Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/01/2022

Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm : một thí dụ về thủ đoạn đầu cơ cấp cao

Công Luận - RFA tiếng Việt

Tân Hoàng Minh "bỏ cọc" sau đấu giá đất Thủ Thiêm : Có tính chất đầu cơ, để lại hệ quả xấu !

Gia Phát, Công Luận online, 12/01/2022

Theo Chuyên gia kinh tế, việc doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với giá hơn 2,4 tỷ đồng/1m2 là điều phi lý, có tính chất đầu cơ, làm nhiễu loạn thị trường. Ngay sau đó, doanh nghiệp bỏ cọc thì cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm, trục lợi.

"Bẻ lái" sau vài ngày nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất

Thời gian vừa qua, có tình trạng một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Đặc biệt, phải kể đến sự việc, lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá ngày 10/12/2021 với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng/1m2. Đây cũng là mức giá đất cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh và lập đỉnh tại thị trường Việt Nam.

thuthiem1

4 lô đất trong Khu chức năng số 3 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được bán đấu giá với 37.346 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xác nhận bỏ cọc lô đất 3-12. Ảnh: Lê Giang.

Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Ngày 11/1/2022, dư luận lại tiếp tục được một phen "sửng sốt" khi ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi các lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Thủ Đức…, xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tâm thư của vị Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh chỉ sau có vài ngày khi Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh có Thông báo (ngày 6/1/2022) yêu cầu 4 doanh nghiệp trúng đấu giá bất động sản tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất trong 30 ngày từ khi có thông báo này.

Theo đó, với việc trúng đấu giá với mức cao kỷ lục, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cần đóng 24.500 tỷ đồng tiền sử dụng lô đất 3-12 và 500 triệu đồng cho diện tích sử dụng thương mại dịch vụ.

thuthiem2

Ông Đỗ Anh Dũng, đại diện Công ty Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12 tại phiên đấu giá hôm 10/12/2021 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 11/1/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã phát ra thông cáo chính thức về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm.

Trong Thông cáo, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho lý giải việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm rằng : Sau khi trúng đấu giá, tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng, kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt.

Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thấy rằng, việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vì vậy, nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản, tuân thủ tôn chỉ và triết lý kinh doanh "luôn đặt lợi ích chung của tập thể, của xã hội lên trên lợi ích của cá nhân và doanh nghiệp", Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ có văn bản chính thức gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo và gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô đất 3-12.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.

Có tính chất đầu cơ

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Giáo sư Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (IWEP), nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng cho biết, nói chung hiện nay nền kinh tế thực và các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và hồi phục nhưng chưa mạnh mẽ. Do đó, không thu hút được nguồn tín dụng từ các ngân hàng.

Trong khi đó, nguồn tín dụng của các ngân hàng tăng từ năm 2020, 2021 đến nay, bình quân mỗi năm tăng khoảng 12% dồn vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Do vậy, bất động sản và chứng khoán tăng phi mã, điều này không riêng tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, bất động sản cả thế giới tăng.

"Đây là một hiện tượng có tính bong bóng. Nhưng việc trả giá cho 1m2 đất đến hơn 2,4 tỷ thì vào hạng đắt nhất thế giới. Họ mua với giá này thì họ làm nhà lên bán như thế nào ? Đây là một vấn đề. Còn việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu thầu, sau đó trả lại là quyền của họ. Nhưng ở đây có tính chất đầu cơ", Giáo sư Võ Đại Lược nói.

Cũng theo Giáo sư Võ Đại Lược, việc đấu giá đất là tuân theo pháp luật, mua bán là theo thị trường, Nhà nước về nguyên tắc chỉ có những biện pháp điều tiết chứ không can thiệp. Trong trường hợp này, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải có biện pháp để hạn chế đầu cơ. "Thị trường thì ắt có đầu cơ, nhưng đầu cơ phải hợp lý, nhưng đối với việc hơn 2,4 tỷ 1m2 đất thì là phi lý. Việc này sẽ dẫn đến các hệ quả xấu, thị trường nhiễu loạn…", ông Lược nêu rõ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc doanh nghiệp bỏ cọc sau đấu giá đất Thủ Thiêm có tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng bất động sản. "Việc thổi giá vô lý, tác động đến giá cả nhà đất, bất động sản, giá cả tăng cao sẽ gây xáo trộn xã hội", ông Phú nói.

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, sự việc nêu trên cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chân chính, khiến họ mất lòng tin. Đặc biệt là, việc thực hiện kỷ luật đấu thầu, đấu giá không nghiêm.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, qua sự việc này, cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm rõ để xử lý nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm, trục lợi. Việc xử lý nghiêm minh để làm gương cho các doanh nghiệp khác, các lĩnh vực khác không riêng gì bất động sản.

Gia Phát

*****************

Tân Hoàng Minh đấu giá cao ngất rồi xin chấm dứt hợp đồng !

RFA, 11/01/2022

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh khi trả lời báo chí nhà nước Việt Nam hôm 11/1 cho biết, đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào ngày 10/1 về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

thuthiem3

Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh. RFA Photo

Trước đó, bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 thuộc khu chức năng số 3, phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12 năm 2021 đã được đấu giá với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gần gấp tám lần giá khởi điểm.

Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng lô đất 3-12, diện tích 10.059,7m2 với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi mét vuông.

Ba công ty còn lại là Công ty Bình Minh trúng 5.009,1m2 với giá 5.026 tỷ đồng ; Công ty Sheen Mega 8.500m2 với mức 4.000 tỷ đồng ; Công ty Dream Republic 6.446m2 với mức 3.820 tỷ đồng.

