Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/06/2019

Khủng hoảng vùng Vịnh : Mỹ gia tăng áp lực trên Iran

RFI tiếng Việt

Donald Trump tiếp tục dồn Iran vào chân tường ? (RFI, 29/06/2019)

Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này xin được điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong tháng Sáu này : Hoa Kỳ và Iran tăng cường đọ sức ; Hồng Kông nổi dậy chống dự luật dẫn độ ; Ba mươi năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn – khát vọng tự do tan vỡ và Tập Cận Bình thăm Bình Nhưỡng để khẳng định vị thế của Trung Quốc trong hồ sơ bán đảo Triều Tiên.

gulf1

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với phó tổng thống Mike Pence(P) và bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin tại Nhà Trắng ngày 24/06/2019, trước khi ký sắc lệnh trừng phạt lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran… MANDEL NGAN / AFP

Cuộc đọ sức giữa Mỹ với Iran bỗng nhiên trở nên gay gắt gần như là chủ đề thời sự quốc tế trọng tâm trong tháng Sáu này. Một năm sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt, cả chính quyền Tehran lẫn Washington bắt đầu mất kiên nhẫn và có những phản ứng.

Sau vài sự cố tấn công tầu chở dầu với cáo buộc Iran là thủ phạm, rồi những lời đe dọa tấn công quân sự từ phía Mỹ, căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong những ngày gần đây như được đẩy lên đỉnh điểm khi vào ngày 24/06/2019, Washington thông báo ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.

Đích nhắm mới lần này chính là lãnh đạo tinh thần tối cao, giáo chủ Ali Khamenei và 8 quan chức cao cấp thuộc lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa. Theo bộ Tài Chính Mỹ những người có liên quan sẽ bị phong tỏa hàng tỷ đô la ở nước ngoài.

Với đòn trừng phạt này, phải chăng Hoa Kỳ đang thật sự khép lại cánh cửa đối thoại ngoại giao với Iran như lời cáo buộc của chính quyền Tehran hay không ? Về điểm này, chuyên gia Benjamin Hautecouverture thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, trả lời câu hỏi của RFI ngày 25/06/2019 có những phân tích như sau :

"Quả thật chúng ta vẫn còn đang chứng kiến cảnh leo thang khẩu chiến và những tuyên bố gây ồn ào. Cánh cửa ngoại giao vẫn chưa khép, cả phía Mỹ lẫn phía Iran. Nhưng đây là một hình thức để Tehran chứng tỏ rằng họ không chấp nhận bị ép đối thoại bằng sức mạnh và với những đòn trừng phạt mới có mục tiêu mà tổng thống Mỹ đưa ra hôm thứ Hai 24/06.

Chúng ta cũng biết rõ là bước kế tiếp rất có thể sẽ là những tuyên bố của Iran trong những ngày sắp tới, rằng Iran đã thật sự vượt ngưỡng mà thỏa thuận hạt nhân ký hồi tháng 7/2015 cho phép, liên quan số lượng chất uranium được làm giàu ở mức 3,67% đang được cất trữ trong nước.

Thật ra thông báo này cũng từng được đưa ra hôm 20/05/2019 và được nhắc lại vào đầu tháng 6/2019. Do vậy, đây rất có thể sẽ là một lập luận mới của Tehran để chứng tỏ rằng họ không lùi bước trước sự áp đặt bằng vũ lực của Mỹ. Nhưng tôi cũng không tin rằng cánh cửa đối thoại ngoại giao đã khép lại".

Đúng như dự báo của chuyên gia Hautecouverture, ngày 27/06/2019, chính quyền Tehran thông báo tăng tốc chương trình làm giầu chất uranium. Trước đó một hôm, chủ nhân Nhà Trắng lại dọa mở một cuộc tấn công chớp nhoáng. Trong bối cảnh căng thẳng cao độ như thế và nhiều sự cố liên tiếp xảy ra trong khu vực, liệu rằng khẩu chiến có nguy cơ chuyển thành một cuộc chiến vũ trang thật sự hay không ? Một kịch bản mà ông Benjamin Hautecouverture cho là giờ có thể nhắm đến.

"Đây là một kịch bản lúc này có thể nghĩ đến. Tại sao ? Bởi vì, trên thực tế, tổng thống Mỹ để rất ít chỗ cho đối thoại. Khi bắt Iran phải khuất phục, ông đang cản trở việc trao cho họ một khả năng thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong danh dự. Do vậy, ông tiếp tục dồn Iran vào chân tường. Ông tiếp tục dồn họ vào một góc.

