Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/03/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Bầu cử tổng thống Pháp : cánh hữu hoang mang

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Pháp : Fillon quyết tâm, cánh hữu hoang mang

Báo chí Pháp số ra ngày hôm nay dĩ nhiên dành phần lớn trang nhất cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ngày càng gay cấn, sau khi ứng cử viên cánh hữu François Fillon hôm qua thông báo bị các thẩm phán triệu tập vào ngày 15/03 tới thẩm vấn nhằm có thể truy tố ông về cáo buộc tạo việc làm giả cho vợ là bà Penelope Fillon, vụ tai tiếng được mệnh danh "Penelopegate".

fillon1

Ông Francois Fillon, cựu thủ tướng, ứng viên tổng thống 2017 của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, trong cuộc mít tinh tại Nimes, Pháp, ngày 02/03/2017 - REUTERS/Jean-Paul Pelissier

Bài xã luận của tờ Le Figaro bênh vực cho ứng cử viên cánh hữu Fillon : "Dĩ nhiên, các chính khách không thể đứng bên trên pháp luật, nhưng các thẩm phán cũng không được đứng trên nền dân chủ". Tờ báo yêu cầu "hưu chiến tư pháp" (tạm ngưng các thủ tục pháp lý trong thời gian tranh cử). Như vậy, theo Le Figaro, nếu ông Fillon thất cử thì trong hai tháng nữa, tư pháp sẽ tiếp tục công việc của mình. Còn nếu ông đắc cử, thì như vậy là qua lá phiếu, người dân Pháp đã bày tỏ một điều, đó là lỗi lầm đạo đức mà ông đã thú nhận chẳng đáng là bao so với những gì mà ông muốn thực hiện vì lợi ích của đất nước".

Tờ Libération thiên tả thì ngược lại lên án cựu thủ tướng Pháp qua hàng tựa "Penelopegate : François Fillon ám sát tư pháp". Bài xã luận của tờ báo này viết : "Giống như một kẻ sắp chết đuối đang vẫy vùng hoảng loạn, ông Fillon kéo theo những người người khác xuống đáy nước (…) Có điều, trong cuộc tháo chạy tự sát đó, ông đang phá hủy nền móng của Nhà nước pháp quyền mà trên đó khế ước xã hội của chúng ta được xây dựng. Theo ông, những kẻ có lỗi không phải là những người có sai phạm, mà là những người chống những kẻ gây sai phạm ấy, đó là các vị thẩm phán của nền Cộng hòa. Trong khi các vị này chỉ làm đúng công việc của họ".

Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix thì nhận định : "Người ta có thể hiểu vì sao ông Fillon phản ứng dữ dội như thế vì ông không công nhận rằng mình đã biển thủ công quỹ (...) Nhưng không có lý do gì mà ông lại bài bác công việc của ngành tư pháp (...). Bài bác như vậy chỉ làm suy yếu nền Cộng hòa mà ông Fillon muốn lên lãnh đạo".

Les Echos thì nhấn mạnh trong bài xã luận rằng chính nỗi sợ về chiến thắng của Marine Le Pen (lãnh đạo cực hữu) và mối lo đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa bị tan rã đang làm suy yếu thêm vị thế ứng cử viên của ông Fillon. Theo tờ báo này, cánh hữu đang có nguy cơ gặp hỗn loạn và những người ủng hộ ông Fillon nay chỉ bám víu vào niềm tin rằng nếu ứng cử viên của họ bỏ cuộc, tình hình sẽ còn tệ hại hơn nữa.

Trump dịu giọng, nhưng giữ nguyên đường lối

Về chính trị nước Mỹ, tờ Le Monde đề cập đến bài diễn văn đầu tiên của tổng thống Donald Trump trước Quốc Hội Mỹ ngày 28/02. Theo tờ báo này, trong bài diễn văn nói trên, ông Trump đã dịu giọng hơn, nhưng vẫn không thay đổi đường lối.

