Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/04/2019

Điểm báo Pháp - Bảo vật Tôn giáo và Cộng hòa

RFI tiếng Việt

Nhà Thờ Đức Bà : Bảo vật Tôn giáo và Cộng hòa

Lịch sử của chúng ta, Nhà Thờ Đức Bà sẽ tái sinh,Tổng động viên, làn sóng liên đới tràn ngập các trang chính báo chí Pháp hôm nay bên cạnh hai chủ đề Châu Á : Indonesia quốc gia đạo Hồi đông nhất thế giới đứng giữa hai mô hình xã hội và nợ Trung Quốc đến mức độ nguy hiểm.

baovat1

Mão gai đội đầu của Chúa Giêsu trong một dịp trưng bày tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 21/03/2014. Reuters/Philippe Wojazer/File Photo

Mái Nhà Chung

Nhà Thờ Đức Bà bốc khói trên Le Monde. Ngôi đại giáo đường 800 năm sừng sững sau cơn bão lửa trên trang nhất của Le Figaro, thánh giá vẫn rực rỡ màu vàng ánh trước đống gỗ cháy thành than trên báo La Croix là những hình ảnh tiêu biểu cho các bài xã luận, 24 giờ sau khi ngọn lửa được dập tắt.

Trong bài "Ngôi nhà chung của chúng ta", nhật báo công giáo nhận xét, sau ngọn lửa thiêu đốt báu vật tôn giáo xuất hiện một ngọn lửa khác, ngọn lửa hy vọng. Ở nước Pháp ngày nay, hiếm khi có một niềm xúc động chung được tất cả mọi người chia sẻ. Khi mái nhà thờ sụp xuống, không ai là không cảm thấy một nỗi buồn sâu kín tràn ngập tâm hồn và vẫn kéo dài cho đến hôm sau. Vì sao ? Bởi vì một ngôi nhà thờ, từ muôn đời là một mái nhà chung.

Nhà Thờ Đức Bà là một trong những nơi mà cả mọi người, không phân biệt giai tầng xã hội, không phân biệt tôn giáo có thể quy tụ về mà không tốn một đồng xu. Có đạo hay vô thần, mọi người đều ý thức giá trị chung đó khi thấy Nhà Thờ Đức Bà, thiếu chút nữa, bị thiêu rụi. Nhưng báu vật này, dù đẹp cách mấy, không phải chỉ là một tòa kiến trúc đơn thuần mà vì nó là ngôi nhà chung của mỗi chúng ta. Tái thiết nó, như đã từng giúp cho các nhà thờ Reims, Rouen, Turino bị lửa đạn tàn phá hồi sinh là xây lại chính căn nhà của mình.

Cầu nối giữa con người và Thiên Chúa

Le Monde, cùng một nhận định : Trái tim nước Pháp bị trúng thương. Nằm bên bờ hai nhánh sông Seine từ muôn đời, Nhà Thờ Đức Bà là cầu nối đặc biệt giữa con người hữu hạn và Thượng Đế vĩnh hằng.

Từ địa lý, quốc sử cho đến văn học, Nhà Thờ Đức Bà là trung tâm của nước Pháp. Đó là cây số "số không", là tọa độ gốc tính khoảng cách Paris với các địa danh khác. Cung thánh (chánh điện) là nguồn cảm hứng làm nên những chương tiểu thuyết tuyệt tác của văn học Pháp và cũng là nơi chứng kiến những vì vua quỳ gối trước thánh giá trong lễ đăng quang, lễ cưới hay mừng chiến thắng.

