Trong tháng qua, báo chí Việt ngữ trong và ngoài nước bàn khá nhiều về vụ án Will Nguyễn, một người Việt có quốc tịch Mỹ về Sài Gòn tham gia các hoạt động chống chế độ, bị bắt giam và truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị xét xử và tuyên một bản án rất nhẹ : Chỉ đóng một số tiền phạt rồi bị trục xuất. Nhiều người tin rằng sở dĩ có sự đối xử nhẹ nhàng với Will Nguyễn như vậy là nhờ sự can thiệp của các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Mỹ và trên thế giới.
Nhưng sự thật không phải như vây. Ở đây, cần có sự phân biệt giữa Pháp lý và Chính trị, mặc dầu hai yếu tố này thường tương tác với nhau.
Nguyen William Anh được áp giải đến tòa. Ảnh : HOÀNG YẾN (PLO)
Có những sự khác biệt
Đọc qua tại liệu về vụ án Will Nguyễn, chúng tôi thấy cả hai chính quyền Việt – Mỹ không chịu áp lực nào hết, mà đã cố gắng giải quyết vụ này dựa theo “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự” (Vienna Convention on Consular Relations) ngày 24/04/1963 trong đó có các điều khoản liên quan đến sự bắt giữ các công dân nước ngoài. Cần nhớ rằng Mỹ bây giờ không còn là “đồng minh” của Việt Nam Cộng Hòa nối dài nữa mà là “đối tác toàn diện” của Đảng cộng sản Việt Nam, trong dó có cả an ninh và quốc phòng.
Hôm 26/06/2018, sau khi Will Nguyễn bị bắt, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert nói rằng vụ Will Nguyễn bị bắt giữ là “một lời nhắc nhở lớn với những công dân Mỹ, hay bất cứ ai có liên quan, đi tới một đất nước khác và ở đó có biểu tình hay tuần hành đang diễn ra…”.
Dĩ nhiên, trên thế giới hiện nay, còn có một số nước đã hành động không cần biết “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự” là gì như Bắc Hàn hay Miến Điện chẳng hạn. Nhưng nắm vững các quy tắc phải tuân theo khi đi ra ngoại quốc là một điều rất cần thiết. Chúng tôi xin tóm lược vụ án Will Nguyễn như một thí dụ điển hình trước khi trình bày các quy tắc này.
Sơ lược vụ án
Anh Will Nguyen, gọi theo tiếng Việt là Nguyen Willliam Anh và trên trang Facebook cá nhân là Will Nguyễn Anh Duy. Tên thường được gọi là Will Nguyễn. Will Nguyễn sinh năm 1985 tại Houston, Texas, trong một gia đình 4 con, nói tiếng Việt kiểu ngập ngừng.
Will Nguyễn tốt nghiệp cử nhân về chính sách công (public policy) ở Đại Học Yale và được học bổng cao học tại Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore. Trong khi chờ lãnh bằng cao học (Việt Nam gọi là “thạc sĩ”), Will Nguyễn đã về thăm Việt Nam nhân kỳ nghỉ trước khi tốt nghiệp.
Theo bản cáo trạng, Will Nguyễn thường xuyên theo dõi tin tức trên mạng liên quan Việt Nam nên biết có cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào ngày 10/06/2018 tại Công viên Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình, Sài Gòn. Will Nguyễn đã quyết định về tham gia.
Trước khi về Việt Nam, William Nguyễn liên lạc bằng tin nhắn với một người có chương mục “Vi Trần”, “Anthony T. Nguyen” để trao đổi về cách tham gia biểu tình. Qua trao đổi, William Nguyễn có nhắn cho “Anthony T. Nguyen” ý định của mình khi tham gia biểu tình sẽ không đem theo giấy tờ tùy thân, sẵn sàng đánh trả và bỏ trốn nếu bị lực lượng cảnh sát giải tán.
Đêm 9/06/2018, Will Nguyễn đã từ Singapore về Việt Nam bằng đường hàng không theo diện du lịch, qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, và lưu trú ở lầu 6, số 290 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Sài Gòn.
Khoảng 9 giờ ngày 10/6, William Anh đến khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ tham gia biểu tình. Khi cùng đoàn biểu tình tiến về hướng trung tâm thành phố, Will Nguyễn liên tục dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh rồi đăng trên Facebook và Twitter. Anh chia sẻ thêm là anh ủng hộ quyền của người dân Việt Nam được “thực thi nghĩa vụ công dân của mình để biểu tình chống bất công”.
Đến 13 giờ cùng ngày (10/6), đoàn biểu tình đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng (Q.3) thì bị 4 xe bán tải của lực lượng cảnh sát án chặn, Will Nguyễn đòi lực lượng cảnh sát dời xe. Khi bị từ chối, Will Nguyễn trèo qua xe bán tải để tiến về phía trước, đồng thời rung, lắc để lật xe bán tải của cảnh sát, dọn đường cho người biểu tình đi qua nhưng không được.
