Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/10/2017

Việt Nam bị tấn công mạng, cảnh báo mưa lũ, lười đẻ, côn đồ

Tổng hợp

Việt Nam chịu gần 10.000 cuộc tấn công mạng từ đầu năm (RFA, 09/10/2017)

Trong 9 tháng đầu năm 2017, tại Việt Nam xảy ra gần 10.000 cuộc tấn công mạng với cả 3 loại hình là Phishing, Malware và Deface.

vn1

Danh sách các vi rút hiển thị trên màn hình máy tính. Ảnh chụp ngày 3 tháng 11 năm 2016. (Minh họa) -  AFP PHOTO

Đây là thông tin được Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết vào ngày 9/10.

Trong số các cuộc tấn công này, phần lớn là loại hình Malware với số lượng hơn 4.500 trường hợp trong đó có 16 trang web có tên miền ".gov.vn" và hơn 3.600 cuộc thay đổi diện mạo Deface.

Đại diện VNCERT cho biết hiện hiện nay mã độc nguy hiểm ngày càng tăng, trong đó có những loại mã vượt qua các phần mềm chống virus và loại mã hóa dữ liệu không thể phục hồi. Nhiều cuộc tấn công nhắm vào cơ quan chính phủ và mang màu sắc chính trị.

Mặc dù tình trạng tấn công mạng ngày càng phát triển nhưng đại diện VNCERT nói rằng vấn đề đảm bảo an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó máy tính không được quản lý tốt, người dùng thiếu kiến thức về an toàn thông tin và phản ứng còn hạn chế.

VNCERT đưa ra giải pháp là các doanh nghiệp giám sát an ninh mạng liên tục 24h trong ngày và phối hợp với giám sát quốc gia.

*****************

Cảnh báo mưa và lũ lớn tại miền Trung (RFA, 09/10/2017)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cảnh báo về tình trạng mưa và lũ lớn có thể xảy ra tại miền Trung trong mấy ngày tới.

vn2

Một phụ nữ tránh mưa trên một con đường ngập nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 7 năm 2017, sau cơn bão Talas đổ bộ vào miền bắc Việt Nam. AFP PHOTO

Chiều tối và đêm ngày 9/10, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh và đến ngày 11/10 mực nước trên các sông ở Miền Trung có thể lên mức báo động 2 hoặc 3.

Cũng trong ngày 10 và ngày 11 tháng 10, khu vực sông Thao, sông Lô có thể xảy ra lũ nhỏ. Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc có thể xảy ra ngập úng cục bộ.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định,… có khả năng xảy ra tình trạng ngập úng.

Còn tại khu vực miền Nam, mực nước tại các con sông chính sẽ lên cao đến 3,5m. Trong 2-3 ngày tới, nước sông Cửu Long và Sài Gòn sẽ xuống dần, tuy nhiên ngập lụt vẫn xảy ra tại các vùng trũng thấp.

****************

Dân lười đẻ, Bộ Y tế đề xuất nới chính sách 2 con (VietnamNet, 09/10/2017)

Việt Nam đang đối mặt hàng loạt thách thức về dân số, nhiều vùng có mức sinh thấp và rất khó đưa lên.

Hội nghị trung ương 6 đang bàn thảo nhiều chính sách quan trọng, trong đó có vấn đề dân số với những phát sinh mới cần kịp thời xử lý.

Theo đó, trung ương sẽ bàn thảo có nên tiếp tục duy trì chính sách 2 con, xem xét chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, dân số Việt Nam đang đối mặt cùng lúc nhiều thách thức : Già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số thấp, mức sinh chênh lệch giữa các vùng...

3 phương án điều chỉnh mức sinh

Ông Tân cho biết, 10 năm qua, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế 2,1 con (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) - đây là mức lý tưởng.

vn3

Ông Nguyễn Văn Tân

Tuy nhiên, một số khu vực đang bắt đầu giảm sinh. Tại đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh chỉ còn 1,5-1,6 con, riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mức sinh giảm còn 1,45 con, thấp nhất cả nước.

Để điều chỉnh mức sinh, Bộ Y tế đã đề xuất 3 phương án để trung ương bàn thảo :

Phương án 1 : Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt. Theo đó, sẽ vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt.

Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Ngược lại những nơi có tỉ lệ sinh thấp thì phải vận động nâng mức sinh lên như khu vực Đông Nam Bộ.

Phương án 2 : Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số, nhằm giảm bớt đầu tư cho an sinh xã hội.

Phương án 3 : Cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).

Chưa có nước nào nâng mức sinh thành công

Ông Tân phân tích, với phương án 2, sinh ít hơn 2 con sẽ giúp các gia đình có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn, giảm bớt chi an sinh cho xã hội cho trẻ sinh ra, mật độ dân số tăng chậm hơn. Tuy nhiên có nhiều mặt trái.

