Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/07/2018

Vụ Will Nguyễn : Pháp lý và Chính trị

Lữ Giang

Trong tháng qua, báo chí Việt ngữ trong và ngoài nước bàn khá nhiều về vụ án Will Nguyễn, một người Việt có quốc tịch Mỹ về Sài Gòn tham gia các hoạt động chống chế độ, bị bắt giam và truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị xét xử và tuyên một bản án rất nhẹ : Chỉ đóng một số tiền phạt rồi bị trục xuất. Nhiều người tin rằng sở dĩ có sự đối xử nhẹ nhàng với Will Nguyễn như vậy là nhờ sự can thiệp của các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Mỹ và trên thế giới.

Nhưng sự thật không phải như vây. Ở đây, cần có sự phân biệt giữa Pháp lý và Chính trị, mặc dầu hai yếu tố này thường tương tác với nhau.

will1

Nguyen William Anh được áp giải đến tòa. Ảnh : HOÀNG YẾN (PLO)

Có những sự khác biệt

Đọc qua tại liệu về vụ án Will Nguyễn, chúng tôi thấy cả hai chính quyền Việt – Mỹ không chịu áp lực nào hết, mà đã cố gắng giải quyết vụ này dựa theo “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự” (Vienna Convention on Consular Relations) ngày 24/04/1963 trong đó có các điều khoản liên quan đến sự bắt giữ các công dân nước ngoài. Cần nhớ rằng Mỹ bây giờ không còn là “đồng minh” của Việt Nam Cộng Hòa nối dài nữa mà là “đối tác toàn diện” của Đảng cộng sản Việt Nam, trong dó có cả an ninh và quốc phòng.

Hôm 26/06/2018, sau khi Will Nguyễn bị bắt, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert nói rằng vụ Will Nguyễn bị bắt giữ là “một lời nhắc nhở lớn với những công dân Mỹ, hay bất cứ ai có liên quan, đi tới một đất nước khác và ở đó có biểu tình hay tuần hành đang diễn ra…”.

Dĩ nhiên, trên thế giới hiện nay, còn có một số nước đã hành động không cần biết “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự” là gì như Bắc Hàn hay Miến Điện chẳng hạn. Nhưng nắm vững các quy tắc phải tuân theo khi đi ra ngoại quốc là một điều rất cần thiết. Chúng tôi xin tóm lược vụ án Will Nguyễn như một thí dụ điển hình trước khi trình bày các quy tắc này.

Sơ lược vụ án

Anh Will Nguyen, gọi theo tiếng Việt là Nguyen Willliam Anh và trên trang Facebook cá nhân là Will Nguyễn Anh Duy. Tên thường được gọi là Will Nguyễn. Will Nguyễn sinh năm 1985 tại Houston, Texas, trong một gia đình 4 con, nói tiếng Việt kiểu ngập ngừng.

Will Nguyễn tốt nghiệp cử nhân về chính sách công (public policy) ở Đại Học Yale và được học bổng cao học tại Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore. Trong khi chờ lãnh bằng cao học (Việt Nam gọi là “thạc sĩ”), Will Nguyễn đã về thăm Việt Nam nhân kỳ nghỉ trước khi tốt nghiệp.

Theo bản cáo trạng, Will Nguyễn thường xuyên theo dõi tin tức trên mạng liên quan Việt Nam nên biết có cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào ngày 10/06/2018 tại Công viên Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình, Sài Gòn. Will Nguyễn đã quyết định về tham gia.

Trước khi về Việt Nam, William Nguyễn liên lạc bằng tin nhắn với một người có chương mục “Vi Trần”, “Anthony T. Nguyen” để trao đổi về cách tham gia biểu tình. Qua trao đổi, William Nguyễn có nhắn cho “Anthony T. Nguyen” ý định của mình khi tham gia biểu tình sẽ không đem theo giấy tờ tùy thân, sẵn sàng đánh trả và bỏ trốn nếu bị lực lượng cảnh sát giải tán.

Đêm 9/06/2018, Will Nguyễn đã từ Singapore về Việt Nam bằng đường hàng không theo diện du lịch, qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, và lưu trú ở lầu 6, số 290 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Sài Gòn.

Khoảng 9 giờ ngày 10/6, William Anh đến khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ tham gia biểu tình. Khi cùng đoàn biểu tình tiến về hướng trung tâm thành phố, Will Nguyễn liên tục dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh rồi đăng trên Facebook và Twitter. Anh chia sẻ thêm là anh ủng hộ quyền của người dân Việt Nam được “thực thi nghĩa vụ công dân của mình để biểu tình chống bất công”.

