Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm !
Ban Nội chính Trung ương vừa yêu cầu chuyển Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm tại dự án Thủ Thiêm.
Hình minh họa : Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA edited.
Ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, kiêm Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết thông tin vừa nêu khi làm việc với Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hôm 14/4/2022.
Cụ thể, theo ông Trạc, về các vụ việc có dấu hiệu sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ đạo điều tra.
Liệu dân oan mất đất Thủ Thiêm sẽ được đền bù hợp lý sau khi Công an điều tra sai phạm ở Dự án Khu Đô thị mới này ?
Ông Huỳnh Thiên, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm nói với RFA hôm 15/4 :
"Từ xưa đến giờ thanh tra chỉ đưa qua đưa lại, đợt này mới đưa qua công an, cũng hy vọng công an sẽ làm sáng tỏ hơn. Nhưng chắc họ xử lý các cấp chính quyền sai phạm thôi, chứ tôi nghĩ chắc không có ánh sáng gì cho dân Thủ Thiêm. Cùng lắm họ chỉ xử lý những người cưỡng chế áp bức, quyết định 0 đồng... cho dân hả hê thôi, chứ để mà giải quyết cho dân thì chắc không hân hoan. Vì từ hồi ông Nên lên họ chẳng làm gì, hồi trước ông Nhân thì có xới lên rồi ổng cũng lặng luôn. Ông Nên lên thì thanh tra chỉ kết luận trong thời gian dịch, chứ không ai tiếp xúc, coi như nó gác qua rồi. Từ khi thành lập thành phố Thủ Đức là coi như họ muốn gác qua..".
Ông Thiên cho biết ông vẫn còn bị mất hơn 100 mét vuông đất, là đất thổ cư nhưng chính quyền chỉ đền bù theo đất nông nghiệp nên ông không đồng ý và khiếu kiện :
"Kiện thì họ nói hết thời hiệu, đưa lên cấp trên thì họ nói phải về thanh tra cấp quận giải quyết trước... Mà thanh tra cấp quận cứ nói tới nói lui, nói hết thời hiệu. Còn chuyện chính quyền bây giờ chuyển công an thì không có thời hiệu gì đâu... Nhà nước họ muốn làm thì làm, không thì không chứ thời hiệu gì. Tôi nghĩ đó là tiến thêm một bước để xử lý như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang. Thanh tra đã kết luận Thủ Thiêm sai quá trời, thứ nhất là 160 hecta đất tái định cư của dân. Thủ tướng duyệt mà nó còn đuổi dân đi để bán, không phải làm công trình công cộng... mà chia nhau bán. Đó là sai lầm lớn của nó mà dân kêu ca hoài. Đưa qua công an thì sẽ xử lý hình sự mấy tay đó, nếu không xử lý thì công an có một phần trong đó, coi như huề..".
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Để xây dựng khu đô thị mới này, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Hơn 14 ngàn hộ dân với hơn 60 ngàn người đã mất nhà cửa, nên hơn 22 năm qua đã khiếu kiện khắp các cấp chính quyền, do mức bồi thường không thoả đáng. Nhiều năm qua, người dân Thủ Thiêm yêu cầu công an vào cuộc điều tra sai phạm ở đây, nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở ngành thanh tra.
Một người dân mất đất Thủ Thiêm khác là Mục sư Nguyễn Hồng Quang nói với RFA hôm 15/4 :
"Đây là lần đầu tiên, sau 26 năm thì công an mới được phép vào cuộc để điều tra những sai phạm Thủ Thiêm. Tuy nhiên người dân Thủ Thiêm hiện nay vẫn hoài nghi, vì người dân đã cung cấp thông tin cho thanh tra Chính phủ, trực tiếp trình bày trước diễn đàn Quốc hội, ban tiếp công dân, UBND thành phố... nhiều năm qua, nhưng chỉ ghi nhận rồi để đó. Hiện nay người dân sợ rằng họ chỉ nhắm điều tra những nội dung mà thanh tra chính phủ đề xuất và chuyển qua. Mà thanh tra chính phủ đề xuất rất yếu, phiến diện... ví dụ bảy điều thì chỉ nhắm có một vài điều nho nhỏ liên quan sai phạm về gia đất đấu thầu trong kết luận 1483 năm 2019".
Theo Mục sư Nguyễn Hồng Quang, việc chuyển cho Cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ đạo điều tra sai phạm Thủ Thiêm là một tin vui, tin mừng... nếu điều tra tất cả các sai phạm. Ông dẫn chứng việc sai phạm 4,3 hecta nhưng đã không khởi tố bắt giam ai, đập phá tài sản công dân, vi phạm pháp luật, xé bỏ quy hoạch, gây thiệt hại... nhưng 66 người chỉ bị kiểm điểm, không có ai bị khởi tố bắt tạm giam.
Ông Cao Thăng Ca, cũng là một dân oan Thủ Thiêm nói rõ hơn với RFA hôm 15/4 về những sai phạm của Thanh tra Chính phủ :
"Việc công an điều tra sai phạm tại Thủ Thiêm thì người dân chúng tôi trông chờ nhiều năm rồi. Hôm nay tuy chậm một chút nhưng có còn hơn không. Chúng tôi từng nói chỉ có công an mới làm rõ những sai phạm ở Thủ Thiêm, còn Thanh tra Chính phủ thì cũng bao che cho thành phố. Cụ thể qua những kết luật, họ đều kết luận nửa vời, chúng tôi đã tố cáo ông Đặng Côn Uẩn, Lê Sỹ Bảy, Đinh Văn Lập... làm sai lệch hồ sơ khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau khi có kết luận kiểm tra, chúng tôi đã khiếu nại, tố cáo các kết luận của thanh tra chính phủ... nhưng họ làm lơ, không ai nói gì tới".
Ông Cao Thăng Ca cho biết, ông và người dân Thủ Thiêm rất bức xúc về việc này. Ông nói tiếp :
"Chúng tôi rất mong lần này công an sẽ điều tra tới nơi tới chốn, không bao che cho những người cố tình làm sai chủ trương của Đảng, sai pháp luật, họ ngụy biện, ngụy tạo hồ sơ... Họ quy chụp những người khiếu nại tố cáo, cho nên chúng tôi rất trông chờ công an làm sáng tỏ được ai đúng ai sai tại Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, phải xử lý thích đáng những người sai phạm, những người bao che như thanh tra chính phủ thì phải xử phạt gấp đôi".
