Nhà Trắng : 'Lố bịch' khi nói Tổng thống Trump là nhà đàm phán không đáng tin (VOA, 12/03/2019)
Nhà Trắng hôm 11/3 nói rằng thật "lố bịch" khi cho rằng Tổng thống Donald Trump là một nhà đàm phán không đáng tin cậy, giữa bối cảnh có tin nói rằng phía Trung Quốc không muốn Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia một hội nghị thượng đỉnh vì lo ngại rằng ông Trump sẽ bỏ đi, không ký một thỏa thuận thương mại.
Washington và Bắc Kinh vẫn đang đàm phán và chưa ấn định ngày giờ cho một cuộc gặp thượng đỉnh, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, theo Reuters.
Tin cho hay, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng của Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida vào cuối tháng Ba để hoàn tất thỏa thuận, chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua.
Nhưng quan chức Mỹ, theo Reuters, nói rằng còn nhiều việc cần phải làm.
Bà Sanders giễu cợt các tin tức nói rằng Trung Quốc cảnh giác về một hội nghị thượng đỉnh sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đổ vỡ ở Việt Nam tháng trước.
Khi được hỏi rằng Trung Quốc lo ngại việc ông Trump là một nhà đàm phán không đáng tin cậy, bà Sanders nói : "Tôi cho rằng đó là điều lố bịch. Tổng thống sẽ đi tới thỏa thuận nếu đó là thỏa thuận tốt. Ông sẽ đi tới một thỏa thuận nếu nó vì quyền lợi tốt nhất của Mỹ".
Bà Sanders cũng cho biết rằng bà không hay biết về các kế hoạch điện đàm giữa ông Trump và ông Tập.
*******************
Một thỏa thuận mậu dịch Mỹ-Trung chỉ là ngưng bắn (Người Việt, 09/03/2019)
Không có một cái tweet nào của Tổng thống Donald Trump lại có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán mạnh bằng cái tweet của ông về thuế quan với Trung Quốc hôm cuối tháng trước.
Cờ Mỹ và cờ Trung Quốc bên ngoài một cửa hàng ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. (Hình : STR/AFP/Getty Images)
Sau khi Tổng thống xác nhận là ông hoãn việc nâng thuế quan lên mức trừng phạt 25% cho $200 tỷ hàng xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ nhờ điều đình mậu dịch "có kết quả", mọi thứ từ gia cổ phần toàn cầu đến giá dầu thô và đồng đô la Úc tăng vọt. Tiến bộ đi đến một thỏa thuận đều được chào đón. Nhưng điều đó không thể là kết thúc câu chuyện.
Bất cứ một thỏa thuận nào có thể chấm dứt bảy tháng đụng trận mậu dịch giữa hai bên về những cáo buộc của Hoa Kỳ là Trung Quốc buộc các công ty phải trao những bí mật mậu dịch cho họ và ăn cắp kỹ thuật ngoại quốc đều là một điều tích cực. Ngay cả một thỏa thuận xấu, nếu nó có thể tránh được một cuộc chiến mậu dịch, còn tốt hơn là không có thỏa thuận. Với dấu hiệu là cả hai nền kinh tế đang đi vào giai đoạn trì trệ, thật là trong quyền lợi của cả ông Trump lẫn ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc tìm cách chế ngự căng thẳng.
Nhưng cũng có lý do cho thị trường chứng khoán giới hạn sự ăn mừng. Một là, ngoài sự việc là những "văn bản ghi nhớ" (memorandum of understanding) đang được bàn thảo bao gồm những khu vực căn bản – tuy Tổng thống công khai ra lệnh cho ông đại diện thương mại, ông Robert Lighthizer, rằng ông muốn một "hợp đồng" – chi tiết của một thỏa thuận vẫn còn chưa ai biết. Mức độ mà nó có thể giải tỏa được căng thẳng lâu dài giữa Washington và Bắc Kinh còn tùy thuộc vào chi tiết, và liệu nó có thể được thực thi và theo dõi hay không.
