôi qua, Việt Nam vẫn cần nửa thế kỷ nữa những vết thương này mới lành được.
Tôi nghĩ tới ý tưởng ban đầu, đó là cần phải có một Hội đồng Hòa hợp, Hòa giải Dân tộc, và hai bên phải bằng cách nào đó thành lập ra một hệ thống chính trị có khả năng đưa mọi người xích lại bên nhau.
Carl Thayer : Với chiến thắng bất ngờ, những người cộng sản giành chiến thắng.
Những người thua cuộc hay những người bị kẹt trong cuộc chiến có xu hướng bị phân biệt đối xử trong những năm đầu.
Tôi có thể nói là điều đó diễn ra cho đến năm 1986 khi bắt đầu quá trình Đổi Mới.
Từ đó thì ta có 'Bắc thắng trận Nam thắng kinh tế' - đó là cách diễn tả mà tôi nghe được. Sức mạnh mới của miền Nam, kinh tế thị trường, đã có hiệu quả.
Và đúng là một khi các hạn chế được dỡ bỏ, Việt Nam trở thành một nhà xuất khẩu gạo đáng gờm, xuất gạo ra thế giới. Nhưng tôi cũng nói rằng còn có cả chuyện xuất khẩu gạo từ miền Nam ra miền Bắc nữa, bởi mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động không hiệu quả.
BBC : Nhìn lại 45 năm qua, theo ông thì nay mỗi bên của cuộc chiến có thể làm gì để hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự ?
Carl Thayer : Tôi đã nói về một phía của câu chuyện, và tôi đã nói mạnh mẽ.
Nhưng phải thấy là tuy người cộng sản nắm quyền năm 1975 và người cộng sản ngày nay vẫn cùng có hệ thống chính trị độc đảng, vẫn đàn áp, nhất là với những ai muốn cổ suý nhân quyền và tự do tôn giáo, nhưng Việt Nam đã trở nên đa nguyên hơn, nhiều cảm thông hơn.
Rất nhiều ý tưởng đã có thể được bày tỏ.
Tôi nghĩ về sự chia rẽ Bắc - Trung - Nam. Đảng cộng sản cố tình chọn người lãnh đạo, tổng bí thư Đảng có lẽ luôn là người miền Bắc, nhưng người miền Nam đã giữ các vị trí chủ tịch nước, thủ tướng..., như ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, hay ông Trương Tấn Sang.
Và bởi vì Việt Nam chuyển mình, cho nên đã có phong trào, tuy không phải luôn thế, lúc ban đầu là người miền Bắc, các viên chức hành chính miền Bắc, chuyển vào Nam, và nay thì cả các công việc khác, giáo dục, kinh tế tư nhân... mọi người dịch chuyển và nhiều hơn nhiều.
Nhưng trong nước Việt Nam mới này, mọi người vẫn muốn có thêm tự do, nhất là muốn nói trên Facebook về các vấn đề gây tranh cãi, về vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường...
Họ muốn bày tỏ quan điểm về những chuyện đó và việc này không liên quan gì tới giai đoạn 1975 hết. Nó là chuyện của Việt Nam ngày nay.
Tuy vẫn chưa được chính thức nêu ra ở Việt Nam nhưng nhiều khía cạnh đã được thực hiện.
Điểm chung ở đây là quý vị có thể là người từng đi cải tạo, là đảng viên cộng sản, là người chống cộng, nhưng quý vị đều có thể trở về kỷ niệm các vị vua, các vị chúa Nguyễn, những chương trong lịch sử Việt Nam, những phong tục, tập quán, những ca khúc cả hai bên có chung với nhau.
Tôi nghĩ là chế độ hiện nay đang thúc đẩy mặt trận văn hóa để bản sắc văn hóa Việt Nam mà cả hai bên có chung với nhau không bị chìm nghỉm, bị thất lạc tại Mỹ, Pháp hay Đức, khi người Việt hòa nhập vào những môi trường đó.
Nguyễn Hùng, VOA, 30/04/2021
"Thời gian thấm thoắt thoi đưa" ; mới thế mà đã 46 năm kể từ khi sự thử nghiệm tự do và dân chủ lần đầu tiên trên một phần Việt Nam trong hàng chục năm đã kết thúc bằng sự lan phủ của cỏ dại cộng sản từ miền bắc vào ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Trong 46 năm qua, các báo đài, nhà xuất bản tự do cùng với các hội đoàn độc lập không còn có đất sống. Cả triệu người không chịu nổi cái giá của thống nhất dưới họng súng đã đổ ra biển ; hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên con đường rời địa ngục cộng sản. Chẳng mấy chốc nửa thế kỷ sẽ qua đi và câu hỏi đặt ra là thêm 46 năm nữa liệu tự do và dân chủ, dù ở dạng manh nha như ở Việt Nam Cộng hòa năm xưa, sẽ có khả năng trở lại dải đất hình chữ S.
Đoan Trang trong phim tài liệu về Nhà xuất bản Tự Do chiếu ở Frankfurter Buchmesse. Ảnh : Chụp màn hình/IPA.
Từ xa nhìn về, cách các quan chức Việt Nam trị dân hiện nay chẳng khác gì những tay chơi cá cảnh. Họ muốn càng có nhiều người dân hài lòng như những con cá nằm trong bể kính càng tốt. Số người có điều kiện đi ra nước ngoài để có trải nghiệm dân chủ tự do thật sự hay tự tu thân để hiểu và thực hành tự do và dân chủ vẫn chỉ là thiểu số. Phần đông hài lòng với cảnh chim lồng, cá chậu ; sự tự do chẳng như bể khơi mà chỉ là bể cá, chẳng phải là bầu trời lồng lộng mà chỉ là cái lồng chưa tới mét vuông.
Khi tôi viết những dòng này, người bạn Facebook của tôi, Phạm Đoan Trang, đã bị tống giam gần bảy tháng. Trang không kêu gọi lật đổ chế độ và cũng không lập ra đảng đối lập. Trước khi bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái vài tháng, Trang còn đành rời khỏi Nhà xuất bản Tự Do như giải thích của cô với Đài Á Châu Tự do : "Có nhiều lý do nhưng có một lý do quan trọng là anh em Nhà Xuất Bản [NXB] Tự do khổ quá. Có người nói với tôi rằng đấu tranh kiểu này là tự sát. Chỉ làm sách nhưng bị chính quyền xem là tội phạm, đối đầu trực diện nên chính quyền sử dụng vũ lực dẫn đến tổn thất nhiều.
"Anh em mỗi lần bị bắt, bị đánh phải chịu tổn thất lâu dài. Trường hợp mới nhất là anh Phùng Thủy bị bắt cóc và bị đánh vào ngày 8 tháng 5 vừa rồi đến nay anh gần như tàn phế, tay chân không co duỗi được, có dấu hiệu suy thận, dạ dày luôn ra máu…
"Trước tình cảnh này, tôi nghĩ rằng với tư cách là người đại diện và tác giả chính của Nhà xuất bản Tự Do, tôi cũng phải chịu trách nhiệm cho việc anh chị em Nhà xuất bản (và cả độc giả – tức là những người không phải thành viên Nhà xuất bản) bị trấn áp, sách nhiễu, và đứng trước rủi ro bị bắt bất cứ lúc nào."
Vậy đó, trong bể cá cảnh lại có những con cá sát thủ răng đao và trong lồng chim lại sẵn có những con đại bàng.
Sau khi Trang bị bắt, Giáo sư Anh văn và Báo chí từ New York, Thomas Bass đăng lại trích đoạn từ cuốn sách ông viết hồi năm 2017 ‘Kiểm duyệt ở Việt Nam : Thế giới Gan dạ Mới’ . Đề cập tới các nhà báo gan dạ và hiếm hoi ở Việt Nam, ông viết : "Họ chẳng làm gì hơn là khám phá thế giới xung quanh họ, mà, thật không may biến họ thành tội phạm ở Việt Nam."
Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận có tù nhân lương tâm ở đất nước cộng sản độc đảng. Riêng chuyện họ không thừa nhận này đã đủ để cho thấy họ thành thật tới đâu. Không có tù nhân lương tâm ở đất nước cộng sản độc đảng ?
Trong trích đoạn sách mà Giáo sư Bass đăng lại , Trang được dẫn lời nói : "Khi tôi được đề nghị đi tị nạn [chính trị tại Hoa Kỳ], tôi nói với quan chức lãnh sự ‘Tôi không muốn là gánh nặng. Quý vị đã có đủ người tị nạn chính trị rồi’.
"Cô không phải là gánh nặng. Cô là tài sản," ông ấy nói với tôi. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những lời như thế ở chính đất nước tôi nơi tôi đã bị bắt và đánh đập nhiều lần."
Với chính sách bàn tay sắt được ráo riết thực thi trong những năm gần đây, phong trào dân chủ Việt Nam đã mất đi nhiều gương mặt biểu tượng. Nhiều người bị tống giam như Phạm Đoan Trang, nhiều người khác buộc phải rời khỏi Việt Nam để tránh bị ở tù thêm nhiều năm nữa như blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Dân chủ ở Việt Nam thiếu vắng một lãnh tụ tinh thần như Aung San Suu Kyi của Myanmar và không có trải nghiệm dân chủ thực tế như ở Hong Kong hay Thái Lan, cả ba xứ sở đều có những bước đi lùi về tự do dân chủ trong những năm gần đây. Những diễn biến này cho thấy khó có nhiều hy vọng cho sự sớm trỗi dậy của những gốc rễ dân chủ bị chôn vùi suốt 46 năm qua ở một nửa dải đất hình chữ S.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 30/04/2021
**********************
Thục Quyên, VNTB, 30/04/2021
Tỏ thái độ bằng biểu tình
Đảng cộng sản Việt Nam có thể hy vọng người Việt sẽ ngoan ngoãn như người dân Bắc Hàn, không cần dự phần tự quyết cho tương lai của mình và con cháu mình ?
Hai năm sau những cuộc biểu tình của vài trăm ngàn người trên các đường phố Nhật Bản và Philippines chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc (1) thì "Cách mạng Ô dù" (2) cũng nổi lên tại Hồng Kông năm 2014 với những cuộc biểu tình, những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, với hàng trăm ngàn người dân già trẻ lớn bé thuộc mọi tầng lớp tham dự, để chống lại nguy cơ vùng đất của mình bị nhà cầm quyền Trung Quốc nuốt trọn.