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khi mới lên chức đã đưa ra cam kết rằng, thành phố sẽ dồn sức giải quyết những dự án lớn có vấn đề khiến dư luận bức xúc, trong đó có dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đang bị bỏ dở. Tuy nhiên cho đến nay người dân mất đất ở Thủ Thiêm vẫn chưa được đền bù hợp lý.
Người dân Thủ Thiêm cho biết, họ hy vọng thông tin chuyển công an điều tra sai phạm ở Thủ Thiêm mà Trưởng Ban Nội chính Trung ương - Phan Đình Trạc công bố ngày 14/4/2022... sẽ không như lời hứa giải quyết của các cấp lãnh đạo trước đây.
Nguồn : RFA, 15/04/2022
Gia Phát, Công Luận online, 12/01/2022
Theo Chuyên gia kinh tế, việc doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với giá hơn 2,4 tỷ đồng/1m2 là điều phi lý, có tính chất đầu cơ, làm nhiễu loạn thị trường. Ngay sau đó, doanh nghiệp bỏ cọc thì cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm, trục lợi.
Thời gian vừa qua, có tình trạng một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.
Đặc biệt, phải kể đến sự việc, lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá ngày 10/12/2021 với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng/1m2. Đây cũng là mức giá đất cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh và lập đỉnh tại thị trường Việt Nam.
4 lô đất trong Khu chức năng số 3 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được bán đấu giá với 37.346 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xác nhận bỏ cọc lô đất 3-12. Ảnh: Lê Giang.
Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Ngày 11/1/2022, dư luận lại tiếp tục được một phen "sửng sốt" khi ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi các lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Thủ Đức…, xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tâm thư của vị Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh chỉ sau có vài ngày khi Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh có Thông báo (ngày 6/1/2022) yêu cầu 4 doanh nghiệp trúng đấu giá bất động sản tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất trong 30 ngày từ khi có thông báo này.
Theo đó, với việc trúng đấu giá với mức cao kỷ lục, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cần đóng 24.500 tỷ đồng tiền sử dụng lô đất 3-12 và 500 triệu đồng cho diện tích sử dụng thương mại dịch vụ.
Ông Đỗ Anh Dũng, đại diện Công ty Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12 tại phiên đấu giá hôm 10/12/2021 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 11/1/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã phát ra thông cáo chính thức về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm.
Trong Thông cáo, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho lý giải việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm rằng : Sau khi trúng đấu giá, tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng, kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt.
Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thấy rằng, việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Vì vậy, nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản, tuân thủ tôn chỉ và triết lý kinh doanh "luôn đặt lợi ích chung của tập thể, của xã hội lên trên lợi ích của cá nhân và doanh nghiệp", Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ có văn bản chính thức gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo và gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô đất 3-12.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.
Có tính chất đầu cơ
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Giáo sư Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (IWEP), nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng cho biết, nói chung hiện nay nền kinh tế thực và các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và hồi phục nhưng chưa mạnh mẽ. Do đó, không thu hút được nguồn tín dụng từ các ngân hàng.
Trong khi đó, nguồn tín dụng của các ngân hàng tăng từ năm 2020, 2021 đến nay, bình quân mỗi năm tăng khoảng 12% dồn vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Do vậy, bất động sản và chứng khoán tăng phi mã, điều này không riêng tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, bất động sản cả thế giới tăng.
"Đây là một hiện tượng có tính bong bóng. Nhưng việc trả giá cho 1m2 đất đến hơn 2,4 tỷ thì vào hạng đắt nhất thế giới. Họ mua với giá này thì họ làm nhà lên bán như thế nào ? Đây là một vấn đề. Còn việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu thầu, sau đó trả lại là quyền của họ. Nhưng ở đây có tính chất đầu cơ", Giáo sư Võ Đại Lược nói.
Cũng theo Giáo sư Võ Đại Lược, việc đấu giá đất là tuân theo pháp luật, mua bán là theo thị trường, Nhà nước về nguyên tắc chỉ có những biện pháp điều tiết chứ không can thiệp. Trong trường hợp này, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải có biện pháp để hạn chế đầu cơ. "Thị trường thì ắt có đầu cơ, nhưng đầu cơ phải hợp lý, nhưng đối với việc hơn 2,4 tỷ 1m2 đất thì là phi lý. Việc này sẽ dẫn đến các hệ quả xấu, thị trường nhiễu loạn…", ông Lược nêu rõ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc doanh nghiệp bỏ cọc sau đấu giá đất Thủ Thiêm có tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng bất động sản. "Việc thổi giá vô lý, tác động đến giá cả nhà đất, bất động sản, giá cả tăng cao sẽ gây xáo trộn xã hội", ông Phú nói.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, sự việc nêu trên cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chân chính, khiến họ mất lòng tin. Đặc biệt là, việc thực hiện kỷ luật đấu thầu, đấu giá không nghiêm.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, qua sự việc này, cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm rõ để xử lý nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm, trục lợi. Việc xử lý nghiêm minh để làm gương cho các doanh nghiệp khác, các lĩnh vực khác không riêng gì bất động sản.
Gia Phát
*****************
Tân Hoàng Minh đấu giá cao ngất rồi xin chấm dứt hợp đồng !
RFA, 11/01/2022
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh khi trả lời báo chí nhà nước Việt Nam hôm 11/1 cho biết, đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào ngày 10/1 về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
RFA Photo
Trước đó, bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 thuộc khu chức năng số 3, phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12 năm 2021 đã được đấu giá với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gần gấp tám lần giá khởi điểm.
Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng lô đất 3-12, diện tích 10.059,7m2 với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi mét vuông.
Ba công ty còn lại là Công ty Bình Minh trúng 5.009,1m2 với giá 5.026 tỷ đồng ; Công ty Sheen Mega 8.500m2 với mức 4.000 tỷ đồng ; Công ty Dream Republic 6.446m2 với mức 3.820 tỷ đồng.