Chúng tôi có cảm giác là tổng thống Mỹ muốn đẩy họ đi đến chỗ phạm phải sai lầm. Và sai lầm đầu tiên mà trong một cách nào đó dường như đã xảy ra với vụ bắn hạ chiếc máy bay dọ thám. Hoa Kỳ tỏ vẻ phản ứng có chừng mực, nhưng khi làm như thế, họ đang tự cho mình một vai khá tốt. Vai nạn nhân chứ không phải vai kẻ gây hấn.

Nếu như có 2-3 sự cố như thế xảy ra, điều đó có thể sẽ tạo cớ cho phe diều hâu Mỹ để có thể mở một cuộc tấn công vũ trang chống Iran, những gì mà những người thân cận xung quanh tổng thống Mỹ mong muốn từ rất lâu.

Nhưng câu hỏi cần phải làm rõ : Liệu ông Donald Trump có chủ chiến hay không. Về điều này, quả thật là chưa chắc. Bởi vì như chúng ta đã thấy với Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ là một người tỏ ra thận trọng khi ở bên bờ miệng vực thẳm, cho dù là ông thích nhiều hình thức xung đột khác nhau".

Hồng Kông : Những ngày tháng Sáu sôi bỏng

Hồng Kông trong tháng Sáu này cũng nằm trong tâm điểm thời sự quốc tế. Vụ việc bắt đầu từ cuộc tuần hành của hàng ngàn luật sư chống dự luật dẫn độ hôm 06/06/2019. Sự kiện đã thu hút sự chú ý của công luận Hồng Kông vì hiếm khi nào giới luật gia rầm rộ xuống đường.

Những ngày sau đó, hàng triệu người dân đặc khu hành chính đã xuống đường phản đối mạnh mẽ dự luật dẫn độ bị cáo buộc là phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh. Trước áp lực của đường phố, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), lãnh đạo đặc khu buộc phải rút dự luật vô thời hạn.

Theo nhận định của ông Eric Florence, giám đốc Viện Nghiên Cứu Pháp về Trung Quốc đương đại, việc đình chỉ biểu quyết dự luật còn cho thấy khả năng lùi bước của Bắc Kinh trước áp lực của làn sóng phản đối từ người dân địa phương và quốc tế.

"Theo nhiều nguồn tin không chính thức và ẩn danh, dường như có một cuộc họp đã diễn ra ở Thâm Quyến, rất gần với biên giới Hồng Kông. Sau cuộc họp này, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã nhóm họp lại và đưa ra quyết định trên. Quả thật là đã có một vài phát biểu công khai ủng hộ dự luật dẫn độ, nhất là đến từ ông Hàn Chính (Han Zheng), phó thủ tướng đặc trách Hồng Kông và Macau. Đúng là có những phát biểu công khai như thế, tuy không nhiều lắm những cũng không kém phần quan trọng.

Quả thật là nếu như cuộc họp ở Thâm Quyến đã góp phần vào việc đưa ra quyết định trên, điều thú vị là có một sự phối hợp mạnh mẽ giữa địa phương và quốc tế, trong một bối cảnh căng thẳng quốc tế gay gắt như cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc, rồi Hoa Vi… Tóm lại là Trung Quốc bị công kích từ mọi phía, và do vậy điều này có thể cho thấy là Trung Quốc đang lùi bước trước các áp lực".

Thảm sát Thiên An Môn : Phương Tây đồng lõa ?

Tháng Sáu năm 2019 còn mang đậm dấu ấn kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989.

Ba mươi năm sau, chính quyền Bắc Kinh vẫn khẳng định là đã có một quyết định đúng đắn vào thời điểm đó. Nhưng với những người lãnh đạo phong trào sinh viên năm xưa, cuộc thảm sát đó đã làm tan vỡ mọi khát vọng tự do không chỉ đối với những thế hệ sinh viên năm xưa mà cả cho những lớp tuổi trẻ ngày nay.

Hơn bao giờ hết chế độ Trung Quốc ngày càng trở nên độc đoán. Ông Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu’er Kaixi), một trong những gương mặt đấu tranh năm xưa, trên đài RFI còn cáo buộc phương Tây đã tiếp sức cho Trung Quốc đi vào con đường độc tài này.

"Năm 1989 chúng tôi mang nhiều hy vọng, nhưng cuối cùng rồi sự việc lại kết thúc bằng một cuộc thảm sát. Ba mươi năm qua, tôi đã phải sống lưu vong, dù vậy tôi cũng không muốn mất hết hy vọng. Dẫu sao thì đối với giới trẻ Trung Quốc ngày nay, việc huy động để chiếm đóng một lần nữa quảng trường Thiên An Môn có lẽ sẽ còn cực kỳ khó khăn hơn, bởi vì cùng lúc chính phủ Trung Quốc đã trở thành một trong những chế độ chuyên chế nhất và tàn bạo nhất mà thế giới chưa từng biết đến.