Trong khi đó 91,7 triệu dân Việt Nam từ Bắc chí Nam chỉ có được một số cuộc biểu tình lẻ tẻ vài chục người dám xuống đường tỏ thái độ bằng vài cái biểu ngữ, hô to vài câu chống đối, cách xa tòa đại sứ Trung Quốc vài trăm thước mà vẫn phập phồng bị đánh, đạp vào mặt hay ăn mưa dùi cui. Cuộc biểu tình của các công nhân tại Bình Dương là cuộc biểu tình duy nhất được cho là lên tới gần 10.000 người thì trở thành bạo động và bị nghi là có sự nhúng tay của những đặc vụ Trung Quốc gây ra biến loạn, cướp bóc, để lấy cớ có thái độ với Việt Nam (3).
Thức tỉnh chính trị và sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp dân chúng
Năm 2019 bắt đầu làn sóng biểu tình thứ hai tại Hong Kong còn gọi là "Phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ"(4). Nhưng "Dự luật dẫn độ" chỉ là nguyên nhân trực tiếp, trong khi nguyên nhân cơ bản theo khảo sát của Đại học Hồng Kông là do càng ngày càng ít thanh niên Hồng Kông tự nhận mình là người Trung Quốc, do luật pháp, xã hội và văn hóa có qúa nhiều sự khác biệt giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra "Cách mạng Ô dù" tuy sau cùng không thay đổi được giới cầm quyền nhưng là nguồn cảm hứng và sự thức tỉnh chính trị cho mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Khi Trung Quốc không tuân thủ cam kết là cho tới năm 2047 sẽ không can dự vào nền dân chủ và tự trị của Hồng Kông, thì những cuộc "Biểu tình của người cao tuổi" hay " Biểu tình của các bà mẹ" cho thấy một nền dân chủ Hồng Kông lâu đời không thể dễ dàng khuất phục trước "mẫu quốc". Sự đồng lòng nhất trí của dân Hồng Kông đã mạnh tới mức các chính phủ Mỹ và Âu Châu đã phải tiếp cậu sinh viên Joshua Wong, một trong những người nổi của phong trào, trong khi những chính phủ này đã nhiều lần né tránh tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay cả Tổng thống Đài Loan.
Một quốc gia nhỏ bé khác, Myanmar, mới được hưởng một nền dân chủ tương đối và ngắn ngủi trong vòng 10 năm, nhưng từ đầu tháng 2/2021 cũng đã có một làn sóng biểu tình vũ bão và kiên định của người dân, chống lại chính quyền quân đội đã đảo chính bắt giam một số người của chính phủ dân sự (5).
Cho tới nay, mặc dù gần 800 người dân đã bị bắn chết, những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục. Dân lao động, nhà tu, giới y tế, sinh viên học sinh, phụ huynh…đang vẫn bền bỉ biểu tình đấu tranh bảo vệ nền dân chủ mong manh của họ và tố cáo ảnh hưởng của Trung Quốc trên nhóm quân đội đang cầm quyền. Sự bền bỉ tranh đấu của người dân đã khiến thế giới phải lên tiếng và Mỹ đã cấm vận các doanh nghiệp Myanmar để cắt nguồn tài chánh của lãnh đạo phe quân sự.
Bắc Hàn và Việt Nam, hai quốc gia yên ắng
Cộng hòa dân chủ nhân dân Tiên (Bắc Hàn) và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hai quốc gia chỉ có một đảng cầm quyền hoạt động và đảng cầm quyền này chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc. Về địa lý, cả hai quốc gia đều giáp ranh với Trung Hoa.
Bắc Hàn là một quốc gia cô lập, thường được cho là bí ẩn vì các số liệu thường được đưa ra chỉ dựa trên ước đoán. Bắc Hàn dựa phần lớn trên sự tự cung tự cấp, một phần nhận viện trợ của Trung Hoa và một phần nhỏ viện trợ nhân đạo từ quốc tế. Chính quyền kiểm soát chặt người dân và con số ít ỏi dân chúng được phép tiếp xúc với bên ngoài thì bị quản lý sát sao, không được lên tiếng.
Việt Nam trái lại, tuy kiểm soát chặt chẽ người dân nhưng mở rộng giao thiệp với toàn thế giới và biết cách xin viện trợ nước ngoài. Viện trợ quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong ngân sách nhà nước, song vai trò này cũng đang có xu hướng giảm dần. Dân chúng tiếp xúc bên ngoài dễ dàng nếu không bị chính quyền xếp vào loại có tư tưởng không tùng phục họ.
Hoàn toàn không có tiếng nói tranh đấu cho dân chủ tại Bắc Hàn, ngoại trừ lẻ tẻ từ những người dân đã trốn được qua Nam Hàn tỵ nạn. Còn Việt Nam thì được biết tới như một thiên đường du lịch, người dân vui vẻ, không than vãn, ngoại trừ con số vài trăm người bất đồng chính kiến thì đã nối tiếp nhau bị bắt và đang lãnh những án tù nặng nề.
Bao giờ dân chủ là một nhu cầu ?
Sau 30/04/1975, sự gặp gỡ trực tiếp của người dân hai miền Nam Bắc Việt Nam đã xóa bỏ những tuyên truyền láo khoét về một miền Nam đói khát bị Mỹ xâm chiếm. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã khiến câu "tư bản giãy chết" biến mất. Sự trù phú của miền Nam được tải ra xây dựng miền Bắc, còn ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ thì chưa được đáng giá.
Khách đến Việt Nam ngày nay thấy nhiều nhà cao cửa rộng, xe chạy chật đường hơn xưa. Nhưng đa số người Việt Nam có vẻ không có cái nhu cầu dân chủ của người Myanmar hay người Hồng Kông.
Hay là họ có, nhưng 20 năm chiến tranh đã làm họ mệt mỏi, xuôi xị chấp nhận chút đầy đủ vật chất, nhắm mắt với tương lai ? Và Đảng cộng sản Việt Nam có thể hy vọng người Việt sẽ ngoan ngoãn như người dân Bắc Hàn, không cần dự phần tự quyết cho tương lai của mình và con cháu mình ?
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 30/04/2021
____________________
Ghi chú
(1) https://vietbao.com/a221363/giac-da-vao-nha-bay-gio-ai-ra-danh
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_%C3%94_d%C3%B9
(3) Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam 2014 – Wikipedia tiếng Việt
(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83u_t%C3%ACnh_Myanmar_2021
*******************
30/04 : Người Chăm, người sắc tộc miền Trung và cuộc chiến Việt Nam
Đồng Chuông Tử, BBC, 27/04/2021
Trong cuộc chiến 'nồi da xáo thịt' giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam (1954-1975), có 'một lực lượng không nhỏ' binh lính, sĩ quan, nhân sự các lĩnh vực trong hệ thống bộ máy chính thể Việt Nam Cộng Hòa là người gốc gác sắc dân thiểu số miền Trung và Tây Nguyên, bao gồm Chăm, Ê Đê, Raglay v.v...
Lễ hội Kate của người Chăm ở Bình Thuận
Sau sự kiện lịch sử 30/04 đầy chết chóc, tang thương và sụp đổ ấy, trong hàng triệu sinh linh người Việt bỏ nước ra đi, kéo theo hệ lụy hàng trăm, hàng ngàn số phận chưa là tử sĩ sắc dân thiểu số cũng nằm chung cảnh huống 'chết bờ chết bụi', bị tù đày cải tạo, truy xét lý lịch hoặc phân biệt đối xử thậm tệ trong cuộc sống thường nhật.
Hậu chính sách cải tạo của 'bên thắng cuộc', một bộ phận rất nhỏ bé thôi trong lực lượng không nhỏ ấy, nhận được những 'cánh tay ơn nghĩa' giang ra giúp đỡ, dù muộn màng từ chính sách H.O của chính phủ Hoa Kỳ.
Song đến thời điểm hiện nay, dù đã 45 năm trôi qua, di sản của nỗi bi kịch khổng lồ ấy dường như vẫn không thể nào phai nhòe, bớt ám ảnh những người một thời 'trong cuộc' khiến dây dưa vắt sang cả những thế hệ tiếp nối.
Lát cắt người thân bất hạnh
Theo lời kể từ những cấp dưới của cha tôi, cách đây hơn hai mươi năm, khi họ tề tựu chung quanh quan tài ngày ông mất, trước 30/4/1975, ông là một sĩ quan người Chăm phụ trách tuyển quân bổ sung vào các vùng chiến sự, trực thuộc Tổng khu hành dinh Phan Thiết.
Sau 'tháng Tư đen tối' đó, ông trở thành tù cải tạo vài năm, ra tù tay trắng cùng đàn con nheo nhóc, vô công rỗi nghề lại bị chính quyền mới đưa vào diện theo dõi quản thúc, phân biệt đối xử, chèn ép thô bạo khiến tinh thần ông tổn thương nặng nề.
Cha mất khi tôi còn rất bé, nhưng những trang nhật ký để lại, được mẹ tôi đem cất giữ kĩ lưỡng, sau này bất ngờ lục lọi trong đống giấy tờ cũ, có dịp đọc đã khiến tôi khóc nhiều và thương cha hơn bao giờ hết.
Tiếc là cách đây bảy, tám năm, trước khi qua đời, mẹ tôi bị lẫn nên trong một lần nhóm bếp nấu cơm đã đem đốt sạch bút tích của cha.
Bác trai tôi, một người lính thủy quân lục chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã kinh qua nhiều chiến sự khốc liệt ở Plei Ku, Buôn Mê Thuột, sau khi bị đạn ghim vào đầu, vào chân trở thành thương phế binh lúc tỉnh lúc mơ.
Khi chính quyền mới vào tiếp quản, bác mất hết chế độ khám chữa bệnh, tiền trợ cấp.
Cách đây hai năm, có lần tôi ghé thăm nhà lúc bác tỉnh táo, mới hay bác mình giờ chỉ sống rặt với kí ức năm tháng tuổi trẻ và luôn tự hào kể về những trận đánh của bác và đồng đội, lúc ở đồng bằng khi ở đồi dốc.
Nhiều lần, bác hay than phiền về sự hành hạ của vỏ đạn còn nằm trong đầu mình, nó khiến bác mệt mỏi nhức nhối. Những lúc tột cùng đau đớn, nửa đêm tôi còn nghe tiếng bác hét bi thương vượt qua năm, sáu mái nhà vọng vào cửa sổ mở hé để làn gió lùa vào nơi tôi ngủ.
Ít tháng sau thì bác mất trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, không có đồng đội đến phúng viếng.
Vài số phận may mắn
Cộng đồng người Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, hầu hết đều biết và có thể kể vanh vách về những giai thoại 'đánh giặc' của Thiếu tá Thêm, Trung tá Sở.
Họ là những quân nhân người Chăm đầu tiên đeo lon cấp tá trong lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng là những người nổi tiếng chiến đấu gan dạ mưu lược, dũng cảm bất khuất, kiên cường bất chấp hiểm nguy trước lối đánh du kích ưa chuộng của du kích cộng sản.
