Đấu đá, tranh giành quyền lực là một trong những đặc trưng của các chế độ cộng sản, kể từ khi hình thái chính trị phi nhân này ra đời trên thế giới cách nay đúng một thế kỷ. Trên đấu trường khốc liệt đó, các đấu sỹ vốn là những bậc thầy về mưu mô, thủ đoạn thường dành cho đối thủ của mình những cú đòn triệt hạ như thể họ là kẻ thù không đội trời chung, ngay cả khi kẻ chiến bại đã bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Dậu đổ bìm leo
Ở Việt Nam, dù chưa từng nắm giữ ngôi vị lãnh đạo tối cao, nhưng nhờ đứng đầu bộ máy hành pháp và lại được phần lớn Ban Chấp hành trung ương ủng hộ, nên Nguyễn Tấn Dũng cùng bộ sậu đã từng "làm mưa làm gió" trong suốt quãng thời gian 10 năm ngồi trên ghế thủ tướng. Một thời gian dài ông ta thậm chí còn được coi là chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam. Dĩ nhiên, trong bối cảnh đó, việc ông ta "mua thù chuốc oán" với vô số "đồng chí" của mình là điều dễ hiểu.
Chính vì thế, sau khi "đồng chí X" bị loại khỏi chính trường một cách tức tưởi tại Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam, người ta vẫn ngóng chờ những cuộc "thanh toán" mà đối thủ của ông ta nhằm vào "nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng".
Và sau khi những đệ tử thân tín của ông ta như cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị xử lý và đặc biệt là sau khi ông trùm ngân hàng Trầm Bê (người từng được coi là "tay hòm chìa khóa" của "đồng chí X") bị bắt, không ít người tin chắc việc ông ta bị sờ gáy chỉ còn là vấn đề thời gian.
Số phận của Nguyễn Tấn Dũng sẽ thế nào ?
Đây là câu hỏi mà không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác, ít nhất là vì hai lý do sau.
Thứ nhất, trong chế độ cộng sản, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều này xuất phát từ một thực tế đơn giản : Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực tối cao quyết định mọi vấn đề của đất nước – không chịu sự điều chỉnh của bất kỳ bộ luật nào. Thực thể quyền lực này có thể nhóm họp bất cứ lúc nào, ra bất cứ quyết định gì, về bất cứ vấn đề hệ trọng nào… mà không cần phải thông báo cho ai biết.
Thứ hai, cộng sản là một chế độ dối trá, và bản chất đó không hề thay đổi kể từ khi hình thái chính trị này ra đời cho đến nay. Càng leo lên những nấc thang quyền lực trong hệ thống, các chính trị gia cộng sản càng cho thấy họ là những chuyên gia "nói một đàng, làm một nẻo". Vậy nên, chỉ những ai quá ngây thơ thì mới dễ dàng tin vào những câu phát ngôn do những kẻ "ăn của dân không từ một thứ gì" phát ra.
Vì thế, ở đây chúng ta chỉ có thể đưa ra những lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng bị tống vào "lò" cũng như những lý do giúp ông ta tiếp tục "làm người tử tế".
Ba lý do giúp Nguyễn Tấn Dũng không bị xử lý
(i) Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng là "đồng minh chiến lược"
Trong bối cảnh chiếc ghế Tổng bí thư của Nông Đức Mạnh bị lung lay dữ dội do dính vào vụ bê bối PMU 18 trước thềm Đại hội X Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 4/2006), bộ ba Nông Đức Mạnh - Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải đã bắt tay nhau và hình thành nên một liên minh hùng mạnh để ngăn chặn Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết trở thành Tổng bí thư, bảo vệ "ngai vàng" cho Nông Đức Mạnh và bảo đảm chiếc ghế Thủ tướng cho Nguyễn Tấn Dũng. Theo kế hoạch của bộ ba này, tại Đại hội XI năm 2011, Nguyễn Tấn Dũng sẽ thâu tóm chiếc ghế "2 trong 1" Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, còn Hoàng Trung Hải sẽ trở thành thủ tướng. Kế hoạch này về sau đổ bể.
