Con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng hàng chục cán bộ Kiên Giang bị kỷ luật kiểm điểm
RFA, 26/08/2020
Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Nguồn : tuyengiao.vn
Báo Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 26/8, dẫn báo cáo của Thanh tra tỉnh Kiên Giang dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tin cho biết, trong hàng chục lãnh đạo bị kỷ luật có hai nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang là ông Phạm Vũ Hồng và Lê Văn Thi.
Ngoài ra còn có 6 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là ông Nguyễn Thanh Nghị, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang ; ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ; bà Lê Thị Minh Phụng và các ông Mai Anh Nhịn, Lâm Hoàng Sa, Lê Khắc Ghi đã nghỉ hưu.
40 người còn lại được nói là công chức tại các sở, ngành, UBND huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, Giồng Riềng. Riêng huyện Phú Quốc có 21 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 5 cá nhân kỷ luật cảnh cáo và 11 người nhận kỷ luật khiển trách.
Trong Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã xác định hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2017 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Từ đó gây ra nguy cơ thất thoát hơn 12.930m3 gỗ, gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra còn khiến tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Báo mạng Zing vào ngày 25/8 dẫn lời bà Đặng Tuyết Em, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết hiện các cơ quan, đơn vị và địa phương bám vào kế hoạch tỉnh xây dựng dựa theo kết luận của Thanh tra Chính phủ để kiểm điểm, xử cán bộ liên quan.
Vẫn theo lời bà Em, Thanh tra tỉnh sau khi tập hợp kết quả xử lý của các cơ quan, đơn vị sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. "Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có báo cáo này. Nếu Thanh tra Chính phủ có báo cáo này thì tỉnh đợi Trung ương chỉ đạo thêm".
Phó bí thư Kiên Giang được trích lời cho biết khi nhận được báo cáo của Thanh tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang sẽ xem xét rồi "tính nữa".
Nguồn : RFA, 26/08/2020
***********************
Con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị kỷ luật : khả năng đụng đến đồng chí X ?
RFA, 26/08/2020
Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Ảnh chụp ngày 21/1/2016. REUTERS / POOL / HOÀNG ĐÌNH NAM
Thanh tra tỉnh Kiên Giang dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ cho báo giới Nhà nước Việt Nam biết nội dung báo cáo ngày 26/8.
Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2017 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước cho rằng trước việc kỷ luật kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có khả năng chính phủ Hà Nội sẽ đụng đến sai phạm của ‘đồng chí X’ lúc còn đương nhiệm.
Trao đổi với RFA vào ngày 26/8, Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ thoibao.de ở Đức cho rằng không thể loại trừ trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị ‘sờ gáy’ sau sự việc con trai ông bị kiểm điểm. Nhà báo Khoa nêu nguyên nhân :
"Bởi vì toàn bộ bộ máy, chính phủ thời trước, khóa trước do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu gồm Bộ trưởng Công thương, ông Trần Bắc Hà, ngay cả Trương Minh Tuấn, ông Son – cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông… nói chung tất cả đường dây lần lượt bị vào tù với những cáo buộc đã có từ rất lâu và mang tính chất đấu đá lẫn nhau. Chuyện họ lần tới Kiên Giang và tới con ông Nguyễn Tấn Dũng thì chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng có thể lúc nào đó sẽ lôi ra để làm việc có thể Nguyễn Phú Trọng thỏa mãn mong muốn là làm sao để người dân nghĩ rằng ông Nguyễn Tấn Dũng làm ra nhiều bê bối".
Vẫn theo nhà báo Lê Trung Khoa, dù muốn hạ bệ đồng chí X nhưng ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại quên mất một điều quan trọng mà ai cũng nhìn ra :
"Mọi quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng đều phải thông qua Bộ Chính trị mà người đứng đầu là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thế thì ông Nguyễn Phú Trọng phải có trách nhiệm chịu lỗi lớn nhất khi đã quyết định những việc công ty nhà nước làm chủ đạo. Bây giờ người ta làm như vậy để dập đi những điều đó và cũng mang tính chất đấu đá nội bộ cá nhân và thù oán nội bộ cá nhân cũng được lồng ghép trong việc này, lôi những việc xưa cũ ra làm ngay trước trung ương 13".