Theo nhiều cụ ông Chăm cho biết, Thiếu tá Thổ Thêm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 320, quận Thiện Giáo (nay là huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) luôn là nỗi khiếp sợ kinh hồn bạt vía của đối phương.
Ở nhiều trận chiến, ông đã thoát chết một cách thần kỳ bởi những bẫy bom mìn được cài dày đặc, những kẻ nằm vùng chỉ điểm, những trận đánh khốc liệt… Người Chăm kháo nhau rằng ông có bùa hộ mệnh của ông bà tổ tiên lận trong người. Thậm chí, nhiều người còn thêu dệt chuyện ông dùng bùa ngải của người Miên, người Lào tặng.
Nhiều nguồn tin kể lại, sau ngày 30/4, ông bị đem đi cải tạo tận ngoài Bắc để cho các lãnh đạo xem mặt 'hung thần' một thời, coi như ra đi bặt tăm tích, không có ngày trở về quê hương, hoặc bi kịch tù đày cải tạo chết mất xác như cách chính quyền cộng sản thủ tiêu Phó Tổng thống Fulro Huỳnh Ngọc Sắn, người làng dệt thổ cẩm truyền thống Chăm Mỹ Nghiệp ngày nay.
Tuy nhiên, có một sự kiện hy hữu tình cờ cứu được ông, trong khi cả làng ông không trông mong hi vọng gì về ngày trở về.
Đó là chuyện người lính 'thiếu niên' Bắc Việt gầy gò, xanh xao năm xưa, trong một trận giao tranh nọ, có lần ông trỗi niềm thương cảm cứu sống, lúc bấy giờ đang làm lớn trong quân đội ''bên thắng cuộc''.
Một dịp vô tình vào thăm trại tù đã nhận ra vị ân nhân bên kia chiến tuyến năm xưa của mình, nên đã ra tay nghĩa hiệp, bảo lãnh và giúp tiền tàu xe cho ông được về quê nhà sau hơn thập niên cải tạo. Thiếu tá Thêm mất ở quê nhà khi tuổi già sức yếu.
Một buổi chiều cuối tháng Tư rất nóng, tôi ghé về làng Chăm Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, quê hương của Trung tá Dương Tấn Sở để tìm hiểu tiểu sử, giai thoại về ông.
Qua những người thân cận, được biết, ông xuất thân từ Trường Võ bị Đà Lạt, là người học cao hiểu rộng, am hiểu sâu sắc văn hóa mẹ đẻ.
Ông được bổ nhiệm làm Quận trưởng Quận An Phước (nay là huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) khi còn rất trẻ. Thuở làm quận trưởng, ông có vài xích mích với các tướng lĩnh Sài Gòn chỉ vì bênh vực người Chăm của mình.
Năm 1965 ông là người đưa ra ý tưởng 'phần hội' chủ yếu tạo cho không khí tưng bừng, sinh động hơn đối với lễ hội Kate. Ngày nay, lễ hội truyền thống này được biết đến rộng rãi, nổi tiếng nhất của cộng đồng Chăm nhờ có được các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao bổ trợ.
Sau 30/4, ông bị bắt đi tù cải tạo 5 năm, quản thúc tại gia 3 năm, hết thời hạn đó, ông đã cùng gia đình qua Hoa Kỳ định cư theo diện HO năm 1994.
Khoảng thời gian sau đó, ông bị bệnh nặng tai, di chứng của hàng trăm lần tham gia chiến sự lẫn vai trò lãnh đạo quân sự. Ông mất đột ngột ở tiểu bang California bởi tai nạn giao thông năm 2009, được bạn bè đồng ngũ, đồng niên vinh danh theo nghi thức quân đội Hoa Kỳ.
Ngoài những số phận đó, người Chăm chỉ có thêm ít ỏi những quân nhân lẫn những người phục vụ bên lãnh vực dân sự khác đã được diện HO cứu xét định cư, lưu vong bên các xứ sở văn minh.
Hiện nay, dù tuổi cao sức yếu họ vẫn còn sống như là những chứng nhân một thời oanh liệt như các ông Lưu Quang Sang, cựu dân biểu nghị viện Sài Gòn, ông Đặng Chánh Anh, Quận trưởng Phan Lý Chàm,… góp vào bức tranh đa sắc tộc Hoa Kỳ thêm một tộc người thiểu số mới mẻ : người Chăm xứ Cờ Hoa.
45 năm sau giải phóng…
Nhà thơ cộng sản Nguyễn Duy có hai câu thơ khái quát về sự đương nhiên thất bại của người dân, mặc dù chính thể nào đó có giành lấy được chiến thắng : "Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại". Tôi xin phép trích dẫn hai câu thơ này để phác họa số phận của những người Chăm trong cuộc chiến, bất kể cuộc chiến nào trong lịch sử gần hoặc xa, họ đều trở nên bất hạnh, làm vật tế thần và thất bại thảm thương.
Từ cuộc chiến giữa Tây Sơn với nhà Nguyễn, giữa nhà Nguyễn với Lê Văn Khôi, chiến trận nào cũng có người Chăm, người thiểu số khác tham gia, nhưng những kẻ lên ngôi chiến thắng luôn nhanh chóng lãng quên quyền lợi dân tộc thiểu số, hoặc giả nhớ mà ban phát quyền lợi rất ư kẻ cả.
Đến cuộc chiến ý thức hệ (1954-1975), phần lớn người Chăm 'ở lại', đi theo chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Ít ỏi đếm trên đầu ngón tay thì bị dụ dỗ, thoát ly lên rừng theo Việt cộng và bất ngờ giành chiến thắng lịch sử. Nhưng rốt cuộc đến nay, số phận của những người theo hoặc không theo bên này bên kia, xét cho công bằng cũng không sáng sủa là mấy.
Cuộc sống kinh tế hôm nay của người Chăm nói chung, sau 45 năm được 'giải phóng' cũng còn chật vật, đếm đong từng bữa, bệnh tật cũng ít có điều kiện được chăm sóc y tế tốt nhất. Đối với những gia đình 'ngụy quân ngụy quyền' còn kẹt lại, các thế hệ con cháu có nguyện vọng làm việc trong chế độ mới thì việc bị thẩm tra lý lịch ba đời vô cùng gắt gao, khốc liệt.
Với những nhà hoạt động, tranh đấu cho tự do dân chủ người Chăm thì bị tù tội, triệt đường kinh tế, theo dõi, nghe lén điện thoại, khủng bố đủ kiểu.
Chính sách cộng cư, xen cư, chia nhỏ không gian thôn xóm làng mạc ngày nay cũng phần nào phá vỡ cấu trúc xã hội mẫu hệ Chăm.
Ngôn ngữ Chăm ngày càng rơi rụng, nhiều nhà khoa học, trí thức Chăm uy tín cũng đã gióng hồi chuông cảnh báo nguy cơ trở thành tử ngữ cao. Đền tháp Chăm thì bị tịch thu, quản lý yếu kém. Tín ngưỡng tôn giáo bị siết chặt, lũng đoạn, sắp xếp người thân chính quyền và can thiệp thô bạo.
Bản sắc văn hóa Chăm rõ ràng ngày càng phai nhạt, lai căng và mất mát từng ngày từng giờ không gì cứu vãn nổi.
Đó là tổng thể thảm trạng văn hóa - xã hội, đời sống - kinh tế của người Chăm nói riêng, dân tộc Việt nói chung sau 45 năm dưới sự lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một thảm trạng đầy chấp vá, hoàng kim của nỗi buồn, lạc lõng đến quái dị và xám xịt đến u mê, trái ngược vời vợi đối với xu thế chung của xã hội văn minh, tiến bộ.
Đồng Chuông Tử
Nguồn : BBC, 27/04/2021
Đồng Chuông Tử là một nhà thơ, nhà báo tự do, nghiên cứu văn hóa Chăm, hiện đang sống và làm việc tại Ninh Thuận - Bình Thuận, Việt Nam.
46 năm sau ngày 30-4-1975, nhìn lại cuộc vận động dân chủ
Chế độ cộng sản là một truyện thuyết đặt nền tảng trên tư tưởng của Karl Marx, để hướng tới giấc mơ một xã hội bình đẳng bằng phương pháp khủng bố nhân danh vô sản chuyên chính của Lenin. Truyện thuyết này đã chứng tỏ sự độc hại và trên thực tế đã sụp đổ nhưng chế độ cộng sản vẫn còn đó bởi vì một truyện thuyết ngay cả đã sụp đổ cũng chỉ có thể thay thế được bằng một truyện thuyết khác, nếu không nó vẫn còn đó dù đã chết lâm sàng. Đất nước đang chờ một truyện thuyết dân chủ đa nguyên.
Dịp kỷ niệm thứ 46 biến cố 30-04-1975 năm này diễn ra trong một bối cảnh nghịch lý. Đất nước đang đứng trước một vận hội rất lớn trong khi cả chính quyền lẫn đối lập dân chủ đều kiệt quệ.
Nhìn lại, vì sao ?
Trước hết là một cái nhìn lại. Ngày 30-4-1975 đã là một trong những ngày lịch sử lớn nhất của nước ta. Gọi nó là ngày quốc hận hay ngày thống nhất đều đúng nhưng đều không đúng hẳn. Đã có nhiều phim, sách và bài viết về biến cố này nhưng sẽ không bao giờ đủ. Mỗi lần nhìn lại đều thấy vẫn còn nhiều điều phải nói.
Kẻ thua, chế độ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam, đã rất xứng đáng để thua nhưng kẻ thắng, chế độ cộng sản miền Bắc hoàn toàn không xứng đáng để thắng. Cuộc chiến đã dài và khốc liệt, cuối cùng kẻ yếu và dốt đã toàn thắng trong khi kẻ mạnh và hiểu biết hơn nhiều đã thảm bại. Phải hiểu lý do để có thể ra khỏi một tình trạng đáng xấu hổ đã kéo dài quá lâu.