Hình ảnh Nguyen William Anh chụp từ clip
Bản cáo trạng cho rằng hành vi của Will Nguyễn đã gây ra tắc nghẽn giao thông tuyến đường tiếp cận Sân bay Tân Sơn Nhất hơn 3 giờ. Chuỗi hành động của Will Nguyễn đã bị cơ quan công an theo dõi, ghi lại hình ảnh. Will Nguyễn đã bị bắt ngay chiều hôm đó. Hình ảnh Will Nguyễn bị thương một bên đầu, mặt đầy máu, bị bắt mang đi đã lan truyền rộng rãi trên mạng. Công an đã đến nhà trọ Airbnb mà Will Nguyễn đang cư trú, đọc lệnh khám nhà và tịch thu laptop, hộ chiếu và một số tài sản cá nhân.
Ngày 15/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ra quyết định khởi tố Will Nguyễn về tội “Gây rối trật tự công cộng”theo khoản 2 Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015. Phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị tù giam từ 2 năm đến 7 năm tù, tùy theo mức độ.
Ngoài Will Nguyễn còn có khoảng 30 người khác cũng bị bắt. Chưa biết số phận của những người này ra sao.
Mở đường cho Will Nguyễn
Hôm 13/07/2018, Công tố viên tại thành phố nói với các cơ quan truyền thông rằng nếu tại phiên tòa ngày 20/7 sắp tới mà công dân Mỹ Will Nguyễn tỏ thái độ ăn năn hối cải thì sẽ được giảm án. Đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ ngày 19/07/2018 cho biết tối 18/06/2018, William Nguyễn đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước thừa nhận rằng anh đã “vi phạm luật pháp Việt Nam”. Hãng tin AFP nói rằng các tổ chức nhân quyền đã tố cáo đây là một hình thức “ép cung” để buộc những người này nhận tội.
Sáng 20/07/218, Tóa án nhân dân thành phố đã xét xử sơ thẩm bị cáo Will Nguyễn. Tại phiên tòa, Will Nguyễn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo khai đã mua vé may bay từ đầu tháng 6/2018 để về Việt Nam du lịch. Trong thời gian chuẩn bị về, bị cáo có lên mạng tìm hiểu thông tin về Việt Nam thì thấy có thông tin về cuộc biểu tình nên quyết định tham gia. Bị cáo khai trước tòa là chưa tìm hiểu sâu về 2 dự luật về đặc khu và an ninh mạng, nhưng muốn tìm hiểu về con người, văn hóa Việt Nam nên hòa vào dòng người cùng biểu tình.
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt trục xuất đối với Will Nguyễn. Trong lời nói sau cùng, William mong Hội đồng xét xử khoan hồng để về Mỹ tiếp tục con đường học tập. Hội đồng xét xử nhận định rằng bị cáo Will Nguyễn phạm tội lần đầu, là người nước ngoài, thành khẩn khai báo nên cần áp dụng điều 37 bộ luật Hình sự 2015, trục xuất bị cáo rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Chiều ngày 20/07/2018, Will Nguyễn đã rời Việt Nam trở về Houston, Texas, ngay sau khi bị tòa tuyên án trục xuất. Trên trang Facebook của mình, cô Victoria Nguyễn, em gái ông Will Nguyễn đã viết : “Will is going home !”
Can thiệp hay không can thiệp ?
Một người bạn của Will Nguyễn kể lại, khi anh ta bị bắt, anh đã la lên rằng “không được bắt người nước ngoài, anh ta không có làm gì sai hết ; nhưng những người cưỡng chế Will chặn tôi lại”. Người bạn này đã chạy lại Lãnh Sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn báo tin và cầu cứu, đồng thời nhờ nhóm người Mỹ đăng tin lên trang Expats & Locals in Ho Chi Minh City.
Anh Will Nguyễn bị một toán an ninh mặc đồ dân sự nhào tới đánh đập, chụp mặt và kéo đi trên đường phố Sài Gòn ngay 10/06/2018
Hãng tin AFP dẫn lời ông Pope Thrower, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tuyên bố : "Khi một công dân Mỹ bị giam giữ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ làm việc để cung cấp tất cả các hỗ trợ lãnh sự phù hợp".
