Venezuela : Được quốc tế ủng hộ, Guaido gia tăng áp lực (RFI, 27/01/2019)
Được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, tổng thống Venezuela tự phong Juan Guaido hôm nay 27/01/2019 kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường, đồng thời đề nghị ân xá cho tất cả các quân nhân quay lưng với chế độ Nicolas Maduro.
Lãnh tự đối lập, chủ tịch Quốc hội Venezuela, Juan Guaido phát biểu với những người ủng hộ tại Caracas ngày 26/01/2019. Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Từ hôm qua, ông Guaido đã khởi động các cuộc tham vấn nhân dân trên toàn quốc, nhằm phổ biến đường lối của đối lập trong khi toàn bộ báo chí đã bị chính quyền Nicolas Maduro khống chế. Thông tín viên RFI Benjamin Delille đã đến quảng trường Alfredo Sadell ở Caracas, nơi thủ lãnh đối lập thu thập ý kiến về luật ân xá, tường thuật :
Trong suốt buổi sáng, các dân biểu thay nhau lên diễn đàn để giải thích về nội dung luật ân xá. Đến trưa, luật này được công chúng bỏ phiếu tượng trưng.
Vanessa, 34 tuổi đứng vào một hàng dài người đang xếp thứ tự. Cô nói : "Chúng tôi xếp hàng để ký tên đồng ý với luật ân xá do Quốc hội thông qua". Cô đến tham gia vì sợ rằng đạo luật sẽ khoan hồng cho tất cả những tội mà một số thành viên chính phủ đã phạm trong những năm gần đây. Tuy nhiên Vanessa nhìn nhận các dân biểu đã nói rõ đối tượng của luật là những ai bị cầm tù, truy nã hoặc lưu vong vì lý do chính trị.
Dân biểu Leonardo Regnault giải thích các nguyên tắc của luật : "Chính phủ tiếm quyền Maduro đã bỏ tù nhiều người qua việc sáng tác ra đủ loại tội phạm để gán cho họ. Sắp tới khi khôi phục nền dân chủ, các nhà tù sẽ mở cửa để kết thúc tình trạng vô nhân đạo này".
Các cuộc tham vấn tương tự diễn ra khắp nước, và mỗi người tham gia được phát tài liệu chi tiết về luật để về phổ biến cho người thân".
Tùy viên quân sự tại Mỹ quay lưng lại với Maduro
Đó là ân xá đối với các nhà hoạt động chính trị, còn với quân đội, ngay từ đầu thủ lãnh đối lập đã đề nghị khoan hồng cho các quân nhân rời bỏ hàng ngũ, ngưng phục vụ chế độ Maduro. Ông Juan Guaido cho biết cũng đã gặp gỡ một số thành viên chính phủ Maduro nhằm thuyết phục tổ chức bầu cử.
Hôm qua tùy viên quân sự của Venezuela tại Washington, đại tá José Luis Silva tuyên bố không nhìn nhận ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp pháp, và kêu gọi "các anh em quân nhân" ủng hộ ông Juan Guaido.
Về phía ông Maduro loan báo mở đàm phán với Hoa Kỳ để duy trì liên lạc tối thiểu giữa hai nước, sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao. Cuba và Mỹ từng giữ quan hệ loại này cho đến tháng 7/2015, khi mở lại đại sứ quán.
Thụy My
***********************
Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Châu Âu ủng hộ thủ lãnh đối lập Venezuela (RFI, 27/01/2019)
Sau năm tiếng đồng hồ tranh luận hôm qua 26/01/2019, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn không tìm được tiếng nói chung cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido, trong bối cảnh Châu Âu đưa ra tối hậu thư cho ông Maduro trong vòng 8 ngày phải tổ chức bầu cử tự do. Hai chủ nợ lớn của Venezuela là Nga và Trung Quốc ngăn trở việc đưa ra thông cáo chung.
Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình hình Venezuela, tại New York ngày 26/01/2019 -Reuters/Carlo Allegri
Cuộc họp khẩn cấp này diễn ra theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Peru và Cộng hòa Dominicana, Nga phản đối nhưng chỉ thu thập được 3/15 phiếu nên không ngăn cản được.
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết :
Mike Pompeo không cần phải nghe phát biểu từ đồng nghiệp của quốc gia Venezuela, mà Mỹ không còn công nhận tổng thống. Ông rời phòng họp Hội đồng Bảo an chẳng bao lâu sau khi đưa ra lời cảnh báo.