Nhà Thờ Đức Bà cũng là một chứng nhân lịch sử của chế độ Cộng hòa khi vui cũng như lúc buồn. Vui khi mừng ngày chiến thắng Đệ nhất Thế chiến 1918, hay vào ngày 26/05/1944 tướng De Gaulle dự thánh lễ giải phóng thủ đô. Lúc tai biến, Cung thánh đã ba lần đón tiếp hàng trăm nhân vật của địa cầu trong năm 1970, 1974 và 1996 đến dự tang lễ của De Gaulle, Pompidou và Mitterand - ba vị tổng thống Cộng hòa. Văn hào Victor Hugo viết lại một câu để đời : bên cạnh những nét nhăn trên mặt nhà thờ người ta luôn thấy một vết sẹo. Vết sẹo lần này, không cách nào xóa được cho dù "Chúng ta sẽ xây lại nhà thờ" mà tổng thống Macron cam kết trong đêm xảy ra hỏa hoạn.

Trái tim thế giới trúng thương

Libération : Nhà Thờ Đức Bà của nhân dân. Trong vòng ít phút, tâm trạng xúc động lan khắp địa cầu. Thế giới như bị trúng tên vào giữa trái tim.

Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả khẳng định Nhà Thờ Đức Bà là cội rễ của Thiên Chúa Giáo lẫn Cộng Hòa là "bản sắc của dân Pháp" : Jeanne d’Arc, Henri 4, Louis 14, Napoleon, De Gaulle cho đến tu sĩ Pierre… cả một kho tàng ấn tượng, hình ảnh, ký ức, cảm xúc làm nên chất keo gắn bó với nước non, như mô tả của Jean Jaurès đã bị cháy. Nhưng, hy vọng là đây "sau ngọn lửa, các nhà hảo tâm chữa cháy", Libération chơi chữ. Trong vòng 24 giờ, tiền quyên góp tái xây dựng Nhà Thờ Đức Bà lên đến 700 triệu euro.

Nhưng không phải chỉ có các nhà tài phiệt hay đại công ty hảo tâm, một làn sóng liên đới lan khắp thế giới và khắp nước. Tại trụ sở Quỹ Bảo Tồn Di Sản Quốc Gia, chuông điện thoại reo không ngớt : buổi sáng nhận được 1,3 triệu euro, đến buổi chiều được 4 triệu. Le Figaro dành một trang tóm lược những lời chia buồn và bài tỏ tình liên đới trên khắp thế giới tái thiết nhà thờ. Nhật báo thiên hữu cảnh báo : đây là một công trình gian nan cho dù tổng thống Pháp cam kết sẽ hoàn tất trong vòng năm năm, trước Thế vận hội Paris 2024.

Làm cách nào ? Nhật báo Les Echos chú ý đến ngọn gió "tổng động viên tái thiết". Cùng quan điểm, La Croix thông báo nỗ lực chung phối hợp quỹ tư nhân và ngân sách nhưng cái khó không phải là có tiền là làm nhanh và làm gì cũng được. Kiểm điểm thiệt hại và bảo tồn cho được kiến trúc thời Trung Cổ là hai công trình mất nhiều thời gian. Một vấn đề nát óc khác mà Le Figaro, cũng như đồng nghiệp Le Monde nêu lên là "điều tra tìm nguyên nhân hỏa hoạn". 50 thanh tra được huy động.

Indonesia giữa hai mô hình xã hội

Thời sự Châu Á nổi bật với hai chủ đề : Trang quốc tế của Les Echos phân tích ý nghĩa cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia, quốc gia Đông Nam Á có dân số đông nhất khu vực và có tín đồ đạo Hồi đông nhất địa cầu.

Theo nhật báo kinh tế, với 260 triệu dân mỗi năm tăng thêm 2,5 triệu, cuộc bầu cử hôm nay, thể hiện nền dân chủ non trẻ đã bắt rễ tại Indonesia và lợi thế có vẻ nghiên về tổng thống mãn nhiệm.

Cử tri Indonesia có hai lựa chọn : hoặc tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo hoặc cựu tướng Prabowo Subianto, nguyên là rể của nhà độc tài Suharto.

