Việt Nam rượt đuổi Trung Quốc trên sân khấu từ bi của trò phóng sinh
Tuấn Khanh, RFA, 05/09/2023
Rằm Tháng Bảy âm lịch vừa qua, nạn phóng sinh như một trò trình diễn tín ngưỡng và từ bi bùng phát ở Việt Nam, khiến đến nhiều lời phê bình độc lập từ các trang mạng đã xuất hiện, thậm chí báo chí nhà nước cũng lên tiếng. Ở Huế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát văn bản đến cho Giáo hội Phật giáo nhà nước ở tỉnh, cảnh báo về tình trạng bắt, bẫy, mua bán tràn lan các loại chim hoang dã. Cơ quan này còn cung cấp số điện thoại để giúp tố cáo các trường hợp mua bán loài vật trước cổng chùa, đưa cho công an giải quyết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát văn bản đến cho Giáo hội Phật giáo nhà nước ở tỉnh, cảnh báo về tình trạng bắt, bẫy, mua bán tràn lan các loại chim hoang dã. Ảnh minh họa Mua bán chim hoang dã để phóng sinh tại khu vực tượng đài Quan Âm, xã Thủy Bằng, Thành phố Huế. Ảnh : T.T.H
Năm 2023 được coi là năm đánh dấu sự bùng phát của những hủ tục hay những kiểu phô diễn tín ngưỡng đầy "sáng tạo" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cơ quan vốn do nhà nước quản lý và được nhiều đặc quyền tập hợp tín đồ và phát động các loại lễ lạt. Rằm Tháng Bảy với lễ phóng sinh, đủ các kiểu tinh thần của sân khấu từ bi từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam. Hãy cùng thử xem lại, phóng sinh ở Trung Quốc có gì khác biệt với Việt Nam ?
Một nghiên cứu ở Hong Kong về nạn phóng sinh đang diễn ra hàng năm ở Trung Quốc, cho thấy có tới một triệu con chim được bán mỗi năm cho các chùa và tín đồ. Tờ The Economist nói rằng ở Trung Quốc, các cơ quan bảo vệ động-thực vật ước tính khoảng 200 triệu cá, rắn, rùa, chim – và thậm chí cả kiến -được thả ra mỗi năm : "Không làm sao có thể có đủ manh mối để tính hết". Phật giáo đang ở giai đoạn được cưng chiều của chính quyền trong việc dùng để thao túng dân chúng, nên các hoạt động gọi là hội hè truyền thống ít bị dòm ngó, và thậm chí là được làm ngơ.
Fangsheng – tiếng Trung Quốc, có nghĩa là "phóng sinh". Hãy đọc to lên, để bạn nhận ra rằng nó rất gần với âm thanh "phóng sinh" của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, các nhà xã hội học và nghiên cứu tôn giáo nhận ra, sự biến tướng của việc thực hành từ bi, đang trở thành câu chuyện khác, hoàn toàn không còn là ý nguyện của Đức Phật – người sáng lập tôn giáo này đề ra. Quy mô của việc mua động vật để "fangsheng", và trở thành động lực thúc đẩy những người chuyên đánh bắt, bẫy… là một vòng lặp tội ác. Lòng từ bi của Phật giáo đang bị diễn giải méo mó, trở thành vô cùng tiêu cực, mâu thuẫn trực tiếp với các nguyên tắc cốt lõi của việc chấm dứt khổ đau và "không làm hại" chúng sinh.
Thực ra, phóng sinh như của Phật giáo Trung Quốc hay Việt Nam hiện nay đang gây ra sự khốn cùng cho các loài bị ảnh hưởng, và đe dọa cả sự đa dạng sinh học cả ở vùng săn bắt, và thả ra. Việc giải phóng với "lòng thương xót" hiện đang dẫn đến nhiều tệ nạn, và luôn được che khuất với những bài kinh và tiếng tụng niệm không liên quan của các sư thầy và tín đồ.
He Yun, người lãnh đạo chương trình Liên minh Tôn giáo và Bảo tồn (Alliance of Religions and Conservation – ARC) của Trung Quốc, một tổ chức hoạt động nhằm thu hút các cộng đồng tôn giáo tham gia vào các vấn đề môi trường, nói cô gần như bó tay ở đất nước đang có khoảng 245 triệu Phật tử. Với niềm tin cố ngây thơ là "làm phước", người ta mua, bắt và thả một cách náo loạn, thay đổi môi trường sống và cưỡng bức di cư hàng triệu giống chim, rùa, cá. Thậm chí các sư thầy và tín đồ còn không phân biệt được vùng địa lý nào hoàn toàn bất lợi cho các loài cá, lươn, khỉ, rùa… khi chúng được thả ra.
Nhận thức cao quý của Phật giáo từ ngàn đời nay đang bị biến thành trò mê tín và trình diễn sân khấu từ bi. Việc tung tiền ra để phô trương số lượng và hình tượng, đã "tạo ra một ngành công nghiệp phát triển mạnh cho những người đánh bẫy, buôn bán và bán động vật hoang dã cho việc phóng sinh", Hòa thượng Refa Shi, chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Hoa Kỳ ở New York, nói trong bản phát hành, tuyên bố do tổ chức Humane Society International (HSI) đưa đi đến tất cả các chùa.
Việc phóng thích động vật đã leo thang và biến tướng, khi sự có ăn có mặc xuất hiện ở các nước Châu Á. Người có tiền thường nghĩ đến chuyện giải thoát sinh mạng cho động vật, như thể chuộc được tội lỗi của mình. Đó là một trong những lý do dẫn đến chuyện ngày càng có nhiều người có danh hiệu Phật tử tranh nhau đi mua động vật để giải thoát. Mua nhưng phóng thích vô trách nhiệm là vấn nạn khác. Bao gồm vi phạm cả luật pháp. Chỉ trong Rằm Tháng Bảy, lính cứu hỏa đã làm việc không nghỉ để, cứu trăn, rùa và các động vật bị nuôi nhốt khác, được thả không tính toán trên một bãi biển ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
"Các loài động vật bị bẫy, bị giam giữ trong điều kiện khủng khiếp, được thả ra và thường mất đi khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên, và lại dễ dàng bị bẫy trở lại", Martin Palmer, thành viên của ARC nói. Một nghiên cứu của tổ chức này còn cho thấy các thời hạn phóng sinh, trở thành mùa làm ăn không chỉ của người săn bắt, mà còn của cả các chùa và sư thầy. Trong một cuộc phỏng vấn bí mật của HKALPO (Hong Kong Animal Law and Protection Organisation) ở Trung Quốc, hầu hết các vị sư đều nhận thấy chuyện mình làm là không đúng, nhưng họ phải làm để tạo sự phát triển tín mộ và bảo vệ nguồn tiền cúng dường.
Văn bản lẻ loi năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huế phát đi, chỉ có thể cảnh báo ngắn gọn chuyện phóng sinh, vốn nay như một sân khấu huyền ảo khó cưỡng của việc phóng sinh. Thực tế hơn, trong văn bản của HSI phát đi, kêu gọi với người Trung Quốc – có lẽ cũng như với người Việt Nam – rằng "nhiều loài động vật đã bị thương nặng trong khi chờ được "phóng sinh".
Những con sống sót sau khi được thả ra thường chết ngay sau đó vì kiệt sức, bị thương hoặc bệnh tật hoặc yếu ớt, hay dễ dàng trở thành con mồi của các loài khác. Một số được bắt lại sau kỳ lễ và rồi được bán lại". Mô tả về việc mua số lượng lớn và lười biếng thả ra ở những nơi không được tính toán, thì HSI nói "động vật có thể được thả ra ngoài môi trường sống tự nhiên của chúng và theo nhóm đủ lớn để thiết lập quần thể sinh sản, thường tàn phá hệ sinh thái địa phương. Một số loài xâm lấn có thể đe dọa sự tồn vong của các loài bản địa".