Nhà báo tự do, blogger Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn khẳng định đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản Việt Nam là một truyền thống của những người trong đảng từ xưa đến nay, đặc biệt càng nổi cộm và càng bộc lộ rất rõ vào những lúc chuẩn bị đại hội đảng. Vì vậy, khi Đại hội đảng sắp tới chỉ còn mấy tháng nữa thì công tác thanh trừng càng được tăng cường.
Tuy nhiên, Blogger Nguyễn Ngọc Già đưa ra quan điểm cho rằng ‘đồng chí X’ sẽ vẫn an toàn trong trường hợp này. Ông nói :
"Kết luận thanh tra đó chỉ để xoa dịu giới người bắc có lý luận, nên ông Nguyễn Thanh Nghị không bị hề hấn gì, như vậy ông Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn không bị gì. Đó là điều tôi rất tin tưởng".
Giải thích rõ hơn vì sao ông cho rằng ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ không ảnh hưởng gì trong việc bị kỷ luật kiểm điểm lần này. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lập luận :
"Trong kết luận thanh tra quan trọng nhất là khi có nội dung là chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Kết luận thanh tra như vậy mới có giá trị, còn ở đây tôi thấy kết luận thanh tra không có nội dung đó. Do đó tôi cho rằng việc kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị và những người cộng sản cấp cao của tỉnh Kiên Giang chỉ mang tính chất xoa dịu trong giới người bắc có lý luận".
Báo mạng Zing vào ngày 25/8 dẫn lời bà Đặng Tuyết Em, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết hiện các cơ quan, đơn vị và địa phương bám vào kế hoạch tỉnh xây dựng dựa theo kết luận của Thanh tra Chính phủ để kiểm điểm, xử cán bộ liên quan.
Vẫn theo lời bà Em, Thanh tra tỉnh Kiên Giang sau khi tập hợp kết quả xử lý của các cơ quan, đơn vị sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tờ Zing dẫn nguyên văn bà Đặng Tuyết Em nói rõ "Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có báo cáo này. Nếu Thanh tra Chính phủ có báo cáo này thì tỉnh đợi Trung ương chỉ đạo thêm".
Phó bí thư Kiên Giang được trích lời cho biết khi nhận được báo cáo của Thanh tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang sẽ xem xét rồi "tính nữa".
Từ những thông tin nêu trên, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng nêu ra một dẫn chứng cụ thể để củng cố lập luận của ông về chuyện ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ không bị ảnh hưởng sau những sai phạm trong nhiệm kỳ 2011-2017 :
"Chuyện lớn và kéo dài rất nhiều năm là tập đoàn của Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang rõ ràng dư luận hiện nay rất phẫn uất, đặc biệt là những người dân Thủ Thiêm nhưng không làm gì được Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang. Bây giờ chuyện Nguyễn Thanh Nghị tôi đọc qua nội dung kiểm điểm đó thì nó chỉ là một phần rất nhỏ bé của Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang".
Theo Nhà báo Lê Trung Khoa, những sai phạm của ông Nguyễn Thanh Nghị đã xảy ra rất lâu nhưng bây giờ chính phủ Hà Nội mới xét lại để kỷ luật ông Nghị đều có lý do :
"Mình nghĩ trước Đại hội 13 được chuẩn bị bắt đầu vào đầu năm 2021, từ giờ đến đó còn 2 kỳ Đại hội trung ương nữa. Trong trung ương 12 thì ông Nguyễn Thanh Nghị, con ông Nguyễn Tấn Dũng cũng được số phiếu khá cao. Đương nhiên những điều đó sẽ gây ra khó chịu cho những đối thủ hiện nay. Theo tôi biết trong một Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang phân ra rất nhiều những băng đảng khác nhau, tức là mỗi nhóm chiến đấu cho quyền lợi nhóm đó vì quyền đi liền với tiền. Bây giờ trước tình hình đang đấu đá để sắp lại vị trí chiến lược cho những cán bộ cấp cao trong trung ương và sau đó là Bộ chính trị, chắc chắn sẽ xảy ra rất nhiều".
