Tình trạng các quan chức sợ trách nhiệm, không dám ra quyết định ngày càng phổ biến, trở thành một "nạn dịch". Nhiều chuyên gia đánh giá đây là tác dụng phụ từ chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng quyết liệt
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến tình trạng sợ trách nhiệm của cán bộ trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, phản ánh rằng nhiều cán bộ, công chức và viên chức có thái độ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong quá trình làm việc.
"Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua. Thực sự đau và thực sự buồn", ông Trí phát biểu.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để khắc phục tình trạng "không dám hành động vì sợ sai".
Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận, nguyên nhân không phải do Việt Nam chưa có cơ chế bảo vệ/xử lý cán bộ.
"Chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức".
"Và có Kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vậy thì từ nguyên nhân nào ?", ông Thông đặt vấn đề.
Tác dụng phụ của ‘đốt lò’ ?
Đã có nhiều chuyên gia đánh giá rằng việc các nhà chức trách sợ trách nhiệm hay không dám ra quyết định là do sợ chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như tình trạng đấu đá nội bộ.
Một bài viết được đăng tải vào ngày 17/5 trên Reuters đánh giá rằng các cuộc đấu đá nội bộ ở chính trường VIệt Nam đã "làm chậm lại một cách đáng kể các hoạt động của chính quyền, trì hoãn việc phê duyệt các dự án và khiến hàng tỷ đô la từ nguồn vốn công và từ nước ngoài bị đình trệ, gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài".
Bài viết ngày 17/5 trên The Diplomat của tác giả David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS), cũng phân tích ảnh hưởng của chiến dịch "đốt lò" tới kinh tế.
Cụ thể, ông Hutt viết :
"Vấn đề bây giờ là liệu điều này [chiến dịch đốt lò] có làm suy yếu nền kinh tế hay không. Nhiều người nói là có. Quan chức bây giờ đang trì hoãn các quyết định quan trọng vì sợ bị khiển trách về việc làm thất thoát tiền nhà nước".
Bài viết ngày 9/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore) của Phó Giáo sư Jonathan London, nhà quan sát chính trị đương đại Việt Nam, cũng có ý kiến tương tự.
Ông cho rằng việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong nỗ lực chống tham nhũng đã gây ra "tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống".
Bài viết ngày 6/5 trên Bloomberg của chuyên gia tài chính Shuli Ren cũng cho rằng chiến dịch "đốt lò" khiến các quan chức quá sợ hãi nên không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Những ý kiến kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là từ sau thời điểm ông Võ Văn Thưởng mất chức vào cuối tháng Ba.
Các nhà quan sát hoặc là nhắc tới việc bộ máy hành chính Việt Nam sẽ ngày càng "trì trệ", hoặc là nhắc tới sự nghi ngại các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ảnh hưởng tới nền kinh tế
Sự "trì trệ" nói trên đã bắt đầu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt vào ngày 17/5, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nói rằng dù từng là một điểm đầu tư hấp dẫn nhờ yếu tố chính trị ổn định, Việt Nam đang dần mất đi lợi thế này. "Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt ra nghi vấn về tình hình ổn định chính trị ở Việt Nam", ông nói.
Điều này không quá ngạc nhiên trong bối cảnh cụm từ "bất ổn chính trị" liên tục được báo chí quốc tế sử dụng khi nhắc tới Việt Nam.
Theo bài viết ngày 17/5 nói trên của Reuters, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm lượng sở hữu chứng khoán có giá trị khoảng gần 2 tỷ USD, mặc cho những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán.
Việc rút vốn bắt đầu từ đầu năm 2023 và những đợt rút vốn ròng lớn nhất diễn ra trong các tuần có biến động chính trị.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 4.700 tỷ VND giá trị cổ phiếu trong tuần bắt đầu từ ngày 26/3. Tính tới nay, đây vẫn là tuần tồi tệ nhất.
Điều này diễn ra ngay sau khi ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức vào ngày 20/3.