Thời Phật giáo gọi là thịnh vượng hôm nay đang có những điều thật đáng buồn. Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng giống nhau trong quy mô phô diễn lòng thương xót, dùng sinh mạng loài khác để mô tả sự cao quý của mình. Ngầm trong sự từ bi được phất lên là ý nghĩa của sự thống trị độc tài và quyền định đoạt sinh mạng của tự nhiên, chứ không là cách thiện lương, biểu trưng để tỏ lòng nhân ái.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 05/09/2023
****************************
Hỗn loạn, "cô hồn sống" từ đâu đến ?
Viết từ Sài Gòn, RFA, 04/09/2023
Những ngày bó gối nằm nhà vì giãn cách, phòng chống dịch, nhìn người người gởi tặng, chia nhau, đứng chờ, nhặt nhạnh từng bó rau… Có lúc chúng tôi ứa nước mắt và tin rằng sau đại dịch này, con người sẽ biết sống thương yêu, tử tế với nhau hơn, bởi qua cơn bĩ cực sống còn rồi, còn gì nữa đâu mà phải kèn cựa Thế rồi dịch vãn, dịch chấm dứt hoành hành, con người trở lại đời sống bình thường, nào ngờ, con người không những không tử tế hơn mà còn đáng sợ hơn, giật dọc, cướp bóc, hung hăng, tàn nhẫn có đủ cả, và phát triển như nấm mọc sau mưa, do đâu ?
Cận cảnh hàng trăm người 'giật cô hồn' rằm tháng 7 ở quận 5
Có hai vấn đề nổi cộm và nhức nhối trong xã hội cộng sản xã hội chủ nghĩa : Chân Lý Miếng Ăn và ; Tệ Nạn Quan Chức. Vậy hai vấn đề này có liên hệ gì tới tình trạng hỗn loạn hiện nay ?
Vấn đề thứ nhất Chân Lý Miếng Ăn, điều này xuất hiện trên cả ba miền đất nước từ năm 1975 mặc dù trước đó, chế độ cộng sản đã tồn tại ở miền Bắc khá lâu. Tuy nhiên, phải đến năm 1975 mới có sự biến động lớn về địa lý, tài sản quốc dân và mối tương quan thu tài sản giữa bên thắng cuộc với bên thua cuộc. Có thể nói rằng ngay cả với người cộng sản, biến cố 1975 là một biến cố khiến cho họ chới với trước tiếng gọi vật dục có được từ phía miền Nam và kích hoạt tính sở hữu cũng như lòng ham muốn của họ đến tột độ.
Nhưng, cũng chính cái mốc 1975, nền kinh tế tập trung bao cấp bao phủ toàn cõi Việt Nam với rất nhiều cơm thừa cá cặn của "bọn đế quốc, bọn ngụy" để lại đã tạo ra một cuộc tranh giành ngấm ngầm giữa nội bộ phe thắng cuộc. Tranh thủ mang về chiếc xe gắn máy, lít xăng, thùng bia, cái quạt điện, chiếc tủ lạnh, chiếc tivi Mọi thứ thủ đoạn giành giật đã manh nha từ chỗ này, trong bối cảnh những đoàn rồng rắn, chen chúc tranh giành từng lạng thịt, lát cá, ký gạo ở các cửa hàng lương thực nhà nước, các công ty lương thực và những trạm phân phối hợp tác xã...
Một bối cảnh mà ở đó, con người không cần suy nghĩ gì nhiều, triết học, văn hóa, đạo đức, phẩm hạnh hay lòng tự trọng là những thứ của rởm, những thứ bịa đặt của bọn tư bản rỗi hơi chứ không phải của con người xã hội chủ nghĩa. Với con người xã hội chủ nghĩa, hạnh phúc là đấu tranh, phải đấu tranh với cái bụng đói trước tiên, phải biên cơi nới những căn nhà thành phố thành những cái chuồng heo, phải biết nuôi heo bằng cách nào chúng nhanh lớn nhất, phải biết xếp hàng, kiên nhẫn chờ đợi ký gạo, lạng đường, phải biết chui luồn, kính cẩn, nịnh bợ ông thuế vụ, bà lương thực Tất cả những kĩ năng trên sẽ được kiết tập thành đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Và, không có thứ đạo đức nào gắn kết sâu bền với con người hơn đạo đức được trộn trong dĩa thức ăn cho người đói. Người cộng sản đã làm được điều này, và cái đạo đức trộn thức ăn, về lâu về dài đã biến dạng thành Chân Lý Miếng Ăn. Nó trở nên hiển lộ mạnh mẽ khi thời đại mới tiến đến, thời đại coi trọng vật dục và kĩ năng lạng lách của con người đạt đến một trình độ mới - lợi ích nhóm trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ở đó, những người nào chịu không nổi hoàn cảnh mới thì đã tự đào thoát ra khỏi xứ sở bằng con đường này hoặc đường khác, người may mắn thì sang được bến bờ tự do, người không may mắn thì gởi xác đại dương, đó là chưa nói đến hàng triệu con người phải chết thảm nơi trại giam của chế độ mới với cái tên nghe khá là mỹ miều : Trại Cải Tạo. Những người ở lại, chắc chắn phải đối mặt với cuộc chơi mới, với đầy đủ lý lẽ và qui chiếu đạo đức mới phát sinh từ miếng ăn, được soi sáng bởi Chân Lý Miếng Ăn.
Mọi động thái của con người bây giờ là hệ quả đương nhiên của một công cuộc lâu dài trong lịch sử, công cuộc xã hội chủ nghĩa, trong một quốc gia nhỏ bé nhưng chứa đầy máu và nước mắt như Việt Nam. Và, khi hữu sự, như trường hợp biến cố dịch Covid-19 vừa qua, mọi yếu tố tương thân tương ái gần như rất nổi trội, bởi đây là thời cơ con người phản tỉnh và nhìn ra các giá trị "nhiễu điều phủ lấy giá gương", "lá lành đùm lá rách" Người ta hi vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, người biết yêu thương người, người biết chìa tay ra san sẻ trước cộng đồng, người biết rớt nước mắt thương nhau trước dịch họa, thiên tai Mọi cảm xúc ấy là có thật, là bản chất, lòng trắc ẩn ngủ quên rất lâu của người Việt.
Thế nhưng lòng trắc ẩn được thức tỉnh chưa bao lâu thì lòng thù hận lại bị chọc khuấy, nó bị chọc đến đỉnh điểm. Bởi, hàng vạn cái chết trong các đợt dịch không đơn giản chết vì dịch, mà dường như chết vì sự làm giàu vô tâm, man rợ của một số quan chức. Trong lúc nhân quần đang rên xiết chống dịch, đói kém, vật vã thì chính những quan chức, những "phụ mẫu" của dân lại ung dung đếm tiền, ung dung làm giàu, ung dung gom dân vào một chỗ để chọc ngoáy Mọi động thái từ phía nhà nước, chính phủ tác động về phía nhân dân đều có tính đàn áp, bóc lột và máu lạnh. Hàng vạn cái chết trở thành cừu thù thay vì thương tiếc và đau đớn. Nỗi đau nhanh chóng trở thành thù hận và khinh bỉ trước các "phụ mẫu" ác quỉ đội lốt người.
