Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/11/2018

Biển Đông và thương mại : Hoa Kỳ và Trung Quốc không bên nào chịu nhượng bộ

Tổng hợp

Thương mại và Biển Đông : Mỹ siết thêm gọng kềm trên Trung Quốc (RFI, 21/11/2018)

Trong cùng một ngày, hôm qua, 20/11/2018, Mỹ đã có hai động thái nhắm vào Trung Quốc. Tại Washington, văn phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ tố cáo Bắc Kinh cố giữ chính sách thương mại "vô lý, bất công" đối với Hoa Kỳ, trong lúc tại Biển Đông, Không Quân Mỹ lại cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang khu vực Biển Đông trong một cử chỉ thị uy. Theo giới quan sát, rõ ràng là Mỹ đang gia tăng sức ép trên Trung Quốc trong bối cảnh lãnh đạo hai nước chuẩn bị gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G.20 vào cuối tháng 11.

mytrung1

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ hai bên phải), thành viên Đoàn thương thuyết Hoa Kỳ với Trung Quốc, rời khách sạn ở Bắc Kinh, ngày 03/05/2018. Reuters/Jason Lee

Trong bản cập nhật cuộc điều tra về chính sách chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã thẩm định rằng "Trung Quốc về cơ bản, vẫn chưa thay đổi các chính sách thương mại bất công, vô lý và bóp méo thị trường", mà Mỹ từng nêu lên với Bắc Kinh.

Theo ông Lighthizer, Bắc Kinh đã không phản hồi "một cách xây dựng" với các vấn đề nêu lên, và không có hành động nào đáng kể để giải quyết các lo ngại của Mỹ. Đối với đại diện thương mại Mỹ, Trung Quốc rõ ràng không muốn thay đổi chính sách hiện tại, vẫn tiếp tục các chính sách nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ thông qua Internet, đồng thời tạo rào cản về cấp phép công nghệ, dùng hàng rào này để buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ".

Văn kiện có thể gọi là "luận tội" Trung Quốc này được công bố trước ngày tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Argentina, được cho là sẽ tăng cường sức ép trên Bắc Kinh, vốn rất muốn tìm lối ra cho cuộc chiến tranh thương mại kéo dài từ nhiều tháng qua.

Áp lực quân sự, ngoại giao

Sức ép về mặt thương mại có dấu hiệu được tiến hành song song với các áp lực trong các lãnh vực quân sự, ngoại giao. Đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc ghé thăm Philippines, một đồng minh của Washington nhưng lại đang xoay trục hướng về Bắc Kinh, Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương của Mỹ hôm qua loan báo đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay gần Biển Đông, tham gia một công việc "huấn luyện thường kỳ" ở khu vực "lân cận Biển Đông", gần các đảo tranh chấp.

Thông báo của Không Quân Mỹ còn lập lại các từ ngữ mà Trung Quốc rất ghét. Đó là phi vụ của hai chiếc B-52 "phù hợp với luật quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rông mở".

Không chỉ thị uy trên không, Mỹ còn ra phô trương sức mạnh trên biển. Hãng tin Mỹ AP vào hôm qua xác nhận việc Hải Quân Mỹ quyết định cử hai chiếc tàu sân bay vào Biển Đông. Đó là các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis. Hai hàng không mẫu hạm này vừa tập trận trên vùng Biển Philippines, sẽ chuyển hướng đi vào Biển Đông.

Trước đó, hôm 17/11 vừa qua, đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, trong một phát biểu tại Canada đã tố cáo Trung Quốc biến các đá ngầm và rạn san hô trên Biển Đông thành một "vạn lý trường thành" tên lửa, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực.

Áp lực ngoại giao từ phó tổng thống Mỹ

Trong lãnh vực ngoại giao, áp lực dữ dội nhất và gần đây nhất trên Trung Quốc đến từ phó tổng thống Mỹ Mike Pence, đã không ngần ngại "nã pháo" vào Trung Quốc nhân hai hội nghị ASEAN ở Singapore và APEC ở Papua New Guinea vào tuần trước.

Tại Singapore, ông Pence đã thẳng thắn tuyên bố Biển Đông không phải là của riêng nước nào, một mũi tên rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, nước tự nhận mình là chủ hầu hết Biển Đông.

Còn tại Papua New Guinea, nơi có mặt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phó tổng thống Mỹ không ngần ngại đả kích sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Bắc Kinh khi khẳng định với các nước khác rằng Hoa Kỳ không bao giờ đề nghị với đối tác của mình "một vành đai bóp nghẹt", hoặc một "con đường một chiều".

Trọng Nghĩa

**********************

Máy bay B 52 của Hoa Kỳ lại bay qua Biển Đông (RFA, 21/11/2018)

Hai máy bay chiến đấu B – 52 H Stratofortress của Hoa Kỳ vừa bay qua Biển Đông từ căn cứ Không quân Andersen ở Guam trong một diễn tập thường kỳ hôm thứ Hai, ngày 19/11.

mytrung2

Hình minh họa. Máy bay B-52 của Mỹ bay từ căn cứ khoogn quân Andersen ở Guam, thực hiện một chuyến bay gần căn cứ Không quân Osan của Nam Hàn hôm 10/1/2016. Bay cùng B-52 là máy bay F-15K Slam Eagle của Nam Hàn và F-16 Falcon của Mỹ. AFP

AP hôm 21/11 trích thông báo của lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết chuyến bay lần này của máy bay B-52 hoàn toàn tuân thủ luật quốc tế và cam kết về khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở của Mỹ.