Ngoại trưởng Mỹ nói : "Bây giờ là lúc mà mỗi nước cần chọn lựa đứng về phía nào, không còn có thể trì hoãn hay dùng chiến thuật đánh lạc hướng. Hoặc là đứng về phía lực lượng tự do, hoặc Maduro cùng với sự hỗn loạn của phía ông ta".
Dù vậy Hoa Kỳ vẫn không đạt được việc đưa ra một bản tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an để ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido, chủ yếu do Nga và Trung Quốc phản đối. Moskva còn cáo buộc Washington xúi giục đảo chính.
Jorge Arreaza, ngoại trưởng Venezuela khẳng định có được bằng chứng, ông nói : "Hoa Kỳ không phải đứng phía sau vụ đảo chính mà còn đi đầu. Họ không chỉ ra lệnh cho đối lập Venezuela mà cả những chính phủ chư hầu của Mỹ trong khu vực, tại Châu Âu và các nước khác trên thế giới".
Caracas bác bỏ tối hậu thư của các nước Châu Âu hạn định cho Venezuela trong vòng 8 ngày phải tổ chức bầu cử, tuy nhiên nói rằng luôn sẵn sàng đối thoại với Washington.
Bên lề hội nghị, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassily Nebenzia cho rằng cần tránh việc nước ngoài can thiệp quân sự vào Venezuela bằng mọi giá. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi tiếp xúc báo chí đã cổ vũ tất cả các nước chấm dứt giao dịch tài chính với chế độ Nicolas Maduro.
Thụy My
*******************
Pompeo : 'Thử nghiệm xã hội chủ nghĩa' khiến kinh tế Venezuela sụp đổ (BBC, 27/01/2019)
Hoa Kỳ hôm 26/1 kêu gọi quốc tế hãy chọn một bên ở Venezuela và giục các nước ngừng giao dịch với chính phủ Nicolas Maduro, trong khi các cường quốc Châu Âu đưa chỉ dấu sẽ theo Washington công nhận Juan Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp của nước này.
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido vẫy tay với những người ủng hộ ông tại Caracas, Venezuela, ngày 26/1
Theo Reuters, trong các cuộc trao đổi gay gắt tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chiến dịch do Venezuela và Nga (quốc gia đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela) dẫn dắt, cáo buộc Washington định đảo chính và chỉ trích yêu cầu của Châu Âu về việc tiến hành bầu cử ở Venezuela trong vòng tám ngày
Guaido, người nắm quyền lãnh đạo Quốc hội ngày 5/1, tuyên bố ông là tổng thống lâm thời hôm 23/1. Hoa Kỳ, Canada và một loạt nước Mỹ Latinh mau chóng công nhận nhà lãnh đạo trẻ.
Maduro, người lãnh đạo quốc gia giàu dầu mỏ từ năm 2013 và có sự trợ giúp của lực lượng vũ trang, từ chối từ chức.
Nhưng hôm 26/1, ông Guaido, 35 tuổi, nhận được sự ủng hộ từ một quan chức cấp cao. Đại tá Jose Luis Silva, tùy viên quốc phòng Venezuela tại Washington,, nói rằng ông đã ngưng quan hệ với chính phủ Maduro và công nhận Guaido là tổng thống lâm thời.
Biểu ngữ của người biểu tình : "Tôi chiến đấu cho tự do"
Phát biểu tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ kêu gọi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết "cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa" của Maduro đã khiến nền kinh tế sụp đổ và đẩy người dân Venezuela đến đường cùng phải bới rác tìm đồ ăn.
"Bây giờ là lúc để mọi quốc gia chọn một bên. Hoặc là quý vị đứng về phía lực lượng tự do, hoặc quý vị liên minh với Maduro và tình trạng hỗn loạn của ông ta", ông Pompeo nói trước hội đồng. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của Venezuela và vai trò của Tổng thống lâm thời Guaido".
Ông Pompeo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngắt kết nối hệ thống tài chính của họ với chính phủ Maduro. Washington đưa chỉ dấu rằng họ đã sẵn sàng đẩy mạnh các biện pháp kinh tế để tước quyền lực khỏi tay ông Maduro, nhưng hôm 26/1, ông Pompeo từ chối cho biết về bất kỳ kế hoạch nào như vậy.