Một chuyên gia bất động sản tại Sài Gòn không muốn nêu tên cho rằng, nếu có biên độ giá khi đấu giá thì sẽ không xảy ra tình trạng như ở Thủ Thiêm vừa qua :
"Về nguyên tắc đấu giá trên thế giới lâu nay là như thế này, tức là khi chúng ta đưa ra giá sàn mà giá đấu giá cao 300%... thì phải ngưng và hủy đấu giá. Không bao giờ người ta không có biên độ cả, nó có biên độ trong giá đấu giá đó".
Ngay sau cuộc đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường. Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đất đấu giá ở Thủ Thiêm cao là vô cùng bất thường. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đấu giá có thể thu được giá cao hơn, nhưng giá cao như ở Thủ Thiêm vừa qua là vấn đề. Ông Tùng cho rằng, nếu quy định giá đất trong luật sát với thị trường thì sự chênh lệch khi đấu giá không thể quá lớn.
Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyên ngành luật kinh doanh bất động sản tại Canada khi trả lời RFA hôm 11/1, nhận định :
"Dù muốn hay không, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn có thể được xem là nền kinh tế thị trường, và là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới.
Cũng như các nền kinh tế mới nổi lên, thị trường bất động sản luôn là một thị trường nóng nhất và được lợi nhuận cao nhất, tuy rủi ro cũng không phải nhỏ.
Bán đảo Thủ Thiêm do vị trí địa lý đặc thù của nó với trung tâm Sài Gòn luôn là một mảnh đất kim cương cho những nhà đầu tư chiến lược".
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, vấn đề là những nhà đầu tư này có - thứ nhất, đủ tài lực để chịu đựng trong vòng ba đến năm năm không ; thứ hai, Chính phủ có đủ uy tín để đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đối với những quy hoạch phát triển kinh tế vĩ mô ở đó không ; và thứ ba, tác động của kinh tế khu vực và toàn cầu sẽ ra sao. Ông nói tiếp :
"Việc nhà đầu tư dám bỏ giá cao (gấp tám lần giá gọi) để được thắng thầu, có nghĩa là họ thật sự có kế hoạch cụ thể để thực hiện dự án vì những quy định đấu thầu như bỏ cọc (20%) và những quy định khác cũng khá chặt chẽ, nên nếu các bên tham gia thực hiện đúng thì không có vấn đề gì. Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng nhiều. Và kinh tế thị trường tự do là phải để cho nó tự vận hành theo luật cung cầu. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết bằng chính sách và pháp luật để đảm bảo tính cạnh tranh minh bạch và công bằng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ khả năng đầu cơ trục lợi chứ không phải là đầu tư. Và việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ khi kinh tế toàn cầu khó khăn và thị trường bất động sản bị bể bong bóng. Cái chính phủ cần làm ngay sau vụ này là phải rà soát lại các quy định về vay vốn ngân hàng và thế chấp bất động sản, đặc biệt, đối với các ngân hàng có vốn của nhà nước".
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 21/12 đã ban hành Công điện 1767 yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Dù ông Thủ tướng không nói cụ thể về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, nhưng cũng có thể nghi ngờ việc đấu giá ở Thủ Thiêm có vấn đề.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA hôm 11/01 từ Na Uy cho rằng có hai vấn đề chính liên quan việc giá đất tại Việt Nam cao bất thường. Vấn đề thứ nhất theo ông Vũ, đó là người dân bị tước quyền sở hữu mảnh đất của mình thông qua cái gọi là đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Khi người dân mất quyền sở hữu đất thì lợi dụng kẽ hở đó, chính quyền địa phương dễ dàng đẩy họ đi và bán mảnh đất đó cho người khác nhằm kiếm lợi. Chừng nào mà vấn đề sở hữu đất và tôn trọng quyền sở hữu chưa được thực thi một cách nghiêm ngặt, chừng đó người dân còn bị mất đất và chuyện bồi thường một cách không công bằng còn diễn ra. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp :
"Vấn đề thứ hai đó là vấn đề tư bản thân hữu cấu kết với chính quyền để nâng giá đất lên làm lũng đoạn thị trường. Việc đưa ra một mức giá lên rất cao để giành quyền mua đất một cách gián tiếp đẩy mức giá đất ở khu vực xung quanh lên cao".
Với câu hỏi là liệu rằng người đấu thầu có bỏ tiền ra để thực hiện việc mua đất chính thức hay không. Ông Vũ nhận định :
"Nếu số tiền phạt vì không thực hiện việc giao dịch sau khi đấu thầu nhỏ hơn số lợi nhuận có được từ việc nâng giá đất, thì nhiều khả năng là người đấu thầu sẽ chấp nhận mất tiền phạt chỉ để đạt được mục tiêu nâng giá đất kiếm lời cho các dự án khác của mình. Để giải quyết vấn đề này, có lẽ chính quyền nên áp đặt mức phạt cho việc huỷ giao dịch sau khi đấu thầu theo một mức tỉ lệ thuận với giá đấu thầu, 10% chẳng hạn, và mức phạt thấp nhất là mất tiền cọc. Một mức phạt cao sẽ hạn chế việc bỏ thầu rồi bỏ chạy".
Về lâu về dài theo ông Vũ, giải pháp để bình ổn giá đất chỉ diễn ra nếu chính quyền thực thi những chính sách nhằm tăng nguồn cung diện tích nhà ở. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra khi mà chính quyền và các trùm đầu cơ đất không còn bắt tay nhau nhằm kiếm lợi từ đất — đó là điều không thể diễn ra trong thực tại.
Nguồn : RFA, 11/01/2022
Nguyễn Minh Hiển, RFA, 08/01/2022
Đi qua khu Sala ở quận 2 và khu Thủ Thiêm, nơi có bốn mảnh đất vừa được bán với giá tỷ đồng/m2, tôi ngắm nhìn những ngôi nhà đắt tiền đang mọc lên. Chúng được gắn cái mác "nơi hội tụ tinh hoa cuộc sống", nơi thể hiện đẳng cấp tiền của, dành cho giới nhà giàu tận hưởng.
