Chính quyền Việt Nam hôm 1/12/2020 đã gửi điện mừng đến tổng thống đắc cử Joe Biden sau gần một tháng im lặng. Dù vậy không ít người dân Việt Nam vẫn hoang tưởng cho rằng Trump có thể lật ngược được kết quả. Sự mê muội này sẽ kết thúc sau hai tuần nữa khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu chọn tổng thống Mỹ, một hành động mang tính tượng trưng. Muộn nhất là sau ngày 20/1/2021, khi Biden tuyên thệ nhậm chức thì nạn cuồng Trump mới có thể chấm dứt.
Cơn mê nào rồi cũng qua đi. Chỉ sau một thời ngắn thì đa số những người Việt cuồng Trump hôm nay sẽ quên đi việc họ từng ủng hộ Trump. Một số ít sẽ cảm nhận được sự bẽ bàng và nông cạn của mình. Thật ra người dân không đáng trách. Đáng trách và đáng buồn là những người xem mình trí thức nhưng đã lên tiếng ủng hộ Trump. Những người này hoặc là quá thiếu kiến thức về chính trị hoặc là gian. Gian là những người biết Trump xấu nhưng vẫn tung hô để câu like hoặc kiếm tiền trên Youtube. Họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nông cạn của quần chúng để kiếm tiền. Họ giam hãm trí tuệ của quần chúng trong tăm tối và đẩy người dân lún sâu vào sự mê muội.
Nhiều kẻ gian, biết Trump xấu nhưng vẫn tung hô và lợi dụng để kiếm tiền…
Người dân và trí thức Việt Nam cần rút ra bài học gì từ Donald Trump ?
Cần học hỏi để có kiến thức về chính trị
Văn hóa Khổng giáo và di sản lịch sử để lại một ngộ nhận nguy hiểm khi cho rằng chính trị không cần phải học. Nhiều người không biết gì về chính trị nhưng luôn xác quyết một cách chắc nịch về chính trị. Môi trường học hỏi về chính trị là các tổ chức chính trị có tư tưởng và chiều sâu. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một môi trường như thế. Một người quan tâm đến chính trị và có ưu tư với đất nước thì chỉ cần đọc Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tổ Quốc Ăn Năn và các bài viết thường xuyên của anh em Tập Hợp là có thể có được kiến thức khá đầy đủ về chính trị. Các bài viết và ý kiến của các thân hữu (cảm tình viên) Tập Hợp trên Facebook đã chứng minh cho điều đó.
Chính trị rất khó khăn và phức tạp chứ không hề dễ dàng vì chính trị là bộ môn tổng hợp của tất cả các bộ môn. Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là phải xem chính trị và các hoạt động chính trị như là một lĩnh vực cao quí và trong sáng như bao nghề nghiệp khác chứ không phải là thủ đoạn và gian manh. Nếu ngay từ đầu đã mặc định trong đầu rằng chính trị là bẩn thỉu và xấu xa thì có lý do gì để bàn luận hoặc tham gia vào chính trị ?
Cần cảnh giác với chủ nghĩa dân túy
Chủ nghĩa dân túy (populism) là gì ? Hiểu đơn giản thì đó là sự lợi dụng tình trạng phẫn nộ, có thể chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mị dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng không thể thực hiện được vì vừa sai vừa nguy hiểm (1).
Tất cả các chính trị gia dân túy đều mị dân. Chủ nghĩa cộng sản, phát xít, Hồi giáo cực đoan… cũng là dân túy. Đối tượng đầu tiên mà họ nhắm vào là tầng lớp ít học, thiếu hiểu biết và thiếu kiến thức. Họ chinh phục tầng lớp này và dùng lực lượng này để gây áp lực lên xã hội và giành chiến thắng. Họ sẽ thất bại trong thời gian ngắn sau khi đập phá đất nước và gây ra nhiều đổ vỡ kinh hoàng.
Donald Trump không chỉ gây chia rẽ trầm trọng cho nước Mỹ mà còn chia rẽ thêm một dân tộc khác là Việt Nam. Nếu không phân tích và nhận diện sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy thì trong tương lai, một lực lượng dân túy như vậy có thể giành được chính quyền khi Đảng cộng sản tan rã và rút lui khỏi chính trường. Họ sẽ lợi dụng và khai thác tối đa các bất mãn trong xã hội khiến cho đất nước rơi vào tình trạng nội chiến hoặc hỗn loạn. Khi đó chính Đảng cộng sản và các đảng viên sẽ là nạn nhân đầu tiên của chính quyền dân túy. Việc Đảng cộng sản ủng hộ Donald Trump và chủ nghĩa dân túy là một sai lầm lớn vì họ chính là đối tượng bị người dân thù ghét nhất.
Phong trào cộng sản tại Việt Nam năm 1945 là dân túy, họ khai thác và dựa vào sự bất mãn chính đáng của người dân trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước để kêu gọi làm cách mạng. Nhóm người họ nhắm vào đầu tiên là dân nghèo, thiếu hiểu biết và không có kiến thức về chính trị nhằm tạo ra một đám đông ủng hộ cơ bản. Đám đông ít học này rất ồn ào, to tiếng và dễ bị kích động. Sự cuồng nhiệt của đám đông này sẽ lôi kéo sự chú ý của dư luận và một số trí thức. Sự tham gia của các trí thức sau đó càng làm cho phong trào sôi nổi và gây tác động mạnh mẽ lên toàn xã hội. Khi đã trở thành một làn sóng thì phong trào dân túy sẽ cuốn đi tất cả, không còn ai dám chống lại và nghĩ khác. Các tiếng nói khác biệt, nếu có cũng sẽ nhanh chóng bị đè bẹp bởi đám đông. Khi mọi người chợt tỉnh thì đã muộn vì mọi việc đã đi quá xa.
Đảng Cộng hòa Mỹ hoàn toàn bị Trump chi phối thay vì chi phối Trump.
Phải dứt khoát nói không với chế độ tổng thống
Hầu hết các chính trị gia trong chế độ tổng thống đều là dân túy. Quan tâm của họ là làm sao mị dân cho giỏi để lấy được nhiều phiếu hơn là ưu tư về một giải pháp chính trị cho đất nước. Chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào một người nên hậu quả tự nhiên của nó là vô hiệu hóa và làm tan nát các chính đảng. Đảng Cộng hòa Mỹ hoàn toàn bị Trump chi phối thay vì chi phối Trump.
Chế độ tổng thống khiến cho tư tưởng chính trị và dân trí xuống cấp, bởi vì các chính đảng vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến vừa là cỗ xe chuyên chở các ý kiến tới quần chúng. Trên thực tế, Mỹ hiện nay không còn các chính đảng. Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chỉ còn là những bộ máy gây quỹ và tranh cử.
Chúng ta có thể thấy chủ nghĩa dân túy chỉ bùng phát và thành công ở các nước theo chế độ tổng thống trong khi đó ảnh hưởng của nó rất giới hạn tại các nước theo chế độ nghị viện.
Việt Nam trong tương lai nên chọn chế độ chính trị "đại nghị và tản quyền" vì tính dân chủ và giản dị của nó.
"Trong chế độ đại nghị, quyền hành pháp ở trong tay một thủ tướng do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Như thế khi bầu ra một Quốc hội, một cách gián tiếp, người dân cũng chọn lựa một thủ tướng. Ưu điểm của chế độ đại nghị là người dân bầu trước hết cho một dự án chính trị của một đảng thay vì cho một người và sau đó chọn lựa một dân biểu trong số những ứng cử viên sinh hoạt gần gũi với họ mà họ có điều kiện để đánh giá ; qua dân biểu của họ, họ cũng có khả năng theo dõi và kiểm soát một cách thường trực sinh hoạt của chính phủ".
(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, "Chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng hòa Việt Nam")
Donald Trump ở tận nước Mỹ mà còn gây chia rẽ người dân Việt Nam, nếu một người như Donald Trump xuất hiện ở Việt Nam thì nội chiến xảy ra là điều khó tránh. Việt Nam trong tương lai phải dứt khoát nói không với chế độ tổng thống.
Tranh đấu phải có tư tưởng
Tư tưởng chính trị là gì ? Tư tưởng chính trị là toàn bộ những suy nghĩ về các vấn đề chính trị của quốc gia cũng như quốc tế. Tư tưởng chính trị là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về các vấn đề liên quan đến phương thức tổ chức xã hội (2).
Tư tưởng chính trị giống như một cái la bàn để những người đấu tranh không bị mất phương hướng. Tư tưởng chính trị là thứ bắt buộc phải có với một chính đảng dù là trong một chế độ đã có dân chủ hay đang tranh đấu.
Tư tưởng chính trị giúp cho những người tranh đấu không bị lạc đường hoặc sa đà vào những biến cố xảy ra thường xuyên. Tư tưởng chính trị giúp cho người tranh đấu có chiều sâu và kiến thức căn bản về các khái niệm của dân chủ. Nhiều người tranh đấu ủng hộ cuồng nhiệt Trump vì họ bị lẫn lộn các giá trị. Họ không nhìn thấy sự khiếm khuyết và thiếu hụt các giá trị đạo đức và dân chủ nơi con người Trump.
Tư tưởng chính trị cũng giúp người tranh đấu biết mình cần gì, muốn gì và đâu là cái đích cuối cùng…
Chính vì không có tư tưởng và không nắm vững các khái niệm căn bản của dân chủ, không hiểu rõ các phẩm giá cần thiết của một người dân chủ nên nhiều người tranh đấu đã đặt niềm tin vào Trump mà không dựa trên một cơ sở nào. Tình cảm đã thay thế cho lý trí.