Và, khi lòng thù hận trỗi dậy, lòng trắc ẩn chưa kịp tỉnh thức đã bị lòng thù hận lấn lướt, nỗi cay đắng vì mất người thân, nỗi cay đắng vì bị lợi dụng, bị bóc lột Để rồi cuối cùng, những kẻ bóc lột chẳng phải đền tội nào, ra tòa, mang một ít tiền đã bóc lột ra đánh đổi, cuối cùng thì vài năm tù, rồi lại trở ra. Và kẻ bóc lột cũng không ngần ngại nêu công trạng, đọc thơ, giảng đạo đức ngay trong phiên tòa xét xử mình. Chuyện ấy vô hình trung dội thêm một gáo nước dơ vào vết thương dân tộc, khiến cho vết thương ấy thêm phần mưng phủ, làm độc. Và hiện trạng tranh giành, hỗn loạn vì miếng ăn trong những buổi lễ cúng cầu siêu, cầu an dịp Rằm tháng Bảy này là hiện trạng chung của dân tộc. Bởi có bao giờ dân tộc này bị biến thành cô hồn sống như thời đại này ? !
Khi con người đang cố gắng sống tử tế, đang cố gắng níu kéo sự tỉnh thức và vực dậy lòng trắc ẩn trong bối cảnh đặc biệt, sinh tử, để rồi người ta té ngửa nhận ra rằng mọi thứ gọi là sinh tử hay đau đớn của mình vốn dĩ là các biến động trong trò chơi của kẻ khác, kẻ có quyền lực Còn thứ gì có thể gây hỗn loạn, còn thứ gì có thể làm tuyệt vọng, còn thứ gì tạo bức xúc, còn thứ gì khiến con người trở nên manh động và bất chấp hơn những gì vừa có ? !
Cho đến lúc này, nếu hỏi vì sao đất nước này trở nên kinh khủng, đáng sợ và bất an, con người trở nên thèm ăn, chịu nhục để có miếng ăn trong khi cái đói dù sao cũng không còn gắt gao như trước đây vài mươi năm nữa, thì câu trả lời chính xác nhất chính là các cán bộ, quan lại cộng sản đã tạo ra một thứ không khí chuồng trại như vậy.
Nếu hỏi vì sao người dân hỗn loạn, đạp đổ hàng rào, bất chấp chủ nhà để cướp heo quay, cướp chén chè, mâm xôi Thì phải hỏi thêm và trả lời cho được vì sao quan lại bất chấp mạng sống của dân, bất chấp tiếng kêu rên xiết của nhân quần mà đập cửa, xông vào bắt người đi chọt ngoáy, lùa từng đoàn người vào trại cách ly, lùa từng đoàn người chạy trốn dịch vào chỗ chọt ngoáy để thu tiền !
Hãy hỏi vì sao quan lại trở nên thối tha, tàn nhẫn, mất tính người ? Và hãy hỏi tại sao bọn quan lại thối tha ấy vẫn không bị xử lý và trừng trị thích đáng khi chúng làm chết người hàng loạt. Trả lời được những câu hỏi ấy thì việc an dân sẽ dễ dàng hơn và việc vãn hồi trật tự, tránh những cuộc hỗn loạn, việc gieo ý thức thượng tôn pháp luật hay vãn hồi đạo đức xã hội sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với hiện tại !
Phải hiểu rằng, cô hồn sống đang đến từ các cơ quan nhà nước và chúng lan tỏa ra nhân dân một cách nhanh chóng bởi con đường "quan như phụ mẫu" của chúng. Đừng đặt nhân dân vào chốn cô hồn mà phải loại bỏ cô hồn từ trrong bộ máy công quyền !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 04/09/2023
RFA, 31/08/2023
Hôm 31/8/2023, Stimson Center, một think tank ở Washington DC, tổ chức hội thảo trực tuyến về nạn buôn người và tội phạm qua mạng ở Đông Nam Á. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Mekong - Hoa Kỳ do Chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ. Chương trình Hợp tác Mekong - Hoa Kỳ được Chính phủ Mỹ khởi động vào năm 2020 nhằm mở rộng hợp tác với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan về các thách thức chiến lược của khu vực. Có bốn lĩnh vực được ưu tiên hợp tác là các thách thức an ninh phi truyền thống, quản lý tài nguyên thiên nhiên, kết nối kinh tế, và phát triển nguồn nhân lực.
Reuters
Hội thảo về vấn đề buôn người và tội phạm qua mạng hôm 31/8/2023 của Stimson Center nhằm thảo luận về một số "thách thức an ninh phi truyền thống" trong khu vực. Hội thảo này không chỉ bàn về vấn đề buôn người mà còn tập trung cả vào những vấn đề như chống buôn bán động vật hoang dã, ma túy, buôn lậu và các loại tội phạm khác trong khu vực.
Bà Nga Bùi, chuyên gia cao cấp tại Traffic, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào việc chống buôn bán động vật hoang dã, cho biết Việt Nam là nơi còn lưu lại nhiều niềm tin y học truyền thống, theo đó sử dụng các loại động vật hoang dã để chữa bệnh. Điều đó khiến cho việc săn bắt và buôn bán các loại động vật này trở nên phổ biến.
Mặc dù Việt Nam có nhiều kế hoạch hành động cấp quốc gia và khu vực để chống nạn buôn bán động vật hoang dã nhưng vẫn chưa cải thiện tốt tình hình. Nhiều loại động vật hoang dã đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam và ở phần lớn khu vực sông Mekong, do chúng có "giá trị thương mại".
Một cách nghịch lý, tập tục "phóng sinh" theo niềm tin Phật giáo cũng gây hại cho động vật hoang dã. Người ta bắt động vật hoang dã như chim, cá nhốt lại để "phóng sinh" nhằm "lấy phước". Điều này khiến nhiều động vật hoang dã bị chết hoặc bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia, trong học đường, mỗi địa phương có vấn đề riêng của mình nên cần có những chương trình giáo dục phù hợp. Nơi nào có tệ nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã nghiêm trọng thì cần có chương trình giáo dục cho trẻ em, thanh thiếu niên những nhận thức về môi trường, y tế, xã hội để nâng cao ý thức bảo vệ tự nhiên.
Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc hợp tác với chính phủ, đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhà sư Phật giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác. Cơ chế hợp tác này có thể giúp sửa đổi những nhận thức sai lệch về việc "phóng sinh" cưỡng bách (bắt động vật để "phóng sinh"), hiến tế động vật và giúp hiểu rõ những tác hại lâu dài của những tập tục này. Ngoài ra, các nhà y học cũng cần nỗ lực giải thích cho công chúng về những rủi ro tiềm ẩn của thói quen ăn thịt động vật hoang dã.
Một con khỉ mặt đỏ bị giam giữ trong chuồng tại Văn Chấn, Yên Bái năm 2014 (minh hoạ). AFP
Trong những năm gần đây, một cuộc khủng hoảng về buôn người ở quy mô khu vực Tiểu vùng sông Mekong đã xuất hiện do các nhóm buôn người sử dụng công cụ trực tuyến ở Campuchia, Lào, và thậm chí lan sang Myanmar và Philippines. Nhiều người Việt Nam cũng là nạn nhân của vấn nạn này.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, sự phát triển nhanh chóng của truyền thông mạng xã hội, tiền điện tử và rửa tiền qua mạng đã gây bối rối cho cơ quan thực thi pháp luật của nhiều nước. Do các loại tội phạm này khéo léo hơn và phát triển nhanh hơn nền tảng pháp lý hiện có. Theo các chuyên gia, chính phủ các quốc gia ở Tiểu vùng sông Mekong vẫn chưa xây dựng năng lực kỹ thuật cho các nhân viên của mình để biết cách theo dõi dữ liệu. Ngoài ra, trong các vụ truy tố, hiểu biết pháp lý của giới luật sư và thẩm phán cũng còn hạn chế đối với việc phân tích các bằng chứng kỹ thuật số. Các nước Tiểu vùng sông Mekong trong đó có Việt Nam đang gặp một vấn đề lớn là ngay cả khi các chuyên gia phân tích dữ liệu có thể thu thập và phân tích dữ liệu kỹ thuật số liên quan đến tội phạm sử dụng mạng, thì những dữ liệu và cách phân tích này vẫn còn mới mẻ khó giải thích để hệ thống tư pháp có thể hiểu được. Theo các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ cần hỗ trợ nhiều hơn với các nước Tiểu vùng sông Mekong trong vấn đề này.