Trên thực tế, bất cứ một thỏa thuận nào cũng không hơn không kém chỉ là một cuộc ngưng bắn trong một cuộc chiến còn kéo dài. Các thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư và các công ty đã đánh giá quá thấp mức độ mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đi vào một thời đại mới của cạnh tranh chiến lược vốn sẽ bao trùm tất cả mọi khía cạnh trong liên hệ song phương. Nó sẽ có những tiềm ẩn đáng kể cho chu trình cung cấp cho toàn Á Châu, và thế giới và mang lại những giao động trong thị trường chứng khoán cho một vùng vốn đã là động cơ chính thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong thập niên qua.
Sự việc Tổng thống Trump bị thăng bằng mậu dịch ám ảnh là một điều lạc hướng ngắn hạn. Cuộc đụng độ thực sự đến từ mục tiêu mà Trung Quốc đã công bố về chế ngự kỹ thuật cũng như chế ngự vùng và việc Hoa Kỳ cương quyết duy trì vị thế là cường quốc hàng đầu về kỹ thuật.
Trung Quốc có thể dễ dàng thỏa mãn đòi hỏi thăng bằng mậu dịch của Tổng thống bằng cách mua thêm đậu nành – mà họ hứa sẽ mua thêm 10 triệu tấn nữa – thêm nhiều phi cơ Boeing và microchip nữa. Phải nói là đứng về phương diện chính trị, và có lẽ ngay cả vật chất nữa, ông Tập Cận Bình không thể chịu thua về mục tiêu lâu dài và rộng lớn hơn của Trung Quốc. Sau khi đã hứa hẹn "sự hồi sinh của nước đại Trung Hoa", bất cứ một sự sẵn sàng nào để trì hoãn hay giảm thiểu những tham vọng của ông đối diện với những đe dọa của Hoa Kỳ, sẽ là một mối nguy cho ông chủ tịch nước Trung Quốc.
Thái độ của cả hai bên đã căng thẳng vượt mức mà liên hệ có thể trở lại mức độ bình thường trước đây. Ở Bắc Kinh, một chính quyền ngày càng độc tài đang khoe khoang một chế độ tư bản nhà nước độc đáo như là một giải pháp thay thế cho điều được gọi là đồng thuận Washington của một chế độ tư bản dân chủ. Chế độ tư bản nhà nước này tìm cách viết lại những luật lệ và định chế toàn cầu theo chiều hướng của nó.
Ở Washington, trong khi đó, chủ nghĩa cô lập vốn là phản xạ của Tổng thống bị mọi người chống đối, trừ có trường hợp khi cố gắng của ông để lập lại một sân chơi cân bằng với Trung Quốc. Không có điều gì đoàn kết giới lãnh đạo Hoa Kỳ xuyên qua mọi khác biệt đảng phái như là mối lo sợ về đe dọa của Trung Quốc cho trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đã xây dựng. Ngay cả các nhà kinh doanh Hoa Kỳ, vốn đã hưởng lợi vì nhiều thập niên chuyển việc sản xuất sang Trung Quốc, nay đang lặng lẽ khuyến khích Tổng thống trong hy vọng ông sẽ giải quyết những khó khăn mà họ đang gặp làm ăn với Trung Quốc.
Có lẽ khi ông Trump gặp ông Tập ở Mar-a-Lago trong tháng Ba này chúng ta sẽ thấy một cuộc ngưng bắn, nhưng nó sẽ khó bền. Trung Quốc vốn có thành tích chưa bao giờ tôn trọng một thỏa thuận nào cả. Thỏa thuận mà ông Lighthizer soạn thảo rồi thể nào cũng có những điều khoản để "đóng lại" vốn cho phép Hoa Kỳ tái áp dụng thuế quan lên hàng Trung Quốc.
Ấy là chưa kể một thỏa thuận mà phía Trung Quốc không thực sự đầu hàng sẽ khiến bên Dân Chủ có cớ để nói là Tổng thống "yếu với Trung Quốc". Sau khi được bầu lên vì ông hứa sẽ cứng rắn với Trung Quốc, bất cứ một điều gì khiến đối thủ có thể đổ cho là ông "yếu với Trung Quốc" sẽ làm cho Tổng thống cảm thấy khó khăn hơn trong việc lờ đi một khi Trung Quốc lại chứng nào tật nấy không thi hành những điều họ đã ký.
