Gần đây, dư luận quan tâm và tranh cãi nhiều về dự luật "đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt" (gọi tắt là "đặc khu kinh tế") sắp được Quốc hội "bấm nút" thông qua. Dự kiến ba đặc khu kinh tế đầu tiên là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VND (tính đến năm 2030). Tuy không phản đối khái niệm "đặc khu kinh tế" (special economic zone) và chưa biết họ lấy tiền từ đâu để đầu tư nhưng tôi không ủng hộ ba đặc khu kinh tế nói trên, vì các lý do sau.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh dự kiến sẽ có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nguồn : Internet
Bối cảnh
Tuy đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi (như Việt Nam), đặc khu kinh tế vẫn là một mô hình phát triển hấp dẫn, nhưng dường như đã lỗi thời và có nhiều bài học thất bại. Nó đòi hỏi những điều kiện nhất định, vì vấn đề không phải là làm cái gì (what) mà là làm thế nào (how).
Mọi chuyện đều có thể, nhưng "sai một ly đi một dặm". Nếu đủ điều kiện và phát triển đúng hướng/đúng cách, nó có thể là đòn bẩy kinh tế và đầu tàu phát triển (như Thâm Quyến). Dubai là một bài học thành công mà nhiều nước khác muốn bắt chước. Nhiều người Việt đã từng mơ ước biến Chu Lai thành Dubai của Việt Nam, hay biến Phú Quốc thành Singapore của Việt Nam. Singapore thành công vì có Lý Quang Diệu (Việt Nam không có). Dubai thành công vì không có yếu tố Trung Quốc (Việt Nam có quá nhiều).
Tuy ý tưởng về đặc khu kinh tế không mới, nhưng người ta đã chóng quên bài học xấu về các dự án lớn như "đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng", khai thác bauxite Tân Rai & Nhân Cơ (Tây Nguyên), cũng như kinh nghiệm xấu tại Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (Phú Yên, 2008). Tại sao các nơi đó thất bại ? Cái gì đảm bảo ba đặc khu mới này sẽ thành công ? Nếu Việt Nam không cải tổ thể chế để kiểm soát quyền lực và tham nhũng, thì các mô hình phát triển tương tự sẽ lặp lại bài học "lợi bất cập hại".
Khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt và quỹ đất ngày càng khan hiếm, các nhóm lợi ích tất nhiên sẽ đua nhau tận thu bằng nhiều cách, như tăng thuế (VAT, thu nhập, tài sản), tăng giá (xăng dầu, điện, nước), tăng phí (như BOT). Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ sẽ vận động để có phần. Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, không cho người Việt khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng biển của mình, chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốn. Các nhóm lợi ích Việt Nam có thể câu kết với các tập đoàn Trung Quốc (vì song trùng lợi ích) để thao túng chính sách và dự án.
Tuy năng lực quản trị-điều hành của các cấp chính phủ (nhất là địa phương) còn yếu kém, nhưng lòng tham vô đáy, nên họ dễ bị các nhóm lợi ích thao túng. Trong khi bài học đau đớn về Formosa và bauxite Tây Nguyên còn chưa quên, thì bê bối về các dự án đầu tư công tại Ninh Bình đang làm dư luận giật mình kinh hoàng. Dù Ninh Bình không phải là đặc khu kinh tế, nhưng đã là "vương quốc" riêng. Các nhóm lợi ích không chỉ "ăn của dân không từ một cái gì" (như bà Nguyễn Thị Doan nói) mà họ còn "ăn tàn phá hại" và để lại những hệ quả khôn lường, không chỉ về kinh tế và xã hội, mà còn về an ninh quốc gia.
Bức tranh kinh tế
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc "đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu". Các quy định trong dự luật về đặc khu chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc (property) và đánh bạc (casino) chứ không nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao. Trong khi đó, cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và giáo dục để tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp và kinh tế trí thức, chứ không phải là phát triển địa ốc và casino. Ông Việt cho biết trong giai đoan 2011-2016, năng suất lao động trong khu vực công nghiệp tại Việt Nam tăng (hàng năm) rất thấp (chỉ đạt 2.9%), trong khi triển vọng tăng GDP (bình quân hàng năm) không thể cao hơn 5.0%, nếu năng suất lao động không tăng cao hơn 4.0%. Đó là một "hiện tượng kinh tế kỳ lạ", và là một nghịch lý phát triển tại một đất nước mà năng suất lao động vào loại thấp nhất thế giới (thấp hơn Singapore 15 lần).
Do không có cuộc tranh luận (debate) để đánh giá nghiêm túc và định lượng cụ thể các mặt lợi & hại về kinh tế-xã hội cũng như về địa chính trị, nên dễ dẫn đến tình trạng ngộ nhận (do chủ quan duy ý chí) hoặc bị động làm liều (do các nhóm lợi ích thao túng) nên dễ mắc sai lầm (như trước đây).
Có mấy kịch bản có thể xẩy ra : Thứ nhất, chắc sẽ có một cơn "sốt đất mới" (new land rush) trong một thị trường địa ốc vốn đã quá nóng do giá đất đã bị giới đầu cơ địa ốc đẩy lên khá cao (thậm chí từ khi mới đồn đại về đặc khu). Thứ hai, dễ xuất hiện "bong bóng địa ốc" (property bubble) có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cung-cầu (over supply) làm bức tranh kinh tế càng thêm méo mó và hỗn loạn. Thứ ba, do hệ quả của 2 hiện tượng nói trên, các đặc khu này sẽ không hấp dẫn đối với giới đầu tư công nghệ cao, vì họ cần một môi trường đầu tư sạch và một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh hơn.
Trong khi kêu gọi đầu tư cho công nghệ 4.0 thì những gì đang diễn ra tại các đặc khu này chỉ là tư duy kinh tế 1.0. Nếu định dùng ưu đãi cho thuê đất 99 năm để hấp dẫn đầu tư công nghệ cao thì không thực sự cần thiết, vì giới đầu tư công nghệ 4.0 không cần quyền sử dụng đất lâu dài. Để kinh doanh theo chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, nhà đầu tư luôn cần kết nối với hệ thống hạ tầng và hệ sinh thái kinh doanh, mạng lưới đối tác và các tổ chức trung gian về tài chính, các dịch vụ chuyên nghiệp và nguồn lao động tay nghề cao, là những thứ mà các đặc khu kinh tế này không có. Điều duy nhất mà nó có chỉ đơn giản là thiết lập một không gian tự do kinh doanh trong một môi trường kinh doanh không tự do. Những ưu đãi đặc biệt thực ra chẳng có gì đặc biệt. Vậy mục đích thực sự của đặc khu kinh tế là gì (ngoài bất động sản) ? Câu trả lời nhãn tiền là "casino và redlight" vì đây là nơi duy nhất (tại Việt Nam) họ được phép hành nghề tự do. Nhưng còn một lý do nữa mà nhiều người nghĩ đến nhưng ngại nói ra (vì sợ nhạy cảm) là yếu tố Trung Quốc. Ngoài ra không có gì khác.
Bức tranh chính trị-xã hội
Hành lang pháp lý của đặc khu quy định nhiều quyền hạn cho "chủ tịch đặc khu" như lãnh chúa (hay "vua con") có quyền cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 70 năm đến 99 năm (nếu được Thủ tướng đồng ý), và có quyền chọn thầu, ký hợp đồng lao động, tuyển công chức… Các nhà đầu tư được miễn thuế thuê đất 30 năm, có thể bán lại tài sản và thừa kế tài sản.
Một số chuyên gia cho rằng cho thuê đất tối đa 99 năm chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản, trong khi đó 85% các nhà đầu tư khẳng định chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết (theo World Bank). Người nước ngoài được phép làm việc 180 ngày/năm (mà không cần giấy phép lao động). Họ chỉ cần đầu tư 110 tỷ VND (5 triệu USD) là được cấp thẻ tạm trú 10 năm. Người Việt được phép vào chơi casino, và được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm (và giảm tiếp 50% sau đó). Những ưu đãi này sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới, đặc biệt là lao động giản đơn từ Trung Quốc và các nước láng giềng khác, làm đảo lộn cơ cấu dân số (demographic structure) và có thể làm gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm như tình trạng "miền Tây Hoang dã" (Wild West). Đồng thời, đặc khu kinh tế còn là "cái nôi đặc biệt" (special cubator) cho chủ nghĩa tư bản thân hữu (hay "tư bản đỏ").
Theo giáo sư Minxin Pei, sự cấu kết của "chủ nghĩa tư bản thân hữu" (crony capitalism) làm cho quá trình dân chủ hóa sẽ gặp khó khăn, rắc rối. Kịch bản dân chủ hóa do tầng lớp trung lưu dẫn dắt rất khó xảy ra dưới chế độ tư bản thân hữu (tại Trung Quốc). Các di sản của chủ nghĩa tư bản thân hữu (như tình trạng bất bình đẳng về tài sản, chính quyền địa phương mafia, cấu kết với các đại gia có đặc quyền) sẽ tạo điều kiện cho những kẻ chiếm đoạt được nhiều tài sản lớn sử dụng quyền lực chính trị để trấn áp các nhân tố dân chủ mới làm cho họ không thể phát triển. Chế độ thối nát (regime decay) sẽ hủy hoại thanh danh chế độ Đảng/Nhà nước bằng ba cách. Thứ nhất, khi các nhóm lợi ích hình thành và xâm nhập vào mọi ngõ ngách của chế độ, chúng sẽ thao túng quyền lực chính trị, biến quyền lực của chế độ thành công cụ quyền lực riêng. Thay vì phục vụ lợi ích của chế độ, chúng chỉ mưu cầu lợi ích riêng. Thứ hai, mạng lưới tham nhũng sẽ tranh giành quyền lực và lợi ích nhóm, làm suy yếu sự thống nhất của Đảng. Thanh trừng nội bộ gia tăng sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân của lãnh đạo cấp cao. Thứ ba, khi tham nhũng cấu kết và lan rộng trong bộ máy an ninh của Đảng/Nhà nước, chắc chắn nó sẽ hủy hoại sự trung thành và hiệu quả của các thể chế trụ cột mà Đảng/Nhà nước đang dựa vào để tồn tại. (China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016).
Trong khi một số người cho rằng Phú Quốc có thể phát triển như Singapore (theo nghĩa tốt), một số người khác cho rằng Vân Đồn có thể trở thành Crimea (theo nghĩa xấu).
Nhưng câu chuyện thành công của Singapore (the Singapore Story) dựa trên những tiền đề hoàn toàn khác. Ông Lý Quang Diệu từng nói : "Lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam". Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành "người khổng lồ ở châu Á". Nhưng đáng tiếc ngày nay năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore (hay 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thailand). Ông khẳng định sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố chính là : (1) điều kiện tự nhiên (như vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), (2) con người, và (3) thời cơ, nhưng căn bản nhất vẫn là yếu tố con người… Vì vậy Ông Lý Quang Diệu rất tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng nhân tài, và cho rằng nhân tài của Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. (Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014).
Bức tranh an ninh quốc gia
Giả sử các đặc khu kinh tế đó có thành công nhất định (trước mắt) về du lịch, địa ốc và casino, thì sẽ phải trả giá về vị thế địa chính trị và an ninh quốc gia. Nói cách khác là "lợi bất cập hại". Nếu điều 62 về Luật Đất đai là một lỗ hổng chính sách, bị các nhóm lợi ích thao túng, thì điều 69 là cánh cửa mở rộng cho Trung Quốc xâm nhập Việt Nam…Tại dự án thép Formosa (Hà Tĩnh) và dự án giấy Lee & Man (Hậu Giang) tràn ngập người Trung Quốc. Gần đây, dư luận phản ứng chính quyền Quảng Ngãi định di dời đồn Biên phòng Bình Hải để giao đất cho tập đoàn FLC làm dự án "quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn". Không phải chỉ có Quảng Ngãi mà trước đó Đà Nẵng cũng đã di dời đồn biên phòng để lấy đất giao cho dự án tư nhân. Thượng tướng Võ Tiến Trung (nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) khẳng định, "việc bố trí đồn biên phòng ở đâu đã được nghiên cứu rất kỹ. Bởi lẽ đồn nằm trong thế trận phòng ngự, bảo vệ địa phương" (Zing, 22/4).
Điều 62 còn tiềm ẩn lợi ích nhóm, quy định chính quyền địa phương có quyền thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án. Các doanh nghiệp Việt Nam có quyền giao lại đất cho doanh nghiệp nước ngoài (như Trung Quốc). Trong một cuộc hội thảo tại Nhật (7/9/2017), ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) tuyên bố ngoài việc bán cổ phần, "FLC có thể chuyển nhượng cả dự án cho nhà đầu tư nước ngoài". Theo tin báo chí, UBND tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị giao cho FLC 1.000 ha tại bãi biển Cửa Việt, dự kiến để làm resort, sân golf, và xây dựng một sân bay. Ngoài Vũng Áng (đã nằm trong tay Trung Quốc), Vân Phong và Cửa Việt là hai vị trí chiến lược hiểm yếu đang bị Trung Quốc nhòm ngó. Từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược đã và đang được giao cho doanh nghiệp làm dự án mà không tính đến yếu tố an ninh quốc gia. Tại Đà Nẵng và Nha Trang, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược dọc bờ biển đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm.
Trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia. Với năng lực quản trị yếu kém nhưng tiềm năng tham nhũng vượt trội, các khu vực đó sẽ trở thành các "đặc khu tham nhũng" của các nhóm lợi ích "tư bản đỏ" không bị kiểm soát, và là "cái nôi đặc biệt" cho "tư bản thân hữu". Nếu trước đây hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam rơi vào tay các tập đoàn Trung Quốc, thì không có lý gì các đặc khu kinh tế đó lại không rơi vào tay họ và biến thành các "tô giới của Trung Quốc".
Các tập đoàn "tư bản thân hữu" Trung Quốc được nhà nước chống lưng có thừa nguồn vốn và động cơ để thôn tính các đặc khu kinh tế này như một cuộc "xâm lược mềm", không cần đánh vẫn thắng (như binh pháp Tôn Tử hay "Cờ Vây"). Những vị trí hiểm yếu trên đất liền mà Trung Quốc không chiếm được bằng vũ lực (như họ đã từng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa) thì họ sẽ cưỡng chiếm bằng được qua đầu tư và "sức mạnh sắc bén" (sharp power). Vì vậy, "chủ tương lớn" về ba đặc khu kinh tế với những ưu đãi đặc biệt (như cho thuê đất 99 năm), chẳng khác gì "gửi trứng cho ác" hay "nối giáo cho giặc".