*********************
Washington tăng áp lực với Caracas, Moskva ủng hộ Nicolas Maduro (RFI, 26/01/2019)
Trong khi tình hình tại Venezuela đang nóng lên từng ngày, hôm qua, 25/01/2019, Washington tiếp tục tỏ quyết tâm gia tăng các áp lực nhằm buộc ông Nicolas Maduro phải rời bỏ quyền lực, trong khi đó Nga khẳng định sự ủng hộ với tổng thống kế thừa của Chavez.
Biểu tình chống chính quyền Nicolas Maduro tại Caracas ngày 23/01/2019. Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Nhà Trắng cho biết đang nghiên cứu mọi lựa chọn giải pháp để có thể loại bỏ Nicolas Maduro. Tuy nhiên, giải pháp can thiệp quân sự hay can thiệp vì lý do nhân đạo của Mỹ vào Venezuela để lật đổ chế độ Chavez hiện tại là hầu như không khả thi. Áp lực khả dĩ có hiệu quả chủ yếu là về kinh tế và chính trị. Về kinh tế, thứ vũ khí mà Mỹ có thể dùng chống lại chế độ Maduro là phong tỏa tài sản của Venezuela hoặc ngừng nhập dầu mỏ của Venezuela.
Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ định ông Elliot Abrams làm đặc sứ với sứ mệnh "tái lập dân chủ" tại Venezuela. Vị đặc sứ này, hôm nay cùng với ngoại trưởng Mỹ sẽ dự phiên họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để "kêu gọi các nước ủng hộ quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Venezuela".
Ông Mike Pompeo cũng đã hứa sẽ thông báo cách thức cung cấp cho tổng thống tự phong Juan Guaido "các nguồn lực mà ông Guaido cần để thúc đẩy chính phủ của Venezuela".
Về phía Moskva, hôm qua trong cuộc họp báo tại Rabat, Morocco, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố rằng Nga phản đối "chính sách phá hoại" của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Venezuela. Lãnh đạo ngoại giao Nga lên án Washington đã "kêu gọi đảo chính" ngay sau khi ông Nicolas Maduro đắc cử tổng thống Venezuela từ hồi tháng Năm vừa qua.
Trong khi một số các nhà ngoại giao Mỹ hôm qua đã bắt đầu rời Caracas, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết những ngày qua, nhiều nhân viên an ninh tư nhân Nga từng tham gia vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài đã tới Caracas để tăng cường bảo vệ an ninh cho tổng thống Maduro.
Anh Vũ
*******************
Quân đội Venezuela : Chỗ dựa cho Maduro (RFI, 26/01/2019)
Mặc cho những náo động dữ dội, ông Nicolas Maduro vẫn luôn là người đứng đầu Venezuela, nhờ sự ủng hộ của một đồng minh hết sức quan trọng : quân đội. Hôm 24/01/2019, các tướng lãnh đã tái khẳng định sự trung thành với Maduro, sau khi chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời.
Bộ trưởng quốc phòng Venezuela, Vladimir Padrino Lopez trong cuộc họp báo tại Caracas ngày 24/01/2019. Reuters/Manaure Quintero
Tổng tư lệnh quân đội khẳng định Nicolas Maduro là "tổng thống hợp pháp" của Venezuela, cho rằng việc lãnh tụ đối lập Juan Guaido tuyên bố nhận chức vụ tổng thống là một "vụ đảo chính".
Bộ trưởng quốc phòng, tướng Vladimir Padrino, bao quanh là những tướng lãnh cao cấp tố cáo trong cuộc họp báo : "Họ tìm cách thành lập một chính phủ thứ hai trên thực tế".
Hôm thứ Tư 23/1, chủ tịch Quốc hội 35 tuổi Juan Guaido đã tự uyên bố là "tổng thống đương nhiệm" của Venezuela trước hàng chục ngàn người ủng hộ phe đối lập. Ngay lập tức ông nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và khoảng 12 nước Châu Mỹ la-tinh.
Nhà chính trị học Luis Salamanca, được AFP trích dẫn, phân tích : "Khi dấn lên một bước, cần phải biết rằng mình có thể được những ai ủng hộ, đặc biệt là giới quân sự".
Thủ lãnh đối lập đã đề nghị khoan hồng cho những quân nhân từ bỏ hàng ngũ của nhà lãnh tụ phe xã hội 56 tuổi. Ông Guaido cũng khẳng định là do ủng hộ tổng thống Venezuela mà ông gọi là "kẻ tiếm quyền", bản thân tổng tư lệnh quân đội cũng bất hợp pháp.