Nhà báo Lê Trung Khoa đưa ra dẫn chứng về việc một cán bộ cấp cao khác vừa bị đình chỉ công tác và bị điều tra vì những sai phạm trước đây là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội, Ủy viên Trung ương. Nhà báo Lê Trung Khoa khẳng định :
"Đấy không phải chỉ là dấu hiệu chống tham nhũng như ông Nguyễn Phú Trọng nói mà về mặt chiều sâu mà tôi biết được thì sự đấu đá phe phái rất dữ dội trong Đảng cộng sản Việt Nam để giành quyền đó. Con ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong những mắc xích một số nhóm muốn loại bỏ để tránh việc ông Nguyễn Thanh Nghị có thể đi tiếp được vào Trung ương ủy viên khóa tới, thậm chí lên Ủy viên Bộ Chính trị nếu thuận lợi".
Những sai phạm của ông Nguyễn Thanh Nghị cùng hàng chục cán bộ tỉnh Kiên Giang được đánh giá gây ra nguy cơ thất thoát hơn 12.930m3 gỗ, gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra còn khiến tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Nguồn : RFA, 26/08/2020
Không phải ‘Quan làm báo’, càng không phải ‘Chân dung quyền lực’, phương trình X có thể sẽ được giải bằng truyền thông Facebooker với báo chí chính thống ?
Nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng đều rơi vào trạng thái kỷ luật, điều tra, và truy tố
Sau khi Bắc Hà bị bắt tại Campuchia, mà nguồn tin đi đến sớm nhất là một Facebooker Phạm Việt Thắng (người làm báo bên Lao Động Nghệ An), nhiều người tin rằng, những người tin này là cố tình tuồn ra để định hướng dư luận, và cho tập làm quen dần với thông tin nhạy cảm, tránh những cú sốc trong hệ thống ngân hàng.
Bắc Hà – ‘ông chủ’ BIDV bị bắt, ngay sau đó, VTV cũng đã đưa tin về việc này nhằm trấn an dư luận rằng việc bắt người và hoạt động BIDV là độc lập nhau. Tất cả nhằm tránh lặp lại câu chuyện ‘bốc hơi’ 1,8 tỷ USD vào ngày 9/8/2017 (ngày mà Facebooker Huy Đức tung tin ông Bắc Hà bị bắt).
Facebooker Phạm Việt Thắng cũng là người đưa tin về Nguyễn Bắc Son và một số thông tin liên quan đến vụ AVG, lẫn Phan Văn Anh Vũ.
Những thông tin liên quan đến những con người vây quanh ông Nguyễn Tấn Dũng ngày xuất hiện một nhiều với thông số : kỷ luật, điều tra, khởi tố, bắt giam và kết án. Một số khác như con gái ông Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng xuất hiện trên báo với trạng thái ‘thoái vốn’.
Nhưng đó chưa dừng tại đó, dường như báo chí cũng được huy động để sắp xếp lại một phương trình nhằm giải X.
Vào ngày 04/12, trang tin của nước Nga (sputniknews) đã cho đăng tải thông tin với tiêu đề : Mọi con đường đều dẫn tới Kiên Giang ? Nội dung bài viết lấy nguồn tin giấu tên cho biết, chống tham nhũng được đẩy lên mức độ mới, cao hơn, bởi ‘sự chỉ đạo từ Trung ương thường xuyên, liên tục hơn’. Và ‘Kiên bạc, Trầm Bê & Bắc Hà - đều là đồ đệ của đồng chí X, những người lũng đoạn thị trường tài chính nhằm mưu lợi cho nhóm sân sau của X. Và đều liên quan đến sự phình ra của Bản Việt (nơi con gái ông Dũng làm chủ)’.
