Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/03/2017

Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan xung đột ngoại giao

tổng hợp

Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ (RFI, 12/03/2017)

nederland1

Bộ trưởng Gia Đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya (giữa) họp báo tại sân bay quốc tế Istanbul sau khi bị Hà Lan trục xuất ngày 12/03/2017. REUTERS/Osman Orsal

Trong ngày 11/03/2017, hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị Hà Lan chận đường không cho sang "xứ hoa tulippe" vận động trưng cầu dân ý trong cộng đồng người Thổ. Máy bay chở ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải vòng về Pháp. Bộ trưởng bộ Gia Đình Fatma Betul Sayan Kaya, dùng đường bộ từ Đức đến Rotterdam thì bị trục xuất về Đức.

Xung khắc giữa chính quyền tổng thống Erdogan với các nước Châu Âu mỗi ngày mỗi leo thang. Bốn nước : Đức, Áo, Thụy Sĩ và Hà Lan đã cấm những cuộc mít-tinh vận động trưng cầu dân ý chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại các quốc gia này.

Ngày 11/03/2017, căng thẳng đã bùng nổ với Hà Lan. Lo ngại xung đột bạo động ngay trong nội bộ cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Roterdam hủy bỏ một cuộc mít-tinh, còn chính phủ La Haye không cho ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến để tham dự. Sau khi máy bay của ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải bay ngược về Metz ( phía đông Pháp), tổng thống Erdogan lên án Hà Lan cư xử như "phát-xít" và cam kết sẽ trả đũa "tương xứng".

Trong khi đó tại Rotterdam, theo AFP, hàng ngàn người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chế độ Erdogan, đã biểu tình chung quanh lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và xung đột với cảnh sát. Bộ trưởng bộ Gia Đình của Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp Hà Lan cảnh báo, dùng đường bộ từ Đức sang đến Rotterdam thì bị cảnh sát trục xuất về Đức.

Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, những căng thẳng này củng cố lập luận chính thức rằng Tây Âu tìm cách giúp cho phe chống dự án trao hết quyền lực cho tổng thống chiến thắng.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer phân tích :

So sánh việc hủy bỏ các buổi mít tinh của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tại Châu Âu, như tại Đức và Hà Lan với các hành động của phát xít đã trở thành thói quen của tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Chắc chắn là tổng thống thổ Nhĩ Kỳ đang giận dữ với các nước Châu Âu láng giềng, những nước bị ông Erdogan cáo buộc là ủng hộ cho phe nói "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tăng thêm quyền hạn cho tổng thống.

Nhưng chúng ta cũng cần hiểu những lời chỉ trích của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh chính trị của nước này. Recep Erdogan ý thức được là chưa có gì đảm bảo cho chiến thắng của ông trong cuộc trưng cầu dân ý. Phe ủng hộ việc tăng thêm quyền hạn cho tổng thống rất khó để tìm ra các lý lẽ thuyết phục những người còn đang do dự. 

Trái lại, có một lý lẽ vẫn thuyết phục được cử tri, đó là phương Tây và các nước Châu Âu đang tìm cách gây tổn hại uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng kiếm thêm được nhiều phiếu "Thuận" của cử tri khi chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa.

Phe đối lập với tổng thống Erdogan rất cảnh giác trước cái bẫy này. Đó là lý do vì sao đối lập vội vàng chỉ trích thái độ của Châu Âu, trong khi quyền tự do ngôn luận của phe này cũng rất hạn chế ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, lãnh đạo phe đối lập còn thông báo hủy tất cả các cuộc mít tinh ủng hộ phe nói "không" dự kiến sẽ được tổ chức tại nước ngoài, để tránh rơi vào bẫy.

Về nước và tố cáo

Trở về đến Istanbul sáng Chủ nhật 12/03/2017, Bộ trưởng bộ Gia Đình Fatma Betul Sayan Kaya than phiền bị Hà Lan đối xử "một cách thảm hại và bất nhân" cho dù bà là phụ nữ và có hộ chiếu ngoại giao.

