Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

An ninh mạng Pháp điểm mặt tin tặc Trung Quốc về một vụ tấn công tin học

Trọng Nghĩa, RFI, 22/07/2021

Pháp hiện đang phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng có quy mô lớn và trong một động thái khá hiếm hoi, giới chức Pháp có thẩm quyền, vào hôm qua 21/07/2021, đã quyết định thẳng thừng quy trách nhiệm cho một thế lực nước ngoài là Trung Quốc.

cyber3 (1)

Cơ quan an ninh mạng Pháp ngày 21/07/2021 khẳng định đã xác định được phương thức hành động của nhóm tin tặc APT31.  Reuters/Kacper Pempel/Illustration

Theo tiết lộ của nhật báo Pháp Le Monde, đích thân ông Guillaume Poupard, tổng giám đốc cơ quan an ninh mạng Pháp - tên chính thức là Cơ Quan An Ninh Hệ Thống Thông Tin Quốc Gia (Anssi) - đã lên tiếng khẳng định rằng cơ quan Pháp đã xác định được phương thức hành động của những kẻ tấn công, nhóm tin tặc mang tên APT31, thường được cho là hoạt động cho chính quyền Trung Quốc.

Trong một bài đăng trên tài khoản LinkedIn, ông Poupard cho biết là một cuộc tấn công mạng "nghiêm trọng hơn nhiều so với loài ngựa có cánh và những hóa thân của chúng", một cách ám chỉ đến vụ "Pegasus" - tên gọi loại ngựa có cánh trong truyền thuyết Hy Lạp - đang khuấy động thế giới, và như thông lệ, tổng giám đốc cơ quan an ninh mạng Pháp đề nghị độc giả tham khảo bản thông cáo của Trung tâm Giám sát, Cảnh báo và Phản ứng của Chính phủ trước các cuộc tấn công tin học (CERT).

Mang tựa đề "Chiến dịch tấn công của nhóm APT31 nhằm vào Pháp", bản thông cáo đề ngày 21/07/2021 xác nhận "một chiến dịch xâm nhập rộng lớn đánh vào nhiều thực thể của Pháp" đang "được tiến hành". Bản thông cáo nói rõ đây là một cuộc tấn công "đặc biệt độc hại" do nhóm APT31 thực hiện.

APT là tên viết tắt của Advanced Persistent Threat - "Mối đe dọa thường trực cao cấp"- thuật ngữ dùng để mô tả một chiến dịch tấn công mạng, thường do một nhóm tin tặc sử dụng những kỹ thuật tấn công nâng cao để có thể hiện diện và tồn tại lâu dài trên mạng Internet nhằm khai thác dữ liệu có độ nhạy cảm cao.

Trung Quốc không bị nêu đích danh, nhưng giới chuyên gia an ninh mạng luôn xác định rằng APT31 là một nhóm tin tặc hành động từ Trung Quốc, được Nhà nước Trung Quốc bảo trợ và thường hoạt động gián điệp hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ nhằm phục vụ Nhà nước Trung Quốc.

Theo Le Monde, trước mắt, các mục tiêu Pháp đang bị tấn công chưa được cơ quan an ninh mạng Pháp tiết lộ, nhưng quy mô và mức độ hệ trọng của cuộc tấn công tin học đã thúc đẩy giới chức trách nhiệm ra thông báo như vậy.

Theo các cuộc điều tra do các chuyên gia tại cơ quan Anssi thực hiện, các tin tặc đã xâm nhập vào các thiết bị định tuyến (routeur) để sử dụng các bộ phận này làm những điểm "tiếp nối" nhằm che giấu danh tính thủ phạm rồi từ đó thực hiện các hành động dọ thám và tấn công. Ngay từ đầu năm 2021, nhiều cuộc điều tra nghiên cứu đã được tiến hành để xác định xem liệu những hành động đó có dẫn đến tác hại thực sự hay không.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 22/07/2021

**********************

Mỹ và đồng minh cáo buộc Trung Quốc về các vụ tấn công mạng vào phương Tây

Trọng Nghĩa, RFI, 20/07/2021

Trong một động thái phối hợp hiếm hoi, hôm 19/07/2021 Hoa Kỳ cùng các đồng minh chủ chốt, từ Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, cho đến Canada, Úc, New Zealand và Nhật Bản đã đồng loạt lên tiếng cáo buộc Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng đe dọa an ninh của các nước phương Tây. Đây là lần đầu tiên các hoạt động tin tặc của Bắc Kinh bị cả một nhóm nước cùng lên án.

cyber3 (2)

Hình minh họa.  AFP – Nicolas Asfouri

Trong một bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rõ là các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc đã khiến các công ty và chính phủ là nạn nhân bị thiệt hại hàng tỷ đô la. Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các phần tử tin tặc "tư nhân" để thực hiện các hoạt động tội phạm của mình trên khắp thế giới.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình :

"Washington đã tố cáo những hành vi "vô trách nhiệm, gây rối loạn và tạo nên tình trạng bất ổn" của Trung Quốc, đồng thời gọi các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc là "mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế và an ninh".

Thế nhưng Mỹ vẫn chưa công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết là Hoa Kỳ vẫn đang xác minh các sự kiện và cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc.

Cho đến nay, các tin tặc Nga rất thường bị cáo buộc là thủ phạm của các cuộc tấn công mạng nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng Washington chưa bao giờ cáo buộc chính quyền Moskva đứng sau các vụ tin tặc.