Sáu ngày sau, báo chí trong nước đưa tin : Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Vinashin. Tin này là cực kỳ quan trọng trong giải phương trình X, bởi Vinashin là di sản lớn, in đậm dấu ấn của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trương Văn Tuyến, người bị bắt giữ chính là người đã được ông Nguyễn Tấn Dũng, bằng quyết định số 1832 đưa lên làm thành viên Hội đồng quản trị Vinashin.
Trước đó, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 5, khóa XI, 2016 ông Nguyễn Phú Trọng đề cập đến Vinashin, Vinaline như một trong các trường hợp Bộ Chính trị, Ban bí thư 'lúng túng, buông lỏng, kiểm tra giám sát không chặt chẽ'. Và ông Nguyễn Phú Trọng nghẹn lời trong phát biểu đến đoạn : Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành thật 'nhận lỗi' ban chấp hành trung ương về những yếu kém, tồn tại trong xây dựng đảng.
Cuộc chiến đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa truyền thông xã hội lẫn truyền thông chính thống, điều này vừa đảm bảo điều tiết được dư luận, vừa đảm bảo thị trường tài chính không bị xáo trộn. Và nó càng gia tăng mạnh mẽ niềm tin ‘giải X’ trong người dân, trong bối cảnh Đại hội XII đang đến rất gần (05/2019). Nói đúng hơn, nó tạo ra một luồng dư luận có lợi cho công cuộc chống tham nhũng, về mặt chính diện nó là mũi xung kích để kết tội, về mặt không chính diện, nó là cơ sở bảo đảm bảo vệ tính chính danh trong cuộc chiến đốt lò, nhằm tranh sự 'lật kèo' từ đối phương như từng diễn ra vào năm 2016.
Ông Trọng thực sự ‘thâm nho’ trong cách trả nợ cũ. Khi ông từng bước bẻ gãy vây cánh bằng tội ‘chống tham nhũng’, đưa mình nắm giữ các chức vụ, thay đổi luật biểu quyết kỷ luật từ trung ương trở về Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Và giờ đây, ông triển khai hệ thống truyền thông để dọn đường và sắp xếp trật tự cho cuộc chiến đốt lò. Bằng cách này, ông Trọng giữ cho lò luôn trong trạng thái đốt, nhưng lại không hề mang tính quy luật nào cả. Các tội phạm bị lên báo vào ngày thứ Bảy, nay chuyển thành thứ Sáu hoặc thứ Hai ; truyền thông mạng xã hội được mở ra ở một mức độ vừa phải để tuồn tin và khơi dậy uy tín cho ông Trọng, và nếu truyền thông chính thống là sự phân bổ tin chính thức – thì mạng xã hội lại trở thành một đánh giá và gợi ý thêm các nhân vật tiếp theo.
Facebooker Huy Đức từng là ‘loa phát thanh’ nhắm vào việc truy tội cho ông Nguyễn Tấn Dũng với những lời lẽ ‘thẳng như ruột ngựa’, nay nhường chỗ cho Phạm Việt Thắng với ý tứ theo thơ và ẩn dụ nhiều hơn.
Truyền thông hiện tại tập trung lật giở những con bài X. Điều này đồng nghĩa, X sẽ bị ‘kết tội’ về mặt báo chí, nếu như việc đem ông ta ra tòa là không thể. Kế sách này được gọi là ‘Phản khác vi chủ’ – nghĩa là ‘từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng’.
Trong một sự kiện có liên quan, trong thông cáo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng có nhắc đến 'kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Kiên Giang'.