Bức tranh địa chiến lược
Trong lịch sử, Vân Đồn vốn là một tiền đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc, để ngăn chặn thủy quân Trung Quốc xâm nhập bằng đường biển, như thời Ngô Quyền chống quân Nam Hán (tại Trận Bạch Đằng năm 938), thời Lý Thương Kiệt chống quân Tống, (1075-1077), thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông (1287-1288). Khi Lý Thường Kiệt đem quân đánh Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu, thì Vân Đồn và Móng Cái là địa điểm tập kết quân nhà Lý. Khi Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến Sông Cầu để chống quân Tống, Vân Đồn là căn cứ của thủy quân nhà Lý để ngăn chặn thủy quân Tống, không cho ngược sông để hội quân với bộ binh địch, nên quân Tống đã bại trận…
Nếu Vân Đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, thì Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương, trong khi Vân Phong có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông. Tại Miền Trung, ngoài cảng Sơn Dương (Vũng Áng) mà Trung Quốc đã nắm, nay chỉ còn Vân Phong và Cửa Việt là hai cảng trung chuyển lớn (nước sâu) có tầm quan trọng chiến lược, nhưng Trung Quốc chưa nắm được. Phú Quốc có vị trí đặc biệt trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific (cách Sihanoukville và Bokor có mấy chục km). Trung Quốc đã thuê được (lâu dài) hai vị trí chiến lược đó của Campuchea, nên họ rất thèm có Phú Quốc, để hình thành một tam giác chiến lược. Một khi Trung Quốc thỏa thuận được với Thailand để làm kênh đào Kra thì vị trí chiến lược của Phú Quốc còn quan trọng hơn cả Singapore.
Theo James Holmes (một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chiến lược hải quân), một cuộc xung đột vũ trang tại Biển Đông là có thể, và Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến tại Biển Đông bằng "chiến tranh nhân dân trên biển" (people’s war at sea). Các chính khách và chuyên gia tại Washington và Hà Nội không nên coi phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tướng Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan ) chỉ là "dọa dẫm" (bluster). Trung Quốc có thể thắng dù họ vẫn yếu hơn Mỹ, bằng cách tập trung binh lực áp đảo Mỹ tại địa điểm và thời điểm quan trọng nhất. Tư tưởng "phòng ngự tích cực" (active defense) là tấn công chiến thuật để phòng ngự chiến lược. Hiện nay, các tư lệnh Trung Quốc có thể hợp đồng tác chiến bằng các lực lượng cả nhỏ lẫn lớn để đương đầu với Mỹ và đồng minh. Vì vậy các tư lệnh Mỹ và đồng minh phải nghiên cứu binh pháp của Trung Quốc để hiểu rõ tư tưởng phòng ngự tích cực ngoài khơi (offshore active defence) tại Biển Đông sẽ diễn ra thế nào. (China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes , National Interest, May 30, 2018).
Nếu xung đột tại Biển Đông xảy ra thì ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, và Phú Quốc có ý nghĩa chiến lược hiểm yếu đối với mục tiêu ngăn chặn địch tiếp cận (A2/AD). Nếu ba vị trí chiến lược đó bị đối phương (Trung Quốc) chiếm thì coi như hết cờ (và "xong phim"), không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả ASEAN và các cường quốc khác có lợi ích sát sườn tại Biển Đông như Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, và EU (hoặc Nga). Nếu Biển Đông có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn với ASEAN và các cường quốc khác, thì câu chuyện đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc cũng có ý nghĩa tương tự. Ý nghĩa quan trọng nhất của ba đặc khu kinh tế này là chiến lược (chứ không chỉ kinh tế).
Thay lời kết
Ba đặc khu kinh tế mới là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VND. (Riêng Vân Đồn là 270.000 tỉ, Bắc Vân Phong là 400.000 tỉ, Phú Quốc là 900.000 tỉ). Tuy chưa biết họ có định "đội vốn" lên như "hội chứng Ninh Bình" hay không, nhưng với con số 1.570.000 tỉ VND, ngân sách nhà nước hay doanh nghiệp Việt đào đâu ra tiền (nếu không từ "phương bắc"). Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn và nguy cơ lâu dài về địa chính trị và an ninh quốc gia. Nếu đặt câu chuyện ba đặc khu kinh tế này trong bối cảnh xung đột lợi ích Biển Đông và tầm nhìn Indo-Pacific hiện nay, thì yếu tố Trung Quốc trong bức tranh địa chiến lược hiện lên rất rõ.
Bản chất của các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong, chủ yếu là sân chơi địa ốc và cờ bạc. Ngay khi vừa mới bàn đến triển vọng thành lập đặc khu thì người ta đã đổ xô đến chiếm đất để đầu cơ và đẩy giá lên rồi, vậy cần thành lập đặc khu làm gì nữa. Muốn Vân Phong trở thành một cảng trung chuyển thì không nhất thiết phải lập đặc khu. Đầu tư địa ốc thực chất cũng chỉ là đầu cơ để để trục lợi ngắn hạn. Yếu tố chính để thu hút đầu tư là một số ưu đãi để lách luật, trốn thuế, hay rửa tiền. Nhưng nếu thu hút đầu tư bằng mọi giá, thì cái giá phải trả cũng sẽ rất lớn. Muốn phát triển bền vững, phải cải tổ thể chế để hội nhập quốc tế theo các tiêu chuẩn chung đã cam kết thông qua các hiệp định như WTO, BTA, FTA (và CPTPP).
Tuy Đảng lãnh đạo "toàn diện và triệt để", nhưng Quốc hội cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Đây là lúc đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét kỹ và quyết định nên chọn cái gì (như nên "chọn cá hay thép"). Nếu quyết định đúng họ sẽ được hậu thế hàm ơn. Nếu quyết định sai họ sẽ bị hậu thế nguyền rủa (dù có cao chạy xa bay). Nhiều chuyên gia cho rằng để được thông qua, dự luật này cần phải bổ xung, sửa đổi rất nhiều, để đảm bảo lợi ích quốc gia, và tránh những sai lầm đáng tiếc. Hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội, thể chế, môi trường, và an ninh quốc gia, do các đặc khu để lại có thể khôn lường. Vì vậy, các đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét xem ai được lợi từ đặc khu, và quyết định "bấm nút" vì lợi ích quốc gia, chứ không vì lợi ích nhóm (hay ngoại bang).
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Vietstudies, 1/6/2018
Tham khảo :
1. Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014
2. China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016
3. Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc, Vũ Quang Việt, Viet-studies, 30/5/2018
4. Mô hình đặc khu đã lỗi thời, Nguyễn Tiến Lập, MTG, 31/05/2018
5. China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018
Triết lý "đánh chuột coi chừng bị vỡ bình" của ông Trọng đã đưa đến những kết quả ngoạn mục. Nhờ tính cẩn thận của Trọng, chuột đẻ thêm ra, nhanh đến kinh hoàng. Nhanh đến mức chính các con chuột ở trong bình vì cạnh tranh đất sống tràn ra đi làm ổ những vùng đất thích hợp mới, như ở ba đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), và đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Đại gia địa ốc đổ dồn về đặc khu kinh tế Vân Đồn, hàng loạt dự án nghìn tỷ khởi động
Dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Trọng, qua dự luật gọi là "Dự Luật về Đơn vị Hành chánh – Kinh tế đặc biệt" sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần thứ năm này, Đảng cộng sản Việt Nam đang dọn ổ đẻ cho binh đoàn chuột của mình. Xem ra chỗ ở mới của chuột hoành tráng hơn khi còn ở trong bình.
Nếu Trọng thực sự muốn đập chuột mà không sợ bể bình ông phải huy động hơn một triệu công an đang rảnh rỗi vì đã có các hiệp sĩ đường phố đảm trách nhiệm vụ trị an để điều tra lý lịch ba đời những thằng nào, con nào đã thu mua đất đai ở các đặc khu nói trên trước khi ông bật đèn xanh. Chuột xù, chuột cống nhờ vào thông tin nội bộ đã mua sạch và mua trước những lô đất này. Chúng chỉ chờ các đồng chí trong Quốc hội bấm nút đỏ thông qua là xoa tay coi như xong. Chỉ cần đội giá sai biệt giữa trước và sau khi dự luật thành luật, nói theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cộng sản Việt Nam… "siêu tỷ suất lợi nhuận dân bán trà đá" sẽ bị đánh bại bằng lợi nhuận bán nước của cộng sản Việt Nam. Đã vậy còn có cơ chạy chọt được miễn thuế.
Nếu người ta có can đảm xâu chuỗi lại những chủ trương lớn của Đảng cộng sản Việt Nam từ khi học được bài học ở biên giới Việt-Trung 1989 thì đã rõ còn hơn ban ngày : Đảng cộng sản Việt Nam là một tập đoàn bán nước. Những chủ trương lớn của đảng chỉ là những giai đoạn thi công tuần tự để giao hàng cho kịp thời điểm đã được thỏa thuận trước trong mật ước Thành đô 1999. Ba đặc khu kinh tế mới chưa phải là giai đoạn cuối cùng của kế hoạch. Chỉ khi nào Hà Nội, Lăng Ba Đình cũng biến thành đặc khu kinh tế đặc biệt, nó mới đánh dấu sự hoàn tất mỹ mãn của công trình bán nước rất chi li.
Hàng triệu người vẫn chưa tin Đảng cộng sản Việt Nam, một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nông lại có thể đi bán nước, bất chấp những dữ kiện đang phô diễn. Hàng trăm ngàn trí thức xã hội chủ nghĩa và đảng viên đã hy sinh một thời oanh liệt của mình cho đảng cộng sản và đang đếm từng đồng bạc lương hưu vẫn ở trong tâm lý tự phủ nhận mình.
Lịch sử lặp lại cho những người đã không ý thức được trách nhiệm giữ nước là nhiệm vụ chung của mọi công dân. Ở miền Nam trước đây, hàng triệu người vẫn an nhiên tự tại vì không thể nào tin được quân lực Việt Nam Cộng Hòa có thể sụp đổ, hay đồng minh cao cả Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, bất chấp Hiệp Định Paris 1973 đã được các phe lâm chiến đóng dấu thi hành.
Tương tự, những người cộng sản hôm nay mà lòng yêu nước đã bị phỉnh gạt vào Nam đánh cho "Mỹ cút, Ngụy nhào", đã không thể tin được những chủ trương lớn của đảng ta là những giai đoạn thi công của dự án bán nước. Tin hay không là quyền của họ, sự thật là Đảng cộng sản Việt Nam đang giao đất cho giặc núp dưới nhãn hiệu đặc khu kinh tế.
Cái khác biệt là người miền Nam còn có cái may chạy ra biển liều mạng với cá mập và hải tặc để đến những bến bờ tự do, còn những người Việt Nam trong chế độ cộng sản hiện nay chắc không có cái may mắn (!) đó. Biển Đông ngày nay đã trở thành "Củ Chi thành đồng vách sắt" của Trung Quốc. Bắc Kinh đã chiếm và biến những mõm và bãi san hô của Việt Nam quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự, tất cả những hành động tiến chiếm này nằm trong chủ trương "hòa bình hữu nghị" nhu nhược của Đảng cộng sản Việt Nam trên Biển Đông.
Những người Việt Nam vô cảm trước nạn quốc phá gia vọng hiện nay có thể diễn lại hoạt cảnh bi hài của Nguyễn Đình Chiểu :
"Vân Tiên cõng mẹ chạy ra.
Đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô.
Vân Tiên cõng mẹ chạy vô.
Đụng phải cái bồ cõng mẹ chạy ra…"
Những người cộng sản đã từng góp phần vào việc tạo ra chiến thắng 30/4 không dám nhìn sự thật về những gì đang xảy ra trong ba đặc khu kinh tế mới nhất này sẽ phải khóc đến mù mắt như Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
Đặc khu kinh tế không phải là sáng tạo mới mẻ gì trên thế giới. Gần như mọi nước đang phát triển đều đã trải nghiệm loại thuốc kích thích kinh tế này. Việt Nam đã có hàng trăm loại đặc khu kinh tế như thế trên khắp mọi miền đất nước. Ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc chỉ là những cái mới nhất tiếp theo sau những "đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng, bauxite Tân Rai & Nhân Cơ (Tây Nguyên), Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (Phú Yên, 2008)… (theo Nguyễn Quang Dy, Nghịch lý về đặc khu kinh tế, Viet-studies).
Cho đến nay kết quả đóng góp vào nền sản xuất nội địa (GDP) của những đặc khu này là con số âm. cộng sản Việt Nam phải bơm hàng tỷ đô la cứu vãn những khu chế xuất đặc biệt này. Cái bánh vẽ lợi tức bình quân đầu người tại những đặc khu này có thể lên đến từ 12 ngàn/năm đến 15 ngàn đô la/năm là sự lừa bịp giấc mơ kinh tế của người nghèo.
Theo ông Nguyễn Quang Dy,vấn đề đặc khu kinh tế đặt ra cho Việt Nam không phải làm cái gì mà là làm thế nào. Làm thế nào tức là khả năng quản trị của đảng tại những đặc khu này đã tới đâuxét qua hàng trăm khu chế xuất đã phá sản tại Việt Nam. Trình độ quản trị kinh tế của các quan chức cộng sản Việt Nam là cái gì khi đến nay còn chưa truy được thuế từ dân bán trà đá tại Sài Gòn !
Một trong nhiều nguyên nhân khiến Dự Luật về Đơn vị Hành chánh – Kinh tế đặc biệt "bị phản đối kịch liệt là thời hạn cho thuê đất 99 năm". Bà Phạm Chi Lan một kinh tế gia xã hội chủ nghĩa còn phải lên tiếng : "Cho thuê đất tối đa 99 năm chỉ có lợi cho đại gia bất động sản"… Thời hạn cho thuê đất ở các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng".
Đến hết hợp đồng này, mọi đảng viên cộng sản Việt Nam đã đi hết đoạn đường tội ác của mình. Sẽ chẳng còn ai để chịu trách nhiệm đã bán nước cho giặc. Chính quyền cộng sản Việt Nam ngoan cố quảng cáo những đặc lợi sở hữu nhà đất, thuế khóa và các luật hành chánh biến các khu này là những tiểu quốc trong quốc gia với hy vọng sẽ gom hết đầu tư ngoại quốc từ Lào, Campuchia, Miến điện, Bangladesh… về một mối tại những đặc khu kinh tế này. Đảng cộng sản Việt Nam đang lên cơn bệnh hoang tưởng.
