Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/03/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Bình Nhưỡng thách thức thế giới ?

RFI tiếng Việt

Vì sao Bình Nhưỡng dám thách thức thế giới ?

Thường bị lên án như là "kẻ điên", nhưng trên thực tế, nhà lãnh đạo bị cho là "độc tài" Kim Jong-un đang hành động với một mức độ hợp lý nào đó. Vì an ninh quốc gia, Bình Nhưỡng muốn trang bị vũ khí hạt nhân bằng mọi giá. Nhưng không phải để tấn công các nước xóm giềng mà là để bảo toàn sự sống còn của chế độ. Trên đây là phân tích của nhật báo kinh tế Les Echos ngày 14/3/2017, trong bài "Hạt nhân : Vì sao Bắc Triều Tiên thách thức thế giới".  

pyong1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh ngày 07/03/2017 do KCNA cung cấp/via REUTERS

Đầu tiên, tác giả Yann Rousseau, thông tín viên nhật báo tại Tokyo nhắc lại, trong nhãn quan phương Tây, Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo "điên khùng", "một con người không có lý trí", khó có thể mà đàm phán. Chế độ nhà họ Kim là độc tài, nổi tiếng tàn bạo với các vụ thanh trừng không chỉ ở trong nước mà còn đến tận cả Malaysia (vụ ám sát Kim Jong Nam), nhưng sống xa hoa...

Nhưng khả năng kháng cự ngoài sức tưởng tượng của chế độ này trước mọi chao đảo địa chính trị trong vòng một thế kỷ lịch sử cũng như mọi trừng phạt của quốc tế, có thể cũng nên xem đấy như là bằng chứng của một hình thức "khôn khéo" nào đó.

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng Bình Nhưỡng cũng có lập luận riêng của họ và có một tầm nhìn dài hạn rất hợp lý mà các nước lớn đang cố tình từ chối nhìn nhận ?

Học thuyết "Juche" (Tự lực cánh sinh)

Theo quan điểm của tác giả, nỗi ám ảnh về an ninh và sự trường tồn của chế độ chính là ưu tiên duy nhất làm sáng tỏ toàn bộ các hành động của Bắc Triều Tiên, vốn bị thế giới cho là "hành động khiêu khích". Chính vì mục đích này mà chế độ Bình Nhưỡng đòi hỏi mọi sự hy sinh, từ sự an lạc của người dân cho đến sinh mạng của hàng ngàn người bị đi đày.

Kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và sự sụp đổ của chế độ Xô Viết, Bắc Triều Tiên, bị kẹp giữa các cường quốc, đã làm mọi cách để bảo vệ sự tồn tại độc lập. Học thuyết "Juche" do Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đề ra, chủ trương một nền tự chủ dân tộc, tự hoạch định các chính sách chính trị, kinh tế và quân sự… cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, được tuyên truyền trong các trường học và cơ quan.

Chiến lược sinh tồn này được bảo đảm bằng các chương trình quốc phòng đang khiến cộng đồng thế giới hoảng sợ. Thế nhưng, chính số phận bi thảm dành cho cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein và Mouammar Kadhafi tại Libya đã giúp cho giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiểu ra rằng, các Nhà nước độc tài nhỏ bé chỉ có thể tồn tại được bằng cách răn đe những đối thủ nào có ý đồ can thiệp có thể gây ra một cuộc xung đột trên bình diện rộng.

Chính vì lý do đó mà từ nhiều thập niên nay, Bình Nhưỡng tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mang các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có khả năng bắn tới lãnh thổ các kẻ thù lớn. Chỉ đến khi đó, chế độ Bình Nhưỡng mới cảm thấy họ đủ đáng sợ và đáp trả không chút thương tiếc một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài nào. Lập luận này đã được hãng thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA năm 2016 khẳng định : "Lịch sử đã chứng minh rằng một sự răn đe hạt nhân mạnh mẽ được xem như là một thanh bảo kiếm tốt nhất để làm nản lòng những kẻ gây hấn".

Nhưng Kim Jong-un cũng hiểu rằng, phát triển tên lửa liên lục địa để đánh phá Hàn Quốc, Nhật Bản hay một thành phố nào ở bờ tây của Hoa Kỳ cũng sẽ bị đáp trả khốc liệt. Đất nước và chế độ Bình Nhưỡng sẽ bị hủy diệt trong vài giờ mà không một đồng minh nào có thể đến kịp ứng cứu.