Và người viết cảm nhận, tết năm nay thực sự không hề vui vẻ với cựu Thủ tướng.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/12/2018
Đấu đá, tranh giành quyền lực là một trong những đặc trưng của các chế độ cộng sản, kể từ khi hình thái chính trị phi nhân này ra đời trên thế giới cách nay đúng một thế kỷ. Trên đấu trường khốc liệt đó, các đấu sỹ vốn là những bậc thầy về mưu mô, thủ đoạn thường dành cho đối thủ của mình những cú đòn triệt hạ như thể họ là kẻ thù không đội trời chung, ngay cả khi kẻ chiến bại đã bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Dậu đổ bìm leo
Ở Việt Nam, dù chưa từng nắm giữ ngôi vị lãnh đạo tối cao, nhưng nhờ đứng đầu bộ máy hành pháp và lại được phần lớn Ban Chấp hành trung ương ủng hộ, nên Nguyễn Tấn Dũng cùng bộ sậu đã từng "làm mưa làm gió" trong suốt quãng thời gian 10 năm ngồi trên ghế thủ tướng. Một thời gian dài ông ta thậm chí còn được coi là chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam. Dĩ nhiên, trong bối cảnh đó, việc ông ta "mua thù chuốc oán" với vô số "đồng chí" của mình là điều dễ hiểu.
Chính vì thế, sau khi "đồng chí X" bị loại khỏi chính trường một cách tức tưởi tại Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam, người ta vẫn ngóng chờ những cuộc "thanh toán" mà đối thủ của ông ta nhằm vào "nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng".
Và sau khi những đệ tử thân tín của ông ta như cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị xử lý và đặc biệt là sau khi ông trùm ngân hàng Trầm Bê (người từng được coi là "tay hòm chìa khóa" của "đồng chí X") bị bắt, không ít người tin chắc việc ông ta bị sờ gáy chỉ còn là vấn đề thời gian.
Số phận của Nguyễn Tấn Dũng sẽ thế nào ?
Đây là câu hỏi mà không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác, ít nhất là vì hai lý do sau.
Thứ nhất, trong chế độ cộng sản, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều này xuất phát từ một thực tế đơn giản : Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực tối cao quyết định mọi vấn đề của đất nước – không chịu sự điều chỉnh của bất kỳ bộ luật nào. Thực thể quyền lực này có thể nhóm họp bất cứ lúc nào, ra bất cứ quyết định gì, về bất cứ vấn đề hệ trọng nào… mà không cần phải thông báo cho ai biết.
Thứ hai, cộng sản là một chế độ dối trá, và bản chất đó không hề thay đổi kể từ khi hình thái chính trị này ra đời cho đến nay. Càng leo lên những nấc thang quyền lực trong hệ thống, các chính trị gia cộng sản càng cho thấy họ là những chuyên gia "nói một đàng, làm một nẻo". Vậy nên, chỉ những ai quá ngây thơ thì mới dễ dàng tin vào những câu phát ngôn do những kẻ "ăn của dân không từ một thứ gì" phát ra.
Vì thế, ở đây chúng ta chỉ có thể đưa ra những lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng bị tống vào "lò" cũng như những lý do giúp ông ta tiếp tục "làm người tử tế".
Ba lý do giúp Nguyễn Tấn Dũng không bị xử lý
(i) Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng là "đồng minh chiến lược"
Trong bối cảnh chiếc ghế Tổng bí thư của Nông Đức Mạnh bị lung lay dữ dội do dính vào vụ bê bối PMU 18 trước thềm Đại hội X Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 4/2006), bộ ba Nông Đức Mạnh - Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải đã bắt tay nhau và hình thành nên một liên minh hùng mạnh để ngăn chặn Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết trở thành Tổng bí thư, bảo vệ "ngai vàng" cho Nông Đức Mạnh và bảo đảm chiếc ghế Thủ tướng cho Nguyễn Tấn Dũng. Theo kế hoạch của bộ ba này, tại Đại hội XI năm 2011, Nguyễn Tấn Dũng sẽ thâu tóm chiếc ghế "2 trong 1" Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, còn Hoàng Trung Hải sẽ trở thành thủ tướng. Kế hoạch này về sau đổ bể.
Ngay sau Đại hội X, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành "quả đấm thép", nhưng không phải là của lực lượng cấp tiến trong đảng nhằm vào cuồng vọng của Bắc Kinh như những kẻ ngây thơ lầm tưởng, mà là của Nông Đức Mạnh nhằm vào những người tích cực nhất trong việc phanh phui vụ PMU 18.