Ông Petri Deryng, đại diện của Pyn Elite Fund, một quỹ đầu tư cổ phiếu của Phần Lan hoạt động tại Việt Nam, nói với Reuters :
"Những biến động chính trị dường như không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nội địa ở thời điểm hiện tại, nhưng tôi cảm thấy nó đã gây ra những tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài".
Một bài viết đăng ngày 22/5 trên NikkeiAsia cũng nhắc tới khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam.
Theo bài viết, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại.
"Dự án phát triển theo của chúng tôi tại Hà Nội có khả năng bị trì hoãn ít nhất một đến hai năm", một giám đốc cấp cao của một công ty thương mại Nhật Bản cho biết.
Ngày 16/5, Reuters đã trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới chính phủ Việt Nam.
Bức thư nêu rõ Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do những trì trệ của bộ máy hành chính.
Nội dung bức thư cho thấy sự thất vọng của các nhà đầu tư nước ngoài với những rào cản pháp lý và các thủ tục phê duyệt kéo dài ở Việt Nam.
"Khoảng 1 tỷ USD tiền tài trợ cho phát triển đang chờ được phê duyệt, 2,5 tỷ USD đã được hoàn trả do hết hạn tài trợ", bức thư viết.
Theo hai quan chức nước ngoài được Reuters phỏng vấn, những yếu tố trên liên quan trực tiếp tới chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo thông tin do Bộ Tài chính công bố, giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm 2024 đạt 16,41% tổng kế hoạch và đạt 17,46% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
So với cùng kỳ năm 2023 (giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) thì giải ngân năm nay có tăng, nhưng vẫn khiêm tốn.
Nguồn : BBC, 26/05/2024
Tại sao nhiều cán bộ Đảng và viên chức nhà nước "né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng" ?
Đó là thắc mắc được bàn cãi rộng rãi trong và ngoài chính quyền ở Việt Nam từ sau Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa đảng XIII kết thúc ngày 17/5/2023, nhưng không ai biết nguyên nhân và làm sao để chấm dứt tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng tình trạng cán bộ công chức né tránh, sợ trách nhiệm là biểu hiện của suy thoái về chính trị cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu
Những chứng bệnh mới này, theo lời trình bầy trước Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, "đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn hiện nay. gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" (Báo Chính phủ, ngày 31/05/2023).
Quan trọng là không chỉ xẩy ra ở vài cơ quan, hay trong phạm vi nhỏ mà đã lan tràn từ trên xuống dưới và từ trong Nhà nước sang Doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thanh Trà nói : "Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp..." (Báo Chính phủ, ngày 31/05/2023).
Tại sao bây giờ ?
Nhưng tại sao những chứng hư, tât xấu trong cán bộ, công chức lại đồng loạt công khai vào lúc này ?
Đại biểu quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) thắc mắc : "Tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện ? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư ?".
Đại biểu Tuấn cho rằng : "Cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế".
Theo quan điểm của ông Tuấn thì : "Có hai nhóm cán bộ. Theo đó một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là, những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm".
Ông nói : "Về nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay, trong bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ cơ quan đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không ? khi nhận diện được thì xử lý thế nào ?".
Đại biểu Tuấn lưu ý : "Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đây nhóm cán bộ chiếm đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm. Đó là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống".
Theo ông Tuấn : "Đặc biệt có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện, bị xử lý hình sự. Từ những vụ án này đã làm cho cán bộ lo sợ. Bởi lẽ những cán bộ ấy đã từng làm công việc tương tự vào thời điểm trước đây từ đó hình thành nên tâm lý cán bộ lo sợ" (Báo Đại Đoàn Kết, ngày 31/05/2023).
Báo Công an Nhân dân (31/05/2023) viết thêm : "Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng khẳng định còn tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm. Việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân".
Bà Thu nói : "Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".
Bắt bệnh suy thoái, từ diễn biến
Tranh luận với một số đại biểu về công tác cán bộ, tình trạng "sợ sai, sợ trách nhiệm", đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh.