Cách đây một năm, Tổng thống Trump tuyên bố "chiến tranh mậu dịch là tốt và dễ thắng lắm". Cuối tháng Hai vừa qua, một cuộc nghiên cứu mới của Viện Tài Chánh Quốc Tế (Institute of International Finance-IIF) cho thấy là trả đũa của Trung Quốc về thuế quan đã tạo nhiều khó khăn cho các nhà xuất cảng Hoa Kỳ hơn là so với những đối tác của họ ở phía Trung Quốc. Theo cuộc khảo sát này thì trả đũa của Trung Quốc có ảnh hưởng trầm trọng hơn cho xuất cảng của Hoa Kỳ. Con số thiệt hại tính cho toàn năm 2018 theo IIF lên đến 40 tỷ USD, gần một phần ba con số 130 tỷ USD mà Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Quốc năm 2017.
Trong hoàn cảnh đó, hẳn là rồi sẽ có một thỏa thuận ngưng bắn. Nhưng thỏa thuận đó kéo dài bao lâu và rồi khi bùng nổ lại cuộc chiến sẽ mang hình thức nào thì chúng ta còn phải chờ xem.
Lê Phan
*********************
Trump : Một thỏa thuận tốt với Trung Quốc, hoặc không ký gì hết (RFI, 09/03/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 08/03/2019 đe dọa ngưng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, nếu các điểm bất đồng lớn nhất giữa hai nước không được giải quyết.
Thế giới đang theo dõi "cuộc chiến thương mại" Mỹ - Trung, khởi sự từ ngày 6 tháng 7 năm 2018. Cuộc chiến đang leo thang từ hai phía, nguy cơ lôi kéo toàn cầu. Ảnh : CNN.
Theo AFP, sau khi tỏ ra lạc quan trong những tuần qua về khả năng Mỹ - Trung sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại, chủ nhân Nhà Trắng hôm qua bất ngờ lên giọng cứng rắn, tuyên bố : "Tôi tin tưởng (…), nhưng nếu đó không phải một thỏa thuận tốt, thì tôi sẽ không ký". Nguyên thủ Mỹ còn lưu ý là cho dù đạt được thỏa thuận hay không, thì từ góc độ này hay góc độ khác, đó đều là điều tốt cho Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày 08/03, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Larry Kudlow, cũng nhấn mạnh Washington rất lạc quan, nhưng các điều kiện Hoa Kỳ đưa ra phải được thỏa mãn. Ông Kudlow còn nhắc tới chuyện Tổng thống Donald Trump đã đột ngột rút ngắn thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi cuối tháng 02/2019 chỉ vì không đạt thỏa thuận. Chính quyền Mỹ cho biết là sẽ không tính đến việc cử thêm một nhóm làm việc sang Trung Quốc để "mặt đối mặt" trực tiếp đàm phán với Bắc Kinh.
Trong khi đó, hôm nay 09/03, thứ trưởng bộ Thương Mại Trung Quốc, Vương Thụ Văn, bên lề khóa họp thường niên của Quốc hội, tuyên bố trước báo giới là Bắc Kinh vẫn hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ, và hai bên đang thảo luận "ngày và đêm" để tiến tới một thỏa thuận phù hợp với lợi ích của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thùy Dương
*******************
Trung Quốc nói làm việc ‘ngày đêm’ với Mỹ để đạt thỏa thuận thương mại (VOA, 09/03/2019)
Trung Quốc và Mỹ vẫn đang làm việc ngày đêm để đạt một thỏa thuận thương mại phù hợp với lợi ích của cả hai bên và hi vọng của thế giới, bao gồm xóa bỏ thuế quan trả đũa qua lại, một quan chức cao cấp của Trung Quốc nói vào ngày thứ Bảy.
Phó Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nói ông rất lạc quan về các cuộc đàm phán với Washington, nhưng nói thêm bất kì cơ chế thương mại nào đạt được phải bình đẳng và công bằng.
Chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vướng vào một cuộc chiến thuế quan kéo dài nhiều tháng trong khi Washington làm áp lực để Bắc Kinh giải quyết những lo ngại lâu nay về các tập tục và chính sách của Trung Quốc về chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường và quyền sở hữu tài sản trí tuệ.
Những tiến bộ trong các cuộc đàm phán đã khiến Nhà Trắng trì hoãn tăng thuế vô thời hạn đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỉ đôla của Trung Quốc mà lẽ ra theo lịch có hiệu lực vào ngày 2 tháng 3.
Ông Vương, phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hàng năm của Trung Quốc, nói việc áp thuế quan lên nhau không tốt cho công nhân, nông dân, nhà xuất khẩu và nhà sản xuất.
"Nó làm tổn thương niềm tin của các nhà đầu tư và trì hoãn các quyết định đầu tư của các công ty", ông Vương, người tham gia sâu trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, nói.
"Bây giờ, các đội ngũ kinh tế và thương mại của hai bên đang ra sức liên lạc và đàm phán để đạt được thỏa thuận phù hợp với các nguyên tắc và đường hướng mà hai nguyên thủ quốc gia đã quyết định", ông nói thêm.
"Đó là loại bỏ tất cả thuế quan áp đặt lên nhau, để quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể trở lại bình thường".
Các đội ngũ làm việc của hai nước đang "ngày đêm" liên lạc với nhau, ông Vương nói. Các quan chức cao cấp đã ngược xuôi giữa Bắc Kinh và Washington để tiến hành các cuộc đàm phán thương mại.
Ông Vương cũng cung cấp những chi tiết hiếm hoi về các cuộc đàm phán, cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc ăn hamburger và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer ăn cà tím và thịt gà, một món ăn Trung Quốc phổ biến.
Không rõ các nhà đàm phán cao cấp từ cả hai bên sẽ gặp nhau tiếp vào thời điểm nào và ở nơi nào.
Các quan chức chính quyền Mỹ không đưa ra bất kì kế hoạch mới nào để gửi một đội ngũ đến Trung Quốc đàm phán thương mại trực diện mặc dù còn nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận, cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems nói hôm thứ Sáu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước nói ông có thể kí một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nếu các hai nước có thể vượt qua những khác biệt tồn đọng, và sẽ kí kết tại điền trang Mar-a-Lago của ông ở Florida.
******************
Chủ nghĩa xã hội bước vào dòng chính chính trị Hoa Kỳ (VOA, 09/03/2019)
Vẫn còn 20 tháng nữa mới tới bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã tìm được khẩu hiệu cho cuộc chiến đấu của ông. Ông lên án chủ nghĩa xã hội và tô vẽ nó như là tư tưởng sai lầm của các đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bị ông Trump chỉ trích là 'theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội'
Khi có mặt tại Hội thảo Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hồi đầu tháng, ông Trump đã cáo buộc Đảng Dân chủ là ‘muốn thay thế quyền cá nhân bằng sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền’.
"Chủ nghĩa xã hội không phải là về môi trường, không phải là về công lý, không phải là về đạo đức", ông Trump nói. "Chủnghĩa xã hội chỉ là duy nhất một thứ, nó được gọi là quyền lực cho tầng lớp nắm quyền’.
Thông điệp này cũng được phó Tổng thống Mike Pence lặp lại, cũng tại CPAC.
"Dưới vỏ bọc là Chăm sóc Y tế toàn dân và Chính sách Xanh (Green New Deal), phe Dân chủ đang đi theo những lý thuyết kinh tế kiệt quệ vốn đã làm nhiều nước nghèo đi và bóp nghẹt tự do của hàng triệu người trong thế kỷ vừa qua", ông Pence nói. "Chế độ đó là chủ nghĩa xã hội’.
Trong những thập niên gần đây, các chính sách xã hội chủ nghĩa gần như là điều cấm kỵ trong chính trị Mỹ, nhưng trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Bernie Sanders đã làm thay đổi ý kiến công chúng với việc nhận lấy cái mác này và ủng hộ những đề xuất như chăm sóc y tế phổ quát và giáo dục đại học miễn phí.