"Nếu vẫn tiếp tục, mức sinh sẽ ngày càng giảm. Kinh nghiệm cho thấy mức sinh giảm xuống đến ngưỡng nào đó, đưa nó quay trở lại tăng lên là hết sức khó khăn, như nhiều nước Châu Á đang phải đối mặt hiện nay", ông Tân nói.

Ông dẫn dụ, Hàn Quốc từng đạt mức sinh thay thế 2,1 con vào năm 1983 nhưng lo bùng nổ dân số nên vận động chính sách sinh ít con. Đến năm 1996, khi con số này xuống dưới 1,6 con, quốc gia này bắt đầu nới lỏng chính sách sinh, tuy nhiên sau 10 năm, tỉ lệ này tiếp tục giảm còn 1,08.

Ông Tân cho biết, để khuyến khích sinh, Hàn Quốc đã thành lập cả Ủy ban của Tổng thống để ứng phó với mức sinh thấp, già hóa dân số, mỗi năm bỏ ra hàng chục tỷ USD.

Quốc gia này cho phép khi sinh con, mẹ được nghỉ 2 năm mà không mất việc và được trợ cấp ; chồng được nghỉ 2 tuần khi vợ sinh… Tuy nhiên mức sinh không nhích lên được.

Hay như Singapore, cũng từng đạt mức sinh thay thế vào năm 1975, nhưng do chính sách khuyến sinh chọn lọc, con số này giảm còn 1,7 con vào năm 1982. Đến 1989, Singapore kêu gọi khuyến sinh toàn diện nhưng đến nay vẫn không mang lại kết quả.

"Chúng ta chứng kiến nhiều nước thành công trong giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh. Khi người dân quen lối sống ít con, dành thời gian công việc, đối phó áp lực cuộc sống... thì việc khuyến khích người dân quay lại vất vả nuôi con sẽ rất khó", ông Tân phân tích.

Với phương án 3, nhiều chuyên gia lo ngại dân số tăng trở lại. Do đó, Bộ Y tế ủng hộ phương án 1, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát những vùng có mức sinh cao và nâng cao mức sinh ở những vùng thấp.

Thúy Hạnh

**************

Nghệ An : Bất ổn không được giải quyết tại giáo họ Đông Kiều (RFA, 09/10/2017)

Một số giáo dân tại giáo họ Đông Kiều thuộc xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vừa bị những thành phần bất hảo tấn công, đập phá ; trong khi đơn tố cáo của các linh mục giáo hạt Đông Tháp chưa được cơ quan chức năng địa phương giải quyết.

vn4

Quán cafe Sự Duyên bị đập phá hôm 7/10/2017 - Courtesy of Facebook Thanh Niên Công Giáo

Một nữ nạn nhân vào tối ngày 9 tháng 7 kể lại vụ việc với RFA :

"Chừng 8 giờ tối, chỉ một mình tôi ở trong nhà thì có những người bị mặt dùng tuýt sắt và đá tấn công vào nhà tôi. Tôi chạy trốn trong nhà tắm và có gọi điện cho trưởng và phó công an xã cũng như chủ tịch xã Diễn Mỹ.

Sau đó họ đến và yêu cầu khai báo. Tuy nhiên đến ngày 9 tháng 10 vẫn chưa thấy có biện pháp gì cụ thể".

Bà này nói những thành phần bịt mặt đập phá quán cà phê của nhà bà, ngoài ra khi vào nhà họ còn dùng đá ném lên bàn thờ của gia đình.

Tình trạng những thành phần dùng hung khí, gạch đá tấn công một số gia đình giáo dân tại giáo họ Đông Kiều, giáo phận Vinh được trình bày trong Đơn Tố Cáo do các linh mục Giáo hạt Đông Tháp gửi đến các cấp chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu, xã Diễn Mỹ.

Một trong những linh mục ký tên vào tối ngày 9 tháng 10 cho biết cơ quan chức năng có trả lời đơn tố cáo nhưng thoái thác trách nhiệm nói rằng đó là do những thành phần dân chúng tự phát ra tay.

"Họ luôn thoái thác trách nhiệm và không giải quyết rốt ráo các vụ việc được nêu ra với chính quyền".

Theo vị linh mục này thì hành xử của chính quyền hiện nay tại những nơi ông từng biết có những vụ tấn công, hành hung giáo dân xảy ra tương tự như thời Cải Cách Ruộng Đất. Tức chính quyền sử dụng người dân để tố cáo người dân.

Vị linh mục này cho rằng hành xử như thế đang gây bất an trong giáo dân khi mà tiếng nói đòi hỏi công lý không được lắng nghe.

Quay lại trang chủ
Read 725 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)