Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/03/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Vấn đề thực của Facebook

RFI tiếng Việt

Tin giả : Vấn đề thực của Facebook

Bị lên án vì góp phần phổ biến "fake news" (tin giả), có lợi cho Donald Trump trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, Facebook đã phải thiết lập chế độ kiểm chứng thông tin tại Hoa Kỳ.

fake1

Mạng xã hội Facebook lập dịch vụ mới fact-checking, để giám sát độ tin cậy của tin tức. Ảnh : youtube

Đầu tháng này, qui định kiểm tra bắt đầu được áp dụng tại Pháp. Báo Libération hôm nay, 13/03/2017, có bài "Tin giả : Vấn đề thực của Facebook". Cũng Libération có phóng sự điều tra "Một tháng với cỗ máy thông tin Facebook".

Facebook, mạng xã hội hàng đầu thế giới, không chỉ là nơi tâm tình, trao đổi quan điểm, thông tin đời sống, mà ngày càng trở thành một trong những nguồn tin tức thời sự chính trị chủ yếu đối với người sử dụng. Theo điều tra của một viện nghiên cứu về báo chí, tại Oxford, Anh Quốc, tại 26 quốc gia phát triển, 44% người sử dụng Facebook hàng tuần coi mạng nay là nơi tìm kiếm tin tức. Mức độ như vậy là vượt xa Youtube (19%), hay Twitter (10%). Đối với lứa trẻ từ 18 đến 24 tuổi, Facebook còn là phương tiện thông tin chính, qua mặt cả truyền hình.

Các thông tin mà Facebook lựa chọn nhằm mục tiêu trước hết là gây sự chú ý đối với người sử dụng, việc lựa chọn này dựa trên các sở thích cá nhân, bình luận được đưa ra, cũng như tính cách của những người nằm trong danh sách "kết bạn". Cách đưa tin như vậy rất có nguy cơ mang lại một hình ảnh "méo mó về hiện thực", đặc biệt nếu như tin giả không được kiểm soát.

Thắng lợi bất ngờ của Donald Trump gây bàng hoàng, đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò thông tin của Facebook. Sau một phản ứng chối bỏ ban đầu, chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg đã sớm thừa nhận cần phải điều chỉnh. Một cựu phóng viên của CNN đã được Facebook tuyển mộ, để phụ trách giám sát quan hệ giữa Facebook và các phương tiện truyền thông thời sự - chính trị.

Sau các thí điểm tại Mỹ và Đức, đến lượt Facebook cộng tác với 9 phương tiện truyền thông Pháp – trong đó có Libération – để giúp người sử dụng định hướng được đâu là những thông tin đáng ngờ. Sau khi một thông tin bị người sử dụng nghi ngờ là giả mạo, chỉ cần hai phương tiện truyền thông xác nhận, Facebook sẽ ghi rõ đây là "tin đáng ngờ", để các Facebooker thận trọng.

Hiện tượng tin giả nở rộ tại Hoa Kỳ. Nhưng riêng tại Pháp, tin giả dường như không phổ biến. Sau khi phân tích 80 "post" được xem nhiều nhất trên Facebook, Libération nhận xét không có hiện tượng tin giả, theo nghĩa hẹp, mà chỉ có một số bài viết có cái nhìn méo mó, với các hàng tựa gây hiểu lầm, nhưng khó mà khẳng định đó là tin giả. Các tin giả ở Pháp, nếu có, khó xác định, vì chúng thường được tung lên không kèm theo đường link với bài viết bên ngoài.

Khi "luồng phụ" át "luồng chính"

Về mặt thông tin thời sự, mạng xã hội Facebook rõ ràng có rất nhiều ảnh hưởng đến tình cảm, quan điểm, cũng như các lựa chọn chính trị của Facebooker. Để đo lường ảnh hưởng, Libération cùng với start-up Linkfluence (chuyên về các mạng xã hội) có cuộc điều tra về tác động của khoảng 50 mạng truyền thông "luồng chính" hoặc "luồng phụ" trên Facebook.

Một trong những nhận xét sơ bộ gây ngạc nhiên là trong số khoảng 30 bài được chia sẻ nhất trên Facebook, rất nhiều báo luồng chính vốn đông khách xem (như Le Figaro) đã không hề có mặt. Le Monde, với 3,6 triệu khách đọc thường xuyên, chẳng hạn cũng chỉ xuất hiện có một lần. Đứng đầu trong danh sách này là hai đoạn video, một về ứng cử viên Macron, một về luật về tội phạm tài chính, lại do một trang mạng cánh tả không nổi tiếng cung cấp (Osons causer).