Ngày 15/06/2018, ba dân biểu đảng Dân Chủ từ California là ông Alan Lowenthal, ông Jimmy Gomez, và ông Lou Correa đã nói chuyện với Đại sứ Mỹ Dan Kritenbrink ở Việt Nam, yêu cầu kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lập tức phóng thích Will Nguyễn. Họ cũng gửi thư đến Tổng thống Donald Trump, kêu gọi Tổng thống hãy nhanh chóng can thiệp cho Will Nguyễn được trả tự do và những cáo buộc đối với anh phải được hủy bỏ. Sau đó, 15 vị bân biểu Hoa Kỳ cũng đã đồng ký tên vào lá thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh yêu cầu giải quyết ngay vụ này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến thăm Việt Nam trong hai ngày 8 và 9/7 vừa qua. Tin Tòa Bạch Ốc cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã nêu vụ Will Nguyễn và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đẩy nhanh tiến trình giải quyết.
Tuy nhiên, theo lời Victoria Nguyễn, em gái của Will Nguyễn, chính phủ Mỹ không thực sự thúc đẩy sự việc. Cô nói với ABC News, “Họ không thực sự hối thúc vụ này. Họ hầu như né tránh đề cập tới việc này và gạt sang một bên những quan tâm và những vấn đề mà tôi đặt ra. Chúng tôi rất bất mãn”.
Thi hành Công ước Vienna 1963
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dựa theo “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự”, soạn ra những tài liệu hướng dẫn các công dân Hoa Kỳ khi đi ra ngoại quốc và trong trường hợp bị bắt phải làm thế nào. Các viên chức Hoa Kỳ có thể giúp họ những gì. Chúng tôi chỉ ghi lại dưới đây những điểm chính :
1. Khuyến cáo các công dân Hoa Kỳ khi đi ra nước ngoài :
- Hãy hiểu rằng quý vị phải tuân theo luật pháp và quy định của địa phương khi đến thăm hoặc sống trong nước đó - hãy theo những quy định đó.
- Tìm hiểu xem những luật lệ nào có thể khác với luật pháp tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cung cấp một số thông tin về từng quốc gia trên các trang Thông tin quốc gia của chúng tôi. Để biết thêm thông tin về luật của một quốc gia cụ thể, hãy liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán gần nhất của quốc gia đó tại Hoa Kỳ trước khi bạn đi du lịch.
- Yêu cầu các nhà chức trách trại giam thông báo cho đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Hoa Kỳ. Liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Hoa Kỳ gần nhất để cho chúng tôi biết về việc bắt giữ.
2. Quyền hạn của viên chức lãnh sự khi công dân Mỹ bị bắt :
Nên nhớ rằng người có nhiệm vụ giúp đỡ và bảo vệ quý vị là viên chức lãnh sự chứ không ông đại sứ hay các viên chức khác.
a) Những điều lãnh sự có thể làm :
- Cung cấp danh sách các luật sư địa phương nói tiếng Anh.
- Liên hệ với gia đình, bạn bè hoặc chủ lao động của công dân Hoa Kỳ bị giam giữ (với sự cho phép bằng văn bản của họ)
- Thăm thường xuyên công dân Hoa Kỳ bị giam giữ và cung cấp tài liệu đọc và bổ sung vitamin, nếu thích hợp.
- Đảm bảo rằng các viên chức nhà tù đang cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp.
- Cung cấp tổng quan chung về quy trình tư pháp hình sự địa phương.
- Theo yêu cầu, đảm bảo rằng các viên chức trại giam cho phép một thành viên giá-o sĩ tôn giáo thăm viếng do sự lựa chọn của tù nhân.
- Thiết lập một quỹ tín thác nếu cần thiết, để bạn bè và gia đình có thể chuyển tiền cho các công dân Hoa Kỳ bị cầm tù.
b) Những điều lãnh sự không được làm :
- Không được đưa công dân Hoa Kỳ ra khỏi tù.
- Không được nói với tòa án về bất kỳ ai có tội hoặc vô tội.
- Không được cung cấp tư vấn pháp lý hoặc đại diện cho công dân Hoa Kỳ tại tòa án.
- Không được phục vụ như phiên dịch viên hoặc biên dịch viên chính thức.
- Không được thanh toán chi phí về pháp lý, y tế hoặc các khoản phí khác.
Đến đây quý vị có thể hiểu được tại sao những nhân vật chính quyền như Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Dan Kritenbrink của Mỹ ở Việt Nam đã không có hành động can thiệp nào cả, chỉ có các lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn theo dõi mà thôi.
Hãy nhìn vào thực tế
Cuối năm 2015, một sinh viên Mỹ là Otto Frederick Warmbier, 21 tuổi, đã du lịch đến Bắc Hàn. Trước khi ra về, anh đã ăn cắp một tấm khẩu hiệu chính trị tại thủ đô Bình Nhưỡng để “làm kỷ niệm”. Ngày 2/1/2016 anh bị bắt và ngày 16/03/2016 anh đã bị tuyên phạt 15 năm tù lao động khổ sai. Chỉ một thời gian ngắn sau, Otto bị bệnh và được thả ra ngày 15/06/2017. Otto Warmbier được đưa về Mỹ trong tình trạng hôm mê rồi qua đời hôm 19/06/2017, tức chỉ 4 ngày sau khi được thả. Các cuộc khám nghiệm cho thấy không có cách nào biết chắc nguyên nhân Warmbier bị hôn mê.