RFA
Dưới chân nơi hội tụ "tinh hoa"
Mấy năm trước chúng tôi đã tìm đến khu ổ chuột ngay dưới chân những khu biệt thự xa hoa, nơi những người cựu dân của Thủ Thiêm còn bám trụ. Để ý lắm mới thấy con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo chạy vào sâu trong một vùng cỏ dại và lau lách hoang vu. Bùn lầy, rác rưởi và nước đọng khắp chốn. Trong những mái nhà lụp sụp, ẩm mốc và tối tăm, nhiều cư dân cũ của Thủ Thiêm vẫn sống ở đó, chỉ cách cái khung cảnh xa hoa kia nhiều nhất là hai cây số, nhưng gần như khuất hẳn tầm mắt người đời. Họ kiên quyết không rời đi để gây áp lực cho chính quyền nhằm đòi lại quyền sinh sống trên chính mảnh đất này. Hàng ngày, người thì đi làm công nhân hoặc bán hàng rong lặt vặt, người cầm theo mảnh lưới nhỏ lặn lội đêm hôm ngoài sông, mò cua bắt ốc, bắt cá, con to đem bán, con nhỏ chia nhau ăn. Họ sống qua ngày đúng nghĩa, một cuộc sống tồi tàn cùng cực mà nếu không tận mắt chứng kiến thì không ai tin nổi nó có thật.
Họ đã sinh sống nhiều đời ở ngay đây. Hồi trước nó chỉ là một vùng đất nghèo nàn ven sông, dân sống bằng chèo ghe lưới cá, trồng lúa trên những doi đất bỏ hoang giữa các nhánh rạch và buôn bán vặt vãnh. Từ phía quận 1 nhìn qua, chỉ cách một con sông nhưng bên này sáng trưng rực rỡ, cao ngất với vô vàn ánh đèn lung linh và tưng bừng tiếng nhạc. Thủ Thiêm tối om om, những cái chòi bằng ván ép và tôn cũ lụp sụp, han rỉ và thấp bé nép vào nhau trên những cái cọc chống thẳng xuống nước bằng đủ thứ gỗ tạp và bê tông lởm chởm, bám rêu mốc đen.
Khi (công nghệ lõi là bán đất khiến cho) các lãnh đạo trước của Thành phố Hồ Chí Minh sáng mắt lên thì khu Thủ Thiêm nghèo nàn nước đọng muỗi rác bỗng rùng mình biến thành bán đảo kim cương. Cũng trong cái ngày xấu trời ất, chính những người đã khai phá khu đất kim cương từ đời ông cố, ông tổ, ông sơ… bỗng bị xem là kẻ ở đậu. Họ được đưa cho một số tiền đền bù rồi bị đuổi hẳn khỏi nơi chôn rau cắt rốn. Ai bảo họ nghèo ? Nghèo thì không được sống tiếp ở mảnh đất đó nữa, có vậy thôi.
Những dân cư đã sống hàng trăm năm, đã gắn bó máu thịt với mảnh đất ông bà để lại, cũng như những người công nhân đã tự tay xây cất lên cái thiên đàng để cho "tinh hoa" hội tụ kia, cuối cùng chỉ có thể đứng bên ngoài cổng rào xa xôi ngắm những công trình lâu đài mọc lên trên nơi từng là vườn, nhà của mình, vĩnh viễn không bao giờ có thể bước chân vào trong.
Chính sách "Người giàu có đất"
Hàng chục năm trước, có quan chức quản lý đất đai Việt Nam đã nói chính sách đền bù tốt nhất cho người bị quy hoạch đất (tôi nhớ đại khái) là biến giá trị đất của họ cao hơn rồi đổi đất tại chỗ, để họ vẫn sinh sống ổn định và hòa thuận với quy hoạch mới. Chứ không phải là một ngày đẹp trời ông bỗng thích quy hoạch, thế là ông đuổi ráo dân nghèo đi để nhường cho dân giàu hơn.
Tháng 12/2021, kết quả cuộc đấu giá bốn lô đất Thủ Thiêm gây bàng hoàng ngay cả với những người đang giữ trách nhiệm quản lý đất đai của nhà nước.
Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh nói trên báo : "Tôi muốn nước ngoài mua đất Việt Nam với giá cao bằng Tokyo, New York".
Ông Minh (hay những người đứng sau ông) trả giá cho một lô đất là 2,4 tỷ đồng/m2. Lô này cho phép xây 570 căn hộ. Dân trong ngành đã tính hộ chủ đầu tư rằng mỗi căn hộ phải bán với giá ít nhất 500 triệu đồng/m2.
Dạ quý vị không nhầm đâu ạ, mỗi mét vuông của căn hộ ở đây phải có giá thấp nhất là nửa tỷ đồng.
Ai sẽ có đủ tiền để vênh vang thượng đẳng trong những ngôi nhà lát vàng đó ? Cứ suy từ tình hình "củi" và "lò" của Việt Nam mấy năm nay thì có thể đoán không sai rằng chúng sẽ được dành cho nhóm ăn hối lộ, dưới dạng quà biếu hoặc bán suất ngoại giao.
Một khu đất ở Thủ Thiêm sau khi bị truất hữu. RFA
Người nghèo có… lời hứa
Trong một diễn biến khác, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương… đang lo sốt vó vì thiếu hụt công nhân. Công nhân hầu hết ở tỉnh lên thành phố thuê trọ gần khu công nghiệp, mấy tháng dịch bị mất việc và điều kiện nhà trọ chật chội dễ lây nhiễm nên rất nhiều người đã về quê. Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 12/10/2021 cho biết đã có 1,3 triệu lao động rời Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác về quê. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách (theo báo VnExpress ngày 12/10/2021).
Kèm theo đó là số người sinh sống bằng nghề dịch vụ cho công nhân ở quanh khu công nghiệp, như người bán thực phẩm tươi sống, hàng ăn và quán nhậu, giải khát, tiệm net, tiệm làm tóc làm móng, may mặc, sửa và bán điện thoại, phụ kiện… vốn rất đông đúc.