Buôn bán người và đưa người di cư trái phép đang nổi lên như một mối lo ngại lớn trên khắp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hoạt động lừa đảo để buôn người rồi bán vào các khu vực lao động cưỡng bách như nô lệ đã tăng gần gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2018.
Tại hội thảo, RFA đặt câu hỏi với các chuyên gia về nạn buôn người Việt qua Trung Quốc và Campuchia. Theo các thông tin do nhà nước Việt Nam công bố, nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Trung Quốc rồi bị bán vào các cơ sở mại dâm. Ở Campuchia, nhiều lao động bị đưa vào những tổ hợp lao động cưỡng bức. Vậy có điểm gì giống và khác nhau trong hai điểm nóng về buôn người mà người Việt là nạn nhân này hay không ? Ông Mech Dara, một chuyên gia Campuchia phát biểu tại hội thảo, cho biết nạn buôn người đưa vào các cơ sở lao động cưỡng bức tại Campuchia cũng do người Trung Quốc đứng sau thực hiện. Những ông chủ Trung Quốc này có hộ chiếu Campuchia, chỉ điều hành sau hậu trường chứ không bao giờ công khai, và thậm chí họ không sống ở Campuchia.
Năm 2022, có một loạt các tường trình trên truyền thông quốc tế về các cơ sở buôn người và cưỡng bách lao động như nô lệ ở Campuchia do tội phạm đến từ Trung Quốc điều hành. Ông Mech Dara, người phát biểu tại hội thảo của Stimson Center hôm 31/8/2023, là người đầu tiên công bố những điều tra trên VOD về các ổ tội phạm giam giữ và cưỡng bách lao động tại Phnomphenh và Sihanoukville từ tháng 6 năm 2022. VOD là một tờ báo độc lập thuộc một tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Truyền thông độc lập Campuchia (CCIM). Sau đó, đến tháng 7/2022, một chương trình truyền hình của Đài Al Jazeera còn cho biết có những quan chức Campuchia như Thượng nghị sỹ Kok An và Hun To, cháu trai Thủ tướng Hun Sen, liên quan đến những hoạt động này. Đến tháng 9, 2022, một tường trình trên Reuters cho biết là "Mafia Trung Quốc" điều hành các cơ sở này. Nạn nhân ở đó bị nhốt tù, tra tấn và mua đi bán lại như người ta "bán dê". Sau khi xuất hiện các tường trình này trên truyền thông quốc tế, Cảnh sát Campuchia đã thực hiện một loạt cuộc truy quét tội phạm ở Phnompenh và Sihanoukville. Theo thông tin từ truyền thông của Nhà nước Việt Nam, khi đó có khoảng 1000 người Việt Nam được giải cứu từ các đợt truy quét tội phạm này của Chính phủ Campuchia.
Các chuyên gia đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách trong từng lĩnh vực để giải quyết các vấn nạn nêu trên. Đối với việc chống lại hoạt động săn bắt động vật hoang dã, các chuyên gia khuyến nghị cần có nỗ lực về văn hóa, giáo dục, chính sách nhằm giảm các loại niềm tin truyền thống thúc đẩy nhu cầu về động vật hoang dã. Việt Nam là một trong những nước trong khu vực có những niềm tin phổ biến như vậy. Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế cũng cần hỗ trợ đào tạo cho các địa phương ở Tiểu vùng sông Mekong về các nguyên tắc xử lý những trường hợp phạm tội do bị cưỡng bách và lừa đảo.
Các đặc khu kinh tế là nơi ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài và chính quyền địa phương thường ít có quyền tiếp cận các hoạt động của họ. Do đó, tội phạm cưỡng bức lao động và buôn người cũng thường tận dụng địa bàn này. Các chuyên gia cho rằng các chính phủ trong khu vực nên cho địa phương thẩm quyền được tiếp cận thông tin về người lao động của các doanh nghiệp trong các đặc khu như vậy.
Một trong những giải pháp quan trọng khác được đề xuất tại hội thảo là các cơ quan tình báo kinh tế theo dõi đường đi của các dòng tiền liên quan đến các loại tội phạm này. Do các loại tội phạm này thường là xuyên quốc gia, các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực phải có cơ chế để hợp tác được với nhau.
Nguồn : RFA, 31/08/2023
"Ngày xưa má tôi cũng thường hay đi chợ mua chim, cò,... về để "phóng sinh" vào tháng bảy. Tôi nhớ như in những lúc má tôi tay tháo dây buộc chân chim, miệng lâm râm cầu khẩn..".
Phóng sinh cá chép ở Hồ Tây. Hình minh họa.
Tuần này, "phóng sinh" tiếp tục là chủ đề nóng trên mạng xã hội. Phản ứng của công chúng đối với "phóng sinh" không chỉ mạnh mẽ mà còn lan rộng hơn nhiều năm trước. Số người bất bình trước việc bắt cá, bẫy chim để "phóng sinh" càng lúc càng đông vì hoạt động này chẳng khác gì "sát sinh" trái với tinh thần, giáo lý đạo Phật. Không ít người nhận định như Nguyễn Hồng Lam :Đây chỉ là một thực hành của chủ nghĩa nhân đạo man rợ. Nó không phải là sự giải thoát mà là một tội ác, một hành vi tận diệt. Nó thể hiện sư vô tri, mông muội của cả chúng sinh lẫn kẻ khoác áo tu hành nhưng lòng còn đầy ngã mạn. Được đem ra thực hành công khai, nó trở thành phương tiện lừa bịp đức tin.Chỉ có con người mới cần được phóng sinh tâm hồn ra khỏi đầm lầy dốt nát, tăm tối và tàn ác. Chim trời không cần uống nước đóng chai. Cá, ốc không quen hương khói. Muôn loài không cần thứ tự do sau khi đã bị đánh bẫy, bị bắt trói. Đừng mang tín ngưỡng ra đọa chúng sinh trong u mê và tàn sát sinh linh thêm nữa (1) !
Đó có lẽ là lý do khiến cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn chính quyền phải nhập cuộc. Một số tờ báo giới thiệu cảnh báo của các chuyên gia về hoạt động "phóng sinh" theo kiểu Việt Nam trong thời gian vừa quanguy hại cho hệ sinh thái (2). Đáng lưu ý là đã có chính quyền địa phương như Thừa Thiên – Huế gửi công văn cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở tỉnh này đề nghị không cho phép người khác vào khuôn viên các chùa để mua bán chim phóng sinh vì việc săn bắt chim hoang dã phục vụ "phóng sinh" sẽ tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái tự nhiên và vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học. Trong công văn vừa kể, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị những người lãnh đạo Tăng đoàn ở Thừa Thiên - Huế trực tiếp tuyên truyền tại các buổi lễ Phật, hoặc giải thích cho Phật tử bằng các tờ rơi, băng rôn để Phật tử thay đổi nhận thức về phóng sinh, không mua chim để phóng sinh, không tiếp tay cho việc săn bẫy chim hoang dã (3)...
