Nhà Thờ Đức Bà Paris : Dư luận trái chiều về các khoản quyên góp lớn
Dưới dạng tựa đậm hay ảnh lớn trang nhất, các báo Pháp ra ngày 18/04/2019 tiếp tục đưa tin rộng rãi về vụ hỏa hoạn đã phá hủy đáng kể Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 15/04, phân tích về quyết tâm tái thiết nhanh chóng công trình văn hóa độc nhất vô nhị này, cũng như làn sóng đoàn kết, sẵn sàng quyên góp khôi phục di tích. Thế nhưng, các báo cũng nêu bật luồng dư luận trái chiều tại Pháp, chỉ trích các đại gia giầu có, rất hào phóng tái thiết Nhà Thờ Đức Bà, nhưng dửng dưng trước cảnh khốn khó của nhiều tầng lớp xã hội Pháp.
Một cuộc biểu tình của người Áo Vàng trước Nhà Thờ Đức Bà Paris, đầu năm 2019. ERIC FEFERBERG / AFP
Theo ghi nhận của Le Monde, ngay khi tai họa giáng xuống đầu Nhà Thờ Đức Bà được biết đến, những người hảo tâm lớn cũng như nhỏ đã tỏ ý sẵn sàng quyên góp để tái thiết di sản này.
Hàng ngàn người "vô danh" đã đăng ký góp tiền cho Quỹ Di Sản, gởi tiền tặng các quỹ nhỏ đã được mở ra trên Internet để quyên góp, trong lúc các đại gia giầu có nhất nước Pháp, các doanh nghiệp lớn, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã đua nhau loan báo quyên tặng những món tiền khổng lồ… Mốc một tỷ euro, theo Le Monde sẽ dễ dàng được vượt qua.
Les Echos ghi nhận là chính phủ Pháp vào tuần tới, sẽ đệ trình ngay một dự luật tăng cường quyền lợi về thuế cho tất cả các cá nhân đóng góp tiền bạc cho việc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà.
Thế nhưng, theo Le Monde, chỉ ít lâu sau khi phong trào quyên góp xuất hiện, từ thứ Ba 16/04, nhiều tiếng nói đã vang lên, cả trong đa số cầm quyền lẫn trong phe đối lập, để chỉ trích việc giảm 60% thuế trên các khoản tiền mà các doanh nghiệp đóng góp cho việc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà. Đối với cá nhân, khoản khấu trừ này sẽ là 75% cho những khoản dưới 1.000 euro, và 66% cho các khoản lớn hơn.
Dân biểu đảng Những Người Cộng Hòa Gilles Carrez, báo cáo viên đặc biệt phụ trách vấn đề di sản tại Ủy Ban Tài Chính Quốc Hội Pháp, hôm thứ Ba vừa qua, đã cho rằng trong số gần 700 triệu euro [tiền quyên góp được các đại gia công bố vào thời điểm đó], có khoảng 420 triệu sẽ được Nhà nước tài trợ, theo ngân sách năm 2020.
Nói cách khác, chính người dân, qua tiền đóng thuế, sẽ phải chịu gánh nặng tái thiết, trong khi những người quyên tặng lại được quảng cáo nhờ hành động rất hào phóng của mình.
Một luồng dư luận chỉ trích thứ hai nhắm vào các nhà tài trợ lớn, cho rằng giới giầu có đã có thể búng tay một cái là tung ra 100 triệu, 200 triệu euro chi cho việc tái thiết. Họ đã lợi dụng thảm kịch, tỏ ra rất hào phóng để quảng cáo cho mình trong tư cách là cứu tinh của Nhà Thờ Đức Bà, trong khi không thèm đếm xỉa gì đến "tình trạng cấp bách" của xã hội, với những tầng lớp nghèo đang bị rơi vào cảnh khốn cùng.
Những lời chỉ trích này được ghi nhận chủ yếu trong những người thuộc phong trào Áo Vàng, giới công đoàn, các đảng cánh tả hay cực hữu.
Tái thiết Nhà Thờ Đức Bà trong 5 năm : Nhiệm vụ bất khả ?
Một điểm chung giữa Le Monde và Libération hôm nay là cả hai tờ báo đã tiếp tục giành tựa lớn trang nhất cho Nhà Thờ Đức Bà Paris, và đều chú ý đến tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đó công trình lịch sử này sẽ được khôi phục trong thời hạn 5 năm.
Dưới tựa đề lớn rất khách quan : "Công trình khôi phục Nhà Thờ Đức Bà", Le Monde nhắc lại rằng trong thông điệp gởi toàn dân tối thứ Ba 16/04, tổng thống Macron đã tỏ hy vọng là Nhà Thờ Đức Bà sẽ được khôi phục trong vòng 5 năm.
Trái lại, Libération lại tỏ ý hoài nghi về thời hạn mà tổng thống Pháp đề ra. Ngay trang nhất, bên trên một bức hình tháp "Mũi Tên" của Nhà Thờ Đức Bà lúc còn nguyên vẹn, chưa bị phá hủy, tờ báo cho rằng "5 năm để tái thiết Nhà Thờ Đức Bà : Macron tin vào kỳ tích".
Đối với Libération, 5 năm là một kỳ hạn không thực tế do quy mô to lớn của công việc, nhất là khi công trình chưa được gia cố một cách an toàn sau hỏa hoạn. Theo tờ báo, tổng thống Pháp Macron, đã cho rằng 5 năm là điều "có thể", nhưng nếu làm được trong thời hạn đó thì quả là một "kỳ công".