Một chuyên gia bất động sản tại Sài Gòn không muốn nêu tên cho rằng, nếu có biên độ giá khi đấu giá thì sẽ không xảy ra tình trạng như ở Thủ Thiêm vừa qua :

"Về nguyên tắc đấu giá trên thế giới lâu nay là như thế này, tức là khi chúng ta đưa ra giá sàn mà giá đấu giá cao 300%... thì phải ngưng và hủy đấu giá. Không bao giờ người ta không có biên độ cả, nó có biên độ trong giá đấu giá đó".

Ngay sau cuộc đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường. Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đất đấu giá ở Thủ Thiêm cao là vô cùng bất thường. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đấu giá có thể thu được giá cao hơn, nhưng giá cao như ở Thủ Thiêm vừa qua là vấn đề. Ông Tùng cho rằng, nếu quy định giá đất trong luật sát với thị trường thì sự chênh lệch khi đấu giá không thể quá lớn.

Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyên ngành luật kinh doanh bất động sản tại Canada khi trả lời RFA hôm 11/1, nhận định :

"Dù muốn hay không, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn có thể được xem là nền kinh tế thị trường, và là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới.

Cũng như các nền kinh tế mới nổi lên, thị trường bất động sản luôn là một thị trường nóng nhất và được lợi nhuận cao nhất, tuy rủi ro cũng không phải nhỏ.

Bán đảo Thủ Thiêm do vị trí địa lý đặc thù của nó với trung tâm Sài Gòn luôn là một mảnh đất kim cương cho những nhà đầu tư chiến lược".

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, vấn đề là những nhà đầu tư này có - thứ nhất, đủ tài lực để chịu đựng trong vòng ba đến năm năm không ; thứ hai, Chính phủ có đủ uy tín để đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đối với những quy hoạch phát triển kinh tế vĩ mô ở đó không ; và thứ ba, tác động của kinh tế khu vực và toàn cầu sẽ ra sao. Ông nói tiếp :

"Việc nhà đầu tư dám bỏ giá cao (gấp tám lần giá gọi) để được thắng thầu, có nghĩa là họ thật sự có kế hoạch cụ thể để thực hiện dự án vì những quy định đấu thầu như bỏ cọc (20%) và những quy định khác cũng khá chặt chẽ, nên nếu các bên tham gia thực hiện đúng thì không có vấn đề gì. Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng nhiều. Và kinh tế thị trường tự do là phải để cho nó tự vận hành theo luật cung cầu. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết bằng chính sách và pháp luật để đảm bảo tính cạnh tranh minh bạch và công bằng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ khả năng đầu cơ trục lợi chứ không phải là đầu tư. Và việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ khi kinh tế toàn cầu khó khăn và thị trường bất động sản bị bể bong bóng. Cái chính phủ cần làm ngay sau vụ này là phải rà soát lại các quy định về vay vốn ngân hàng và thế chấp bất động sản, đặc biệt, đối với các ngân hàng có vốn của nhà nước".

thuthiem4

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 21/12 đã ban hành Công điện 1767 yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Dù ông Thủ tướng không nói cụ thể về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, nhưng cũng có thể nghi ngờ việc đấu giá ở Thủ Thiêm có vấn đề.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA hôm 11/01 từ Na Uy cho rằng có hai vấn đề chính liên quan việc giá đất tại Việt Nam cao bất thường. Vấn đề thứ nhất theo ông Vũ, đó là người dân bị tước quyền sở hữu mảnh đất của mình thông qua cái gọi là đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Khi người dân mất quyền sở hữu đất thì lợi dụng kẽ hở đó, chính quyền địa phương dễ dàng đẩy họ đi và bán mảnh đất đó cho người khác nhằm kiếm lợi. Chừng nào mà vấn đề sở hữu đất và tôn trọng quyền sở hữu chưa được thực thi một cách nghiêm ngặt, chừng đó người dân còn bị mất đất và chuyện bồi thường một cách không công bằng còn diễn ra. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp :

"Vấn đề thứ hai đó là vấn đề tư bản thân hữu cấu kết với chính quyền để nâng giá đất lên làm lũng đoạn thị trường. Việc đưa ra một mức giá lên rất cao để giành quyền mua đất một cách gián tiếp đẩy mức giá đất ở khu vực xung quanh lên cao".

Với câu hỏi là liệu rằng người đấu thầu có bỏ tiền ra để thực hiện việc mua đất chính thức hay không. Ông Vũ nhận định :

"Nếu số tiền phạt vì không thực hiện việc giao dịch sau khi đấu thầu nhỏ hơn số lợi nhuận có được từ việc nâng giá đất, thì nhiều khả năng là người đấu thầu sẽ chấp nhận mất tiền phạt chỉ để đạt được mục tiêu nâng giá đất kiếm lời cho các dự án khác của mình. Để giải quyết vấn đề này, có lẽ chính quyền nên áp đặt mức phạt cho việc huỷ giao dịch sau khi đấu thầu theo một mức tỉ lệ thuận với giá đấu thầu, 10% chẳng hạn, và mức phạt thấp nhất là mất tiền cọc. Một mức phạt cao sẽ hạn chế việc bỏ thầu rồi bỏ chạy".

Về lâu về dài theo ông Vũ, giải pháp để bình ổn giá đất chỉ diễn ra nếu chính quyền thực thi những chính sách nhằm tăng nguồn cung diện tích nhà ở. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra khi mà chính quyền và các trùm đầu cơ đất không còn bắt tay nhau nhằm kiếm lợi từ đất — đó là điều không thể diễn ra trong thực tại.

Nguồn : RFA, 11/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gia Phát, RFA tiếng Việt
Read 433 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)