Nhưng ai bắt ai khi có quá nhiều cán bộ, viên chức "tay đã nhúng chàm", cộng thêm tình trạng bao che cho nhau, hoặc giơ cao đánh khẽ để bảo vệ "lợi ích nhóm".
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là có và đã có từ rất lâu rồi, và đến hiện tại tình trạng này dường như nặng và phức tạp hơn… Đại biểu Tám cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này có thể do thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp là một bộ phận cán bộ năng lực hạn chế, trình độ hạn chế, do vậy việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế, dẫn đến làm việc gì cũng sợ, né tránh hoặc đùn đẩy" (Tạp chí Tổ chức Nhà nước, ngày 31/05/2023).
Tuy nhiên, khi các đại biểu quốc hội nói đến nguyên nhân nẩy sinh các chứng bệnh nguy nan này là do bệnh "suy thoái tư tưởng chính trị" trong đảng thì đồng thời họ cũng biết trong nội hàm này bao gồm cả mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng. Đây cũng chính là tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ đảng viên, kể cả trong Quân đội và Công an, không còn ngăn chặn được nữa.
Để cứu vãn mối nguy "cha chung không ai khóc", nhiều ý kiến ở Quốc hội muốn đảng phải có chính sách bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để khuyến khích mọi người tự tin làm việc.
Cũng có khuyến cáo cần : "Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả" (Tạp chí Tổ chức Nhà nước, ngày đăng : 31/05/2023).
Thừa nhận khó khăn
Trình bầy tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận những chứng bệnh sợ trách nhiệm và đùn đẩy công việc trong hàng ngủ cán bộ, viên chức đã gây ra những hậu qủa kinh tế nhãn tiền.
Báo Đại Đoàn Kết ngày 22/5/2023 viết : "Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%) ; trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ như Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp ; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thu Ngân sách nhà nước có xu hướng giảm ; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm ; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng".
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì : "Sức khỏe doanh nghiệp đang giảm sút, nền kinh tế rất khó khăn . Bốn tháng đầu năm (2023) có gần 79.000 doanh nghiệp đăng ký lập mới, quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng khoảng 19.700 doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động. Tuy nhiên, mỗi tháng cũng có 19.200 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho nước ngoài".
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái : "Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả".
Ông xác nhận với Quốc hội : "Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai".
Dù vậy, Chính phủ vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết những chứng bệnh mới này. Tại Quốc hội cũng đã có đề xướng nên "ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt".
Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Bằng chứng là cả Chính phủ và Quốc hội từng đồng ý cắt giảm biên chế, giản dị hóa thủ tục hành chính và triệt tiêu căn bệnh "cứ ỳ ra đầy" trong công tác Xây dựng chỉnh đốn Đảng mà đến nay, đã gần hết nhiệm kỳ 5 năm của khóa đảng XIII mà mới chỉ tiến được một bước.
Bằng chứng về số người ăn lương quá nhiều đã được Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cảnh giác : "Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Đã đến lúc cần có một "khoán 10" trong việc giảm số người ăn lương nhà nước mới có nguồn để đầu tư phát triển đất nước".
Theo bà Phạm Chi Lan thì cứ 40 người dân phải nuôi một công chức. Bà nói : "Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước" (báo Lao Động, ngày 30/07/2022).
Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước
Chuyện này cũng giống như công tác chống tham nhũng. Trong diễn văn tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022), ngày 30/06/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nói : "Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng : Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như trong Báo cáo đã nêu. Đó là : Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế ; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp ; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta".
Ông Trọng cũng từng nói : "Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó ?" (trích tuyên bố tại phiên họp của Ban Nội chính Trung ương, báo Thanh Tra ngày 20/01/2022).
Như vậy, các chứng bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng" vẫn tồn tại là điều dễ hiểu.7
Phạm Trần
(05/06/2023)
Khi "cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, co cụm, cầu an" trở thành vấn nạn càng ngày càng trầm trọng, tại sao Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam lại khoe "công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là ‘then chốt của then chốt’, có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn" ?