Đối với Trung Quốc lần này, lời tố cáo nêu trực tiếp trách nhiệm của chính quyền Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ tuyên bố nguyên văn như sau :

"Cũng như Nga, chính phủ Trung Quốc không phải là thủ phạm các vụ tấn công mạng. Thế nhưng họ - tức là chính quyền Bắc Kinh – đã bảo vệ các tin tặc. Cái khác so với Nga là phía Trung Quốc bị tình nghi là đã cung cấp phương tiện hành động cho tin tặc".

Vào hôm qua, thứ Hai, tư pháp Mỹ đã loan báo quyết định truy tố bốn tin tặc Trung Quốc, trong đó có ba đặc vụ thuộc Bộ An Ninh Trung Quốc. Những kẻ này bị cáo buộc là đã đột nhập vào hệ thống của các tổ chức tư nhân và chính quyền Mỹ từ năm 2011 đến 2018 và đánh cắp các dữ liệu."

Liên Hiệp Châu Âu và NATO cũng tố cáo Trung Quốc

Gần như đồng thời với Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu vào hôm qua cũng vạch trần các hành vi tin tặc của Trung Quốc.

Lãnh đạo đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borrell, đã công bố bản tuyên bố chung của Liên Âu, yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải có các biện pháp nhằm chống lại các hành vi "có ác ý tiến hành qua mạng", được thực hiện từ lãnh thổ Trung Quốc nhắm vào Châu Âu.

Đối với Bruxelles, những vụ như các cuộc tấn công vào máy chủ hệ thống Microsoft Exchange, là những "hành vi vô trách nhiệm và có hại", đã dẫn đến những thiệt hại kinh tế đáng kể và lâu dài, đồng thời đe dọa an ninh của Châu Âu.

Về phần mình, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO cũng lên án mọi hành vi tin tặc nói chung nhằm mục tiêu "gây mất ổn định và phá hoại an ninh khu vục Châu Âu-Đại Tây Dương".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 20/07/2021

*********************

Tấn công mạng : Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Mỹ

Thùy Dương, RFI, 20/07/2021

Bị Nhà Trắng cáo buộc tấn công mạng nhắm vào phương Tây, hôm 20/07/2021, chính quyền Trung Quốc đã có phản ứng, cho rằng đó là những cáo buộc "vô căn cứ", đồng thời tố cáo ngược lại là chính Mỹ mới là "nhà vô địch thế giới" về tấn công mạng.

cyber3 (1)

Màn hình hiển thị các mã máy tính và cờ Trung Quốc ở phía trên. Ảnh minh họa chụp ngày 2/07/2017.  Reuters - Thomas White

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde, gửi về bài tường trình  :

"Bộ ngoại giao Mỹ nêu rõ chính từ hòn đảo nhiệt đới Hải Nam, nơi tràn ngập du khách cả mùa hè cũng như mùa đông, mà các tin tặc Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tấn công mạng. Còn theo bộ Tư Pháp Mỹ, 4 công dân Trung Quốc bị buộc tội là những người quản lý một mạng lưới tin tặc hoạt động thông qua các công ty bình phong. Hiện đã giải thể, một trong số các công ty đó dường như đã hợp tác với cơ quan an ninh của tỉnh Hải Nam, miền đông nam Trung Quốc.

Đó là cách để đưa hoạt động gián điệp mạng xa khỏi chính quyền trung ương Bắc Kinh và nhằm giảm bớt mối nghi ngờ liên quan đến việc đánh cắp bí mật công nghiệp và thông tin thương mại đã cho phép Trung Quốc chinh phục các thị trường. Từ năm 2013 và từ khi phát hiện ra "đơn vị 61398" với các tin tặc Trung Quốc hoạt động từ một căn cứ của Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Thượng Hải, Mỹ và các đồng minh thường xuyên tố cáo chế độ Trung Quốc bảo vệ, thậm chí là đỡ đầu cho tin tặc, với những vụ tấn công trực tiếp ngày càng tinh vi nhắm vào các doanh nghiệp và cả các nhà nước, tổ chức phi chính phủ.

Cũng giống như sau mỗi lần bị "các cơ quan tình báo Mỹ" tố cáo, đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ hôm qua đáp lại  : "Chính phủ Trung Quốc không bao giờ tham gia vào các hoạt động tấn công mạng hoặc đánh cắp trên mạng".

Thùy Dương

Nguồn : Thùy Dương, 20/07/2021

Published in Diễn đàn

Số liệu tấn công mạng tại Việt Nam, nên tin vào đâu ? (RFA, 16/10/2019)

Vào ngày 16 tháng 10 năm 2019, Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, công bố số liệu cho thấy, có gần 1.470 cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin tại Việt Nam trong quý 3 năm 2019, giảm gần 40% so với thời gian cùng kỳ năm 2018.

tancong1

Ảnh minh họa. AFP

Loạn thông tin

Cụ thể, Cục An toàn Thông tin ghi nhận, trong 1.466 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam thì có đến 1.194 cuộc tấn công lừa đảo (Phising), 145 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 127 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).

Trước đó, Cục An toàn Thông tin cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, có tổng cộng 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 2.684 số lần, tương đương giảm 45,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, vào đầu tháng 10/2019, các tổ chức khác lại đưa ra số liệu các vụ tấn công mạng vào Việt Nam tăng, nghĩa là hoàn toàn khác với số liệu của Cục An toàn Thông tin mới công bố.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 16/10 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV, cho rằng đây cũng là điều bình thường :

"Theo tôi số liệu an ninh mạng lúc tăng lúc giảm cũng là chuyện thường xuyên, nhưng theo tôi cũng có thể có nguyên nhân từ việc tổ chức tốt hơn. Cách đây vài tháng có một chỉ thị của thủ tướng chính phủ, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan ban ngành nhà nước, phải chịu trách nhiệm trực tiếp với thủ tướng bảo đảm an ninh mạng của cơ quan họ. Theo tôi với văn bản đó thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn".