Nhờ không còn ăn nói văng mạng như cho tới nay, ông đã tạo ra được hình ảnh một nhân vật mang dáng vẻ tổng thống hơn. Thay vì bài bác di sản của người tiền nhiệm Obama, ông Trump cố vạch ra một con đường lạc quan hơn đến tương lai.

Nhưng bên cạnh những lời kêu gọi đồng thuận, thỏa hiệp, tân tổng thống Mỹ vẫn nhắc lại lập trường của ông về một nền kinh tế bảo hộ mậu dịch chặt chẽ và về một chính sách nhập cư vô cùng cứng rắn. Khi nói về vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới, ông Trump vẫn giữ nguyên chủ trương giảm bớt việc triển khai quân lính ở nước ngoài, ngoại trừ lực lượng chống khủng bố Hồi Giáo. Ông nhắc lại rằng : "Công việc của tôi không phải là đại diện cho thế giới. Công việc của tôi là đại diện cho nước Mỹ".

Cũng nhân diễn văn đầu tiên của tổng thống Trump trước Quốc Hội, tờ Le Monde đề cập đến tình trạng hiện nay của các nhà ngoại giao Mỹ, đang bị mất dần ảnh hưởng. Mở đầu bài viết, tờ báo đặt câu hỏi : "Phải chăng Ngoại trưởng Rex Tillerson đang bị vạ lây do khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ trước hết", mà ông Trump vừa nhắc lại trước Quốc Hội ? Kể từ khi nhậm chức ngày 01/02 đến nay, tân lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ đã tỏ ra kín đáo một cách lạ thường. Trên nguyên tắc, ông Tillerson có đủ thẩm quyền để điều khiển một cơ quan có đến 70 ngàn người. Thế nhưng, ông vẫn chưa khởi động lại được cỗ máy ngoại giao dường như đã bị tê liệt kể từ khi người tiền nhiệm John Kerry rời nơi này.

Theo Le Monde, do chính quyền mới của Mỹ dành ưu tiên cho những hồ sơ nội bộ, đặc biệt là hồ sơ nhập cư, nên ông Tillerson bị bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly lấn lướt. Tân ngoại trưởng Mỹ còn bị Nhà Trắng giành hết quyền vạch ra những đường hướng chính của ngành ngoại giao. Những thay đổi lập trường như chong chóng của tổng thống Trump, chẳng hạn như trong hồ sơ Đài Loan, càng khiến nhiệm vụ của ngoại trưởng Tillerson thêm phức tạp. Ấy là chưa kể bộ Ngoại Giao Mỹ có nguy cơ bị cắt giảm ngân sách, để chuyển nguồn tài chính cho ngân sách quốc phòng.

Tranh chấp Nhật - Trung về Senkaku

Về thời sự Châu Á, tờ Le Figaro hôm nay có bài của đặc phái viên gởi từ đảo Ishigaki, Nhật Bản, nói về tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bài viết nhắc lại sự kiện vào tháng 8 năm ngoái, trong suốt một tuần lễ, các tàu của Trung Quốc đã di chuyển liên tục vòng quanh quần đảo này, và thường xuyên xâm nhập vùng biển Nhật Bản. Hành động sách nhiễu này đã khiến lực lượng tuần duyên Nhật Bản hoảng sợ. Họ đã phải điều khoảng 15 tàu tuần duyên đến để đẩy các tàu của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Nhật Bản. Hiroaki Ohdachi, một chỉ huy lực lượng tuần duyên Nhật kể lại : "Khi chúng tôi yêu cầu họ ra khỏi khu vực này, thì họ trả lời : "Chúng tôi đang ở trong vùng biển Trung Quốc. Chúng tôi đang tuần tra trên hải phận chúng tôi".