Sách về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam không chỉ... "nói trạng" về hoạt động phòng, chống tham nhũng lúc tuyên bố bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 mà còn... "nói trạng" về tình hình kinh tế - xã hội !
***
Ngày 9/5/2023, khi thay mặt chính phủ Việt Nam báo cáo về thực trạng kinh tế - xã hội với Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư tiếp tục cảnh báo về chuyện...nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, bánsạch những gì có thể bán được và giá bán chỉ bằng50% giá trị thựccho ngoại quốc(1) !
Từ đầu thập niên 2020 đến nay, kinh tế - xã hội Việt Nam giống như một cỗ xe đang đổ dốc nhưng không có thắng. Bất kể những cảnh báo từ một số viên chức hữu trách, cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền vẫn bất động, không đề ra được bất kỳ giải pháp hữu hiệu nào nên tình hình càng ngày càng bi đát.
Đó cũng là lý do khi trình bày về thực trạng kinh tế - xã hội như vừa kể, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư lại tiếp tục nhấn mạnh :Chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, rất nguy hiểm ! Đồng thời tiếp tục than về... "tinh thần giải quyết công việc chưa tốt nên rất khó" và khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay... "rất thách thức".
Trước đó một tháng (4/2023), khi tham dự cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :Nếu mỗi quý là một trận đấu thì Thành phố Hồ Chí Minh đã thua đậm trận đầu. Dù đã dự đoán sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không thể ngờ kết quả lại tụt xuống sâu như vậy (2) !
Cần nhớ, ngoài chuyện là thành viên chính phủ, đảm nhận vai trò Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng còn là Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng. Ông Nguyễn Văn Nên vừa là Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, vừa là thành viên Bộ Chính trị và là người chịu trách nhiệm chính đối với kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi luôn dẫn đầu về mức độ đóng góp cho ngân sách.
Ở một nơi như Việt Nam và như những gì thiên hạ đã biết về đảng cộng sản Việt Nam, chắc chắn những cá nhân như ông Dũng, ông Nên không lên tiếng như vừa trích dẫn nếu thực trạng kinh tế - xã hội không trầm trọng đến mức vô vọng. Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam luôn ở trên... mây hay... "nói trạng" đã thành thói quen và vì luôn cương quyết chống... "tự diễn biến, tự chuyển hóa" để thành thật, thực tế hơn, nên mới dõng dạc tuyên bố :Về kinh tế - xã hội, cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả (?).
***
Số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, số người thất nghiệp vẫn càng ngày càng cao và chưa biết đến lúc nào mới ngừng. Từ giữa năm ngoái đến nay, không chỉ thành phần vốn thuộc loại yếu thế trong xã hội lao đao mà tất cả các giới đều điêu đứng, khốn cùng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không những không tìm được lối ra mà còn không muốn làm gì. Khi "cán bộ, công chức sợtrách nhiệm, co cụm, cầu an" trở thành vấn nạn càng ngày càng trầm trọng(3), tại sao Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam lại khoe"công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là ‘then chốt của then chốt’, có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn" ?