***
"Phóng sinh" vốn có từ lâu nhưng vì sao "phóng sinh" lại trở thành vấn nạn ? Ông Trương Nhân Tuấn kể :Ngày xưa má tôi cũng thường hay đi chợ mua chim, cò... về để "phóng sinh" vào tháng bảy. Tôi nhớ như in những lúc má tôi tay tháo dây buộc chân chim, miệng lâm râm cầu khẩn. Tôi còn nhớ những dịp tết nhứt làm đồ cúng, khi cắt cổ con gà, con vịt... má tôi cũng lâm râm nguyện cho con gà, con vịt sớm "đầu thai kiếp khác"... "Phóng sinh" vốnlà một truyền thống tốt đẹp của dân quê Việt Nam. Ngày nay, thời tu sĩ tu với phương châm "dân tộc – đạo pháp – xã hội chủ nghĩa", chuyện "phóng sinh" bị lợi dụng và "chính trị hóa".Tu sĩ, chùa chiền quốc doanh sử dụng việc "phóng sinh" như một cách "câu khách", làm cho những người dân thiệt thà (như má tôi) trở thành những tín đồ trung thành. Tín đồ càng mù quáng trung thành, tín đồ càng rộng lượng cúng dường, chuyện "phóng sinh" càng rùm beng, có trợ lực từ báo chí, truyền hình của tuyên giáo...Ông Tuấn than :Trước đạo pháp, hành vi "phóng sinh" của các chùa quốc doanh trở thành một "tội ác". Trước thiên nhiên, chuyện "phóng sinh" (kiểu chù a Việt Nam) là hành vi tàn phá môi sinh, làm đảo lộn tuần hoàn của hệ sinh thái địa cầu.Suy nghĩ sâu xa, chuyện tệ hại nào chưa xảy ra trên đất nước này (4) ?
Có một điểm đáng lưu ý là trong số những người phản đối "phóng sinh" có rất nhiều người am tường tinh thần, giáo lý đạo Phật và cũng vì vậy mà họ chỉ trích kịch liệt hoạt động "phóng sinh" càng ngày càng kỳ quái như đã biết và đang thấy. Thái Hạo lưu ý :Trong ba thứ bố thí có vô úy thí, chính là liên quan tới phóng sanh. Làm sao để đồng loại và muôn loài được an ủi, được cứu mạng, được sống trong sự thanh bình không não hại. Người ta đang tự do, đi bắt nhốt lại, đốt hương khói nghi ngút, khiến cho thân tàn ma dại, rồi mang thả ra, đó là làm cho khốc hại, là hiện thân của cái ác, chứ không có chút từ bi nào cả. Thái Hạo nêu ra một nghịch lý khác rất đáng ngẫm nghĩ :Phóng sinh tôm cua cá ốc chim cò làm gì khi thấy đồng loại bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù oan hàng chục năm trời mà không hé răng nói lấy một lời ? Phóng sanh cái gì khi thấy cái ác và sự bất công tràn ngập mà không hó hé nửa câu ? Đó là sự vô cảm độc ác và là hiện thân của thói đạo đức giả mà thôi(5)
Tương tự, Trịnh Khả Nguyên tâm tình :Phần đông người ta lo giải oan, theo nghi thức "tâm linh" (cúng kính, lập đàn tràng) cho cõi âm, cho người chết để những vong hồn, âm hồn ấy thoát khỏi những hình phạt rất rùng rợn "dưới" âm phủ và được "siêu". Ít người nghĩ đến giải oan cho cõi dương, cho người đang sống. Thiết nghĩ, giải oan cho cõi dương cũng quan trọng và cần thiết, bởi cõi này dù là cõi tạm, như người ta hay nói thì cũng tạm… một đời và ai cũng cố bám càng lâu càng tốt.Giải oan tốt cho cõi dương, cho người sống có lẽ không cần cúng, lập đàn tràng, tụng niệm nhưng tốt nhất là tránh gây ra oantrái. Phòng bênh hơn chữa bệnh. Muốn thế, điều gần như cơ bản, ai cũng biết là phải có pháp trị, công lý cho mọi người. Luật phải rõ ràng để tránh bị suy diễn tùy tiện. Người thực thi, xét xử phải có lương tâm, không chịu áp lực, không áp đặt, phán xét dựa trên bằng chứng rõ ràng. Rằm tháng bảy, mùa giải oan cho những người chết là một lẽ. Còn mùa nào là mùa giải oan cho người đang sống (6) ?
***
Cùng tham gia thảo luận về "phóng sinh" Thục Quyên đề nghị : Phóng sanh là hành động mang lại sự sống cho chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng, có nghĩa là giải thoát những sinh vật đang bị giam hãm trong lồng chậu, nhà giam, đang bị tra tấn, đánh đập hoặc sắp bị giết. Hiểu như vậy, đương nhiên không thể tổ chức "Lễ Phóng sanh" theo kiểu hiện hành. Phóng sanh phát khởi từ tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh. Phóng sinh là một phần của việc giữ giới không sát sinh, một trong ngũ giới mà người Phật tử khi quy y Tam Bảo phát lên lời nguyện giữ gìn, không vi phạm. "Lễ Phóng sanh" hoành tráng phải là một lễ được tổ chức thông minh, có ý nghĩa thuyết phục và rộng lớn để mọi người dù là Phật tử hay không, đều nhìn thấy ý nghĩa và cùng tham dự. Thí dụ các vị tôn đức, các đoàn thể phật tử, có thể lập ra những chương trình học hỏi về dinh dưỡng để khuyến khích cả nước giảm tiêu thụ thịt và thay thế bằng rau củ quả bổ dưỡng. Xây dựng những phong trào bảo vệ môi sinh là hành động tích cực để giúp chúng sinh thoát khỏi tù ngục của những nhà máy đang phun khói độc, gây bệnh phổi, hoặc hàng ngày thải chất hoá học vào những con sông, mang đế n cái chết lần mòn cho mọi loài sinh vật trong đó, cho đến ngày chính nước của dòng sông, nguồn sống của con người, cũng thành nước chết.
Cũng từ góc độ của một Phật tử, Thục Quyên đề nghị :"Lễ Phóng sanh" phải là buổi lễ mà gần trăm triệu người Việt nghĩ tới những tử tù, đồng loạt ký thỉnh nguyện thư, yêu cầu chính phủ cần theo đà tiến hoá của nhân loại, bãi bỏ án tử hình.Phật giáo Việt Nam sẽ là ngọn đuốc sáng cho thế giới nếu Phật tử Việt Nam "nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động" (7). Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tôn giáo xiển dương"dân tộc – đạo pháp – xã hội chủ nghĩa" khó mà tiêu hóa được những đề nghị như vậy !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/09/2023
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/phong-sinh-co-the-gay-hai-cho-he-sinh-thai-thuy-sinh-20230829180801056.htm
(7) https://baotiengdan.com/2023/09/01/nen-to-chuc-le-phong-sanh-that-hoanh-trang/
1
Mùng 9 Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương tại sân rồng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội). Tại đây, ông phóng sinh một lồng chim. Vài chục con chim được nhốt sẵn trong một cái lồng, nắp lồng buộc bẳng những dải lụa điều, đậy một tấp lụa vàng. Tấm lụa vàng được nhấc ra, những dải lụa điều được gỡ, Chủ tịch Trần Đại Quang trịnh trọng nhấc nắp lồng và lập tức những con chim đang khao khát tự do bay ra. Và… vỗ tay.
Phóng sinh là một nghi lễ truyền thống của nhà Phật, được duy trì có lẽ từ nhiều nghìn năm nay. Phóng sinh không chỉ là chim mà tất cả động vật, từ những con côn trùng đến những con vật lớn hơn, tạo cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Phóng sinh không chỉ ở nghi lễ mà ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Ví dụ người ta đi đường gặp thì mua cả chậu cá còn sống, thả tại chỗ, không cần ai biết đến.
Trong nghi lễ, người ta thường chọn chim để phóng sinh vì hình ảnh những con chim đang trong cảnh tù túng, giam cầm được tung bay lên trời là biểu tượng đẹp nhất của tự do.