Sựứng cử của ông đã giúp định hình lại về nội hàm của chủ nghĩa xã hội đối với nhiều người dân Mỹ và đưa nó vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ mặc dù nó vẫn bị Đảng Cộng hòa lên án.
Chủ nghĩa xã hội có thể bao hàm phạm vi các chính sách rất rộng. Tuy nhiên ở Mỹ, một số chính trị gia có tên tuổi đang cổ súy cho khái niệm này để đề cập đến những nỗ lực tăng thuế lên những người giàu nhất ở Mỹ để giải quyết sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, tài trợ cho chăm sóc y tế phổ cập và tạo ra thêm nhiều việc làm trả lương đủ cho người lao động có thể nuôi gia đình.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Mỹ đều ủng hộ các chính sách này, ngay cả khi ‘chủ nghĩa xã hội’ với tư cách là một khái niệm chính trị vẫn tiếp tục được chỉ thiểu số các cử tri Mỹủng hộ.
Với tuyên bố tình trạng khẩn cấp để xây bức tường biên giới – một lời hứa tranh cử mang dấu ấn cá nhân – đang gặp phải chống đối quyết liệt cũng như hàng loạt các cuộc điều tra của Quốc hội nhằm vào chính quyền, gia đình và đế chế kinh doanh của ông, ông Trump và các đồng minh Cộng hòa của ông đang tìm đến chủ nghĩa xã hội để công kích và mô tả các ứng viên tiềm năng bên Đảng Dân chủ là ‘cực tả’, trong đó ông Bernie Sanders là mục tiêu chính.
Sanders, một thượng nghị sĩ độc lập, mô tả bản thân là theo đường lối ‘chủ nghĩa xã hội dân chủ’ và đã được xem là một ứng viên hàng đầu trong đông đảo các ứng viên ra tranh cử sơ bộ của Đảng Dân chủ. Ông cổ súy chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục đại học miễn phí và tăng tiền lương tối thiểu lên ít nhất 15 đô la/giờ - hơn gấp đôi mức hiện nay.
Ông Whit Ayres, chiến lược gia của Đảng Cộng hòa và là chủ tịch tổ chức nghiên cứu dư luận North Star, tin rằng chiến lược tốt nhất của Đảng Dân chủ là đề cử ai đó có thể đoàn kết những cử tri Mỹ chống Trump. Nếu Đảng Dân chủ đề cử một ứng viên được xem là chấp nhận những tư tưởng xã hội chủ nghĩa như ông Bernie Sanders, thì đó sẽ là ‘kịch bản tốt nhất để ông Trump tái đắc cử,’ ông Ayres nói.
Ông Ayres và các phân tích gia khác chỉ ra rằng khắc họa các ứng viên Dân chủ là ‘theo chủ nghĩa xã hội’ là một chiến lược tốt để thu hút lá phiếu các cử tri gốc Mỹ Latin.
"Đó đích thị là cách mở rộng mặt trận của Đảng Cộng hòa", ông Ayres nói. "Đó rõ ràng là một nỗ lực không chỉ là củng cố khối ủng hộ mà còn mở rộng trận địa của Đảng Cộng hòa".
Trong một bài diễn văn trước chủ yếu là di dân Cuba và Venezuela ở Miami hồi tháng trước, ông Trump đã bày tỏ sựủng hộ cho lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido, người mà Hoa Kỳ công nhận là lãnh đạo lâm thời của đất nước này trong khi cảnh báo về ‘những nguy cơ của chủ nghĩa xã hội’, rằng nó đem đến nghèo đói, sư thù hận và chia rẽ.
Ông Daniel Runde, giám đốc Dự án Thịnh vượng và Phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng chiến lược của ông Trump hợp lý về chính trị để thu hút cử tri ở những bang chủ chốt mà ông cần để đắc cử một lần nữa.
"Đặc biệt ở một bang như Florida nơi có đông đảo cử tri gốc Venezuela và Cuba", ông Runde nói. "Họ hiểu chính xác như thế nào là chủ nghĩa xã hội, và họ ghét nó".