Sở an ninh Bắc Hàn bắt giữ, tra tấn và giết Otto Frederick Warmbier khi chỉ có một hành vi không có gì quan trọng, là với mục đích là khuyến cáo các công dân Mỹ chớ đến nước này để quậy phá. Về chính trị, Donald Trump và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chẳng làm gi cả vì hai lý do chính : Lý do thứ nhất là còn ba công dân Mỹ đang bị Bắc Hàn giam giử, không thể hy sinh họ. Lý do thứ hai là sau lưng Kim Jong-un còn có Tập Cận Bình và Putin, nên mọi áp lực đều không có hiệu quả.
Trường hợp của Will Nguyễn, Hà Nội đã áp dụng một chính sách khác, mặc dầu mục tiêu chính vẫn là cảnh cáo người Việt hải ngoại đừng về trong nước quậy phá.
Tuy hành vi vi phạm của Will Nguyễn trong cuộc biểu tình quan trọng hơn chuyện ăn cắp cái biểu ngữ của Otto Warmbier nhiều, nhưng sau khi điều tra, Công an Việ Nam thấy hành động của Will Nguyễn chỉ là một hành động tự phát, theo cảm tính, không có lãnh đạo, không có tổ chức, không có kế hoạch, không có chiến lược và chiến thuật… nên cho rằng Will Nguyễn không phải là một thành phần nguy hiểm, nên đã nhẹ tay.
Khi cuộc đấu tranh chống Formosa ở trong nước kéo dài mà không bị giải tán, một vài nhân vật trong nước đã nói với tôi rằng phải cẩn thận, vì khi Công an để cho các cuộc nổi dậy kéo dài như thế này má không ngăn chặn, Công an đã thả người vào theo dõi, xem ai là người lãnh đạo, ai là người tổ chức, ai là người xách động… Tìm ra được người chủ chốt, họ sẽ ghi âm và quay hình để làm bằng chứng, sau đó ra lệnh dẹp biểu tình và cho đi bắt những người chủ chốt để truy tố. Khi rằn bị mất đầu, rất khó phát động các cuộc nỗi dậy khác.
Trong vụ Formasa, đã có khoảng 30 người bị bắt và bị truy tố, trong đó có nhiều người đã bị phạt tù, chẳng hạn như Hoàng Đức Bình 14 năm tù ; Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù ; Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Thị Hằng, Trịnh Xuân Thủy, Phùng Thanh Chương 2 năm tù, v.v.
Tranh đấu mà không có lãnh đạo nhưng ai cũng là lãnh tụ, không cần biết “địch” và “đồng minh” đang làm gì, không có tổ chức, không có chiến lược, không có chiến thuật, không có kế hoạch, nhìn quanh thấy ai không làm theo mình đều bị coi là tay sai cộng sản hay “đặc công cộng sản nằm vùng”... thì dù đã đấu tranh 73 năm hay hơn nữa, mọi chuyện vẫn không có gì thay dỗi.
Ngày 25/07/2017
Lữ Giang
Cho tới sát thời điểm Will Nguyễn - người thanh niên Mỹ gốc Việt đã tham dự một cách quá nhiệt tình vào cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu phản đối dự luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng tại Sài Gòn - bị đưa ra xét xử tại Tòa án TP.HCM vào ngày 20/7/2018, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam muốn nương nhẹ bản án bỏ túi về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ có thể lên đến 7 năm tù giam đối với Will Nguyễn.
Will Nguyễn tại tòa ngày 20/7/2018. (Hình : Facebook Free Will Nguyễn)
Bất ngờ và bất thường
Thậm chí báo chí nhà nước còn cho biết quan điểm của Viện kiểm sát TP.HCM là “hành vi của Nguyen William Anh đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên phải xử lý nghiêm nhằm cải tạo, giáo dục và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội”.
Thông thường trong các vụ xử án trọng điểm, quan điểm và nhận định của Viện kiểm sát được xem là ‘án chỉ đạo’. Quan điểm này có thể được xem là phép cộng quan điểm điều tra của ngành công an với tòa án, nhưng lại phải chịu tác động với mức độ có thể lên đến 50 - 100% từ phía các cơ quan đảng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính trung ương…
Còn với việc xét xử những vụ án chính trị, có thể hiểu quan điểm của công an, viện kiểm sát, tòa án và khối đảng là một. Nếu có khác biệt đôi chút chỉ là do ‘yêu cầu đối ngoại’ mà thôi.