Sau ngày 30-04-1975 trong vòng bẩy năm rưỡi, một nửa ở tù và một nửa làm chuyên viên trong chế độ cộng sản, tôi đã thấy rất rõ sự dốt nát quá đáng của các cấp lãnh đạo cộng sản. Các bài diễn văn dài và đắc thắng của những Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng v.v. vớ vẩn đến nỗi tôi có cảm tưởng đất nước đã lùi về thế kỷ 19. Đa số những người được coi là chuyên gia cao cấp tốt nghiệp tại Liên Xô cũng chỉ có những kiến thức rất sơ sài và những công thức khuôn sáo đã học thuộc lòng. Ngay sau khi đã thành thân quen và bức màn ngăn cách giả tạo đã gỡ đi nhường chỗ cho tình bạn, đa số đã tâm sự rằng họ không ưa gì chủ nghĩa và chế độ cộng sản, chỉ bị lôi cuốn bởi guồng máy. Một người từng được huân chương đảng viên gương mẫu và được chọn làm đại biểu tham dự đại hội lần thứ 5 của Đảng Cộng Sản nói với tôi : "mình hèn nhát không dám chống lại nên đành làm anh hùng". Qua các bạn này tôi hiểu rằng một số nhỏ cán bộ cốt cán đã gây kinh sợ cho đại đa số đảng viên cộng sản và sử dụng họ làm dụng cụ để trấn áp và gây kinh hoàng cho cả nước. Đảng Cộng Sản có sức mạnh ghê rợn của một tổ chức khủng bố, một tổ chức có quyết tâm, có kỷ luật thép trong nội bộ và không bị ràng buộc bởi bất cứ quy ước nào, dù là pháp lý hay đạo đức. Một chính quyền bình thường dù mạnh gấp hai hay ba lần cũng không thắng nổi một tổ chức khủng bố.
Sức mạnh khủng bố này phe quốc gia –Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa- dĩ nhiên không có nhưng cũng không ý thức sự nguy hiểm của nó để chống lại. Trừ vài năm chót, khi Mỹ đã lấy quyết định bỏ cuộc, phe quốc gia đã có những phương tiện hơn hẳn và những còn người có trình độ hiểu biết hơn hẳn phe cộng sản nhưng sau cùng đã thua vì thiếu ý chí, thiếu ý thức chính trị và thiếu khả năng đấu tranh chính trị. Nói tóm lại là phe quốc gia thiếu những cán bộ chính trị. Tình trạng này có thể thấy rõ ngay sau ngày 30-04-1975. Hàng chục ngàn cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, quân đội cũng như hành chính, kế cả các cựu tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tướng lãnh, đã đào thoát được ra nước ngoài trong tuổi xuân của đời, nhưng có bao nhiêu người tiếp tục tranh đấu ? Rất ít, và thiểu số này cũng không biết phải đấu tranh như thế nào. Thường thường cũng chỉ là để lập những tổ chức vô vọng và vô duyên như hội đồng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ lưu vong, mặt trận phục quốc v.v. Một vài cố gắng nghiêm chỉnh lại thiếu tầm nhìn.
Việt Nam Cộng Hòa đã là một thử nghiệm dân chủ lãnh đạo bởi những người không hiểu biết gì nhiều về dân chủ, dù có thể có những bằng cấp chuyên môn cao và cũng không cảm thấy cần phải học hỏi thêm, bởi vì họ không quan tâm tới chính trị hay tin rằng làm chính trị không cần phải học. Ngay cả với những cấp lãnh đạo chính trị cao nhất, dân chủ cũng chỉ giản dị là không chính thức cấm đoán các tổ chức, có tam quyền phân lập hình thức, bầu cử không gian lận trắng trợn. Họ chỉ được huấn luyện và đào tạo để phục vụ trong một chính quyền chứ không phải để thiết kế hay điều khiển một chính quyền. Một số đông là những viên chức hay sĩ quan của chế độ Pháp thuộc để lại. Chính trị đối với họ chỉ là tranh giành chức vụ và nhiều người, kể cả ở những vị trí chính trị cao nhất, nói một cách rất tự nhiên và tự hào là không thích và không làm chính trị. Tuy vậy họ cũng rất hân hoan nếu được làm bộ trưởng, thậm chí thủ tướng. Tôi đã gặp một ông cựu thủ tướng như vậy. Thực ra ai cũng làm chính trị nhưng làm chính trị kiểu nhân sĩ, nghĩa là tạo tiếng tăm và uy tín cho mình và tin rằng như thế là mình có tư cách lãnh đạo.
Đặc tính của các chính quyền quốc gia trong suốt thời gian tồn tại 1948 – 1975 là những người đã kế tiếp nhau cầm quyền hầu như không biết gì về chính trị, nhưng họ vẫn an nhiên vì không biết rằng mình không biết. Thí dụ không ai nhìn thấy mâu thuẫn rằng ngọn cờ chính nghĩa của phe quốc gia là dân chủ nhưng văn hóa nền tảng vẫn là văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa hoàn toàn trái ngược với dân chủ. Phải nói rằng Khổng Giáo đã là nền tảng của xã hội Việt Nam trong suốt dòng lịch sử. Một người Việt Nam có thể theo Phật Giáo hay Công Giáo, hay Tin Lành, hay theo đạo thờ ông bà nhưng ai cũng sống theo đạo lý Khổng Giáo. Khổng Giáo mới thực sự là quốc giáo của Việt Nam cho tới rất gần đây, một điều mà các cấp lãnh đạo phe quốc gia ở mọi cấp bậc hoàn toàn không ý thức được. Khi phê phán và bác bỏ Khổng Giáo, chính tôi đã bị ném đá dữ dội và mất nhiều người bạn vì bị cho là đã xúc phạm tới tổ tiên và văn hóa dân tộc. Ngày nay ảnh hưởng của văn hóa Khổng Giáo đã giảm nhiều nhưng vào thời điểm 1975 và ở miền Nam nó là văn hóa nền tảng của nhân sự chính trị. Người ta chỉ chấp nhận cải tiến nó để thích nghi với tình huống mới chứ vẫn tôn sùng "Đức Khổng Phu Tử". Đây chính là lý do đã làm chết chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bởi vì nếu chỉ muốn cải tiến Khổng Giáo thì chế độ cộng sản chính là giải đáp lý tưởng. Chế độ cộng sản về bản chất là một chế độ Khổng Giáo nhưng hiện đại hơn, xã hội hơn và cũng nhân bản hơn.
Trong suốt cuộc nội chiến, phe cộng sản mặc dù chỉ là một phiên bản mới của Khổng Giáo lại phê phán khá thẳng thắn và khá chính xác văn hóa Khổng Giáo trong khi phe quốc gia đáng lẽ phải bác bỏ Khổng Giáo một cách quả quyết và dứt khoát lại tôn sùng nó. Phải nói về mặt chính trị, các cấp lãnh đạo cộng sản hơn hẳn các đối thủ của họ. Phe cộng sản có một ưu thế lý luận và tuyên truyền hơn hẳn phe quốc gia. Ưu thế này cộng với hiệu lực của một tổ chức khủng bố khiến họ có thể đánh bại nhanh chóng chế độ Việt Nam Cộng Hòa nếu không có Mỹ yểm trợ.
Nhờ những phương tiện kinh tế cũng như quân sự áp đảo, đặc biệt là độc quyền không quân, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã gây cho phe cộng sản những tổn thất rất nặng về cả khả năng chiến đấu lẫn tinh thần chiến đấu. Với thời gian, một lớp người trẻ cũng đã xuất hiện trong hàng ngũ Việt Nam Cộng Hòa, năng động hơn, hiểu biết hơn, có tinh thần dân tộc và dân chủ hơn ; nhưng họ chỉ mới tới được ngưỡng cửa quyền lực thì lịch sử đã sang trang. Nếu chế độ Việt Nam Cộng Hòa kéo dài thêm được năm hay mười năm nữa thì kịch bản 30-4 có thể đã không xẩy ra, thay vào đó có thể là một kịch bản tương tự như Đức, nhưng Mỹ đã quyết định bỏ Việt Nam Cộng Hòa rồi. Và họ đã bỏ một cách rất tàn nhẫn. Không chỉ rút quân đi, họ còn cắt viện trợ để Việt Nam Cộng Hòa chết thật nhanh. Trước năm 1973 viện trợ Mỹ là trên 10 tỷ USD mỗi năm, năm 1974 chỉ còn 700 triệu, năm 1975 zero. Trong khi đó Liên Xô ồ ạt gia tăng viện trợ cho Hà Nội. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hầu như đã không kháng cự trong cuộc tổng tấn công cuối cùng kết thúc ngày 30-4-1975 vì đã hoàn toàn kiệt quệ. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chết sau khi đã không tận dụng kịp thời được một giai đoạn đầu thuận lợi.
Đấu tranh thế nào để giành thắng lợi ?
Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua rồi. Nhiều người sinh ra sau ngày 30-04-1975 nay đã thành ông bà, nhắc lại vài nét chính của biến cố lịch sử này chỉ là để rút ra những bài học lớn.
Câu hỏi đang được đặt ra trong lúc này là làm thế nào để vực dậy phong trào dân chủ. Dưới mắt nhiều người phong trào dân chủ Việt Nam đang suy yếu, gần như tan rã. Tôi không chia sẻ cái nhìn bi quan này. Phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ mạnh cả, trừ khi ta đồng hóa sức mạnh với sự nhốn nháo. Nhiều người nghĩ mình cũng có thể thành lập và lãnh đạo một tổ chức, nhiều người cho rằng đấu tranh chủ yếu là lên tiếng phản đối chế độ độc tài và cũng có những người chỉ cố gắng để gây tiếng vang. Các nhóm và tổ chức thi nhau ra đời và đua nhau lên tiếng, kể cả để công kích lẫn nhau. Người ta nói nhiều hơn nghe và thực ra cũng ít có gì đáng nghe. Kết quả là một sự nhốn nháo khiến những cố gắng nghiêm túc không lôi kéo được sự hưởng ứng đáng lẽ phải có. Sự nhốn nháo này bây giờ đã lắng xuống. Đây là một thời điểm thuận lợi cho những ai thực sự muốn đấu tranh đem lại tự do và dân chủ cho đất nước. Chúng ta nên lạc quan.
Cuộc đấu tranh cho dân chủ phải được coi là thiêng liêng và bắt buộc. Với một địa lý khá thuận lợi và một dân tộc đông đảo và cần mẫn đáng lẽ chúng ta phải là một quốc gia giầu mạnh nhưng thực tế là chúng ta chỉ là một nước nghèo khổ, tụt hậu, ô nhiễm sau khi đã chịu những thiệt hại kinh khủng trong một cuộc nội chiến ngu xuẩn. Tệ hơn nữa, chúng ta vẫn chưa có được điều mà hầu hết các dân tộc đều đã có : tự do. Các sĩ quan trong quân đội và công an, các chức vụ từ phó phòng trở lên trong các cơ quan nhà nước, kể cả các bệnh viện và trường học, đều chỉ dành riêng cho đảng viên cộng sản. 95% người Việt còn lại chỉ là thứ dân. Đảng Cộng Sản không tự coi là người Việt Nam, họ cư xử như một lực lượng chiếm đóng. Họ thống trị và làm nhục nhân dân Việt Nam. Đấu tranh giành tự do và dân chủ vì thế phải được coi là quan trọng nhất, trên và trước tất cả mọi quan tâm khác.