Điều ông Nguyễn Tử Quảng nói trùng khớp với thông tin truyền thông trong nước nhận định khi cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng và được chính phủ quyết liệt triển khai.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 15 ngày mà số liệu báo cáo thay đổi đột ngột từ tăng 113% đến giảm 40% thì xem ra khó có thể khiến dư luận không hoang mang và đặt dấu chấm hỏi…

Ông Diệp Quang Văn, giám đốc công ty công nghệ thông tin ở Bình Dương cho biết nhận định của mình :

"Theo kinh nghiệm của mình cũng như mình quan sát bên ngoài, thì do bảo mật nhiều hơn, nhiều lớp hơn, hay những công ty bị nhiều lần phải tăng cường, như bị trộm quá phải tăng cường ổ khóa xịn hơn, nhiều khóa hơn để hạn chế. Nhưng một vấn đề nữa theo mình, dạo này ít tấn công vì sau khi tấn công chẳng được gì, vì dù bảo mật gì đi nữa thì vẫn làm được, chỉ có nhanh hay chậm thôi".

Trước đó, vào ngày 1/10/2019, CyStack – một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng công bố báo cáo lại trái ngược với thông tin mà Cục An toàn thông tin đưa ra. Theo báo cáo, trong quý III/2019, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng các quốc gia bị tấn công website nhiều nhất thế giới.

tancong2

Ảnh minh họa AFP

Cụ thể theo CyStack, có hơn 2.500 trang mạng có tên miền của Việt Nam bị tấn công trong quý 3 năm 2019. Trong đó, các website có tên miền .com, .vn và .net bị tấn công nhiều nhất.

Các vụ tấn công trang mạng Việt Nam trong quý 3 năm nay được CyStack xác định tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, nhận định về sự trái ngược này :

"Những con số thống kê thì thường nó gắn với từng giai đoạn, còn con số tấn công an ninh mạng thì nó cũng có thể thay đổi theo thời gian, do đó chuyện người ta nói có thể giảm hay tăng là điều không có gì lạ. Nhưng vấn đề ở đây là bản thân cái số liệu do cơ quan nhà nước đưa ra thì người ta thường mắc bệnh thành tích, và như thế số liệu đó không phản ánh thực tế cho lắm, cái gì mà tốt thì hướng lên, cái gì dở thì bớt nó đi. Thành ra có thể nghi vấn số liệu đó (giảm tấn công mạng trong quý 3-pv), mình chỉ có thể tin cậy thông tin của những tổ chức chuyên môn, có tính độc lập, của một hiệp hội nào đó, hay một tổ chức phi chính phủ, thì sẽ chính xác hơn".

Tự bảo vệ mình

Có thể nhìn nhận khách quan rằng, thời gian gần đây, các vị lãnh đạo của Việt Nam thường có những phát ngôn hùng hồn, chủ quan liên quan vấn đề an ninh mạng của Việt Nam như tại Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/4/2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại khẳng định ‘Việt Nam có thể thành cường quốc an ninh mạng’ (!?) nhờ có nguồn nhân lực an ninh mạng mà theo ông là loại tốt trên thế giới.

Hay vào ngày 11/7/2019, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin và truyền thông, mặc dù nhìn nhận Việt Nam vẫn đang ở vị trí là một chấm nhỏ, hết sức khiêm tốn trên bản đồ an toàn, an ninh mạng thế giới, song ông Dũng cho biết một mục tiêu đặt ra trong hai năm 2019 - 2020 là Việt Nam sẽ có 100 doanh nghiệp mạnh về an ninh mạng cùng khoảng 1.000 chuyên gia đầu ngành.

Do đó cũng có thể hiểu vì sao, sau khi CyStack đưa ra những số liệu tiêu cực liên quan an ninh mạng Việt Nam, thì ngay lập tức (15 ngày sau), Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin và truyền thông phải công bố số liệu trái ngược…

Với thực tế về an toàn thông tin bấp bênh tại Việt Nam như thời gian qua, người sử dụng mạng nên làm gì để tự bảo vệ mình ? Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết :

"An ninh mạng là vấn đề toàn cầu, chứ không riêng nước nào hay người sử dụng nào, bất kể ai sử dụng máy tính có kết nối internet là có nguy cơ về an ninh mạng. Chẳng hạn gần đây tại Việt Nam cũng phổ biến việc hackers xâm nhập vào máy, rồi mã hóa máy đấy rồi tống tiền… Thì biện pháp đảm bảo nhất để tránh là dùng phần mềm có bản quyền, thứ hai là sử dụng phần mềm chống mã độc và tuân thủ những nguyên tắc chung về an ninh".