Tư tưởng chính trị đã giúp cho Tập Hợp không bao giờ bị lạc đường…
Đấu tranh là phải có tổ chức
Muốn có tư tưởng chính trị thì phải tham gia vào một tổ chức chính trị. Tổ chức là nơi sàng lọc và sản xuất các ý kiến. Chỉ có những người có kiến thức và hiểu biết ngang nhau mới có thể thảo luận về chính trị một cách có hiệu quả. Các cuộc thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội thường không đi đến đâu vì sự bát nháo của thành phần tham gia. Cũng chỉ có những người quan tâm thật sự đến đất nước và chia sẻ với nhau các giá trị chung thì mới có thể đào sâu được vấn đề.
Chính trị là công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều ưu tư, kiến thức tổng hợp mà không phải ai cũng có vì vậy những người làm chính trị luôn là một thiểu số. Bỏ qua tầng lớp thiểu số trí thức này để đi thẳng vào quần chúng là một sai lầm. Nên nhớ tổ chức chính trị là cỗ xe chuyên chở kiến thức chính trị đến với người dân chứ không phải các câu lạc bộ trí thức hay các giảng đường đại học.
Tổ chức cũng là nơi cho chúng ta sức mạnh và sự dũng cảm vì "hợp quần gây sức mạnh".
Nhiều trí thức Việt Nam đã ủng hộ Trump vì bị đám đông quần chúng lôi cuốn. Họ là những cá nhân cô đơn nên không dám lội ngược dòng để bảo vệ chính kiến và lẽ phải. Những trí thức dũng cảm khi phản đối Trump ở trong nước như Phạm Đình Trọng, Võ Văn Tạo, Phạm Lê Vương Các, Hồ Trung Tú, Huy Đức… chỉ là thiểu số nhỏ.
Anh em Tập Hợp biết rõ và có lý do chính đáng khi chỉ trích Trump vì chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau. Chúng tôi cũng rất may mắn được ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà tư tưởng chính trị lớn của Việt Nam tận tình hướng dẫn và chỉ bảo. Cũng nhờ có tổ chức mà chúng tôi có kiến thức và sự tự tin nên luôn vững vàng trước mọi sóng gió. Chúng tôi biết rõ đâu là cái đích của mình. Chúng tôi đi chậm nhưng sẽ không bao giờ lạc đường. Những bạn trẻ muốn tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ mà không muốn lạc đường hãy tham gia và nhập cuộc cùng chúng tôi.
Việt Hoàng
(5/12/2020)
-------------------
(1) Việt Hoàng, "Donald Trump và chủ nghĩa dân túy", Thông Luận, 05/08/2020
(2) Việt Hoàng, "Sức mạnh của tư tưởng chính trị", Thông Luận, 18/08/2020
Người Việt thông minh, chịu khó, có thể học hỏi rất nhanh và thành công trong mọi lĩnh vực trừ một lĩnh vực đó là đấu tranh chính trị. Sau bao nhiêu hy sinh và cố gắng mà đến giờ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ là vì chúng ta vẫn chưa hiểu rõ và hiểu đúng về "đấu tranh chính trị". Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để tìm câu trả lời vì sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ. Kết luận của chúng tôi là trí thức Việt Nam chưa hiểu và chưa biết thế nào là đấu tranh chính trị.
Đầu tiên xin được minh định một điều là những nhân sĩ mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhắc đến là những người có tham vọng chính trị, có mong muốn trở thành những chính trị gia hoặc tham gia vào bộ máy chính quyền hậu cộng sản. Còn những người chỉ lên tiếng vì lương tâm thì chúng tôi lúc nào cũng tôn trọng và xem họ như những đồng minh quí báu trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Thêm nữa, một tiến sĩ nghiên cứu về chính trị mà không tranh đấu thì cũng chỉ là một học giả quần chúng.
Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức
Trong đấu tranh chính trị có một đặc điểm quan trọng là "phải đấu tranh có tổ chức". Tuy nhiên nhìn vào thực tại Việt Nam chúng ta có thể thấy là các tổ chức chính trị rất ít và hầu như chỉ có đấu tranh cá nhân (nhân sĩ). Vậy đấu tranh cá nhân có phải là đấu tranh chính trị không ? Theo quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì đó không phải là đấu tranh chính trị. Vậy gọi là gì ? Có lẽ nên gọi họ là "những tiếng nói của lương tâm". Họ là những người thấy bất công thì lên tiếng phản đối chứ không hẳn vì theo đuổi một lý tưởng.
Nhân sĩ là những người có hiểu biết, bản tính tốt vì thế không thể chấp nhận một xã hội bất công và vô lý như hiện nay. Nhiều người trong số họ không có tham vọng chính trị. Có người cho rằng sau này khi đất nước có dân chủ thì họ sẽ rút lui và sống một cuộc đời bình thường…
Việc họ "lên tiếng" vì tức giận, phẫn nộ trước những bất công, sai trái và xấu xa do chính quyền gây ra là hoàn toàn chính đáng nhưng đó không phải là tất cả. Tranh đấu trong chính trị không chỉ mỗi phản đối cái xấu, cái tồi tệ mà còn phải thiết lập và tạo ra cái đúng, cái đẹp, cái tốt… tức là phải chiến thắng để thay đổi xã hội.
Tranh đấu là để chiến thắng và thay đổi xã hội
Nhiều người hoạt động hiện nay ngộ nhận giữa tranh đấu chính trị và lên tiếng vì lương tâm. Vì sao ? Câu trả lời cũng giản dị. Trong suốt dòng lịch sử, Việt Nam chưa từng có dân chủ cho nên người Việt Nam chưa biết thế nào là đấu tranh chính trị. Họ tưởng lên tiếng phản đối chế độ là đấu tranh chính trị. Hoàn toàn không phải như vậy.
Một ngộ nhận lớn nữa của các nhân sĩ là họ cho rằng việc lên tiếng chỉ trích chế độ có tác dụng "khai dân trí". Họ tin khi người dân hiểu được vấn đề thì sẽ đứng dậy làm một cuộc cách mạng. Không có gì đảm bảo cho điều đó cả. Phan Chu Trinh đã khởi xướng công cuộc "khai dân trí" từ hơn 100 năm trước và đến bây giờ "dân trí" vẫn thấp và vẫn chưa có cuộc cách mạng dân chủ nào. Sự thực là người dân đã quá hiểu rõ chế độ này rồi chứ không cần các nhân sĩ chỉ cho họ nữa. Không tin cứ hỏi bà Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải và hàng triệu dân oan xem họ nhận xét thế nào về chế độ cộng sản ? Họ hiểu bản chất của chế độ nhưng thay đổi chế độ chắc chắn không phải việc của họ vì họ không có khả năng đó.
Những người tranh đấu vì lý tưởng hoàn toàn khác, họ dễ dàng tham gia vào một tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức. Gọi họ là những nhà cách mạng cũng đúng. Họ tranh đấu để chiến thắng chứ không phải vì danh tiếng. Cách mạng là thay đổi toàn diện và triệt để thể chế chính trị hiện tại bằng một thể chế mới, tiến bộ và văn minh hơn. Người có lý tưởng là người sẵn sàng chấp nhận dấn thân đến cùng cho mục đích của mình. Làm chính trị cũng gần giống với đi tu, phải hy sinh những ham muốn, đam mê đời thường để dành thời gian và mọi cố gắng cho lý tưởng của đời mình.
100 năm sau phong trào "khai dân trí" do Phan Châu Trinh khởi xướng thì dân trí người Việt vẫn thấp ?
Ông Hồ và những người cộng sản thế hệ đầu tiên là những người có lý tưởng (dù sai). Khi ông Hồ đọc được bản "Luận cương của Lênin về dân tộc và thuộc địa" thì đã sướng đến phát khóc và kêu lên : "Đây rồi, đây rồi". Hiện tại có bao nhiêu người đọc được một tài liệu hay mà có cảm giác sung sướng như vậy ? Có bao nhiêu người sẵn sàng dấn thân đến cùng cho lý tưởng dân chủ ?
Cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước là một mục tiêu, một lý tưởng quá lớn và quá khó chính vì thế những người tranh đấu thực sự phải tìm đến những người có cùng chí hướng và phải kết hợp với nhau trong một tổ chức. Thay đổi xã hội không phải là mục tiêu của các nhân sĩ nên cho dù là người tốt nhưng họ chỉ tranh đấu một mình, suốt đời và chống lại cả những người dân chủ khác có khả năng thành công hơn.
Các nhân sĩ luôn muốn thành công nhanh và sớm nổi tiếng nhưng cái giá họ phải đánh đổi rất lớn. Đầu tiên là họ sẽ mất tự do, không còn cuộc sống riêng tư và thậm chí còn bị chính quyền truy đuổi, đánh đập và bắt bớ. Các nhân sĩ sẽ bị chính quyền triệt đường sống và bị gây cản trở đủ điều. Đổi lại họ sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân từ sự nổi tiếng của mình. Sự ủng hộ này có thể là vật chất hoặc tinh thần. Cái khó của các nhân sĩ là họ phải hâm nóng và làm mới mình thường xuyên vì quần chúng rất… nhanh quên. Đây là một áp lực rất lớn cho các nhân sĩ khiến họ không còn thời gian và ưu tư để làm những việc khác.
Văn hóa Khổng giáo khiến cho trí thức Việt Nam ngàn đời nay xem việc dấn thân tranh đấu là vì cái Danh. Nguyễn Công Trứ từng đúc kết rất rõ ràng mục tiêu của một nhân sĩ : "Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có Danh gì với núi sông". Với các nhân sĩ, danh tiếng là tất cả. Danh lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng từng người nhưng chỉ cần có chút danh là đủ thỏa mãn các nhân sĩ. Đa phần trí thức Việt Nam đều cố gắng học hành đỗ đạt để rồi phục vụ cho một chính quyền. Việc chính quyền đó tốt hay xấu, tử tế hay hung bạo, lương thiện hay gian trá… không phải việc của họ. Có thể họ sẽ góp ý nhưng nếu chính quyền không nghe thì họ… cũng thôi. Trí thức Khổng giáo sinh ra để phục vụ chính quyền chứ không phải để hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng.