Nhưng phải đấu tranh thế nào để giành thắng lợi ? Tại sao gần một nửa thế ký đã trôi qua rồi mà Đảng Cộng Sản, dù đã thất bại trên tất cả mọi phương diện, trong tất cả mọi địa hạt và theo tất cả mọi tiêu chuẩn, vẫn chưa phải đối diện với một đối lập dân chủ có tầm vóc ? Câu hỏi càng nhức nhối vì Đảng Cộng Sản đã rã rượi và biến chất. Ra đời như là đảng của giai cấp vô sản nó đã biến thành đảng của những người giầu sụ ; từ một đảng hô to khẩu hiệu chống bóc lột nó đã trở thành một đảng bóc lột. Các cấp lãnh đạo thù ghét nhau vì tranh giành quyền lực và quyền lợi. Chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa cộng sản, họ đã phải chà đạp lên nội quy của đảng để bầu vào nhiệm kỳ thứ ba một ông tổng bí thư yếu bệnh chỉ vì ông là người Việt Nam duy nhất còn sót lại có thể nói kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lênin mà không thấy ngượng.
Lý do chính là văn hóa Khổng Giáo mà chúng ta vẫn chưa rũ bỏ được. Từ bỏ một nền văn hóa rất khó, nhất là Khổng Giáo đã là văn hóa chính trị duy nhất của chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Một người Việt Nam có thể không biết một câu nào trong Tứ Thư Ngũ Kinh, có thể chưa bao giờ nhìn thấy một cuốn Luận Ngữ, thậm chí có thể ghét Khổng Giáo, nhưng vẫn theo cách ứng xử Khổng Giáo vì sinh ra và lớn lên trong một xã hội Khổng Giáo. Chế độ cộng sản đã sống dai tại Trung Quốc và Việt Nam vì nó phù hợp vói Khổng Giáo và chỉ là một phiên bản cải tiến của Khổng Giáo. Không phải là một sự tình cờ mà cả ba nước lớn nhất trong số bốn chế độ cộng sản còn lại đều là những nước theo văn hóa Không Giáo. Cũng không phải là một sự tình cờ mà Bắc Kinh muốn phục hồi lại Khổng Giáo và lập các Viện Khổng Tử tại khắp nơi. Văn hóa Khổng Giáo thể hiện trong chính trị qua chủ nghĩa nhân sĩ đã giết chết chế độ Việt Nam Cộng Hòa và đang cản trở cuộc vận động dân chủ.
Cần ý thức thật rõ rệt rằng cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước là một cuộc cách mạng rất lớn bởi vì trong suốt dòng lịch sử chúng ta chưa bao giờ có dân chủ (ngoại trừ một thử nghiệm miễn cưỡng, vụng về và ngắn ngủi trong giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa). Mặt khác, lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng một cuộc cách mạng chính trị chỉ có thể thành công nếu đã có một cuộc cách mạng văn hóa đi trước dọn đường. Đây là một định luật không có ngoại lệ. Cũng không có ngoại lệ là một thắng lợi về tư tưởng và lý luận sớm hay muộn cũng biến thành một thắng lợi chính trị.
Như vậy cố gắng đầu tiên của chúng ta là phải tìm ra một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị -gọi chung là một truyện thuyết chính trị- giải thích tại sao chúng ta lại như ngày nay, chúng ta có thể có tương lai nào và phải theo lộ trình nào. Rất cần. Chế độ cộng sản là một truyện thuyết đặt nền tảng trên tư tưởng của Karl Marx, để hướng tới giấc mơ một xã hội bình đẳng bằng phương pháp khủng bố nhân danh vô sản chuyên chính của Lenin. Truyện thuyết này đã chứng tỏ sự độc hại và trên thực tế đã sụp đổ nhưng chế độ cộng sản vẫn còn đó bởi vì một truyện thuyết ngay cả đã sụp đổ cũng chỉ có thể thay thế được bằng một truyện thuyết khác, nếu không nó vẫn còn đó dù đã chết lâm sàng. Đất nước đang chờ một truyện thuyết dân chủ đa nguyên.
Vất bỏ chủ nghĩa nhân sĩ và tiến tới văn hóa thảo luận
Vì về bản chất là một cuộc cách mạng văn hóa cuộc vận động dân chủ phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo, nhưng trở ngại của di sản Khổng Giáo là trí thức Việt Nam, hậu duệ của giai cấp sĩ, không hề biết khởi xướng và lãnh đạo.
Cho tới nay trong lịch sử Việt Nam cũng như Trung Quốc tất cả những thay đổi triều đại và chính quyền đều do các đại thần, võ tướng, hào phú hay loạn tướng. Kẻ sĩ chỉ biết chỉ biết quỳ gối cúi đầu phục tùng để làm dụng cụ cho kẻ cầm quyền. Giấc mơ của kẻ sĩ là giấc mơ được làm tay sai. Cách làm chính trị nhân sĩ là cách làm chính trị một mình hay với vài người bạn thân để cùng giúp nhau có danh tiếng và hy vọng như thế sẽ được trọng đãi. Trong sự thiển cận của họ, các nhân sĩ và những người mong ước được coi là nhân sĩ tưởng rằng họ tự hào nhưng thực ra họ tự ti. Cái khó của cuộc cách mạng dân chủ là những người phải khởi xướng và lãnh đạo nó lại chính là những trở ngại. Văn hóa nhân sĩ vẫn còn rất mạnh trong tâm lý người Việt ở mọi lứa tuổi, trong cũng như ngoài nước. Chính vì thế mà các nhóm nhỏ cứ hợp rồi lại tan sau một thời gian gây ồn ào có hại cho cuộc đấu tranh dân chủ trong khi các đảng kỳ cựu tàn dần vì không đổi mới được tư tưởng nền tảng. Thái độ phải có của những người dân chủ là không khuyến khích lối đấu tranh nhân sĩ, không ủng hộ những người muốn làm anh hùng dù chưa có lực lượng, trái lại nên kiên nhẫn thuyết phục họ thoát khỏi tâm lý nhân sĩ để lớn lên và đóng góp cho cuộc vận động dân chủ. Cần liên tục nhắc lại : đấu tranh chính trị không bao giờ có thể là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức. Đối thủ chính của cuộc vận động dân chủ không còn là chủ nghĩa cộng sản nữa, nó đã chết rồi, mà là chủ nghĩa nhân sĩ.
Truyện thuyết dân chủ và phương thức đấu tranh đã là cố gắng của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong hơn ba thập niên qua nhưng đã chỉ có một kết quả giới hạn. Lý do là vì người Việt chúng ta còn cần trước hết một tiến bộ khác. Những cuộc tranh cãi hung dữ và khiếm nhã về Donald Trump không chỉ đặt ra một câu hỏi lớn về ước vọng dân chủ thực sự của nhiều người Việt mà còn chứng tỏ rằng chúng ta chưa biết thảo luận. Tại sao một khác biệt quan điểm về một người Mỹ lại có thể khiến người Việt Nam mạt sát nhau, ngay cả giữa những người từng là bạn ?
Chúng ta cần nhắc nhở nhau rằng thái độ đúng trong một cuộc thảo luận là sự tò mò muốn khám phá ra những sự kiện và ý kiến khác hoặc mới, sẵn sàng nhận ra cái sai của mình và thay đổi quan điểm. Mỗi lần như vậy là một lần chúng ta nâng cao kiến thức và trí tuệ.
Chuẩn bị cho một ngày vui
Có một người trong phe thắng cuộc đã một lần nói rằng ngày 30-04-1975 có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn. Đây là một trong những phát biểu bao dung và cởi mở hiếm hoi từ bên thắng cuộc. Ngày 30-04-1975 chắc chắn đã là ngày buồn tủi cho những người thuộc phe quốc gia nhưng bây giờ nó cũng không còn là ngày vui ngay cả đối với những người thiện chí trong hàng ngũ cộng sản. Thay vì là ngày thống nhất đất nước, hòa giải và hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam chung nó đã mở đầu cho một giai đoạn lịch sử đầy rẫy sai lầm và đổ vỡ mà chúng ta phải hàn gắn.
Mặc dù thái độ tự tin giả tạo của nó, chế độ cộng sản đã đến hồi cáo chung. Chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu và chuẩn bị cho một ngày vui thực sự. Lần này trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc chân thực, trong tiếng cười vồn vã của tình anh em. Để cùng nhau hân hoan bắt đầu kỷ nguyên dân chủ.
Nguyễn Gia Kiểng
(30/04/2021)
Mấy hôm nay xem các phim tài liệu trên TV, tôi thấy người ta vẫn còn nhắc đến những từ ngữ chính trị vừa sai vừa lỗi thời, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
Sau tháng 04/1975, như có một mệnh lệnh được ban hành và áp dụng nhất quán từ trung ương đến địa phương, trên các phương tiện truyền thông, giấy tờ và cả trên miệng người đã xuất hiện những cụm từ "Ngụy quyền", "Ngụy quân", "Thằng Mỹ", "Thằng Thiệu"… mang đầy tính thù hận làm nặng nề thêm bầu không khí chính trị của Miền Nam Việt Nam vốn đã nặng nề sau ngày Sài Gòn thất thủ. Và điều đó cũng đã làm xáo trộn thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình.
Những dòng chữ nhận xét "gia đình ngụy quyền/ ngụy quân", "có cha/ anh tham gia ngụy quyền/ngụy quân"… đè nặng trên những trang sơ yếu lý lịch của nhiều công dân Việt Nam từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa đã một thời là những trở ngại lớn khiến các cánh cửa vào đời trở nên hẹp hơn đối với họ.
Nhiều người đã phải rất nỗ lực lách qua những khung cửa hẹp của sự tị hiềm và phân biệt đối xử để tồn tại và vươn lên. Nhưng cũng có một số người đã không chịu đựng nổi những thử thách khắc nghiệt mà chính quyền dành cho gia đình họ. Nhiều bạn bè tôi đã phải cười đau khóc hận, thậm chí tàn lụi cuộc đời chỉ vì trót có cha anh giữ những trọng trách trong bộ máy chính quyền, hoặc quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Trong một thời gian rất dài, bằng cách gán ghép cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa danh xưng "ngụy quyền", chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi sau đó là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam muốn cố gắng chứng tỏ với thế giới rằng họ mới là thực thể chính danh nắm quyền lãnh đạo quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Thử hỏi có một "ngụy quyền" (chính quyền ngụy tạo) nào có được một lãnh thổ quốc gia hẳn hoi, một tổ chức chính quyền đầy đủ từ trung ương đến địa phương, có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với 91 quốc gia và quan hệ ngoại giao cấp lãnh sự với Tòa Thánh Vatican và 3 quốc gia khác (tính đến năm 1975) ?
