Đối lập Venezuela ban bố tình trạng báo động, biểu tình tiếp tục (RFI, 12/03/2019)
Tại Venezuela, một phần đất nước vẫn chìm trong bóng tối. Quốc hội trong tay phe đối lập, đã ban hành "tình trạng báo động" vào hôm qua, 11/03/2019. Đây là một sắc lệnh minh họa cho tình hình bi thảm của Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trên truyền hình tại phủ tổng thống Miraflores, Caracas, ngày 11/03/2019. Miraflores Palace/via Reuters
Từ tối thứ Năm 07/03, nhiều bang vẫn bị mất điện. Còn tại thủ đô, điện đã được tái lập được một phần. Tổng thống tự phong Juan Guaido, ngày 12/03, kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường biểu tình để gây sức ép đối với chính phủ Maduro.
Thông tín viên RFI, Benjamin Delille, tường thuật từ Caracas :
"Juan Guaido lợi dụng việc mất điện quy mô rất lớn này để huy động đông đảo người dân Venezuela chống lại tổng thống Maduro. Tình hình trở nên bi thảm đối với một phần lớn đất nước : Vừa không có điện, người dân vừa không có nước để sử dụng, không có xăng, không thể mua lương thực.
Do lạm phát, không còn tiền mặt, giao dịch, mua sắm đều qua thẻ tín dụng. Nỗi tức giận ngày dâng cao, nhưng không chắc là cuộc vận động hôm nay của lãnh đạo đối lập sẽ được hưởng ứng đông đảo.
Nguyên nhân dễ hiểu : Điện bị mất, mạng lưới internet, điện thoại bị tê liệt, hệ quả là một phần lớn dân chúng không biết gì về cuộc vận động biểu tình này.
Chính quyền thì tiếp tục khẳng định là bị Hoa Kỳ phá hoại. Phe đối lập đã dứt khoát bác bỏ lời giải thích trên, tố cáo ngược lại là chính quyền Maduro đã không bảo quản tốt hệ thống điện.
Người dân không mấy quan tâm đến cuộc cãi vã kể trên. Sau nhiều ngày mất điện, họ chỉ muốn một điều : Điện trở lại càng sớm càng tốt.
Tại nhiều thành phố, nạn cướp bóc gia tăng, cắt điện càng kéo dài, khả năng bùng nổ xã hội có thể diễn ra".
Mỹ duy trì áp lực đối với Maduro
Trong bối cảnh đó, ngoại trưởng Mỹ duy trì sức ép đối với chế độ Maduro. Trên mạng Twitter ngày 11/03, ông Mike Pompeo đã loan báo quyết định rút toàn bộ nhân viên ngoại giao tại Venezuela về nước do "tình hình ngày càng tồi tệ", và việc nhân viên ngoại giao của Mỹ tiếp tục hiện diện tại nước này là một "hạn chế đối với chính sách của Mỹ".
Phát biểu với báo chí, ông Pompeo tiếp tục tố cáo Nga và Cuba là nguyên nhân làm cho tình hình Venezuela xấu đi khi tiếp tục hậu thuẫn cho tổng thống Nicolas Maduro. Trước đó, ông Pompeo còn cáo buộc Cuba can thiệp trực tiếp vào nội tình Venezuela với một lực lượng quân sự "từ 20.000 đến 25.000 người".
Vào ngày 11/03, chính quyền La Habana đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ, gọi đấy là những luận điệu "dối trá" và "vu khống".
Trọng Nghĩa
*******************
Quốc hội Venezuela tuyên bố ‘tình trạng báo động’ (VOA, 12/03/2019)
Quốc hội Venezuela, do phe đối lập nắm giữ, hôm 11/3 tuyên bố "tình trạng báo động" về việc mất điện kéo dài 5 ngày qua.
Phần lớn Venezuela, theo Reuters, tới ngày 11/3 vẫn còn mất điện, trong khi đa phần thủ đô Caracas đã có điện trở lại.