Nghĩa là người dùng nên tự biết cách bảo vệ an toàn cho chính mình, đừng nên tin nhiều vào những phát ngôn của các quan chức trong ngành thông tin truyền thông ? Giải thích nhiều hơn về vấn đề này, ông Diệp Quang Văn cũng đồng tình : cách duy nhất là tự mình bảo vệ mình :

"Công ty mình thì mình chỉ có tăng cường bảo mật lên thôi, các công ty khác thì mình không rõ, cũng nhờ báo chí tuyên truyền nhiều, cơ quan quản lý cũng chỉ tuyên truyền, chứ nhà nước không tác động cá nhân. Công ty mình lấy thông tin từ cơ quan thông tin đại chúng, chứ hoàn toàn không có hỗ trợ nào về tài chánh hay nhân lực từ chính phủ".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, tình hình an toàn thông tin của Việt Nam hiện nay rất kém. Thứ nhất theo ông, là vì các cơ sở nắm giữ thông tin như cơ quan nhà nước, ngân hàng, công ty… chưa ý thức tốt lắm về vấn đề an toàn thông tin. Thứ hai ông cho rằng, phải có quy trình và con người theo dõi và bảo vệ an toàn thông tin, thì Việt Nam cũng chưa làm tốt.

Lẽ ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Luật an ninh mạng của Việt Nam phải làm những việc đó là chính, như nâng cao nhận thức cho quan chức nhà nước, xây dựng các tổ chức hay bộ phận chuyên lo về an toàn thông tin, của từng cơ quan nhà nước, rồi thì thúc ép các doanh nghiệp cũng phải làm việc đó và cuối cùng là Chính phủ phải có các chính sách, thủ tục kiểm tra giám sát chặt chẽ…

Nhưng đáng tiếc, tuy những vấn đề Tiến sĩ Nguyễn Quang A vừa nêu, cũng có được nhắc đến trong luật an ninh mạng, nhưng theo ông lại không được nhấn mạnh, thay vào đó Chính phủ lại dụng Luật an ninh mạng để chặn các thế lực phản động… điều này hoàn toàn lệch hướng so với trọng tâm của luật an ninh mạng !

*****************

Dịch vụ đòi nợ : nên giữ hay nên bỏ ? (RFA, 16/10/2019)

Trong buổi họp lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) diễn ra vào sáng ngày 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng không nên cấm hoạt động "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" mà cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ để đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

tancong3

Giẩy quảng cáo cho vay được dán tường. RFA

Đòi nợ hay siết nợ ?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích rõ hình thức "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" đã có từ năm 2007. Chính phủ và Bộ Tài chính đã có rất nhiều văn bản quy định chỉ có những doanh nghiệp khi có giấy phép kinh doanh đòi nợ mới được phép đòi nợ dưới sự quản lý của Nhà nước. Ông nhận định :

"Đòi nợ thuê không phải là tội phạm như mọi người vẫn lầm tưởng mà nó là một dịch vụ đòi nợ, một dịch vụ có tính chất đặc biệt được pháp luật Việt Nam công nhận và điều chỉnh. Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014 của Việt Nam. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì chính phủ ban hành Nghị định 104/2007 có quy định chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ khi mà khoản nợ đủ căn cứ để đòi nợ hợp pháp hoặc quá hạn thanh toán".

Vẫn theo Luật sư Hậu, các dịch vụ đòi nợ phải xử lý đòi nợ phù hợp theo các quy định của pháp luật và hoạt động đòi nợ này thực hiện theo hợp đồng giữa người cho vay và người đi vay.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2019, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh vì cho rằng nhiều vụ đòi nợ thuê gần đây đã biến tướng mang tính chất "xã hội đen", khủng bố tinh thần, cưỡng bức con nợ...

Vậy liệu nên giữ hay nên bỏ loại hình kinh doanh thu nợ đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay.

Từ Hà Nội, Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính và thị trường cho rằng :

tancong4

Quảng cáo cho vay tín chấp trên mạng. RFA

"Hiện nay vấn đề đòi nợ thuê thì nó gây nhiều vấn đề như mất đi trật tự của xã hội, vi phạm đạo đức. Thế nhưng trong kinh tế thị trường thì nó là một cái nghề. Vậy thì khi nó bị sai như vậy thì phải chấn chỉnh cho đúng, pháp luật phải nghiêm minh trừng trị những vi phạm, về mặt đạo đức và xã hội".

Vẫn theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, cần chỉnh sửa lại những văn bản và nghị định cho vấn đề này theo đúng luật pháp vì theo nguyên tắc cung cầu, có cầu thì mới có cung. Do đó cần xem những mặt trái, bất cập để chỉnh sửa, vì nếu không thì những dịch vụ sử dụng "luật rừng" khi đòi nợ sẽ gây mất trật tự xã hội.

Nên có biện pháp chế tài

Giải thích rõ hơn về tình trạng này ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định :

"Trong thực tế hiện nay có một số người chây ì trả nợ và vì vậy chủ nợ phải sử dụng các công ty đòi nợ thuê nhưng rất đáng tiếc là các công ty đòi nợ thuê này hoạt động có những thủ đoạn ngoài pháp luật như khủng bố hoặc có những hoạt động phạm pháp một cách nghiêm trọng".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng rõ ràng là cần phải hạn chế vi phạm pháp luật và tiêu cực của đòi nợ thuê, nhưng cấm hay là nên cho hoạt động trong một khuôn khổ pháp luật được hoàn thiện hơn thì chúng ta nên nghiên cứu từ thực tiễn. Tuy vậy, ông cũng đưa ra giải pháp :

"Theo tôi thì cần có sự tổng kết về thực tế đòi nợ thuê ở Việt Nam hiện nay diễn ra như thế nào và những vấn đề mà nó đã xảy ra, các đụng độ, vấn đề về an ninh. Qua đó cũng nêu lên những hạn chế về pháp luật rồi tổ chức một cuộc hội thảo, sau đó có kiến nghị và ý kiến. Khi có hai luồng ý kiến khác nhau thì tôi nghĩ cách tốt nhất chúng ta nên ngồi lại thảo luận và phân tích một cách khoa học".