Với quan điểm ‘phải xử lý nghiêm’ mà Viện kiểm sát TP.HCM nêu ra trước khi phiên tòa xử Will Nguyễn, hoàn toàn có thể hình dung là một mức án bỏ túi đã được sắp sẵn với Will, mà nhẹ thì 2 năm, còn trung bình thì từ 3-4 năm.
Nhưng quyết định trục xuất Will Nguyễn của tòa án vào sáng ngày 20 tháng Bảy là đầy bất ngờ. Và cũng đầy bất thường.
Khi Mike Pompeo thờ ơ…
Will Nguyễn bị công an bắt trong cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 ở Sài Gòn, và mặc dù giới Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn ra rả ‘không có việc đánh đập’, thì một video clip được loan tải rộng rãi trên mạng xã hội đã hiển thị rõ mồn một nhiều hình ảnh những kẻ mặc thường phục nhưng đậm lốt an ninh đã đánh Will Nguyễn đổ máu đầu và kéo lê anh trên đường ngay trước mặt công an mặc sắc phục, trước khi tống anh vào xe bít bùng. Đoạn video này sau đó đã có mặt cả trên nhiều tờ báo lớn trên thế giới và trở thành một trong những bằng chứng sống động nhất để dư luận quốc tế hiểu lời tuyên rao ‘Việt Nam luôn bảo đảm các quyền con người’ là ngược ngạo đến thế nào.
Chỉ 40 ngày sau khi bị bắt, Will Nguyễn đã bị đưa ra tòa. Tiến độ thời gian tố tụng hình sự quá nhanh như thế là hiếm có trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chỉ có thể so sánh với khoảng thời gian chỉ mất vài tháng kể từ lúc Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị tống giam cho tới lúc ông ta bị dẫn giải ra tòa.
Hy vọng tự do cho Will Nguyễn còn đáng thất vọng hơn sau chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mà đã không trở về Hoa Kỳ cùng với Will Nguyễn, trong khi chỉ mấy tháng trước đó quan chức ngoại giao này đã có một chuyến đàm phán thành công với Bắc Triều Tiên để mang khỏi nhà tù chế độ này 3 công dân Mỹ gốc Hàn về Hoa Kỳ cùng với mình.
Sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo trở về Hoa Kỳ từ Hà Nội, người ta cũng không nghe ông hay Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến triển vọng của vụ Will Nguyễn. Những thông tin trong và sau chuyến đi của Mike Pompeo đều phản ánh chính phủ Mỹ dường như đã hành động một cách chậm chạp và không mấy quan tâm đến trường hợp Will Nguyễn, cho dù trước đó đã được hàng chục nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là các dân biểu liên bang Hoa Kỳ như Alan Lowenthal, Jimmy Gomez và Lou Correa yêu cầu phải can thiệp đối với Will - không chỉ bảo đảm an toàn cho một công dân Mỹ mà còn thể hiện giá trị dân chủ và nhân quyền của người Mỹ từ thời George Washington.
Xét theo lẽ trên, đã khó xảy ra một cuộc đàm phán không công bố giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo với giới chóp bu Việt Nam về vụ Will Nguyễn. Và nếu có tồn tại ý đồ lợi dụng Will Nguyễn như một thứ con tin để mặc cả ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã luôn luồn lách hành xử với Mỹ trong nhiều năm qua, việc Mike Pompeo trở về Mỹ mà không có Will Nguyễn đã cho thấy ý đồ đó không còn giá trị trước một chính quyền Trump không thực sự chăm sóc nhân quyền nhưng cũng chẳng chịu để đối tác tương mại hay đối thủ chính trị nào qua mặt mình.
Vậy tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại đột nhiên ‘từ tâm’ và ‘mở lượng khoan hồng’ khi trục xuất Will Nguyễn, dù trước đó có vẻ đã bỏ túi sẵn mức án tù ít ra vài ba năm đối với anh ?
Tại sao Việt Nam lại không xử Will Nguyễn, chí ít với một mức án bằng với thời gian đã giam giữ anh để giữ thể diện ‘đã bị bắt là phải có án’ ?
Vietnam Caucus lên tiếng !
Ngay sau khi công bố quyết định trục xuất Will Nguyễn, báo chí nhà nước đã tường thuật phiên tòa với một giọng điệu khác hẳn sự hung hăng và quy chụp trước đó : Will Nguyễn ‘phạm tội lần đầu, là người nước ngoài và thành khẩn khai báo’.
Nhưng trước việc công an đạo diễn để Will Nguyễn “thú tội” trên đài truyền hình ở Việt Nam, rất nhiều người dân trong nước lại tin đó là một thủ đoạn rất thường có của Bắc Hàn khi bắt giữ và ép cung công dân Mỹ phải thú tội ở Bình Nhưỡng.