Chưa rõ tổng thống Erdogan sẽ thông báo gì thêm trong bài diễn văn vào chiều nay (12/03). Đại sứ quán của Hà Lan tại Ankara bị cảnh sát bao bây, còn lá cờ Hà Lan trên toà lãnh sự ở Istanbul đã bị một đám đông thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tú Anh

*********************

Hà Lan cấm máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đáp xuống (RFI, 11/03/2017)

nederland2

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.(Reuters)

Ngày 11/03/2107, chính phủ Hà Lan đã quyết định cấm máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đáp xuống Rotterdam nhằm tham dự một cuộc mít tinh về việc tăng cường quyền hạn cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một thông cáo, chính phủ Hà Lan nêu lý do là vì phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai dọa sẽ trừng phạt Hà Lan nếu nước này không cho máy bay của Ngoại trưởng Cavusoglu đáp xuống.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã dọa sẽ trả đủa hành động của phía Hà Lan, xem đây là một thái độ "mang tàn dư của chủ nghĩa phát xít". Trước mắt, chính phủ Ankara đã triệu đại biện của đại sứ quán Hà Lan lên để phản đối.

Trong khi đó, hôm qua Liên Hiệp Quốc hôm qua ra báo cáo tố các lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền trong khi tiến hành các chiến dịch chống phe nổi dậy người Kurdistan ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ sau thỏa thuận hưu chiến hồi mùa hè năm 2015. Theo AFP, Ankara ngay lập tức đã bác bỏ các cáo buộc của Liên Hiệp Quốc.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết :

"Các vụ "phá hủy hàng loạt", "giết người" và "nhiều vi phạm nghiêm trọng khác" khiến hơn 355.000 dân thường phải rời bỏ nhà cửa : Các bằng chứng chi tiết trong bản báo cáo đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về các chiến dịch của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ tại miền đông nam mà đa phần dân chúng là người Kurdistan là không thể chối cãi.

Báo cáo này liên quan tới giai đoạn 07/2015-12/2016, nhất là trong 13 tháng đầu của giai đoạn này, trong đó các trận đánh ác liệt chưa từng có giữa Lực Lượng Lao Động Người Kurdistan (PKK) và các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn phá khu trung tâm của hàng chục thành phố.

Để có bản báo cáo này, Liên Hiệp Quốc đã dựa vào các hình ảnh vệ tinh, các cuộc trao đổi với nạn nhân hoặc gia đình các nạn nhân, cũng như dựa vào thông tin từ các tổ chức phi chính phủ. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc không được phép tới các khu vực xảy ra đụng độ.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara bác bỏ mọi cáo buộc là binh lính và cảnh sát vi phạm nhân quyền. Ankara tố cáo đảng Người Lao Động Kurdistan (PKK) sử dụng thường dân làm bia đỡ đạn, khiến 1.200 dân thường và 800 người thuộc các lực lượng an ninh thiệt mạng, cho dù là liên quan hay không liên quan tới bạo lực.

Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn yêu cầu Ankara mở một cuộc điều tra độc lập, thì lấy làm tiếc là các vụ phá hủy đã xóa đi nhiều dấu vết".

RFI tiếng Việt

************************

'Hà Lan là tàn dư của Quốc xã' (BBC, 12/03/2017)

nederland3

Tổng thống Erdogan gọi chính phủ Hà Lan là 'tàn dư của phát xít'

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi chính quyền Hà Lan là 'tàn dư của Quốc xã và những kẻ phát xít', trong tranh cãi về việc hủy bỏ cuộc tuần hành ở Rotterdam.

Trước đó, chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép hạ cánh đối với chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Melvut Cavusoglu, theo lịch trình, là người sẽ phát biểu tại cuộc tuần hành vào hôm thứ Bảy nhằm ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý với mục đích tăng thêm quyền lực cho ông Erdogan.

Cuộc tuần hành cũng bị cấm vì lý do an ninh, Thị trưởng Rotterdam cho biết.

"Hà Lan có thể cấm bay đối với ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng từ bây giờ, hãy đợi xem làm cách nào những chuyến bay của Hà Lan hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Erdogan nói tại cuộc tuần hành ở Istanbul.

Ông Cavusoglu cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trừng phạt nặng nề nếu chuyến thăm của ông bị cấm.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói trong thông cáo (bằng tiếng Hà Lan) rằng Thổ Nhĩ Kỳ dọa trừng phạt khiến 'việc tìm kiếm một giải pháp hợp lý gần như không khả thi'.

Do đó, Hà Lan sẽ thu lại quyền hạ cánh, ông nói.