Còn theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, hiện tại trong thông tin ông nhận được hoàn toàn không nói là không nên cấm mà luận chứng của bên trình lên Ủy ban công vụ còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Ông tiếp lời :

"Tôi nghĩ việc đòi nợ thuê nếu về lý thuyết thì rất hay, có cơ chế, tổ chức thực hiện. Nhưng trên thực tế đất nước mình trên khá nhiều phương diện mà quản lý xã hội còn lỏng lẻo thì nó dễ trở thành nơi người ta lợi dụng và tính chất mafia có môi trường để nảy sinh. Vì thế tôi cho rằng ý thức của xã hội cũng rất e ngại. Đây là điểm khiến cho nhiều người băn khoăn. Một mặt nếu không có cơ chế ấy thì việc đòi nợ rất khó, nhưng giao phó cơ chế ấy thì người thực hiện có nghiêm chỉnh theo luật không thì đó lại là một câu hỏi chưa thể khẳng định được. Vì thế tôi cho rằng chắc phải tiếp tục được bàn, chứ nói thế không phải loại bỏ kiến nghị ấy".

Hầu hết các chuyên gia khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do đều cho rằng không nên bỏ loại hình kinh doanh đòi nợ. Tuy nhiên, để hạn chế những biến tướng của hình thức kinh doanh này, Việt Nam cần phải bổ sung thêm nhiều điều khoản trong Luật Đầu tư, như đề nghị của Luật sư Nguyễn Văn Hậu :

"Tôi thấy nếu đưa đây vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh như cái đề nghị thì nó chưa ổn lắm vì chúng ta phải quy định những điều mà người đi đòi nợ thuê không được làm. Nếu đi đòi nợ mà họ dẫn ra xô xát, đánh nhau hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do các nhân, quyền tài sản, quyền dân sự khác của khách nợ, đây là những quy định cấm trong hoạt động đòi nợ thuê. Tôi cho rằng nếu quy định có thiều những điều này thì chúng ta phải bổ sung và phải có chế tài nghiêm khắc đối với những người lợi dụng việc này (đòi nợ thuê) để cưỡng đoạt tài sản, gây thương tích thì căn cứ vào quy định tố tụng hình sự để xử những tội này theo quy định Bộ luật Hình sự Việt Nam".

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng đối với bất kỳ luật nào cũng vậy, bên cạnh cơ chế cho họ quyền hạn thì cũng phải giám sát hết sức chặt chẽ và nghiêm túc vì những việc làm này rất dễ đi đến những thỏa thuận đằng sau luật, kể cả giữa người thuê và người thực hiện hay giữa người nợ và người đòi nợ nên có thể nhiều yếu tố tiêu cực xảy ra. Vì vậy ông cho rằng :

"Tôi nghĩ nó cần phải được nghiên cứu kỹ và nếu rõ ràng không thực hiện được, chưa đủ điều kiện thực hiện thì việc gác lại cũng có khả năng xảy ra như cách đặt vấn đề của TPHCM. Vấn đề còn lại là khắc phục nó bằng cái gì, thực hiện nó bằng cách gì để thay thế ? Có lẽ đây vẫn là bế tắc !"

Published in Việt Nam

Tai nạn giao thông gây thiệt hại gần 3% GDP mỗi năm (RFA, 23/05/2018)

Tai nạn giao thông tại Việt Nam mỗi năm làm tổn thất 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), làm thiệt hại mỗi ngày 300 tỷ đồng. Mạng báo của Thông tấn xã Việt Nam dẫn phát biểu của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam loan tin này hôm 23/05.

tainan1

Số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm là hơn 15.300 người Thanhnien

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm tại Việt Nam là khoảng 15.300 ca và trên 500.000 ca chấn thương sọ não.

Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90% tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đúng cách và đạt chuẩn chi khoảng 70%. Đặc biệt, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện nay còn thấp, mới chỉ ở mức 35-40%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em đang có xu hướng tăng cao trong thời gian qua.

Mục tiêu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong thời gian tới là giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9000 người mỗi năm.

Nhiều người sử dụng phương tiện giao thông bằng xe máy cho biết họ đội mũ bảo hiểm để đối phó với cảnh sát giao thông mà thôi. Thực tế cho thấy có nhiều loại mũ bảo hiểm không đạt chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường.

****************

Trộm, cướp ở Sài Gòn ngày càng ‘manh động, liều lĩnh’ (Người Việt, 22/05/2018)

Tình trạng trộm, cướp xảy ra liên tục ở hầu hết các quận, huyện khắp Sài Gòn, khiến nỗi bất an diễn ra thường trực đối với người dân lẫn du khách.

tainan2

Một nghi can cướp giật bị người dân bắt giữ ở Sài Gòn. (Hình : Zing news)

Những thông tin về nạn trộm, cướp "manh động, liều lĩnh" ở thành phố Sài Gòn có thể tìm thấy mỗi ngày trên các tờ báo, mạng xã hội.

Báo Người Lao Động, ngày 22 tháng Năm cho hay, bất chấp những nỗ lực của nhà cầm quyền thành phố, tình trạng trộm, cướp xuất hiện hầu hết ở các quận, huyện trên khắp Sài Gòn. Không chỉ xảy ra ở các con phố vắng vào ban đêm mà diễn ra ngay giữa trung tâm thành phố lúc đông người vào ban ngày, khiến không chỉ du khách hoảng sợ mà người dân Sài Gòn cũng ngao ngán, không dám đeo nữ trang, mang giỏ xách ra đường.