Đến 13 giờ cùng ngày (10/6), đoàn biểu tình đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng (Q.3) thì bị 4 xe bán tải của lực lượng cảnh sát án chặn, Will Nguyễn đòi lực lượng cảnh sát dời xe. Khi bị từ chối, Will Nguyễn trèo qua xe bán tải để tiến về phía trước, đồng thời rung, lắc để lật xe bán tải của cảnh sát, dọn đường cho người biểu tình đi qua nhưng không được.

will2

Hình ảnh Nguyen William Anh chụp từ clip

Bản cáo trạng cho rằng hành vi của Will Nguyễn đã gây ra tắc nghẽn giao thông tuyến đường tiếp cận Sân bay Tân Sơn Nhất hơn 3 giờ. Chuỗi hành động của Will Nguyễn đã bị cơ quan công an theo dõi, ghi lại hình ảnh. Will Nguyễn đã bị bắt ngay chiều hôm đó. Hình ảnh Will Nguyễn bị thương một bên đầu, mặt đầy máu, bị bắt mang đi đã lan truyền rộng rãi trên mạng. Công an đã đến nhà trọ Airbnb mà Will Nguyễn đang cư trú, đọc lệnh khám nhà và tịch thu laptop, hộ chiếu và một số tài sản cá nhân.

Ngày 15/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ra quyết định khởi tố Will Nguyễn về tội “Gây rối trật tự công cộng”theo khoản 2 Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015. Phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị tù giam từ 2 năm đến 7 năm tù, tùy theo mức độ.

Ngoài Will Nguyễn còn có khoảng 30 người khác cũng bị bắt. Chưa biết số phận của những người này ra sao.

Mở đường cho Will Nguyễn

Hôm 13/07/2018, Công tố viên tại thành phố nói với các cơ quan truyền thông rằng nếu tại phiên tòa ngày 20/7 sắp tới mà công dân Mỹ Will Nguyễn tỏ thái độ ăn năn hối cải thì sẽ được giảm án. Đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ ngày 19/07/2018 cho biết tối 18/06/2018, William Nguyễn đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước thừa nhận rằng anh đã “vi phạm luật pháp Việt Nam”. Hãng tin AFP nói rằng các tổ chức nhân quyền đã tố cáo đây là một hình thức “ép cung” để buộc những người này nhận tội.

Sáng 20/07/218, Tóa án nhân dân thành phố đã xét xử sơ thẩm bị cáo Will Nguyễn. Tại phiên tòa, Will Nguyễn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo khai đã mua vé may bay từ đầu tháng 6/2018 để về Việt Nam du lịch. Trong thời gian chuẩn bị về, bị cáo có lên mạng tìm hiểu thông tin về Việt Nam thì thấy có thông tin về cuộc biểu tình nên quyết định tham gia. Bị cáo khai trước tòa là chưa tìm hiểu sâu về 2 dự luật về đặc khu và an ninh mạng, nhưng muốn tìm hiểu về con người, văn hóa Việt Nam nên hòa vào dòng người cùng biểu tình.

Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt trục xuất đối với Will Nguyễn. Trong lời nói sau cùng, William mong Hội đồng xét xử khoan hồng để về Mỹ tiếp tục con đường học tập. Hội đồng xét xử nhận định rằng bị cáo Will Nguyễn phạm tội lần đầu, là người nước ngoài, thành khẩn khai báo nên cần áp dụng điều 37 bộ luật Hình sự 2015, trục xuất bị cáo rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Chiều ngày 20/07/2018, Will Nguyễn đã rời Việt Nam trở về Houston, Texas, ngay sau khi bị tòa tuyên án trục xuất. Trên trang Facebook của mình, cô Victoria Nguyễn, em gái ông Will Nguyễn đã viết : “Will is going home !”

Can thiệp hay không can thiệp ?

Một người bạn của Will Nguyễn kể lại, khi anh ta bị bắt, anh đã la lên rằng “không được bắt người nước ngoài, anh ta không có làm gì sai hết ; nhưng những người cưỡng chế Will chặn tôi lại”. Người bạn này đã chạy lại Lãnh Sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn báo tin và cầu cứu, đồng thời nhờ nhóm người Mỹ đăng tin lên trang Expats & Locals in Ho Chi Minh City.

will3

Anh Will Nguyễn bị một toán an ninh mặc đồ dân sự nhào tới đánh đập, chụp mặt và kéo đi trên đường phố Sài Gòn ngay 10/06/2018

Hãng tin AFP dẫn lời ông Pope Thrower, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tuyên bố : "Khi một công dân Mỹ bị giam giữ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ làm việc để cung cấp tất cả các hỗ trợ lãnh sự phù hợp".