Còn nội dung ‘là người nước ngoài’ lại có vẻ liên quan đến quy định ‘do yêu cầu đối ngoại’ trong luật Đặc xá của Việt Nam, theo đó sẽ đặc xá cho những tù chính trị có yêu cầu trả tự do từ một số chính phủ trên thế giới, chủ yếu là Chính phủ Mỹ và gần đây là Chính phủ Đức.
Trong khi tác động từ Chính phủ Mỹ là quá mờ nhạt, chỉ còn một tác động quốc tế từ Quốc hội Mỹ mà có thể đã gây sức ép đủ lớn đến ‘yêu cầu đối ngoại’ của chính thể Việt Nam, để thay vì chính thể này xử Will Nguyễn một số năm tù thì cuối cùng đã bắt buộc phải xuống thang áp dụng hình thức trục xuất đối với anh - một chế tài hành chính chứ không phải theo luật Hình sự.
Đài VOA cho biết : “Vài giờ trước phiên tòa xét xử William Nguyễn diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh , một dân biểu liên bang Hoa Kỳ cảnh cáo rằng Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu kết án tù công dân Mỹ gốc Việt này…
Từ thủ đô Washington, dân biểu Dân chủ Alan Lowenthal của tiểu bang California, lên tiếng rằng anh William ‘vô tội’ trước những cáo buộc và bày tỏ hy vọng anh Will sẽ được trả tự do trong một phiên tòa xét xử công bằng. Nghị sĩ này khuyến cáo nếu Việt Nam kết án tù anh Will Nguyễn một cách bất công thì ‘sẽ có những hậu quả nhanh chóng và dứt khoát từ Quốc hội Hoa Kỳ’…
“Quyết định đó của chính quyền Việt Nam hầu như sẽ lập tức châm ngòi cho một cuộc thảo luận nghiêm túc trong Quốc Hội Hoa Kỳ về các hậu quả tài chính, ngoại giao, và chính trị đối với Việt Nam,” Alan Lowenthal nói. “Đó sẽ là một sự tính toán sai lầm nghiêm trọng nếu chính quyền Việt Nam nghĩ rằng chúng tôi sẽ cho phép anh William sống mòn mỏi trong một nhà tù nước ngoài vì những tội danh anh chưa hề vi phạm.”…
Dân biểu Alan Lowenthal đại diện các khu vực có đông đảo cử tri gốc Việt như các thành phố Westminster, Garden Grove, Anaheim, Long Beach ở bang California. Ông Lowenthal đã lên tiếng rất nhiều về các vấn đề dân quyền của Việt Nam…”
Còn đài RFA cũng dẫn lời của Dân biểu Alan Lowenthal : “Tôi nghĩ rằng vụ việc này đã khiến Quốc hội Hoa Kỳ rất quan ngại. Tôi rất ngạc nhiên bởi vì trước đây chỉ có một nhóm nhỏ trong số chúng tôi chuyên trách về các vấn đề nhân quyền, nhưng bây giờ sau vụ bắt giữ Will cũng như nỗ lực của chúng tôi để cậu ấy được trả tự do thì một số lượng lớn thành viên trong Quốc hội đã tham gia vào vụ việc này và đã đưa sự việc lên một cấp độ khác”…
Alan Lowenthal lại chính là đồng chủ tịch của nhóm Vietnam Caucus (Nhóm làm việc về Việt Nam) trong Quốc hội Mỹ.
Chính thể độc đảng ở Việt Nam - một tổ chức quá đông đảo của nhiều quan chức đảng viên nhưng lại quá ít điểm chung về ‘lý tưởng’, chỉ là một tập hợp rời rạc, đàn áp dân chúng và nhân quyền theo phương châm ‘lấy thịt đè người’, nhưng lại ‘thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ’ vào thời buổi kim tiền, sẵn sàng lên máy bay bỏ trốn sang trời Tây một khi xã hội trong nước có biến, hiển nhiên không thể bỏ qua lời cảnh cáo rất cụ thể của những nghị sĩ như Alan Lowenthal.
Người Mỹ cần rút ra bài học nào từ vụ Will Nguyễn ?
‘Mềm nắn rắn buông’ chính là như vậy. Vụ Will Nguyễn là một bài học kinh nghiệm rất đắt giá cho người Mỹ và cả Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán nhân quyền với chính thể Việt Nam.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ người Mỹ đã rút ra một bài học đắt giá : đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Nhưng dường như người Mỹ lại chưa đúc rút được một bài học khác không kém đắt giá : Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.
Từ năm 2014-2015 đến nay, Hoa Kỳ có khá đầy đủ ưu thế để thiết lập biện pháp chế tài nhân quyền trên cơ sở cán cân thương mại với Việt Nam.
Vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017.
Việt Nam vẫn đang cần đến Mỹ hơn bao giờ hết trên phương diện thương mại, nhất là làm sao để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để bù đắp cho hơn 40 - 50 tỷ USD Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc cứ sau 12 tháng.