Phóng sinh là hành vi từ tâm, nhân đạo. Vì vậy, Đức Phật khuyên con người không sát sinh, các nhà tu hành không ăn mặn. Tuy nhiên, việc phóng sinh cũng có những mặt trái của nó. Để có được lồng chim cho Chủ tịch nước thả ra, người ta phải tìm mua chim. Có cầu ắt có cung. Vậy ắt có kẻ bẫy chim để bán cho ông thả. Những con chim mà ông Quang thả ra, trước sau nó cũng ở trên trời. Có chăng, thả được 100 con thì những con bị bắt phải bắt nhiều hơn số đó vì sẽ có thêm những con bị què, bị chết hay chui vào các nhà hàng đặc sản. Nếu không có nhu cầu phóng sinh vào các dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy…, động vật bị săn bắt vào những dịp này sẽ ít đi
Mặt khác, là nghi lễ của đạo Phật, việc phóng sinh chủ yếu nằm trong phạm vi các nhà chùa, các nhà tu hành. Nhưng khi Chủ tịch nước chủ trì việc phóng sinh, nó trở thành một thông điệp, thành sự khuyến khích trong toàn xã hội. E rằng rồi đây, người người bẫy chim, nhà nhà bẫy chim để bán phóng sinh. Cứ mỗi chu kỳ bắt - thả, chim sẽ hao đi một số.
2
Việc đầu xuân Chủ tịch nước thả chim phóng sinh cũng hình thức như các lãnh đạo khác trồng cây. Thường là họ trồng cây đã trưởng thành. Cây cao gấp mấy thân người trồng, lại đã sinh ra các rễ phụ sum xuê. Lồng chim của ông Quang phủ lụa vàng, buộc lụa điều thì cán xẻng trồng cây của các lãnh đạo khác cũng xanh xanh đỏ đỏ. Lại có khi còn trải bạt để các lãnh đạo trồng cây cho khỏi bẩn giầy nữa. Gợt vài xẻng đất, tưới một tí nước được chuẩn bị sẵn là xong việc và… cũng vỗ tay. Nếu chim phóng sinh được bắt ở chỗ này, thả ở chỗ khác, thì cái cây các lãnh đạo trồng cũng đang sống yên ổn ở chỗ này bứng ra chỗ khác. Nó là di chuyển vị trí của cây chứ không phải là trồng. Mỗi lần như thế, cây thêm một lần đau đớn.
Trồng cây là phải thêm cây cho xã hội, là những cây giống được ươm ở vườn được nhân ra. Đồng ý rằng các vườn cây cũng có những cây to để bán cho các nhà giàu, các cơ quan nhưng đấy chỉ là di chuyển cây đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp, thỏa mãn nhu cầu thể hiện chứ không phải trồng thêm cây cho xã hội.
Cứ nhìn cảnh trồng cây hay thả chim phóng sinh, người ta thấy rõ tính hình thức và nó cứ giả giả thế nào.
3
Nói đến chuyện thả chim phóng sinh chim tức là trả tự do cho chim, lại nghĩ đến những tù nhân lương tâm nhiều năm bị giam cầm với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đông lạnh, hè nóng, tình cảm bị chia cắt. Nhất là dịp tết đến xuân về, sự đau đớn về tình cảm lại càng nhức nhối. Chẳng thế mà Đinh La Thăng còn xin được về ăn tết với gia đình rồi mới thi hành án.
(Ảnh: HRW)
Một danh sách của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm cho thấy có 91 người đang bị giam giữ. Danh sách có thể còn sót và chưa tính những người bị bắt từ đầu năm 2018. Như vậy hiện nay có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở các trại giam trên toàn quốc. Họ là những người không có tội. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội, nói lên sự thật, dám biểu đạt chính kiến của mình và cất lên lên tiếng nói tự do. Đó là những con người cần được trả tự do nhất. Nếu họ có tâm từ bi thật khi phóng sinh chim thì họ cũng có đủ từ bi để trả tự do cho những tù nhân lương tâm. So với con chim, ai cũng biết là con người cần và đáng được tự do hơn cả. Phóng thích tù nhân lương tâm cũng có nghĩa là phóng thích những điều cay cú, hơn thua, cố chấp và thù hận ra khỏi con người mình để mình cũng được tự do.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 26/02/2018
(nguyentuongthuy's blog)
Chục năm gần đây, nghi thức phóng sinh được tổ chức nhiều và rầm rộ. Sau một buổi cầu siêu người ta thường tổ chức phóng sinh. Phóng sinh cá hay phóng sinh chim. Từng thau cá hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn con được khuân ra bờ sông đổ xuống dòng nước. Không ít những con cá rớt khỏi thau dãy đành đạch trên đất và bị dẫm bẹp bởi bàn chân người phóng sinh !
Phóng sinh phải đạt được mục đích cuối cùng là cứu sinh mạng con vật khỏi bị giam cầm, hành hạ, giết chết - Ảnh : Internet
Cứu cánh của việc phóng sinh là gì ?
Cứu cánh, theo nghĩa từ Hán Việt, có nghĩa là mục đích cuối cùng (lâu nay rất nhiều người đã nhầm lẫn khi dùng từ này). Tùy theo nhận thức cá nhân mà việc phóng sinh có thể có các cứu cánh khác nhau. Theo một số người, đó là cầu lộc, cầu an. Theo một số khác là cứu những sinh mạng đang bị giam cầm, bị hành hạ hay có thể bị làm thịt. Theo một số khác nữa là rũ bỏ khỏi lòng mình các ác niệm để từ đó tiến xa hơn trên con đường tu tập tự giải thoát… Theo tôi, cứu cánh cứu sinh mạng là cứu cánh được nhiều người đồng ý với nhau nhất cho việc phóng sinh.
Trong đời thường, việc phóng sinh được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy hoàn cảnh. Thí dụ người có từ tâm bắt gặp chú chim non rơi xuống đất thì chăm sóc rồi thả lên trời rộng… Từ xưa, nhằm xiển dương tinh thần đó, các tín đồ đạo Phật kêu gọi và tiến hành nghi thức phóng sinh trong những ngày lễ đạo…
Khoảng đầu thập niên 1960, vào những ngày rằm lớn, tôi theo mẹ tôi ra chợ Vườn Chuối (Sài Gòn) dặn chị bán cá chừa lại không bán một thau cá, rộng chừng một chục con cá sống (rộng : thả cá vào nước để giữ sống một khoảng thời gian). Tan chợ, chị mang thau tới nhà, mẹ tôi nhờ chú taxi chở qua khu Thủ Thiêm ra sau nhà một người quen thả xuống sông Sài Gòn. Sau đó mẹ và tôi dùng buổi chay với dì cùng các con của dì, dặn dò đám con nít chúng tôi thương yêu loài vật, không giết bướm, giết chim, không hành hạ chó mèo…
Chục năm gần đây, nghi thức phóng sinh được tổ chức nhiều và rầm rộ. Sau một buổi cầu siêu người ta thường tổ chức phóng sinh. Phóng sinh cá hay phóng sinh chim. Từng thau cá hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn con được khuân ra bờ sông đổ xuống dòng nước. Không ít những con cá rớt khỏi thau dãy đành đạch trên đất và bị dẫm bẹp bởi bàn chân người phóng sinh ! Cá được trút xuống nước thì lờ đờ sát mé… Chim thì quặt quẹo, vừa được thả ra tung cánh bay đã rớt xuống, nhảy lò cò hay lết vào bất cứ góc nào… Cách không xa, những người lưới cá, bắt chim chực sẵn ! Cảm nhận bao trùm của tôi là xót thương những sinh linh được phóng sinh kiểu đó, và rờn rợn trong lòng về sự dã man đối với loài vật !