Chính nhiều kinh tế gia xã hội chủ nghĩa đã vạch ra những khuyết điểm trong dự luật và phản đối dự luật vì lợi bất cập hại của nó. Một số khảo sát những nhà đầu tư về ý muốn đầu tư của họ dựa vào những tiêu chuẩn nào, đã cho giải đáp. Nhà đầu tư không bị hấp dẩnvì các ưu đãi về đất đai hay thuế khóa mà là cơ sở hạ tầng để làm nền tảng cho sản xuất và tiếp cận kỹ thuật cao của thế giới. Cơ sở hạ tầng ? Đường xá, sông ngòi, cầu cống, bãi bến, phi trường… ở thành phố lớn nhất Việt Nam là Sài Gòn đã chìm đắm trong biển nước vào các buổi chiều mưa trong thành phố.
Niềm tin yêu và hy vọng của dự luật này đặt vào những sòng bạc đã được dự liệu. Quan chức cộng sản Việt Nam đã quá thừa tiền nên cần những khu đặc biệt để tiêu tiền. Đã có những tường trình về thân chủ bay cao tại những sòng bạc thế giới Ma Cao là những tướng lãnh công an và quân đội giải phóng Trung Quốc. Những đặc khu cờ bạc trở thành những ổ tội phạm kinh hoàng. Nạn mãi dâm tự do tại những khu này đã lộng hành không kiểm soát nổi, trong đó mại dâm trẻ em là một thách thức quản trị đau đầu.
Nếu chú ý đến quan chức cai trị những đặc khu này là ai người ta có thể đoán được quân Tàu đã xâm thực Việt Nam tới đâu. Quyền hạn dự trù trao cho người đặc khu trưởng được quyết định "biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm… ; quyết định đặt đổi tên đường phố trong lĩnh vực xây dựng chính quyền ; cấp phép hoạt động, kinh doanh, lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp, thành lập các khu công nghiệp trong lĩnh vực kinh tế…".
Quan thái thú này còn có những quyền khác nữa lớn không thua gì thủ tướng cộng sản Việt Nam. Quan này "quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, thuê khu vực biển ; quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ; quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa ; quyết định thiết lập giao lưu văn hóa, kinh tế, kỹ thuật với địa phương ở nước ngoài..." (Báo Thanh Niên).
Ta thấy ông đặc khu trưởng gần như có toàn quyền sinh sát trong đặc khu. Ông này là "tổng thống" trong đặc khu kinh tế. Quan sát của Lord Acton : "Quyền lực tuyệt đối đưa đến tham nhũng một cách tuyệt đối" đã được chứng minh hàng ngày trong chế độ cộng sản Việt Nam thì hà cớ gì ta không thể nghi ngờ sẽ xảy ra trong đặc khu kinh tế ?
Còn làm sao để giám sát quyền lực của quan đặc khu trưởng này ? Cứ theo dự luật thì quan thái thú là do Bộ nội vụ (công an) đề nghị, thủ tướng phê chuẩn. Thủ tướng Việt Nam do Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam phê chuẩn. Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam do Đảng cộng sản Trung Quốc phê chuẩn. Vậy có thể suy ra kết luận, quan thái thú các đặc khu phải được Đảng cộng sản Trung Quốc "lãnh đạo" dù không "chỉ đạo" thì rất nhất quán với phương pháp luận.Giữa người nắm quyền lực và thi hành giám sát quyền lực có khác gì "ta đánh ta" ? Đặc khu trưởng không thể là người Tàu được vì quá lộ liễu, nhưng lai Tàu hoặc người Việt Nam nhưng phải có não trạng của Tàu mới được ông Phúc phê chuẩn.
Dự luật này sẽ được Quốc hội cộng sản Việt Nam "giơ tay" sau màn màu mè tranh luận. Đảng lên kế hoạch và đảng bỏ phiếu thông qua như chuyện thường ngày trong huyện. Không có gì phải ầm ỹ. Nhưng khi bộ mặt bán nước đã hiện nguyên hình, câu hỏi là người Việt Nam phải có những phản ứng nào để còn gọi là người Việt Nam.
Có hai chọn lựa cho người Việt Nam hôm nay.
Một là, chấp nhận định mệnh đã an bài vì đã lầm lỡ trao thân cho cộng sản Việt Nam. Làm gì được khi "mọi người đang ngủ cả" ? Chấp nhận số phận hẫm hiu của mình thì thôi cũng được đi, cũng cho qua hết một đời ngu dại. Nhưng còn hàng ngàn thế hệ con cháu trong tương lai thì sao ? Bạn phải chịu trách nhiệm đã buộc con cháu làm nô lệ cho ngoại bang. Bạn sẽ chết mà không nhắm mắt được.
Hai là, đứng lên, nhân khi đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã quyết xuống tay bán nước, bắn một tiếng súng phẫn nộ vào cái chế độ bất nhân phản bội dân tộc Việt Nam. Tham gia vào một tổ chức chính trị của tương lai, có kiến thức chính trị, có dự án chính trị và một đội ngũ tiên phong như Tập Hợp Dân Chủ Đa nguyên đang mời gọi sự tiếp tay của mọi người Việt Nam, bất kể thành phần quá khứ, để thay đổi số phận người Việt Nam. Mọi người được mời gọi tham gia thực hiện ước mơ chung của người Việt Nam : một đất nước văn minh, phát triển, bao dung trong tình tự Việt Nam.
Cái chế độ cộng sản Việt Nam này là một cơn điên ngắn hạn của lịch sử phải chấm dứt. Nó đã quá hạn sử dụng từ cuối thế kỷ thứ 20.
Sơn Dương
(02/06/2018)
Hãy tập dần yêu thích ‘bột nở dự án’ và ‘đặc khu’ (VNTB, 31/05/2018)
Nếu tổ chức hay cá nhân nào đó tha thiết, thì sẽ viết bài phản ánh, bài tỏ quan điểm, kiến nghị cá nhân hoặc tập thể về sự hỗn độn nêu trên. Nhưng rồi sao ? Mọi thứ sẽ được đối phó lại bằng ‘quyền tự do ngôn luận hạn chế’, hoặc đôi khi tội danh ‘xâm phạm an ninh quốc gia, xúc phạm – bôi nhọ lãnh đạo’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’,… đặt áp đặt lên đầu họ.
Ông lão nhặt phở thừa ai đó vứt đi trong thùng rác và ăn ngấu nghiến - Ảnh : Nguyễn Sơn Tùng
Quyền tự do ngôn luận hạn chế’, hoặc đôi khi tội danh ‘xâm phạm an ninh quốc gia, xúc phạm – bôi nhọ lãnh đạo’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’,… đặt áp đặt lên đầu họ.
Đó cũng là phương cách tồn tại của nhà nước độc tài, quan liêu, phi dân chủ.
Hãy nhìn sang Malaysia, nơi mà đại án tham nhũng 1 tỷ USD của cựu Thủ tướng Najib – người được cho là gã đàn ông quyền lực nhất đất nước này. Và những ai đi ngược lại ý muốn của Najib đều đồng nghĩa là sự chống lại quyền lợi đất nước.
43 năm tù dành cho họa sĩ trào phúng Zulkiflee Ulhaque khi gọi cựu Thủ tướng Najib là ‘gã đàn ông ăn cắp’. Chủ nhiệm Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) - Shukri Abdull, người lãnh đạo cuộc điều tra 1MDB khi đó vẫn run sợ khi kể lại : Chúng tôi nhận được đe dọa tôi có thể bị bắt giam với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. Tôi bị dọa bắn, đòi sa thải, ép về hưu sớm, buộc nghỉ phép, rồi bị chuyển công tác sang bộ phận huấn luyện giảng dạy.
Điều đó có nghĩa, tham nhũng và sự lạm dụng quyền lực có ở mọi nơi, khi mà minh bạch, và quyền tự do – dân chủ trong nhân dân tụt dốc hoặc không có vị trí đúng nghĩa trong đời sống dân sự - chính trị.
Nhiều người tìm cách cứu vãn đất nước, và phần lớn họ không có quyền lực, còn những người có quyền lực lại đang tìm cách tống giam những ai muốn cứu vãn đất nước... vào tù.
May mắn thay, Malaysia không có chế độ bầu cử một đảng như ở Việt nam hay Bắc Triều tiên, và may mắn hơn nữa là nước này không sử dụng nguồn trợ cấp để buộc người dân phải đi bỏ phiếu cho 1 chính đảng như Venezuela. Tuy nhiên, Malaysia hay Venezuela lại giống ở chỗ, họ sử dụng nguồn tiền để áp lực lá phiếu cho người dân, và khi người dân bị khuyến dụ bằng tiền thay vì ‘cần câu’ (về chủ trương, chính sách). Hệ quả là, lá phiếu được bầu lên những vị ‘Tổng thống/Thủ tướng’ vĩ đại về độ tham nhũng và lạm dụng quyền lực ; làm suy kiệt tiềm lực quốc gia,…
Khi nhìn về Venezuela hay cả Malaysia thời kỳ Najib, cần phải hoan nghênh những giai đoạn này. Thậm chí đi về trước, khi Pol Pot (cựu Thủ tướng Campuchia) lên nắm quyền, gây ra cái chết của hang triệu người dân nước này, cũng cần hoan nghênh. Bởi phải để cho Venezuela tồn tại, Thủ tướng Najib tại vị, và Ponpol phải nắm quyền trở thành một ví dụ sống động cho việc biến một đất nước có tiềm năng trở thành một đất nước kiệt quệ, thậm chí là hoang mạc. Để dân chúng phải gánh chịu chính cái tư tưởng cam phận, ăn xổi ở thì, cào bằng xã hội, làm ít hưởng nhiều của mình,…. Để dân chúng nhận thấy cái giá của sự ngây thơ và giáo điều chính là sự bóc lột đến tận xương tủy, là hứng chịu những chính sách phản tiến bộ, ngu học và bao cấp dưới mác ‘vì quyền lợi nhân dân’.
Chính phủ nào thì dân đó, mà nhân dân nào thì chính phủ đó. Khi ý chí tự lực, tự cường ; ý chí vì đồng bào – vì quốc gia phải ‘đầu hàng’ trước ý chí tư lợi, chỉ biết dẫm đạp lên nhau thì sống thì khi đó, dân tộc đó xứng đáng bị sống mòn trong thể chế.
Trở lại Việt nam, câu chuyện 3 đặc khu được thành lập với mong muốn cứu cánh ngân sách, và khi nghĩ về đặc khu, người dân chỉ thấy các vị lãnh đạo, Đại biểu quốc hội chỉ thay phiên nhau bàn về ‘mại dâm, cờ bạc, và đất đai’. Với 99 năm, nhiều người lo ngại về sự hình thành thuộc địa ngay trong một đất nước, và nhiều người cho rằng, nó là dấu ấn đỉnh cao của chính sách – chủ trương của thời đại Nhà nước Cộng sản. Rất nhiều người lên tiếng tố cáo chính sách ‘phản động’ này của Đảng cộng sản Việt Nam, của Nhà nước ‘kiến tạo Việt nam’, rất nhiều người căm phẫn và bày tỏ nỗi lo về nguy cơ mất nước sau hàng ngàn năm chống Bắc thuộc,…
Nhưng đừng kêu gào, mà hãy tập dần yêu thích ‘bột nở’ về lý tưởng và một đặc khu 99 năm vì đó chính là 'chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước', bởi dù có sốc hay căm phẫn, thì nó không thể nào tạo được một áp lực đủ để các vị Đại biểu quốc hội thoát khỏi sự ràng buộc của cái gọi là 'ngón tay nhấn nút vì chỉ đạo/Nghị quyết'. Để cho thấy rằng, lựa chọn thể chế ngày hôm nay là lựa chọn của lịch sử ; là phán quyết dựa trên sự cam chịu của người dân. Là minh họa cực kỳ sống đồng để đời này và hàng thế hệ mất nước về sau trải nghiệm đúng câu nói : 'Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không ?'
Chúng ta không có cơ hội 'thay tên đổi đảng' lãnh đạo như nhân dân Malaysia ; chúng ta cũng không có sự quan tâm đầy đủ của Mỹ và EU như nhân dân Venezuela ; và cái quyền trưng cầu dân ý - thứ giúp chúng ta cảm thấy được một chút 'của dân' vẫn bị gác vô thời hạn vì thiếu hướng dẫn. Vậy thì, hãy đồng thuận với 'ý Đảng' để Việt nam trở thành ví dụ minh họa sống động về di hại của chủ nghĩa xã hội đối với con người, sau bắc Triều Tiên, Venezuela,... và nhiều hơn thế nữa.
Ánh Liên
*******************
Thư gửi : Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (CaliToday, 31/05/2018)
Ngày 30 tháng 5 năm 2018
Thư gửi : Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Việt Nam
Kính thưa Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên,
Trả lời câu hỏi : "Về vấn đề an ninh – quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm ?"
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã nói :
"Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không ?"
Là một người Việt có song tịch (Mỹ -Việt), đã sống nửa đời ở Việt Nam và nửa đời ở Mỹ, tôi thấy có trách nhiệm góp ý với ông và các quan chức đang ở vị thế lãnh đạo trong nước nhằm làm sáng tỏ sự so sánh hời hợt và suy luận quá đơn giản của quý vị về vấn đề ở tầm mức quốc gia như thế nầy.
Khi nói đến những Khu Vực Đặc Biệt – Đặc khu (Special Zones) của một đất nước thì cần phải hiểu ngay rằng đấy là những khu vực nằm trên một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của riêng đất nước đó. Tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hay sự nhúng tay làm áp lực của nước ngoài bất cứ từ đâu đến. Từ năm 1934, Mỹ đã có những Đặc khu Thương mãi với Nước ngoài (Foreign Trade Zone – FTZ) và Trung Quốc mới bắt đầu thành lập các Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone – SEZ) từ năm 1980. Trong chiến tranh Việt Nam, miền Nam đã có những Đặc khu Quân sự như năm 1962 có Đặc khu Rừng Sát, Đặc khu Quảng Đà nhưng ở vào một vị thế và yêu cầu chiến lược cấp thời.