Bởi thế, không có gì phải quá lo ngại về ‘Việt Nam bị ép sẽ ngả theo Trung Quốc’ - một lý lẽ mà giới công an và tuyên giáo Việt Nam đã cố tình cường điệu để đe dọa phương Tây và đã phần nào thành công trong những năm qua.
Thái độ và hành động mạnh mẽ cứng rắn cần thiết của phương Tây đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện thời, chứ không phải quá khứ, đang dễ mang lại kết quả không ngờ.
Một khả năng có thể đã xảy ra là chỉ đến những giờ phút cuối cùng của phiên tòa xét xử Will Nguyễn, án chỉ đạo mới đột ngột thay đổi theo cách ‘trả tự do ngay tại tòa’.
Ở Việt Nam đã từng có tiền lệ về ‘trả tự do ngay tại tòa’ : nhà hoạt động trẻ Nguyễn Phương Uyên.
Phương Uyên bị bắt vào cuối năm 2012, bị án sơ thẩm đến 6 năm tù giam. Đến tháng Tám năm 2013, tòa Việt Nam xử phúc thẩm Phương Uyên và đã đột ngột tuyên án trả tự do cho cô ngay tại tòa. Sau đó có tin cho biết Phương Uyên xếp thứ năm trong danh sách 5 tù nhân lương tâm mà phía Mỹ đã đề nghị Việt Nam trả tự do nhân cuộc gặp Barak Obama - Trương Tấn Sang tại Washington vào tháng Bảy năm 2013.
Tuy nhiên vào năm 2018 này, tác động nhằm ‘trả tự do ngay tại tòa’ có lẽ không đến từ chính phủ, mà lại từ Quốc hội Mỹ. Xem ra, nước Mỹ vẫn không quên lãng giá trị dân chủ, chỉ là địa chỉ biểu hiện cho giá trị này không còn theo cái cách như trước đây.
Vụ Will Nguyễn là một bằng chứng sống động cho thấy rốt cuộc, chế độ cộng sản ở Việt Nam đã biết phải sợ Quốc hội Hoa Kỳ như thế nào và theo cách nào.
Ngoại trưởng Mỹ nêu trường hợp Will Nguyen với Việt Nam (RFI, 09/07/2018)
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp các quan chức cao cấp Việt Nam ngày 09/07/2018 đã đề cập đến vụ Will Nguyen, một người Mỹ gốc Việt bị bắt trong cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hồi tháng 06/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội ngày 09/07/2018. Andrew Harnik/Pool via Reuters
Thông cáo của phát ngôn viên Heather Nauert cho biết : "Ngoại trưởng Pompeo đã nêu ra trường hợp của William Nguyen và khuyến khích nhanh chóng giải quyết vụ này".
William Anh Nguyen (gọi tắt là Will Nguyen) đã bị bắt hôm 10/06/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tham gia cuộc biểu tình quy mô chống dự luật Đặc khu. Dự luật này quy định cho thuê ba đặc khu kinh tế với thời hạn lên đến 99 năm, và người dân lo sợ các vùng đất chiến lược này sẽ lọt vào tay các nhà đầu tư từ Trung Quốc - một quốc gia nhiều lần xâm lược Việt Nam.
Reuters dẫn thông tin của Thông tấn xã Việt Nam, theo đó ông Will Nguyen đã "tụ tập gây bất ổn" tại thành phố Hồ Chí Minh, bị ghi hình đang cổ vũ những người biểu tình leo qua các rào chắn. Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy Will Nguyen bị thương ở đầu.
Chính quyền Việt Nam khẳng định không hề sử dụng bạo lực đối với Will Nguyen, và cho phép các viên chức lãnh sự Mỹ đến thăm người này trong trại giam.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua tại Hà Nội đã gặp gỡ chủ tịch nước Trần Đại Quang, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và hôm nay hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Ông Pompeo thăm Việt Nam sau hai ngày lưu lại Bình Nhưỡng nhằm cố gắng thuyết phục ông Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.
Thụy My
********************
Trong các cuộc thảo luận với quan chức cấp cao của Việt Nam nhân chuyến thăm Hà Nội, ông Mike Pompeo đã nêu vụ bắt giữ công dân Mỹ William Nguyễn (hay còn gọi thân mật là Will).
Ngoài nhiều vấn đề "nóng" khác như Biển Đông và Bắc Hàn hay cách thức củng cố quan hệ song phương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong một thông cáo rằng ông Pompeo "cũng nêu trường hợp William Nguyễn và thúc giục giải pháp nhanh chóng đối với vụ này".