Một lý do khiến các hoạt động nhân sĩ sôi nổi đó là vì họ thấy cuộc đời ngắn ngủi nên muốn có thành công sớm ngay trước mắt. Họ theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn và thực tiễn mà họ cho là phù hợp, tuy nhiên nếu đi quá xa thì họ sẽ đánh mất mình. Không ít trí thức chọn cách hợp tác với chính quyền để thay đổi từ bên trong nhưng thực tế là họ bị hòa tan bởi chính quyền.
Như vậy, các nhân sĩ, ngay cả những người tốt nhất và mạnh mẽ nhất cũng chỉ mới đi được nửa đoạn đường. Sự lên tiếng của họ chỉ có ảnh hưởng tương đối lên xã hội chứ không nhiều như họ nghĩ nhưng đã gây cho quần chúng một ngộ nhận rất lớn đó là đấu tranh chính trị không cần tổ chức mà chỉ cần tạo danh tiếng cá nhân là đủ. Fan của một nhân sĩ nổi tiếng nhất cũng chỉ bằng một phần nhỏ của một ca sĩ hay danh hài hiện nay. Không nên ảo tưởng về sự nổi tiếng và ảnh hưởng của các nhân sĩ.
Rất nhiều nhân sĩ bị chính quyền đàn áp, kết án bởi những bản án khá nặng nhưng sự thực là sự hy sinh đó không để lại một di sản nào đáng kể. Đừng lầm tưởng sự hy sinh đó với lý tưởng. Có những người mang trong mình bản chất mạnh mẽ, can đảm và cứng cỏi. Linh mục Nguyễn Văn Lý là một ví dụ. Họ đương đầu với chính quyền và chấp nhận những hy sinh. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là những anh hùng cô đơn như Lục Vân Tiên. Họ không để lại di sản gì đáng kể cho hậu thế. Ngay cả Phan Châu Trinh cũng chỉ để lại cho hậu thế một di sản khá khiêm tốn là phương pháp "đấu tranh bất bạo động". Công cuộc "khai dân trí" của ông xem như thất bại vì 100 năm trôi qua mà dân trí về dân chủ của người Việt Nam cũng không khá lên được bao nhiêu.
Cũng nên đoạn tuyệt với phương pháp tranh đấu của Nguyễn Thái Học là "không thành công cũng thành nhân". Người có lý tưởng là làm mọi cách để "thành công". Với những người tranh đấu có lý tưởng, vì một mục tiêu cao cả, nếu không thành công trong hiện tại thì họ cũng để lại cho hậu thế một di sản đẹp và đáng giá mà các thế hệ mai sau có thể tiếp nối trong tự hào. Dù hoàn cảnh nào đi nữa thì những người tranh đấu có lý tưởng luôn có một cuộc sống, dù đạm bạc nhưng rất thoải mái và hãnh diện. Cứ nhìn vào những vị tu sĩ thì sẽ thấy được sự an nhiên, tự tại của họ.
Đấu tranh chính trị luôn là dấn thân và đam mê của một thiểu số nhỏ tinh hoa trong mỗi dân tộc.
Như vậy có thể kết luận rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức. Một tổ chức chính trị bắt buộc phải có hai thứ, một là "tư tưởng chính trị", tức là đường lối, cương lĩnh hay lộ trình tranh đấu. Thứ hai, một tổ chức chỉ có thực chất khi có một đội ngũ nhân sự nắm rõ tư tưởng của tổ chức, chia sẻ và gắn kết xung quanh một lý tưởng chính trị.
Xin nhắc lại một đúc kết của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là những người tranh đấu chỉ có thể đoàn kết và gắn bó với nhau trên một tư tưởng chính trị chứ không thể đoàn kết trên các mục tiêu cụ thể. Lý do, các mục tiêu cụ thể thường có nhiều giải pháp khác nhau. Hôm nay đồng ý trên giải pháp này ngày mai trên một giải pháp khác và cuối cùng là bất đồng rồi chia tay.
Đấu tranh chính trị luôn là dấn thân và đam mê của một thiểu số nhỏ tinh hoa trong mỗi dân tộc. Ngoài năng khiếu, đam mê ra thì chính trị cũng cần phải học hỏi vì chính trị đòi hỏi một kiến thức tổng hợp, đó là một bộ môn khó nhất trong các bộ môn, là chuyên môn tổng hợp của mọi chuyên môn (*).
Trong tương lai của một nước Việt Nam dân chủ thì những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp trong các tổ chức sẽ có một chổ đứng xứng đáng. Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có nhận định rằng :
"Mọi chế độ dân chủ đích thực đều phải trân trọng sinh hoạt chính đảng…Trong hoàn cảnh nước ta, sau bao năm dài dưới các chế độ độc tài, mọi sinh hoạt chính trị đều bị đàn áp. Các chính đảng không những cần thiết mà còn cần được khai sinh, khuyến khích và nuôi dưỡng. Các chính đảng là yếu tố không thể thiếu cho đất nước và vì thế quốc gia không những không được cấm cản mà còn phải yểm trợ cho sinh hoạt của các chính đảng".
(Chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng Hòa Việt Nam)
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị dành 1% ngân sách quốc gia để tài trợ cho các chính đảng ở cấp trung ương và một tỉ lệ tương đương cho các chính quyền vùng. Con số này có người nghĩ là quá lớn nhưng sẽ tránh cho các chính đảng trở thành con tin của các thế lực tài phiệt. Hơn nữa khi các chính đảng không phải mất thời gian tìm kiếm những nguồn tài trợ (có thể bất chính) thì họ sẽ yên tâm cống hiến cho đất nước. Cũng chỉ khi đó các sinh hoạt chính trị mới thật sự trong sạch, lành mạnh và nghiêm túc. Nền dân chủ của Việt Nam sẽ bền vững và thăng tiến.
Việt Hoàng
(15/05/2020)
(*) Nguyễn Gia Kiểng, 45 năm sau, một truyện thuyết cho tương lai, 02/05/2020
Trong tháng qua, báo chí Việt ngữ trong và ngoài nước bàn khá nhiều về vụ án Will Nguyễn, một người Việt có quốc tịch Mỹ về Sài Gòn tham gia các hoạt động chống chế độ, bị bắt giam và truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị xét xử và tuyên một bản án rất nhẹ : Chỉ đóng một số tiền phạt rồi bị trục xuất. Nhiều người tin rằng sở dĩ có sự đối xử nhẹ nhàng với Will Nguyễn như vậy là nhờ sự can thiệp của các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Mỹ và trên thế giới.
Nhưng sự thật không phải như vây. Ở đây, cần có sự phân biệt giữa Pháp lý và Chính trị, mặc dầu hai yếu tố này thường tương tác với nhau.
Nguyen William Anh được áp giải đến tòa. Ảnh : HOÀNG YẾN (PLO)
Có những sự khác biệt
Đọc qua tại liệu về vụ án Will Nguyễn, chúng tôi thấy cả hai chính quyền Việt – Mỹ không chịu áp lực nào hết, mà đã cố gắng giải quyết vụ này dựa theo “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự” (Vienna Convention on Consular Relations) ngày 24/04/1963 trong đó có các điều khoản liên quan đến sự bắt giữ các công dân nước ngoài. Cần nhớ rằng Mỹ bây giờ không còn là “đồng minh” của Việt Nam Cộng Hòa nối dài nữa mà là “đối tác toàn diện” của Đảng cộng sản Việt Nam, trong dó có cả an ninh và quốc phòng.
Hôm 26/06/2018, sau khi Will Nguyễn bị bắt, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert nói rằng vụ Will Nguyễn bị bắt giữ là “một lời nhắc nhở lớn với những công dân Mỹ, hay bất cứ ai có liên quan, đi tới một đất nước khác và ở đó có biểu tình hay tuần hành đang diễn ra…”.
Dĩ nhiên, trên thế giới hiện nay, còn có một số nước đã hành động không cần biết “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự” là gì như Bắc Hàn hay Miến Điện chẳng hạn. Nhưng nắm vững các quy tắc phải tuân theo khi đi ra ngoại quốc là một điều rất cần thiết. Chúng tôi xin tóm lược vụ án Will Nguyễn như một thí dụ điển hình trước khi trình bày các quy tắc này.
Sơ lược vụ án
Anh Will Nguyen, gọi theo tiếng Việt là Nguyen Willliam Anh và trên trang Facebook cá nhân là Will Nguyễn Anh Duy. Tên thường được gọi là Will Nguyễn. Will Nguyễn sinh năm 1985 tại Houston, Texas, trong một gia đình 4 con, nói tiếng Việt kiểu ngập ngừng.
Will Nguyễn tốt nghiệp cử nhân về chính sách công (public policy) ở Đại Học Yale và được học bổng cao học tại Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore. Trong khi chờ lãnh bằng cao học (Việt Nam gọi là “thạc sĩ”), Will Nguyễn đã về thăm Việt Nam nhân kỳ nghỉ trước khi tốt nghiệp.
Theo bản cáo trạng, Will Nguyễn thường xuyên theo dõi tin tức trên mạng liên quan Việt Nam nên biết có cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào ngày 10/06/2018 tại Công viên Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình, Sài Gòn. Will Nguyễn đã quyết định về tham gia.
Trước khi về Việt Nam, William Nguyễn liên lạc bằng tin nhắn với một người có chương mục “Vi Trần”, “Anthony T. Nguyen” để trao đổi về cách tham gia biểu tình. Qua trao đổi, William Nguyễn có nhắn cho “Anthony T. Nguyen” ý định của mình khi tham gia biểu tình sẽ không đem theo giấy tờ tùy thân, sẵn sàng đánh trả và bỏ trốn nếu bị lực lượng cảnh sát giải tán.