Một trận chiến không thương tiếc

Tác giả lưu ý, như bao cường quốc khác, Bắc Triều Tiên cũng muốn sở hữu loại vũ khí nguyên tử nhưng không để dùng đến. Do đó, không gì ngăn cản họ được : từ lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế cho đến áp lực từ Bắc Kinh… Các vòng đàm phán chỉ là những cơ hội tranh thủ kéo dài thời gian mà họ không nhượng bộ bất cứ điều gì.

Trong khi đó, các vụ thử hạt nhân và tên lửa cứ tiếp diễn. Các lời chỉ trích từ Washington, Tokyo, Seoul chỉ làm cho chế độ độc tài càng tập trung củng cố mục tiêu và nhận thức của mình về một cuộc chiến "tàn khốc" mà chế độ không bỏ lỡ cơ hội dàn cảnh với người dân. "Chúng ta bị tấn công từ mọi phía, nhưng chính quyền sẽ bảo vệ đồng bào". Bình Nhưỡng dĩ nhiên cũng không quên điểm mặt các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn ngay sát biên giới nước này, với tình huống giả định chống lại một cuộc xâm nhập từ phía bắc.

Sau khi đã cố thử mọi cách và đã thất bại trong việc dập tắt sự năng động của chế độ Bình Nhưỡng, các cường quốc có thể đã đến lúc phải thay đổi chiến lược và nghĩ đến việc nhìn nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân. Đó có lẽ là cơ hội để nối lại đối thoại, trấn an chế độ về an ninh và giúp họ tiến hành các cải cách kinh tế mà người dân đang mong mỏi.

Thế nhưng, liệu rằng các tác nhân khác trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên có thật sự mong muốn phá vỡ bầu không khí căng thẳng triền miên trên bán đảo này hay không ? Tác giả cho rằng dường như là "Không". Đối với Washington, Tokyo và Seoul, điều đó biện minh cho sự hiện diện của các căn cứ quân đội Mỹ trong khu vực.

Về phần Bắc Kinh, hồ sơ Bắc Triều Tiên góp phần cản trở mọi thay đổi của chế độ Bình Nhưỡng, và Trung Quốc rất lo sợ một ngày nào đó sẽ nhìn thấy trên bán đảo Triều Tiên, miền bắc thống nhất với miền nam thân Mỹ. Tác giả kết luận, mỗi bên liên quan đều có những lý lẽ điên rồ của mình.

Saudi Arabia xoay trục sang Châu Á 

Cũng tại Châu Á, báo Le Monde chú ý đến chuyến đi Châu Á dài ngày của quốc vương Saudi Arabia Salman, với bài "Châu Á, trụ cột của Saudi Arabia thời hậu dầu lửa".

Saudi Arabia giờ cũng "xoay trục" sang Châu Á. Nếu như cách nay khoảng 15 năm, Châu Âu và Hoa Kỳ là điểm đến ưa thích để vua Saudi Arabia xuất ngoại đi quảng bá cho vương quốc của mình, thì giờ đây, trong thế giới đa cực hiện nay, Châu Á là nơi mà các lãnh đạo Saudi Arabia buộc phải chú ý tới.

Với đoàn tùy tùng bao gồm 1.500 người và 500 tấn hành lý, quốc vương Saudi Arabia công du Châu Á trong vòng một tháng, vừa đi vừa nghỉ, với hai mục tiêu kinh tế chủ yếu : đó là củng cố vị thế quốc gia xuất khẩu dầu lửa số một trên thế giới và tìm kiếm các nhà đầu tư có thể hỗ trợ Riyad đa dạng hóa các nguồn tài nguyên và thu nhập.

Các điểm dừng chân tại Châu Á lần này bao gồm : Malaysia, Indonesia, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo nhận định của chuyên gia François Touazi, thuộc tổ chức tư vấn CAPMena, được báo Le Monde trích dẫn, "đây là một chuyến đi rất quan trọng, nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa Saudi Arabia và Châu Á, nơi nhập khẩu đến 39% tổng xuất khẩu của vương quốc này". Mặt khác, "Saudi Arabia đề xuất với các đối tác hỗ trợ họ trong tiến trình thay đổi kinh tế đất nước. Như vậy, các bên đều có lợi".