Về phần tôi, tôi lên án thế giới và nhất là phương Tây đã giúp đỡ Trung Quốc trở thành một chế độ như thế. Rồi giờ đây người ta có thể đặt câu hỏi liệu người dân Trung Quốc có sẽ nổi dậy một lần nữa hay không nhưng đồng thời cũng biết rằng điều đó sẽ còn khó hơn rất nhiều. Phương Tây cũng có một phần trách nhiệm và sẽ phải thúc đẩy Trung Quốc theo hướng dân chủ.

Bởi vì, 30 năm qua, cộng đồng quốc tế đã đối xử với Trung Quốc như thể đó là một chính phủ có trách nhiệm. Ở thời kỳ đó, họ đã từng tin rằng đối thủ của chúng tôi, Nhà nước, sẽ quyết định đi theo con đường đúng đắn, chúng tôi rất muốn tin điều đó. Nhưng bất hạnh thay, chế độ đã chọn điều tệ hại nhất trong số các giải pháp cho Trung Quốc. Ngày nay cả thế giới đã thấy hậu quả của điều đã xảy ra".

Thăm Bình Nhưỡng : Tập Cận Bình khẳng định vai trò của Trung Quốc

Một sự kiện khác cũng thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia. Trong hai ngày 20 – 21/06/2019 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tại Bình Nhưỡng. Đây là chuyến thăm Bắc Triều Tiên đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc từ 14 năm qua.

Cuộc gặp này giữa hai nguyên thủ có tầm quan trọng cho cả đôi bên nhằm thắt chặt lại mối quan hệ đã bị đứt đoạn từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền. Kim Jong-un và Tập Cận Bình trao đổi những gì ? Nội dung cuộc gặp không được tiết lộ. Nhưng theo nhận xét của thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul, với chuyến đi này, Tập Cận Bình muốn gởi đến nguyên thủ Mỹ một thông điệp : Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu trong hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

"Không một thông báo thỏa thuận nào tức thì, cũng không có một cam kết phi hạt nhân hóa nào cả, nhưng những lời lẽ tuyên bố hùng hồn về tình hữu nghị và ủng hộ : Tập Cận Bình và Kim Jong-un đã thể hiện sự gần gũi và đoàn kết của mối quan hệ đồng minh của họ, sau vài năm quan hệ căng thẳng… Và đó chính là thông điệp chính của cuộc gặp này.

Tập Cận Bình muốn chứng tỏ vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông có lẽ sẽ chuyển kết quả cuộc thảo luận này với tổng thống Mỹ Donald Trump trong nay mai, bên lề cuộc gặp thượng đỉnh G20 ở Osaka. Theo Tân Hoa Xã, dường như chủ tịch Trung Quốc có nhiều lần đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa.

Về phần mình, Kim Jong-un tố cáo Hoa Kỳ - mà nêu đích danh – đã không ʺđáp trả tích cựcʺ về ʺnhững nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳngʺ.

Nếu như không chắc gì trong trước mắt đạt được việc giảm nhẹ trừng phạt hay hợp tác, nhưng lãnh đạo Bắc Triều Tiên dẫu sao cũng đã thành công ở một điểm chủ chốt : trong bối cảnh căng thẳng ngày càng lớn với Hoa Kỳ, ông đã chứng minh cho người dân và những thành viên có thế lực biết rằng ông ấy có thể trông cậy vào sự ủng hộ của người "Anh Cả" Trung Quốc".

Minh Anh

*******************

Hội nghị khẩn về hạt nhân Iran : Tehran cho nỗ lực của Châu Âu chưa đủ (RFI, 29/06/2019)

Hôm 28/06/2019, 5 nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, có cuộc họp khẩn với đại diện Tehran tại Vienna. Sau buổi họp, Tehran tuyên bố các tiến bộ vừa đạt được là chưa đủ để cứu vãn thỏa thuận.

gulf2

Đại diện Iran Abbas Araghchi (thứ hai phải qua) và đại diện ngoại giao Châu Âu Helga Schmid (hai trái qua), Vienna, 28/06/2019. ALEX HALADA / AFP

Theo Reuters, đại diện của chính quyền Iran và đại diện ngành ngoại giao Châu Âu, Helga Schmid, thông báo cơ chế Instex của Châu Âu giúp Iran lách trừng phạt Mỹ đã chính thức đi vào hoạt động.