Ngày 15/06/2018, ba dân biểu đảng Dân Chủ từ California là ông Alan Lowenthal, ông Jimmy Gomez, và ông Lou Correa đã nói chuyện với Đại sứ Mỹ Dan Kritenbrink ở Việt Nam, yêu cầu kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lập tức phóng thích Will Nguyễn. Họ cũng gửi thư đến Tổng thống Donald Trump, kêu gọi Tổng thống hãy nhanh chóng can thiệp cho Will Nguyễn được trả tự do và những cáo buộc đối với anh phải được hủy bỏ. Sau đó, 15 vị bân biểu Hoa Kỳ cũng đã đồng ký tên vào lá thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh yêu cầu giải quyết ngay vụ này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến thăm Việt Nam trong hai ngày 8 và 9/7 vừa qua. Tin Tòa Bạch Ốc cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã nêu vụ Will Nguyễn và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đẩy nhanh tiến trình giải quyết. 

Tuy nhiên, theo lời Victoria Nguyễn, em gái của Will Nguyễn, chính phủ Mỹ không thực sự thúc đẩy sự việc. Cô nói với ABC News, “Họ không thực sự hối thúc vụ này. Họ hầu như né tránh đề cập tới việc này và gạt sang một bên những quan tâm và những vấn đề mà tôi đặt ra. Chúng tôi rất bất mãn”.

Thi hành Công ước Vienna 1963

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dựa theo “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự”, soạn ra những tài liệu hướng dẫn các công dân Hoa Kỳ khi đi ra ngoại quốc và trong trường hợp bị bắt phải làm thế nào. Các viên chức Hoa Kỳ có thể giúp họ những gì. Chúng tôi chỉ ghi lại dưới đây những điểm chính :

1. Khuyến cáo các công dân Hoa Kỳ khi đi ra nước ngoài :

- Hãy hiểu rằng quý vị phải tuân theo luật pháp và quy định của địa phương khi đến thăm hoặc sống trong nước đó - hãy theo những quy định đó.

- Tìm hiểu xem những luật lệ nào có thể khác với luật pháp tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cung cấp một số thông tin về từng quốc gia trên các trang Thông tin quốc gia của chúng tôi. Để biết thêm thông tin về luật của một quốc gia cụ thể, hãy liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán gần nhất của quốc gia đó tại Hoa Kỳ trước khi bạn đi du lịch.

- Yêu cầu các nhà chức trách trại giam thông báo cho đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Hoa Kỳ. Liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Hoa Kỳ gần nhất để cho chúng tôi biết về việc bắt giữ.

2. Quyền hạn của viên chức lãnh sự khi công dân Mỹ bị bắt :

Nên nhớ rằng người có nhiệm vụ giúp đỡ và bảo vệ quý vị là viên chức lãnh sự chứ không ông đại sứ hay các viên chức khác.

a) Những điều lãnh sự có thể làm :

- Cung cấp danh sách các luật sư địa phương nói tiếng Anh.

- Liên hệ với gia đình, bạn bè hoặc chủ lao động của công dân Hoa Kỳ bị giam giữ (với sự cho phép bằng văn bản của họ)

- Thăm thường xuyên công dân Hoa Kỳ bị giam giữ và cung cấp tài liệu đọc và bổ sung vitamin, nếu thích hợp.

- Đảm bảo rằng các viên chức nhà tù đang cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp.

- Cung cấp tổng quan chung về quy trình tư pháp hình sự địa phương.

- Theo yêu cầu, đảm bảo rằng các viên chức trại giam cho phép một thành viên giá-o sĩ tôn giáo thăm viếng do sự lựa chọn của tù nhân.

- Thiết lập một quỹ tín thác nếu cần thiết, để bạn bè và gia đình có thể chuyển tiền cho các công dân Hoa Kỳ bị cầm tù.

b) Những điều lãnh sự không được làm :

- Không được đưa công dân Hoa Kỳ ra khỏi tù.

- Không được nói với tòa án về bất kỳ ai có tội hoặc vô tội.