Sài Gòn giờ vắng hẳn.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) thông báo vào đầu năm 2022 cho biết : nếu Covid-19 được kiểm soát, năm nay các doanh nghiệp, nhà máy ở thành phố cần được bổ sung tối đa 310.000 lao động. Tuy nhiên họ lo các doanh nghiệp không tuyển dụng được đủ, vì thực tế năm ngoái 65.000 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cần hơn 174.000 lao động song số ứng tuyển chỉ trên 135.000 người.
Năm nay với tình hình dịch vẫn chưa thể kiểm soát và dự báo, nhiều khả năng số người có nhu cầu lên thành phố tìm việc sẽ còn thấp hơn.
Là vì hai nỗi lo chính của công nhân và người lao động phổ thông vẫn chưa hề được giải quyết : nhà trọ vẫn tạm bợ, đông đúc, chật hẹp, dưới tiêu chuẩn sống rất xa. Bình quân mỗi phòng trọ công nhân gần các khu công nghiệp khoảng 15-25 m2 (kể cả gác xép), chỉ có một phòng vệ sinh chung với phòng tắm nhưng thường sống chung khoảng 6-8 người. Cộng với thu nhập không hứa hẹn tăng trong năm 2022, công nhân hầu như không thể hy vọng thuê được nơi ở thoáng rộng, sạch sẽ hơn.
Thảm cảnh quá nhiều người chết trong những tháng cao điểm dịch cũng đã khiến nhiều người quá sợ hãi nên chọn cách ở lại quê chứ không lên thành phố để sống trong khu ổ chuột nữa, cho dù tìm việc ở quê khó hơn nhiều và các tiện ích công cộng cũng không bằng ở thành phố.
Và theo truyền thống, chính sách nhà ở, điều kiện tối thiểu của khu lưu trú, ký túc xá cho công nhân, việc ưu đãi vốn cho các chủ trọ để họ đầu tư khu lưu trú đạt chuẩn, ưu đãi giá đất và thuế cho doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân… thì cứ nghe các cấp nói mãi, nói mãi… Nhưng chẳng mấy ai làm.
Thế cho nên có những nhu cầu rất lớn nhưng chẳng thể gặp nhau : doanh nghiệp cần người nhưng không tuyển nổi ; người lao động cần việc nhưng không dám lên thành phố ; cư dân cũ của Thủ Thiêm đã 20 năm sống tạm cư ngay trên đất ông bà tổ tiên nhưng không thể sở hữu, và một số "đại gia" hể hả vì kéo được giá đất Thành phố Hồ Chí Minh lên tận mây xanh.
Cái giá 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ đẩy mặt bằng giá đất lên cao. Câu chuyện nhà ở cho công nhân sẽ càng lùi xa vào vô cực.
Chỉ trong vòng chưa đến trăm ngày sau chuỗi ngày đen tối của Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang… chẳng còn ai nghĩ đến những gì đã xảy ra và còn có thể lặp lại, hay nghĩ cách giải quyết nó.
Nhưng ai thèm quan tâm ? Câu chuyện chính sách (bao gồm nhà ở, thu nhập, phúc lợi…) cho công nhân và đền bù - giải tỏa đất cho người bị lấy đất luôn là chuyện thuộc lĩnh vực lịch sử : lãnh đạo trước sẽ để lại trọn vẹn di sản này cho lãnh đạo sau, cứ thế. Để lại cả những "bài" quan chức thương khóc, xót xa, "đẩy mạnh" "tăng cường" chẳng cần cắt lấy chữ nào, hàng chục năm lấy ra xài lại vẫn bóng loáng nguyên vẹn chạy tốt.
Thì công nhân và dân nghèo thành thị ấy mà, đám cu li ấy có phải tinh hoa đâu mà cần quan tâm ? Dù sao nhiệm kỳ này chúng ta đã vươn lên tầm giá đất cao nhất thế giới. Nhất thế giới ! Tự hào quá Việt Nam ơi !
Nguyễn Minh Hiển
Nguồn : RFA, 08/01/2022
Tham khảo :
https://vnexpress.net/cuoc-song-cua-nhung-nguoi-thu-thiem-co-giu-dat-3745415.html
https://vnexpress.net/khoang-1-3-trieu-nguoi-da-roi-thanh-pho-ve-que-4370652.html
https://vnexpress.net/tp-hcm-can-hon-300-000-lao-dong-nam-2022-4411375.html
***********************
Định Tường, VNTB, 07/01/2022
Đòn bẩy tài chính để làm gì ?
Có ý kiến thắc mắc với lập luận thế này : tại phiên đấu giá đất ngày 10/12/2021 do Trung tâm đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh) đã gõ những nhát búa ghi điểm tích cực với dư luận việc nỗ lực minh bạch và lành mạnh hóa trong hoạt động giao đất, báo hiệu sẽ thu về cho ngân sách thành phố với số tiền hơn 37 ngàn tỉ đồng ; đồng thời góp phần lập tham chiếu mới, kéo lên cao mặt bằng giá bất động sản khu vực Thủ Thiêm nói riêng và thành phố nói chung.
Các ngân hàng lớn có tham gia cho vay, cầm cố bất động sản sẽ được dịp mở cửa nâng hạn mức tín dụng. Những dự án, quỹ đất đang và sẽ thế chấp tại ngân hàng với sứ mệnh tài sản đảm bảo cho các khoản vay hiện tại và hình thành trong tương lai sẽ được dịp định giá lại.
Và dĩ nhiên định giá lại là cơ hội không thể bỏ qua của các ông chủ nhà băng đồng thời là chủ đế chế bất động sản.
Đòn bẩy tài chính từ ngân hàng mẹ làm tăng giá tài sản đảm bảo và tiến tới là phục vụ cho quy chế phát hành trái phiếu. Kết quả cuộc đấu giá có sự xác nhận của chính quyền sẽ cung cấp cho các đế chế bất động sản, thẩm định giá những tham chiếu "rất hợp lý".