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, 2 máy bay B – 52 của Mỹ cũng đã bay gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Phía Không quân Mỹ cho biết những chuyến bay này là những chuyến bay đã được phía Mỹ tiến hành thương xuyên từ tháng 3/2014 trở lại đây.

Máy bay và tàu chiến của Mỹ thời gian qua thường xuyên đi vào khu vực Biển Đông, thách thức những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền của Trung Quốc tại vùng nước tranh chấp. Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo những hành động này của Mỹ là khiêu khích và quân đội Trung Quốc sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã điều tàu chiến đi sát đến mức nguy hiểm tàu Decatur của Hải quân Hoa Kỳ khi tàu này đi gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa.

*********************

Biển Đông : Trung Quốc xây thêm cơ sở trên một rạn san hô ở Hoàng Sa (RFI, 21/11/2018)

Bắc Kinh vẫn tiếp tục củng cố các tiền đồn nằm trong tay của họ ở Biển Đông. Ảnh vệ tinh được một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố hôm 20/11/2018 cho thấy Trung Quốc đã xây một công trình mới trên một rạn san hô thuộc quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp với Việt Nam. Công trình này hoàn toàn có thể được dùng cho các mục tiêu quân sự.

mytrung3

"Thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc dựng lên tại quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/07/2012. STR / AFP

Theo cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, Washington, công trình mới đã được Trung Quốc xây dựng trên Đá Bông Bay (Bombay Reef), cách đảo Phú Lâm (Woody Island) 89 km về phía nam đông nam.

Đây là một cấu trúc có quy mô "khiêm tốn", trên nóc có thiết kế một vòm che radar và nhiều tấm pin mặt trời.

Đối với AMTI, cơ sở mới này đáng quan tâm do vị trí chiến lược của Đá Bông Bay, cũng như khả năng Trung Quốc "nhân bản" nhanh chóng loại công trình này ở những nơi khác trên Biển Đông. Tác dụng của công trình này còn chưa rõ ràng, nhưng AMTI cho rằng nó có thể nhằm mục tiêu quân sự.

Trung tâm nghiên cứu Mỹ giải thích : "Đá Bông Bay nằm ngay cạnh các tuyến vận chuyển chính nối liền Hoàng Sa với Trường Sa ở phía Nam. Bắc Kinh có thể cài đặt trên đó những loại thiết bị cảm biến (sensor) cho phép mở rộng tầm radar của Trung Quốc hoặc là thu thập tín hiệu tình báo trên tuyến đường biển quan trọng đó".

Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và các công trình khác trên các thực thể mà họ chiếm đóng. Việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông đã khiến các láng giềng quan ngại và làm cho Washington giận dữ.

Về công trình mới trên đá Bông Bay, cho đến trưa ngày 21/11, bộ Quốc Phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, trong lúc phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng thì khẳng định lại rằng chủ quyền của Bắc Kinh trên quần đảo Hoàng Sa không hề có tranh chấp, và không có gì sai trái khi Trung Quốc thực hiện công việc xây dựng trên lãnh thổ của mình.

Tuyên bố trên đây hoàn toàn trái ngược với thực tế vì chính Trung Quốc đã dùng võ lực chiếm trọn Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974, và hiện nay, Việt Nam vẫn thường xuyên lên tiếng khẳng định chủ quyền trên quần đảo này.

Reuters cũng đã yêu cầu Việt Nam cho biết ý kiến về việc Trung Quốc xây dựng mới trên Đá Bông Bay, nhưng chưa thấy phản ứng từ Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

Trọng Nghĩa

*******************

Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự mới trên quần đảo Hoàng Sa (RFA, 21/11/2018)

Trung Quốc vừa tiến hành xây dựng cơ sở quân sự mới trên đảo Bom Bay ở quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam theo hình ảnh vệ tinh được Sáng Kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) - thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cung cấp hôm 20/11.

mytrung4

Hình ảnh vệ tinh cho thấy cấu trúc mới được xây trên đảo Bom Bay thuộc Hoàng Sa Courtesy AMTI (CSIS)

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy cấu trúc nhỏ mới được xây trên đảo có mái che radar và các tấm năng lượng mặt trời. Mục đích của cơ sở xây mới này hiện chưa rõ làm gì nhưng theo AMTI đánh giá, có khả năng là để phục vụ mục đích quân sự

Theo AMTI, với vị trí chiến lược của đảo Bom Bay ở Hoàng Sa, việc xây mới là đáng quan tâm và có khả năng những cấu trúc tương tự cũng sẽ được Trung Quốc cho xây lắp ở những nơi khác ở Biển Đông.

AMTI đánh giá đảo Bom Bay nằm cạnh những tuyến đường biển chính giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khiến vị trí của đảo này trở nên quan trọng cho việc lắp đặt các radar hoặc cơ sở thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.

Khi được hỏi về phản ứng liên quan đến thông tin mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông không biết nhưng khẳng định Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, việc xây dựng trên các vùng chủ quyền của Trung Quốc vì vậy không có gì sai.

Quay lại trang chủ
Read 475 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)