Ngay sau Đại hội X, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành "quả đấm thép", nhưng không phải là của lực lượng cấp tiến trong đảng nhằm vào cuồng vọng của Bắc Kinh như những kẻ ngây thơ lầm tưởng, mà là của Nông Đức Mạnh nhằm vào những người tích cực nhất trong việc phanh phui vụ PMU 18.
Trước Đại hội XI (tháng 1/2011), để chống lại một Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang đang tràn đầy cơ hội tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư của Nông Đức Mạnh hoặc ít nhất là thay thế vị trí thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gia nhập liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh. Sau một nhiệm kỳ Thủ tướng đầy ê chề, điều hành nền kinh tế một cách kém cỏi, khiến lạm phát gần như luôn thường trực ở mức hai con số, nhưng trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XII, Nguyễn Tấn Dũng vẫn được tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hết lời ca ngợi : "Thủ tướng đã điều hành, quản lý đất nước năng động và quyết liệt."
(ii) "Ý chỉ" của các ông chủ Trung Nam Hải
Trước Hội nghị trung ương 6 khóa XI, Nguyễn Tấn Dũng tưởng như sắp bị kỷ luật đến nơi (do Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang thúc ép Nguyễn Phú Trọng ra tay). Tuy nhiên, sau cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngày 20/9/2012, tình thế của ông ta đã xoay chuyển, khiến Nguyễn Phú Trọng phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc Hội nghị vào chiều ngày 15/10/2012.
Lần này, số phận của "đồng chí X" có thể cũng sẽ như vậy. Đội ngũ dư luận viên của Hà Nội cùng hai tờ Nhân Dân nhật báo và Hoàn Cầu thời báo của Bắc Kinh đã dày công nhào nặn nên một hình tượng Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật chống Tàu số 1 Việt Nam. Chừng nào "hình tượng" đó vẫn còn hữu ích cho các ông chủ Trung Nam Hải, chừng đó ông ta vẫn còn được tiếp tục "làm người tử tế".
(iii) "Thần thiêng nhờ bộ hạ"
Do mới rời khỏi chính trường nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn mối liên hệ với không ít tay chân trong bộ máy : Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình (hai nhân vật được ông ta đưa vào Bộ Chính trị), Bộ trưởng công an Tô Lâm, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, v.v.
Ba lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị xử lý
1. Những người cộng sản vốn không có tình đồng chí, bởi đồng chí là danh từ cao đẹp dành cho những người cùng hướng đến một mục đích cao cả nào đó, trong khi chủ nghĩa xã hội từ lâu đã cho thấy là một quái thai của lịch sử. Sợi dây kết nối giữa các đảng viên cộng sản chỉ là mối quan hệ đồng đảng. Vì thế, việc Nguyễn Phú Trọng dẫm đạp lên "xác chết chính trị" của Nguyễn Tấn Dũng hầu đánh bóng tên tuổi, tạo "thế và lực" cho cá nhân và phe nhóm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
2. Giống như trường hợp cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng (nhân vật từng được coi là "tận trung với Tàu"), với các ông chủ Trung Nam Hải, Nguyễn Tấn Dũng giờ đây cũng chẳng khác gì quả chanh đã bị vắt kiệt. Do vậy, việc ông ta phải nối gót Vũ Huy Hoàng để giúp Nguyễn Phú Trọng "ghi điểm" trong mắt công chúng và Ban Chấp hành trung ương là một khả năng thực tế.
3. Nếu không tống được một "con hổ" nào đó vào "lò" thì chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng khó mà thuyết phục được dư luận, nhất là khi ông ta đang muốn tại vị đến hết nhiệm kỳ, thay vì nửa nhiệm kỳ như dự kiến ban đầu. "Con hổ" Trần Đại Quang thì e là khó nhằn, bởi ít nhiều nó vẫn còn nanh vuốt khó lường ; xem ra chỉ còn "con hổ" Nguyễn Tấn Dũng là khả dĩ hơn cả.
Tóm lại, chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi liên quan đến số phận "đồng chí X". Tuy nhiên, cho dù có bị các "đồng chí" của mình tống vào "lò" lần này hay không thì Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ được sử sách "lưu danh" như là người lập được nhiều "chiến công" nhất cho Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 26/09/2017