Đêm 9/06/2018, Will Nguyễn đã từ Singapore về Việt Nam bằng đường hàng không theo diện du lịch, qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, và lưu trú ở lầu 6, số 290 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Sài Gòn.
Khoảng 9 giờ ngày 10/6, William Anh đến khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ tham gia biểu tình. Khi cùng đoàn biểu tình tiến về hướng trung tâm thành phố, Will Nguyễn liên tục dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh rồi đăng trên Facebook và Twitter. Anh chia sẻ thêm là anh ủng hộ quyền của người dân Việt Nam được “thực thi nghĩa vụ công dân của mình để biểu tình chống bất công”.
Đến 13 giờ cùng ngày (10/6), đoàn biểu tình đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng (Q.3) thì bị 4 xe bán tải của lực lượng cảnh sát án chặn, Will Nguyễn đòi lực lượng cảnh sát dời xe. Khi bị từ chối, Will Nguyễn trèo qua xe bán tải để tiến về phía trước, đồng thời rung, lắc để lật xe bán tải của cảnh sát, dọn đường cho người biểu tình đi qua nhưng không được.
Hình ảnh Nguyen William Anh chụp từ clip
Bản cáo trạng cho rằng hành vi của Will Nguyễn đã gây ra tắc nghẽn giao thông tuyến đường tiếp cận Sân bay Tân Sơn Nhất hơn 3 giờ. Chuỗi hành động của Will Nguyễn đã bị cơ quan công an theo dõi, ghi lại hình ảnh. Will Nguyễn đã bị bắt ngay chiều hôm đó. Hình ảnh Will Nguyễn bị thương một bên đầu, mặt đầy máu, bị bắt mang đi đã lan truyền rộng rãi trên mạng. Công an đã đến nhà trọ Airbnb mà Will Nguyễn đang cư trú, đọc lệnh khám nhà và tịch thu laptop, hộ chiếu và một số tài sản cá nhân.
Ngày 15/6, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ra quyết định khởi tố Will Nguyễn về tội “Gây rối trật tự công cộng”theo khoản 2 Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015. Phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị tù giam từ 2 năm đến 7 năm tù, tùy theo mức độ.
Ngoài Will Nguyễn còn có khoảng 30 người khác cũng bị bắt. Chưa biết số phận của những người này ra sao.
Mở đường cho Will Nguyễn
Hôm 13/07/2018, Công tố viên tại thành phố nói với các cơ quan truyền thông rằng nếu tại phiên tòa ngày 20/7 sắp tới mà công dân Mỹ Will Nguyễn tỏ thái độ ăn năn hối cải thì sẽ được giảm án. Đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ ngày 19/07/2018 cho biết tối 18/06/2018, William Nguyễn đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước thừa nhận rằng anh đã “vi phạm luật pháp Việt Nam”. Hãng tin AFP nói rằng các tổ chức nhân quyền đã tố cáo đây là một hình thức “ép cung” để buộc những người này nhận tội.
Sáng 20/07/218, Tóa án nhân dân thành phố đã xét xử sơ thẩm bị cáo Will Nguyễn. Tại phiên tòa, Will Nguyễn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo khai đã mua vé may bay từ đầu tháng 6/2018 để về Việt Nam du lịch. Trong thời gian chuẩn bị về, bị cáo có lên mạng tìm hiểu thông tin về Việt Nam thì thấy có thông tin về cuộc biểu tình nên quyết định tham gia. Bị cáo khai trước tòa là chưa tìm hiểu sâu về 2 dự luật về đặc khu và an ninh mạng, nhưng muốn tìm hiểu về con người, văn hóa Việt Nam nên hòa vào dòng người cùng biểu tình.
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt trục xuất đối với Will Nguyễn. Trong lời nói sau cùng, William mong Hội đồng xét xử khoan hồng để về Mỹ tiếp tục con đường học tập. Hội đồng xét xử nhận định rằng bị cáo Will Nguyễn phạm tội lần đầu, là người nước ngoài, thành khẩn khai báo nên cần áp dụng điều 37 bộ luật Hình sự 2015, trục xuất bị cáo rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Chiều ngày 20/07/2018, Will Nguyễn đã rời Việt Nam trở về Houston, Texas, ngay sau khi bị tòa tuyên án trục xuất. Trên trang Facebook của mình, cô Victoria Nguyễn, em gái ông Will Nguyễn đã viết : “Will is going home !”
Can thiệp hay không can thiệp ?
Một người bạn của Will Nguyễn kể lại, khi anh ta bị bắt, anh đã la lên rằng “không được bắt người nước ngoài, anh ta không có làm gì sai hết ; nhưng những người cưỡng chế Will chặn tôi lại”. Người bạn này đã chạy lại Lãnh Sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn báo tin và cầu cứu, đồng thời nhờ nhóm người Mỹ đăng tin lên trang Expats & Locals in Ho Chi Minh City.
Anh Will Nguyễn bị một toán an ninh mặc đồ dân sự nhào tới đánh đập, chụp mặt và kéo đi trên đường phố Sài Gòn ngay 10/06/2018
Hãng tin AFP dẫn lời ông Pope Thrower, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tuyên bố : "Khi một công dân Mỹ bị giam giữ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ làm việc để cung cấp tất cả các hỗ trợ lãnh sự phù hợp".
Ngày 15/06/2018, ba dân biểu đảng Dân Chủ từ California là ông Alan Lowenthal, ông Jimmy Gomez, và ông Lou Correa đã nói chuyện với Đại sứ Mỹ Dan Kritenbrink ở Việt Nam, yêu cầu kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lập tức phóng thích Will Nguyễn. Họ cũng gửi thư đến Tổng thống Donald Trump, kêu gọi Tổng thống hãy nhanh chóng can thiệp cho Will Nguyễn được trả tự do và những cáo buộc đối với anh phải được hủy bỏ. Sau đó, 15 vị bân biểu Hoa Kỳ cũng đã đồng ký tên vào lá thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh yêu cầu giải quyết ngay vụ này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến thăm Việt Nam trong hai ngày 8 và 9/7 vừa qua. Tin Tòa Bạch Ốc cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã nêu vụ Will Nguyễn và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đẩy nhanh tiến trình giải quyết.
Tuy nhiên, theo lời Victoria Nguyễn, em gái của Will Nguyễn, chính phủ Mỹ không thực sự thúc đẩy sự việc. Cô nói với ABC News, “Họ không thực sự hối thúc vụ này. Họ hầu như né tránh đề cập tới việc này và gạt sang một bên những quan tâm và những vấn đề mà tôi đặt ra. Chúng tôi rất bất mãn”.
Thi hành Công ước Vienna 1963
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dựa theo “Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự”, soạn ra những tài liệu hướng dẫn các công dân Hoa Kỳ khi đi ra ngoại quốc và trong trường hợp bị bắt phải làm thế nào. Các viên chức Hoa Kỳ có thể giúp họ những gì. Chúng tôi chỉ ghi lại dưới đây những điểm chính :
1. Khuyến cáo các công dân Hoa Kỳ khi đi ra nước ngoài :
- Hãy hiểu rằng quý vị phải tuân theo luật pháp và quy định của địa phương khi đến thăm hoặc sống trong nước đó - hãy theo những quy định đó.
- Tìm hiểu xem những luật lệ nào có thể khác với luật pháp tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cung cấp một số thông tin về từng quốc gia trên các trang Thông tin quốc gia của chúng tôi. Để biết thêm thông tin về luật của một quốc gia cụ thể, hãy liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán gần nhất của quốc gia đó tại Hoa Kỳ trước khi bạn đi du lịch.
- Yêu cầu các nhà chức trách trại giam thông báo cho đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Hoa Kỳ. Liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Hoa Kỳ gần nhất để cho chúng tôi biết về việc bắt giữ.
2. Quyền hạn của viên chức lãnh sự khi công dân Mỹ bị bắt :
Nên nhớ rằng người có nhiệm vụ giúp đỡ và bảo vệ quý vị là viên chức lãnh sự chứ không ông đại sứ hay các viên chức khác.
a) Những điều lãnh sự có thể làm :
- Cung cấp danh sách các luật sư địa phương nói tiếng Anh.
- Liên hệ với gia đình, bạn bè hoặc chủ lao động của công dân Hoa Kỳ bị giam giữ (với sự cho phép bằng văn bản của họ)
- Thăm thường xuyên công dân Hoa Kỳ bị giam giữ và cung cấp tài liệu đọc và bổ sung vitamin, nếu thích hợp.
- Đảm bảo rằng các viên chức nhà tù đang cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp.
- Cung cấp tổng quan chung về quy trình tư pháp hình sự địa phương.
- Theo yêu cầu, đảm bảo rằng các viên chức trại giam cho phép một thành viên giá-o sĩ tôn giáo thăm viếng do sự lựa chọn của tù nhân.
- Thiết lập một quỹ tín thác nếu cần thiết, để bạn bè và gia đình có thể chuyển tiền cho các công dân Hoa Kỳ bị cầm tù.
b) Những điều lãnh sự không được làm :
- Không được đưa công dân Hoa Kỳ ra khỏi tù.
- Không được nói với tòa án về bất kỳ ai có tội hoặc vô tội.
- Không được cung cấp tư vấn pháp lý hoặc đại diện cho công dân Hoa Kỳ tại tòa án.
- Không được phục vụ như phiên dịch viên hoặc biên dịch viên chính thức.
- Không được thanh toán chi phí về pháp lý, y tế hoặc các khoản phí khác.