Một nhà ngoại giao Nhật nói với đặc phái viên Le Figaro : "Chúng tôi không chấp nhận nguyên trạng như vậy. Nhưng nếu chúng tôi điều chiến hạm đến để buộc Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, họ sẽ viện cớ để làm gia tăng căng thẳng". Một giáo sư đại học Tokyo phân tích chiến lược của Bắc Kinh : "Trung Quốc muốn xác lập quyền kiểm soát lên Senkaku/Điếu Ngư. Để đạt được mục tiêu đó, họ làm theo đúng Binh Thư Tôn Tử, tức là gia tăng sự hiện diện từng bước nhỏ. Họ hy vọng sẽ giành chiến thắng mà không cần chiến đấu".

Các ngư dân trên đảo Ishigaki, nằm ở cực tây nam Senkaku, nay không còn đánh cá ở vùng biển chung quanh quần đảo này nữa, vì ngoài mối nguy hiểm đụng phải tàu của Trung Quốc, họ còn bị các tàu tuần duyên của Nhật kiểm tra liên tục, làm mất quá nhiều thời giờ.

Trả lời đặc phái viên Le Figaro, ông Yoshiyuki Toita, tổng thư ký hiệp hội bảo vệ Yaeyama, quần đảo bao gồm cả Senkaku, chỉ trích chính phủ Tokyo là đã không kiên quyết bảo vệ chủ quyền Senkaku, vì họ đặt ưu tiên cho quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, mà không thấy rằng thiệt hại về an ninh quốc gia sẽ còn lớn hơn thiệt hại kinh tế.

Hàn Quốc : Quan hệ nhập nhằng chính quyền-chaebol

Hàn Quốc phụ thuộc quá mức vào các chaebol, đại tập đoàn. Đó là chủ đề bài phân tích của tờ Les Echos về tình hình tại miền nam Triều Tiên hiện nay.

Theo tờ báo này, việc truy tố lãnh đạo tập đoàn Samsung về tội tham nhũng là một diễn biến mới trong lịch sử mối quan hệ lâu năm giữa chính quyền Hàn Quốc với các chaebol. Vốn là tác nhân của mức tăng trưởng ngoạn mục của đất nước sau chiến tranh, các đại tập đoàn đã phát triển thành một thế lực quá lớn, và đã có nhiều hành vi rất mờ ám.

Chủ của các chaebol vẫn thường tài trợ cho các chiến dịch tranh cử ở Hàn Quốc hoặc tỏ ra rất hào phóng với thân nhân của các lãnh đạo chính trị. Bảy trên tám nhiệm kỳ tổng thống gần đây đều bị tai tiếng tham nhũng. Và nhiều chủ đại tập đoàn đã bị kết án, nhưng sau đó thường được chính quyền tha bổng.

Chiến tranh thương mại : Mỹ không thể thắng Trung Quốc ?

Donald Trump đã khai tử hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng theo Les Echos, chính sách này, mở đường cho Trung Quốc thống trị toàn bộ vùng Châu Á-Thái Bình Dương, về lâu dài sẽ làm Mỹ suy yếu.

Theo Les Echos, nếu chính quyền Trump thi hành với Trung Quốc chính sách giống như với Mexico, họ sẽ bất ngờ với phản ứng của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện nắm trong tay vũ khí tài chính đáng gờm, đó là hàng ngàn tỷ đôla nợ của Mỹ. Những rối loạn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc sẽ khiến giá cả sẽ tăng vọt tại những cửa hàng hàng giá rẻ ở Mỹ như Walmart và Target.

Les Echos cho rằng Hoa Kỳ sẽ không thể thắng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà Washington sẽ phải thương lượng kiên quyết với Bắc Kinh để bảo vệ các đồng minh của Mỹ và để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo tờ báo này, để đạt những mục tiêu mà ông Trump tuyên bố muốn nhắm đến, Hoa Kỳ nên thi hành một chính sách thương mại cởi mở với Trung Quốc hơn là một cuộc chiến tranh thương mại tàn phá nặng nề. 