Các khu dân cư và buôn bán ở tại Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ của các nhóm nước ngoài như Phố Tàu (China Town – Quartier Chinois)), Phố Hàn (Korean Town), Phố Việt (Little Saigon) là hoàn toàn khác với những "Đặc khu" như Tiến sĩ Kiên đã nêu ra làm ví dụ để so sánh và suy diễn với những "Đặc khu" của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Tôi đã đi qua và đã tận mắt chứng kiến cũng như tìm hiểu trong quần chúng và chính mình nếm trải sự xa lạ, vong thân, vong quốc khi tiếp cận với những "Đặc khu" Trung Quốc tại Huế (Tân Mỹ), Đà Nẵng (Bãi biển Sơn Chà), Nha Trang (Đường Duy Tân dọc biển). Những nơi đó, người Trung Quốc đã ngang nhiên biến những mảnh đất thân yêu Việt Nam thành những "Tử cấm Thành" đại Hán của riêng họ. Họ che chắn bịt bùng như một sào huyệt riêng tư, người Việt Nam không có quyền lai vãng đến đó. Ngoài ra, những nhân sự người Trung Quốc là những kẻ mang sẵn tinh thần kiêu căng nước lớn, giàu có. Chúng nghênh ngang sẵn sàng khiêu chiến, gây sự với người Việt Nam ló mặt tới căn cứ địạ của họ. Và cũng đã có tin đồn phát tác rộng rãi trong quần chúng rằng, có những tình huống éo le và mỉa mai hơn nữa là các quan chức Việt Nam cũng bị cấm không được bước chân vào đặc khu nhượng địa của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Trong khi đó, những khu Phố Tàu, Phố Hàn, Little Saigon… tại Hoa Kỳ và các nơi khác chỉ là một hình thức văn hóa chủng tộc trong một quốc gia hợp chủng. Nếu Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên dụng công tìm hiểu cẩn thận hơn thì đã không làm một sự so sánh khập khiễng và phiến diện "đau lòng dân Việt" đến như thế.
Những nơi đó không phải là một quốc gia trong một quốc gia như các Đặc khu Trung quốc trên đất nước Việt Nam hiện nay. Như khu Little Saigon lớn nhất ở Santa Ana chẳng hạn là một ví dụ điển hình phân biệt giữa cái gọi là đặc khu và khu phố thương mãi bình thường.
Toàn khu phố Little Saigòn là sở hữu của nhiều chủ nhân, nhưng địa bàn đất đai, kiến trúc là tài sản quốc gia Hoa Kỳ. Giới chủ nhân kinh doanh hay sở hữu địa ốc hầu hết là công dân Hoa Kỳ. Tất cả đều phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc gia từ thượng vàng đến hạ cám. Tiếng Anh là ngôn ngữ hành chánh chính thức (official language) mà từ một cái hóa đơn bán lẻ đến những văn tự giao dịch hàng ngày hay các văn kiện quan trọng đều phải dùng tiếng Anh. Những chủ nhân kinh doanh thương mãi hầu hết sử dụng song ngữ Anh-Việt mà tiếng Việt thì tùy nghi (optional), nhưng tiếng Anh là bắt buộc (mandatory). Không biết nói tiếng Anh thì phải dùng thông dịch viên chứ không phải như phường ú ớ chỉ biết rặt tiếng Tàu trên xứ Việt. Mọi nguyên tắc và quy trình sinh hoạt đều phải theo đúng tinh thần văn hóa, xã hội và pháp luật của Hoa Kỳ. Bất cứ một biểu hiện hay sự việc xảy ra lớn nhỏ nào đều do cơ quan an ninh Hoa Kỳ đảm trách. Mọi sự gian dối, phá rối, bạo hành, phạm pháp, tình nghi… dù ở mức độ lớn nhỏ nào đều do cơ quan công quyền xử trị tức khắc.
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên,
Là người có chút học vị, chắc ông khó có thể phủ nhận được thực trạng Việt Nam hôm nay là đang nắm trong chiến dịch "Chinh phục bằng vũ khí mềm" của Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt tại Phi Châu, Nam Mỹ và Đông Nam Á mà nước Việt Nam chúng ta đã và đang bị lún sâu vào con đường "bán nước" theo nghĩa thật, nghĩa đen, nghĩa minh xác nhất của nó. Đó là sự kiện (không còn là hiện tượng nữa) diễn ra quá rõ ràng rằng : đất nước Việt Nam, từ sông núi, biển trời tới đền đài, phố chợ… từ Bắc chí Nam đã bị bán và đang bị bán từng phần cho đạo quân vũ khí mềm Trung Quốc được trang bị và tiềm ẩn dưới nhiếu danh nghĩa khác nhau. Nghĩa là họ chở tiền chứ không phải chở xe tăng, đại bác đi chinh phục Việt Nam và thế giới nữa. Bất hạnh thay cho vận nước là đồng tiền chinh phục của Trung Quốc gặp đạo hùng binh tham nhũng Việt Nam kẻ tung người hứng thì còn chi là gia tài tổ quốc !
Hệ lụy của đất nước Việt Nam trước nạn xâm lăng của Trung Quốc còn dài. Vai trò kẻ sĩ ngày xưa hay trí thức ngày nay đã được đặt định : "Đất nước an nguy, người thường phải gánh" huống chi là thành phần trí thức và quan chức như quý ngài. Có một đại biểu trong Quốc Hội quý vị thuộc đơn vị Quảng Nam đã lên tiếng xác định với đồng viện rằng : "Có đặt vấn đề đúng, mới đưa ra cách giải quyết đúng !". Quả nhiên là vậy. Cách đặt vấn đề của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên về những Đặc khu đang hiện hữu của người Tàu trên đất Việt là rõ ràng chủ quan và tùy tiện ; nếu không muốn nói là mỵ dân và sai lầm. Một nhà khoa bảng giữ chức vụ trọng trách trong Quốc Hội của một nước 95 triệu dân như ông mà nhìn sự thoái trào của đất nước như là một chuyện qua đường bâng quơ và đơn giản như vậy thì làm sao tìm ra một con đường khả thi để giúp dân, giữ nước.
Đây không chỉ là sự góp ý riêng đối với trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên mà là chung với các quan chức đang nằm trong vị thế lãnh đạo Việt Nam. Rằng là : Cần đặt vấn đề đúng đối với sự xâm lăng quân sự trên các vùng biển đảo đến cuộc vạn lý trường chinh bằng vũ khí mềm của Trung Quốc vào Việt Nam. Cần bạch hóa những Đặc khu nhượng địa để thế hệ con cháu mai sau không thống hận, nguyền rủa thế hệ đàn anh bất tài, tham bạo. Đất nước là đất nước chung, một thế lực có thể nhất thời giữ độc quyền cai trị ; nhưng không ai là kẻ độc quyền yêu nước. Mong thay.
Đồng thời với đôi điều góp ý trên đây, tôi cũng đã viết và trình bày về nạn du lịch của du khách Trung Quốc tại Việt Nam và trên thế giới để có thêm thông tin về quan hệ nhân văn và văn hóa ứng xử của người Trung Quốc nội địa và thế giới bên ngoài trong thời hiện đại.
Là một người con dân Việt sống xa quê hương, tôi chỉ xin có đôi điều góp ý chân thành.
Xin cám ơn quý vị.
Trân trọng,
Trần Kiêm Đoàn
MSW ; Ph.D, California. USA & Huế, Việt Nam
*************************
'Chưa an tâm' về 3 đặc khu kinh tế Việt Nam (BBC, 31/05/2018)
Quốc hội Việt Nam chưa nên thông qua dự luật về ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong kỳ này để 'loại trừ những vấn đề và sơ hở' mà dư luận đã nêu lên, một cựu lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói với BBC Tiếng Việt hôm 31/5/2018.
Một số dự án đặc khu ở Việt Nam được quy hoạch ở các vùng kinh tế biển
Không phải chờ đến chín chục năm để những 'phần tử' muốn gây hại cho an ninh, quốc phòng của một quốc gia tiến hành việc làm của họ 'khi họ đã có những động cơ', một nhà phân tích về an ninh quốc phòng và đối ngoại Việt Nam chia sẻ thêm.
Các chuyên gia có tiếng nói khác, không đồng tình hoặc e ngại với những người soạn thảo dự luật về ba đặc khu và đề nghị thời hạn giao đất 99 năm ở đó 'không được nghe' tiếng nói bằng những người ủng hộ, một chuyên gia kinh tế khác nói với BBC trong dịp này.
Trước hết, hôm thứ Năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM nói với BBC Tiếng Việt :
"Đặc khu như vậy, đầu tư một số tiền lớn như thế, rồi cho thuê đất đến 99 năm, rồi miễn giảm thuế, ngay cả thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ được giảm để thu hút và chúng ta chỉ có thể thu hút được Casino và bất động sản thôi thì vấn đề khoa học - công nghệ sẽ là như thế nào ?
"Vấn đề là chúng ta sẽ đạt được những tiến bộ gì và nếu có công nghệ cao thì ở đấy người ta sẽ lan tỏa như thế nào ? Doanh nghiệp Việt Nam nào có thể sẽ tham gia chuỗi giá trị và cung cấp những phụ tùng hoặc những kết cấu cho những doanh nghiệp cao ở đấy ?
"Tất cả những vấn đề đó có lẽ cần phải được thảo luận và cần phải được xem xét một cách cẩn trọng. Và với dự thảo như hiện nay, tôi đề nghị cần phải tu bổ lại và phải bổ sung sửa đổi rất nhiều, để có thể được thông qua, bảo đảm được lợi ích quốc gia và những điều mà công luận hiện nay đã nêu lên".
Như một thông điệp gửi tới những nhà làm luật tại Quốc hội Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm :
"Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét một cách rất thận trọng và để bảo đảm, phản ánh được lợi ích quốc gia và loại trừ được những sơ hở và những vấn đề mà dư luận đã nêu lên, tôi đề nghị Quốc hội sẽ chưa thông qua luật này, trong kỳ này, và sẽ bổ sung, sửa đổi sâu rộng để có thể thông qua trong một kỳ sau".
'Không cần đợi chín chục năm'
Cùng hôm 31/5, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục đưa ra bình luận với BBC về dự luật từ khía cạnh an ninh, chủ quyền :
"Về mặt an ninh quốc phòng và về mặt chủ quyền quốc gia, dù là 10 năm hay 50 năm, nếu chúng ta làm không chặt chẽ và có ý đồ của một số phần tử muốn gây hại cho đất nước này thì họ vẫn có thể làm được chứ không cần chờ đến chín mươi năm.
"Khi mà người ta đã có những động cơ, lợi dụng tất cả những điều đó để gây ra sự bất ổn, thì cho dù thời gian ngắn hoặc dài thì ý nghĩa nó không phải lớn.
"Mà ý nghĩa là ở chỗ động cơ của họ làm sao, cách mà họ thực hiện như thế nào và đặc biệt là sự kiểm tra, kiểm soát và những người quản lý, những người cầm trịch, họ có đầy đủ những phẩm chất, khả năng để có thể kiểm soát điều đó không mới là câu chuyện đáng phải bàn".
Cũng trong dịp này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu quan điểm với BBC xung quanh dự luật và xây dựng dự luật, quản lý đề án, đặc biệt từ khía cạnh lắng nghe ý kiến giới chuyên gia, bà nói :
"Đội ngũ quản trị ở Việt Nam, về phía nhà nước, rất có vấn đề. Còn đội ngũ chuyên gia, tôi nghĩ cũng có, nhưng đâu phải đã là các chuyên gia thực sự giỏi giang tất cả các mặt mà làm được tất cả các mặt về quản trị.
"Tôi hỏi lại là tiếng nói của chuyên gia có phải lúc nào cũng được nghe đâu ? Thí dụ như việc đặc khu này, có một số chuyên gia ủng hộ thì những chuyên gia ủng hộ có vẻ rất được nghe, nhưng những người có tiếng nói khác, không đồng tình hay là e ngại chuyện này, chuyện khác thì lại không được nghe bằng.
"Thế thì đâu có phải là đảm bảo được hoàn toàn, thế rồi cơ chế của đặc khu này cũng đưa ra những cơ chế của đặc khu mới để tạo thẩm quyền cho người đứng đầu đặc khu, thì cái đó cũng tốt, tôi hy vọng là Việt Nam có thể chọn được những người tốt để đứng ra làm trưởng đặc khu và có thể đảm nhiệm công việc của họ được.
"Nhưng quyền hạn giao rất lớn thì trách nhiệm thế nào đây ? Tuyển chọn như thế nào để tuyển chọn được những người có đủ tài, đủ tâm để lãnh đạo", chuyên gia Phạm Chi Lan nêu quan điểm với BBC.
Quốc Phương
******************
Nguy cơ an ninh khi lập đặc khu cho thuê 99 năm (RFA, 30/05/2018)
Từ ngày 21/5 đến 15/6 năm 2018, Quốc hội khoá XIV họp và thảo luận về đề án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong dự luật này, ngoài các ưu đãi về thuế và chính sách dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà chuyên môn cũng như dư luận đặc biệt quan tâm đến chính sách mà theo đó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xem xét chấp thuận cho thuê đất đầu tư lên đến 99 năm.
Vịnh Vân Phong, một trong 3 vị trí được chọn làm đặc khu hành chính - kinh tế - Việt Nam Economy
Nhóm ý kiến ủng hộ cho rằng thời hạn mở rộng lên đến 99 năm quyền thuê và sử dụng đất sẽ là một ưu điểm vượt trội so với thời hạn 70 năm như luật đât đai hiện hành, giúp thu hút vốn đầu tư và cho phép các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn khi quyết định đầu tư dài hạn tại các đăc khu kinh tế đặc biệt. Đây cũng sẽ là mục tiêu giúp các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan toả và tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho cả nước.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đối với những ưu đãi kinh tế nhằm thu hút đầu tư tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, tuy nhiên ông đưa ra những cảnh báo về nguy cơ đối với an ninh quốc phòng tại những vị trí này :
"Nhìn vào bản đồ có thể thấy nó như cái bình phong nhìn ra Biển Đông, mà ai cũng biết là hiện nay Biển Đông đang có rất nhiều phức tạp trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và ai cũng biết là Trung Quốc đang lấn chiếm biển Đông".
Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến vị trí địa lý của quần đảo Vân Đồn vốn nằm ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hải Nam không xa và gần với biên giới đường bộ của Trung Quốc. Ông nói tiếp :
"Mỗi một quốc gia một dân tộc cần phải có bài học riêng của mình, chứ không thể nói đặc khu thì ở đâu cũng như đâu cho nên cứ cảnh giác thì là hơn, thì chúng ta còn có thể giữ được những quan hệ tốt đẹp, ngăn chặn những tiêu cực".
Đồng quan điểm với ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hoá kỳ họp quốc hội khoá11-12 Lê Văn Cuông cảnh báo cần thận trọng hơn đối với thời hạn cho thuê đất kéo dài quá lâu như dự luật đề xuất :
"Vấn đề này cần phải được đặc biệt quan tâm đấy vì vấn đề an ninh quốc phòng cần phải đặt lên trên hàng đầu, chứ không phải là vì kinh tế mà đánh đổi quá nhiều với vấn đề thuộc về lĩnh vực an ninh quốc gia".
