Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/03/2017

Điểm tin báo chí Pháp - "Không tả, không hữu" hay "vừa hữu, vừa tả" ?

RFI tiếng Việt

Pháp : Ứng viên tổng thống E.Macron : "Không tả, không hữu" hay "vừa hữu, vừa tả" ?

Các hồ sơ quốc tế hoàn toàn mờ nhạt trên các báo Pháp ra ngày 03/03/2017. Chủ đề chính được các tờ báo tập trung khai thác là chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017.

macron1

Ứng viên Emmanuel Macron thuộc phong trào En Marche ! (Tiến Bước) công bố chương trình tranh cử tổng thống, Paris, ngày 02/03/2017. REUTERS/Christian Hartmann

Nhật báo Le Monde ra sạp sớm từ chiều hôm trước dành 7 trang cho hồ sơ tai tiếng chính trị của ứng viên tổng thống cánh hữu François Fillon, liên quan đến nghi án ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa tạo việc làm khống với thu nhập rất cao cho vợ và hai con trai trong một thời gian dài.

Trong khi đó, các báo thiên hữu Le Figaro, báo Libération thiên tả, báo kinh tế Les Echos và nhật báo công giáo La Croix đều dành trang nhất và nhiều trang bài bên trong cho chương trình tranh cử của ứng viên độc lập Emmanuel Macron của phong trào En Marche - Tiến Bước.

Bị chỉ trích từ nhiều tháng nay là chỉ nói chung chung mà không đề xuất được một chương trình cụ thể, ứng viên Emmanuel Macron đã công bố vào ngày 02/03 chương trình tranh cử tổng thống. Le Figaro nhận định là Emmanuel Macron - người tự nhận là "không theo cánh hữu và cũng chẳng thuộc cánh tả" - đã đưa ra các ý tưởng mang tính tổng hợp của cánh hữu, cánh tả, cánh trung, và thậm chí là của đảng Cộng Sản Pháp nhằm "quyến rũ" tất cả mọi người và không làm phật ý bất cứ nhóm cử tri nào cả. Hậu quả là chương trình tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích, từ tả sang hữu.

Còn tờ báo cánh tả Libération thì chạy tựa trang nhất "Macron, không phải cánh tả, không phải cánh hữu, mà ngược lại" hàm ý là Macron vừa theo cánh tả, vừa theo cánh hữu.

Ngoài việc chỉ ra những đề xuất nào của Macron là theo đường hướng của cánh hữu và những đề xuất nào là của cánh tả, Libération còn cho biết bên cạnh một số đề xuất mới mẻ mang tính "cách tân" như trợ cấp thất nghiệp phổ quát, miễn thuế nhà ở cho 80% dân số Pháp, mỗi thanh niên Pháp tới tuổi 18 thì được cấp 500 euro cho các hoạt động văn hóa, các khóa học hè nâng cao trình độ cho các học sinh yếu kém… thì nhiều đề xuất của Macron trên thực tế là những chính sách mà chính quyền của tổng thống François Hollande đang thực hiện, chẳng hạn như giảm chi tiêu công, tuyển thêm 7.500 cảnh sát và 2.500 hiến binh…

Châu Âu không hoàn thành chỉ tiêu tiếp nhận di dân và tị nạn

Về hồ sơ di dân ở Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết Ủy Ban Châu Âu chỉ trích các nước thành viên vì không tuân thủ cam kết tiếp nhận di dân và người tị nạn tràn vào Châu Âu qua cửa ngõ nước Ý và Hy Lạp để giảm gánh nặng cho hai nước này.

Vào tháng 09/2015, để tỏ tình đoàn kết với Ý và Hy Lạp - hai nước phải đối mặt làn sóng di dân lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Libya - bộ trưởng Nội Vụ của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết đón nhận từ hai nước này gần 100.000 di dân và người tị nạn trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, cho tới nay, tính trung bình, các nước này mới chỉ hoàn thành 14% chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, hai nước tiếp nhận nhiều di dân nhất là Ireland và Phần Lan cũng mới chỉ hoàn thành được hơn 50% chỉ tiêu. Nước Pháp đứng ở vị trí thứ 5. Còn các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc thì từ chối hợp tác trên hồ sơ di dân.

