Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/11/2017

Mô hình đặc khu kinh tế đã lỗi thời ?

Ngô Ngọc Trai

Quốc hội Việt Nam đang bàn luận về dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, đây là cơ sở pháp lý để các ban ngành xây dựng nên các đặc khu kinh tế trong tương lai.

mohinh1

Việt Nam có bờ biển dài với nhiều đảo đang được khai thác cho phát triển ngư nghiệp và du lịch.

Qua theo dõi thì thấy, các đặc khu kinh tế đang được định hình xây dựng ở Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn dường như được mô phỏng từ các đặc khu kinh tế của Trung Quốc được xây dựng từ cuối những năm 1970.

Đó là các khu vực lãnh thổ được áp dụng các chính sách thương mại tự do khác biệt, nhằm phát triển kinh tế thử nghiệm dò đường để có thể áp dụng chính sách cho toàn nước Trung Quốc rộng lớn.

Nhiều người không biết rằng mô hình các đặc khu kinh tế là hình thái phát triển kinh tế mà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã học hỏi từ mô hình nhà nước thành phố của Singapore.

Đất nước Singapore của lãnh đạo Lý Quang Diệu có nhiều mối duyên nợ với đất nước Trung Hoa, do một số lượng lớn đa số người Singapore có gốc là người Hoa trong đó có vợ chồng ông Lý Quang Diệu.

Trong thời kỳ lãnh đạo đất nước Sigapore, ông Lý Quang Diệu ban đầu bị quy cho là thành phần thân cộng sản, nhưng ông đã vượt qua được nghi ngờ đó và đã tích cực chống lại ảnh hưởng của người cộng sản hoạt động rất mạnh tại đất nước Malaysia.

Dưới sự lãnh đạo của ông đất nước Singapore đã có những bước phát triển thần kỳ. Từ một đất nước đứng bên bờ vực sụp đổ khi người Anh rút đi, đến năm 1985 GDP bình quân đầu người của Singapore là 6.500 đôla Mỹ so với của Anh là 8.200 đôla Mỹ. Đến năm 1995 GDP bình quan đầu người của Singapore là 26.000 đôla Mỹ vượt trội so với mức 19.700 đô la Mỹ của Anh.

Ngay từ sớm các nhà lãnh đạo Trung quốc trong đó có Đặng Tiểu Bình đã nhìn ra con đường phát triển của Singapore. Khi lên nắm quyền vào năm 1978 ông Đặng Tiểu Bình đã đi thăm Singapore và đặt mục tiêu học hỏi cách thức phát triển của Singapore để giúp đất nước Trung Hoa lạc hậu.

Người Trung Hoa hiểu rằng một nước Singapore bé nhỏ không có mưu đồ gì xấu đối với đất nước Trung Hoa rộng lớn, còn nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu cũng muốn nâng cao vị thế của đất nước mình.

mohinh2

Trung Quốc đã học tập mô hình đặc khu từ Singapore, một đảo quốc hay quốc gia đô thị ở Đông Nam Á, theo tác giả.

Ông nhận ra rằng để Singapore không còn bị coi là bé nhỏ thì cần biến Singapore thành một mô hình, một kiểu 'sản phẩm' có thể xuất khẩu được, và do vậy ông Lý đã sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc.

Trong cuốn Hồi ký từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, ông Lý Quang Diệu cho biết, sau khi được sự cho phép của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình hàng trăm đoàn đại biểu Trung Quốc đã đến Singapore để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Họ đem theo băng ghi hình, máy quay phim và đất nước Singapore bị đem ra 'mổ xẻ'.

Ông Lý viết : Họ đã đặt chúng tôi dưới ống kính hiển vi và nghiên cứu những nội dung mà họ cho là thu hút và mong muốn mô phỏng trong các thành phố của họ. Và nguyên Bộ trưởng Bộ tài chính Singapore là người cố vấn cho Trung Quốc về việc xây dựng các đặc khu kinh tế.