Tình trạng mất điện kéo dài từ hôm 7/3 và Tổng thống Nicolas Maduro coi đây là hành động phá hoại được sự hậu thuẫn của Mỹ.
Việc mất điện này khiến dân chúng thêm phần bất mãn trong họ đã phải chịu cảnh siêu lạm phát và khủng hoảng chính trị, sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tuyên bố làm tổng thống lâm thời hồi tháng Một.
Hiến pháp Venezuela cho phép tổng thống tuyên bố tình trạng báo động khi vấp phải các thảm họa "gây tổn hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia", nhưng không nói rõ tác động thực tế của tuyên bố kiểu này.
Trong phiên họp ngày 11/3, ông Guaido cũng kêu gọi ngưng vận chuyển dầu tới đồng minh của ông Maduro là Cuba.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ủng hộ tuyên bố này.
Ông viết trên Twitter rằng các công ty bảo hiểm và các hãng tham gia vào việc vận chuyển này "đang được thông báo", nhưng không cho biết cụ thể về các biện pháp mà chính phủ Mỹ có thể tiến hành.
**************
Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Tổng thống Venezuela (VOA, 12/03/2019)
Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton hôm 10/3 lên tiếng về cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt ở Venezuela giữa Tổng thống Nicholas Maduro và lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người được nhiều nước trên thế giới công nhận là Tổng thông lâm thời của Venezuela.
Ông John Bolton có lời lẽ cứng rắn với Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro
"Tôi hy vọng tương lai của ông ấy sẽ là sống ở một bãi biển xinh đẹp ở đâu đó xa Venezuela", ông Bolton nói về ông Maduro trong chương trình ‘This Week’ trên kênh ABC.
Ông Bolton nói rằng ‘đà thắng lợi đang ở về phía ông Guaido’ nhưng người dân Venezuela mới là nhân tố quyết định đảm bảo sự chiến thắng của nhà lãnh đạo đối lập.
"Có vô số những cuộc đối thoại giữa các thành viên Quốc hội và thành viên lực lượng vũ trang Venezuela về những gì có thể xảy ra, làm sao quân đội có bước chuyển để ủng hộ đối lập", ông Bolton nói.
Lên kế nghiệm ông Hugo Chavez, một người cánh tả nhiệt thành, làm Tổng thống vào năm 2013, ông Nicholas Maduro liên tục buộc tội Washington đứng đằng sau những thống khổ của đất nước ông.
"Chúng ta đang đối mặt với hành động hung hăng nghiêm trọng nhất từ chủ nghĩa đế quốc Mỹ mà Venezuela từng chứng kiến trong toàn bộ lịch sử 200 năm của đất nước", ông Maduro phát biểu tại một cuộc tập hợp mới đây của những người trung thành.
Trong khi đó, ở Washington, các vị nghị sĩ Mỹ cũng gửi đi thông điệp đến Venezuela.
"Cuộc chiến đấu của các bạn để giành tự do và khôi phục nền dân chủ cũng là cuộc chiến đấu của chúng tôi, và thế giới tự do đã và sẽ không quên các bạn", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio của tiểu bang Florida, chủ tịch tiểu ban Tây Bán Cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu tại một phiên điều trần hồi tuần trước.
"Gửi đến các quan chức của chế độ Maduro : nếu quý vị muốn có tương lai ở Venezuela, và nếu quý vị muốn có một tương lai không còn dính các lệnh trừng phạt của Mỹ vốn sẽ theo quý vị ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì quý vị phải công nhận Tổng thống lâm thời hợp pháp, Juan Guaido, và chớ để tay quý vị nhuốm máu", Thượng nghị sĩ Bob Menendez của tiểu bang New Jersey, thành viên Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban đối ngoại Thượng viện, nói.
Nhiều thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lên chế độ của ông Maduro nhưng cũng nói rằng việc Mỹ can thiệp quân sự không nên tính đến.