Giới quân sự : Quyền hành lớn, mặc sức làm giàu
Nicolas Maduro, mà hôm 10/01 đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vốn bị đối lập và phần lớn cộng đồng quốc tế phản đối vì cho là gian lận bầu cử, trong những năm gần đây không ngừng tưởng thưởng lòng trung thành của các tướng lãnh bằng cách cho họ quyền hành chính trị và kinh tế ngày càng lớn.
Dưới thời cố tổng thống Hugo Chavez (1999-2013), vốn là cựu quân nhân, giới quân sự chiếm 25% trong bộ máy chính quyền. Đến thời ông Maduro, tỉ lệ này lên đến 43% vào năm 2017, sau đó lại xuống còn 26% - theo tổ chức phi chính phủ Control Ciudadano.
Trong số 32 bộ trưởng của Venezuela, có đến 9 người là tướng tá. Họ nắm những bộ chính yếu như quốc phòng, Nội Vụ, Nông Nghiệp và Thực Phẩm. Các tướng lãnh cũng giám sát tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA, nơi mang lại đến 96% thu nhập cho đất nước, và kiểm soát bộ máy tình báo.
Bà Rocio San Miguel, chủ tịch Control Ciudadano nhận định, việc giới quân sự hiện diện ít hơn trong chính phủ là do "các bộ không còn là nơi béo bở để làm giàu như trước đây. Các tướng lãnh chuyển sang nhập khẩu và bán những mặt hàng được trợ giá".
Một kênh truyền hình, một ngân hàng, một nhà máy lắp ráp xe hơi, một công ty xây dựng hoặc khai thác quặng mỏ, dầu khí : có những lãnh vực giúp cho giới quân nhân tăng cường ảnh hưởng, mà theo các nhà phân tích, không ngừng tăng lên cùng với việc uy tín của ông Maduro đi xuống.
Tổng thống cánh tả coi quân đội là "cột sống" của đất nước mà trước đây là một trong những quốc gia giàu có nhất Châu Mỹ la-tinh, nhưng nay chìm sâu trong khủng hoảng. Venezuela với 31 triệu dân, có 365.000 quân nhân và 1,6 triệu quân dự bị.
Quốc hội, định chế duy nhất trong tay phe đối lập - và do đó các quyết định mặc nhiên bị Tòa án Tối cao thân Maduro bác bỏ - trên thực tế đã bị thay thế bằng một Quốc hội lập hiến với 100% thành viên về phe với chính quyền.
Theo ông Luis Salamanca, "Maduro dựa vào giới quân sự, còn các tướng lãnh thì lợi dụng ông Maduro để thủ lợi về kinh tế, và tránh nguy cơ bị truy tố trong trường hợp chế độ sụp đổ".
Tướng tá còn ủng hộ Maduro được bao lâu ?
Mặc cho các nỗ lực nhằm chứng tỏ sự đoàn kết trong quân đội, bộ trưởng quốc phòng nhìn nhận rằng "quỷ sứ đang rảo quanh các doanh trại". Hôm thứ Hai 21/1, có 27 quân nhân đã nổi dậy chống chế độ, kêu gọi người dân xuống đường, nhưng sau đó họ đã bị bắt.
Đáng chú ý là trong số 25 người bị tống giam và cáo buộc tổ chức tấn công tổng thống hôm 04/08/2018, có hai vị tướng. Khoảng 180 quân nhân khác bị cho là âm mưu chống chính quyền cũng đã bị bắt giam trong năm 2018, theo Rocio San Miguel.
Hồi tháng 9/2018, tờ New York Times viết rằng các viên chức Mỹ đã gặp gỡ các quân nhân Venezuela nổi dậy để nêu ra việc lật đổ Nicolas Maduro. Sau đó tổng thống Donald Trump tuyên bố chế độ Venezuela "có thể nhanh chóng bị quân đội lật đổ, nếu giới quân sự quyết định làm điều đó".
Trong một đất nước khan hiếm thực phẩm, thuốc men trầm trọng, trong năm 2018 đã có trên 4.300 người lính rời bỏ Vệ binh quốc gia, theo một tài liệu của cơ quan này, được Control Ciudadano trích dẫn. Tổ chức phi chính phủ ước lượng từ năm 2015 đến nay đã có khoảng 10.000 quân nhân xin ra khỏi quân đội.