Phương tiện có phục vụ cứu cánh ?
Như vậy, nếu xem việc thả cá thả chim của nghi thức phóng sinh là phương tiện, thì phương tiện đó có hữu hiệu nhằm đạt được cứu cánh của việc phóng sinh ?
Nếu xem cứu sinh mạng là cứu cánh của phóng sinh thì nghi thức phóng sinh như trên không phải là phương tiện hữu hiệu. Chẳng những vậy, nó còn phản lại cứu cánh tốt đẹp kia. Nhiều người đã lên tiếng về tình trạng bi thảm của những con vật được phóng sinh. Nhu cầu phóng sinh có tính hình thức đó đã tự phát tạo nên một thứ "công nghiệp phóng sinh", và công nghiệp này khiến bao nhiêu sinh linh chim cá bị đánh bắt, sanh cầm, liên tiếp được thả ra rồi bắt lại và cuối cùng chết vì kiệt sức !
Nếu xem rũ bỏ khỏi lòng mình các ác niệm để tiến xa hơn trên con đường tu tập tự giải thoát là cứu cánh của phóng sinh thì phương tiện đó cũng phản lại cứu cánh. Người có sẵn từ tâm không chịu nổi cảnh hành hạ, đày đọa loài vật như thế. Người chứng kiến cảnh đó nhiều lần e cũng sẽ dần dần rời xa lòng nhân từ mà dần dần chai mòn trước cảnh loài vật bị hành hạ !
Tại sao cái phương tiện phản lại cứu cánh đó cứ được tiếp tục dùng ?
Phải chăng vì người ta còn mù mờ về cứu cánh ? Phải chăng vì về thực chất thì cái cứu cánh đó đã được thay đổi rồi, cho dù người ta còn bám vào nó về mặt danh nghĩa ? Phải chăng vì người ta không muốn đổi thói quen, đã dùng một phương tiện rồi là dùng hoài vì ngại dùng phương tiện khác ?
Ngày xưa khi con người còn săn bắt hái lượm, hay còn sống dựa hoàn toàn vào nền kinh tế nông nghiệp sơ khai, con vật bị săn, bị bẫy hay bị nuôi và giam cầm chờ giết mổ trong những điều kiện đau đớn. Những nhà từ bi lớn, những bậc tu hành đau xót cảnh giam cầm đày đọa nên thuyết giảng tình thương và thói quen phóng sinh.
Ngàn năm, trăm năm đã qua, thế giới văn minh lên, khoa học tiến bộ đo được các phản xạ và phản ứng của não bộ, biết rằng con vật như chó, heo, trâu, bò, chim… cũng biết cảm nhận sự đau đớn, và cả sự thương tâm, dù ở mức độ ít hơn con người. Do đó các nước phương Tây đã phát động phong trào bảo vệ động vật và có cả luật lệ trừng phạt người có hành vi gây đau đớn cho loài vật.
Thời thế thay đổi, cuộc sống thay đổi, cứu cánh cũng thay đổi, và do đó phương tiện cũng cần thay đổi theo. Cứu cánh đã thay đổi mà phương tiện vẫn còn cũ kỹ thì phương tiện phản cứu cánh, phương tiện biến thành vật cản trên con đường tiến về cứu cánh. Điều này đúng không chỉ trong lãnh vực phóng sinh.
Nghi thức phóng sinh như nói trên, nên tiếp tục nhưng cần tiến hành một cách văn minh hơn trong tình yêu quý loài vật.
Các quán bán thịt rừng, thịt thú cấm săn bắt còn khá nhiều. Trên các tuyến đường lớn, thỉnh thoảng thấy những người bày bán sóc, nhím ; về đồng bằng sông Cửu Long thì thấy các chợ chim, chợ cò thản nhiên mời gọi khách… Việt Nam nên lập các dự án, tổ chức các chương trình giáo dục về bảo vệ thú hoang dã, về thú trong Sách đỏ, nên tổ chức các phong trào không ăn thịt rừng, thịt chim cò, thịt thú cấm săn bắn, tẩy chay hay thậm chí cấm đoán các chợ thú rừng, chợ chim cò…
Trong thế giới hiện đại, các hoạt động săn bắt của loài người, cùng với nhu cầu lớn và kỹ thuật cao, tàn sát sinh vật ở mức độ khủng khiếp gây tuyệt chủng nhiều loài. Những hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm trên diện rộng, tàn phá môi trường sống của nhiều loài, nhiều quần thể. Trong chục năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến hay bị đe dọa bởi những "sự kiện môi trường", những thảm họa môi trường lớn. Trước kia có Vedan xả thải đầu độc sông Thị Vải, gần đây có Formosa hủy hoại bờ biển 4 tỉnh miền Trung, có bùn đỏ Tây Nguyên cùng với những sự cố từ các nhà máy trong nước. Việt Nam cần có chương trình và dự án bảo vệ môi trường ở cấp độ quốc gia. Không được để xảy ra các đại thảm họa môi trường như trong việc Formosa tàn phá môi sinh, thảm sát sinh vật biển trên một vùng rộng lớn. Nếu đã xảy ra thì cần tích cực minh bạch thông tin, thảo luận và hợp tác rộng rãi với dân chúng, hợp tác với quốc tế cùng nhau tìm biện pháp cứu chữa môi trường sau thảm họa. Người Việt sẽ thảo luận với nhau trong tầm nhìn và tấm lòng rộng lớn rằng bảo vệ môi trường không chỉ cho con người mà cho tất cả các loài sinh vật cùng sống chung trong môi trường thiên nhiên, trong vũ trụ này.
Nên chăng xem những chương trình, những dự án nói trên như là các phương tiện mới nhằm phục vụ cứu cánh mới tiếp theo tinh thần phóng sinh năm xưa. Những dự án này, chương trình này, một khi được vạch ra nghiêm túc và tiến hành nghiêm túc sẽ nâng cao dân trí hơn, đưa dân tộc ta tiến về hướng văn minh hiện đại một cách toàn diện hơn.
Lê Học Lãnh Vân
Nguồn : Một Thế Giới, 17/02/2017
**********************
Điều tra vụ thả cá ngoại lai xuống Sông Hồng (RFA, 17/02/2017)
Người dân thả cá được cho là cá Chim Trắng xuống sông Hồng hôm 5/2/2017. Screen shot
Bộ Tài nguyên và môi trường hôm nay vừa có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra vụ phóng sinh sinh vật ngoại lai xuống sông Hồng ở Hà Nội hôm 5 tháng 2 vừa qua.
Báo chí trong nước đưa tin hôm 5 tháng 2 vừa qua, một số người dân và nhà sư đã cho phóng sinh một lượng lớn cá chim trắng xuống bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng. Đây là loại cá được nhập về từ Nam Mỹ. Loại cá này có tập tính là săn môi theo đàn, ăn tạp, khá hung dữ.
Dư luận gần đây tỏ ra lo lắng về sự xuất hiện của loài cá này ở sông Hồng vì cho rằng chúng có thể ăn các loài cá và sinh vật khác trong hồ. Tuy nhiên cho đến lúc này báo cáo của chi cục Thủy sản Hà Nội vẫn chưa xác định chắc chắn vè nguồn gốc, chủng loại cũng như khối lượng cá được phóng sinh.
Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị Bộ Công an điều tra xác định thông tin và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương xác minh, kiểm tra mọi vấn đề liên quan việc nuôi tôm hùm đỏ ở tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là một sinh vật ngoại lai bị cho sẽ là mối đe dọa cho các loại tôm đang thả nuôi ở Việt Nam.