Tuyên bố của bà Nauert nói rằng trong hai ngày 8 và 9/7, Ngoại trưởng Pompeo đã hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trước khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tới Việt Nam, cô Victoria Nguyễn, em gái của công dân Mỹ này, nói với một kênh truyền hình ở Houston, Texas, rằng "gia đình đã làm tất cả mọi điều có thể", đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Ngoại trưởng Pompeo "có thể gây áp lực lên các quan chức Việt Nam".
Trên trang Facebook vận động cho tự do của người gốc Việt cư ngụ ở tiểu bang Texas này, một dòng trạng thái hôm 7/7 viết : "Chúng tôi hy vọng rằng Will sẽ tham dự lễ tốt nghiệp vào ngày thứ Bảy, 14/7, tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore".
Tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã được dân biểu nước này chính thức yêu cầu "can thiệp" vụ anh William Nguyễn bị bắt trong khi tham gia biểu tình chống Dự luật Đặc khu và An ninh Mạng ở Thành phố Hồ Chí Minh, một ngày sau khi thanh niên Mỹ gốc Việt này nói trên truyền hình rằng hành động của mình "sai trái với pháp luật Việt Nam".
Thư gửi tới địa chỉ Nhà Trắng của ba dân biểu còn thuật lại chuyện anh William Nguyễn "tham gia một cuộc tuần hành ôn hòa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6", đồng thời trích thông tin của nhân chứng nói rằng anh William Nguyễn "đã bị tấn công dã man" trước khi bị cảnh sát bắt.
Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, cùng với một số người khác, thanh niên từng theo học Đại học Yale bị nhiều người mặc thường phục và đeo khẩu trang cùng màu túm chân, tay, kéo lê trên đường phố tới một chiếc xe buýt, trong khi đầu và mặt vấy máu.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng anh William Nguyễn "bị tạm giữ do có hành vi gây rối trật tự công cộng".
Bà cũng cho biết thêm rằng chính quyền Hà Nội đã cho phép các quan chức lãnh sự Mỹ tới thăm công dân Hoa Kỳ này.
Viễn Đông
*******************
Ngoại trưởng Mỹ nêu vụ Will Nguyễn với lãnh đạo Việt Nam (RFA, 09/07/2018)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trong những cuộc gặp giới lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội hôm thứ Hai 9/7/2018, nêu lên vụ việc công dân Mỹ gốc Việt William Anh Nguyễn đang bị Hà Nội giam giữ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh AFP
Reuters loan tin dẫn lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert đưa ra trong một thông cáo như vừa nêu. Theo đó bộ trưởng Mike Pompeo còn thúc giục Việt Nam đẩy mạnh biện pháp giải quyết vụ việc này.
William Anh Nguyễn bị lực lượng chức năng Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ từ ngày 10/6/2018 cho đến nay. Việc bắt giữ diễn ra khi anh này tham gia cuộc biểu tình của hằng ngàn người Việt Nam phản đối dự thảo Luật Đặc khu, trong đó có điều khoản cho người nước ngoài thuê đất với thời gian 99 năm. Những người biểu tình cho rằng nếu thông qua luật đó thì nguy cơ giới đầu tư Trung Quốc chiếm lĩnh ba đặc khu sẽ xảy đến. Tình trạng Bắc thuộc là bài học lớn trong lịch sử Việt Nam.
Sau đó Bộ Công an Việt Nam cho biết công dân Mỹ gốc Việt, Will Anh Nguyễn bị bắt giữ với cáo buộc "tụ tập và gây rối" tại thành phố Hồ Chí Minh. Cáo buộc được chứng minh với video có kêu gọi vượt qua các chướng ngại mà anh này đưa ra đối với những người khác.
Trong khi ấy ghi nhận qua mạng xã hội với những đoạn video cho thấy trong cuộc biểu tình ngày 10/6, Will Anh Nguyễn bị một nhóm người kéo lê trên đường trong tình trạng đầu bị chảy máu.
Chính phủ Việt Nam phủ nhận việc sử dụng vũ lực đối với Will Anh Nguyễn và đã cho phép các viên chức Hoa Kỳ đến thăm công dân trong thời gian bị giam giữ.
Gia đình Will Nguyễn tại Mỹ cũng đã vận động Quốc hội Mỹ và Bộ Ngoại giao gây sức ép với Việt Nam để Will Nguyễn sớm được trả tự do.
Hôm 15/6, ba dân biểu Mỹ là Alan Lowenthal, Jimmy Gomez, và Lou Correa đã ra thông cáo báo chí cho biết các dân biểu đã trực tiếp nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Dan Kritenbrink để bày tỏ quan tâm sâu sắc đến trường hợp Will Nguyễn. Thông cáo cho biết các dân biểu gửi ra thông điệp đến Đại sứ Mỹ là Will Nguyễn phải được trả tự do ngay lập tức, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo với chính quyền Việt Nam phải đối xử tốt và công bằng với Will Nguyễn trong lúc anh bị giam giữ.