Libération đã nêu bật một loạt những công việc cần thời gian lâu dài. Trước hết là phải đảm bảo sao cho phần còn lại của Nhà Thờ vẫn vững vàng sau khi nhiều cột gỗ đã thiêu rụi, sau khi khối gạch đá làm nên công trình bị tưới nước trong 48 tiếng đồng hồ liên tục. Một chuyên gia đã cho rằng, để cho Nhà Thờ khô hẳn, phải mất một năm.
Vấn đề tiếp theo là phải ước tính được sức nặng của các vật thể sẽ được chồng lên cái sườn còn đứng vững của tòa nhà, mà sức chịu đựng đã giảm sụt đáng kể sau cơn hỏa hoạn.
Về kiến trúc công trình, cũng có vấn đề, đặc biệt là Mũi Tên đã bị phá hủy hoàn toàn. Thủ tướng Philippe đã loan báo khởi động một cuộc thi kiến trúc quốc tế về tái thiết tháp Mũi Tên (của Nhà Thờ Đức Bà), cho rằng công cuộc tái thiết là "một thách thức to lớn, một trách nhiệm lịch sử, là công trình mà thế hệ hiện thời cũng như các thế hệ về sau phải đảm đương". Vấn đề là làm lại Mũi Tên như thế nào, như cũ (tức là từ thế kỷ 19) mà người ta thường thấy, như vào thời khởi thủy khi Nhà Thờ mới được xây dựng, hay thay bằng một cái gì mới hoàn toàn cho phù hợp với công nghệ ngày nay.
Libération còn nêu lên nhiều vấn đề khác như đấu thầu xây dựng, các thủ tục hành chánh phải thực hiện, tìm được nhân công lành nghề…, biết bao vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian, làm cho thời hạn 5 năm trở thành quá ngắn.
Nhà nước Pháp thiếu quan tâm đến bảo tồn di sản văn hóa ?
Một tranh cãi khác liên quan đến cái gọi là sự "thiếu quan tâm của chính quyền" đến việc bảo tồn các công trình văn hóa.
Trên vấn đề này, Le Monde ghi nhận những tiếng nói phê phán từ phía giới hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, tố cáo tình trạng phương tiện eo hẹp mà Nhà nước cung cấp cho việc bảo vệ di sản, cũng như tình trạng thiếu tôn trọng các quy định phòng cháy chữa cháy.
Chuyên gia Didier Rykner, tổng biên tập của tạp chí trực tuyến La Tribune de l’Art chẳng hạn, đã tố cáo tình trạng thiếu bảo trì tại các di tích lịch sử và đặc biệt là các nhà thờ ở Paris.
Chủ tịch Trung Tâm André-Chastel, Alexandre Gady, người đứng đầu nhóm nghiên cứu lớn nhất của Pháp về lịch sử nghệ thuật, cũng chỉ ra sự nghèo nàn trong ngân sách của các di tích lịch sử Pháp, không tương xứng với tầm cỡ một cường quốc văn hóa như Pháp, một trong những quốc gia cung cấp nhiều di sản thế giới nhất cho cơ quan Unesco.
Tuy nhiên, theo Le Monde, một chuyên gia khác về các vấn đề di sản, xin ẩn danh đã phản bác lập luận bi quan kể trên, cho rằng các di tích như Viện Bảo Tàng Louvre, Lâu Đài Versailles hoặc Nhà Thờ Đức Bà chẳng hạn, được cung cấp những phương tiện hoạt động quan trọng, không hề bị bỏ bê chút nào.
Chuyên gia này nhắc lại rằng Nhà nước chi khoảng 320 triệu euro mỗi năm cho tất cả các di tích lịch sử tại Pháp.
Các trang nhất khác
Ngoài chủ đề Nhà Thờ Đức Bà trên Le Monde và Libération, các tờ báo khác đều dành tựa lớn trang nhất cho thời sự Pháp.
Nhật báo kinh tế Les Echos đã chạy tít lớn một cách đắc thắng : "Tăng trưởng : Tại sao Pháp làm tốt hơn Đức".
Tờ báo ghi nhận là Berlin không còn nhắm mục tiêu tăng trưởng 0,5% trong năm nay. Lần đầu tiên kể từ năm 2005, Pháp rõ ràng là đã vượt qua được Đức với 1,4%. Đức bị cản trở vì căng thẳng thương mại, trong lúc Pháp cầm cự tốt nhờ tình trạng tăng sức mua đến từ các biện pháp được gọi nôm na là Áo Vàng.
Một hệ quả của phong trào Áo Vàng cũng được Le Figaro đưa thành tựa lớn trang nhất : "Khủng hoảng Áo Vàng : Trường Quốc gia Hành chánh Pháp ENA trên ghế bị cáo".
Theo Le Figaro, bị vạch mặt chỉ tên trong nhiều đề nghị được gởi đến trang web của Cuộc Thảo Luận Toàn Quốc, định chế đào tạo cán bộ lãnh đạo nổi tiếng này có nguy cơ bị xóa sổ hay thay đổi đáng kể.
Riêng nhật báo công giáo La Croix đã tạm thời bỏ rơi hồ sơ Nhà Thờ Đức Bà để nêu bật một chủ đề xã hội trên trang nhất : "Phải chấm dứt tệ nạn không chi tiền cấp dưỡng". Theo La Croix, tổng thống Macron dự kiến sẽ loan báo việc Nhà nước can dự sâu hơn vào vấn đề này, trong bối cảnh từ 30 đến 40% các khoản tiền cấp dưỡng không được thanh toán hoặc thanh toán thất thường.
Trọng Nghĩa