Và thực thể chính trị nào đã điều động quân lực chiến đấu với hải quân Trung Quốc xâm lược trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974 ?
Đến hôm nay sau nhiều biến chuyển chính trị và xã hội, chính quyền hiện hành – bước đầu thông qua những trang sách lịch sử – đã công khai thừa nhận Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa là những thực thể chính trị đã từng tồn tại trong lịch sử đất nước, điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận từ lâu.
Thật sự và thẳng thắn mà nói, chẳng phải chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên thực tế cũng đã công nhận điều đó, khi vào những năm 1954 và năm 1973 họ đã từng ngồi cùng bàn đàm phán với đại diện Quốc gia Việt Nam tại hội nghị Genève, và với đại diện Việt Nam Cộng hòa tại hội nghị Paris đó sao ?
Một sự công khai thừa nhận muộn màng khi đã có quá nhiều đau thương mất mát xảy ra khó thể khắc phục được. Sẽ vẫn còn rất nhiều chuyện cần phải làm để giảm bớt hậu quả của những điều tệ hại đã xảy ra trong gần nửa thế kỷ qua.
Cũng cần nói thêm rằng việc công nhận Việt Nam Cộng hòa, là một thực thể chính trị đã từng thực thi chủ quyền đầy đủ đối với Hoàng Sa và Trường Sa là một sự cần thiết cho chính quyền hiện hành trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Nhắc lại chuyện xưa không phải khơi sâu thù hận, nhưng để hậu thế biết được giai đoạn đen tối của đất nước, khi những đồng bào máu đỏ da vàng đối xử tàn tệ với nhau như loài lang sói.
Nhắc lại để người ta sống với nhau tử tế hơn. Nhắc lại để lịch sử không bị bóp méo xuyên tạc mà phải được ghi chép lại một cách trung thực, chính xác và đầy đủ.
Cao Nguyên, RFA, 27/04/2020
Như hết thảy trẻ em ở Việt Nam, Đình Kim được giáo dục về sự kiện 30/4/1975 là "Đại thắng mùa xuân", ngày "Giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước", với lòng tự hào rằng Việt Nam đã đánh bại cả "Thực dân" Pháp và "Đế Quốc" Mỹ.
Duyệt binh kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/5/2015 - AFP - Ảnh minh họa
Kim nói với RFA rằng anh có thói quen tra cứu mọi thông tin mình muốn tìm hiểu trên mạng Internet. Từ đó, anh phát hiện thêm nhiều sự thật khác về ngày 30/4 mà sách lịch sử giáo khoa đã không đề cập đến :
"Mình có thói quen hay đọc Wikipedia. Mình mới thấy rằng Wikipedia nói về ngày 30/4 mà tại sao lại là ngày "Quốc hận", "tháng Tư đen"… Khi đó mình mới bắt đầu lên Google tìm kiếm những cụm từ này thì mới ra một số trang blog kể về sự đau khổ, mất mát của những đang sống ở một nước nước khác khi người ta nhớ lại biến cố đó, thì mình mới biết rằng có một bộ phận người Việt đang ở bên nước khác là những người đã vượt biên. Sau này, khi ra nước ngoài, được đọc nhiều hơn thì mình mới thực sự thay đổi quan điểm về ngày 30/4 này".
Lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến ở Sài Gòn hôm 30/4/2015 AFP - Ảnh minh họa
Minh, người chuẩn bị du học thạc sĩ ngành Nhân quyền và Chính sách công tại Thuỵ Điển cũng thay đổi quan điểm nhờ vào việc đọc nhiều hơn các tài liệu bằng tiếng Anh :
"Trước đây, học lịch sử ở trường thì em chỉ biết ngày 30/4 là ngày chính quyền miền Nam Việt Nam đầu hàng, quân đội Bắc Việt chiếm Dinh Độc lập và ngày đấy được coi là ngày thống nhất đất nước.
Sau này, khi đọc nhiều tài liệu bên ngoài hơn thì em mới biết ngày đấy không nên được hiểu là ngày "giải phóng dân tộc" hay "thống nhất đất nước" gì cả vì thực sự đã có rất rất nhiều người phải chết, phải rời bỏ tổ quốc, phải chịu "cải tạo", bị tịch thu tài sản sau biến cố đấy".
Vy Nguyễn, thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh chia sẻ cô cũng từng tự hào về lịch sử dân tộc hào hùng được giảng dạy ở nhà trường. Tuy nhiên, niềm tự hào đó cũng thay đổi kể từ khi cô đi du học và được tự do tiếp cận thông tin ở một đất nước dân chủ :
"Lúc trước được học ở trong trường ở Việt Nam thì ngày 30/4 là ngày "giải phóng hoàn toàn miền Nam". Nói chung cũng biết bao tự hào về lịch sử dân tộc, về chuyện mình thắng Trung Quốc, chống Mỹ, chống Pháp…
Khi mình sang Đài Loan đi học, mình tiếp nhận thêm những những nguồn thông tin khác ở bên ngoài, tìm hiểu thì mình mới biết được sự thật về ngày 30/4 nó không giống như những cái gì mình được học trước đó. Mình biết được là sự thật lịch sử nó đã không được viết đúng. Người chiến thắng lúc nào cũng là người được viết nên lịch sử hết.
Ví dụ như một nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, mà hồi xưa ở trong sách chỉ gọi là Mỹ Ngụy thôi, chứ họ không nói chính xác là một đất nước, nhưng họ có nói đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc".
Theo Đình Kim, quan điểm của về cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc và ngày 30/4 có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Từ mang trong lòng niềm tự hào, cho đến giờ, thì anh coi biến cố 30/4/1975 như là một tiến trình thay đổi thể chế ở miền Nam Việt Nam :
"Các quan điểm về sự kiện này, "tháng tư đen", "ngày thống nhất đất nước" hay "ngày quốc hận"… nó tùy thuộc và đánh giá chủ quan tư tưởng của người suy nghĩ về nó.
Còn đối với mình thì ngày 30/4 nó cũng không hẳn là một cuộc xâm lược. Thực ra, lực lượng tiến hành ngày 30/4 này không chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn có cả Mặt trận Giải Phóng ngay bên trong lòng miền Nam…
Cho nên, không hẳn là một cuộc xâm lược mà nó là một tiến trình thay đổi thể chế, thay đổi Chính phủ, tiến trình sụp đổ của một Chính phủ mà không còn được Mỹ bảo trợ. Mình cũng biết là từ năm 1973 thì Mỹ không còn bảo trợ cho miền Nam nữa".
Bạn Minh thì khẳng định luôn quan điểm của mình về cuộc chiến này là "nội chiến" chứ không phải "giải phóng dân tộc", bởi vì rõ ràng là "người Việt đánh người Việt" :
"Biến cố 30/4 là không đơn giản là một sự kiện lịch sử, mà nó là bước ngoặt thay đổi số phận của hàng triệu con người. Sau 45 năm, hệ quả của biến cố đấy vẫn còn gây ảnh hưởng đến nhiều người đang sống ở thời điểm hiện tại. Ví dụ : việc phân biệt đối xử với con cái của những cựu binh Việt Nam Cộng Hòa…
Và cần phải thừa nhận rằng đấy là một cuộc nội chiến chứ không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc".
Cả ba người mà chúng tôi phỏng vấn đều nhìn nhận rằng chương trình lịch sử sách giáo khoa hiện nay mà tất cả học sinh Việt Nam phải học có quá nhiều điều không khách quan, không đúng sự thật và còn nhiều điều bị che dấu về chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
Đình Kim nói :
"Rõ ràng, hiện tại, người thắng là người có quyền nói. Cho nên những điều mà họ đưa vào sách vở được dựng lên theo một hướng chủ quan nhất định từ phía miền Bắc. Chính vì vậy mà nó sẽ có sự không khách quan về mặt thông tin, sự kiện lịch sử, nhiều khi có những sự kiện lịch sử đã bị che lấp đi, không đưa vào sách vở.
Nó dẫn đến một sự thật đó là thế hệ trẻ Việt Nam, thậm chí là mình, khi mà được giáo dục ở trong môi trường đó thì mình cũng chỉ hiểu biết giới hạn về sự thật chủ quan một phía mà thôi.
Ví dụ đơn giản là các cách mà sách lịch sử giáo khoa Việt Nam nói về một chủ thể là "Chính quyền Mỹ Ngụy" thôi thì đó cũng đã thể hiện sự chủ quan của miền Bắc Việt Nam rồi".
Nếu được thay đổi cách giảng dạy lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam về cuộc chiến tranh này, Đình Kim nói cần phải tôn trọng sự thật lịch sử, đúng và đủ, cần xác định rõ ba điều cơ bản sau :
"Thứ nhất, mình xác định rõ đây là cuộc nội chiến giữa hai miền. Nó không phải là cuộc kháng chiến chống Mỹ, hay là chống xâm lược từ Miền Bắc. Đó là cuộc nội chiến giữa hai phe có tư tưởng khác nhau.
Thứ hai, ngày 30/4 là ngày mà Chính phủ phía Nam bị thất bại trước Chính phủ phía Bắc.
Thứ ba, ngày này không phải là "giải phóng". Đây là ngày mà nói rằng "thống nhất đất nước" cũng có thể chấp nhận được, vì đây là ngày hai nước thống nhất trở thành một nước, nhưng nó không phải là ngày "giải phóng". Bởi vì, người miền Nam chưa bao giờ có ý định muốn được giải phóng. Và nếu là ngày "giải phóng" thì tại sao sau ngày này lại có hàng triệu người phải ra đi để thoát khỏi cái đất nước vừa được "giải phóng" đó".
Bạn Minh cho rằng ít nhất, những người biên soạn sách giáo khoa lịch sử Việt Nam cần nhìn nhận khách quan hơn về cả hai bên :
"Họ nên có cái nhìn khách quan và công bằng hơn với cả hai phe, cả Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra nên loại bỏ những từ tiêu cực và mang tính phân biệt khi nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hoà như "Ngụy quân", "Ngụy quyền", "Bán nước", "theo đế quốc Mỹ"…"
Theo Vy Nguyễn thì bây giờ có góp ý thay đổi cách giảng dạy bộ môn lịch sử cũng không có tác dụng. Chỉ có một nền dân chủ, tự do thực sự mới giúp người dân tự do tìm hiểu, tự do nhận định đâu là sự thật mà thôi :
"Thực tế lịch sử Việt Nam đã bị thay đổi khá nhiều. Bây giờ muốn thay đổi thì chỉ có một cách duy nhất là phải có sự tự do thật sự, một nền dân chủ thực sự thì mới có sự thay đổi trên tất cả mọi mặt, không chỉ về mặt giáo dục, kinh tế… Chứ còn bây giờ nói để góp ý thay đổi cũng không được. Chỉ có thay đổi được thực sự gốc rễ, khi có được tự do thì họ sẽ được tự do tìm kiếm, sẽ tự soạn thảo ra những chương trình để học thôi".