Thậm chí ngồi ở quán nước, đứng trước cửa nhà nghe điện thoại cũng phải nhìn trước ngó sau. Bởi bọn cướp giật ngày càng "manh động và lộng hành", sẵn sàng chống trả, giết những người cố bảo vệ tài sản của mình và tấn công cả những người truy bắt.

Khi được hỏi về nạn cướp giật ở khu phố Tây ba lô, bà Phạm Thị Bạch (46 tuổi), ở đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cho biết ngày nào ở khu trung tâm này cũng có du khách ngoại quốc bị cướp giật, có ngày xảy ra vài vụ, hễ nghe tiếng xe gầm rú, phóng bạt mạng là biết vừa có cướp xảy ra. "Vì vậy, hễ thấy nữ du khách mang dây chuyền, túi xách hớ hênh là chúng tôi nhắc nhở cẩn thận ngay", bà Bạch nói.

Trong khi đó, ông Trần Văn Trọng ( 54 tuổi), chạy xe ôm gần giao lộ Nguyễn Thái Học-Trần Hưng Đạo, quận 1, cho biết cướp giật ngày càng "manh động,liều lĩnh", bất chấp ngày hay đêm, đường vắng hay phố đông đúc. Nhiều khi sự việc diễn ra quá nhanh, người dân và Cảnh Sát Giao Thông đứng gần đó chỉ biết đứng nhìn không kịp hỗ trợ.

tainan3

Nhiều con đường ở Sài Gòn dựng biển cảnh báo người dân với nạn trộm, cướp do chính quyền bất lực. (Hình : Người Lao Động)

Mới đây, ngày 18 tháng Năm, công an quận 1, đã bắt giữ Nguyễn Thái Tài (20 tuổi), ngụ quận 1, để điều tra về tội "Cướp giật tài sản". Trước đó, vào trưa cùng ngày, Tài bị công an quận 1 truy bắt sau khi cướp điện thoại iPhone 8 Plus của một du khách Thụy Điển tại giao lộ Đề Thám-Bùi Viện.

Là nạn nhân của một băng cướp ở huyện Bình Chánh vừa mới bị sa lưới, bà H.T.P (39 tuổi), ngụ huyện Bình Chánh, kể : "Hai tháng trước, ở khu vực này rộ lên tin có một băng cướp thường xuyên chặn cướp xe của phụ nữ đi một mình. Tôi cũng lo nhưng hôm đó có việc phải đi trong sáng sớm, khi đến đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, tôi bị 4 tên chặn xe, lấy mã tấu gí vào cổ. Hoảng sợ, tôi thả tay lái ngã lăn xuống mặt đường và tri hô nhưng chúng dọa ‘mày la nữa là bỏ mạng’ rồi lấy xe máy của tôi phóng đi".

Tại cuộc họp báo ngày 15 tháng Năm, sau vụ 2 "hiệp sĩ" bị đâm chết, 3 bị thương khi truy đuổi 2 kẻ trộm xe máy trên đường Cách Mạng tháng Tám, quận 3, ông Phan Anh Minh, thiếu tướng phó giám đốc công an Sài Gòn, thừa nhận "tình trạng trộm, cướp ở Sài Gòn có chiều hướng phức tạp, táo tợn. Đánh giá tổng thể số vụ giảm hơn so với trước nhưng tính chất manh động, hung hãn tăng hơn. Các nhóm gây án trang bị thêm nhiều công cụ hỗ trợ và sẵn sàng tấn công lại".

Có một thực tế mà ai cũng biết là hằng ngày có hàng trăm vụ cướp giật xảy ra ở khắp thành phố Sài Gòn, nhưng số được trình báo công an không nhiều bởi rất nhiều người xem như "của đi thay người", hoặc nhiều người ngại mất thời gian, phiền phức mà việc lấy lại được tài sản thì… "hên xui" nên không khai báo.

Trước tình trạng trộm cướp lộng hành, phức tạp,chính quyền bất lực, hiện nhiều người dân ở Sài Gòn trước khi ra đường phải thuộc lòng "câu chú" : "Không dây chuyền, điện thoại, túi xách,… khi ra đường" để tự nhắc nhở mình và bạn bè từ nơi khác đến. (Tr.N)

***************

Hơn 4 ngàn cuộc tấn công mạng nhắm vào Việt Nam trong 5 tháng (RFA, 23/05/2018)

Con số vừa nêu được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Diễn tập quốc tế ASEAN-Nhật Bản với chủ đề "Tấn công DoS/DDoS và các hoạt động phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố", được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 23 tháng 5 năm 2018.

tainan4

Ảnh minh họa tin tặc. AFP photo

Theo VNCERT, trong số 4.035 cuộc tấn công, có 2.661 lần tấn công thay đổi giao diện (deface), 766 lần tấn công mã độc (malware) và 608 lần tấn công lừa đảo (phishing).

Ngoài ra, mỗi ngày có gần 100 ngàn IP trên lãnh thổ Việt Nam kết nối đến mạng internet ma (botnet).

Cũng từ đâu năm 2018 đến nay, nhiều sự kiện về mất an toàn thông tin cũng được phát hiện. Như vụ hơn 40 ngàn máy vi tính bị nhiễm mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger, 139 ngàn máy bị nhiễm virus đào tiền ảo W32.AdCoinMiner. Ngoài ra Việt Nam là 1 trong 10 nước bị lộ thông tin người dùng nhiều nhất trong vụ bê bối lộ thông tin của Facebook.