Các đoàn đại biểu người Trung Quốc đặt ra những câu hỏi về cách giải quyết các vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, phòng chống tội phạm, cũng như sự suy đồi xuống cấp của đạo đức xã hội, cái mà Singapore đã làm rất tốt để phát triển cũng như ngăn chặn.

Một trong các vấn đề kinh tế mà phía Singapore đưa ra khuyến cáo là phải tạo cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc sự độc lập và Chính phủ không được ra lệnh cho ngân hàng.

Bởi lẽ các chính sách tài chính tiền tệ là cái có ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế mà trong đó chính phủ chỉ là một thành phần tham gia vào đó. Chính phủ không được can thiệp vào ngân hàng để đưa ra các chính sách có lợi cho mình mà rất có thể gây hại cho các thành phần kinh tế khác.

Tựu chung lại là đã có những sự chia sẻ học hỏi nghiêm túc như vậy. Người Trung Quốc đã lập ra các đặc khu kinh tế với diện tích và dân số tương đương với đất nước Singapore, tại đó họ áp dụng các chính sách kinh tế tiến bộ, biến các đặc khu kinh tế làm vật thử nghiệm, để rồi chọn lọc chính sách thành công áp dụng cho toàn bộ đất nước.

Việt Nam giờ thì sao ?

Cần phải hiểu được về lịch sử hình thành các đặc khu kinh tế như vậy, được xây dựng ở thời điểm đất nước Trung Quốc bước vào mở cửa, chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Do có nhiều cái mới lạ, do bị hạn chế về năng lực nhận thức và kỹ năng quản trị nên họ phải đi từng bước.

Nhưng Việt Nam hiện giờ thì khác, Việt Nam đã có 30 năm đổi mới, các chính sách về tự do thương mại cũng không còn mới mẻ nữa. Biết bao nhiêu phái đoàn quốc tế đã giao thiệp với Việt Nam suốt mấy chục năm và biết bao khuyến cáo kinh tế được đưa ra.

Vậy việc xây dựng đặc khu kinh tế hiện nay có phù hợp không ?

Có chính sách tự do thương mại nào mà các đặc khu kinh tế làm được mà các nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương không làm được ?

mohinh3

Nhiều đặc khu kinh tế có kế hoạch phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí, theo truyền thông Việt Nam.

Thực tế qua theo dõi việc bàn luận về xây dựng các đặc khu kinh tế tôi thấy các ý kiến nêu ra chẳng có gì mới. Những vấn đề như phát triển công nghệ cao, du lịch sinh thái, công nghệ sinh học, du lịch nghỉ dưỡng… đều đã được bàn luận từ lâu.

Tôi chỉ thấy có sự khác biệt ở các đặc khu này là cho phép hợp pháp hóa đánh bạc thông qua kế hoạch xây dựng sòng bài Casino, hoặc có ý kiến cho hợp thức hóa mại dâm. Với sự khác biệt ít ỏi như vậy mà nói xây dựng các đặc khu kinh tế là không thỏa đáng.

Nếu các chính sách ở đặc khu kinh tế chỉ khác về tỷ lệ, mức độ, liều lượng so với các thành phố khác thì người ta sẽ đặt câu hỏi là tại sao không áp dụng khung khổ chính sách đó cho cả nước để tạo ra lợi nhuận ?

Là nước đang phát triển nhưng vẫn có nguy cơ tụt hậu so với các nước thì một chính sách có lợi phải áp dụng ngay cho cả nước chứ sao lại chỉ một đặc khu ?

Là nước phát triển kinh tế thị trường chậm hàng nửa thế kỷ so với thế giới, tất cả các chính sách kinh tế tài chính mà Việt Nam áp dụng đều đã được hàng chục hàng trăm quốc gia trên thế giới đã thực hiện rồi, sao còn phải lo thực nghiệm ?

Tôi cảm thấy việc xây dựng đặc khu kinh tế có cái gì như là sự trở về với những thuộc tính của độc tài, độc đoán, tùy tiện mà quay lưng lại với các giá trị về bình đẳng công bằng.

Cho nên việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở bối cảnh hiện nay là lỗi thời.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 18/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)