"Những lời nói chuyện phiếm về hành động quân sự thật sự sẽ làm cho những kẻ độc tài thêm mạnh bạo" Thương nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine của bang Virginia nói. "Quan tâm duy nhất của chúng tôi là hòa bình, tự do và dân chủ cho người dân Venezuela. Thế thôi".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Venezuela đã tìm cách đảm bảo với các nghị sĩ rằng hành động quân sự sẽ không được xem xét.
"Đó chắc chắn là điều không mong muốn và đó không phải là con đường mà chính quyền đang đi", Đặc sứ Mỹ về Venezuela, ông Elliot Abrams, nói trước Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu ở Nhà Trắng hồi tháng trước, ông Bolton nói rằng Tổng thống Trump đang ‘để ngỏ mọi khả năng trên bàn’ về Venezuela. Tuy nhiên, hôm 10/3, ông từ chối đưa ra dự đoán.
"Chúng ta sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra", ông Bolton nói trên chương trình "This Week".
*******************
Mỹ rút hết nhân viên ngoại giao ra khỏi Venezuela (VOA, 12/03/2019)
Hoa Kỳ sẽ rút tất cả các nhân viên ngoại giao còn lại khỏi Venezuela trong tuần này do tình hình xấu đi sau nhiều tháng bất ổn chính trị, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào cuối ngày thứ Hai 11/3.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Caracas, Venezuela.
Hãng tin Reuters trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết "Quyết định rút hết nhân viên ngoại giao này cho thấy tình hình ở Venezuela đang xấu đi, cũng như kết luận rằng sự hiện diện của nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tại đại sứ quán ở đây đã trở thành một hạn chế đối với chính sách của Hoa Kỳ".
Trước đó vào ngày 24/1, Washington ra quyết định rút tất cả thân nhân của nhân viên ngoại giao và giảm nhân viên đại sứ quán xuống mức tối thiểu do tình trạng bất ổn trong cuộc bầu cử tổng thống của Venezuela.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết thông tin chi tiết hoặc đưa ra thời hạn cuối phải rút khỏi đại sứ quán ở thủ đô Caracas.
Hôm 11/3, Quốc hội Venezuela tuyên bố "tình trạng báo động" do mất điện kéo dài năm ngày, đã làm tê liệt nước này và khiến hàng triệu người dân phải vật lộn để tìm thức ăn và nước uống.
Hôm 11/3, Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez lên truyền hình cho biết Venezuela sẽ đình chỉ các hoạt động kinh doanh và đóng cửa trường học vào 12/3 do mất điện.
Việc mất điện đã làm tăng thêm sự bất mãn ở một quốc gia đang bị lạm phát phi mã và khủng hoảng chính trị trầm trọng sau khi ông Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập, tuyên bố làm tổng thống lâm thời vào tháng 1 và nói rằng việc Tổng thống Nicolas Maduro tái đắc cử vào năm 2018 là một vụ lừa đảo.
********************
Venezuela vẫn tê liệt vì cúp điện, đối lập đòi hỏi tình trạng khẩn cấp (RFI, 11/03/2019)
Một lần nữa, chính quyền Venezuela hôm qua 10/03/2019 lại ra lệnh đóng cửa các trường học và cơ quan hành chính, trong bối cảnh toàn quốc vẫn bị tê liệt do cúp điện từ hôm thứ Năm 070/3. Thủ lãnh đối lập Juan Guaido kêu gọi Quốc hội thông qua "tình trạng khẩn cấp".
Cảnh người dân ở Petare, ngoại ô Caracas, xếp hàng mua thực phẩm trong lúc thành phố mất điện. Ảnh chụp ngày 10/03/2019. Juan BARRETO / AFP
Đã bốn đêm liên tiếp, Venezuela tiếp tục chìm trong bóng tối. Phía ông Maduro tố cáo bị Mỹ phá hoại, nhưng đối lập cáo buộc chính quyền từ nhiều năm qua không bảo trì mạng lưới điện. Sân bay phải kiểm tra an ninh bằng phương pháp thủ công, đã có ít nhất 15 bệnh nhân tử vong do không được chạy thận. Người dân cố tìm cách sống sót trong khi cả nước không còn điện nước, không có phương tiện giao thông và liên lạc.