VNCERT cũng nhắc lại, trong năm 2017, Việt Nam đã hứng chịu 13.382 cuộc tấn công mạng.

****************

Hộ chiếu Việt Nam xếp sau Lào và Campuchia (RFA, 23/05/2018)

Tại khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 84, sau Campuchia, đứng thứ 81 và Lào đứng thứ 83.

Đây là kết quả bảng công bố mới nhất về xếp hạng hộ chiếu (Henley Passport Index) do hãng tư vấn và công dân toàn cầu Henley & Partners đưa ra hôm 23.5.2018. Theo bảng xếp hạng này thì Việt Nam chỉ hơn Myanmar.

tainan5

Hộ chiếu Việt Nam xếp sau Lào và Campuchia. Courtesy of internet

Theo bảng xếp hạng đưa ra hôm 28.2.2018, Singapore và Nhật và 2 quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên theo bảng công bố mới nhất thì Nhật đã vượt qua Singapore, được miễn visa vào 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng kế tiếp là hộ chiếu của Đức với 179 quốc gia và vùng lãnh thổ không cần thị thực nhập cảnh.

Henley Passport Index được đưa ra dựa theo dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nguồn cơ sở dữ liệu về thông tin du lịch lớn nhất thế giới.

Công dân Việt Nam được 51 quốc gia miễn visa nhập cảnh.

Trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN, dù người mang hộ chiếu Việt Nam được miễn thị thực nhập cảnh, nhưng tại một số nước như Singapore, biện pháp kiểm tra chặt chẽ vẫn được tiến hành ; nhất là đối với những đối tượng bị cho nhập cảnh để hành nghề mại dâm.

Published in Việt Nam

Việt Nam chịu gần 10.000 cuộc tấn công mạng từ đầu năm (RFA, 09/10/2017)

Trong 9 tháng đầu năm 2017, tại Việt Nam xảy ra gần 10.000 cuộc tấn công mạng với cả 3 loại hình là Phishing, Malware và Deface.

vn1

Danh sách các vi rút hiển thị trên màn hình máy tính. Ảnh chụp ngày 3 tháng 11 năm 2016. (Minh họa) -  AFP PHOTO

Đây là thông tin được Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết vào ngày 9/10.

Trong số các cuộc tấn công này, phần lớn là loại hình Malware với số lượng hơn 4.500 trường hợp trong đó có 16 trang web có tên miền ".gov.vn" và hơn 3.600 cuộc thay đổi diện mạo Deface.

Đại diện VNCERT cho biết hiện hiện nay mã độc nguy hiểm ngày càng tăng, trong đó có những loại mã vượt qua các phần mềm chống virus và loại mã hóa dữ liệu không thể phục hồi. Nhiều cuộc tấn công nhắm vào cơ quan chính phủ và mang màu sắc chính trị.

Mặc dù tình trạng tấn công mạng ngày càng phát triển nhưng đại diện VNCERT nói rằng vấn đề đảm bảo an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó máy tính không được quản lý tốt, người dùng thiếu kiến thức về an toàn thông tin và phản ứng còn hạn chế.

VNCERT đưa ra giải pháp là các doanh nghiệp giám sát an ninh mạng liên tục 24h trong ngày và phối hợp với giám sát quốc gia.

*****************

Cảnh báo mưa và lũ lớn tại miền Trung (RFA, 09/10/2017)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cảnh báo về tình trạng mưa và lũ lớn có thể xảy ra tại miền Trung trong mấy ngày tới.

vn2

Một phụ nữ tránh mưa trên một con đường ngập nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 7 năm 2017, sau cơn bão Talas đổ bộ vào miền bắc Việt Nam. AFP PHOTO

Chiều tối và đêm ngày 9/10, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh và đến ngày 11/10 mực nước trên các sông ở Miền Trung có thể lên mức báo động 2 hoặc 3.

Cũng trong ngày 10 và ngày 11 tháng 10, khu vực sông Thao, sông Lô có thể xảy ra lũ nhỏ. Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc có thể xảy ra ngập úng cục bộ.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định,… có khả năng xảy ra tình trạng ngập úng.

Còn tại khu vực miền Nam, mực nước tại các con sông chính sẽ lên cao đến 3,5m. Trong 2-3 ngày tới, nước sông Cửu Long và Sài Gòn sẽ xuống dần, tuy nhiên ngập lụt vẫn xảy ra tại các vùng trũng thấp.

****************

Dân lười đẻ, Bộ Y tế đề xuất nới chính sách 2 con (VietnamNet, 09/10/2017)

Việt Nam đang đối mặt hàng loạt thách thức về dân số, nhiều vùng có mức sinh thấp và rất khó đưa lên.

Hội nghị trung ương 6 đang bàn thảo nhiều chính sách quan trọng, trong đó có vấn đề dân số với những phát sinh mới cần kịp thời xử lý.

Theo đó, trung ương sẽ bàn thảo có nên tiếp tục duy trì chính sách 2 con, xem xét chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, dân số Việt Nam đang đối mặt cùng lúc nhiều thách thức : Già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số thấp, mức sinh chênh lệch giữa các vùng...

3 phương án điều chỉnh mức sinh

Ông Tân cho biết, 10 năm qua, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế 2,1 con (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) - đây là mức lý tưởng.

vn3

Ông Nguyễn Văn Tân

Tuy nhiên, một số khu vực đang bắt đầu giảm sinh. Tại đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh chỉ còn 1,5-1,6 con, riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mức sinh giảm còn 1,45 con, thấp nhất cả nước.

