Chính phủ Mỹ đóng cửa : Lỗi tại ai ? (VOA, 10/01/2019)
Ngày càng có nhiều người dân Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về tình trạng đóng cửa một phần khiến hàng trăm ngàn viên chức nhà nước liên bang không nhận được lương mặc dù các cử tri Cộng hòa đa số ủng hộ việc ông không ký đạo luật ngân sách mà không bao gồm khoản tiền 5,7 tỷ đô la từ thuế để trang trải cho bức tường biên giới, theo một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện và công bố hôm 8/1.
Bảo tàng Smithsonian về Không gian và Vũ trụ ở thủ đô Washington DC bị đóng cửa
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 1 cho đến ngày 7/1 cho thấy 51% người Mỹ trưởng thành tin rằng ông Trump ‘đáng phải chịu phần lớn trách nhiệm’ cho việc đóng cửa chính phủ vốn đã bước vào ngày thứ 18. So với lần thăm dò trước từ 21 cho đến 25/12, số người quy lỗi cho ông Trump đã tăng 4 điểm phần trăm.
Có 32% người được vấn ý buộc tội phe Dân chủ trong Quốc hội và 7% chỉ mũi dùi vào phe Công hòa ở Quốc hội, theo kết quả trưng cầu. Những con số này không thay đổi so với lần thăm dò trước.
Ông Trump đã nói là ông vẫn để cho Chính phủ đóng cửa một phần cho đến khi nào Quốc hội phê chuẩn ngân sách cho bức tường biên giới.
Mặc dù các vụ vượt biên trái phép vào lãnh thổ Mỹ đã giảm đáng kể trong những năm gần đây nhưng ông Trump vẫn khăng khăng cho rằng bức tường biên giới là cần thiết để ngăn chặn ‘cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia’.
Sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với bức tường biên giới đã thay đổi đáng kể trong vòng vài năm qua khi vấn đề này trở thành trọng tâm trong nghị trình của ông Trump. Cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 41% số người được hỏi ủng hộ xây thêm bức tường biên giới, tức là giảm 12% so với cuộc thăm dò tương tự hồi đầu năm 2015.
Cũng theo kết quả cuộc thăm dò này, chỉ 35% người Mỹ trưởng thành ủng hộ một dự luật ngân sách bao gồm cấp tiền cho bức tường và 25% ủng hộ quyết định của ông Trump là để cho chính phủ đóng cửa đến chừng nào Quốc hội chuẩn thuận ngân sách cho bức tường.
Tuy nhiên, các cử tri Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ việc ông Trump theo đuổi bức tường biên giới. Họ liên tục xếp vấn đề di dân là mối quan tâm hàng đầu của họ cho đất nước. Có 71% các cử tri Cộng hòa cho biết họ muốn xây thêm hàng rào ở biên giới và 54% người Cộng hòa ủng hộ ông Trump đóng cửa chính phủ cho đến khi nào Quốc hội cấp tiền cho bức tường.
*****************
Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục bị đóng cửa một thời gian nữa (VOA, 10/01/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/1 tuyên bố ông có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp để xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam với Mexico nếu ông không đạt được thỏa thuận với Quốc hội về việc cấp tiền xây tường trong lúc Đảng Dân chủ muốn thử thách sự kiên quyết của Đảng Cộng hòa trong chuyện này.
Nước Mỹ vẫn bế tắc xung quanh việc mở cửa chính phủ trở lại
Vào ngày thứ 19 chính phủ liên bang bị đóng cửa một phần do bất đồng về việc xây tường biên giới, ông Trump nói với các phóng viên ở Nhà Trắng rằng ông có thể sẽ tiến đến tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không thể làm việc cùng nhau để giải quyết thế bế tắc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những người cùng đảng Dân chủ có kế hoạch xúc tiến một dự luật để ngay lập tức mở cửa trở lại Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái và một vài cơ quan khác vốn đã bị đóng cửa kể từ rạng sáng ngày 22/12.
