Không phải ‘Quan làm báo’, càng không phải ‘Chân dung quyền lực’, phương trình X có thể sẽ được giải bằng truyền thông Facebooker với báo chí chính thống ?
Nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng đều rơi vào trạng thái kỷ luật, điều tra, và truy tố
Sau khi Bắc Hà bị bắt tại Campuchia, mà nguồn tin đi đến sớm nhất là một Facebooker Phạm Việt Thắng (người làm báo bên Lao Động Nghệ An), nhiều người tin rằng, những người tin này là cố tình tuồn ra để định hướng dư luận, và cho tập làm quen dần với thông tin nhạy cảm, tránh những cú sốc trong hệ thống ngân hàng.
Bắc Hà – ‘ông chủ’ BIDV bị bắt, ngay sau đó, VTV cũng đã đưa tin về việc này nhằm trấn an dư luận rằng việc bắt người và hoạt động BIDV là độc lập nhau. Tất cả nhằm tránh lặp lại câu chuyện ‘bốc hơi’ 1,8 tỷ USD vào ngày 9/8/2017 (ngày mà Facebooker Huy Đức tung tin ông Bắc Hà bị bắt).
Facebooker Phạm Việt Thắng cũng là người đưa tin về Nguyễn Bắc Son và một số thông tin liên quan đến vụ AVG, lẫn Phan Văn Anh Vũ.
Những thông tin liên quan đến những con người vây quanh ông Nguyễn Tấn Dũng ngày xuất hiện một nhiều với thông số : kỷ luật, điều tra, khởi tố, bắt giam và kết án. Một số khác như con gái ông Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng xuất hiện trên báo với trạng thái ‘thoái vốn’.
Nhưng đó chưa dừng tại đó, dường như báo chí cũng được huy động để sắp xếp lại một phương trình nhằm giải X.
Vào ngày 04/12, trang tin của nước Nga (sputniknews) đã cho đăng tải thông tin với tiêu đề : Mọi con đường đều dẫn tới Kiên Giang ? Nội dung bài viết lấy nguồn tin giấu tên cho biết, chống tham nhũng được đẩy lên mức độ mới, cao hơn, bởi ‘sự chỉ đạo từ Trung ương thường xuyên, liên tục hơn’. Và ‘Kiên bạc, Trầm Bê & Bắc Hà - đều là đồ đệ của đồng chí X, những người lũng đoạn thị trường tài chính nhằm mưu lợi cho nhóm sân sau của X. Và đều liên quan đến sự phình ra của Bản Việt (nơi con gái ông Dũng làm chủ)’.
Sáu ngày sau, báo chí trong nước đưa tin : Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Vinashin. Tin này là cực kỳ quan trọng trong giải phương trình X, bởi Vinashin là di sản lớn, in đậm dấu ấn của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trương Văn Tuyến, người bị bắt giữ chính là người đã được ông Nguyễn Tấn Dũng, bằng quyết định số 1832 đưa lên làm thành viên Hội đồng quản trị Vinashin.
Trước đó, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 5, khóa XI, 2016 ông Nguyễn Phú Trọng đề cập đến Vinashin, Vinaline như một trong các trường hợp Bộ Chính trị, Ban bí thư 'lúng túng, buông lỏng, kiểm tra giám sát không chặt chẽ'. Và ông Nguyễn Phú Trọng nghẹn lời trong phát biểu đến đoạn : Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành thật 'nhận lỗi' ban chấp hành trung ương về những yếu kém, tồn tại trong xây dựng đảng.
Cuộc chiến đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa truyền thông xã hội lẫn truyền thông chính thống, điều này vừa đảm bảo điều tiết được dư luận, vừa đảm bảo thị trường tài chính không bị xáo trộn. Và nó càng gia tăng mạnh mẽ niềm tin ‘giải X’ trong người dân, trong bối cảnh Đại hội XII đang đến rất gần (05/2019). Nói đúng hơn, nó tạo ra một luồng dư luận có lợi cho công cuộc chống tham nhũng, về mặt chính diện nó là mũi xung kích để kết tội, về mặt không chính diện, nó là cơ sở bảo đảm bảo vệ tính chính danh trong cuộc chiến đốt lò, nhằm tranh sự 'lật kèo' từ đối phương như từng diễn ra vào năm 2016.
Ông Trọng thực sự ‘thâm nho’ trong cách trả nợ cũ. Khi ông từng bước bẻ gãy vây cánh bằng tội ‘chống tham nhũng’, đưa mình nắm giữ các chức vụ, thay đổi luật biểu quyết kỷ luật từ trung ương trở về Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Và giờ đây, ông triển khai hệ thống truyền thông để dọn đường và sắp xếp trật tự cho cuộc chiến đốt lò. Bằng cách này, ông Trọng giữ cho lò luôn trong trạng thái đốt, nhưng lại không hề mang tính quy luật nào cả. Các tội phạm bị lên báo vào ngày thứ Bảy, nay chuyển thành thứ Sáu hoặc thứ Hai ; truyền thông mạng xã hội được mở ra ở một mức độ vừa phải để tuồn tin và khơi dậy uy tín cho ông Trọng, và nếu truyền thông chính thống là sự phân bổ tin chính thức – thì mạng xã hội lại trở thành một đánh giá và gợi ý thêm các nhân vật tiếp theo.
Facebooker Huy Đức từng là ‘loa phát thanh’ nhắm vào việc truy tội cho ông Nguyễn Tấn Dũng với những lời lẽ ‘thẳng như ruột ngựa’, nay nhường chỗ cho Phạm Việt Thắng với ý tứ theo thơ và ẩn dụ nhiều hơn.
Truyền thông hiện tại tập trung lật giở những con bài X. Điều này đồng nghĩa, X sẽ bị ‘kết tội’ về mặt báo chí, nếu như việc đem ông ta ra tòa là không thể. Kế sách này được gọi là ‘Phản khác vi chủ’ – nghĩa là ‘từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng’.
Trong một sự kiện có liên quan, trong thông cáo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng có nhắc đến 'kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Kiên Giang'.
Và người viết cảm nhận, tết năm nay thực sự không hề vui vẻ với cựu Thủ tướng.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/12/2018