Hà Nội : Phóng sinh cá chim trắng 'không gây hại' ? (BBC, 09/02/2017)
Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì lễ phóng sinh hôm 5/2
Mạng xã hội xôn xao chuyện một thượng tọa chủ trì lễ phóng sinh gần 10 tấn cá, trong đó có cá chim trắng, tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, Hà Nội.
Sự kiện do Thượng tọa Thích Chân Quang đến từ chùa Phật Quang, núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ trì hôm 5/2, tức mùng 9 Tết với sự tham dự được báo Việt Nam ghi nhận lên đến hàng ngàn người.
Cá chim trắng, tên khoa học là Colossoma, ăn tạp và phàm ăn, là một chi cá nước ngọt có nguồn gốc từ Nam Mỹ, theo website FishBase.
Còn theo diễn đàn Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam", cá Chim trắng ăn tạp và phàm ăn. Chúng có bộ răng cửa rất cứng và sắc nên nhiều người lầm đó là loài cá dữ, nhưng thực chất lại hiền lành, chậm chạp".
Hôm 9/2, BBC liên hệ với Thượng tọa Thích Chân Quang thông qua một thị giả, nhưng người bắt máy xưng tên là Nguyễn Hải Quân, Chánh văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc.
Ông Quân nói : "Là người phụ trách và chuẩn bị nguồn cá cho lễ phóng sinh hôm 5/2, tôi khẳng định là số lượng cá hôm ấy chỉ khoảng 7 tấn và không có cá chim trắng".
"Nhà chùa chỉ đặt mua cá giống nuôi trồng được Cục Thủy sản khuyến khích, gồm các loại cá mè trắng, cá trôi, cá chép, cá trê để phóng sinh".
'Phật tử tự mang theo'
"Còn việc cá chim trắng xuất hiện trong buổi lễ là do một số Phật tử tự mang theo cùng với ốc, lươn, trạch…"
"Tuy vậy, sau khi vụ việc gây ồn ào, nhà chùa đã đến làm việc với Cục Thủy sản hôm 9/2 và được nơi này xác nhận, cá chim trắng không phải là loại cá gây hại cho môi trường".
"Cũng cần nói thêm là, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân là Thượng tọa Thích Chân Quang lại chủ trì lễ phóng sinh cá theo yêu cầu của các Phật tử phía Bắc".
"Lượng cá phóng sinh mỗi năm tùy theo sự đóng góp của các Phật tử".
"Trước mỗi lần tổ chức sự kiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tham khảo với Cục Thủy sản và các trại cung cấp về những loại cá nên và được phép phóng sinh".
Hôm 9/2, Hòa thượng Thích Không Tánh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trả lời BBC từ Bình Định : "Tôi quan niệm rằng việc phóng sinh cũng như làm từ thiện của nhà chùa cần được thực hiện với chính nghĩa, trên tinh thần bảo vệ quê hương, không xâm hại đến môi trường và môi sinh".
"Còn nếu các nhà sư Phật giáo Việt Nam làm phóng sinh chệch hướng, theo chủ đích quảng bá hoặc có sự chỉ đạo của chế độ thì sẽ không tránh khỏi việc bị công luận phê phán".
"Tôi không rõ chi tiết về buổi lễ phóng sinh hôm 5/2 nhưng nếu nhắc đến những việc Thượng tọa Thích Chân Quang đã làm thì người ta có thể thấy ông giống như 'cán bộ' và là nhà sư quốc doanh, bị chính quyền lệ thuộc".
"Ông từng có những phát ngôn mang tính tuyên truyền cho Nhà nước và gây tranh cãi khi đề cập đến mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc".
******************
2 bộ vào cuộc vụ phóng sinh 10 tấn cá 'ăn thịt' xuống sông Hồng (Dân Việt, 09/02/2017)
Trong những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao với thông tin hàng vạn con cá chim trắng được phóng sinh xuống sông Hồng mới đây là loài hung dữ, có khả năng tiêu diệt các loài cá khác, gây hại cho môi trường. PV đã trao đổi với cơ quan chức năng để làm rõ thông tin này.
Cá chim trắng được thả xuống sông Hồng trong buổi lễ phóng sinh do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì ngày 5/2
Trao đổi với PV trưa nay (9/2), Giáo sư Tiến sĩ Mai Đình Yên - Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về các loài cá cho biết : "Qua báo chí tôi có nắm được thông tin trên, Cá chim trắng Colossoma brachypomum là một loài được du nhập về từ Nam Mỹ. Tập tính của chúng là loài săn mồi theo đàn, ăn tạp, khá hung dữ, chúng ăn động vật không xương sống. Các hộ dân nuôi cá chim trắng cho biết khi đói cá chim trắng sẽ cắn các loài cá khác, thậm chí ăn thịt loài khác. Loài cá này nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên không kiểm soát được, cũng chưa có đánh giá tác động môi trường, loài cá này tuy không nằm trong danh sách sinh vật ngoại lai phải tiêu diệt như ốc bươu vàng, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không khuyến khích nuôi".
"Nếu loài cá này thoát ra ngoài tự nhiên với số lượng lớn có thể sẽ sẽ có rủi ro cho các sinh vật bản địa như cướp mất phần thức ăn, tấn công các loài cá nhỏ và nguy cơ tiềm ẩn nhất là gây các loại bệnh cho loài bản địa. Cần có những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này".
Ông Nguyễn Đức Tuân – Giám đốc Trung tâm Đa dạng nguồn lợi thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết : "Hiện nay chúng ta chưa có đánh giá tác động khi loài cá này thả ra tự nhiên, tuy nhiên qua các trận mưa bão, cũng có hiện tượng cá chim trắng thoát ra ngoài tự nhiên do các ao nuôi bị ngập. Theo quyết định 57 ban hành năm 2008 của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cá chim trắng là loài được phép đưa vào nuôi nhưng không khuyến khích thả ra tự nhiên".
Về việc xử lý thế nào sau khi loài cá này đã được thả xuống sông Hồng, Giáo sư Tiến sĩ Mai Đình Yên đề nghị : "Bây giờ các bộ ban ngành liên quan cần có các nghiên cứu cụ thể những tác động ảnh hưởng của cá chim trắng khi thả ra môi trường. Cần tiến hành kiểm tra theo dõi khu vực thả cá nếu có biểu hiện lạ cần xử lý ngay. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân báo tin nếu thấy có hiện tượng dịch bệnh, cá chết… ở khu vực thả cá chim trắng".
"Kể cả việc thả cả phóng sinh cũng cần phải có quy định cụ thể rõ ràng, những loài cá nào được phép thả xuống sông, suối, ao hồ, vì nếu cứ thả bừa bãi cá sẽ chết vì không đúng môi trường sống. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng phải được giám sát, cá không có dịch bệnh thì mới được thả xuống sông. Nhiều khi thả cá để lấy hình thức thì không có ý nghĩa gì, vì cá chết thì rất lãng phí và gây ô nhiễm dịch bệnh".
Theo nguồn tin từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Trung ương I, ngày 10/2 Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các sở ban ngành liên quan sẽ cùng phối hợp vào cuộc điều tra làm rõ vụ thả cá "ăn thịt" xuống sông Hồng.
Phía Bộ Tài nguyên và môi trường có đại diện của Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có đại diện của Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội và các ban ngành liên quan cùng các chuyên gia sẽ vào cuộc làm rõ vụ thả cá chim trắng xuống sông Hồng trong buổi lễ phóng sinh do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì ngày 5/2 vừa qua. Cuộc họp sẽ làm rõ số lượng, số loài cá cụ thể được thả xuống sông Hồng, nguồn gốc cá lấy từ đâu, đồng thời phân tích rõ những tác động của việc thả cá chim trắng như dịch bệnh, đa dạng sinh học và tìm ra hướng xử lý.
Đình Thắng