Đến giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn chỉ do một đảng lãnh đạo nhưng rõ ràng đang xảy ra tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi đánh giá, nhận định về thực trạng kinh tế - xã hội. Ngẫm kỹ thì dẫu có... "xuôi" hay... "ngược" cũng đều quy về một mối – phủi bỏ trách nhiệm. Thay vì hành động, những cá nhân đại diện cho chính phủ chỉ lặp đi, lặp lại chuyện "đã cảnh báo nhiều lần, rất nguy hiểm" là... "hoàn thành nhiệm vụ". Quốc hội cũng thế. Trên tất cả là Tổng bí thư, bất chấp thực tế dõng dạc khẳng định :Nửa đầu nhiệm kỳ khóa 13, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Đảng ta, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
"Nói trạng" dường như không chỉ là cách rũ bỏ trách nhiệm, trút toàn bộ hậu quả cho "một bộ phận cán bộ, công chức" gánh mà còn là phương thức tô vẽ vai trò cá nhân. Đừng ngạc nhiên tại sao trong khi từng người Việt cảm nhận càng ngày càng rõ kinh tế - xã hội bế tắc thế nào mà Ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương đảng vẫn đứng ra chủ trì "Lễ công bố, giới thiệu sách ‘Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" đã được xuất bản bằng bảy ngoại ngữ và yêu cầu Nhà xuất bản Chính trị quốc gia "phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá về mức độ quan tâm của dư luận các nước khác về cuốn sách để qua đó tiếp tục có các đề xuất về việc dịch thêm ra ngoại ngữ khác". Tại sao tổ chức dịch, xuất bản, giới thiệu sách của Tổng bí thư không xảy ra tình trạng "cán bộ, công chức sợtrách nhiệm, co cụm, cầu an" như kinh tế - xã hội ?"Tiền hô hậu ủng. Nh ất hô bá ứng. Trên dưới đồng lòng. Dọc ngang thông suốt" như vậy đem lại no ấm cho ai ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/05/2023
Chú thích
Hôm 22 tháng 9 năm 2021, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ chính trị ký ban hành Kết luận số 14 về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Báo Nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về nhận định rằng nhiều cán bộ đứng đầu hiện nay lo giữ ghế nên rất ngại những thứ đổi mới, sáng tạo. Ông Túc đề nghị không nên đặt vấn đề kỷ luật cán bộ thí điểm, vì việc đổi mới thường chưa có tiền lệ, có thể đúng, có thể sai, do đó trước hết cần khuyến khích, tạo điều kiện và xem xét ở động cơ, mục đích của họ.
Một số lãnh đạo thừa nhận, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, nỗi lo bị kỷ luật, bị xử lý có thể rơi xuống đầu họ vào bất cứ lúc nào, khi những quy định bình thường được đưa ra để xem xét việc ra quyết định trong những tình huống bất thường, mà chưa có chỉ đạo từ cấp cao.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích :
"Cái nền quản trị Nhà nước này nó không minh định rõ cái gì ra cái gì. Nó không nói rõ làm thế nào thì tốt hay không tốt ; làm thế nào thì hợp pháp hay phạm pháp… Người ta không có nền tảng pháp lý cụ thể để người ta yên tâm nên tốt nhất là người ta sẽ không làm. Đấy là do thể chế, do hệ thống. Do đó phải làm lại hệ thống và thể chế. Một người đi làm công trong bộ máy hành chính quốc gia hay bộ máy của Đảng thì phải có quy chế rõ ràng. Nhưng đây người ta không có.
Năm 2006, họ đưa ra được một bộ luật quan trọng là Bộ luật công chức viên chức khá tương đồng với Bộ luật công chức của những nước phát triển. Lúc đó tôi có tham gia soạn thảo một phần cho bộ luật này, tôi đề nghị nên tách luật về công chức ra khỏi luật về viên chức, bởi chỉ có công chức mới là người thay mặt tổ chức hành chính để thực hiện các nhiệm vụ mang tính công quyền. Nên tách ra nhưng mãi sau này người ta vẫn chưa tách".
Tuy Kết luận số 14 được coi là tấm lá chắn bảo vệ cho những người dám đổi mới, nhưng nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng, căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’, không dám ‘xé rào’ vẫn tồn tại trong hầu hết các công chức từ địa phương tới trung ương bởi thể chế và cơ chế vẫn không có sự thay đổi nào.