Để điều chỉnh mức sinh, Bộ Y tế đã đề xuất 3 phương án để trung ương bàn thảo :

Phương án 1 : Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt. Theo đó, sẽ vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt.

Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Ngược lại những nơi có tỉ lệ sinh thấp thì phải vận động nâng mức sinh lên như khu vực Đông Nam Bộ.

Phương án 2 : Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số, nhằm giảm bớt đầu tư cho an sinh xã hội.

Phương án 3 : Cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).

Chưa có nước nào nâng mức sinh thành công

Ông Tân phân tích, với phương án 2, sinh ít hơn 2 con sẽ giúp các gia đình có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn, giảm bớt chi an sinh cho xã hội cho trẻ sinh ra, mật độ dân số tăng chậm hơn. Tuy nhiên có nhiều mặt trái.

"Nếu vẫn tiếp tục, mức sinh sẽ ngày càng giảm. Kinh nghiệm cho thấy mức sinh giảm xuống đến ngưỡng nào đó, đưa nó quay trở lại tăng lên là hết sức khó khăn, như nhiều nước Châu Á đang phải đối mặt hiện nay", ông Tân nói.

Ông dẫn dụ, Hàn Quốc từng đạt mức sinh thay thế 2,1 con vào năm 1983 nhưng lo bùng nổ dân số nên vận động chính sách sinh ít con. Đến năm 1996, khi con số này xuống dưới 1,6 con, quốc gia này bắt đầu nới lỏng chính sách sinh, tuy nhiên sau 10 năm, tỉ lệ này tiếp tục giảm còn 1,08.

Ông Tân cho biết, để khuyến khích sinh, Hàn Quốc đã thành lập cả Ủy ban của Tổng thống để ứng phó với mức sinh thấp, già hóa dân số, mỗi năm bỏ ra hàng chục tỷ USD.

Quốc gia này cho phép khi sinh con, mẹ được nghỉ 2 năm mà không mất việc và được trợ cấp ; chồng được nghỉ 2 tuần khi vợ sinh… Tuy nhiên mức sinh không nhích lên được.

Hay như Singapore, cũng từng đạt mức sinh thay thế vào năm 1975, nhưng do chính sách khuyến sinh chọn lọc, con số này giảm còn 1,7 con vào năm 1982. Đến 1989, Singapore kêu gọi khuyến sinh toàn diện nhưng đến nay vẫn không mang lại kết quả.

"Chúng ta chứng kiến nhiều nước thành công trong giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh. Khi người dân quen lối sống ít con, dành thời gian công việc, đối phó áp lực cuộc sống... thì việc khuyến khích người dân quay lại vất vả nuôi con sẽ rất khó", ông Tân phân tích.

Với phương án 3, nhiều chuyên gia lo ngại dân số tăng trở lại. Do đó, Bộ Y tế ủng hộ phương án 1, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát những vùng có mức sinh cao và nâng cao mức sinh ở những vùng thấp.

Thúy Hạnh

**************

Nghệ An : Bất ổn không được giải quyết tại giáo họ Đông Kiều (RFA, 09/10/2017)

Một số giáo dân tại giáo họ Đông Kiều thuộc xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vừa bị những thành phần bất hảo tấn công, đập phá ; trong khi đơn tố cáo của các linh mục giáo hạt Đông Tháp chưa được cơ quan chức năng địa phương giải quyết.

vn4

Quán cafe Sự Duyên bị đập phá hôm 7/10/2017 - Courtesy of Facebook Thanh Niên Công Giáo

Một nữ nạn nhân vào tối ngày 9 tháng 7 kể lại vụ việc với RFA :

"Chừng 8 giờ tối, chỉ một mình tôi ở trong nhà thì có những người bị mặt dùng tuýt sắt và đá tấn công vào nhà tôi. Tôi chạy trốn trong nhà tắm và có gọi điện cho trưởng và phó công an xã cũng như chủ tịch xã Diễn Mỹ.

Sau đó họ đến và yêu cầu khai báo. Tuy nhiên đến ngày 9 tháng 10 vẫn chưa thấy có biện pháp gì cụ thể".

Bà này nói những thành phần bịt mặt đập phá quán cà phê của nhà bà, ngoài ra khi vào nhà họ còn dùng đá ném lên bàn thờ của gia đình.

Tình trạng những thành phần dùng hung khí, gạch đá tấn công một số gia đình giáo dân tại giáo họ Đông Kiều, giáo phận Vinh được trình bày trong Đơn Tố Cáo do các linh mục Giáo hạt Đông Tháp gửi đến các cấp chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu, xã Diễn Mỹ.

Một trong những linh mục ký tên vào tối ngày 9 tháng 10 cho biết cơ quan chức năng có trả lời đơn tố cáo nhưng thoái thác trách nhiệm nói rằng đó là do những thành phần dân chúng tự phát ra tay.

"Họ luôn thoái thác trách nhiệm và không giải quyết rốt ráo các vụ việc được nêu ra với chính quyền".

Theo vị linh mục này thì hành xử của chính quyền hiện nay tại những nơi ông từng biết có những vụ tấn công, hành hung giáo dân xảy ra tương tự như thời Cải Cách Ruộng Đất. Tức chính quyền sử dụng người dân để tố cáo người dân.

Vị linh mục này cho rằng hành xử như thế đang gây bất an trong giáo dân khi mà tiếng nói đòi hỏi công lý không được lắng nghe.

Published in Việt Nam