Thực tế cho thấy tại một số khu kinh tế mà cụ thể khu công nghiệp Vũng Áng- Hà Tĩnh, khu vực dự án Boxit Tây Nguyên, khu công nghiệp Đồng Kỵ, Bắc Ninh… và một số dự án khác trải dài từ Bắc vào Nam do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, sự xuất hiện của một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc cùng những cửa hàng, biển bảng, đường phố bằng tiếng Trung khiến dư luận trong nước vô cùng bức xúc và quan ngại về tình trạng "di dân" của người Trung Quốc tới Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, blogger Trần Bang, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho biết đối với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với giá trị hơn 11 ngàn tỷ đô la Mỹ, việc các nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra một vài tỷ đô la Mỹ đầu tư tại Việt Nam nhằm "hợp thức hoá" việc "di dân" tới những vị trí trọng yếu là điều hết sức dễ dàng và có thể tạo nên những thế lực mà ông này gọi là "hắc ám" đối với dân tộc Việt Nam". Ông Trần Bang nói :
"99 năm rất là dài, có thể kéo dài đến 3, 4 thế hệ và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh quốc phòng, nhất là hiện tại bây giờ Việt Nam vẫn bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa về đường lưỡi bò… những thứ mà họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế. Khi mà mình đã ra luật như vậy, chẳng hạn người ta đấu giá mà thắng thì người ta có thể dùng chính cái luật của mình, và họ dùng đồng tiền đối với họ không là bao nhiêu, họ sẵn sàng ra giá cao để thuê được 3 điểm quan trọng nằm tại đầu và giữa của đất nước, kết hợp với Hoàng Sa, Trường Sa, kết hợp với đường lưỡi bò thì Việt Nam nằm hoàn toàn trong vòng tay họ"
Mặc dù đến ngày 15/6 tới đây Quốc hội mới chính thức bỏ phiếu để quyết định thông qua dự luật Đặc khu, đã có nhiều ý kiến cho rằng, dự luật này đã được ngấm ngầm thông qua từ rất lâu bởi trên thực tế, giá đất tại các khu vực như Vân Đồn, Phú Quốc trong thời gian qua đã tăng chóng mặt, đẩy thị trường bất động sản tại những nơi đó vào tình trạng ‘đi tắt, đón đầu’.
Blogger Trần Bang bày tỏ quan điểm :
" Những thế lực họ nghe tin là có ưu ái cho 3 khu vực đó họ đã ra mua đất, gom đất từ lâu rồi. Bây giờ mà Trung Quốc nhảy vào trả giá cao thì họ sẵn sàng đồng ý, có nghĩa là cho đền bù để cho thuê với giá cao thì những người đã mua đất gom đất từ trước đến nay sẽ nhận được giá rất cao so với vốn họ bỏ ra với giá rẻ mạt"
Đây cũng quan điểm mà một số đại biểu quốc hội đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này, mà theo họ, thời hạn cho thuê đất lên 99 năm chỉ có lợi cho những nhà đầu tư bất động sản hoặc những ý đồ khác muốn trục lợi từ chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam đối với những đặc khu kinh tế trên. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh việc các doanh nghiệp làm ăn chân chính không yêu cầu mức thời gian quá dài như là một lợi thế để quyết định đầu tư. Ông cho rằng nếu Việt Nam tạo được một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thuận lợi thì chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư đến và gắn bó dài lâu.
Trước những quan ngại về an ninh quốc phòng mà luật Đặc khu có thể gây ra, những vị nhân sĩ, trí thức thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và những cảm tình viên của câu lạc bộ này vào ngày 29/5 ra Tuyên Bố yêu cầu Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu bãi bỏ việc thảo luận và thông qua luật này.
******************
Lo ngại Vân Đồn thành Crimea thứ hai nếu giao đất 99 năm (VOA, 29/05/2018)
Nhiều người ở Việt Nam gần một tuần nay lên tiếng kêu gọi quốc hội cân nhắc thêm, đừng vội thông qua luật về đặc khu kinh tế, trong đó có điều khoản giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài tới gần 1 thế kỷ.
Nhiều đại biểu quốc hội Việt Nam đề nghị chưa thông qua luật về đặc khu kinh tế
Đã có người cảnh báo một điều luật như vậy có thể dẫn đến nguy cơ Vân Đồn, một đảo của Việt Nam gần Trung Quốc, bị biến thành một Crimea thứ hai.
Các ý kiến đó của nhiều thành phần nhân dân đã nổi lên sau hai phiên thảo luận của quốc hội hôm 23 và 28/5 về dự luật do chính phủ trình, có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Chính phủ Việt Nam dự định lập 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế.
Báo chí trong nước dẫn lại thông tin từ chính phủ cho hay dự luật đặc khu chứa đựng các chính sách đặc biệt về nhiều ưu đãi thuế, thủ tục hành chính thông thoáng và cho thuê đất dài hạn hơn.
Một số quan chức chính phủ nói với quốc hội và báo chí rằng việc lập 3 đặc khu là một bước "thử nghiệm" các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).
Giới hoạch định chính sách bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo "tác động lan tỏa, tích cực" tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo các báo.
Tại quốc hội, điều khoản về giao đất 99 năm trong dự luật đặc khu đã gây nhiều lo lắng cho các đại biểu.
Các đại biểu Dương Trung Quốc, Trần Hoàng Ngân, Trương Trọng Nghĩa, và Lê Thu Hà được báo chí trích lời đưa ra quan điểm rằng không nên cho thuê đất đến gần 1 thế kỷ, thậm chí nên bỏ điều khoản này ra khỏi dự luật.
Ông Dương Trung Quốc lưu ý đến yếu tố địa chính trị của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, và cảnh báo "không cẩn thận nó sẽ là nơi để [Trung Quốc] di dân thôi", theo tin đăng trên VTC News và báo Đất Việt.
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhìn từ trên cao
Tuy các đặc khu kinh tế với ưu đãi về đất đai không phải là một mô hình mới, với thực tế là đã nhiều nước trên thế giới thực hiện các đại dự án kiểu như vậy, song tính nhạy cảm về vấn đề này ở Việt Nam có phần nguyên nhân ở những nghi ngại của người Việt về những động thái của Trung Quốc trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, giải thích với VOA :
"Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông".
Sau khi các ý kiến của các đại biểu quốc hội được báo chí đăng tải, trong nhiều ngày liên tiếp, đông đảo dư luận Việt Nam, bao gồm các thành phần đa dạng như các nhà báo kỳ cựu, giảng viên đại học, quan chức về hưu và các nhà hoạt động, cũng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội phản đối dự thảo về giao đất lâu gấp rưỡi thời hạn theo luật hiện hành.
Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân được nhiều người chia sẻ, cũng như được trang mạng có tên Báo Tiếng Dân đăng lại, tiến sĩ Võ Trí Hảo nói ông quan ngại nhất về nguy cơ đối với Vân Đồn do đảo này có "giá trị quốc phòng" đối với Trung Quốc.
Vị tiến sĩ nhắc lại đặc điểm của hòn đảo là "cận kề Trung Quốc, có lịch sử sinh sống của người Trung Quốc trước năm 1979", thời điểm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trở nên thù địch do nổ ra cuộc chiến biên giới giữa hai nước.
Dẫn lại cảnh báo của đại biểu quốc hội về khả năng người Trung Quốc lợi dụng đặc khu kinh tế Việt Nam để di dân, ông Hảo khái quát về một viễn cảnh đáng lo ngại là những di dân có thể "tạo bất ổn chính trị, kiếm cớ biểu quyết ly khai" rồi "xin gia nhập Trung Quốc" theo kịch bản Crimea.
Bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và mong muốn được Nga bảo vệ lợi ích.
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục nhìn nhận đây là một nguy cơ, vì vậy chính sách về Vân Đồn phải tính đến các biện pháp ngăn ngừa :
"Vân Đồn gần Trung Quốc cho nên vấn đề an ninh quốc phòng là vấn đề đặt ra. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm nghiên cứu, đề ra các phương án để giảm thiểu tối đa những nguy cơ mà trong thực tiễn quốc tế đã từng xảy ra. Thậm chí là anh có những hạn chế đối với những đối tượng cảm thấy rằng nó có nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền đất nước".
Mặc dù xuất hiện nhiều ý kiến trong quốc hội lẫn ngoài xã hội bày tỏ không ủng hộ, song theo bản tin hôm 28/5 của báo mạng Việt Nam Express, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn đề nghị "cho phép giữ nguyên quy định 99 năm" về cho thuê đất ở các đặc khu.
Dự kiến quốc hội sẽ biểu quyết về dự luật đặc khu kinh tế vào ngày 15/6 tới đây.
Thông tin từ Bộ Tài chính Việt Nam được báo chí dẫn lại cho hay nếu dự luật được thông qua, 3 đặc khu sẽ cần số vốn đầu tư lên đến gần 1,6 triệu tỉ đồng, tương đương gần 69 tỉ đôla, trong đó vốn ngân sách chiếm từ 50-59%, tùy từng đặc khu.
Nguồn : VOA, 29/05/2018
Tuy các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14 chưa bỏ phiếu nhưng gần như chắc chắn dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" (gọi tắt là Luật Đặc khu) sẽ được họ thông qua ở kỳ họp lần thứ năm này.
Một chiếc tàu chở công nhân Trung Quốc rời cảng Vũng Áng, tháng Năm 2014.
Ngay sau đó, Luật Đặc khu sẽ được dùng để khai sinh cho ba đặc khu đầu tiên của Việt Nam là : Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo dự trù, từ nay đến 2030, chi phí xây dựng ba đặc khu vừa kể sẽ ngốn… 1.570.000 tỉ đồng (Vân Đồn 270.000 tỉ đồng, Bắc Vân Phong 400.000 tỉ đồng, Phú Quốc 900.000 tỉ đồng) (1).
***
Đặc khu (Special Economic Zone) là cách gọi những khu vực mà việc quản lý - điều hành được thực hiện theo phương thức ưu đãi đặc biệt, khác hẳn lệ thường nhằm thu hút đầu tư ở cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ của một quốc gia, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu cho công quỹ. Tùy nơi, tùy hoàn cảnh mà những quốc gia quyết định thành lập các đặc khu, quyết định gọi các đặc khu của họ là gì (Khu Kinh tế, Khu Kinh tế Đặc biệt, Khu Thương mại tự do…).
Xét về cả thông lệ quốc tế lẫn bản chất, không cần khai trương Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì ít nhất, Việt Nam cũng đã có 18 đặc khu, trong số này có 15 được gọi là Khu Kinh tế ven biển và ba được gọi là Khu Kinh tế (Thái Bình, Ninh Cơ, Đông Nam Quảng Trị). 18 đặc khu ấy đang chiếm 730.553 héc ta mặt đất và mặt biển. Chỉ mới tính đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các Khu kinh tế ở Việt Nam đã xấp xỉ 170.000 tỉ đồng (2). Chưa tìm thấy số liệu để xác định từ 2010 đến nay, chính quyền Việt Nam đã rót thêm bao nhiêu tiền cho 18 đặc khu ấy, song có thể đoan chắc, con số đó không nhỏ, không thể dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa.
18 đặc khu hiện có đã tạo ra những hiệu ứng tích cực nào cho kinh tế - xã hội Việt Nam ? Tại sao miền Trung - khu vực có đặc khu đầu tiên (Khu Kinh tế Chu Lai - Quảng Nam, 2003), sau này có thêm hàng loạt đặc khu nữa : Khu Kinh tế Dung Quất (QuảngNgãi, 2005), Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế, 2006), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên, 2008) vẫn nghèo ? Cho tới năm ngoái, trừ Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể đóng góp cho ngân khố quốc gia, chính quyền các tỉnh còn lại đều ngửa tay xin chính quyền trung ương trợ giúp (3).
Với thực tế như vừa kể, "kỳ vọng" từ 2020 trở đi, ba đặc khu mới là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ giúp GDP địa phương (GRDP) tăng hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm, từ 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của dân chúng cư trú ở ba đặc khu mới sẽ đạt từ 12.000 Mỹ kim đến 13.000 Mỹ kim/người/năm… có phải là ngoa ngôn không (4) ?
Những viên chức hữu trách đang tô vẽ viễn cảnh xán lạn của ba đặc khu mới, liệu có nhớ hệ thống công quyền đã từng tuyên bố những gì khi công bố chủ trương thành lập các khu kinh tế hồi đầu thập niên 2000 không ? Nếu ba đặc khu mới cũng không như "kỳ vọng" sẽ có những ai sẽ chịu trách nhiệm ? Chịu trách nhiệm như thế nào ?
***
Giữa thập niên 1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương phát triển các Khu Công nghiệp để "hiện đại hóa đất nước". Đến nay, toàn Việt Nam có 324 khu công nghiệp, chiếm 92.000 héc ta đất nhưng hiện có khoảng 4/5 diện tích các khu công nghiệp trên toàn Việt Nam đang bỏ hoang. Ngoài thiệt hại tài chính, chủ trương phát triển các Khu Công nghiệp còn là sự lãng phí nghiêm trọng tài nguyên quốc gia (5).
Đầu thập niên 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục đề ra chủ trương phát triển các Khu Kinh tế (Khu Kinh tế ven biển, Khu Kinh tế cửa khẩu, Cụm công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ). Dẫu các số liệu liên quan đến đầu tư không được bạch hóa nhưng người ta tin rằng, hệ thống công quyền Việt Nam đã rót vào các Khu Kinh tế chừng vài trăm ngàn tỉ đồng. Nếu đã từng đọc các báo cáo, nghe các cảnh báo, phân tích, nhận định về thu – chi ngân sách hàng năm, ai cũng có thể thấy mục tiêu đến năm 2020, các Khu Kinh tế sẽ đóng góp từ… 53% đến 55% GDP là vô vọng. Dấu ấn đậm nhất mà các Khu Kinh tế tạo ra là đã trải thảm, rước các dự án lọc dầu, cơ khí nặng, nhiệt điện, luyện thép,… - vốn được xem là những tác nhân hủy diệt môi trường – vào Việt Nam, chia nhau những vị trí tốt nhất, đẹp nhất dọc bờ biển (6).
Đầu thập niên 2010, dưới sự dẫn dắt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định xây dựng các đặc khu. Giống như các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế, xây dựng các đặc khu là một "chủ trương lớn" nữa của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Tháng 10 năm ngoái, ở kỳ họp lần thứ 4, các đại biểu của Quốc hội khóa 14 nghe chính phủ Việt Nam giới thiệu dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt". Giờ, ở kỳ họp lần thứ 5, theo tường thuật của báo giới Việt Nam, dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" chỉ còn chờ các đại biểu "bấm nút" biến dự luật thành luật.
Các đặc khu có phải là chiếc đũa thần, biến kinh tế - xã hội Việt Nam từ Lọ Lem thành công chúa ? Câu trả lời là không.
