Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/03/2019

Nhà nước Hồi giáo còn lại gì sau khi sào huyệt cuối cùng thất thủ

RFI tiếng Việt

Dù mất đi cứ địa, tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn là một mối đe dọa (RFI, 11/03/2019)

Kể từ 18 giờ ngày 10/03/2019, Lực Lượng Dân Chủ Syria bao gồm các chiến binh Kurdistan và Ả Rập, với sự yểm trợ của không lực liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, đã mở cuộc tấn công vào làng Baghouz gần biên giới với Iraq. Đây là cứ địa cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) tại Syria và Iraq. Việc Daesh mất đi mảnh đất cuối cùng là điều chắc chắn, nhưng theo giới quan sát, mối đe dọa mà tổ chức khủng bố này đặt ra vẫn tồn tại.

daesh1

Gia đình quân thánh chiến và thường dân chạy thoát được tập hơp bên ngoài Baghouz (vùng Deir Ezzor). Ảnh 5/03/2019. Reuters/ Rodi Said

Trước hết, phải nói rằng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo không còn đất dụng võ là một sự kiện tích cực trên nhiều bình diện.

Trước hết, Daesh đã mất đi một công cụ tuyên truyền, không còn huênh hoang được là mình có lãnh thổ để tuyển mộ người từ khắp nơi. Tổ chức khủng bố này cũng mất đi cơ sở hậu cần, nơi được họ dùng để huấn luyện các chiến binh hay lên kế hoạch phối hợp tấn công ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Daesh cũng mất đi nguồn tài chánh khổng lồ mà chưa một tổ chức khủng bố nào có được, nhờ bán dầu từ các mỏ trong tay họ hay thu thuế trên cư dân trong vùng họ kiểm soát.

Đối với những người sinh sống tại các vùng lãnh thổ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng trước đây, việc Daesh bị đánh đuổi tương đương với một sự giải thoát. Họ không còn bị đe dọa hành quyết hay trừng phạt dã man do luật lệ khắc nghiệt của Daesh, và đối với một số nhóm dân thiểu số, không còn bị bắt làm nô lệ tình dục hay bị thảm sát.

Hiểm họa Daesh tại Syria và Iraq vẫn còn

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, dù không còn lãnh thổ, hiểm họa Daesh không phải là bị hoàn toàn triệt tiêu tại Syria hay Iraq. Từ khi bắt đầu bị đẩy lùi từ năm 2017, tổ chức này đã bắt đầu áp dụng trở lại chiến thuật rút vào hoạt động bí mật để chờ thời. Các thành viên "nằm vùng" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq chẳng hạn, đã tiến hành nhiều vụ bắt cóc và giết người rải rác ở nhiều nơi để phá hoại chính quyền Bagdad.

Ngay tại khu vực đông bắc Syria dưới quyền kiểm soát của người Kurdistan Syria, được Mỹ hậu thuẫn, các phần tử nằm vùng của Daesh cũng đã thực hiện nhiều vụ đánh bom, trong đó có vụ hạ sát 4 người Mỹ hồi tháng Giêng vừa qua. Giới chức Kurdistan và Hoa Kỳ xác nhận rằng Daesh vẫn còn là mối đe dọa ở trong vùng.

Daesh vẫn có thể kích động khủng bố ở các nước ngoài vùng

Không chỉ tại Iraq và Syria, Daesh được cho là vẫn còn khả năng gây hại ở những nước lân cận hay ở các quốc gia phương Tây.

Mới đây, lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI6 đã cảnh báo rằng bị mất lãnh thổ, tổ chức Nhà nước Hồi giáo sẽ quay trở lại với chiến thuật tấn công "bất đối xứng".

Daesh vẫn thường xuyên lên tiếng tự nhận là tác giả một số vụ khủng bố ở nhiều quốc gia khác nhau, mặc dù những vụ đó thường được cho là do "những con sói đơn độc" thực hiện, chứ không phải là dưới sự chỉ đạo của Daesh.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Daesh đã kêu gọi những người theo họ ở nước ngoài là chủ động tự lên kế hoạch khủng bố, thay vì chỉ tập trung vào những vụ được chỉ đạo từ bên trên với các cán bộ được huấn luyện từ trước.

Ngay từ đầu năm 2018, viên tư lệnh Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông đã cảnh báo rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo có một sức chịu đựng bền bỉ và vẫn có khả năng "truyền cảm hứng để kích động tấn công khủng bố ở bên trong cũng như bên ngoài vùng Trung Đông".