Đến đây quý vị có thể hiểu được tại sao những nhân vật chính quyền như Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Dan Kritenbrink của Mỹ ở Việt Nam đã không có hành động can thiệp nào cả, chỉ có các lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn theo dõi mà thôi.
Hãy nhìn vào thực tế
Cuối năm 2015, một sinh viên Mỹ là Otto Frederick Warmbier, 21 tuổi, đã du lịch đến Bắc Hàn. Trước khi ra về, anh đã ăn cắp một tấm khẩu hiệu chính trị tại thủ đô Bình Nhưỡng để “làm kỷ niệm”. Ngày 2/1/2016 anh bị bắt và ngày 16/03/2016 anh đã bị tuyên phạt 15 năm tù lao động khổ sai. Chỉ một thời gian ngắn sau, Otto bị bệnh và được thả ra ngày 15/06/2017. Otto Warmbier được đưa về Mỹ trong tình trạng hôm mê rồi qua đời hôm 19/06/2017, tức chỉ 4 ngày sau khi được thả. Các cuộc khám nghiệm cho thấy không có cách nào biết chắc nguyên nhân Warmbier bị hôn mê.
Sở an ninh Bắc Hàn bắt giữ, tra tấn và giết Otto Frederick Warmbier khi chỉ có một hành vi không có gì quan trọng, là với mục đích là khuyến cáo các công dân Mỹ chớ đến nước này để quậy phá. Về chính trị, Donald Trump và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chẳng làm gi cả vì hai lý do chính : Lý do thứ nhất là còn ba công dân Mỹ đang bị Bắc Hàn giam giử, không thể hy sinh họ. Lý do thứ hai là sau lưng Kim Jong-un còn có Tập Cận Bình và Putin, nên mọi áp lực đều không có hiệu quả.
Trường hợp của Will Nguyễn, Hà Nội đã áp dụng một chính sách khác, mặc dầu mục tiêu chính vẫn là cảnh cáo người Việt hải ngoại đừng về trong nước quậy phá.
Tuy hành vi vi phạm của Will Nguyễn trong cuộc biểu tình quan trọng hơn chuyện ăn cắp cái biểu ngữ của Otto Warmbier nhiều, nhưng sau khi điều tra, Công an Việ Nam thấy hành động của Will Nguyễn chỉ là một hành động tự phát, theo cảm tính, không có lãnh đạo, không có tổ chức, không có kế hoạch, không có chiến lược và chiến thuật… nên cho rằng Will Nguyễn không phải là một thành phần nguy hiểm, nên đã nhẹ tay.
Khi cuộc đấu tranh chống Formosa ở trong nước kéo dài mà không bị giải tán, một vài nhân vật trong nước đã nói với tôi rằng phải cẩn thận, vì khi Công an để cho các cuộc nổi dậy kéo dài như thế này má không ngăn chặn, Công an đã thả người vào theo dõi, xem ai là người lãnh đạo, ai là người tổ chức, ai là người xách động… Tìm ra được người chủ chốt, họ sẽ ghi âm và quay hình để làm bằng chứng, sau đó ra lệnh dẹp biểu tình và cho đi bắt những người chủ chốt để truy tố. Khi rằn bị mất đầu, rất khó phát động các cuộc nỗi dậy khác.
Trong vụ Formasa, đã có khoảng 30 người bị bắt và bị truy tố, trong đó có nhiều người đã bị phạt tù, chẳng hạn như Hoàng Đức Bình 14 năm tù ; Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù ; Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Thị Hằng, Trịnh Xuân Thủy, Phùng Thanh Chương 2 năm tù, v.v.
Tranh đấu mà không có lãnh đạo nhưng ai cũng là lãnh tụ, không cần biết “địch” và “đồng minh” đang làm gì, không có tổ chức, không có chiến lược, không có chiến thuật, không có kế hoạch, nhìn quanh thấy ai không làm theo mình đều bị coi là tay sai cộng sản hay “đặc công cộng sản nằm vùng”... thì dù đã đấu tranh 73 năm hay hơn nữa, mọi chuyện vẫn không có gì thay dỗi.
Ngày 25/07/2017
Lữ Giang
Phiên tòa xử 6 người trong Hội Anh Em Dân Chủ là Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và cô Lê Thu Hà đã kết thúc chóng váng trong ngày mồng 5/4/2018 tại Hà Nội với các bạn án vô cùng nặng nề : 6 người đã bị tuyên án 66 năm tù giam ! Trong đó nặng nhất là luật sư Nguyễn Văn Đài 15 năm, thấp nhất là Nguyễn Văn Trội 7 năm. Hôm 10/4 ông Nguyễn Văn Túc (Thái Bình) bị kết án 13 năm tù. Hôm 12/4 thêm ba người nữa bị kết án là Nguyễn Viết Dũng (Nghệ An) 7 năm tù, cô Trần Thị Xuân (Hà Tĩnh) 9 năm tù và thầy giáo Vũ Văn Hùng 1 năm tù.
Cộng đồng người Việt khắp nơi phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp Hội Anh Em Dân Chủ
Chúng tôi luôn khẳng định rằng, những người trên là hoàn toàn vô tội, họ chỉ làm những việc bình thường trong khuôn khổ luật pháp hiện hành. Việc chính quyền Việt Nam kết tội họ "Lật đổ chính quyền" là hoàn toàn bịa đặt và vu khống. Họ không hề dùng bạo lực và kêu gọi bạo lực, họ không có vũ khí và không có quân đội thì làm sao có thể lật đổ được chính quyền ? Cũng chưa có cơ quan thẩm quyền nào của Việt Nam mà cụ thể ở đây là quốc hội định nghĩa thế nào là ‘lật đổ chính quyền". Việc thành lập Hội và phát biểu quan điểm của họ hoàn toàn không vi phạm bất cứ điều luật nào của pháp luật Việt Nam.
Sự dã man, áp đặt và bất hợp pháp của phiên tòa xử những người dân Việt Nam yêu nước, quan tâm đến xã hội của các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ chúng tôi đã trình bày trong nhiều bài viết. Trong bài viết này chúng tôi muốn đưa ra những ý kiến để những người dấn thân tranh đấu có thể rút ra cho mình những bài học cần thiết sau phiên tòa này.
Điều đầu tiên mà chúng ta có thể thấy được qua phiên tòa này là bản chất khủng bố không cần che giấu của chính quyền cộng sản. Những người vừa bị kết án nặng nề trên có đe dọa đến sự tồn vong hay an toàn của đảng cộng sản không ? Chắc chắn là không. Thế tại sao chính quyền vẫn kết án họ với những bản án kinh khủng như vậy ? Có mấy lý do.
- Khủng bố tinh thần người dân Việt Nam. Trước sự bất mãn và phản kháng ngày càng dâng cao trong mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là những người dân oan mất đất thì nhu cầu khủng bố càng cấp bách nhằm đe dọa và trấn áp người dân. Đảng cộng sản phải luôn tạo ra "kẻ thù" và hiện nay thì họ xem chính người dân là kẻ thù. Tuy nhiên mục tiêu này hoàn toàn thất bại. Tất cả những người bị kết án đều ngẩng cao đầu, không ai van xin hoặc nhận tội. Đa số dư luận Việt Nam có hiểu biết hoàn toàn ủng hộ và đồng lòng với những người bị nạn. Không ai ủng hộ chính quyền kể cả báo đài chính thống của nhà nước.
- Khủng bố người dân để che giấu những bất ổn và bối rối trong nội bộ đảng. Nhà nước sắp hết tiền, họ đã phải bán đi cả những con bò sữa như Công ty Bia rượi Sài Gòn hoặc Vinamilk. Cắt giảm tối đa cán bộ công chức trong đó có cả Bộ Công an. Sắp tới sẽ giải tán nhiều hội đoàn ăn lương nhà nước thuộc mặt trận tổ quốc. Đảng cộng sản không chỉ khủng bố người dân mà còn khủng bố ngay cả trong nội bộ đảng. Họ khủng bố người dân trước để rảnh tay khủng bố trong nội bộ. Đinh La Thăng, Phan Văn Vĩnh là những ví dụ.
Thời gian của đảng cộng sản đã hết, họ không thể tự thay đổi về dân chủ nên chỉ còn mỗi cách là đàn áp và khủng bố để tồn tại. Nga, Trung Quốc cũng đều thế cả. Chính quyền cộng sản không cần giấu giếm bản chất khủng bố của họ nữa. Đàn áp sẽ gia tăng cho đến lúc sụp đổ.
Trong hoàn cảnh đó những người tranh đấu cho nền dân chủ Việt Nam cần cảnh giác và thận trọng hơn. Con đường đến đích tuy không còn quá xa nhưng trong lúc này mọi người cần cân nhắc hiệu quả của những việc mình làm. Đành rằng khi đã dấn thân thì phải chấp nhận chuyện tù đày, bắt bớ… Nhưng làm thế nào để sự hy sinh của mình mang lại hiệu quả cao nhất là vấn đề cần suy tính. Có lẽ vấn đề đầu tiên là nên đi vào thực chất, bớt phô trương và ồn ào.
Tất nhiên là mỗi người dấn thân tranh đấu đều có lý tưởng và phương pháp của riêng mình và đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên có một điều dễ thấy nhất là ít người, ít hội nhóm có lộ trình cụ thể để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đa số vẫn còn tranh đấu vì lương tâm, vì cảm tính, vì bức xúc thay vì lý trí. Có những người vô tình (hoặc cố tình) gây tiếng vang để nhận được sự tung hô của một đám đông nhỏ mà chúng tôi gọi là "đám đông mì ăn liền". Đám đông này luôn kêu gào "hành động", càng ồn ào càng tốt mà không cần quan tâm đến sự chuẩn bị và chắc chắn là không cả quan tâm đến kết quả, miễn là có những hành động thực địa để đăng ảnh, đăng tin là được rồi, v.v.