Đối với nhà phân tích Luis Salamanca, các tướng lãnh cao cấp đang lâm vào thế lưỡng nan. Hoặc tiếp tục theo Maduro với nguy cơ bị mắc nạn cùng với ông ta, hoặc tự cứu mình bằng cách tự trình diện trước tư pháp các nước khác, như Hoa Kỳ chẳng hạn.
Washington vốn đã nhắm vào một số tướng lãnh, qua các biện pháp như cấm nhập cảnh vào Mỹ, đóng băng tài khoản ; đe dọa sẽ tăng cường trừng phạt.
Thụy My
********************
Venezuela : Được quân đội ủng hộ, Maduro tố cáo Mỹ xúi giục đảo chính (RFI, 25/01/2019)
Từ hai ngày qua, Venezuela có hai tổng thống : ông Nicolas Maduro, bị phương Tây tố cáo là đắc cử nhiệm kỳ thứ hai nhờ gian lận ; và tổng thống tự phong Juan Guaido, nhà đối lập vừa lên làm chủ tịch Quốc hội. Có được sự ủng hộ của quân đội, hôm nay 25/01/2019 ông Maduro lớn tiếng tố cáo đối thủ làm đảo chính với sự trợ giúp của Mỹ.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (P) và chủ tịch Quốc hội lập hiến Diosdado Cabello tại Tòa Án Tối Cao, Caracas, ngày 24/01/2019 Reuters
Trước đó Nicolas Maduro đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington, hạn định cho các đại diện Mỹ 72 tiếng đồng hồ để rời khỏi Venezuela. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đáp trả là ông Maduro "không có quyền hạn hợp pháp" để ra lệnh như thế. Tuy nhiên hôm qua Washington đã yêu cầu những nhà ngoại giao giữ nhiệm vụ không thiết yếu về nước, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ không nên ở lại Venezuela. Hoa Kỳ cũng đề nghị đưa vấn đề Venezuela ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày mai 26/1.
Thông tín viên Benjamin Delille từ Caracas cho biết tình cảm trái ngược của người dân Venezuela đối với Mỹ :
"Tổng thống Mỹ Donald Trump là nguyên thủ đầu tiên công nhận ông Juan Guaido như tổng thống lâm thời, sau đó nhiều nước khác cũng theo gương Hoa Kỳ. Đối với Luis, một người phản đối Nicolas Maduro, việc nhìn nhận này đúng theo khuynh hướng dân chủ. Ông nói : Các nước ấy đang đi đúng hướng, họ tôn trọng Hiến pháp và luật pháp của chúng tôi.
Nhưng những người ủng hộ chế độ không tin như vậy, họ cho rằng phe đối lập chỉ là công cụ của Hoa Kỳ để lật đổ ông Nicolas Maduro. Một người nói : Đối lập làm theo chiến dịch tuyên truyền do một nhân vật khùng là Donald Trump chỉ đạo. Yankee, hãy cuốn gói !
Một nghịch lý là tình cảm chống Mỹ được nuôi dưỡng qua khủng hoảng kinh tế - theo Maria, một người ủng hộ Maduro. Bà này khẳng định : Khủng hoảng là do Mỹ và nhiều nước đã phong tỏa nền kinh tế chúng tôi, tung ra nhiều tin giả.
Được kẻ yêu người ghét, Hoa Kỳ có thể coi như biểu tượng cho sự chia rẽ ở Venezuela".
Tối qua, ông Juan Guaido cho biết muốn tổ chức cuộc bầu cử càng sớm càng tốt, tuyên bố sẵn sàng mở lối cho khủng hoảng qua việc ân xá cho ông Nicolas Maduro. Phó tổng thống Brazil Hamilton Mourao cũng đề nghị một "hàng lang sơ tán" cho Maduro.
Nhà đối lập trẻ tuổi Juan Guaido được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước Nam Mỹ. Khoảng 50 nước vẫn coi nhiệm kỳ thứ hai của ông Maduro là bất hợp pháp, Liên Hiệp Châu Âu đòi hỏi tổ chức bầu cử tự do nhưng không chính thức công nhận ông Guaido. Còn ông Maduro được sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Mêhicô, Bolivia.
Canada hôm qua cho biết sẽ tiếp đón hội nghị sắp tới của Nhóm Lima về Venezuela, nhưng thời điểm chưa được ấn định. Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi "tránh gây thêm đau khổ cho người dân Venezuela".
Kể từ thứ Hai 21/1 đến nay, đã có 26 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại Venezuela, theo tổ chức phi chính phủ Observatorio Venezolano de Conflictividad Social.
Thụy My