Phe Cộng hòa cũng đã lên án Chính sách Xanh, một nghị quyết không ràng buộc do nữ dân biểu mới toanh Alexandria Ocasio-Cortez đến từ New York và Thượng nghị sĩ Ed Markey của bang Massachusetts đưa ra hồi tháng trước.
Cái tên ‘Green New Deal’ là để gợi nhắc đến ‘New Deal’, tức ‘Chính sách mới’, của cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Đó là một loạt các dự án và chương trình để khôi phục lại sự thịnh vượng trong đợt Đại suy thoái vào những năm 1930.
Những người cổ súy cho chính sách này hy vọng rằng nó sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế và loại bỏ phát thải carbon trong vòng một thập niên. Nó cũng chứa những đề xuất chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục đại học miễn phí, thu nhập đủ sống và hưởng lương trong các kỳ nghỉ phép gia đình.
Những người chỉ trích thì cho rằng nó sẽ làm phá sản nền kinh tế.
Trong bài phát biểu tại CPAC, ông Trump đã lên án ‘Chính sách Xanh’ là ‘cơn ác mộng chủ nghĩa xã hội’ và mỉa mai những đề xuất sử dụng năng lượng gió như là một nguồn năng lượng sạch.
"Hôm nay gió có thổi không ?", ông nói. "Tôi muốn xem ti vi".
Theo một cuộc khảo sát dư luận do Viện Gallup tiến hành hồi năm 2018, cho dù đa số cử tri Cộng hòa vẫn có thái độ tích cực với chủ nghĩa tư bản hơn là chủ nghĩa xã hội, 57% cử tri Dân chủ có cái nhìn tích cực đối với chủ nghĩa xã hội.
Các chuyên gia cho rằng quan điểm của người Mỹ về chủ nghĩa xã hội đã khác trước, nhất là những người trẻ vốn trưởng thành trong giai đoạn suy thoái hồi năm 2008. Nhiều người cảm thấy bất mãn với nền kinh tế vốn đem đến ít cơ hội hơn so với thế hệ cha mẹ của họ. Trong khi đó, những người Mỹ giàu nhất lại càng giàu thêm.
"Chúng tôi có sự quan tâm và số lượng thành viên ngày càng tăng kể từ khi ông Trump đắc cử", ông Gregory Pason, bí thư toàn quốc của Đảng Xã hội Mỹ, cho biết. "Cảm giác của chúng tôi là mọi người đang tìm kiếm một lựa chọn thay thế cho các chính sách của ông Trump và họ hiểu rằng Đảng Dân chủ không thực sự là một lựa chọn thay thế".
Một số chính trị gia chủ nghĩa xã hội dân chủ, chẳng hạn như dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, muốn gần như là tăng gấp đôi mức thuế lên giới siêu giàu để lấy tiền chi trả cho chăm sóc y tế phổ quát, giáo dục đại học miễn phí và một chương trình việc làm tập trung vào chuyển nền kinh tế Mỹ ra khỏi năng lượng hóa thạch.
Ông Pason nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội không phải là về các chính sách thuế mà là về ‘cho người lao động quyền sở hữu và các công nhân và cộng đồng họ quyền kiểm soát cuộc đời họ’.
Ông Daniel Runde nói rằng mặc dù đối với các thế hệ trước, khái niệm chủ nghĩa xã hội được hiểu là ‘một điều hết sức kinh khủng’, nhưng đối với nhiều người trẻủng hộ chủ nghĩa xã hội ngày nay, khái niệm này đại diện cho những ý tưởng cấp tiến và chế độ phúc lợi mở rộng.
"Anh có thể tranh luận về quy mô chính phủ, quy mô của hệ thống an sinh xã hội và quy mô các quy định", Runde nói. "Nhưng khi có những người công khai tuyên bố thẳng thừng rằng họ theo chủ nghĩa xã hội thì có nguy cơ họ đã quên di sản của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản".
Đối với Tổng thống Trump, nhắc nhở các cử tri về di sản đó nhiều khả năng là một nội dung nổi bật trong chiến dịch tái tranh cử của ông.