Có một điều mà những người tranh đấu đều đồng ý với nhau là chúng ta tranh đấu bằng phương pháp "bất bạo động", mà đã bất bạo động thì lời nói và lý luận là "hành động" quan trọng nhất. Hành động xuống đường biểu tình là giai đoạn cuối cùng của cuộc vận động dân chủ sau khi mọi việc khác đã chuẩn bị xong. Xuống đường biểu tình cũng không phải là "hành động" duy nhất và quan trọng nhất trong lúc này. Việc đầu tiên cần làm hiện nay là một cuộc "vận động tư tưởng". Người dân Việt Nam cần được hướng dẫn là họ phải làm gì ? Và làm như thế nào ? Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, bao dung và càng ít ồn ào càng tốt. Internet và các mạng xã hội là công cụ tuyệt vời giúp chúng ta mang những giá trị dân chủ đến với người dân. Lý thuyết phải đi trước hành động. Người dân cần được giải thích và hướng dẫn rõ ràng rằng, chế độ dân chủ trong nay mai như thế nào ? Mỗi người sẽ có chổ đứng ra sao ? Lộ trình nào để đi đến đích ? Bằng những phương tiện gì ?... Nói tóm lại phải động viên được người dân để họ sẵn sàng, trước khi kêu gọi họ "hành động".
"Nhưng làm thế nào để động viên quần chúng ? Mọi nghiên cứu và kinh nghiệm đều cho thấy một quần chúng dù bất mãn tới đâu cũng chỉ nổi dậy đấu tranh nếu có đủ ba điều kiện :
Một là : mọi người cảm thấy gắn bó trong một số phận chung và chỉ có thể có lối thoát chung chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm giải pháp cá nhân ; mặt khác mọi người đồng ý rằng thảm kịch chung đến từ một tập thể được nhận diện rõ rệt. Nói cách khác phải có ý thức về hai tập thể rõ rệt, một "tập thể ta" nạn nhân của một "tập thể địch". Trong trường hợp Việt Nam điều kiện này có nghĩa là quần chúng Việt Nam ý thức rằng Đảng Cộng Sản là nguyên nhân của tình trạng tệ hại hiện nay và chỉ có thể có giải pháp chung cho cả đất nước chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm một giải pháp cá nhân.
Hai là : có một tổ chức để động viên và lãnh đạo quần chúng ; vai trò cốt lõi của tổ chức là để giữ nguyên khí thế đấu tranh, tránh những sai lầm gây chán nản. Quần chúng không kiên nhẫn. Cố gắng động viên quần chúng sẽ thất bại nếu có những tổ chức khác nhau đưa ra những lời kêu gọi khác nhau, hay nếu có chia rẽ trong tổ chức lãnh đạo.
Ba là : tổ chức lãnh đạo phải đủ mạnh để quần chúng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi. Quần chúng không lãng mạn (Dự án Chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).
Một quan điểm khá sai lầm của nhiều người tranh đấu là họ cho rằng phải ở trong nước thì mới là đấu tranh còn ở nước ngoài là "người ngoài cuộc". Trước một chế độ cực kỳ hung bạo và chuyên khủng bố như đảng cộng sản thì các tổ chức, hội đoàn muốn thành lập công khai thì cơ quan lãnh đạo phải đặt ở bên ngoài, là những nơi an toàn để tránh sự bắt bớ và đàn áp. Các kế hoạch, đường lối của tổ chức nên được hoạch định từ bên ngoài. Nhờ có mạng internet mà mọi thông tin có thể gửi về trong nước một cách nhanh chóng và an toàn. Trước mắt cần giữ bí mật, khi nào điều kiện cho phép khi đó hãy công khai mọi thứ. Nên nhớ Đảng cộng sản khủng bố không chừa một ai, bất kể già trẻ, gái trai, con nhỏ, có tổ chức hay không… Khi chính quyền càng khủng bố mạnh thì chúng ta lại càng cần linh hoạt, uyển chuyển để họ không túm được. Nhu để khắc cương.
Hơn nữa như đã trình bày, nhiệm vụ chính trước mắt của phong trào dân chủ Việt Nam là "vận động tư tưởng" để tạo ra một sự đồng thuận chung về lộ trình tranh đấu và thiết lập một mô hình cho chế độ mới. Việc vận động tư tưởng này là những lời nói (các clip video), bài viết… qua đó hướng dẫn người dân để họ hiểu về chính trị, về các giá trị dân chủ mà chúng ta đang hướng tới. Những việc này thì bất cứ ai, dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất, nếu có ưu tư và quan tâm đến đất nước, đều có thể làm được. Không nên phân biệt người trong nước hay ngoài nước mà nên ghi nhận những gì mà họ làm được cho phong trào dân chủ.
Xin nhắc lại bốn điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng dân chủ theo quan điểm của tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên :
"Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.
Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.
Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.
Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới" (Dự án Chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).
Hai điều kiện đầu xem như đã có, phong trào dân chủ Việt Nam cần vận động người dân để hai điều kiện sau sớm đạt được đó là thuyết phục người dân Việt Nam "đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới" và "có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới". Khi các điều kiện trên đã hội tụ đầy đủ thì chỉ cần một biến cố nhỏ là cũng có thể động viên người dân xuống đường làm một cuộc cách mạng dân chủ. Cũng như những trái cây, khi đã chín muồi, chỉ cần một cơn gió thoảng cũng rụng xuống đất.
Tâm lý nóng vội, muốn đốt cháy giai đoạn, xem nhẹ vai trò của tổ chức và tư tưởng dân chủ, đề cao các hành động ồn ào gây tiếng vang nhất thời… vẫn còn trong suy nghĩ của nhiều người, nhiều nhóm. Không ít người vẫn cho rằng cần "hành động" thay vì lý thuyết suông ?!
Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga và bây giờ là Hội Anh Em Dân Chủ đã "hành động" hết mình và đã phải nhận những bản án vô cùng khắc nghiệt, rồi sao nữa ?
Dư luận ồn ào một lúc rồi lắng xuống bởi các sự kiện mới luôn xuất hiện và lại cuốn hút mọi người vào vòng xoáy mới. Nếu không có các tổ chức liên tục lên tiếng nhắc nhở dư luận thì họ rất dễ bị lãng quên và sự hy sinh của họ thật là uổng phí.
Hy vọng qua phiên tòa của Hội Anh Em Dân Chủ những người tranh đấu sẽ rút ra được những bài học cho chính mình và tổ chức mình.
Việt Hoàng
(10/05/2018)
Là một thanh niên thao thức đến sự tồn vong của dân tộc và tương lai của đất nước, tôi xin trình bày những suy nghĩ riêng về chặng đường đã đi qua để cùng tìm ra một phương pháp hiệu quả nhất để đưa tuổi trẻ Việt Nam đến với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Những suy nghĩ riêng về chặng đường đã đi qua
Khởi đầu
Khi vừa mới tốt nghiệp phổ thông, tôi cũng giống như phần lớn các bạn trẻ ở cùng lứa tuổi này, không chỉ mang trong mình sự cuồng tín về chủ nghĩa cộng sản, về các nhân vật như Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp mà còn mang trong mình tư duy cộng sản, đó là tôn thờ bạo lực, không biết lắng nghe và cũng không chấp nhận sự khác biệt. Nền giáo dục nhồi sọ đã thủ tiêu sự sáng tạo và tư duy phản biện. Mặc dù thấy rõ những góc khuất trong xã hội nhưng tôi luôn cố tình biện hộ cho mình rằng đó là do các yếu tố khách quan và giải pháp chỉ đơn giản là cần người đứng đầu có viễn kiến hơn, xuất sắc hơn.
Nhận ra sự thật và trở thành người chống cộng
Với sự phát triển và nở rộ của Internet, Facebook… truyền thông mạng đã giúp tôi nhìn ra thế giới và nhanh chóng thấy rõ sự yếu kém của dân tộc mình : GDP của Việt Nam chỉ đứng hàng 127 thế giới và nằm trong nhóm thu nhập thấp nhất khu vực. Cùng với những phương tiện đó, sự tiếp cận nhiều hơn với các trang báo mạng như BBC, Nhật Ký Yêu Nước... tôi đã tìm đọc thêm đọc và hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, biết về cải cách ruộng đất, về cuộc chiến "thần thánh", về thảm họa thuyền nhân, về đánh tư sản…
Internet đã nhanh chóng giúp tôi thấy rõ mình đã bị lừa dối trong gần 20 năm qua. Và tôi trở thành một người ‘chống cộng’ cuồng nhiệt, vì nhận ra rằng cộng sản là dối trá, là nguyên nhân khiến đất nước thành ra nông nỗi như ngày hôm nay. Nhưng, cũng như bao nhiêu người khác, tôi sợ.
Sợ hãi và mất phương hướng
Sự sợ hãi bắt đầu từ sự im lặng của những người bạn mình. Khi tôi chia sẻ những thông tin về tình hình đất nước gần như họ không quan tâm hoặc là không dám quan tâm, họ quá nhút nhát, cầu an và bảo thủ.
Sự sợ hãi đến từ bộ máy công an trị của chính quyền khi liên tục bỏ tù những cá nhân bất đồng chính kiến
Rồi nỗi sợ đó đến từ trong gia đình khi mọi người đều muốn mình sống an phận. Nó đến từ cộng đồng mình sinh sống khi mọi thanh niên cùng trang lứa vẫn cuồng tín chủ nghĩa cộng sản và đã quá quen việc áp đặt lẽ phải lên đầu người khác. Nó đến từ bộ máy công an trị của chính quyền khi liên tục bỏ tù những cá nhân bất đồng chính kiến…
Chính những điều đó đã làm tôi mất phương hướng, lạc lõng trong cộng đồng mà mình sống. Mặc dù đã nhận ra sự thật, tôi rất muốn thay đổi nhưng không biết phải làm gì ?