Từ Caracas, thông tín viên Benjamin Delille tường thuật :
"Từ hôm thứ Sáu đến nay, đa số các cửa hàng và siêu thị tại Caracas đều đóng cửa. Do siêu lạm phát, những tờ giấy bạc hầu như đã biến mất, và điện bị cúp nên các thiết bị đọc thẻ tín dụng trở nên vô dụng. Ở lối vào Petare, vùng ngoại ô lớn nhất Venezuela, hàng trăm người xếp hàng chờ trước những cửa hiệu nhỏ có máy phát điện.
Maria cho biết : "Hầu như không còn một cửa hàng nào có điện để có thể trả tiền, nhưng ở đây thì được. Chẳng còn tiền mặt, nên nếu không có điện thì người mua không thể thanh toán được".
Còn Francisco sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi rốt cuộc cũng đã có thể mua sắm. Do tủ lạnh không còn hoạt động, nên anh phải chọn lựa. Francisco cho biết : "Chúng tôi cố gắng mua những loại thực phẩm không bị hư hỏng như gạo, bột mì, trứng…là những thứ không cần phải giữ trong tủ lạnh, để trữ lại ăn dần".
Phía sau quầy, cô bán hàng Ingrid gật đầu đồng tình : Từ hôm thứ Sáu cô đã bị mất tất cả những thức ăn để trong tủ lạnh. Ingrid nói : "Tất cả những loại thịt mà tôi có đều bị hỏng, tôi phải quăng hết vào thùng rác. Thế là một tháng lương đã tiêu tùng. Coi như cả tháng tôi chẳng làm gì cả, tôi lao động không công".
Tất cả những người khách đang chờ đợi đều cư ngụ tại những khu phố bình dân. Họ không cần biết nạn cúp điện là do bị phá hoại hay do mạng lưới không được bảo trì, đơn giản chỉ muốn rằng tình trạng này phải chấm dứt. Và Venezuela sẽ trở lại thành một đất nước bình thường".
Thụy My
********************
Mất điện ở Venezuela : Cướp bóc khi tuyệt vọng gia tăng (BBC, 11/03/2019)
Hôm thứ Hai, chính phủ Venezuela đã ra lệnh cho các trường học và doanh nghiệp đóng cửa do việc mất điện đã kéo dài đến ngày thứ năm. Phe đối lập nói rằng có ít nhất 17 người đã chết vì mất điện. Người dân thủ đô Caracas chia sẻ với phóng viên Will Grant của BBC về nỗi tuyệt vọng ngày càng tăng của họ.
Nhiều nơi ở Venezuela, gồm cả Caracas, đang chìm trong đêm tối
Cứ mỗi giờ trôi qua mà không có điện, Venezuela, quốc gia đang đứng trên bờ vực, phải hứng chịu thêm nhiều đau thương và căng thẳng.
Trong khi các băng đảng thân chính phủ được gọi là "colectivos" chạy xe máy trên những con đường tối tăm để giữ trật tự tại các điểm súng, thì các vụ cướp bóc lẻ tẻ vẫn diễn ra làm gia tăng nỗi tuyệt vọng cho người dân Venezuela.
Thật khó để hiểu hết những khó khăn vì mất điện ở đây trong bốn ngày qua.
Nhiều nơi trên cả nước bị mất điện và thật không dễ để nắm được toàn bộ tình hình. Ngay cả khi có điện trở lại thì nó cũng bị ngắt quãng và chỉ tổn tại trong vài giờ.
Có thể thấy rõ, người dân tại nhiều khu vực ở Venezuela đang phải vật lộn với cuộc sống kể từ khi bị mất điện vào thứ Năm tuần trước.