Trong những ngày cuối tháng Tư này, báo chí Nhà nước rầm rộ đưa tin chào mừng ngày 30/4 với những từ ngữ quen thuộc như "dấu ấn lịch sử hào hùng" hay "đất nước trọn niềm vui".
Vẫn không có thông tin về những gia đình bị chia cắt, những con người bị vùi dập, dòng người trốn chạy khỏi đất nước kể từ sau tháng 4/1975 được đưa lên mặt báo trong nước. Báo chí, sách vở ở Việt Nam vẫn im lặng về những vấn đề đó, cho dù chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 27/04/2020
**********************
Nhìn lại quá khứ, nhìn tới tương lai
Song Chi, RFA, 25/04/2020
Lịch sử không có chữ "nếu"…
Lại sắp đến ngày 30/4. Biết rằng lịch sử không có chữ "nếu" nhưng 45 năm rồi vẫn đau, nếu không phải miền Bắc mà là miền Nam thắng, thì số phận của đất nước này, dân tộc này chắc chắn sẽ rất khác.
Bên thắng cuộc sau năm 1975, đã phá hoại các thành tích kinh tế lẫn mọi mặt của miền Nam, đẩy cả nước đến bờ vực chết đói đến mức phải buộc lòng mở cửa… Ảnh Chợ Bến Thành trước 1975
Sẽ không có những chính sách duy ý chí sai lầm của "phe thắng cuộc" sau năm 1975, đã phá hoại các thành tích kinh tế lẫn mọi mặt của miền Nam, đẩy cả nước đến bờ vực chết đói đến mức phải buộc lòng "mở cửa", "đổi mới" năm 1986, thực chất là "đổi cũ" vì quay trở lại học theo cách làm ăn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Sẽ không có hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, một nửa vĩnh viễn nằm lại dưới biển khơi, chỉ một nửa đến được bến bờ tự do, ghi thêm hai chữ "thuyền nhân" vào từ điển thế giới ; và không chỉ có thế suốt 45 năm qua người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi, bằng đủ mọi cách, đi làm thuê làm gái làm dâu xứ người… Sẽ không có hàng triệu dân oan bị mất nhà mất đất, hàng ngàn người phải vào tù hay phải lưu vong chỉ vì muốn thực hiện quyền tự do ngôn luận hay muốn bày tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông.
Sẽ không có cuộc chiến 10 năm ở biên giới phía Tây với Khơ Me Đỏ khiến Việt Nam sau đó bị Mỹ và phương Tây cấm vận, đã khó khăn càng khó khăn thêm ; không có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc làm mất đi một phần lãnh thổ dọc biên giới, chưa kể máu xương người Việt tiếp tục đổ xuống cho 2 cuộc chiến tranh này. Việt Nam sẽ không bị tụt hậu hàng chục hàng trăm năm so với các nước láng giềng chứ chưa nói đến thế giới. Đất nước dưới sự lãnh đạo bất tài và nạn tham nhũng kinh hoàng của đảng cộng sản đang còn lại gì ? Tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, giáo dục tụt hậu, văn hóa nghệ thuật không cất cánh nổi vì thiếu tự do, đạo đức xã hội xuống cấp, tính thiện và sự tốt đẹp trong con người ngày càng bị hủy hoại nhường chỗ cho cái ác, cái xấu…
Không chỉ có vậy, nếu Việt Nam là một quốc gia tự do dân chủ, đồng minh của Hoa Kỳ bao lâu nay và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đóng quân ở Việt Nam như đã từng đóng quân ở miền Nam, thì chúng ta đã không mất Hoàng Sa-Trường Sa, không mất một phần lãnh thổ lãnh hải, và Trung Quốc vẫn không có một mảnh đất cắm dùi trên Biển Đông như trước kia, chứ đừng nói đến chuyện xây căn cứ quân sự, hải quân, xây thêm đảo nhân tạo, từng bước biến Biển Đông thành "ao nhà" như hiện nay…
Những ngày này, lợi dụng thế giới đang lao đao chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục leo thang trên Biển Đông và khi Việt Nam phản đối thì Bắc Kinh chìa cái "công hàm 1958" của Phạm Văn Đồng, cố Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, càng nhắc nhớ cho người Việt về sự ngu muội của những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và quyết tâm muốn độc chiếm Biển Đông không bao giờ từ bỏ của Bắc Kinh.
Cuối cùng ai thắng ai thua ?
Người Mỹ thua, phải rút khỏi miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa thua bị bức tử vĩnh viễn, điều đó đã rõ. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam có thật đã chiến thắng ? Nếu nhìn chiến thắng là giành được độc quyền lãnh đạo cả nước Việt Nam, để bây giờ họ muốn sở hữu, cho thuê, cầm cố, đem bán… từ lãnh thổ lãnh hải, tài nguyên đất nước cho đến mồ hôi sức lao động của nhân dân như thế nào là tùy ý, thì họ đã thắng. Một cuộc chiến dài 20 năm với hàng triệu người chết chỉ đem lại quyền lợi cho riêng đảng cộng sản.
Nhưng như rất nhiều người đã phân tích, "thắng trong chiến tranh mà thua trong hòa bình".
Chiến thắng nhưng có thu phục được nhân tâm ? Suốt 45 năm qua, họ vẫn không thu phục được nhân tâm người miền Nam, và ngày càng không thuyết phục được phần lớn người dân Việt Nam tin vào mô hình thể chế, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của họ.
Chiến thắng nhưng phải bội lại tất cả mọi thứ ? Đã từ lâu, những người cộng sản đã phản bội lại lý tưởng xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, công bằng, tốt đẹp gấp trăm lần các nước tư bản phương Tây, phản bội lại toàn bộ học thuyết, lý luận chủ nghĩa Mác Lenin, học theo mô hình làm ăn kinh tế thị trường. Xã hội Việt Nam bây giờ hoàn toàn không phải là một xã hội xã hội chủ nghĩa, mà là một xã hội tư bản thời kỳ hoang dã kết hợp với mô hình thể chế độc tài toàn trị, thế thôi. Những người cộng sản bây giờ xài đồ Mỹ, có bệnh thì chạy sang Hoa Kỳ và các nước phương Tây để chữa trị, con cái thì gửi sang Mỹ sang Tây học, khi về già cũng lại chạy sang các nước "tư bản giãy chết" để hưởng thụ tuổi già. Đó không phải là một sự phản bội trắng trợn lại lý tưởng, mục tiêu chiến đấu ngày xưa là gì ?
Không những đã phản bội lại máu xương của hàng triệu thanh niên miền Bắc đi theo đảng vì tin vào con đường "chống Mỹ cứu nước xây dựng chủ nghĩa xã hội tươi đẹp", họ cũng phản bội xương máu của những người lính đã ngã xuống ở Trường Sa, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc khi quay lại bắt tay với Trung Quốc, gọi kẻ thù là đồng chí, anh em và nhiều năm sau vẫn không dám nhắc đến cuộc chiến này.
Trả một cái giá quá đắt cho 3 cuộc chiến tranh liên tiếp để bây giờ chủ quyền và độc lập của đất nước vẫn bị đe dọa, người dân chưa bao giờ được hưởng tự do dân chủ, hạnh phúc ấm no, thì cái giá ấy có quá đắt ?
Chiến thắng của những người cộng sản vào tháng Tư năm 1975 là một cú chơi khăm của lịch sử, là một sự sai lầm khủng khiếp đối với dân tộc Việt như đã và đang được chứng minh trong suốt 45 năm qua. Nó cũng đã xoay chuyển bàn cờ địa chính trị ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo hướng hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc, hay như nhiều người từng nói : Chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam thuộc về Trung Quốc.
Thắng như vậy có gọi là chiến thắng ?
Ngược lại, Việt Nam Cộng Hòa thua nhưng sau 45 năm, những tác phẩm văn học nghệ thuật của miền Nam từ âm nhạc, văn học, thi ca, kiến trúc… vẫn được đông đảo người Việt thuộc các thế hệ trong và sau chiến tranh của cả hai miền Nam Bắc tìm đọc/nghe/xem, những thành tựu của Việt Nam Cộng Hòa về giáo dục, kinh tế, điều hành xã hội vẫn hơn hẳn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con người của miền Nam vẫn không mất đi những giá trị tốt đẹp căn bản như lòng tốt, sự hào phóng, sự tử tế, lương thiện, lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn được hàng triệu người Việt lưu vong mang theo trong mình khi đến sống ở bất cứ quốc gia nào và lá cờ ấy tiếp tục tung bay tại nhiều thành phố khác nhau từ Mỹ sang Âu, Úc, Canada… Như thế là thua mà thắng, chết mà không chết vậy.
Con đường nào cho Việt Nam ?
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng cộng sản Việt Nam đã dựa dẫm vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đảng cộng sản khác. Người sáng lập và là lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam, biểu tượng của "cuộc cách mạng Việt Nam", Hồ Chí Minh, như nhiều tài liệu về sau đã chứng minh, đã có nhiều năm hoạt động cho cộng sản Nga, cộng sản Tàu, nhận chỉ thị của Nga, Tàu trong mọi việc. Trong cuộc chiến Việt Nam, đảng cộng sản cũng nhận viện trợ từ vũ khí, tài lực nhân lực của các nước xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là từ Liên Xô, Trung Quốc. Một đảng không có xương sống, không tự đứng một mình được.
Khi xây dựng đất nước cũng vậy, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ biết học và copy theo những gì mà các đảng và nhà nước cộng sản đàn anh Liên Xô, Trung Quốc đã làm, từ lý thuyết lý luận, mô hình thể chế cho tới từng chính sách cụ thể. Khi Liên Xô còn thì họ đu dây giữa hai đàn anh nhưng đi theo mô hình của Liên Xô, khi Liên Xô sụp đổ thì họ hoảng loạn, quay sang cầu cứu Trung Quốc, nhận Bắc Kinh làm thầy và bắt đầu sao chép mô hình của Trung Quốc. (Chỉ có điều là mọi việc họ làm chậm hơn chừng 10 năm và là một phiên bản tồi hơn).