Một hiện tượng mới đáng chú ý khác là về mức độ bài công bố trên Facebook, trang mạng thân chính quyền Nga RT Today (tiếng Pháp) được coi là "tích cực nhất" (với tổng cộng 1.700 post), vượt cả hai báo Le MondeHuffington Post. Về mức độ tương tác, đứng hàng đầu cũng lại là những trang mạng "luồng phụ", như FdeSouche hay Osons causer.

Nguy cơ chất lượng thông tin bị "bỏ mặc"

Việc các trang mạng chuyên nghiệp truyền thống, có uy tín lâu đời, có xu hướng tụt lại sau các mạng "luồng phụ" trên mạng xã hội, ngày càng đặt ra khẩn thiết vấn đề độ tin cậy của thông tin.

Nhân dịp 28 năm sau khi internet toàn cầu ra đời, cha đẻ của mạng www., kỹ sư người Anh Tim Berners-Lee, có bài viết cảnh báo tình trạng "bỏ mặc" chất lượng thông tin vào tay các công ty mạng cung cấp dịch vụ miễn phí. Bởi cái giá phải trả là tin giả, tin tức lệch lạc tràn lan, và trong lĩnh vực thời sự chính trị, các mạng xã hội vô hình chung bị biến thành nơi truyền bá quan điểm, thậm chí những quan điểm cực đoan nhất, mà "bất cần quan tâm đến xuất xứ của thông tin".

HRW : Cái khó của truyền thông Mỹ

Vẫn liên quan đến vấn đề thông tin và sự thật, giám đốc điều hành Human Right Watch, ông Kenneth Roth (cựu chưởng lý Hoa Kỳ), có bài trả lời phỏng vấn Le Monde.

Thông điệp chính mà lãnh đạo kỳ cựu của HRW hướng đến là bối cảnh hiện rất khó khăn của các phương tiện truyền thông tại Mỹ, sau khi Donald Trump đắc cử. Thông tin về sự thật trở nên hết sức nan giải, khi có "một vực thẳm ngăn cách" giữa những người ủng hộ ứng cử viên Donald Trump (khoảng 40% cử tri) "sẵn sàng tin vào những lời dối trá", trong khi đó một bộ phận tương tự (cũng khoảng 40%), thì sẵn sàng chống lại "mọi quan điểm hay hành động" của ông Trump.

Trong bối cảnh các lập trường đối chọi như nước với lửa này (cả hai phía đều chỉ muốn nghe những gì phù hợp với quan điểm của mình), giám đốc HRW nhận định, chỉ còn có 20% cử tri là chưa có quan điểm xác quyết. Truyền thông cần phải nỗ lực để giúp những người này "tiếp cận với các sự kiện thực và nhắc lại với họ về các nguyên lý của nền dân chủ".

Công du Mỹ : Thử đứng vào vị trí của thủ tướng Đức

Về thời sự quốc tế, trước chuyến công du ngày mai của thủ tướng Đức Angela Merkel đến Mỹ, báo Le Monde có bài "Thử đứng vào vị trí của bà Merkel".

Nhà báo Sylvie Kauffman ghi nhận : thủ tướng Đức sẽ có một trong những chuyến đi tế nhị nhất trong sự nghiệp chính trị của bà, gặp tân tổng thống Mỹ Donald Trump vào lúc quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương đang khủng hoảng.

Đặt mình vào vị trí của thủ tướng Đức, tác giả bài viết mường tượng những tâm sự ngổn ngang, rối bờ, của nhà lãnh đạo được coi là người đang phải đảm đương vai trò hết sức nặng nề, là trụ cột của khối 27 nước Châu Âu, hiện đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Không những của Châu Âu mà còn là của cả khối các quốc gia tự do trên thế giới. Trọng trách quá nặng nề mà nguyên tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trao gửi cho bà, trước khi chuyển giao quyền cho Donald Trump.

Vẫn theo Le Monde, mặc dù đã muốn giã từ quyền lực, sau 12 năm cầm quyền, nhưng Angela Merkel một lần nữa buộc phải thượng đài, bởi người nắm quyền tại Mỹ giờ đây là ông Trump.

Hàn Quốc : Viễn cảnh bầu tổng thống mới

Về thời sự Châu Á, báo La Croix chú ý đến việc tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất, và viễn cảnh chính trị tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Sau khi nguyên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon quyết định không ra tranh cử, quyền tổng thống Hwang Kyo-ahn sẽ phải quyết định có ra ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử đầu tháng 5 tới hay không.