Cuộc sống không internet, không điện thoai, không ngân hàng, không máy rút tiền, không nồi cơm điện hoặc không điều hòa thật khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Trên bờ vực
"Tôi có con trai hai tuổi. Tối qua chúng tôi chẳng có gì để ăn cả", Majorie nói với vẻ tức giận bên ngoài một siêu thị trong khu phố Terrazas del Club Hípico ở Caracas.
Một cửa hàng gần nhà cô đã bị cướp và một người hàng xóm đã cho cô ít cơm, Majorie nói.
"Tôi đã đổ thêm ít nước, cho thêm ít đường vào số cơm đó rồi đút cho con trai ăn. Hôm nay nó cũng hỏi tôi có gì ăn không, nhưng tôi biết lấy gì cho nó ăn bây giờ ? Tôi có thể chịu đói. Đối với người lớn, một cốc nước cũng đủ sống qua ngày. Nhưng một đứa trẻ thì phải làm sao đây ?"
Sau lưng chúng tôi, một nhóm các bà mẹ tuyệt vọng và đau khổ không kém bắt đầu đập cửa siêu thị để được vào bên trong.
Bên trong siêu thị, máy tính tiền và máy quẹt thẻ không hoạt động, và nhân viên chỉ nhận thanh toán bằng đô la Mỹ.
"Ở Venezuela chúng tôi không dùng đô la, chúng tôi cũng không được trả bằng đô la, mà chúng tôi được trả bằng tiền Bolivars", Majorie nói với giọng tức giận.
"Chúng tôi không muốn cướp phá các cửa hàng, chúng tôi không muốn gây ra những chuyện này. Cái chúng tôi muốn là đồ ăn. Chúng tôi đói".
Bác sĩ biểu tình để nêu bật khó khăn của bệnh nhân
Đấu tranh để sinh tồn
Đối với một số khác, vấn đề còn nghiêm trọng hơn việc thiếu thức ăn.
Patricia (không phải tên thật) hiện là nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm của một bệnh viện nhi ở Caracas.
Lo sợ sẽ gặp rắc rối, Patricia gặp tôi tại một nơi cách xa bệnh viện JM de los Rios để nói về ảnh hưởng của việc mất điện lên các bệnh nhân.
"Hôm thứ Năm, không ai có thông tin gì về việc tại sao máy phát điện khẩn cấp của bệnh viện không khởi động. Tại khoa chăm sóc đặc biệt, câu hỏi chuyện gì đang xảy ra và tại sao mọi chuyện lại như vậy vẫn chưa có hồi đáp".
Một đồng nghiệp nói với Patricia rằng, các các bệnh nhi đang được cứu sống bằng hô hấp thủ công.
Ở đó, nhiều trẻ sơ sinh và trẻ vài tháng tuổi vẫn cần sự chăm sóc đặc biệt.
"Khi đi qua các phòng bệnh, chúng tôi nhìn thấy một bà mẹ đang khóc và phát hiện ta một trong những đứa bé đã chết", Patricia nói.
Mặc dù đội ngũ nhân viên y tế đã cố gắng hết sức, một trẻ sơ sinh khác cũng đã chết sau đó.
Một máy phát điện cuối cùng cũng đã được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên trong bối cảnh hỗn loạn vì mất điện, máy phát điện này không được chuyển đến bởi các quan chức y tế hay chính phủ mà bởi "colectivos" - các băng đảng thân chính phủ.
Nhiều siêu thị bị cướp
Không có tiền, không có đám tang
Việc mất điện không chỉ khiến an ninh lương thực và ngành y tế tan rã, mà nó thậm chí còn khiến người chết cũng không được yên nghỉ.
Con trai của María Errazo bị giết ở khu phố nghèo nơi bà sống vào hôm thứ Năm, ngày đầu tiên mất điện. Từ đó đến nay, thi thể anh ta vẫn nằm ở nhà xác Bello Monte.
Do hầu hết các văn phòng chính phủ đã đóng cửa từ chiều thứ Năm, María đã không thể làm các thủ tục cần thiết để xem thi thể con trai hay đưa nó về để chôn cất.