Cũng trong thời điểm này, ý nghĩ về việc gia nhập vào một tổ chức chưa nảy sinh, giải pháp chỉ đơn giản là chia sẻ lên mạng xã hội những bài viết về chính trị để mọi người thấy rõ sự thối nát của chế độ.
Phải hành động !
Vụ việc Formosa gây ra một thảm họa về môi trường cho biển miền Trung cùng với cách giải quyết lập lờ của của cấp chính quyền đã nhanh chóng đẩy tôi vào hành động chính trị "thực địa" lần đầu tiên. Tham gia biểu tình chống Formosa, với một chút hăng say của tuổi trẻ tôi đã bị đánh rồi bị "hốt" về đồn...
Biểu tình chống Formosa gây ra thảm họa về môi trường
Sau vụ này, tôi nhận ra một điều là "mình đã cùng với rất nhiều anh em khác đã bị đánh bầm mình bầm mặt" mà đã không mang lại bất cứ hiệu quả gì ?
Cũng từ đây, tôi đã làm quen với một thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và bắt đầu tìm hiểu về phương pháp đấu tranh có tổ chức.
Tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Tôi biết tới Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên qua một bài viết trên Nhật Ký Yêu Nước của anh Nguyễn Gia Kiểng, với cách lập luận và góc nhìn rất mới. Từ đó tôi đọc nhiều hơn các bài viết của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và nhận thấy rằng cái mà mình cần phải chống lại không chỉ là đảng cộng sản mà còn cả tư duy, văn hóa cộng sản.
Một đất nước dân chủ cần phải có một văn hóa, lối sống mới : văn hóa dân chủ, văn hóa của những con người tự do.
Những bài viết về nguyên nhân thất bại của Việt Nam Cộng Hòa và sự thành công của nhiều cuộc các mạng dân chủ trên thế giới cho thấy sự cần thiết về một tổ chức chính trị với mục tiêu xây dựng một đất nước dân chủ, tổ chức đó phải làm lãnh đạo cho cuộc cách mạng sắp tới. Từ đây việc tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là điều hiển nhiên mà tôi quyết định phải làm.
Vậy làm cách nào để giúp những người trẻ khác có thể trở thành một thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ?
Internet và Facebook sẽ làm nhiệm vụ biến một người cuồng tín cộng sản thành một người ‘yêu dân chủ’. Cái chúng ta cần làm là giúp những thành viên có tiềm năng chế ngự được sự sợ hãi và vạch ra một hướng đi mới cho họ. Trong mỗi thanh niên, cả hai điều này đều đã có, sự sợ hãi nó sẽ biến mất nếu chúng ta có những người cùng chí hướng đi bên cạnh, đó là những thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Tổ chức này có Dự án chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2. Tài liệu này đã phân tích và vạch ra được một hướng đi mới để đi đến thắng lợi, nghĩa là thay thế chế độ tồi dở hiện nay bằng một chế độ bao dung trong đó mọi người có cùng tiếng nói ngang nhau và nhân phẩm con người được tôn trọng. Cái còn lại đơn giản chỉ là mang dự án chính trị của chúng ta đến với những người đang mất phương hướng, đem văn hóa tổ chức để chế ngự sự sợ hãi.
Nhưng bằng cách nào ?
Có hàng triệu bạn trẻ yêu nước, muốn thay đổi đất nước, họ đang sợ hãi và mất phương hướng. Họ cần chúng ta cũng như chúng ta cần họ, nhưng họ chưa biết đến chúng ta, chưa biết đến văn hóa tổ chức. Vậy thì chúng ta phải tìm đến họ. Phải tăng cường truyền thông, đổi mới phương pháp, truyền thông mới lạ, sáng tạo, cuốn hút hơn, nó sẽ là yếu tố chính giúp chúng ta tiến nhanh hơn tới thắng lợi.
Những người bạn trẻ nghĩ thế nào về ý tưởng tăng số like của Fanpage Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lên 1 triệu và một kênh truyền thông mới kết hợp giữa chính trị và hài hước ?
Trần Hùng (05/05/2017)
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Một chất vấn mà chúng tôi thường được nghe là "35 năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã làm được những gì ?". Nhiều người cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đấu tranh chính trị kiểu sa-lông, không có hành động cụ thể gì cụ thể. Người khác còn chụp mũ Tập Hợp là muốn "hòa hợp hòa giải" với cộng sản, hay Tập Hợp nằm chờ sung rụng, nghĩa là hưởng lợi từ các nhóm đấu tranh khác. Nói chung, Tập Hợp bị quy kết là một nhóm trí thức sa-lông, chỉ nói và viết, đánh võ mồm, anh hùng bàn phím…
Hãy cùng chúng tôi đồng hành vào tương lai. Tương lai dân chủ hóa đất nước.
Trong những xã hội tự do dân chủ, ai cũng có quyền nói lên ý kiến hay trình bày quan điểm của mình. Chúng tôi ghi nhận và tôn trọng tất cả mọi phát biểu về chúng tôi. Nhưng khác với những tổ chức đấu tranh chính trị đã và đang có, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn luôn tin rằng một cuộc đấu tranh chính trị chỉ có ý nghĩa và chỉ xứng đáng để theo đuổi để thể hiện một tư tưởng chính trị hay để thực hiện một dự án chính trị. Chính vì thế trong suốt thời gian qua, Tập Hợp tập trung chủ yếu vào việc xây dựng một cơ sở tư tưởng làm kim chỉ nam chỉ đạo cuộc vận động đổi đời mà chúng tôi gọi là dự án chính trị dân chủ đa nguyên.
Giai đoạn xây dựng cơ sở tư tưởng nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự tham gia và đóng góp của những người quan tâm đến tương lai của đất nước. Những hành động cụ thể chỉ có thể bắt đầu khi cơ sở tư tưởng đã hình thành xong. Đó là quan điểm đấu tranh của Tập Hợp, và cũng là cách tranh đấu riêng của Tập Hợp.
Tư tưởng đấu tranh chính trị của Tập Hợp đã được hình thành từ năm 1982 và không ngừng được tu bổ và tu chỉnh, cập nhật hóa với thời gian. Tài liệu đầu tiên mang tên Cơ sở tư tưởng 1984, Dự án chính trị dân chủ đa nguyên (1990), Thử thách và hy vọng (1996), Thành Công Thế Kỷ 21 (2001) và bây giờ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (2015). Đây là tu chỉnh thứ tư và cũng là lần tu chỉnh quan trọng nhất bởi vì anh em chúng tôi nhận định rằng lịch sử đất nước đã bắt đầu sang trang.
Chúng tôi có niềm tin vào sức mạnh của tư tưởng chính trị nên tin vào thắng lợi của dự án chính trị mới Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2. Chúng tôi hy vọng đón nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người còn quan tâm đến tương lai đất nước qua dự án chính trị dân chủ đa nguyên này. Chúng tôi tin rằng nếu cuộc đấu tranh chống độc tài hiện nay được hướng dẫn bởi một dự án chính trị đúng đắn và được sự chuyên chở của trào lưu dân chủ trên thế giới thì thắng lợi chắc chắn ở trong tầm tay.
Đấu tranh chính trị ngày nay không nhất thiết phải bằng gậy gộc hay súng ống, hơn nữa Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương đấu tranh xây dựng dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng đường lối bất bạo động, nghĩa là trong hòa bình và sự tương kính. Trong những điều kiện đó, Nói và Viết là những hành động cụ thể để thực hiện lý tưởng đó.
Khác với những quốc gia tuy độc tài nhưng còn cho phép người dân quyền lập hội và bầu cử tự do như Miến Điện, Iran, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, dân tộc Việt Nam chưa có may mắn đó. Nhưng đấu tranh cho tự do và dân chủ trong những quốc gia vừa kể này cũng không phải là dễ, vì quyền tự do ngôn luận không được tôn trọng, luôn bị bóp nghẹt ; chế độ độc tài nào cũng rất sợ lẽ phải. Do đó, nói và viết là những vũ khí hòa bình có thể thủ tiêu độc tài và bạo ngược, nếu được nhân dân ủng hộ.
Chúng tôi tin rằng nếu thống nhất được ý chí, hành động và ngôn ngữ để đưa tư tưởng chính trị dân chủ đa nguyên mà chúng tôi xác tín là đúng đắn thâm nhập sâu vào quần chúng, Tập Hợp sẽ đón nhận sự chia sẻ và đồng thuận. Sức mạnh hiện nay của Tập Hợp là sự lương thiện, và qua sự lương thiện này chúng tôi muốn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho lẽ phải và cho tự do dân chủ.
Khi tham gia vào một tổ chức đối lập ôn hòa như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cá nhân chúng tôi không được một quyền lợi gì ngoài niềm hãnh diện đứng trong hàng ngũ những người lương thiện chống lại bất công và độc tài. Ngược lại, phiền toái luôn chờ đón chúng tôi, an ninh nhân thân luôn bị đe dọa, và đôi khi còn nguy hiểm cả đến tính mạng… Ở Việt Nam, đấu tranh chống độc tài, kể cả chống tham nhũng hay chống bành trướng, là cả đoạn đường chiến binh. Khi bị đàn áp, người đấu tranh không những bị trù dập, tù đầy mà cả gia đình cũng bị họa lây : mất công ăn việc làm và bị làm khó dễ trăm bề. Giữ gìn nhân thân, bảo tồn lực lượng là kim chỉ nam hành động trong lúc này.
Vì thế, nếu không tin vào một tư tưởng chính trị chỉ đạo, nghĩa là không vào một lý tưởng rõ ràng, làm sao chúng tôi có đủ kiên nhẫn để đi đến cuối con đường đã chọn ? Chúng tôi rất đau lòng về sự ly khai của một số thành viên trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vừa qua, đó là một ví dụ điển hình về sự mất niềm tin vào sự chỉ đạo của một tư tưởng chính trị dẫn đến mất niềm tin vào tổ chức.