Người ta nhắc lại vụ trung tướng Trần Độ. Vì có những bất đồng với một số lãnh đạo cao cấp khác của Đảng cộng sản Việt Nam, có những bài viết đòi đa nguyên đa đảng, đòi loại bỏ vai trò lãnh đạo của đảng mà ông bị khai trừ khỏi đảng vào đầu năm 1999. Hay ông Trần Xuân Bách, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nhưng lại có chủ trương đa đảng, đã bị kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương nói với RFA quan điểm của ông :
"Họ sợ trách nhiệm vì cái hệ thống độc quyền nó mạnh lắm. Nó theo cơ chế tập trung quyền lực của Bộ chính trị, Ban bí thư và Tổng bí thư, cho nên người ta sợ là trái ý một tí, đi khác một tí, làm khác một tí là bị trừng trị, bị loại bỏ. Mà cái loại bỏ ở Việt Nam còn độc hại hơn thời phong kiến.
Ngoài ra, nó còn một lý do nữa là tranh giành ghế, vì ‘ghế thì ít mà đít thì nhiều’, thấy ai có vẻ ‘trồi’ lên là lập tức bị chặt ngang cho bằng phẳng. Họ đàn hặc (khiển trách, luận tội), phê phán, gây áp lực lẫn nhau chứ không phải tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Tâm lý này cũng do thể chế chính trị nó tạo ra. Nếu biết thay đổi thì mới phát triển được.
Vì thế, Việt Nam là một nước trì trệ kéo dài và bà Phạm Chi Lan từng kết luận, đây là một Nhà nước không muốn phát triển. Có điều kiện phát triển nhưng lại không muốn. Đấy là cái bi kịch lớn của dân tộc phải chú ý".
Ông Nguyễn Khắc Mai nói thêm, hiện nay Nhà nước đang có khuynh hướng muốn làm rõ trách nhiệm của từng vị trí như Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng phải được làm tối đa những điều được ghi trong Hiến pháp. Họ cũng muốn thúc đẩy một nhận thức mới để đưa Bộ chính trị vào khuôn phép, nhốt quyền lực vào lồng để bộ này biết sống phải đạo. Hiện nay cấp dưới họ phải ‘xé rào’, mà những người ‘xé rào’ là những người rất dũng cảm.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực chính trị, cách chọn người lâu nay cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc có những công chức không dám nghĩ, không dám làm, và không dám chịu trách nhiệm. Việc chọn nhân sự quá phụ thuộc vào lý lịch, bằng cấp mà không lắng nghe ý kiến nhân dân. Việc thi tuyển công chức được cho là thi cho có lệ chứ không nhằm mục đích chọn người tài.
Nhà quan sát Hà Hoàng Hợp phân tích :
"Cái dở nhất trong việc sắp xếp công chức trong hệ thống này là họ bắt buộc công chức phải học những lớp chính trị cao cấp, trung cấp, sơ cấp. Đấy là cơ sở nền tảng để công chức được bổ nhiệm vào cấp nọ cấp kia. Rõ ràng là Luật Công chức của Việt Nam họ có bắt thi, nhưng nội dung thi lại hoàn toàn là nội dung chính trị, chỉ liên quan rất ít đến nội dung hành chính".
Những kẻ vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm thì phải nói đấy là loại vô đạo đức, bởi tất cả công chức đều phải dựa trên hai nền tảng quan trọng. Thứ nhất là nền tảng chuyên môn. Tiếng Mỹ gọi là competent. Chuyên môn hành chính, chuyên môn quản lý nhà nước. Nền tảng thứ hai có khi còn quan trọng hơn, đó là nền tảng đạo đức. Nền tảng đạo đức có quy định không được làm trái những quy định trong ứng xử và phải nêu cao chuẩn mực tinh thần và đạo đức. Những quy định các nước người ta nói rất rõ. Ở Việt Nam cũng có nhưng lâu ngày họ ‘quên’ đi".
Ông Hợp kết luận, những công chức sợ trách nhiệm được coi là những công chức không có đạo đức, bởi tất cả công chức đều phải dựa trên hai nền tảng quan trọng như ông vừa nêu.
Theo lẽ thường, khi nói đến lãnh đạo là người ta nói đến quyền lực và trách nhiệm. Trách nhiệm trong cách hành xử quyền lực xuất phát từ ý thức, nhưng cần được giám sát từ người dân. Điều này ở Việt Nam còn thiếu vắng.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 29/10/2021