Cơ chế Instex (tên viết tắt của Instrument in Support of Trade Exchanges), theo sáng kiến của Pháp, Anh và Đức, đề xuất hồi tháng 1/2019, cho phép trao đổi thương mại với Iran không thông qua đồng đô la Mỹ. Cơ quan đối ngoại Liên Âu ra thông báo, cho biết tất cả các thành viên Liên Âu đều có thể tham gia vào cơ chế này. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao cũng khẳng định cơ chế Instex chỉ phục vụ cho việc trao đổi với khối lượng nhỏ đối với các hàng hóa như dược phẩm, chứ không thể dùng để thanh toán việc mua dầu của Iran với khối lượng lớn.

Về phía Hoa Kỳ, cũng ngày hôm qua, đặc sứ Mỹ về Iran Brian Hook, trong chuyến công du Anh, nhắc lại là các doanh nghiệp Châu Âu chỉ có thể lựa chọn, hoặc làm ăn với Mỹ, hoặc với Iran.

Sau cuộc họp, đại diện Iran, thứ trưởng ngoại giao Abbas Araqchi, một mặt thừa nhận đã có một số tiến bộ trong việc hỗ trợ Iran vượt qua các hậu quả của trừng phạt Mỹ, nhưng điều này là "không đủ". Ông Abbas Araqchi nhấn mạnh là để cơ chế Instex có hiệu quả với Iran, các nước Châu Âu phải mua dầu của Iran. Nhà ngoại giao này cảnh báo, trong khi chờ đợi phía Châu Âu nỗ lực hơn, Tehran sẽ tiếp tục tiến trình rút từ từ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.

Đầu tháng 5, Iran ra tối hậu thư sẽ rút khỏi nhiều cam kết quan trọng trong thỏa thuận 2015, kể từ ngày 7/7/2019, nếu không được Châu Âu hậu thuẫn. Trên thực tế, chính quyền Tehran cũng tỏ ra thận trọng khi rút khỏi các cam kết của thỏa thuận 2015. Bởi một khi Iran từ bỏ các cam kết, các nước Châu Âu có thể tái áp đặt các trừng phạt.

Chính quyền Iran từng tuyên bố sẽ không tuân thủ quy định không vượt quá 300 kg uranium dự trữ, kể từ ngày 27/06. Tuy nhiên, đúng vào ngày này, đã không có gì thay đổi. Một giới chức Iran cho biết lượng dự trữ uranium của Tehran hiện vẫn dưới trần cho phép là 2,8 kg.

RFI tiếng Việt

******************

Mỹ triển khai tiêm kích F-22 đến Qatar để răn đe Iran (RFI, 29/06/2019)

Quân đội Mỹ lần đầu tiên cho triển khai những chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor đến căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar. Lầu Năm Góc đã loan báo tin trên ngày 28/06/2019. Sự kiện này góp phần nhằm tăng cường sự hiện diện và sức răn đe của Mỹ trước những căng thẳng với Iran.

gulf3

Hai chiến đấu cơ F-22 Raptor trên bầu trời Syria ngày 07/08/2017. Ảnh minh họaU.S. Air Force photo by Staff Sgt. Trevor T. McBride

Theo Không Quân Mỹ cho biết, có khoảng 10 chiếc tiêm kích F-22 được triển khai đến Qatar nhằm bảo vệ lực lượng quân sự và quyền lợi của Mỹ.

Loại chiến đấu cơ F-22 được trang bị tên lửa không đối không và có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Trước đây, F-22 từng được điều đến căn cứ Al Dhafra ở Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tham gia chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào các thành phần khủng bố ở Irak và Syria, trước khi được thay thế bằng các chiến đấu cơ F-15C vào năm 2018.

Việc điều động F-22 đến Qatar nằm trong một loạt động thái tăng cường lực lượng quân sự Mỹ đến khu vực trong bối cảnh quan hệ càng lúc càng căng thẳng với Iran.

Tháng 5/2019, Lầu Năm Góc đã triển khai các máy bay ném bom B-52 đến khu vực. Siêu pháo đài bay của Mỹ đã nhiều lần bay tuần tra qua khu vực vùng Vịnh, bên cạnh chiến đấu cơ F-15C và F-35.

Cũng trong tháng 5, nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln cũng được đưa tới khu vực Trung Cận Đông.

Gần đây Mỹ cũng gửi thêm 1.000 binh sĩ tới khu vực này sau khi chính quyền Mỹ tố cáo Iran thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 553 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)