Phe Dân chủ rất muốn buộc Đảng Cộng hòa phải chọn giữa việc cấp ngân sách cho Sở thuế (IRS) trực thuộc Bộ Tài chính vào lúc cả bộ máy đang chuẩn bị vào guồng để hoàn thuế cho hàng triệu người dân Mỹ hay là tiếp tục để nó bị đóng cửa.
Trong một động thái phản công, chính quyền Trump hôm 8/1 nói rằng thậm chí khi không được cấp ngân sách mới, IRS vẫn có thể bằng cách nào đó đảm bảo rằng những tấm séc hoàn thuế này sẽ được gửi đi.
Tại Nhà Trắng, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bài diễn văn trên truyền hình vào tối ngày 8/1 bởi vì ông nghĩ rằng ông có thể đạt được thỏa thuận với Quốc hội.
"Bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận, tôi có thể đi con đường đó. Tôi hoàn toàn có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu muốn", ông Trump nói.
Trong diễn văn truyền hình tối ngày 8/1, ông Trump đã kêu gọi Quốc hội cấp cho ông 5,7 tỷ đô la trong năm nay để xây dựng bức tường nhưng lại không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ông có thể sử dụng ngân sách quân sự trang trải cho bức tường. "Bao nhiêu máu của người Mỹ phải đổ nữa trước khi Quốc hội thực thi chức trách của mình ?" ông đặt vấn đề với hàm ý nói đến những vụ giết người do di dân lậu thực hiện.
Vào ngày 9/1, ông Trump đã đến Điện Capitol để dự một buổi ăn trưa làm việc với phe Cộng hòa ở Thượng viện và sau đó ông đã nói là ông không lay chuyển trong lập trường cứng rắn của ông đối với bức tường.
"Chúng tôi không nói gì khác hơn là sự đoàn kết", ông nói với các phóng viên. Ông cho biết ‘một vài’ thượng nghị sĩ đã nói về chiến lược nhưng ‘Đảng Cộng hòa đoàn kết. Chúng tôi muốn an ninh biên giới.’
Khi được hỏi sau đó liệu ông có ấn tượng gì trong cuộc gặp với Tổng thống Trump là tình trạng đóng cửa sẽ sắp sửa chấm dứt hay không, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tim Scott cho biết : "Không hề. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ ở trong tình trạng này một thời gian nữa".
Lãnh đạo phe Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell đã bắt đầu phiên họp Thượng viện hôm 9/1 với lời đả kích phe Dân chủ đã không ủng hộ yêu sách của ông Trump về cấp tiền xây tường biên giới.
Về phần mình, bà Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện đã hòa cùng các nhân viên liên bang bị nghỉ việc trong một cuộc gặp với báo chí trước khi ông Trump đến Điện Capitol. Bà Pelosi nói rằng ông Trump ‘đã chọn bức tường thay vì nhân viên liên bang. Tổng thống cần phải chấm dứt việc đóng cửa chính phủ một cách vô lý của ông ấy.’
Trong tuần này, bà Pelosi có kế hoạch bỏ phiếu cho từng dự luật một để cấp ngân sách hoạt động cho các cơ quan liên bang từ Bộ An ninh Nội địa cho đến Tư pháp, Ngoại giao, Nông nghiệp, Thương mại và Lao động.
Bằng cách tận dụng thế đa số của phe Dân chủ để đẩy những dự luật này qua Hạ viện, bà Pelosi đang hy vọng sẽ có đủ Thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ bà và từ bỏ ván bài bức tường của ông Trump. Tuy nhiên, có nghi ngờ liệu kế hoạch của bà Pelosi sẽ thành công hay không trong việc buộc Thượng viện phải hành động.
Ông Mitch McConnell không hề lay chuyển trong lập trường cứng rắn của ông là không đưa bất cứ dự luật cấp ngân sách cho chính phủ nào mà không có sự ủng hộ của ông Trump ra Thượng viện bỏ phiếu bất chấp việc một số thượng nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa đã kêu gọi ông chấm dứt thế bế tắc.