Trong khi đó, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… cho tới Tập Cận Bình, mặc dù là những kẻ phạm tội ác đối với nhân dân Trung Hoa và đối với nhân loại nhưng mặt khác, đều là những kẻ nhìn xa, tham vọng lớn và có những chiến lược, kế hoạch dài hàng mấy chục năm, trăm năm cho đất nước họ. So với họ, các thế hệ lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… cho tới Nguyễn Phú Trọng, chỉ là những kẻ ngu muội và có tầm nhìn ngắn hơn nhiều ; nên dân tộc này đã phải trải qua một cuộc chiến huynh đệ tương tàn và cho tới bây giờ Việt Nam vẫn là một nước nghèo, tụt hậu lại bị nằm trong cái vòng kềm tỏa của Trung Quốc.
Thời gian đã chứng minh cho họ chọn đi theo Liên Xô là sai, và cũng đang chứng minh đi theo Trung Quốc là chỉ từ thiệt thòi đến mất nước. Mất nước thì liệu có còn giữ được chế độ ?
45 năm đã qua rồi. Liệu đến bao giờ thì những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiểu ra rằng đã đến lúc thức tỉnh, tự suy nghĩ bằng cái đẩu độc lập của mình, lựa chọn con đường đúng mà đi, chọn bạn tốt mà chơi trước khi quá muộn ? Với thói quen dựa dẫm, đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, lại sợ hãi mọi sự thay đổi, có thể thấy rằng câu trả lời là không, họ chỉ cố sống cố chết bám chặt quyền lực mà thôi.
Viết lại lịch sử, do đó, là trách nhiệm của người dân, và chỉ của người dân, không trông chờ vào bất cứ sự giúp đỡ từ bên ngoài hay sự thay đổi nào từ bên trên cả.
Song Chi
Nguồn : RFA, 25/04/2020 (songchi's blog)
Xã luận
Bốn mươi ba năm đã qua kể từ ngày 30/4/1975. Đã có vô số bài và sách về biến cố lịch sử diễn ra ngày hôm đó nhưng chúng ta vẫn chưa có được một cái nhìn chung để cùng rút ra những bài học cần thiết cho tương lai.
Trí thức Việt Nam hoặc không quan tâm tới đất nước, hoặc không có bản lĩnh chính trị để quan tâm một cách đúng đắn - Ảnh minh họa Giáo sư Phạm Biểu Tâm nói chuyện với sinh viên Y khoa trong một giảng đường trong những năm 1970s - Life
Sự độc hại của chủ nghĩa cộng sản cũng như sự ngu muội của các lãnh tụ cộng sản đã quá rõ ràng và đã làm đất nước ta tan nát về cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta là một trong những dân tộc nghèo khổ và tụt hậu bi đát nhất, với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ bằng 1/7 mức trung bình thế giới và vẫn còn bị từ chối những quyền con người cơ bản nhất. Đã thế còn bị mất đất, mất biển, mất đảo, mất cả một phần chủ quyền, sau một cuộc nội chiến làm sáu triệu người thiệt mạng. Thành tích của Đảng cộng sản thật kinh khủng.
Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao những con người tồi tệ như vậy và tôn sùng một chủ nghĩa tồi tệ như vậy đã có thể cướp được chính quyền và vẫn còn duy trì được ách độc tài toàn trị ? Kẻ thắng càng tồi dở bao nhiêu thì kẻ thất bại càng hổ nhục bấy nhiêu.
Đừng trách Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Chúng ta đã nghe lặp đi lặp lại nhiều lần rằng Việt Nam Cộng Hòa đã thua vì Hoa Kỳ tháo chạy và không những thế còn cố tình bóp nghẹt miền Nam cho chết sớm hơn. Sự trách móc này chỉ chứng tỏ chúng ta chưa hiểu thảm kịch của chính mình. Hoa Kỳ chưa bao giờ kiên nhẫn như họ đã kiên nhẫn tại Việt Nam. Đã dựa vào Mỹ thì phải biết Mỹ không kiên nhẫn và phải có chiến lược để hoặc giành thắng lợi nhanh chóng hoặc cho họ lý do đế tiếp tục hỗ trợ. Các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kế tiếp nhau, trái lại, đã làm tất cả để gây chán nản cho cả chính quyền lẫn dư luận Mỹ. Và một khi đã quyết định bỏ cuộc thì dĩ nhiên Mỹ muốn và làm những gì có thể làm để cuộc chiến tuyệt vọng kết thúc thật nhanh. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về những người đã lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, và trí thức Việt Nam nói chung.
Chúng ta đã thiếu những cấp lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vì chúng ta không có những trí thức chính trị. Đó là lý do khiến Đảng cộng sản đã thắng ngày 30/4/1975 và cũng là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục. Không phải là vì dân tộc Việt Nam hèn kém. Các dân tộc không khác nhau bao nhiêu, sự khác biệt là ở giới trí thức của mỗi dân tộc. Trí thức Việt Nam hoặc không quan tâm tới đất nước, hoặc không có bản lĩnh chính trị để quan tâm một cách đúng đắn. Đó là thảm kịch của dân tộc ta. Đó là bài học lớn nhất khi chúng ta nghĩ đến ngày 30/4.
Đảng cộng sản đã thắng ngày 30/4/1975 vì họ có logic của họ trong khi các chính quyền quốc gia – Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa - không có. Đảng cộng sản là một lực lượng khủng bố theo đuổi một lý tưởng đạo tặc coi cướp chính quyền là một cứu cánh có thể biện minh cho mọi phương tiện và họ đã hành động đúng như thế, trong khi các chính quyền quốc gia tuy tự xưng là theo lý tưởng tự do dân chủ nhưng lại không thích dân chủ ; họ hành xử theo một logic phản dân chủ và vì thế không khai thác được sức mạnh của dân chủ.
Đặc tính chung của những người kế tiếp nhau cầm quyền phe quốc gia là họ không có một huấn luyện chính trị nào, chưa nói là huấn luyện dân chủ, do đó họ không biết phải đấu tranh chính trị như thế nào. Tệ hơn nữa họ không ý thức được điều này.
Một thí dụ khó tưởng tượng là tất cả các chính quyền Quốc Gia Việt Nam cũng như Việt Nam Cộng Hòa đều không có một cơ quan nào nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và kỹ thuật đấu tranh của các đảng cộng sản để biết phải đương đầu như thế nào. Một thí dụ cũng kinh khủng không kém là dù sự sống còn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn tùy thuộc vào Hoa Kỳ nhưng cũng không có một cơ quan nào để nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ và tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 – mà đang lẽ đã phải là một hành động tự sát của chính quyền cộng sản Hà Nội nhưng do sự tồi dở của chính quyền Sài Gòn đã biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ - Hoa Kỳ gần như đã dứt khoát quyết định rút lui khỏi Việt Nam. Muốn đảo ngược tình thế để được họ tiếp tục yểm trợ phải cần một cố gắng vận động và thuyết phục cực kỳ xuất sắc. Nhưng ông Thiệu đã làm gì ? Ông tổ chức bầu cử độc diễn và sau đó mua chuộc để biến đa số dân biểu thành gia nô một cách lộ liễu làm dư luận Hoa Kỳ vừa ngao ngán vừa phẫn nộ. Thật khó tưởng tượng.
Chính trị đòi hỏi những đức tính không có trong những môn khác : sự lương thiện, sự dũng cảm và lòng yêu nước.
Chúng ta thường mỉa mai các lãnh tụ cộng sản là vô học. Điều này đúng nhưng về kiến thức chính trị họ hơn hẳn những người lãnh đạo phe quốc gia. Họ có huấn luyện về đấu tranh chính trị, dù là chính trị đạo tặc. Trong khi đó phe quốc gia chỉ có một niềm tin nhảm nhí nhưng chắc nịch là không cần học tập về chính trị, hễ cứ tốt nghiệp đại học, dù là bác sĩ, nha sĩ hay kỹ sư v.v., hay có lon tướng là đương nhiên có thể là một cấp lãnh đạo chính trị. Điều này sai một cách lỗ mãng, chính trị vừa là một môn với những vấn đề phức tạp riêng của nó lại vừa là tổng hợp của nhiều môn khác, hơn thế nữa lại còn đòi hỏi được ứng dụng vào thực tế xã hội, nghĩa là đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về bối cảnh quốc gia và quốc tế, những vấn đề đang đặt ra hay sắp đặt ra, những thử thách cũng như những hy vọng. Nó khó khăn hơn hẳn mọi môn khác, không những thế nó còn đòi hỏi những đức tính không có trong những môn khác : sự lương thiện, sự dũng cảm và lòng yêu nước. Cho nên một người dù rất thông minh và có bằng cấp đại học rất cao mà không học hỏi rất công phu về chính trị thì cũng vẫn là vô học về mặt chính trị. Chính sự vô học này của các chính quyền quốc gia đã khiến thắng lợi của Đảng cộng sản là điều khó tránh khỏi dù nó chẳng hay ho gì. Cũng chính vì chúng ta thiếu văn hóa chính trị mà chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục tồn tại dù đã thất bại thê thảm trên tất cả mọi phương diện, trong tất cả mọi địa hạt và theo tất cả mọi tiêu chuẩn.
Thảm kịch của dân tộc buộc chúng ta từ nay phải có một thái độ nghiêm chỉnh, nghĩa là phải ý thức rằng nếu không có một trình độ lý luận cao và nhiều năm miệt mài tìm hiểu về khoa học chính trị cũng như về thế giới và đất nước Việt Nam thì phải rất khiêm tốn vì những gì mình nghĩ có mọi triển vọng là sai. Rất tiếc là chúng ta vẫn chưa có sự thận trọng này và cuộc thảo luận chính trị vẫn còn xô bồ, nhốn nháo. Di sản Khổng Giáo trong đó chính trị được coi như một trò chơi giành giật công danh vẫn còn rất nặng. Thế hệ trẻ ngày nay tuy ý thức chính trị đã đổi mới nhiều so với thế hệ cha anh vẫn còn mang khá nặng tâm lý nhân sĩ và vẫn chưa ý thức được một cách rõ rệt rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Hay nếu có thấy được sự cần thiết của tổ chức thì loay hoay thành lập tổ chức để làm lãnh tụ dù chẳng có kinh nghiệm và kiến thức chính trị nào. Một số đông vẫn còn cho rằng kiến thức chính trị chỉ là kinh nghiệm hành động. Đó là lý do chính khiến chúng ta vẫn chưa có được một lực lượng chính trị có tầm vóc, điều kiện bắt buộc để giành thắng lợi cho dân chủ.
Xin kết luận một cách thật vắn tắt : chúng ta đã quá vô lễ với kiến thức chính trị và đất nước, và đã bị trừng phạt vì sự vô lễ này. Hãy biết tôn trọng chính trị và chúng ta sẽ thắng vì bạo quyền này đã kiệt quệ lắm rồi.
Nguyễn Gia Kiểng
(30/4/2018)