Hãy cùng nhau nhìn vào sự thật. Quả thực cho đến giờ này, những người Việt Nam đấu tranh vẫn chưa xây dựng được một tổ chức chính trị nào là có tầm vóc và có thực lực, trong nước cũng như ngoài nước, kể cả Tập Hợp chúng tôi, để làm điểm hội tụ. Trong bóng tối của sự hoang mang đó, Tập Hợp đã xây dựng xong cho mình một tư tưởng chỉ đạo, một ánh sáng ở cuối đường hầm để cho dễ hình dung. Có thể nói Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 là tài liệu học tập chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tương đối hoàn chỉnh và khả thi. Đây là "bản thiết kế" không chỉ để tranh đấu giành thắng lợi cho dân chủ mà còn là "nền tảng" của bản Hiến pháp tương lai của đất nước. Tài liệu này là một dự án xã hội, một lập trường dựng nước, một chương trình hành động và làm một lời kêu gọi. Nó cũng chứa đựng một giấc mơ Việt Nam mà mọi người Việt Nam đề có thể chia sẻ.
Nhiều tổ chức đối lập hiện nay, kể cả những tổ chức từng chống đối Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên một cách quyết liệt nhất, đã lấy lập trường rất gần với "bản thiết kế" của Tập Hợp. Bởi vậy, ngay cả khi Tập Hợp không tham gia vào một liên minh đấu tranh hay cầm quyền nào sau khi đất nước có dân chủ, chúng tôi rất hãnh diện đã đồng hành cùng dân tộc trong việc khai phóng một tư tưởng, một phương thức đấu tranh và thiết kế nền tảng của một bản Hiến pháp tương lai cho Việt Nam, tự do, nhân bản và tiến bộ.
Vấn đề còn lại của những tổ chức đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Việt Nam là xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt làm chất xúc tác cho cuộc vận động đổi đời. Chúng tôi tin là người dân Việt Nam đủ sáng suốt để hiểu rằng để đập bỏ một công trình cũ, xây một công trình mới thì phải cần đến một bản thiết kế với một đội ngũ hiểu rõ về nó để biết phải làm gì trong mỗi giai đoạn.
Hiểu và tin như vậy nên Tập Hợp biết được cần phải làm gì trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ cần thiết và quan trọng nhất trong lúc này của Tập Hợp là phổ biến dự án chính trị dân chủ đa nguyên Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai rộng khắp đến với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong tầng lớp trí thức tinh hoa của Việt Nam. Chừng nào giới trí thức Việt Nam quyết tâm vứt bỏ tấm chăn trùm mình, vượt lên sợ hãi để nhìn thẳng vào sự thật là không thể tiếp tục kiếp sống tồi tàn, cúi đầu qui phục sự tồi dở và gian ác. Phải gia tăng Nói và Viết để khai sáng tri thức dân tộc. Công cuộc "khai dân trí" mà cụ Phan Châu Trinh khởi xướng hơn 100 năm trước vẫn chưa thành công chỉ vì một trở ngại quan trọng, trí thức Việt Nam vẫn chưa được "Khai thông tư tưởng". Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang cố gắng hoàn thành công việc khó khăn đó. Chừng nào trí thức Việt Nam dám dấn thân, cuộc đổi đời chắc chắn sẽ mang lại kết quả.
Để xây dựng đội ngũ trí thức đó, Tập Hợp trước hết muốn xây dựng một vành đai thân hữu rộng khắp, cả trong lẫn ngoài nước, ủng hộ và đào sâu những ý tưởng đã ghi trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, kế là kết nghĩa anh em và đứng chung trong một tổ chức để cùng nhau chia sẻ giấc mơ Việt Nam.
Trước đây đã từng có người nói cho rằng "Mùa Xuân Ả Rập" đã diễn ra thành công mà không cần đến một tổ chức chính trị hay một tư tưởng chính trị nào, rồi thực tế đã chứng minh ngược lại những nhận định hời hợt đó. Thử lấy trường hợp Ai Cập, sau khi "Cách mạng Hoa nhài" thành công, nhà độc tài Mubarak bị lật đổ, cuộc bầu cử tự do của phong trào hoa nhài không có một tư tưởng hay tổ chức chỉ đạo đã dẫn tới sự cầm quyền của một tổ chức không dính líu gì tới những đòi hỏi về tự do và dân chủ. "Những anh em Hồi giáo" là một đảng thuần túy tôn giáo, không hề có chủ trương xây dựng tự do dân chủ nào hết, đã lên cầm quyền và muốn thiết luật Sharia Hồi giáo để rồi bị quân đội lật đổ. Xã hội Ai Cập vẫn loay hoay không biết bao giờ mới có dân chủ thật sự.
Qua thí dụ đó, lý luận cơ bản của Tập Hợp đã được xác minh : cuộc vận động tư tưởng phải luôn đi trước và dẫn đường cho cuộc cách mạng. Nếu không thì một chế độ độc tài này bị loại để một chế độ độc tài khác lên thay thế.
Khác với những tổ chức đấu tranh chính trị đã có, đối tượng quan trọng mà Tập Hợp muốn hướng tới đó là trí thức Việt Nam. Nếu lập trường của Tập Hợp thuyết phục được giới trí thức Việt Nam thì chúng tôi tin là sẽ thuyết phục được người dân Việt Nam. Muốn được vậy, giới trí thức Việt Nam phải thay đổi tư duy từ một giai cấp khoa bảng, phục tùng sang một giai cấp trí thức chính trị, dấn thân.
Điều quan trọng là trí thức Việt Nam phải vượt qua bức tường văn hóa Khổng giáo, "xã hội của những bổn phận". Sự thật nào cũng luôn mất lòng và khó nghe nhưng chúng tôi tin rằng quan điểm này sẽ được trí thức Việt Nam lắng nghe và chia sẻ. Đất nước tụt hậu và thê thảm như ngày hôm nay, dù lỗi tại ai thì chúng ta cũng không thể vô can. Người xưa có câu "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", khi đất nước lâm nguy thì một người "thất phu" cũng đáng trách huống hồ gì là tầng lớp trí thức ?
Đứng dật và tham gia vào một tổ chức chính trị phải là ưu tư và là trách nhiệm của tầng lớp trí thức Việt Nam. Phải xem việc mình không tham gia vào một tổ chức chính trị là một ngoại lệ thay vì thông lệ. Phải xem đó là hạn chế của bản thân thay vì tự hào là "không thuộc về ai". Nếu cứ tiếp tục tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là đứng một mình, không ủng hộ và tham gia vào một tổ chức nào thì Việt Nam sẽ không bao giờ có dân chủ, và người trí thức tiếp tục bị cai trị bởi những người tham lam, không đạo đức. Người trí thức cũng nên vượt lên cái tôi của mình để tham gia vào một tập hợp chính trị có tổ chức, vì đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa những tổ chức chính trị với nhau chứ không bao giờ là đấu tranh giữa những cá nhân.
Một vấn đề khác cũng cần đặt ra là khi tham gia vào một tổ chức, người trí thức phải ý thức về văn hóa tổ chức, nghĩa là biết quên mình để hòa đồng vào một tập thể lớn hơn với những khác biệt lớn hơn để có thể làm việc chung với nhau. Bất cứ tổ chức nào cũng có phân công và thứ bậc. Nếu không hiểu những điều cơ bản này thì một người khi tham gia vào một tổ chức sau một thời gian sẽ chán nãn và thay vì làm cho tổ chức đó tốt lên lại trở thành người phá hoại tổ chức. Dân chủ và đa nguyên là những tư tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp nhưng trong một tổ chức, yêu cầu chủ yếu là sự hữu hiệu : khi một ý kiến hay một chủ trương đã được thảo luận và được mọi người chấp thuận, thì tất cả mọi thành viên trong tổ chức phải tôn trọng và thi hành.
Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ các chế độ cai trị có được một tổ chức chính trị dân chủ thật sự, vì không chế độ nào muốn bị cạnh tranh hay bị phê phán. Độc tài là phương pháo cai trị dễ nhất, công an, nhà tù và tòa án là những công cụ để bịt mồm những ai chống đối. Nhưng độc tài là những chế độ đang trên đà tuyệt chủng, đó không còn là giải pháp xây dựng xã hội của bất cứ tổ chức đấu tranh chính trị nào trên thế giới. Xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ cho dù khó đến đâu chúng ta cũng phải cố gắng xây dựng cho bằng được vì nếu không có những tổ chức như vậy thì xã hội Việt Nam sẽ không bao giờ có hòa bình, nghĩa là không có tương lai.
Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn gửi đến người dân Việt Nam đó là đừng xem việc "làm chính trị" là công việc riêng của Tập Hợp, hãy nhập cuộc cùng với chúng tôi. Hãy ủng hộ cho những đề nghị của chúng tôi nếu thấy là đúng, hãy chỉ trích và góp ý cùng với chúng tôi nếu thấy là chưa đúng. Hãy tích cực nó và viết.
Chỉ có đứng cùng nhau, chúng ta mới gây được sức mạnh và tạo được sự thay đổi, không chỉ cho bản thân chúng ta ngày hôm nay mà cả cho con cháu và tương lai mai sau.
Hãy cùng chúng tôi đồng hành vào tương lai. Tương lai dân chủ hóa đất nước.
Hãy cùng chúng tôi đấu tranh và xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, bao dung, một nước Việt Nam mà những con người ngày hôm nay có thể chấp nhận được và các thế hệ mai sau có thể tự hào.
Hãy giúp chúng tôi thực hiện giấc mơ đó.
Việt Hoàng
(09/04/2017)