********************
Đóng cửa chính phủ ảnh hưởng đến hoạt động các sân bay Mỹ (VOA, 10/01/2019)
Các nhân viên an ninh sân bay Mỹ và nhân viên kiểm soát không lưu đi làm mà không có lương do đóng cửa chính phủ đã cảnh báo rằng an ninh và an toàn sân bay sẽ bị giảm sút nếu tình trạng này tiếp diễn, nhưng chính quyền Trump hôm 9/1 đã nói rằng các sân bay vẫn đủ nhân lực và hành khách không gặp chậm trễ gì nhiều.
Nhân viên kiểm soát an ninh đang làm việc tại sân bay quốc tế Logan ở Boston
Các quan chức công đoàn cho biết một số nhân viên của TSA (Cơ quan quản lý An ninh Giao thông) đã nghỉ việc do đóng cửa chính phủ và nhiều người đang tính đến chuyện nghỉ ở nhà.
"Việc mất một số nhân viên TSA trong khi chúng tôi đã trong tình trạng thiếu người sẽ gây nên nguy cơ an ninh lớn cho hành khách Mỹ do chúng tôi không có đủ thực tập sinh đang thực tập hay khả năng xử lý những trường hợp thuê nhân sự mới", Chủ tịch Hội đồng TSA của Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ Hydrick Thomas nói. "Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục sẽ có những vấn đề nảy sinh - ít nhất là thời gian chờ đợi của các hành khách sẽ tăng lên".
Các công đoàn sẽ tổ chức một buổi tập hợp ở Điện Capitol kêu gọi chấm dứt đóng cửa chính phủ.
"Không hề có sự xuống cấp hiệu quả an ninh và thời gian chờ đợi trung bình vẫn nằm trong tiêu chuẩn của TSA", phát ngôn nhân TSA Michael Bilello cho biết. Có khoảng 51.000 nhân viên an ninh sân bay và ông cho biết cơ quan này đã đưa vào hàng trăm nhân viên mới.
Ông Bilello cho biết số nhân viên nghỉ việc không hề tăng và rằng vào ngày 8/1, chỉ có 5% nhân viên nghỉ phép không báo trước, chỉ tăng nhẹ từ mức 3,9% so với cùng ngày này vào năm ngoái.
Dân biểu Mỹ Bennie Thompson, chủ tịch của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, đã hỏi chính quyền Trump làm cách nào để đảm bảo nhân lực ở các sân bay.
"Các nhân viên TSA nằm trong số những nhân viên liên bang được trả lương thấp nhất và nhiều người trong số họ phải dựa vào từng kỳ trả lương để sống", ông Thompson viết. "Cho nên cũng hợp lý khi chúng ta cho rằng họ sẽ lên tiếng và có thêm nhiều người sẽ nghỉ việc nếu tình trạng đóng cửa kéo dài do không có ai có thể làm việc vô thời hạn mà không có lương".
TSA cho biết hôm 9/1 họ đã soi chiếu 1,73 triệu hành khách và 99,9% hành khách phải đợi chưa tới 30 phút.
Ông Bilello nói rằng TSA vẫn đang thuê thêm nhân viên và đang soạn thảo kế hoạch dự phòng phòng khi chính phủ đóng cửa qua ngày 11/1 khi các nhân viên không nhận được kỳ lương đầu tiên kể từ khi chính phủ bắt đầu đóng cửa từ ngày 22/12.
TSA đã đưa thêm vào khoảng 500 nhân viên kể từ khi chính phủ đóng cửa và sẽ có thêm 300 người nữa sẽ bắt đầu làm việc vào cuối tháng này. "Để có thể duy trì mức nhân lực phù hợp, điều quan trọng là cần phải tiếp tục quá trình tuyển dụng, đào tạo và bố trí nhân viên mới đến các sân bay trên khắp nước", ông Bilello nói.
Hiệp hội Kiểm soát Không lưu Quốc gia cho biết số lượng nhân viên kiểm soát không lưu giờ đây đã ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm với 18% trong số đó đến tuổi nghỉ hưu.
Nếu có nhiều nhân viên kiểm soát không lưu không đi làm, Cơ quan Hàng không Liên bang sẽ phải nới rộng yêu cầu cách khoảng, tức thời gian giữa cất cánh và hạ cánh - điều này sẽ làm hoãn các chuyến bay.