Nếu có văn phòng mở cửa thì cũng không thể sử dụng máy in hay kết nối với internet. Theo đó, María cũng sẽ không nhận được xác nhận chính thức về việc con trai bà bị giết như thế nào.
Thậm chí nếu María có thể đưa xác con trai về nhà thì bà cũng không có tiền để tổ chức đám tang. Siêu lạm phát tràn lan ở Venezuela đã cướp đi khoản tiết kiệm nhỏ mà bà có.
"Chúng tôi không có tiền", María nói với giọng buồn bã vì không thể giúp con trai yên nghỉ. Các ngân hàng đã đóng cửa và cũng không có nhiều điểm gọi điện thoại.
"Tôi thậm chí không thể gọi nổi một cuộc điện thoại để tìm cách giải quyết", María nói.
Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi nghe nói siêu thị mà chúng tôi đến sáng nay đã bị cướp.
Chúng tôi chạy ngay đến đó, đúng lúc thấy hàng chục người dân địa phương bị bắt giữa trong khi mẹ, vợ và con gái họ nổi cơn thịnh nộ với lực lượng an ninh nhà nước.
"Chúng tôi phải làm sao bây giờ ?" một người phụ nữ hét lên. "Cháu của chúng tôi đang chết đói kia kìa".
Lời kêu cứu của cô kết thúc một ngày nữa ở Venezuela, nơi sự hỗn loạn vẫn diễn ra trong bóng tối.
**********************
Venezuela : Dân chúng tiếp tục rầm rộ biểu tình ủng hộ Juan Guaido (RFI, 10/03/2019)
Đông đảo người dân Venezuela hôm qua 09/03/2019 lại xuống đường biểu tình, một bên để ủng hộ tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, một bên đứng về phía tổng thống lâm thời Juan Guaido.
Venezuela : Tổng thống tự phong Juan Guaido trong cuộc biểu tình tại Caracas, ngày 9/03/2019. Reuters/Ivan Alvarado
Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh đợt mất điện kéo dài trên diện rộng chưa từng có từ tối ngày 07/03 khiến cả nước rơi vào cảnh hỗn loạn, 15 bệnh nhân chết vì không được chạy thận.
Chính phủ Maduro đã làm mọi việc để ngăn không cho Juan Guaido phát biểu trước người ủng hộ, nhưng đã thất bại.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Benjamin Delille phân tích :
"Đây là một thành công mới mang tính biểu tượng cho Juan Guaido. Sau khi trở về Venezuela hôm thứ Hai tuần trước với sự đón chào của nhiều người, mặc dù trước đó ông bị đe dọa là sẽ bị bắt giữ, Juan Guaido một lần nữa tránh được những khó khăn mà chính phủ Venezuela muốn gây ra cho ông.
Những thành công này của Juan Guaido đã sỉ nhục tổng thống Nicolas Maduro và thắt chặt mối liên hệ của Guaido với người ủng hộ ông. Giờ đây, một phần công luận thực sự tôn vinh ông. Mỗi khi Juan Guaido xuất hiện, đám đông hô vang tên ông. Đối với họ, ông là người mang lại may mắn.
Cho dù vậy, trên thực tế, phe đối lập vẫn chưa thực hiện được lời hứa làm suy yếu chính phủ : Giới quân sự vẫn không bỏ rơi tổng thống của họ, hàng cứu trợ nhân đạo vẫn bị chặn ở biên giới và Nicolas Maduro vẫn nắm quyền lực.
Không biết là Juan Guaido còn có thể tiếp tục huy động những người ủng hộ ông cho đến bao giờ. Ý thức được là chính phủ sẽ không nhân nhượng, ngày càng có nhiều người đòi hỏi có sự can thiệp quân sự từ nước ngoài.
Tuy nhiên vấn đề là dường như các nước sẽ không can thiệp quân sự vào Venezuela, vì có quá nhiều quốc gia ủng hộ phe đối lập của Guaido bác bỏ kế hoạch này".
Thùy Dương