Đối diện với tình trạng này, ông Dimitri Avramopoulos - ủy viên Châu Âu đặc trách về di dân ngày 02/03 cho biết là ông đã viết thư cho bộ trưởng Nội Vụ của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để thúc giục họ đẩy nhanh việc tiếp nhận di dân và người tị nạn. Ủy viên Dimitri Avramopoulos cảnh báo là nếu các nước không tuân thủ cam kết đúng thời hạn, Ủy Ban Châu Âu sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Ngoài ra, Châu Âu cũng thúc giục các nước đẩy nhanh thủ tục để rút ngắn thời gian trục xuất sau khi từ chối đơn xin cư trú hoặc hồ sơ xin tị nạn của di dân. Ủy Ban Châu Âu cũng nhấn mạnh đến việc phải nhanh chóng ký kết thỏa thuận với các nước Nigeria, Jordan và Tunisia để các nước này tiếp nhận lại những người bị Châu Âu trục xuất.

Daesh kêu gọi người Duy Ngô Nhĩ tấn công Trung Quốc

Chuyển sang Châu Á, Le Monde có bài viết "Daesh kêu gọi người Duy Ngô Nhĩ tấn công Trung Quốc". Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tranh thủ tình cảnh sắc dân Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, miền tây Trung Quốc thường xuyên bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp để kích động các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ tiến hành khủng bố ở Trung Quốc.

Le Monde nhắc đến "một cuộc chiến tranh hình ảnh" ở đất nước Châu Á này : Một bên là đoạn băng video của Daesh cho thấy các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có cả trẻ em, đang tập luyện và sẵn sàng cho "máu chảy thành sông ở Trung Quốc". Và một bên là các hình ảnh chính quyền Trung Quốc phô trương sức mạnh trong những tuần vừa qua tại khu tự trị Tân Cương, sát biên giới Trung Á, với nhiều trung đoàn cảnh sát, các xe bọc thép và máy bay trực thăng sẵn sàng cho các chiến dịch chống khủng bố nhằm "nhấn chìm xác của những kẻ khủng bố (…) trong biển cả chiến tranh".

Xe hơi chạy bằng điện : Bắc Kinh khiến cả Mỹ và Châu Âu lo ngại

Vẫn tại Trung Quốc, nhưng trên lĩnh vực sản xuất xe hơi, Bắc Kinh muốn đặt chỉ tiêu xe hơi chạy bằng điện cho các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài kể từ năm 2018. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định là dự án này của Bắc Kinh khiến cả Mỹ và Châu Âu lo ngại.

Tham vọng của Bắc Kinh là kể từ năm 2025, sẽ có thêm ít nhất 3 triệu xe hơi chạy bằng điện được bán ra trên thị trường Trung Quốc mỗi năm, tức là nhiều gấp 6 lần bây giờ. Các công ty xe hơi của Hoa Kỳ và Châu Âu thì lo ngại đây là chiến thuật của Bắc Kinh để tạo thuận lợi cho các hãng xe hơi trong nước cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài.

Hiện nay, xe hơi chạy bằng điện chỉ chiếm 2% thị trường xe hơi Trung Quốc. Theo mục tiêu Bắc Kinh mới đề ra, ngay năm 2018, ít nhất 8% sản lượng xe hơi của các hãng xe nội địa hoặc các hãng xe hơi quốc tế xuất hơn 50.000 xe sang Trung Quốc phải là xe chạy bằng điện. Tỉ lệ này sẽ phải tăng lên thành 10% vào năm 2019 và 12% vào năm 2020.