Ngày 18 tháng 5, tham gia hội thảo về "Đặc khu - Thể chế, Chính sách và Kỳ vọng thành công", một số chuyên gia ngoại quốc khuyến cáo, trên thế giới có hàng chục ngàn đặc khu nhưng chỉ có vài trường hợp thành công. Khi tường thuật về hội thảo này, một số tờ báo nhấn mạnh cảnh báo của ông Sebastian Eckardt, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế làm việc tại Chi nhánh Việt Nam của Ngân hàng Thế giới : Coi chừng ba đặc khu mà Việt Nam đang hăm hở thành lập sẽ tạo ra một cuộc đua lao xuống đáy (7) !
Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng không giấu diếm băn khoăn khi con đường mà Việt Nam chọn để gầy dựng đặc khu lệch hướng (đem các đặc quyền về sử dụng đất và ưu đãi về thuế để mời gọi đầu tư). Trong số này có bà Phạm Chi Lan. Bà Lan nhắc rằng, nếu ba đặc khu mới cùng hướng đến công nghệ cao, tại sao không chọn những nơi như Sài Gòn, Hà Nội vốn đang sẵn có nguồn nhân lực với kỹ năng cao, hạ tầng tốt mà lại chọn Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang ? Nếu thật tâm hướng đến công nghệ cao, tại sao không cải sửa các qui định để những Khu Công nghệ cao vốn đã có sẵn ở Sài Gòn, Hà Nội phát triển như mong muốn ? Không phải là đặc khu thì du lịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát triển, chuyển cả hai thành đặc khu, cho thêm hàng loạt ưu đãi về đất đai, thuế khóa liệu có thừa hay không ? Chưa kể tạo lập các casino ở đó – chọn casino như đột phá, vận động công nhận mại dâm là hoạt động hợp pháp, xem cờ bạc, mại dâm như đôi cánh để nâng du lịch Việt Nam lên thì có nên hay không (8) ?
Đáng ngạc nhiên là đại diện cho toàn dân để "quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước" nhưng khi thảo luận về dự luật "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt", không thấy đại biểu nào ở Quốc hội trăn trở trước những khuyến cáo, cảnh báo, gợi ý của các chuyên gia. Thảo luận về về dự luật "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" ở Quốc hội giống như thủ tục không thể không thực hiện trước khi "bấm nút", giống như các đại biểu tiền nhiệm đã từng "bấm nút" hỗ trợ cho các "chủ trương lớn" trong quá khứ : Bơm tối đa nguồn lực quốc gia cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tạo dựng nền tảng của "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Chi hàng trăm ngàn tỉ để "xây dựng nông thôn mới"…
***
Tuần vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, liên tục khẳng định với báo giới trong nước và quốc tế rằng, ba đặc khu kinh tế đang chờ các đại biểu Quốc hội "bấm nút", cấp khai sinh sẽ là "sân chơi mới". Tại đó, doanh giới sẽ được "ưu đãi mọi khía cạnh" : Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Được hưởng thuế suất 10% trong 30 năm. Riêng thu nhập từ đầu tư - kinh doanh bất động sản sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 17%...
Thật ra, những ưu đãi ấy đâu có mới. Có thể ông Dũng mắc chứng "suy giảm trí nhớ" nên quên là hệ thống công quyền Việt Nam từng dành những ưu đãi y hệt như thế cho… Formosa : Luật chỉ cho phép cho thuê đất 50 năm nhưng Formosa được thuê đất tới 70 năm. Từ năm thứ 16 Formosa mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (9).
Tháng 6 năm 2014, Formosa đề nghị cho phép lập "Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng" với Ban Quản lý "trực thuộc Văn phòng Chính phủ" (10). Formosa còn đề nghị : Thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Thậm chí "được cắt đất để bán cho khoảng 15.000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60.000 người nhằm xây dựng một thị trấn".
Bởi dân chúng, báo giới Việt Nam sôi lên vì giận, nhiều chuyên gia tại Việt Nam xúm vào phân tích – chứng minh các đề nghị của Formosa "không bình thường" và "không phù hợp với khung pháp luật của Việt Nam hiện nay", nên cuối cùng, chính phủ Việt Nam bác bỏ ý tưởng thành lập"Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng" của Formosa.
Formosa nâng kinh tế - xã hội Việt Nam lên hay nhận kinh tế - xã hội Việt Nam chìm xuống sâu hơn thì câu trả lời đã có và còn ai không thấy, không biết ?
Chỉ cần vài ngày nữa, sau khi Quốc hội "bấm nút", dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" sẽ trở thành luật, những "nhà đầu tư" giống như Formosa có thể hiên ngang bước tới vì "khung pháp luật của Việt Nam hiện nay" đã "phù hợp". Thảm họa cho an ninh kinh tế, an ninh tài chính, môi trường mà nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam âu lo vì khó tránh đâu có xảy ra lúc này. Đó là chuyện vài năm nữa. Lúc đó các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đều đã nghỉ hưu. Hơi đâu mà lo.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/05/2018
Chú thích :
(1) http://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/viet-nam-dang-danh-cuoc-lam-dac-khu-kinh-te-3324043/
(2) http://enternews.vn/18-khu-kinh-te-cua-viet-nam-da-duoc-quy-hoach-17481.html
(3) http://thuonggiaonline.vn/nhung-tinh-thanh-nao-nop-ngan-sach-cao-nhat-nuoc-5690.htm
(4) https://news.zing.vn/3-dac-khu-kinh-te-viet-nam-don-to-don-phuong-hoang-post752577.html
(5) https://www.tienphong.vn/kinh-te/bo-hoang-dat-vang-khu-cong-nghiep-1068011.tpo
(8)http://viet-studies.net/kinhte/DacKhuKinhTe_PCLan.html
(9) https://tuoitre.vn/lo-boacutep-chet-ngagravenh-theacutep-trong-nuoc-618010.htm
(10)http://www.thesaigontimes.vn/116684/Formosa-Ha-Tinh-doi-lap-dac-khu-Vung-Ang.html
********************
Dân Việt Nam lo ngại Luật cho ‘giao đất đến 99 năm’ ở các Đặc Khu (Người Việt, 24/05/2018)
Luật Đơn Vị Hành Chính-Kinh Tế Đặc Biệt (gọi tắt là Luật Đặc Khu) mở đường cho việc hình thành các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc dự trù được Quốc Hội cộng sản Việt Nam thông qua ngày 15 tháng Sáu tới.
Phú Quốc hiện là một trong những nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài nhất tại Việt Nam. (Hình : Thanh Niên)
Tuy vậy, công luận và mạng xã hội đã dấy lên nhiều quan ngại xoay quanh quy định "có thể giao đất đến 99 năm ở đặc khu" của dự luật này.
"Chúng ta đang sống ở đương đại, có thể đại diện cho thế hệ cách chúng ta 100 năm nữa không ? Các đặc khu này có địa điểm rất nhạy cảm, đặc biệt là Vân Đồn, nếu không cẩn thận thì nó sẽ trở thành địa điểm di dân", đại biểu Dương Trung Quốc được báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Theo quy định trong dự án Luật Đặc Khu, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu "không quá 70 năm, tùy quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư" nhưng lại nêu ngoại lệ do thủ tướng quyết định với "thời hạn sử dụng đất dài hơn, nhưng không quá 99 năm".
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa được báo Pháp Luật ở Sài Gòn dẫn lời : "Tôi đề nghị bỏ hẳn thời hạn giao đất 99 năm, vì không có dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất".
"Theo tôi, thời hạn này ngang với ba, bốn thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến".
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ quan ngại rủi ro của việc giao đất đến 99 năm ở đặc khu sẽ tăng hơn nhiều nếu rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc. Vì cả ba nơi dự trù trở thành các đặc khu đầu tiên của Việt Nam đều nằm ở những vị trí chiến lược.
Vân Đồn nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, án ngữ vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, trong khi vịnh Vân Phong là nơi rất gần các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Phú Quốc chỉ cách bờ biển Cambodia 26km, trong lúc Phnom Penh ngày càng bị Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng.
Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh Quốc Hội đang bàn Luật Đặc Khu, truyền thông "lề phải" được lệnh tuyên truyền về hiệu ứng của việc hình thành đặc khu.
Trung Tâm Tin Tức VTV24 của Đài Truyền Hình Quốc Gia Việt Nam hôm 18 tháng Năm phát đi bản tin, "Đặc khu kinh tế đã biến Singapore từ một quốc gia không có tài nguyên, thậm chí là phải nhập khẩu cả nước ngọt trở thành một con rồng Châu Á". Tuy vậy, bản tin này cố tình lờ đi chi tiết Singapore không phải là quốc gia có "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN".
Dù đang có nhiều ý kiến phản biện trên mặt báo và mạng xã hội, nhưng nhiều phần trăm Quốc Hội vẫn nhất định bấm nút thông qua Luật Đặc Khu theo chỉ đạo của Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam.
Luật Sư Trương Thanh Đức ở Hà Nội bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Cái cần là tạo ra môi trường kinh doanh thật sự hấp dẫn, chứ không phải là phát huy ba thế mạnh casino, mại dâm và chủ yếu là giảm thuế má để gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Luật Đặc Khu vắng cái gốc, thiếu chất và mất hồn. Ba đặc khu thất bại hay thành công, không phải tại luật. Chỉ là sự dịch chuyển tiền nong từ biển vào sông, chứ không thấy có gì đột phá vượt trội tạo cơ hội mới phát triển kinh tế thế hệ 4.0". (T.K.)
Canh bạc này đối với Việt Nam lại càng vô cùng nguy hiểm - nguy cơ Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc trở thành nơi lót ổ của hàng đàn diều hâu đến từ phương bắc đang trở thành hiện thực, trong khi cả 3 đều là những vị trí đặc biệt xung yếu về an ninh quốc phòng. Ai có thể chặn được đoàn tàu đang lao nhanh trên đường ray dẫn đến vực thẳm này ???
Lê Anh Hùng
************************
Các nước phải chấp nhận tốn kém, hụt thuế vì đặc khu kinh tế nhưng nếu thành công sẽ được bù đắp bằng số việc làm và thương mại bùng nổ.
Ba đặc khu kinh tế tương lai được ưu đãi gì ? / Đề xuất mô hình bí thư kiêm chủ tịch đặc khu kinh tế
Khoảng hai thập niên gần đây, mô hình đặc khu kinh tế (special economic zone - SEZ) ngày càng được các quốc gia quan tâm. Trong một nghiên cứu về Đặc khu kinh tế năm 2010, tác giả Thomas Farole tại Ngân hàng Thế giới (WB) còn nhận định : "Bất kỳ nước nào 10 năm trước không có SEZ thì giờ đã có, hoặc lên kế hoạch có rồi".
SEZ là khái niệm chỉ một khu vực trong một quốc gia tuân theo các quy định kinh tế khác với cả nước.
Thông thường, những quy định này có xu hướng nghiêng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hoạt động kinh doanh trong một SEZ cũng có nghĩa công ty đó sẽ nhận được các ưu đãi về thuế, nhập khẩu, thủ tục hải quan và nhiều quy định kiểm soát khác.
Economist cho rằng SEZ là một ưu tiên về chính trị, nhưng lại là một canh bạc về kinh tế.
Việc các hãng xuất khẩu và các nhà đầu tư khác nhận được ưu đãi thuế và chính sách trong SEZ có thể bóp méo nền kinh tế. Chính quyền cũng sẽ phải gánh nhiều chi phí, như đầu tư cho cơ sở hạ tầng cần thiết và chấp nhận hụt doanh thu thuế. Nhưng nếu thành công, những điều này sẽ được bù đắp bởi số việc làm và hoạt động thương mại bùng nổ.
SEZ có lịch sử hình thành từ khá lâu. Khu vực mậu dịch tự do đầu tiên hình thành dưới nền văn minh cổ đại Phoenicia (khoảng năm 1550 trước công nguyên). Còn mô hình hiện đại đầu tiên được thành lập tại sân bay Shannon ở Ireland năm 1959. Tuy nhiên, phải đến thập niên 80, khi Trung Quốc phát triển hình thức này, nó mới được chú ý.
Từ một làng chài, Thâm Quyến (Trung Quốc) giờ đã thành siêu đô thị nhờ SEZ. Ảnh : Reuters
Thế giới hiện có hơn 4.000 SEZ, Economist cho biết. Một nghiên cứu năm 2008 ước tính khoảng 68 triệu người trên thế giới đang làm việc tại các khu này. SEZ có rất nhiều hình thức, từ "khu chế xuất" cơ bản, "khu vực mậu dịch tự do" đến "các thành phố đặc quyền" - khu vực thành thị thiết lập quy định riêng trong mọi lĩnh vực ảnh hưởng đến kinh doanh.
Các số liệu về hiệu quả của SEZ rất khó nắm bắt, do khó tách riêng tác động của những khu vực này với các lực lượng kinh tế khác. Dù vậy, nhiều bằng chứng đã chỉ ra chúng thường rơi vào 3 nhóm - một vài thành công rất nhanh chóng và dễ dàng, một số lượng lớn có thành tích nhỉnh hơn điểm hòa vốn khi đánh giá chi phí - lợi nhuận, và hàng dài các SEZ thất bại vì một là không bao giờ được thực hiện, hoặc điều hành quá kém, hoặc nhà đầu tư vui vẻ hưởng ưu đãi thuế mà không tạo ra lợi nhuận xuất khẩu hay số việc làm đáng kể.
Câu chuyện thành công lớn nhất về SEZ thuộc về Trung Quốc.
Năm 1980, lãnh đạo Trung Quốc thời đó - Đặng Tiểu Bình chỉ định Thâm Quyến sẽ là một trong bốn đặc khu kinh tế của nước này, với ưu đãi thuế và nhiều quy định thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy, trong những năm sau đó, Thâm Quyến tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.
Từ một làng chài 30.000 dân, giai đoạn 1978 - 2014, GDP thành phố này tăng 24.500%. Đến năm 2016, dân số ở đây đã đạt gần 12 triệu người. Theo Forbes, Thâm Quyến hiện là một trung tâm công nghệ tầm cỡ thế giới, có sàn chứng khoán Thâm Quyến và là một trong những trung tâm tài chính bận rộn nhất toàn cầu.
Trung Quốc rất hào hứng với mô hình đặc khu kinh tế. Tháng 9/2013, Khu vực Thương mại tự do Thượng Hải (Shanghai FTZ) được thành lập, là nơi thử nghiệm các chính sách tài chính của Trung Quốc trước khi được áp dụng rộng rãi. Thượng Hải hiện là trung tâm tài chính của nền kinh tế lớn nhì thế giới và Shanghai FTZ được kỳ vọng giúp thành phố này trở thành một trung tâm tài chính quốc tế chính thức trước năm 2020, Diplomat cho biết. Năm ngoái, Trung Quốc còn lên kế hoạch về đặc khu kinh tế Xiongan, dự kiến đổ vào đây 290 tỷ USD.