- Không được cung cấp tư vấn pháp lý hoặc đại diện cho công dân Hoa Kỳ tại tòa án.

- Không được phục vụ như phiên dịch viên hoặc biên dịch viên chính thức.

- Không được thanh toán chi phí về pháp lý, y tế hoặc các khoản phí khác.

Đến đây quý vị có thể hiểu được tại sao những nhân vật chính quyền như Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Dan Kritenbrink của Mỹ ở Việt Nam đã không có hành động can thiệp nào cả, chỉ có các lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn theo dõi mà thôi.

Hãy nhìn vào thực tế

Cuối năm 2015, một sinh viên Mỹ là Otto Frederick Warmbier, 21 tuổi, đã du lịch đến Bắc Hàn. Trước khi ra về, anh đã ăn cắp một tấm khẩu hiệu chính trị tại thủ đô Bình Nhưỡng để “làm kỷ niệm”. Ngày 2/1/2016 anh bị bắt và ngày 16/03/2016 anh đã bị tuyên phạt 15 năm tù lao động khổ sai. Chỉ một thời gian ngắn sau, Otto bị bệnh và được thả ra ngày 15/06/2017. Otto Warmbier được đưa về Mỹ trong tình trạng hôm mê rồi qua đời hôm 19/06/2017, tức chỉ 4 ngày sau khi được thả. Các cuộc khám nghiệm cho thấy không có cách nào biết chắc nguyên nhân Warmbier bị hôn mê.

Sở an ninh Bắc Hàn bắt giữ, tra tấn và giết Otto Frederick Warmbier khi chỉ có một hành vi không có gì quan trọng, là với mục đích là khuyến cáo các công dân Mỹ chớ đến nước này để quậy phá. Về chính trị, Donald Trump và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chẳng làm gi cả vì hai lý do chính : Lý do thứ nhất là còn ba công dân Mỹ đang bị Bắc Hàn giam giử, không thể hy sinh họ. Lý do thứ hai là sau lưng Kim Jong-un còn có Tập Cận Bình và Putin, nên mọi áp lực đều không có hiệu quả.

Trường hợp của Will Nguyễn, Hà Nội đã áp dụng một chính sách khác, mặc dầu mục tiêu chính vẫn là cảnh cáo người Việt hải ngoại đừng về trong nước quậy phá.

Tuy hành vi vi phạm của Will Nguyễn trong cuộc biểu tình quan trọng hơn chuyện ăn cắp cái biểu ngữ của Otto Warmbier nhiều, nhưng sau khi điều tra, Công an Việ Nam thấy hành động của Will Nguyễn chỉ là một hành động tự phát, theo cảm tính, không có lãnh đạo, không có tổ chức, không có kế hoạch, không có chiến lược và chiến thuật… nên cho rằng Will Nguyễn không phải là một thành phần nguy hiểm, nên đã nhẹ tay.

Khi cuộc đấu tranh chống Formosa ở trong nước kéo dài mà không bị giải tán, một vài nhân vật trong nước đã nói với tôi rằng phải cẩn thận, vì khi Công an để cho các cuộc nổi dậy kéo dài như thế này má không ngăn chặn, Công an đã thả người vào theo dõi, xem ai là người lãnh đạo, ai là người tổ chức, ai là người xách động… Tìm ra được người chủ chốt, họ sẽ ghi âm và quay hình để làm bằng chứng, sau đó ra lệnh dẹp biểu tình và cho đi bắt những người chủ chốt để truy tố. Khi rằn bị mất đầu, rất khó phát động các cuộc nỗi dậy khác.

Trong vụ Formasa, đã có khoảng 30 người bị bắt và bị truy tố, trong đó có nhiều người đã bị phạt tù, chẳng hạn như Hoàng Đức Bình 14 năm tù ; Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù ; Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Thị Hằng, Trịnh Xuân Thủy, Phùng Thanh Chương 2 năm tù, v.v.

Tranh đấu mà không có lãnh đạo nhưng ai cũng là lãnh tụ, không cần biết “địch” và “đồng minh” đang làm gì, không có tổ chức, không có chiến lược, không có chiến thuật, không có kế hoạch, nhìn quanh thấy ai không làm theo mình đều bị coi là tay sai cộng sản hay “đặc công cộng sản nằm vùng”... thì dù đã đấu tranh 73 năm hay hơn nữa, mọi chuyện vẫn không có gì thay dỗi.

Ngày 25/07/2017

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 1061 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)