Hiện nay, chỉ các xe hơi chạy bằng điện xản xuất ngay tại Trung Quốc mới được chính phủ nước này trợ giá. Vì thế, Châu Âu và Mỹ lo ngại dự án mà Trung Quốc mới đưa ra sẽ không có lợi cho các hãng xe hơi nước ngoài. Tuy nhiên, tờ báo Les Echos cũng cho biết là phương Tây không tin tưởng là Trung Quốc có thể thực hiện dự án này vì việc đưa vào sử dụng hàng loạt xe hơi chạy bằng điện phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện (chi phí sản xuất, trợ giá, cơ sở hạ tầng…). Thêm vào đó, theo một chuyên gia về thị trường này, chính các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng.

Les Echos dẫn một tờ báo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang điều chỉnh dự án này và có thể tuần tới sẽ công bố quyết định lùi thời hạn áp dụng chỉ tiêu xe hơi chạy điện lại một năm để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Đây cũng là dấu hiệu mở cửa của Bắc Kinh đối với các hãng xe hơi nước ngoài.

Quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út công du Châu Á

Quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út đang có chuyến công du Châu Á dự kiến kéo dài gần 1 tháng với đoàn tháp tùng gồm 600 thành viên.

Điểm dừng chân đầu tiên của quốc vương Salmane là thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Theo tờ báo kinh tế Les Echos, công ty Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út đã ký một hợp đồng đầu tư trị giá 7 tỉ đô la vào công ty dầu lửa Petronas. Còn theo dự kiến, Ả Rập Xê Út sẽ đầu tư tổng cộng 25 tỉ đô la vào Indonesia, đất nước có người theo đạo Hồi nhiều nhất Châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út tới Indonesia trong vòng 47 năm qua.

Hai nước Hồi giáo hệ phái Shia Malaisisa và Indonesia cũng đã tranh thủ cơ hội này để thương lượng với Ả Rập Xê Út về việc tăng số người hành hương hàng năm tới thánh địa Mecca. Trước chuyến công du của quốc vương, đại sứ Ả Rập Xê Út tại Jakarta cũng đã đề xuất mở 3 trường đào tạo tiếng Ả Rập tại Indonesia và bảo đảm các cơ sơ này sẽ không bị ảnh hưởng của các tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Còn đối với Trung Quốc, Nhật Bản, hai nhà nhập khẩu năng lượng lớn, thì quốc vương Salmane của Ả Rập Xê Út lại tập trung tới ngoại giao kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Nhật Bản đã bảo đảm với hoàng tử Mohamed Ben Salmane, đồng thời là bộ trưởng Quốc Phòng Ả Rập Xê Út, sẽ có chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư từ Vương Quốc Ả Rập Xê Út.

Syria : Thiết bị bay không người lái của CIA tiêu diệt nhân vật quan trọng thứ hai của al-Qaeda

Về thời sự Trung Đông, báo Le Figaro cho biết cơ quan tình báo CIA của Mỹ hôm Chủ Nhật 26/02/2017 đã dùng một thiết bị bay không người lái để tiêu diệt Abu al-Khayr al-Marsi, con rể của trùm khủng bố al-Qaeda Usama bin Laden. Ngày 02/03, al-Qaeda cũng đã khẳng định cái chết của Abu al-Khayr al-Marsi.

Abu al-Khayr al-Marsi, 59 tuổi, người Ai Cập, được coi là nhân vật quan trọng thứ hai trong hàng ngũ al-Qaeda, sau Ayman al-Zawahiri và là người đi tiên phong trong cuộc thánh chiến mà tổ chức khủng bố này nhắm vào phương Tây.

Abu al-Khayr al-Marsi bị CIA (Mỹ) phóng tên lửa tiêu diệt khi đang ngồi trong xe hơi với vệ sĩ, gần ngôi làng al-Mastoumeh ở tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria. Le Figaro nhận định, cái chết của Abu al-Khayr al-Marsi là một thành công của chính quyền Donald Trump.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)