Trước Đại hội XI (tháng 1/2011), để chống lại một Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang đang tràn đầy cơ hội tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư của Nông Đức Mạnh hoặc ít nhất là thay thế vị trí thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gia nhập liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh. Sau một nhiệm kỳ Thủ tướng đầy ê chề, điều hành nền kinh tế một cách kém cỏi, khiến lạm phát gần như luôn thường trực ở mức hai con số, nhưng trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XII, Nguyễn Tấn Dũng vẫn được tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hết lời ca ngợi : "Thủ tướng đã điều hành, quản lý đất nước năng động và quyết liệt."
(ii) "Ý chỉ" của các ông chủ Trung Nam Hải
Trước Hội nghị trung ương 6 khóa XI, Nguyễn Tấn Dũng tưởng như sắp bị kỷ luật đến nơi (do Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang thúc ép Nguyễn Phú Trọng ra tay). Tuy nhiên, sau cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngày 20/9/2012, tình thế của ông ta đã xoay chuyển, khiến Nguyễn Phú Trọng phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc Hội nghị vào chiều ngày 15/10/2012.
Lần này, số phận của "đồng chí X" có thể cũng sẽ như vậy. Đội ngũ dư luận viên của Hà Nội cùng hai tờ Nhân Dân nhật báo và Hoàn Cầu thời báo của Bắc Kinh đã dày công nhào nặn nên một hình tượng Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật chống Tàu số 1 Việt Nam. Chừng nào "hình tượng" đó vẫn còn hữu ích cho các ông chủ Trung Nam Hải, chừng đó ông ta vẫn còn được tiếp tục "làm người tử tế".
(iii) "Thần thiêng nhờ bộ hạ"
Do mới rời khỏi chính trường nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn mối liên hệ với không ít tay chân trong bộ máy : Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình (hai nhân vật được ông ta đưa vào Bộ Chính trị), Bộ trưởng công an Tô Lâm, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, v.v.
Ba lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị xử lý
1. Những người cộng sản vốn không có tình đồng chí, bởi đồng chí là danh từ cao đẹp dành cho những người cùng hướng đến một mục đích cao cả nào đó, trong khi chủ nghĩa xã hội từ lâu đã cho thấy là một quái thai của lịch sử. Sợi dây kết nối giữa các đảng viên cộng sản chỉ là mối quan hệ đồng đảng. Vì thế, việc Nguyễn Phú Trọng dẫm đạp lên "xác chết chính trị" của Nguyễn Tấn Dũng hầu đánh bóng tên tuổi, tạo "thế và lực" cho cá nhân và phe nhóm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
2. Giống như trường hợp cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng (nhân vật từng được coi là "tận trung với Tàu"), với các ông chủ Trung Nam Hải, Nguyễn Tấn Dũng giờ đây cũng chẳng khác gì quả chanh đã bị vắt kiệt. Do vậy, việc ông ta phải nối gót Vũ Huy Hoàng để giúp Nguyễn Phú Trọng "ghi điểm" trong mắt công chúng và Ban Chấp hành trung ương là một khả năng thực tế.
3. Nếu không tống được một "con hổ" nào đó vào "lò" thì chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng khó mà thuyết phục được dư luận, nhất là khi ông ta đang muốn tại vị đến hết nhiệm kỳ, thay vì nửa nhiệm kỳ như dự kiến ban đầu. "Con hổ" Trần Đại Quang thì e là khó nhằn, bởi ít nhiều nó vẫn còn nanh vuốt khó lường ; xem ra chỉ còn "con hổ" Nguyễn Tấn Dũng là khả dĩ hơn cả.
Tóm lại, chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi liên quan đến số phận "đồng chí X". Tuy nhiên, cho dù có bị các "đồng chí" của mình tống vào "lò" lần này hay không thì Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ được sử sách "lưu danh" như là người lập được nhiều "chiến công" nhất cho Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 26/09/2017