Joko Widodo đại diện cho xu hướng đất nước tân tiến, trẻ trung. Tại quốc gia Hồi giáo mà ông táo bạo chủ trương nam nữ bình quyền. Về kinh tế, chiến lược phát triển đặt trên nền tảng kích thích kinh tế vĩ mô, kiến thiết hạ tầng cơ sở. Nhưng chiến lược này cần nhiều thời gian nên chưa mang lại kết quả thấy được sau năm năm nhiệm kỳ một. Hệ quả là tổng thống Joko Widodo đứng trước phán xét của người dân với thành tích nửa tốt nửa tồi, theo phân tích của một chuyên gia Pháp.

Ngoài khác biệt giữa hai cá nhân ứng cử viên, kẻ dân sự người quân sự, cử tri Indonesia còn đứng trước hai mô hình phát triển xã hội.

Đối thủ của Joko Widodo là cựu tướng biệt kích Prabowo Subianto, nay là một doanh nhân giàu có, tìm hậu thuẫn ở phe Hồi giáo bảo thủ. Ông thu hút cử tri qua lời hứa tận diệt nạn tham ô, tiết kiệm ngân sách và nhất là "rà soát lại" ảnh hưởng, thế lực của Trung Quốc tại quốc đảo.

Mẫu số chung duy nhất của hai ứng cử viên là tập trung vận động giới trẻ từ 18 đến 35, chiếm đến 40% lực lượng cử tri. Để trấn an cử tri theo đạo Hồi, tổng thống Joko Widodo chọn giáo sĩ Ma’ruf Amin, chủ tịch Hội Đồng Thần Học làm phó. Trong khi đó, đối thủ Prabowo Subianto chọn một doanh nhân trẻ đứng chung liên danh.

Trung Quốc : Nợ công, nợ tư

Nợ Trung Quốc đã quá tải, chính quyền không cứu không được mà ra tay cứu còn nguy hiểm hơn. Đó là thông tin báo động cũng trên trang quốc tế của Les Echos.

Xí nghiệp Trung Quốc nợ ngập đầu. Đó là nội dung bản báo cáo hàng năm của OCDE, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế. OCDE nhận thấy nợ doanh nghiệp Trung Quốc cao hơn nhiều so với bất cứ nước nào khác trên thế giới. Đây là một thử thách lớn nhất của một nền kinh tế đang bị suy yếu vì cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Các biện pháp đối phó của nhà nước như tăng ngân sách, đổ thêm tiền đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nới lỏng điều kiện cho vay có thể thúc đẩy được tỉ lệ tăng trưởng nhưng lại tạo ra thêm rủi ro nếu tiền không được sử dụng đúng chỗ, chỉ tạo thêm nợ chỗ này và bỏ rơi chỗ kia.

OCDE đương cử hai thí dụ điển hình : tập trung đổ vốn vào phi trường nhưng xao lãng giao thông và những nhu cầu thiết yếu của dân thành phố. OCDE cảnh báo Trung Quốc coi chừng tình trạng dân số già nua trong những năm tới sẽ gây ra nhiều vấn đề cho hệ thống an sinh xã hội. Nói cách khác, Trung Quốc đang đứng trước một ngã ba đường với nhiều thử thách nghiêm trọng với các yếu tố bất lợi trong cũng như ngoài nước.

Đừng lo cháu mất gốc

Ở trang Gia đình, La Croix đưa độc giả vào thế giới trẻ con với những khám phá mới bổ ích làm an tâm các ông bà nội ngoại có cháu đi xa. Xa mặt nhưng không cách lòng, trái lại là khác. Vì ở xa nên hai bên chỉ có chuyện vui trao đổi qua internet, khiến tình bà cháu, ông cháu ấm áp hơn. Theo giới tâm lý, trẻ con có khả năng thích nghi rất lớn. Khi theo cha mẹ định cư hay tạm cư ở một góc trời nào đó xa quê hương, đứa trẻ sẽ học hỏi thêm văn hóa phổ quát và đa dạng. Ông bà có thể yên tâm, đừng lo con cháu mất gốc.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)