Áo, Đức và Thụy Sĩ cũng ban hành lệnh cấm những buổi tụ họp tương tự, nơi những quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những bài diễn văn.

Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb nói vào hôm đầu tuần rằng chủ nhân của hội trường, nơi sẽ tổ chức buổi tụ họp có sự góp mặt của ông Cavusoglu, đã thu lại giấy phép, nhưng ngoại trưởng vẫn có thể đến thăm.

"Ông ta có quyền miễn trừ ngoại giao nên chúng tôi sẽ vẫn đối xử với ông một cách trân trọng, nhưng chúng tôi có những phương tiện khác để ngăn cản mọi việc diễn ra ở nơi công cộng", hãng thông tấn Reuters trích lời ông Aboutaleb cho hay.

Một cuộc tụ họp tương tự, dự định tổ chức vào Chủ nhật tại Thụy Sĩ, cũng chưa có gì chắc chắn, sau khi một địa điểm đã từ chối cho tổ chức.

Một sự kiện khác tại Zurich, được lên kế hoạch tổ chức vào hôm thứ Sáu, với sự tham dự của một quan chức cao cấp đã bị hủy bỏ, tương tự như các cuộc tuần hành tại những thành phố của Áo như Hoerbranz, Linz và Herzogenburg.

nederland4

Các tổ chức chống Hồi giáo biểu tình phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Cavusoglu

Chính phủ Hà Lan và Áo cũng chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc vận động cho cuộc trưng cầu dân ý tại các nước thuộc khối EU.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Châu Âu trở nên xấu đi sau cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vào hồi tháng Bảy 2016. Đức chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch trấn áp sau đó- với gần 100.000 nhân viên nhà nước bị bãi nhiệm.

Nhiều quốc gia Châu Âu lo ngại về việc trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc đảo chính và sự độc tài dưới bàn tay của Tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng trong việc giảm số lượng người nhập cư vào Châu Âu, nhưng đe dọa sẽ 'mở tung cửa' nếu EU nuốt lời hứa về viện trợ, đồng ý miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối EU.

**********************

Liên Hiệp Quốc : Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với người Kurdistan (RFI, 11/03/2017)

nederland5

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tại một chốt kiểm soát trên trục lộ chính từ Mardin tới Cizre, ngày 09/09/2015. REUTERS/Sertac Kayar

Liên Hiệp Quốc ngày 10/03/2017 ra báo cáo tố các lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền trong khi tiến hành các chiến dịch chống phe nổi dậy người Kurdistan ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ sau thỏa thuận hưu chiến hồi mùa hè năm 2015. Theo AFP, Ankara ngay lập tức đã bác bỏ các cáo buộc của Liên Hiệp Quốc.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết :

"Các vụ "phá hủy hàng loạt", "giết người" và "nhiều vi phạm nghiêm trọng khác" khiến hơn 355.000 dân thường phải rời bỏ nhà cửa : Các bằng chứng chi tiết trong bản báo cáo đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về các chiến dịch của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ tại miền đông nam mà đa phần dân chúng là người Kurdistan là không thể chối cãi. 

Báo cáo này liên quan tới giai đoạn 07/2015-12/2016, nhất là trong 13 tháng đầu của giai đoạn này, trong đó các trận đánh ác liệt chưa từng có giữa Lực Lượng Lao Động Người Kurdistan (PKK) và các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn phá khu trung tâm của hàng chục thành phố. 

Để có bản báo cáo này, Liên Hiệp Quốc đã dựa vào các hình ảnh vệ tinh, các cuộc trao đổi với nạn nhân hoặc gia đình các nạn nhân, cũng như dựa vào thông tin từ các tổ chức phi chính phủ. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc không được phép tới các khu vực xảy ra đụng độ.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara bác bỏ mọi cáo buộc là binh lính và cảnh sát vi phạm nhân quyền. Ankara tố cáo đảng Người Lao Động Kurdistan (PKK) sử dụng thường dân làm bia đỡ đạn, khiến 1.200 dân thường và 800 người thuộc các lực lượng an ninh thiệt mạng, cho dù là liên quan hay không liên quan tới bạo lực. 

Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn yêu cầu Ankara mở một cuộc điều tra độc lập, thì lấy làm tiếc là các vụ phá hủy đã xóa đi nhiều dấu vết".

RFI tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 548 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)