Mô hình Khu Kinh tế Tự do (FEZ) của Hàn Quốc cũng được đánh giá thành công, nhờ kết hợp được với nền kinh tế trong nước. Họ đã củng cố được mối liên kết giữa các công ty trong đặc khu với các doanh nghiệp địa phương.
Hàn Quốc hiện có 8 FEZ rải rác khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, gồm Incheon, Busan-Jinhae, Gwangyang, Hoàng Hải, Daegu-Gyeongbuk, Bờ Đông, Chungbuk và Saemangeum-Gunsan. FEZ là bằng chứng cho thấy sự hợp lực giữa các ngành công nghiệp khác nhau tại đây.
Khu Kinh tế Tự do ở vịnh Gwangyang của Hàn Quốc. Ảnh : Korean Free Economic Zones
Nhiều khu kinh tế của nước này vẫn còn đang phát triển. Chính phủ Hàn Quốc đã đổ vào đây hàng tỷ USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ các ngành công nghệ cao, kinh tế quốc tế, giải trí và du lịch. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nước này thường được coi là lợi thế chính giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian giao hàng và cải thiện dịch vụ khách hàng.
Những quốc gia khác cũng thành công với SEZ là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Malaysia. Philippines cũng được khen ngợi với "các khu PEZA" khi giảm đáng kể quy trình xin giấy phép với các nhà đầu tư ngoại. Tại Cộng hòa Dominican, nó đã giúp tạo ra ngành sản xuất có quy mô đáng kể trong một nền kinh tế trước đó vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp.
Trong một báo cáo về kinh tế Châu Á năm 2015 (Asian Economic Integration Report), Shang-Jin Wei - kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định : "Sự phát triển về số SEZ từ 500 năm 1995 lên hơn 4.300 năm 2015 cho thấy thế giới ngày càng quan tâm mạnh mẽ đến loại hình thử nghiệm chính sách này, dù kết quả còn trái chiều. Nếu được thiết kế đúng, SEZ có thể trở thành lực đẩy cho thương mại, FDI, cải thiện việc hoạch định chính sách kinh tế và cải tổ. Hơn nữa, khi các nước phát triển lên, những khu vực có SEZ có thể cải tổ từ khu vực thuần sản xuất thành trung tâm đột phá và dịch vụ hiện đại".
Nghiên cứu của ADB cho thấy riêng khu vực Châu Á, số SEZ của một nền kinh tế tỷ lệ thuận với xuất khẩu. Tại các nước Châu Á đang phát triển, những quốc gia có SEZ thu hút nhiều FDI hơn tới 82%.
Dù vậy, SEZ không phải lúc nào cũng mang lại tác động tích cực.
Ưu đãi để thu hút nhà đầu tư cũng đồng nghĩa chính quyền phải chấp nhận thất thu thuế, ít nhất là trong ngắn hạn. Các khu vực này cũng đang ngày càng trở thành thiên đường rửa tiền.
Bên cạnh đó, ưu đãi tài chính không phải biện pháp có thể duy trì sự hấp dẫn lâu dài. Các khu kinh tế tự do tại Châu Phi chỉ toàn voi trắng. Hàng trăm SEZ ở Ấn Độ cũng không thể thành hiện thực.
Các SEZ cần phải được kết nối với nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, cải thiện cơ sở hạ tầng còn quyết định thành công nhiều hơn là ưu đãi thuế. Các SEZ ở Châu Phi thất bại vì lý do này. Rất nhiều khu kinh tế mới tại đây thiếu điện hoặc nằm quá xa cảng.
Cảng Yangshan trong Shanghai Free Trade Zone. Ảnh : News.cn
Tác động tổng thể của SEZ lên thương mại cũng khá khó đánh giá. Một nghiên cứu năm 2014 của các nhà kinh tế tại Đại học Paris-Dauphine tìm ra rằng ở một mức độ bảo hộ thuế nhập khẩu nhất định, SEZ sẽ làm tăng xuất khẩu cho các nước. Đó là lý do vì sao Tổ chức Thương mại Thế gới (WTO) thường bỏ qua cho các SEZ, dù nhiều khu vi phạm quy định về trợ giá. Tuy vậy, báo cáo này cũng chỉ ra SEZ thi thoảng được các nước dùng làm cái cớ để duy trì các rào cản bảo hộ trong nước.
Cuối cùng, bản thân mô hình SEZ cũng có hạn chế. Những gì có tác dụng với sản xuất chưa chắc đã có tác dụng với ngành khác. Shanghai FTZ chỉ tập trung vào tài chính. Theo các nhà kinh tế học, việc Trung Quốc kiểm soát chặt dòng vốn khiến tác động của khu vực thương mại tự do này lên cả nước khá hạn chế.
Trong một khảo sát được thực hiện tháng 3/2015 bởi Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, 45% doanh nghiệp tham gia cho biết họ thiếu thông tin đáng tin cậy về Shanghai FTZ. 75% nhận xét khu vực này không mang lại lợi ích nhìn thấy được cho doanh nghiệp của mình.
Hà Thu (tổng hợp)
Quốc hội Việt Nam đang bàn luận về dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, đây là cơ sở pháp lý để các ban ngành xây dựng nên các đặc khu kinh tế trong tương lai.
Việt Nam có bờ biển dài với nhiều đảo đang được khai thác cho phát triển ngư nghiệp và du lịch.
Qua theo dõi thì thấy, các đặc khu kinh tế đang được định hình xây dựng ở Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn dường như được mô phỏng từ các đặc khu kinh tế của Trung Quốc được xây dựng từ cuối những năm 1970.
Đó là các khu vực lãnh thổ được áp dụng các chính sách thương mại tự do khác biệt, nhằm phát triển kinh tế thử nghiệm dò đường để có thể áp dụng chính sách cho toàn nước Trung Quốc rộng lớn.
Nhiều người không biết rằng mô hình các đặc khu kinh tế là hình thái phát triển kinh tế mà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã học hỏi từ mô hình nhà nước thành phố của Singapore.
Đất nước Singapore của lãnh đạo Lý Quang Diệu có nhiều mối duyên nợ với đất nước Trung Hoa, do một số lượng lớn đa số người Singapore có gốc là người Hoa trong đó có vợ chồng ông Lý Quang Diệu.
Trong thời kỳ lãnh đạo đất nước Sigapore, ông Lý Quang Diệu ban đầu bị quy cho là thành phần thân cộng sản, nhưng ông đã vượt qua được nghi ngờ đó và đã tích cực chống lại ảnh hưởng của người cộng sản hoạt động rất mạnh tại đất nước Malaysia.
Dưới sự lãnh đạo của ông đất nước Singapore đã có những bước phát triển thần kỳ. Từ một đất nước đứng bên bờ vực sụp đổ khi người Anh rút đi, đến năm 1985 GDP bình quân đầu người của Singapore là 6.500 đôla Mỹ so với của Anh là 8.200 đôla Mỹ. Đến năm 1995 GDP bình quan đầu người của Singapore là 26.000 đôla Mỹ vượt trội so với mức 19.700 đô la Mỹ của Anh.
Ngay từ sớm các nhà lãnh đạo Trung quốc trong đó có Đặng Tiểu Bình đã nhìn ra con đường phát triển của Singapore. Khi lên nắm quyền vào năm 1978 ông Đặng Tiểu Bình đã đi thăm Singapore và đặt mục tiêu học hỏi cách thức phát triển của Singapore để giúp đất nước Trung Hoa lạc hậu.
Người Trung Hoa hiểu rằng một nước Singapore bé nhỏ không có mưu đồ gì xấu đối với đất nước Trung Hoa rộng lớn, còn nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu cũng muốn nâng cao vị thế của đất nước mình.
Trung Quốc đã học tập mô hình đặc khu từ Singapore, một đảo quốc hay quốc gia đô thị ở Đông Nam Á, theo tác giả.
Ông nhận ra rằng để Singapore không còn bị coi là bé nhỏ thì cần biến Singapore thành một mô hình, một kiểu 'sản phẩm' có thể xuất khẩu được, và do vậy ông Lý đã sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc.
Trong cuốn Hồi ký từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, ông Lý Quang Diệu cho biết, sau khi được sự cho phép của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình hàng trăm đoàn đại biểu Trung Quốc đã đến Singapore để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Họ đem theo băng ghi hình, máy quay phim và đất nước Singapore bị đem ra 'mổ xẻ'.
Ông Lý viết : Họ đã đặt chúng tôi dưới ống kính hiển vi và nghiên cứu những nội dung mà họ cho là thu hút và mong muốn mô phỏng trong các thành phố của họ. Và nguyên Bộ trưởng Bộ tài chính Singapore là người cố vấn cho Trung Quốc về việc xây dựng các đặc khu kinh tế.
Các đoàn đại biểu người Trung Quốc đặt ra những câu hỏi về cách giải quyết các vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, phòng chống tội phạm, cũng như sự suy đồi xuống cấp của đạo đức xã hội, cái mà Singapore đã làm rất tốt để phát triển cũng như ngăn chặn.
Một trong các vấn đề kinh tế mà phía Singapore đưa ra khuyến cáo là phải tạo cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc sự độc lập và Chính phủ không được ra lệnh cho ngân hàng.
Bởi lẽ các chính sách tài chính tiền tệ là cái có ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế mà trong đó chính phủ chỉ là một thành phần tham gia vào đó. Chính phủ không được can thiệp vào ngân hàng để đưa ra các chính sách có lợi cho mình mà rất có thể gây hại cho các thành phần kinh tế khác.
Tựu chung lại là đã có những sự chia sẻ học hỏi nghiêm túc như vậy. Người Trung Quốc đã lập ra các đặc khu kinh tế với diện tích và dân số tương đương với đất nước Singapore, tại đó họ áp dụng các chính sách kinh tế tiến bộ, biến các đặc khu kinh tế làm vật thử nghiệm, để rồi chọn lọc chính sách thành công áp dụng cho toàn bộ đất nước.
Việt Nam giờ thì sao ?
Cần phải hiểu được về lịch sử hình thành các đặc khu kinh tế như vậy, được xây dựng ở thời điểm đất nước Trung Quốc bước vào mở cửa, chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Do có nhiều cái mới lạ, do bị hạn chế về năng lực nhận thức và kỹ năng quản trị nên họ phải đi từng bước.
Nhưng Việt Nam hiện giờ thì khác, Việt Nam đã có 30 năm đổi mới, các chính sách về tự do thương mại cũng không còn mới mẻ nữa. Biết bao nhiêu phái đoàn quốc tế đã giao thiệp với Việt Nam suốt mấy chục năm và biết bao khuyến cáo kinh tế được đưa ra.
Vậy việc xây dựng đặc khu kinh tế hiện nay có phù hợp không ?
Có chính sách tự do thương mại nào mà các đặc khu kinh tế làm được mà các nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương không làm được ?
Nhiều đặc khu kinh tế có kế hoạch phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí, theo truyền thông Việt Nam.
Thực tế qua theo dõi việc bàn luận về xây dựng các đặc khu kinh tế tôi thấy các ý kiến nêu ra chẳng có gì mới. Những vấn đề như phát triển công nghệ cao, du lịch sinh thái, công nghệ sinh học, du lịch nghỉ dưỡng… đều đã được bàn luận từ lâu.
Tôi chỉ thấy có sự khác biệt ở các đặc khu này là cho phép hợp pháp hóa đánh bạc thông qua kế hoạch xây dựng sòng bài Casino, hoặc có ý kiến cho hợp thức hóa mại dâm. Với sự khác biệt ít ỏi như vậy mà nói xây dựng các đặc khu kinh tế là không thỏa đáng.
Nếu các chính sách ở đặc khu kinh tế chỉ khác về tỷ lệ, mức độ, liều lượng so với các thành phố khác thì người ta sẽ đặt câu hỏi là tại sao không áp dụng khung khổ chính sách đó cho cả nước để tạo ra lợi nhuận ?
Là nước đang phát triển nhưng vẫn có nguy cơ tụt hậu so với các nước thì một chính sách có lợi phải áp dụng ngay cho cả nước chứ sao lại chỉ một đặc khu ?
Là nước phát triển kinh tế thị trường chậm hàng nửa thế kỷ so với thế giới, tất cả các chính sách kinh tế tài chính mà Việt Nam áp dụng đều đã được hàng chục hàng trăm quốc gia trên thế giới đã thực hiện rồi, sao còn phải lo thực nghiệm ?
Tôi cảm thấy việc xây dựng đặc khu kinh tế có cái gì như là sự trở về với những thuộc tính của độc tài, độc đoán, tùy tiện mà quay lưng lại với các giá trị về bình đẳng công bằng.
Cho nên việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở bối cảnh hiện nay là lỗi thời.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 18/11/2017
Thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam bàn luận khá nhiều về ba đặc khu kinh tế đang được đề xuất thành lập ở ba miền đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Một góc huyện Vân Đồn - Quảng Ninh.
Thực ra, việc thành lập đặc khu kinh tế đã được các cơ quan hữu trách Việt Nam nêu ra từ lâu. Đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo ra đời năm 1979, và tồn tại đến năm 1991 thì bị giải thể.
Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế sau đó được đưa vào Hiến pháp năm 1992, và được nhắc lại một số lần trong các văn kiện quan trọng của hệ thống chính trị, trước khi trở thành một chủ đề được dư luận quan tâm vài năm qua.
Tuy nhiên, tâm thế chung hiện nay là người ta chỉ còn bàn cãi xoay quanh những nội dung quan trọng của cơ chế vận hành đặc khu kinh tế. Mọi chuyện xem ra chỉ còn chờ Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trước khi Chính phủ chính thức đề xuất rồi Quốc hội bấm nút thông qua nữa là xong. Ngay cả vị trí của các đặc khu coi như cũng đã an bài – đó là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được đưa ra bàn thảo, và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 năm 2018.
Các vấn đề mang tính chất chuyên môn về cấu trúc tổ chức đặc khu cùng các thể chế thiết yếu kèm theo đã được nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật nêu lên. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về khía cạnh an ninh quốc gia của 3 đặc khu sắp sửa ra đời.
Đặc khu kinh tế : tính mở và nguy cơ
Đặc điểm nổi bật của đặc khu kinh tế là tính chất thông thoáng về mặt luật lệ và chính sách. Mục đích của sự thông thoáng là nhằm thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, song cũng chính vì thế mà các đặc khu lại trở thành đích nhắm và dễ để lọt những nhà đầu tư với toan tính mờ ám.