Giáo dục : Nhiều học sinh viết chữ xấu

Về giáo dục, tờ Le Figaro cho biết là theo các nghiên cứu ở nhiều nước, từ 10 đến 30% học sinh tiểu học gặp khó khăn về viết chữ. Lý do là các trường dùng quá nhiều photocopie và ít cho các em tập viết.

Nhưng vì sao các em viết chữ xấu như thế ? Le Figaro trích lời một giáo sư trung học cấp hai ở vùng ngoại ô Paris giải thích rằng : "Nhiều em cầm viết không đúng cách, không viết thẳng hàng, lẫn lộn cách viết một số chữ". Tại Pháp, ở cấp mẫu giáo và tiểu học, thầy cô không còn dạy cho các em cách cầm viết chì. Các trường cũng sử dụng quá nhiều photocopie, cho các em đỡ mất thời gian chép bài, nhằm giảng bài nhanh hơn, hậu quả là các em ít được tập viết.

Trang nhất các báo

"Fillon tố cáo "một vụ ám sát chính trị"", đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Le Monde, nhắc lại một câu trong cuộc họp báo ngày 01/03 của cựu thủ tướng Fillon lên án ngành tư pháp của Pháp. Libération đăng ảnh chụp gương mặt ông Fillon chiếm trọn trang nhất với hàng tựa "Kẻ điên cuồng của vùng Sarthe" (Sarthe là nơi ông Fillon từng là Dân biểu quốc hội). Nhật báo kinh tế Les Echos thì tóm tắt tình trạng hiện nay của cánh hữu qua hàng tựa : "Fillon quyết tâm, cánh hữu hoang mang". Ngay cả tờ báo công giáo La Croix cũng dành trang nhất cho vụ này với hàng tựa : "François Fillon cáo buộc ngành tư pháp". Tờ nhật báo thiên hữu Le Figaro thì đưa tít trên trang nhất : "Lời kêu gọi đến nhân dân", nói đến quyết tâm của ông Fillon bất chấp các thủ tục tư pháp, đưa vụ việc của ông ra trước toàn dân để họ xét xử qua lá phiếu.

Thanh Phương

*********************

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Cử tri cảm thấy bị lừa dối (RFI, 02/03/2017)

fillon2

François Fillon và Marine Le Pen, hai ứng cử viên tổng thống Pháp đang phải đối mặt với tư pháp. REUTERS/Stephane Mahe/Christian Hartmann

50 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp ở vòng một, hai ứng viên đang dẫn đầu cuộc chạy đua vào điện Elysée – Marine Le Pen (FN), đảng cực hữu và François Fillon (LR) cánh hữu, đang bị vướng mắc với pháp lý. Theo nhận định của nhà báo Nguyễn Văn Huy-Paris, chưa bao giờ trước một cuộc bầu cử tổng thống, cử tri lại cảm thấy hoang mang như lần này.

Dù chính thức thông báo về khả năng bị khởi tố trong vụ vợ và con ông bị tố cáo nhận lương thật nhưng làm việc giả, đại diện của đảng Những Người Cộng Hòa LR, François Fillon, vẫn không bỏ cuộc. Theo thăm dò dư luận chỉ còn có 25 % cử tri tin tưởng vào ứng cử viên từng được coi là một người trong sạch và có triển vọng vực dậy nước Pháp.

Nhà báo Nguyễn Văn Huy, một người sống và theo dõi sát tình hình chính trị Pháp từ nhiều năm qua, cho rằng, chưa bao giờ trước một cuộc bầu cử tổng thống, cử tri lại cảm thấy hoang mang như trong mùa vận động 2017 và đây là dấu hiệu cho thấy các hoạt động chính trị tại Pháp đang bị bế tắc.

Nhà báo Nguyễn Văn Huy - Paris, 02/03/2017

Nghe

Thanh Hà thực hiện

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)