Trước mắt, giá đất tạm gọi là quá cao được xác lập sẽ có lợi cho các chủ đầu tư có tài sản nhà đất tọa lạc tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và các phường lân cận, kể cả tại khu trung tâm quận 1 đang thế chấp tại ngân hàng có thể được đề nghị định giá lại, có thể được đánh vống giá trị tài sản nhà đất cao hơn để được vay thêm, hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính "nợ – có" của doanh nghiệp, mà hệ quả có thể dẫn đến "bong bóng" tài sản.
Giả dụ, lô đất 1 ha tại khu vực này đang thế chấp ngân hàng đã được định giá 1.000 tỉ đồng và đã được vay 650 tỉ đồng, tức bằng 65% giá trị tài sản thế chấp. Nếu lô đất này "được" định giá lại tăng 8 lần tức lên 8.000 tỉ đồng so với giá trị ban đầu, để rồi sau đó được vay thêm 4.550 tỉ đồng, bằng 65% giá trị tài sản thế chấp "mới", thì có thể tạo ra "bong bóng" tài sản. Vì cũng chỉ là lô đất đó nhưng được đánh vống giá trị, dẫn đến chủ sở hữu lô đất được vay "tiền thật" của ngân hàng.
Giá thế nào để gọi là cao hay thấp ?
Tư cách cá nhân, ông Lê Hoàng Châu, người đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra một số nhận định đáng lưu tâm : các phiên đấu giá ở Thủ Thiêm hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái là tốc độ trả giá rất nhanh, và giá trị mỗi lần trả giá tiếp theo của một số nhà đầu tư có bước giá rất lớn. Thậm chí có bước giá cách biệt lên đến 700 tỉ đồng như lần trả giá cuối cùng của phiên đấu giá lô đất 3-12, nên một số nhà đầu tư khác không thể "chen vào" trả giá được.
Lô 3-12 có diện tích 10.060 m2, giá khởi điểm 2.942 tỉ đồng. Đây là lô có diện tích lớn nhất, hệ số sử dụng đất cao nhất cao nhất lên đến 8.95, cao tầng nhất (29 tầng) ; nhiều căn hộ nhất (570 căn) ; có giá khởi điểm cao nhất ; bước giá 30 – 50 tỉ đồng và là bước giá lớn nhất trong 4 lô đấu giá. Đây cũng chính là lô có giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 24.500 tỉ đồng gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Ông Châu kể, trong giai đoạn đầu của phiên đấu giá đã có 8 nhà đầu tư tham gia trả giá với giá đầu tiên là 3.000 tỉ đồng. Tại lần trả giá thứ 5 với mức giá 8.800 tỉ đồng thì đã có 4 nhà đầu tư dừng lại, còn lại 4 nhà đầu tư. Tiếp theo, ở lần trả giá thứ 30 với mức giá 13.200 tỉ đồng thì nhà đầu tư số 11 dừng trả giá, chỉ còn lại 3 nhà đầu tư.
Đến lần trả giá thứ 49 với mức giá 18.050 tỉ đồng thì nhà đầu tư số 4 dừng trả giá và chỉ còn lại hai nhà đầu tư. Hai nhà đầu tư này tiếp tục trả giá thêm 21 lần nữa thì mới "chốt giá" và xác định nhà đầu tư trúng đấu giá. Như vậy, lô đất này đã trải qua 70 lần trả giá thì mới xác định được nhà đầu tư. Giá trúng đấu giá là 24.500 tỉ đồng, tính ra đơn giá 2,43 tỉ đồng/m2 đất ở.
Theo tính toán của ông Châu, với mức giá trúng đấu giá cao kỷ lục, các căn hộ của cả 4 lô đất nói trên sẽ rơi vào khoảng hơn 60 tỉ đồng đến hơn 80 tỉ đồng/căn. Riêng lô 3-12, ông Châu dự đoán giá bán bình quân căn hộ của dự án này có thể lên đến khoảng gần 70 tỉ đồng/căn, tương đương khoảng 580 triệu đồng/m2 sàn căn hộ (chưa bao gồm VAT).
Đừng dạy người giàu cách xài tiền !
Khác với âu lo của ông Châu, một ý kiến khác đưa ra viễn cảnh của chuyện "người giàu không khùng, đừng dạy người giàu xài tiền" :
Thứ nhất, giả sử bên cạnh lô đất vừa đấu giá, ông chủ Tân Hoàng Minh (THM) còn có 3 lô đất tương tự mới mua cách đây một vài năm với giá 300 tỷ đồng. Giờ đây THM có thể rao bán với giá "rẻ hơn 30% so với giá thị trường", tức là khoảng 17.000 tỉ/ lô để lấy tiền thanh toán cho lô vừa trúng thầu, thì họ vẫn còn dư ra hơn 25.000 tỉ để xây tòa nhà khủng trên lô đất vừa mua mà không phải vay thêm dù chỉ một đồng.
Như vậy lợi nhuận đến từ 3 lô đất mua trước đây chứ không phải đến từ lô vừa đấu giá, lô vừa đấu giá chẳng qua là đồ trang sức xa xỉ để tôn thêm vể sang trọng lấp lánh của THM.
Thứ hai, trong trường hợp THM có rất nhiều tiền, không cần bán 3 lô mua trước đó để lo cho lô vừa đấu giá, thì giờ cộng 1 lô vừa trúng thầu và 3 lô có sẵn thì tổng cộng mới chỉ 25.400 tỉ, chia ra giá vốn trung bình mới chỉ 653 triệu đồng/m2. Nhưng mặc định tất cả 4 lô đất bây giờ đây đều được nâng lên vị thế của đất siêu kim cương có giá 2,45 tỉ/m2 để cùng bán với giá 450 – 500 triệu đồng/m2 là khả thi đó chứ…
Cửu Long, VNTB, 07/01/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc : kết quả đấu giá 2,4 tỉ đồng/1m2 đất tại Thủ Thiêm là xưa nay chưa từng có và không phải là giá thực.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng/1m2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, "là không phù hợp, giá không thực". Bởi theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, so sánh cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ – vốn là trái tim của Thành phố Hồ Chí Minh – có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2.
"Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất. Nhưng chưa thể công khai được", ông Phớc cho hay.
Liên quan đến câu chuyện đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá 1m2 đất mà 2,4 tỉ đồng thì "chưa bao giờ có chuyện này". Chính vì thế ông Huệ cho biết Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường hay không.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói rằng khi thực hiện đấu giá 4 lô đất, UBND Thành phố Hồ Chí Minh xin chủ trương và được Ban thường vụ Thành ủy cho phép. Công tác chuẩn bị đấu giá cũng được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ.
Theo ông Mãi, kết quả đấu giá vượt xa dự đoán ban đầu của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. "Nghĩ rằng đặt ra giá khởi điểm như thế thì kết quả tăng khoảng 2 lần thôi nhưng thực tế các lô tăng gấp nhiều lần. Lô 1 tăng 6,6 lần, lô 2 tăng 4 lần, lô 3 hơn 7 lần và lô 4 hơn 10 lần", ông Mãi thông tin.
Nguồn tin không chính thức cho biết, ngày 2-1-2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá liên quan đến phiên đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm ở hôm 10/12/2021. Hiện 4 công ty trúng đấu giá đang chờ văn bản thông báo thuế của cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan nhằm hoàn tất thủ tục mua bán theo đấu giá.
Theo quy định, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người đã trúng đấu giá.
Trong thời hạn 30 ngày (đợt 1) kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán (hình thức chuyển khoản) 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế. Trong thời hạn 60 ngày tiếp theo (đợt 2), người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại. Trường hợp quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2, người trúng đấu giá chậm thanh toán tiền mua tài sản thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước là 20% so với giá khởi điểm. Tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, trong trường hợp việc mua bán tài sản sau đấu giá diễn ra đúng theo hợp đồng, thuận lợi, ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu về số tiền 37.346 tỉ đồng mua 4 lô đất từ các công ty trong khoảng 100 ngày sau ngày đấu giá.
RFA, 07/01/2022
Bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 thuộc khu chức năng số 3, phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12 năm 2021 đã được đấu giá thành công với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gấp bảy lần giá khởi điểm.
Courtesy Google Map
Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng lô đất 3-12, diện tích 10.059,7m2 với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi mét vuông. Ba công ty còn lại là Công ty Bình Minh trúng 5.009,1m2 với giá 5.026 tỷ đồng ; Công ty Sheen Mega 8.500m2 với mức 4.000 tỷ đồng ; Công ty Dream Republic 6.446m2 với mức 3.820 tỷ đồng.
Ông Lung, người nhiều lần ra tận trung ương để khiếu nại về vấn đề Thủ Thiêm, nói với RFA hôm 7/1 :
"Việc đấu giá đó mình thấy cũng bất ngờ, mình cũng không biết nó sẽ như thế nào trong cuộc đấu giá này, và cũng đang theo dõi. Việc giá cao đột biến như vậy làm cho đất đai khu vực xung quanh đóng băng luôn, người dân mua bán gì cũng không được... vì người ta cứ dòm theo chuyện đấu giá đó không à... Còn những bà con chưa được đền bù tái định cư thấy giá cả vậy cũng bức xúc, hồi đó bồi thường người ta thấp, bây giờ đấu giá cao quá."
Ngay sau cuộc đấu giá, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng đất đấu giá ở Thủ Thiêm cao là vô cùng bất thường. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đấu giá có thể thu được giá cao hơn, nhưng giá cao như ở Thủ Thiêm vừa qua là vấn đề. Ông Tùng cho rằng, nếu quy định giá đất trong luật sát với thị trường thì sự chênh lệch khi đấu giá không thể quá lớn.
Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thì cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.
Anh Nguyễn Đình Đệ, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm, khi trả lời RFA hôm 7/1, nói :
"Giá đất Thủ Thiêm hiện vài trăm triệu một mét vuông, 400-500 triệu, 600-700 triệu... là chuyện không ngoài dự tính. Chỉ cách một con sông mà bên kia là một tỷ rưỡi, một tỷ sáu, thì bên này sáu bảy trăm triệu là bình thường. Còn chuyện người ta đấu thầu mua tới 2,4 tỷ một mét đó là quyền của người mua. Họ thấy tầm nhìn chiến lược của nó nên họ đầu tư. Theo tôi thì giá đó hơi cao, chứ lũng đoạn thì cũng không đâu... Chẳng qua họ lấy đất của dân đền có 150 ngàn mỗi mét đất ruộng, còn đất nhà thì mười mấy hai chục triệu... giờ bán mấy trăm triệu đến hai tỷ mấy nên mấy ổng ngại... rồi giả bộ làm động thái đó, đó là sự giả dối..."
Theo anh Đệ, chính quyền đã giả dối, không muốn nhìn vào sự thật là đất của người dân Thủ Thiêm bị cướp nó giá trị đến mức độ nào ? Cấp Ủy lơ đi, rồi tuồn đất đó lại cho những sân sau, móc ngoặc để chia chác nhau đất của dân Thủ Thiêm. Anh Đệ cho rằng, bây giờ quan chức chính quyền nói việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua là bơm giá, lủng đoạn thị trường là phiến diện, chỉ nhìn theo cách của họ... Chẳng qua họ lấy đất của dân đền với giá rẻ quá, giờ mắc cỡ với dân.
Còn ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm thì cho rằng, việc đấu giá đất cao là kịch bản để thu bù ngân sách :
"Việc đấu giá 2,4 tỷ này là để thu về cho ngân sách 37 ngàn tỷ, để Thành phố Hồ Chí Minh đủ trả lại cho ngân sách Nhà nước. Những người tham gia đấu giá này theo tôi là tàn dư của nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang... muốn trả lại cho nhà nước để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo thông báo kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ. Chứ thực tế đất ở đó 500 triệu là hết cỡ, vì hiện nay giá đất mặt đường Trần Não mà chỉ bốn năm trăm triệu, còn đất đường Nguyễn Cơ Thạch ngay chân cầu Thủ Thiêm cũng chỉ năm sáo trăm triệu. Cho nên giá 2,4 tỷ là không thể tưởng tượng được nhóm lợi ích sẽ thao túng và làm hại cho nhà nước như thế nào ?"