Trọng Nghĩa

*****************

Tổng thống Iran thăm Iraq, đồng minh của Mỹ (RFI, 11/03/2019)

Ngày 11/03/2019, Tổng thống Iran đến Iraq. Trong ngày đầu tiên, ông Hassan Rohani sẽ lần lượt gặp Tổng thống và thủ tướng Iraq trước khi đến hai thánh địa của hệ phái Hồi giáo Shia, Kerbala và Najab. Tại vùng Trung Đông đang có xung khắc giữa phe thân Mỹ và thân Iran, chính phủ Iraq cố giữ thế quân bình với hai đối tác là kẻ thù của nhau. Đó là cơ hội tốt để Teheran luồn lách cấm vận kinh tế của Washington.

daesh2

Tổng thống Iraq Barham Salih và Tổng thống Iran Hassan Rohani (phải) trong lễ tiếp đón tại Bagdad, ngày 11/03/2019. Reuters/Thaier al-Sudani

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi phân tích :

"Đây là lần đầu tiên từ năm năm nay, Tổng thống Hassan Rohani thăm Iraq. Chuyến viếng thăm này diễn ra vào lúc kinh tế Iran bị thiệt hại nặng nề vì lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng là một phương cách lách né các biện pháp trừng phạt.

Iraq đang từ từ trở thành đối tác thương mại số một của Iran, cho dù Baghdad bị sức ép của Washington. Theo số liệu chính thức, trao đổi thương mại giữa hai nước lên đến 10 tỷ đôla, phần lớn là hàng hóa Iran xuất sang Iraq như dầu hỏa, điện và các loại dịch vụ.

Chỉ tiêu của Tổng thống Rohani là tăng gắp đôi khối kim ngạch xuất khẩu để đạt mức 20 tỷ đôla trong hai năm tới đây.

Từ khi chế độ của nhà độc tài Saddam Hussein sụp đổ, hai quốc gia láng giềng có đa số dân theo hệ phái Shia đã trở thành đồng minh thân thiết. Iran giúp chính quyền Iraq trong cuộc chiến chống Daesh, cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho Baghdad.

Chuyến viếng thăm của Tổng thống Rohani sẽ giúp Iran củng cố vai trò cường quốc cấp vùng sau khi vừa mới tiếp lãnh đạo Syria Bachar al Assad tại Teheran".

Trọng Nghĩa

*****************

Syria : Giao tranh dữ dội tại các tỉnh Hama, Idleb và Aleppo (RFI, 10/03/2019)

Quân đội chính phủ Syria, các nhóm quân nổi dậy và quân thánh chiến ngày hôm qua 09/03/2019 đã liên tục vi phạm lệnh hưu chiến tại vùng được cho là phi quân sự tại các tỉnh Hama, Idleb và Aleppo, phía bắc Syria.

daesh3

Chiến sự lại gia tăng ở vùng đệm giữa các tỉnh Aleppo, Hama và Idleb. Reuters/Omar Sanadiki

Thông tín viên RFI trong khu vực Paul Khalifeh từ Beyrouth tường thuật :

"Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria – OSDH tường thuật là hôm thứ Bảy 09/03, nhiều chiến đấu cơ đã tiến hành các vụ oanh kích nhắm vào hai địa phương nằm gần thành phố Jisr al-Choughour, không xa biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân Nga và Syria hiếm khi can thiệp tại vùng Idleb kể từ khi có thỏa thuận hưu chiến đạt được dưới sự chủ trì của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27/09/2018. Thế nhưng, kể từ khi quân thánh chiến kiểm soát được toàn bộ tỉnh này hồi tháng Giêng năm nay, các vụ oanh kích diễn ra thường xuyên hơn.

Các đợt giao tranh vì vậy cũng gia tăng theo và ngày càng trở nên dữ dội hơn tại khu vực phi quân sự rộng từ 15 đến 20 km, nhưng chưa bao giờ thật sự được thiết lập. Từ thứ Sáu đến thứ Bảy, các vụ đấu pháo, phục kích và chạm súng đã diễn ra tại 15 điểm ở vùng đệm này của các tỉnh Aleppo, Hama và Idleb, theo OSDH và nhiều nguồn tin thân cận của chế độ Damas. Các cuộc giao tranh đã làm nhiều người chết và bị thương ở cả hai phía.

Chiến sự gia tăng trở lại còn kèm theo việc quân đội chính phủ củng cố các vị trí của mình, dẫn tới việc tăng viện quan trọng trên cả chiến tuyến kể từ khi Idleb rơi vào tay lực lượng thánh chiến Hayaat Tahrir al-Cham".

RFI tiếng Việt

Quay lại trang chủ
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)