Do đó, vấn đề an ninh quốc gia cần phải được đặt ra một cách hết sức cẩn trọng trước khi quyết định thành lập một đặc khu kinh tế.
Vậy đối tượng mà chúng ta cần đề phòng là ai ?
Việc Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên tiếp đón Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng tháng 7 năm 2015 là một sự kiện mang đầy tính biểu tượng. Nó thể hiện sự thừa nhận chính thức của cường quốc đứng đầu thế giới tự do đối với chính thể hiện nay tại Việt Nam, đồng thời là sự đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không tấn công quốc gia cựu thù cộng sản.
Trong bài "Cách mạng dân chủ ở Việt Nam : từ dưới lên hay từ trên xuống", chúng tôi cũng đã chỉ ra một thực tế là mặc dù mong muốn và thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia tự do - dân chủ, song bản thân Hoa Kỳ cũng không muốn cộng sản Việt Nam sụp đổ trước khi bị thay thế, vì những hệ luỵ khó lường của nó.
Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã viết hàng loạt bài cảnh báovề việc người Trung Quốc núp bóng các dự án kinh tế để chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam. Đơn giản, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính quốc gia láng giềng phương Nam của họ.
Nếu các đặc khu kinh tế sắp thành lập của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược thì dĩ nhiên Bắc Kinh càng không thể bỏ qua, đặc biệt là khi thời hạn cho thuê đất có thể lên tới 99 năm như đề xuất của lãnh đạo Quảng Ninh và Kiên Giang.
Dưới đây, chúng ta sẽ đánh giá từng đặc khu sắp được thành lập.
Đặc khu Kinh tế Vân Đồn
Vân Đồn nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, án ngữ vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, và là trạm dừng chân đầu tiên trên tuyến hàng hải xuất phát từ Trung Quốc theo bờ biển Việt Nam xuống phía nam. Ngay từ năm 980, các triều đại phong kiến Việt Nam đã bố trí quân đội đồn trú tại đây để trấn giữ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Chừng đó đủ nói lên tầm quan trọng của Vân Đồn trong chiến lược phòng thủ quốc gia.
Đặc khu Kinh tế Vân Đồn
Từ năm 2015, tập đoàn Sun Group đã khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, và dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2018. Đây là sân bay dân sự (theo tiêu chuẩn cấp 4E của ICAO) kết hợp với quân sự (sân bay cấp II). Vân Đồn vì thế lại càng trở nên lợi hại về mặt quân sự, bởi ai làm chủ sân bay này sẽ kiểm soát được cả vùng trời lẫn vùng biển Đông Bắc Việt Nam.
Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong
Đây là đặc khu kinh tế nằm bao quanh vịnh Vân Phong, và là một vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng, vì những lý do sau.
Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong
Vân Phong là điểm cực đông của Việt Nam, nghĩa là nơi rất gần với các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa.
Với địa thế một bên là núi, một bên là biển và quốc lộ 1A là tuyến độc đạo nối liền giao thông Bắc - Nam, chỉ cần một lực lượng quân sự vừa phải là đủ sức chia cắt Việt Nam thành hai phần tại đây.
Từ Bắc Vân Phong chạy theo quốc lộ 26 chừng 130km là đã tới Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương.
Vịnh Vân Phong là vùng biển có độ sâu trung bình từ 20-27m, đủ sức đón mọi loại tàu. Đặc biệt, nhờ sự che chắn của các đảo và bán đảo, nên đây là một vịnh kín, có giá trị không thua kém mấy so với vịnh Cam Ranh.
Kiểm soát được vịnh Vân Phong, đối phương có thể uy hiếp được tàu bè ra vào vịnh Cam Ranh ("lá bài" quan trọng nhất của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Biển Đông và chỉ cách đấy khoảng 65km), đồng thời đe doạ các cơ sở quân sự tại Cam Ranh.
Đặc khu Kinh tế Phú Quốc
Tuy cách xa biên giới Việt - Trung hàng ngàn km, nhưng Phú Quốc lại là một trong những nơi đầu tiên đứng trước nguy cơ phải hứng đòn tấn công của Trung Quốc một khi chiến sự giữa hai nước nổ ra.
Đặc khu Kinh tế Phú Quốc : mô hình dự án sân bay quốc tế Phú Quốc (nguồn: Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam)
Hòn đảo rộng xấp xỉ diện tích Singapore này nằm cách bờ biển tỉnh Kiên Giang 46km, nhưng lại chỉ cách bờ biển Campuchia 26km, nơi mà từ năm 2016 Phnom Penh đã cho Trung Quốc thuê 90km (tức 20%) chiều dài bờ biển để xây dựng một cảng nước sâu chiến lược, với tổng mức đầu tư lên tới 3,8 tỷ USD, nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh.
Ngày 19/4/1975, hải quân Khmer Đỏ tấn công đảo Phú Quốc và đánh nhau với quân đội Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975. Ngày 4/5/1975, quân Khmer Đỏ lại đổ bộ lên Phú Quốc, nhưng đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh đuổi. Từ đó đến nay, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia vẫn nung nấu giấc mơ lấy lại Phú Quốc cũng như cả Nam Bộ, vùng đất mà họ cho là thuộc về Campuchia trong lịch sử.
Nếu kiểm soát được sân bay Phú Quốc, kết hợp với các sân bay trên đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và đảo Gạc Ma (Trường Sa), không quân Trung Quốc có thểkhống chế gần như toàn bộ vùng trời và vùng biển Việt Nam.
Phnom Penh nay đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Vậy nên những "phần thưởng" mà nằm mơ họ cũng không thấy như Phú Quốc hay thậm chí là cả Nam Bộ sẽ càng khiến họ sẵn sàng sát cánh cùng Trung Quốc lao lên phía trước khi hữu sự.
Nhà chức trách Việt Nam đang kỳ vọng các đặc khu kinh tế sẽ là những cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng.
Tuy nhiên, với những gì nêu trên, e rằng cả ba đặc khu kinh tế nằm ở những vị trí đặc biệt xung yếu của Việt Nam chưa kịp thấy phượng hoàng thì đã đứng trước nguy cơ trở thành "đất lành" cho hàng đàn diều hâu đến từ phương Bắc.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 25/11/2017
Vậy là sau ba thập niên "đổi mới" Việt Nam mới bắt đầu có dự án cho thành hình các "đặc khu kinh tế", mà thực chất là sao chép (một cách không trọn vẹn) mô hình "mở cửa" của Trung Quốc.
Phối cảnh thiết kế quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh. (Theo VnEconomy)
Thời "mở cửa", các "đặc khu kinh tế" của Trung Quốc được thành lập năm 1980, gồm có 5 đặc khu, trong đó các khu Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông, Hạ Môn thuộc Phúc Kiến và Hải Nam. (Ta chỉ thường chỉ nghe đặc khu Thẩm Quyến vì sự thành công của nó. GDP của Thẩm Quyến là trên 260 tỉ đô la).
Nhưng công cuộc "mở cửa" cửa Trung Quốc không chỉ ngừng ở đó.
Năm 1984 là việc "mở cửa các thành phố ven biển", (gồm 14 thành phố Đại Liên, Tần Hoàng Đảo, Thiên Tân, Yên Đài, Thanh Đảo, Liên Vân Cảng, Nam Thông, Thượng Hải, Ninh Ba, Ôn Châu, Phúc Châu, Quảng Châu, Trạm Giang và Bắc Hải).
Tiếp theo là "thành lập các khu kinh tế vùng ven sông", năm 1990, gồm các vùng châu thổ sông Châu giang, châu thổ sông Trường giang, vùng lưu vực sông Mân miền Nam Phúc kiến… Đặc khu gọi là "Phố Đông" của Thượng Hải được mở cùng năm, là "trái tim kinh tế" của lưu vực Trường Giang.
Các vùng "lục địa có tiếp cận với biển" như bán đảo Sơn Đông, bán đảo Liêu Đông, tỉnh Hà Bắc, tỉnh Quảng Tây cũng được "mở cửa kinh tế" cùng thời điểm này.
Ta có thể thêm vào đây các "đặc khu hành chánh" như Hồng Kông, Ma Cao, mà thực chất là phản ảnh chính sách "một quốc gia hai chế độ".
Đến năm 1992 thì cho thành lập các khu kinh tế mở vùng biên giới đồng thời "mở cửa" cho các tỉnh và các khu "tự trị" trong lục địa.
Tất cả các kế hoạch này nằm trong chính sách "mở cửa" của Đặng Tiểu Bình, mà thực chất bắt đầu từ buổi "giao thời quyền bính" giữa Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình. Năm 1978 "tứ hiện đại" được ghi vào Hiến pháp Trung Quốc.
Tức là các công cuộc xây dựng các "đặc khu kinh tế", "thành phố mở cửa ven biển, ven sông, các khu vực ven biên giới"... hoặc các "đặc khu hành chánh"... mục đích cốt lõi là nhằm thực hiện chính sách "tứ hiện đại".
Việt Nam "ăn mót" mô hình của người ta, dự tính thành lập các "đặc khu kinh tế" gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và đảo Phú Quốc. Nhưng mục tiêu là để làm gì ?
Rõ ràng là không có mục tiêu gì cả, ngoài việc "phát triển kinh tế".
Nếu so sánh với Trung Quốc, ta thấy họ có kế hoạch 30 năm của Đặng Tiểu Bình. Kế hoạch này là đưa Trung Quốc trở thành "quốc gia hiện đại" vào đầu thế kỷ 21. Xét lại, ta thấy Trung Quốc (trong chừng mực) đã trở thành một "quốc gia hiện đại" với trọng lượng kinh tế và sức mạnh quốc phòng đứng hàng thứ hai trên thế giới. Về khoa học kỹ thuật, Trung Quốc bắt đầu bước qua giai đoạn "làm hàng nhái giá rẻ" để bước vào giai đoạn "hàng cao cấp có giá trị kinh tế cao".
Bây giờ là kế hoạch 100 năm của Tập Cận Bình.
Việt Nam có không có kế hoạch nào tương tự.
Theo tôi, trước khi thành lập mô hình "các đặc khu kinh tế" Việt Nam nên xét lại một số điều cơ bản.
Vì sao Trung Quốc "mở cửa" thành công, trong khi Việt Nam bắt chước 100% mô hình này, gọi là "đổi mới", lại thất bại ?
Vì sao các mô hình "tập đoàn" của Việt Nam (như Vinashin, Vinalines…), cóp-py 100% mô hình Chaebol của Hàn quốc. Tại sao "các quả đấm thép" của Việt Nam thất bại chua chát trong khi các Chaebol của Hàn quốc (cóp-py 100% mô hình của Nhật) lại thành công ?
Nếu chưa tìm được nguyên nhân thì chắc chắn việc thành lập các "đặc khu kinh tế" cũng sẽ thất bại.
Các "học giả", các "nhà nghiên cứu", các "chính trị gia"... tài ba của Việt Nam, thử đầu tư suy nghĩ để tìm ra một giải pháp cho Việt Nam phát triển bền vững.
Theo tôi, phương pháp thành lập quốc gia liên bang, Việt Nam chia thành hai vùng "hành chánh đặc biệt", Cộng hòa Bắc kỳ và Cộng hòa Nam kỳ, thành lập mô hình chính trị "một quốc gia hai chế độ". Điều này phù hợp với tinh thần Hiệp định Paris 1973 (cam kết riêng giữa Mỹ và miền Bắc) cũng như nội dung bản Tuyên bố chung của các cường quốc về Hiệp định này.
Việc này sẽ giúp cho Việt Nam tự chấn chỉnh nội bộ để cạnh tranh kinh tế trong thời kỳ mới (hậu toàn cầu hóa) đồng thời khẳng định được chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, đủ tư cách pháp lý để đối đầu về pháp lý với Trung Quốc trước bất kỳ một diễn đàn quốc tế, hay một đối thoại song phương.
Việt Nam không thể là quốc gia chuyên "học mót" các mô hình của người ta. Từ "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cho tới "mở cửa". Người ta thành công nhưng Việt Nam không thành công. Đơn giản vì Việt Nam có cái "đặc thù" của mình mà điều này chưa có lãnh đạo Việt Nam nào nhìn thấy.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong,22/11/2017
Quốc hội lo ngại trưởng các đặc khu kinh tế có quá nhiều quyền hành (RFA, 11/09/2017)
Ba đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) được Chính phủ đề xuất chỉ có trưởng đặc khu điều hành mà không có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.
Một góc quang cảnh đặc khu kinh tế Phú Quốc. Ảnh chụp tháng 8 năm 2017. Courtesy : Citizen's photo
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào ngày 11 tháng 9, lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt hay còn gọi đặc khu kinh tế và dự án Luật này sẽ áp dụng đối với 3 đặc khu kinh tế vừa nêu.
Chính phủ đề nghị mỗi đặc khu sẽ chỉ có một trưởng đặc khu điều hành và quản lý toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế, xã hội của đặc khu ; đồng thời có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc cho trưởng đặc khu.
Tại buổi lấy ý kiến lần đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 11 tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định đại diện cho nhiều nhân viên của cơ quan đưa ra ý kiến quyền hành của một trưởng đặc khu như thế do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, mà không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp thì dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, mất dân chủ.
Dự án luật đặc khu kinh tế sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2017.
****************
Dân chặn xe vào cảng do ô nhiễm (RFA, 11/09/2017)
Từ 8g sáng ngày 11/9, hàng chục người dân tại xã Tân Phước và Phước Hòa huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã dùng đá, thân cây để chặn các phương tiện ra vào cảng Đức Hạnh.
Đường vào cảng Đức Hạnh - Courtesy of tuoitre.vn
Lý do được người dân cho biết là do họ bức xúc vì con đường vào cảng bị phá nát, gây ô nhiễm mà vẫn chưa được giải quyết.
Đến khoảng 10g sáng cùng ngày, chính quyền địa phương đã thuyết phục được người dân gỡ bỏ những vật cản.
Theo người dân thì họ phản ánh tình trạng đường bị phá hủy suốt từ tháng 4 năm nay. Trong khi đó, chủ cảng đã từng hứa với dân sẽ làm đường bê tông từ năm 1999, 3 năm sau khi cảng được đưa vào hoạt động. Họ nói muốn gặp ông chủ cảng để giải quyết nhưng ông này luôn né tránh.
Ông Nguyễn Văn Thắm, chủ tịch UBND huyện Tân Thành nói với báo chí rằng hiện huyện này đang tìm cách giải quyết tốt nhất và xin ý kiến từ tỉnh.