Liên quan việc nhiều quan chức nhà nước lên tiếng về vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, ông Cao Thăng Ca cho rằng :
"Họ nói thì nói thôi chứ Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn rồi kết quả đấu giá rồi, đã cho các công ty trúng đấu trá ký hợp đồng với thành phố rồi. Họ có lên tiếng thì chỉ để đó, còn tập đoàn tham nhũng phá nát Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn đang mạnh lắm. Thành ra họ làm gì làm chẳng cần để ý đến ai đâu, không cần luật pháp, không cần ý kiến nhân dân, không cần nghe ý kiến trung ương mà tự động làm. Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền, đó là phương châm của nhóm tham nhũng ở Thành phố Hồ Chí Minh."
Sau vụ đấu giá 30.000 mét vuông đất ở Thủ Thiêm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 21/12 đã ban hành Công điện 1767 yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Tuy nhiên ông Thủ tướng không nói cụ thể về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang xác nhận với RFA đất đấu giá ở Thủ Thiêm thuộc phường ông có đất trước đây :
"Họ đấu giá đất ở phường An Khánh là phường của tui, họ đấu giá đất như vậy do họ có cái nhìn xa thôi, chỗ đó phê duyệt là trung tâm tài chính thế giới. Trong kinh tế thị trường thì còn vấn đề cung cầu nữa, cung không có mà cầu lớn quá, mà bán đảo Thủ Thiêm thì đẹp lắm. Người dân Thủ Thiêm họp cũng có nói qua việc họ định giá như vậy, đã xác định tài sản của dân mất đi là tài sản có giá trị... Để xây dựng chính sách đền bù thì phải điều chỉnh sao cho phù hợp, bảo đảm lợi ích của nhà nước, dân, và nhà đầu tư... Chứ nhà đầu tư và nhà nước quá nhiều, còn nhà dân thì sao ?"
Theo Mục sư Nguyễn Hồng Quang, điều này trái với nguyên tắc của chế độ Cộng sản Xã hội Chủ nghĩa, mà đảng cộng sản đã cam kết với dân là bình đẳng công bằng.
Phạm Lê Đoan, VNTB, 04/01/2022
Với nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, thì mọi đồn đoán đều có căn cứ, khi quyền lực của nhóm lợi ích trong nhiều trường hợp đã đủ mạnh để chi phối cả pháp luật.
Trong báo cáo về nhận xét sau các phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm hồi trung tuần tháng 12-2021, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng kết quả các cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm với giá đất trúng đấu giá có thể đã bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại, có thể không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
HoREA chỉ ra hai nhóm tác động tích cực và tiêu cực đến thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Về mặt tích cực, phiên đấu giá đất Thủ Thiêm là cuộc đấu giá có giá trị lớn nhất cho đến thời điểm hiện nay với giá trúng đấu giá lên đến 37.346 tỷ đồng, gấp 7,09 lần giá khởi điểm đấu giá. Nếu các nhà đầu tư nộp đủ số tiền trúng đấu giá thì sẽ bổ sung thêm nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, theo HoREA, các tác động tiêu cực của phiên đấu giá đất tỷ USD tại Thủ Thiêm vừa qua có thể lớn hơn việc thành phố thu được hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, thậm chí về lâu dài sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Theo HoREA, giá đất quá cao mới được xác lập sẽ rất có lợi cho các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các phường lân cận, kể cả khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng rất bất lợi cho các chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, hoặc mới "tạm nộp" tiền sử dụng đất, nhất là đối với chủ đầu tư đã ký Hợp đồng huy động vốn trước của khách hàng.
Vì nếu xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường dựa trên các mức giá "khủng" mới xác lập thì tiền sử dụng đất sẽ tăng lên rất nhiều và chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại.
Giá đất quá cao được xác lập sẽ có thể tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1 có lợi cho các dự án "siêu sang", tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ "siêu sang" tại quận 1 trên dưới 500 triệu đồng/m2 hiện nay trở thành "bình thường".
HoREA cũng cho rằng, giá đất quá cao được xác lập sẽ có lợi cho các chủ đầu tư có tài sản nhà đất tọa lạc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các phường lân cận, kể cả tại khu trung tâm quận 1 đang thế chấp tại ngân hàng có thể được đề nghị định giá lại, có thể được đánh "vống" giá trị tài sản nhà đất cao hơn để được vay thêm, hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính "nợ – có" của doanh nghiệp, mà hệ quả có thể dẫn đến "bong bóng" tài sản, nên các ngân hàng cần phải thận trọng khi định giá lại các tài sản thế chấp trước đây.
Ví dụ, lô đất 1 ha tại khu vực này đang thế chấp ngân hàng đã được định giá 1.000 tỷ đồng và đã được vay 650 tỷ đồng (bằng 65% giá trị tài sản thế chấp).
Nếu lô đất này "được" định giá lại tăng 8 lần (8.000 tỷ đồng) so với giá trị ban đầu mà nếu được vay thêm 4.550 tỷ đồng (bằng 65% giá trị tài sản thế chấp "mới"), thì có thể tạo ra "bong bóng" tài sản, vì cũng chỉ là lô đất đó nhưng được "đánh vống" giá trị, dẫn đến chủ sở hữu lô đất được vay "tiền thật" của ngân hàng ; và trong trường hợp thị trường quay trở lại giá trị thực (giá thấp hơn) thì ngân hàng có thể bị "rủi ro" do tài sản thế chấp có giá trị thấp hơn dư nợ vay.
Theo Luật Đất đai 2013, giá đất trúng đấu giá lại là một trong các căn cứ tham chiếu để xác định giá đất cụ thể để tính giá khởi điểm đấu giá hoặc để tính tiền sử dụng đất.
Do vậy, giá đất trúng đấu giá quá cao có thể làm cản trở việc tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản, nhà ở thương mại, ảnh hưởng trước tiên đến các chủ đầu tư, để rồi cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu khi tất cả chi phí đều tính vào giá thành sản phẩm.