Hiện nay, Châu Á tiêu thụ tới 68% tổng xuất khẩu dầu lửa của Saudi Arabia, trong lúc Hoa Kỳ chỉ nhập khẩu có 16% và lại đang phát triển khí đá phiến. Bên cạnh đó, Saudi Arabia lo ngại bị mất thị phần sau khi lệnh cấm vận được bãi bỏ đối với Iran.

Le Monde cho biết, từ khoảng một chục năm nay, Saudi Arabia đã ngấp nghé các thị trường Cận Đông. Tiến trình này do vua Abdallah, tiền nhiệm của vua Salman, khởi xướng, với chuyến công du ngoại quốc quan trọng đầu tiên vào năm 2006, sang Trung Quốc. Việc Iran tái hội nhập cộng đồng quốc tế, cũng như thái độ khó lường của tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các vương quốc vùng Vịnh thúc đẩy Saudi Arabia xoay trục mạnh mẽ sang Châu Á.

Liên Âu chia rẽ chỉ vì Erdogan

Nhìn sang Châu Âu, quan hệ căng thẳng giữa Ankara với Bruxelles là chủ đề nóng bỏng trên nhiều mặt báo Pháp. Le Figaro trên trang nhất nhận định : "Khủng hoảng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu đã mở ra".

Sự việc cũng cho thấy rõ tình hình chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Sau đề án "một Châu Âu đa vận tốc", giờ lại đến "quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Liên Hiệp Châu Âu". Les Echos chỉ trích là trong vụ việc này, "Châu Âu đã không đoàn kết trước sự lấn lướt của Thổ Nhĩ Kỳ".

Nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã phản đối việc tổ chức ngay trên lãnh thổ của mình các cuộc mít-tinh ủng hộ dự thảo cải cách Hiến Pháp nhằm củng cố quyền lực cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Riêng chỉ có nước Pháp là cho phép.

Le Figaro trong bài xã luận "Trò lừa bịp nguy hiểm" không tiết kiệm lời chỉ trích Liên Âu. Đây không biết là lần thứ mấy căng thẳng diễn ra trong quan hệ Ankara – Bruxelles. Một mối quan hệ mà Le Figaro cho rằng mang đầy tính chất "đạo đức giả, dối trá và hăm dọa" giữa một "Liên Hiệp Châu Âu yếu ớt và một Thổ Nhĩ Kỳ hống hách".

"Brexit" cho Anh quốc, "Độc lập" cho Scotland

Thủ tướng Anh quốc đã được bật đèn xanh cho phép khởi động chương trình "Brexit", chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Lợi ích thế nào thì vẫn chưa thể xác định, nhưng vương quốc Anh có nguy cơ mất một "thành viên" trong chính gia đình mình.

Từ cuộc ly dị này đến cuộc chia tay khác. "Phản ứng với Brexit, Scotland tiến bước đến độc lập" và "Scotland làm chao đảo Theresa May khi cố hướng đến độc lập" lần lượt là hàng tựa các bài nhận định trên Le FigaroLes Echos. Lãnh đạo chính phủ Scotland theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc, bà Nicola Sturgeon, đã gây khó khăn cho nữ thủ tướng Anh Theresa May khi bất ngờ thông báo ý định tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Scotland trước khi Brexit được thực hiện.

Không biết vụ việc sẽ kết thúc ra sao. Nhưng căng thẳng này gợi nhắc lại một câu chuyện tương tự trong lịch sử. Cuộc đối đầu đầy kịch tính giữa nữ hoàng Anh Elisabeth I và cô em họ nữ hoàng Marie Stuart vào thế kỷ XVI. Kết quả là nữ hoàng Anh buộc phải xử trảm em họ nhằm bảo toàn ngai vị của mình.

Điện Kremlin và cuộc chiến tin học

Cuối cùng liên quan đến nước Nga, Le Monde trên trang nhất chạy tít lớn : "Điện Kremlin và cuộc chiến tin học". Nhật báo cho biết một hồ sơ điều tra dài về "Kho vũ khí tin học của Nga" sẽ được giới thiệu với độc giả trong 5 số liên tiếp kể từ hôm nay. Le Monde giải mã làm thế nào nước Nga nghĩ đến và thực hiện chiến lược "gây nhiễu" trong thế giới thông tin và các mạng xã hội.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 689 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)