Tuy nhiên, quyền tổng thống Hwang không phải là người được cử tri ưu ái nhất. Đứng đầu trong các thăm dò dư luận là cựu lãnh đạo đảng Dân Chủ "cánh tả" Moon Jae-in, với khoảng 36%. Trong cuộc bầu cử năm 2014, đảng này suýt nữa đã giành chiến thắng.

Vẫn theo La Croix, nếu lãnh đạo đảng "cánh tả" thắng, thì rất có khả năng việc cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên có thể sẽ dễ dàng hơn.

Bắc Triều Tiên : Người dùng drone phá vòng cương tỏa

Về bán đảo Triều Tiên, Libération có bài giới thiệu về các nỗ lực truyền bá thông tin về thế giới bên ngoài đến với đồng bào trong nước bị kìm kẹp, của một người Bắc Triều Tiên, đào tị sang Hàn Quốc. Liên tục từ tám năm nay, ông Jung Gwang-il bí mật chuyển về nước đủ loại thông tin, đặc biệt là clip, thông qua các drone, tức máy bay không người lái.

Theo nhà hoạt động này, chế độ Bình Nhưỡng đang thay đổi mạnh, "các thanh trừng, hành quyết dữ dội cho thấy chế độ này đang bị đe dọa như thế nào". Ông Jung tiên đoán chế độ cộng sản khép kín Bắc Triều Tiên "sẽ không thể trụ lại quá năm năm".

Jung có một cuộc đời khó tin. Từng phục vụ 10 năm trong quân đội Bắc Triều Tiên, sau đó làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước. Trong lần sang Trung Quốc năm 1995, lần đầu tiên xuất ngoại, Jung được trực tiếp tiếp xúc với thông tin về Hàn Quốc. Jung từng bị tù bốn năm vì bị tố cáo là gián điệp. Quyết định vượt biên năm 2003, và sang được Hàn Quốc, Jung mới thực sự thấm thía tình trạng bị tẩy não của đồng bào trong nước.

Miến Điện : Thành tích nửa vời của Suu Kyi

Về Đông Nam Á, báo Le Monde có bài "Bảng thành tích nửa đen, nửa trắng của Aung San Suu Kyi". Sau gần một năm nắm quyền, đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của nhà cựu ly khai, giải Nobel Hòa bình, đã khiến nhiều người thất vọng.

Theo Le Monde, lãnh tụ được dân chúng Miến Điện sùng kính gọi là "Bà" dường như đã không đưa ra được một dự án kinh tế, hay một chiến lược phát triển có thể đưa ra được lối thoát cho một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Á. Cũng "không có chương trình thực sự nào trong các lĩnh vực giáo dục và y tế", trong khi đó, "chiến tranh tiếp tục" giữa quân đội và một số sắc tộc tại hai bang Shan và Kachin, cũng như các vụ đàn áp tàn khốc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi vẫn không ngớt.

Tuy nhiên, sự bất lực của nhà lãnh đạo dân chủ vẫn còn được nhiều người châm chước, kể cả các chính khách theo Hồi giáo. Lãnh đạo của một trong sáu tổ chức Hồi giáo của Miến Điện khẳng định, Aung San Suu Kyi đang tìm cách thương thuyết với phe quân đội đầy quyền lực.

Nhiều người chê trách tân chính quyền dân sự không làm được gì để "hủy bỏ điều luật 66.d đàn áp tự do báo chí". Nhưng theo phó chủ tịch một hiệp hội các nhà báo Miến Điện, ông Thia Saw, một phóng viên độc lập nổi tiếng thời tập đoàn quân sự trước đây, thì Miến Điện hiện vẫn còn "trong giai đoạn chuyển tiếp", những khó khăn trong giai đoạn này chủ yếu vẫn là do, trên thực tế, tập đoàn quân sự còn đang nắm rất nhiều quyền hành. Theo một nhà báo nước ngoài tại Miến Điện, tại quốc gia này hiện tồn tại song hành "hai chính quyền, một của chính phủ Aung San Suu Kyi, một của quân đội, và hai bộ máy này hoạt động độc lập với nhau".

Một số người vốn đi theo Aung San Suu Kyi, như nghị sĩ vùng Rangoon Nay Phone Latt thì châm biếm : "Giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ còn khó khăn", vì nhiều nghị sĩ của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ cũng muốn lợi dụng tình thế hiện nay. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 754 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)